Phần 3: Làm ít, thu và “thụ” nhiều hơn
Cũng như chân lý, Nguyên lý 80/20 có thể giải phóng các bạn. Các bạn có thể giảm bớt công việc, đồng thời có thể kiếm được nhiều tiền hơn và hưởng thụ được nhiều hơn. Cái giá duy nhất phải trả là bạn cần phải thực hiện Kiểu Tư duy 80/20 một cách nghiêm túc. Làm như thế sẽ giúp bạn tìm ra một vài ý tưởng quan trọng, nếu bạn biết tác động lên chúng, có thể làm thay đổi cuộc sống của mình.
Và điều đó có thể xảy ra mà không cần sự trợ giúp của tôn giáo, ý thức hệ hay bất kỳ quan điểm nào do bên ngoài áp đặt vào. Cái hay của Kiểu Tư duy 80/20 là nó mang tính thực dụng, sản sinh từ bên trong và lấy cá nhân làm trung tâm.
Chỉ có một rào cản nhỏ là chính bạn phải tư duy. Bạn phải “cá nhân hóa” và cụ thể hóa những gì được viết ra ở đây để dùng vào mục đích riêng của mình. Nhưng điều đó cũng không quá khó khăn.
Những ý tưởng rút ra từ Kiểu Tư duy 80/20 rất ít về số lượng, nhưng lại có tác động rất lớn. Không phải tất cả các ý tưởng này đều có thể áp dụng cho mọi độc giả, do đó nếu bạn thấy tình huống của mình quá khác thì cứ bỏ qua và đi tiếp cho đến khi bạn tìm thấy ý tưởng phù ứng với hoàn cảnh của mình.
Hãy suy nghĩ theo kiểu 80/20, bắt đầu từ chính cuộc sống của mình
Mong muốn của tôi không chỉ đơn giản là dọn sẵn ra cho các bạn những ý tưởng rút ra từ Kiểu Tư duy 80/20 và để các bạn tự linh hoạt áp dụng vào cuộc sống của mình. Thực sự tôi có tham vọng lớn hơn thế nhiều. Tôi muốn các bạn phải thấm nhuần Kiểu Tư duy 80/20 để các bạn có thể tự mình tìm ra những ý tưởng, phổ phát cũng như đặc thù, mà tôi chưa từng nghĩ ra. Tôi muốn gia nhập các bạn vào đội ngũ những người tư duy theo Kiểu 80/20 và nhân lên gấp bội những ý tưởng Kiểu 80/20 được sản sinh ra trên thế giới này.
Những đặc tính chung của Kiểu Tư duy 80/20 là nó mang tính chiêm nghiệm, bất thường quy, hưởng lạc, chiến lược và phi tuyến tính. Thêm vào đó, nó kết hợp giữa tham vọng cực đoan (với ý nghĩa là muốn tạo ra những thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn) với một cung cách tự tin, thoải mái. Nó cũng thường xuyên tìm kiếm những giả thiết và ý tưởng kiểu 80/20. Đôi lời giải thích về các vấn đề này sẽ cho các bạn một hướng dẫn thực hiện Kiểu Tư duy 80/20 để các bạn có thể biết được là mình đã đi đúng hướng hay không.
Tư duy 80/20 mang tính chiêm nghiệm
Mục tiêu của Kiểu Tư duy 80/20 là nhằm tạo ra hành động giúp cải thiện rõ nét cuộc sống của bạn và của những người khác. Loại hành động mà chúng ta muốn có đòi hỏi phải có những ý tưởng khác người. Ý tưởng đòi hỏi phải có sự chiêm nghiệm và nội quan. Ý tưởng đôi khi yêu cầu phải thu thập dữ liệu và chúng ta sẽ bàn qua đôi chút về vấn đề này vì nó liên quan đến cuộc sống của các bạn. Thông thường ý tưởng có thể được sản sinh ra đơn thuần chỉ bằng sự chiêm nghiệm mà không cần thiết phải thu thập thông tin. Khối óc chúng ta đã chứa sẵn một lượng thông tin gấp nhiều lần mức chúng ta có thể tưởng tượng.
Kiểu Tư duy 80/20 khác hẳn với kiểu tư duy rất phổ biến ngày nay. Kiểu tư duy hiện nay thường mang tính vội vã, cơ hội, tuyến tính (ví dụ như x là tốt hoặc xấu, nguyên nhân của nó là gì?), và mang tính tích lũy dần dần. Kiểu tư duy đang thịnh hành hiện nay quan hệ chặt chẽ với hành động cấp thời và do đó rất ư là nghèo nàn. Hành động luôn đẩy lùi ý nghĩ. Mục tiêu của chúng ta với tư cách là những người tư duy Kiểu 80/20 là để hành động lại phía sau, ngồi lặng lẽ tư duy, tìm ra những ý tưởng nhỏ nhoi nhưng quý báu, rồi sau đó hành động một cách có chọn lọc, nhằm vào một số mục tiêu ít ỏi và trên một diện hẹp, một cách quyết liệt và đầy ấn tượng nhằm tạo ra những kết quả tuyệt hảo với một lượng công sức và tài nguyên bỏ ra ở mức thấp nhất có thể được.
Kiểu Tư duy 80/20 mang tính bất thường quy
Kiểu Tư duy 80/20 chỉ ra những chỗ mà trí khôn bình thường mắc phải sai lầm, như vẫn thường gặp. Sự tiến bộ xuất phát từ việc nhận diện những cái lãng phí, những cái chưa tối ưu tồn tại cố hữu trong cuộc sống, bắt đầu từ cuộc sống thường nhật của mình, và sau đó hành động để cải tạo chúng. Ở điểm này thì trí khôn bình thường không giúp ích được gì cả ngoài việc làm đối chứng. Trước nhất chính trí khôn bình thường là cái đưa đến những cái lãng phí và chưa tối ưu. Cái hay của Nguyên lý 80/20 là ở chỗ nó hành động hoàn toàn khác, trên cơ sở một trí khôn khác thường. Điều đó yêu cầu các bạn phải suy nghĩ vì sao con người đang có những hành động sai lầm hoặc chỉ phát huy được một phần rất nhỏ những tiềm năng của mình. Nếu những ý tưởng của các bạn không khác người thì ấy là các bạn không đang tư duy kiểu 80/20.
Kiểu Tư duy 80/20 mang tính hưởng lạc
Kiểu Tư duy 80/20 mưu cầu sự sung sướng. Nó tin rằng sống là để hưởng thụ, và hầu hết những thành tựu chỉ là sản phẩm phụ của sự thích thú, của niềm vui và của khát khao muốn có được hạnh phúc về sau. Điều này có lẽ chẳng có gì đáng tranh cãi, song hầu hết chúng ta lại không làm những việc đơn giản có thể mang lại cho chúng ta hạnh phúc, ngay cả khi chúng ta biết rõ đấy là những việc gì.
Con người đa số sa vào một hoặc nhiều cái bẫy sau đây. Họ bỏ nhiều thời gian tiếp xúc với những người mà họ không thích. Họ làm những công việc mà họ không cảm thấy hứng thú. Họ sử dụng hết “thời gian rảnh” (tình cờ đây lại là một khái niệm đi ngược lại chủ nghĩa hưởng lạc) vào những hoạt động mà họ không cảm thấy thích lắm. Ngược lại cũng đúng như thế. Con người không bỏ ra phần lớn thời gian của mình để tiếp xúc với những người mình thích. Họ không đi theo cái nghề mà họ thích nhất. Và họ không bỏ ra phần lớn thời gian vào những hoạt động họ thích nhất. Họ không phải là những con người lạc quan, và thậm chí những người lạc quan cũng không có kế hoạch chu đáo nhằm làm cho cuộc sống tương lai của họ tốt đẹp hơn.
Tất cả những điều nói trên quả thật kỳ lạ. Chúng ta có thể cho rằng đấy là chiến thắng của kinh nghiệm trước hy vọng, chỉ có điều ‘kinh nghiệm’ là một khái niệm tự tạo thường do tri nhận của con người về thực tại bên ngoài hơn là chính cái thực tại khách quan bên ngoài ấy. Có lẽ tốt hơn nếu phát biểu rằng đấy là chiến thắng của mặc cảm tội lỗi trước niềm vui, của tính di truyền trước trí thông minh, của tiền định trước quyền chọn lựa, và ở một ý nghĩa rất thực, của cái chết trước cuộc sống.
“Chủ nghĩa hưởng lạc” thường được hiểu là có hàm ý vị kỷ, thiếu quan tâm đến người khác và thiếu tham vọng. Tất cả những suy nghĩ ấy chỉ là sự bôi nhọ. Thực chất chủ nghĩa hưởng lạc là một điều kiện cần thiết để có thể giúp đỡ người khác và để đạt được những thành quả. Thật rất khó, và bao giờ cũng là hoang phí, có thể đạt được một cái gì đó xứng đáng mà không yêu thích điều đó. Nếu càng có nhiều người hưởng lạc thì thế gian này sẽ là một chốn cõi tốt đẹp hơn và, ở mọi phương diện, sung túc hơn.
Kiểu Tư duy 80/20 tin vào sự tiến bộ
Suốt 3000 năm qua vẫn chưa có sự nhất trí nào về vấn đề liệu có tồn tại sự tiến bộ hay không, liệu lịch sử của thế giới và của con người có chứng minh được có sự đi lên hay một thực tế kém sáng sủa hơn. Chống lại quan điểm cho rằng có tồn tại sự tiến bộ tiêu biểu là Hesiod (khoảng năm 800 trước CN), Plato (428-348 trước CN), Aristotle (384-322 trước CN), Seneca (năm thứ 4 trước CN- năm 54 sau CN), Horace (65-8 sau CN), Thánh Augustine (354-430 sau CN) và hầu hết tất cả những triết gia và các nhà khoa học hiện thời. Ủng hộ quan điểm cho rằng có tồn tại sự tiến bộ có gần như tất cả những nhân vật thuộc Thời kỳ Khai sáng ở cuối thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, như Fontenelle và Condorcet, và đa số các nhà tư tưởng và khoa học ở thế kỷ XIX trong đó có Darwin và Marx. Người đầu quân của quan điểm này là Edwards Gibbon (1737- 94), một sử gia lập dị, đã viết trong quyển “Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã” như sau:
Chúng ta không thể nào biết chắc khát vọng vươn tới sự hoàn thiện của loài người cao đến mức nào… Do đó chúng ta có thể an toàn chấp nhận một kết luận vui vẻ rằng mỗi thời đại đã làm tăng thêm, và vẫn tiếp tục làm tăng, của cải, hạnh phúc, tri thức và có lẽ cả phẩm hạnh thật sự của loài người.
Ngày nay, tất nhiên, bằng chứng chống lại sự tiến bộ có sức thuyết phục hơn nhiều so với thời đại của Gibbon. Song bằng chứng cho sự tiến bộ cũng thuyết phục hơn không kém. Sự tranh cãi này không thể dùng chứng cứ để giải quyết. Sự tin tưởng vào tiến bộ hẳn phải là một hành vi đức tin. Tiến bộ là bổn phận.1 Nếu chúng ta không tin vào sự tiến bộ, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể thay đổi thế giới cho tốt hơn. Giới kinh thương hiểu rất rõ điều này. Nhìn chung, kinh thương trong mối liên minh với khoa học đã cho chúng ta những bằng chứng hùng hồn về sự tiến bộ. Ngay khi chúng ta phát hiện ra rằng tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận thì kinh thương và khoa học xuất hiện và ban cho chúng ta những chiều hướng mới của sự vô cùng của thế giới phi tự nhiên: nào là không gian kinh tế, vi mạch, và các công nghệ trợ giúp mới.2 Tuy nhiên, để khái niệm tiến bộ có thể hữu ích nhất thì nó không nên bị bó hẹp trong lĩnh vực khoa học, kỹ nghệ và kinh thương. Chúng ta cần phải áp dụng khái niện tiến bộ cho cả chất lượng cuộc sống của chúng ta, cả cá nhân lẫn tập thể.
Kiểu Tư duy 80/20 vốn mang tính lạc quan bởi vì, nghịch lý thay, nó mở ra cho chúng ta thấy một thực trạng kém xa với mẫu hình lý tưởng. Chỉ 20% nguồn lực mới thực sự quan trọng cho việc đạt được thành quả. Phần trăm đa số còn lại chỉ đơn thuần đánh dấu thời gian, và đóng góp mang tính hình thức cho thành quả chung. Do đó, hãy tập trung vào cái 20% đó và đẩy cái 80% lên một tầm hợp lý, và các bạn sẽ có thể tăng kết quả thu được lên gấp bội. Tuy nhiên, thậm chí ở cái tầm cao mới ấy, vẫn tiếp tục còn đó tỷ lệ 80/20 giữa thành quả đạt được và công sức bỏ ra. Do đó các bạn lại có thể tiếp tục tiến bước lên một tầm cao mới.
Sự tiến bộ của kinh thương và khoa học chứng minh cho Nguyên lý 80/20. Hãy tạo ra một máy điện toán khổng lồ có thể thực hiện những tính toán nhanh hơn gấp nhiều lần so với bất kỳ loại máy nào trước đó. Hãy yêu cầu máy điện toán phải được cải tiến để có kích cỡ nhỏ hơn, giá thành thấp hơn, hoạt động nhanh hơn. Và cứ thế hãy lặp đi lặp lại quy trình của sự tiến bộ. Rồi hãy lặp lại một lần nữa. Sự tiến bộ hoàn toàn không có điểm dừng. Bây giờ hãy áp dụng chính nguyên lý này vào những lĩnh vực khác của cuộc sống. Nếu chúng ta tin tưởng vào sự tiến bộ, Nguyên lý 80/20 có thể giúp chúng ta biến nó thành hiện thực. Thậm chí có lẽ cuối cùng chúng ta sẽ có thể chứng minh Edwards Gibbon đã phát biểu chí lý: của cải, hạnh phúc, tri thức và có lẽ cả phẩm chất đạo đức có thể không ngừng được nâng cao.
Kiểu Tư duy 80/20 mang tính chiến lược
Có chiến lược có nghĩa là biết tập trung vào cái quan trọng, vào một số mục tiêu ít ỏi có thể mang lại cho chúng ta một ưu thế tương đối, vào cái quan trọng đối với chúng ta chứ không phải đối với những người khác. Có chiến lược còn có nghĩa là lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch đã vạch ra một cách quyết tâm và kiên định.
Kiểu Tư duy 80/20 mang tính phi tuyến tính
Kiểu tư duy truyền thống được bọc trong lớp vỏ của một mô hình nhận thức rất vững vàng nhưng đôi lúc lại thiếu chính xác và gây nhiều phương hại. Kiểu tư duy này là tuyến tính. Nó tin rằng x gây ra y, y gây ra z, và b là hệ quả tất yếu của a. Anh làm em buồn vì anh đến muộn. Do không được học hành đến nơi đến chốn nên tôi mới phải nhận công việc không chút triển vọng nào. Tôi trước giờ vẫn luôn thành công vì tôi rất thông minh. Hitler gây ra Đệ nhị Thế chiến. Công ty của tôi không thể phát triển vì ngành đang trên đà xuống dốc. Tình trạng thất nghiệp là cái giá mà chúng ta phải trả cho tình trạng lạm phát thấp. Đánh thuế cao là cần thiết nếu chúng ta muốn chăm sóc cho người nghèo, người bệnh và người già. Vân vân và vân vân.
Tất cả những lập luận trên là ví dụ cho kiểu tư duy tuyến tính. Người ta dễ bị cuốn hút vào kiểu tư duy này vì nó đơn giản, mang tính khuôn mẫu. Vấn đề ở chỗ cách tư duy như thế là một sự mô tả nghèo nàn về thực tại, và càng tệ hại hơn nữa là sự chuẩn bị cho việc thay đổi thực tại. Các nhà khoa học và sử học từ lâu đã từ bỏ kiểu tư duy tuyến tính này. Vậy tại sao các bạn lại cứ bám vào nó chứ?
Tư duy 80/20 là vị cứu tinh của các bạn. Không một hiện tượng nào do một nguyên nhân duy nhất gây ra. Không có gì là tất yếu cả. Không có một hiện tượng nào luôn ở trạng thái cân bằng hoặc không thể cải tạo. Con người không nhất thiết phải cam chịu những tình huống không như mong muốn nào. Những gì chúng ta muốn không nhất thiết đều là những cái không thể đạt được. Mấy ai mà biết được nguyên nhân gây ra một sự việc nào đó, dù tốt hay xấu. Nguyên nhân có thể có tầm ảnh hưởng sâu sắc nhưng lại khó nhận diện hoặc thậm chí có phạm vi ảnh hưởng không rộng. Chúng ta có thể làm thay đổi hẳn tình thế chỉ với một hành động nhỏ. Chỉ có một số ít quyết định mới thực sự có ý nghĩa. Và những quyết định có ý nghĩa thì lại có ý nghĩa rất lớn. Chúng ta luôn có thể thực hiện sự chọn lựa.
Kiểu Tư duy 80/20 tránh được cái bẫy của cái lô-gích tuyến tính bằng cách dựa vào kinh nghiệm, nội quan và trí tưởng tượng. Nếu bạn cảm thấy bất hạnh, đừng lo nghĩ về những nguyên nhân khả dĩ gây ra tình trạng đó. Hãy nghĩ đến những dịp bạn cảm thấy sung sướng và tìm cách đưa mình vào những tình huống tương tự. Nếu công việc của bạn không đi đến đâu cả, đừng suy nghĩ vẩn vơ nhằm tìm cách cải thiện từng chút: một văn phòng lớn hơn, một chiếc ô tô đắt tiền hơn, một chức danh nghe kêu hơn, làm việc ít giờ hơn, một ông sếp thông cảm hơn. Hãy nghĩ về những thành tựu quan trọng ít ỏi mà bạn gặt hái được trong suốt quãng đời của mình và cố tìm cách gặt hái thêm những thành tựu như vậy, nếu cần đổi hẳn công việc hoặc thậm chí nghề nghiệp của mình. Đừng cố tìm ra nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân gây nên thất bại. Hãy hình dung và tạo ra những tình huống có thể làm cho bạn hạnh phúc và làm việc có hiệu quả.
Kiểu Tư duy 80/20 kết hợp giữa tham vọng cực đoan với một cung cách tự tin, thoải mái
Chúng ta được tạo thói quen suy nghĩ rằng đã có cao vọng thì phải bôn ba ngược xuôi, làm việc ngày đêm, tàn nhẫn, hy sinh bản thân và người khác vì một sự nghiệp, và sự bận rộn thái quá. Nói tóm lại, chúng ta liên tưởng đến một cuộc tranh giành ác liệt. Chúng ta phải trả một giá quá đắt cho sư liên tưởng này. Sự tương liên này không phải là cái chúng ta mong muốn và cũng không cần thiết.
Một sự kết hợp khác hấp dẫn hơn nhiều, và ít nhất cũng dễ đạt được không kém, chính là sự kết hợp giữa cao vọng và một cung cách tự tin, thoải mái và văn minh. Đây chính là lý tưởng 80/20, nhưng nó lại dựa trên cơ sở thực nghiệm vững chắc. Hầu hết những thành tựu vĩ đại được tạo ra qua sự kết hợp giữa sự chuyên tâm đều đặn và sự thấu hiểu chợt đến. Hãy nghĩ về Archimedes trong bồn tắm hoặc Newton đang ngồi dưới gốc cây chợt bị quả táo rơi trúng đầu. Những ý tưởng cực kỳ quan trọng đó hẳn đã không thể có nếu Archimedes trước đó không hề suy nghĩ về lực đẩy hay nếu Newton không hề nghĩ gì về trọng lực; song những ý tưởng ấy cũng sẽ chẳng có được nếu như Archimedes bị xiềng vào bàn làm việc hay nếu Newton cứ lu bù hướng dẫn các nhóm khoa học gia.
Hầu hết những gì chúng ta đạt được trong đời có giá trị quan trọng đối với chúng ta hay với những người khác luôn xảy ra trong một khoảng thời gian nhỏ nhoi trong cuộc sống của chúng ta. Suy nghĩ kiểu 80/20 và quan sát sẽ giúp chúng ta thấy rõ điều đó. Chúng ta luôn có thừa thời gian. Chúng ta tự làm mất giá trị của mình do thiếu tham vọng hoặc giả định rằng tham vọng đòi hỏi chúng ta lúc nào cũng phải hối hả, bận rộn. Thành quả đạt được là nhờ sự thấu hiểu và hành động có chọn lọc. Tiếng nói nhỏ, lặng thinh của sự trầm tĩnh có một vị trí rất lớn trong cuộc sống chúng ta hơn là chúng ta nghĩ. Ý tưởng xuất hiện khi chúng ta đang trong tâm trạng thoải mái và cảm thấy vui vẻ với bản thân chúng ta. Ý tưởng đòi hỏi phải có thời gian – và thời gian, trái với quan niệm thông thường của người đời, luôn sẵn có dồi dào.
Những ý tưởng 80/20 cho riêng từng cá nhân
Những trang còn lại của Phần 3 này sẽ khám phá một số ý tưởng 80/20 để áp dụng vào cuộc sống của riêng bạn, và một số ý tưởng được chọn ra đây để làm mẫu. Chỉ cần đem một vài ý tưởng ra triển khai thực hiện là bạn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn một cách đáng kể.
„80% thành tựu và hạnh phúc xảy ra trong 20% thời gian của bạn – và những thời kỳ cao trào này có thể mở rộng hơn rất nhiều.
„Cuộc sống chúng ta bị ảnh hưởng sâu sắc, dù tích cực hay tiêu cực, bởi một số ít sự kiện và quyết định. Những quyết định ít ỏi ấy thường được thực hiện một cách mặc nhiên chứ không phải qua một sự chọn lựa có ý thức: chúng ta phó mặc cho cuộc đời đẩy đưa hơn là tự tạo ra cuộc sống của mình. Chúng ta có thể cải thiện cuộc sống của mình một cách đáng kể bằng cách nhận ra những bước ngoặc và đưa ra những quyết định có thể làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, làm việc hiệu quả hơn.
„Luôn có một số ít nguyên nhân dẫn đến những sự việc xảy ra và thường chúng không phải là những nguyên nhân dễ nhận thấy. Nếu có thể nhận diện và cô lập được những nguyên nhân chính yếu, chúng ta thường có thể gây ảnh hưởng lên chúng nhiều hơn là chúng ta nghĩ.
„Ai cũng có thể đạt được một cái gì đó có ý nghĩa. Cái chính không phải là sự nỗ lực, mà là tìm cho ra mục tiêu đúng để đạt tới. Bạn có thể làm một số việc hiệu quả hơn nhiều so với những việc khác, nhưng lại giảm đi mức độ hiệu quả bằng cách làm quá nhiều việc mà khả năng của bạn không được tốt bằng.
„Trong cuộc chơi bao giờ cũng có người thắng kẻ thua – và kẻ thua bao giờ cũng nhiều hơn. Bạn có thể là người chiến thắng nếu biết chọn đúng cuộc chơi, đúng đội chơi và đúng phương pháp. Bạn sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng hơn bằng cách giật cơ may về phía mình (một cách công bằng và hợp lệ) hơn là cố nâng cao khả năng của mình. Bạn sẽ có nhiều cơ hội thắng nữa ở những cuộc chơi mà trước đó bạn đã giành phần thắng. Bạn có nhiều cơ hội thắng hơn nếu bạn biết lựa chọn cuộc chơi cho mình.
„Hầu hết những thất bại của chúng ta là ở những cuộc chơi mà người khác kéo chúng ta vào. Hầu hết chiến thắng của chúng ta là ở những cuộc chơi mà chúng ta muốn tham gia. Chúng ta không thắng được hầu hết những cuộc chơi vì chúng ta tham gia vào những cuộc chơi sai lầm: cuộc chơi của người khác, chứ không phải của chúng ta.
„Ít ai thực sự xem trọng mục tiêu. Người ta thường đổ đều công sức vào quá nhiều việc hơn là dồn sức lực, suy nghĩ vào một vài việc quan trọng. Những người gặt hái nhiều thành tựu nhất là những người biết chọn lọc và có tính quyết tâm.
„Người ta đa số bỏ phần lớn thời gian của mình vào những hoạt động có giá trị thấp đối với họ và với những người khác. Người tư duy Kiểu 80/20 tránh được cái bẫy này và có thể đạt được nhiều hơn từ những mục tiêu ít ỏi, có giá trị cao hơn mà không cần tốn thêm công sức gì đáng kể.
„Một trong những quyết định quan trọng nhất mà một người có thể phải đưa ra trong đời là việc chọn những người liên minh. Hầu như không có gì có thể thực hiện được nếu không có liên minh. Con người phần đông không chọn cho mình những người liên minh một cách thận trọng, hoặc thậm chí chẳng hề chọn gì cả. Những người liên minh từ đâu đó xuất hiện mà thôi. Đây chính là trường hợp nghiêm trọng của việc phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Con người hầu hết có những người liên minh không phù hợp. Ngược lại, phần lớn có quá nhiều liên minh nhưng lại không tận dụng đúng mức. Những người tư duy Kiểu 80/20 biết chọn liên minh cho mình một cách cẩn trọng, và biết xây dựng liên minh để đạt được những mục tiêu cụ thể của mình.
„Một trường hợp đặc biệt của việc chọn liên minh một cách thiếu thận trọng là chọn “người bạn đời” không hợp với mình. Người ta đa số có quá nhiều bạn bè và không “hưởng thụ” được một nhóm bạn thâm giao được sàng lọc một cách kỹ càng. Nhiều người chọn lầm bạn đời – và thậm chí còn nhiều người hơn nữa không biết nâng niu một đúng đắn người bạn đời đã chọn của mình.
„Tiền của nếu sử dụng đúng có thể tạo điều kiện cho chúng ta có được một cuộc sống tốt hơn. Ít ai biết cách làm cho tiền đẻ ra tiền, nhưng người tư duy Kiểu 80/20 tất có thể làm được điều đó. Miễn là không được đặt tiền của lên trên lối sống hay hạnh phúc thì khả năng làm cho tiền đẻ ra tiền chẳng gây phương hại gì.
„Ít người bỏ ra đủ thời gian và suy nghĩ để vun đắp cho hạnh phúc của chính mình. Họ chỉ mưu cầu những mục đích gián tiếp như tiền tài hay danh vọng mà có thể khó có được và, khi đạt được rồi, mới thấy chúng chẳng thể mang lại hạnh phúc gì. Hạnh phúc không những không phải là tiền của mà nó cũng chẳng có chút gì giống với tiền của cả. Tiền của không tiêu xài có thể dành dụm, đem đầu tư, và đẻ thêm ra tiền nhờ vào sự diệu kỳ của lãi kép. Thế nhưng hạnh phúc không hưởng thụ hôm nay không hề dẫn đến hạnh phúc cho ngày sau. Hạnh phúc, cũng như khối óc, sẽ bị suy kiệt đi nếu không được cho vận động. Những người tư duy Kiểu 80/20 biết rõ cái gì tạo ra hạnh phúc và theo đuổi nó một cách có ý thức, thông minh và phấn khởi, và tận hưởng hạnh phúc hôm nay để xây dựng và “khuếch đại” hạnh phúc cho tương lai.
Thời gian đã sẵn sàng “tác chiến”
Xuất phát điểm tốt nhất để suy nghĩ Kiểu 80/20 về thành đạt và hạnh phúc là đề tài thời gian. Cách đánh giá của xã hội chúng ta về chất lượng và vai trò của thời gian quả còn rất kém. Nhiều người bằng trực giác hiểu được điều này và hàng trăm ngàn người làm công tác điều hành bận rộn đã cố tìm cách sửa chữa qua hình thức quản lý thời gian. Nhưng họ chỉ đang thực hiện những điều chỉnh lặt vặt. Toàn bộ cách suy nghĩ của chúng ta về thời gian cần phải được thay đổi. Chúng ta không cần quản lý thời gian: Chúng ta cần một cuộc cách mạng thời gian.