Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trí Tuệ Do Thái

Chương 1: Một Buổi Tụ Tập Tại Quán Café Ladino

Tác giả: Eran Katz

Chỉ một câu nói. Chỉ từng đó thôi cũng có thể thay đổi cuộc đời một con người. Dù sao, đó là điều đã xảy ra với Jerome…

Trên tầng 14 của khách sạn Marriott ở Tulsa, Oklahoma, trong lúc đợi thang máy xuống tiền sảnh, tôi bắt đầu thấy hồi hộp. Lúc cửa thang máy mở ra là lúc tôi đang duyệt lại một lượt tất cả những điểm cơ bản trong bài phát biểu sắp tới của mình.

Trong thang máy có một anh chàng cao to, vai rộng, mặc một bộ vest màu trắng đầy hoa văn, trên đầu anh ta ngự một chiếc mũ cao bồi, còn cổ thì đung đưa một chiếc thánh giá bằng vàng. Đôi ủng cao bồi là phụ kiện cuối cùng làm nên bộ trang phục hoành tráng của anh ta, đúng là một hình ảnh rất ấn tượng. Chỉ thiếu mỗi con ngựa, mà có khi nó đang đợi ở ngoài bãi đỗ xe của khách sạn cũng nên. Trên ve áo anh chàng cao bồi có một tấm card ghi tên cuộc hội thảo mà tôi sắp tham dự. Tấm card ghi, “Jim Brown, Houston, TX.”

“Chào anh,” tôi mở lời với người lạ mặt khi bước chân vào buồng thang máy.

“Xin chào,” anh ta đáp lời với âm mũi đặc trưng của người Texas cùng một nụ cười tươi, rộng đến tận mang tai. Anh ta liếc nhìn tấm card ghi tên tôi và đọc to, “Eran Katz, Jerusalem, Israel, Diễn giả.” Một chút ngạc nhiên làm nụ cười của anh ta còn tươi hơn.

“Anh đến từ Jerusalem Đó hả?”, anh ta hỏi tôi.

Jerusalem Đó, theo tôi hiểu, tức là Jerusalem – thủ đô của Israel chứ không phải Jerusalem – một trong số những thị trấn nho nhỏ ở Mỹ có cùng tên.

“Một và chỉ một mà thôi,” tôi đáp lại, lòng đầy tự hào.

“Tôi đã luôn mơ ước một ngày được đến đó.”

“Chín trăm đô, mười hai tiếng, thế là đến nơi rồi,” tôi nói lại. Anh chàng có tên Brown mỉm cười hiểu ý.

“Anh là diễn giả buổi sáng nay hả?”, anh ta nói, nửa khẳng định, nửa dò hỏi.

“Phải.” Tôi nghĩ đến những lo lắng của mình về chủ đề của bài phát biểu, vậy nên tôi quyết định nói sơ qua cho anh ta về chủ đề tôi sắp trình bày.

“Nghe có vẻ rất thú vị đấy,” anh ta động viên tôi.

“Cảm ơn. Tôi cũng chỉ mong có thế,” tôi trả lời khi cánh cửa thang máy mở ra tiền sảnh.

“Chắc chắc là thế rồi,” Brown nói chắc như đinh đóng cột khi chúng tôi cùng nhau ra khỏi thang máy. “Những người Do Thái các anh là những người thực sự rất thông minh.”

Tôi mỉm cười khi chào tạm biệt, rồi hai người đi về hai phía khác nhau.

Có thể trong những hoàn cảnh khác, tôi sẽ cảm thấy một chút phân biệt chủng tộc trong những lời anh ta nói, nhưng Jim Brown gây cho tôi ấn tượng rằng anh ta là một người tốt và chân thành. Anh ta không phải là người đầu tiên nói những lời đó với tôi, và tôi cũng chẳng phải là người Do Thái đầu tiên được nghe lời khen đó. Tôi đi dạo loanh quanh trong tiền sảnh, cảm giác hơi lạ lẫm. Tận sâu trong tâm trí mình, có một điều gì đó vẫn khiến tôi không yên – một điều gì đó rất khó nắm bắt mà tôi không thể chạm đến được. Trong lúc tiếp tục suy ngẫm về điều đó, tôi đã đi đến một kết luận rằng, về cơ bản, bây giờ tôi có hai mối quan tâm:

1. Tại sao ai cũng nói như vậy về người Do Thái?

2. Làm thế nào để tìm được chính xác chỗ ăn sáng trong vòng hai mươi phút tới?

Bởi những thôi thúc của cái dạ dày luôn được đặt lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên nên tôi đành gạt qua một bên bí ẩn về “Những người Do Thái thông minh.” Tôi có cảm giác rằng vào lúc bảy rưỡi sáng như thế này, một tách cà phê đặc và một chiếc bánh sừng bò sẽ tốt cho kỹ năng thuyết trình của tôi hơn nhiều so với lời giải cho một thắc mắc nho nhỏ về triết học.

Một tuần sau cuộc gặp với Jim Brown, như thường lệ, tôi lại gặp Itamar và Jerome tại quán Café Ladino. Sáng thứ sáu nào cũng vậy, cứ 10 giờ là chúng tôi hẹn nhau ở quán cà phê nhỏ bé, quen thuộc này, một cái lỗ tí xíu trên bức tường rộng lớn, một góc khuất nằm trong một ngõ nhỏ ở khu Nahlaot của Jerusalem. Rất ít người biết đến quán cà phê tuyệt vời này. Jerome đã phát hiện ra nó từ hồi hắn còn đi giao báo buổi sáng. Những bài hát Do Thái tiếng Ladino(1) và ánh sáng màu cam mê hoặc đã thu hút hắn vào cái mà ban đầu hắn cứ ngỡ là một tầng hầm. Hắn bước tiếp thêm bốn bước nữa, những bước chân dẫn hắn từ con phố vào trong một cái hang được chiếu sáng bằng những ngọn đuốc. Sàn nhà được trải bằng những tấm thảm Ba Tư, những chiếc bàn hình tròn rải rác khắp căn phòng. Nơi đó có không khí mát mẻ, dễ chịu. Chủ nhân của quán, Fabio, là một người đam mê tiếng Ladino. Đó là lý do vì sao những bài hát thuần tiếng Ladino, từ những bản nhạc nhẹ nhàng lãng mạn cho đến những những bài hát salsa khó tìm, luôn đều đặn phát ra từ những chiếc loa giấu kín. Trong nhiều năm, Fabio đã cố gắng rất nhiều để cải thiện quán. Anh ta đã cho đập bức tường phía sau, mở một cánh cửa thông ra khoảng sân nhỏ sau quán. Anh ta thuê người xây một khoảng hiên rất đẹp, trồng vài cái cây quanh đó và đặt một bức tượng bằng đồng pha thiếc mà anh họ anh ta tự tay làm. Thế đấy, đó là nơi chúng tôi vẫn gặp nhau vào thứ sáu hàng tuần, đúng 10 giờ; thỉnh thoảng chúng tôi ngồi trong cái hang, đôi lúc lại ở ngoài hiên, tùy thuộc vào thời tiết và tâm trạng mỗi lần đến quán. Những người khách còn lại của quán là những cặp đôi lãng mạn hoặc những người khách du lịch tình cờ đi ngang qua.

Thực ra thì chính ba chúng tôi cũng gặp nhau rất tình cờ.

Itamar Forman và tôi biết nhau từ hồi học đại học. Tôi vẫn thường copy bài tập của cậu ta để chuẩn bị cho những buổi thảo luận chuyên đề mà chúng tôi cùng tham gia. Cậu ta đủ tốt bụng để giúp tôi, còn tôi thì đủ tốt bụng để chấp nhận sự giúp đỡ đó. Có một người bạn như thế, tôi thấy chẳng việc gì phải bắt bản thân mình quá sức, nhất là khi tôi còn có những môn học khác đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực hơn. Đôi khi, tôi còn trả tiền cho Itamar để cậu ta làm bài cho tôi – nhất là khi tôi không có đủ thời gian; như hồi mùa hè năm 1990 chẳng hạn, khi đó là thời gian diễn ra World Cup ở Italia. Dù rất tôn trọng khóa học về “Những nhân tố trong mối quan hệ giữa người Do Thái và người Ả Rập kể từ Ngày chuyển giao đến nay,” nhưng trong những ngày đó, mối quan hệ giữa Macro van Basten và Ruud Gulit của đội Hà Lan còn quan trọng với tôi hơn nhiều.

Hiện tại, Itamar là giáo sư giảng dạy môn Khoa học Chính trị. Cậu ta đã kết hôn với Dalia, cô gái cậu ta quen ở trường đại học và họ đã có hai đứa con sinh đôi đặt tên là Omry và Noa.

Jerome lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Jerome và tôi gặp nhau nhờ chiếc FIAT 127 nho nhỏ, xinh xinh của hắn. Hắn đã tông vào đuôi xe tôi trong khi lùi ra khỏi bãi đậu. Tôi nhớ mình đã bóp còi chiếc Subaru của mình inh ỏi nhưng chả có tích sự gì. Hắn thậm chí còn không thèm nhìn vào gương chiếu hậu trước khi bắt đầu lùi. Lúc đó hắn đang bận nghe tường thuật trận bóng đá trên đài giữa đội Hà Lan và Brazil, và đúng vào lúc hắn sang số lùi thì Frank Rijkaard làm bàn đưa Hà Lan lên dẫn trước. Vì cũng là một fan bóng đá cuồng nhiệt nên tôi phải đồng ý với hắn rằng sang số lùi vào đúng lúc ai đó ghi bàn là một điều hoàn toàn khó kiểm soát. Ở đây, chúng tôi nói về hai hành động ở hai thái cực hoàn toàn mâu thuẫn với nhau.

Khi Jerome chui ra khỏi xe để đánh giá thiệt hại mà hắn đã gây ra, mắt tôi bắt gặp hình ảnh một gã cao nghều, gầy nhẳng với mái tóc bờm sư tử loăn quăn, cặp kính tròn màu đen giống cặp kính mà Buddy Holly vẫn hay đeo. Tuy vậy, điều ấn tượng nhất ở vẻ ngoài của hắn lại là chiếc áo. Trên đó in một hình vẽ, màu sáng, trông giống như “bà ngoại” Golda Meir, cựu thủ tướng Israel. Chính cái khoảnh khắc đó, tôi đã nhận ra Jerome đặc biệt đến mức nào. Có bao nhiêu người dám đi khắp nơi với một chiếc áo phô ra hình của Golda Meir chứ? Kể từ đó, chúng tôi trở thành những người bạn vĩ đại của nhau. Jerome là một người cực kỳ đặc biệt. Hắn sinh ra ở Australia và mặc dù hắn đã sống ở Israel hơn 25 năm nhưng hắn vẫn có chất giọng đặc trưng của dân mới nhập cư. Hắn đặc biệt hay mặc những chiếc áo với màu sắc dễ gây ảo giác mua ở Hawaii và các đảo vùng Caribbean, trên những chiếc áo đó in những bức hình nghệ thuật của những người mà chẳng ai nghĩ sẽ đem in lên áo. Thay vì những tấm hình của Bon Jovi, Bono(2) hay những ngôi sao nhạc rock khác, trong bộ sưu tập của Jerome, người ta sẽ có thể bắt gặp Khadaffi, Madeline Albright, Abba Eban hay thậm chí là Nelson Mandela(3) khoác trên mình bộ đồ Người dơi. Đến tận bây giờ, Jerome vẫn kiếm được kha khá từ những chiếc áo như thế.

Jerome là một anh chàng vui tính. Hắn rất có khiếu hài hước và niềm lạc quan của hắn dành cho cuộc sống có thể biến mọi trở ngại trên con đường hắn đi thành những kinh nghiệm vĩ đại. Hắn có đến cả triệu bạn bè và dành phần lớn thời gian của cuộc đời để chạy xô từ bữa tiệc này sang bữa tiệc khác. Chúng tôi là những người bạn “trí thức” của hắn. Ít nhất, đấy cũng là từ mà hắn vẫn khoái dùng để giới thiệu chúng tôi với mọi người trong những dịp hiếm hoi chúng tôi đi dự tiệc cùng hắn.

Vậy đó, theo lệ thường, như tôi đã nói, chúng tôi lại tụ tập vào một thời điểm quen thuộc, ở một nơi quen thuộc mà không hề biết rằng cái ngày thứ sáu đặc biệt đó sẽ thay đổi cuộc đời chúng tôi…

Chúng tôi đang ngồi tán chuyện về việc làm ăn của Jerome và về chuyến đi mới nhất của tôi tới Mỹ. Đến cuối buổi, tự nhiên tôi nghĩ đến Jim Brown và kể cho hai người nghe về cuộc đối thoại trong thang máy.

“Ai là người đầu tiên quan niệm rằng người Do Thái là những người có trí thông minh vậy nhỉ?”, tôi đặt vấn đề với Itamar. “Chỉ là định kiến hay nó có gắn với một sự kiện nào đó?”

Itamar nhún vai và nhìn lên trời.

“Nghe này,” cậu ta nói to suy nghĩ của mình thành lời, “trong quá khứ, và thậm chí cả ngày nay nữa, người Do Thái luôn được gắn với phẩm chất về chất xám và trí tuệ. Thuật ngữ ‘Bộ óc Do Thái’ dùng để chỉ một người nào đó thật thông thái, đã trở thành cụm từ được sử dụng bởi cả những người Do Thái và người không theo đạo Do Thái.” Cậu ta ngừng lại để suy nghĩ một lát. “Nhưng điều này rất thú vị,” cậu ta bỗng nhiên nói tiếp. “Điều bí ẩn này đã phát triển như thế nào, và về mặt học thuật mà nói thì nó có còn tồn tại không? Tớ chưa bao giờ ngẫm nghĩ thật kỹ về vấn đề này.”

“Không phải chỉ vì một kiểu đại loại như chủ nghĩa bài Do Thái hả?”, tôi gợi ý, cố tìm lời giải cho vấn đề mình đưa ra.

“Không hẳn là thế,” Itamar nhận xét. “Có những người không chịu ảnh hưởng của những thiên kiến đó, và họ chấp nhận điều này như một thực tế hoàn toàn rõ ràng, mặc dù cũng có xen lẫn một chút đố kỵ. Một kiểu đố kỵ xuất phát từ lòng ngưỡng mộ,” Itamar khẳng định. “Mặt khác, nếu là quan điểm bài Do Thái thì ‘bộ óc Do Thái’ phải được nói bằng những từ ngữ tiêu cực chứ.”

“Rõ ràng là,” Jerome xen vào cuộc thảo luận, “một người Do Thái thông minh là một người Do Thái nguy hiểm. Chính từ điều này, người ta mới dựng nên điều bí ẩn đó – bởi vì đối với họ một bộ óc Do Thái là một kẻ xảo quyệt, nham hiểm và khó lường.”

“Dù thế nào đi nữa,” Itamar tiếp tục mà không thèm để ý đến lời của Jerome. “Có một điều rất thú vị là những người Do Thái, ít nhất, đã thành công trong việc liên kết những kẻ không ưa họ và những người ủng hộ họ trong một điều: chưa từng có ai nói người Do Thái ngu ngốc. Một khuôn mẫu đã luôn gắn liền với người Do Thái – và mọi đứa trẻ đều lớn lên với khuôn mẫu này – rằng dân tộc Do Thái là một dân tộc thông minh, khôn khéo và có đầu óc nhạy bén.”

Tôi nhìn Itamar đầy ngưỡng mộ. Theo nhịp được quá trình suy nghĩ rất hệ thống và logic của cậu ta lúc nào cũng là một kinh nghiệm rất thú vị với tôi. Khi ai đó hỏi cậu ta bất cứ câu hỏi gì, cậu ta không bao giờ trả lời chỉ mang tính chất chiếu lệ. Cậu ta luôn suy nghĩ theo chiều sâu của vấn đề.

“Mà thực ra, chả có gì bất thường trong chuyện này,” cậu ta tiếp tục, một minh chứng hùng hồn cho những điều mà tôi đang nghĩ về cậu ta. “Dân tộc nào chẳng có một vài kiểu khái quát hóa như thế. Hầu như tất cả các dân tộc đều có những nét đặc trưng nhất định gắn liền với mình, cho dù những nét đặc trưng này có thật hay không đi chăng nữa. Người Scotland keo kiệt, người Mexico lười biếng, người Thụy Sĩ nghiêm khắc, người Nhật láu cá, người Đức mô phạm…”

“Xem nào,” Itamar nói tiếp, “còn gì nữa không nhỉ… À, người Italia thì sao nhỉ?”

“Người Italia là những người tình tuyệt vời,” Jerome phát biểu.

“Còn người Pháp?” Itamar vẫn tiếp tục.

“Người Pháp cũng là những người tình tuyệt vời,” Jerome thông thái khẳng định.

“Có dân tộc nào không khiến cậu nghĩ đến chuyện trăng hoa lăng nhăng không hả?”, tôi hỏi Jerome.

“Có chứ,” hắn trả lời. “Người Polak(4). Tớ không thể tượng tượng ra cảnh họ trên giường.” Ba chúng tôi cùng bật cười khúc khích khi nghĩ đến cảnh đó. Vấn đề ở đây là mặc dù cuộc thảo luận là về chủ đề các mẫu hình đặc trưng, câu nhận xét này vẫn cho thấy Jerome là người thích phân biệt chủng tộc và khoái châm biếm.

“Tại sao những con chó ở Ba Lan lại có mũi tẹt?”, Jerome tiếp, và sau một vài giây im lặng, “Bởi vì chúng đuổi theo những chiếc xe đang đậu!” Hắn phá ra cười làm chúng tôi cười theo.

Trong mấy phút sau đó, chúng tôi lao vào những trận cười nghiêng ngả khi cả ba thay nhau kể chuyện cười về các dân tộc khác nhau, mỗi câu chuyện lại khiến người kia nhớ đến một câu chuyện cười đại loại như thế. Dần dần, chúng tôi cạn hết những câu chuyện và ngồi đó im lặng, cố gắng lấy lại hơi sau những trận cười mệt lử. Một lần nữa – ‘hình như’ những “người Do Thái thông minh” không có sự nhạy cảm với những nét đặc trưng của các dân tộc khác và tự chiều chuộng mình bằng việc cười cợt. Nếu chỉ đơn giản là kể các câu chuyện theo một mạch thống nhất thì đã đành… nhưng đằng này bạn ta lại kể chuyện đùa để cười đùa, giễu cợt. Liệu bạn có cười không nếu một nhóm những gã người Tây Ban Nha phá lên cười trước những câu đùa về chuyện người Do Thái viêm màng túi?

Jerome nghịch chiếc tách cà phê của hắn, nhìn chằm chằm vào đó như kiểu đang nằm mơ giữa ban ngày. Tôi mân mê gói đường, còn Itamar hết gập lại duỗi chân trong khi dán mắt vào cặp vợ chồng già mới bước vào quán.

“Và chuyện những người Do Thái thông minh,” Itamar lên tiếng, đưa chúng tôi trở lại với chủ đề đang dở,. “thật thú vị,”. Ccậu ta tiếp tục trầm ngâm. “Tớ phải tìm hiểu xem tại sao lại có điều bí ẩn này mới được.” Trông cậu ta như thể thực sự đang rất trăn trở trước vấn đề đó.

“Các cậu biết đấy,” tôi bất chợt lý luận. “Tớ đã giảng một vài buổi tại Viện ngôn ngữ Do Thái về việc cải thiện trí nhớ. Cuối mỗi buổi dạy, sinh viên lớp Torah(5) hay đến chỗ tớ và nói về những phương pháp nghiên cứu, những kỹ năng phát triển trí nhớ mà họ vẫn sử dụng. Điều thú vị, điều này có liên quan đến vấn đề chúng ta đang thảo luận, là tớ chưa từng bắt gặp những phương pháp đó trong bất cứ cuốn sách nào hay trong bất cứ nghiên cứu nào mà tớ từng thực hiện.”

Mắt Itamar sáng lên. “Cậu nói nghiêm túc chứ?” Cậu ta kéo ghế thẳng lại và ngồi dựa về phía tôi.

“Rất nghiêm túc,” tôi trả lời.

“Điều đó thật đáng kinh ngạc,” cậu ta nói bằng một giọng phấn khích mà tôi không thể nào hiểu nổi. Cậu ta nhìn đăm đăm ra ngoài cây táo trồng trong sân, đôi mắt đảo đảo cho thấy cậu ta đang suy nghĩ hết công suất.

“Điều gì đáng kinh ngạc cơ?” Jerome, cũng giống như tôi, đang cố gắng hiểu sự việc.

“Ở đây, chúng ta có hai điểm,” cậu ta phân tích tình huống theo đúng cái kiểu ‘Itamar-biết-tuốt’ đặc trưng của mình. “Chúng ta có một điều bí ẩn đằng sau sự khôn ngoan và sắc sảo của người Do Thái, và chúng ta có những phương pháp thực tế mà người Do Thái đã sử dụng trong hàng thế kỷ qua!” Cậu ta phá vỡ dòng suy nghĩ của chính mình. “Nếu tớ hiểu đúng, chúng ta đang có một câu chuyện vĩ đại trong tay – câu chuyện về một dân tộc Do Thái thông tuệ với những phương pháp và kỹ thuật phát triển tầng lớp trí thức đã được giữ kín hàng ngàn năm như một bí mật mang tính chất văn hóa. Chúng ta có thể viết nên một cuốn sách kỳ vĩ về tất cả những điều này.”

“Tại sao phải làm thế?”, Jerome hỏi, chẳng thèm che dấu sự thiếu hứng thú của mình.

“Để tất cả mọi người trên thế giới này có thể được hưởng lợi từ bí mật đó, tất nhiên là thế rồi,” Itamar đập mạnh tay xuống bàn đầy hăng hái. “Nghĩ mà xem. Chúng ta có thể dạy cho những đứa trẻ người Na Uy, chẳng hạn thế, cách để ghi hàng núi thông tin về các bài kiểm tra thông qua việc sử dụng chính những phương pháp đã giúp các sinh viên Do Thái theo học tại trường đạo nhớ được kinh Talmud giỏi đến vậy! Chúng ta cũng có thể dạy các thương nhân cách đàm phán, thương thuyết bằng chính phương pháp mà các nhà buôn Do Thái đã làm ở châu Âu… hay… thậm chí… chúng ta có thể chỉ cho sinh viên Harvard cách đạt toàn điểm A bằng chính những kỹ thuật đã biến Marahal của Praha hay Gaon của Vilna(6) thành những học giả Torah vĩ đại!

“Nếu chúng ta nói đến những phương pháp có hiệu quả thì tại sao lại phải bó hẹp chúng trong khuôn khổ bức tường của những trường đạo chứ? Tại sao tất cả mọi người lại không áp dụng những phương pháp đó chứ? Các cậu có hiểu điều tớ muốn nói không? Chúng ta có thể bật mí những bí mật của bộ óc Do Thái!” Cậu ta kết thúc suy nghĩ của mình bằng một sáng kiến, một điều đang bắt đầu sôi sục lên trong tâm trí mình.

Sự kích động của Itamar bắt đầu ảnh hưởng đến tôi. Có một điều gì đó trong những điều cậu ta nói thực sự rất độc đáo. Đó là kiểu ý tưởng mà bạn sẽ tự hỏi chính mình, “Làm sao mà mình lại không nghĩ ra sớm hơn nhỉ?”

Một lúc sau, Jerome buông ra một câu làm chúng tôi cụt hứng.

“Xin lỗi nhé, nhưng chính xác thì ‘chúng ta’ mà bọn mình đang nói đến là ai vậy? Với tất cả lòng tự trọng, tớ chính xác không phải là ứng cử viên thích hợp cho vị trí đồng tác giả đâu đấy. Đầu tiên, tớ chỉ vừa đủ điểm qua được kỳ thi SAT(7). Thứ hai, trừ khi có phương pháp nào đó để phát triển tri thức hướng tới việc kiếm một cô bạn gái, còn nếu không, tớ chả hứng thú với cuốn sách của các cậu đâu,” Jerome nói huỵch toẹt. Rồi ngay lập tức, hắn nói thêm “dù vậy, tớ sẵn sàng giúp các cậu tiếp thị tại thị trường Carribe. Biết đâu kế hoạch này lại giúp vụ kinh doanh quần áo của tớ ở đấy phát đạt thì sao. Nó sẽ nhắc người ta nhớ rằng người Do Thái là những người cực lỳ sáng láng… đại loại như thế.” Hắn cười tự mãn ra vẻ rất đồng tình.

“Cậu nói gì ấy nhỉ, Eran?” Itamar hỏi tôi. “Cậu có muốn thực hiện ý tưởng này không?”

“Nghe có vẻ thú vị lắm,” tôi trả lời. “Thực sự rất hấp dẫn.” Tôi không thể kiềm chế được.

Itamar thu xếp mấy thứ đồ lặt vặt của cậu ta và ra hiệu cho bồi bàn đem hóa đơn đến cho chúng tôi. “Đến thứ sáu tuần sau, tớ sẽ tìm hiểu được sự hình thành bí ẩn về người Do Thái thông minh. Tớ có một vài giả thuyết về sự bí ẩn này.” Cậu ta nguệch ngoạc vài dòng ra một tờ khăn ăn nhỏ, nhét nó vào túi bên của chiếc cặp da và kéo ghế đứng dậy. “Xin lỗi nhưng tớ phải đi đây. Tớ có hẹn với nha sĩ,” cậu ta giải thích.

Jerome cũng đứng dậy và thay cặp kính đọc sách bằng một cặp kính râm thời trang. “Cả tớ, cũng phải đi con đường của mình đây,” hắn nói. “12 giờ tớ có hẹn với chuyên gia chăm sóc sắc đẹp, Bob,” hắn lại một lần nữa giở câu đùa quen thuộc.

“Còn tớ thì có hẹn với cái hóa đơn, chắc là vậy rồi,” tôi thở dài khi thọc tay vào túi quần và rút ví ra.

Liền kề với bãi đỗ xe bên ngoài, trước khi đến lối vào siêu thị, tôi chợt thấy cô Lippman, cô giáo tôi hồi lớp sáu. Hai mươi năm đã trôi qua kể từ lần cuối tôi gặp cô (nói đúng hơn là làm phiền cô, như tôi vẫn thường vậy), và tôi nghĩ rằng mình nên lịch sự một chút bằng cách đến chào cô. Tôi băng qua đường và gọi to. “Cô Lippman ơi.”

Cô quay lại và nheo nheo mắt, cố nhận ra xem tôi là ai. “Yossi à,” cô hướng về phía tôi.

“Eran ạ,” tôi sửa lại.

“Eran Burnstein!” cô nói thêm.

“Eran Katz.”

“Eran Katz hả!” cô kêu lên cùng một nụ cười gượng. “Ôi, tất nhiên là cô nhớ rồi.”

Trên khuôn mặt cô tôi chẳng thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ niềm vui của cô khi gặp lại cậu học trò cũ là tôi.

Tôi hỏi thăm tình hình cô và tỏ ý muốn nghe những điều cô đã trải qua trong suốt hai mươi năm qua. Rõ ràng là cô đã đi qua rất nhiều sự kiện. Mà thực tế là hình như năm nào cũng có một điều gì đó đáng kể xảy ra với cô, và tôi là một kẻ cực kỳ may mắn mới được nghe tất cả những sự kiện đó, với tốc độ khoảng mười lăm phút cho mỗi năm.

Mặc dù sự chán ngán và khó chịu đã vây xung quanh tôi nhưng tôi nghĩ mình nên cho cô một chút cảm giác hài lòng trong nghề nghiệp. Nhiều năm đã trôi qua từ khi tôi phá hoại những buổi cô lên lớp hay đơn giản chỉ là không thèm đến lớp, giờ tôi tự hào nói với cô rằng tôi, một học sinh cá biệt, đang viết một cuốn sách về bí mật của bộ óc Do Thái, và tôi đang tìm hiểu sự thật đằng sau bí ẩn về sự thông minh của người Do Thái.

“Cái đó thì có gì mà tìm hiểu?” Cô hỏi tôi, với đúng cái giọng của một bà giáo. “Đó là một thực tế! Người Do Thái luôn thông minh.” Tôi chợt nhớ lại lý do tại sao tôi hay bỏ giờ cô hai mươi năm về trước. Trong mọi trường hợp, chỉ cần có cơ hội là cô ngăn cản bất cứ ai có ý định viết một cuốn sách về bí ẩn sự thông thái của người Do Thái. Cô chính là bằng chứng sống cho thực tế rằng không phải người Do Thái nào cũng được Đấng tối cao ban cho một bộ óc. Mặt khác, chính vì cô, niềm hứng thú của tôi với việc tìm hiểu bí ẩn này tiếp tục lớn dần lên.

Bình luận