Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thứ Ba tới, tất cả các bạn sẽ đi bầu cử, sẽ đứng đó, ở chỗ bầu cử và ra quyết định. Tôi nghĩ, khi đưa ra quyết định ấy, có lẽ sẽ tốt hơn nếu các bạn tự vấn lại xem cuộc sống của mình có khấm khá hơn bốn năm trước không?

— Ronald Reagan

Tôi viết cuốn sách này vì ngay lúc này đây, đất nước tôi yêu đang trải qua một thảm họa kinh tế toàn diện.

Khi tôi bắt đầu cầm bút viết cuốn sách này, nợ của chúng ta là 15 nghìn tỷ. Giờ thì khoản nợ này đã vượt qua con số 18 nghìn tỷ, và không bao lâu nữa sẽ cán mức 20 nghìn tỷ. Để tôi giúp bạn đả thông con số này nhé. Nếu nhờ phép màu nào đó, các vị gọi là lãnh đạo ở Washington kia tìm ra cách mỗi ngày tiết kiệm được 1 tỷ đô-la tiền thuế, thì chúng ta vẫn phải mất 38 năm mới trả dứt nợ. Đó là chưa nói đến tiền lãi.

Chúng ta chẳng có 38 năm để xoay chuyển tình thế này. Như tôi thấy, ta chỉ có bốn hoặc cùng lắm là tám năm mà thôi.

Trong hoạt động kinh doanh, ngày nào tôi cũng thấy nước Mỹ bị cắt cổ và ngược đãi. Chúng ta đã và đang trở thành một trò hề, một kẻ chịu tội thay cho toàn thế giới, bị đổ lỗi tất thảy mọi thứ, chẳng được công nhận công trạng và cũng chẳng nhận được sự tôn trọng nào. Bạn có thể nhìn thấy và cảm nhận thấy điều đó quanh mình, và tôi cũng vậy.

Lấy một ví dụ, Trung Quốc đang mắc nợ ta hàng trăm tỷ đô-la bằng cách thao túng và giảm giá trị đồng tiền của họ. Dù Washington nói năng vui vẻ thế nào thì giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không phải là bạn. Tôi từng bị lên án vì dám gọi họ là “kẻ thù” của nước Mỹ. Song, liệu bạn có thể gọi những kẻ đang hủy hoại tương lai con cháu mình bằng từ nào khác? Bạn muốn tôi dùng cái mỹ từ nào cho những người đang ra sức đẩy đất nước ta vào nguy cơ phá sản, cướp việc làm của ta, do thám hòng ăn cắp công nghệ của ta, và hủy hoại lối sống của ta đây? Đối với tôi, đó chính là kẻ thù. Nếu muốn phục hồi vị trí số 1 cho nước Mỹ, chúng ta cần phải có một tổng thống biết cách cứng rắn với Trung Quốc, biết cách đàm phán thắng Trung Quốc, và biết làm thế nào để bọn họ đừng giở trò lừa gạt ta hết lần này đến lần khác.

Rồi cả vụ khủng hoảng dầu mỏ nữa. Cái ý kiến 85 đô-la cho một thùng dầu từng là điều không tưởng. Vậy mà giờ đây, OPEC đang ngồi ngáp vặt trước con số này, rồi kích giá lên cao hơn nữa, và cười ha hả trên đường đến ngân hàng. Kết quả là: Bạn và gia đình phải trả 3 đô-la/ga-lông(1), 4 đô-la/ga-lông, 5 đô-la/ga-lông và giá cứ ngày càng vọt cao. Nhưng xin lỗi nhé, OPEC – 12 gã đang ngồi quanh bàn tròn ấy – thậm chí còn chẳng thể tồn tại trên đời nếu không nhờ nước Mỹ giải cứu và bảo vệ các quốc gia Trung Đông! Tổng thống của ta ở đâu trong toàn bộ chuyện này? Trách nhiệm giải trình ở đâu? Vai trò lãnh đạo điều hành có nghĩa lý gì khi mà nhà điều hành của ta yếu kém và không dẫn dắt được gì? Có lời biện hộ nào cho một vị tổng thống mà để đáp lại cuộc khủng hoảng dầu khí thì không phải bằng sự cứng rắn với OPEC, không phải bằng việc để các công ty dầu khí nội địa của ta tự do làm phần việc của họ và khoan dầu, mà là xả quỹ dự trữ [dầu mỏ] chiến lược? Đấy không phải là lãnh đạo, mà là từ bỏ quyền lãnh đạo.

Bất kể thế nào, dầu mỏ vẫn là trục quay của các nền kinh tế thế giới. Mọi sự là thế đấy. Khi giá dầu tăng, giá của gần như tất cả mọi thứ cũng tăng theo. Hãy nghĩ thử mà xem. Bạn đi mua một ổ bánh mì. Làm sao ổ bánh mì ấy đến được tiệm bánh? Cái gì làm cho xe chở bánh mì chạy được? Nông dân dùng thiết bị gì để gặt ngũ cốc? Thiết bị và xe cộ không tự cung cấp nhiên liệu cho chúng được. Chúng cần dầu. Và khi giá của nhà sản xuất tăng, chúng đẩy chi phí này cho bạn dưới hình thức giá cao hơn. Tôi may mắn được học ở trường kinh doanh tốt nhất thế giới, Trường Kinh doanh Wharton. Song, bạn chẳng cần phải có một tấm bằng kinh doanh ở một trường danh giá thì mới nhận ra chuyện gì đang xảy ra ở đây. Đó chỉ là phép toán cơ bản.

Bạn có biết hiện nay cứ bảy người Mỹ thì có một người phải xài phiếu thực phẩm không? Hãy nghĩ về chuyện này đi. Ở Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, quốc gia thịnh vượng nhất trong lịch sử văn minh nhân loại, người dân đang phải chịu đói chịu khát. Tháng 3 năm 2011, chúng ta đã phải chứng kiến giá thực phẩm tăng vọt chưa từng thấy trong gần bốn thập niên. Kết hợp việc này với chi phí năng lượng tăng vùn vụt, tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai con số, sự tiêu xài hoang phí của chính phủ, sự sáp nhập hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính quyền liên bang, thì kết quả trở nên rõ ràng đến đau đớn – chúng ta đang cắm đầu vào thảm họa kinh tế. Nếu chúng ta cứ đi con đường này thì nước Mỹ mà chúng ta để lại cho các con, các cháu mình sẽ không còn là nước Mỹ mà chúng ta từng được ban phước sống trong đó. Giấc mơ Mỹ sẽ bị cầm cố. Thành phố tỏa sáng trên đồi sẽ ngày càng giống như khu đổ nát nội ô. Sẽ không còn bình minh ở Mỹ, như lời của Tổng thống Reagan nữa. Đồng đô-la sẽ rớt giá giống như đồng tiền quốc tế của thế giới. Nền kinh tế của ta sẽ lại sụp đổ lần nữa (đây là điều tôi tin có nguy cơ và rủi ro thật sự: Một cuộc suy thoái kép có thể biến thành một cuộc đại suy thoái). Và Trung Quốc sẽ thế chân Mỹ ở vị trí cường quốc kinh tế số 1 thế giới.

Tuy nhiên, mọi việc không nhất thiết phải đi theo hướng này. Nếu chúng ta cứng rắn và đưa ra những lựa chọn kiên quyết, một lần nữa ta có thể biến nước Mỹ trở thành một quốc gia giàu mạnh – và được trọng nể. Một vị tổng thống thực thụ có thể biến nước Mỹ thành tiền bằng cách thương thảo những thỏa thuận lớn. Không phải lúc nào chúng ta cũng nghĩ đến tổng thống ở góc độ công việc và nhà đàm phán kinh doanh, nhưng thực tế là vậy. Các tổng thống là những trưởng đoàn đàm phán. Thế nhưng, kết quả của một cuộc đàm phán chỉ hiệu quả khi người tiến hành thương thảo nó hiệu quả. Theo hiến pháp, tổng thống là tổng tư lệnh, người bổ nhiệm các thẩm phán và có thể phủ quyết hoặc ký các dự luật. Thế thời gian còn lại, tổng thống làm gì? Tôi có thể nói cho bạn biết một công việc quan trọng (của tổng thống): Ông ta là nhà thương thuyết và đàm phán tối cao của Mỹ. Ông ta phải đàm phán với các quốc gia khác để có được những thỏa thuận bảo vệ và có lợi cho chúng ta. Bổn phận của tổng thống là tạo ra một môi trường mà các thị trường tự do và công bằng có thể phát triển phồn thịnh, các việc làm trong khối tư nhân có thể được tạo ra và nền kinh tế của ta có thể phát triển nhanh chóng. Nếu họ thương thuyết quyết liệt và thỏa thuận đúng, nước Mỹ sẽ thắng. Nếu họ hèn nhát rút chạy và thỏa thuận sai, bạn và con cái bạn sẽ phải trả giá.

Giờ hãy thử xem những thỏa thuận bợt bạt mà Tổng thống Obama đã thực hiện. Tôi là người ủng hộ mậu dịch tự do và công bằng. Xét cho cùng, tôi làm kinh doanh khắp thế giới. Song, hãy nhìn vào thỏa thuận mà Tổng thống Obama đã ký kết với Hàn Quốc. Khó mà tin nổi có ai lại đi ký một điều như thế. Về lý thuyết, thỏa thuận được cho là sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc. Nhưng trên thực tế, thỏa thuận đã ký gần như chẳng giúp được gì để san bằng sự mất cân bằng mậu dịch, thậm chí nó sẽ làm xói mòn hơn nữa ngành công nghiệp chế tạo Mỹ, xóa sổ thêm nhiều việc làm Mỹ, và xóa sạch các khoản thuế quan mà Hàn Quốc hiện đang phải trả cho ta để bán hàng của họ ở Mỹ. Tại sao Tổng thống Obama lại đồng ý với những điều khoản ấy, nhất là khi chúng ta nắm hết mọi quân bài trong tay? Người Hàn Quốc thích quân đội ta bảo vệ họ trước Bắc Triều Tiên. Nhưng họ không cần ta làm công việc nhem nhuốc của họ – lực lượng quân sự Hàn Quốc có khoảng 600.000 đến 700.000 người. Thế mà cho đến nay ta vẫn có 28.500 lính Mỹ ở Hàn Quốc. Tại sao lại vậy?

Ngay cả khi bạn nghĩ việc ta đóng quân ở Hàn Quốc là một ý hay, thì tại sao Hàn Quốc không thanh toán toàn bộ hóa đơn cho việc ta bảo vệ họ? (Hiện thời, họ chỉ trả một phần chi phí mà thôi). Hơn nữa, tại sao tổng thống của ta lại ký dự luật thương mại mà Hàn Quốc muốn ông ta ký, thay vì một dự luật mang lại cho ta lợi thế tối đa? Người đàn ông này có thể là “một nhà tổ chức cộng đồng” giỏi nhưng lại là một nhà đàm phán quốc tế kém cỏi. Điều này chẳng có gì bất ngờ – cả đời ông ấy chưa từng tạo dựng hay điều hành một hoạt động kinh doanh nào.

Hãy nhìn vào Trung Quốc. Cứ một người Mỹ thì lại có bốn người Trung Quốc. Trung Quốc có dân số hùng hậu, với sức mạnh kinh tế cực lớn và ngày càng tăng. Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chúng ta đang tạo ra sự thịnh vượng cho Trung Quốc bằng việc mua toàn bộ sản phẩm của họ, dù chúng ta làm ra được những sản phẩm tốt hơn ở Mỹ. Tôi biết chứ. Tôi mua rất nhiều sản phẩm. Cửa sổ này, tường khô này, hay bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ đến, tôi mua chúng hàng xe tải. Tôi mua đồ Mỹ bất kỳ khi nào có thể. Tiếc thay, rất nhiều khi các doanh nghiệp Mỹ không thể mua sản phẩm Mỹ, vì với trò phá giá đồng tiền của Trung Quốc, các nhà sản xuất Mỹ không thể cạnh tranh nổi về giá. Nếu Trung Quốc không bày trò với đồng tiền của họ, và chúng ta được chơi trên một sân chơi kinh tế bình đẳng, thì chúng ta có thể dễ dàng cạnh tranh thắng Trung Quốc. Nhưng, người Trung Quốc gian lận bằng trò thao túng tiền tệ và gián điệp công nghiệp – còn vị được cho là tổng tư lệnh của ta để mặc họ gian lận. Toàn bộ việc này là một vụ bê bối, nó bất công với các công nhân và các doanh nghiệp của ta. Mỹ chẳng thể nào giàu có trở lại nếu cứ tiếp tục đi con đường này.

Vậy mà sau toàn bộ chuyện như thế, tháng 1 năm 2011, Tổng thống Barack Obama lại chào đón Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Nhà Trắng. Thậm chí, Tổng thống Obama còn thể hiện sự tôn kính vị lãnh đạo này bằng Quốc tiệc chính thức. Nền kinh tế Trung Quốc đang hưởng mức tăng trưởng hai con số trên thiệt hại của ta, trong khi đất nước đó phỉnh phờ ta với mỗi lần thay đổi giá trị đồng tiền của họ, là nguy cơ gián điệp thương mại lớn nhất mà ta phải đối mặt, và phản ứng của Obama là trải thảm đỏ? Tổng thống Obama đã hợp thức hóa cho Trung Quốc trên sân khấu thế giới. Vậy ông ta được lợi gì khi làm như thế? Các thỏa thuận xuất khẩu tăng lên đến con số là 45 tỷ đô-la. Đội ngũ của tổng thống lập tức tung hô ông ấy thành một nhà thương thuyết bậc thầy. Năm 2009, thâm hụt thương mại của ta với Trung Quốc là gần 230 tỷ đô-la. Năm ngoái (2014), con số này vượt quá 340 tỷ. Cái con số 45 tỷ đô-la trong các hợp đồng thương mại với Trung Quốc là một điều đáng buồn. Tôi tin danh dự của Mỹ không phải là thứ để bán. Chúng ta không cần van cầu một vài hợp đồng cỏn con. Thay vào đó, một tổng tư lệnh chân chính cần phải ngồi xuống với người Trung Quốc và đòi hỏi một thỏa thuận thực tế, một thỏa thuận tốt hơn rất nhiều. Hoặc Trung Quốc phải chơi theo luật hoặc ta sẽ đập thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Hết chuyện. Nhân tiện cũng xin nói thêm, năm nay (2015), thâm hụt thương mại của ta với Trung Quốc sẽ vượt 350 tỷ đô-la – và họ đang cười vào mặt ta.

Tôi yêu nước Mỹ. Và khi bạn yêu điều gì đó, bạn sẽ hết lòng bảo vệ nó – thậm chí bằng một cách hung hãn. Chúng ta là đất nước vĩ đại trên thế giới. Tôi không biện hộ gì cho đất nước này, tôi tự hào về nó, tôi khao khát được nhìn thấy chúng ta sẽ hùng mạnh và giàu có trở lại. Xét cho cùng, sự thịnh vượng là nền tảng cho tự do. Thế nhưng, chúng ta đã bị các quốc gia khác vờn vẩy, lợi dụng, và nhận được sự phục vụ tồi tàn từ các chính khách ở Washington, những người đang đo đếm thành công qua tốc độ gia tăng nợ liên bang, và gánh nặng thuế của các bạn bằng những chương trình chính phủ mà họ yêu thích.

Nước Mỹ có thể làm tốt hơn. Tôi nghĩ ta xứng đáng với điều tốt đẹp nhất. Đó là lý do tại sao tôi quyết định viết cuốn sách này. Các quyết định ta đang đối mặt quá lớn lao, quá nhiều hệ lụy khiến ta không thể bỏ mặc. Tôi có những câu trả lời cho các vấn đề mà ta đang đối mặt. Tôi biết cách làm cho nước Mỹ giàu có trở lại. Tôi đã xây dựng các doanh nghiệp trên khắp toàn cầu: Tôi đã làm việc với các lãnh đạo nước ngoài. Tôi đã tạo ra 10.000 việc làm cho người Mỹ. Toàn bộ đời tôi gần như là xử lý các thỏa thuận và làm ra tiền thật – rất rất nhiều tiền. Đó là việc tôi làm để sống: Biến những điều lớn lao thành hiện thực, và hiện tôi đáng giá hơn 10 tỷ đô-la.

Khôi phục sự thịnh vượng của nước Mỹ đòi hỏi ta phải cứng rắn. Vị tổng thống kế tiếp phải hiểu rằng công việc của Mỹ là kinh doanh. Ta cần một vị tổng thống biết cách hoàn thành công việc, người có thể giữ cho nước Mỹ vững mạnh, an toàn và tự do, người có thể thương thuyết các thỏa thuận có lợi cho nước Mỹ, chứ không phải cho các quốc gia phía bên kia bàn đàm phán. Tổng thống không “tạo ra” việc làm, chỉ có các doanh nghiệp mới làm được điều đó. Nhưng tổng thống có thể giúp tạo ra một môi trường cho phép tất cả chúng ta – các nghiệp chủ, thương nhân nhỏ, thương nhân lớn – làm cho nước Mỹ trở nên giàu có.

Sự tổn hại mà các thành viên Đảng Dân chủ, các thành viên yếu kém của Đảng Cộng hòa, và thảm họa chính sách đã và đang gây ra cho nước Mỹ đặt ta vào một đống lộn xộn mà ta chưa từng thấy trong đời. Để khắc phục vấn đề này, ta phải khôn khéo và cứng rắn lên. Không còn thời gian để lãng phí nữa. Song vẫn có lý do để lạc quan. Vì chúng ta là người Mỹ. Chúng ta có tiềm năng, chúng ta chỉ cần sự lãnh đạo đúng đắn. HÃY KHÔI PHỤC SỰ VĨ ĐẠI CỦA NƯỚC MỸ!

Bình luận
720
× sticky