Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Biệt Thự Hà Lan

Chương 9: Vụ án dựng lại

Tác giả: Georges Simenon

Gia đình Vi-ê-nan đến đầu tiên, đúng lúc bảy giờ rưỡi. Lúc ấy trong phòng hội của khách sạn Van Hát-xen chỉ có ba người đang đợi, không ngồi chung với nhau, không nói năng gì với nhau: Giăng Đuy-clô, hơi bồn chồn, đi đi lại lại từ đầu nọ đến đầu kia gian phòng; ông chủ trại Li-ê-van, cau có, ngồi bất động trên một chiếc ghế và Me-grê, tựa lưng rào chiếc đàn pi-a-nô, răng cắn tẩu.

Không ai nghĩ đến việc bật sáng tất cả đèn đóm. Chỉ một bóng đèn lớn treo cao tỏa một ánh sáng nhợt nhạt. Những chiếc ghế vẫn chất đống ở cuối phòng, ngoại trừ một hàng, hàng đầu tiên mà Me-grê đã cho dựng lại.

Trên sân khấu nhỏ để trống, một cái bàn phủ thảm xanh, một chiếc ghế.

Gia đình Vi-e-nan ăn vận quần áo ngày lễ. Họ đã đem theo hai đứa con, tuân thủ từng chữ cái mệnh lệnh ra cho họ. Người ta cảm thấy là, để đến đúng giờ, họ đã hối hả dùng bữa chiều, để lại đằng sau họ căn phòng ăn lộn xộn bừa bãi.

Ông Vi-ê-nan bỏ mũ khi bước vào, ông tìm một người nào đó để chào và sau khi thoáng có ý tiến về phía ông giáo sư, ông lại dẫn cả nhà vào trong một góc, ở đó ông im lặng đợi chờ. Chiếc cổ giả của ông quá cao, cà vạt thì thắt méo mó.

Con-nê-li-uýt Ba-renx đến gần như ngay sau đó, nhợt nhạt, bồn chồn đến nỗi có vẻ chỉ chực chạy trốn khi có dấu hiệu báo nguy nhỏ nhất. Cậu cũng tìm để gặp một người nào đó, để họp thành nhóm, nhưng cậu không dám tiến lại phía ai cả và cậu tựa lưng vào chồng ghế.

Thanh tra Pi-pê-kam dẫn Ôx-tinh đến. Cái nhìn của lão đè nặng lên Me-grê. Rồi những người cuối cùng đã đến: bà Pô-pin-ga và A-ni nhanh chân bước vào, dừng lại một giây, tiến tới hàng ghế thứ nhất.

– Đưa cô Bét xuống! – Me-grê nói với Pi-pê-kam. – Cho một nhân viên của ông canh giữ ông Li-ê-ven và Ôx-tinh. Buổi tối xảy ra vụ án họ không ở đấy. Chốc nữa chúng ta mới cần đến họ. Họ có thể đứng ở cuối phòng…

Khi Bét cũng đã có mặt, thoạt tiên bối rối rồi cứng người lại một cách cố ý trong một cái giật mình, kiêu hãnh lúc nhìn thấy A-ni và bà Pô-pin-ga, thì như có một khoảnh khắc ngừng trong mọi hơi thở.

Và như thế chẳng phải vì không khí có tính cách bi thảm! Không phải thế! Ngược lại, không khí thật ghê tởm!

Nó có cái vẻ của một nhúm nhân mạng, trong cái phòng lớn trống rỗng mà trần chỉ có một ngọn đèn chiếu sáng.

Phải cố gắng lắm mới tự nhủ được rằng vài ngày trước đây, những con người, những vị kì hào của Đen- phơ-di, đã trả tiền để được quyền ngồi vào một trong những chiếc ghế xép đống này, đã bước vào với kiểu cách như đứng trước ống kính máy chụp hình, đã ngồi đối diện với sân khấu, ăn mặc chỉnh chện, đã vỗ tay khi Giăng Đuy-clô tới.

Thật đúng hệt như là, đột nhiên, người ta đã nhìn cái cảnh tượng ấy qua đầu nhỏ của ống kính.

Vì sự chờ đợi, sự phấp phỏng của mỗi người về điều sắp xảy ra, những gương mặt không biểu lộ ngay cả vẻ xốn xang hay niềm đau đớn. Mà là cái khác! Những con mắt ảm đạm, trống rỗng không suy tư. Những nét mặt phờ phạc, lòa nhòa.

Và ánh sáng làm tất cả những nước da có màu xám xịt. Ngay cả Bét cũng không còn có vẻ gì kích thích.

Chẳng có gì danh giá, chẳng có gì lớn lao. Chỉ đáng thương hoặc đáng cười.

Bên ngoài người ta tụ tập, lặng lẽ, vì đến cuối buổi chiều thì có tin đồn là sắp xảy ra chuyện gì đó. Nhưng không ai tưởng quả thật quang cảnh lại ít hấp dẫn đến thế.

Me-grê trước tiên tiến về phía bà Pô-pin-ga.

– Xin vui lòng ngồi vào đúng chỗ tối hôm trước chứ ạ. – ông nói.

Vài giờ trước đây, ở nhà, bà thật bi thương. Nhưng đã hết rồi. Trông bà già hơn. Người ta để ý thấy bộ quần áo của bà, cắt vụng, làm cho một bên vai rộng hơn bên kia một chút và thấy bàn chân bà to. Lại còn một vết sẹo ở cổ, phía dưới tai.

A-ni càng tệ hơn, khuôn mặt chưa bao giờ mất cân đối đến thế. Y phục của cô trông lố bịch, chật cứng, cái mũ thì thiếu thẩm mỹ.

Bà Pô-pin-ga ngồi giữa hàng đầu, ở ghế danh dự. Cái ngày hôm trước, dưới ánh sáng chan hòa, với toàn bộ Đen-phơ-di đằng sau mình, chắc bà phải đỏ hồng vì hãnh diện và vui thích.

– Ai ngồi bên bà?

– Ông hiệu trưởng trường Hàng hải…

– Còn bên kia?

– Ông Vi-ê-nan…

Ông này được mời đến ngồi vào chỗ. Ông ta cởi áo pa-đờ-xuy, ngồi xuống một cách vụng về, mắt nhìn đi chỗ khác.

– Còn bà Vi-ê-nan?

– Ở tít ngoài cùng, vì có trẻ con.

– Cô Bét?

Cô này cũng lại chỗ ngồi, bỏ trống một chiếc ghế giữa cô và A-ni; ghế của Côn-rát Pô-pin-ga.

Pi-pê-kam đứng cách xa một chút, bối rối, sửng sốt, khó chịu, lo lắng nữa là khác. Giăng Đuy-clô đợi đến lượt mình.

– Ông lên sân khấu đi! – Me-grê bảo ông ta.

Có lẽ ông ta là người mất thể giá nhiều nhất. Ông gày gò, ăn mặc tồi tàn. Người ta khó mà tin rằng có một buổi tối nào đó, hàng trăm con người đã chịu mất thì giờ đến nghe ông nói chuyện.

Sự im lặng cũng khiến người ta bồn chồn như cái ánh sáng vừa quá rõ ràng lại vừa không đủ sáng, hắt xuống từ trần nhà xa xăm. Ở cuối phòng, ông Chủ ho bốn năm lần, biểu hiệu tâm trạng bất an chung.

Bản thân Me-grê cũng không phải không để lộ sự lo âu nào đó. Ông giám sát cuộc dàn cảnh của mình.

Luồng mắt nặng nề của ông dõi từ nhân vật này sang nhân vật khác, dừng lại ở những chi tiết tỉ mỉ như tư thế ngồi của Bét, cái váy quá dài của A-ni, những móng tay kém chăm sóc của Đuy-clô, ông này đứng trơ trọi trước bàn thuyết trình, đang tìm cách giữ vẻ bình thản.

– Ông đã nói trong bao lâu?

– Bốn lăm phút…

– Ông đọc bài nói à?

– Xin lỗi, đó là lần thứ hai mươi tôi thuyết trình bài này. Cả bản ghi chép tôi cũng không dùng đến nữa…

– Vậy thì ông hãy nhìn phòng họp đi…

Và ông ngồi xuống một lúc giữa Bét và A-ni. Ghế kê khá sít nhau. Đầu gối ông chạm vào đầu gối cô ta. — Đến mấy giờ buổi nói chuyện kết thúc?

– Trước chín giờ một chút. Vì thoạt đầu có một cô gái chơi Pi-a-nô…

Chiếc đàn pi-a-nô ấy vẫn để mở với một bản pô-nô-le-dơ của Sô-panh đặt trên giá. Bà Pô pin ga bắt đầu cắn chiếc khan tay. Ôx-linh cựa quậy ở cuối phòng, hai chân lão động đậy không ngừng trên nền nhà phủ mạt cưa.

Đã tám giờ mấy phút, Me-grê đứng dậy, bắt đầu bước đi.

– Ông Đuy-clô, ông vui lòng tóm tắt hộ tôi cái đề tài bài thuyết trình của ông chứ!

Nhưng Đuy-clô không thể nói được. Hoặc đúng hơn ông ta muốn bắt đầu nói theo đúng bài bản.

Sau khi húng hắng ho, ông thì thào:

– Không phải là tôi sẽ làm thiệt thòi cho giới trí thứa Đen-phơ-di…

– Xin lỗi! Ông nói về tính chất tội phạm, ở khía cạnh nào?

– Vể trách nhiệm của những kẻ phạm tội..

– Và ông cho rằng?…

– Rằng chính xã hội của chúng ta chịu trách nhiệm về những lỗi lầm phạm phải trong lòng nó mà người ta gọi là những tội ác. Chúng ta đã tổ chức đời sống vì phúc lợi lớn nhất của mọi người… Chúng ta đã tạo nên những tầng lớp xã hội và cần thiết phải đưa mỗi cá nhân vào một trong những tầng lớp đó…

Ông ta nói mà cứ nhìn chằm chằm vào tấm thảm xanh. Tiếng ông ta thiều rõ ràng.

– Thế là đủ. – Me-grê càu nhàu. Tôi biết rồi: “có những cá nhân ngoại biệt, những người bệnh và những kẻ không thích nghi… Họ vấp phải những bước ngăn không thể vượt qua. Họ bị cả hai bên khước từ và sa vào tội ác.” Tôi nghĩ đúng là chuyện ấy chứ gì? Cái đó chẳng mới…

Đuy-clô, nhăn nhó không trả lời.

– Tóm lại, ông đã nói chuyện ấy trong bổn lăm phút, với vài thí dụ nổi bật… ông đã dẫn Lôm-brô-đô, Phơroi và đồng bọn.

Ông nhìn đồng hồ, nói trước hết là với hàng ghế đầu:

– Tôi yêu cầu quý vị đợi thêm vài phút…

Đúng vào lúc ấy một đứa trẻ nhà Vê-ê-nan bắt đầu khóc. Và mẹ nó, nóng nảy lắc thằng bé để làm nó yên. Thấy bà chẳng đi đến đâu, ông Vi-ê-nan đỡ lấy thằng nhóc đặt lên đầu gối, thoạt tiên ông vuốt ve nó một cách dịu dàng, rồi bẹo tay nó cho nó im.

Phải nhìn thấy cái ghế để trống giữa A-ni và Bét mới nhớ ra rằng chuyện quan hệ đến một tấn thảm kịch. Còn nữa chứ! Phải chăng cô Bét, với gương mặt lành mạnh nhưng tầm thường, đáng mặt là kẻ gây xáo trộn trong một gia đình?

Ở cô chỉ có một thứ để hấp dẫn, và chính phép thuật của cuộc dàn cảnh này là nhấn mạnh được cái sự thật thuần túy, là đưa các sự kiện trở về trạng sống sượng ban đầu của chúng: hai bầu vú đẹp, mà làn lụa càng làm cho quyến rũ, những bầu vú của tuổi mười chín thoáng rung rinh dưới lớp áo khoác, đúng cái cần có để cho chúng thêm sống động.

Xa hơn một chút, bà Pô-pin-ga mà ngay cả lúc mười chín tuổi cũng không có được cặp vú như thế, bà Pô-pin-ga ăn mặc quá rườm rà, với những lớp y phục giản dị đúng cách, làm mất đi sự hấp dẫn của thể xác.

Rồi A-ni, nhọn hoắt, xấu xí, phẳng lì nhưng bí hiểm.

Pô-pin-ga đã gặp Bét, một chàng Pô-pin-ga vui tính, một chàng Pô-pin-ga ham muốn tận hưởng những điều tốt đẹp đến như vậy! Và chàng đã không nhìn bộ mặt của Bét, đôi mắt như sành của cô, nhất là đã không đoán được cái ý nguyện đi trốn ẩn đằng sau bộ mặt búp bê ấy.

Chàng đã nhìn bộ ngực sống động ấy, tấm thân lành mạnh, hấp dẫn ấy!

Bà Vi-ê-nan, bà ta thậm chí không còn là đàn bà. Bà là người mẹ, người nội trợ. Bà đang mải xỉ mũi cho thằng nhóc của bà, thằng bé không còn sức mà khóc nữa.

– Tôi phải đứng nguyên ở đây ư? – Giăng Đuy-clô hỏi từ trên bục.

– Xin ông cứ thế cho.

Và Me-grê tiến đến gần Pi-pê-kam, nói nhỏ với ông ta mấy lời. Một lúc sau nhà thám tử Grô-nin-ghen đi ra cùng với Ôx-tinh.

Người ta chơi bi da trong quán cà phê. Nghe thấy tiếng những viên bi va vào nhau.

Và trong phòng, những lồng ngực bị dồn nén. Như không khí của buổi hội họp thông linh, của sự chờ đợi một cái gì ghê rợn. A-ni là người duy nhất dám đứng lên đột ngột, và nói lên sau khi chần chờ một lúc lâu:

– Tôi không biết là ông muốn đi tới đâu. Đó là… Đó là…

– Đến giờ rồi… Xin lỗi! Ba-renx đâu nhỉ?

Ông quên khuấy mất chuyện ấy. Ông tìm thấy cậu ta ở khá xa, trong phòng, tựa mình vào một bức tường.

– Tại sao cậu không ngồi vào chỗ?

– Thì ông đã bảo làm như tối hôm đó…

Ánh mắt cậu dao động, giọng nói thì hổn hển.

– Tối hôm đó, tôi ở tận chỗ này cùng với những học sinh khác…

Me-grê không lo đến cậu nữa. Ông đi mở cái cửa ăn ra một hành lang thông ra ngoài đường, cho phép không phải đi qua tiệm cà-phê. Ông chỉ thấy có ba hay bốn bóng người trong bóng tối.

– Tôi nghĩ là, khi buổi thuyết trình kết thúc, có một sự tụ tập dưới chân bục… ông hiệu trưởng… Ông mục sư, vài vị thân hào chúc mừng diễn giả..

Không ai trả lời, nhưng những lời đó là để gợi lại quanh cảnh: tất cả các hàng khán giả tiến về phía cửa ra, tiếng ghế lủng củng, những cuộc chuyện trò và, đằng ấy, gần bên sân khấu, một nhóm người, những cái bắt tay, những lời khen tụng…

Gian phòng vợi dần người. Sau hết, tốp cuối cùng tiến về phía cửa, Ba-renx đến với gia đình Pô-pin-ga.

– Ông có thể lại đây, ông Đuy-clô…

Mọi nguời đứng cả lên. Nhưng mọi người đều có vẻ do dự về cái vai trò mình phải đóng. Người ta nhìn Me-grê. A-ni và Bét làm như không thấy nhau. Ông Vi-ê-nan, vụng về ngượng nghịu, bế thằng con nhỏ nhất.

– Đi theo tôi…

Rồi, bước khi đến cửa một chút:

– Chúng ta sẽ đi về nhà theo đúng trật tự như hôm nghe nói chuyện. Bà Pô-pin-ga và ông Đuy-clô…

Hai người nhìn nhau, do dự, bước vài bước trong con phố tối tăm.

– Cô Bét!… Cô đi với Pô-pin-ga… Cứ đi đi… Chốc nữa tôi sẽ gặp lại…

Cô chỉ hơi dám tiến một mình về phía thị trấn và nhất là cô sợ ông bố, ông đang bị một viên cảnh sát canh giữ trong một góc phòng.

– Ông bà Vi-ê-nan..

Họ là những người tự nhiên nhất vì họ phải coi sóc con.

– Cô A-ni và Ba-renx…

Cậu này suýt òa lên khóc, cậu phải cắn môi, tuy thế cũng đi qua trước mặt Me-grê.

Lúc đó viên chỉ huy trưởng quay về người cảnh sát canh giữ ông Li-vê-an:

– Tối hôm án mạng, vào giờ này ông ta ở nhà, ông vui lòng đưa ông ta về và bảo đúng những gì ông ta đã làm hôm đó.

Giống như một đám rước xếp đặt tồi, những người đi đầu dừng lại, tự hỏi không biết phải đi tiếp không. Có những sự chần chừ, những bước dừng.

Bà Van Hat-xen đứng trên ngưỡng cửa, chứng kiến màn kịch, vừa trả lời những người chơi bi-da đang nói với bà.

Thị trấn đã ngủ đến ba phần tư, các tiệm cửa đóng then cài, bà Pô-pin-ga và Đuy-clô đi thẳng con đường bến tầu và người ta đoán rằng ông giáo sư đang tìm cách trấn an bà bạn.

Ánh sáng và bóng tối luân phiên nhau, vì những cột đèn khi đặt cách quãng.

Người ta phân biệt được nước màu đen, những con tàu đu đưa, mỗi chiếc có một cây đèn hiệu ở giàn buồm. Bét, cảm thấy A-ni ở đằng sau, cố gắng bước đi với một điệu bộ thoải mái, nhưng việc cô đi có một mình làm cho điệu bộ ấy thật khó khăn.

Các nhóm cách nhau vài bước chân. Xa độ trăm thước, thấy rõ nét chiếc tàu của Ôx-tinh, vì nó là chiếc duy nhất sơn màu trắng. Không có ánh sáng ở các lỗ cửa tàu. Bến tầu quạnh quẽ.

– Các vị vui lòng dừng lại tất cả ở chỗ các vị đang đứng chứ? Me-grê nói cho tất cả các nhóm nghe thấy.

Họ đứng sững. Đêm thì đen. Dải sáng của ngọn đèn pha lướt rất cao phía trên đầu họ, không soi rõ được gì.

Lúc đó Me-grê nói với A-ni:

– Cô ở đúng chỗ nầy trong đoàn người chứ?

– Vâng..

– Còn anh, Ba-renx?

– Vâng… Tôi tin là thế…

– Anh chắc chắn thế chứ?… Anh đi cùng với A-ni chứ?

– Vâng… Khoan đã… Không phải ở đây, mà quá trên mười thước, A-ni đã lưu ý tôi rằng áo khoác của một đứa trong lũ trẻ bị xệt xuống đất.

– Và anh đã bước lên phía trước mấy bước để báo cho ông Vi-ê-nan?

– Bà Vi-ê-nan…

– Việc đó chỉ kéo dài có vài giây?

– Vâng. Gia đình Vi-ê-nan tiếp tục đi… Tôi thì đợi A-ni…

– Anh không nhận thấy có gì khác thường?

– Không!

– Tất cả tiến lên mười thước! – Me-grê ra lệnh.

Và lúc đó hóa ra cô em bà Pô-pin-ga đứng cao đúng tâm con tàu của Ôx-tinh.

– Bước về phía gia đình Vi-ê-nan đi Ba-renx…

Và với A-ni:

– Nhặt lấy chiếc mũ cát két trên boong tàu!

Chỉ phải đi có ba bước và cúi xuống. Chiếc mũ đó, màu đen trên nền trắng, trông rõ ràng, với chiếc phù hiệu có ánh kim loại.

– Sao ông lại muốn…

– Nhặt lên.

Có thể đoán được những người khác, đứng xa hơn, đang tìm cách nhận thức xem điều gì xảy ra.

– Nhưng tôi không.

– Không quan trọng!… Chúng ta không đủ người. Mỗi người phải thủ nhiều vai… Đó chỉ là thử.

Cô nhặt lấy chiếc mũ.

– Giấu nó trong áo choàng. Trở lại với Ba-renx.

Ông đích thân trèo lên boong tàu, gọi:

– Pi-pê-kam…

– Có..

Và viên thám tử xuất hiện ở lỗ hầm tàu đằng trước. Đó là lỗ xuống khoang Ôx-tinh ngủ. Khoang không đủ chiều cao cho một người đứng thẳng, cho nên điều hợp lý là, đề hút một tẩu thuốc cuối cùng chẳng hạn, thì phải thò đầu ra ngoài, chống khuỷu tay lên mặt boong.

Ôx-tinh đang đứng đó, đúng trong tư thế ấy. Từ bến tàu, từ chỗ để chiếc mũ, người ta không thể trông thấy lão, nhưng lão thì thấy rõ ràng kẻ lấy trộm mũ.

– Được!… Bảo lão làm đúng như đêm hôm trước…

Và Me-grê đi ngược lên các nhóm.

– Tiếp tục bước đi! Tôi vào chỗ của Pô-pin-ga.

Ông thấy mình ở cạnh Bét, đằng trước là bà Pô-pin-ga và Đuy-clô, đằng sau là gia đình Vi-ê-nan, cuối cùng là A-ni và Ba-renx. Người ta nghe thấy tiếng động phía xa hơn: Ôx-tinh, có thanh tra Pi-pê-kam canh chừng, sải đều bước đi.

Từ lúc này người ta không còn đi qua những phố đèn sáng. Sau lúc qua cảng, người ta đi men theo một cái cống bỏ hoang ngăn biển với sông đào, rồi là con đường kéo thuyền, với những cây cối phía bên tay phải và, cách xa nửa cây số, nhà Pô-pin-ga.

Bét lắp bắp:

– Tôi không hiểu…

– Suỵt! Đêm yên tĩnh… Người ta có thể nghe thấy chúng ta cũng như chúng ta nghe được tiếng những người đi trước và những người đi sau… Vậy là, Pô-pin-ga đã lớn tiếng nói chuyện này chuyện khác, chắc là vì buổi thuyết trình…

– Vâng…

– Có điều là, cô đã khe khẽ trách móc anh ta.

– Tại sao ông biết?

– Không quan trọng!… Khoan đã!… Trong buổi thuyết trình, cô ngồi gần anh ta… Cô đã tìm cách sờ tay anh ấy… Anh ấy không đẩy ra chứ?

– Vâng! – Cô lắp bắp, xúc động, trợn tròn con người nhìn ông.

– Và cô lại làm lại…

– Vâng… Trước đây anh ấy không thận trọng đến thế. Anh ấy ôm hôn tôi ngay cả tại nhà anh ấy, đằng sau cánh cửa. Còn hơn nữa!… Một lần trong phòng ăn, lúc bà Pô-pin-ga ở phòng khách và đang nói với chúng tôi… Thời gian gần đây anh ấy mới hay sợ.

– Vậy là cô đã trách móc anh ta, đã nhắc lại rằng cô muốn đi với anh ta, trong lúc hai người vẫn không ngừng lớn tiếng nói chuyện…

Và người ta nghe thấy những bước chân phía trước, những bước chân phía sau, những tiếng thì thầm. Đuy-clô nói:

– Bảo đảm với cô rằng cái đó không hợp với bất cứ một phương pháp điều tra trinh thám nào…

Và phía sau, bà Vi-ê-nan đang mắng mỏ thằng nhóc bằng tiếng Hà Lan.

Người ta nhìn thấy ngôi nhà trong bóng tối. Không có một chút ánh sáng. Bà Pô-pin-ga dừng lại ra ngưỡng cửa.

– Bà đứng lại đúng như thế phải không? Vì chồng bà cầm chìa khóa?

– Vâng…

Các nhóm tập hợp lại.

– Mở cửa! – Me-grê nói, cô ở ngủ à?

– Vâng.. Cũng như hôm nay.

Cửa mở, bà vặn công tắc điện. Hành lang được chiếu sáng, với chiếc mắc áo bằng tre ở phía trái.

– Pô-pin-ga lúc này vui lắm hả?

– Vui lắm! Nhưng không tự nhiên… anh ta nói to quá.

Người ta bỏ áo khoác và mở nón ra.

– Xin lỗi! Tất cả mọi người đều cởi áo ở đây à?

– Trừ A-ni và tôi! – Bà Pô-pin-ga nói, – chúng tôi lên buồng rửa ráy một chút…

– Mà trước đó không đi vào một buồng khác? Ai đã bật đèn phòng khách?

– Côn- rát.

– Bà và cô vui lòng lên gác chứ?

Và ông đi lên cùng với họ.

– A-ni không dừng lại ở buồng bà, cô ta phải đi qua đó về buồng cô?

– Không. Tôi không tin là.

– Xin bà với cô lặp lại đúng các cử chỉ.

Cô A-ni, xin cô để trong phòng cô chiếc mũ cát két, áo khoác và mũ của cô… Bà và cô đã làm những việc gì tối hôm đó?

Môi dưới của bà Pô-pin-ga bật lên.

– Một chút phấn… – bà nói với một giọng trẻ con. Một nhát lược… Nhưng tôi không thể… Thật kinh hãi. Tôi thấy như… Tôi nghe thấy tiếng Côn-rát ở dưới nhà… Anh ấy nói về V.T.B., về việc bắt đài phát thanh.

Bà Pô-pin-ga ném chiếc áo khoác xuống giường. Bà khóc không nước mắt, rã rời. A-ni đứng sừng sững giữa căn phòng làm việc được cô dùng làm phòng ngủ, đợi cbờ.

– Hai người xuống nhà cùng một lúc?

– Vâng. Không! Tôi không biết nữa… Tôi nhớ là A-ni xuống sau tôi một chút… Tôi nghĩ đến việc chuẩn bị trà.

– Trong trường hợp này bà vui lòng đi xuống chứ?

Ông ở lại một mình với A-ni, không nói một lời, lấy chiếc mũ cát két từ tay cô, nhìn quanh và giấu nó xuống dưới đi-văng.

– Đến đây…

– Có phải ông tin là?…

– Không! Đến đây! Cô không đánh phấn…

– Không bao giờ!

Mắt cô thâm quầng. Me-grê để cô đi qua trước mắt ông. Những bậc cầu thang kêu răng rắc. Phía dưới nó là một sự im lặng tuyệt đối. Đến mức khi hai người bước vào phòng khách, khung cảnh như không thực. Giống như trong một nhà bảo tàng những mặt người bằng sáp. Không ai dám ngồi. Chỉ có bà Vi-ê-nan đang vuốt lại những sợi tóc rối bù của cậu con trai lớn.

– Xin ngồi vào chỗ như tối hôm trước… Chiếc máy V.T.Đ. đâu rồi?

Tự ông tìm thấy nó, ông vặn các núm, làm vọt ra những tiếng rít, bùng ra những giọng nói, những mảnh vụn của âm nhạc, cuối cùng ông bắt một đài có hai anh diễn viên hài kịch đang diễn một hoạt cảnh Pháp.

Ông năm bảo với ông ba…

Tiếng nói rộ lên khi hiệu chỉnh máy. Còn hai ba tiếng rít nữa.

… thằng cha quan ba tốt đấy… Nhưng bố già quan năm.

Và cái giọng ngoại ô cợt nhạo ấy rền vang trong cái phòng khách ngăn nắp. Trong đó mọi người đang giữ nguyên một sự bất động tuyệt đối.

– Ngồi xuống đi! – Me-grê la lên. – Pha trà đi. Nói đi.

Ông muốn nhìn qua cửa sổ, nhưng cửa sổ đóng kín. Ông đi mở cửa ra vào và gọi:

– Pi-pê-kam.

– Có. – một tiếng nói trong bóng tối.

– Ông ta ở đó chứ?

– Đằng sau cái cây thứ hai, phải!

Me-grê đi vào. Cửa đóng sầm. Màn hoạt cảnh đã chấm dứt và tiếng phát thanh viên thông báo:

Đĩa hát Ô-đê-ông số hai mươi tám nghìn sáu trăm bảy lăm…

Một tiếng loẹt xoẹt. Một điệu jazz. Bà Pô-pin-ga dán mình vào tường. Giữa tiếng nhạc, người ta đóan thấy một giọng mũi nói một thứ tiếng nước ngoài và thỉnh thoảng có tiếng lạo xạo, sau đó âm nhạc lại tiếp tục.

Me-grê đưa mắt tìm Bét. Cô gục người trong một chiếc ghế bành, cô khóc chan hòa nước mắt. Cô lắp bắp giữa những tiếng nức nở:

– Tội nghiệp Côn-rát! Côn-rát…

Và Ba-renx, mặt cắt không còn hột máu, cắn chặt môi.

– Trà! – Me-grê ra lệnh cho A-ni.

– Chưa phải bây giờ… Người ta đã cuộn thảm… Côn-rat nhảy..

Bét nức nở gay gắt hơn. Me-grê nhìn tấm thảm, chiếc bàn gỗ sồi và miếng vải thêu đặt trên cái cửa sổ, và bà Vi-ê-nan, bà này đang không biết làm sao với lũ con.

Bình luận