Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Biệt Thự Hà Lan

Chương 3: Câu lạc bộ chuột bến tàu

Tác giả: Georges Simenon

Họ có độ mươi người, áo va-rơi nặng bằng len xanh, mũ cát két thủy thủ và guốc gỗ sơn; một số tựa lưng vào cánh cổng thị trấn, số khác chống tay trên những cọc neo, số còn lại thì đứng nghênh ngang với đôi chân trông đồ sộ trong những ống quần rộng.

Họ hút thuốc, nhai, nhất là khạc nhổ và thỉnh thoảng một câu nói đùa làm họ cười phá lên, tay vỗ đùi đen đét.

Cách đấy vài thước là những con tàu. Phía sau, thị trấn nhỏ bé hãm mình trong những con đê. Xa hơn chút, một chiếc cần cẩu bạc đang dở hàng cho một con tầu chở than.

Thoạt tiên những người trong nhóm chưa nhìn thấy Me-grê đang thơ thẩn dọc bến tàu. Nhờ thế viên thanh tra có đủ thời gian quan sát họ.

Ông biết rẳng ở Đen-phơ-di người ta châm biếm gọi cái hội này là Câu lạc bộ chuột bến tàu. Tuy không được ai bảo, ông cũng đoán được là phần lớn những chàng thủy thủ kia đã sống những giờ phút tươi sáng nhất của họ ở nguyên một chỗ nầy, dù nắng dù mưa, để tán dóc một cách biếng nhác và làm mặt đất rạn nứt vì những tia nước bọt.

Một người trong bọn họ là chủ nhân của ba chiếc tàu đẹp vừa chạy buồm vừa chạy máy trọng tải 400 tấn, mội chiếc trong số đó đang ngược sông Emx và chẳng bao lâu sẽ vào đến cảng.

Có những người không sáng giá bằng một anh thợ xảm thuyền mà chẳng phải xảm cái gì đáng kể, rồi một chàng trông coi một cái cửa cống đã hết tác dụng, đội chiếc mũ cát két nhà nước.

Nhưng giữa đám người, một ông già che lấp tất cả những kẻ khác, không chỉ vì lão là người to cao dài rộng nhất, mặt đỏ nhất, nhưng bởi vì người ta cảm thấy là lão một tính cách mạnh hơn cả.

Đôi guốc gỗ. Một chiếc áo va-rơi. Trên đầu một chiếc mũ cát két mới tinh chưa đủ thời gian để khuôn theo hình mái đầu và do đó mà đâm ra tức cười.

Người đó là Ox-tinh, nhưng thường thường gọi là Ông chủ, đang bận rộn hút một tẩu ngắn bằng đất, vừa hút vừa nghe những người bên cạnh kể chuyện.

Lão mỉm cười mơ hồ. Thỉnh thoảng lão rút tẩu ra khỏi miệng để cho khói tỏa nhè nhẹ trên môi.

Một loài thú có da dày. Một kẻ vũ phu mình dài vai rộng song lại có đôi mắt rất dịu dàng, y có cái gì vừa cứng rắn vừa mềm mại trong toàn bộ con người ấy.

Mắt lão đang hướng về một con tàu dáng đẹp, có vẻ đúng là một du thuyền cũ, nhưng bẩn thỉu, bừa bộn.

Đó là tàu của lão, và từ chỗ này có thể nhìn thấy tiếp sông Emx rộng tới 20 cây số, rồi một mặt gương lấp lánh xa xa, biển Bắc với ở đâu đó một dải cát màu hung chính là đảo Uốc-kum, giang sơn của Ôx-tinh.

Chiều buông xuống, lửa đỏ tà dương nhuộm đỏ hơn cái thị trấn bằng gạch, làm cháy lên màu hồng đơn của một chiếc tàu hàng đang sửa chữa, bóng chiếu dài trên mặt vũng.

Ánh mắt của ông chủ nhè nhẹ lướt trên mọi vật, đã nhận được Me-grê giữa phong cảnh ấy. Đôi con ngươi ông màu da trời biếc nhỏ xíu. Chúng dán chặt vào người khách lạ một lúc lâu, sau đó ông ta đổ nõ tẩu bằng cách dộng nó vào chiếc guốc gỗ, nhổ nước bọt, tìm trong túi một cái bong bóng lợn đựng sợi thuốc và tựa lưng vào tường một cách thoải mải hơn.

Từ lúc đó, Me-grê không ngừng cảm thấy cái nhìn ấy chiếu vào mình, cái nhìn không phô trương mà cũng không thách đố, một cái nhìn bình thản song lo âu, một cái nhìn đo lường, đánh giá, tính toán.

Megiê là người đầu tiên ra khỏi văn phòng ty cảnh sát, sau khi đã hẹn ngày giờ gặp lại viên thanh tra Hà Lan Pi-pê-kam.

A-ni còn nán lại trong đó và không bao lâu, bước đi gấp gáp, chiếc cặp cắp nách, người hơi cúi về phía trước, cô đã là người đàn bà không quan tâm gì đến sinh hoạt trên đường phố.

Me-grê không nhìn cô, nhưng ông chủ mắt vẫn dõi theo cô từ lâu, trán bỗng nhăn hơn, lão quay lại nhìn Me-grê.

Lúc đó, không thật rõ tại sao, Me-grê tiến về phía tốp người bỗng nhiên im bặt. Mười bộ mặt quay cả về phía ông với một sự ngạc nhiên nhất định.

Ông nói với Ôx-tinh:

– Xin lỗi! Ông biết tiếng Pháp chứ?

Ông chủ không nhúc nhích, có vẻ suy nghĩ. Một thủy thủ gầy gò đứng cạnh lão giải thích:

– Frenchman! French — politie!

Có lẽ đó là một trong những phút lạ lùng nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của Me-grê. Người đối thoại với ông quay một lát về phía con tàu, tỏ ra ngập ngừng.

Rõ ràng là lão muốn bảo viên thanh tra lên tàu với lão. Người ta trông rõ một ca-bin nhỏ vời những tấm chắn bằng gỗ sồi, cái đèn các-đăng (dụng cụ cơ khí mang tên nhà sáng chế. Cho phép vật chuyển động theo mọi hướng) và cái la bàn.

Những người khác chờ đợi lão mở miệng.

Rồi đột nhiên lão nhún vai như có vẻ kết luận:

– Rõ ngốc!

Nhưng lão không nói thế. Lão phát âm bằng một giọng khàn khàn phát ra từ cuống họng:

– Không hiểu… Hotlandsch! English…

Người ta trông thấy cái bóng đen của A-ni, với tấm khăn tang, vượt qua cầu trước khi bắt đầu đi dọc theo sông đào Am-xtec-đi-ep.

Ông chủ bắt gặp ánh mắt của Me-grê chĩa vào chiếc mũ cát két mới của lão, nhưng lão không nhúc nhắc.

Đúng ra là có một nụ cười phảng phất lướt trên môi.

Lúc đó, viên chỉ huy trưởng sẵn sàng trả giá đắt để có thể chuyện trò với người đàn ông này bằng ngôn ngữ của ông ta, dù chỉ là trong năm phút. Ý muốn ấy mạnh mẽ đến mức ông lắp bắp vài câu tiếng Anh.

Nhưng ông nói giọng thế nào mà chẳng ai hiểu cả.

– Không hiểu!… Không ai hiểu gì. – Anh chàng ban nãy đã xen vào chuyện nói đi nói lại.

Vậy là bọn họ lại tiếp tục chuyện trò trong khi Me-grê bỏ đi với cái cảm giác mơ hồ là ông vừa chạm đến rất gần tâm điểm của điều bí mật, mà vì thiếu sự hiểu biết đôi bên, ông lại rời xa mất.

Mấy phút sau ông quay trở lại. Nhóm chuột bến tàu vẫn tán dóc trong ánh tà dương và những tia nắng cuối cùng nhuộm đỏ hơn gương mặt to tướng của ông chủ vẫn đang quay về phía nhà thám tử.

Cho đến lúc ấy, có thể nói là Me-grê đã đi vòng vòng quanh tấn thảm kịch để dành vào phút chót việc đến thăm một ngôi nhà tang tóc, việc này bao giờ cũng cực nhọc.

Ông bấm chuông gọi cửa: Đã quá sáu giờ một chút. Ông không nghĩ rằng đó là giờ ăn chiều ở Hà Lan nên khi một cô bé người ở mở cửa cho ông vào thì ông nhìn thấy hai người đàn bà ngồi bên chiếc bàn trong phòng ăn.

Họ đứng lên bằng cùng một động tác với một sự vội vã hơi cứng đờ của những cô nữ sinh nội trú có giáo dục.

Họ ăn vận toàn đồ đen. Trên bàn có trà, những lát bánh cắt rất mỏng và thịt thà. Mặc dù đã hoàng hôn, đèn đóm vẫn chưa bật, nhưng một cái bếp bắt ánh lửa qua lớp mi-ca, đang chống chọi với cảnh tranh tối tranh sáng.

Chính A-ni là người nghĩ ngay đến việc bật công tắc đèn trong khi cô hầu gái đi kéo các rèm che.

– Xin vui lòng thứ lỗi cho… – Me-grê nói. – Tôi rất ân hận vì đã làm phiền bà và cô, tôi còn đến vào giờ ăn…

Bà Pô-pin-ga phác một cử chỉ vụng về về phía một chiếc ghế phô-tơi, nhìn xung quanh một cách lúng túng, trong khi cô em lui ra thật xa trong phòng.

Gần cùng một khung cảnh như ở trại. Những đồ đạc hiện đại nhưng một thứ hiện đại rất êm ái. Những màu sắc nhẹ nhàng hợp thành một hòa sắc tao nhã và buồn.

– Ông đến để…

Môi dưới của bà Pô-pin-ga bật lên và bà phải đưa đưa khăn tay lên miệng để ngăn một tiếng nức nở đột nhiên vỡ ra. A-ni không động đậy.

– Xin thứ lỗi… Tôi sẽ trở lại.

Người đàn bà ra dấu không tán thành. Bà cố gắng để lấy lại bình tĩnh. Bà phải hơn cô em vài tuổi. Người cao lớn, vẻ đàn bà hơn. Những đường nét đều đặn, trên má hình như có mụn đỏ, hai ba sợi tóc bạc.

Và một vẻ tao nhã đã nhạt mờ trong tất cả mọi cử chỉ. Me-grê nhớ ra rằng bà là con gái một ông hiệu trưởng trường trung học; bà nói trôi chảy nhiều thứ tiếng, rất học thức. Nhưng những điều ấy chẳng khiến bà đỡ nhút nhát, một sự nhút nhát của giới trưởng giả tỉnh lẻ mà chỉ một việc không đâu cũng làm tăng thêm.

Ông cũng nhớ rằng bà thuộc phái đạo khắc khổ nhất trong các phái Tin lành, rằng bà chủ trì những công việc từ thiện ở Đen-phơ-di, những nhóm trí thức phụ nữ…

Bà đã tự chủ được. Bà nhìn cô em như xin trợ lực.

– Xin lỗi. Nhưng mà không thể tin được phải không ông? Côn-rát… Con người ai cũng mến..

Ánh mắt bà ngừng trên cái loa của chiếc máy V.T.Đ đặt trong góc phòng và suýt nữa thì bà òa lên khóc.

– Đó là trò giải trí độc nhất của anh ấy… – Bà lắp bắp… – Và chiếc ca nô, vào những chiều hè trên sông Am-xtec-đi-ep. Anh ấy làm việc nhiều lắm… Ai là kẻ có thể gây ra chuyện ấy?

Và, vì Me-grê không nói gì hết, bà nói thêm, mặt càng hồng hơn:

– Tôi không buộc tội ai.. Tôi không biết.. Tôi không muốn tin, ông hiểu chứ? Chính cảnh sát đã nghi cho giáo sư Đuy-clô vì ông ấy đi ra với khẩu súng trong tay… Còn tôi, tôi không biết gì hết… Khủng khiếp quá! Ai đó đã giết chết Côn-rát! Vì sao? Vì sao lại là anh ấy? Thậm chí cũng chẳng vì trộm cắp!… Vậy là…

– Bà đã nói với cảnh sát về những gì bà trông thấy qua cửa sổ?

Bà đỏ mặt thêm. Bà cứ đứng, một tay chống xuống mặt bàn ăn.

– Tôi không biết có nên không. Tôi nghĩ rằng Bét không làm điều gì… Chỉ có điều là tôi đã tình cờ trông thấy… Người ta bảo tôi rằng những chỉ tiết nhỏ nhất cũng có thể giúp cho việc điều tra… Tôi đã xin lời khuyên của vị mục sư. Người đã bảo tôi nói… Bét là một cô gái tử tế… Đúng là tôi không nhìn thấy ai. Chắc chắn kẻ ấy phải ở trong trại dưỡng trí…

Bà không tìm chữ. Tiếng Pháp của bà trong sáng, có pha giọng nhưng rất nhẹ.

– A-ni cho tôi biết rằng ông từ Pa-ri tới đây vì chuyện Côn-rát… Chuyện ấy có thể nào tin được?

Bà đã bình tĩnh hơn. Cô em, vẫn đứng trong cái góc phòng ấy, không động đậy, và Me-grê chỉ nhìn thấy một phần người cô qua một tấm gương.

– Chắc ông phải đi xem nhà. – Bà thở dài:

– Ông có vui lòng đi cùng với… A-ni…

Một chiếc áo dài đen đi qua trước mặt Me-grê. Ông bước theo cô lên một chiếc cầu thang trải thảm mới tinh. Ngôi nhà xây chưa được mười năm, với những vật liệu nhẹ, gạch rỗng và gỗ thông, nó giống như một thứ đồ chơi. Nhưng những nước sơn quét trên ván ốp tường làm tươi mát cả ngôi nhà.

Cửa buồng tắm được mở đầu tiên. Cái nắp gỗ đậy trên bồn tắm biến thành mặt bàn để là quần áo. Cúi mình qua cửa sổ, Me-grê trông thấy nhà kho để xe đạp, mảnh vườn rau được chăm sóc và tận bên kia cánh đồng, thị trấn Đen-phơ-di với rất ít nhà có một tầng đầu và không có ngôi nhà nào hai lầu.

A-ni đợi ở ngoài cửa.

– Hình như cô có mở cuộc điều tra riêng của cô? – Me-grê nói với cô.

Cô rùng mình nhưng không trả lời, vội vã mở cửa phòng giáo sư Đuy-clô.

Giường bằng đồng. Tủ áo bằng gỗ thông vân hồng. Vải sơn trải sàn.

– Đây là buồng ai?

Cô phải cố gắng để đánh vần câu trả lời:

– Của tôi… Khi nào tôi đến…

– Cô đến luôn chứ?

– Vâng… Tôi..

Đúng là nhút nhát. Những âm thanh chết lặng trong cổ họng cô. Ánh mắt cô như cầu cứu.

– Vậy khi giáo sư ở đây thì cô ngủ trong phòng làm việc của anh cô?

Cô gật đầu và mở cửa buồng. Một cái bàn chất đầy sách, trong đó có những công trình mới viết về la bàn gi-rô-xcôp và về việc chỉ huy tàu bè bằng sóng điện từ. Những chiếc kính lục phân. Trên tường, những tấm ảnh chụp Côn-rát ở châu Á, châu Phi, vận sắc phục thuyền phó nhất hay sắc phục thuyền trưởng.

Một bộ vũ khí Mã-Lai. Đồ sứ Nhật Bản. Trên những giá gỗ, những dụng cụ chính xác và một chiếc la bàn đã tháo rời mà chắc Pô-pin-ga đã bắt tay vào sửa lại.

Một chiếc đi-văng phủ vải sọc xanh.

– Căn buồng của chị cô?

– Ở bên cạnh…

Buồng làm việc thông với buồng giáo sư và buồng ông bà Pô-pin-ga, buồng này được bày biện cầu kì hơn. Một cây đèn bằng đá bạch ngọc ở đầu giường. Một tấm thảm Ba-Tư khá đẹp. Đồ đạc bằng gỗ đào.

– Cô ở trong buồng làm việc… – Me-grê nói như đang mơ màng.

Gật đầu.

– Vậy là cô không thể ra ngoài mà không đi qua buồng giáo sư hoặc buồng chị cô?

Lại gật đầu.

– Thế mà ông giáo sư có mặt trong buồng ông ta. Chị cô cũng vậy…

Cô trợn tròn mắt, miệng há ra vì sững sờ kinh dị.

– Ông tin là?…

Ông lầm bầm, sải bước qua ba gian phòng:

– Tôi không tin gì hết! Tôi tìm tòi! Tôi loại trừ! Và cho đến lúc này cô là người duy nhất có thể được loại trừ một cách lô-gích, nếu như không tin có sự đồng lõa của ông Đuy-clô hay bà Pô-pin-ga.

– Ông…, ông…

Nhưng ông vẫn tiếp tục tự nói với mình:

– Đuy-clô có thể bắn hoặc từ buồng ông ta, hoặc từ buồng tắm hiển nhiên là thế. Bà Pô-pin-ga bà ấy có thể vào được phòng tắm. Nhưng giáo sư, người vào buồng tắm ngay lập tức sau tiếng súng nổ, đã không thấy bà trong đó… Ngược lại, vài giây sau, ông ta mới thấy bà ra khỏi buồng bà…

Cô gái có bớt nhút nhát đi một ít chăng? Người sinh viên đi lấn lướt cô thiếu nữ, như thực tế sự trình bày có tính cách kĩ thuật này cho thấy:

– Người ta có thể bắn từ dưới nhà… – cô nói, ánh mắt nhọn sắc hơn, tấm thân gầy guộc ngay đơ cả ra. – Bác sĩ nói..

– Nhưng khẩu súng đã giết chết anh rể cô đúng là khẩu Đuy-clô cầm trong tay… Trừ ra kẻ sát nhân đã ném nó lên lầu, qua cửa sổ.

– Tại sao không?

– Hiển nhiên rồi! Tại sao không?

Và ông đi xuống mà không đợi cô, chiếc cầu thang dường như quá chật đối với ông và những bậc thang kêu răng rắc dưới sức nặng của ông.

Ông thấy lại bà Pô-pin-ga đứng trong phòng khách, có thể nói vẫn đứng nguyên một chỗ như khi ông rời khỏi bà. A-ni theo sau ông.

– Cor-nê-li-uýt có thường đến đây không?

– Gần như hằng ngày… Cậu ấy phải học ba buổi một tuần, vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy… Nhưng những ngày khác cậu cũng đến. Cha mẹ cậu ở tận bên Ấn Độ. Trước đây một tháng, cậu ấy nhận được tin mẹ mất, khi thư tới nơi thì đã chôn cất xong. Thế là…

– Còn Bét Li-ê-ven?

Có một sự khó chịu nhất định. Bà Pô-pin-ga nhìn sang A-ni, cô đưa mắt nhìn xuống.

– Cô ấy có đến…

– Đến thường thường?

– Vâng…

– Bà mời cô ta đến à?

Câu hỏi sốc hơn, chính xác hơn. Me-grê cảm thấy ông đang tiến bước, nếu không trong việc khám phá ra sự thật thì ít ra cũng trong việc thâm nhập đời sống của gia đình.

– Không. Ông…

– Tôi tin rằng cô ta không cùng tính cách với bà và cô A-ni?

– Cô ấy còn quá trẻ, phải không?… Bố cô ấy là bạn thân của Côn-rát. Cô đem đến cho chúng tôi táo, dâu, hoặc kem.

– Cô ấy không yêu cậu Cor à?

– Không! (Rất dứt khoát).

– Bà không thích cô ta lắm nhỉ?

– Sao lại không?… Cô ta đến… Cô ta cười… Cô ta nói suốt buổi.. Như một con chim, ông hiểu chứ?

– Bà biết ông Ôx-tinh chứ?

– Ông già có liên hệ với chồng bà không?

– Năm ngoái ông lão lắp một mô-tơ mới cho tàu. Lúc đó lão có hỏi ý kiến Côn-rát. Côn-rát đã vẽ cho lão những sơ đồ… Hai người đi săn zeehond. Tiếng Pháp gọi là gì nhỉ? Con chó… đúng, con chó biển, trên những doi cát…

Đột nhiên bà thốt lên:

– Ông nghĩ rằng?… Chiếc mũ cát két, có thể?… Không thể nào… Ôx-tinh!…

Và bà rên rỉ, đầu óc lại rối loạn.

– Ôx-tinh cũng không phải!… Không. Không ai cả!… Không ai có thể giết Côn-rát… Ông chưa biết anh ấy. Anh ấy… Anh ấy…

Bà quay mặt đi, vì bà đang khóc. Me-grê muốn rút lui. Người ta không đưa tay cho ông bắt và ông đành tự bằng lòng vừa cúi chào vừa lầm bầm những lời xin lỗi.

Ra đến ngoài, ông bị bất ngờ vì khí mát rượi ẩm ướt từ sông đào bốc lên, và, bên kia bờ, không xa công trường sửa chữa tàu, ông thấy Ông chủ đang chuyện trò với một cậu học sinh trường Hàng hải mặc đồng phục.

Họ đứng cả hai trong bóng hoàng hôn. Ôx-tinh hình như đang diễn thuyết với vẻ cương nghị. Chàng trẻ tuổi cúi đầu và người ta chỉ trông thấy khuôn hình trái soan nhợt nhạt của mặt cậu.

Me-grê hiểu rằng đó phải là Cor-nê-li-uýt. Ông càng chắc chắn hơn khi nhận ra chiếc băng đen trên tay áo dạ màu xanh.

Bình luận
720
× sticky