Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kẻ Nhắc Tuồng

Chương 35

Tác giả: Donato Carrisi

– Con bé tên là Sandra.

Terence Mosca viết cái tên lên đầu xấp giấy của mình. Rồi ông lại ngước mắt nhìn Sarah Rosa.

– Nó bị bắt cóc khi nào?

Sarah ngồi lại cho thoải mái trên ghế, trước khi trả lời, cố gắng sắp xếp lại cho mạch lạc các suy nghĩ trong đầu:

– Đã bốn mươi bảy ngày nay.

Mila có lý: Sandra đã bị bắt cóc trước năm nạn nhân còn lại. Sau đó Albert đã dùng cô bé để dụ Debby Gordon, chị em kết nghĩa của Sandra. Hai cô bé đã gặp gỡ ở ngoài công viên vào một buổi chiều, trong khi quan sát lũ ngựa. Hai đứa đã trao đổi vài câu và nhanh chóng kết thân. Debby buồn vì phải xa nhà, còn Sandra thì buồn vì bố mẹ ly thân. Do có cùng tâm trạng, hai đứa đã trở thành bạn bè.

Cả hai đều nhận được món quà là một phiếu cưỡi ngựa. Đó không phải là một sự tình cờ. Albert đã đạo diễn cuộc gặp gỡ đó.

– Sandra bị bắt cóc như thế nào?

– Lúc nó ở trường. – Rosa trả lời.

Mila và Goran thấy Mosca gật đầu. Tất cả mọi người đều có mặt – kể cả Boris và Stern – trong gian phòng lưu trữ nằm ở tầng một của tòa trụ sở cảnh sát liên bang. Ông đại úy đã chọn nơi khác thường này để tránh bị rò rỉ thông tin và để cho cuộc đối thoại không mang màu sắc thẩm vấn.

Vào thời điểm này, gian phòng vắng tanh. Họ đang ở nơi hội tụ của các dãy kệ chất đầy tài liệu. Nguồn sáng duy nhất là từ chiếc bàn mà tất cả mọi người đang ngồi quanh. m thanh và tiếng nói vang đi mất hút trong bóng tối.

– Cô có thể nói gì về Albert?

– Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe thấy gã. Tôi không biết gã là ai.

– Dĩ nhiên rồi… – Terence Mosca bình luận, như thể đó là một tình tiết làm nặng thêm tội cho Sarah Rosa.

Chính thức ra thì Sarah Rosa vẫn chưa bị áp vào bất cứ biện pháp hạn chế quyền tự do nào. Nhưng cô ta sẽ sớm bị điều tra vì tội đồng lõa trong việc bắt cóc và giết hại trẻ vị thành niên.

Chính Mila là người đã phát hiện ra Sarah khi nghiên cứu lại vụ bắt cóc Sabine ở hội chợ. Sau cuộc trò chuyện với mẹ nạn nhân, cô tự nhủ có thể Albert đã sử dụng một phụ nữ để cho không ai phát hiện vụ bắt cóc. Nhưng không phải một kẻ bất kỳ, mà phải là người gã có thể đe dọa. Mẹ của nạn nhân số sáu chẳng hạn.

Mila đã có được sự khẳng định khi xem qua các tấm ảnh chụp trong buổi tối hôm đó. Ở phía xa trong một tấm ảnh được một ông bố chụp, cô đã để ý đến một mái tóc và một phần của khuôn mặt nhìn nghiêng, thứ đã khiến gáy cô nhột nhạt, và một cái tên đã bật lên không chút do dự: Sarah Rosa!

– Tại sao là Sabine? – Mosca hỏi.

– Tôi không biết. – Rosa đáp. – Gã đã đưa cho tôi một tấm ảnh của con bé và cho biết tôi sẽ tìm thấy nó ở đó, có thế thôi.

– Và không ai nhận thấy gì hết.

Ở Phòng suy tưởng, Sarah từng nói: “Trên thực tế mọi người chỉ biết đến con cái mình”. Mila vẫn còn nhớ câu đó như in. Sarah biết điều đó, bản thân cô ta đã trải qua chuyện đó. Mosca nói tiếp:

– Vậy là gã nắm được sự đi lại của các gia đình.

– Tôi nghĩ là vậy. Các chỉ dẫn của gã luôn rất chính xác.

– Gã chuyển các mệnh lệnh đến chỗ cô như thế nào?

– Luôn luôn qua thư điện tử.

– Cô chưa bao giờ tìm cách truy nguyên xuất xứ các bức thư đó à?

Câu hỏi của viên đại úy thực ra là thừa: Sarah Rosa là chuyên viên tin học. Nếu cô ta không làm được điều đó, có nghĩa là nó bất khả thi.

– Dù sao thì, tôi cũng lưu lại tất cả. Gã rất ranh ma, ông biết không? Và gã rất giỏi. – Rồi cô ta nói thêm như thể muốn thanh minh. – Ngoài ra, gã có con gái tôi trong tay.

Ánh mắt Rosa chiếu vào Mila. Cô từng chứng kiến sự thù địch ấy ngay ngày đầu tiên, bởi lẽ cô ta sợ cô phát hiện ra danh tính của nạn nhân số sáu, và như vậy sẽ khiến sinh mạng con bé lâm nguy.

– Gã là người đã ra lệnh cho cô lập tức loại bỏ Mila Vasquez à?

– Không, đó là ý của tôi. Ai biết được, Mila có thể gây cản trở.

Thêm một lần nữa, Sarah bộc lộ thái độ khinh miệt. Nhưng Mila tha thứ cho cô ta. Cô nghĩ đến Sandra, cô bé đã phải chịu các rối loạn ăn uống, theo lời kể của Goran, và giờ đây đang nằm trong tay của một gã tâm thần, với một cánh tay bị cắt đứt và chịu đau đớn khôn tả. Trong suốt những ngày qua, cô không thôi nghĩ tới danh tính của cô bé. Bây giờ rốt cuộc cô đã có một cái tên.

– Vậy nên cô đã bám theo cảnh sát Vasquez hai lần, để khiến cô ấy sợ và từ bỏ cuộc điều tra.

– Phải.

Mila còn nhớ là sau khi bị chiếc xe hơi bám theo, cô đã về studio, và không có ai ở đó. Boris đã nhắn tin báo với cô là mọi người đều ở chỗ Yvonne Gress. Cô đã đến đó, và thấy Sarah Rosa đang sửa soạn bên cạnh chiếc xe cắm trại của đơn vị lưu động. Cô đã không tự hỏi tại sao lúc đó Sarah không ở cùng với mọi người trong biệt thự. Cô đã không nghi ngờ gì sự chậm trễ của cô ta. Hoặc cũng có thể Sarah rất khôn lanh và tấn công cô ngay khiến cô không kịp suy nghĩ bằng việc gieo mối nghi ngờ về giáo sư Goran.

“Mà này, ông ấy đã cho cô vào tròng đấy… Vì tôi đã bỏ phiếu chống lại cô mà”.

Trên thực tế, cô ta đã không làm vậy, vì nếu thế cô ta sẽ bị chú ý.

Terence Mosca không vội vã. Ông ghi lại các câu trả lời của Sarah Rosa trên tập giấy ghi chú và ngẫm nghĩ trước khi bước sang câu hỏi kế tiếp:

– Cô còn làm chuyện gì khác cho gã không?

– Tôi đã lén vào phòng nội trú của Debby Gordon. Tôi đã lấy đi cuốn sổ nhật ký trong cái hộp thiếc, sau khi mở khéo ổ khóa. Sau đó tôi đã gỡ các tấm ảnh có dính đến con gái tôi trên tường xuống. Và tôi đã đặt thiết bị phát sóng định vị toàn cầu để dẫn mọi người đến chỗ của cái xác thứ hai, trong cô nhi viện…

– Cô có bao giờ nghĩ là sớm muộn gì cũng sẽ có người biết chuyện không? – Mosca hỏi.

– Tôi còn quyền lựa chọn sao?

– Chính cô là người đã đưa thi thể bé gái số năm đến studio.

– Phải.

– Cô đã dùng chìa khóa mở cửa studio, và làm giả các chỗ hư hại trên cửa.

– Để không ai nghi ngờ gì.

Mosca nhìn Sarah hồi lâu.

– Tại sao gã ra lệnh cho cô đem cái xác tới studio?

– Tôi không biết.

Đó là câu trả lời mà tất cả mọi người đã nghĩ đến.

Mosca hít một hơi thật sâu. Cử chỉ này cho thấy cuộc nói chuyện đã kết thúc. Sau đó viên đại úy quay sang phía Goran nói:

– Tôi nghĩ thế là đủ rồi. Trừ phi ông còn thắc mắc điều gì đó…

– Không. – Nhà tội phạm học đáp.

Mosca nói với Sarah Rosa:

– Cảnh sát Sarah Rosa, trong mười phút nữa tôi sẽ gọi điện cho văn phòng chánh biện lý, họ sẽ chính thức ra các cáo buộc chống lại cô. Như dự kiến, cuộc nói chuyện này chỉ chúng ta biết với nhau, nhưng tôi khuyên cô chỉ nên mở miệng khi có sự hiện diện của luật sư. Một câu hỏi sau cùng: ngoài cô ra, còn ai khác dính líu trong vụ này không?

– Nếu ông nghĩ đến chồng tôi, thì anh ta không hay biết gì. Chúng tôi đang chờ quyết định ly dị. Khi Sandra mất tích, tôi đã kiếm cớ đuổi anh ta ra khỏi nhà, để giữ anh ta tránh xa tất cả chuyện này. Thời gian vừa rồi chúng tôi thường xuyên cãi vã vì chồng tôi muốn gặp con gái và cứ nghĩ tôi cố tình ngăn cản chuyện đó.

Mila từng nhìn thấy hai người cãi cọ dưới đường, trước studio.

– Thôi được. – Mosca thốt lên trong khi đứng dậy, trước khi nói với Boris và Stern, tay chỉ vào Rosa. – Tôi sẽ lập tức gọi điện để có lệnh bắt chính thức.

Hai cảnh sát viên gật đầu. Viên đại úy cúi người nhặt chiếc túi da. Mila thấy ông ta nhét xấp giấy ghi chú cạnh một hồ sơ màu vàng, ngoài bìa có vài chữ cái đánh máy: “w” … “on” và “p”.

Wilson Pickett, cô nghĩ bụng.

Terence Mosca chậm rãi bước ra cửa, theo sau là Goran. Mila ở lại với Boris và Stern cạnh Rosa. Hai người đàn ông không nói gì và tránh nhìn nữ đồng nghiệp, người đã không tin họ.

– Tôi xin lỗi. – Cô ta nói trong nước mắt. – Tòi không còn lựa chọn…

Boris không đáp. Anh khó lắm mới không nổi đóa lên. Còn Stern chỉ buông một câu gọn lỏn:

– Không sao đâu.

Nhưng nghe chừng anh có vẻ không mấy tin tưởng.

Sarah Rosa bèn nhìn hai anh chàng, khẩn khoản:

– Xin hãy tìm ra con gái tôi, tôi van các anh…

Nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng bọn sát nhân hàng loạt luôn có động cơ tình dục. Mila cũng đã từng nghĩ như vậy, trước khi đụng phải vụ Albert.

Trên thực tế, tùy theo mục đích cuối cùng, có nhiều loại sát nhân hàng loạt khác nhau.

Bọn “mộng tưởng” bị chi phối bởi một bản ngã thứ hai, chuyên đối đáp và ra những chỉ thị cho chúng, đôi khi dưới dạng ảo ảnh hoặc những “giọng nói” đơn thuần. Hành vi của chúng thường được xem như loạn thần.

Bọn “hành đạo” thì có một mục đích vô ý thức và bị chi phối bởi trách nhiệm mà chúng tự áp đặt cho mình. Đó là việc cải thiện thế giới chung quanh mình, và nhiệm vụ này luôn gắn với việc loại bỏ một số loại người: người đồng tính, mại dâm, những kẻ bội tín, các luật sự, nhân viên thuế vụ và vân vân.

Bọn “khát quyền” lại có một sự đánh giá thấp về bản thân. Sự thỏa mãn của chúng bắt nguồn từ việc kiểm soát sinh mạng và cái chết của các nạn nhân. Hành vi giết người đi kèm với việc xâm hại tình dục, nhưng hãm hiếp chỉ là một công cụ để làm nhục nạn nhân. Cuối cùng là bọn “tầm lạc”. Chúng giết người vì sự khoái trá khi làm chuyện đó. Nằm trong số này là những kẻ có động cơ tình dục.

Benjamin Gorka cùng lúc thuộc về cả bốn thể loại nói trên. Hắn bị những ảo giác thúc đẩy đến chỗ giết hại các gái điếm sau khi hành hung họ, bởi hắn không thể quan hệ tình dục, và hành vi đó gây cho hắn một khoái cảm đặc biệt.

Đã có ba mươi sáu nạn nhân được cho là bị hắn giết hại, mặc dù hắn chỉ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cái chết của tám trong số họ. Người ta e rằng hắn còn giết nhiều hơn thế nhưng đã phi tang rất khéo. Hắn đã ra tay trong hai mươi lăm năm trước khi bị bắt.

Khó khăn trong việc xác định vị trí của hắn chủ yếu là do sự đa dạng và khoảng cách giữa các nơi mà hắn gây án.

Gavila và nhóm điều tra đã xác định được hắn sau ba năm truy đuổi. Họ đã nhập dữ liệu của các vụ giết người vào một máy tính để lập nên một sơ đồ tuần hoàn. Khi chồng nó lên một bản đồ đường bộ, họ nhận ra các nét vẽ của nó trùng khớp với một chu trình phân phối hàng hóa.

Benjamin Gorka là tài xế xe tải.

Hắn đã bị tóm cổ vào đêm Noel tại một trạm dừng trên xa lộ. Nhưng do một sơ suất trong tố tụng, hắn đã được tuyên miễn trách nhiệm hình sự do bị tâm thần và chỉ phải vào nhà tù cho bệnh nhân tâm thần. Gã chưa bao giờ rời khỏi đó.

Khi bắt được gã, cả đất nước đã khám phá ra tên tuổi của một trong những tên tội phạm khát máu nhất trong lịch sử. Nhưng dù sao thì, với Goran và “người của ông”, hắn vẫn luôn là Wilson Pickett.

Khi hai viên cảnh sát đến để đưa Sarah Rosa đi, Mila đợi cho Boris và Stern đi khỏi để được ở một mình trong kho lưu trữ. Cô đã tra cứu các tài liệu và tìm thấy bản sao của hồ sơ.

Trong khi lật xem hồ sơ, cô không phát hiện ra nguyên nhân tại sao nhà tội phạm học lại đặt cho tên sát nhân cái tên của người ca sĩ nổi tiếng. Nhưng cô đã tìm thấy tấm ảnh của cô gái trẻ mà cô từng nhìn thấy trên tường vào ngày đầu tiên đặt chân tới studio.

Cô ta tên là Rebecca Springher, nạn nhân cuối cùng của Gorka.

Ngoài ra thì trong hồ sơ cũng không có gì nhiều. Mila tự hỏi tại sao vụ án này vẫn còn là một vết thương dai dẳng đối với các thành viên trong nhóm, và nhớ lại câu trả lời của Boris, khi cô hỏi anh.

“Vụ án đó diễn ra không suôn sẻ. Chúng tôi đã phạm sai lầm, người ta đã đe dọa sẽ giải tán đội điều tra và tống khứ giáo sư Gavila. Chính Roche là người đã bảo vệ chúng tôi và kiên quyết giữ chúng tôi ở lại làm việc”.

Một sai sót gì đó đã xảy ra. Nhưng hồ sơ cô có trong tay không đề cập đến bất cứ sai lầm nào, ngược lại vụ việc còn được mô tả như là một chiến dịch “mẫu mực” và “thành công tuyệt đối”. Chắc là không phải vậy một khi Terence Mosca có lý do để quan tâm tới nó.

Mila lấy ra biên bản lời làm chứng của Goran trong phiên tòa xét xử tên giết người. Nhà tội phạm học khi đó đã định nghĩa Gorka là “một kẻ tâm thần tuyệt đối, cũng hiếm gặp trong cuộc sống như một con cọp bạch tạng”.

Sau đó ông thêm vào: “Những kẻ này khó bị lật mặt. Nhìn bên ngoài, chúng có vẻ hoàn toàn bình thường. Nhưng khi cạo đi lớp vỏ bình thường đó, ‘cái tôi’ bên trong của chúng lộ ra, cái mà đa phần chúng gọi là ‘con quỷ’. Gorka đã tiếp tế cho nó bằng những mộng tưởng của hắn, nuôi dưỡng nó bằng những ham muốn của hắn. Đôi khi hắn đã phải thỏa hiệp với nó. Có lẽ thậm chí hắn đã đánh bại nó ở vào những thời điểm nhất định trong đời. Tuy nhiên cuối cùng hắn đã chịu thua. Hắn đã hiểu mình chỉ có một cách duy nhất để làm cho nó thôi đòi hỏi: phải thỏa mãn nó. Nếu không, nó sẽ gặm sạch hắn từ bên trong”.

Khi đọc những dòng này, Mila gần như nghe thấy giọng nói của Goran vang lên trong đầu.

“Cho đến một ngày, bỗng xuất hiện một khe nứt giữa hiện thực và mộng tưởng. Benjamin bắt đầu trù tính những việc hắn đã ấp ủ cho đến lúc đó. Bản năng sát thủ hiện diện trong mỗi chúng ta. Nhờ trời, tất cả mọi người đều có một chốt an toàn để kiểm soát và ức chế. Tuy nhiên, luôn tồn tại một điểm vỡ”.

Mila ngẫm nghĩ một chút về điểm tới hạn này. Sau đó cô đọc tiếp, và dừng lại ở một đoạn khác.

“… nhưng rất nhanh chóng, hành vi phạm tội cần phải được lặp lại. Bởi hiệu quả bắt đầu giảm sút, kỷ niệm trong đầu là không đủ nữa, cảm giác không thỏa mãn và chán ngấy tăng gần. Những mộng tưởng là không đủ, cần phải lặp lại hành động. Nhu cầu cần phải được thỏa mãn. Đến vô cùng”.

Đến vô cùng!

Cô trông thấy Stern ở bên ngoài. Anh đang ngồi trên một bậc thang bằng thép của chiếc thang thoát hiểm. Anh đã châm một điếu thuốc và đang đưa lên môi. Điếu thuốc nằm cân bằng trên các ngón tay của anh.

– Đừng mách vợ tôi nhé. – Stern nói khi nhìn thấy Mila bước qua cửa chống cháy.

– Anh đừng lo. Tôi biết giữ miệng mà. – Mila vừa trấn an vừa bước đến ngồi xuống bên cạnh Stern.

– Thế nào, tôi giúp được gì cho cô đây?

– Sao anh biết tôi đang định hỏi anh?

Stern chỉ đáp bằng cách nhướng một bên lông mày.

– Albert sẽ không bao giờ để cho bị bắt, anh cũng biết thế mà. – Mila nói. – Tôi nghĩ gã đã vạch lộ trình sẵn cho cái chết của mình. Nó sẽ là một phần của kế hoạch.

– Gã đi chầu Diêm Vương thế nào tôi không quan tâm. Tôi biết nói như vậy thì không được phải đạo cho lắm, nhưng sự thật là thế.

Mila nhìn anh một cách nghiêm túc.

– Gã biết các anh, Stern ạ. Gã biết nhiều điều về nhóm điều tra, nếu không gã sẽ không bao giờ sai Sarah đưa thi thể số năm đến studio. Gã đã theo các vụ điều tra trước đây của nhóm anh. Gã biết các anh làm việc như thế nào, do đó gã luôn đi trước các anh. Tôi tin là gã đặc biệt hiểu rõ Gavila…

– Điều gì làm cô nghĩ như vậy?

– Tôi đã đọc một biên bản tố tụng của một vụ án cũ, và Albert đang hành động y như thể gã muốn bác bỏ lý thuyết của Goran. Gã là một kẻ giết người hàng loạt độc nhất vô nhị. Có vẻ gã không bị chứng tự đề cao bản thân quá mức, vì gã muốn lôi kéo sự chú ý vào những tên tội phạm khác, hơn là vào chính mình. Gã cũng không bị chi phối bởi bản năng quá mạnh, gã rất biết tự kiềm chế. Việc gã làm không vì khoái cảm, mà đúng hơn, gã thích thú với thử thách mà gã đã đặt ra cho chúng ta. Anh giải thích chuyện này như thế nào?

– Rất đơn giản: tôi không thể. Và tôi cũng không hứng thú.

– Sao lại như thế được? – Mila thốt lên.

– Tôi không nói là tôi không quan tâm, mà là tôi không hứng thú. Đó là hai điều khác biệt. Về phần mình, chúng tôi không bao giờ nhận lời “thách đấu” với gã. Chúng tôi lo sốt vó là bởi còn một bé gái cần được cứu sống. Nói gã không có tính tự cuồng là không đúng, vì gã muốn sự chú ý của chúng ta, chứ không phải của ai khác: chỉ của chúng ta, cô hiểu không? Đám nhà báo sẽ phát rồ lên nếu như được gã phất cờ, nhưng Albert không quan tâm. Ít nhất là cho tới lúc này.

– Bởi chúng ta chưa biết gã đang chuẩn bị gì cho hồi kết.

– Đúng vậy.

– Nhưng tôi tin là ở thời điểm này, Albert đang tìm cách thu hút sự chú ý vào các anh. Tôi muốn nói tới vụ Benjamin Gorka.

– Wilson Pickett.

– Tôi muốn anh kể với tôi…

– Cô cứ việc đọc hồ sơ.

– Boris bảo tôi là có chuyện gì đó không hay đã xảy ra…

Stern vứt điếu thuốc đang hút dở đi.

– Đôi khi Boris chẳng biết mình đang nói cái gì.

– Thôi nào Stern, kể cho tôi nghe đi! Tôi không phải là người duy nhất quan tâm tới vụ này mà…

Cô kể cho anh về tập hồ sơ nằm trong chiếc túi đeo chéo của Terence Mosca. Stern trở nên ngờ vực.

– Thôi được. Nhưng cô sẽ không thích chuyện này đâu. Tin tôi đi.

– Tôi sẵn sàng nghe mọi thứ.

– Khi bắt Gorka, chúng tôi đã rà soát lại cuộc đời hắn. Hắn sống hầu hết thời gian trên chiếc xe tải, nhưng, nhưng chúng tôi đã tìm thấy hóa đơn mua một số thức ăn đóng hộp. Chúng tôi đã cho rằng hắn nhận ra vòng vây đang siết lại và chuẩn bị trốn đến một nơi an toàn trong lúc chờ cho mọi chuyện lắng xuống…

– Nhưng không phải vậy…

– Khoảng một tháng sau ngày bắt giữ hắn, chúng tôi đã khám phá ra một đơn cầu cứu có liên quan đến sự mất tích của một gái điếm.

– Rebecca Springher.

– Chính xác. Vụ việc xảy ra vào thời điểm gần với dịp Giáng sinh…

– Tức là lúc Gorka bị bắt.

– Phải. Và nơi cô gái điếm hành nghề cũng nằm trên đường đi của chiếc xe tải.

Mila có thể tự hiểu ra ngay.

– Gorka bắt cóc cô ta, chỗ thức ăn là để dành cho cô ta.

– Chúng tôi không biết cô ta ở đầu, cũng như khoảng thời gian cầm cự của cô ta còn được bao lâu. Nên chúng tôi đã trực tiếp tra hỏi hắn.

– Và đương nhiên là hắn chối.

– Không hề. – Stern lắc đầu. – Hắn đã thú nhận tất cả. Nhưng để đổi những tiết lộ về nơi giam giữ, hắn đã đặt ra một điều kiện: hắn muốn sự có mặt của giáo sư Gavila lúc cung khai.

Mila ngơ ngác.

– Vậy thì rắc rối ở đâu?

– Rắc rối là Gavila không biết đang ở đâu lúc đó.

– Làm sao Gorka biết được sự việc?

– Thằng khốn nạn ấy đâu có biết! Chúng tôi đã đi tìm giáo sư, trong khi thời gian trôi qua dần với cô ả gái điếm kia. Boris đã bắt Gorka phải trải qua đủ các thể loại thẩm vấn.

– Anh ấy đã không thành công à?

– Không, nhưng khi nghe lại các băng ghi âm những lần thẩm vấn trước, Boris nhận ra Gorka từng nhắc tới một nhà kho cũ nơi có một cái giếng. Chính Boris là người đã một mình tìm ra Rebecca Springher.

– Và cô ta đã chết đói.

– Không. Cô ta đã tự cắt mạch máu mình bằng một cái mở hộp mà Gorka để lại cùng với chỗ đồ hộp. Nhưng tức nhất là một điều… Theo bác sĩ pháp y, cô ta đã tự sát chỉ hai giờ trước khi được Boris tìm thấy.

Mila rùng mình ớn lạnh. Nhưng cô vẫn hỏi tiếp:

– Vậy còn Gavila, trong thời gian đó ông ấy làm gì?

Stern mỉm cười để che giấu cảm xúc thực.

– Một tuần sau đó, chúng tôi đã tìm ra ông ấy trong nhà vệ sinh của một trạm dừng xa lộ. Các tài xế đã gọi xe cứu thương: ông ấy bị hôn mê do ngộ độc cồn. Goran đã phó mặc con trai mình cho bà vú em và bỏ đi lang thang để lãng quên sự ra đi của vợ. Khi chúng tôi đến thăm Goran tại bệnh viện, thật khó mà nhận ra ông ấy.

Câu chuyện này cho thấy mối liên hệ đặc biệt giữa cảnh sát chính quy và một người dân thường như Goran. Bởi theo lẽ thông thường thì chính các thảm kịch sẽ tạo ra mối liên hệ giữa các cá nhân với nhau, Mila nghĩ bụng. Và cô nhớ đến một câu nói của Goran khi cô đến nhà ông sau khi phát hiện ra trò lừa dối của thanh tra Roche trong vụ Joseph B. Rockford: “Có những người ta tưởng đã hiểu cặn kẽ, nhưng thật ra chẳng biết gì về bọn họ…”

Đúng vậy, cô nghĩ. Cho dù có cố đến đâu, Mila cũng không bao giờ có thể tưởng tượng nổi Goran trong tình trạng tồi tệ như thế lúc được tìm thấy. Say bét nhè và bất tỉnh. Suy nghĩ đó khiến cô bối rối. Cô bèn đổi chủ đề:

– Tại sao các anh gọi vụ này là Wilson Pickett?

– Một biệt danh hay, đúng không?

– Theo những gì tôi hiểu, Gavila vẫn thích đặt một tên cho đối tượng truy lùng, để khiến hắn trở nên thật hơn.

– Thường là vậy. – Stern nói. – Nhưng lần này là một ngoại lệ.

– Tại sao?

Stern quan sát cô.

– Chẳng bõ công nát óc tìm kiếm đâu, tôi bảo đảm đấy. Tôi có thể tiết lộ. Nhưng nếu cô thực sự muốn biết, cô phải tự đi tìm hiểu lấy thôi…

– Tôi sẵn sàng làm điều đó.

– Cô biết đấy, trong vụ Gorka, đã xảy ra một việc hiếm thấy… Cô có bao giờ gặp một nạn nhân sống sót dưới tay một tên sát nhân hàng loạt chưa?

Bình luận