Phần 4: Mở rộng áp dụng Nguyên lý 80/20 trong cuộc sống
Nếu nỗi khổ đau của người nghèo không phải là do quy luật của tự nhiên mà là do những định chế của con người mà ra thì nặng thay tội lỗi của chúng ta.
Charles Darwin1
Có phải Nguyên lý 80/20 chỉ là một tri thức hữu ích, như một “thiết bị” chẩn đoán ít tốn kém và hiệu quả được cất giữ trong nhà, cơ quan, và phòng thí nghiệm phòng khi cần đến? Có phải nó chỉ là một loại phần mềm trí tuệ, hữu ích đấy nhưng bên trong thiếu hẳn một nội dung đạo đức, giống như một chương trình máy tính? Hay ngoài những thứ trên ra còn có gì nữa không? Chúng ta có thể đầu tư vào Nguyên lý 80/20 một mục đích và một động lực đạo đức vượt ra ngoài những gì chỉ có tính kỹ trị và biến nó thành một động lực quan trọng phục vụ cho những cái tốt đẹp không?
Nguyên lý 80/20 có thể giúp làm cho các công ty có khả năng sinh lời nhiều hơn, điều này không còn là chuyện phải bàn cãi gì nữa. Cuốn sách này đã biện giải, tôi hy vọng là biện giải một cách thuyết phục, rằng người ta có thể sử dụng Nguyên lý 80/20 để gặt hái rất nhiều kết quả từ cuộc sống của họ, để nâng cao mức độ hiệu quả và hạnh phúc. Một khi đã đưa ra lời tuyên bố là nó sẽ nâng cao được hạnh phúc, chúng tôi cũng bắt đầu đặt vấn đề cho rằng nó là một động lực đạo đức, bởi cũng là điều hữu lý khi cho rằng một cái gì đó có thể nâng cao hạnh phúc thì cũng phải là một động lực dài lâu. Nhưng hạnh phúc của một cá nhân nhiều khi cũng có thể mua được bằng một cái giá là phải hy sinh hạnh phúc của một hoặc nhiều người khác. Chúng ta chỉ có thể chứng minh được giá trị đạo đức của Nguyên lý 80/20 nếu chúng ta có thể chứng tỏ được một điều rằng nó có thể sử dụng để phục vụ cho lợi ích của hầu hết hoặc toàn thể mọi người trong xã hội. Phép thử cần phải làm, vì thế, là kiểm nghiệm xem chúng ta có thể sử dụng Nguyên lý 80/20 để giúp tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn không.
Tôi cho rằng chúng ta có thể, miễn là chúng ta không chỉ dừng lại ở mức mô tả Nguyên lý 80/20 này mà hãy mở rộng nó để bao gồm những bước đi, những hành động phù ứng với nó. Tôi tin là điều này có thể làm được chủ yếu là do việc sử dụng thành công và “lành tính” Nguyên lý 80/20 trong kinh thương và do niềm tin rằng cách sử dụng như thế này có thể và nên mở rộng sang những vấn đề quan trọng với xã hội hơn là thành công của bất cứ doanh nghiệp đơn lẻ nào.
Tại sao xã hội nên đem áp dụng Nguyên lý 80/20?
Nguyên lý 80/20 xưa nay đã được sử dụng rất đáng kể trong sản xuất kinh doanh để gia tăng tính hiệu quả, để đẩy mạnh lợi nhuận và những gì dẫn đến lợi nhuận. Nhưng điều mà tôi muốn chúng ta hãy tập trung ở đây không phải là điều này, mà là vấn đề những cải thiện như thế được tạo ra như thế nào. Sự hiệu quả được người ta nhân lên bằng cách tăng cường sức mạnh và nguồn lực “lành tính” (phần 20% tạo ra 80% lợi nhuận), bằng cách xác định và ngăn chặn những nguồn lực tiêu cực (phần 20% những vấn đề chất lượng gây ra 80% những khuyết, nhược điểm) và bằng việc nâng cao tính hiệu quả hoặc thay đổi vai trò của nhóm đa số những động lực yếu kém (phần 80% mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhưng rốt cuộc chỉ đóng góp được 20% giá trị). Tất cả những công dụng này đã giúp tăng gấp bội của cải cho các công ty. Đối với các cá nhân, tôi đã đề nghị sử dụng Nguyên lý 80/20 theo những phương cách tương tự, để “khuếch đại” hạnh phúc và tính hiệu quả.
Với đầu óc sáng tạo và quyết tâm đem áp dụng vào thực tiễn, không có một lý do nào trên đời này làm cho chúng ta không thể thực hiện điều tương tự vì lợi ích của xã hội nói chung, bằng những phương cách y như vậy. Chúng ta sẽ xem xét đến những khả năng này lát nữa đây, sau khi đã giải tỏa những mắc mứu lùng nhùng về tư tưởng. Bởi chúng ta cần ý thức, xác định được vấn đề. Nếu Nguyên lý 80/20 bị lạm dụng để cổ súy cho những tư tưởng, ý thức hệ đang tồn tại thì điều ấy sẽ chẳng đưa cuộc tranh luận về lợi ích công cộng tiến lên một bước nào cả.
Tự trong bản chất, Nguyên lý 80/20 có mang tính hữu khuynh không?
Nguyên lý 80/20 có thể có vẻ như “đồng thanh tương ứng” với những luận điệu của những kẻ hữu khuynh cấp tiến. Nếu vũ trụ tự nhiên đã chia thành một nhóm thiểu số những động lực mạnh mẽ và một nhóm đa số những động lực yếu kém, và nếu đời sống con người, xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh và tự nhiên đều phản ánh hiện tượng này (như tôi đã lý giải) thì nó không còn xa mấy một thế giới “điên cuồng” cực hữu – ở đấy bất bình đẳng là chuyện tự nhiên và là cỗ máy của tiến bộ; thị trường là một chuỗi tuần tự những biến chuyển và phải được để mặc cho nó tự tìm lối đi; sự thống trị của tầng lớp ưu tú là không thể tránh khỏi và cũng là chuyện tự nhiên; lý lẽ thuộc về kẻ mạnh; và can thiệp thay đổi cơ cấu xã hội lúc nào cũng đi đến thất bại, bởi làm như thế là cố đi ngược lại quy luật vận động của thế giới.
Đúng là “không còn xa mấy”; nhưng lý luận như thế là đã hiểu rất sai Nguyên lý 80/20. Chúng ta hãy chấp nhận những gì là đúng của cách cắt nghĩa hữu khuynh. Hẳn nhiên cũng là chuyện tốt đẹp khi quan sát những gì đang diễn ra trong tự nhiên, trong sản xuất kinh doanh, trong đời sống của chính chúng ta và trong xã hội: ấy là thấy ra những động lực mạnh mẽ mà từ đó chỉ mất một lượng nhỏ năng lượng để có thể tạo ra được những lợi ích to lớn; nhân lên, làm đẻ ra thêm và bắt chước phần 20% đem lại 80% kết quả; miễn là phần 20% ấy là những động lực đem lại những điều tốt đẹp. Nhưng phần 20% ấy cũng rất có thể là những động lực có thể gây ra những điều tồi tệ; và chuyện chúng là những động lực có hiệu quả cũng không thể bào chữa cho hoặc làm giảm đi những tác hại mà chúng gây ra.
Nguyên lý 80/20 khẳng định rằng tình trạng mất cân bằng là tự nhiên, nhưng không nói rằng những gì hễ đã tự nhiên đều là đúng đắn, lại càng không có ý nói chúng ta cứ để mặc tình trạng ấy tiếp diễn. Nguyên lý 80/20 này hướng ta chú ý đến sự mất cân bằng; nhưng nó không khẳng định rằng vũ trụ, hay tự nhiên, hay các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc xã hội, hoặc lối sống của chúng ta, lại không cân bằng theo một phương thức hữu lý hoặc có tính chức năng nào. Nguyên lý 80/20 nhận xét rằng những qui trình này vẫn diễn ra và tạo ra những kết quả mạnh mẽ và do vậy nên được tôn trọng, cũng như bất cứ động lực mạnh mẽ nào, dù là “lành tính” hay “độc tính”, cũng nên được tôn trọng. Toàn bộ giá trị và động lực của Nguyên lý 80/20, và tất cả những ứng dụng thực tế của nó trong 50 năm qua, là ở chỗ nó chỉ ra được một tình trạng đáng ngạc nhiên và gần như tối ưu. Một khi ta đã đánh giá cao sự bất ngờ ấy thì Nguyên lý 80/20 có thể hướng dẫn ta tạo ra được những bước cải tiến to lớn đối với hiện trạng.
Nguyên lý 80/20 muốn cải tiến những cái nó quan sát được
Về bản chất, do vậy, Nguyên lý 80/20 không chỉ có giá trị mô tả; và nó không lấy làm vênh vang gì với những điều nó mô tả. Nó còn đóng một vai trò soi đường chỉ lối; nó quan sát thấy được một thất bại trong việc không thể đạt đến được một trạng thái tối ưu; và nó chỉ ra con đường để đi đến những cải thiện to lớn với hiện trạng. Thật ấn tượng khi biết rằng nhóm thiểu số mạnh mẽ lại đem về một hiệu quả đến thế – nhưng còn nhóm đa số những nguồn lực yếu kém thì sao? Tự nhiên có thật sự “khéo” không, nếu nhóm đa số các động lực tự nhiên lại kém hiệu quả đến thế, hoặc khi những phần lớn hơn nữa của vũ trụ lại được đặt dưới sự khống chế của con người? Hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu năng đến thế ư, nếu 80% các hoạt động ấy (tính theo doanh số hoặc tài sản) chỉ đem lại 20% lợi nhuận và tiền bạc? Chúng ta có đang sử dụng thời gian của mình một cách có hiệu quả không, nếu 80% thời gian dẫn đến 20% thành quả và hạnh phúc của chúng ta? Và xã hội có đang sử dụng tốt nhất tài năng của mình không, nếu 80% công dân của nó chỉ sản xuất ra được 20% những thành quả có giá trị (tính theo tiền hoặc thu nhập gộp)?
Không, rành rành là không! Và, cũng rành rành không kém, đây không chỉ là cách cắt nghĩa của riêng tôi về Nguyên lý 80/ 20, mà chính xác là cách thức mà nguyên lý này đã được áp dụng bởi những người làm kinh doanh, những kỹ sư chuyên trách về chất lượng, và những nhà tư vấn về chiến lược và tất cả những người khác đã sử dụng nguyên lý này. Điều cốt yếu của Nguyên lý 80/20 là nó muốn cải thiện những gì nó quan sát và là một công cụ hiệu quả để thực hiện mục tiêu ấy.
Không cân bằng không phải là kém hiệu quả. Mặc dù là một thực tế tràn lan, mất cân bằng vừa là một tình trạng không thể tránh được vừa là điều không ai mong muốn. Nguyên lý 80/20 không phải là một tư tưởng trừu tượng hóa theo tư tưởng của Hegel: nó là một công cụ thực tế để xây dựng một thế giới hợp lý hơn. Nếu còn nghi hoặc điều này, bạn hãy nhìn vào những ứng dụng thực tiễn mà các hoạt động sản xuất kinh doanh đã đem Nguyên lý 80/20 áp dụng vào đó. Những nhà lãnh đạo các hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ nguyên lý này trong công việc – và thấy rằng 20% số sản phẩm hoặc doanh số đang tạo ra 80% lợi nhuận và 80% ấy đang đóng góp chỉ 20% lợi nhuận – không nhún vai, lầm bầm một câu gì đó về Pareto, F A Hayek, Milton Friedman và chủ nghĩa tư bản, rồi lẹ làng chuyển sang vấn đề kế tiếp trong “chương trình nghị sự”. Không. Những nhà doanh nghiệp có đầu óc xét đoán và biết tối đa hóa lợi nhuận quả có làm một điều gì đó để chấn chỉnh tình trạng mất cân bằng ấy. Họ làm cho phần 20% các hoạt động thật sự có hiệu quả chiếm một tỷ lệ lớn hơn so với tổng số. Họ làm cho những hoạt động kém hiệu quả trở nên có hiệu quả hơn, nếu không hiệu quả sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Họ sử dụng Nguyên lý 80/20 trong công cuộc mưu tìm tiến bộ, để cải thiện hiện thực.
Đối đầu với tư tưởng bi quan xã hội 80/20
Chúng ta cần nhấn mạnh đến chiều hướng tích cực và làm thăng hoa cuộc sống mà theo đó Nguyên lý 80/20 được sử dụng trong thực tế, bởi lâu nay người ta bỗng quan tâm một cách “đột biến” đến ý nghĩa mất cân bằng xã hội hàm ẩn trong hình ảnh một “xã hội 80/20”, “xã hội kẻ thắng gom tất”, và những viễn tượng tương tự. Một trường phái có tính khải huyền nổi lên, quan tâm xét đến một số trong những đặc điểm của Nguyên lý 80/20 nhưng cũng hàm ý rằng khó có thể làm gì để hãm tốc tình trạng mất cân bằng xã hội ngày một lan rộng. Chúng ta cần đánh giá những kiểu lý luận bi quan này, nhiều khi mang hơi hướm thuyết định mệnh, mà nhìn bên ngoài xem ra chúng đang vận dụng Nguyên lý 80/20.
Ở Phần Mở Đầu (trang 7) và Chương 13 (trang 303), chúng ta có nói đến hiện tượng “kẻ thắng gom tất” – ấy là khi thành quả về tay những con người hàng đầu trong thể thao, giải trí, và các lĩnh vực chuyên môn của họ ngày càng nhiều hơn, họ ngày càng được “miếng” to hơn, để rồi sự cách biệt giữa những người thu nhập cao nhất và những người còn lại ngày một giãn rộng. Tình trạng này theo giấy tờ sổ sách có thể thấy một cách có thuyết phục và đầy đủ nhất là ở Hoa Kỳ, nhưng xem ra đâu trên thế giới này cũng có.
Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thu nhập của 10% số người đang làm việc đang tăng lên nhanh chóng, trong khi thu nhập của 10% số người thấp nhất tăng chậm hơn rất nhiều, hoặc không “nhúc nhích” gì. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đầu năm 1997 ở Davos nghe nói đã dành rất nhiều thời gian nhóm họp để xem xét những hệ lụy của tình trạng này. Một báo cáo khẳng định:
Một số nhà kinh tế học người Mỹ cho rằng trong tương lai Hoa Kỳ sẽ có 20% những người làm chuyên môn được học hành, đào tạo chu đáo có được mức thu nhập 75.000-500.000USD/năm, họ là những người thực hiện “đơn đặt hàng” của những người siêu giàu, trong khi số 80% còn lại là những người hiện nay có mức thu nhập bình quân 30.000USD/năm sẽ phải làm tất cả những công việc bẩn thỉu, dơ dáy và mức sống của họ cứ èo uột dần sau mỗi năm qua đi.
Một cuốn sách bestseller mới ra của Đức với nhan đề Cái bẫy toàn cầu (The Global Trap) cũng tập trung nói đến ý tưởng rằng tình trạng mất cân bằng tràn lan sẽ đem lại một “xã hội 20:80”, trong đó chỉ có 20% may mắn được làm việc. Cuốn sách đề cập đến đánh giá của một cuộc hội thảo ở San Francisco vào năm 1995 với sự tham dự của 500 chính trị gia, tổng giám đốc điều hành, và nhà nghiên cứu hàng đầu và tuyên bố rằng, trong một nền kinh tế toàn cầu sẽ có một tình trạng thất nghiệp rộng khắp:
Trong thế kỷ tới, 20% dân số trong độ tuổi làm việc sẽ là đủ để giữ cho nền kinh tế thế giới hoạt động. “Không hề phải cần thêm nhân lực”, nhân vật hàng đầu của Washington SyCip trình bày quan điểm của mình. 1/5 số người tìm việc sẽ là đủ để sản xuất tất cả hàng hóa và thực hiện tất cả những dịch vụ giá trị cao mà thế giới có thể sử dụng. 20% sẽ có thể tham gia một cách tích cực vào đời sống, công việc, và giải trí…
Nhưng còn những người còn lại thì sao? 80% những người sẵn sàng làm việc sẽ bị thất nghiệp? Một trật tự xã hội mới sẽ được tạo ra, [các chuyên gia] tiên đoán, sẽ có những nước giàu mà ở đó không có tầng lớp trung lưu. Không ai lên tiếng phản bác nhận định này.
Tôi ít nhiều đồng cảm với những tiên đoán xem ra rất kỳ quặc này. Trong cuốn sách mới xuất bản của mình, Quản lý mà không có tầng lớp quản lý, Godden và tôi dành một chương để bàn về thách thức thất nghiệp của tầng lớp làm quản lý trên diện rộng, trong chương sách ấy chúng tôi có viết:
Công ty thời hậu quản lý sẽ cần ít người hơn rất nhiều, do sự cắt giảm 50% về số chức năng quản lý, thư ký, và những chức năng gián tiếp khác trong 10 năm nữa… Nếu tất cả những công ty thuộc khu vực tư nhân ở bất kỳ một đất nước nào hội đủ điều kiện trở thành những tập đoàn thời hậu quản lý thì tình trạng này có thể đưa đến một sự sút giảm lực lượng lao động khoảng 15-20% mà không có một tác động bù trừ nào kèm theo. Tình trạng thất nghiệp sẽ tăng từ mức 6% hiện nay ở Hoa Kỳ lên chừng 25%, và sẽ tập trung chủ yếu ở tầng lớp làm những công việc quản lý.
Chúng ta hãy tóm tắt viễn cảnh tất yếu và u ám này, vốn có liên quan đến Nguyên lý 80/20 hoặc viễn cảnh “xã hội 20:80”. Sự mất cân bằng xã hội, theo quan sát của Vilfredo Pareto, lâu nay là một nét đặc biệt của xã hội, đâu đâu cũng thế. Thế kỷ 20 đã cố phá vỡ tình trạng này bằng sự tái phân bố lũy tiến thu nhập qua hệ thống thuế khóa và phúc lợi xã hội. Nhưng, khi các thị trường toàn cầu bắt đầu lấy lại được sức mạnh mà chúng đã từng có được trong thế kỷ trước thì mô hình mà ở đó tình trạng mất cân bằng xã hội chiếm ưu thế lại tái diễn. Sản lượng và mức độ hiệu quả của các doanh nghiệp càng cao thì càng cần ít nhân công. Thị trường toàn cầu tự do do vậy sẽ đem lại cho chúng ta hai vấn đề xã hội tương liên nổi cộm: tình trạng thất nghiệp trên diện rộng, trong đó có tầng lớp trung lưu xưa nay được bao bọc kỹ; và tình trạng mất cân bằng xã hội sâu rộng hơn, tách biệt nhóm 20% hàng đầu khỏi nhóm 80% bên dưới.
Những người xem hiện tượng trên là tất yếu chia làm hai phe: phe bi quan và phe cách mạng. Những người bi quan hoặc theo thuyết định mệnh cho rằng xu hướng ấy là không thể tránh được và rằng chúng ta không thể làm gì đáng kể trước tình trạng ấy. Nhưng đa số những người kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến tình trạng mất cân bằng xã hội ngày càng sâu rộng đều là những người có tinh thần cách mạng. Phải, họ khẳng định, làm một cái gì đó để phá vỡ mô hình 80/ 20 này. Quan điểm mạch lạc nhất là quan điểm của những tác giả người Đức của cuốn Cái bẫy toàn cầu. Các tác giả này lý luận rằng toàn cầu hóa là một tình trạng lợi bất cập hại, và có thể và cần phải được ngăn chặn: “Toàn cầu hóa không phải là một quy luật tự nhiên. Thời đại vô định, vô mục đích phổ quát như thế cần phải chấm dứt”.
Những kẻ tiên đoán tận thế hoàn toàn sai lầm
Chúng ta nên phải hiểu sao với những tranh luận trên? Tôi tin rằng cả những kẻ bi quan lẫn những người có tư tưởng cách mạng đều có kết luận sai lầm. Phần lớn những phân tích của họ là đúng và có tính khai sáng. Tuy nhiên, mặc dù họ có ám chỉ (ít nhiều một cách trực tiếp) đến Nguyên lý 80/20, nhưng hiểu biết của họ về nguyên lý này giỏi lắm thì cũng chỉ ở mức độ hời hợt. Nếu họ hiểu được nguyên lý này một cách đúng đắn thì họ sẽ thấy rằng có thể có được tiến bộ mà không cần làm cách mạng.
Trước hết chúng ta hãy xem xét cụ thể vấn đề thất nghiệp và bất bình đẳng và mối quan hệ giữa chúng với những thị trường toàn cầu ngày càng tự do hơn. Vâng, đúng là có nguy cơ xảy ra tình trạng thất nghiệp tràn lan trong giới quản lý do các công ty biết cách loại bỏ những khâu quản lý không cần thiết, và rồi sự cạnh tranh quốc tế buộc các công ty phải hạ thấp chi phí theo hướng một phương thức hoạt động đã được thể hiện tốt nhất qua thực tế; nếu không, chỉ còn một con đường, trong tình hình thị trường tự do, là đi đến chỗ phá sản. Thực tế chỉ có bấy nhiêu là đúng, không còn khả năng nào khác.
Thế nhưng toàn bộ bằng chứng của lịch sử cho thấy là sự phồn thịnh không phải là một vấn đề. Mọi công nghệ mới, mọi phát minh mới, mọi công cụ tiết kiệm nhân lực, mọi cải tiến các kỹ thuật sản xuất, mọi phương pháp giao hàng và dịch vụ ít tốn kém hơn – nói tóm lại, mọi biểu hiện của sự phát triển công nghiệp – đã dẫn đến không chỉ sự cải tiến không ngừng nghỉ và ngày càng đáng sửng sốt hơn về tiêu chuẩn sống cho tất cả mọi thành phần trong các xã hội dựa vào thị trường, mà còn dẫn đến tỷ lệ người có công ăn việc làm cao hơn. Ở mỗi thế hệ kể từ khi khởi đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp, luôn có những người – nào là nhóm Luddite chống lại phong trào cơ giới hóa, những kẻ tiên đoán ngày tàn của thế giới do sự bùng phát dân số, những kẻ theo chủ nghĩa tân phong kiến lãng mạn, những kẻ phát-xít, những người chống lại chủ nghĩa tư bản – chỉ ra những giới hạn của sự phát triển và sự bất lực của hệ thống thị trường trong việc tạo ra đủ công ăn việc làm cho mọi người. Tình trạng tăng dân số, sự gia nhập (hoặc tái gia nhập) của phụ nữ vào lực lượng lao động, việc xóa bỏ tầng lớp nông dân và nông nghiệp như một nguồn cung cấp việc làm quan trọng và sự gần như biến mất của những người hầu trong gia đình – tất cả những dấu hiệu cảnh báo tình trạng thất nghiệp dễ thấy này đã bị hút vào hệ thống thị trường. Lịch sử của chủ nghĩa tư bản là lịch sử của tiêu chuẩn sống cao hơn và mức độ tạo công ăn việc làm cao hơn.
Suốt 250 năm, những người tiên đoán ấy thường xuyên bị chứng minh là đã sai lầm. Lập luận của họ là, lần này mọi cái sẽ thực sự khác hẳn, và có thể nói rằng họ có cơ sở. Các thị trường toàn cầu đang trở nên ngày càng tự do hơn với một tốc độ nhanh chóng. Chúng ta hiện đang biết rằng cách thức tổ chức quản lý trong tập đoàn lớn đa lĩnh vực là cả một sai lầm. Chúng ta có thể hoạt động mà không cần đến một số lượng người khổng lồ hiện đang làm việc cho các công ty lớn. Trong 10 đến 20 năm tới, sẽ xảy ra tình trạng thất nghiệp trong giới quản lý.
Thế nhưng, chúng ta có thể và sẽ điều chỉnh. Chúng ta có thể giữ lại hệ thống thị trường toàn cầu – và sự phồn thịnh mà nói chung hệ thống ấy mang lại – mà không phải đương đầu với nạn thất nghiệp khó giải quyết. Sự tiến bộ, dưới hình thức giá cả thấp hơn cho những hàng hóa đã được tiêu thụ, sẽ tạo ra sức mua cho các loại hàng hóa và dịch vụ khác. Sức mua, trừ phi nó đột ngột tụt xuống do một cuộc khủng hoảng, sẽ lại tạo ra những việc làm mới. Nói chung, tình trạng này không diễn ra ở các công ty lớn, mà sẽ diễn ra ở những công ty nhỏ hơn hay ở các doanh nghiệp tư nhân (công ty một người hoặc công ty hùn vốn nhỏ) và ở các dịch vụ cung ứng cho cá nhân mà các tập đoàn lớn không thể (hoặc chưa thể) dễ dàng “thị trường hóa”. Sự phát triển của thị trường toàn cầu sẽ mở rộng hơn những thị trường phi toàn cầu hiện hữu hoặc sẽ tạo ra những thị trường phi toàn cầu mới.
Trường hợp trước mắt khu vực tư nhân không sản sinh ra đủ lượng công việc cần thiết – và điều này rất có thể xảy ra – chúng ta phải có khả năng di chuyển nhân lực sang làm những công việc có ích trong khu vực xã hội ấy. Không hề có sự thiếu hụt những công việc đòi hỏi kỹ năng cao và những công việc đòi hỏi ít kỹ năng hơn – từ giáo dục đến việc nâng cao tri thức thuộc mọi lĩnh vực đến việc cải thiện thành phố, thị trấn và làng xã của chúng ta – có thể làm cho xã hội phong phú hơn. Nếu thị trường thương mại không trả lương hoặc trả lương không đủ cho việc thực hiện những công việc này thì chẳng có lý do gì xã hội chúng ta không nên khuyến khích thực hiện chúng nhằm cung ứng cả việc làm và các dịch vụ.
Bởi lẽ trong một xã hội phồn thịnh bản thân nạn thất nghiệp không phải là một vấn đề. Nếu xã hội đủ giàu – và thị trường tự do sẽ làm cho xã hội ngày một giàu hơn – thì nạn thất nghiệp, theo nghĩa người dân muốn làm việc nhưng chẳng có việc để làm, sẽ chẳng bao giờ là một vấn đề. Họ có thể được thuê làm việc bên ngoài nền kinh tế thị trường; có điều là họ không được trả mức lương thị trường. Tuy nhiên, trừ phi chúng ta tin rằng sự giàu đó của xã hội nói chung sắp đi xuống, việc không thể trả mức lương thị trường cho lao động phi thương mại tự thân nó không gây ra vấn đề. Vấn đề chỉ phát sinh nếu chúng ta cảm thấy sự phân chia của cải trong xã hội là không công bằng.
Vấn đề nghiêm trọng thực sự không phải là tình trạng thất nghiệp hay nghèo đói mà là sự bất bình đẳng
Sự bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng, ở những xã hội trong đó mức giàu có chung đang tăng lên, là một vấn đề thực sự mà tất cả chúng ta cần phải tranh luận. Rõ ràng là, trong điều kiện không có sự tái phân bố của cải, các thị trường tự do hàm ý sự giàu có không đồng đều và các thị trường ngày càng tự do hơn tạo ra tình trạng bất bình đẳng này một tăng. Tình rạng này diễn ra nhanh nhất ở những quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và một số khu vực châu Á, đã biến thị trường của mình thành thị trường tự do nhất và đã làm tăng tính tự do này qua thời gian. Nguyên lý 80/20 giải thích vì sao tình trạng này đang diễn ra: 80% những gì hữu ích và có giá trị (được đo một cách dân chủ theo những khoản mua tự do của người tiêu thụ) được tạo ra bởi 20% lực lượng lao động. Nếu thị trường không bị can thiệp, phần lợi sẽ được phân bố không đồng đều do giá trị được tạo ra không đồng đều.
Điều này hàm ý rằng có một sự đánh đổi giữa sự giàu có hơn và sự công bằng. Nếu chúng ta chọn theo hướng tăng của cải thì tình trạng bất bình đẳng càng lớn hơn. Mức sống tuyệt đối của tất cả mọi người có thể vẫn tiếp tục tăng, nhưng phần béo bở sẽ vào miệng những con mèo vốn đã ú mềm.
Thị trường phản ánh giá trị tốt hơn bất kỳ một cơ chế nào khác. Câu trả lời đúng cho bài toán bất bình đẳng không phải là áp chế thị trường và việc tạo ra giá trị mà là đảm bảo mọi phần tử trong xã hội cùng tham gia một cách bình đẳng vào thị trường.
Chúng ta vẫn chưa khám phá hướng đi này một cách đàng hoàng. Có hai xuất phát điểm rõ ràng. Một là đưa mọi phần tử trong xã hội vào nền kinh tế thị trường. Xuất phát điểm thứ hai là đảm bảo sao cho mọi người trong xã hội, nhưng đặc biệt là những người nằm ở dưới đáy, biết cách làm thế nào để tận dụng tối đa tài năng của mình.
Tinh thần doanh nghiệp xã hội
Sự bất bình đẳng trong xã hội xảy ra trong một nền kinh tế thị trường không hẳn là do thị trường tạo ra kẻ thắng người thua mà là do không phải ai cũng có chân trong nền kinh tế thị trường. Những người bị loại ra khỏi thị trường hoặc những người chỉ tham dự vào ở một chừng mức giới hạn tất nhiên bị thua thiệt.
Để mọi người có thể tham gia vào nền kinh tế thì họ trước hết phải có chút ít tài sản và có ý muốn kiếm thêm tiền vừa với sức mình. Đây không phải là chỗ để bàn chi tiết làm sao để thực hiện được điều ấy, song việc này hẳn có thể làm được và có hiệu quả chi phí hơn nhiều so với việc cấp phúc lợi.
Quan trọng hơn nữa là giáo dục cần phải cung cấp cho mỗi công dân mới những kỹ năng có thể bán được trong lĩnh vực mà cá nhân lựa chọn. Nếu cần thiết, nhà nước nên tài trợ cho việc này. Có lẽ ngoài lĩnh vực giáo dục Nguyên lý 80/20 chẳng có ứng dụng gì khác quan trọng hơn. Do 20% nguồn tài nguyên hoặc chi phí tạo ra 80% kết quả, chúng ta cần tập trung vào những phương pháp giáo dục có hiệu quả cao để đảm bảo tất cả những người trẻ đều có thể làm việc có hiệu quả trong một mảng nào đó của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, không còn cách nào khác để đảm bảo sự kết dính xã hội và sự tiến bộ kinh tế không gián đoạn.
Nguyên lý 80/20 có thể và cần phải áp dụng vào giáo dục
Nếu chúng ta muốn cải thiện xã hội, xuất phát điểm tốt nhất là áp dụng Nguyên lý 80/20 vào lĩnh vực giáo dục. Vấn đề này có ba yếu tố chính: xác định một số ít đòn bẩy thực sự quan trọng có thể đưa đến những kết quả phi thường, phân quyền, và cạnh tranh.
Nguyên lý 80/20 cho ta giả thiết rằng có một vài lý do ít ỏi thực sự quan trọng có thể lý giải cho hiệu quả hoạt động giáo dục ưu việt, và một số ít phương pháp hay cách tiếp cận cho thấy mang lại kết quả phi thường. Nếu chúng ta có thể tách các nguyên nhân và phương pháp ấy ra và sau đó nhân rộng chúng ra, chúng ta sẽ có thể tạo ra những tiến bộ không ngờ.
Và chúng ta có thể làm được điều đó. Không phải là vấn đề này chưa từng được nghiên cứu. Chúng ta hãy duyệt qua những ý tưởng có thể rút ra từ chỉ từ hai công trình nghiên cứu.
Một công trình nghiên cứu 500 trường trung học của Viện Brookings xem xét những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh. Có lẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên là ảnh hưởng quan trọng nhất là năng khiếu và thái độ của học sinh, phần lớn do thành phần gia đình quyết định. Xét theo mục tiêu trung hạn, có một nhu cầu bức thiết là làm sao đảm bảo tất cả học sinh đến trường với một thái độ tốt đối với việc học tập: tức là học sinh thực sự muốn học. Chúng ta chỉ có thể làm được điều này bằng cách đảm bảo tất cả mọi gia đình đều được tham dự vào quá trình tạo ra của cải và sở hữu tài sản. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, điều này sẽ không thể xảy ra và nhà trường phải hoạt động với những gì mà họ hiện có.
Công trình nghiên cứu 500 trường trung học phát hiện rằng ngoài hai nhân tố năng khiếu và thái độ của học sinh, ảnh hưởng quan trọng nhất kế tiếp là bản thân nhà trường. Một số trường tốt hơn rất nhiều so với những trường khác. Và đi sâu hơn nữa vào vấn đề, công trình nghiên cứu này tìm cách lý giải cái gì làm nên sự khác biệt cho các trường thực sự tốt. Những giải thích thông thường được xem xét như: kinh phí rót cho trường, lương bổng giáo viên, kinh phí đầu tư trên mỗi đầu học sinh, sỉ số lớp, điều kiện tốt nghiệp. Thế nhưng những nhân tố này không hề tạo nên sự khác biệt. Những nhân tố thực sự quan trọng lại là sự kiểm soát của phụ huynh, tính rõ ràng của sứ mệnh của nhà trường, lãnh đạo, quyền chủ động của nhà trường, và sự tự do mà giáo viên có được cùng sự tôn trọng dành cho giáo viên.
Rất ít trường được tổ chức nhằm làm tăng tối đa, hoặc thậm chí khuyến khích, những nhân tố này. Chúng ta có thể sử dụng tiền công ít hơn vào giáo dục và gặt hái được kết quả cao hơn nhiều nếu chúng ta để cho giáo viên và phụ huynh nắm quyền kiểm soát nhà trường.
Kế đến là vấn đề phương pháp giáo dục trong nhà trường. Và ở đây tôi sẽ đề cập đến nghiên cứu thứ hai, thực ra là một loạt nghiên cứu được ghi lại trong quyển sách tuyệt hay của Gordon Dryden và TS Jeannette Vos mang tựa đề Cuộc cách mạng về phương pháp học tập (The Learning Revolution). Dưới đây là một số phương pháp đã được chứng minh là có hiệu quả được giải thích trong sách:
„Ở Flaxmere, New Zealand, những đứa trẻ 11 tuổi học chậm hơn những đứa trẻ đồng lứa đến 5 năm đã trong vòng dưới 10 tuần dần theo kịp bằng cách theo một chương trình đọc hiểu với sự trợ giúp của băng từ.
„Trong một thử nghiệm trong quân đội Hoa Kỳ, những người lính sử dụng các kỹ thuật được giải thích trong sách để học tiếng Đức đã đạt được kết quả tốt hơn đến 661% – tức là kết quả hơn gấp hai lần trong 1/3 lượng thời gian.
„Trường trung học Bridley Moor ở Redditch, Vương quốc Anh, sử dụng các kỹ thuật học tăng tốc để học ngoại ngữ. Theo những phương pháp bình thường thì chỉ 11% học sinh đạt được mức điểm 80/100 trở lên. Theo phương pháp mới, 65% đạt được mức điểm ấy. Theo phương pháp thường, chỉ 3% đạt được số điểm 90/100 hoặc cao hơn. Còn theo phương pháp mới, 38% học sinh đạt 90 điểm trở lên. Do đó, theo phương pháp mới số điểm từ 90 trở lên tăng gấp 10 lần.
Mặc dù không đề cập đến Nguyên lý 80/20, quyển sách của Dryden và Vos là một sự ca tụng Nguyên lý này. Điểm mấu chốt của Nguyên lý 80/20 là: hãy làm những gì có hiệu quả nhất đặc biệt là trong những lĩnh vực của cuộc sống có tầm quan trọng cao nhất. Luôn có một số nhỏ những phương pháp, những người thực hiện, những nguyên nhân và những cách tiếp cận, tạo ra được những kết quả cao hơn nhiều. Hãy xác định cho được những nhân tố này. Rồi sau nhân rộng chúng ra. Hiệu quả sẽ tự động không những được nâng cao mà còn được nhân rộng.
Chúng ta có thể giải quyết các vấn đề giáo dục của chúng ta, song chúng ta cần phải triệt để. Chúng ta cần phải áp dụng những gì có hiệu quả cao nhất. Và điều này không chỉ có nghĩa là những phương pháp tối ưu đã được kiểm chứng, thu hút được khả năng phi thường của khối óc con người khi được kích hoạt mà còn có nghĩa là cơ cấu đúng cho giáo dục. Có đầy đủ bằng chứng cho thấy rằng điều này có nghĩa là nhà trường phải nắm quyền kiểm soát vận mệnh của mình. Phụ huynh và giáo viên ở mỗi trường phải có quyền thử nghiệm và kiểm soát, và chỉ chịu sự giám sát khách quan về hiệu quả hoạt động.
Có một nhân tố chủ chốt khác giúp chúng ta cải thiện một cách đáng kể hệ thống giáo dục của mình, và đó chính là cạnh tranh. Những trường tốt phải có điều kiện khuếch trương thêm cũng như tiếp quản những trường hoạt động kém, nếu đó là ý nguyện của phụ huynh và học sinh của trường này. Những trường không tốt phải buộc đóng cửa.
Cách đây vài năm, Peter Drucker chỉ ra rằng Hoa Kỳ là quốc gia phát triển duy nhất hầu như không có vấn đề cạnh tranh trong hệ thống trường học. Tình hình này hiện nay đang thay đổi: East Harlem, Minnesota, Iowa, Arkansas, Ohio, Nebraska, Idaho, Utah, Massachusetts, Vermont và Maine hiện nay tất cả đã có những yếu tố quan trọng mà học sinh có quyền tự ý lựa chọn. Thế nhưng hầu hết các quốc gia, trong đó có cả Hoa Kỳ, hiện vẫn chưa có hệ thống trường học theo hướng thiên về cạnh tranh. Chừng nào chúng ta vẫn chưa có một hệ thống trường học như thế thì chúng ta vẫn tiếp tục lừa dối học sinh và xã hội. Một khi có được hệ thống ấy thì bước nhảy vọt về hiệu quả giáo dục sẽ diễn ra thường xuyên và đầy kinh ngạc. Mức độ kém hiệu quả lâu nay quá lớn và giữa một số những trường ít ỏi xuất sắc và hàng loạt những trường bình thường có cả một cách biệt lớn, cũng như giữa số ít những phương pháp mang lại hiệu quả siêu việt và hàng loạt những phương pháp thông thường kém hiệu quả – khiến cho việc áp dụng một cách có hệ thống Nguyên lý 80/20 vào giáo dục – bằng cách sử dụng những phương pháp đã được kiểm chứng, trao quyền kiểm soát cho phụ huynh và giáo viên, và cho phép vấn đề cạnh tranh phát huy hết sức mạnh diệu kỳ của nó – sẽ tạo ra những kết quả có lợi đến kinh ngạc. Quả là một tội lớn đối với nhân loại, mà trên hết là đối với trẻ em của chúng ta, nếu như chúng ta không chịu phóng thích nguồn sức mạnh này.
Nguyên lý 80/20 nêu bật tình trạng kém hiệu quả phổ biến
Tôi đã ca ngợi cách thức hoạt động của thị trường và cho rằng chúng ta có thể có thêm của cải do thị trường tự do mang lại trong khi vẫn hưởng thụ được trên của cải của mình mà không hề gây ra tình trạng thất nghiệp bất đắc dĩ hay gây ra tình trạng bất hòa trầm trọng hơn trong xã hội. Điều này nghe có vẻ quá lý tưởng. Lý do vì sao tôi tin như vậy là vì Nguyên lý 80/20 liên tục nhấn mạnh rằng chúng ta sử dụng quá ư là kém hiệu quả các nguồn tài nguyên của mình: thời gian, tiền của, sức lực, nỗ lực cá nhân, và trí thông minh. Điều nghịch lý là chính việc sử dụng các nguồn tài lực kém hiệu quả này lại là một tin rất vui. Bởi vì nói chung chúng ta hoạt động quá tồi, và vì chúng ta luôn tìm thấy một số ít nguồn tại nguyên hiêu quả hơn gấpnhiều lần so với đa số phần tài nguyên còn lại, chúng ta có thể thoải mái hoạt động tốt hơn nhiều. Thị trường tốt ở chỗ chúng tạo điều kiện để thuyên chuyển những nguồn tài nguyên có hiệu quả kém sang những nguồn tài nguyên có hiệu quả cao. Nhưng thị trường lại không đảm bảo cho sự thuyên chuyển này xảy ra. Cái đó phụ thuộc vào tri thức, kỹ nghệ và tinh thần dám mạo hiểm của doanh nghiệp. Những yếu tố này phát triển mạnh trong điều kiện thị trường hơn là trong điều kiện phi thị trường. Tuy nhiên thị trường luôn cần phải được lèo lái cho đúng hướng. Nếu thị trường tạo ra kết quả tốt nhất có thể được thì không thể tiếp tục có tiến bộ. Tiến bộ dựa vào việc tìm ra một cách tốt hơn để thực hiện mọi công việc. Và điều đó gồm cả cách thức chúng ta quản lý nền kinh tế thị trường tự do. Chúng ta luôn luôn có thể cải thiện thực trạng bằng cách áp dụng Nguyên lý 80/20.
Doanh nghiệp tự do sử dụng nguồn tài nguyên không đến nỗi tệ nhưng cũng không tốt lắm
Như nhà kinh tế chính trị người Pháp J-B Say đã nhận xét vào khoảng năm 1800, ‘nhà doanh nghiệp chuyển các nguồn tài nguyên kinh tế ra khỏi một khu vực có năng suất thấp sang một khu vực có năng suất cao hơn và tạo ra sản lượng cao hơn’. Quá trình này chính là trọng tâm của Nguyên lý 80/ 20, vốn chỉ ra rằng thông thường có rất nhiều cái có thể cải thiện được. Ngày nay quá trình này được gọi là “ác-bít”. Thị trường tự do tạo cơ hội cho ác-bít, nhưng nó không tự động tạo ra ác-bít và chỉ ở những lĩnh vực đơn giản nhất (chẳng hạn như giá trị tiền tệ quốc tế) thì ác-bít mới thực sự tỏ ra hiệu quả và có tính thuyết phục.
Tập đoàn doanh nghiệp hiện đại, ở trong bất kỳ môi trường nào cho phép cạnh tranh, có khuynh hướng gia tăng mức độ ác-bít, như J-B Say đã từng quan sát thấy ở nhà doanh nghiệp. Thế nhưng, tiếc thay, hầu hết các lãnh đạo công ty lại không phải là nhà doanh nghiệp; và cơ cấu công ty càng phức tạp thì lại càng khó ác-bít hiệu quả. Các tập đoàn, đặc biệt là những tập đoàn có nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau (những tập đoàn đa kinh doanh nắm quyền kiểm soát đại đa số các nguồn tài nguyên thị trường tự do), là những liên minh gồm nhiều nhà điều hành khác nhau (có hiệu suất hoạt động khác biệt nhau rất lớn) và nhiều phân khúc kinh doanh khác nhau (có khả năng sinh lời rất khác nhau). Đây là lý do vì sao hiện nay có xu hướng, rất phổ biến và phát triển nhanh chóng, tách các bộ phận của tập đoàn đa kinh doanh thành những công ty riêng tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh duy nhất. Những công ty được tách ra này thuần thiết về cơ cấu hơn vì chỉ tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh và hoạt động của chúng trên thị trường chứng khoán là cực kỳ thuận lợi, biểu thị mức độ giảm trừ giá trị diễn ra trước khi phân tách công ty. Tầm quan trọng của việc loại bỏ giá trị âm trước đó, và việc dễ dàng làm tăng lợi nhuận một khi quá trình ácbít được tạo điều kiện dễ dàng nhờ đơn giản hóa cơ cấu, sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên đối với những ai hiểu được Nguyên lý 80/20.
Nguyên lý 80/20 cho rằng doanh phân bổ nguồn tài nguyên không được tốt lắm
Quá trình ác-bít, tức là quá trình chuyển những nguồn tài nguyên sang những nguồn tài nguyên có năng suất hiệu quả cao hơn, không diễn ra một cách tự động, ngay cả trong những xã hội doanh nghiệp tự do nhất. Nó luôn cần được tác động lái đi đúng hướng. Làm thế nào ta tìm được đúng hướng? Và loại tác động nào là cần thiết?
Nguyên lý 80/20 cho chúng ta những câu trả lời rõ ràng. Hướng đi có thể xác định là tách số ít những lực lượng hùng mạnh ra khỏi số đông những lực lượng yếu kém bằng cách tách biệt (khử đi sự đổ đồng) đóng góp của mỗi lực lượng chiếu theo những tài nguyên dùng cho mỗi lực lượng. Nếu những lực lượng ấy tốt (ví dụ như đóng góp vào việc tạo ra lợi nhuận), chúng ta có thể thực hiện những bước nhảy vọt bằng cách lấy đi những tài nguyên từ đa số những khu vực hoạt động kém và phân về cho thiểu số những khu vực có năng suất cao (một ‘khu vực’ có thể là một sản phẩm, một khách hàng, một kênh phân phối, một nhóm nhà điều hành hoặc bất kỳ sự kết hợp nào giữa những yếu tố này). Trong một số trường hợp, chúng ta có thể làm cho những khu vực có năng suất không được cao lắm trở nên có năng suất cao gấp nhiều lần bằng cách hoặc huấn luyện cho chúng bắt chước được hành vi hoạt động của các khu vực có năng suất cao hoặc triển khai chúng lại theo một cơ cấu mới để chúng có thể có hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần. Tìm ra phương hướng bao gồm xem xét một cách cẩn trọng việc tách biệt hiệu quả hoạt động của từng lực lượng; và cũng thường bao gồm việc đơn giản hóa, phân quyền và đo đếm hiệu quả hoạt động ở mức tổng hợp thấp nhất một cách thường xuyên; và cần thiết phải có một cuộc giải phẫu triệt để nhằm phân bố lại nguồn tài nguyên để tận dụng hết khả năng của chúng. Sự tác động phải hướng vào những giải pháp vi mô hơn, triệt để hơn, theo đó chỉ có những lực lượng có năng suất cao mới được ban thưởng thêm nguồn tài nguyên còn những lực lượng có năng suất kém sẽ bị lấy bớt đi nguồn tài nguyên của mình.
Những người làm kinh doanh, cũng như bất kỳ ai khác, thông thường tỏ ra miễn cưỡng không muốn thực hiện những thay đổi triệt để và đơn giản hóa. Việc đơn giản hóa triệt để làm xáo trộn những quyền lợi bất di bất dịch (nhất là quyền lợi của chính các nhà quản lý), tạo ra những thay đổi làm phá vỡ cơ cấu cũ và đòi hỏi mọi người phải vừa có trách nhiệm vừa có ích cho tổ chức. Hầu hết mọi người đều muốn có cuộc sống bình yên, ổn định và không phải chịu trách nhiệm. Do thị trường không tự động hoạt động mà phải thông qua hoạt động của con người nên thị trường luôn luôn không hoàn hảo. Và tổ chức tham gia vào thị trường quy mô càng lớn và phức tạp bao nhiêu thì sự không hoàn hảo lại càng lớn bấy nhiêu. Các tổ chức thương mại xưa nay vẫn hoạt động hiệu quả hơn so với các tổ chức phi thương mại bởi vì ở đấy có nhiều điều kiện hơn cho ác-bít và bởi vì cạnh tranh bắt buộc ít nhất phải có một mức tối thiểu ác-bít nào đó. Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi tin rằng các nhà doanh nghiệp ưa thích cạnh tranh. Nguyên lý 80/20 tuyên bố rằng thị trường luôn luôn không hoàn hảo, rằng việc sử dụng các nguồn tài nguyên hầu như bao giờ cũng dưới mức tối ưu một cách nghiêm trọng và rằng bao giờ cũng có điều kiện tốt cho ác-bít thông minh. Ác-bít sẽ có xu hướng làm đơn giản hóa và tập trung xem xét hiệu quả hoạt động riêng của từng tài nguyên.
Vậy thì thông điệp của Nguyên lý 80/20 dành cho phe cánh hữu có trách nhiệm là gì? Câu trả lời tất nhiên là quá đơn giản. Cánh hữu gồm những người bảo thủ, cấp tiến, tự do, những kẻ độc tài và những người theo chủ nghĩa tự do xã hội. Nhưng hầu hết những người thuộc cánh hữu có cùng chung sự coi trọng sự bất bình đẳng kinh tế, sự khâm phục (dù lộ ra hoặc che giấu) đối với tầng lớp tinh hoa, sự căm ghét sự can thiệp về kinh tế và xã hội bằng các chính sách, và sự tán thưởng thị trường và cạnh tranh.
Về vấn đề bất bình đẳng kinh tế, Nguyên lý 80/20 nhận thấy rằng đó là một vấn đề thâm căn cố đế và lãng phí. Tương tự, nguyên lý này giúp giải thích cho sự thịnh hành của các nhóm tinh hoa và ủng hộ quan điểm rằng thành tựu là một cuộc chơi dành cho nhóm người thiểu số, nhưng nó cũng tập trung chú ý vào sự thất bại trong việc sử dụng tất cả các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả. Các nhóm tinh hoa chỉ có thể biện minh được nếu họ cải thiện được chất lượng cuộc sống cho mọi người, chứ không phải chỉ cho riêng họ; và nếu họ thực sự nghiêm túc về việc làm giảm lãng phí xã hội. Nguyên lý 80/20 tán thành sự hiện diện của thị trường và xem ác-bít như một nguồn động lực tạo ra những bước nhảy vọt về sự phồn thịnh, nhưng chỉ ra rằng hầu hết các công ty đều quá kém về hiệu quả hoạt động và rằng các nhà quản lý không phải bẩm sinh đã thích cạnh tranh hay ác-bít. Chúng ta vẫn chưa xem xét liệu Nguyên lý 80/20 sẽ đưa chúng ta đến những chính sách can thiệp ít hơn hay sâu hơn, trong lĩnh vực kinh tế hoặc trong lĩnh vực xã hội.
Có chăng một cách hiểu Nguyên lý 80/20 theo quan điểm cánh tả?
Nếu thị trường không tạo ra kết quả tối ưu và doanh nghiệp vốn không hiệu quả, như tuyên bố của Nguyên lý 80/20, thì liệu nguyên lý này có biện minh được cho sự can thiệp của nhà nước trong các vấn đề kinh tế và xã hội nhằm ngăn chặn sự lãng phí và tạo ra kết quả tối ưu cho mọi công dân?
Để bắt đầu trả lời cho câu hỏi này, trước tiên chúng ta hãy tránh không bàn các vấn đề kinh tế và bàn sơ qua về các vấn đề xã hội. Việc áp dụng Nguyên lý 80/20 có có nhanh chóng làm lộ ra những ý tưởng nào không? Và những ý tưởng ấy có thiên về ủng hộ một chính sách bảo thủ hay can thiệp?
Nguyên lý 80/20 giúp đẩy lùi tội phạm
Kể từ năm 1993, thành phố New York đã chứng kiến một sự tụt giảm đột ngột và đầy kinh ngạc về tỷ lệ tôi phạm. Ví dụ, ở khu vực Bắc Brooklyn, một trong những khu vực tội phạm khét tiếng, số vụ giết người đã giảm xuống từ 126 vụ vào năm 1993 còn 44 vụ vào năm 1995: giảm đến 65%! Chất lượng cuộc sống trong thành phố đã được thay đổi – một sự thay đổi chẳng ai ngờ đến, song lại là một thay đổi được trù liệu hữu ý. Cảnh sát trưởng William Bratton xác định rằng phần lớn tội phạm là do một số nhỏ kẻ phạm tội gây ra và xảy ra trong một số nhỏ các tình huống điển hình, như những thanh niên rượu chè ở các góc phố. Lúc đầu ông chỉ đạo một cuộc ra quân hùng hạnh của đội ngũ cảnh sát nhằm vào những khu vực nổi cộm nhất và giải quyết một nhóm thiểu số phần tử phạm pháp và tình huống đang gây ra phần lớn số tội phạm. Cảnh sát áp dụng hình thức “không khoan nhượng” với tình trạng bất hợp pháp, thậm chí với những tội nhẹ như rượu chè ở các góc phố, phóng uế ngoài đường và vẽ bậy trên tường. Một cuộc ra quân hùng hậu nhưng nhắm vào một số đối tượng ít ỏi tỏ ra hiệu quả. Cho dù có ý thức hay không, ông Bratton lúc ấy đang áp dụng Nguyên lý 80/20: tập trung vào số 20% gây ra 80% vấn đề, trong trường hợp này là quyết tâm loại bỏ tận gốc 20% số vụ phạm pháp mấu chốt.
Nỗ lực này, cũng tương như như một nỗ lực trước đó do Thị trưởng thành phố Marbella ở Tây Ban Nha, hiệu quả hơn nhiều so với tiên đoán của bất kỳ ai, không chỉ trong việc tấn công vấn đề tội phạm trong nhóm đối tượng mà còn trong việc làm thay đổi bộ mặt của những khu dân cư bị ảnh hưởng. Khái niệm ngưỡng chuyển đổi được bàn ở Chương 1 có thể giúp giải thích vì sao điều này đã xảy ra. Ý tưởng là một khi một cách tân hay một tập quán mới phát triển đến một mức nào đó, chỉ cần một lượng nhỏ công sức thêm vào có thể gặt hái được những kết quả khổng lồ. Mặc dù có tồn tại một số lượng tội phạm nhất định trong khu vực, thậm chí dưới những hình thức tương đối nhẹ như nhậu nhẹt nơi công cộng, phóng uế ngoài đường hay vẽ bậy trên tường, hành vi có khuynh hướng tập trung về mẫu số chung nhỏ nhất. Xe hơi bị đập phá, những công dân có chút ít ý thức tuân thủ luật pháp phạm những tội nhẹ và những người giàu có và người đứng tuổi tránh không ra đường. Thế nhưng khi nỗ lực của cảnh sát đạt đến điểm mà tội phạm trở nên đủ hiếm và khu phố trở nên đủ văn minh thì thái độ và hành vi đột ngột thay đổi và cả khu vực được “lột xác”.
Ý nghĩa cho chính sách xã hội đã quá rõ ràng. Chi phí đổ vào việc giải quyết các vấn đề xã hội khi chưa đạt đến điểm ngưỡng chỉ là coi như đổ sông đổ biển. Nhưng nếu một lượng nỗ lực nhỏ giúp đạt tới điểm ngưỡng, bằng cách dồn công sức vào 20% số tình huống gây ra 80% vấn đề thì tác động của mỗi lượng tăng nhỏ về tiền của hay công sức sẽ cực kỳ lớn.
Thế nhưng, bạn có thể hỏi, điều này có liên quan gì đến cánh tả và cánh hữu, với quan điểm chính trị bảo thủ và tự do chứ? Thực chất, là nhiều đấy. Có lẽ tôi đã hơi gian lận một tí khi bàn trước về vấn đề tội phạm, một trong số ít những vấn đề xã hội mà cánh hữu chuộng cách giải quyết bằng sự can thiệp của nhà nước (dưới hình thức cảnh sát). Không còn gì nghi ngờ nữa rõ ràng là Nguyên lý 80/20 có thể sử dụng hiệu quả nhất để làm giảm tội phạm. Một ví dụ khác là một cách tiếp cận mới đây của lực lượng cảnh sát Anh nhằm vào 20% đối tượng tội phạm, bằng cách bố ráp cùng lúc nhà ở của nhóm đối tượng. Và nếu cách tiếp cận can thiệp, tập trung có hiệu quả trong vấn đề tội phạm, thì về bản chất không có lý do gì cách tiếp cận can thiệp không thể thành công trong lĩnh vực chính sách xã hội.
Hai chữ “nhưng” lớn trong sự can thiệp xã hội
Tuy nhiên, có hai chữ “nhưng” lớn khi nói rằng các chương trình xã hội theo hướng can thiệp có thể được chứng minh là đúng bởi Nguyên lý 80/20.
Chữ “nhưng” thứ nhất là Nguyên lý 80/20 có thể dẫn đến những giải pháp khác thường. Hãy nhớ ý tưởng cốt lõi của nguyên lý này: bất kỳ một vấn đề hoặc một cơ hội nào đều có một số ít nguyên nhân quan trọng mà chúng ta cần phải xác định và xử lý một cách quyết liệt và tập trung. Áp dụng ý tưởng này có thể đưa đến những câu trả lời mâu thuẫn với những câu trả lời đặc trưng của cánh tả và cánh hữu.
Hãy xét vấn đề nhiều tranh cãi là chăm sóc ý tế. Cánh tả ở hầu hết các quốc gia muốn mở rộng thêm phạm vi chăm sóc y tế: xây dựng thêm bệnh viện, thuê nhiều bác sỹ và y tá hơn và dành ngân sách lớn hơn cho mục tiêu này, nếu cần thiết thì sẽ đánh thuế cao hơn để lấy quỹ. Cánh hữu thì muốn giữ nguyên hoặc cắt giảm thuế và đảm bảo chăm sóc y tế do nhà nước trợ cấp chỉ ưu tiên cho những ai thực sự có nhu cầu. Trong cuộc tranh luận này, hai phe gần như không có cơ sở gì chung và không dễ có cách gì để nói chủ trương nào là tốt hơn.
Nhưng nếu chúng ta hỏi Nguyên lý 80/20 ủng hộ phe nào thì câu trả lời là: không phe nào cả. Cách đây 20 năm, Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ đã cố gắng xác định nguyên nhân gây ra bệnh tật và kết luận rằng chỉ 10% là do chăm sóc y tế hay thiếu chăm sóc y tế; và đúng 50% có liên quan đến hành vi cá nhân. Thế nhưng dưới thời Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ, ngân sách phân bổ cho chữa trị y tế cao hơn gấp 20 lần so với ngân sách phân bổ cho tổng các chương trình khuyến khích chế độ ăn uống tốt hơn, giáo dục y tế, phát thuốc tự chữa và tập luyện sức khỏe cá nhân.
Nguyên lý 80/20 xác nhận rằng 20% tiền của bỏ ra sẽ tạo ra 80% kết quả mong muốn và ngược lại. Sự tiến bộ phụ thuộc vào việc xác định những cái 20% tạo ra 80% kết quả và những cái 80% tạo ra chỉ 20% kết quả. Trong trường hợp này, cái 20% dẫn đến 80% kết quả rõ ràng là giáo dục y tế, đặc biệt là ở giai đoạn đầu khi nó có hiệu quả cao nhất. Trong trường hợp chăm sóc y tế, cũng như trong hầu hết mọi lĩnh vực khác, biện pháp ngăn ngừa là tốt hơn và ít tốn kém hơn nhiều so với việc chữa trị; ngăn chặn bệnh tật ở những giai đoạn đầu thì tốt hơn và ít tốn kém hơn là ngăn chặn chúng sau đó; và việc tạo ra những thói quen sống lành mạnh trong giới trẻ, những thói quen mà có thể kéo dài suốt một đời người, sẽ có lợi hơn nhiều so với hầu hết bất kỳ hình thức chi tiêu xã hội nào khác.
Dồn hết công sức vào giáo dục y tế để đạt đến điểm ngưỡng là khi giáo dục y tế thực sự có hiệu quả, đến khi nó thực sự làm thay đổi hành vi con người là việc nên làm. Nhà nước nên tạo ra và giám sát các chương trình nhằm đảm bảo có được những bước tiến lớn về chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh, có lẽ bằng cách sử dụng các công ty tiếp thị trong khu vực tư nhân và trả tiền cho họ theo kết quả. Có lẽ chúng ta cần ít bệnh viện hơn, ít bác sỹ hơn, và ít y tá hơn; và cần thêm những người làm công tác y tế tự nguyện tại nhà hơn, nhiều nhà dinh dưỡng hơn, nhiều phòng tập thể dục hơn, nhiều công cụ tập luyện hơn, nhiều công viên hơn, nhiều làn đường dành cho xe đạp hơn và đánh thuế cao hơn vào những loại thức ăn không có lợi cho sức khỏe.
Chữ “nhưng” thứ hai xoay quanh hiệu quả hoạt động của nhà nước
Nguyên lý 80/20 tương đối lạc quan về vấn đề thiết kế xã hội. Nguyên lý này hứa hẹn rằng những giải pháp khác thường, dựa trên quan sát rằng 20% tạo ra 80% kết quả rồi sau đó tập trung nỗ lực vào cái 20% đó, có thể cho kết quả cao hơn với lượng công sức ít hơn; và rằng bằng cách khoanh vùng đối tượng và phân bố lượng tài nguyên đủ để đạt đến điểm ngưỡng, chúng ta có thể tạo ra những cải thiện lớn trong bất kỳ vấn đề xã hội nào. Như nói ở phần trên, chữ “nhưng” thứ nhất là giải pháp tìm ra sẽ mang tính khác thường và thực dụng, dựa trên quan sát những cái 20% thực sự có hiệu quả. Bây giờ đã đến lúc chúng ta bàn về chữ “nhưng” thứ hai, chữ “nhưng” gây ra những vấn đề lớn còn lại. Đó là thành tích hoạt động của nhà nước với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ thật đáng ta thán và kém xa thành tích của các dịch vụ tư nhân. Ngoài một số ít trường hợp ngoại lệ (như Dịch vụ Y tế Quốc gia của Liên hiệp Anh NHS) các dịch vụ do nhà nước cung cấp dường như luôn thuộc nhóm 80% hoạt động chỉ mang đến 20% giá trị.
Tạo sao mọi phiên bản siêu nhà nước của thế kỷ XX đều thất bại
Nguyên lý 80/20 không những có thể quan sát thấy hiệu quả hoạt động kém của các siêu nhà nước mà nó còn đi tiếp bước nữa là tìm cách lý giải sự yếu kém ấy. Ở phần trên, chúng ta chỉ trích hầu hết các doanh nghiệp tư nhân là hiệu quả kém, vì Nguyên lý 80/20 chứng minh được rằng hầu hết các tập đoàn, đặc biệt là những tập đoàn phức tạp và kinh doanh đa ngành, có khuynh hướng trợ cấp chéo các hoạt động và làm khó phân biệt mức độ hiệu quả thực sự, ở cấp độ sản phẩm, khách hàng, bộ phận phòng ban và cấp quản lý. Tuy nhiên, hiệu quả kém của các dịch vụ tư nhân chỉ mang tính tương đối và sẽ quá khắt khe nếu chúng ta phủ nhận những tiến bộ lớn lao về mức sống mà các tập đoàn doanh nghiệp hiện đại đã tạo ra. Trong vòng 100 năm qua, sản lượng trên mỗi đầu công nhân tăng lên gấp 50 lần và, nếu không phải nộp một phần ngân sách về cho nhà nước, thì mức sống cũng sẽ tăng theo. Các tập đoàn kinh doanh lớn xứng đáng được ghi công cho sự dồi dào đến chóng mặt này.
Việc nhà nước cung cấp dịch vụ hầu như đảm bảo cho những dự đoán kinh khủng nhất của Nguyên lý 80/20 là đúng. Đó là do không thể nào xác định được giá trị đóng góp của các dịch vụ và rất khó đo lường được mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra thậm chí ở những mức độ rất là chung chung; ở mức độ thành phần, thì điều này là hoàn toàn không thể. Đó không phải là do ác ý hay yếm thế của những nhà cung cấp dịch vụ nhà nước, mà nó vốn nằm ngay bên trong một hệ thống trong đó khách hàng hầu như không có quyền chọn lựa, trong đó không có nhu cầu đo đếm hiệu quả hoạt động và trong đó người cung cấp giá trị cao hơn không được trọng thưởng.
Tất cả mọi tổ chức, đặc biệt là những tổ chức phức tạp, bản thân đã và cố tình hoạt động không hiệu quả. Cái làm cho các tổ chức thuộc khu vực tư nhân ít kém hiệu quả hơn các tổ chức thuộc khu vực công chính là yếu tố thị trường. Yếu tố này xưa nay không hề tồn tại ở khu vực công, do đó những nhà cung cấp dịch vụ kém không bị “chết” và quan trọng hơn nữa là những nhà cung cấp dịch vụ tốt không có được những nguồn tài nguyên mới. Quá trình ác-bít theo Nguyên lý 80/20 không được phép thực hiện. Ở khu vực công, Phân tích 80/20 chẳng có ích lợi gì do hầu như không thể thu được những dữ liệu thành phần, có ý nghĩa về hiệu quả hoạt động, và nếu có thể đi chăng nữa thì không ai có động lực hoặc nhu cầu làm một điều gì đó để khuyến khích số ít những nhà cung cấp dịch vụ có giá trị nhất và lấy đi những nguồn tài nguyên khỏi tay các nhà cung cấp dịch vụ có giá trị kém. Do đó, tạo ra những bước nhảy vọt về giá trị là điều không thể. Và vì thế, nếu chúng ta muốn đạt được nhiều với lượng công sức bỏ ra ít hơn thì cách bắt đầu tốt nhất là tước hết mọi chức năng cung cấp dịch vụ của nhà nước.
Những người thuộc cánh tả thông minh đã bắt đầu nhìn thấy vấn đề này. Việc xóa bỏ chức năng cung cấp dịch vụ của nhà nước không nhất thiết có nghĩa là nhà nước sẽ có vai trò nhỏ hơn với tư cách là người nắm ngân sách. Mức thuế và việc phân bố lại của cải không nhất thiết phải có liên quan gì với phạm vi cung cấp dịch vụ của nhà nước. Thế nhưng trên thực tế, vẫn sẽ có một mối tương quan nào đó. Nếu nhà nước không chịu từ bỏ hầu hết những chức năng cung cấp dịch vụ của mình thì sự phản đối việc thu thuế và giá trị nhà nước thấp sẽ dẫn đến mức trợ cấp thấp hơn từ phía nhà nước. Ngược lại, nếu nhà nước chịu cho thầu các dịch vụ (dù cho các tổ chức tình nguyện hoặc các tổ chức thuộc khu vực tư nhân, hoặc lý tưởng là cho hai loại tổ chức này cạnh tranh đấu thầu), chúng ta sẽ có thể khuếch trương khối lượng và giá trị của mảng cung cấp dịch vụ với chi phí thấp vừa đủ, có thể chấp nhận được.
Nguyên lý 80/20 gợi cho chúng ta điều gì về sự can thiệp kinh tế của nhà nước?
Vấn đề gây tranh cãi lớn duy nhất giữa cánh tả và cánh hữu mà chúng ta vẫn chưa xét đến là sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực kinh tế. Nguyên lý 80/20 không tin vào sự hoàn hảo của cơ chế thị trường, do nó bị ảnh hưởng của những tổ chức phức tạp có thể hoạt động rất kém hiệu quả. Tuy nhiên cơ chế thị trường phân quyền, trong đó người tiêu thụ có thể tự do mua được giá trị, tạo động lực cho quá trình ác-bít và hiệu suất hoạt động. Trên thực tế, sự can thiệp của nhà nước hầu như bao giờ cũng thiên hẳn về phía người sản xuất (người sản xuất có thể vận động hàng lang rất hiệu quả và đôi lúc, với những mức độ trung thực khác nhau, lật đổ nhà nước vốn lúc nào cũng quan tâm đến tình trạng có việc làm trước mắt) và đi ngược lại quyền lợi của người tiêu thụ. Chính sách chống tờ-rớt là chính sách duy nhất mà nhà nước tỏ ra thiên về phía người tiêu dùng, và thậm chí ở đây những thành tựu đạt được trong 2/3 thế kỷ qua có chăng cũng là quá bé nhỏ.
Nguyên lý 80/20 gợi ra rằng ác-bít và hiệu suất hoạt động có được điều kiện thuận lợi nhất khi nhà nước can thiệp ít nhất vào các vấn đề kinh tế. Điều này trái ngược hẳn với giá trị của sự can thiệp vào các vấn đề xã hội (miễn là nhà nước không trực tiếp cung cấp các dịch vụ). Trong các vấn đề xã hội, tiềm năng cải thiện bằng cách áp dụng Nguyên lý 80/20 quả là to lớn. Lãng phí gây ra cho xã hội nói chung chỉ có thể giảm thiểu đến mức tối đa khi xã hội tổ chức lại những hoạt động của mình một cách triệt để, và các cơ chế chính trị là những cơ chế duy nhất làm cho điều đó xảy ra.
Nguyên lý 80/20 xác nhận có tiềm năng cho những cải thiện to lớn
Những người thuộc các phe khác sẽ phải xác định xem chương trình mà Nguyên lý 80/20 gợi ra thuộc về phe cánh tả, phe trung lập cấp tiến hay phe cánh hữu cấp tiến. Có thể Nguyên lý 80/20 có thể giúp xếp lại một số vấn đề tranh luận vô ích giữa cánh tả và cánh hữu: đó là những vấn đề dựa trên quan điểm chứ không phải dựa trên quyền lợi. Điểm mấu chốt của Nguyên lý 80/20 là nó nêu bật những chênh lệch to lớn về hiệu quả hoạt động vốn có trong mọi phương diện của cuộc sống: sự mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra, cách chúng ta tự lừa dối mình bằng việc tư duy theo những con số quân bình và hiệu quả hoạt động tổng thể, sự khác biệt giữa số ít phương pháp có hiệu quả cao và đa số các phương pháp tầm thường. Do đó, Nguyên lý 80/20 tự trong nội tại đã mang tính xông xáo, đầy tham vọng, nôn nóng thay đổi hiện trạng và gắn chặt với ý tưởng tiến bộ – nguyên lý này khẳng định rằng chúng ta có thể thực hiện những cải thiện to lớn cho sự giàu sang và hạnh phúc mọi cá nhân và cho chất lượng xã hội nói chung.
Do đó Nguyên lý 80/20 mở ra tiềm năng cho các công dân trung thực, không vụ lợi thay thế các đảng phái chính trị và khởi đầu một trang mới. Giá trị chính của Nguyên lý 80/20 đối với lợi ích công, cũng như đối với lợi ích công ty và cá nhân, chính là những thấu hiểu mà nó mang đến cho chúng ta về nguyên nhân và kết quả. Sự thấu hiểu ấy cho phép chúng ta thực hiện những bước tiến dài về phía trước. Những thay đổi tích cực luôn luôn có thể thực hiện được và luôn tính phá vỡ. Những chỉ dẫn của Nguyên lý 80/20, trong chính sách công cũng như ở những lĩnh vực khác, mang tính cấp tiến, nhắm đến sự thay đổi và dựa vào hiệu quả hoạt động.
Vậy thì, câu trả lời của tôi là Nguyên lý 80/20 quả có một sức mạnh đạo đức. Nó thách thức chúng ta cơ cấu các tổ chức (dù phi lợi nhuận hay tạo lợi nhuận) và xã hội sao cho lượng tài nguyên lớn nhất có thể được phân về cho số ít mảng hoạt động cực kỳ hữu ích đối với người dân, và đảm bảo rằng hiệu quả của đa số những nguồn tài nguyên hiện có năng suất không cao được tăng lên gấp bội.
Tiến bộ: một thực tế trong quá khứ, hiện tại và tương lai
Tạo sao chúng ta lại không chịu tin vào khả năng làm tăng hiệu quả của con người chứ? Vào năm 1798 Thomas Malthus, một mục sư lập dị người Anh, bày tỏ quan ngại trong bài viết của mình mang tựa đề Luận bàn về dân số (Essay on Population) “rằng khả năng của dân số lớn hơn rất nhiều so với khả năng của trái đất trong việc tạo ra nguồn sống cho con người”. Malthus đã đúng khi nói về sự sinh sôi của con người trên trái đất, nhưng có thể ông đã không thể tưởng tượng ra được sự gia tăng về năng suất nông nghiệp đang diễn ra lúc ấy. Ở phương Tây ngày nay chúng ta có thể tự nuôi sống mình, song số lao động thuê vào làm nông nghiệp đã giảm từ 98% xuống còn khoảng 3%! Và công nghiệp đã tạo ra những gia tăng khá lớn về sự giàu có và sản lượng trên một đầu người, mức tăng sản lượng gộp là 3-4% mỗi năm, hay nói cách khác là tăng gấp 50 lần sản lượng trên mỗi đầu công nhân.
Trong suốt quãng đời của mình, chúng ta đã chứng kiến chất lượng hàng tiêu dùng được nâng lên mức hoàn hảo và tính đa dạng mà ông bà ngày xưa không thể nào tưởng tượng ra. Chúng ta cũng đã chứng kiến hàng loạt những sản phẩm điện tử kỳ diệu mới làm thay đổi bộ mặt của gia đình và cơ quan và ranh giới giữa chúng. Chúng ta đã quan sát thấy những quốc gia từ bờ vực của sự diệt vong đã đứng lên trở thành những quốc gia công nghiệp hàng đầu rất phồn thịnh và biết nhìn ra thế giới bên ngoài. Chúng ta đã chứng kiến hầu hết các quốc gia ở châu Âu đã từ bỏ những thù nghịch dân tộc và ý thức hệ và cả một vùng đất mới của thế giới (ở châu Á) tự mình vươn lên đạt tới sự thịnh vượng. Tất cả những thành tựu ấy đã áp dụng tinh thần của Nguyên lý 80/ 20, và nhiều thành tựu ngoạn mục nhất về chất lượng, lĩnh vực điện tử và điện toán, đã vận dụng đúng đắn Nguyên lý 80/20 để làm thay đổi hiệu quả.
Chúng ta thấy hết những điều này, thế mà chúng ta vẫn không thể tin vào khả năng tạo ra tiếp những tiến bộ lớn lao. Chúng ta tưởng tượng ra rằng khả năng làm thay đổi thế giới của công nghiệp đã đi đến đường cùng, rằng những gì có thể đạt được đều đã đạt tới và rằng chúng ta và thế hệ sau chỉ còn mong làm sao củng cố được những thành tựu hiện nay. Chúng ta không tin những nhà chính trị, chúng ta không tin vào công nghiệp và chúng ta đã từ bỏ thói quen nuôi hy vọng. Chúng ta lo lắng cho công việc của mình và tin rằng có lẽ chúng ta đang phải đương đầu với tình trạng tan rã của xã hội văn minh.
Nếu chúng ta chấp nhận Nguyên lý 80/20, chúng ta sẽ giảm bớt được nỗi lo sợ nhờ có được một tinh thần lạc quan lớn. Hãy tin tôi, với kinh nghiệm của một nhà tư vấn chiến lược dày dạn kinh nghiệm, quá quen thuộc với những công ty “toàn cầu” đã trỗi lên từ bờ vực phá sản thành những công ty hàng đầu, vẫn còn có nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả của công nghiệp. Các tập đoàn sẽ không đột ngột ngừng phát triển về năng suất. Họ chỉ mới bắt đầu áp dụng công nghệ thông tin một cách đúng đắn. Họ chỉ mới gần đây phát hiện ra rằng khách hàng và nhà đầu tư còn quan trọng hơn cả các quy trình quản lý nội bộ của họ. Hiện họ đang dần biết cách cạnh tranh có hiệu quả. Và quan trọng hơn hết là họ đang bắt đầu ý thức được rằng tính phức tạp trong cơ cấu của họ đang gây ra không biết bao nhiêu là tốn kém và lãng phí.
Tôi tuyệt đối tin tưởng vào dự đoán rằng sự kết hợp giữa công nghệ và quyết tâm mới từ phía các nhà điều hành cấp cao nhằm phục vụ khách hàng và nhà đầu tư, dù có ảnh hưởng như thế nào đối với cơ cấu quản lý đi nữa, sẽ đưa một số ít công ty – nên nhớ rằng chỉ cần một số ít công ty thôi cũng đủ chứng minh rằng có thể đạt được những thành tựu cao hơn nhiều so với mức hiện nay – đến những thành công kinh ngạc đến mức (miễn là thị trường vẫn tiếp tục được tự do ở mức chấp nhận được) trong vòng 50 năm tới chúng ta sẽ phải sửng sờ trước sự thay đổi về mức sống do các tập đoàm tạo ra, hơn cả sự kinh ngạc mà chúng ta có ngày hôm nay đối với sự tiến bộ trong nửa thế kỷ qua.
Và cho dù các tập đoàn với vai trò hiện nay có đạt được thành tựu lớn lao mấy đi nữa, thì vẫn luôn còn đó hiệu ứng bội số, như Nguyên lý 80/20 hứa hẹn như vậy. Trong trường hợp này, chúng ta có thể xác định nó một cách dễ dàng. Nó đứng sừng sững phía trên chúng ta với tính chất kém hiệu quả phơi ra ấy của nó: đó là khu vực nhà nước. Dẫu đã có tư hữu hóa, khu vực nhà nước, theo ý nghĩa chung nhất của nó, vẫn ngốn hết 30-50% các nguồn tài nguyên kinh tế ở hầu hết các quốc gia. Ở Vương quốc Anh, cái nôi của tư hữu hóa, khu vực quốc doanh vẫn ngốn hơn 40% tài nguyên. Thế nhưng lập luận cho việc nhà nước cung cấp các dịch vụ đã bị đập tan và chẳng còn mấy ai dù theo cánh tả tin vào lập luận ấy nữa. Nếu chúng ta tư hữu hóa tất cả, cả giáo dục lẫn các dịch vụ bảo vệ an ninh, nhưng trên cơ sở đảm bảo sự cạnh ranh có hiệu quả giữa các nhà cung cấp dịch vụ mới và hiện thời, và cho phép các tổ chức phi lợi nhuận cạnh tranh một cách bình đẳng với các tổ chức tạo lợi nhuận, chúng ta sẽ có được sự gia tăng giá trị thường xuyên và đáng kể. Quan trọng hơn hiệu quả làm giảm chi phí, chúng ta sẽ chứng kiến những cải thiện tuyệt vời về chất lượng dịch vụ. Trong ngành giáo dục chẳng hạn, một số trường và phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn gấp 50 lần so với các trường và phương pháp khác, và hiện chỉ có một phần trăm rất nhỏ các nhà giáo đang sử dụng công nghệ thông tin một cách sáng suốt. Nếu chúng ta loại bỏ những rào cản thể chế đối với ác-bít và với sự phổ biến rộng ra những tập quán làm việc tốt nhất thì ảnh hưởng đối với cuộc sống của chúng ta và nền kinh tế hầu như quá sức tưởng tượng. Nếu chúng ta áp dụng Nguyên lý 80/20 có hiệu quả như đã áp dụng trong lĩnh vực máy điện toán thì hiệu ứng bội số sẽ rất là kinh ngạc.
Hãy có trách nhiệm đối với tiến bộ
Hãy gạt bỏ tư tưởng hoài nghi và bi quan của mình. Những thói xấu ấy, cũng như những tư tưởng đối nghịch, có khả năng tự thân biến thành hiện thực. Hãy lấy lại niềm tin vào sự tiến bộ. Hãy ý thức rằng tương lai đang là đây; ngay trong số ít những tấm gương sáng ngời, trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục, trí thông minh nhân tạo, khoa học y tế, vật lý và thực chất trong mọi ngành khoa học, và thậm chí trong các thử nghiệm chính trị và xã hội, trong đó chúng ta đã vượt qua những mục tiêu mà trước kia chưa từng ai có thể tưởng tượng ra và những mục tiêu mới tiếp tục bị chinh phục. Hãy ghi nhớ Nguyên lý 80/20. Sự tiến bộ xuất phát từ một thiểu số những con người hoặc các tổ chức chứng minh được rằng mức hiệu quả hoạt động mà trước kia được cho là đã đạt tới trần có thể sẽ trở thành mức sàn đối với tất cả mọi người. Sự tiến bộ đòi hỏi phải có tầng lớp tinh hoa, nhưng đấy phải là lớp tinh hoa sống để đạt đến vinh quang và để phục vụ cho xã hội, sẵn sàng cống hiến tài năng của mình cho mọi người chúng ta. Sự tiến bộ tùy thuộc vào thông tin về những thành tựu phi thường và sự phát tán những thử nghiệm thành công, vào việc phá vỡ những cơ cấu được số đông chạy theo quyền lợi riêng dựng lên, vào việc đòi hỏi những tiêu chuẩn dành riêng cho một thiểu số có đặc ân đặc quyền phải được chia sẻ cho tất cả mọi người chúng ta. Và trên hết, sự tiến bộ, như văn hào Bernard Shaw đã bảo chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải có những yêu cầu hơi quá mức. Chúng ta phải tìm ra cái 20% trong bất kỳ lĩnh vực nào tạo ra 80% giá trị, và sử dụng những dữ kiện tìm ra được để nhân lên gấp bội những gì chúng ta cho là có giá trị. Nếu mục tiêu của chúng ta luôn phải vượt quá tầm với thì sự tiến bộ đòi hỏi chúng ta phải nắm được bất cứ những gì mà một thiểu số cá nhân đã đạt được và đảm bảo rằng đó là mức chuẩn tối thiểu cho tất cả chúng ta.
Cái hay nhất của Nguyên lý 80/20 là bạn không cần phải chờ đợi ai cả. Bạn có thể bắt đầu thực hành nguyên lý này trong cuộc sống cá nhân và trong công việc của mình. Bạn có thể đóng góp những phần nhỏ nhoi của mình – từ những thành tựu, hạnh phúc và khả năng phục vụ lớn nhất của riêng bạn – cho mọi người và biến chúng thành phần quan trọng nhiều hơn nữa trong cuộc sống của mình. Bạn có thể nhân lên gấp bội những chỗ đạt hiệu quả cao của mình và loại bỏ hầu hết những chỗ hiệu quả thấp đi. Bạn có thể xác định được số đông những hoạt động giá trị kém và thừa thải và bắt đầu cắt bỏ đi những cái thừa thải ấy. Bạn có thể khu biệt những phần trong cá tính, cách làm việc, lối sống và các mối quan hệ của mình mà, chiếu theo lượng thời gian và công sức bỏ ra, giúp tạo ra cho bạn giá trị cao gấp nhiều lần so với những cái tầm thường thường nhật, và một khi khu biệt được chúng, bạn có thể, với lòng quả cảm và kiên quyết cao, nhân chúng lên gấp bội. Bạn có thể trở thành một con người hay hơn, hạnh phúc hơn, và hữu ích hơn. Và bạn có thể giúp cho người khác cũng được như bạn.