Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Con Sẽ Làm Được!

Chương 6 – Thiết Lập Mốc Kiểm Tra

Tác giả: Donna M. Genett, Ph.D

Hai tuần tiếp theo trôi qua trong suôn sẻ, đến mức Joyce và James tin rằng tuần này họ sẽ ăn tối với vợ chồng Jones mà không phải hỏi han về điều gì nữa. Bọn trẻ đã học được nhiều điều. Chúng đạt được kết quả khá tốt trong các bài kiểm tra và hăng hái hơn khi tham gia vào các hoạt động ngoại khóa sau giờ học. Con sẽ làm được

Thế rồi một buổi chiều nọ, Jolie về nhà trong nước mắt. Cô bé đã nộp bài tập nghiên cứu lớn nhất trong năm vào tuần trước và hôm nay biết mình bị điểm kém. Cô bé hoàn toàn suy sụp vì không hiểu tại sao mình lại bị điểm kém sau khi đã nỗ lực rất nhiều như vậy.

Joyce dịu dàng gọi con:

– Lại đây với mẹ, Jolie.

Joyce ôm con vào lòng, và Jolie tựa đầu, úp mặt vào vai mẹ. Những giọt nước mắt nóng hổi của Jolie chảy trên cổ mẹ, và trái tim Joyce như thắt lại.

Hít thật sâu, cô nhẹ nhàng nói:

– Mẹ rất tiếc, Jolie à. – Cô ghì chặt con vào lòng. – Con có muốn mẹ con mình cùng tìm hiểu tại sao lại như vậy không?

Jolie thổn thức:

– Dạ có ạ.

Joyce im lặng một chút, tìm cách giúp Jolie tìm hiểu vấn đề nằm ở đâu.

– Xem nào, con có hiểu rõ bài tập không?

– Con nghĩ là con hiểu. Con đã hỏi lại cô giáo khi cô giao bài tập, và con cũng đã lặp lại những gì con nghe. Cô đã bảo là con nói đúng cơ mà.

– Được rồi, thế con có nộp bài đúng hạn không?

– Dạ có. Vì đây là bài quan trọng nên con đã đánh dấu trong lịch từ rất sớm. Hơn một tuần liền, ngày nào con cũng làm. Con đã hoàn tất bài tập sớm hơn một ngày, và con dành ngày cuối cùng để kiểm tra lại nó một lần nữa.

– Con đã làm rất tốt, Jolie.

– Không đâu mẹ ạ! – Cô bé khóc. – Con chỉ được có bốn điểm thôi. Nó chẳng tốt chút nào cả!

– Bây giờ mẹ con mình cùng xem cô giáo nhận xét như thế nào về bài làm của con nhé.

Jolie mở cặp lấy bài ra và lật đến trang cuối cùng có lời phê của cô giáo. Nhận xét của cô như sau:

“Jolie! Cô không hiểu tại sao em lại lạc đề như thế này. Hôm trước, khi cô giao đề tài, chúng ta đã trao đổi với nhau rất kỹ và có vẻ như em đã hiểu đúng yêu cầu đưa ra. Mặc dù bài viết của em rất thú vị, nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của đề bài.”

– Lạ nhỉ? – Joyce nhăn mặt. – Con có biết mình lạc đề từ đâu không, Jolie?

– Dạ không! – Cô bé lắc đầu, vẻ mặt rầu rĩ.

Joyce nói:

– Thôi được rồi! Bây giờ mẹ con mình sẽ tạm dừng chuyện này ở đây. Hy vọng ngày mai, khi con đã thoải mái hơn, chúng ta sẽ tìm ra nguyên nhân của nó, được không?

– Dạ được, thưa mẹ.

Jolie bước ra khỏi lòng mẹ, đi thẳng về phòng mình và đóng cửa lại. Joyce thở dài nhìn theo con. Cô đau lòng thấy con phải đối diện với chuyện thất vọng và buồn bã. Ngay lúc này, Joyce không nghĩ ra được cách gì để giải quyết. Cô hy vọng Jones và Jane sẽ giúp mình tìm ra giải pháp.

Tối hôm đó, Joyce thuật lại những chuyện đã xảy ra với Jolie cho Jones và Jane nghe. Cô cho biết Jolie đã mất tinh thần và cô thật sự rất bối rối vì không biết mình nên làm gì để giúp Jolie.

Jane dịu dàng đặt tay lên vai Joyce, trấn an:

– Em đừng lo. Năm ngoái Joe cũng gặp chuyện tương tự với một bài tập lớn trên lớp. Thằng bé đã hỏi bài cô giáo nó rất kỹ và diễn giải lại những gì nó hiểu. Lần đó, Joe cũng đặt thời gian biểu và hàng ngày tuân thủ rất nghiêm túc. Joe nộp bài đúng hạn và tin rằng sẽ được điểm 10. Nhưng rồi cuối cùng, thằng bé chỉ đạt điểm năm và nó đã rất buồn.

Quay sang Jones, Jane hỏi:

– Vợ chồng mình cũng nói chuyện về vấn đề này khi Joe về nhà, nhưng tất cả đều rất bối rối vì không hiểu đã làm sai chuyện gì, đúng không anh?

– Anh nhớ, và anh đã chẳng giúp được gì cho thằng bé.

– Thế mọi người đã làm gì?

– Ừm! Chị nghĩ bây giờ em có thể đoán được rồi mà! – Jane cười. – Chị lại gọi cô Edwards.

James nói:

– Nhất định vợ chồng em sẽ phải gặp cô ấy một lần mới được.

Joyce đồng ý:

– Đúng vậy! Nhưng bây giờ, Jane, chị hãy cho biết cô ấy đã nói những gì.

– Cô ấy không hề ngạc nhiên về việc Joe bị điểm thấp dù về mặt lý thuyết, nó hiểu rất rõ yêu cầu của đề bài và đã lập thời gian biểu để hoàn thành đúng thời hạn. Cô ấy bảo rằng, với những đề tài cần nhiều thời gian để hoàn thành như vậy, bọn trẻ sẽ rất dễ bị lạc đề ngay cả khi chúng hiểu rõ yêu cầu của bài. Tùy vào tính cách của mỗi đứa trẻ mà chúng sẽ bị thu hút bởi một hay nhiều yếu tố nào đó, và vì vậy mà bị lạc đề.

Cô Edwards khuyên anh chị nên lập ra bảng kiểm tra để bảo đảm bọn trẻ đang tuân theo đúng nhiệm vụ đã đặt ra. Việc kiểm tra định kỳ này sẽ giúp chúng ta theo dõi sát sao việc học hành của bọn trẻ, và kịp thời uốn nắn trước khi chúng quá sa đà vào một phần nào đó. Bài tập càng dài thì càng cần nhiều mốc kiểm tra.

Cô ấy cũng đã áp dụng cách làm này với những đề tài lớn trong lớp thông qua việc kiểm tra định kỳ cả lớp. Cô giải thích rằng việc làm này sẽ giúp cô biết được học sinh nào đang gặp khó khăn với bài tập và có thể kịp thời hỗ trợ chúng. Nó cũng giúp bọn trẻ đi đúng hướng vì chúng luôn nhận được đánh giá và nhận xét trong suốt quá trình làm, chứ không phải chỉ là khi kết thúc đề tài.

Cách làm này sẽ giúp những học sinh bình thường sử dụng lịch và thời gian biểu hiệu quả. Không những thế, nó còn giúp ngăn ngừa việc các học sinh giỏi ỷ lại vào năng lực của mình nên chỉ dốc sức làm bài vào phút cuối; để rồi sau đó quên sạch những gì đã làm. Từ khi anh chị áp dụng gợi ý của cô Edwards, Joe và Jamie đã học tốt hơn rất nhiều.

– Điều này nghe quen quá! – James nhìn Jones, nói. – Nó rất giống với những gì anh nói khi hướng dẫn em cách giao việc? Jones nén cười:

– Không hẳn như thế! Anh đã tự nghĩ ra đấy chứ. Nhưng cả cô Edwards và vợ chồng anh đều rất ngạc nhiên khi thấy sự tương đồng giữa việc phân công công việc ở công ty với việc giúp bọn trẻ làm bài tập ở trường hoặc ở nhà. Nhưng xét cho cùng thì không có gì đáng ngạc nhiên cả; bởi cả hai đều hướng đến mục tiêu giúp chúng ta áp dụng các kỹ năng phân việc một cách thành thục.

– Quay trở lại vấn đề chính đi nào! – Joyce lên tiếng. – James, như vậy là chúng ta đã biết mình nên làm thế nào để giúp Jolie.

– Ừ. Anh biết cần làm gì để đảm bảo con bé không lặp lại sai lầm này trong tương lai. Hiện tại, anh đang sử dụng khái niệm mốc kiểm tra thường xuyên đối với các nhân viên trong công ty. Với phương pháp này, chắc chắn lần sau Jolie sẽ đạt kết quả tốt hơn. Theo tính cách của Jolie, anh nghĩ việc lạc đề của con bé xuất phát từ việc nó bị các vấn đề ngoại lề thu hút.

– Chẳng giống bố nó chút nào hết, người luôn có xu hướng lạc đề trong mọi tình huống, từ lớn đến nhỏ. – Joyce chọc James.

– Vậy nên anh mới nói là Jolie giống hệt mẹ, lúc nào cũng chăm chăm để ý đến những chuyện tiểu tiết, như bây giờ chẳng hạn. – James cười lớn.

– Bất kể là Jolie giống ai chăng nữa thì điều quan trọng bây giờ là cả hai đã biết cách giúp Jolie như thế nào rồi, phải không? – Jane vui vẻ hỏi.

– Đúng vậy! – Cả James và Joyce đều gật đầu.

Tối hôm sau, Joyce nói với Jolie sau khi cô bé đi học về:

– Jolie à, mẹ nghĩ ra được một vài điều về đề tài của con ngày hôm qua. Con có muốn nói chuyện về nó không?

– Dạ cũng được! – Jolie trả lời, giọng không được thoải mái cho lắm. Dù hôm nay, tâm trạng của cô bé đã khá tốt nhưng rõ ràng, việc bài tập bị điểm thấp vẫn là một vấn đề nhạy cảm.

– Con có thể nói cho mẹ chính xác bài tập của con là gì không?

– Tất nhiên rồi ạ. Đây là bài tập môn địa lý. Chúng con phải viết về một châu lục, sau đó chọn ra ba nước mà mình muốn đến ở châu lục đó. Ngoài ra, chúng con phải đưa ra lý do tại sao muốn đến đó cũng như những lợi ích và rủi ro có thể gặp phải khi ở đó.

– Ồ, nghe có vẻ rất dễ hiểu và thú vị. Thế con đã chọn châu lục và quốc gia nào?

– Con chọn châu Phi và 3 nước Namibia, Kenya, Tanzania.

– Hay quá! Thế tại sao con lại chọn chúng?

– Mẹ! – Jolie nói, giọng hờn dỗi. – Con nghĩ mẹ biết vì sao chứ. Đó là vì ở châu lục này có rất nhiều mèo rừng!

– À, dĩ nhiên rồi! – Joyce nhớ ra. – Làm sao mà mẹ có thể quên được những con mèo của con chứ. Thế con đã viết gì về lợi ích và rủi ro khi đi du lịch ở đó?

Jolie trả lời sau một lát yên lặng: – Thật ra, con không viết gì nhiều về vấn đề này.

– Con không viết à? Tại sao thế? Vậy con đã viết gì?

– Con viết về loài mèo rừng và cả họ hàng của nó. Mẹ có biết báo gấm, báo đen và sư tử đang bị bắn giết rất nhiều không?

Con viết về việc chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị con người săn lùng khi họ cho rằng chúng làm hại các con vật nuôi khác. Nhưng những con thú rừng ấy cũng cần phải ăn chứ. Tệ quá mẹ nhỉ? Mẹ biết không, loài báo mèo đang rất khốn khổ, vì chúng không mạnh bằng những loài khác.

Thậm chí sư tử còn săn cả báo mèo nữa mẹ ạ. Điều này làm con rất buồn. Con muốn đến đó xem có thể tìm hiểu và giúp thêm được gì cho những chú mèo con ấy không.

Joyce hoàn toàn hiểu và cảm thông với tình cảm mà Jolie dành cho “những chú mèo con”. Tuy nhiên, cô cũng bắt đầu hiểu chuyện gì đã xảy ra với bài tập của con gái. Joyce nhẹ nhàng nói:

– Jolie, con có nghĩ là con đã viết về những “chú mèo” đáng yêu ấy quá nhiều trong khi lẽ ra con phải nêu lý do vì sao con chọn ba đất nước kia, cùng lợi ích và rủi ro khi du lịch ở đó không?

Jolie miễn cưỡng thừa nhận:

– Dạ, có thể, nhưng con nghĩ những con mèo con ấy quan trọng hơn chứ ạ.

– Mẹ hiểu chúng quan trọng với con như thế nào. Nhưng con cũng nên hiểu rằng loài mèo rừng và những gì đang xảy ra với chúng không nằm trong yêu cầu của bài tập. Mẹ nói có đúng không nào?

Jolie thừa nhận thêm một chút:

– Dạ vâng ạ! Con nghĩ mẹ nói đúng.

– Vậy lý do con bị điểm thấp hơn mong muốn là vì con đã quá tập trung vào chi tiết liên quan đến những chú mèo rừng mà bỏ qua tổng thể yêu cầu của bài tập, đúng không nào?

– Vâng, có lẽ thế.

– Mẹ có ý kiến có thể giúp con lần sau không phạm phải sai lầm này nữa. Con có muốn tham khảo không?

– Dạ, có ạ. – Jolie vẫn đang rất khó khăn để chấp nhận việc bài luận của cô bé về “những chú mèo nhỏ” không đáp ứng được yêu cầu của cô giáo.

– Con có chắc là mình muốn không? – Joyce hỏi lại.

Joyce hiểu rất rõ tình cách của Jolie. Một khi con bé chưa sẵn sàng lắng nghe thì dù người khác có nói gì chăng nữa thì nó cũng chẳng bao giờ để tâm.

Jolie nhìn chằm chằm xuống chân, di di mũi giày dưới sàn nhà, vẻ suy tư. Joyce kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng cô bé cũng trả lời:

– Được rồi mẹ ạ! Con sẵn sàng.

– Thế này nhé! Từ bây giờ, hãy nói với bố mẹ mỗi khi con có bài tập lớn. Bố mẹ sẽ cùng làm với con để bảo đảm con luôn đi đúng hướng bằng cách thiết lập các mốc kiểm tra trên lịch của con. Ở mỗi mốc kiểm tra, chúng ta sẽ cùng xem lại những gì con đã làm được cho đến thời điểm đó. Bằng cách này, chúng ta sẽ biết con có quá sa đà vào một chi tiết nào đó, hoặc lạc đề không; để kịp thời sửa chữa trước khi con nộp bài. Con hiểu không?

– Dạ, con hiểu. Nó giống như một loại báo cáo tiến trình làm việc đúng không ạ? – Chính xác.

– Nhưng mẹ ơi, lạc đề chính xác là gì ạ?

Joyce nén cười, trả lời :

– Đó là khi bố nói về một điều gì đó, và trước khi con biết đó là gì thì bố đã chuyển sang chuyện khác. Do đó thỉnh thoảng con không hiểu bố đang nói gì.

Jolie gật đầu, mắt chớp chớp tỏ vẻ hiểu chuyện. Cả hai mẹ con đều biết quá rõ tính xấu này của James.

– Và đó là lạc đề, con à.

Jolie cười to, ôm mẹ :

– Con không nghĩ con lạc đề nhiều đến thế đâu, chỉ có anh Jake thôi.

Joyce cũng cười :

– Ừ, mẹ e rằng anh Jake của con đã thừa hưởng điều đó từ bố. Nhưng con yêu ạ, con lại giống mẹ ở việc hay đi quá đà vào chi tiết nhỏ, như những gì con đã viết trong bài luận. Nhưng thật may là bây giờ chúng ta cũng biết mình nên làm gì, đúng không? – Dạ, đúng rồi ạ. Cám ơn mẹ.

– Mẹ tin là cả hai mẹ con mình sẽ làm được, con yêu ạ.

Tối đó, Joyce kể cho James nghe những chuyện đã xảy ra trong ngày. Vì hôm nay James có một cuộc họp quan trọng ở công ty nên anh không thể cùng Joyce trò chuyện với Jolie.

– Có vẻ như mọi chuyện đã diễn ra rất tốt đẹp. Chúc mừng em! – Anh nói khi Joyce dứt lời.

– Vâng, em cũng cảm thấy thế. Nhưng em nghĩ điều quan trọng ở đây là Jolie cũng cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Em nghĩ bây giờ con bé đã hiểu mình làm sai ở chỗ nào, và chúng ta đã biết mình nên làm gì để đảm bảo chuyện này không lặp lại. James nói :

– Đúng vậy! Điều này cũng tốt cho cả chúng ta nữa đấy.

Joyce với lấy cuốn sổ ghi chép, viết:

Đối với bài tập, hoặc nhiệm vụ kéo dài, nên đặt mốc kiểm tra thường xuyên để chắc chắn bọn trẻ luôn làm đúng hướng.

Lúc đầu, nên đặt mốc kiểm tra sớm và gần nhau, sau đó giãn dần khi thấy bọn trẻ có thể kiểm soát được bài tập.

Bình luận