Sự phụ thuộc liên tục vào cứu tế dẫn đến sự băng hoại đạo đức và tinh thần mà về cơ bản là có hại cho rường cột quốc gia. Phân phát trợ cấp theo cách ấy là ru ngủ, là phá hoại tinh thần con người một cách tế vi. Nó có hại cho yêu cầu mệnh lệnh chính sách tốt đẹp. Nó vi phạm truyền thống của nước Mỹ.
— Tổng thống Franklin D. Roosevelt, Thông điệp Liên bang 1935
Năm 1964, Tổng thống Lyndon Baines Johnson tuyên bố phát động “Cuộc chiến chống đói nghèo”. Bạn đoán được điều gì không? Đói nghèo đã chiến thắng. Thắng lớn.
Từ khi Johnson phát động cuộc đeo đuổi hoang đường nhằm đạt được một nhà nước đại đồng lý tưởng do chính phủ điều hành, chi tiêu cho phúc lợi xã hội đã tăng gấp 13 lần so với chi tiêu trong năm 1964 (đã điều chỉnh theo lạm phát). Trở lại thời điểm đó, chi tiêu phúc lợi xã hội chỉ chiếm 1,2% GDP. Hiện nay, con số này là gần 6%. Điều đó có nghĩa là người đóng thuế đang phải trả − bạn đã sẵn sàng chưa? − con số lớn đến choáng váng, 16.000 tỷ đô-la cho các chương trình hỗ trợ công cộng. Đó là một con số lớn khủng khiếp − cho đến khi bạn nhận ra Obama muốn chi tiêu những gì trong mười năm tới.
Năm 2011, Obama đã tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội lên 42% so với các mức năm 2008. Sự tăng mạnh như thế đồng nghĩa với việc hiện tại nước Mỹ đang chi trả 953 tỷ đô-la mỗi năm cho phúc lợi xã hội. Chúng ta không đủ khả năng chi trả 10.000 tỷ đô-la mỗi năm trong mười năm tới cho các kế hoạch phúc lợi xui khiến thói phụ thuộc, mà hiện đã tạo ra tầng lớp dưới đáy xã hội, làm cho tầng lớp ấy băng hoại đạo đức và rút cạn túi những người đóng thuế đang phải bỏ tiền cho những chương trình không chỉ làm cho tình trạng đói nghèo thêm trầm trọng mà còn có tiếng là tràn lan tình trạng gian lận và sử dụng sai mục đích.
Bạn muốn có một ví dụ ư? Năm 2010, tờ Los Angeles Timescho biết những người nhận phúc lợi xã hội ở California đã dùng thẻ phúc lợi xã hội rút tiền tại những cây ATM đặt ở các câu lạc bộ thoát y vũ. Đáng lẽ người đóng thuế không phải trả tiền cho những màn khiêu vũ trong lòng của một gã nào đó. Và ở khắp Virginia, người đóng thuế giận dữ khi lộ ra thông tin cho thấy tiền đóng thuế của họ sẽ được dùng để trợ cấp cho những kẻ nhận phúc lợi xã hội đang sống trong những căn hộ xa hoa, thêm phần trọn vẹn với “những bể bơi theo phong cách của các khu nghỉ dưỡng với đài phun nước và những spa tắm nóng, phòng billiard, quầy thu ngân với mặt bàn bằng đá granite, những sân chơi bóng rổ trong nhà và những vật dụng bằng thép không gỉ”. “Đây là những tiện nghi theo phong cách khu nghỉ dưỡng mà nhà cửa của phần lớn những người đóng thuế đang bỏ tiền ra cho nó cũng không có”, giám sát viên Pat Herrity cho biết. “Sự xa hoa không có chỗ ở các dự án nhà ở xã hội.”
Nghe này, tôi thật sự tin tưởng sâu sắc rằng nước Mỹ phải duy trì một tấm lưới an toàn vững chắc. Chúng ta có nghĩa vụ phải chăm sóc những người không thể tự chăm sóc bản thân, bất kể là do tuổi già hay do bệnh tật. Đất nước chúng ta có một trái tim hào hiệp. Và chuyện chúng ta có thể tự chăm sóc bản thân là vấn đề tự hào quốc gia. Đó là một trong những điều khiến chúng ta vĩ đại đến vậy. Và chắc chắn người dân của chúng ta cần nhiều sự giúp đỡ hơn nữa khi một con số gây sửng sốt là 46,2 triệu người Mỹ phải sống dưới ngưỡng nghèo của liên bang như hiện nay. Phần nhiều những cá nhân này không có việc làm. Họ cần sự trợ giúp tạm thời bởi họ đang phải tìm kiếm những việc làm ít ỏi còn lại trong nền kinh tế. Chúng ta cần giúp đỡ họ và con cái của họ, đó là chuyện không có gì phải bàn cãi. Nhưng sẽ là phản tác dụng và ác độc nếu ta cho phép mạng lưới an toàn của nước Mỹ trở thành một chiếc võng nghỉ dưỡng. Nếu chính phủ khuyến khích những người Mỹ còn sức vóc nghĩ rằng cuộc sống nhờ vào phúc lợi, nhờ vào sự trợ giúp của người đóng thuế là lối sống chấp nhận được thì đó quả là một hành động vô luân.
Các vị Quốc Phụ của chúng ta hiểu rằng tự lực là trục quay của tự do. Tinh thần làm việc kiểu Mỹ là thứ dẫn dắt lớp lớp thế hệ người Mỹ tạo lập ra quốc gia từng một thời thịnh vượng này. Ý tưởng cho rằng làm việc chăm chỉ là một hành động tinh thần − làm việc của mình như “phó thác cho Chúa” − khuyến khích chúng ta nỗ lực hết sức mình mỗi ngày. Và vì chúng ta tin rằng làm việc là một phẩm hạnh, nên chúng ta tạo ra của cải khổng lồ, việc làm trù phú và một xã hội độc lập có khả năng tự cung tự cấp. Đó là điều làm tôi thấy như là sự xúc phạm luân lý ở mô hình sống phụ thuộc vào phúc lợi xã hội: nó cướp đi của người ta cơ hội cải thiện. Làm việc mang lại cho mỗi ngày một ý nghĩa mục đích. Một công việc được làm tốt mang lại cảm giác tự hào và thu hoạch thành tựu. Tôi thích làm việc. Thực tế là tôi thích làm việc nhiều đến độ tôi hiếm khi đi nghỉ dưỡng.
Vì làm việc chăm chỉ như thế, nên tôi may mắn tạo ra việc làm cho hàng vạn người. Và trong chương trình The Apprentice (Người tập sự) rất ăn khách của tôi, tôi làm việc với những người đến từ đủ mọi tầng lớp xã hội. Tôi được biết đến vì câu nói nổi tiếng của mình: “Bạn bị sa thải!” Nhưng sự thật là tôi không thích sa thải người khác. Đôi khi ta phải làm thế, nhưng việc đó chẳng vui vẻ hay dễ dàng gì. Một trong những điều tôi thích nhất trong kinh doanh là chứng kiến công việc làm con người ta biến chuyển thành những cá nhân tốt hơn, tự tin hơn, tài giỏi hơn như thế nào. Diễn trình đó là diễn trình truyền cảm hứng và thật đẹp để chứng kiến.
Nước Mỹ trở thành cường quốc vì chúng ta có niềm tin sâu sắc vào phẩm cách của khả năng tự lực. Như Thomas Jefferson từng nói: “Tôi dự đoán tương lai người Mỹ sẽ sống sung sướng nếu họ có thể ngăn chính phủ lãng phí công sức lao động của người dân dưới chiêu bài chăm sóc họ.” Chính phủ được tạo ra không phải là để chăm sóc chúng ta. Các thế hệ người Mỹ tin rằng họ cần chịu trách nhiệm về chính họ. Khi thời khắc khó khăn xảy đến, nhà thờ và lối xóm vận động và hợp lại với nhau để giúp đỡ. Nhưng sau tất cả, các vị Quốc Phụ của chúng ta tin rằng chính phủ chỉ nên làm số ít việc mà các cá nhân không thể tự mình thực hiện. Chúng ta đang nhanh chóng làm mất đi tinh thần tự lực từng khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại.
Góc nhìn thích đáng về đói nghèo.
Sự khốn khổ kinh tế quả thật tồn tại ở Mỹ. Đó là điều chẳng có gì phải nghi ngờ. Và chúng ta cần ủng hộ các chính sách vì tăng trưởng, vì việc làm. Tuy nhiên, điều cũng quan trọng không kém là chúng ta không được để mất đi cái nhìn về bức tranh toàn cảnh. Obama cố biện minh cho các chương trình chi tiêu ồ ạt của ông này phần nào dựa trên ý tưởng rằng đây là những chương trình cần thiết để xóa bỏ tình trạng đói nghèo ở Mỹ, nhưng như Dinesh D’Souza, tác giả của cuốn sách ăn khách What’s So Great about America(Điều rất tuyệt vời về nước Mỹ) đã chỉ ra, nước Mỹ là một trong số ít nơi trên thế giới người “nghèo” vẫn có thể bị béo phì. “Nghèo” là một thuật từ tương đối. Theo các tiêu chuẩn toàn cầu, người nghèo ở Mỹ lại là người giàu có. Và thậm chí chiếu theo tiêu chuẩn Mỹ thì người nghèo ngày nay vẫn có cuộc sống sung túc hơn nhiều người có mức sống trung bình ở thời bố mẹ chúng ta.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Di sản, “Thanh niên nghèo trong độ tuổi 18-19 ngày nay quả thật cao hơn và nặng cân hơn những thanh niên cùng độ tuổi trong dân số Mỹ cuối những năm 1950. Họ cao hơn lính GI cùng tuổi tham gia Chiến tranh Thế giới II
1 inch và nặng hơn 10 pound.” Cũng theo báo cáo của Quỹ Di sản, người nghèo ở Mỹ có những tiện nghi mà hầu hết người nghèo trên thế giới chưa bao giờ được nhìn thấy:
80% các hộ nghèo có điều hòa. Năm 1970, chỉ có 36% dân số Mỹ có điều hòa để dùng.
92% các hộ nghèo có lò vi sóng.
Gần 3/4 có xe hơi hoặc xe tải, và 31% có ít nhất là hai xe con hoặc xe tải.
Gần 2/3 có truyền hình cáp hoặc truyền hình vệ tinh.
2/3 có ít nhất một đầu đĩa DVD và 70% có đầu VCR.
Một nửa có máy tính cá nhân, và cứ bảy người thì có một người có ít nhất hai chiếc máy tính.
Hơn một nửa số gia đình nghèo có con nhỏ có hệ thống game video như Xbox hoặc PlayStation.
43% có Internet để truy cập.
1/3 có TV LCD hoặc plasma màn hình lớn.
1/4 có hệ thống thu âm kỹ thuật số, như TiVo.
Có phải điều đó có nghĩa là người nghèo Mỹ không cần giúp đỡ, đặc biệt là một công việc? Không, tất nhiên là không rồi. Tuy nhiên, nó có nghĩa là người Mỹ không nên mất đi cái nhìn thực tế rằng chúng ta đang may mắn được sống trong một quốc gia mà 97% những người được cho là nghèo có ti vi màu và có điện để vận hành nó.
Tình trạng nghèo đói ở trẻ em là một thảm kịch.
Những người ngoài cuộc vô tội của tình trạng nghèo đói ở Mỹ là những đứa trẻ. Thế nhưng, 2/3 tình trạng nghèo đói ở trẻ em Mỹ hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu các cá nhân làm đúng một việc: kết hôn trước khi có con. Ai đó từng nói như thế này: “Kết hôn là chương trình ‘chống đói nghèo’ tuyệt vời nhất mà Thượng đế đã tạo ra.” Một đứa trẻ sinh ra ngoài giá thú có nhiều khả năng phải sống trong cảnh nghèo đói gấp sáu lần một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình đủ bố mẹ. Lý do cho điều này rất đỗi rõ ràng: hai phiếu lương thì có giá trị gấp hai lần một phiếu. Đây chẳng phải là điều gì khó hiểu cả. Hai người làm việc toàn thời gian ở Walmart sẽ đưa một gia đình lên trên ngưỡng đói nghèo liên bang (theo ngưỡng này, một gia đình ở vào ngưỡng đói nghèo khi có bốn nhân khẩu, và có thu nhập chưa tới 22.314 đô-la/năm, không bao gồm các phúc lợi bằng hiện vật). Vấn đề mấu chốt ở đây là phải có sự hiện diện của người cha, đó là mục đích đảm bảo của việc kết hôn. Cha mẹ không nhất thiết phải cùng đi làm. Một phiếu lương của một gia đình có người cha có công ăn việc làm hữu ích, còn người mẹ ở nhà chăm sóc con cái vẫn tốt hơn là một người mẹ đơn thân sống nhờ vào phúc lợi.
Tình trạng sinh con ngoài giá thú ở Mỹ đã bùng nổ với tốc độ gây sửng sốt. Đây là một sự xa rời hoàn toàn khỏi lịch sử Mỹ − và sự xa rời này đang định hình lại đất nước chúng ta, và lại chẳng phải vì mục đích tốt đẹp nào hơn. Quay lại thời điểm khi tổng thống Johnson mới bắt đầu kiến thiết chương trình “Xã hội Vĩ đại” của ông và tuyên bố phát động “Cuộc chiến chống đói nghèo”, khi đó chỉ có khoảng 7% trẻ em là con ngoài giá thú. Ngày nay, 40% các ca sinh nở ở Mỹ là ca sinh nở của những bà mẹ chưa kết hôn. Chính phủ hiện nay đang đóng vai trò “người cha” trong quá nhiều gia đình. Nhưng vấn đề là thế này: con trẻ không cần ví tiền − các em cần một người cha sẽ dạy các cậu con trai làm sao để trở thành những người đàn ông có trách nhiệm và cho các cô con gái thấy thế nào là được tôn trọng và được bảo vệ.
Tỷ lệ sinh con ngoài giá thú không chỉ là một trong những yếu tố lớn nhất dẫn đến tình trạng đói nghèo, mà còn là một trong những yếu tố lớn nhất gây ra bất bình đẳng ở Mỹ. 29% trẻ da trắng được sinh ra bởi những bà mẹ đơn thân (một con số quá cao), nhưng có đến 72% trẻ da đen được sinh ngoài giá thú. Ngoài những hệ lụy kinh tế, chúng ta biết rằng trẻ không cha cũng có nhiều khả năng lạm dụng chất gây nghiện, bỏ học, phạm tội và bị bỏ tù. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình nơi những chi phiếu thần kỳ xuất hiện mỗi tháng từ chính phủ tin rằng chẳng có gì sai trái khi ngồi yên ở nhà không làm gì trong khi những người đóng thuế phải đổ mồ hôi sôi nước mắt làm việc để có tiền trang trải cho họ. Với cả một thế hệ, các chương trình phúc lợi xã hội của chính phủ đã triệt bỏ các phẩm cách trách nhiệm, làm việc chăm chỉ và tự lực từng giúp xây dựng nên nước Mỹ.
Luis Lopez là đảng viên Đảng Dân chủ và là nhà tư vấn cho thanh thiếu niên ở Florida. Ông đã kể câu chuyện về cuộc trò chuyện của ông với một bé gái 13 tuổi đang mang thai mà ông gặp trong một dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở nội đô. Ông hỏi ai sẽ trả tiền nuôi con cô bé. Mỉm cười, cô bé đáp: “Chương trình Hỗ trợ Y tế và An sinh Xã hội sẽ trả cho nó”. “Thế còn người cha thì sao?” “Chúng tôi chia tay rồi,” cô bé nói. Cô gái tiếp tục giải thích rằng bà của cô sẽ nuôi con cô. Rồi Lopez hỏi cô bé mang bầu đang tuổi thiếu niên kia là mẹ cô nghĩ gì về chuyện cô còn quá trẻ mà đã mang bầu. “Mẹ tôi có tôi khi 14 tuổi”, cô gái trả lời. “Thế thì có vấn đề gì được kia chứ?”
Mọi sự không phải lúc nào cũng thế. Nhiều người trong chúng ta vẫn nhớ thời gian khi mà người dân vẫn còn coi việc phải sống nhờ vào cứu tế là vết nhơ xã hội và xấu hổ về việc đó. Có một cảnh tuyệt hay trong bộ phim Cinderella Man với sự tham gia diễn xuất của Russel Crowe cho thấy văn hóa phúc lợi đã làm thay đổi nước Mỹ một cách cực đoan đến thế nào. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về tay đấm bốc James J. Braddock, một võ sỹ quyền Anh nhà nghề thời kỳ Đại Suy thoái và tiếp tục trở thành tay đấm bốc vô địch thế giới hạng nặng. Khi trầy trật xây dựng nền móng cho sự nghiệp đấm bốc của mình, cuối cùng Braddock đã phải quay sang cậy nhờ đến sự hỗ trợ từ các chương trình phúc lợi công để nuôi sống vợ và các con. Ông vô cùng hổ thẹn, nhưng vì không còn lựa chọn nào khác, nên ông đành phải nhận khoản tiền đó. Sau này, khi sự nghiệp đấm bốc của ông cất cánh và tiền thưởng bắt đầu đổ về, Braddock quay lại văn phòng phúc lợi và kiên nhẫn đứng đợi trong hàng. Cuối cùng, khi cũng đến lượt ông tới vị trí đầu hàng, ông trao cho nhân viên phúc lợi một bọc tiền để trả lại cho chính phủ số tiền mà ông đã nhận được để nuôi sống các con mình. Chuyện đó quả thật đã xảy ra. Nhưng ngày nay, với văn hóa phúc lợi của chúng ta, chúng ta chẳng còn hình dung nổi thứ gì như chuyện này ngoại trừ trong phim ảnh.
Chúng ta phải chiến đấu với cái não trạng dựa dẫm vào phúc lợi xã hội nói rằng các cá nhân có quyền sống dựa dẫm vào người đóng thuế. Chúng ta cần khẳng định lại một lần nữa rằng các ông bố bà mẹ phải có trách nhiệm với con cái mình − và rằng việc này bắt đầu bằng việc kết hôn trước khi có con. Nhưng đáng tiếc là hệ thống phúc lợi xã hội của chúng ta đã tạo ra những động cơ tài chính để tránh né chuyện kết hôn và có thêm những đứa con ngoài giá thú để được hưởng thêm trợ cấp xã hội. Mỗi năm, người đóng thuế phải bỏ ra 300 triệu đô-la cho các ông bố bà mẹ chưa có hôn thú. Con số đó gần bằng 1/3 nghìn tỷ đô-la mà chúng ta có thể dễ dàng tiết kiệm được nếu chúng ta có thể khôi phục trách nhiệm cá nhân và tầm quan trọng của việc kết hôn trước khi sinh con đẻ cái. Tiền thuế của các bạn dưới dạng chương trình Hỗ trợ Y tế cũng chi trả chi phí sinh nở cho 40% trẻ sinh ra ở Mỹ, phần lớn số trẻ này được sinh ra bởi những bà mẹ chưa bao giờ kết hôn.
Đối với quá nhiều bà mẹ nhóm này và những đứa con của họ, sống dựa dẫm vào phúc lợi xã hội đã trở thành một cách sống. Bạn hãy thử nhìn vào những con số này đi: từ khi trở thành tổng thống, Obama đã bổ sung thêm 8 triệu người Mỹ vào danh sách những người ăn trợ cấp, và chi tiêu cho phiếu thực phẩm đã tăng gấp đôi kể từ năm 2007, từ 33 tỷ đô-la lên 77 tỷ đô-la. Nhưng thậm chí còn gây choáng váng hơn cả những con số này là thực tế rằng một nửa số tem phiếu thực phẩm ấy lại rơi vào tay những người đã sống dựa dẫm sự giúp đỡ của công chúng ít nhất tám năm rưỡi. Điều tốt đẹp duy nhất ở chuyện này với Obama, và ông ta biết rõ điều đó, là tất cả bọn họ sẽ bỏ phiếu cho ông ta.
“Làn sóng tội phạm tem phiếu thực phẩm” của Obama.
Chương trình tem phiếu thực phẩm ban đầu được tạo ra để hỗ trợ tạm thời cho các gia đình có lúc rơi vào cảnh túng quẫn. Và đáng lẽ nó không nên được sử dụng thường xuyên. May mắn là, 96% các gia đình nghèo ở Mỹ cho biết con cái họ chưa bao giờ phải chịu đói một ngày. Nhưng khi những người nhận tem phiếu thực phẩm sống nhờ vào phát chẩn gần chục năm trời thì có điều gì đó rõ ràng là không ổn, và phần nào trong chuyện này hẳn phải dính đến gian lận.
Theo tờ Wall Street Journal, các chính sách tem phiếu thực phẩm của Obama đã mở ra một “làn sóng tội phạm tem phiếu thực phẩm” ồ ạt. Điều này khớp với việc có ít vụ khởi tố giao dịch tem phiếu thực phẩm trái phép liên quan đến rượu hoặc những món đồ không hợp lệ khác. Và “các triệu phú hiện cũng nằm trong diện được nhận tem phiếu thực phẩm hợp pháp nếu họ có ít hoặc không có thu nhập hằng tháng.”
Như tờ Wall Street Journal đã lưu ý: “Chính quyền Obama háo hức đẩy mạnh việc đăng ký tem phiếu thực phẩm hơn nhiều so với việc ngăn chặn hành vi gian lận.” Dưới cuộc mở rộng tem phiếu thực phẩm chóng vánh của Obama, người nhận có thể bán các thẻ phúc lợi xã hội trên Facebook và Craigslist, sau đó dùng số tiền đó để mua ma túy, các chi phiếu tem phiếu thực phẩm thì vào tay tù nhân, và một người trúng xổ số 2 triệu đô-la đủ điều kiện để nhận tem phiếu thực phẩm (và phàn nàn rằng ông ta vẫn xứng đáng nhận được tem phiếu thực phẩm vì chính phủ lấy nửa số tiền ông ta thắng làm tiền thuế), và chương trình này đầy những vụ lừa đảo tốn kém đến không ngờ, trong đó có một tay lừa đảo quy mô lớn đã tạo ra hơn 1.000 giấy đòi tem phiếu thực phẩm giả và bỏ túi 8 triệu đô-la. Và đó mới chỉ là ta đang gãi ở lớp mặt của tình trạng lãng phí, gian lận và lạm dụng của chương trình này thôi đấy. Điều thực sự chọc giận mọi người là chính quyền Obama dường như chẳng quan tâm đến việc người đóng thuế bị lừa bịp ra sao bởi chương trình chính phủ được quản lý lỏng lẻo này.
Sự lãng phí tiền bạc của người đóng thuế rành rành như thế không làm Obama bận tâm, vì đó là toàn bộ chương trình hành động cho đại nhà nước bảo mẫu của ông ta. Có vẻ như ông ta tin rằng khi ông ta cho được càng nhiều cử tri những chiếc kẹo phúc lợi xã hội bao nhiêu, ông ta sẽ càng thu hút được nhiều phiếu bầu khi tái cử bấy nhiên. Có lẽ đó là lý do tại sao chính quyền của ông ta không thèm quan tâm đến việc ngăn chặn các hành vi gian lận hay kiểm soát những người giám sát có trách nhiệm. Và giống như bất kỳ một người cánh tả tử tế nào cũng biết, bạn càng làm cho nhà nước phúc lợi lớn mạnh bao nhiêu, bạn càng xây dựng được quân đoàn cử tri lớn mạnh bấy nhiêu. Đó là hành động xúc phạm người đóng thuế Mỹ và hai cột trụ kép cho Giấc mơ Mỹ − tinh thần chăm chỉ làm việc và tinh thần tự cường củng cố: tự do, tiến bộ và tiến tới một cuộc sống hạnh phúc hơn cho bản thân và cho gia đình.
Chúng ta thấy xu hướng tương tự này trong nhà ở xã hội, nơi mà kể từ khi Barack Obama được bầu chọn làm tổng thống, đám đông lớn đã xếp thành hàng để được xếp nhà ở theo Điều 8. Chẳng hạn, ở Atlanta, 30.000 người đã xuất hiện với hy vọng nộp được đơn xin cấp nhà ở xã hội hay xin được tem phiếu. Chắc chắn một số cá nhân trong số này thật sự có nhu cầu, bất kể là vì tuổi tác hay là vì khuyết tật, nhưng trên thực tế cũng có những cá nhân tuổi thì chưa già, sức vóc vẫn còn dẻo dai, không con không cái tham gia vào chương trình này và ở trung bình gần tám năm trong các dự án nhà ở xã hội.
Đáng lẽ những người còn khả năng làm việc thì phải làm việc. Nhưng vì chính phủ vui vẻ cho đi các chi phiếu, nên quá nhiều người như thế chỉ khoanh tay ngồi im, không làm gì. Trung bình những người nhận phúc lợi xã hội thông thường, có thể chất khỏe mạnh và đủ khả năng làm việc chỉ làm 16 giờ một tuần. Ai có thể mong thoát khỏi đói nghèo khi chỉ làm 3 giờ một ngày trong một tuần làm việc năm ngày kia chứ? Làm việc nhiều giờ hơn đồng nghĩa với thu nhập cao hơn. Thế nhưng, cái bẫy phúc lợi xã hội của chính phủ chúng ta đã dựng nên một hệ thống khiến người ta mất ý chí làm việc. Khi làm việc nhiều giờ hơn, phúc lợi xã hội mà bạn nhận được sẽ ít hơn. Vậy bạn nghĩ mọi người sẽ làm gì? Họ cố tình giữ cho giờ làm việc của mình thật thấp để lấy chi phiếu phúc lợi xã hội cao. Và lại một lần nữa, hai phẩm chất của người Mỹ − tinh thần làm việc chăm chỉ và tự lực − lại thảm bại.
Khi bạn nhận ra rằng người thứ bảy đi ngang qua bạn trên phố hiện đang nhận tem phiếu thực phẩm và rằng Obama đã đẩy chi tiêu cho phúc lợi xã hội lên gần suýt soát 1.000 tỷ đô-la một năm, bạn sẽ nhận ra một thực tế đau đớn đến phũ phàng rằng sự mở rộng chóng vánh ngành phúc lợi xã hội của vị tổng thống này là một phần của một nỗ lực lớn hơn nhiều nhằm “biến đổi nước Mỹ về cơ bản” như lời của chính Obama thốt ra đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Xin báo cho ngài một tin, ngài Tổng thống: nước Mỹ thích nước Mỹ như những gì mà các vị quốc phụ đã dựng nên − như một quốc gia trân trọng sâu sắc tinh thần làm việc chăm chỉ và tự lực. Tổng thống tiếp theo mà nước Mỹ bầu chọn phải dốc hết sức mình cho cuộc cải tổ nghiêm túc các chương trình phúc lợi xã hội mà sẽ giúp đại tu toàn bộ hệ thống và rút lại những chính sách hỗ trợ công cộng của Obama.
Chúng ta biết phải cải tổ các chương trình phúc lợi xã hội ra sao bởi trước đó chúng ta đã từng làm việc này. Năm 1996, New Gingrich, chủ tịch quốc hội khi đó, và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã thông qua và hối thúc Tổng thống Clinton ký Đạo luật Cải tổ Phúc lợi Xã hội năm 1996. Sau khi dự luật này được thông qua, tờ báo theo chủ nghĩa tự do New York Times đăng một bài bình luận căng thẳng có tựa đề: “Một ngày buồn cho trẻ em nghèo”. Như thường lệ, New York Times không thể nào sai lầm hơn. Các kết quả tuy khốc liệt, nhưng cũng tràn đầy hy vọng: số người nhận phúc lợi xã hội giảm 60%, 2,8 triệu gia đình chuyển từ chỗ nhận phúc lợi xã hội sang chỗ có việc làm, và 1,6 triệu trẻ em thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.
Từ phúc lợi tới việc làm.
Bí quyết đưa đến thành công của Đạo luật Cải cách Phúc lợi Xã hội 1996 là ở chỗ đạo luật này gắn phúc lợi xã hội với việc làm. Để nhận được chi phiếu, bạn phải chứng tỏ rằng bạn đã đăng ký tham gia các khóa đào tạo việc làm hoặc đã cố gắng tìm kiếm việc làm. Nhưng khó khăn nằm ở chỗ: Đạo luật Cải cách Phúc lợi Xã hội 1996 chỉ giải quyết một chương trình, Hỗ trợ các gia đình có trẻ phụ thuộc (AFDC – Aid to Families with Dependent Children), chứ không phải 76 chương trình phúc lợi xã hội còn lại, mà hiện đang rút túi của người đóng thuế hơn 900 tỷ đô-la mỗi năm. Chúng ta nên lấy một trang từ luật cải tổ năm 1996 và ốp vào các chương trình phúc lợi xã hội khác. Phúc lợi cần phải có các ràng buộc đi kèm. Nói cho cùng, nếu người nhận phúc lợi nhận tiền của chúng ta, thì chúng ta, người dân, cần phải được quyền có tiếng nói về việc khoản tiền đó nên được chi tiêu như thế nào.
Việc phải làm trước mắt là làm những gì mà chúng ta đã làm với chương trình AFDC và gắn các đãi ngộ của chương trình phúc lợi xã hội với việc làm. Đó chính là nội dung của Đạo luật Cải cách Chương trình Phúc lợi Xã hội 2011 – do các nghị sỹ Đảng Cộng hòa Jim Jordan ở Ohio, Tim Scott ở Nam Carolina và Scott Garrett ở New Jersey đề xuất. Dự luật của họ, nếu có hiệu lực, sẽ đảm bảo rằng các chương trình phúc lợi xã hội sẽ chỉ phục vụ cho những ai thật sự cần đến chúng, giới hạn chi tiêu phúc lợi xã hội để ngăn chặn các viên chức quan liêu mở rộng các chương trình một cách vô tội vạ, trao cho các bang thêm thẩm quyền đối với chi tiêu cho phúc lợi xã hội, ngăn chặn việc liên bang tài trợ tiền cho các ca phá thai thông qua chương trình phúc lợi và tăng cường các yêu cầu về việc làm, cùng nhiều cải cách khác. Đây là một kế hoạch nghiêm túc xứng đáng được thông qua và được ký thành luật.
Tất nhiên, cũng như với Đạo luật Cải cách Chương trình Phúc lợi Xã hội 1996, đám người theo chủ nghĩa tự do sẽ khóc lóc, đá thúng đụng nia, la hét và nổi cơn giận dữ. Nhưng cứ để họ như vậy. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta giúp những người nghèo trở thành những cá nhân độc lập, đủ khả năng nuôi sống bản thân, nhận được các đãi ngộ trong công việc. Chúng ta hãy cùng chung tay làm việc này.
Bên cạnh đó, tôi cũng tin rằng bang Florida đã có một bước đi khôn ngoan khi trở thành bang duy nhất yêu cầu làm xét nghiệm kiểm tra chất gây nghiện với tất cả những người thụ hưởng chương trình Hỗ trợ Tạm thời Cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn (TANF – Temporary Assistance to Needy Families) năm 2011. Như thống đốc bang Florida Rick Scott đã nói: “Mặc dù chắc chắn hỗ trợ công cộng là nhu cầu chính đáng, song sẽ là không công bằng nếu người đóng thuế Florida phải trợ cấp cho những người nghiện ma túy. Điều luật mới này sẽ khuyến khích trách nhiệm giải trình cá nhân và sẽ giúp ngăn chặn việc sử dụng sai tiền thuế của dân.” Thống đốc đã đúng. Đó là chuyện thường tình ai cũng hiểu. Tiện đây, cũng xin nói rằng Rick Scott đã thực hiện xuất sắc công việc của mình, nhưng lại chẳng hề được ghi nhận công trạng xứng đáng dành cho ông.
Bạn hãy nghe này, có hàng triệu người lao động phải đi xét nghiệm chất gây nghiện theo yêu cầu công việc. Họ có gây rối gì về chuyện đó không? Không. Đó đơn giản là hành động thông minh. Hãy cứ kệ những kẻ chẳng biết gì ở Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), cứ để bọn họ ca cẩm và than vãn về yêu cầu mà hàng triệu người đóng thuế làm việc chăm chỉ phải thực hiện hằng năm. “Chương trình lãng phí mà luật này tạo ra buộc những người Florida đang chịu tác động của cuộc suy thoái kinh tế, cùng gia đình họ, phải trải qua cuộc kiểm tra bẽ mặt nước tiểu và các chất lỏng trong cơ thể họ”, Howard Simon, giám đốc điều hành ACLU Florida đã nói như thế. Bẽ mặt ư? Thứ lỗi cho tôi? Làm sao lại là “bẽ mặt” khi đảm bảo rằng người đóng thuế đang không phải bỏ tiền cho cơn phê tiếp theo của một tay nghiện ma túy? Và làm sao lại là “bẽ mặt” khi tiến hành cuộc tầm soát ma túy hàng triệu người lao động vẫn thực hiện mỗi năm mà không có vấn đề gì? Chẳng có gì là bẽ mặt ở đây hết. Đây chỉ là một ví dụ khác cho thấy nỗ lực của những kẻ tự do chủ nghĩa khi làm suy yếu trách nhiệm cá nhân và lãng phí tiền của của người đóng thuế.
Dự luật này yêu cầu những người thụ hưởng phúc lợi từ chương trình TANF phải kiểm tra và qua được xét nghiệm ma túy. Nếu đó là một hộ gia đình có đầy đủ cả cha và mẹ, cả hai người đều phải làm xét nghiệm. Bất cứ ai có xét nghiệm dương tính với ma túy đều không đủ tư cách để nhận trợ cấp trong một năm. Nếu họ không qua được lần xét nghiệm thứ hai, họ sẽ không đủ tư cách để nhận trợ cấp trong ba năm. Người thụ hưởng phải chi trả chi phí xét nghiệm, sau này họ có thể bù lại chi phí này từ tiền trợ cấp. Nếu hai phụ huynh đều không qua được xét nghiệm, phụ cấp cho con trẻ có thể được trao cho người thụ hưởng bên thứ ba có vai trò là người giám hộ, miễn là người này qua được xét nghiệm ma túy.
Phương pháp thông thường này đáng lẽ chẳng có gì khó hiểu. Có họa điên rồ mới yêu cầu những người đóng thuế phải trả tiền cho thói quen dùng ma túy của một kẻ nghiện ngập nào đó khi nước Mỹ đã nợ đến 15.000 tỷ đô-la và nhiều người Mỹ đang phải vật lộn để có thể tồn tại trong nền kinh tế. Điểm mấu chốt: nếu chơi ma túy, thì đừng mong nhận được chi phiếu phúc lợi xã hội. Có thế thôi.
Cuối cùng, đã đến lúc cần cứng rắn với những kẻ lừa đảo và bịp bợm người đóng thuế. Làn sóng phúc lợi xã hội mà Obama tiếp thêm dầu phải kết thúc nhanh chóng. Nếu không nó sẽ loan đi não trạng “Ai quan tâm chuyện tôi lừa hệ thống này hay không, đó không phải là tiền của tôi. Tôi xứng đáng nhận được đồ miễn phí.” Điều đó có nghĩa là ta phải trừng phạt những kẻ vi phạm, chứ không phải giả đui giả mù như chính quyền Obama. Và điều đó cũng bao gồm việc trừng phạt những viên chức tham nhũng điều hành những vụ gian lận này và để người đóng thuế phải trả tiền. Ngoài ra, ta không được để thêm một triệu phú nào nhận chi phiếu phúc lợi xã hội nữa. Chuyện đó thật quá sức và cần phải chấm dứt ngay lập tức.
Nước Mỹ có trái tim hào hiệp. Chúng ta tin vào việc giúp đỡ những người đồng bào của mình khi họ kém may mắn, bị khuyết tật nghiêm trọng, hay đến tuổi chẳng thể tự chăm sóc bản thân. Với những người đó, tấm lưới an toàn là cần thiết và hoàn toàn phù hợp.
Nhưng đối với quá nhiều người, phúc lợi xã hội đã trở thành một cách sống. Không có gì “bác ái” ở việc cho phép lối sống phụ thuộc vào phúc lợi xã hội truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trẻ em xứng đáng được hưởng điều tốt đẹp hơn.
Tổng thống Reagan đã nói về điều này không thể hay hơn: “Mục đích của phúc lợi xã hội cần phải là loại bỏ, nhanh chóng hết sức có thể, nhu cầu cần đến sự tồn tại của chính nó.”