Fabio lấy một chiếc khăn bông trắng để lau ly rượu. Lau xong, anh ta đặt úp chiếc ly xuống chiếc giá gỗ treo bên trên quầy bar.
“Có chuyện gì thế?” tôi hỏi trong lúc cởi áo khoác.
Bên kia khoảng sân, tôi thấy Jerome đang tựa vào một chiếc bàn tròn, khoa tay rất hăng trong không khí. Ngồi cùng hắn là anh bạn học, Itzik Ben-David. Jerome đứng cao hơn anh ta khoảng hơn 30 phân nhưng Itzik với bờ vai rộng, không thể gọi là nhỏ bé được. Thực ra mà nói, với cái kiểu vẫy tay của Jerome thì người ta sẽ nghĩ rằng hắn đang kêu gọi người tới trợ giúp mới đúng.
“Bọn họ đang học đấy à?” tôi hỏi.
“Đúng ra phải thế,” Fabio giải thích kèm một nụ cười. “Trước lúc anh đến, họ còn chơi vật tay đấy.”
“Vật tay hả?”
“Phải. Lúc tôi mang cho họ trà mật ong… Có phải chính anh bảo mật ong giúp người ta học tốt không nhỉ?” Anh ta tháo tạp dề và treo lên mắc.
“Cậu sinh viên trường đạo nói thế,” tôi giải thích, “và Itamar cũng cho là vậy.”
“Ừm.” Anh ta cho cái lọc mới, sạch vào máy pha espresso. “Dù sao, tôi thấy Jerome lớn tiếng nói chuyện gì đó về ngân sách tiền tệ của Israel.”
“Anh nói nghiêm túc đấy chứ? Hắn mà lại nói về ngân sách tiền tệ của Israel trong lúc vật tay sao?”
“Anh ta không nói mà là gào thét trong đau đớn cơ,” Fabio giải thích. “Itzik túm lấy cánh tay Jerome và hỏi cái gì đó nghe như là… dòng tiền… chi phí gì đó… còn Jerome thì gào lại về việc bảo hộ và các bộ trong chính phủ. Ít nhất, đó là những thứ tôi nghe được. Anh tự đến mà xem đi.” Anh ta đặt tách cà phê lên khay và hối hả đi ra sân.
Anh ta mang cà phê cho một người khách và tiến lại gần hai kẻ đang trong cơn cuồng học.
Khi nhìn thấy tôi, cả hai tạm dừng cuộc thảo luận để bắt tay tôi. Cả hai đều nở những nụ cười thật ấm áp, thân thiện.
“Gặp cậu vui quá. Bọn tớ cũng vừa định nghỉ giải lao,” Jerome nói và duỗi tay.
“Thế nào rồi?” tôi hỏi.
“Tôi thì tốt thôi,” Itzik trả lời nhẹ nhàng. “Chúng tôi đứng hơn hai tiếng rưỡi rồi.
Itzik không nói đùa. Hai người bọn họ đã đứng ở chiếc bàn mà không có cái ghế nào hết.
“Sao không ngồi xuống mà học?” tôi thắc mắc.
Mặt Jerome méo xệch. “Tớ thấy ngạc nhiên đấy,” hắn bắt đầu. “Cậu không nhớ một tháng trước chúng ta đã nói gì à? Victor Hugo này… Mozart này… Phải đứng lên!”
“Đúng là có hiệu quả thật,” Itzik khẳng định. “Phương pháp này giúp tôi không bị buồn ngủ khi nói về vấn đề liên quan đến thuế má.”
“Tôi lại cứ nghĩ vì sợ nên cậu mới tỉnh đấy chứ,” Jerome đùa và quay sang tôi. “Tớ đang cố thực hiện những điều học được từ thầy Dahari và Schneiderman. Nhìn này,” hắn bắt đầu chứng minh cho tôi.
Hắn cho tôi xem những cuốn vở ghi chép, được bố trí gọn gàng thành các cột trên giấy trắng.
“Tớ đã nhìn cái này phải đến cả chục lần rồi,” tôi trêu. “Từ cái hôm đầu tiên ở nhà thầy Dahari đến giờ, gặp ai cậu chẳng cho xem vở ghi. Tớ nghĩ có thể đặt ra một hội chứng rối loạn mới – Hội chứng Jerome. Người bệnh luôn bị ám ảnh bởi những trang ghi chép trông như những trang sách Gemorrah,” tôi đùa.
Jerome cười đầy tự hào vì là người sáng tạo ra một hội chứng rối loạn mới.
“Cậu đã thấy nguồn cảm hứng của tớ chưa?” Hắn chỉ hai bức tranh đặt trên bàn. “Cái này là của tớ.” Hắn chỉ vào tấm ảnh Richard Branson(33). “Còn cái này của Itzik.” Hắn chỉ vào bức ảnh thứ hai, của Dudu Fischer – một nghệ sĩ đàn baritone người Do Thái.
Hoặc là mắt tôi có vấn đề hoặc là Itzik có vấn đề. “Dudu Fischer là nguồn cảm hứng của cậu sao?”
“Tôi cảm thấy thực sự thoải mái khi thưởng thức những bản nhạc thuần khiết của ông ấy,” cậu ta trả lời. “Chúng khiến tâm hồn tôi bay bổng.”
“Ai là người tệ hơn?” tôi hỏi Jerome sau khi đã vượt qua cơn sốc ban đầu. “Julio Iglesias hay Dudu Fischer?”
Jerome, từ nãy đến giờ vẫn giữ nét mặt bình thản, giơ tay lên đầu hàng. “Thôi nào. Không nên đi quá sâu vào vấn đề sở thích của mỗi người.” Hắn mỉm cười. “Tất cả những gì tớ cần là tấm ảnh của Itzik luôn đập vào mắt cậu ta, tớ sẽ không vô tình nhìn vào đó và bỗng nhiên mất tinh thần. Tớ chỉ muốn nhìn vào nụ cười chiến thắng của ngài Richard thôi,” hắn giải thích ngắn gọn.
“Tốt thôi,” tôi nói và vỗ vai hắn. “Vậy là các cậu đứng học, tóm tắt cho nhau nghe, như lời thầy Dahari đã gợi ý. Các cậu có những nguồn cảm hứng cho mình. Các cậu còn cần gì nữa?”
“Đừng có quên trà mật ong đấy!” Fabio ngắt lời.
“Dĩ nhiên rồi,” Jerome khẳng định. “Bọn tớ lập ra cả một nghi thức để thực hiện đấy. Trước khi bắt đầu làm Hevrutah của nhau, bọn tớ vẫn gọi thế, mỗi người ngồi một bàn riêng trong khoảng mười phút và đọc thầm thôi. Rồi, Fabio mang cho bọn tớ trà mật ong. Bọn tớ uống với nhau và bắt đầu thảo luận về việc kinh doanh.” Hắn nhìn Itzik và gõ ngón tay lên bàn.
“Và rồi cuộc chiến bắt đầu!” Itzik tuyên bố và vẫy tay hào hứng. “Ở góc trái là võ sĩ hạng 80kg, vô địch giải Caribe, vua của những chiếc áo phông, Jerome Zomer Ngòi nổ!” cậu ta giới thiệu như kiểu dẫn chương trình đấm bốc.
“Và ở góc phải,” Jerome tiếp lời, “võ sĩ hạng 300 kg, toàn cơ bắp, vô địch khu Tikvah, ông vua của ngành vật liệu xây dựng… bố cậu ấy là nhà thầu xây dựng,” hắn thì thầm với tôi, “Itzik ‘Diễn viên’ Ben-David, vua Israel.” Hắn chỉ vào anh bạn và vỗ tay.
“Rồi bọn tớ bắt đầu học chung, luôn luôn tranh cãi, luôn luôn đi đến nhất trí và luôn chất vấn về mọi thứ. ‘Tại sao thế này?’ và ‘Tại sao thế kia?’, ‘Nếu thế này thì sao?’ và ‘Nếu thế kia thì sao?’, ‘Ai bảo thế?’… Tớ nói cho cậu biết nhé, Schneiderman đã chỉ cho bọn tớ một cách học tuyệt vời.”
“Đúng là như vậy,” Itzik xác nhận bằng giọng khiến người ta hồi tưởng về Marlon Brando trong Bố già khi ông ra lệnh giết người đứng đầu gia đình Gambino.
“Anh biết không, thực ra gia đình tôi cũng hơi sùng đạo một chút,” Itzik nói tiếp. “Tôi đã từng học theo kiểu này ở trường đạo rồi nhưng từ khi học đại học, tôi chưa từng nghĩ đến chuyện sử dụng những phương pháp này. Học kiểu này rất vui và hiệu quả.”
“Thế còn vụ vật tay là sao thế?” tôi hỏi.
“À!” cả hai người cùng đồng thanh.
“Đó là một cách để ôn lại tài liệu trong những lúc căng thẳng,” Itzik giải thích.
“Những lúc căng thẳng?” Fabio nhắc lại.
“Đúng vậy, như trong các kỳ thi chẳng hạn. Khi đó, ta ở trong trạng cực kỳ căng thẳng nhưng lại cần phải lôi thông tin từ trong trí nhớ ra,” Itzik nói.
“Khi ta căng thẳng, ta thường bị phân tâm. Do đó, bọn tớ tạo ra những tình huống căng thẳng giả và luyện tập cách nhớ lại thông tin trong những tình huống như thế,” Jerome tiếp tục giải thích. “Kiểu như vật tay hoặc bẻ ngón ấy.”
“Bẻ ngón à?” tôi lặp lại, kinh ngạc.
“Ờ. Xem nhé.”
Itzik bảo Jerome duỗi cánh tay ra. Jerome giơ tay ra cho Itzik, và Itzik, không phải nghĩ ngợi nhiều, dùng bàn tay to lớn của mình túm lấy ngón tay của Jerome và bẻ quặt về phía sau. Jerome cắn môi chịu đau. Khi Itzik cảm thấy nạn nhân đã không thể nào thoát khỏi cú nắm của mình, cậu ta ra lệnh bằng giọng ầm ầm như sấm nổ, “Các giai đoạn của vòng đời một sản phẩm là gì?”
Lúc đầu, Jerome có vẻ khó nhọc nhưng rồi Itzik nới lỏng dần tay nắm ra để Jerome gào lên, “Map-game-declining! Map-game-declining!”
“Map-game-declining là gì?” cậu ta lên giọng.
Fabio bắt đầu hơi ngại vì cuộc đọ sức đang thu hút một vài ánh mắt tò mò từ các bàn khác.
“Đó là những giai đoạn một sản phẩm phải trải qua,” Jerome cuối cùng cũng trả lời được. “MaP GaMe… Market Penetration (thâm nhập thị trường), Growth (tăng trưởng), Maturity (phát triển), và rồi Decline (suy giảm).”
Itzik thả tay Jerome ra và vỗ vai hắn. “Làm tốt lắm.”
“Tôi chắc là anh cũng đoán trước,” cậu ta nói tiếp khi quay sang tôi, “tôi là người thử gây ra căng thẳng. Jerome phải vượt qua được sức ép đó và đưa ra câu trả lời đúng. Cậu ấy đã thành công, vì vậy trong các kỳ thi, dưới sức ép rõ ràng là ít hơn nhiều, cậu ấy sẽ làm tốt,” cậu ta mỉm cười.
Tôi ngậm miệng lại và nhìn sang Fabio.
“Cái vụ giả vờ nho nhỏ của các cậu có vẻ giống huấn luyện để thành chuyên gia thẩm vấn hơn, chứ không giống chuẩn bị cho thi cuối kỳ gì cả,” tôi nói.
“Tin tôi đi, nếu có thể chịu được những hoàn cảnh như thế thì kỳ thi cuối năm sẽ chẳng có vấn đề gì hết. Anh có muốn thử không?” cậu ta nói và bắt đầu bẻ khớp ngón tay.
“Không,” tôi đáp, lùi lại một bước. “Tôi thà trượt còn hơn.”
Điện thoại của Jerome reo lên. Hắn hối hả lấy ra nghe ngay. Trong lúc hắn nghe điện thoại, chúng tôi thu dọn đồ đạc và chuyển đến một chiếc bàn ngắn hơn, có ghế xung quanh.
“Si. Si,” Jerome lẩm bẩm với cái điện thoại. “Puedo… Ecrire una contract para… um… tres cientos… um… pieces…” hắn nói bằng thứ tiếng Tây Ban Nha lủng củng.
Tất cả chúng tôi im lặng để Jerome thảo luận chuyện làm ăn. Lúc hắn nói chuyện xong và gập điện thoại lại, hắn lau mồ hôi trên trán.
“Fabio, anh phải giúp tôi học tiếng Tây Ban Nha,” hắn thở dài ngao ngán. “Tôi đến phát điên mất, thật xấu hổ, cứ lắp ba lắp bắp thế này.”
“Anh muốn học kiểu bình thường hay học kiểu Do Thái?” Fabio lau bàn xong và hỏi.
“Thế học kiểu Do Thái là thế nào?”
“À,” anh ta nói và giơ ngón tay lên. “Tôi muốn nói đến một cách đặc biệt của người Do Thái để học ngoại ngữ. Anh có muốn học không?” anh ta dụ.
“Có chứ!” Jerome hào hứng trả lời.
“OK, chờ tôi một giây nhé.” Fabio liếc nhìn đồng hồ và rồi quay lại nhìn vào bếp. “Tôi sẽ bảo Dorothy trông hộ một lát. Mọi người biết đấy, có lẽ ta nên đợi Itamar. Anh ấy sẽ đến ngay đấy.”
“Như thế này nhé,” Fabio bắt đầu và xoa xoa hai bàn tay vào nhau. “Cũng như anh muốn học và nhớ được hàng ngàn từ tiếng Tây Ban Nha, người Do Thái cũng muốn nhớ được thứ tiếng của tổ tiên mình, tiếng Do Thái cổ.”
“Tôi không thấy ở đây có vấn đề gì cả,” Itzik bắt đầu. “Những cuốn sách thánh kinh và những lời cầu nguyện đều được viết bằng tiếng Do Thái cổ. Họ lúc nào chẳng nói và sử dụng tiếng Do Thái.”
“Ồ, không hẳn thế đâu,” Fabio lắc đầu. “Tiếng Do Thái cổ là một thứ tiếng thiêng liêng, nó chỉ thuộc về những lời cầu nguyện và những cuốn sách thôi. Chẳng ai nói tiếng đó ở nhà cả. Nó không đáp ứng được chức năng căn bản của một ngôn ngữ, chức năng làm phương thức giao tiếp giữa con người với nhau. Để bàn chuyện làm ăn, trao đổi ý tưởng hay đơn giản là đi mua rau cỏ, những người Do Thái trên khắp thế giới này đều dùng tiếng địa phương, như tiếng Ả Rập, tiếng Phổ, tiếng Pháp, v.v… Qua thời gian, qua nhiều thế hệ, cũng không còn nhiều người quá câu nệ chuyện đến giáo đường hay đọc những cuốn sách thánh kinh nữa, vậy mà tiếng Do Thái cổ vẫn tồn tại! Hàng ngàn năm sau khi ngôn ngữ đó được sáng tạo ra, hàng ngàn năm kể từ khi nó bắt đầu được sử dụng, qua hàng ngàn năm được nâng niu trong những cuốn sách và những lời cầu nguyện, ngôn ngữ đó vẫn được gìn giữ. Và ngày nay, một lần nữa nó lại trở thành một thứ ngôn ngữ sống động, ở đây, trên đất nước Israel này! Hãy nghĩ về điều đó. Làm thế nào mà người Do Thái duy trì được ngôn ngữ của mình?” Anh ta dừng lại và nhìn khắp lượt chúng tôi. “Nhờ một phương pháp độc đáo mà những người Do Thái khắp nơi trên thế giới đã sử dụng. Ở mỗi cộng đồng, người ta đều phát minh ra một ngôn ngữ mới là sự kết hợp giữa tiếng Do Thái thiêng liêng và tiếng địa phương nơi đó. Họ hòa trộn tiếng địa phương với những từ tiếng Do Thái để giữ ngọn lửa của tiếng Do Thái rực cháy mãi, thế đấy. Họ gìn giữ tiếng Do Thái để ngọn lửa của nó sẽ không bao giờ tàn lụi.”
“Giống như tiếng Yiddish(34),” tôi đoán.
“Chính xác,” anh ta xác nhận. “Nhưng trước đó còn có rất nhiều ngôn ngữ khác. Sau khi bị đẩy đến Babylon, người Do Thái ở đây đã nói tiếng Ba Tư với người dân địa phương ở đó và tiếng ‘Ba Tư Do Thái’ khi chỉ có riêng người Do Thái với nhau.”
“Tiếng ‘Ba Tư Do Thái’ là gì?” Itzik hỏi.
“Đó là tiếng Ba Tư rải rác có nhiều từ tiếng Do Thái. Sau đó, nhiều người Do Thái còn nói tiếng Do Thái kiểu Ả Rập nhưng có một điều chắc chắn, hai thứ tiếng nổi tiếng nhất là Yiddish và Ladino.” Anh ta dừng lại và chỉ vào những bức tranh treo trên tường quán với những từ tiếng Ladino viết trên đó.
Sự say mê đối với thứ tiếng đó hiện lên rõ trong mắt anh ta. Mắt anh ta sáng lên, một nụ cười tươi nở rộng trên khuôn mặt. Anh ta nhắm mắt lại để chúng tôi tập trung vào bài hát đang nhè nhẹ vang lên. Tất cả chúng tôi đều nhận ra giọng hát ấm áp, dịu dàng của Yehoram Gaon, một ca sĩ nổi tiếng người Israel.
“Ông ấy hát tiếng Tây Ban Nha phải không?” Itzik hỏi.
“Gần như thế,” Fabio trả lời. “Đây là một bản tình ca Ladino. Ladino là tiếng Do Thái Tây Ban Nha, tiếng Tây Ban Nha cổ kết hợp với tiếng Do Thái. Chính xác hơn là sự pha trộn giữa tiếng Catalan và Do Thái.” Anh ta mở mắt và ngồi thẳng dậy.
“Người Do Thái khắp thế giới luôn thống nhất trong mục tiêu chung là gìn giữ truyền thống. Truyền thống đó bao gồm cả việc gìn giữ tiếng Do Thái. Vì vậy, người Do Thái ở Tây Ban Nha đã phát triển thứ tiếng Do Thái – Tây Ban Nha của tiêng mình – tiếng Ladino hay Spaniolit.”
“Anh có thể lấy ví dụ một câu tiếng Ladino được không?” Jerome ngắt lời.
“Được chứ.” Fabio nhìn quanh các bức tường quán và chỉ vào một bức tranh siêu thực miêu tả hàng trăm người đang nở những nụ cười thỏa mãn. Bên dưới bức tranh là dòng chữ, ‘Kada uno es sadik en sus ojos.’
“Mỗi người đều có quyền là một tzadik,” anh ta dịch.
“Họ giữ lại từ tiếng Do Thái tzadik – người ngay thẳng,” Jerome nói.
“Chính xác. Còn một ví dụ khác nữa.” Anh ta lấy bút và một tờ giấy rồi viết, ‘Arova pitas y beza mezuzot.’ “Ăn cắp bánh mì pita và hôn chiếc mezuzot,” Fabio dịch ra. “Đó là một câu nói về đạo đức.”
“Hai từ pitas và mezuzot rõ ràng là quen thuộc,” Jerome nhận xét có vẻ rất hứng thú.
Fabio lại viết một câu nữa. “Câu này tôi rất thích đây. ‘El Yeserara no decha repoza.’ Anh có nhận ra từ nào trong câu này không?”
Jerome nhìn chằm chằm rồi lắc đầu. “Tôi chẳng thấy từ nào quen cả.”
“Nghe Yeserara có giống từ gì không?” Fabio cố đưa ra gợi ý.
“Chịu.”
“Có thể là yetzer harah – dễ làm điều xấu chăng?” Fabio mỉm cười.
“Ồ, phải rồi!” Jerome thán phục.
“Làm điều xấu sẽ không được thanh thản,” Fabio dịch ra.
“Ngày nay có bao nhiêu người nói tiếng Ladino?” tôi thắc mắc.
“Ý anh là ngoài Yehoram Gaon, Yitzak Navon, cựu tổng thống Israel, và tôi ra?” anh ta đùa. “Có thể là hai mươi đến ba mươi ngàn người. Đó là một thứ ngôn ngữ đang hấp hối. Thế hệ sau này có thể sẽ chẳng còn nói thứ tiếng đó nữa. Tôi là người duy nhất đang cố giữ ngọn lửa của nó cháy mãi.” Anh ta đưa tay chỉ những bức tranh treo trên tường quán Café Ladino.
“Hay là mở một quán café nữa lấy tên là Café Yiddish đi!” Itamar gợi ý. “Cả tiếng Yiddish cũng đang dần biến mất.
“Anh nói đúng,” Fabio cười. “Nhưng cả hai thứ tiếng này đều có mục đích chung. Chúng gìn giữ tiếng Do Thái cổ. Chính Morris Samuel, người sáng tạo ra tiếng Yiddish đã nói, ‘Yiddish không phải là một ngôn ngữ – đó là một chiến lược.’ Yiddish cũng có chung mục đích như Ladino, đó là bảo tồn tiếng Do Thái. Có khác chăng chỉ là Yiddish phổ biến hơn và được nhiều người nói hơn thôi.”
Jerome ra hiệu cho cô gái bồi bàn đang rảo bước về phía bàn chúng tôi.
“Anh biết không, có anh ngồi đây với chúng tôi tuyệt thật đấy,” Jerome nói với Fabio. “Dịch vụ thật hoàn hảo khi có ông chủ ngồi cùng bàn.” Hắn nháy mắt.
Chúng tôi gọi đồ uống như thường lệ.
“Vậy là Yiddish ra đời sau Ladino phải không?” Itamar tò mò hỏi. “Và cũng là từ ý tưởng kết hợp tiếng Do Thái vào ngôn ngữ địa phương – nhưng lần này là tiếng Đức.”
“Đúng vậy,” Fabio xác nhận. “Nhưng, có thể anh sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng Yiddish có tuổi đời lâu hơn nhiều so với Ladino.”
“Thật sao?” Itamar hoàn toàn sửng sốt. “Tôi cứ nghĩ là Yiddish được phát triển vào khoảng thế kỷ XVII.”
“Cuốn sách bằng tiếng Yiddish cổ nhất ngày nay còn giữ lại được là từ thế kỷ XIII,” Fabio tiết lộ. “Nhưng hầu hết các học giả tin rằng người Do Thái bắt đầu nói tiếng Yiddish từ thế kỷ XI, đó là những người Do Thái rời khỏi miền nam nước Pháp để đến định cư tại thung lũng Rhine.”
“Vậy cái tên ‘Yiddish’ chính xác nghĩa là gì?” Itzik hỏi.
“Đầu tiên, ngôn ngữ này được gọi là ‘Ashkenazi-Talk’. Sau này, người ta mới đổi thành ‘Yiddish’ – ‘Yid’, hay trong tiếng Do Thái là ‘Jid’ có nghĩa là Do Thái. Và Deutch hay là Đức. Nói cách khác, nó có nghĩa là tiếng Do Thái-Đức. Vấn đề là dần dần tiếng Yiddish ngoài là một ngôn ngữ, nó còn trở thành một chiến lược nữa.” Anh ta vung tay trong không khí, cố tìm ra từ thật chính xác để diễn tả ý mình.
“Yiddish đã chứng kiến quá nhiều bạo lực, nước mắt, nỗi đau, những cuộc tàn sát và bi kịch. Nó trở thành một thứ ngôn ngữ tràn đầy tình cảm và có một linh hồn của riêng mình. Nó phản chiếu tâm hồn và tình cảm của người Do Thái, nỗi đau và sự phiền muộn, hạnh phúc và tiếng cười, bản năng sống của họ… Thậm chí ngày nay, mặc dù ngôn ngữ này đang dần dần biến mất, nó vẫn làm thức tỉnh những cảm xúc sâu lắng ở những con người còn giữ ngôn ngữ đó, và nhiều người còn cho rằng có những quan điểm, cảm xúc và ý tưởng nhất định chỉ có tiếng Yiddish mới diễn đạt được. Tôi muốn nói đến những từ đặc biệt bắt nguồn từ tâm hồn của ngôn ngữ này và không thể tìm được từ tương đương trong thứ tiếng khác.” Anh ta ngả người tựa vào ghế và mỉm cười.
“Trước đây, người Do Thái nào cũng nói tiếng Yiddish. Cho dù người đó ở Nga, ở Đức, New York hay Buenos Aires đi chăng nữa, người đó vẫn có thể giao tiếp với những người Do Thái khác. Trong công việc làm ăn, ở nhà, ở chợ, người ta chỉ nói tiếng Yiddish thôi. Chẳng bao lâu sau, cả một nền văn học tiếng Yiddish độc đáo đã nở rộ. Ngày nay, người ta vẫn còn đọc bản dịch những tác phẩm của những tác giả vĩ đại như Shalom Aleichem, Isaac Beshivas Singer, Y. L. Peretz và Mendele. Những vở kịch được soạn và trình diễn bằng tiếng Yiddish. Hàng loạt báo, tạp chí viết bằng tiếng Yiddish được xuất bản.
“Người ta ước tính rằng vào đầu Thế chiến thứ hai, có khoảng mười một triệu người, tương đương với khoảng 60% số người Do Thái, nói tiếng Yiddish.” Anh ta dừng lại khi để ý thấy cô gái bồi bàn đang mang khay đồ uống đến. Chúng tôi giúp cô chuyển đồ cho mọi người rồi cô lại hối hả trở về bếp.
“Hình như cô bé này mới thì phải,” Jerome đoán. “Nên mới làm việc nhanh nhẹn và hiệu quả thế chứ. Cô bé vẫn còn có động cơ để cố gắng.”
“Như tôi đã nói,” Fabio tiếp tục, không để ý đến nhận xét của Jerome, “những từ tiếng Do Thái cổ từ các cuốn sách linh thiêng cũng được đưa vào tiếng Yiddish ngày nay. Yiddish được cấu thành từ 15-20% các từ Do Thái, 70% là tiếng Đức và 10% là các ngôn ngữ khác như tiếng Hungary, tiếng Rumani, tiếng Slavic và các tiếng khác.”
“Anh thử cho ví dụ xem nào?” Jerome xen vào.
“Chờ tôi một lát,” anh ta nói và nhấp một ngụm cà phê. “Còn một điểm rất thú vị mà tôi muốn cho mọi người biết. Tiếng Yiddish được viết bằng những chữ cái Do Thái nhằm gìn giữ hệ thống chữ viết tiếng Do Thái.” Anh ta lấy một tờ giấy trắng trong vở ghi của Itzik và lấy bút của Jerome. “Đây là ví dụ đơn giản nhất.” Anh ta viết ra giấy và đưa chúng tôi xem.
“‘Mama lashon’ – tiếng mẹ đẻ,” anh ta dịch luôn. “Người ta gọi tiếng Yiddish như thế. Mama trong tiếng Đức có nghĩa là ‘mẹ,’ còn ‘lashon’ trong tiếng Do Thái có nghĩa là ‘ngôn ngữ,’ đúng không?”
Tất cả chúng tôi cùng gật đầu.
“OK. Còn một ví dụ nữa,” anh ta nói rồi lại viết gì đó ra giấy.
“‘Bist ah batuach, uber shik eran mezumanim’ – ‘tôi tin anh, nhưng cứ đưa tiền đây,’” anh ta lại dịch luôn. “Có từ nào mọi người nhận ra không?” anh ta hỏi.
“Batuach – ‘trust’ (tin tưởng) và mezumanim – ‘cash’ (tiền),” Jerome trả lời.
“‘A gantz yaer shikar, Purim nichter’ – Say cả năm trừ ngày Purim(35),” một ví dụ nữa được đưa ra. “Lần này có từ nào nghe quen quen không?”
“Purim,” Jerome trả lời.
“Tôi nghĩ shikar chắc có liên quan tới shikor trong tiếng Do Thái có nghĩa là say,” Itamar bổ sung.
“Đúng rồi,” Fabio khẳng định. “Câu này nói về một người luôn làm những việc vào thời điểm không thích hợp. Mọi người biết người ta gọi vé đi tàu điện ngầm ở Brooklyn là gì không? Tiếng Yiddish ấy, không phải tiếng Tây Ban Nha nhé,” anh ta mỉm cười.
Jerome cắn môi rồi buột miệng nói bừa, “Una matbeah de subvay ( ‘Matbeah’ – trong tiếng Do Thái nghĩa là đồng xu).” Hắn cười toe toét và ra hiệu thực ra hắn không biết là gì.
“Xuất sắc!” Fabio reo lên, rõ ràng là rất ngạc nhiên.
“Sao cơ? Tôi nói đúng hả?”
“Gần đúng hoàn toàn. Anh đã cho thêm một ít tiếng Tây Ban Nha vào đó. Tiếng Yiddish thực ra phải là ‘De subvay matbeah.’”
“Oa!” Jerome sung sướng reo lên. “Nhưng sao chúng ta lại nói đến những thứ này? Tôi có bao giờ bảo là muốn học tiếng Do Thái cổ đâu. Tôi nhờ anh dạy tiếng Tây Ban Nha cơ mà!”
“Không sao,” Fabio trả lời. “Anh chỉ cần làm theo đúng cách như thế thôi. Lát nữa tôi sẽ chỉ cho. Nhưng đầu tiên…” anh ta lại cầm bút lên và ngẫm nghĩ.
“Người Mỹ và người Đức biết rằng những từ tiếng Do Thái đã thâm nhập vào ngôn ngữ của họ, ý tôi ở đây là những từ rất phổ biến như amen, Sabbath hay những từ đại loại như thế. Trong tiếng Do Thái của chúng ta cũng vậy, có hàng ngàn từ xuất phát từ những ngôn ngữ khác được đưa vào những cuộc trò chuyện hàng ngày.”
“Như những từ có đuôi – tziah chẳng hạn, như conceptziah, coordinatziah, associatziah, optziah, integratziah(36),” Itamar lấy ví dụ.
“Quay lại với tiếng Yiddish một chút,” Fabio đề nghị. “Nhìn mà xem, chúng ta biết được bao nhiêu từ tiếng Đức chỉ nhờ nghe một vài câu tiếng Yiddish thôi. Những từ này đã trở thành những cụm từ mang tính chất thành ngữ trong tiếng Do Thái mà chúng ta trò chuyện hàng ngày. Như câu, ‘Từ hai giờ đến bốn giờ đừng gọi tôi nhé. Tôi sẽ schlaff shtunda – có nghĩa là tôi sẽ chợp mắt một lúc. Schlafen trong tiếng Đức có nghĩa là ngủ.”
“Tisch tiếng Đức là cái bàn,” Itamar nhận xét. “Trong cộng đồng những người Do Thái chính thống có một bữa ăn ngày lễ có tên là tish.”
“Và không được quên từ bagel (bánh vòng) nữa,” Jerome xen vào.
“Tất nhiên rồi. Bánh vòng là một phát minh về ẩm thực của người Do Thái nhưng từ này phát sinh từ một từ tiếng Đức beugal, có nghĩa là ‘bánh mỳ tròn.’”
“Này, các cậu có biết câu chuyện về người ngoài hành tinh và chiếc bánh vòng không?” Jerome hỏi.
Không thấy ai trả lời nên hắn kể luôn.
“Một người ngoài hành tinh đáp xuống trái đất và đặt chân xuống Brooklyn. Hắn bắt đầu đi loanh quanh và để ý thấy một cửa hàng bánh vòng. Hắn đứng bên ngoài và nhìn chằm chằm vào trong qua cửa kính, tò mò trước khung cảnh đang diễn ra trước mắt. Không hiểu chuyện gì nên hắn bước vào trong. ‘Hãy nói cho ta biết,’ hắn bảo với chủ tiệm người Do Thái, ‘những cái bánh xe nhỏ nhỏ ta thấy từ bên ngoài là cái gì thế?’ ‘Đấy không phải là bánh xe,’ người chủ tiệm giải thích. ‘Đó là bánh vòng. Để ăn. Đây, thử đi.’ Ông ta đưa cho người ngoài hành tinh một chiếc bánh vòng. Hắn cắn một miếng và bắt đầu nhai. Rồi hắn nói với ông chủ tiệm, ‘Ông biết không, ta thực sự nghĩ ông làm bánh rất ngon đấy.’ Hắn nuốt miếng bánh đầy hào hứng. ‘Nhưng để ta cho ông một lời khuyên nhé… sẽ tuyệt hơn nữa nếu cho thêm pho mát và cá hồi lên trên đấy!’”
Fabio phá lên cười. “Hay thật!” Anh ta reo lên và nhấp một ngụm cà phê nữa.
“Mọi người biết không, phóng viên Charles Rappaport có lần đã nói, ‘Tôi nói được mười thứ tiếng, tất cả đều là Yiddish.” Fabio mỉm cười. “Anh ta nói đúng. “Bằng cách sử dụng hệ thống tiếng Do Thái, ta có thể học cách nói được đến cả mười thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Yiddish có khoảng 4000 từ tiếng Do Thái còn Ladino có khoảng 800 từ. Tại sao tôi lại nói điều này? Là bởi vì tờ Thời báo New York Times đã từng thực hiện một điều tra về số từ ngữ lặp lại trên báo. Nói cách khác, họ dùng tờ báo của mình để đếm xem có khoảng bao nhiêu từ tiếng Anh mà người đọc buộc phải biết. Kết quả là một người cần đến khoảng 600 từ. Vậy tất cả những gì ta phải làm để có thể hiểu được bất cứ ngôn ngữ nào là học khoảng 600 từ trong ngôn ngữ đó.”
Fabio lại cầm bút lên và viết gì đó ra giấy.
“Để học được 600 từ,” anh ta tiếp tục ghi ra những con số, “ta phải học mỗi ngày 20 từ, ngày nào cũng thế trong vòng 30 ngày. Hay nói cách khác, chỉ trong vòng một tháng, ta có thể đọc báo hàng ngày và hiểu được những nội dung cơ bản của bất cứ ngôn ngữ nào ta muốn!” Anh ta ngẩng đẩu lên và mỉm cười. “Vậy vấn đề thực chất ở đây là gì, làm sao để mỗi ngày học được hai mươi từ một cách có hệ thống để những từ này khắc sâu lâu dài vào trí nhớ!”
“Chính xác,” Jerome tán thành, vui mừng vì cuối cùng cũng đến mục đích chính của cuộc thảo luận.
“Nếu sử dụng phương pháp của người Do Thái, điều ta cần làm là gắn những từ mới tiếng Tây Ban Nha vào những cuộc trò chuyện hàng ngày bằng tiếng Do Thái.” Fabio xoa xoa hai bàn tay. “Chẳng hạn,” anh ta gãi cằm. “Xem từ dinero tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là tiền nhé. Hãy nghĩ đến một loạt những câu tiếng Do Thái mà ta có thể nói đến tiền, nhưng thay từ tiền bằng từ dinero.
“Cậu có bao nhiêu dinero? Tớ muốn mượn 50 đô-la. Cậu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến dinero, dinero, dinero. Hắn rất giàu. Hắn có rất nhiều dinero trong ngân hàng…
“OK, giờ đến một từ khác – hombre. Từ này có nghĩa là ‘người.’
“Đúng là một hombre tốt. Anh ấy đã giúp tôi sửa xe… Nhìn cái hombre đằng kia kìa… đội mũ đỏ ấy.”
“Cậu biết không, chỉ cần nhìn cách anh ta ăn mặc, tớ dám chắc hombre đó có rất nhiều dinero,” Jerome bổ sung.
“Chính xác! Phương pháp là như thế,” Fabio reo lên. “Mỗi lần hãy thêm một hai từ vào câu. Trong tiếng Tây Ban Nha, rico có nghĩa là giàu.”
“Đúng là một hombre rico, hài lòng với cuộc sống,” Jerome thể hiện khả năng nắm bắt nhanh của mình.
“Quiero có nghĩa là ‘tôi muốn.’ Quiero hòa bình cho thế giới; Quiero sức khỏe cho gia đình mình; Quiero một chiếc bánh thật ngon. Đó là thứ Quiero thực sự lúc này.”
“Quiero,” Jerome bật ra. “Quiero trở thành một hombre rico.”
“Bây giờ, si tu Qieres, nếu anh muốn,” Fabio bắt đầu, “tôi sẽ mang cho anh boyo táo nóng và một tasa espresso theo kiểu anh thích… Nào, anh hiểu câu này thế nào?”
“Tôi nghĩ là, theo ngữ cảnh, từ boyo táo có nghĩa là bánh táo, còn tasa espresso là một tách espresso.”
Trong lúc tìm hiểu về phương pháp đặc biệt của Fabio để học tiếng nước ngoài, tôi bỗng nhớ đến cô con gái tám tuổi của mình, con bé cũng hay dùng cách này để nói chuyện với bạn bè như kiểu tiếng lóng hàng ngày.
“Mọi người biết không, có lần tôi đã nghe con gái tôi và bạn nó nói chuyện giống kiểu như thế này,” tôi kể cho mọi người. “‘Nào. Chơi cái này nhé,’ nó nói tiếng Do Thái, rồi kết thúc câu bằng từ ‘Please’ trong tiếng Anh. Ngày hôm đó, nó không chỉ nói từ đó một lần đâu. Lúc sau, nó bảo bạn đổi búp bê cho nhau. ‘Tớ muốn chơi Barbie tóc đỏ. Cậu đổi với tớ nhé?’ con bé nói và lại lặp lại từ ‘Please, please.’ Tối hôm đó, Gali đòi tôi mua ảnh Harry Potter. Con bé lại kết thúc bằng từ ‘please’ và kéo tay tôi. Tôi hỏi con bé từ ‘please’ mới có trong vốn từ vựng của nó có nghĩa là gì. Gali nghĩ một lúc trước khi đưa ra câu trả lời hoàn toàn đúng. Thực ra nó không biết từ đó. Con bé chỉ suy luận ra nghĩa của nó thôi. Đó chính là phương pháp mà chúng ta đang nói đến.”
“Đúng vậy. Một từ mới mà ta càng dùng nhiều thì càng dễ trở thành một phần quen thuộc trong cú pháp ta sử dụng hàng ngày. Tiếng Do Thái có hàng tá những từ tiếng Anh kiểu như thế như: balloon, promo, rating, brakes, pajama, interest, curious, legitimate, relevant và nhiều từ của các ngôn ngữ khác nữa.”
“Nhưng, có một điều,” Itamar ngắt lời, “tôi hiểu cách xen từ mới vào câu như thế nhưng làm vậy cũng không đúng lắm. Chẳng hạn, từ rico có nghĩa là giàu có nhưng làm sao ta biết được từ này còn chia theo giống, và khi nói đến một người phụ nữ thì nó phải là rica mới đúng.”
“Về cơ bản, anh nói đúng. Phương pháp này chỉ tốt cho những người muốn học ngoại ngữ thực dụng. Còn với người muốn học cách nói đúng và chuẩn một ngoại ngữ thì cần phải học những nguyên tắc cơ bản của ngôn ngữ đó, như là cách chia động từ và danh từ chẳng hạn. Khi ta đã học được nhiều từ mới bằng cách này thì học các thành tố khác của thứ tiếng đó sẽ dễ hơn bởi vì ta đã thiết lập được một mức độ tự tin và hiểu biết nhất định về ngôn ngữ đó.”
“Fabio cũng đã giải thích rằng thực ra ta chỉ cần học một số lượng từ cơ bản để có thể thích nghi được với một nơi mới thôi. Đến thăm Budapest thì đâu cần phải học hết những nguyên tắc cơ bản của tiếng Hungary. Chỉ khoảng 50-100 từ là đủ rồi,” tôi giải thích.
“Nhưng nói mắc quá nhiều lỗi cũng ngại lắm,” Jerome phản bác.
Tôi cười toe toét. Tôi nhớ đến vụ cãi nhau giữa tôi và vợ tôi, Yael, cũng vì vấn đề này.
“Yael sẽ đồng ý với cậu đấy. Cô ấy quá cầu toàn, cô ấy cho rằng nếu nói ra một câu không đúng được 100% thì người ta sẽ không hiểu. Hay, tệ hơn, họ sẽ chế giễu mình.”
“Cô ấy nói đúng mà,” Jerome nói luôn.
“Tớ nhớ có lần ở Paris, cô ấy đặt phòng khách sạn, mua vé tàu điện ngầm và hỏi giờ mở của khu du lịch – tất cả đều bằng thứ tiếng Pháp hoàn hảo mà cô ấy đã học và thực hành suốt bao nhiêu năm. Nhưng rồi, khi tôi dám mở miệng nói tiếng Pháp, cô ấy bảo gần chết vì xấu hổ. Nhưng dù sao, tôi cũng đạt được những kết quả tương tự mà chỉ cần đến thứ tiếng Pháp chỉ bằng một phần mười của cô ấy. Tất cả những gì tôi nói với người thu ngân ở ga tàu điện ngầm là ‘deux billet, si’ll vous plais’ (làm ơn, hai vé). Cô thu ngân đó hiểu ngay là tôi muốn mua hai vé tàu. Chẳng cần phải nhọc công dí mặt vào tường để nói cho đầy đủ, ‘Je voudrais acheter deux billet pour le Metro, si’ll vous plais,’ – ‘Làm ơn, tôi muốn mua hai vé đi tàu điện ngầm’ làm gì. Còn lúc vào quán café, tôi chỉ gọi một tách espresso và bánh sừng bò sô cô la bằng thứ tiếng Pháp đơn giản thôi. Chắc chắn là họ đâu có mang cho tôi mì spaghetti với nước táo.”
“Một người hay ngại thì sẽ chẳng học được gì,” Fabio nhận xét. “Đừng ngại nói mắc nhiều lỗi.”
“Nhưng, mọi người biết không, còn một cách nữa để nhớ các từ tiếng nước ngoài,” tôi nói thêm. “Tôi đã đọc nhiều cuốn sách nói về phương pháp này. Phương pháp này dựa trên việc tạo ra những mối liên hệ, tưởng tượng. Ta cần tìm được những từ đi cùng hoặc nghe giống giống từ mình muốn học… phải có một mối liên kết logic giữa những từ này. Từ piedra trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đá. Piedra nghe hơi giống powder (bột). Vậy, tất cả những gì ta cần làm là tưởng tưởng mình cạo đá cho đến khi nó chuyển thành bột. Hình ảnh đá biến thành bột sẽ khiến ta nhớ đến từ piedra. Carta trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là ‘thư.’ Từ carta có gợi cho mọi người nghĩ đến cái gì không?”
“Bách khoa Encarta,” Jerome nói.
“Tuyệt. Vậy hãy tưởng tượng rằng ta để tất cả những lá thư trong cuốn bách khoa đó. Còn từ bombero, lính cứu hỏa trong tiếng Tây Ban Nha, thì sao?”
“Một quả bom,” Jerome mau lẹ trả lời. “Một quả bom phát nổ gây ra một đám cháy lớn, lính cứu hỏa phải dập tắt,” hắn miêu tả.
“Điều này làm tôi nghĩ đến một câu chuyện,” Jerome nói thêm. “Hai người Do Thái đang ăn mì với nhau. ‘Cậu nói xem,’ người thứ nhất nói, ‘tại sao người ta lại gọi thứ chúng ta ăn là mì?’ ‘Ý cậu là sao?’ anh bạn trả lời và tống một đống mì vào miệng. ‘Tại chúng dài như mì, mềm như mì và có vị giống mì. Thế thì có lý do gì mà lại không gọi là mì chứ?’”
Fabio cười khinh khích. Tôi chỉ vào Itamar và nháy mắt với cậu ta, “Vậy, cậu sẽ nhớ câu chuyện cười này như thế nào?”
Itamar nhìn lại tôi bằng đôi mắt trong, ấm áp cho thấy cậu ta đang suy nghĩ.
“Ồ, nếu dùng phương pháp của Lisa, ta sẽ lấy ‘ngăn’ aleph, với biểu tượng là cái thuyền, ta sẽ liên hệ nó với ‘mì.’ Thuyền – mì.” Cậu ta nhắm mắt lại và đưa tay lên đầu. “Với trí tưởng tượng có hạn của tớ, tớ thấy một chiếc thuyền chở mì nhập từ Italia về. Trên thuyền có hàng trăm công te nơ chất đầy mì.”
“Tốt đấy, Itamar,” Jerome nhận xét. “Tớ thì tưởng tượng ra một chiếc thuyền đang trôi trên một đại dương toàn mì là mì. Tớ nghĩ cậu nên tưởng tượng công ty Zim của Israel xuất khẩu mì sang Italia thì hay hơn.”
“Cậu đúng là có trí tưởng tượng lạ thường thật,” tôi nói.
“Cái đấy là trong quảng cáo mà,” Jerome phản bác. “Các cậu chưa xem à? Có một anh chàng người Italia trở về quê nhà và mang theo một hộp mì spaghetti Israel làm quà. Cả gia đình anh ta cùng ngồi thưởng thức món pasta đặc biệt mà không đâu có, ngay cả ở Ý!”
“À, tớ xem rồi,” tôi cười mỉa mai. “Như Pháp nhập khẩu rượu và pho mát Israel, Na Uy mua trứng cá hồi của ta vậy.”
“Sao lại phiến diện thế nhỉ? Israel cũng xuất khẩu rất nhiều thứ mà,” Fabio chỉ trích.
Đáng lẽ ra người ta phải trao cho Fabio Giải thưởng Israel mới đúng. Anh ta là một người Israel Do Thái đầy lòng tự hào, một người chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp mà Israel và người Do Thái mang đến. Những cuộc xung đột chính trị giữa phe chính thống và phe phi tôn giáo, giữa cánh tả và cánh hữu chẳng làm anh ta bận tâm chút nào. Fabio, một người Argentina chuyển đến Israel từ những năm 80, luôn mang trong lòng những điều tích cực để nói về đất nước Israel khi những người xung quanh anh ta bắt đầu phàn nàn. Anh ta yêu đất nước Israel nồng nàn và sẽ không bao giờ để ai làm phai nhạt tình yêu đó.
Yehoram Gaon hát thêm hai bài nữa và Fabio kể cho chúng tôi một câu chuyện rất hay để kết thúc chuyến viếng thăm của chúng tôi.
“Nếu trước đây, người ta nói tiếng Yiddish để gìn giữ tiếng Do Thái cổ thì ngày nay mọi chuyện lại hoàn toàn ngược lại. Vài năm sau khi đất nước Israel được sáng lập, một người phụ nữ và đứa con trai nhỏ ngồi trên xe bus,” anh ta kể. “Người phụ nữ nói với con bằng tiếng Yiddish nhưng cậu con trai lại trả lời mẹ bằng tiếng Do Thái. Hai người họ cứ tiếp tục như thế cho đến khi một hành khách trên xe nói với người phụ nữ, ‘Xin lỗi chị nhưng chúng ta đang ở Israel. Sao chị cứ nói tiếng Yiddish mãi thế? Nói tiếng Do Thái ấy. Bây giờ, đó mới là ngôn ngữ của chúng ta!’
‘Chị nói đúng,’ người phụ nữ trả lời bằng thứ tiếng Do Thái hoàn hảo. ‘Chỉ là tôi không muốn nó quên rằng nó là một người Do Thái.’”