Bí quyết học tập tại các trường đạo
Jerome từ từ cho xe lăn bánh qua những lối đi hẹp của khu mộ đạo Mea She’arim. Bọn trẻ con kinh ngạc trước chiếc xe màu mè của Jerome, chiếc xe trông giống như xe quảng cáo cho Triển lãm Hoa Quốc tế Hà Lan vậy. Những màu sắc rực rỡ, bóng loáng nổi bật hẳn lên trên nền khung cảnh xám xịt, không có lấy một bóng cây của khu dân cư.
Khi Jerome đỗ xe lại, bọn trẻ con tò mò tiến đến và nhìn chằm chằm vào chúng tôi.
“Thầy Dahari kìa,” tôi chỉ về phía người đang đứng ở góc phố. Ông có vẻ hơi bối rối trước chiếc xe.
“Thầy Dahari!” Jerome mở cửa sổ và gọi to.
Vị giáo sĩ nhìn sang hai bên trước khi dựa vào chiếc xe và gật đầu cho chúng tôi biết ông đã nhận ra chúng tôi. “Tìm chỗ đỗ xe đi. Ta sẽ đi bộ,” ông nói bằng giọng của công việc.
“Có gần đây không.”
“Không xa đâu.”
“Vậy thầy vào xe đi, chúng ta sẽ tìm chỗ nào ở gần đấy để đỗ xe,” Jerome gợi ý.
Vị giáo sĩ hơi mỉm cười. “Nếu có ai nhìn thấy tôi đi loanh quanh trên một chiếc xe thế này, tôi mất việc ngay.”
Trường đạo ‘Mir’ tọa lạc trên một con hẻm nhỏ ở khu Bucharim. Từ ngoài nhìn vào, ít ai nghĩ học viện Do Thái này có thể chứa được hơn năm nghìn người. Lối vào chính, ở phía đông tòa nhà, trông khá khiêm tốn. Một cầu thang hẹp dẫn lên một lối nhỏ làm bằng đá cẩm thạch trắng. Xa xa khỏi lối vào là một khoảng cầu thang đầy sinh viên, tất cả đều mặc áo trắng và quần đen, tấp nập đi lên đi xuống. Trên tầng hai, chúng tôi đến một hành lang nhỏ và bên phải hành lang là một phòng thay đồ dài, hẹp chất đầy những chiếc áo khoác, áo vest và mũ, tất cả cùng một màu đen và giống y hệt nhau. Ở bên phải, chúng tôi thấy một hội trường lớn với khoảng hai trăm sinh viên đang ngồi, tất cả đều đang chú tâm vào việc học.
Thầy Dahari ra hiệu cho một người trông có vẻ già với bộ râu dài, dày, mái tóc ngả màu xám, đang trò chuyện với một sinh viên ở trước cửa phòng hội trường. Ông ấy nhận ra vị giáo sĩ từ xa, gật đầu, thu dọn đồ của mình và đi đến chỗ chúng tôi.
“Đây là thầy Aaronson,” thầy Dahari giới thiệu.
“Rất vui được gặp các anh. Tôi nghe nói ba anh đang muốn sám hối.” Thầy Aaronson nói nhanh.
“Cũng không hẳn,” Itamar đáp và bắt tay ông. “Chúng tôi chỉ muốn đến thăm thôi.”
“Các anh sẽ tham gia buổi cầu nguyện chiều cùng tôi chứ? Không mất nhiều thời gian đâu.”
“Có lẽ để dịp khác.” Thầy Dahari cứu nguy cho chúng tôi. “Hôm nay tôi sẽ đưa họ đi một vòng tham quan việc học tập của sinh viên ở đây.”
Chúng tôi đi tiếp lên tầng ba.
Ở đây, phòng hội trường còn nhiều sinh viên hơn, tất cả cũng đang say mê nghiên cứu. Chúng tôi đi qua đám đông và tiếp tục hành trình lên trên nữa. Ở tầng trên cùng, cuối hành lang, chúng tôi cứ nghĩ đã xem hết một lượt tòa nhà rồi thì thầy Aaronson lại mở một cánh cửa nhỏ, hẹp giấu đằng sau nó là cả một phòng hội trường thậm chí còn lớn hơn căn phòng chúng tôi đã thấy ở tầng dưới, chứa khoảng hơn hai nghìn sinh viên đang ríu rít trò chuyện, căn phòng ào ào một thứ âm thanh inh tai.
Đây có lẽ là thứ mà ít người nghĩ sẽ thấy đằng sau một cánh cửa nhỏ xíu. Jerome gọi căn phòng là ‘Hẻm núi lớn,’(20) (Grand Canyon) có thể bởi vì nó gây cho người ta ấn tượng giống như lần đầu tiên chiêm ngưỡng một cảnh tượng hùng vĩ đến vậy. Khi lái xe qua Arizone, đường cao tốc bỗng nhiên kết thúc và ta bị choáng ngợp bởi hình ảnh một vực sâu hun hút trải ra ngay trước mắt mình, một khe vực với kích thước khổng lồ nhất ta từng thấy.
Phòng hội trường lớn này cũng tạo ấn tượng tương tự như vậy; sau khi trèo lên hết những bậc thang, ta cứ nghĩ rằng chẳng còn chỗ nào trong khu nhà đủ cho thậm chí chỉ là một phòng nhỏ nữa, chứ huống hồ là một phòng có kích thước của một khoang chứa máy bay như thế.
Một lần nữa, chúng tôi lại tìm đường qua đám đông ồn ào để đến góc phòng. Sinh viên kẻ đứng, người ngồi, người đi đi lại lại, có những người còn đang gào vào mặt nhau. Ngay gần chỗ chúng tôi có một cậu sinh viên tóc đỏ, mặt cũng bừng bừng, có thể do gắng sức hoặc tức giận hoặc phấn khích hoặc là cả ba thứ đó, đang giơ nắm đấm, giậm chân thình thịch. Trước mặt cậu ta là một thanh niên cao hơn nhiều, đeo một cặp kính gọng bạc thời trang, cằm lún phún râu, đang lắng nghe cậu bạn tóc đỏ một cách thiếu kiên nhẫn, thỉnh thoảng lại lắc đầu phản đối rồi chờ đến lượt mình nói, một tay đập bàn trong khi tay kia khua loạn trong không khí, đầy vẻ đe dọa. Cả căn phòng tràn ngập tiếng ồn ào, và nếu không biết trước, thể nào tôi cũng nghĩ rằng mình đang có mặt tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York.
Jerome đứng sát vào thầy Dahari và hỏi, “Thực sự họ có thể học nổi trong cảnh náo động thế này sao?”
Thầy Dahari khoanh tay và gật đầu. “Họ không chỉ học được trong sự ồn ào này mà thực ra không nơi nào họ học tốt hơn ở nơi đây! Cậu có muốn biết bí quyết học tại một trường đạo không? Chính là sự ồn ào này đấy. Đây chính là phương pháp mà không một ngôi trường nào trên thế giới thử áp dụng. Náo loạn, lộn xộn, ầm ĩ. Khi ta đã là một phần trong đó, ta sẽ không thể thoát ra được. Ta hoàn toàn tan biến vào trong sự hỗn loạn đó.”
“Nhưng hình như họ đang sắp choảng nhau kìa,” Jerome há hốc miệng.
“Nhìn thì có vẻ thế, nhưng họ sẽ không bao giờ động đến một sợi tóc của nhau đâu. Họ biết ranh giới mà mình không được vượt qua, phải đi đến ranh giới đó nhưng không bao giờ được bước qua. Gào thét, vò đầu bứt tóc, cãi vã, kích động. Học Torah với toàn bộ năng lượng của cơ thể mình, với cả thể xác và tâm hồn – còn phấn khích hơn hơn cả những cú đấm hay thuốc phiện.”
“Làm sao ông biết được?” Jerome hỏi.
“Thế cậu đã thử học như thế bao giờ chưa?”
“Nếu là tôi thì tôi sẽ không chịu nổi anh chàng tóc đỏ kia được quá mười phút đâu. Anh ta sẽ hạ đo ván tôi ngay. Những kẻ đầu đỏ luôn chiếm ưu thế.” Jerome nhận xét bâng quơ.
“Cậu tóc đỏ tên là Joseph Hayim Schneiderman, cậu ta là một ngôi sao sáng trong ngôi trường này đấy. Rất nhiều người muốn trở thành ‘Hevrutah’ của cậu ta đấy.”
“’Hevrutah’ à? Hình như tôi đã có lần nghe nói đến thuật ngữ này rồi nhưng chính xác thì nó là gì vậy?”
Vị giáo sĩ gật đầu, chỉ tay về phía cậu sinh viên tóc đỏ Schneiderman và anh bạn học.
Điệu tăng gô của người Do Thái cổ – Hevrutah
“Mỗi sinh viên đều có một người bạn học chung trong suốt thời gian học hành, nghiên cứu. Lúc còn nhỏ, họ được ghép chung với một người nào đó. Khi đã trưởng thành, họ có trách nhiệm tự đi tìm cho mình một người bạn học thích hợp nhất.”
“Những ‘Hevrutah’ này luôn đi theo cặp, chứ không phải ba hay bốn người, đúng không?” tôi tham gia.
“Luôn luôn theo cặp,” vị giáo sĩ trả lời.
“Nguyên lý chủ đạo của việc học cặp đôi là khi bạn học với một người bạn, bạn sẽ làm rõ những vấn đề và bổ sung cho những vấn đề đó. Bạn học từ bạn mình và đồng thời dạy người đó nữa. Một Hevrutah tốt là một người có khả năng tạo nên mối quan hệ trong đó cả hai bên cùng có lợi. Việc la hét, gào thét mà các cậu nhìn thấy ở đây chính là phương pháp động não hiệu quả nhất. Họ tranh luận với nhau, khắc nghiệt với nhau là để mang lại kết quả tốt nhất cho người kia. Phương pháp học này đem đến một mức độ suy nghĩ và học tập rất sâu sắc,” thầy Dahari giải thích.
“Thật thú vị, Socrates(21) cũng đã từng nói về điều này,” Itamar bổ sung. “Socrates nói rằng sinh viên không thể tiếp nhận được tối đa các thông tin mà giáo viên hoặc một người nào đó dạy cho anh ta. Tri thức chỉ tích lũy và trí tuệ chỉ phát triển khi sinh viên đó tự mình xử lý thông tin. Nói cách khác, Socrates cho rằng vai trò đích thực của một nhà giáo dục là khích lệ sinh viên tự mình suy nghĩ về mọi vấn đề thông qua quá trình tự truy vấn. Từ ‘GIÁO DỤC’ (education) thực ra xuất phát một từ trong tiếng Latinh ‘EDUCARE’ có nghĩa là ‘rút ra.’ Người giáo viên đưa ra những câu hỏi theo hướng làm sao để sinh viên suy nghĩ, nghiên cứu, rút ra được những ý kiến của chính mình. Bằng cách này, sinh viên sẽ tự đưa ra kết luận cho vấn đề. Khi sinh viên đã nhận ra rằng những ý kiến và kết luận đó là thành quả của trí tuệ bản thân chứ không phải của giáo viên thì những điều đó sẽ dễ đọng lại trong trí nhớ họ hơn. Cùng với ‘Hevrutah,’ mỗi người đều là một ‘nhà giáo dục trung lập’ của người kia và mỗi người đều có thể thành công trong việc tiếp thu được những suy nghĩ và ý tưởng tốt nhất từ người bạn học chung,” Itamar giải thích.
“Còn hơn thế nữa,” thầy Dahari nhận xét. “Khi hai người dạy nhau, khi bạn dạy một người khác thì trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho người kia được đặt lên vai bạn, chính vì thế bạn có động lực để cố gắng hết sức mình, làm sao đó để hiểu thật sâu vấn đề. Mỗi người cần tự coi mình là nước hoa, với tất cả những hương thơm tỏa ra từ đó.” Ông buông hai cánh tay sang hai bên.
“Ờ, có lần tôi cũng thử dùng rồi,” Jerome nói, “nhưng cái loại nước hoa tôi mua rẻ quá, đến nỗi nó phản tác dụng luôn. Suốt thời gian tôi dùng loại nước hoa đó, không một cô gái nào đến gần tôi, đến cả muỗi còn chả thèm.”
Itamar nhìn Jerome chằm chằm trước khi quay sang tôi. “Jerome có một điều rất thú vị, đó là lúc nào cũng sẵn sàng đóng góp ý kiến vào một cuộc thảo luận nghiêm túc. Cậu ta quan tâm đến nhiều thứ, nhưng mỗi khi cậu ta lên tiếng, ai cũng kết luận rằng cậu ta thông minh hơn ta tưởng nhiều.”
Thầy Aaronson ra hiệu cho anh chàng đầu đỏ Joseph Hayim Schneiderman. Mới chỉ một phút trước, dường như còn không phân biệt được đâu là màu đỏ của tóc còn đâu là màu đỏ của mặt cậu ta thì bỗng nhiên, lúc này cậu ta trông thư giãn, thoải mái đến mức kinh ngạc. Cậu ta đi lại chỗ chúng tôi với nụ cười nở rộng trên môi. Vị giáo sĩ giới thiệu nhanh chúng tôi với nhau và sau khi liếc nhìn đồng hồ, ông lịch sự cáo từ.
“Tôi phải xuống tầng dưới đây, sắp đến lễ cầu nguyện buổi chiều rồi, nhưng tôi cam đoan là mọi người sẽ có rất nhiều chuyện để trao đổi với nhau,” ông có ý chuyển vai trò người chủ nhà lịch thiệp cho Schneiderman.
“Chúng tôi rất ấn tượng bởi sự sôi nổi của anh khi nãy,” Jerome lên tiếng. “Chúng tôi thấy cậu tống vào đầu bạn mình những quan điểm về Torah. Lúc đó hai người đang tranh luận về chủ đề gì vậy?”
“Chẳng có gì đặc biệt đâu. Lúc nào chúng tôi cũng học như vậy mà,” cậu ta xua tay giải thích. “Chúng tôi nói về một vấn đề trong luận văn Kedushin của Talmud.” Ba chúng tôi chậm rãi gật đầu. Thực tế là tôi chưa từng thấy mình sôi nổi trong việc thảo luận về Kedushin hay bất cứ luận văn Talmud nào khác.
“Cậu không giả vờ hăng hái đấy chứ?” tôi lỡ miệng hỏi, ngạc nhiên bởi chính câu hỏi của mình.
“Một câu hỏi rất hay,” cậu ta mỉm cười. “Thường thì không. Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi buộc mình phải tự tạo ra sự sôi nổi. Nhưng cũng có những người không thực sự hào hứng đến vậy, sự hào hứng bên ngoài chỉ là cái vỏ che đậy sự thờ ơ bên trong.” Anh ta giải thích thành thật.
“Học như thế có thực sự hiệu quả không?” Itamar hỏi. “Ý tôi là, việc la hét, kích động như thế có giúp cậu nhớ và hiểu vấn đề tốt hơn không?”
“Thường là có. Ta luôn nhớ tốt hơn trong trạng thái bị kích thích.”
“Đúng vậy…” Itamar đồng ý. “Đó là lý do tại sao Jerome luôn nhớ tên tất cả các cầu thủ của đội Hà Lan.”
Jerome gật đầu và nhích đến gần Schneiderman. “Cậu thử kiểm tra tôi xem nào,” hắn vỗ ngực thách thức. “Cứ nói ra một năm bất kỳ nào đó. Thử đi…”
“Một năm gì cơ?” Schneiderman bối rối, rõ ràng không theo nhịp chủ đề của Jerome.
“Ừ. Cứ nói một năm bất kỳ nào đó, tôi sẽ kể tên của cầu thủ xuất sắc nhất của đội Hà Lan trong năm đó.”
Schneiderman, trông có vẻ rất tò mò. Cậu rụt vai, hít một hơn thật sâu trước khi bật ra một năm theo lịch Do Thái, “1456.”
Jerome choáng váng. “1456 hả?” hắn hỏi, giọng cực kỳ bối rối trong khi Itamar phá lên cười.
Schneiderman, ngạc nhiên trước phản ứng của Jerome và Itamar, nghĩ rằng mình chọn một năm hơi khó nên xua tay và tiếp tục, “Vậy thì 1460 nhé… hay 61 đi. Cũng chẳng có gì quan trọng lắm,” cậu cố đưa ra một câu hỏi dễ hơn cho Jerome.
“1460 à?” Jerome nhìn sang Itamar.
“Thật đấy hả,” Jerome bật ra. “Năm 1456 là năm quái quỷ gì vậy. Có thể năm đó nhà tiên tri Elijah cũng tham gia đấy nhưng đội Hà Lan chỉ đá vào thế kỷ XX thôi, chứ có đá vào thế kỷ XIV đâu. Lấy một năm nào đó trong thế kỷ XX đi,” Jerome thể hiện sự thiếu hiểu biết về thế giới của Schneiderman.
“Được rồi, một năm ở thế kỷ XX nhé, ừm…” Schneiderman đứng lên và nghĩ một lúc. “Được rồi, năm 1908 thì sao?”
Jerome nhìn chằm chằm vào cậu sinh viên, ánh mắt sắc như dao găm.
“Thôi quên đi,” Jerome thở dài. Rõ ràng, khoảng cách giữa thế giới của hai người quá lớn.
“Tôi chắc chắn là anh biết,” Schneiderman vẫn cố trấn an Jerome, ngay cả sau khi chúng tôi đã giải thích rằng hồi đó, nếu có môn bóng đá, thì có lẽ nó cũng chưa được thịnh hành cho lắm.
“Dù sao, rõ ràng là anh rất am hiểu về chủ đề đó nhưng anh không muốn thể hiện kiến thức của mình trước tôi,” Schneiderman tiếp tục. “Cũng y như Solomon vậy,” cậu chỉ về phía Hevrutah của mình.
“Thế các cậu làm thế nào nếu gặp phải những chủ đề không được thú vị cho lắm?” tôi hỏi. “Cậu biết đấy… không phải lúc nào ta cũng có thể hào hứng với mọi chủ đề được.”
“Những lúc như thế, chúng tôi cố gắng tạo nên sự nhiệt tình nhân tạo, sử dụng giọng nói của mình.”
Giọng nam trung của Schneiderman – Học bằng cách nói thật to
“Đó là sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành,” Thầy Dahari nhanh chóng giải thích. “Cách hiệu quả nhất để học tập và làm chủ một vấn đề mới là trải nghiệm nó một cách chủ động. Ta có thể học được mọi thứ lý thuyết ta muốn về kỹ thuật lái xe, bơi lội hay y học, nhưng chỉ mình lý thuyết không thôi thì không thể so sánh được với kinh nghiệm ngồi sau tay lái, lặn ngụp trong một bể bơi hay đứng bên bàn mổ. Thực hiện một công việc giúp người ta đồng hóa thông tin về lý thuyết tốt hơn. Đó là lý do vì sao học Torah lại khác so với học những phương pháp khác.
“Ở những trường học thông thường, sinh viên chỉ ngồi im lặng trong lớp và lắng nghe giáo viên giảng bài, hoặc ngồi trong thư viện và tìm tòi qua các sách báo, các đề tài nghiên cứu. Còn trong một trường đạo, sinh viên phải ‘phun trào’ và ‘bùng nổ’ khi nghiên cứu Torah. Họ sẽ phải sử dụng tất cả nguồn năng lượng của mình, để mọi cơ quan tham gia vào sự học đó – và nhất là phải nói thật to! Có người đã từng nói với tôi rằng bằng cách nói to những điều ta học được, ta kích hoạt cả hai bán cầu não và cải thiện khả năng nhận thức, sự tập trung và trí nhớ.
“Con người ta thường chỉ dùng thị giác, tức là chủ yếu ghi nhớ mọi điều thông qua việc đọc. Khi ta nói to lên những điều ta học tức là ta bổ sung một giác quan nữa vào việc ghi nhớ – thính giác. Nó cũng giống như xem TV có tiếng hay tắt tiếng vậy. Học bằng cách nói to thực sự giúp in dấu kiến thức vào tâm hồn của một người để kiến thức đó sẽ tồn tại trong trí nhớ lâu hơn.” Thầy Dahari kết thúc một cách đầy hình ảnh.
“Thế gào thét như vậy không làm ảnh hưởng đến việc học tập của những người khác sao?” Jerome băn khoăn.
“Không chỉ có vậy,” Thầy Dahari tiếp tục, không để ý đến câu hỏi của Jerome. “Sau đó, các sinh viên lại quay về các lớp học theo độ tuổi và khả năng của từng người. Tuy vậy, trong các lớp học, chúng tôi cũng có cách học khác so với các trường học bình thường một chút. Ở đây, không ai phải giơ tay xin phát biểu. Ai muốn hỏi hay nói gì thì cứ đứng lên và phát biểu. Những câu hỏi có thể được hỏi vào bất cứ lúc nào và với bất cứ giáo viên nào, thậm chí cả hiệu trưởng.”
“Tuyệt vời,” Jerome thán phục.
“Tuy vậy, không phải ai cũng chấp nhận việc đó,” Thầy Dahari nói thêm. “Có những giáo viên không thích bị làm phiền.”
“Đó chính là điều lúc nãy tôi vừa muốn hỏi đấy. Làm thế nào mà những âm thanh hỗn độn, sự ồn ào lại không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của những sinh viên khác?”
“Cũng có người có thể thấy khó chịu nhưng chắc là họ quen với điều đó rồi,” tôi xen vào. “Nhưng có một thực tế rất thú vị là nhiều người lại tập trung hơn trong môi trường xung quanh toàn tiếng ồn ào. Như tôi chẳng hạn. Tôi luôn học ở những quán cà phê. Tôi không thể ngồi trong phòng ở nhà mà học được. Sự im lặng làm tôi thấy ức chế thần kinh lắm.”
Jerome cười. “Tớ cũng thế, nhưng ngày xưa, tớ đã được dạy là phải ngồi im ở bàn mà học. Thế nên tớ mới nghĩ đáng lẽ ra là phải như vậy.”
“Vô lý!” tôi xua tay. “Các lý thuyết về giáo dục luôn thay đổi. Mình phải làm những gì mình thấy là hiệu quả với mình nhất chứ. Ở trường đại học Hebrew ở Jerusalem, người ta còn tiến hành nghiên cứu và nhận thấy rằng sinh viên tiếp thu thông tin tốt hơn trong những lớp học ồn ào.”
“Thật không thể tin được,” Jerome phấn khích. “Ý cậu là tớ có thể học trong tiếng nhạc AC/DC sao?”
“Đừng có nhanh nhảu thế chứ. Tất nhiên không thể là AC/DC được rồi. Cái nhóm nhạc kinh dị đó. Tuy nhiên, nhóm khác thì chắc vẫn được,” tôi đùa.
“Thay vì âm nhạc, anh có thể tìm cho mình một Hevrutah để học chung và thực hành việc động não,” Schneiderman có vẻ khó chịu vì phương pháp học của anh ta bị đem ra bóp méo. “Dù ở phòng tôi vẫn nghe nhạc khi học một mình. Billy Joe.”
“Thật hả?” Jerome ngạc nhiên. “Cậu được phép nghe Billy Joe hả?”
“Sao lại không chứ? Ông ấy làm gì sai sao?”
“Không phải thế. Tôi chỉ nghĩ rằng các cậu không được phép…ừm… nghe…ừm nhạc của chúng tôi,” Jerome ấp úng.
“Anh nghĩ buồn cười thật đấy,” Schneiderman ngạc nhiên. “Tuy vậy, có một Hevrutah vẫn tốt hơn nhiều. Nếu anh không có người học cùng thì có thể tự học một mình bằng cách nói to lên, đứng trong phòng, đi lên đi xuống, nói với chính mình như kiểu đứng trên bục diễn giả ấy.”
“Có thể tìm một Hevrutah ở đâu nhỉ?” Jerome bâng quơ. “Đăng quảng cáo trên báo à?”
“Nếu anh muốn tìm, anh sẽ tìm thấy,” Schneiderman kết luận. “Chúng ta ra ngoài hít thở khí trời chút đi,” cậu ta gợi ý.
Chúng tôi ra khỏi hội trường và bước vào hành lang náo nhiệt nhưng thật sự mà nói, thật ngược đời, là nó lại ít ồn hơn nhiều so với trong phòng học. Khi đi xuống cầu thang, Jerome tiếp tục hỏi về mặt thể chất của việc học hành. “Tôi thấy người theo đạo luôn học và cầu nguyện theo một nhịp điệu. Cậu biết đấy, đu đưa chậm rãi. Tại sao lại thế?”
Kỹ năng Ben-Gurion – Năng lượng của não bộ
“Đó chính là câu hỏi mà nhà vua nước Kuzari đã hỏi Giáo sĩ Yehuda Halevi,” Thầy Dahari trả lời.
“Thế câu trả lời là gì?”
“Nhiều năm sau, ông ấy mới phát hiện ra. Động tác đu đưa giúp làm ấm cơ thể và tăng lượng máu lưu thông. Tuy vậy, thói quen này có một sự khởi đầu khiếm tốn hơn nhiều. Thời đó, chúng ta vẫn còn thiếu những văn bản kinh Torah nên người ta phải chia nhau để đọc. Vậy nên, một người phải cúi xuống để đọc và khi người này ngồi thẳng dậy thì người khác lại cúi xuống và tiếp tục đọc, cứ như thế cho đến khi nào xong thì thôi.
“Người ta đã chứng minh được rằng cử động của cơ thể giúp cải thiện khả năng suy nghĩ và học tập. Sẽ tốt hơn nếu đứng học hoặc vừa đi vừa học.”
“Nhưng sao lại thế?” Jerome thắc mắc.
“Có hai lý do,” Itamar trả lời. “Cử động đu đưa giúp thiết lập một nhịp điệu làm cho con người tập trung và gia tăng lượng oxy lên não. Nguồn oxy bổ sung này làm tăng khả năng suy nghĩ một cách rõ ràng.”
“Cậu nói sao cơ? Tức là nếu tớ ngồi thì não tớ sẽ nhận được ít oxy hơn à?” Jerome đùa.
“Thực tế là đúng vậy. Và không chỉ lúc cậu ngồi đâu. Lượng oxy trong không khí đã giảm đáng kể trong vòng vài trăm năm qua do hậu quả của ô nhiễm môi trường. Ngày nay, lượng oxy trong không khí ở các khu đô thị đã giảm đáng kể so với thời điểm đầu thế kỷ XX. Đó là lý do tại sao nhiều người dân thành thị lại bị những chứng như đau đầu, dị ứng, uể oải và các căn bệnh khác. Tất cả những điều này đều tác động đến khả năng tập trung chú ý và suy nghĩ của con người ở một mức độ nhất định. Để suy nghĩ hiệu quả hơn, con người cần đến nhiều oxy trên não hơn mà một trong những cách rất tốt để tăng lượng oxy là vận động cơ thể như đi lại, đứng lên ngồi xuống, bơi lội. Một số người còn gợi ý nên trồng cây chuối trước khi bắt đầu học bài.”
“Giống bức ảnh nổi tiếng chụp cựu Thủ tướng Israel David Ben-Gurion ở bờ biển,” tôi bổ sung.
“Chính xác. Và nhìn ông ấy mà xem, một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Tất cả là nhờ ông ấy thường xuyên trồng cây chuối đấy.”
“Thật tệ là chẳng có điều luật nào yêu cầu các vị thủ tướng chính phủ trồng cây chuối trước khi bắt đầu ngày làm việc của mình,” Jerome gợi ý. “Đất nước có thể đã khác đi rất nhiều nếu có điều luật như thế. Mà thực ra, tốt nhất là cứ để họ trồng cây chuối cả ngày đi. Như thế, họ sẽ ít gây hại cho đất nước hơn.”
Tất cả chúng tôi đều tìm chỗ ngồi khi ra đến khoảng sân nhỏ trong khuôn viên trường, chỉ có Jerome vẫn đứng.
“Cậu có biết là Einstein đã nghĩ ra thuyết tương đối trong khi đang đi đi lại lại không?” Itamar nói.
“Hình như đã có lần cậu nói với bọn tớ rồi.”
“Thế các cậu có biết là Victor Hugo đã viết Những người khốn khổ trong khi đứng không?”
“Thật à?”
“Còn Mozart soạn ra nhiều bản nhạc trong khi đi dạo. Beethoven thì đổ nước đá lên đầu trước khi ngồi vào cây đàn để bắt đầu sáng tác.”
Schneiderman rút từ trong túi áo ra một bao thuốc lá và mời chúng tôi.
“Cái gì cơ, các cậu được hút thuốc nữa hả?’ Jerome lấy một điếu và đưa lên môi.
Cậu sinh viên gật đầu, lấy bật lửa và châm thuốc. “Chỉ ở bên ngoài này thôi,” cậu trả lời, không biết ý Jerome hỏi là chung chung, chứ không phải là ở đâu.
“Họ có thể hút thuốc, miễn là không hít vào,” tôi đùa.
“Thật sao?”
“Không,” tôi trả lời cụt lủn, mặt chẳng biểu lộ cảm xúc gì. Jerome tội nghiệp trông bối rối khủng khiếp. “Họ được phép hút thuốc,” tôi giải thích. “Họ nghe Billy Joe. Thế đấy.”
“Vậy, xin nhận lấy lời xin lỗi của tôi,” Jerome nói, có vẻ khó chịu. “Tôi không biết cậu có tin không nhưng cậu là người theo đạo chính thống đầu tiên mà tôi tiếp xúc trong suốt cuộc đời mình.”
“Đó chính là một trong những vấn đề lớn nhất của đất nước Israel này,” Itamar thởi dài. “Nếu không có cuộc thí nghiệm nho nhỏ của chúng ta, có khi cậu sẽ sống hết cuộc đời mình mà không được nói chuyện với một người theo đạo chính thống mất. Đó là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của hệ thống giáo dục.”
Thầy Dahari gật đầu đồng ý. Schneiderman hơi cúi thấp đầu và thì thầm, “Chúng ta đều cùng có chung những tội lỗi, ở một khía cạnh nào đó.” Anh ta ngẩng đầu lên, nheo nheo mắt. “Rất nhiều người trong cộng đồng đạo chính thống sợ những ảnh hưởng đầy tính cám dỗ của thế giới bên ngoài. Những cám dỗ đó có thể dễ dàng áp đảo những người người không có bản lĩnh. Một người nhận thức rõ ràng được những lỗi lầm của mình có thể tận hưởng những điều tốt đẹp từ thế giới của các anh trong khi vẫn tránh xa được những điều xấu xa.” Cậu ta đập nhẹ điếu thuốc, để tàn rơi đầy xuống nền đất.
Jerome hít một hơi và khoanh tay lại. Mặc dù chúng tôi ngồi dưới bóng râm nhưng trời vẫn rất nóng bức, mùi mồ hôi ngột ngạt trong không khí.
“Có ai muốn uống gì đó không?” Jerome chỉ về phía chiếc quán nho nhỏ ở góc sân.
“Chính xác là các anh đang nghiên cứu về vấn đề gì vậy?” Schneiderman hỏi sau khi Jerome đã ghi lại những đồ uống mọi người muốn gọi và đi về phía quán. Itamar giải thích rõ hơn. Khi cậu ta nói về cuộc thí nghiệm của chúng tôi, một suy nghĩ bỗng nhiên nảy ra trong đầu cậu ta.
Nghĩa vụ phải vui vẻ – Nguyên tắc của đức tin
“Nguyên tắc chủ đạo của phong trào Hasidic là gì?” Itamar quay sang thầy Dahari.
Vị giáo sĩ luồn tay qua bộ râu trong lúc tìm những từ ngữ thật chính xác để trả lời.
“Hasidic là một phong trào tôn giáo được khởi xướng vào thế kỷ XVII bởi giáo sĩ Ba’al Shem Toy. Ông cho rằng Đức Chúa thật sự muốn lòng tận tâm, đức tin hơn là những kiến thức sâu sắc về Kinh thánh. Chỉ bằng đức tin xuất phát từ tâm hồn con người mới thực sự đến gần Người hơn.”
“Vậy, ông nghĩ, làm sao mà phong trào này thu hút được nhiều người đến vậy?”
“Tôi cho rằng đơn giản là nó đã cho tất cả mọi người Do Thái cơ hội được trải nghiệm Chúa qua đức tin. Ta không cần phải là một học giả Torah vĩ đại mới có thể đạt đến mức độ thỏa mãn về tinh thần cao như thế.”
“Nói cách khác, ta có thể nói rằng phong trào Hasidic đã làm tăng giá trị bản thân của mỗi người Do Thái, nhất là những người không phải nghiên cứu chuyên sâu như các học giả. Mà cho đến thời kỳ đó thì cách duy nhất để một người có thể trải nghiệm Đức Chúa là phải có một kiến thức thật sâu rộng về luật lệ Do Thái. Vậy, để đơn giản, ta có thể nói, phong trào Hasidic đã mang đến cho những người không có thời gian, sức lực để theo đuổi việc học hành hay những người không được sinh ra với sự sắc sảo của các học giả một cách để đến gần Người hơn.”
“Cũng có thể nói vậy,” vị giáo sĩ xác nhận.
“Vậy chính xác là họ làm thế nào để đạt đến mức độ thành tâm như thế?”
“Bằng niềm say mê, hạnh phúc chân thành. Các cậu đã bao giờ thấy những người Do Thái dòng Hasidic cầu nguyện chưa. Họ gào thét, dậm chân, vỗ tay, nhảy múa ầm ĩ và náo động. Đến tận ngày nay, có nhiều người vẫn phản đối Hasidic bởi vì đôi khi những môn đệ của phong trào này đi quá xa. Chẳng thiếu gì những câu chuyện về môn đệ Hasidic nhảy múa, nhào lộn hay chạy như điên ngoài đường phố. Mục đích của họ là đạt đến trạng thái xuất thần, niềm sung sướng ở mức độ đỉnh điểm.”
“Thật thú vị,” Itamar thể hiện sự hài lòng. “Nhưng nếu một môn đệ Hasidic trải qua một ngày tồi tệ với tâm trạng không tốt thì sao? Làm sao anh ta có thể bắt mình hào hứng được?”
“Tôi không hiểu câu hỏi của cậu lắm,” vị giáo sĩ nói.
“Tôi vừa nhớ lại một câu mà Schneiderman đã nói. Cậu ta bảo sẽ tự đặt mình vào trạng thái nhiệt tình nhân tạo,” Itamar nhớ lại.
Vị giáo sĩ mỉm cười và gật đầu. “Đúng vậy, những điều Schneiderman nói hoàn toàn chính xác. Đơn giản là người đó sẽ tự đặt mình vào một tâm trạng… nói thế nào nhỉ. Cơ thể con người như một thứ động cơ, ta khởi động ở số một và cuối cùng về số năm. Những cử động nhất định của cơ thể trong lúc nghiên cứu, học tập sẽ từ từ nâng con người lên cho đến khi đạt đến trạng thái hoàn toàn say mê. Khởi đầu thật chậm rồi dần dần lên đến mức cao nhất.”
“Ngày nay, chúng ta biết rằng cách suy nghĩ của một người có thể tác động đến hành vi và mức độ thành công của người đó,” Itamar khoanh tay. “Một cách tiếp cận tích cực sẽ mang lại những kết quả tích cực trong khi một cách tiếp cận tiêu cực sẽ dẫn đến những kết quả tiêu cực. Bây giờ, chúng ta lại biết thêm rằng điều ngược lại cũng đúng – hành động của ta, tức là những cử động của cơ thể, cũng có tác động đến cách suy nghĩ của ta.”
“Vậy tớ đã làm gì sai à?” Jerome quay trở lại và nghe được câu cuối cùng của Itamar.
“Bọn tớ có nói về cậu đâu,” tôi trấn an hắn.
“Sao lại không?” hắn có vẻ thấy bị xúc phạm khi đưa đồ uống cho mọi người.
“Bọn tớ đang nói đến mối liên hệ giữa cử động của cơ thể, trạng thái tình cảm với cách suy nghĩ của một con người, thứ này xuất phát từ thứ kia, tác động qua lại lẫn nhau.”
Jerome đứng ngay như tượng. “Tớ sợ mình đã cử động sai mất rồi. Tớ có nên đưa đồ uống lại từ đầu không nhỉ? Có lẽ là bớt nhiệt tình đi một chút…” hắn cười toe toét.
“Bọn tớ đang nói đến những người Do Thái Hasidic mà,” Itamar gắt gỏng. “Khi cậu muốn làm ai đó thấy thoải mái, hãy đề nghị người đó thay đổi tư thế.” Itamar quay trở lại chủ đề ban nãy. “Đầu ngẩng, lưng thẳng, mắt nhìn thẳng. Không phải khẩu hiệu đâu, đó là một thực tế về mặt sinh lý học đấy!”
Itamar đứng dậy và ra hiệu cho Jerome. “Đây, cậu thử nhé… làm theo lời tớ,” cậu ta bắt đầu. “Để tay ra hai bên sườn.”
Jerome bỏ cốc nước xuống, thẳng người lại và để tay sang hai bên.
“Tốt. Bây giờ, ngẩng đầu lên và nhìn lên ngọn cây.”
Jerome làm theo.
“Cười đi.”
Jerome, có vẻ thích thú trò này, làm ngay.
“Rồi, nói to nhé, vẫn cười nguyên như thế, ‘Tôi thấy thật kinh khủng. Tâm trạng tôi đang rất tệ hại.’”
Jerome nuốt nước bọt, hít một hơi thật sâu để giữ nguyên nụ cười trên môi, và trong lúc duy trì cái miệng cười, hắn cố mở miệng, “Tôi thấy thật kinh…” rồi phá lên cười.
“Thấy chưa,” Itamar cười. “Cậu không làm được đâu.”
“Không thể làm được,” Jerome thở trong lúc lấy tay lau nước mắt.
“Tâm trạng cậu không thể tồi tệ được nếu cậu buộc mình phải giữ cơ thể ở một tư thế vui vẻ và một phong cách lạc quan. Mọi sự thay đổi về sinh lý đều dẫn đến thay đổi về tinh thần,” Itamar nhấp một ngụm nước.
“Tớ không tự nghĩ ra cái đấy đâu,” cậu ta tiếp tục. “Có một số học thuyết đã nói về vấn đề này. Khi trạng thái về thể chất đi xuống thì mức độ năng lượng và khả năng suy nghĩ cũng đi xuống theo. Điều ngược lại cũng đúng – khi ta thấy vui vẻ, bay ‘trên tầng mây thứ chín’ như người ta vẫn nói, thì trạng thái đó cũng ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của ta.”
“Những cử động trong khi học tập hay cầu nguyện không chỉ giúp tập trung và gia tăng lượng oxy lên não mà còn cải thiện tâm trạng và làm toàn bộ quá trình học tập hiệu quả hơn. Nói cách khác, để học hành và suy nghĩ một cách hiệu quả, ta phải có tâm trạng thật tốt,” cậu ta kết luận.
“Bạn phải sống vui vẻ,” Jerome hát toáng lên, “bạn phải sống, phải sống thật vuiiiii…”
“Một bài hát rất hay,” Itamar nhận xét. “Đúng là tớ chưa bao giờ nghĩ đến bài hát đó. Bạn phải sống vui vẻ. Không phải là ‘Bạn cần sống vui vẻ’ hay ‘Bạn nên sống vui vẻ.’ Bài hát đó nói rõ rằng ‘Bạn phải sống vui vẻ.’ PHẢI. Thật chính xác. Người Do Thái phải sống vui vẻ. Chúng ta không có lựa chọn nào khác.” Cậu ta ngồi xuống và ngẫm nghĩ.
Thầy Dahari rút ra một cuốn sách màu đỏ được trang trí bằng những hình vẽ rất đẹp và bắt đầu lật các trang sách. Ông dừng lại ở một trang và mỉm cười. “Cần gì đến những dự án nghiên cứu lớn lao chứ, khi chúng ta có những lời khuyên sáng suốt của giáo sĩ Nahman ở thế kỷ XVI?” Ông đưa cuốn sách cho Itamar.
“Cái gì vậy?” Itamar hỏi.
“Một cuốn sách về đạo đức của giáo sĩ Nahman. Đọc trang đó đi.”
Itamar hắng giọng. “Những điệu nhảy và những cử động của cơ thể sẽ đánh thức niềm vui trong bạn. Và khi bạn càng vui vẻ thì khả năng trí tuệ của bạn càng trở nên vững chắc.”
“Tuyệt vời,” Itamar xoa trán. “Đây chính là điểm mấu chốt của những gì tôi vừa nói.”
“Chú ý một điểm nữa,” thầy Dahari nói trong lúc mở một trang khác và đưa cho Itamar xem. ‘Nói to giúp tạo nên sự hào hứng và sản sinh ra sức sống trong tất cả các cơ quan của cơ thể.’ Nó cũng dẫn ta đến điều căn bản của toàn bộ quá trình – nói to. Cuộc thảo luận của chúng ta đã bắt đầu ở chính điểm này.”
“Tôi xem lại cuốn sách một chút được không?” Itamar hỏi với bản năng của một người vừa khám phá ra một điều gì đó thật vĩ đại. Cậu ta lật lật các trang sách.
“Cậu cứ cầm đi. Tôi còn một bản nữa ở nhà.”
Schneiderman đứng dậy tìm thùng rác để bỏ vỏ lon soda. Không tìm thấy nên anh ta để nó lên tường và lấy tay lau miệng. “Điều ngược lại cũng đúng,” anh ta lẩm bẩm. “Sự giận dữ, nỗi sợ hãi, nỗi lo lắng và những tác nhân tiêu cực khác cũng làm hạn chế khả năng trí tuệ của con người.”
“Về tâm lý mà nói thì có thể giải thích cho thực tế đó được không?” tôi thắc mắc.
“Chắc chắn là có chứ,” vị giáo sĩ trả lời. “Sự tức giận dẫn đến chứng hay quên bởi vì nó làm người ta trải qua nỗi đau và sự mất cân bằng về tâm lý.”
“Mất cân bằng về tâm lý?”
“Khi một người tức giận thì linh hồn người đó rời khỏi cơ thể và để nguồn năng lượng bên ngoài chiếm chỗ nó. Sự giận dữ làm hại đến linh hồn và biến cuộc sống của một người thành địa ngục trần gian.”
“Ta không thể suy nghĩ một cách logic hay hiệu quả trong khi đang giận dữ,” Itamar nhận xét. “Đã ai bảo cậu đừng nói chuyện với người khác trong lúc giận dữ mà hãy chờ đến lúc cái đầu nguội bớt chưa?” cậu ta hướng câu hỏi về phía Jerome.
“Chưa,” hắn trả lời, mặt tỏ vẻ thờ ơ. “Chẳng việc gì phải làm thế. Tớ chẳng bao giờ mất bình tĩnh với ai.” Jerome chắp tay, nhìn lên trời, nở một nụ cười ngây thơ vô tội.
“Ừ, phải rồi,” tôi cười. “Thậm chí cả khi Hà Lan thảm bại trước Argentina.” Tôi vỗ vai hắn khi hắn nhớ lại nỗi bực dọc của mình về kết quả trận đấu mà chúng tôi cùng xem với nhau.
Jerome đứng im và rít một hơi mẩu thuốc lá còn lại, giờ đã không còn chút nicotine nào nữa. “Những cái tên đó sẽ mãi mãi bị xóa khỏi lịch sử.”
Tôi tiếp tục kể chuyện cầu thủ người Argentina BatistotaBatistuta đã làm Jerome nổi điên đến mức nào. Hắn càng ngày càng kích động theo diễn biến của câu chuyện tôi kể. Nếu có một điều làm Jerome cáu tiết nhất thì đó là những trận thua cay đắng của đội bóng mà hắn yêu thích. Sau khi kết thúc màn tra tấn của mình, tôi đặt tay lên vai hắn.
“Nào, Jerome, bây giờ nói cho Joseph Hayim Schneiderman biết đội hình toàn sao của Hà Lan năm 1977 đi nào.”
“Tớ không thích,” hắn lẩm bẩm.
“Cậu không thích hay không thể nào?”
“Này… thôi đi mà!” Giọng hắn thay đổi, không còn vẻ tức giận nữa.
“Được rồi, thế thì nói đi.”
Jerome hít sâu và liệt kê tên các cầu thủ bằng giọng rất ngoan ngoãn. “Hanne Hagary, Rob Rensenbrink, Van Der Kerkhof… cậu vừa lòng rồi chứ hả?”
“Thế tên đầu của Van Der Kerkhof là gì?” tôi hỏi.
“Tớ không thích nói với cậu,” hắn mất kiên nhẫn.
“Thôi mà. Nói đi,” tôi bình tĩnh năn nỉ hắn.
Rõ ràng là hắn đang cố nhớ nhưng hình như cái tên vẫn không chịu hiện ra trong tâm trí hắn.
Tất cả chúng tôi ngồi im lặng. Jerome cố nhớ lại nhưng cuối cùng đành chịu bó tay. “Được rồi. Lúc này tớ không nhớ ra. Cậu vui rồi chứ hả??
“Cũng hơi hơi rồi,” Itamar cười. “Tất cả mọi người ở đây đều chắc chắn là cậu biết câu trả lời. Chỉ là cậu không thể nhớ ra được khi cậu đang bực mình thôi, đúng không? Đó chính là vấn đề đấy.”
“Nói cách khác, không nên học khi đang trong tâm trạng khó chịu. Đầu tiên, phải lấy lại bình tĩnh đã, cho dù cậu chẳng bao giờ cần đi chăng nữa,” tôi trêu hắn, một chuyện mà lúc nào tôi cũng rất giỏi.
Jerome vặn nắp chai, và khi tôi vừa kết thúc câu nói trêu hắn, hắn túm lấy tay tôi và rót nước xuống đầu tôi. “Tớ không phải là người cần làm mát lại đâu, cậu mới cần ấy!”
Mọi người cùng cười.
“Tớ chỉ định giúp cậu tăng oxy lên não bằng phương pháp của Beethoven thôi mà.” Hắn cười khoái trá.
Jerome lại ngồi xuống chỗ bức tường. Tôi lau nước trên mặt và vẩy cho khô chiếc áo đi.
Điều này làm tôi nhớ đến ông bác Abraham của tôi. Ông là một trong những người bình tĩnh nhất mà tôi từng biết. ‘Nếu bực mình mà tốt,’ ông vẫn hay nói, ‘thì tôi sẵn sàng ngày nào cũng bực mình.’ Mỗi lần có chuyện gì đó khiến tôi cáu, tôi đều nghĩ đến câu nói đơn giản đó của bác.
Itamar, theo thói quen, rút cuốn sổ ra, vừa ghi vừa nói.
“Bí quyết học tập trong các trường đạo: học với một Hevrutah, học bằng cách nói to và học trong khi cử động một cách vui vẻ.”
“Và nghe nhạc của Billy Joe trong lúc hút thuốc Newport nữa chứ,” Jerome bổ sung. “Hay có lẽ tốt hơn là Malboro?”
“Thực ra, tốt hơn hết là không nên hút thuốc.” Thầy Dahari nói, mặc dù ông thừa biết là Jerome chỉ đùa thôi. “Thuốc hạn chế hiệu quả học tập.”
“Chúng tôi có một nguyên tắc nữa mà có thể anh muốn ghi lại.” Schneiderman gợi ý. “Theo ý tôi thì nguyên tắc này thậm chí còn quan trọng hơn.”
Schneiderman – người chinh phục – Bí quyết của sự sáng suốt
Hầu hết mọi người đều thích thể hiện hiểu biết của mình trước mặt người khác. Tôi cũng vậy khi tôi học chung với Hevrutah của tôi. Đối với tôi, cảm giác cần phải ngắt lời người bạn học và soi sáng cậu ta bằng những sáng kiến của mình là một điều rất bình thường, nhất là khi tôi tin tưởng rằng điều tôi cần phải nói có tầm quan trọng lớn lao, sâu sắc. Tôi được nhận vào học tại trường đạo này bởi vì tôi được coi là người có khả năng chia sẻ kiến thức với người khác. Mặc dù vậy, ngày đầu tiên tại trường, thầy hiệu trưởng đã kéo tôi ra một bên và nhắc tôi nhớ điều mà các nhà hiền triết đã nói, “Mọi sự huênh hoang, cho dù anh ta thật sự thông minh đi nữa – đều khiến sự sáng suốt rời bỏ anh ta.”
Lúc nào cũng phải nhún nhường.
Thầy Dahari gật đầu xác nhận. Rõ ràng là ông rất thích nghe cậu sinh viên xuất sắc này phát biểu.
“Thầy Hanina so sánh việc nghiên cứu Torah với nước,” Schneiderman nói tiếp. “Nước luôn chảy từ nơi cao xuống nơi thấp. Cũng tương tự như thế, một người biết khiêm tốn thì sẽ học được nhiều điều mới mẻ. Nếu ta nghĩ rằng mình biết mọi thứ thì ta sẽ không học được những điều mới mẻ và không bao giờ xem xét lại những cái đã biết. Trong bất cứ trường hợp nào, khi đó ‘sự sáng suốt sẽ từ bỏ ta.’
“Tuy vậy, người khiêm tốn và nhún nhường không quan tâm đến những điều mà người khác nghĩ về mình và cũng chẳng cần phải chứng tỏ mình. Mối quan tâm lớn nhất của người đó là lắng nghe và học hỏi những điều mới mẻ.”
“Chiếc khiên bảo vệ cho sự sáng suốt chính là sự im lặng,” Itamar nói.
“Chính xác!” Schneiderman thốt lên.
Itamar lại mở tập giấy và viết.
Chúng tôi tiếp tục trò chuyện về cuộc sống tại trường đạo, các mối quan hệ tôn giáo và những vấn đề liên quan khác cho đến khi Joseph Hayim Schneiderman phải quay về trường. Chúng tôi tạm biệt, mong sẽ có cơ hội gặp nhau vào một lần khác.
“Các cậu gặp cậu ta không phải do tình cờ đâu,” Thầy Dahari nói. “Tôi đã xin phép hiệu trưởng trường để cậu ta được gặp các cậu lần nữa.”
“Cảm ơn thầy,” Itamar trả lời. “Chúng tôi rất muốn gặp lại cậu ấy, và chúng tôi thực sự cảm kích vì sự giúp đỡ của thầy.”
“Tôi cũng muốn tham gia cùng các cậu vào lần sau.” Ông gật đầu. “Schneiderman không biết mình nổi tiếng đến mức nào đâu. Cậu ta được coi là một người có đầu óc phi thường. Ở một khía cạnh nào đó, người ta cho rằng cậu ta được ban cho một trí nhớ đáng kinh ngạc. Mặc dù tôi có biết một vài phương pháp mà cậu ta sử dụng, tôi vẫn muốn các cậu tìm hiểu cách cậu ta dùng những phương pháp đó một cách sâu hơn. Thêm nữa, tôi cho rằng cậu ta cũng sẽ học được nhiều điều từ các cậu.”
“Sẽ rất thú vị đây,” tôi nói.
“Đúng vậy,” ông gật đầu. “Đó sẽ là một buổi động não về các phương pháp ghi nhớ. Tích hợp các phương pháp hiện đại với những phương pháp truyền thống của người Do Thái mà các nhà hiền triết xưa đã sử dụng. Tất cả chúng ta đều sẽ học học được nhiều thứ, và cậu, Jerome ạ, cậu có thể rút ra được những điều bổ ích cho mục tiêu mà cậu đang theo đuổi.”
“Tuyệt vời,” Itamar thốt lên.
“Một sáng kiến vĩ đại,” tôi nói thêm.
“Tôi sẽ mang vài chiếc đĩa CD của Billy Joe và Mordecai Ben-Davis Verdiger đi. Như thế, chúng ta có thể kết hợp truyền thống với hiện đại để tạo ra hiệu ứng hoàn hảo,” hắn đùa. “Tôi sẽ mang cả đĩa của Scorpions nữa.”
“Là ai thế?” vị giáo sĩ hỏi.
“Đó là một ban nhạc rock, tôi sẽ bật cho thầy nghe khi tôi muốn xua hết mọi người đi.”
“Sao chúng ta không gặp nhau ở Café Ladino nhỉ?” tôi gợi ý.
Vị giáo sĩ luồn tay vào bộ râu. “Chỗ đó có chứng nhận kosher(22) không?”
“Thầy hỏi kiểu gì vậy?” Jerome hành động như thể câu hỏi đó xúc phạm đến hắn ta lắm vậy. “Fabio là một tay cuồng truyền thống. Tôi đã thấy nhiều người theo đạo ngồi ở đó rồi.”
“Ai cấp chứng nhận kosher cho quán đó?” vị giáo sĩ vẫn khăng khăng.
“Đó là chứng nhận kosher Glatt,” Itamar trấn an ông.
“Đúng rồi. Chỗ đó là siêu siêu cực kosher luôn,” Jerome lảm nhảm. “Cái chứng nhận đó giống cái mà Giáo chủ của Israel treo trong bếp đấy.”
Vị giáo sĩ cười phá lên và vỗ vai Jerome. “Cậu đúng là một anh chàng độc nhất vô nhị đấy Jerome ạ.”