Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn Để Khôi Phục Sự Vĩ Đại Của Nước Mỹ

Chương 6. Tăng Cường Sức Mạnh Nước Mỹ

Tác giả: Donald Trump

Nước Mỹ có một vị thế trong các quốc gia mà nếu không bị mất hoàn toàn thì cũng sẽ bị kìm lại bởi cái tiếng là yếu nhược. Nếu chúng ta muốn tránh bị sỉ nhục, chúng ta phải có khả năng đẩy lùi nó; nếu chúng ta muốn đảm bảo hòa bình, một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mang đến sự thịnh vượng cho đất nước của chúng ta, mọi người cần phải hiểu rằng chúng ta luôn sẵn sàng chiến đấu.

— Tổng thống George Washington

Nếu cái mạng ta không giữ được thì các quyền tự do dân sự của ta sẽ thành vô nghĩa. Đó là lý do tại sao chức năng quan trọng nhất của chính phủ liên bang là quốc phòng.

Các vị quốc phụ của chúng ta hiểu điều này. Họ hiểu rằng ta chẳng thể tận hưởng điều tốt đẹp nào của cuộc sống − tự do tôn giáo, tự do kinh tế, tự do phát biểu − nếu phải lo sợ cho sự an toàn tính mạng của mình. Thế nhưng, đáng tiếc là chúng ta đang sống trong một thế giới mỗi ngày một trở nên nguy hiểm hơn. Trung Quốc đang tiến hành xây dựng năng lực quân sự trên diện rộng và tạo ra những vũ khí chiến tranh mạng có khả năng buộc nước Mỹ phải khụy gối. Nga đang nổi lên, Iran, đất nước rót tiền cho những kẻ khủng bố trên khắp thế giới, ngày càng tiến gần hơn đến việc tạo ra một vũ khí hạt nhân có khả năng vận hành. Pakistan đã lộ ra là quốc gia che giấu cho Osama bin Laden ngay cạnh chỗ chẳng khác gì với West Point của nước Mỹ, và tổ chức tình báo của nước này hỗ trợ mạng lưới Haqqani, một nhóm khủng bố còn nguy hiểm hơn cả al Qaeda. Afghanistan vẫn trong tình trạng lộn xộn và là ổ khủng bố. Syria đang đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến, còn Libya thì đã rơi vào tình trạng này…

Nói tóm lại, những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia xuất hiện khắp nơi và ngày càng nhiều. Đó là lý do tại sao tôi lại dành sự ngưỡng mộ và trọng thị với 2,4 triệu quân nhân trong Lực lượng Vũ trang của chúng ta đến vậy. Mỗi ngày, những quân nhân, thủy thủ, phi công và hải quân của chúng ta lại thức dậy, khoác lên mình bộ đồng phục và giữ đúng lời thề trang nghiêm sẽ bảo vệ nước Mỹ trước mọi kẻ thù. Họ biết mạng sống của họ đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng họ yêu nước Mỹ nhiều đến độ sẵn lòng hy sinh mạng sống của mình cho đất nước này. Đó là cấp độ cam kết mà hầu hết những người dân thường sẽ chẳng bao giờ phải trải qua − hầu hết chúng ta không phải làm những công việc đòi hỏi chúng ta phải sẵn lòng chết cho những người anh em đồng bào. Quả thực, tôi tin rằng chúng ta nợ những cựu chiến binh của đất nước mình nhiều hơn tất cả những gì mà chúng ta có thể đền đáp họ. Đó là lý do tại sao tôi tự hào khi đóng một vai trò quan trọng trong Ủy ban Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam ở thành phố New York để vinh danh các chiến binh với một kỷ niệm chương thích đáng và giúp họ có việc làm. Tôi đã bỏ ra hơn 1 triệu đô-la để đảm bảo nỗ lực này sẽ thành công. Tôi cũng cảm động và tự hào khi tham gia vào dự án này bởi những người anh hùng của chúng ta xứng đáng có được điều tốt đẹp nhất.

Nước Mỹ xứng đáng có một vị tổng tư lệnh tôn trọng những khó khăn và thực tế mà Lực lượng Vũ trang của chúng ta hiện đang phải đối mặt trong một thế giới đầy rẫy nguy hiểm. Cụ thể, quân đội của chúng ta xứng đáng có được trang thiết bị, những khóa huấn luyện và vũ khí tốt nhất. Họ cũng xứng đáng được hưởng mức lương tốt cho công việc hiểm nguy và anh hùng của mình. Họ không đơn thuần là kiếm được nó.

Nếu lịch sử có dạy chúng ta điều gì thì đó là những quốc gia vững mạnh cần những nhà lãnh đạo mạnh mẽ với những nguyên tắc an ninh quốc gia được xác định rõ ràng. Thực tế thay đổi với tốc độ chóng vánh; các sự kiện quốc tế có thể đổi chiều trong tích tắc. Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, chiến tranh ở Iraq, Afghanistan, Libya, Mùa Xuân Ả-rập – tất cả những biến cố này đều xảy ra trong chớp mắt. Một tổng thống không phải lúc nào cũng có thể dự đoán “đám cháy” an ninh quốc gia tiếp theo sẽ bùng lên ở đâu, nhưng ông ta có thể và phải có một chiếc la bàn ổn định và đáng tin cậy làm kim chỉ nam cho các quyết định của mình. Các công dân cần biết những giá trị và nguyên tắc mà vị tổng thống của họ dựa vào để dẫn dắt nước Mỹ vượt qua bất kỳ mối đe dọa ẩn tàng nào nằm ở phía trước. Tôi tin rằng bất kỳ học thuyết chính sách ngoại giao đáng tin cậy nào của nước Mỹ cũng cần được định nghĩa bởi ít nhất bảy nguyên tắc cốt lõi sau:

  1. Lợi ích của nước Mỹ là trên hết. Luôn luôn là như vậy. Không có gì phải biện bạch ở đây.

  2. Chuẩn bị sẵn sàng tối đa về hỏa lực và sức mạnh quân sự.

  3. Chỉ bước vào cuộc chiến khi chắc thắng.

  4. Trung thành với bằng hữu, và hoài nghi kẻ thù.

  5. Luôn giữ lưỡi kiếm công nghệ sắc bén.

  6. Nhìn thấy những điều ẩn giấu. Chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa trước khi chúng trở thành hiện thực.

  7. Tôn trọng và hỗ trợ những chiến binh hiện tại và trước đây của chúng ta.

Đáng buồn là Tổng tống Obama lại đánh giá thấp tất cả các nguyên tắc cốt lõi kể trên. Thứ nhất, chẳng bao lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông ấy đã làm một chuyến công du đi xin lỗi cả thế giới Ả-rập. Bạn có biết cuộc phỏng vấn đầu tiên của Obama trên cương vị tổng thống là với kênh tin tức Al Arabiya của Ả-rập? Tôi có tin cần báo cho Tổng thống Obama đây: Nước Mỹ chẳng phải là điều gì sai trái với cái thế giới này. Tôi không tin chúng ta cần xin lỗi vì bị những kẻ khủng bố cực đoan Hồi giáo căm ghét, những kẻ ghét tôn giáo của chúng ta, tự do của chúng ta, và ghét thực tế rằng chúng ta đang mở rộng quyền con người cho nữ giới. Thứ hai, trong khi thổi tung hàng nghìn tỷ đô-la tiền thuế của chúng ta cho các kế hoạch “kích thích” của mình, Tổng thống Obama lại đề xuất cắt giảm 400 tỷ đô-la ngân sách quốc phòng. Thứ ba, bằng việc tuyên bố ngày giờ rút khỏi Afghanistan, và không xác định rõ các mục tiêu của chúng ta trong cuộc nội chiến Libya, Obama hoàn toàn làm hỏng mọi chuyện, khiến chúng ta gần như không thể xác định được thế nào là chiến thắng và đạt được nó. Thứ tư, vị tổng thống này cũng xa rời các đồng minh như Israel, hay Ba Lan và Cộng hòa Czech, khi nhường bước trước các đòi hỏi của Nga về việc chúng ta không xây các hàng rào phòng thủ tên lửa để bảo vệ những người bạn của mình. Thứ năm, bằng việc cắt bỏ ngân sách quân sự, Obama đã đe dọa đến khả năng giữ ưu thế công nghệ về hệ thống vũ khí của chúng ta. Thứ sáu, Obama đã bị bắt quả tang không phòng bị gì khi Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu J-20, điều mà chính quyền của ông này nghĩ là còn lâu mới xảy ra. Và cuối cùng, bằng việc nhằm vào ngân sách quốc phòng mà tấn công để chi trả cho các chương trình xã hội của mình, Obama tiếp tục làm suy yếu khả năng tôn vinh những chiến binh trước đây và hiện thời của chúng ta.

Khi các sỹ quan quân sự và tình báo của chúng ta tìm ra Osama bin Laden, ngay giữa Pakistan, họ đã tìm tới tổng thống để báo tin và hỏi liệu nên xử lý tay này bằng một quả tên lửa hay bằng một cuộc tấn công (cả hai giải pháp đều hợp lý). Giải pháp duy nhất còn lại là để cho tay này yên. Chà, Obama đã có một quyết định để thực hiện. Chúng ta sẽ có bin Laden − hay chúng ta sẽ để hắn yên? Tôi không thể tin nổi bất kỳ ai ngồi ở Phòng Bầu Dục lại nói: “Đừng làm gì cả.” Vì vậy, ông ấy quả thật chỉ có đúng một lựa chọn cần thực hiện: thủ tiêu hắn ta bằng tên lửa hay bằng một cuộc tấn công. Ông ấy đã quyết định, và dù là theo hướng nào thì quyết định đó cũng đều đúng đắn, và Osama bin Laden đã chết.

Việc chúng ta tóm được hắn ta thật tuyệt vời, nhưng có người tỉnh táo nào mà lại hành động khác đi trong trường hợp này? Tại sao Obama lại được ghi nhận công trạng lớn lao đến vậy? Tôi biết nói thế này thì không đúng về mặt chính trị, nhưng nếu ai có thể giải thích chuyện này cho tôi, tôi rất lấy làm cảm kích. Người xứng đáng nhận được mọi công trạng là quân đội của chúng ta, chứ không phải Obama.

Ngoài ra, chính sách ngoại giao mà Obama đã thực hiện trong ba năm đầu tiên ở cương vị tổng thống cũng có vấn đề. Thêm nữa, ông ấy còn phá hỏng hệ thống an ninh quốc gia của nước Mỹ. Một cái nhìn cận cảnh hơn sẽ vén lộ một số thực tế đáng báo động.

Tổng tư lệnh phải là người có trực giác chuẩn. Đó là một trong những vấn đề của Obama. Ví dụ: Trên đường vận động tranh cử năm 2008, Obama đã hứa sẽ đóng cửa nhà tù chống khủng bố ở vịnh Guantanamo. Rồi sau đó, khi được bầu làm tổng thống, gặp gỡ những người trưởng thành trong giới quân đội và tình báo, ông ấy buộc phải làm quen với thực tế rằng Guantanamo tồn tại là có lý do, như Tổng thống George W. Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney đã quả quyết suốt thời gian dài.

Sau đó là đến trực giác của Obama khi đối xử với những kẻ khủng bố như những tên tội phạm (thay vì là phiến quân như bản chất vốn dĩ của chúng), cho phép chúng được hưởng quyền xét xử trong các phiên tòa dân sự, thay vì bị đưa ra tòa án quân sự. Như ai cũng biết, các phiên tòa dân sự thường không cho công tố viên quyền hạn cần thiết để gạt bỏ thẳng tay những tên khủng bố nguy hiểm và bảo đảm an toàn cho đất nước. Thế nhưng Obama và Bộ trưởng Bộ Tư pháp của ông này, Eric Holder, lại nghĩ ngược lại. Một ví dụ là bài học đau đớn mà Obama nhận được khi Ahmed Ghailani được tuyên trắng án khỏi hơn 224 điểm buộc tội về tội giết người trong một phiên tòa dân sự xét xử tội trạng của tên này trong vụ ném bom đại sứ quán Mỹ ở châu Phi. “Đó gần như là một thảm họa”, dân biểu của Đảng Cộng hòa ở bang Texas, Lamar Smith nói. “Nếu Ghailani được tuyên trắng án thêm một cáo buộc nữa, hắn ta sẽ được coi là vô tội trước những tội ác đáng ghê tởm này.”

Sai lầm này gợi nhớ lại thất bại ngu xuẩn của Obama và Holder trong vấn đề có nên tổ chức phiên tòa xử Khalid Sheikh Mohammed, kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9 ở thành phố New York hay không. Lý do Obama và Eric Holder muốn cho một trong những kẻ thù lớn nhất của nước Mỹ một cái bục làm quan hệ công chúng và chiếc loa truyền thông lớn nhất thế giới tại đúng nơi diễn ra các cuộc tấn công khủng bố vào tòa Tháp Đôi thật không thể hiểu nổi. Thế nhưng một năm sau đó, Obama và Holder cuối cùng cũng quyết định xét xử Khalid Sheikh Mohammed ở Guantanamo.

Rồi tiếp đến là quyết định gần đây của Obama − rút ruột quân đội Mỹ bằng việc cắt giảm 400 tỷ
đô-la khỏi ngân sách quốc phòng, một con số lớn hơn gấp hai lần con số mà Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khi đó xác định là khôn ngoan. Và giờ đây ta có Obama, một người đàn ông chưa bao giờ gặp phải chi phiếu chi tiêu nào mà ông ta không ưa, nhưng khi vấn đề là rót ngân sách cho các đội quân của chúng ta và cung cấp cho họ trang thiết bị, khóa huấn luyện và sự hỗ trợ cần thiết, Obama lại vắng bóng. Nói như Bộ trưởng Quốc phòng Gates khi nghe nói đến quyết định đó của ông sếp của mình, một động thái như thế sẽ làm suy yếu “cấu trúc lực lượng và năng lực quân sự.”

Thỏa thuận là thế này: khi bộ trưởng quốc phòng nói với ta rằng các biện pháp cắt giảm mà ta đề xuất sẽ làm xói mòn năng lực quân sự của nước Mỹ, ta cần chú ý. Nhưng Obama thì không. Ông ấy nghĩ mình biết cách điều hành quân đội tốt hơn những người cầm súng chiến đấu. Ông ấy đã lầm. Lý do những người bảo thủ ủng hộ một hệ thống quân đội vững mạnh, được rót ngân sách đầy đủ là vì họ biết rằng mọi sự tự do đều bắt nguồn từ an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một tổng thống mới. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta cần cứng rắn trong chính sách ngoại giao khi đối phó với những mối đe dọa và thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt từ các địch thủ và các quốc gia kẻ thù.

Trung Quốc.

Ngay khi Obama cắt xén con số đáng kể 400 tỷ đô-la khỏi ngân sách quốc phòng thì Trung Quốc cười vang và dùng hàng tỷ đô-la cướp được của chúng ta mỗi năm để tăng chi tiêu cho quân đội lên 13% − mỗi năm trong 20 năm vừa qua!

Tất nhiên là Trung Quốc đã khai thấp đáng kể ngân sách thật sự cho quốc phòng và nâng cấp công nghệ. Đó là một phần văn hóa của họ. Như tôi đã đề cập ở phần trước, họ làm theo lời của Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, ông này đã nói rằng Trung Quốc phải “che giấu năng lực và chờ đợi thời cơ”. Vì vậy họ che giấu chi tiêu quân sự và hạn chế để lộ sự tinh vi quân sự của mình mỗi khi có dịp. Chẳng hạn, Trung Quốc tuyên bố ngân sách cho quốc phòng của nước này chỉ là 78,6 tỷ đô-la một năm. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tin rằng con số thật sự là trên 150 tỷ đô-la. Và khi bạn nhân sức mua với tỷ giá hối đoái thì ngân sách thật sự cho hoạt động quân sự của Trung Quốc là gần 300 tỷ đô-la (lớn thứ hai trên thế giới) − một con số bằng đúng con số mà bọn họ đã cắt cổ của chúng ta mỗi năm.

Trung Quốc cũng là bậc thầy đánh lừa hướng đi phát triển vũ khí. Sau khi thăm Đại học Quốc phòng Mỹ, người đứng đầu đoàn khách của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Tướng Trần Bỉnh Đức, đã nói: “Thành thật mà nói, tôi cảm thấy rất buồn sau chuyến thăm, bởi vì tôi nghĩ rằng tôi cảm thấy và biết các trang thiết bị của đất nước chúng tôi nghèo nàn đến thế nào, và chúng tôi vẫn còn kém phát triển ra sao.” Chỉ có kẻ ngốc mới tin những lời vô nghĩa đó. Như tờ Wall Street Journal tường thuật, “Bắc Kinh có chương trình tên lửa tham vọng nhất thế giới − bao gồm tên lửa đạn đạo chống tàu đe dọa các hàng không mẫu hạm của Mỹ.” Chúng ta cũng biết rằng Trung Quốc đang bận rộn xây dựng một đội tàu ngầm hạt nhân lớn đến độ chẳng mấy chốc sẽ vượt những chiếc tàu của chúng ta về kích thước, và nước này cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhiều hàng không mẫu hạm cũng như đẩy mạnh đáng kể chương trình chiến tranh mạng và gia tăng các loại vũ khí chống vệ tinh. “Nếu nước Mỹ có thể châm lửa đốt ở sân sau của Trung Quốc, chúng tôi cũng có thể châm lửa đốt ở sân sau của họ”, Đại tá Đái Húc của PLA đã nói như thế.

Sau đó, năm 2011, chỉ một tuần trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào, PLA đã thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu tàng hình mới của họ, J-20, một loại máy bay ném bom cao cấp tầm trung mà chính quyền Obama nghĩ rằng phải mất nhiều năm nữa người Trung Quốc mới có để bay. Và Obama đã làm gì? Không làm gì cả. Thay vào đó, ông ấy để Hồ Cẩm Đào nhẹ nhàng bước vào đất nước chúng ta đúng tuần sau đó, cười nhạo chúng ta và cho thấy điểm yếu của Obama.

Đây là câu trả lời của tôi: ta phải tỉnh lại và nhận ra rằng bản thân tiền là một thứ vũ khí. Hồ Cẩm Đào hiểu điều đó. Hầu hết người Mỹ hiểu điều đó. Nhưng đám kém cỏi ở Nhà Trắng dường như không hiểu, hoặc có thể đơn giản là bọn họ chẳng quan tâm. Bất kể thế nào, người Trung Quốc cũng hiểu rằng việc thu nợ chúng ta cho phép họ nắm chúng ta làm con tin với mối đe dọa rằng họ sẽ cho khoản nợ của chúng ta đi đời và đẩy lãi suất lên kịch trần. Đó cũng là lý do tại sao Trung Quốc lại vơ vét khoáng sản, dầu khí và lương thực ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông. Khi ta kết hợp “vũ khí” kinh tế này với sự xây dựng năng lực quân sự ồ ạt của Trung Quốc, mọi sự trở nên rõ ràng rằng nước Mỹ cần củng cố năng lực quân sự của mình, chứ không phải làm suy yếu nó. Cụ thể, các chuyên gia quốc phòng tin rằng để đối phó với thách thức quân sự từ phía Trung Quốc, chúng ta cần triển khai thêm nhiều tàu ngầm, máy bay thế hệ thứ năm như F-22 Raptor và F-35 Tia chớp, thúc đẩy năng lực chống tàu ngầm và chống ngư lôi, bổ sung thêm hệ thống tên lửa và tên lửa tàu ngầm cho hệ thống quốc phòng, nâng cấp công nghệ chiến tranh mạng, mài bén các nền tảng trinh sát và bổ sung thêm các nền tảng tấn công chính xác tầm xa. Barack Obama có làm những việc này không? Khả năng rất thấp. Chúng ta cần một vị tổng thống làm việc đó.

Nước Nga.

Sự mến mộ mà công chúng Mỹ dành cho Obama có thể đã chạm đến đáy, nhưng tôi biết có một nơi mà thứ hạng của ông ấy có thể vẫn trên trời: Điện Kremlin. Các nhà lãnh đạo Nga gần như không tin nổi vào may mắn của mình. Chính sách ngoại giao chiều lòng người của Obama đã làm lợi cực kỳ nhiều cho nước Nga. Thủ tướng Nga Vladimir Putin, người mà tôi đánh giá rất cao trí tuệ và cách thức làm việc không nói – làm những gì vớ vẩn, là một cựu sỹ quan KGB. Chẳng bao lâu sau khi chuyển đến số 1600 Đại lộ Pennsylvania, Obama đã bắt đầu thỏa hiệp và hiến tế sức mạnh Mỹ trên chiếc bàn thờ “cải thiện quan hệ” với Nga.

Theo tờ báo yêu thích của Barack Obama, New York Times, chỉ trong vòng vài tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Obama đã cử một quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ tới Nga giao một bức mật thư cho Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev. Theo Times, bức mật thư này nói rằng Obama “sẽ rút lại việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Đông Âu nếu Moscow giúp [Mỹ] ngăn chặn Iran phát triển vũ khí tầm xa”. Obama chỉ mới vừa chuyển đồ đạc vào khu dinh thự tại Nhà Trắng, ấy thế mà ông ấy đã ngứa ngáy bắt đầu làm suy yếu sức mạnh Mỹ và phá hoại quan hệ đồng minh của chúng ta.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi Putin điên lên vì sung sướng: “Quyết định mới đây nhất của Tổng thống Obama… có những tác động tích cực”, Putin nói. “Tôi rất hy vọng rằng quyết định đúng đắn và dũng cảm này sẽ được nhiều nhà lãnh đạo khác noi theo.”

Thế nhưng mọi sự còn trở nên tồi tệ hơn nữa. Những người bạn của Mỹ như Ba Lan và Cộng hòa Czech không có gì để phòng vệ trước các cuộc tấn công tên lửa, “dù không có sự bảo đảm công khai nào” rằng Moscow sẽ giúp phá hỏng chương trình tên lửa của Iran. Hoạt động của nhiều chuyên gia trong giới tình báo đã bị động thái khinh suất của Obama cản trở. Các thượng nghị sỹ Mỹ cũng phải can thiệp. “Đây được coi như một sự đầu hàng trước người Nga, những người không có cơ sở thật sự nào để phản đối những gì mà chúng ta đã làm”, một nghị sỹ của Đảng Cộng hòa cảnh báo. “Thế mà đến cuối ngày, ta lại tăng cường sức mạnh cho người Nga, khiến Iran sung sướng và người Đông Âu băn khoăn ta là ai với tư cách là người Mỹ.” Và Obama đáp lại thế nào? “Nếu hệ quả phụ của việc này là người Nga cảm thấy đỡ hoài nghi hơn và giờ đây sẵn sàng làm việc hiệu quả hơn với chúng ta để đối phó với những mối đe dọa như tên lửa đạn đạo từ Iran hay phát triển hạt nhân ở Iran, thì các bạn biết đấy, đó đã là một phần thưởng rồi.”

Kết quả không được như mong đợi. Năm 2010, người Nga đã khôn ngoan hơn Obama khi hứa sẽ chơi đẹp và không bán tên lửa chống tàu hàng không cho Iran. Chính quyền đã tự hào tuyên bố tới tấp rằng đây là thành công lớn và ca ngợi Medvedev vì đã “cho thấy vai trò lãnh đạo trong việc buộc Iran phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình, từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc”. Khi đó, ngay khi Obama đang bận rộn tung hô hành động của người Nga, tờ Los Angeles Times đã cho biết: “Các quan chức ngoại giao Nga đã âm thầm vận động các nước khác… dỡ bỏ những đòn trừng phạt cứng rắn hơn với nước Cộng hòa Hồi giáo kia.” Đó là một cú xoay chuyển ngoạn mục không tin nổi đối với người Nga: họ đã khiến Obama từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa tuyệt đối chẳng vì một điều gì và chơi cho Mỹ một vố ra trò khi âm thầm thuyết phục các nước khác ủng hộ Iran.

Putin có những kế hoạch lớn cho nước Nga. Ông ta muốn đánh bại các nước láng giềng để Nga có thể kiểm soát nguồn cung cấp dầu cho khắp châu Âu. Putin cũng tuyên bố tầm nhìn lớn của mình: tạo ra một “Liên minh Âu-Nga” có thể thống lĩnh khu vực, với thành viên là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tôi tôn trọng Putin và người Nga nhưng không thể tin nổi vị lãnh đạo của chúng ta lại cho phép họ thu được quá nhiều thứ như thế − tôi dám chắc Vladimir Putin thậm chí còn ngạc nhiên hơn cả tôi. Xin ngả mũ trước người Nga.

Iran.

Kế hoạch đề nghị Nga đứng dậy đối đầu với Iran của Obama là một thất bại. Đáng tiếc là, chính sách ngoại giao hiện tại của chúng ta đối với Iran chỉ như thế mà thôi.

Trước tiên, việc Obama lớn tiếng ủng hộ tự do trong suốt thời kỳ được gọi là “Cách mạng Xanh” ở Iran là một thất bại to lớn. Như cả thế giới đều thấy, các sinh viên và người bất đồng chính kiến ở Iran đã xuống đường để biểu tình trong hòa bình đòi cải cách dân chủ và đảm bảo quyền con người chỉ để rồi bị đàn áp. Và Obama đã làm gì? Dù sự việc tệ hại và kinh hoàng, song ông ấy chỉ ngồi im. Nếu Obama bước ra giúp những người biểu tình từ sớm, chế độ đó có thể dễ dàng bị lật đổ và ngày hôm nay chúng ta sẽ chẳng có vấn đề lớn nhất này. Khi đụng tới việc bảo vệ quyền con người ở thế giới Hồi giáo, Obama né đi vì nghĩ rằng nước Mỹ nên xin lỗi các quốc gia Hồi giáo thay vì lên tiếng.

Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất là việc Obama không sẵn lòng cứng rắn khi đối mặt với những tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran. Iran là thành viên bị trừng phạt nhiều nhất Liên Hợp Quốc. Từ năm 2006, Iran đã là trọng tâm của năm nghị quyết của Hội đồng An ninh yêu cầu nước này phải dừng các chương trình làm giàu uranium. Thế nhưng, dù biết tất cả những điều này, Obama vẫn tiếp tục dựng lên những “giải pháp” theo kiểu vườn trẻ khi đối phó với mối đe dọa từ Iran. Chẳng hạn, dù những nhân vật lớn trong thế giới tình báo đang đau đầu nhức óc tìm cách ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân có thể vận hành thì Barack Obama lại muốn lập một đường dây diện thoại nóng giữa Mỹ và Iran. Giải pháp của Obama cho việc ngăn chặn một nước Iran hạt nhân là lập một đường dây điện thoại con con mà quân đội của chúng ta có thể sử dụng để nói chuyện ngọt ngào với chế độ đang đe dọa hủy diệt nước Mỹ.

Thế nhưng Iran cười nhạo ông ấy và thẳng thừng từ chối kế hoạch này. “Ngoài việc từ chối đường dây nóng”, tờ Wall Street Journal tường thuật, “các quan chức quân đội Iran còn đe dọa triển khai lực lượng hải quân Iran ở Tây Bán Cầu, trong đó rất có thể bao gồm cả Vịnh Mexico” (phần in nghiêng là của tôi).

Vậy Nhà Trắng đã phản ứng như thế nào? Obama đã cử thư ký báo chí của mình đưa ra một thông điệp thể hiện sức mạnh như sau: “Chúng tôi không cho những tuyên bố này là nghiêm trọng vì chúng không phản ánh được gì về năng lực hải quân của Iran.” Nghe mới an lòng làm sao!

Vấn đề không phải là hải quân của Iran không đủ khả năng dong tàu ngoài bờ biển Florida. Vấn đề là chính phủ Iran thiếu sợ hãi và tôn trọng lãnh đạo Mỹ đến độ cảm thấy chẳng chút e dè khi đưa ra một lời đe dọa như vậy. Người Iran biết tổng thống của chúng ta sẽ ngồi im và chẳng làm gì, giống như những gì ông này đã làm trong suốt cuộc Cách mạng Xanh của Iran. Họ biết bản năng của Obama là xin lỗi và rút lui. Như tờ Wall Street Journal đã chỉ ra, “Tehran dường như đang thể hiện thái độ hung hăng hơn ở Vịnh Ba Tư, phần nào như là phản ứng trước sự rút quân theo dự kiến của lực lượng Mỹ ở Iraq và Afghanistan.” Nói cách khác, vì Obama đã ra một quyết định kinh khủng là tuyên bố ngày giờ rút quân, nên giờ đây Iran cảm thấy như được khuyến khích phô trương sức mạnh của mình. Năm 2011, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết có vài pha “suýt xảy ra va chạm” giữa các tàu cao tốc của Quân chủng Bảo vệ Cách mạng Hồi giáo (IRGC) thách thức tàu chiến của Mỹ và đồng minh. Mục tiêu chính của Mỹ với Iran phải là phá tan tham vọng hạt nhân của nước này. Cho phép tôi nói thẳng điều này như những gì mà tôi biết: chương trình hạt nhân của Iran phải bị chặn lại – bằng mọi phương tiện cần thiết. Chấm hết. Chúng ta không thể cho phép chế độ cực đoan này có được vũ khí hạt nhân mà họ sẽ hoặc là tự mình sử dụng, hoặc là sẽ giao nó vào tay quân khủng bố. Tốt hơn là hãy làm ngay bây giờ thay vì để lại sau này!

Ở cuối nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống George W. Bush đã phê chuẩn một chương trình bí mật có nhiệm vụ “phá hủy hệ thống điện và máy tính” ở Natanz, một cơ sở làm giàu uranium của Iran. Kết quả của sáng kiến này là việc tạo ra thứ vũ khí mạng cao cấp chưa từng có của thế giới. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Israel, cũng như công nghệ từ các đồng minh khác, sâu mạng Stuxnet đã được thả để phá những chiếc máy ly tâm hạt nhân của Iran và khiến chúng quay nhanh đến độ tự phá hỏng mình. Điệp vụ này rất thành công và đã phá được khoảng 1/5 số máy ly tâm của Iran. Không ai biết chắc chúng ta đã đẩy chiếc đồng hồ hạt nhân của Iran chậm lại bao nhiêu tháng hay bao nhiêu năm. Một số nhà phân tích nói sáu tháng, số khác nói một hoặc hai năm. Nhưng đó chính là vấn đề: chiếc đồng hồ vẫn chạy.

Nhiều chuyên gia tin rằng cách duy nhất để loại bỏ được mối đe dọa hạt nhân của Iran là đánh bom các cơ sở chế tạo của đất nước này. Israel đã sử dụng các cuộc không kích để phá các cơ sở hạt nhân hai lần: một lần năm 1981 vào một khu hạt nhân của Iraq, và một lần nữa vào năm 2007 để phá nhà máy bom hạt nhân ở Syria. Rõ ràng là Iran đang chuẩn bị cho mình trước khả năng này. Tháng 9 năm 2011, Iran chuyển cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân quan trọng nhất của nước này tới một “cơ sở quân sự ngầm được bảo vệ chặt chẽ” để bảo vệ nguồn cung cấp trước nguy cơ bị không kích hay tấn công mạng. Phát ngôn viên cho Hội đồng An ninh Quốc gia ở Nhà Trắng cho biết động thái này là hành vi vi phạm trực tiếp yêu cầu an ninh của Liên Hợp Quốc và là “một hành động khiêu khích khác”. Thế nhưng, như thường lệ, Obama sẽ chẳng làm gì cả. Tệ hơn nữa, chúng ta biết bản năng của Obama về Iran thật kinh khủng. Ngày 18 tháng 5 năm 2008, trong suốt bài phát biểu cho chiến dịch vận động tranh cử, Obama khi đó đang là ứng viên đã đưa ra tuyên bố đến không thể tin nổi sau: “Ý tôi là, hãy nghĩ về chuyện này. Iran, Cuba, Venezuela − những nước này đều quá nhỏ, so với Liên bang Xô viết. Họ không đặt ra cho chúng ta mối đe dọa nghiêm túc như mối đe dọa mà Liên bang Xô viết đặt ra cho chúng ta… Các bạn biết đấy, Iran, họ chi tiêu 1% những gì chúng ta chi tiêu cho quân sự. Nếu Iran cố tìm cách đặt ra mối đe dọa nghiêm túc với chúng ta, họ sẽ không có lấy một cơ hội. Và chúng ta nên dùng vị thế sức mạnh mà chúng ta có, dũng cảm tiến lên và lắng nghe.” Rồi sau đó, sau khi các cố vấn cho ông ta hay phát biểu này khinh suất đến thế nào, hai ngày sau Obama đi ra và xoay ngược lập trường của mình: “Iran là một mối đe dọa nghiêm trọng. Đất nước này có một chương trình hạt nhân ngầm, ủng hộ những kẻ khủng bố trên khắp khu vực và phiến quân ở Iraq, đe dọa sự tồn tại của Israel và chối bỏ tội ác tàn sát hàng loạt.” Lại một lần nữa, bản năng ban đầu của người đàn ông này đã sai. Và trong trường hợp này, chúng đã đe dọa nước Mỹ cũng như đồng minh Israel của chúng ta.

Rõ ràng là chúng ta phải lắng nghe các chuyên gia tình báo của đất nước để quyết định đâu là cách tốt nhất để ngăn chặn các tham vọng hạt nhân của Iran. Nhưng đây là thực tế: vì chiếc đồng hồ đang đếm lùi, nên vị tổng thống tiếp theo mà người Mỹ bầu chọn bằng mọi giá sẽ là tổng thống hoặc ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân hoặc là người ngồi im và để mọi sự xảy ra. Cuộc đàm phán của Obama đã đưa đến một thỏa thuận yếu ớt với Iran. Ông ta đã trao cho Iran hàng trăm triệu đô-la và đang cung cấp cho các giáo sỹ Hồi giáo này những thiết bị hạt nhân cùng lời hứa hẹn rằng nước Mỹ sẽ bảo vệ Iran khỏi cuộc tấn công của Israel. Việc làm này sẽ khởi động cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông, và Iran sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân. Obama đã để bốn tù nhân Mỹ lại phía sau. Iran sẽ phát triển vũ khí hạt nhân trong khi nền kinh tế của đất nước này ngày một tăng trưởng mạnh mẽ.

Obama thương thảo từ sự yếu nhược. Đó là hành động thiếu chuyên nghiệp. Đáng lẽ ông ta nên tăng gấp đôi hình phạt khi bắt đầu các cuộc thương thảo, chứ không phải xóa bỏ chúng. Đáng lẽ ông ta nên đòi thả bốn con tin người Mỹ như một cử chỉ thiện ý ngay từ đầu. Và Đảng Cộng hòa một lần nữa lại chịu thua trước Obama khi cho phép ông ta đẩy thỏa thuận nguy hiểm của mình qua Nghị viện mà không cần đến siêu đa số phiếu.

Obama từ chối gọi thỏa thuận hạt nhân với Iran của mình là một thỏa ước. Điều đó có nghĩa là không có chính quyền tương lai nào phải tuân theo thỏa thuận này. Nếu tôi được bầu làm tổng thống, các bạn hãy yên tâm rằng tôi sẽ không chịu sự ràng buộc bởi thỏa thuận này. Tôi không làm việc theo những thỏa thuận tồi.

Pakistan.

Khi đội Navy SEALS xuất sắc của chúng ta tiêu diệt được Osama bin Laden, họ không tìm thấy hắn ta ở một hầm trú ẩn khó tìm nào trên mặt đất hay trong một hang đá xa xôi hẻo lánh. Không, họ tìm thấy hắn ta ở Pakistan, ngay cạnh một trong những học viện quân sự danh giá nhất của Pakistan. Điều đó nói lên điều gì? Nó nói lên rằng Pakistan biết Osama ở đâu suốt một thời gian dài.

Nói thẳng ra: Pakistan không phải là bạn ta. Chúng ta đã rót cho họ hàng tỷ hàng tỷ đô-la, và rồi chúng ta nhận được điều gì? Sự phản bội và thiếu tôn trọng − và tồi tệ hơn thế. Khi một chiếc trực thăng của chúng ta bị bắn rơi trong cuộc đột kích Osama bin Laden, Pakistan đã giao nó cho Trung Quốc để các kỹ sư người Trung Quốc có thể nghiên cứu nó và ăn cắp công nghệ mà chúng ta đã phải bỏ ra hàng tỷ đô-la để phát triển. Người Pakistan nghĩ chúng ta là một lũ đần. Họ không tôn trọng chúng ta. Và mọi sự không chỉ dừng lại ở sự thiếu tôn trọng đơn thuần, mà còn tồi tệ hơn thế. Tháng 5 năm 2011, Pakistan quả thật đã bắn đoàn trực thăng Apache của Mỹ. Một quan chức quân sự đã phát biểu: “Chúng tôi không được phép bắn trả các tọa độ nằm trong biên giới Pakistan. Chúng tôi biết quân đội Pakistan chính là kẻ gây sự trong nhiều vụ. Pakistan là chủ mưu.”

Việc các quy tắc giao chiến (ROE) không cho phép quân đội của chúng ta bảo vệ bản thân và đáp trả đạn pháo là điều hoàn toàn điên rồ. Chúng ta cần tháo bỏ những gông cùm này và cứng rắn hơn. Nếu anh bắn lính của chúng tôi, lính của chúng tôi sẽ bắn lại anh. Có thế thôi.

Thế nhưng có một mối đe dọa thậm chí còn nghiêm trọng hơn nữa nổi lên từ Pakistan. Tôi đang nói về sự nổi lên của cái gọi là mạng lưới Haqqani, một mạng lưới khủng bố ước tính có 15.000 phiến binh dũng mãnh. Mạng lưới Haqqani có liên hệ mật thiết với al Qaeda. Phiến quân Haqqani có nguồn gốc từ Afghanistan nhưng hiện đang ẩn nấp ở Pakistan. Chúng được coi là lớn hơn và được rót tiền nhiều hơn al Qaeda. Và đây là phần tồi tệ nhất: Cục Tình báo Pakistan ISI đang giúp đỡ Haqqani. Cựu Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Michael Mullen là người làm việc gần gũi với Pakistan hơn ai hết. Chính ông đã nói rằng Mạng lưới Haqqani đã trở thành “cánh tay chiến lược” của Cục Tình báo Pakistan và chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở Kabul, khách sạn Inter-Continental ở Kabul và cuộc đánh bom xe tải làm 77 lính Mỹ bị thương.

Và hãy hiểu điều này: theo các chuyên gia tình báo, “Pakistan đang chuẩn bị thay thế hàng tỷ đô-la viện trợ quân sự quan trọng mà nước này nhận được từ Mỹ bằng việc vuốt ve Trung Quốc và kêu gọi sự giúp đỡ từ đồng minh Hồi giáo Ả-rập Xê-út.”

Khi nào thì chúng ta mới tỉnh ra và nhận ra rằng chúng ta đang rót tiền cho kẻ thù của mình? Và khi nào chúng ta mới để cho quân đội của chúng ta được phép đánh trả? Ngay lúc này đây chúng ta đang cấm các lực lượng của mình không được dùng máy bay không người lái Predator trong thành phố Miram, nơi mà phiến quân Haqqani đặt trụ sở đầu não. Lý do? Obama không muốn “xúc phạm” người Pakistan. Lý do này thật ngớ ngẩn − họ đang giết hại binh lính của chúng ta. Chúng ta cần cứng rắn, cho phép quân lính của chúng ta bắn trả, và nói với Pakistan rằng chúng ta sẽ cắt toàn bộ hoạt động kinh tế với họ cho đến khi họ cắt đứt liên hệ với mạng lưới Haqqani. Nếu Cục Tình báo Pakistan hợp tác với khủng bố, chúng ta cần tuyên bố quân đội của họ là một tổ chức khủng bố.

Libya.

Obama tranh cử tổng thống với cương lĩnh sẽ không bắt đầu thêm “cuộc chiến phi pháp” nào nữa. Bạn đoán được điều gì không? Ông ta đã bắt đầu một “cuộc chiến phi pháp”. Ông ta chưa bao giờ ra trước Quốc hội đề nghị tuyên bố chiến tranh với Libya. Thay vào đó, ông ta đã tự mình phát động một cuộc chiến và đẩy nước Mỹ vào một cuộc nội chiến dữ dội. Chẳng phải đó chính là luận điệu Obama dùng để tấn công George W. Bush sao, dù [nhờ cuộc chiến ấy] Bush đã loại bỏ được Saddam Hussein?

Giờ thì Qaddafi đã chết và khuất dạng. Thế thì sao? Chúng ta đã tiêu hơn 1 tỷ đô-la cho chiến dịch Libya. Và chúng ta nhận lại được điều gì? Một chi phiếu khổng lồ, đó là tất cả. Không thể tin được chính quyền Obama lại dễ dãi đến độ ấy. Libya có trữ lượng dầu mỏ cực lớn. Khi những kẻ được gọi là “nổi dậy” kia tìm đến NATO (mà thực ra chính là Mỹ) và cầu xin giúp đỡ đánh bại Qaddafi, đáng lẽ chúng ta nên nói: “Chắc chắn rồi, chúng tôi cũng chẳng ưa gì tay ấy. Chúng tôi sẽ giúp các anh diệt trừ Qaddafi. Nhưng đổi lại, các anh phải trao cho chúng tôi 50% nguồn dầu của các anh trong 25 năm tới để trả cho sự hỗ trợ quân sự của chúng tôi và nói cảm ơn vì nước Mỹ đã làm những gì mà các anh không thể tự mình làm được.” “Những kẻ nổi dậy” sẽ chấp nhận ngay lời đề nghị này và gật đầu đồng ý. Nói cho cùng thì họ chẳng có cơ may nào − bọn họ đang bị đánh cho tan tác − mọi sự kết thúc. Nhưng chúng ta có làm thế không? Không. Các nhà lãnh đạo của chúng ta đã không thể thương thảo một phi vụ như thế.

Hãy hình dung ra lượng dầu mà đáng lẽ chúng ta đã thu được cho nước Mỹ. Hãy nghĩ đến sự giải tỏa về mặt kinh tế mà đáng ra chúng ta đã đảm bảo được cho người dân và các doanh nghiệp của chúng ta. Một phi vụ như thế đáng ra sẽ rất dễ dàng với một người môi giới trung gian. Nhưng các nhà ngoại giao của chúng ta là những gã ẻo lả đàn bà. Họ không muốn “xúc phạm” ai. Bạn đoán được điều gì không? Chính người Mỹ đã bị xúc phạm! Chính sách của chúng ta cần phải là: không dầu thì không hỗ trợ quân sự. Không có ngoại lệ nào cả.

Đáng tiếc là ngay cả giờ đây khi Qaddafi đã biến mất, cái giá mà chúng ta sẽ phải trả cho chính sách của chúng ta với Libya có thể kết thúc đắt đỏ và khốc liệt hơn nhiều tỷ đô-la mà chúng ta đã ném vào đó. Tháng 9 năm 2011, con số tên lửa chống tàu vác vai bị mất ở Libya đã lên đến 20.000. Theo nhóm thiên tả Human Rights Watch, lý do cho chuyện này là vì Barack Obama đã từ chối cung cấp sự bảo vệ thích đáng cho các kho vũ khí. Khi vũ khí bị mất ở Iraq, giới truyền thông tự do đã dựng lên một câu chuyện ra trò từ nó và sử dụng vấn đề đó để kiện và tấn công George W. Bush. Thế nhưng bây giờ, dưới sự giám sát của Obama, 20.000 tên lửa vác vai − loại vũ khí có thể hạ một chiếc máy bay thương mại − không thể tìm thấy ở đâu, và truyền thông chính thống chỉ ngồi ngáp vặt.

Không có tiết lộ nào về việc những tên lửa này sẽ được bán bao nhiêu trên thị trường chợ đen. Nhưng có một điều mà bạn có thể đánh cược đến đồng xu cuối cùng trong túi mình, đó là tất cả các tổ chức khủng bố sẽ đứng xếp thành hàng chờ mua chúng. Chúng ta biết rằng al Qaeda đã ở Libya. Richard Clark, cựu cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng, đã nói rằng khả năng al Qadea lén đưa thành công những tên lửa này ra khỏi Libya là “khá cao”. Khi câu chuyện nổi lên, như thường lệ, Nhà Trắng lại nhún vai. “Chúng ta… hợp tác chặt chẽ với [các nhà lãnh đạo quân nổi dậy Libya] cũng như NATO trong việc điều tra và đối phó với vấn đề vũ khí thông thường ở Libya”, Thư ký báo chí Jay Carney nói. “Chúng tôi đang tìm hiểu mọi tùy chọn để mở rộng sự giúp đỡ của mình.”

Nghe hay làm sao!

Và đây, điều tồi tệ nhất trong chuyện này: đoán xem ai đã “bí mật” cung cấp cho quân nổi dậy Libya “viện trợ nhân đạo” trước khi Tripoli, thủ đô Libya, thất thủ? Đúng đấy: Iran. Khi quân nổi dậy chiếm được thủ đô, Iran đã “chúc mừng người Hồi giáo ở Libya.”

Giống như tất cả mọi người, tôi vui mừng khi Qaddafi biến mất. Nhưng nếu chúng ta thông minh và thương thảo khôn ngoan, chúng ta sẽ có được 50% số dầu của Libya trong 25 năm trước khi tiêu xài hàng núi tiền của nước Mỹ. Một lần nữa, Obama đã chứng tỏ là một nhà đàm phán kinh khủng và là chuyên gia bỏ lỡ những cơ hội lớn cho nước Mỹ. Và bạn hãy thử đoán ai thu được phần nhiều số dầu từ Libya − bạn đoán đúng rồi đó, là Trung Quốc, không phải Mỹ.

Thiệt hại mà Obama gây ra cho quân đội và vị thế của chúng ta trên thế giới chỉ có thể được sửa chữa lại khi chúng ta bầu chọn một tổng thống mới, một người tôn trọng những nam nữ quân nhân chúng ta và theo đuổi một học thuyết an ninh quốc gia đặt Mỹ lên hàng đầu.

Bình luận
720
× sticky