Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Biệt Thự Hà Lan

Chương 2: Chiếc mũ cát két của ông chủ

Tác giả: Georges Simenon

Trái với thói quen, Mê-giê ghi chép vài chi tiết làm tài liệu, nhất là về địa hình, và như thể đúng là do linh cảm, vì sau này việc phá án phải dựa trên những câu hỏi về từng phút, từng thước.

Giữa trang trại Li-ê-ven và nhà Pô-pin-ga khoảng cách gần một ngàn hai trăm thước. Cả hai đều nằm ở bờ sông đào, và từ nhà nọ sang nhà kia người ta đi theo con đường kéo thuyền.

Con sông đào hầu như mất tác dụng kể từ khi người ta đào một con sông rộng và sâu hơn nhiều, sông Emx nối liền Đen-phơ-di với Giô-nin-ghen.

Còn con sông này, sông Am-xtéc-đi-ep, ngập bùn, quanh co, bị cây cối che rợp, chỉ được dùng cho các bè gỗ và vài con tàu trọng tải thấp đi qua.

Những trang trại ở cách xa nhau. Một công trường sửa chữa tàu.

Ra khỏi nhà Pô-pin-ga để đi đến trại, sẽ gặp đầu tiên, gần ngay đó 30 thước, là biệt thự nhà Vi-ê-nan.

Rồi một ngôi nhà đang xây. Tiếp đến một khoảng rộng hoang vu và công trường ngăn ngang những đống gỗ.

Qua khỏi công trường, lại khoảng trống nữa sau một khúc quanh của cả con sông và con đường. Từ chỗ này người ta trông thấy ô cửa sổ nhà Pô-pin-ga và đứng ở bên trái là ngọn đèn biển màu trắng nằm về phía bên kia thị trấn.

– Đèn biển này có ánh sáng quay? – Me-grê hỏi.

– Phải.

– Ban đêm chắc nó phải soi sáng cả đoạn đường này?

– Phải! – Cô lại nói, với một tiếng cười khe khẽ như thể cái điều đó nhắc lại cho cô một kỉ niệm vui.

– Chẳng vui cho những kẻ yêu nhau! – Me-grê kết luận.

Cô chia tay ông trước khi đến nhà Pô-pin-ga, nói là để theo một con đường khác ngắn hơn, nhưng có lẽ đúng là vì không muốn người ta trông thấy đi với ông.

Me-grê không dừng chân. Ngôi nhà kiểu mới, xây bằng gạch, với một vườn hoa nhỏ đằng trước, một vườn rau đằng sau một lối đi bên tay phải còn bên trái là đất trống.

Ông muốn về thị trấn chỉ cách đó năm trăm thước. Hay là ông đi đến cửa cống ngăn sông đào với bến cảng, dòng sông tàu bè đông như kiến, những con tàu từ một trăm đến ba trăm tấn buộc sát bên nhau, cột buồm giương cao hợp thành một thế giới nổi.

Phía tay trái là khách sạn Van Hát-xen, ông đi vào đó.

Một gian phòng tối tăm, ván ốp tường quét sơn bồng bềnh một mùi phức hợp của bia, rượu đã dùng và dầu bóng. Một bàn bi-a lớn. Một cái bàn có những thanh đồng phủ đầy báo.

Trong một góc nhà, một người đàn ông đứng dậy ngay từ khi Me-grê đến và tiến lại phía ông.

– Chính ông được cảnh sát Pháp phái đến với tôi?

Người đàn ông cao lớn, gày gò, xương xẩu, có khuôn mặt dài với những đường nét rất nổi bật, chiếc kính đồi mồi và mớ tóc cứng như rễ tre.

– Chắc ông là giáo sư Đuy-clô? – Me-grê hỏi lại.

Ông không hình dung giáo sư trẻ đến thế, Đuy-clô có thể từ ba mươi lăm đến ba mươi tám tuổi. Nhưng ở người này có một cái gì đó không biết đập vào ấn tượng của Me-grê.

– Ông ở Năng-xi?

– Có nghĩa là ở đó tôi dạy môn Xã hội học trong trường đại học.

– Nhưng ông không ở nước Pháp?

Câu chuyện mở đầu như cuộc chiến tranh nho nhỏ.

– Ở Thụy Sĩ. Tôi nhập quốc tịch Pháp. Tôi theo học hoàn toàn ở Pa-ri và Mông-pe-li-é.

– Và ông theo Tin lành?

– Cái gì khiến ông nghĩ như vậy?

Chẳng cái gì! Hay toàn bộ! Đuy-clô thuộc một loại người mà viên chỉ huy trưởng biết rất rõ. Những nhà khoa học. Nghiên cứu để mà nghiên cứu. Lí thuyết vị lí thuyết! Một sự khắc khổ nhất định trong phong thái và cách sống, đồng thời với một khuynh hướng thích những mối quan hệ quốc tế. Say mê những cuộc nói chuyện, những hội nghị, những trao đổi thư từ với người nước ngoài.

Ông ta khá nóng nảy, nếu như từ này có thể áp dụng cho một con người có những đường nét không bao giờ biến động. Trên bàn ông ta, một chai nước khoáng, hai cuốn sách dày về những giấy tờ bày biện.

– Tôi không nhìn thấy viên cảnh sát có trách nhiệm canh ông.

– Tôi đã thề danh dự là không ra khỏi đây. Ông lưu ý cho rằng tôi đang được người ta chờ đợi ở các hội văn chương và khoa học Em-đen, Ham-bua và Brêm. Tôi phải thuyết trình ở ba thành phố ấy trước khi..

Một người đàn bà tóc hoe, bà chủ khách sạn, xuất hiện và Giăng Đuy-clô giải thích bằng tiếng Hà Lan cho bà rõ vị khách là..

– Cũng là để cầu may rồi tôi xin cử đến cho tôi một thám tử. Thực ra tôi hi vọng sẽ đến lúc soi sáng được điều bí ẩn…

– Ông vui lòng kể cho tôi nghe những gì ông biết chứ? – Me-grê buông mình xuống mội chiếc ghế, ông gọi:

– Một Bols!.. Trong ly lớn!

– Trước tiên đây là những sơ đồ lập theo tỷ lệ chính xác. Tôi có thể giao cho ông một bản sao. Sơ đồ thứ nhất vẽ tầng trệt nhà Pô-pin-ga: hành lang ở phía trái, phía phải là phòng khách, rồi phòng ăn ở trong cùng, nhà bếp, đằng sau đó là nhà xe mà Pô-bin-ga có thói quen xếp chiếc ca-nô và những xe đạp của ông ta trong đó.

– Tất cả mọi người đều ở trong phòng khách?

– Vâng.. Hai lần bà Pô-pin-ga, rồi A-ni đi vào bếp để sửa soạn nước trà, vì cô ở đã đi ngủ. Đây là sơ đồ lầu một: đằng sau, đúng ngay trên nhà bếp là phòng tắm, trước mặt nhà có hai buồng: bên trái, buồng ông bà Pô-pin-ga, bên phải, một buồng làm việc nhỏ. A-ni ngủ trên một chiếc đi-văng trong buồng ấy, sau hết, ở đằng sau, là căn phòng dành cho tôi.

– Những buồng nào là những buồng thực tế có khả năng từ đó bắn ra?

– Buồng tôi, buồng tắm và buồng ăn ở tầng trệt.

– Ông hãy kể cho tôi nghe về buổi tối hôm ấy.

– Buổi thuyết trình của tôi là một thành công rực rỡ.. Tôi đã nói trong gian phòng mà ông thấy đây…

Một gian phòng đôi trang trí các vòng hoa giấy, để dùng vào những buổi khiêu vũ của các hội, tiệc tùng và biểu diễn sân khấu. Một cái bục có phong cảnh vẽ một vườn cỏ trong lâu đài.

– Tiếp đó chúng tôi đi về phía sông Am-xtec-đi-ep.

– Đi đọc theo bờ sông? Ông vui lòng cho tôi biết mọi người đi theo thứ tự như thế nào?

– Tôi đi đằng trước với bà Pô-pin-ga, một phụ nữ rất có học thức.

Côn-rát Pô-pin-ga hầu chuyện với cái cô chủ trại bé con chỉ biết cười toe toét và không hiểu tí gì về bài nói của tôi. Tiếp theo là gia đình Vi-ê-nan, A-ni và cậu học sinh của Pô-pin-ga, một cậu bé nhạt nhẽo nào đó…

– Mọi người về đến nhà…

– Chắc người ta đã cho ông biết rằng hôm ấy tôi nói chuyện về trách nhiệm của những kẻ sát nhân. Cô em gái bà Pô-pin-ga, vừa xong cái luận án luật và sẽ giảng dạy vào kì nhập trường tới, hỏi tôi thêm vài chi tiết. Câu chuyện giữa chúng tôi đã dẫn đến chỗ nói về vai trò của người trạng sư trong một vụ án hình sự. Rồi vấn đề điều tra khoa học được đặt ra và tôi nhớ rằng tôi có khuyên cô ấy đọc những công trình của giáo sư người Áo Grôx. Tôi bên vực thuyết cho rằng chắc chắn không chỉ có tội ác không bị trừng phạt. Tôi giảng giải về những dấu vết, về việc phân tích những di vật đủ loại, về những suy luận diễn dịch.. Trong lúc đó thì Côn-rát Pô-pin-ga cứ khăng khăng muốn tôi nghe Đài phát thanh Pa-ri.

Me-grê hơi mỉm cười.

– Anh ta đã đạt được ý định! Người ta chơi nhạc jazz. Pô-pin-ga đi tìm một chai cô-nhắc và ngạc nhiên khi thấy một người Pháp mà lại không uống rượu. Anh ta thì uống, và cả cái cô chủ trại nữa! Họ vui vẻ lắm.. Họ nhảy…

“Giống như ở Pa-ri ấy!” Pô-pin-ga rối rít cả lên.

– Ông không thích anh ấy? – Me-grê nhận xét.

– Một chàng trai to xác chẳng có gì thú vị. Vi-ê-nan, mặc dù bận tâm về toán học, ông ấy vẫn nghe chúng tôi nói chuyện… Thằng bé con khóc.. Gia đình Vi-ê-nan ra về… Cô chủ trại thì nhộn cả lên. Côn-rát ngỏ lời đưa cô về nhà và cả hai người đều đi bằng xe đạp… Bà Pô-pin-ga tiễn tôi về phòng… Tôi xếp gọn lại vài thứ giấy tờ trong va-li. Lúc sắp sửa ghi chép một chút cho cuốn sách đang chuẩn bị viết thì tôi nghe thấy một tiếng súng nổ gần đến nỗi tôi cứ tưởng ai bắn ngay trong phòng… Tôi lao ra ngoài… Cửa buồng tắm mở hờ… Tôi đẩy ra… cửa sổ mở toang.. Có một người rên rỉ trong vườn, cạnh nhà kho để xe đạp.

– Trong buồng tắm đèn có sáng không?

– Không. Tôi cúi mình qua cửa sổ. Tay tôi đặt phải báng một khẩu súng lục, tôi túm lấy nó một cách máy móc… Tôi thấy lờ mờ một hình thù nằm sóng sượt cạnh nhà kho… Tôi muốn xuống xem sao… Tôi va phải bà Pô-pin-ga đang hốt hoảng chạy ra khỏi buồng bà.. Cả hai chúng tôi chạy xuống cầu thang… Chưa qua hết buồng bếp thì chúng tôi gặp A-ni hớt hải mặc nguyên áo ngủ chạy xuống… ông sẽ hiểu rõ hơn khi ông biết cô ta..

– Ông Pô-pin-ga lúc ấy ra sao?

– Đang ngắc ngoải… Anh ta nhìn chúng tôi bằng đôi mắt to đùng đục, một tay siết chặt lấy ngực… Lúc tôi tìm cách nâng dậy thì anh ấy đã cứng đờ. Anh ấy chết vì phát đạn trúng tim.

– Đó là tất cả những gì ông biết?

– Người ta đã điện thoại cho Sở cảnh sát, cho bác sĩ… Người ta đã gọi Vi-ê-nan, ông ta chạy đến giúp chúng tôi… Tôi cảm thấy có cái gì ngờ ngợ. Tôi quên mất rằng người ta đã trông thấy tôi cầm khẩu súng trong tay… cảnh sát nhắc tôi điều ấy và yêu cầu tôi giải thích.. Họ đã nhã nhặn xin tôi tự đặt mình dưới quyền quản lí của họ.

– Từ hôm đó đến nay đã sáu ngày?

– Vâng… Tôi suy nghĩ để giải quyết vấn đề vì đó đúng là một vấn đề!… Ông hãy xem những giấy tờ này!…

Me-grê đổ tàn thuốc trong tẩu, không nhìn gì đến những giấy tờ đó.

– Ông không ra khỏi khách sạn à?

– Tôi có thể ra, nhưng tôi muốn tránh mọi sự cố. Pô-pin-ga rất được lòng học sinh, ngoài phố người ta gặp bọn họ luôn..

– Người ta không phát hiện được một bằng chứng vật chất nào ư?

– Xin lỗi! A-ni có tiến bành cuộc điều tra về phần cô ta và hi vọng sẽ thành công, tuy cô ta còn thiếu phương pháp nhưng lâu lâu cũng đem đến cho tôi những tin tức. Trước hết, nên biết rằng cái bồn tắm trong phòng tắm có đậy một cái nắp bằng gỗ, biến nó thành mặt bàn để là quần áo… Sáng hôm sau, người lật tấm gỗ lên và đã tìm được một chiếc mũ cát két thủy thủ cũ chưa bao giờ thấy trong nhà… Dưới tầng trệt, những cuộc tìm kiếm đã đi đến kết quả là phát hiện ra một mẩu xì-gà lá thuốc rất đen, xì-gà Ma-ni, trên tấm thảm trải sàn phòng ăn, cả Pô-pin-ga, Vi-ê-nan lẫn cậu học sinh nữa chẳng ai hút thuốc ấy. Còn tôi thì không bao giờ hút thuốc… Mà phòng ăn đã được quét dọn ngay sau bữa chiều…

– Từ đó ông kết luận thế nào?

– Không kết luận gì hết! – Giăng Đuy-clô buông xõng.

– Tôi sẽ kết luận khi đến lúc. Tôi xin lỗi đã bắt ông phải đi xa. Hơn thế nữa, ta nên chọn mội thám tử biết tiếng nước sở tại… Ông chỉ có ích cho tôi trong trường hợp phải phản kháng một cách chính thức những biện pháp mà người ta áp dụng đối với tôi.

Me-grê vừa vuốt mũi vừa mỉm một nụ cười thật là ngọt ngào.

– Ông lập gia đình chưa thưa ông Đuy-clô?

– Chưa.

– Và trước đấy ông chưa quen biết cả ông bà Pô-pin-ga lẫn cô bé A-ni hay mội ai trong số người có mặt hôm đó chứ?

– Không! Họ thì có biết tiếng tôi…

– Tất nhiên! Tất nhiên!

Ông cầm lấy bốn bức sơ đồ trên bàn nhét vào túi, chạm tay vào vành mũ rồi đi ra.

***

Văn phòng ty cảnh sát trông hiện đại, tiện nghi và sáng sủa. Người ta đang đợi Me-grê. Viên xếp ga đi báo cho họ việc ông đến đấy và họ lấy làm lạ vì chưa gặp ông. Ông bước vào văn phòng như vào nhà mình, cởi chiếc pa-đờ-xuy mỏng, đặt mũ xuống một chiếc bàn.

Viên thanh tra biệt phái từ Gre-nin-ghen nói một thứ tiếng Pháp chậm chạp, hơi cầu kì. Đó là một chàng trai tóc vàng hoe và trông khô khan, tỏ ra rất lịch sự, nói một câu lại đệm một cử chỉ xã giao như muốn hỏi:

– Ông hiểu chứ?… Ta đồng ý với nhau chứ?

Quả thật là Me-grê không để cho ông nói.

– Vì ông nắm được sự vụ từ sáu hôm nay, chắc ông đã xác minh những thời điểm…

– Những thời điểm nào?

– Rất nên biết, chẳng hạn như, nạn nhân mất bao nhiêu phút để đưa cô Bét từ nhà cô ta rồi trở lại. Hãy khoan! Tôi cũng muốn biết giờ nào cô Bét bước chân về đến trang trại, ông bố cô ta đợi con ở nhà, chắc phải trả lời được. Cuối cùng là giờ nào cậu Cor về đến con tàu, nhà trường ở đây chắc có một người bảo vệ.

Nhà thám tử có vẻ khó chịu, ông ta đột nhiên đứng lên như thể cảm hứng bất thần, bước về phía cuối buồng rồi trở lại với một chiếc mũ cát két thủy thủ hoàn toàn nát nhàu. Lúc đó ông ta tuyên bố với một sự chậm rãi được cường điệu:

– Chúng tôi đã tìm ra người chủ của vật này, được phát biện thấy trong buồng tắm… Đó là. Đó là một người mà chúng tôi gọi là Baes, tiếng Pháp gọi là Ông chủ.

Chẳng hiểu Megiê có buồn nghe hay không?

– Chúng tôi không bắt người này vì muốn giám sát ông ta và vì ông ta là một bộ mặt quần chúng của xứ này… Ông biết cửa sông Emx chứ nhỉ?… Khi ra đến biển Bắc cách đây mười dặm, tôi gặp những hòn đảo cát bị ngập gần hết khi nước triều lớn. Một trong những hòn đảo ấy có tên là đảo Uốc-kum. Trên đảo có một người đàn ông ở cùng vài gia đình và đầy tớ, ông ta dự định chăn nuôi súc vật gì đó… Đó là ông chủ… Ông ta được nhận một khoản trợ cấp của nhà nước, vì ở đó có một ngọn đèn cố định phải trông coi… Người ta thậm chí còn phong ông ta là thị trưởng Uốc-kum, cái thị trấn mà ông ta là người dân độc nhất. Ông ta có một chiếc tàu máy dùng để đi về giữa đảo và Ben-phơ-di..

Me-grê vẫn không nhúc nhích. Nhà thám tử chớp mắt:

– Một thể xác kì khôi! Một ông lão sáu mươi tuổi rắn chắc như một tảng đá. Lão có ba đứa con trai, cũng tướng cướp như bố… Vì là… Xin nghe đây!… Đây chẳng phải những chuyện đem ra mà kể. Ông biết rằng Đen-phơ-di nhận gỗ nhiều nhất là từ Phần Lan và Ri- ga. Những con tàu chở gỗ chất một phần hàng trên mặt boong. Số hàng này được chằng xích để giữ… Thế mà, trong trường hợp nguy biến, thuyền trưởng phải ra lệnh chặt xích thả cho đống hàng trên boong trôi theo sóng biển, để tránh mất cả con tàu… Ông vẫn chưa hiểu à?

Chắc chắn là Me-grê không có vẻ chú ý gì đến câu chuyện này.

– Ông chủ là một tay láu cá… Lão quen tất cả những thuyền trưởng đi qua đây… Lão biết thu xếp với bọn bọ… Thế là, cứ trông thấy hòn đảo trước mắt, là y như rằng có một lý do để chặt ít ra là một dây xích… Tức là vài tấn gỗ rơi xuống biển và sẽ được sóng biển đưa lên bãi cát đảo Uốc-kum… Quyền vứt đồ trôi giạt mà… Bây giờ thì ông hiểu rồi chứ… Ông chủ chia chác với các ông thuyền trưởng… Và chính chiếc mũ cát két của ông ta đã được tìm thấy trong bồn tắm… Chỉ có cái phiền là: ông ta chỉ bút thuốc tẩu… Nhưng mà không nhất thiết chỉ có mình ông ta…

– Hết rồi chứ ông?

– Xin lỗi ông, Pô-pi-ga, vốn có quan hệ khắp mọi nơi, đã được cử làm phó lãnh sự Phần-lan ở Đen-phơ-di từ mười lăm ngày nay.

Chàng trẻ tuổi gầy gò tóc vàng hoe đắc thắng, hổn hển vì tự mãn.

– Hôm xảy ra vụ án thì tàu của ông ta ở đâu?

Câu trả lời gần như một tiếng kêu:

– Ô! Đen-phơ-đi!… Ở ngoài bến tàu! Gần cửa cống!… Nói cách khác, ở cách nhà ấy năm trăm thước…

Me-grê nhồi thuốc vào tẩu, đi đi lại lại trong văn phòng, nhìn một cách hờ hững những bản báo cáo mà ông không hiểu được một chữ gọi là.

– Các ông không phát hiện được gì khác nữa à? Bỗng nhiên ông vừa hỏi vừa thọc hai tay vào túi.

Ông bất chợt thấy viên thám tử đỏ mặt.

– Ông biết rồi?

Ông ta nói tiếp:

– Đúng là ông đã ở Đen-phơ-di suốt cả buổi chiều nay.. Mê-tót Pháp đấy!

Ông ta nói với vẻ khó chịu:

– Tôi chưa biết rõ lời khai sau đây có giá trị như thế nào… Hôm ấy là bốn ngày sau khi vụ án xảy ra… Bà Pô-pin-ga đến đây, bà nói rằng bà phải xin ý kiến vị mục sư xem có nên nói hay không.. Ông biết ngôi nhà chứ? Chưa à? Tôi có thể đưa cho ông một bản sơ đồ…

– Cảm ơn ông! Tôi đã có một bản! – Me-grê vừa nói vừa rút bản sơ đồ trong túi ra.

Sửng sốt, ông kia nói tiếp:

– Ông thấy căn buồng của ông bà Pô-pin-ga chứ? Đứng ở cửa, chỉ có thể nhìn thấy được một đoạn đường ngắn dẫn đến trại. Cũng là đoạn đường được đèn biển rọi sáng từng mười lăm giây một…

– Và bà Pô-pin-ga nổi ghen lên, đã đứng rình ông chồng?

– Bà ta đứng nhìn… Bà thấy hai chiếc xe đạp đi qua đạp về phía trại… Rồi xe của chồng bà trở lại… rồi liền sau đó, cách độ một trăm thước, lại thấy xe của cô Bét Li-ê-ven…

– Nói cách khác, sau khi Côn-rát Pô-pin-ga đưa Bét về, cô ta lại một mình đạp trở lại hướng nhà Pô-in-ga… Thế cô ta nói thế nào về việc này?

– Ai cơ?

– Cô gái…

– Vẫn chưa nói gì cả… Tôi chưa muốn hỏi cô ta ngay. Vấn đề rất nghiêm trọng… Và có thể ông ấy có ý kiến… Ghen tuông!… Ông hiểu chứ? Ông Li-ê-ven là ủy viên của hội đồng…

– Cor về đến trường lúc mấy giờ?

– Cái đó thì chúng tôi biết… Năm phút sau mười hai giờ đêm.

– Và tiếng súng nổ lúc?

– Năm phút trước mười hai giờ… chỉ có điều là, cái mũ cát két và mẩu xì gà…

– Cậu ấy có xe đạp chứ?

– Có… ở đây mọi người ai cũng đi xe đạp. Rất tiện lợi.. Cả tôi nữa… Nhưng tối hôm ấy cậu không đi xe…

– Khẩu súng lục đã được xem xét chưa?

– Đã. Đó là khẩu súng của Côn-rát Pô-pin-ga.. Súng lệnh… Lúc nào nó cũng nằm trong bàn ngủ, nạp sẵn sáu viên đạn…!

– Phát súng bắn từ cách xa bao nhiêu thước?

– Khoảng sáu.. Đó là khoảng cách từ cửa sổ buồng tắm.. Cũng là khoảng cách từ cửa sổ buồng ông Đuy- clô… Và có thể phát súng không phải từ trên cao bắn xuống… Không thể biết được rõ, vị giáo sư Pô-pin-ga có thể đã cúi xuống khi cất xe.. Chỉ có điều là cái mũ cát két… Và mẩu xì gà, xin đừng quên!

– Xì… cái mẩu xì gà! – Me-grê càu nhàu trong miệng. Và nói lớn:

– Cô A-ni có biết lời khai của chị cô ta?

– Có.

– Cô ấy nói gì về vấn đề ấy?

– Cô ấy không nói gì cả. Đó là một cô gái rất học thức. Cô ta không nói nhiều. Cô ta không như các cô gái khác…

– Chắc cô ấy trông xấu?

Chắc chắn là mỗi lần Me-grê ngắt lời đều có phép làm cho anh chàng người Hà Lan giật nảy mình.

– Không đẹp!

– Hay lắm. Vậy là cô ta xấu. Và ông đã nói là?

– Cô ấy muốn tìm ra kẻ sát nhân… Cô ấy làm việc…, cô ấy yêu cầu được đọc các bản báo cáo…

Lúc ấy có một sự tình cờ. Một cô gái bước vào, tay cắp một chiếc cặp da, ăn vận một cách khắc khổ gần như thiếu ý vị.

Cô tiến thẳng về phía nhà thám tử từ Grô-nin-ghen tới. Cô bắt đầu nói liến thoắng bằng tiếng mẹ đẻ, không buồn nhìn người khách nước ngoài, hoặc giả là cố ý khinh thị.

Viên thám tử đỏ mặt, lắc lư người, xé rách các giấy tờ để giữ vẻ bình thản; đưa mắt chỉ Me-grê. Nhưng cô gái không bằng lòng để ý đến ông này.

Hết phương cách, anh chàng Hà Lan nói bằng tiếng Pháp, như thể miễn cưỡng:

– Cô ấy nói rằng luật pháp chống lại việc ông tiến hành những cuộc thẩm vấn trên lãnh thổ chúng tôi.

– Cô A-ni đấy à?

– Một khuôn mặt không đều đặn. Miệng quá rộng, răng khấp khểnh, nhưng nếu không vì bộ răng thì cô cũng chẳng khó coi hơn các cô con gái khác. Ngực phẳng lì. Ban chân to. Nhưng trên hết là một sự tự tin đến khó chịu.

– Phải… Theo lí thuyết thì cô ấy có lý. Nhưng tôi trả lời cô ấy rằng theo thông lệ thì…

– Cô A-ni biết tiếng Pháp chứ nhỉ?

– Tôi chắc vậy…

Cô gái thậm chí không động đậy, cô vênh cằm đợi chấm dứt cuộc nói chuyện tay đôi dường như không có liên quan đến cô.

– Thưa cô. – Me-grê nói với sự lịch thiệp quá mức – tôi lấy làm vinh dự được ngỏ lời kính chào cô… Chỉ huy trưởng Me-grê thuộc Nha cảnh sát tư pháp. Tất cả điều tôi muốn biết là suy nghĩ của cô về cô Bét và về những mối quan hệ của cô này với Cor-nê-li-uýt..

Cố gắng mỉm cười. Một nụ cười nghền nghệt gượng ép. Cô nhìn Me-grê, rồi nhìn người đồng bào của cô lúng búng một thứ tiếng Pháp khó nhọc:

– Tôi không… Tôi… Hiểu không tốt.

Và sự gắng sức ấy đủ để làm cô đỏ nhừ cả hai tai trong khi ánh mắt cô hiện rõ sự cầu cứu.

Bình luận