Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Biệt Thự Hà Lan

Chương 7: Một bữa ăn trưa tại khách sạn van hát-xen

Tác giả: Georges Simenon

Khi Me-grê đến khách sạn, ông hiểu rằng có một gì đó khác thường.

Hôm trước ông đã ăn bữa chiều ở một chiếc bàn ngay cạnh bàn ông Giăng Đuy-clô.

Vậy mà có ba bộ đồ ăn đã được đặt trên bàn tròn nằm chính giữa phòng. Khăn trải bàn sáng ngời con nguyên những nếp gấp. Cuối cùng có ba chiếc ly cho thực khách, thứ đó ở Hà Lan chỉ được đặt trong một buổi tiệc thực sự.

Ngay từ lúc bước chân vào, viên chỉ huy trưởng đã được thanh tra Pi-pê-kam đón tiếp, ông này tiến đến phía ông, tay giơ ra, nở một nụ cười của người đã sửa soạn một bất ngờ thú vị.

Ông ta vận trang phục dự hội. Một chiếc cổ giả cao 8 phân. Một áo khoác đuôi tôm! Râu cạo nhẵn. Chắc ông ta vừa ra khỏi tiệm cắt tóc, vì người ông còn phảng phất một mùi dầu thơm hoa vi-ô-let.

Mờ nhạt hơn, Giăng Đuy-clô đứng đằng sau ông nầy, vẻ phiền muộn.

– Ông thứ lỗi cho tôi, bạn đồng nghiệp thân mến. Lẽ ra tôi phải báo trước cho ông từ sáng nay… Tôi những muốn tiếp ông tại nhà, nhưng tôi ở mãi Grô-nin-ghen và tôi sống độc thân. Thế là tôi đã mạn phép mời ông dùng bữa trưa ở ngay đây!… Chà! Một bữa ăn nho nhỏ không có lễ nghi gì.

Và vừa nói những lời cuối cùng trên đây ông vừa nhìn những bộ đồ ăn, những đồ pha-lê và hiển nhiên đợi những lời phản đối của Me-grê.

Những lời đó không có.

– Tôi nghĩ rằng, vì ông giáo sư là người đồng hành của ông, nên ông sẽ vui lòng…

– Tốt lắm tốt lắm! – Me-grê nói. – Ông cho phép tôi đi rửa tay chứ?

Ông rửa ráy một cách chậm rãi trong chiếc la-va-Bô gần đấy. Nhà bếp ngay cạnh và ông nghe thấy tiếng rậm rịch, bận rộn, tiếng va chạm của bát đĩa, xoong nồi.

Khi ông trở lại phòng, Pi-pê-kam đích thân rót poóc-tô vào cái ly và thì thầm với một nụ cười thỏa mãn, khiêm tốn:

– Y như ở Pháp, phải không?… Prosit! Chúc sức khỏe, bạn đồng nghiệp thân mến…

Ông ta thiện ý đến mức cảm kích, ông cố tìm những cách nói tế nhị, cố chứng tỏ là một con người lịch thiệp đến tận chân tơ, kẽ tóc.

– Lẽ ra tôi phải mời ông đến từ hôm qua rồi… Nhưng tôi quá sức… nói thế nào nhỉ? Rối tinh rối mù vì cái công chuyện này… ông đã tìm ra cái gì rồi chứ?

– Chẳng có gì!

Có một ánh lóe lên trong con ngươi Anh chàng Hà Lan và Me-grê nghĩ bụng:

– Cậu, cậụ bé thật thà ơi, cậu có một chiến công để thông báo cho ta và cậu sẽ thò nó ra trong lúc tráng miệng. Không kể là cậu sẽ không đủ kiên nhẫn để đợi đến tận lúc ấy…

Ông đã không lầm. Đầu tiên người ta dọn món súp cà chua, cùng lúc với một chai Xanh Êmiliông ngọt đến thót tim, rõ ràng là thứ rượu để xuất cảng.

– Chúc sức khỏe!

Chàng Pi-pê-kam thật thà! Chàng đã làm hết khả năng và thậm chí còn quá cả khả năng của mình. Và Me-grê đã không có vẻ như nhận ra điều ấy. Ông đã không tán thưởng!

– Ở Hà Lan, người ta không bao giờ uống trong lúc ăn. Chỉ uống về sau… Buổi tối, trong những cuộc họp mặt quan trọng, thì một ly nhỏ với xì gà… Người ta cũng không dọn bánh mì ra bàn…

Và ông liếc về phía đĩa bánh mì mà ông đã gọi. Chai pooc-tô mà ông đã chọn thay cho rượu đỗ tùng quốc hồn quốc túy!

Còn có thể nào làm hơn được nữa? Mặt ông rạng hồng vì điều ấy! Ông nhìn chai vang màu vàng tươi một cách trìu mến. Giăng Đuyclô vừa ăn vừa nghĩ đến chuyện khác.

Và Pi-pê-kam đã hết sức muốn đem vào sự hào hứng, vui nhộn, tạo ra quanh bữa ăn này một không khí cuồng say, phè phỡn kiểu Pháp chính cống!

Người ta dọn ra món huchpot. Món ăn dân tộc. Thịt lõng bõng trong cả ao nước xốt và Pi-pê-kam nói, làm ra vẻ bí mật:

– Ông sẽ cho biết là ông có thích không?

Điều bất hạnh là Me-grê không hào hứng. Ông đánh hơi thấy quanh ông có một điều bí mật nho nhỏ mà ông chưa tự giải thích được thật rõ.

Ông thấy hình như có một kiểu hội kín hội hở giữa Giăng Đuy-clô và thám tử. Và, chẳng hạn như, mỗi lần ông này rót đầy ly của Me-grê, ông ta lại nhìn giáo sư một cái rất nhanh.

Rượu vang Buốcgô ủ nóng cạnh lò.

Tôi tin rằng ông uống nhiều hơn nữa chứ…

– Cái đó còn tùy.

Đuy-clô chắc chắn là không hoàn toàn thoải mái. Ông tránh xen vào câu chuyện. Ông uống nước khoáng, lấy cớ là đang phải kiêng cữ.

Pi-pê-kam không thể nào đợi lâu hơn hữa. Ông ta đã nói về vẻ đẹp của hải cảng, về tầm quan trọng của việc buôn bán trên sông Emx, về trường Đại học Grô- nin-ghen nơi mà những nhà bác học lớn nhất thế giới đến thuyết trình.

– Ông biết rằng có tin mới rồi chứ?

– Thật ư?

– Chúc sức khỏe ông! Chúc sức khỏe ngành cảnh sát Pháp! Vâng, bây giờ đây, điều bí mật đã sắp ra ánh sáng…

Me-grê nhìn ông ta Bằng cặp mắt xanh thẳm, không một chút dấu ấn xúc động, không cả sự tò mò.

– Sáng hôm nay, khoảng mười giờ, người ta đã báo cho tôi rằng có một người đợi tôi trong phòng… ông đoán xem ai nào?

– Ba-renx! – Ông tiếp tục đi…

Pi-pê-kam thất vọng vì việc này còn hơn là hiệu quả ít ỏi mà cái bàn tiệc sang trọng nhường kia đã táo động vào người khách của ông ta.

– Làm sao ông biết?…

Người ta đã bảo ông, phải không nào?

– Không hề. Thế cậu ấy muốn gì?

– Ông biết cậu ấy rồi đấy… Rất nhút nhát.. Rất… tiếng Pháp nói là.., phải, lầm lì… Cậu ấy không dám nhìn tôi..Người ta có thể tin là cậu ấy sắp khóc… Lúc ra về, cậu ấy đã thú nhận rằng trong đêm xảy ra vụ án, ở nhà Pô-pin-ga ra, cậu ấy đã không về tàu ngay lập tức…

Và viên thanh tra đưa mắt lia lịa.

– Ông biết chứ?… Cậu ấy yêu Bét!… Và cậu ghen vì Bét đã nhảy với Pô-pin-ga!… Và cậu phật ý vì cô nàng đã uống cô-nhắc… Cậu đã trông thấy cả hai người đi ra,.. Cậu ấy đã đi theo, cách xa xa… Cậu trở lại theo chân ông giáo sư.

Me-grê không biết thương hại. Tuy ông thấy rõ là người kia có thể đánh đổi hết để lấy một dấu hiệu ngạc nhiên, cảm phục, Bồn chồn của ông.

– Chúc sức khỏe ông, ông chỉ huy trưởng! Ba-renx đã không nói ra ngay vì cậu sợ… Nhưng sự thật là đó. Cậu đã nhìn thấy một ngtrời đàn ông, ngay sau tiếng súng nổ, chạy về phía đống gỗ, chắc để lẩn trốn…

– Cậu ấy đã kể cho ông tỉ mỉ chuyện ấy, phải không?

– Phải…

Người kia bối rối. Ông ta không còn mảy may hi vọng làm kinh ngạc người bạn đồng nghiệp. Câu chuyện ông ta đã kéo dài quá rồi.

– Một thủy thủ… Chắc chắn là một thủy thủ nước ngoài. Rất cao to gầy nhom và mày râu nhẵn nhụi…

– Và tất nhiên là có một chiếc tàu lên đường vào ngày hôm sau…

– Từ bữa đó đã có ba chiếc lên đường… Sự vụ đã rõ ràng!… Đen-phơ-di không phải là nơi tìm kiếm… Chắc chắn là một thủy thủ quen biết Pô-pin-ga trước đây, khi ông ta đi tàu… Một thủy thủ bị ông ta phạt tội khi ông ta là sĩ quan hay thuyền trưởng…

Giăng Đuy-clô khăng khăng quay nghiêng người trước cái nhìn của Me-grê. Pi-pê-kam ra hiệu cho bà Van Hát-xen đem đến một chai nữa, bà này ăn vận chĩnh chện đang đứng bên cạnh két.

Chỉ còn một món đặc biệt nữa, một chiếc bánh ga-tô phủ ba loại kem lại thêm dòng chữ Đen-phơ-di bằng sô-cô-la trên mặt.

Và thanh tra Pi-pê-kam cụp mắt xuống một cách khiêm tốn:

– Ông vui lòng cắt.

– Ông đã trả tự do cho Cor-nê-li-uýt chưa?

Nghe vậy, ông bạn ngồi bên giật nảy mình, nhìn Me-grê mà tự hỏi không hiểu ông ta có phải khùng không?

– Nhưng…

– Nếu không có gì trở ngại cho ông, thì chốc nữa chúng ta sẽ cùng vấn hỏi cậu ấy..

– Dễ lắm! Tôi sẽ điện thoại đến trường học.

– Nhân tiện ông hãy điện thoại cho đưa cả Ôx-tinh đến, chúng ta sẽ hỏi ông ấy tiếp sau đó…

– Về chiếc mũ cát két ư?… Một thủy thủ đi ngang, trông thấy chiếc mũ trên mặt boong… Hắn ta đã lấy đi và…

– Tất nhiên rồi!…

Pi-pé-kam chắc phải phát khóc. Sự châm biếm nặng nề nhưng khó nhận thấy đó của Me-grê khiến ông ta bối rối đến nỗi vấp phải khung cửa khi đi vào phòng điện thoại.

Me-grê ở lại một mình với giáo sư Giăng Đuy-lcô trong một lúc, ông này đang chúi mũi vào đĩa thức ăn.

– Ông không bảo với ông ấy ngầm dúi cho tôi vài đồng phlô-ranh đó chứ?

Những lời này được nói rất êm ái, không chút chua chát và Đuy-clô ngẩng đầu lên, mở miệng để phản đối.

– Suỵt!… Chúng ta không có thì giờ tranh cãi đâu, ông đã khuyên ông ta đãi tôi một bữa ăn ra trò, tưới rượu thật hào phóng. Ông đã bảo ông ta rằng ở bên Pháp người ta làm cho các viên chức biết điều bằng cách ấy. Im đi, tôi bảo mà, rằng sau đó, tôi sẽ trơn tuồn tuột…

– Tôi thề với ông là…

Me-grê châm tẩu, quay về phía Pi-pê-kam, ông này vừa ở chỗ điện thoại trở lại và nhìn lên bàn, ấp úng:

– Ông sẽ vui lòng chấp nhận một ly nhỏ cô-nhắc, ở đây có thứ lâu năm.

– Ông cho phép tôi là người đãi ông thứ đó! Có điều xin ông Bảo bà ầy đem đến một chai nguyên chất và những chiếc ly lớn…

Nhưng bà Van Hát-xen đem đến những ly nhỏ. Me-grê đứng dậy, đích thân đi lấy những chiếc ly khác trên một cái giá, rót rượu đầy đến miệng:

– Chúc sức khỏe ngành cảnh sát Hà Lan! – Ông nói.

Pi-pê-kam không dám phản đối. Rượu mạnh làm ông ta dàn dụa nước mắt tuy ông ta rất khỏe. Nhưng Me-grê, tươi cười, dữ tợn, không ngừng nâng ly và lặp lại:

– Chúc sức khỏe quý ngành cảnh sát! Đến giờ nào Ba-renx sẽ tới văn phòng ông?

– Độ nửa giờ nữa!.. Một điều xì-gà chứ ông?

– Cảm ơn! Tôi thích hút tẩu hơn..

Và Me-grê lại rót đầy các ly với một uy lực mạnh mẽ khiến cho Pi-pê-kam lẫn Đuy-lcô đều không dám từ chối không uống.

– Thật là một ngày tốt đẹp! Ông nói hai ba lần. Có thể tôi lầm! Nhưng tôi có cảm tưởng là tối nay, kẻ giết chàng Pô-pin-ga đáng thương kia sẽ bị bắt.

– Nếu như hắn không đang lướt sóng biển Ban-tích! – Pi-pê-kam đáp lại.

– Chà! Ông tin là hắn ở xa đến thế kia ư? – Đuy-clô ngước lên với bộ mặt tái nhợt.

– Đó có phải là một sự ám chỉ không, ông chỉ huy trưởng? – Ông ta hỏi với giọng đanh thép.

– Ám chỉ gì?

– Ông có vẻ như cho rằng nếu như hắn không ở xa, thì có thể hắn đang ở rất gần.

Chỉ một ly nữa là xảy ra sự cố. Điều đó có phần do những ly rượu nguyên chất. Pi-pê-kam mặt đỏ tía tai, mắt sáng quắc.

Ngược lại, ở Đuy Clô, tình trạng say biểu hiện ở sắc mặt tái mét, bệnh hoạn.

– Một ly cuối cùng nữa các vị. Rồi chúng ta sẽ đi hỏi han thằng bé tội nghiệp nọ.

Chai rượu vẫn trên bàn. Mỗi lần Me-grê rót, bà Van Hát-xen lại lấy môi thấm ướt đầu bút chì và ghi số ly đã uống vào trong quyển sổ.

Băng qua cửa ra ngoài, mọi người nhào vào giữa một không khí nặng nề đầy nắng và sự yên tĩnh. Con tàu của Ôx-tinh vẫn đậu ở chỗ của nó. Pi-pê-kam cảm thấy cái nhu cầu phải giữ vẻ nghiêm nghị hơn thường lệ rất nhiều.

Chỉ phải đi có ba trăm thước. Phố xá vắng hoe. Những cửa tiệm xếp hàng dài, không có khách nhưng sạch sẽ và chất đầy hàng hóa như để chuẩn bị cho một cuộc trưng bày quốc tế sắp đến giờ mở cửa.

– Gần như không thể tìm ra người thủy thủ. Pi-pê-kam nói. Nhưng biết được chính nó là thủ phạm cũng là hay, vì như thế ta khỏi nghi ngờ người khác… Tôi sắp làm một bản báo cáo để cho ông Đuy-clô, người đồng bào của ông, được hoàn toàn tự do…

Ông ta đi vào văn phòng cảnh sát địa phương bằng một bước đi không chắc chắn lắm và va phải một thứ đồ gỗ khi đi ngang qua, ngồi xuống một cách hơi quá vũ phu.

Nói cho thật đúng thì ông ta không say. Nhưng rượu đã lấy đi mất của ông một phần sự dịu dàng lịch sự vốn là đặc tính của phần lớn người Hà Lan.

Bằng một cử chỉ thoải mái ông ta nhấn nút một cái chuông điện, trong khi ngửa hẳn chiếc ghế tựa ra phía sau. Ồng ta nói bằng tiếng Hà Lan với một nhân viên mặc đồng phục, người này biến mất rồi trở lại ngay sau đó, có Cor-nê-li-uýt đi theo.

Dẫu rằng được nhà thám tử tiếp đón một cách thân mật quá đáng, chàng trẻ tuổi hình như hẫng chân lúc bước vào văn phòng, và đó là bởi ánh mắt cậu lập tức chạm vào Me-grê.

– Ông chỉ huy trưởng muốn hỏi anh vài việc nho nhỏ! Pi-pê-kam nói bằng tiếng Pháp.

Me-grê không vội vã, ông sải bước hết ngang lại dọc văn phòng, vừa bước vừa hút từ chiếc tẩu những bụm khói nho nhỏ.

– Này tôi bảo, chú Ba-renx! Ông chủ đã huyên thuyên với chú những gì lúc chiều tối hôm qua?

Cậu kia quay cái đầu gầy guộc đi khắp mọi phía như một con chim hốt hoảng.

– Tôi tưởng…

– Được! Tôi sẽ giúp anh… Anh còn một người cha, phải không?… Ở tận bên Ấn Độ… ông cụ sẽ rất buồn nếu như có chuyện gì xảy ra cho anh. Những sự phiền toái… Chính tôi, tôi cũng không biết! Thế nào? Việc làm chứng gian trong một vụ như vụ này phải trả giá vài tháng tù đấy…

Cor-nê-li-uýt nghẹn thở, không dám làm một cử động, không dám nhìn ai nữa.

– Hãy thú thật là chính Ôx-tinh hôm qua đợi anh trên đê sông Am-xtec-đi-ep, chính lão đã bảo anh trả lời cảnh sát như anh đã trả lời… Hãy thú thật là anh chưa bao giờ nhìn thấy người đàn ông to lớn và gầy gò xung quanh ngôi nhà Pô-pin-ga…

– Tôi…

Không! Cậu không còn sức để kháng cự nữa. Cậu òa lên nức nở. Cậu sụp đổ.

Và Me-grê thoạt tiên nhìn Giăng Đuy-clô rồi nhìn Pi-pê-kam bằng một cái nhìn nặng nề và không thể thấu hiểu, nó thường khiến cho một số người coi ông là thằng đần. Vì cái nhìn đó ngưng trệ đến mức có vẻ trống rỗng.

– Ông tin là…? – Pi-pê-kam khởi đầu.

– Thì tự ông xem đi!

Chàng trẻ tuổi mà bộ sắc phục sĩ quan do tác dụng tương phản làm cho choắt thêm người lại, xỉ mũi, nghiến răng lại để đè nghẹt cơn nức nở, và sau cùng lắp bắp:

– Tôi không làm gì cả…

Người ta nhìn cậu một lúc trong khi cậu cố tự trấn tĩnh.

– Tất cả chỉ có thế! – Cuối cùng Me-grê dứt điểm. – Tôi không nói là anh đã làm điều gì. Ôx-tinh yêu cầu anh đoan chắc là đã nhìn thấy một người nước ngoài ở quanh quất bên ngôi nhà… Chắc hẳn lão đã bảo đó là biện pháp duy nhất để cứu một số người… Đó là những ai?

– Tôi thề có vong linh mẹ tôi rằng ông lão đã không chỉ rõ ai. Tôi không biết… Tôi chỉ muốn chết thôi…

– Phải rồi! Ở tuổi mười tám thì ai cũng muốn chết cả… Ông không còn điều gì hỏi anh ta nữa chứ ông Pi-pê-kam?

Ông này nhún vai trong một cử chỉ có ý muốn nói là ông ta chẳng hiểu gì về những chuyện ấy.

– Vậy thì chú em có thể chuồn được.

– Ông biết cũng không phải cô Bét.

– Rất có khả năng!… Đã đến giờ anh về với các bạn ở trường rồi.

Và ông đẩy cậu ra ngoài, càu nhàu:

– Đến người khác! Ôx-tinh đến chưa? Khổ một nỗi tay này lại không biết tiếng Pháp…

Chuông điện reo lên. Lát sau nhân viên dẫn ông chủ vào, lão đang cầm trên tay chiếc mũ cát két mới cùng với cả chiếc tẩu mà lão để tắt ngấm.

Lão nhìn một cái, một cái duy nhất, vào Me-grê. Và có điều lạ, đó là một cái nhìn trách cứ. Lão vẫn đứng trước bàn làm việc của thanh tra Pi-pê-kam và chào ông này.

– Nếu không có gì phiền thì ông hỏi lão ta xem lúc Pô-pin-ga bị giết, lão ở đâu?

Ông ta muốn tỏ ra thẳng cánh.

Ông lấy một vẻ mặt nghiêm trọng, nhấn nút chuông điện một lần nữa.

Và, với người nhân viên đang hối hả, ông ra lệnh, điểm những nhát dao rọc giấy xuống mặt bàn:

– Bắt giữ người này… Mang ông ta đi! Tôi sẽ gặp ông ta sau…

Điều ấy được nói bằng tiếng Hà Lan, nhưng giọng nói cũng đủ cho người ta hiểu nội dung.

Xong đâu đó, ông đứng dậy, giải thích:

– Tôi sắp hoàn thành việc làm sáng tỏ vụ này… Tôi sẽ không quên làm cho người ta thấy vai trò của ông… Tất nhiên, người đồng bào của ông được tự do.

Ông ta không ngờ rằng, Me-grê, khi nhìn ông ta hoa chân múa tay, mắt sáng long lanh, đã thầm nghĩ trong bụng:

– Còn anh, anh bạn tội nghiệp, anh sẽ hối tiếc nặng nề vì những gì anh vừa làm khi anh bình tâm lại sau vài giờ nữa…

Pi-pê-kam mở cửa. Viên chỉ huy trưởng chưa định đi.

– Tôi muốn yêu cầu ông một đặc ân cuối cùng. Ông nói với một sự lễ độ không bình thường.

– Tôi nghe ông đây, bạn đồng nghiệp thân mến…

– Bây giờ chưa đến bốn giờ… Tối nay, chúng ta có thể diễn lại tấn thảm kịch, với tất cả những ai có dính líu hoặc xa hoặc gần… ông vui lòng lưu ý tên của họ chứ?… Bà Pô-pin-ga… A-ni… ông Đuy-clô… Ba- renx… Gia đình Vin-ê-nan… Bét… Ôx-tinh… Và cuối cùng, ông Li-ê-ven, bố cô Bét…

– Ông muốn?

– Lặp lại các sự kiện kể từ lúc Buổi thuyết trình kết thúc trong phòng khách sạn Van Hát-xen…

Có một sự yên lặng, Pi-pê-kam suy nghĩ.

– Tôi sẽ điện thoại về Grô-nin-ghen, cuối cùng ông ta nói, để xin ý kiến các thủ trưởng của tôi..

Ông ta nói thêm, không mấy tự tin về sự bỡn cợt của mình, vừa nói vừa rình xem thái độ của những người nghe:

– Chẳng bạn như sẽ thiếu mất một ai đó… Côn-rát Pô-pin-ga, ông ta sẽ không thể…

– Chính tôi sẽ đóng cái vai ấy… – Me-grê ngừng lời.

Và ông đi, theo sau là Giăng Đuy-clô, sau khi đã nói:

– Xin cảm ơn vì bữa ăn trưa ngon tuyệt!

Bình luận
720
× sticky