Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trí Tuệ Do Thái

Chương 11: Họp Nhóm Về Sự Cải Thiện Trí Nhớ Của Jerome

Tác giả: Eran Katz

Phần 1: Các phương pháp tăng khả năng tập trung và tiếp thu kiến thức

Schneiderman, đi cùng với thầy Dahari và Itamar, hôn lên chiếc bùa ở lối vào quán Café Ladino. Cậu giữ chặt ve chiếc áo vest màu đen. Người nào nhìn thấy cậu cũng có ấn tượng rằng có điều gì đó đang làm cậu bối rối. Sự xuất hiện của một học giả trẻ ở một nơi khác hẳn khung cảnh tự nhiên, gần gũi với cậu khơi dậy sự tò mò của những người khách trong quán. (Những sinh viên trường đạo rất ít khi vào quán cà phê cùng với những người Do Thái không mộ đạo khác.)

Fabio vui mừng đón tiếp những vị khách của mình và dẫn mọi người đến một chiếc bàn gỗ ở góc sân, nơi Jerome và tôi đang ngồi đợi. Chúng tôi đứng lên bắt tay nhau.

“Một nơi rất đẹp,” Thầy Dahari buông lời khen trước khi quay sang Fabio và bày tỏ mong muốn được xem giấy chứng nhận kosher của quán. Fabio chạy vào bếp và trở lại với một tờ giấy đã được lồng khung. Vị giáo sĩ xem xét một hồi và gật đầu hài lòng.

“Cậu thấy sao, Joseph Hayim?” Jerome hỏi cậu sinh viên. “Cậu đã từng thấy nơi nào đẹp hơn nơi này chưa?”

Schneiderman cười ngượng. “Nói thật, tôi không hay đến quán cà phê lắm, nhưng chỗ này có vẻ rất dễ chịu.”

Chúng tôi cùng ngồi xuống và chăm chú nghiên cứu thực đơn.

“Mọi người có muốn tôi giới thiệu một chút về các món đặc biệt của quán không?” Fabio hỏi, anh ta vẫn đứng bên bàn chúng tôi.

“Món đặc biệt hả?” Jerome ngỡ ngàng. “Ở đây có món đặc biệt từ khi nào vậy?”

Fabio cười, coi như không nghe thấy câu đùa của Jerome.

“Hôm nay chúng tôi có rau bina cuộn vỏ bánh filo, mì pasta sốt ô liu đen và hạt tiêu, sung nhồi kem kaymak, mật ong và hồ trăn. Tất cả đều được chế biến trong căn bếp thuần đạo của tôi.”

“Cậu thích thử món gì?”

Schneiderman, có vẻ vẫn hơi thiếu thoải mải, chỉ gọi một cốc nước mà cũng nói lắp.

“Một cốc nước! Sự lựa chọn hoàn hảo!” Jerome kêu lên hào hứng. “Fabio, anh bạn tốt của tôi ơi, hãy mang đến cho chàng trai trẻ này một cốc nước và tính vào hóa đơn của tôi nhé.”

“Anh tốt bụng quá,” Fabio cười.

“Cậu có thể gọi món gì đó để ăn.” Vị giáo sĩ cố gợi ý để cậu sinh viên lựa chọn.

Fabio ghi lại những thứ mọi người gọi và quay đi. Itamar nói cho Schneiderman nghe về quán Ladino, về Fabio và những điều đặc biệt của quán. Schneiderman im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng xen vào một vài câu hỏi rồi lại im lặng. Nơi này và cả khung cảnh này đều lạ lẫm với cậu; cậu thấy khó thư giãn.

“Vậy, nhà trường cho phép cậu ra ngoài vài tiếng hả?” Jerome hỏi.

“Vâng,” cậu lẩm bẩm. “Thầy nói đây là một lý do chính đáng để ra ngoài.”

“Jerome đã bắt đầu việc học của mình,” tôi nói. “Và cậu ấy đang phải đối mặt với một vấn đề không biết nên làm thế nào. Cậu ấy vừa muốn học thành tài nhưng lại không muốn học quá nhiều và phải đánh đổi bằng thời gian cho những lần ngồi quán cà phê hay đi loanh quanh mỗi chỗ một tí.”

“Đúng vậy đó,” Jerome xác nhận. “Chẳng hạn, nếu tôi mà ngồi đây học được, ở Café Ladino này, thì thật là lý tưởng.” Hắn tựa người vào ghế và thở dài thườn thượt.

Bàn cà phê hay bàn làm việc – Điều kiện học tập lý tưởng

Schneiderman mỉm cười và nhìn xuống sàn. Sau đó, cậu ngẩng đầu lên nhìn thầy Dahari, quay sang Jerome và nói, “Vậy anh cứ làm thế đi, có sao đâu.” Cậu nhìn sang vị giáo sĩ một lần nữa để tìm kiếm một dấu hiệu của sự đồng tình. Mặc dù ông thầy không có ý kiến gì với cậu sinh viên của mình nhưng ông ra hiệu cho cậu cứ nói tiếp.

Schneiderman ngồi thẳng lên để nhận lấy trách nhiệm vừa đặt lên vai mình. “Trong cuốn Naviot Hochma có đoạn viết, ‘Một người không thể học tại một nơi mà trái tim người đó không mong muốn.’ Mỗi người đều có trách nhiệm phải tự quyết định mình có thể học tập và ghi nhớ tốt nhất trong hoàn cảnh nào, bằng cách thức nào và tại thời điểm nào. Đó chính là cách học của những nhà hiền triết danh tiếng.” Cậu kết thúc bài diễn văn ngắn của mình rồi lại im lặng lần nữa.

“Trong cuốn ‘Trí nhớ và tính hay quên,’” thầy Dahari phá vỡ sự im lặng, “Yehuda Hayman đã giải thích điều chúng ta vừa bàn đến, đối với những người đã quen học giữa khung cảnh hỗn loạn, náo động và tất cả những cơn địa chấn trong căn nhà của mình thì sự ồn ào đó không còn ảnh hưởng đến sự học mà họ đang theo đuổi nữa. Mặt khác, lại có những người nhất thiết phải thiết lập sự im lặng, tĩnh mịch và êm đềm trong nhà. Có những người ngồi xuống đâu cũng học được nhưng lại có những người muốn học được nhất thiết phải có bàn, có ghế đàng hoàng.

“Có lần tôi đã đọc ở đâu đó về lời khuyên của một học giả Do Thái rằng nên ngồi học bên bờ sông bởi vì sự thanh bình của nơi đó có thể hỗ trợ khả năng ghi nhớ của ta. Chúng ta cũng đã nói đến việc phải học với lòng mong muốn, học trong sự vui vẻ. Nói tóm lại, điều Joseph Hayim nói rất đúng bởi vì ta nên học ở một nơi mà cả trái tim và tâm hồn ta đều mong muốn.”

“Sông nào ấy nhỉ?” Jerome hỏi.

“Tôi cũng không rõ lắm. Chắc là ở châu Âu,” ông trả lời.

“Tôi nghĩ, không học kiểu đó được đâu… bởi vì nếu mang sách vở ra bờ sông Amazon mà ngồi với một con cá sấu nhìn chằm chằm vào sách và một con sư tử săm soi xem ta đang đọc trang nào thì cũng hơi hãi đấy,” hắn đùa. “Nhưng có một chuyện tôi muốn hỏi cậu, Joseph Hayim à,” Jerome giơ ngón tay lên, nhắm mắt lại và tập trung tư tưởng. “Mà tiện thể, cậu có cái tên nào ngắn gọn hơn để gọi không? Đến lúc nói xong từ ‘Joseph Hayim’ thì tôi cũng quên khuấy mất mình định nói gì rồi.”

“Vậy anh có thể gọi tôi là Josik cũng được. Bạn bè tôi thỉnh thoảng vẫn gọi thế.”

“Josik! Tuyệt. Thế có phải đơn giản hơn bao nhiêu không! Mà thôi, chuyện tôi định hỏi là…ừm…tại sao cậu không học trong quán cà phê, chẳng hạn thế?”

Mắt cậu sinh viên mở to đầy ngạc nhiên. Rõ ràng cậu chưa bao giờ có ý tưởng đó. Cậu nhìn lên trời, khoanh tay và ngẫm nghĩ.

“Tôi thích học trong trường đạo,” cậu trả lời đơn giản. “Ở đó, tôi cảm thấy thoải mái. Không khí ở đó rất tốt cho việc học và nói thật là tôi không thích học một mình.”

“Cậu ấy nói có lý đấy,” vị giáo sĩ nhận xét. “Không nên học một mình và tách biệt, như thế không tốt bởi vì nó dễ sinh ra tính lười nhác và nảy sinh nhiều cám dỗ.”

“Cám dỗ tức là sao?” Jerome hỏi.

“Phải rồi, chắc chắn là thế,” tôi lên tiếng. “Cậu không biết có câu nói ‘Chỉ hai phút thôi’ sao?”

“Là sao?”

“Cậu ngồi vào bàn học, một mình trong phòng với những cuốn sách và rồi… nghỉ hai phút thôi, chộp lấy thứ gì đó trong tủ lạnh bỏ vào miệng… chỉ mười phút thôi, xem thời sự, cập nhật tin tức nóng bỏng một tí… chỉ một giây thôi, gọi điện cho cô bạn xem tình hình cô nàng thế nào. Đó là những cám dỗ mà thầy Dahari muốn nói tới.”

“Và những cám dỗ đó thường phát sinh khi ta ở nhà một mình,” Itamar bổ sung. “Chính vì thế mà có một ‘Hevrutah’ là rất tốt. Ngoài động cơ học tập chung và khả năng động não hiệu quả, ta còn có một thứ nghĩa vụ, nếu không phải với chính mình thì ít nhất cũng là với người bạn học chung. Ta sẽ không dễ dàng đầu hàng trước những cám dỗ, bỏ cuộc hay cho phép mình dừng lại để làm những việc linh tinh khác.”

“Vậy, học ở quán cà phê có lợi gì chứ?” Jerome thắc mắc.

“Đầu tiên, cậu đâu có ở một mình,” tôi trả lời. “Cậu đâu phải chịu cái cảm giác bị bó chân ở nhà, rầu rĩ và đau khổ trong khi người khác tưng bừng ở bên ngoài, chính cậu cũng đang vui chơi đấy chứ. Cậu ngồi trong một quán cà phê, xung quanh đầy người và cậu đang ở một nơi mà cậu muốn, chính nơi mà cậu đã mơ tưởng tới khi phải ngồi chết dí trong phòng mình. Thứ hai, như thầy Dahari nói đấy, cậu không phải đối mặt với bất cứ cám dỗ nào… không có TV cũng chẳng có tủ lạnh để mà quyến rũ cậu. Chỉ có cậu và tách cà phê mà cậu sẽ phải thanh toán trong khi đó cậu lại chẳng muốn đứng dậy, đi loanh quanh làm gì bởi vì nếu thế, một gã bồi bàn nào đó sẽ đến và dọn tách cà phê của cậu đi ngay. Nói cách khác, cậu phải ngồi đó và nhâm nhi cà phê của mình. Lúc ngồi đó, rất có thể cậu sẽ muốn học một chút.”

“Có một câu chuyện cười kiểu như thế nhưng là liên quan đến bia,” Jerome nhớ lại. “Một anh chàng vào quán và gọi một vại bia thật to nhưng đúng lúc người phục vụ đặt vại bia to uỵch trước mặt anh ta thì anh ta lại muốn đi vệ sinh. Vấn đề là ở chỗ anh ta sợ có người sẽ uống mất vại bia của mình trong lúc anh ta vào nhà vệ sinh. Thế nên, anh chàng viết lại một tờ giấy nhắn, ‘Cốc bia này thuộc về người khỏe nhất hành tinh.’ Anh ta yên tâm ra nhà vệ sinh và khi quay lại thì vại bia đã không còn một giọt. Bên cạnh đó là một tờ giấy nhắn khác, ‘Cảm ơn – người nhanh nhất thế giới.’”

Trong lúc chúng tôi còn rũ ra cười thì Fabio mang đồ ăn đến.

“Này, anh thử nói xem, Fabio,” Jerome quay sang anh chàng chủ quán, “nếu tôi, hay bất cứ người khách nào khác, vào quán mà chỉ gọi mỗi một tách cà phê rồi ngồi đó đến năm tiếng liền thì anh có thấy khó chịu không?”

“Thế chẳng phải anh vẫn hay làm thế còn gì?” Fabio cười và trả lời. “Như anh chàng đằng kia chẳng hạn nhé,” anh ta chỉ một người đang ngồi ở phía bên kia sân. “Cậu ấy tuần nào cũng đến đây hai, ba lần, mang sách vở theo để học và lần nào cũng ngồi đến hai, ba tiếng. Nhưng tôi không hề thấy khó chịu. Ngược lại là đằng khác. Tôi mừng vì quán của mình có thể giúp người ta tập trung vào việc học hành. Là một cựu giáo viên trợ giảng, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ cho những người ham học hỏi.”

Jerome căng mắt nhìn người mà Fabio nói tới. Bỗng nhiên, hắn chỉ vào anh ta và kêu lên mừng rỡ, “Nhìn kìa, cậu ấy mặc áo phông tớ thiết kế đấy!”

Chúng tôi đồng loạt quay lại nhìn xem có gì mà Jerome hào hứng đến vậy. Từ xa, chúng tôi cũng đã nhận ra ngay một trong những tác phẩm của Jerome. Đó là hình Bill Gates đang vắt vẻo ở lưng chừng một tòa nhà chọc trời và hì hục lau cửa sổ. Bên dưới là dòng chữ, ‘Dịch vụ lau chùi Windows và Office 2000.’”

“Tớ có biết anh chàng này thì phải,” Jerome lẩm bẩm. “Tớ phải ra chỗ cậu ta mới được.”

“Có một lý do nữa khiến tôi thích học ở trường đạo.” Schneiderman quay trở lại chủ đề đang dở. “Một điều rất quan trọng là ta phải học ở một nơi sạch sẽ và linh thiêng.”

“Bởi vì, cũng giống như một con người vĩ đại, một địa điểm cũng có thể cho ta nguồn cảm hứng và giúp tăng khả năng tiếp thu kiến thức,” tôi giải thích ý của Schneiderman.

“Đúng vậy,” cậu gật đầu. “Đối với tôi, trường đạo là một nơi linh thiêng với một mục đích duy nhất là đem đến cho sinh viên sự sáng suốt của người Do Thái. Tôi thực sự tìm được nguồn cảm hứng, như anh nói đấy, ở một nơi như thế.”

“Chúng ta nên đứng dậy, đi rửa tay đã chứ nhỉ?” vị giáo sĩ nói và đứng dậy. Ông thấy khó mà cưỡng lại mùi thơm quyến rũ từ những món ăn ấn tượng đang bày trên bàn.

“Các cậu không tin được đâu,” Jerome quay lại bàn cùng lúc với chúng tôi. “Tên anh chàng đó là Itzik Ben-David, cậu ta đang học chung với tớ ở trường đại học. Tớ vẫn chưa quen hết mọi người bởi vì nhiều người theo học chương trình quản trị kinh doanh quá, nhưng cậu ta có nét rất quen.”

“Cậu có nói cho cậu ta biết nguồn gốc chiếc áo cậu ta mặc không?”

“Tất nhiên là có chứ. Và anh chàng thấy ấn tượng lắm.”

Vị giáo sĩ và cậu sinh viên trường đạo cúi đầu và cầu nguyện bên chiếc bánh mỳ.

“Chúc ngon miệng,” ông nói khi chuyển những miếng bánh mỳ tươi ngon cho mọi người.

Chúng tôi nhấm nháp trong khi Itamar kể lại cho Jerome nội dung câu chuyện mà chúng tôi nói trong lúc hắn không ở đó.

“Lúc cậu ra đằng kia, bọn tớ đã nói về việc nên chọn một nơi linh thiêng để học tập. Nói cách khác, nơi học phải có tác dụng tạo nguồn cảm hứng.”

“Như sân vận động Wembley đúng không?” Jerome đùa.

“Nhân tiện,” vị giáo sĩ nói, “các nhà hiền triết xưa chỉ nói đến việc học tại giáo đường, chứ không phải trong thánh đường. Điều này rất thú vị. Thánh đường rõ ràng là linh thiêng hơn giáo đường. Vậy, tại sao lại không học ở nơi linh thiêng hơn?”

Nguyên nhân của tính hay quên và các yếu tố gây nhiễu khác

“Một nơi được coi là quá linh thiêng thì có thể sẽ gây sức ép cho người học,” ông giải thích, “mà ta thì không nên học dưới sức ép một chút nào.”

“Giống như thư viện ở trường đại học vậy, đó được coi là chỗ lý tưởng để học hành, nhưng thực ra nhiều lúc lại phản tác dụng, trở thành một yếu tố cản trở việc học,” tôi nói khi nhớ lại những kinh nghiệm thất bại khi học trong các thư viện. Nhìn ai trong thư viện cũng có vẻ chăm chú, cần mẫn và thông minh trong khi tôi thì chẳng cho vào đầu được lấy một trang sách. Đối với tôi, mỗi lần học ở thư viện đều rất căng thẳng.

“Không nên học trong lúc giận dữ, khi đang bối rối, khó chịu hoặc có một điều gì đó đang gây sức ép cho ta,” vị giáo sĩ nói tiếp. “Sự lo lắng làm con người ta mất đi cảm giác an tâm. Nỗi sợ hãi làm cơ thể con người run lên, và nỗi lo chính là một cái chết dai dẳng làm tan chảy trái tim, làm tiêu tan hơi ấm tự nhiên mà nếu thiếu hơi ấm đó, cơ thể và trí nhớ của con người sẽ yếu đi rất nhiều. Tất cả những điều này được viết trong cuốn ‘Trí nhớ và tính hay quên’ mà tôi đã nói đến khi nãy.”

“Thế nên người ta mới nói,” Schneiderman bổ sung, “ta cần phải tìm cách đối mặt, giải quyết những thứ gây xao nhãng hàng ngày và những điều làm ta lo lắng. Nếu lúc nào ta cũng lo lắng về mọi thứ, đầu óc ta sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng và như thế không tốt cho tâm hồn chút nào. Ta cần phải tách bản thân ra khỏi mọi lo lắng, xáo trộn và tập trung vào việc học tập.”

“Ôi,” Jerome thốt lên cay đắng, “cứ nghĩ đến việc học là tôi đã thấy mệt mỏi, căng thẳng rồi. Nếu có cả một bài luận bốn trăm trang viết bằng ngôn ngữ kiểu Shakespeare phải đọc thì không căng thẳng mới lạ chứ. Mọi người có lời khuyên nào thực tế hơn chút không?”

“Giải pháp cho vấn đề của cậu nằm ngay trong chính việc phát triển sự tự tin và tìm kiếm cảm giác thanh thản, tập trung vào suy nghĩ,” vị giáo sĩ nói. “Rồi cuối cùng cậu sẽ tìm được cách đối mặt được với cuốn sách đó.”

“Vậy ý thầy tức là chỉ cần ngồi thiền và lẩm nhẩm câu thần chú ‘Jerome à, mày rất thông minh và thành đạt’ sao?”

Vị giáo sĩ mỉm cười và nhìn sang Joseph Hayim.

“Đầu tiên, quên hết những thứ làm cậu không tập trung vào việc học đi. Trong cuốn sách nói về trí nhớ còn đưa ra một lời khuyên là nên rửa tay trước khi học bởi vì khi rửa tay thì mọi thứ xấu xa cũng theo đó đi luôn. Cuốn sách giải thích rằng nếu ta đi vệ sinh, cắt móng tay hay sờ tay sờ chân xong mà không rửa tay thì ta sẽ quên mất những gì mình đang học. Ta cần phải cảm thấy thoải mái và trong sạch trước khi ngồi xuống học. Nếu ta có cảm giác cơ thể mình còn bẩn thỉu, ngứa ngáy, ta sẽ bị phân tâm.”

“Thú vị thật,” Itamar nhận xét.

“Nói tóm lại, Jerome à, cậu cần phải tắm rửa nhiều hơn, một tháng một lần là hơi ít đấy,” tôi vỗ vai hắn.

“Cậu cần thoát khỏi mọi yếu tố gây nhiễu bên ngoài,” vị giáo sĩ tiếp tục. “Rút dây điện thoại ra. Nếu nóng, hãy bật điều hòa lên. Pha trước một tách cà phê và ăn một chút gì đó cho ấm bụng, cái này sẽ rất tốt cho việc học hành. Sau đó…” Ông dừng lại một chút để nhấp một ngụm cà phê. Chưa kịp nói tiếp thì Jerome đã hỏi ngay câu mà tôi cũng đang định thắc mắc.

“Thức ăn giúp học tốt hơn à, có phải thế không?”

Tại sao một bà mẹ Do Thái lại luôn muốn con mình ăn thật nhiều?

“Khi trái tim một người lo cho dinh dưỡng của bản thân, người đó sẽ quên mất việc học hành. Lấy ví dụ đơn giản thế này, anh sẽ không thể ngồi im được nếu cái bụng cồn cào bởi vì cơn đói cũng là một yếu tố gây nhiễu. Nó làm chuyển hướng sự chú ý của anh và khiến anh không thể tập trung được.”

Nhận xét của Schneiderman bỗng nhiên làm tôi nhớ đến câu chuyện từ hồi Thế chiến thứ hai mà bố tôi vẫn thường kể. Bố tôi, Paul Katz, một kỹ sư khá thành đạt, sinh ra và lớn lên tại Praha. Xen giữa những lần lang thang, trốn chạy bọn Đức quốc xã, bà tôi đã luôn cố gắng dạy cho ông những kiến thức căn bản nhất. Một tối, bà đặt bố tôi ngồi lên chiếc bàn trong bếp và bắt đầu dạy ông học toán. Sau khoảng nửa tiếng ngồi mà không học được gì, bố tôi bắt đầu khóc toáng lên, kêu đói và không nghĩ được gì hết ngoài thức ăn. Bà tôi đi ra ngoài một lát, sau đó quay trở lại với một ổ bánh mỳ. ‘Sau khi chén hết ổ bánh mỳ,’ bố tôi thường nói, ‘bố giải quyết được mọi vấn đề mà không gặp phải trở ngại gì hết.’

“Nói cách khác, ta không thể học được với một cái bụng rỗng,” vị giáo sĩ nói. “Nếu ta muốn người Do Thái nào cũng học tập và trở nên sáng suốt, ta phải đảm bảo rằng không người Do Thái nào bị đói.”

“Và vì thế, những bà mẹ Do Thái mới được sinh ra,” Jerome cười khùng khục. “Ai cũng muốn con mình sau này trở thành bác sĩ hoặc luật sư và ai cũng cố nhồi nhét cho con mình ăn càng nhiều càng tốt. Mọi người có biết chuyện về bà mẹ Do Thái và đấu sĩ không?”

Vị giáo sĩ, không rõ Jerome sẽ dẫn câu chuyện đến đâu, lắc đầu miễn cưỡng.

“Thời Trung đại, người ta thường đưa người Do Thái đến đấu trường để xem những đấu sĩ, để họ biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ dám làm điều gì sai. Nói cách khác, họ phải đau đớn ngồi xem những nô lệ và bọn hổ quần nhau. Chỉ có bà mẹ Do Thái là quan tâm đến số phận của những chú hổ con bên ngoài đấu trường, ‘Sao mấy con hổ con không bắt được ai để ăn?’”

Chúng tôi mỉm cười lịch sự và Itamar đóng góp một ý kiến hợp lý hơn.

“Thầy biết đấy, người ta đã chứng minh được mối quan hệ giữa dinh dưỡng và trí thông minh,” cậu ta nói với vị giáo sĩ.

“Tôi cũng có nghe nói.”

“Dinh dưỡng không đảm bảo có thể làm chậm sự phát triển trí tuệ của trẻ, thậm chí có thể dẫn đến thiểu năng trí tuệ và các vấn đề liên quan đến hành vi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ khi mang thai nếu biết bổ sung chế độ dinh dưỡng thì con họ sinh ra sẽ có chỉ số IQ cao hơn.”

“Rất thú vị,” vị giáo sĩ nói. “Đạo Do Thái chúng ta cũng dành ưu tiên cho phụ nữ mang thai. Ông bố và những đứa con khác phải gánh trách nhiệm chịu đói, tức là phải vui vẻ ăn ít thức ăn hơn, vì bà mẹ đang mang thai. Nhưng dù sao, đối với người Do Thái, lòng từ thiện quan trọng đến mức hiếm có người Do Thái nào, dù có nghèo khổ đến đâu, phải chịu đói. Người có luôn mang cho người không có. Biết đâu được, có khi nhờ điều này mà người Do Thái thông minh thế.” Ông cười.

“Rất có thể,” Itamar trả lời. “Điều đó không có nghĩa là không có người Do Thái nào bị đói. Trong lịch sử đã ghi nhận rất nhiều trường hợp. Tuy vậy, có thể nói là rất ít người Do Thái bị tổn thương não do suy dinh dưỡng và nếu có bị đi chăng nữa thì mức độ cũng nhẹ hơn so với các dân tộc khác. Dù sao, ngày nay đạo Do Thái cũng rất chú trọng đến dinh dưỡng. Tất cả các quy định về kosher, những gì ta được ăn và không được ăn, ăn lúc nào và ăn bao nhiêu, đều xét đến mối quan hệ chặt chẽ giữa chế độ ăn uống và sức khỏe của cơ thể, một yếu tố có đóng góp khá lớn vào sự phát triển trí tuệ con người,” Itamar tránh dùng thuật ngữ ‘trí thông minh.’

“Vậy trước khi ngồi xuống học, tôi nên ăn cái gì?” Jerome nhắc lại câu hỏi của hắn.

Vị giáo sĩ nhìn cậu sinh viên, “Cậu nghĩ sao?”

Schneiderman bắt đầu, không một chút do dự, “Trong sách Horavot có đưa ra một danh sách các loại thức ăn có thể giúp cải thiện trí nhớ: bánh mỳ cháy (bánh mỳ nướng), trứng luộc chín cứng không muối, rượu pha với dầu ô liu và gia vị. Bản thân ô liu thường lại không tốt cho trí nhớ.”

“Còn cuốn ‘Các loại thảo dược’ thì lại nói rằng mật ong, quế, mù tạt và nhiều loại thảo mộc khác rất tốt cho trí nhớ,” vị giáo sĩ bổ sung.

Chúng tôi im lặng lắng nghe và gật gù. Tôi đang cố gắng hiểu được sự logic đằng sau tất cả những điều này thì Jerome, như thường lệ, thụi tôi một cú.

“Có nghiên cứu khoa học nào chứng minh những điều này không?”

Vị giáo sĩ ngẫm nghĩ một lát trước khi nhún vai.

“Tuy vậy, tôi có nhớ là trong cộng đồng người Yeminite, người ta thường cho trẻ con uống một thìa ô liu và mật ong trước khi chúng ngồi xuống học bài.”

Jerome nhăn mặt, “Chắc Elvis Presley và Axl Rose(23) phải ăn nhiều tỏi, hạt tiêu với dưa chua lắm,” hắn đùa.

“Tôi nghĩ, thực ra cũng không có gì khó hiểu,” Itamar ngắt lời hắn. “Trong bánh mỳ, lòng đỏ trứng và cá có chứa chất lecitin, khi vào cơ thể chất này sẽ chuyển hóa thành kolin. Một số nghiên cứu đã chứng minh được rằng những chất này có thể làm tăng 25% khả năng tập trung và ghi nhớ của con người. Trong mật ong có glucose, chất này cùng với axit glutamid là những chất duy nhất mà não bộ có thể chuyển hóa thành năng lượng. Trong trứng có amino axit, từ chất này não sản xuất ra norphinefrin, một chất có vai trò quan trọng trong việc học tập và ghi nhớ của não, có tác dụng giảm stress. Còn dầu ô liu thì sao nhỉ?” Cậu ta ngẫm nghĩ và nhìn chúng tôi. “Mọi người có muốn nghe giải thích về món này không?”

“Chắc chắn là có chứ,” vị giáo sĩ khích lệ trong khi Jerome và tôi vẫn còn đang băn khoăn không biết Itamar lấy những thông tin đó từ đâu.

“Quá trình lão hóa của não chịu tác động của các gốc tự do, và trí nhớ là một trong những thứ bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa của não,” cậu ta bắt đầu giải thích. “Trong thức ăn có càng nhiều chất béo không bão hòa thì khả năng loại bỏ các gốc tự do càng lớn. Nếu để ý đến thông tin dinh dưỡng trên bao bì các loại thức ăn, mọi người sẽ phát hiện ra rằng dầu ô liu chứa lượng chất béo không bão hòa gấp tám lần ô liu thường! Đó là lý do vì sao dầu ô liu thì tốt cho trí nhớ còn ô liu thường lại có tác dụng ngược lại.”

Vị giáo sĩ vỗ đùi. “Tuyệt vời!” Ông rất thỏa mãn với bằng chứng khoa học mà Itamar vừa cung cấp.

Jerome cười với Itamar, “Thật không thể tin được. Nhờ vào món sung nhồi mật ong cậu gọi đấy hả. Hay là họ đã vô tình bỏ vào đó thêm chút protin axit không bão hòa… Thật đáng kinh ngạc, Itamar à!” Hắn cắt một miếng thịt và bỏ vào miệng. “Thế mà từ hồi đó đến giờ tớ cứ nghĩ cậu là một giáo sư khoa học chính trị đấy…”

Itamar chỉnh lại tư thế ngồi.

“Vì cuộc thí nghiệm nho nhỏ của chúng ta nên tớ đã nghiên cứu một chút,” cậu ta nhận. “Chứ nếu không thì tớ cũng chẳng mấy hứng thú với hóa học đâu.” Cậu ta hơi cúi đầu.

“Taliban chắc cũng là một loại gốc tự do đấy,” Jerome nhận xét.

“Có một điều ta cần nhấn mạnh ở đây,” vị giáo sĩ cắt lời Jerome, “là không bao giờ được ăn quá no. Cái gì cũng vừa phải thôi. Đừng học khi bụng đói, nhưng cũng đừng học khi no quá. Một sinh viên thông minh mà chỗ nào cũng ăn thì mọi điều học được sẽ bị trôi đi hết. Sau một bữa ăn, khi bụng vẫn còn đang căng và thức ăn chưa được tiêu hóa hết thì rất khó để học những điều đòi hỏi sự tập trung và ghi nhớ. Khi đó, cơ thể ta luôn chậm chạp, uể oải và mệt mỏi.”

Khi tất cả chúng tôi vẫn còn đang thong thả thưởng thức món ăn của mình thì Schneiderman đã xơi hết những mảnh vụn cuối cùng trong đĩa và đang từ tốn lau mặt. Tốc độ ăn của cậu ta khiến tôi nhớ đến cách chúng tôi vẫn thường ăn hồi tập huấn cơ bản trong quân đội. Bất cứ món gì được đưa lên bàn trong cái tiền sảnh hỗn độn của Trại 80 đều được ngấu nghiến hết chỉ trong vòng hai phút. Có thể sinh viên trường đạo và quân nhân đều có chung một nỗi sợ hãi về những người bạn với cái bụng cồn cào xung quanh mình.

Jerome xong bữa, đặt dĩa xuống và ngồi tựa vào ghế. “Hà, ngon ghê.” Hắn vỗ cái bụng căng phồng. “Có thể nói lúc này tôi hoàn toàn vô lo, vô nghĩ và ở trong trạng thái thể chất hoàn toàn thoải mái. Tôi có thể bắt đầu học một thứ gì đó…” Hắn toe toét.

“Đúng vậy đấy,” vị giáo sĩ nói. “Chỉ khi cơ thể cậu thấy thư giãn, cậu mới có thể bắt đầu học được. Bước tiếp theo là gạt ra khỏi đầu óc mình tất cả những vấn đề hàng ngày và chỉ tập trung vào việc học.”

“OK, nhưng thầy đã chỉ cho tôi phải làm thế nào đâu. Làm sao để có thể tập trung và bắt đầu học một thứ gì đó vừa khó vừa chán chứ? Như cái cuốn Shakespeare mà tôi nói lúc nãy ấy. Cậu nghĩ sao, Josik?” Hắn quay sang cậu sinh viên – ngôi sao sáng của trường đạo. “Cậu có công thức nào hiệu quả không?”

Schneiderman ngồi thẳng dậy và chỉnh trang lại chiếc mũ trên đầu.

“Tốt nhất là cầu nguyện,” cậu nói và nhìn Jerome đầy hy vọng.

Jerome không nói gì nhưng trên mặt hắn lộ rõ vẻ giễu cợt. “Josik à,” hắn nói bằng giọng hơi kích động, “cậu vẫn không hiểu à? Tôi không phải là kiểu người thích cầu nguyện! Chúa có thể giúp cậu nhưng với tôi thì chẳng có ích lợi gì đâu. Cả đời tôi mới đến giáo đường có một lần. Đó là vào ngày lễ Sám hối(24). Tôi không nghĩ là trái tim của Người dành cho mình đâu. Hàng nghìn người đến giáo đường chăm chỉ hơn tôi nhiều nên chắc chắn là còn phải xếp hàng lâu mới đến lượt tôi.”

“Không phải thế đâu,” Schneiderman trả lời. “Không bao giờ là quá muộn cả…” Vị giáo sĩ nhẹ nhàng đặt tay lên cánh tay Schneiderman ý bảo cậu ta đừng nói nữa.

“Lời cầu nguyện giống như một câu thần chú, như cậu đã nói đấy,” ông nói. “Nếu ta tin vào Chúa, tức là ta đặt niềm tin vào một điều gì đó. Ta biết rằng mình không hề đơn độc. Nếu cậu không phải là một người mộ đạo thì những lời cầu nguyện vẫn có thể giúp cậu tập trung. Hãy cầu nguyện cho sức mạnh nội tại, niềm tin vào chính bản thân mình. Cầu nguyện là lời tuyên bố ý định của một người. Chẳng hạn, khi cậu nói, ‘Chúa cho con một trái tim trong sáng và một tinh thần mạnh mẽ,’ tức là cậu khẳng định rằng, ‘ta tỉnh táo và đã sẵn sàng cho cuộc chiến,’ – cuộc chiến với sách vở và việc học hành. Dù cậu không phải là một người có đức tin lớn lao đi chăng nữa thì khi nghe câu nói này, trong lòng cậu cũng trào lên một cảm xúc rất tích cực, đúng không?”

“Được rồi, cứ cho là thế đi.”

“Mục đích của những lời cầu nguyện là giúp ta tập trung vào nhiệm vụ ở phía trước. Những lời cầu nguyện giúp chuyển toàn bộ sự chú ý từ những vấn đề khác vào nhiệm vụ ta chuẩn bị thực hiện. Những lời cầu nguyện nói với ta rằng: Đừng có ngồi đó mà mơ nữa! Sự tập trung này giúp ta tiêu hóa trong khi ăn, cải thiện khả năng nhận biết các sự vật xung quanh trong khi lái xe, còn liên quan đến chủ đề thảo luận của chúng ta thì nó giúp nâng cao hiệu quả học tập.”

“Cậu thường cầu nguyện những gì?” Jerome hỏi cậu sinh viên.

“Đủ loại, như ‘Tình yêu vĩnh hằng,’ ‘Chúa ban cho trái tim chúng con lòng thông cảm’ chẳng hạn.”

Jerome nhìn sang chúng tôi, có vẻ không thoải mái.

“Mỗi lần phải cầu nguyện, tôi cứ có cảm giác mình như một kẻ đạo đức giả vậy. Tôi chưa thực hiện được một điều răn nào cho đầy đủ cả. Thế mà, tự nhiên tôi lại dám cầu xin Người giúp mình học tốt được hay sao? Như thế thì hơi to gan quá, mọi người có nghĩ vậy không?”

“Cũng không hẳn thế,” Itamar trả lời. “Tin tớ đi, chắc chắn cậu xứng đáng được đấng linh thiêng giúp đỡ mà,” cậu ta mỉm cười.

Jerome ném cho cậu ta một cái nhìn đầy ngạc nhiên.

“Nghĩ mà xem. Cậu đã bao giờ giết người hay trộm cắp gì đâu,” Itamar giải thích. “Cậu luôn kính trọng cha mẹ, cậu cũng đã làm theo nhiều điều răn khác nữa, làm những việc tốt theo tiếng gọi của trái tim, những điều cậu cho là đúng đắn. Vậy nên, dù cậu không phải là người mộ đạo đi chăng nữa thì Chúa vẫn thấy cậu và nghe cậu nói. Ít nhất, tớ tin là Chúa làm vậy với tất cả những người tôn trọng những quy tắc hành vi cơ bản của con người.”

“Có một lần tớ đã chôm sôcôla ở cửa hàng.”

“Chẳng có gì to tát.”

“Và một lần tớ đã không trả lại tiền khi người ta đưa nhầm tiền thừa.”

“Không sao.”

“Một lần tớ đã lái xe cán vào một con mèo.”

“Chuyện đó vẫn thường xảy ra mà.”

“Và một con chó nữa.”

“Chuyện cũng thường mà.”

“Và một con chim cánh cụt.”

“Cậu cán vào một con chim cánh cụt hả?”

“Có thể đó là một con chim áo dài, tớ cũng không nhớ rõ lắm.” Hắn cười. “Cậu có biết con chim đó không, Josik?”

“Dù sao,” Itamar nói tiếp, phớt lờ Jerome, “cậu có thể tự nghĩ ra lời cầu nguyện hoặc câu thần chú của chính mình, một câu mà cậu thực sự tin rằng sẽ mang đến cho cậu niềm vui, sự hứng khởi và động cơ để bắt đầu thực hiện kế hoạch cậu đã vạch ra. Nó sẽ giúp cậu đi đúng hướng. Cứ thử mà xem.”

Jerome cười một mình và nhìn lên trời, hình như hắn đang nghĩ về điều gì đó. “Hay đấy,” hắn nói. “Tớ sẽ nghĩ về điều này.”

“Còn một chuyện nữa,” vị giáo sĩ nói thêm. “Có thể các cậu đã để ý thấy rằng những người Do Thái sùng đạo thường viết hai chữ cái ‘B”H’ ở đầu trang.”

“B’ezrat Hashem – có nghĩa là ‘với sự giúp đỡ của Chúa,’” Jerome chứng tỏ học vấn uyên bác của hắn.

“Đây cũng là một hình thức tuyên bố ý định,” vị giáo sĩ cho chúng tôi xem trang giấy của chính ông.

“Khi ta viết chữ B”H lên trang giấy, ta thực sự chuẩn bị tinh thần để làm một việc thật quan trọng, thiêng liêng và để làm việc đó, ta phải dành hết sức mình. Để cầu xin sự giúp đỡ của Chúa, ta không thể làm qua loa, đại khái được, đúng không? Chữ B”H ở đầu trang giấy đặt ra cho ta một trách nhiệm phải tập trung và đạt được kết quả tốt nhất bởi vì trong nhiệm vụ ta đặt ra cho mình có sự hiện diện của Người. Trên một trang giấy như thế, ta sẽ không thể cho phép mình viết những lời gian dối hay những thứ vớ vẩn được. Chỉ có sự thật, những điều quan trọng và có mục đích cụ thể.”

“Thật thú vị,” Itamar thốt lên. “Khi ghi chép bài học, hãy viết lên đầu trang giấy từ B”H hoặc là một điều gì đó có đủ trọng lượng khiến ta phải có trách nhiệm làm tốt hơn. Bằng cách này, ta sẽ ghi chép được những điều hữu ích nhất.”

“Đó cũng là một ý tưởng rất hay,” Jerome nhận xét.

“Vậy thì cứ thế mà làm đi,” vị giáo sĩ nói. “Cậu thấy thoải mái, cậu đã cầu nguyện và cậu đã viết B”H lên đầu trang. Bây giờ cậu cần phải bắt đầu ngồi đọc và học thôi.”

“Tuyệt! Tôi sẽ mở cuốn sách chán ngắt đó ra, đọc được nửa trang và ngủ luôn.” Hắn đặt hai tay lên bàn, ngả đầu tựa vào đó, nhắm mắt lại vờ như đang ngủ.

Schneiderman phá lên cười trước màn biểu diễn nho nhỏ của Jerome.

“Không nhanh thế đâu,” vị giáo sĩ cười. “Cậu sẽ không bắt đầu bằng một cuốn sách nhàm chán!”

“Sao lại không?”

Sự khởi đầu tốt là sự khởi đầu mang đến những điều thú vị

“Cậu cần phải dần dần đưa mình vào một quy trình học tập hợp lý. Hãy bắt đầu bằng một thứ gì đó đơn giản thôi nhưng phải thú vị. Sinh viên nào cũng phải dành một chút quan tâm đến sở thích của mình chứ. Nói cách khác, chỉ khi cậu tìm thấy niềm vui thích trong điều mình học thì cậu mới nhớ được. Đó là lý do vì sao cậu phải bắt đầu bằng sự thích thú.”

“Bắt đầu bằng một bài báo thật thú vị chẳng hạn,” Itamar gợi ý.

“Như trang thể thao ấy. Không nhất thiết phải là tin tức thời sự,” tôi nói thêm.

“Một tập truyện ngắn… hoặc…”

“Được rồi, tớ hiểu rồi mà. Bắt đầu bằng một thứ thật thú vị.”

“Bộ não con người, cũng giống như bất cứ loại cơ nào khác, cần phải bắt đầu chu trình hoạt động của nó một cách từ từ. Cậu không thể nào chạy nước rút khi vừa mới ra khỏi giường được, cũng như động cơ một chiếc xe cần phải làm nóng trước khi cậu phóng ra đường,” Itamar giải thích.

“Hãy dành khoảng mười lăm, hai mươi phút cho việc khởi động rồi mới chuyển sang những thứ cậu cần phải học cho buổi học ngày hôm sau.”

“Bây giờ ta sẽ bàn đến chuyện làm sao để đối mặt với những cuốn sách chán ngắt, khó nhằn,” vị giáo sĩ nói tiếp.

“Tôi rửa tai để nghe rồi đây,” Jerome hào hứng.

Ông ngồi im lặng một lát để sắp xếp lại các suy nghĩ của mình.

“Việc đầu tiên ta phải làm khi cố gắng giải quyết một vấn đề khó là nghĩ về những lợi ích mà ta sẽ nhận được từ việc nghiên cứu tài liệu đó. Và cậu phải phân biệt được đâu là lợi ích thật và đâu là lợi ích giả.”

Jerome trông có vẻ cực kỳ bối rối.

“Lợi ích thực sự mà cậu có thể nhận được từ việc theo học quản trị kinh doanh là gì? Đó là những kiến thức và công cụ sẽ giúp cậu thành công trong việc kinh doanh của mình, đúng không?”

“Đúng vậy… điều đó thì quá rõ rồi,” Jerome trả lời, bắt đầu hơi khó chịu. “Nhưng tôi phải làm gì khi gặp một chủ đề hoặc một chương cụ thể nào đó mà tôi không hề có một chút hứng thú nào? Ý tôi là, như thầy với tôi đều hiểu, không phải bài học nào trên lớp cũng liên quan đến công việc kinh doanh của tôi. Tôi thực sự không thể tìm thấy ích lợi trong mọi thứ mình đọc được.”

“Cậu có thể cố gắng tìm ra những điểm phù hợp,” vị giáo sĩ vẫn khăng khăng.

“Tớ sẽ lấy một ví dụ cho cậu dễ hiểu,” Itamar xung phong. “Nếu cậu học về tài chính chẳng hạn, đối với cậu đó đúng là một chủ đề chán chết, thì cậu hãy nghĩ đến lợi ích thực sự cậu có thể nhận được nếu cậu nắm được sự khác nhau giữa ‘Lãi suất thực tế’ và ‘Lãi suất danh nghĩa.’ Có được những kiến thức như thế, không ngân hàng nào có thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cậu khi cậu cần đến một khoản vay nữa.”

Jerome gật đầu hiểu ý.

“Trong cộng đồng người theo đạo Do Thái chính thống còn có một động lực khác để nỗ lực thành công trong học tập và trở thành một sinh viên xuất sắc – đó là ‘sức ép từ những người bạn học,’” vị giáo sĩ giải thích. “Ngoài sự ngưỡng mộ, những sinh viên có thành tích nổi trội còn có nhiều lựa chọn trong việc tìm người phụ nữ của cuộc đời mình hơn. Ngày xưa, một sinh viên xuất sắc của một thầy đạo thậm chí còn có thể chọn một cô con gái của thầy làm vợ. Ngay cả ngày nay cũng thế, các gia đình khá giả trong cộng đồng luôn tìm kiếm những chàng rể là các sinh viên thông minh, nổi trội. Đó là vinh dự cho cả sinh viên đó và gia đình cậu ta. Cố gắng học tập chính là một bổn phận và bổn phận đó hứa hẹn mang lại một sự kết đôi có khả năng đảm bảo cho người học một tương lai thành đạt với một vị trí cao trong xã hội.”

“Vậy, thầy đạo mà có những cô con gái xinh đẹp thì cũng có những sinh viên xuất sắc,” Jerome đùa.

“Hiển nhiên là vậy rồi,” vị giáo sĩ cười lớn.

Jerome nhìn cậu sinh viên. Không kìm được, hắn buột miệng hỏi. “Cậu thích sao hơn hả Josik, một cô nàng xinh đẹp hay một cô nàng giàu có?”

Schneiderman đỏ bừng mặt. Cậu ta gãi gãi trán. “Quan trọng nhất là cô ấy phải là một người vợ tốt và một người mẹ tốt đối với con cái chúng tôi.”

“Nói cách khác – xấu thì sao,” Jerome không dừng được.

“Thôi, bỏ đi.” Itamar cố làm cho Jerome im lặng.

“Thế còn chuyện ‘Cưới vì tình’ thì sao? Trong thế giới của thầy có khái niệm đó không?” Jerome chất vấn vị giáo sĩ.

“Tình yêu sẽ hình thành theo thời gian,” ông trả lời và mỉm cười. “Có một câu chuyện thế này. Một bà mối đến một gia đình Do Thái. ‘Tôi không cần đến sự giúp đỡ của bà,’ người Do Thái nói. ‘Tôi sẽ cưới người nào tôi yêu, chỉ vì tình thôi.’ ‘Thì tôi cũng nhân danh tình yêu đây,’ bà mối khăng khăng. ‘Chúng ta đang nói đến cô con gái độc nhất của một người CỰC KỲ giàu có. Ông bác cô ấy không có con. Tất cả gia sản của ông ta sẽ thuộc về cô ấy. Bà dì góa của cô ấy cũng đã làm di chúc để toàn bộ tài sản cho cháu gái mình. Làm sao lại có người không yêu cô ấy được cơ chứ?’”

“OK, tôi thua rồi,” Jerome cười. “Thế còn lợi ích giả là gì?”

“Ở đây, chúng ta nói đến một loạt những động cơ có thể làm nảy sinh trong cậu mong muốn và thúc giục cậu học những điều phức tạp,” vị giáo sĩ đáp. “Cậu có hiểu điều ta nói không?” ông quay sang cậu sinh viên.

Schneiderman hiểu ngay. “Maharal gọi đó là ‘Bọc đường’ – bạn cần phải dùng những phần thưởng nho nhỏ để dụ dỗ một sinh viên học, và bằng những phần thưởng nho nhỏ đó, bạn lôi kéo trái tim của cậu ta vào việc học hành của mình.”

“Thế nghĩa là sao?” Jerome hỏi.

“Như kẹo chẳng hạn,” cậu sinh viên trả lời. “Tôi vẫn nhớ thầy mình đặt một phong kẹo sôcôla cạnh bảng chữ cái Do Thái ngay trước lớp học. Mỗi lần tôi trả lời đúng, tôi sẽ được thưởng một miếng.”

“Sôcôla cũng không phải là một ý tồi đâu,” Jerome nhận xét. “Tôi có thể nói với mình ‘Jerome à, nếu mày thật tập trung vào chương này, đọc hết và học được mọi điều trong đó, mày có thể tự thưởng cho mình một chiếc bánh sôcôla.’”

“Một cách rất hay,” vị giáo sĩ đồng ý.

“Và nếu có đến hai mươi chương một ngày,” tôi xen vào, “ta có thể tự chiều mình một buổi đến dự chương trình Hội thảo về giảm béo.”

“Nhưng cũng có những động cơ mang tính tiêu cực,” vị giáo sĩ nói. “Cậu cũng có thể nói với mình rằng nếu không hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể nào đó thì cậu sẽ không được xem trận bóng đá mà cậu đã định xem.” Mắt ông căng lên, hình viên đạn.

Jerome há hốc miệng nhìn ông. “Với tất cả lòng kính trọng, thưa thầy, tôi nghĩ thế là đi hơi quá xa đó. Không ai đáng phải chịu một hình phạt tàn nhẫn đến vậy đâu.”

“Chỉ là gợi ý thôi mà,” ông cười.

“Thầy biết không, có lần tôi đã bị trừng phạt rồi đấy. Tôi đang đi bộ trên đường thì tự nhiên bàn tay phải đau khủng khiếp. Tớ đã kể cho các cậu nghe chưa nhỉ?” Hắn nhìn Itamar và tôi.

“Thế chuyện gì xảy ra?” vị giáo sĩ hỏi, có vẻ rất quan tâm.

“Lúc đầu, tôi cứ nghĩ là đau tim,” hắn nói mà mặt tỉnh bơ, “nhưng sau đó, tôi nhớ ra rằng buổi sáng hôm đó có người hỏi tôi thủ đô của Israel là gì.” Hắn bỗng nhiên im bặt.

Vị giáo sĩ nhăn trán, cố hiểu nội dung câu chuyện.

“Tôi quên mất.” Jerome buông hai tay thõng sang hai bên. “Chuyện là thế đấy, rất rõ ràng và đơn giản. Tôi đã quên mất Jerusalem.” Hắn cười toe toét.

Vị giáo sĩ gật đầu chán nản, mỉm cười và thở dài. “Cậu đúng là tên ba láp.” Ông tựa người vào thành bàn.

“Tôi có thể lấy chút gì cho mọi người uống đây?” Fabio xuất hiện thật đúng lúc. “Cà phê chứ, thưa thầy? Hay trà bạc hà?”

Vị giáo sĩ gật đầu, sau đó chúng tôi từng người gọi đồ uống. Fabio xem lại một lượt các thứ và trở lại nhà bếp.

“Chúng ta khởi động bằng một thứ gì đó dễ thôi,” vị giáo sĩ tiếp tục, “rồi chuyển đến cái thực tế ta cần phải học. Ta bắt đầu đọc một chương và nhận ra rằng nó cũng không có gì khó lắm bởi vì bộ não đã đi vào trạng thái học tập và mọi điều đang diễn ra rất suôn sẻ.”

“OK,” Jerome xác nhận. “Đó là chuyện của khoảng nửa tiếng trước.”

“Điểm tiếp theo khá quan trọng. Đừng dừng lại và đừng đứng dậy cho đến khi năng lượng đã cạn kiệt.” Ông chỉ vào Jerome. “Lúc đó cậu mới được giải lao.”

Nghỉ lúc nào, học lúc nào?

“Hầu hết các sinh viên đều mắc một sai lầm chung,” ông nói tiếp. “Cậu đã bao giờ ngồi xuống học và nói trước là đến hai giờ, ví dụ thế, sẽ nghỉ giải lao chưa?” ông hỏi Jerome.

“Tôi toàn làm thế mà. Tôi tự bảo mình là sẽ học một tiếng rưỡi rồi nghỉ giải lao.”

“Lập kế hoạch thời gian cho mình như thế là tốt, nhưng cậu cũng nên tận dụng tối đa cảm hứng, đà học tập của mình. Nếu sau một tiếng rưỡi mà cậu thấy là mình đã đạt đến đỉnh điểm của khả năng học, có nghĩa là lúc đó độ tập trung và khả năng hiểu bài của cậu đạt đến mức cao nhất rồi thì tại sao lại đi giải lao để phá hỏng cái đỉnh cao đó chứ? Cũng giống như là cậu dùng phanh khẩn cấp khi leo lên đỉnh đồi vậy.”

“Tôi rất thích lướt sóng,” tôi nói. “Không ai lại đi quăng mình khỏi ván chỉ bởi vì đến giờ giải lao cả. Người ta sẽ tiếp tục cho đến khi nào con sóng tan ra hoặc đập vào bờ.”

“Chính xác!” vị giáo sĩ mỉm cười. “Hãy trôi cùng ngọn sóng.”

“Lướt cùng ngọn sóng chứ,” Jerome chữa lại. “Nếu thầy mà trôi cùng ngọn sóng có nghĩa là thầy bị bật ra khỏi ván rồi.”

“Đừng dừng lại. Đừng nghỉ giải lao chỉ bởi vì đã đến lúc bạn định trước là sẽ giải lao! Đừng đứng dậy. Hãy tiếp tục học cho đến khi nào đầu óc bắt đầu lang thang, miên man ở nơi khác. Chỉ đến lúc đó mới nên giải lao.”

“Đúng vậy,” Itamar gật gù. “Đến lúc mức độ tập trung và hiểu bài giảm đi, mà đó là một điều hoàn toàn tự nhiên, thì chẳng có lý do gì để thúc bách bản thân nữa. Học hai tiếng trong trạng thái tỉnh táo và tập trung còn tốt hơn nhiều việc học đến năm tiếng nhưng trong trạng thái mệt mỏi và không thể tập trung nổi!”

“Cậu cần phải biết khi nào nên bắt đầu và khi nào nên kết thúc,” vị giáo sĩ tóm lại. “Đó là một trong những quan điểm sâu sắc nhất trong Ecclesiastics.”

“Thời điểm gieo trồng và thời điểm gặt hái,” tôi trích dẫn.

“Thời điểm tìm kiếm và thời điểm đánh mất; thời điểm giữ lại và thời điểm quẳng đi; thời điểm im lặng và thời điểm lên tiếng…” ông tiếp lời.

“Mọi thứ đều phải đúng thời điểm của nó,” Jerome lặp lại.

“Nhưng sự sáng suốt thực sự lại thể hiện trong việc qua lại giữa hai thái cực.” Mắt ông sáng lên. “Nếu cậu đã làm gì đó thì hãy kiên trì cho đến khi hoàn thành. Khi đã xong việc, hãy quên nó đi, như thể nó chưa từng tồn tại vậy.”

Ông dịch chiếc ghế xa bàn ra và bắt chéo chân.

“Tôi nhớ mấy năm trước, tôi thấy mình mắc trong một cái vòng luẩn quẩn,” ông bắt đầu. “Lúc ngập đầu trong công việc thì tôi cảm thấy mình không dành đủ thời gian cho bọn trẻ, còn khi chơi đùa cùng bọn trẻ thì tôi lại lo nghĩ về những công việc đáng lẽ ra tôi phải làm. Tôi bị dằn vặt bởi những ý nghĩ về gia đình trong khi làm việc và những lo lắng về công việc khi ở bên gia đình. Tất cả những cái đó nhiều khi làm tôi cáu bẳn. Và cái tôi nhận được là gì. Chỉ là nỗi tức giận. Chỉ có thế.”

Ông xé một gói đường nhỏ, bỏ vào tách trà của mình và chậm rãi khuấy.

“Cách giải quyết, tôi đã khám phá ra, đó là làm theo Ecclesiastics,” ông nói tiếp. “Khi làm việc, tôi chỉ tập trung vào những thứ có liên quan đến công việc và thậm chí không nghĩ đến gia đình. Còn khi ở bên gia đình, tôi gạt đi mọi suy nghĩ về công việc thay vì cố gắng giải quyết chúng như tôi vẫn thường làm trước kia.”

“Khi làm việc, chỉ nghĩ về công việc thôi. Khi ở bên gia đình, hãy cống hiến trọn vẹn cho gia đình. Khi học tập, hãy tận tâm tận lực cho việc học, còn lúc giải lao, đừng nghĩ, dù chỉ một chút, về những thứ bạn vừa học. Đừng có suy nghĩ về những thứ trong đầu mình. Hãy để bản thân thư giãn hoàn toàn!”

Itamar viết gì đó lên tờ giấy trên bàn cạnh cậu ta.

“Cậu có biết một trong những nghi lễ quan trọng nhất của đạo Do Thái là gì không?” vị giáo sĩ hỏi Itamar.

“Ngày Sabbath(25) phải không?” Itamar đoán.

“Chính xác!” ông nói. “Nhưng tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Đó là một điều bí mật đối với những thế hệ tương lai của người Do Thái. Xuyên suốt lịch sử của mình, người Do Thái đã mạo hiểm cả cuộc sống để giữ nghi lễ Sabbath, bí mật thắp lên ngọn nến Sabbath, làm bánh challah, nói lời cầu nguyện bên ly rượu; làm tất cả những nghi lễ này mà những kẻ thống trị không hề hay biết. Ngày Sabbath, từ thuở sơ khai đến giờ, cho mọi người Do Thái thời gian thoát khỏi những công việc hàng ngày và dành ra ít nhất một ngày một tuần cho đức tin Do Thái của mình. Để được nghỉ ngơi, học tập, ăn tối bên chiếc bàn ăn Sabbath với cả gia đình. Để được làm một người Do Thái!

“Và tại sao tôi lại nói đến ngày Sabbath? Bởi vì nó thể hiện rõ nhất sự phân chia hoàn toàn giữa công việc và nghỉ ngơi. Danh sách những điều được và không được làm trong ngày Sabbath rất dài và tỉ mỉ. Trong ngày đó, có một điều cấm đó là cấm làm việc. Chỉ được trò chuyện về những điều thiêng liêng. Phải mặc những bộ quần áo thật đẹp. Tại sao ư? Để giúp ta quên đi hết những lo toan hàng ngày. Một ngày để nạp năng lượng và tẩy sạch đầu óc. Một ngày cho tâm linh.”

“Giá trị cao nhất trong đạo Do Thái,” ông quay sang Jerome, “không phải là công việc hay học hành. Giá trị cao nhất,” ông ngừng lại một lát, cặp mắt nhắm nghiền, “là nghỉ ngơi.” Ông nhìn hắn. “Sự thanh bình của ngày Sabbath. Hãy nhớ lấy điều này mỗi khi lương tâm cậu cắn rứt về chuyện giải lao.”

Jerome gật đầu thỏa mãn. “Tôi không nghĩ lương tâm mình sẽ cắn rứt về chuyện đó đâu.”

“Vì chúng ta đang nói đến việc phân chia thời gian hợp lý cho học tập và nghỉ ngơi, tôi cần nhấn mạnh một điều rằng nên học từng chút một trong thời gian ngắn thôi.”

Hiệu ứng Brita

“Học nhiều thì chẳng được bao nhiêu, học ít thì học bao nhiêu được bấy nhiêu,” cậu sinh viên nói.

“Chính xác,” vị giáo sĩ đồng tình. “Maharal và Gaon, hai trong số những nhà hiền triết vĩ đại nhất, cho rằng học từng chút một sẽ tốt hơn bởi vì khả năng, trí tuệ của con người là có hạn. Do đó, ta phải tiến hành một cách từ từ và ôn luyện thường xuyên.”

“Mục đích của hầu hết các trường học là học được càng nhiều tài liệu thật nhanh, trong thời gian càng ngắn càng tốt,” tôi bực bội. “Rõ ràng như thế rất không hiệu quả và gây ra cho học sinh sự chán nản. Lời này là dành cho các vị giáo sư đấy.” Tôi nhìn sang Itamar.

Cậu ta gãi cằm và lau mồ hôi hai bên thái dương.

“Tôi cũng phải thừa nhận rằng sinh viên của tôi có một danh sách dài những cuốn sách phải đọc.”

“Vậy đến cuối học kỳ, chúng thực sự còn giữ được gì không?” Jerome tham gia vào màn công kích.

“Không nhiều lắm,” Itamar thừa nhận, cười trừ và gật đầu chấp nhận thua cuộc.

“Hiệu ứng Brita. Cậu có nhớ không?” tôi nói với cậu ta. Có lần chúng tôi đã nói về chủ đề đó.

“Hiệu ứng Brita là gì?” Schneiderman hỏi.

“Cậu có biết máy lọc nước Brita không?”

“Có,” cậu sinh viên trả lời, vẫn đang cố tìm ra mối liên hệ giữa chúng.

“Chiếc máy kỳ cục đó cũng giống như việc học hành,” tôi bắt đầu. “Mỗi lần cậu phải đổ một lượng nước nhất định vào đó và chờ cho nước thấm dần qua bộ lọc xuống bên dưới. Nếu cậu đổ quá nhiều nước, nó sẽ bị tràn và cậu mất hẳn số nước tràn đó. Điều tương tự cũng xảy ra với việc học hành. Mỗi lần học một ít và để kiến thức thấm dần. Khi kiến thức đó đã thấm xong, cậu có thể học thêm một chút nữa, từng chút một. Nếu cậu học ‘quá nhiều,’ tức là học liên tục nhiều giờ liền, như thế sẽ không tốt và kiến thức khi đó sẽ bị ‘tràn’ khỏi đầu cậu.”

“Hay thật,” vị giáo sĩ thốt lên. “Hiệu ứng Brita,” ông nhắc lại.

“Trong cuốn Hazchira,” ông nói tiếp, “có viết ‘chỉ một chút thôi nhưng có mục đích còn hơn là nhiều mà chẳng có mục đích gì cả.’ Tác giả gợi ý rằng mỗi lần học chỉ nên tập trung vào một chút thôi. Chẳng hạn, nếu lấy 150 bài thánh thi và chia cho ba mươi ngày thì mỗi ngày ta chỉ phải học năm bài thôi. Trong trường đạo, mỗi sinh viên chỉ nên học hai bài luận mỗi ngày.”

“Nói tóm lại,” tôi lên tiếng, “khả năng tập trung và nắm kiến thức của mỗi người là có hạn. Càng nói nhiều thì càng nhớ được ít. Kiến thức càng được đơn giản hóa và đi vào vấn đề chính thì khả năng nhớ được kiến thức đó càng cao.”

Chúng tôi ngồi im lặng. Sau một lúc, Jerome tựa vào bàn.

“Xin lỗi, khi nãy tôi nghe không kỹ lắm,” hắn nói. “Ai đó có thể nhắc lại toàn bộ câu chuyện của chúng ta kể từ lúc thức ăn được mang ra không?”

“Tôi nghĩ đến lúc chúng tôi phải đi thôi,” vị giáo sĩ mỉm cười. “Tôi phải về nhà còn Joseph Hayim thì phải quay lại trường.”

Itamar đóng vai trò chủ nhà và lấy hóa đơn. Chúng tôi đứng dậy và thống nhất mấy hôm nữa sẽ gặp nhau để nghe những phương pháp mà Schneiderman sử dụng để ghi nhớ các nguyên tắc, bài luận, và – quan trọng nhất với Jerome – những tài liệu thi cử. Chúng tôi mỗi người đi một đường, chỉ có Jerome vẫn ngồi lại bàn nói chuyện với Fabio.

Tôi liếc mắt nhìn lại và thấy một người quen quen. Là Lisa. Cô gái đang rảo bước nhanh và biến mất vào trong Café Ladino. Tôi mỉm cười, Jerome kín thật, hắn giữ cho mình bí mật về cuộc hẹn nho nhỏ này. Điều này khiến tôi có ấn tượng rằng có lẽ chuyện này khá nghiêm túc – một phẩm chất hiếm khi thấy ở hắn trong vấn đề liên quan đến trái tim.

Bình luận