Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nguyên lý 80/20

Chương 11: Bao Giờ Bạn Cũng Có Thể Đạt Được Những Gì Mình Muốn

Tác giả: Richard Koch

Những việc quan trọng nhất

Nhất thiết không thể để bị chi phối bởi những việc kém quan trọng nhất.

Johann Wolfgang von Goethe

Hãy suy nghĩ xem bạn muốn có được cái gì từ cuộc sống. Theo cách nói của những năm 1980 là hãy nhắm đến mục tiêu ‘có được tất cả’. Tất cả những gì bạn muốn phải thuộc về bạn: loại công việc bạn muốn, những mối quan hệ bạn cần, những kích thích mang tính thẩm mỹ, trí tuệ và xã hội mang đến cho bạn niềm hạnh phúc và sự thỏa mãn, tiền của mà bạn cần có để có được lối sống phù hợp với bạn, và bất kỳ yêu cầu nào mà bạn có thể có (cũng có thể không có) để đạt được thành tựu hay để phục vụ cho người khác. Nếu bạn không nhắm đến những mục tiêu ấy, bạn sẽ không bao giờ có được tất cả. Nhắm mục tiêu vào đó đòi hỏi bạn phải biết rõ những gì mình muốn.

Hầu hết chúng ta không tìm ra những gì mình muốn. Và do vậy hầu hết chúng ta cuối cùng rồi phải sống những cuộc sống không như ý muốn. Có thể chúng ta có việc làm phù hợp nhưng lại có những mối quan hệ sai lầm, hoặc ngược lại. Chúng ta có thể ra sức kiếm tiền và gặt hái thành quả để rồi sau khi đạt được mục đích mới thấy rằng chiến thắng chẳng có ý nghĩa gì.

Nguyên lý 80/20 ghi nhận tình trạng đáng tiếc này. 20% những việc chúng ta làm dẫn đến 80% kết quả, nhưng ngược lại 80% những gì chúng ta làm dẫn đến chỉ 20% kết quả. Chúng ta đang lãng phí 80% công sức của mình vào những kết quả có giá trị thấp. 20% thời gian chúng ta bỏ ra dẫn đến 80% những gì chúng ta quý trọng; 80% thời gian chúng ta hoàn toàn mất trắng vào những việc làm chẳng có là bao giá trị đối với chúng ta. 20% thời gian của chúng ta mang đến cho chúng ta 80% hạnh phúc, và 80% thời gian chẳng tạo ra được bao nhiêu hạnh phúc.

Tuy nhiên, Nguyên lý 80/20 không phải lúc nào cũng áp dụng được, và cũng chẳng cần áp dụng. Nguyên lý này chỉ có tác dụng như một công cụ chẩn đoán, để chỉ ra một tình trạng lãng phí và không thỏa đáng. Chúng ta cần phải làm mất tác dụng của nguyên lý này, hay chí ít là nâng nó lên một bình diện cao hơn để chúng ta có được nhiều hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn. Hãy nhớ lời hứa mà Nguyên lý 80/20 đã đưa ra: nếu chúng ta lưu ý đến những gì nó mách cho chúng ta thì chúng ta có thể làm việc ít hơn, đạt được nhiều thành quả hơn và hưởng thụ được nhiều hơn.

Để làm được việc này, chúng ta cần phải xuất phát với một cái nhìn toàn diện về những gì mình muốn. Đó chính là nội dung của chương này. Các Chương 12, 13 và14 lần lượt bàn chi tiết hơn về một số yếu tố như các mối quan hệ, nghề nghiệp và tiền của trước khi chúng ta chuyển sang Chương 15 để bàn về mục tiêu tối thượng: hạnh phúc.

Bắt đầu từ lối sống

Bạn có thích cuộc sống của mình không? Không phải là một phần nào đó mà phải phần lớn kìa: ít nhất là 80%? Và dù bạn có thích hay không đi nữa, hãy đặt câu hỏi: Có lối sống nào khác phù hợp hơn với bản thân mình không? Hãy tự hỏi:

-(Những) người mình đang chung sống có phù hợp chưa?

-Nơi mình đang sống có phù hợp chưa?

-Thời lượng làm việc hiện nay là vừa phải chưa, có phù hợp với nhịp độ làm việc/vui chơi lý tưởng của mình không, và có phù hợp với nhu cầu của gia đình và xã hội không?

-Mình có cảm thấy mình nắm quyền kiểm soát bản thân không?

-Mình có thể tập thể dục hay tập thiền những lúc mình muốn không?

-Có phải mình gần như lúc nào cũng cảm thấy thỏa mái, dễ chịu với môi trường xung quanh không?

-Lối sống của mình có tạo điều kiện dễ dàng cho mình sáng tạo và phát huy hết tiềm năng của mình không?

-Mình có đầy đủ tiền của không, và công việc của mình có được bố trí hợp lý để mình không phải lo âu về chúng không?

-Lối sống của mình có tạo điều kiện cho mình có được những đóng góp như mình mong muốn để làm giàu hơn cuộc sống của những người mình muốn giúp đỡ? -Mức độ thường xuyên gặp gỡ bạn bè như vậy là đủ chưa?

-Mức độ thường xuyên đi lại trong cuộc sống có phù hợp, không quá nhiều hay quá ít không?

-Mình có tất cả mọi cái mình cần ngay tại đây không: Mình đã có được tất cả chưa?

Còn công việc thì sao?

Công việc là một phần chính yếu của cuộc sống, một thứ mà chúng ta không nên làm quá nhiều hay quá ít. Hầu hết ai ai cũng cần làm việc, cho dù có được trả lương hay không. Hầu như tất cả mọi người không ai muốn để công việc lấn át cuộc sống của mình, cho dù họ có cho rằng mình thích công việc đến mức nào đi nữa. Thời lượng làm việc không nên bị quy định bởi quy ước xã hội. Nguyên lý 80/20 có thể cho ta một thước đo hiệu quả và một cách hay để biết rằng mình nên làm thêm hay giảm bớt giờ làm. Đó là nghệ thuật ác-bít: Nếu quân bình bạn cảm thấy vui sướng khi không làm việc hơn là lúc làm việc thì bạn nên làm việc ít lại và/hoặc thay đổi công việc của mình. Còn nếu quân bình bạn cảm thấy hạnh phúc khi làm việc hơn lúc không làm việc thì bạn nên làm việc nhiều hơn và/hoặc thay đổi cuộc sống ngoài công việc của mình. Chỉ khi nào bạn cảm thấy khi làm việc và khi không làm việc đều hạnh phúc như nhau, và chỉ khi bạn cảm thấy hạnh phúc trong 20% khoảng thời gian làm việc và 80% khoảng thời gian ngoài công việc thì khi đó bạn mới thực sự đã ác-bít đúng.

Nhiều người không thích công việc của họ lắm. Họ không cảm thấy công việc chính là cuộc sống của họ, mà cảm thấy là mình ‘phải’ làm công việc ấy bởi vì nó đem lại cho họ một phương kế sinh nhai. Có lẽ bạn cũng biết có người mặc dù khó mà có thể nói rằng họ không thích công việc của mình vẫn cảm thấy có một thái độ nước đôi về công việc của mình. Có lúc họ cảm thấy thích công việc của mình, hay họ thích một phần nào đó của công việc. Có lúc họ hoàn toàn không thích công việc của mình, hay họ không thích một phần nào đó của công việc. Nhiều người, có lẽ là hầu hết những người bạn biết ước muốn mình được làm một công việc gì khác, nếu như họ được trả mức lương ngang bằng với công việc hiện thời.

Nghề nghiệp không phải là một mảng riêng biệt

Cái nghề mà bạn và/hoặc đối tác theo đuổi cần phải được nhìn dưới giác độ chất lượng tổng thể của cuộc sống mà nghề ấy mang lại: nơi bạn sinh sống, thời gian ở bên nhau và bên bạn bè, sự thỏa mãn mà bạn thực sự có được từ công việc, và liệu thu nhập sau thuế của mình có đủ cho lối sống đó không.

Có lẽ bạn có nhiều lựa chọn hơn là bạn nghĩ. Nghề nghiệp hiện thời của bạn có thể là phù hợp và bạn có thể dùng nó làm mức chuẩn để so sánh. Thế nhưng hãy suy nghĩ một cách sáng tạo xem liệu mình có thể thích một nghề hay một lối sống khác hơn không. Hãy nghĩ ra những lựa chọn khác nhau cho lối sống hiện tại và tương lai của mình.

Hãy xuất phát từ tiền đề rằng giữa cuộc sống làm việc và những cái bạn thích ngoài công việc không nhất thiết phải có sự xung đột. ‘Công việc’ có thể là nhiều thứ khác nhau, đặc biệt là khi ngành công nghiệp giải trí hiện nay chiếm giữ một mảng lớn trong nền kinh tế. Bạn có thể làm việc trong một lĩnh vực mà mình thích hoặc thậm chí biến sở thích của mình thành công việc làm ăn. Hãy nhớ rằng sự nhiệt tình có thể dẫn đến thành công. Thông thường thì chúng ta dễ biến một sở thích thành nghề của mình hơn là trở nên thích thú công việc do người khác áp đặt.

Cho dù bạn làm gì đi nữa, hãy xác định rõ mức tối ưu mà bạn muốn đạt tới và xét nó trong bối cảnh chung của cuộc sống của bạn. Điều này nói thì dễ hơn làm: thói quen khó chữa và tầm quan trọng của lối sống rất dễ bị lấn át bởi áp lực của lối suy nghĩ thông thường.

Ví dụ, khi tôi và hai đồng nghiệp thành lập công ty tư vấn quản lý vào năm 1983, chúng tôi ý thức được những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống của tình trạng làm việc nhiều giờ và đi lại quá nhiều mà trước đây người chủ chúng tôi yêu cầu. Do đó, chúng tôi quyết định đề ra một ‘cách tiếp cận lối sống toàn diện’ trong công ty chúng tôi và xem trọng chất lượng cuộc sống ngang bằng với mức thu nhập. Thế nhưng khi công việc bắt đầu ào ạt kéo đến, cuối cùng rồi chúng tôi cũng lại làm việc 80 tiếng mỗi tuần và, tệ hại hơn nữa, chúng tôi còn yêu cầu các chuyên viên tư vấn của chúng tôi cũng phải như thế (lúc đầu tôi không hiểu một chuyên viên tư vấn trông thật khổ đau muốn nói gì khi anh ta buộc tội tôi và những người đồng sáng lập công ty đã ‘hủy hoại cuộc sống của người khác’). Trong việc chạy theo đồng tiền, cách tiếp cận lối sống toàn diện đã nhanh chóng bị tiêu tan.

Nghề nào làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc nhất?

Có phải tôi đang kêu gọi các bạn ‘rút lui’ khỏi cuộc tranh giành khốc liệt? Không nhất thiết phải là như vậy. Có lẽ bạn cảm thấy hạnh phúc nhất khi tham dự vào cuộc tranh đua; có lẽ, cũng như tôi, về cơ bản bạn cũng là một kẻ thích cạnh tranh.

Tất nhiên bạn cần phải nắm rõ mình thích làm cái gì, và cố gắng đưa sở thích đó vào công việc của mình. Tuy nhiên, ‘cái’ bạn làm chỉ là một yếu tố trong phương trình. Bạn cần phải xét bối cảnh công việc mà mình đang hoạt động và tầm quan trọng của sự thành đạt đối với bạn. Ít nhất thì những yếu tố đó cũng quan trọng không kém trong việc xác định niềm vui trong công việc của mình.

Bạn cần phải xác định rõ xem mình đứng ở đâu trên hai phương diện:

-Bạn có sự thôi thúc lớn muốn đạt được thành quả và thành công trong nghề nghiệp không?

-Bạn cảm thấy vui sướng nhất khi làm cho một tổ chức, tự đứng ra làm ăn (“thương nhân tự doanh”) hay thuê người khác làm việc cho mình?

Hình 40 thể hiện sự chọn lựa ấy. Ô nào miêu tả đúng nhất về bạn?

Những người thuộc Ô 1 cực kỳ tham vọng nhưng thích làm việc trong môi trường do người khác bố trí hơn. ‘Người của tổ chức’ nguyên mẫu của thế kỷ XX thuộc về ô này. Số người thuộc loại này đang giảm đi do các tổ chức lớn hiện nay thuê ít nhân viên hơn và do các tổ chức lớn bị mất thị phần vào tay những tổ chức nhỏ hơn (xu hướng đầu sẽ còn tiếp diễn, xu hướng sau có lẽ sẽ dừng lại). Nhưng nếu mặt cung của những vị trí ấy đang giảm xuống thì mặt cầu cũng giảm theo. Nếu bạn thích loại công việc này, hãy nhìn nhận thực tế ấy và cứ theo đuổi nguyện vọng của mình, cho dù nguyện vọng ấy đã không còn hợp thời. Các tổ chức lớn vẫn tiếp tục cung cấp cơ cấu và địa vị cho dù họ không còn khả năng đảm bảo cho những công việc ấy.

Những người thuộc Ô 2 tiêu biểu là những người có trình độ chuyên môn muốn được những người ngang cấp nhìn nhận và muốn mình là người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Họ thích làm việc độc lập và không hòa nhập tốt vào tổ chức, trừ phi tổ chức (như hầu hết các trường đại học) cực kỳ dễ dãi. Người thuộc loại này cần phải đảm bảo mình phải càng sớm càng tốt trở thành người chủ tự quản. Một khi đã là người tự doanh, tự quản, họ cần phải chống lại cám dỗ thuê người khác làm việc cho mình, cho dù làm vậy có mang lại cho họ nhiều tiền hơn. Người thuộc Ô 2 là “thương nhân tự doanh” muốn tránh sự lệ thuộc người khác về chuyên môn càng nhiều càng tốt.

Những người thuộc Ô 3 có nghị lực và tham vọng cao, ghét làm thuê cho người khác nhưng lại không thích lối sống đơn độc của thương nhân tự doanh. Họ có thể có ý tưởng khác người, nhưng họ là những nhà thiết kế: họ muốn xây dựng một mạng lưới hay một cơ cấu xung quanh họ. Họ là những nhà doanh nghiệp tương lai.

Bill Gates, một trong hai người giàu nhất nước Mỹ, từng là người bỏ ngang việc học đại học luôn bị ám ảnh bởi phần mềm máy vi tính cá nhân. Nhưng Bill Gates không phải là một thương nhân tự doanh. Ông cần có sự góp sức của những người khác, rất nhiều người. Nhiều người khác cũng giống như vậy. Ý tưởng trao quyền đã xóa mờ nhu cầu này và làm cho khát vọng xây dựng công ty hơi bị lỗi thời. Nếu bạn muốn làm việc cùng với người khác, nhưng không phải làm việc cho họ, thì bạn thuộc Ô 3. Bạn cần phải nhìn nhận thực tế này và hãy làm một điều gì đó để đối phó với thực tế ấy. Nhiều nhà chuyên môn bất đắc chí là những người thuộc Ô 3, họ thích những gì mình làm nhưng lại hoạt động trong môi trường của Ô 1 và Ô 2. Họ không nhìn thấy rằng nguyên nhân làm họ nản lòng không phải là vấn đề thuộc về chuyên môn mà là về tổ chức.

Người thuộc Ô 4 không có động lực muốn gặt hái thành đạt trong nghề nghiệp nhưng lại thích làm việc với người khác. Những người này nên đảm bảo là mình có nhiều giờ làm việc cùng người khác trong một công việc bình thường hoặc trong một công việc tự nguyện.

Người thuộc Ô 5 không có tham vọng nhưng cực kỳ thích có tính tự chủ trong công việc. Thay vì thành lập công ty riêng, vai trò tốt nhất dành cho người thuộc Ô 5 là làm tự do, thực hiện các dự án cho những công ty khác phù hợp với điều kiện của mình.

Người thuộc Ô 6 là những người có nhu cầu thấp về thành đạt trong nghề nghiệp nhưng lại thích công việc tổ chức và phát triển cho người khác. Nhiều giáo viên, người làm công tác xã hội và từ thiện là loại người thuộc Ô 6 và rất phù hợp với vai trò của họ. Đối với người thuộc Ô 6, hành trình là tất cả; không cần phải đi đến một đích nào cả.

Nhiều người hướng về cái ô ‘đúng’ của mình, nhưng khi một cá nhân cảm thấy chán ghét công việc thì thường đó là do cá nhân ấy đang ở nhầm ô.

Còn tiền bạc thì sao?

Đúng vậy tiền bạc thì sao nào! Hầu hết ai cũng có cách nhìn riêng về tiền bạc. Họ nghĩ rằng tiền bạc quan trọng hơn thực tế. Nhưng họ cũng cho rằng tiền bạc khó kiếm hơn thực tế. Do hầu hết mọi người đều muốn mình có nhiều tiền hơn mình hiện tại đang có, chúng ta hãy xét điểm thứ hai trước.

Quan điểm của tôi là tiền bạc không khó kiếm và, một khi bạn dành dụm được một ít tiền thì làm cho tiền đẻ ra tiền không gì khó khăn cả.

Thế nhưng trước nhất chúng ta làm sao có được tiền? Câu trả lời hay nhất, và là câu trả lời thường xuyên đúng đến không ngờ, là làm cái gì đó mà mình thích.

Cách lập luận như sau: Nếu bạn thích làm việc gì thì bạn có cơ may làm được tốt việc ấy. Bạn có cơ may làm việc ấy tốt hơn là làm những việc bạn không thích (điều này không phải lúc nào cũng đúng, nhưng những trường hợp ngoại lệ là rất hiếm). Nếu bạn làm việc gì đó tốt, bạn có thể tạo ra một cái gì đó thỏa mãn được người khác. Nếu bạn làm người khác thỏa mãn, họ thường trả công cho bạn hậu hĩ hơn. Và do hầu hết mọi người làm những việc mà họ không cảm thấy thích thú và do đó không thể làm tốt như bạn, bạn sẽ có thể kiếm được thu thập cao hơn mức chuẩn trong ngành nghề của bạn.

Tuy nhiên cách lập luận ấy không phải là không có nhược điểm. Có một số nghề, như nghề diễn viên chẳng hạn, trong đó cung vượt xa cầu. Trong những trường hợp như vậy, bạn phải làm gì?

Cái bạn không nên làm là bỏ cuộc. Thay vào đó, hãy tìm một nghề có mức cung và cầu tương xứng nhau nhưng có những yêu cầu gần với cái nghề bạn ưa thích. Thông thường luôn có những ngành nghề gần gũi nhau như thế, mặc dù có thể chúng khó nhận ra ngay. Hãy suy nghĩ một cách sáng tạo. Ví dụ, những đòi hỏi đối với các chính trị gia rất gần với những yêu cầu đối với diễn viên. Những chính trị gia hoạt động có hiệu quả nhất, như Ronald Reagan, John F. Kennedy, Winston Churchill, Harold Macmillan hay Margaret Thatcher, hoặc đã là hoặc lẽ ra có thể trở thành những diễn viên thành công. Charlie Chaplin rất giống với Adolf Hitler và điều này không phải là ngẫu nhiên; tiếc thay, Hitler là một trong những diễn viên tài ba nhất, lôi cuốn nhất của thế kỷ qua. Có lẽ những điều nói trên có vẻ quá hiển nhiên. Thế nhưng chẳng mấy ai có triển vọng làm diễn viên lại cân nhắc theo đuổi nghề làm chính trị một cách nghiêm túc, dù nghề chính trị có ít cạnh tranh hơn và cho họ phần thưởng xứng đáng hơn.

Nếu thị trường tuyển dụng trong nghề bạn thích nhất quá thấp và bạn không thể tìm ra một nghề khác gần giống có triển vọng tốt thì sao? Khi đó hãy chọn nghề bạn thích kế tiếp và lặp lại quy trình đó có đến khi bạn tìm được nghề mà bạn thích và được trả lương cao.

Một khi đã bước vào nghề, nếu kiếm tiền là thực sự quan trọng đối với bạn và nếu bạn làm công việc ấy tốt được, bạn hãy nhắm đến việc chuyển sang hình thức tự doanh càng sớm càng tốt và sau đó bắt đầu thuê mướn người khác.

Tôi đi đến kết luận này từ luận điểm về nghệ thuật ác-bít của Nguyên lý 80/20. 80% giá trị trong một tổ chức hay ngành nghề được tạo ra từ 20% lực lượng những người có chuyên môn. Những người làm việc có năng lực trên trung bình có xu hướng hưởng mức lương cao hơn những người làm việc có năng lực dưới trung bình, nhưng mức chênh lệch ấy không đủ để phản ánh sự khác nhau về năng lực làm việc. Do đó, những người làm việc tốt nhất luôn bị trả lương thấp hơn so với năng lực của mình, và những người làm việc tệ nhất luôn hưởng được mức lương cao hơn so với năng lực của mình. Là một nhân viên có năng lực trên trung bình, bạn không thể thoát khỏi cái bẫy này. Người chủ của bạn có thể cho rằng bạn làm việc tốt, nhưng sẽ chẳng bao giờ công nhận giá trị thực của bạn khi so sánh với người khác. Lối thoát duy nhất là tự mình đứng ra thành lập công ty riêng và, nếu bạn thích, thuê những nhân viên có năng lực trên trung bình về làm việc cho mình. Tuy nhiên, đừng nên thực hiện những bước này nếu bạn không cảm thấy thỏa mái với việc tự quản hay làm sếp (xem Hình 40).

Tiền dễ đẻ ra tiền

Một vấn đề khác cần phải nhớ là một khi bạn đã có một chút ít tiền thì việc làm cho tiền đẻ ra tiền là rất dễ dàng. Hãy tiết kiệm và đầu tư. Để đẻ thêm ra tiền, bạn không nhất thiết phải nhảy vào làm việc. Đơn giản là bạn có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán, sử dụng Nguyên lý 80/20 như một cẩm nang hướng dẫn. Chương 14 sẽ bàn chi tiết hơn về vấn đề này.

Tiền bạc được đề cao quá đáng

Tôi muốn các bạn có được nhiều tiền, nhưng đừng đi quá đà. Tiền bạc có thể giúp bạn có được cuộc sống bạn muốn, nhưng hãy coi chừng: tất cả những câu chuyện ngụ ngôn có kết cục không hay về Midas và những câu chuyện tương tự có nguồn gốc từ những sự kiện thực tế. Tiền bạc có thể mua được hạnh phúc, nhưng chỉ ở mức độ là bạn có thể dùng tiền để làm những gì thực sự phù hợp với bạn. Thế nhưng tiền bạc có thể quay lại chống bạn.

Hãy nhớ rằng bạn càng có nhiều tiền thì giá trị của khoản tiền kiếm thêm được sẽ càng giảm. Nói theo cách nói của giới kinh tế, giá trị hữu dụng biên của đồng tiền sẽ giảm mạnh. Một khi bạn đã thích nghi với mức sống cao hơn thì mức sống ấy có thể mang đến cho bạn chẳng bao nhiêu hoặc chẳng chút gì hạnh phúc. Thậm chí nó còn có tác dụng ngược lại, nếu như khoản chi phí phát sinh thêm nhằm duy trì lối sống mới ấy tạo ra những lo âu hoặc tạo thêm áp lực phải kiếm tiền bằng những cách không thỏa đáng.

Hơn nữa, của cải nhiều hơn đòi hỏi phải tăng cường quản lý. Trông coi tiền bạc làm tôi cảm thấy rất khó chịu. (Đừng nghe vậy mà bảo tôi đem hết tiền của cho bạn: trông coi tiền bạc còn dễ chịu hơn là đem tiền của mình đi cho người khác).

Các cơ quan thuế cũng góp phần làm cho đồng tiền mất đi hiệu quả của nó. Kiếm thêm tiền thì thuế nộp sẽ tăng vọt lên không tương xứng. Kiếm tiền nhiều hơn thì làm việc nhiều hơn. Làm việc nhiều hơn thì chi tiêu cũng nhiều hơn: nào là phải chi thêm tiền để dời đến sống gần nơi làm việc ở một vùng đô thị đắt đỏ hay chi thêm cho chi phí đi lại, phải mua sắm thêm các thiết bị tiết kiệm sức lao động, thuê người làm việc nhà, và chi thêm cho những khoản giải trí đắt tiền hơn. Chi tiêu nhiều thì làm việc phải nhiều hơn. Rồi cuối cùng có thể bạn sẽ phải chạy theo một lối sống xa hoa nắm quyền điều khiển bạn thay vì ngược lại. Có lẽ một cuộc sống đơn giản hơn, ít tốn kém hơn sẽ mang lại cho bạn nhiều giá trị hơn, nhiều hạnh phúc hơn.

Còn thành tựu thì sao?

Có người chỉ muốn gặt hái thành tựu trong đời – và cũng có người có suy nghĩ đúng đắn hơn. Tất cả các tác giả viết sách hướng dẫn đều theo khuôn mẫu là bảo rằng các bạn cần phải có mục đích và sự định hướng trong cuộc sống. Rồi sau đó bảo rằng bạn không hề có những điều ấy. Rồi họ bắt bạn phải đau khổ xác định cho được những điều ấy. Cuối cùng họ bảo bạn những gì họ nghĩ bạn nên làm.

Do đó nếu bạn không muốn đạt được cái gì đó cụ thể và cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống mình đang có (trừ thành tựu), hãy cho rằng mình là người may mắn (và đi thẳng đến phần cuối chương này).

Tuy nhiên nếu, cũng như tôi, bạn cảm thấy tội lỗi và bất an nếu không đạt được thành tựu nào và muốn đạt thêm thành tựu, Nguyên lý 80/20 có thể giúp bạn thoát khỏi sự dằn vặt này.

Nên nghĩ rằng thành tựu có thể dễ dàng đạt được; không nên cho rằng thành tựu là kết quả của 99% miệt mài và chỉ 1% năng khiếu. Thay vì vậy, hãy xét xem có phải thực sự 80% thành tựu mà bạn đạt được từ trước đến nay – được đo bằng bất cứ cái gì mà chính bạn quý trọng – là kết quả của 20% lượng công sức đầu tư vào. Nếu đúng hay gần đúng như vậy thì bạn hãy suy nghĩ kỹ càng về cái 20% chóp bu này. Có thể nào bạn lặp lại được những thành tựu ấy không? Nâng chúng lên một tầm cao hơn? Tái tạo lại những thành tựu tương tự trên quy mô lớn hơn?

Kết hợp hai thành tựu trước đó thành một thành tựu lớn hơn, cho ta sự thỏa mãn cao hơn?

-Hãy nghĩ về những thành tựu của mình trong quá khứ có được sự phản hồi ‘thị trường’ tốt từ những người khác, những thành tựu mang đến cho bạn sự tán thưởng nồng nhiệt nhất: cái 20% công việc và vui chơi đã đưa đến 80% lời khen mà bạn nhận được từ người khác. Cái cảm giác thỏa mãn thực sự mà nó đem đến cho bạn là bao nhiêu?

-Những phương pháp nào trong quá khứ là hiệu quả nhất đối với bạn? Những người cộng tác nào? Đối tượng tiếp nhận nào? Và cũng vậy, hãy tư duy kiểu 80/20. Bất kỳ cái gì chỉ tạo ra sự thỏa mãn ở mức trung bình so với lượng công sức và thời gian bỏ ra cần phải được loại bỏ. Hãy nghĩ đến những thành tựu phi thường đã đạt được một cách dễ dàng đến khác thường. Đừng giới hạn chỉ trong công việc. Hãy nghĩ về thời gian mình đi học, đi du lịch hay vui cùng bạn bè.

-Hãy nhìn về phía trước, bạn có thể gặt hái được những gì có thể làm cho bạn tự hào mà không ai khác có thể làm được dễ dàng như vậy? Nếu có 100 người quanh bạn cố làm một việc gì đó, bạn có thể làm cái gì chỉ trong 20% thời lượng mà 80 người khác phải mất để thực hiện? Bạn nằm ở vị trí nào trong nhóm 20% chóp bu? Nghiêm ngặt hơn nữa, bạn có thể làm cái gì tốt hơn 80% người khác mà chỉ cần 20% lượng thời gian? Những câu hỏi này lúc đầu cứ như những câu đố nhưng, hãy tin tôi, luôn có cách giải đáp cho chúng! Khả năng của con người trong những lĩnh vực khác nhau chênh lệch đến không ngờ.

-Nếu bạn có thể đo được niềm vui từ bất kỳ điều gì, bạn thích cái gì hơn 95% những người cùng trang lứa? Bạn làm cái gì tốt hơn 95 trong số 100 người? Những thành tựu nào thỏa mãn cả hai điều kiện trên?

Điều quan trọng là phải tập trung vào những gì mình cảm thấy dễ dàng thực hiện. Và đây chính là điểm mà các tác giả viết các loại cẩm nang hướng dẫn thường mắc sai lầm. Họ cho rằng bạn cần phải làm những việc khó đối với bạn; cũng với lý lẽ như vậy, người ta có thể suy diễn, ông bà xưa thường ép con cháu uống dầu gan cá moruy trước khi người ta phát minh ra thuốc viên nang. Những người khuyến khích như thế thường dẫn ra những tên tuổi như T. J. Watson, là người cho rằng ‘thành công nằm ở phía bên kia của thất bại’. Quan điểm của tôi là thông thường thất bại nằm ở bên kia của thành công. Hơn nữa, thành công nằm ngay chính phía bên này của thất bại. Bạn đã rất thành công ở một số việc, và tuyệt nhiên không có gì là đáng ngại nếu những công việc ấy quá bé về số lượng.

Nguyên lý 80/20 rất rõ ràng. Hãy theo đuổi những việc ít ỏi mà bạn giỏi hơn hẳn người khác và bạn cảm thấy thích thú nhất.

Bạn cần gì nữa để có được những gì mình muốn?

Chúng ta đã bàn qua lối sống, tiền bạc và thành tựu. Để có được tất cả, bạn cũng cần phải có một vài mối quan hệ vừa ý. Vấn đề này cần phải bàn trong một chương riêng.

Bình luận