Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kẻ Nhắc Tuồng

Chương 5

Tác giả: Donato Carrisi

Mila xuống tàu, gương mặt nhờn bóng và đôi mắt sưng mọng sau một đêm không ngủ. Cô bước đi dưới mái che của ga tàu. Nhà ga gồm có một tòa nhà chính được xây từ thế kỷ thứ XIX và một trung tâm thương mại khổng lồ. Tất cả mọi thứ đều ngăn nắp và sạch sẽ. Thế nhưng, chỉ sau vài phút, cô đã nhận ra tất cả những góc tối của nó. Những nơi mà cô sẽ sục vào nếu phải đi tìm bọn trẻ mất tích. Nơi cuộc sống được mua và bán, rình mò hay ẩn nấp. Nhưng cô ở đây không phải vì những chuyện đó.

Sắp tới, một ai đó sẽ đến đưa cô đi xa khỏi nơi này. Hai đồng nghiệp ngồi đợi cô trong chốt cảnh sát của ga tàu. Một là nữ, khoảng bốn mươi, béo lùn, nước da vàng nâu, mái tóc cắt ngắn và cái hông rộng, quá rộng so với chiếc quần jean. Người kia là nam giới, tuổi khoảng ba tám, to cao và vạm vỡ. Anh ta khiến cô nhớ đến đám choai choai lực điền ở thị trấn quê nhà cô. Hồi học trung học, cô đã đi chơi với hai ba cậu trong đám ấy. Hồi ấy bọn cô mới vụng về làm sao.

Anh chàng cảnh sát mỉm cười với Mila, trong khi người đồng nghiệp của anh ta chỉ nhướng một bên mày quan sát cô. Cô tiến đến để chào họ theo nghi thức. Sarah Rosa chỉ nêu tên và cấp bậc của mình, trong khi anh chàng cảnh sát chìa tay ra với cô:

– Cảnh sát đặc nhiệm Klaus Boris. – Anh nói, đoạn tỏ ý muốn đỡ hộ cô cái túi vải dù. – Để đấy, tôi xách cho.

– Không cần đâu, cám ơn anh. Tôi tự xách được rồi. – Mila đáp.

Nhưng anh ta cứ nài ép:

– Có gì đâu mà.

Qua giọng điệu của anh chàng cùng với nụ cười dai dẳng, Mila cảm thấy tay cảnh sát Boris này thuộc dạng Don Juan, trong đầu luôn nghĩ mình có thể quyến rũ mọi phụ nữ anh ta gặp gỡ. Cô thậm chí còn tin rằng ngay từ lúc nhìn thấy cô ở phía xa, anh ta đã quyết định thử vận may.

Boris đề nghị uống cà phê trước khi lên đường, nhưng Sarah Rosa lườm anh chàng một cái.

– Có chuyện gì thế? Tôi nói gì sai à? – Anh ta biện hộ.

– Ta không có thời gian, cậu quên rồi à? – Sarah hỏi lại với giọng cương quyết.

– Đồng nghiệp của chúng ta đã phải đi một chặng đường dài, nên tôi nghĩ…

– Không cần đâu. – Mila cắt ngang. – Tôi thế này cũng ổn rồi. Cám ơn anh.

Mila không định chống đối Sarah, mặc dù cô ta cũng chẳng có vẻ gì là cảm kích trước sự nhiệt tình của cô.

Ba người tiến đến chiếc xe hơi ngoài bãi đậu xe. Boris ngồi vào ghế lái. Rosa chiếm lấy chỗ cạnh anh chàng. Mila ngồi phía sau, cùng với túi đồ của cô. Chiếc xe hòa vào dòng xe cộ trên con đường chạy dọc bờ sông.

Sarah Rosa có vẻ phật ý vì phải làm nhiệm vụ hộ tống một nữ đồng nghiệp. Ngược lại Boris không hề bực mình.

– Chúng ta đi đâu đây? – Mila rụt rè hỏi.

Boris nhìn cô qua gương chiếu hậu.

– Đến sở. Chánh thanh tra Roche muốn nói chuyện với cô. Ông ấy là người sẽ chỉ đạo cô.

– Chúng tôi không yêu cầu cô bắt bớ gì đâu. – Rosa xẵng giọng. – Chuyện đó để chúng tôi lo. Việc của cô chỉ là tìm ra tên của bé gái thứ sáu. Tôi hy vọng là cô đã xem hồ sơ…

Mila phớt lờ âm điệu chán ngán trong giọng nói của Rosa, chỉ vì câu nói của chị ta khiến cô nhớ lại đêm thức trắng cô vừa trải qua. Những tấm ảnh chụp các cánh tay bị chôn vùi. Vài thông tin pháp y ít ỏi về tuổi và thời điểm tử vong của các nạn nhân.

– Chuyện gì đã xảy ra? Trong rừng ấy? – Cô hỏi.

– Vụ án lớn nhất trong thời gian qua! – Boris phớt lờ việc lái xe để buông lời bình phẩm, phấn khích như một cậu bé. – Tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự. Theo tôi, vụ này làm nóng đít khối ông lớn đấy. Chính vì thế mà Roche đứng ngồi không yên.

Mila chưa gặp ông chánh thanh tra, nhưng rõ ràng là thuộc cấp của Roche chẳng nể trọng ông ta cho lắm. Boris dám nói huỵch toẹt như thế trước mặt Sarah Rosa, chứng tỏ cô ta cũng đồng tình, mặc dù không biểu hiện ra. Không hay rồi. Cô nghĩ bụng. Mặc kệ những lời bình phẩm vừa nghe, cô định bụng chỉ phán xét thanh tra Roche trên cung cách làm việc của ông ta thôi.

Rosa lặp lại câu hỏi, khiến Mila nhận ra cô ta đang nói chuyện với mình.

– Máu của cô đấy à?

Sarah Rosa đang quay người lại trên ghế trước, tay chỉ xuống dưới. Mila nhìn vào đùi mình. Quần cô có một vệt thẫm màu. Vết thương của cô lại bị hở miệng. Cô lập tức đặt tay lên chỗ đó và cảm thấy cần phải thanh minh.

– Tôi bị ngã trong khi chạy thể dục. – Cô nói dối.

– Cô hãy để ý đến nó đi, vết thương của cô ấy. Chúng tôi không muốn máu của cô dây vào tang chứng đâu.

Mila tự nhiên cảm thấy khó chịu trước lời phàn nàn vừa rồi, đặc biệt là khi Boris cũng đang nhìn cô qua gương chiếu hậu. Cô không muốn nói tiếp chuyện này, nhưng Rosa chưa chịu ngừng lên lớp:

– Có lần, một cậu lính mới phụ trách bảo vệ hiện trường một vụ án có yếu tố tình dục đã sử dụng phòng vệ sinh của nạn nhân. Thế là trong suốt sáu tháng trời, chúng tôi bám theo một bóng ma vì tưởng là tên sát nhân đã quên giật nước.

Boris bật cười. Mila cố gắng thay đổi chủ đề:

– Tại sao các anh chị lại gọi tôi đến? Chẳng lẽ mọi người không thể điểm lại các báo cáo mất tích trong tháng vừa rồi để lần ngược ra cô bé hay sao?

– Đừng có hỏi chúng tôi… – Rosa nói với giọng hậm hực.

Công việc bẩn thỉu, Mila thầm nghĩ. Lý do họ gọi cô đến đã rõ quá rồi. Thanh tra Roche muốn giao việc đó cho một người ngoài nhóm, không quá gần gũi, để có thể đổ trách nhiệm cho người đó nếu như họ không tìm được cái xác thứ sáu.

Debby. Anneke. Sabine. Melissa. Caroline.

– Thế còn gia đình của năm bé gái kia? – Mila hỏi.

– Bọn họ cũng đã đến sở cảnh sát. Để phân tích ADN.

Mila nghĩ đến những ông bố bà mẹ khốn khổ buộc phải chơi trò xổ số ADN, để được chắc chắn là con gái mình đã bị giết chết và cắt xẻo một cách man rợ. Cuộc sống của họ sắp thay đổi mãi mãi.

– Vậy chúng ta đã biết gì về con quái vật đó? – Cô hỏi để xua đi ý nghĩ vừa rồi.

– Ở đây, chúng tôi không dùng chữ “quái vật”. – Boris lưu ý Mila. – Làm như vậy là giải thể nhân cách cho thủ phạm. – Anh chàng vừa nói vừa nháy mắt với Rosa đầy ngụ ý. – Giáo sư Gavila không hài lòng với chuyện ấy.

– Giáo sư Gavila? – Mila thắc mắc.

– Rồi cô sẽ được gặp ông ấy.

Cảm giác khó chịu của cô tăng dần. Rõ ràng là mức độ hiểu biết ít ỏi về vụ án khiến cô gặp bất lợi so với các đồng nghiệp những người có thể dựa vào đó để chơi khó cô. Nhưng lần này cũng thế, Mila không nói gì.

Rosa rõ ràng không muốn để cho Mila yên thân. Cô ta dọa cô bằng giọng kẻ cả:

– Biết không, cô em, nếu cô có tắc tị trong vụ này thì cũng đừng ngạc nhiên. Chắc chắn cô rất giỏi trong lĩnh vực của mình, nhưng đây là một chuyện khác. Các tội ác hàng loạt đều có những nguyên lý khác. Những nạn nhân của chúng cũng thế. Họ chẳng làm gì nên tội cả. Lỗi lầm duy nhất của họ là xuất hiện ở một nơi tệ hại vào thời điểm tệ hại. Hoặc rời khỏi nhà với bộ trang phục màu này mà không phải là màu khác. Hay thậm chí, như trường hợp này, ai bảo các cô bé là con gái, da trắng, tuổi từ chín đến mười ba làm gì… Nói cô đừng buồn, chứ chuyện này, cô không thể nào thấu hiểu được đâu. Tôi nói không có ý cá nhân gì đâu nhé.

Phải, nói cứ như đúng rồi ấy, Mila nghĩ bụng. Kể từ phút đầu tiên gặp mặt, Rosa đã biến mọi chủ đề thành chuyện cá nhân.

– Tôi học nhanh mà. – Mila đáp.

Rosa quay lại nhìn cô, ánh mắt nghiêm nghị hơn.

– Cô có con chứ?

Mila chưng hửng mất một giây.

– Không, mà sao vậy? Có liên quan gì ở đây?

– Bởi vì khi cô tìm ra bố mẹ của đứa trẻ thứ sáu, cô sẽ phải giải thích cho họ “lý do” khiến cô con gái cưng của họ bị hành hạ như thế. Ấy vậy nhưng cô lại chẳng biết cái quái gì về họ, cô không biết được những hy sinh họ đã trải qua để nuôi nấng con bé, những đêm trắng khi nó bị sốt, những khoản tiền chắt bóp để cho nó ăn học, bảo đảm một tương lai cho nó, những khoảng thời gian dài lê thê họ phải dành ra để ngồi chơi hoặc làm bài tập cùng nó.

Giọng nói của Rosa càng lúc càng lạc đi.

– Và cô cũng sẽ không biết tại sao ba trong số các nạn nhân đã dùng sơn móng tay bóng, tại sao một trong số chúng lại có một vết sẹo cũ ở khuỷu tay, có thể là do ngã xe đạp hồi năm tuổi, hay tại sao chúng nó lại xinh xắn và dễ thương đến thế, với những ước mơ và khát vọng của thời thơ ngây mà nay đã bị vẩn đục! Những chuyện ấy, cô sẽ không hiểu được, bởi vì cô chưa từng làm mẹ.

– Hollie. – Mila đáp gọn lỏn.

– Cái gì? – Sarah Rosa nhìn cô thắc mắc.

– Nhãn hiệu của sơn móng tay là Hollie. Nó bóng và có màu san hô. Đó là quà khuyến mãi cách đây một tháng của một tờ tạp chí tuổi ô mai. Chính vì thế mà có đến ba nạn nhân cùng sử dụng: chiêu khuyến mãi đó rất thành công… Ngoài ra, một trong số các nạn nhân có đeo một chiếc vòng tay may mắn.

– Chúng tôi có tìm thấy cái vòng tay nào đâu? – Boris nói. Anh bắt đầu cảm thấy hứng thú với câu chuyện.

Mila lôi các tấm hình trong hồ sơ ra.

– Cô bé số hai, Anneke. Làn da nơi cổ tay hơi sáng hơn, cho thấy cô bé có đeo một thứ gì đó. Có lẽ tên giết người đã tháo nó đi, hoặc là cô bé đã làm mất nó khi bị bắt cóc hay trong lúc chống cự. Các nạn nhân đều thuận tay phải, trừ số ba. Cô bé có vết mực ở mặt cạnh của ngón trỏ trái, chứng tỏ thuận tay trái.

Boris ngưỡng mộ ra mặt, Rosa thì ngỡ ngàng. Mila không dừng lại ở đó.

– Một điều cuối cùng: nạn nhân số sáu, người mà chúng ta còn chưa biết danh tính, có quen biết nạn nhân đầu tiên, Debby.

– Làm sao cô biết được chuyện này? – Rosa hỏi.

Mila rút ra hai tấm ảnh chụp cánh tay số một và số sáu.

– Điểm màu đỏ trên đầu của hai ngón trỏ… Hai cô bé này từng kết nghĩa chị em.

Ban khoa học hành vi của cảnh sát liên bang chuyên phụ trách những tội ác đặc biệt nghiêm trọng. Roche đứng đầu ban này đã được tám năm, và kể từ đó, ông đã làm một cuộc cách mạng trong tác phong lẫn phương pháp làm việc. Chính ông là người đã mở cửa cho những nhân vật không phải là cảnh sát như giáo sư Gavila, người được xem như là chuyên gia tội phạm học cách tân nhất hiện giờ.

Trong đơn vị điều tra, Stern là chuyên viên xử lý thông tin. Anh là người có thâm niên và cấp bậc cao nhất. Công việc của anh là tập hợp các thông tin dùng để thiết lập các hồ sơ cá nhân và đối chiếu với các vụ án khác. Anh đóng vai trò “bộ nhớ” của nhóm.

Sarah Rosa phụ trách điều phối và là một chuyên gia tin học. Cô dành phần lớn thời gian để cập nhật các công nghệ mới. Cô là người được đào tạo chuyên biệt cho việc lên kế hoạch các chiến dịch của cảnh sát.

Cuối cùng, Klaus Boris là thẩm vấn viên. Nhiệm vụ của anh là xét hỏi các cá nhân có liên quan ở nhiều mức độ khác nhau và dồn ép kẻ bị tình nghi đến khi chịu nhận tội. Anh sở hữu nhiều kỹ năng chuyên sâu cho công việc đó. Và nói chung thì anh luôn đạt được mục tiêu.

Tuy Roche là người điều hành, nhưng ông không thực sự dẫn dắt nhóm, mà để cho trực giác của giáo sư Gavila định hướng các cuộc điều tra. Ngài chánh thanh tra trước hết là một chính trị gia, nên các lựa chọn của ông thường bị chi phối bởi những nguyên nhân gắn bó mật thiết với sự nghiệp chính trị của mình. Đối với những cuộc điều tra kết thúc tốt đẹp, ông luôn ra mặt đón nhận chiến công, còn ngược lại, ông sẽ chia trách nhiệm cho các thành viên trong nhóm, hay “đội của Roche”, như cách gọi mà ông hay dùng.

Đó là chiến thuật khiến cho ông phải chịu thái độ bất bình và thường là khinh bỉ của thuộc cấp.

Mọi người đang tụ tập trong phòng họp ở tầng sáu của tòa nhà ngay trung tâm thành phố, nơi ban điều tra đóng đô.

Mila đứng ngay hàng đầu. Cô đã xử lý lại vết thương của mình trong buồng vệ sinh và dán nó bằng hai miếng băng gạc. Sau đó cô đã thay một chiếc quần jean mới, giống hệt chiếc cũ.

Cô ngồi vào chỗ, đặt túi xuống đất. Ngay lập tức cô nhận ra người đàn ông bên cạnh mình là thanh tra Roche. Ông đang trao đổi gì đó rất hăng với một người khiêm nhường. Người này dường như có một cái quầng lạ lùng màu xám xịt bao quanh. Cô dám cá là ở ngoài đường, ông ta sẽ mất hút ngay như một bóng ma. Nhưng ở trong này, sự hiện diện của ông rất quan trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là giáo sư Gavila mà Rosa và Boris đã nhắc tới ở trong xe.

Tuy nhiên, ở giáo sư có điều gì đó khiến người ta lập tức quên ngay bộ quần áo nhăn nhúm và mái tóc rối bù.

Chính là đôi mắt to và xuyên thấu kia.

Vừa tiếp tục trao đổi với Roche, ông vừa chiếu tướng cô bằng đôi mắt của mình. Mila khó chịu nhìn đi hướng khác, và sau một lúc thì giáo sư cũng làm theo, trước khi ngồi xuống cách chỗ cô không xa. Rồi ông hoàn toàn không để ý đến cô nữa, và vài phút sau đó thì cuộc họp chính thức bắt đầu.

Roche bước lên bục mở lời với một cử chỉ trịnh trọng, như thể đang nói chuyện trước một cử tọa đông đảo, chứ không phải một nhóm vẻn vẹn năm người.

– Tôi vừa gọi cho bên khoa học hình sự. Tay Albert của chúng ta không để lại bất kì dấu vết nào. Gã rất khôn khéo. Tại nơi chôn các cánh tay, không hề có vết tích hay dấu vân tay nào. Gã chỉ để lại cho chúng ta sáu cô bé cần phải tìm ra. Sáu thi thể… và một cái tên.

Sau đó thanh tra nhường lời cho giáo sư Goran, nhưng ông không bước lên bục. Ông ngồi tại chỗ, hai tay khoanh lại, chân duỗi dài ra bên dưới hàng ghế phía trước.

– Ngay từ đầu Albert đã biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Hắn đã trù tính từng chi tiết nhỏ nhất. Hắn là kẻ dẫn dắt trò chơi. Hơn nữa, sáu đã là một con số tròn trịa trong đầu óc của một tên giết người hàng loạt.

– Sáu trăm sáu mươi sáu, con số của quỷ. – Mila xen vào.

Mọi người quay lại nhìn cô với thái độ khó chịu.

– Đừng viện dẫn thứ tầm thường vớ vẩn ấy. – Goran nói với Mila khiến cô muối mặt. – Khi chúng ta nói đến một con số tròn trịa, nghĩa là đối tượng đã hoàn thành một hay nhiều chuỗi giết chóc của mình.

Mila hơi nheo mắt. Đoán chắc cô chưa hiểu, Goran liền giải thích tiếp:

– Chúng ta gọi những kẻ đã giết người ít nhất ba lần với một phương thức tương tự nhau là “kẻ sát nhân hàng loạt”.

– Hai mạng người thì cấu thành tội “sát nhân nhiều lần”. – Boris thêm vào.

– Do vậy sáu nạn nhân tạo thành hai chuỗi.

– Một dạng quy tắc bất thành văn à? – Mila hỏi.

– Không. Nó có nghĩa là khi cô giết người đến lần thứ ba, cô sẽ không dừng lại nữa. – Rosa chen vào để chấm dứt cuộc tranh luận.

– Những cái phanh hãm bên trong đã nhả, cảm giác tội lỗi đã lắng, và kể từ đó tên sát nhân giết chóc một cách máy móc. – Goran chốt lại, sau đó quay ra nói với mọi người. – Nhưng vì sao chúng ta vẫn chưa biết tí gì về thi thể số sáu?

Roche chen vào:

– Chúng ta có biết một manh mối. Theo những gì tôi được nghe báo cáo, thì nữ đồng nghiệp nhanh nhạy của chúng ta đã cung cấp một manh mối tôi cho là quan trọng. Cô ấy đã liên hệ nạn nhân vô danh với Debby Gordon, bé gái đầu tiên. – Roche nói cứ như thể công trạng của Mila thuộc về ông ta vậy. – Mời cô, cảnh sát Vasquez: hãy nói cho chúng tôi nghe về trực giác của cô.

Một lần nữa Mila là tâm điểm của sự chú ý. Cô cụp mắt xuống quyển sổ ghi chép để sắp xếp lại các ý tưởng trước khi nói. Trong lúc đó, Roche ra hiệu cho cô đứng dậy.

Cô đứng lên.

– Debby Gordon và cô bé số sáu quen biết nhau. Tất nhiên đây vẫn chỉ là một giả thiết, nhưng điều này giải thích được lý do tại sao hai đứa có cùng một dấu vết nơi ngón trỏ…

– Nó chính xác là gì vậy? – Goran tò mò hỏi.

– Ơ… nghi thức chích đầu ngón tay bằng một cái kim băng rồi áp hai ngón tay vào nhau để hòa trộn máu: một kiểu cắt máu ăn thề của tụi nhóc. Thông thường nó dùng để ghi dấu ấn cho tình bằng hữu.

Mila cũng đã từng làm thế với cô bạn Graciela. Hai đứa đã dùng một cái đinh gỉ nhặt được, vì chúng thấy kim băng là thứ quá con gái. Kỷ niệm đột ngột hiện về trong đầu Mila. Graciela đã từng là đồng minh của cô. Hai đứa biết tường tận các bí mật của nhau, và có lần đã từng cùng nhau chia sẻ một cậu con trai mà đối tượng không biết gì. Hai cô gái đã để cho cậu chàng tưởng bở rằng mình có thể bắt cá hai tay mà hai cô không hề hay biết. Graciela thế nào rồi nhỉ? Đã nhiều năm Mila không có tin tức gì của cô ấy. Cả hai đứt liên lạc quá sớm, và chưa bao giờ gặp lại nhau. Vậy nhưng hai đứa đã cùng thề nguyền một tình bạn vĩnh cửu. Sao có thể quên điều đó một cách giản đơn đến thế?

– Nếu đó là sự thực thì bé gái số sáu cũng trạc tuổi Debby.

– Phân tích mật độ canxi trong xương của cánh tay số sáu đã khẳng định giả thiết này: nạn nhân ở độ tuổi mười hai. – Boris chen ngang, anh chàng nôn nóng muốn ghi điểm cho Mila.

– Debby Gordon học nội trú trong một trường nhà giàu. Loại trừ khả năng chị em kết nghĩa của cô bé là một trong các cô bạn cùng lớp vì trong các học sinh còn lại không ai bị mất tích.

– Như vậy Debby phải quen cô bé kia ở bên ngoài trường họ. – Boris lại xen vào.

Mila gật gù.

– Debby mới đến ngôi trường này được tám tháng. Chắc hẳn cô bé cảm thấy rất cô độc khi phải sống xa nhà. Tôi bảo đảm cô bé gặp khó khăn trong việc kết bạn. Do vậy tôi cho rằng hai bé gái đã quen biết nhau trong những bối cảnh khác.

– Tôi muốn cô xem qua phòng của cô bé ở trường nội trú. – Roche nói. – Biết đâu sẽ tìm được thứ gì đấy.

– Tôi cũng muốn nói chuyện với bố mẹ của Debby, nếu có thể.

– Tất nhiên, cứ làm những gì cô thấy cần.

Trước khi ngài chánh thanh tra kịp nói thêm, có tiếng gõ cửa vang lên. Ba cú gõ nhanh. Họ nhìn thấy một anh chàng nhỏ thó mặc blouse trắng lao vào không đợi được mời. Anh chàng có mái tóc dày và đôi mắt giống hai hạt hạnh nhân.

– À, bác sĩ Chang. – Thanh tra Roche chào anh ta.

Chang là bác sĩ pháp y phụ trách vụ án này. Mila nhanh chóng nhận ra anh ta không phải là người châu Á. Vì một sự đột biến di truyền kỳ lạ, anh ta bỗng dưng được thừa hưởng những đường nét đặc trưng kia. Tên anh là Leonard Vross, nhưng từ thuở nào đến giờ mọi người vẫn gọi anh là Chang.

Chang đến đứng cạnh Roche. Anh lập tức mở tập hồ sơ mang theo, mặc dù không cần phải đọc vì nội dung của nó anh đã thuộc nằm lòng.

– Tôi muốn mọi người chú ý lắng nghe báo cáo của bác sĩ Chang. – Thanh tra Roche nói. – Mặc dù tôi biết một vài điểm có thể khó hiểu đối với một số người.

Ông ta có ý nhắc khéo Mila, cô chắc chắn như thế.

Chang rút kính trong túi áo ra đeo lên mắt, rồi hắng giọng tuyên bố:

– Tình trạng các cánh tay rất tốt dù bị chôn dưới đất.

Điều này khẳng định giả thiết mà theo đó khoảng thời gian từ lúc các cánh tay bị chôn đến lúc bị phát hiện là khá ngắn. Tiếp theo, bác sĩ Chang nói thêm một vài chi tiết, rồi chuyển sang mô tả cái chết của sáu cô bé gái mà không rào đón gì cả.

– Thủ phạm đã giết các nạn nhân bằng cách chặt tay.

Các vết thương có tiếng nói của chúng. Khi bác sĩ pháp y giơ tấm ảnh chụp một cánh tay lên, cô lập tức chú ý đến quầng màu hơi đỏ chung quanh vết cắt và vết gãy của xương. Sự thâm nhập của máu vào trong mô là dấu hiệu đầu tiên để kết luận vết thương có gây chết người hay không. Nếu nó được gây ra trên một thi thể, khi đó tim đã ngừng hoạt động, máu sẽ chảy dần dần qua các mạch máu bị vỡ mà không ăn sâu vào các mô lân cận. Trong trường hợp ngược lại, vết thương được gây ra khi nạn nhân còn sống, huyết áp tiếp tục truyền đi trong các động mạch và mao mạch, do tim vẫn bơm máu vào các mô tổn thương, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm hàn gắn chúng lại.

Chang nói tiếp:

– Vết thương nằm ở đoạn giữa cơ nhị đầu cánh tay. Xương không bị giập gãy, vết cắt rất ngọt. Chắc thủ phạm đã dùng một lưỡi cưa rất bén, vì không tìm thấy mạt sắt nơi bờ vết thương. Vết cắt đồng nhất của các mạch máu và các sợi gân cho thấy việc cưa tay đã được thực hiện với một sự khéo léo mà tôi tin là của dân trong nghề giải phẫu. Nguyên nhân tử vong là do mất máu. Đó là một cái chết rất khủng khiếp.

Nghe đến đây, Mila bất giác cụp mắt xuống như một sự thành kính. Nhưng cô lập tức nhận ra chỉ có mình làm như thế.

Chang tiếp tục:

– Tôi cho rằng thủ phạm đã kết liễu các nạn nhân ngay lập tức. Gã không có lợi gì trong việc duy trì sự sống cho bọn trẻ lâu hơn mức cần thiết, và gã không hề chần chừ. Phương pháp ra tay với các nạn nhân là như nhau. Ngoại trừ một cô bé…

Câu nói của Chang lơ lửng trong không trung mất một lúc, trước khi đổ ập xuống nhóm điều tra như một gáo nước lạnh.

– Nghĩa là sao? – Goran hỏi.

Chang đẩy lại gọng kính đã bị tụt xuống chóp mũi, rồi nhìn nhà tội phạm học đăm đăm.

– Đối với một nạn nhân, tình trạng thậm chí còn tệ hại hơn cái chết.

Một sự yên lặng tuyệt đối bao trùm lên căn phòng.

– Thử nghiệm độc chất học đã tiết lộ dấu vết của một hỗn hợp thuốc hiện diện trong máu và mô. Chính xác chúng gồm có các loại thuốc chống loạn nhịp tim như disopyramide, các chất ức chế men chuyển và atenolol, một chất chẹn beta…

– Gã vừa làm chậm nhịp tim của cô bé vừa gây hạ huyết áp. – Giáo sư Goran Gavila thêm vào, lúc này ông đã vỡ lẽ.

– Tại sao? – Stern hỏi, với anh thì mọi chuyện vẫn tối như bưng.

Đôi môi Chang nhăn nhúm lại thành một nụ cười cay nghiệt.

– Gã đã làm giảm nhịp tim của nạn nhân để cái chết đến với cô bé chậm hơn… Gã muốn thưởng thức tấn tuồng.

– Cô bé nào vậy? – Roche hỏi, mặc dù tất cả đều đã biết câu trả lời.

– Số sáu.

Lần này thì Mila chẳng cần phải là chuyên gia về giết người hàng loạt để hiểu được sự tình. Bác sĩ pháp y vừa mới khẳng định rằng tên sát nhân đã thay đổi cách thức hành động của mình. Nói cách khác, gã đã chắc ăn hơn về việc mình làm. Gã đã thử nghiệm một trò chơi mới. Và điều đó làm gã thích thú.

– Gã đã thay đổi vì gã thấy hài lòng với kết quả. Mọi việc đã diễn ra ngày càng thuận lợi hơn. – Goran kết luận. – Có vẻ như gã đã bén mùi.

Một cảm xúc lạ lùng xâm chiếm khắp người Mila. Đó là cú lạnh gáy mà cô cảm thấy mỗi khi đến gần với lời giải của một vụ mất tích. Một điều rất khó lý giải. Thường thì cảm giác đó kéo dài lâu hơn, nhưng lần này, trước cả khi cô kịp nghĩ đến, nó đã bị câu nói tiếp theo của Chang xua tan.

– Còn một việc nữa… – Anh nói thêm với Mila. (Chang không biết cô, nhưng cô là gương mặt lạ duy nhất trong phòng, và chắc hẳn anh đã biết nguyên nhân cô đến đây). – Cha mẹ của các cô bé nạn nhân đang ở phòng bên.

Nhìn từ khung cửa sổ của đồn cảnh sát nằm heo hút trong vùng núi trông ra thành phố, Alexander Bermann có thể thấy toàn bộ bãi đậu xe. Chiếc xe của hắn đậu ở phía cuối bãi, hàng thứ năm. Nhìn từ chỗ hắn thì nó có vẻ rất xa.

Mặt trời trên cao làm mái tôn rực sáng. Sau cơn giông đêm qua, hắn không thể nào tưởng tượng nổi hôm nay là một ngày đẹp trời đến thế. Thời tiết khá ấm áp khiến người ta ngỡ như trời đã sang xuân. Một cơn gió nhẹ len vào qua ô cửa sổ tạo cảm giác thanh bình. Hắn thấy khoan khoái lạ lùng.

Khi bị chặn kiểm tra xe bên đường lúc tảng sáng, hắn không suy sụp, cũng không bị nỗi kinh hoàng chế ngự. Hắn ngồi yên trong xe cùng với cảm giác ẩm ướt khó chịu giữa hai chân.

Từ ghế người lái, hắn thấy rất rõ các viên cảnh sát làm nhiệm vụ của họ bên cạnh chiếc xe hơi. Một người cầm cái bóp đựng giấy tờ của hắn trong tay, và vừa lật ra xem vừa đọc cho người kia các chi tiết để anh ta thông báo qua điện đàm.

Chẳng mấy chốc họ sẽ mở cốp xe của mình, hắn nghĩ bụng.

Tay cảnh sát đã chặn xe hắn có vẻ rất lễ độ. Anh ta trò chuyện về cơn giông dữ dội và tỏ ra thông cảm. Anh ta không nghĩ hắn đã phải lái xe cả đêm trong lúc giông gió như thế.

– Anh không phải người ở đây. – Viên cảnh sát nói khi nhìn biển sổ xe.

– Không, quả thực tôi không phải người vùng này. – Hắn đáp.

Mẩu đối thoại dừng lại ở đó. Trong một thoáng, hắn đã định sẽ kể hết cho viên cảnh sát, nhưng rồi lại đổi ý. Chưa phải lúc. Sau đó viên cảnh sát tiến về phía người đồng nghiệp. Alexander Bermann không rõ chuyện gì sắp diễn ra, nhưng đó là lần đầu tiên bàn tay hắn lơi đi một chút trên vôlăng. Máu lại bắt đầu tuần hoàn trong đôi tay hắn, trả lại cho chúng sắc diện bình thường.

Và hắn lại nghĩ đến lũ bướm.

Chúng quá mỏng manh, quá vô tư về sức hấp dẫn của mình. Hắn đã làm thời gian ngừng lại đối với chúng, làm cho chúng ý thức được những bí ẩn bên trong sự quyến rũ của mình. Những kẻ khác chỉ dừng lại ở chỗ cuỗm lấy vẻ đẹp của chúng. Còn hắn, hắn nâng niu chúng. Xét cho cùng, người ta có thể kết tội hắn vì điều gì kia chứ?

Khi hắn nhìn thấy tay cảnh sát tiến lại xe mình lần nữa, những suy nghĩ kia vụt biến mất, và sự căng thẳng vừa chớm giải tỏa đã lại tăng gấp bội. Họ đã mất quá nhiều thời gian, hắn nghĩ bụng. Trong lúc tiến lại gần, viên cảnh sát đặt một tay lên hông, ngay gần thắt lưng. Gã biết cử chỉ đó có nghĩa là anh ta đang sẵn sàng rút súng. Khi rốt cuộc anh ta cũng đã ở bên cạnh gã, anh ta nói một câu mà gã không ngờ đến.

– Alexander Bermann, mời anh theo chúng tôi về đồn. Giấy tờ của anh thiếu bằng lái xe.

Quái lạ, hắn nghĩ bụng. Mình chắc chắn là có cất bằng lái trong đó mà. Nhưng rồi hắn hiểu ra ngay: gã đàn ông bịt mặt đã lấy nó đi trong khi hắn bất tỉnh… Và giờ thì hắn ở đây, trong cái phòng đợi này, tận hưởng sự ấm áp khác thường của cơn gió nhẹ. Cảnh sát nhốt hắn ở đây sau khi tạm giữ chiếc xe hơi. Việc không rõ mức phạt hành chính của mình chỉ là mối bận tâm thứ yếu đối với hắn. Bọn họ đang túm tụm trong văn phòng làm việc, hoàn toàn không biết gì, bận ra quyết định về những chuyện không còn có chút quan trọng nào với hắn. Làm thế nào để thay đổi thứ tự ưu tiên cho một người chẳng còn gì để mất? Đối với hắn bây giờ, điều quan trọng nhất là cơn gió nhẹ kia tiếp tục mơn trớn không dừng lại.

Trong lúc chờ đợi, hắn quan sát chăm chú bãi đậu xe và các nhân viên cảnh sát ra vào. Chiếc xe hơi của hắn vẫn ở đó, trong tầm mắt của mọi người. Cùng với bí mật nằm trong cốp. Nhưng chưa ai phát hiện được điều gì.

Trong khi nghĩ đến tình thế khác thường của mình, hắn nhận thấy một tốp cảnh sát trên đường quay lại làm việc sau khi giải lao uống cà phê sáng. Ba nam ba nữ, mặc đồng phục. Một người trong số đó hình như đang kể một giai thoại gì đấy, vừa đi vừa làm điệu bộ. Khi anh ta kể xong, những người kia cười vang. Anh chàng cao to nhất đột ngột dừng lại, để mặc những người kia bước tiếp. Anh ta đã phát hiện ra một điều gì đó.

Alexander Bermann lập tức nhận ra biểu hiện trên gương mặt của anh ta.

Cái mùi đó, hắn thầm nghĩ. Chắc là anh ta đã ngửi thấy nó.

Vẫn không nói gì với các đồng nghiệp, anh chàng cảnh sát nhìn chung quanh rồi hít hít không khí, như thể tìm kiếm thứ đã khiến các giác quan của mình báo động trong một thoáng. Khi đã tìm ra, anh ta liền quay về phía chiếc xe hơi gần đấy. Anh ta bước mấy bước về phía nó, rồi dừng lại ngay chỗ cốp xe đang đóng.

Nhìn thấy cảnh đó, Alexander Bermann thở phào một cái. Hắn thấy nhẹ người. Nhẹ người vì sự trùng hợp đã mang hắn đến đây, vì cơn gió, và vì hắn không phải là người mở cái cốp xe quỷ quái kia.

Cơn gió ngừng vuốt ve da thịt hắn. Alexander Bermann đứng dậy từ chỗ ngồi cạnh cửa sổ và rút điện thoại di động trong túi ra.

Đã đến lúc gọi một cú điện thoại.

Bình luận