Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn Để Khôi Phục Sự Vĩ Đại Của Nước Mỹ

Chương 10. Nước Mỹ Mà Con Cháu Chúng Ta Xứng Đáng Được Hưởng

Tác giả: Donald Trump

Ở thế hệ nào, tự do cũng đứng trước nguy cơ bị dập tắt. Chúng ta không truyền lại nó cho con cháu mình qua dòng máu. Chúng ta phải đấu tranh, bảo vệ và giao nó lại cho con cháu để chúng làm điều tương tự.

— Tổng thống Ronald Reagan

Barack Obama đã làm một việc không thể tin nổi là làm lu mờ tương lai của con cháu chúng ta.

Ông ta đã đặt con cháu chúng ta ngồi trên khoản nợ lớn hơn nhiều số nợ mà chúng ta đã tích lũy trong lịch sử 230 năm của nước Mỹ. Ông ta đã cho phép Trung Quốc đánh cắp tương lai kinh tế của chúng ta thông qua việc thao túng tiền tệ và ăn trộm bí mật công nghệ cũng như quân sự của ta. Ông ta đã không đứng lên chống lại những kẻ ăn cướp dầu Trung Đông OPEC, những kẻ nghĩ rằng bọn họ có thể bắt ta làm con tin thông qua mức giá cao tại trạm. Ông ta đã giáng Obamacare lên các doanh nghiệp nhỏ và chặn đứng quá trình tạo việc làm cũng như tuyển dụng.

Và ông ta đã tạo ra một môi trường kinh tế trong đó người trẻ tốt nghiệp đại học phải đối mặt với một tương lại bất định đến không ngờ. Năm 2008, 90% sinh viên tốt nghiệp đại học tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, dưới bàn tay của nhà tổ chức cộng đồng này, 83% sinh viên tốt nghiệp đại học cho biết họ không có việc làm nào trong tầm tay cho đến tháng 4 năm 2014, mặc dù 72,7% cho biết họ đang chủ động tìm kiếm việc làm.

Tôi yêu nước Mỹ. Tôi đau buồn trước những gì mắt mình nhìn thấy đang xảy ra trên đất nước chúng ta. Obama là một thí nghiệm cánh tả thất bại và đi chệch hướng kinh khủng khiếp, và ai cũng biết điều đó. Ngay cả những người bạn của tôi đã bỏ phiếu cho ông ta cũng thừa nhận riêng rằng đó là một nỗi thất vọng to lớn. Chúng ta không đủ sức bỏ ra thêm bốn năm nữa chịu đựng đống lộn xộn này. Tương lai của con em chúng ta đang nguy nan − và chúng ta phải làm những việc cần làm vì chúng. Chúng ta phải cứng rắn để đất nước của chúng ta có thể vĩ đại trở lại.

Chúng ta phải cứng rắn với OPEC. Những kẻ trộm dầu này đã lừa gạt chúng ta hết năm này sang năm khác. Chúng ta không có người lãnh đạo nào ở Washington sẵn sàng đứng lên chống lại họ và đặt dấu chấm hết cho chuyện này. Chúng ta đã đổ hàng tỷ đô-la và bỏ hàng ngàn sinh mạng ở Iraq và giờ là Libya, và chẳng nhận lại được gì ngoài sự thiếu tôn trọng và vô ơn. Chuyện này phải chấm dứt. Ngay bây giờ. Tôi nói chúng ta lấy dầu. Không hỗ trợ quân sự miễn phí nữa. Hoặc là các anh trả tiền chúng tôi để chúng tôi bảo vệ các anh, hoặc là chúng tôi lấy dầu. Việc đó công bằng và khôn ngoan, đây có lẽ là lý do tại sao các chính trị gia ở Washington không triển khai nó.

Chúng ta phải cứng rắn với Trung Quốc. Cứ mỗi một đứa trẻ Mỹ lại có đến bốn đứa trẻ Trung Quốc. Trung Quốc đang ra ngoài cướp lấy công ăn việc làm của con cháu chúng ta, và cho đến nay họ đã làm việc đó trên quy mô lớn. Họ đã thao túng đồng tiền nước mình với một mức độ không thể tin nổi đến độ họ đã phá hoại ngành chế tạo của ta. Đã đến lúc hồi sinh ngành chế tạo Mỹ. Việc cuối cùng Mỹ cũng làm những gì mà tôi nói suốt hơn một năm qua và cứng rắn với trò thao túng đồng tiền của Trung Quốc có tính khích lệ. Tổng thống sẽ ký biện pháp đó thành luật và có hiệu quả ngay lập tức. Mậu dịch không công bằng là mậu dịch không tự do. Trung Quốc đã lừa dối và giành được hơn 300 tỷ đô-la mỗi năm. Chuyện này không thể tiếp diễn thêm nữa. Họ phải chơi theo nguyên tắc hoặc phải trả giá. Có thế thôi.

Đã đến lúc các lãnh đạo của ta ở Washington phải tỉnh ngộ và nhận ra rằng việc củng cố năng lực quân sự trên diện rộng của Trung Quốc đang sản xuất ra những món vũ khí với cái tên của chúng ta. Con cháu chúng ta sẽ là những người phải đối mặt với người Trung Quốc trong những năm tới. Nếu chúng ta không cứng rắn và đặt dấu chấm hết cho kiểu ăn cắp lan tràn các bí mật quân sự và công nghệ của mình, chúng ta sẽ đẩy thế hệ tiếp theo của người Mỹ vào cảnh khổ sở. Những người vờ rằng Trung Quốc là bạn ta là những kẻ ngây ngô, kém cỏi, hoặc cả hai. Ta có thể dễ dàng kiềm chế Trung Quốc − chúng ta là khách hàng lớn nhất của họ. Tất cả những gì chúng ta cần là một vị tổng thống sẵn lòng đứng lên chứ không phải cúi đầu trước Trung Quốc.

Tôi tin rằng chúng ta đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trên con đường của nước Mỹ. Tôi luôn nói rằng kỳ bầu cử tới sẽ là “kỳ bầu cử quan trọng nhất” trong đời chúng ta. Nợ quốc gia của ta đang là 18.000 tỷ đô-la. Như tôi đã cảnh báo, Obama sẽ tiếp tục chi tiêu không suy nghĩ khiến chúng ta phá sản. Hãy cứ tưởng tượng nếu chúng ta tiếp tục có những nhà lãnh đạo không hiểu khu vực tư nhân và chưa bao giờ tạo việc làm.

Mỹ – đất nước hiếm có.

Nhưng có lẽ điều tôi thấy đáng than phiền hơn cả về Obama là quan điểm của ông ta cho rằng chẳng có gì đặc biệt hay hiếm có ở nước Mỹ − rằng chúng ta không khác gì một nước nào khác. Đất nước chúng ta là lực lượng tự do lớn nhất được biết tới trên thế giới. Chúng ta có những trái tim quả cảm, có những bộ óc lớn và có sự can trường lớn lao − và chúng ta sử dụng cả ba điều đó. Trong quá khứ, hệ thống tư bản chủ nghĩa thị trường tự do của chúng ta đã tạo ra nhiều của cải và sự thịnh vượng hơn bất kỳ nền kinh tế có chính phủ kiểm soát nào có thể mơ đến. Vì sự giàu có đó, chúng ta cũng làm từ thiện nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, gấp hai lần quốc gia hào phóng thứ hai sau ta.

Obama nghĩ rằng nước Mỹ sẽ khấm khá hơn nếu chúng ta hành động như những nước xã hội chủ nghĩa châu Âu – nhiều nước trong số đó đang rơi tự do về kinh tế. Tôi thì nghĩ rằng chúng ta sẽ khấm khá hơn nếu chúng ta vứt bỏ thí nghiệm của nhà tổ chức cộng đồng này và trở lại là nước Mỹ vốn có kể từ thời các vị Quốc Phụ mạo hiểm sinh mạng để kiến tạo đất nước chúng ta.

Năm 2012, đất nước chúng ta cần gửi tới Barack Obama thông điệp. Chúng ta cần nói to và rõ ràng rằng: Ngài Tổng thống, chúng tôi không quan tâm đến tầm nhìn quốc gia lý tưởng “chuyển đổi nước Mỹ về cơ bản” của ông. Chúng tôi ưa thích tầm nhìn mà các vị Quốc Phụ và Hiến pháp đã tạo ra. Nếu đó là những gì ông muốn nói đến khi nói “hy vọng và đổi thay”, ông có thể tiếp tục thay đổi. Chúng tôi không quan tâm.

Chúng ta cần một nhà lãnh đạo sẽ cứng rắn, khôn ngoan và đưa nước Mỹ hoạt động trở lại. Tôi tin rằng nước Mỹ là nơi đáng để đấu tranh. Tôi tin nước Mỹ chẳng có gì phải xin lỗi. Tôi tin nước Mỹ có thể trở lại vĩ đại như trước. Nhưng chúng ta cần một nhà lãnh đạo cứng rắn cho những thời điểm khó khăn − một người không sợ làm những việc khó nhằn. Chúng ta phải tìm thấy và bầu chọn cho nhà lãnh đạo đó để con cháu chúng ta sẽ được thừa hưởng nước Mỹ an toàn và tự do như nước Mỹ mà chúng ta lớn lên.

Cái giá của thất bại là quá lớn − chúng ta phải thành công. Số phận của tự do phụ thuộc vào nó.

Chúng ta phải cứng rắn với quan điểm rằng chính phủ là giải pháp cho mọi vấn đề. Không phải như vậy. Như Tổng thống Reagan đã nói: “Chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta. Chính phủ là vấn đề.” Barack Obama là tổng thống có đường lối tự do nhất mà nước Mỹ dám bầu chọn. Khi chạy đua ghế tổng thống, Obama đã cảnh báo đất nước này rằng mục tiêu của ông ta là “thay đổi nước Mỹ về cơ bản” và rằng ông ta tin vào việc “lan tỏa sự giàu có ra xung quanh”. Giờ thì, với ba năm dưới quyền ông ta, nước Mỹ trông như một mảnh đất bị bỏ hoang về kinh tế. Cứ năm người mà bạn gặp trên đường đi làm sẽ có một người không có việc làm. Cứ bảy người bạn bước qua trên vỉa hè sẽ có một người đang sống nhờ vào tem phiếu thực phẩm. 46 triệu người Mỹ − nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử đất nước này − đang sống dưới ngưỡng nghèo.

Các doanh nghiệp đang phải đóng cửa. Tỷ lệ đóng cửa doanh nghiệp đang ở mức lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, Mỹ mất điểm tín dụng AAA. Giá xăng dầu đã tăng gấp đôi. Nợ quốc gia của chúng ta thì bùng nổ. Công ăn việc làm và sự tăng trưởng kinh tế thì không thấy đâu trong tầm mắt.

Làm sao chúng ta có thể cảm thấy an lòng khi trao lại mớ hỗn độn này cho con cháu chúng ta? Làm sao chúng ta có thể nghĩ về hàng trăm nghìn quân sỹ, thuyền viên, phi công và hải quân đã hy sinh vì tự do và lối sống của chúng ta mà không cảm thấy xấu hổ trước việc chúng ta đã cho phép món quà của họ bị vứt bỏ và lạm dụng như thế nào? Đó hoàn toàn là một nỗi ô nhục. Nếu chúng ta muốn lật ngược tình thế này, chúng ta phải thực hiện nhanh chóng.

Đã đến lúc phải cứng rắn. Bây giờ chính là lúc ấy.

Bình luận
720
× sticky