Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trí Tuệ Do Thái

Chương 9: Những Ghi Chép Kỳ Diệu Của Thầy Dahari

Tác giả: Eran Katz

Các phương pháp sử dụng hình vẽ để viết có hiệu quả

Jerome đặt túi xuống nền nhà và ngồi phịch xuống ghế.

“Ngày đầu tiên đi học thế nào?” tôi hỏi.

“Kinh khủng,” hắn trả lời cụt ngủn.

“Câu học những lớp nào?” Itamar cố moi thêm thông tin.

“Hình như là marketing và tài chính thì phải. Hai lớp.” Hắn lại trả lời ngắn ngủn, mắt hắn đang lang thang ở chỗ nào không ai biết.

“‘Hình như’ nghĩa là sao?”

“Ờ thì, hoặc là thế hoặc là bài giới thiệu về một môn nào đó. Tớ phải xem lại lịch học,” hắn giải thích.

“Tớ không hiểu,” Itamar vặn vẹo, thể hiện nỗi bực tức đại diện cho toàn bộ những giảng viên đại học. “Cậu đi học mà không biết mình học cái gì sao?”

“Thế cậu muốn gì ở tớ nào? Đó chỉ là buổi học đầu tiên thôi mà.” Hắn vẫy tay chào Fabio. “Các cậu không biết là buổi học đầu tiên hoàn toàn mang tính định hướng sao? Tuần đầu tiên, chẳng ai học gì hết,” hắn giải thích.

“Định hướng hả?”

“Ừ, định hướng.” Jerome ném cho Itamar một cái nhìn thiếu kiên nhẫn. “Trong lớp có bao nhiêu nữ sinh viên, trước và sau giờ học họ uống cà phê ở đâu, họ ăn trưa ở đâu, tình hình tiệc tùng tháng này ra sao… Tuần đầu tiên chỉ có vậy thôi.”

“Mình sắp mất một khoản bộn vì vụ cá cược này đây,” Itamar thở dài, mặt mũi bí xị.

“Thư giãn đi nào.” Jerome vỗ vai cậu ta. “Chỉ mới là tuần đầu tiên thôi mà.”

“Ừ, nếu thế,” tôi bắt đầu. “Cậu không phiền nếu bọn tớ đưa cậu đi một nơi để học một chút chứ?”

“Học thêm hả?”

“Một bài học tuyệt vời về các chiến lược viết lách của người Do Thái. Nó sẽ giúp cậu tóm tắt bài học hiệu quả hơn.”

“Không đời nào!” Jerome thốt lên, có vẻ sững sờ. “Tớ chẳng đi đâu hết.”

“Thư giãn đi nào.” Tôi vỗ vai hắn. “Mà, thầy Dahari đã đồng ý gặp chúng ta vào mười hai giờ rồi, thật bất lịch sự nếu hủy bỏ cuộc hẹn. Thầy là một người rất bận rộn.”

“Thầy Dahari là cái người quái quỷ nào vậy?”

“Một học giả kinh Torah. Một trong những người xuất sắc nhất.”

“Ông ấy rất có tiếng tăm,” Itamar bổ sung.

“Ồ, vậy chắc vị giáo sĩ đáng kính đó trưa nay sẽ muốn chợp mắt một lát,” Jerome nhận xét.

“Ờ, có chứ.” Tôi gật đầu. “Chính vì thế, bọn mình không nên làm chậm trễ giờ giấc của ông ấy.”

***

Chợ rau quả Mahane Yehuda nhộn nhịp kẻ mua người bán. Chúng tôi đi qua một lối đi hẹp lộn nhộn tiếng quát tháo của những người bán hàng và mùi của những thứ rau quả tươi, mùi cá và mùi các loại gia vị xộc vào mũi chúng tôi.

Chúng tôi băng qua phố Jaffa, lượn qua một loạt những chiếc xe bus đông nghẹt, những chiếc taxi và những màn khói đen xì phả ra từ ống xả. Tất cả mọi sự nhộn nhạo chợt biến mất khi chúng tôi rẽ vào một con phố hẹp trong khu đạo Bucharim. Những người Do Thái sùng đạo trong những bộ đồ truyền thống hối hả xung quanh chúng tôi. Itamar tự nhận lấy nhiệm vụ giải thích cho chúng tôi về những sự khác nhau tinh tế giữa các dòng phái tôn giáo khác nhau.

“Đó, người đó, thuộc dòng ‘Neturey Karta.” Cậu ta chỉ một người mặc áo khoác sọc đen trắng. “Và theo như đôi tất thì anh ta theo Gur Hasidism…”

“Theo như đôi tất?”

“Phải,” Itamar đáp. “Mỗi nhóm đều có quy định về trang phục rất nghiêm ngặt. Như Gur Hasid chẳng hạn, họ phải đi tất Kusak và cho ống quần vào trong tất, như kiểu quân đội ấy. Belz và Viznich thì lại đi giày lười, không dây, tất dài, áo khoác màu đen bóng cùng một chiếc thắt lưng lủng lẳng bên hông và một chiếc mũ Shtrainmel.”

“Thế người kia thì sao?” tôi chỉ một anh thanh niên đang bước nhanh sau chúng tôi.

“Tớ đoán anh ta thuộc dòng Litai. Anh ta đội mũ Kanitch ở giữa có nếp gấp và một chiếc áo khoác hiện đại.”

“Ông ấy sống ở đây,” Itamar chỉ một chiếc cửa màu xanh, sơn đã bắt đầu tróc và giải thích. Một lối đi lát đá dẫn chúng tôi đến lối vào tòa nhà hai tầng ở giữa. Tòa nhà được xây bằng loại đá vàng trắng rất thông dụng ở Jerusalem, mặc dù qua năm tháng trông nó đã xỉn đi rất nhiều. Cầu thang có vẻ không được quan tâm lắm, nó tối tăm đến mức gần như không đọc nổi bảng tên trên cánh cửa. Dòng chữ “M. Dahari – Học giả Torah” được viết trên một trong những hộp thư cũ kỹ, rỉ sét, sắp sửa bong ra khỏi bản lề.

Chúng tôi lên tầng và gõ cửa căn hộ số bốn. Một người phụ nữ thấp bé, gầy gò, ăn mặc giản dị ra mở cửa cho chúng tôi. “Mời vào,” bà hơi cúi người chào chúng tôi.

Phòng khách khá đơn giản. Một chiếc ghế dài với những chiếc gối tựa màu xám được đặt cạnh một chiếc bàn gỗ màu nâu sáng. Một bức tường treo đầy những bức tranh tôn giáo, một chiếc bùa hamsa(18) và nhiều đồ vật mang tính tâm linh khác. Thẳng sang bên là những giá sách ấn tượng chất đầy những cuốn sách về tôn giáo.

Một ông già, nhỏ thó và gầy gò y như vợ ào ào bước vào phòng.

“Chào mừng!” ông gầm lên cùng một nụ cười. Thầy Dahari có một đôi mắt sáng, nồng hậu, bộ râu dài, trắng tinh và một cú bắt tay chặt đến kinh ngạc.

“Ồ…ừm…” Jerome bắt đầu khi vị giáo sĩ nhanh tay túm lấy tay hắn và dùng cả hai tay ông lắc lắc. “Tôi nghĩ chắc thầy xem nhiều phim của Bruce Lee (Lý Tiểu Long) lắm.”

“Ai cơ?” ông hỏi, mỉm cười với vẻ tò mò. Itamar và tôi nhìn đi chỗ khác để thoát khỏi tình huống khó xử này.

“Ừm… thầy biết đấy… Bruce Lee, bậc thầy Kungfu. Thực sự thầy làm tôi nghĩ đến ông ấy,” Jerome cười, rõ ràng là thấy thích thú. “Ông ấy nhỏ bé nhưng cực kỳ mạnh mẽ…”

“Tôi sẽ coi đó là một lời khen,” vị giáo sĩ trả lời.

“Ồ, tất nhiên đó là một lời khen rồi! Bruce Lee có thể hạ gục hai mươi tên chỉ bằng một cú chặt…” Jerome khựng lại khi thấy Itamar huých vào sườn mình.

“Tuần này, Jerome bắt đầu học chương trình lấy bằng cử nhân về quản trị kinh doanh,” tôi nói để thay đổi chủ đề càng nhanh càng tốt.

“Ồ, vậy chúc cậu may mắn nhé. Ngồi đi.” Vị giáo sĩ chỉ về phía chiếc ghế dài.

Chiếc ghế có vẻ hơi hẹp để ba chúng tôi có thể cùng ngồi thoải mái nhưng chúng tôi vẫn ních vào được.

“Kinh doanh,” ông nói. “Đức Ngài sẽ mang thành công đến cho những người tôn kính Ngài.” Ông quay sang Jerome.

“Tôi sẽ tôn kính Ngài,” Jerome trả lời. “Chúng tôi vẫn chưa thỏa thuận được tỉ lệ ăn chia nhưng giúp tôi chỉ có lợi thôi, không đi đâu mà thiệt. Tôi hứa đấy.”

Thầy Dahari gật đầu. Có thể đến lúc này ông mới nhận ra rằng Jerome là một ca khó nhằn đến mức nào.

“Vậy tôi giúp gì được nhỉ?” ông hỏi khi quay sang phía tôi.

Itamar ngồi dịch ra đằng trước và giơ tay lên. “Chúng tôi xin thầy một vài lời khuyên liên quan đến phương pháp hiệu quả nhất để tóm tắt những bài học nhằm cải thiện khả năng hiểu và ghi nhớ. Tôi có nghe nói khoảng một năm trước, thầy đã giảng về vấn đề này,” Itamar giải thích.

Thầy Dahari nheo nheo lông mày suy nghĩ.

“Anh muốn nói tới những phương pháp mà tôi dạy những sinh viên Torah, đúng không?” Ông ngừng lại một lát để nghĩ tiếp rồi nhún vai và tiếp tục. “Thực sự thì tôi chẳng thấy có vấn đề gì hết.”

“Chúng tôi xin cảm ơn thầy,” Itamar hơi cúi đầu.

“Đúng vậy,” Jerome phụ họa. “Tôi nghe người ta nói thầy danh tiếng lắm,” hắn nói thêm, trong một khoảnh khắc chúng tôi thấy mát mặt vì sự lịch thiệp của hắn, “mặc dù cá nhân tôi chưa từng nghe nói về thầy.” Khoảnh khắc đó lập tức tan biến trong chưa đến một giây.

“Được rồi.” Vị giáo sĩ mỉm cười nồng hậu, thấy thích thú trước ‘hiện tượng’ Jerome này. “Vậy, nói tôi nghe… Cậu có sổ sách gì để bắt đầu ghi lại các ý chính không?”

Jerome lấy trong túi ra một tập giấy ghi nhớ màu vàng và cho thầy Dahari xem ba trang giấy kín chữ.

Itamar và tôi liếc nhìn nhau, kinh ngạc. Riêng cái việc Jerome thực sự viết được ba trang giấy đã là cả một sự kiện vĩ đại rồi. Hắn để ý thấy sự thay đổi trong thái độ của chúng tôi.

“Này! Đừng có tỏ vẻ ngạc nhiên thế chứ. Các cậu chưa đánh giá tớ đủ cao đâu.”

“Đủ cao hả?” tôi nói. “Cho đến lúc này, tớ chưa từng đánh giá cậu cao bao giờ.”

Vị giáo sĩ cầm tập giấy và bắt đầu đọc to câu đầu tiên đập vào mắt ông. “Điều hành một công ty có lợi thế là sẽ được hưởng một mức thuế thấp hơn mức thuế đối với cá nhân. Mức thuế suất cận biên xuất phát từ sự khác nhau…” Ông im lặng một lát trong khi mắt lướt nhìn một lượt phần còn lại của trang giấy. Rồi ông tiếp tục đọc nhanh hơn và nhấn mạnh hơn. “Điều hành một công việc kinh doanh trên cơ sở tiền mặt cho phép người kinh doanh kiểm soát tốt hơn các chi phí…”

“Nghe cứ như Bill Gates đọc kinh Torah tại lễ trưởng thành ấy nhỉ,” Jerome nói liến thoắng.

Hắn nói đúng. Nghe rất giống thế thật.

“Ồ, vậy thì,” thầy Dahari tiếp tục khi mân mê bộ râu, “để tôi dạy cho cậu một vài mẹo nhỏ của người Do Thái chúng ta.” Ông đặt tập giấy nhớ lên bàn.

“Chúng ta sẽ bắt đầu với thực tế rằng cậu đã sử dụng sai loại bút trên một loại giấy cũng sai nốt,” ông bắt đầu và dùng tay vỗ vỗ vào tập giấy.

Jerome nhướn lông mày ngạc nhiên khi rút chiếc bút màu bạc đắt tiền ra khỏi túi áo.

“Một chiếc Waterman giá 100 đô-la đấy,” hắn giải thích, giọng hơi bối rối. “Bố tôi tặng, bố tôi là một người đam mê những chiếc bút.”

“Cậu có thể tiếp tục dùng nó nếu cậu thích nhưng cậu cần phải thay đổi loại mực, dùng màu đen ấy, đừng dùng màu xanh.” Vị giáo sĩ đưa bàn tay phải ra, ý muốn bảo Jerome đưa cho ông chiếc bút. Jerome đành miễn cưỡng đặt chiếc bút vào bàn tay nhăn nheo của ông. Ông cầm bút, xoay xoay, chăm chú xem xét nó từ nhiều góc độ rồi mới đưa trả lại cho Jerome. Sau đó, ông chỉ vào tập giấy ghi nhớ và nói thêm, “thay bằng giấy màu trắng nhé, đừng dùng giấy màu vàng.”

Vị giáo sĩ ngồi tựa vào ghế và bắt đầu giải thích. “Chuyện kể rằng Moses đã viết nên kinh Torah bằng ‘một ngọn lửa màu đen bên trên ngọn lửa màu trắng.’ Chính vì thế mà ngày nay kinh Torah mới được viết bằng mực đen trên giấy da trắng. Những người chép kinh Torah không được phép chép kinh bằng chữ màu. Không được dùng màu xanh, màu vàng hay bất cứ màu nào khác. Chỉ được dùng màu đen – thứ màu đen đặc biệt dành cho việc chép kinh. Quy định về việc này rất nghiêm khắc, đến nỗi nếu qua thời gian, mực đen bị phai đi thành màu khác thì cuốn Torah đó cũng sẽ không dùng được nữa.”

“Mực chép kinh thì có gì đặc biệt?” tôi tò mò.

“Nó tồn tại mãi mãi. Nước không thể rửa trôi, ánh nắng mặt trời không thể làm mờ đi. Nó tồn tại vĩnh cửu.”

“Thế loại mực đó làm bằng cái gì?” tôi tiếp tục.

“Hỏi thế thì khác gì bảo Coca-Cola tiết lộ công thức bí mật của họ. Chúng ta đang nói đến một bí mật đã được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ những người chép kinh Torah ở thế kỷ này đến những người chép kinh Torah ở thế kỷ khác.”

“Nhưng thầy biết không, hình như tôi đã đọc ở đâu đó về công thức làm nên loại mực đặc biệt này,” Itamar xen vào. “Nguyên liệu làm mực lấy từ cây Cancantom và tro của một loại cây, bây giờ tôi không thể nhớ ra loại cây đó là gì.”

“Đúng vậy,” vị giáo sĩ xác nhận trước sự ngạc nhiên của chúng tôi. “Tôi cũng biết những chất làm nên Coca-Cola.” Ông mỉm cười. “Một chút cây coca, vani và quế. Nhưng, các anh đã thấy ai chế biến Coca-Cola tại nhà chưa?”

Itamar khoanh tay và gật đầu, vẻ đã hiểu ý. Cậu ta cũng cố vắt chân cho rộng chỗ ngồi nhưng không được.

“Ngoài lý do mang ý nghĩa tôn giáo đó còn có cách giải thích nào khác thật logic, khoa học cho việc sử dụng mực đen trên giấy trắng không?” Itamar trở lại với chủ đề đang dang dở.

“Tất nhiên là có chứ,” thầy Dahari khẳng định. “Chúng ta đang nói đến sức mạnh của sự tương phản,” ông giải thích. “Chữ đen trên nền trắng rất nổi, rõ ràng và dễ đọc hơn. Nó giúp người ta hiểu và tập trung vào trang giấy hơn. Người ta không sử dụng một cuộn giấy da chép kinh Torah với những chữ cái bị mờ là vì hai nguyên nhân: họ lo ngại rằng một vài chữ cái sẽ mất hình và rất có thể sẽ thay đổi cả nghĩa của từ đó, và thứ hai là nếu kiến thức viết trên giấy khó đọc thì người đọc rất có thể sẽ không muốn tập trung nữa và từ bỏ.”

“Vậy, nói cách khác,” Itamar phân tích, “nếu ta đọc một thông tin nào đó viết bằng chữ màu trên một tờ giấy màu, sẽ khó hiểu điều ta đang đọc hơn. Mắt sẽ bị mỏi và ảnh hưởng không tốt đến độ tập trung của người đọc.”

“Đúng thế,” vị giáo sĩ xác nhận.

“Tôi chẳng thấy viết bằng mực xanh trên giấy vàng có vấn đề gì cả,” Jerome buột miệng. “Mà thực ra tôi thấy hai màu đó kết hợp với nhau được đấy chứ.”

“Cậu nói cũng đúng,” vị giáo sĩ vẫn tiếp tục đồng ý với ý kiến của tất cả mọi người. “Màu xanh trên nền vàng là một sự kết hợp khá nền nã nhưng nó không tạo được hiệu quả như màu đen trên nền trắng. Kể từ khi cuốn sách in đầu tiên được ra đời, các cuốn sách luôn được in bằng chữ màu đen trên giấy trắng. Các cậu biết tại sao không?”

“Ngọn lửa đen bên trên ngọn lửa trắng,” Itamar nhắc lại.

“Thử mà xem. Nếu cậu viết như cách tôi bảo thì khả năng ghi nhớ và hiểu tài liệu của cậu sẽ được tốt hơn nhiều,” ông nói với Jerome.

“Đó là điểm đầu tiên. Bây giờ ta sẽ chuyển sang điểm tiếp theo.” Vị giáo sĩ chỉ vào vài dòng trên trang giấy của Jerome.

“Đừng viết bằng nét chữ thảo. Cố viết để làm sao các chữ cái đứng độc lập, không bị dính vào nhau. Có thể các cậu thấy kỳ quặc nhưng một trong những thứ giúp mài sắc khả năng hiểu một văn bản chính là quầng trắng bao quanh những chữ cái. Các cậu có thể không để ý đến điều này khi đọc nhưng đó là một thực tế và thực tế đó rất quan trọng.”

“Thú vị thật,” Itamar nhận xét. “Paul Sheele, người đã phát triển nên hệ thống đọc hiểu sử dụng đồ họa, cũng đã nhắc đến điều này – tác động của khoảng trắng giữa các dòng chữ đối với tài liệu đang được đọc.

“Người ta đã từng nói đến những con chữ màu trắng khắc trong khoảng trắng sinh ra từ những con chữ màu đen. Theo Zohar thì mỗi chữ cái đều có hai mặt: mặt chính thống, tức là hình màu đen và mặt không chính thống, hình màu trắng tạo ra từ những đường viền trong của hình màu đen. Hai mặt này, khi kết hợp với nhau, sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.”

Ông ho nhẹ rồi tiếp tục. “Ý tôi muốn nói ở đây là chữ thảo sẽ rất khó hiểu, và nếu các chữ cái đứng riêng rẽ, không dính vào nhau thì văn bản sẽ rõ ràng, dễ hiểu hơn.”

“Phải đó,” tôi tán thành. “Nhiều lần chính tôi còn chẳng giải mã được nét chữ thảo của mình!”

“Và mục đích của chúng ta là để hiểu ngay lập tức chứ không phải để đánh vật với những con chữ và tốn thời gian vô ích,” vị giáo sĩ tóm lại trong lúc với tay rút một cuốn sách từ trên giá xuống.

“Bảng chữ cái Do Thái,” ông mở cuốn sách và chỉ vào những từ trên trang giấy, “chữ hình vuông xuất phát từ chữ viết của người Sy-ri từ năm ngàn năm trước Công nguyên. Nó đã trải qua nhiều thăng trầm cho đến khi trở thành tiếng Do Thái được sử dụng ở Israel ngày nay. Thành công của loại chữ này là ở những chữ cái mới, đơn giản và dễ đọc hơn.

“Thay đổi một khía cạnh cơ bản như vậy của cuộc sống, một khía cạnh có mối liên hệ với truyền thống dân tộc không chỉ là một nhiệm vụ đòi hỏi sự can đảm. Nhiệm vụ đó còn chứa đựng cả mối nguy hiểm nữa. Cải cách hệ thống chữ viết là một bước đi rất mạo hiểm, có thể gây biến động cho cả một dân tộc. Nhưng bước đi đó đã được thực hiện bởi vì các nhà hiền triết muốn có một cách viết thực tế hơn, thực chất là hiệu quả hơn thay cho cách viết mà họ đã có sẵn. Chữ viết của người Asyrie bay bướm hơn chữ cái của tiếng Do Thái trước đây. Những nhà hiền triết đã làm đẹp một chút những chữ cái đơn giản và thực sự hài lòng với diện mạo mới của chúng. Nhiều năm sau này, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng bộ chữ mới, tương tự như những chữ cái đơn giản, dễ đọc hơn các bộ chữ khác.”

“Nói ngắn gọn, chữ đẹp bao giờ cũng thu hút mắt người đọc hơn,” Itamar tóm lại. “Nó làm cho người ta muốn đọc.”

“Chữ đẹp là chữ rõ ràng,” vị giáo sĩ nhấn mạnh. “Nó không chỉ cho bạn động lực đọc văn bản mà hơn hết, nó giúp bạn có thể đọc được. Vì thế, hãy viết sao cho dễ nhìn. Đừng có lười nhác. Không phải đơn giản chỉ là chữ dễ nhìn thì ta sẽ đọc được ngay mà còn bởi vì về lâu dài, chữ viết rõ ràng sẽ giúp ta nhớ được và hiểu thêm đến 80% các tài liệu. Nói cách khác, thay vì đọc 100 trang chữ viết tháu, cẩu thả, ta có thể đọc được 180 trang với những chữ cái được viết rõ ràng, tách rời nhau. Cùng một lượng thời gian ta có thể đọc được gần gấp đôi số tài liệu. Tất cả chỉ cần một thay đổi nho nhỏ trong cách viết!” ông kết luận.

“Nén dữ liệu có hao hụt,” Itamar bỗng bật ra, một nụ cười ngớ ngẩn gắn trên mặt cậu ta.

Cả ba chúng tôi nhìn cậu ta chằm chằm.

“Đó là một thuật ngữ trong máy tính,” hắn giải thích, có phần kích động. “Có những chương trình truy xuất dữ liệu cho phép bạn gọi bất cứ văn bản hay hình ảnh nào lên màn hình máy tính bằng nhiều cách khác nhau. Nếu bạn muốn có thông tin thật nhanh, bạn sẽ có ngay nhưng đổi lại là chất lượng của văn bản. Hoặc, nếu bạn muốn nhận được thông tin với mức độ rõ ràng tối đa thì cần nhiều thời gian hơn.”

“Thế thì có gì à?” tôi cố hiểu.

“Phương thức hoạt động của những chương trình đó tuân theo đúng những điều thầy Dahari vừa nói!” cậu ta giải thích. “Thuật toán chức năng của những chương trình này giải mã những điều kiện để một bức hình hoặc một văn bản rõ hơn hoặc bớt rõ đi. Khi một văn bản quá ngắn gọn, những chương trình này phá vỡ mối liên kết giữa các chữ cái, buộc mỗi chữ đứng riêng rẽ, xa nhau ra. Bằng cách này, mỗi chữ cái sẽ dày và nổi bật hơn, làm cho khi xuất hiện trên màn hình, chúng sẽ trở nên rõ ràng hơn! Đó chính là một trong những viên gạch dựng nên thế giới máy tính hiện đại ngày nay!”

“Nén gì ấy nhỉ?” Jerome hỏi.

“Nén dữ liệu có hao hụt,” Itamar nhắc lại.

“Nói cách khác,” vị giáo sĩ đưa chúng tôi trở lại với trọng tâm chính của cuộc thảo luận, “hãy viết thật rõ ràng và dễ đọc.”

“Cái này cũng có thể áp dụng với cậu đấy,” Itamar nói với tôi. “Tớ nhớ hồi học đại học, cứ vài phút một lần tớ lại phải gọi cậu để dịch chữ viết của cậu.”

“Đó là bởi vì, nói theo chuyên ngành tiến hóa, tớ và Jerome mang những nét của người Sy-ri,” tôi giải thích. “Nhiều lần, khi không thể đọc nổi chữ của mình, tớ phải đi nhờ một dược sĩ dịch giúp… Nhiều lúc, đó là những người duy nhất có thể giải mã được những nét chữ tượng hình của tớ,” tôi đùa.

Vị giáo sĩ phá lên cười. Thật ngạc nhiên là câu đùa của tôi lại làm ông ấy thích thú đến vậy.

“Nói đến chuyện đọc hiểu,” Itamar nhớ lại, “tôi phải kể cho mọi người nghe một câu chuyện rất thú vị. Hồi những năm 1950, Albert Einstein và Chaim Weitzman, tổng thống đầu tiên của Israel, đã đi tàu thủy từ châu Âu đến Châu Mỹ. Weitzman nói rằng trong chuyến đi đó, Einstein thỉnh thoảng có giải thích với ông về thuyết tương đối. ‘Khi chúng tôi đến New York,’ Weitzman nói, ‘tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục rằng Einstein hiểu lý thuyết của ông ấy.” Itamar mỉm cười. “Nói cách khác, một điều rất quan trọng là phải có ít nhất một người hiểu cái điều được viết ra trên giấy… chính bạn.”???

“Nhưng viết thảo như thế thực sự giúp tiết kiệm thời gian trong khi ghi chép nội dung chính của bài học,” Jerome nêu lên một điểm rất có lý.

“Điều đó còn phụ thuộc vào việc ta thích thế nào hơn,” vị giáo sĩ đáp. “Cái gì quan trọng hơn? Tiết kiệm thời gian khi ghi chép hay tiết kiệm thời gian hơn nữa khi phải giải mã những điều đã được ghi lại trên giấy cả hàng tháng trước. Tùy vào cậu thôi,” ông kết luận.

“Được rồi, nghe này.” Vị giáo sĩ ngồi thẳng dậy. “Tôi sẽ chỉ cho các cậu thủ thuật vĩ đại nhất.”

Ông chậm rãi bước đến chỗ một dãy các giá sách và lấy ra một bản cuốn Babylonian Talmud. Ông ôm chặt cuốn sách quý vào ngực mình và trở lại chỗ ngồi.

“Đây, cầm đi.” Ông đưa cuốn sách cho Jerome bằng cả hai tay. “Mở bất cứ trang nào cậu thích đi.”

Jerome đón lấy cuốn sách lớn, linh thiêng và đặt nó lên đùi. Hắn mở cuốn sách và bắt đầu lật qua các trang. Trông hắn như thể bị sập bẫy vậy. Một mặt, hắn hiểu rằng hắn đang xem một cuốn sách thần thánh, có tầm quan trọng rất lớn với dân tộc Do Thái nói chung và thầy Dahari nói riêng. Mặt khác, đối với hắn thì cuốn sách này có mức độ hứng thú cũng tương tự như cuốn Chỉ dẫn của Leonard Matlin về các bộ phim 2005 (Leonard Matlin’s 2005 Movie Guide) đối với Helen Keller(19).

Sau khi lịch sự lật một lượt hết các trang của cuốn sách, Jerome mở một trang ngẫu nhiên.

“Vậy cậu nghĩ sao?” vị giáo sĩ hỏi.

Jerome không biết phải nói gì.

“Đó là một cuốn sách rất to,” hắn bắt đầu. “Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tôi có một cuốn truyện Winnie the Pooh cũng to như thế này.”

“Nhưng nhìn mà xem,” thầy Dahari cố gắng gợi ý cho cậu ta. “Đây chẳng phải là cuốn sách đẹp nhất trên thế giới này sao?” Ông đặt bàn tay lên trang sách để mở. “Tôi không nói đến nội dung của nó. Tôi biết là nội dung của nó chẳng có ý nghĩa gì với cậu hết,” ông nói cho rõ. “Tôi muốn nói đến cấu trúc đồ họa của những chữ cái trên trang giấy.”

“Tôi không hiểu những chữ viết ở đây lắm,”

Jerome nói.

“Đó là bởi vì nó được viết bằng một dạng chữ có tên là Rashi. Nhưng lúc này, chưa cần tập trung vào điều đó. Khi mở một cuốn sách ra, ta thường để ý thấy rằng các dòng chữ được sắp xếp một cách rất rõ ràng theo hàng ngang và không có sự biến động. Cách sắp xếp này không nhằm mục đích nào khác ngoài việc truyền tải kiến thức. Nhưng trong sách Talmud lại khác, như cậu thấy đấy, một văn bản được sắp xếp theo hàng ngang, cột dọc, trong các nhóm khác nhau với các dạng hình học khác nhau khiến cho các con chữ mang sức mạnh của sự di chuyển và tính nghệ thuật.”

“Tôi muốn hỏi là liệu một văn bản được viết theo cách như thế thì có dễ nhớ không?” Itamar hỏi, hướng vị giáo sĩ đến lý do chuyến viếng thăm của chúng tôi.

“Dĩ nhiên rồi. Và cậu cũng có thể làm điều tương tự,” ông trả lời khi quay sang Jerome. “Báo với tiểu thuyết thì cậu đọc cái nào nhanh hơn?”

“Báo,” Jerome trả lời ngay mà không cần đến một giây suy nghĩ.

“Thế cậu có biết tại sao không?”

“Báo dễ đọc hơn nhờ cách trình bày các thông tin,” Jerome giải thích.

“Chính xác!” vị giáo sĩ đáp.

“Hình dạng của văn bản làm cho nó dễ đọc hơn,” ông nói thêm. “Lần đầu nhìn một văn bản viết cũng giống như lần đầu tiên xem một bức tranh vậy – có thể ta sẽ bị cuốn hút bởi cái ta xem, cũng có thể ta không bao giờ muốn nhìn thấy nó một lần nào nữa. Những chữ cái rõ ràng và một văn bản được sắp xếp thành các cột thay vì những dòng chữ dài. Mắt ta có thể nắm bắt được những dòng chữ ngắn được sắp xếp theo các cột nhanh hơn là những dòng chữ dài thường thấy trong hầu hết các cuốn sách. Khi ta đọc chữ trong các cột, mắt ta hầu như không phải di chuyển còn khi đọc những dòng dài, mắt sẽ phải đưa qua đưa lại ở những khoảng cách lớn hơn mà đó chính là điều làm ảnh hưởng đến sự tập trung của mắt và làm tốn thời gian hơn.”

“Và cuối cùng, mắt sẽ bị mỏi,” tôi bổ sung.

“Vậy chính xác thì điều này có ích gì cho tôi?” Jerome băn khoăn. “Sách giáo trình ở trường đại học có được viết trong như trong sách Talmud đâu.”

“Sách giáo trình thì không thật,” vị giáo sĩ nhẹ nhàng xác nhận mặc dù giọng ông có vẻ rất lạc quan.

Ông nhặt cặp bìa tài liệu của Jerome lên và rút ra một tờ giấy trắng. Không chờ Jerome đồng ý, ông lấy chiếc bút ra khỏi túi hắn và kẻ một đường thẳng chạy dọc suốt trang giấy, chia tờ giấy làm hai phần.

“Đừng ghi chép thành những dòng dài trên toàn bộ trang giấy mà hãy sử dụng cả hai lề. Đầu tiên là bên trái, rồi đến bên phải. Đây, để tôi chỉ cho cậu xem.”

Trong khoảng hơn một phút sau đó, ông tập trung vào việc viết cái gì đó lên trang giấy, mà chính xác hơn là chép lại những điều Jerome đã ghi.

“Nhìn đi,” vị giáo sĩ cho chúng tôi xem thành quả lao động của ông.

“Điều hành một công ty có lợi thế là được hưởng một mức thuế thấp hơn mức thuế đối với cá nhân. Công ty phải đăng ký để trong trường hợp xảy ra vấn đề thì tài sản của người sở hữu công ty được tách rời một cách hợp pháp khỏi tài sản của công ty. Hay, nói cách khác, người thu nợ sẽ không có quyền động đến tài sản cá nhân của chủ sở hữu công ty (như nhà cửa, tài khoản ngân hàng…).

Điều hành một công ty có lợi thế là được hưởng một mức thuế thấp hơn mức thuế đối với cá nhân. Công ty phải đăng ký để trong trường hợp xảy ra vấn đề thì tài sản của người sở hữu công ty

được tách rời một cách hợp pháp khỏi tài sản của công ty. Hay, nói cách khác, người thu nợ sẽ không có quyền động đến tài sản cá nhân của chủ sở hữu công ty (như nhà cửa, tài khoản ngân hàng…)

“Cậu thấy đấy. Đây chính là đoạn mà cậu đã viết. Đoạn đầu tiên được viết theo cách phổ biến mà hầu hết các sinh viên trên thế giới này đều sử dụng.” Ông chỉ vào đoạn đầu tiên trên đầu trang. “Đoạn thứ hai được viết theo cách tôi đã nói.” Ông chỉ vào đoạn được chia thành hai cột riêng biệt. “Cậu thấy đoạn nào dễ thu hút mắt và dễ đọc hơn?”

“Thú vị thật,” Jerome nói.

“Và còn một điều nữa. Cậu thấy tôi viết đoạn nào dễ và nhanh hơn.

Một lần nữa, sự im lặng lại bao trùm không gian khi cả ba chúng tôi cùng gật đầu hiểu ý.

“Đôi mắt không phải là thứ duy nhất bị mỏi và đánh mất khả năng tập trung khi phải đọc những dòng chữ dài. Tay ta cũng vậy,” vị giáo sĩ nói rõ.

“Các cậu có bao giờ để ý đến một thực tế rằng nếu viết thành cột thì chỉ có cổ tay phải di chuyến còn nếu viết thành dòng dài thì ta sẽ phải nâng toàn bộ cánh tay ít nhất là ba lần,” ông nhấn mạnh. “Các cậu có nghĩ rằng như thế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và hiệu quả của việc ghi chép không?”

“Hay thật,” tôi reo lên. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó.”

Jerome lấy tờ giấy ở chỗ vị giáo sĩ và nhìn chăm chú vào nó. Hắn gãi cằm và cười toe toét.

“Thầy làm được rồi,” hắn lẩm bẩm.

“Tôi làm được cái gì cơ?” vị giáo sĩ hỏi lại.

“Rõ ràng thầy là một người chép kinh thành thục. Cách viết của thầy không chê vào đâu được và thầy thực sự là một chuyên gia trong Nén dữ liệu có lao lực.”

“Nén dữ liệu có hao hụt,” Itamar sửa lại.

“Những chữ cái thầy viết không dính với nhau… chữ đẹp,” Jerome nhắc lại lời khen mà hắn đã định nói.

“Cảm ơn cậu,” vị giáo sĩ nói. “Cậu đã bao giờ nghe nói đến thầy Yithak Ben Mosche Halevi chưa?”

Jerome gãi gãi đầu ngượng ngùng. “Ừm… tôi nghĩ là…”

“Nhà tiên tri Duran,” Itamar gợi ý. “Ông ấy sống ở thế kỷ XIV.”

“Nhà tiên tri Duran đã phát hiện ra mối liên hệ gần gũi giữa chữ viết đẹp và khả năng kỳ diệu của nó trong việc cải thiện trí nhớ dựa vào hình ảnh của con người,” vị giáo sĩ giải thích. “Trong lời tựa cho cuốn ‘Ma’aseh Efod’ ông viết, ‘Vẻ lộng lẫy và nét đẹp của chữ viết sẽ để lại dấu ấn trên các giác quan và trí tưởng tượng… bởi vì nó mang sức mạnh của sự ghi nhớ…’”

Jerome ghé sát vào tai tôi và thì thầm, “Có mối liên hệ gì với ban nhạc Duran Duran không?”

“Cũng có thể,” tôi đùa.

“Vậy ý thầy là từ bây giờ tôi nên ghi chép thành các cột sao?” Jerome hỏi vị giáo sĩ.

“Đúng vậy, hãy viết hai cột trên một trang giấy. Tôi đảm bảo là cậu sẽ hiểu được gấp đôi, đạt được kết quả gấp đôi,” ông quả quyết.

“Đây đúng là một ý tưởng mang tính cách mạng,” tôi nói to suy nghĩ của mình. “Thay đổi cách ghi chép mà ta đã được dạy.”

“Đúng vậy,” ông xác nhận. “Mà hầu hết con người chúng ta đều rất bảo thủ khi nghĩ đến việc thay đổi cách làm… Nhân tiện, các cậu có biết định nghĩa một người bảo thủ là như thế nào không?”

“Là thế nào?” tôi nhíu mày.

“Một người thực sự muốn có sự thay đổi trong cuộc đời mình… nhưng không phải ngay lúc này.” Ông mỉm cười.

Tôi cười đáp lại nhưng hơi miễn cưỡng. “Thầy muốn nói đến một thay đổi có tính quyết định ở đây… ghi chép thành các cột thay vì thành những dòng dài suốt trang giấy…”

“Chúc may mắn!” ông gầm lên mà không giải thích gì thêm hay làm rõ điều tôi đang băn khoăn.

Itamar ngồi thẳng dậy và duỗi cánh tay. Cử động của cậu ta làm tôi bị co lại. Tôi khoanh tay trước ngực, lấy chân huých nhẹ vào Itamar, nhắc cậu ta là đến lúc chúng tôi phải đi rồi, để cho thầy Dahari nghỉ trưa.

Itamar hiểu ý và ngay lập tức thay đổi thế ngồi.

“Thôi, tôi nghĩ chúng tôi đã làm thầy mất nhiều thời gian rồi,” Itamar nói khi xoa hai bàn tay và nhìn sang Jerome. “Cậu còn muốn hỏi gì không?”

Jerome lén nhìn Itamar một cái và vẫn đông cứng tại chỗ.

“Để tớ nghĩ đã,” hắn nói mà không bỏ cái nhìn khó chịu đó khỏi Itamar, cũng chẳng thấy có ý định nghĩ ngợi gì. Rồi hắn nhìn sang vị giáo sĩ.

“Thầy có tình cờ biết người Gur Hasid đi tất gì không?” hắn thốt lên.

Itamar đứng lên ngay và kéo tay Jerome.

“Thầy Dahari đáng kính à, chúng tôi rất biết ơn vì thầy đã dành thời gian cho chúng tôi. Và thầy đừng lo, chúng tôi sẽ lo cho cậu bé này ở bên ngoài.”

Vị giáo sĩ, từ lúc đến giờ vẫn chăm chú xem xét tập giấy ghi nhớ của Jerome, chẳng thèm để ý đến những lời nhận xét vô nghĩa của chúng tôi và ra hiệu rằng ông còn có chuyện muốn hỏi. Ông lật đến trang thứ tư. Chúng tôi chưa từng thấy trang đó. Ở trên đầu trang có một vài dòng, phần còn lại thì đầy những hình vẽ nguệch ngoạc các con vật.

“Cái gì đây?” ông hỏi Jerome.

“Ừm… đó là…” Jerome cười bẽn lẽn. “Đó là con cá sấu mặc áo La Coste, còn đây là con gấu mặc áo choàng Timberland… Tôi đang cố gắng kết hợp tên các nhãn hiệu thời trang với các con vật,” hắn giải thích.

“Cái này thì liên quan gì đến việc học hành của cậu,” vị giáo sĩ thắc mắc.

“À. Đấy là tôi tóm tắt bài giảng buồn chán nhất ấy mà.” Hắn cười. “Còn ở đây nữa.” Hắn chỉ vào một trang nữa trong tập giấy. “Nhìn tôi vẽ những họa tiết đẹp không này…”

Itamar và tôi ghé lại gần hơn để nhìn cho kỹ cái mà vị giáo sĩ và Jerome đang nói đến.

“Nếu cậu muốn nghe một lời khuyên,” vị giáo sĩ đưa trả tập giấy cho Jerome, vuốt râu và nói. “Không phải bài giảng nào cũng thú vị. Về chuyện đó thì cậu chẳng làm gì được cả. Một bài giảng thú vị phụ thuộc rất nhiều vào người giảng nhưng sinh viên cũng có thể làm cho bài giảng trở nên hấp dẫn hơn. Cậu có muốn đi cùng tôi đến một trường đạo để quan sát những phương pháp hiệu quả mà những sinh viên Torah sử dụng không, những phương pháp mà cậu không thể thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới này?”

Jerome có vẻ hơi lo lắng, hắn nhìn sang vị giáo sĩ rồi lại quay sang chúng tôi như cầu xin sự giúp đỡ.

“Đây là lần thứ hai trong tuần có người bảo tớ đến trường đạo đấy. Nếu tớ đến đó, liệu người ta có để tớ về không nhỉ?” hắn hỏi, nửa đùa nửa thật.

“Tôi không dám hứa trước điều gì,” vị giáo sĩ đùa lại, rõ ràng ông đã cảm nhận được nỗi lo của Jerome. “Để chắc ăn, tốt nhất là cậu cứ mang giày, khăn, bàn chải đánh răng và những thứ thiết yếu khác đủ dùng trong ba tháng đi.”

Jerome cười u ám.

“Trên mũ có thể in hình con thỏ nếu cậu muốn.” Vị giáo sĩ cố đoán xem mốt thời trang nào đang thịnh hành.

Ông bắt tay từng người chúng tôi khi chúng tôi xin phép ra về. Chúng tôi cảm ơn ông và khi ra đến cửa, ông vỗ vai Jerome.

“Có một điều,” ông nói.

Jerome quay lại và thấy ông đứng vuốt râu.

“Bruce Lee thực sự là một con người phi thường nhưng tôi thấy mình giống fan của Jackie Chan hơn. Tôi nghĩ anh ta nhanh hơn và khỏe hơn…”

Mắt Jerome mở to ngạc nhiên. “Thầy Dahari!”

Thầy Dahari khoanh tay và tựa vào tường. “Suốt hai mươi năm qua, người ta biết đến tôi với cái danh thầy Dahari. Nhưng trước đó, tôi là Moses Dahari, một thợ điện.” Một nụ cười rạng rỡ nở trên khuôn mặt ông khi ông bắt tay Jerome lần nữa. “Biết đâu, một ngày nào đó, người ta sẽ gọi cậu là thầy Jerome?!”

Bình luận