Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Con Sẽ Làm Được!

Chương 2 – James Kể Một Câu Chuyện

Tác giả: Donna M. Genett, Ph.D

Sáng thứ bảy, James ghé nhà người anh họ với mục đích mời cả nhà Jones tham dự một buổi tiệc gia đình. Nhưng thật ra, anh muốn nhân dịp này quan sát nếp sinh hoạt của gia đình Jones vào ngày nghỉ.

– Xin chào cả nhà! Cuối tuần vui vẻ! – James chào khi bước vào nhà.

– Xin chào! – Gia đình Jones cùng chào James như một bản hợp xướng; cả nhà vừa ăn sáng xong.

– Cậu dạo này sao rồi, James? – Jones hỏi. – À, cậu có kế hoạch gì trong ngày cuối tuần đẹp trời này không?

– Tất nhiên là có. Tôi muốn mời gia đình anh chị sang chơi. Chúng ta sẽ tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ ngoài trời. – James trả lời. – Cả nhà thấy thế nào?

– Hoan hô! – Bọn trẻ reo lên đầy thích thú. Bốn đứa trẻ của hai gia đình chơi với nhau rất thân nên chúng luôn mong có được những cơ hội như thế này.

– Ai lại có thể từ chối một lời đề nghị hấp dẫn như thế chứ! – Jones cười nhìn vợ; và Jane, vợ anh, cũng gật đầu đồng ý. – Chúng ta thống nhất như vậy nhé!

Trong lúc chuyện trò với vợ chồng Jones, James tranh thủ quan sát những gì đang diễn ra chung quanh. Joe đang lau bàn ăn mà không cần mẹ phải nhắc. Trong khi đó, Jamie đang xả nước vào bồn chuẩn bị rửa chén.

James hết sức ngạc nhiên bởi ở nhà anh, Jake và Jolie luôn tìm cách trốn tránh công việc; dù cho vợ chồng anh có ra sức dụ dỗ, yêu cầu hay ra lệnh chăng nữa. Quá ngạc nhiên, James buột miệng:

– Hai cháu giỏi quá! Hai cháu tự giác làm việc nhà mà không cần đợi bố mẹ nhắc!

– Vì bọn cháu là một phần của đội mà!

– Hai đứa mỉm cười trả lời James.

– Đội à? Nhưng là đội gì? – James hỏi lại, đưa mắt nhìn Jones đầy thắc mắc. Jones chỉ nhún vai mỉm cười.

– Đúng vậy ạ! – Jamie giải thích. – Cả nhà cháu là một đội lớn, cũng giống như đội bóng ở trường vậy. Các thành viên trong đội đều có điểm mạnh, điểm yếu cũng như sở thích khác nhau, cho nên mỗi thành viên phải luôn cố gắng hết sức hoàn thành phần việc của mình để đưa đội tiến lên ạ! – Cô bé giải thích bằng một giọng đầy nhiệt tình và tự hào.

“Thật là một cách nghĩ chín chắn và tích cực làm sao. Một đứa trẻ chỉ mới học lớp sáu mà đã có thể hiểu được những điều này thật không đơn giản”. James nghĩ, và tự hỏi gia đình Jones đã làm cách nào để giáo dục các con được như vậy.

– Ồ! Một ý tưởng đơn giản mà thật là hay! – Anh nói.

– Gia đình của chú cũng là một đội có phải không? – Jamie hỏi, giọng ngây thơ.

– À! – Anh thận trọng tìm từng lời. – Về cơ bản, chú cho rằng gia đình chú cũng là một đội, nhưng chú không nghĩ đội của chú giỏi được như đội của cháu đâu.

Nhưng đội của chú cũng đang cố gắng cháu ạ!

“Ít ra thì cũng sẽ sớm được như thế, trong tương lai gần!” – James nhủ thầm và tự hỏi nên bắt đầu từ đâu. Nhất định anh phải nói chuyện với Jones và hỏi Jones kỹ lưỡng về việc này.

Với sự hiểu ý và tình thân thiết từ bé, hẳn Jones đã đọc được những gì mà James đang nghĩ. Vì thế, anh đề nghị:

– James! Cậu có thể giúp tôi một số việc trong nhà xe được không?

– Vâng, dĩ nhiên! – James vui mừng hưởng ứng lời gợi ý tế nhị của người anh họ và nhanh chóng bước theo Jones.

– Jones này, làm thế nào anh tạo được điều kỳ diệu ấy? – James hỏi khi cả hai đã bước ra khỏi phòng.

– Ừm! Thật ra thì cũng khá đơn giản. – Jones trả lời. – Cậu thấy đó, chúng ta đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy lũ trẻ học cách sống có trách nhiệm. Thoạt đầu tôi cũng giống hệt cậu bây giờ, rất lúng túng và không biết phải làm sao. Rồi một ngày nọ, tình cờ tôi quen một huấn luyện viên và nhìn thấy cách anh ấy huấn luyện đội bóng. Một ý tưởng lóe lên trong đầu, tôi tự hỏi tại sao gia đình mình lại không sinh hoạt như những thành viên trong cùng một đội như thế.

Vậy là tôi cùng bàn bạc với Jane; rồi hai vợ chồng nghĩ ra một trò chơi như sau: Chúng tôi ghi lại tất cả công việc nhà vào một tờ giấy và sau đó phân thành hai nhóm. Nhóm một bao gồm những công việc khá đơn giản mà bất cứ ai trong gia đình đều có thể làm, nhóm việc này được gọi là “Công việc của đội”. Còn những việc vượt quá sức hay có khả năng gây nguy hiểm cho bọn trẻ thì được xếp vào nhóm hai, gọi là “Công việc của huấn luyện viên”.

Tuần đó, tôi và Jane tổ chức một cuộc họp gia đình. Trong buổi họp ấy, chúng tôi giải thích với bọn trẻ rằng gia đình là một đội, trong đó mỗi người là một thành viên quan trọng và không thể thiếu. Vì thế, chỉ khi mọi người cùng cố gắng hết mình để hoàn thành tốt phần việc được giao thì đội mới có thể trở thành đội vô địch.

Tiếp theo, chúng tôi gợi ý để bọn trẻ nói về suy nghĩ của chúng khi trở thành thành viên của đội vô địch, cũng như những điều mà chúng muốn khi đội đã trở thành vô địch. Và chúng đề cập đến những điều như “Đội vô địch được làm những gì họ muốn”, “Đội vô địch thường rất nổi tiếng” hay “Không khí trong đội vô địch luôn vui vẻ và hạnh phúc”,…

Sau đó, chúng tôi bắt đầu nói về ý nghĩa của việc đưa gia đình mình trở thành đội vô địch. Chúng tôi nói rằng khi đó, cả gia đình sẽ có rất nhiều thời gian vui vẻ bên nhau, cả khi làm việc lẫn khi chơi đùa.

Jane và tôi đưa ra danh sách “Công việc của huấn luyện viên” và giải thích lý do tại sao tôi và Jane phải làm những việc ấy. Joe và Jamie rất ngạc nhiên khi thấy bố mẹ phải làm nhiều việc như vậy, nhiều hơn cả những gì chúng có thể tưởng tượng. Sau đó chúng tôi chia nhau danh sách “Công việc của đội”.

Tất nhiên, ban đầu chúng cũng thắc mắc tạo sao lại như vậy. Nhưng sau khi nghe Jane giải thích: “Mẹ chọn làm công việc lau chùi, vì mẹ không muốn các vật dụng trong nhà bị ai đó làm vỡ. Sau khi phủi sạch bụi, mọi thứ sẽ được đặt lại vị trí cũ, an toàn và nguyên vẹn”, thì cả hai mới đồng ý. Và thế là dây chuyền bắt đầu khởi động: Jamie chọn việc rửa chén vì con bé thích sự sạch sẽ và ngăn nắp. Joe chọn việc việc cắt cỏ bởi thằng bé thích chạy nhảy ngoài sân. Cả nhà thống nhất là mỗi người sẽ tự dọn dẹp phòng của mình. Và mọi việc cứ thế tiếp diễn.

Danh sách công việc cứ thế vơi dần đi. Và khi có công việc nào đó phát sinh, thì Jane hoặc tôi sẽ tính toán xem ai sẽ đảm nhận nó dựa trên sở trường, sở đoản của mỗi người. Chẳng mấy chốc, tất cả công việc nhà đã biến thành những trò chơi thú vị.

– Ôi chao!

James thốt lên. Anh tự hỏi bản thân liệu có thể áp dụng biện pháp của Jones vào gia đình mình không. “Hừm! Cứ thử áp dụng xem sao!” – Cuối cùng anh kết luận.

– Cảm ơn Jones! James nói và ra về. Những gì quan sát được từ gia đình Jones khiến James vừa nể phục, vừa xấu hổ, vừa hy vọng.

Nể phục khi thấy Jones có thể dạy bọn trẻ cách làm việc nhà một cách suôn sẻ và đầy tinh thần trách nhiệm. Chúng phối hợp và hỗ trợ bố mẹ hết sức nhiệt tình.

Xấu hổ khi thầm so sánh không khí mệt mỏi của gia đình mình với sự sôi nổi và hạnh phúc mà gia đình người anh họ đã tạo ra.

Song James cũng cảm thấy đầy phấn khích với hy vọng sẽ tạo ra một sự thay đổi để gia đình mình có được không khí đáng mong đợi như ở nhà Jones. James nóng lòng về nhà, anh cần phải nói với Joyce về trò chơi kỳ diệu mà gia đình Jones đang áp dụng. Thật là một ý tưởng tuyệt vời!

James và Joyce bàn luận với nhau về cách thức “Hoạt động đội nhóm” mà gia đình Jones đã áp dụng. Joyce rất thích ý tưởng này và tỏ ra ngạc nhiên vì chưa bao giờ được nghe Jane – vợ của Jones – nhắc đến. Nhưng đó không phải là điều quan trọng bởi giờ đây, họ đã nhìn thấy hướng đi cho những vấn đề của mình.

Joyce rất nóng lòng áp dụng phương pháp này. Vợ chồng anh quyết định sẽ đề cập đến “Trò chơi đội nhóm” trong buổi họp mặt gia đình vào tuần tới; chỉ thay đổi một vài điểm nhỏ so với cách mà Jones đã thực hiện.

Thế nhưng, thật không may, bọn trẻ nhà James chẳng hề tỏ ra hứng thú. Hai đứa ngồi trên ghế, mặt mày ủ dột, chẳng có thái độ hay hành động nào chứng tỏ “tinh thần đồng đội” cả. Sau một hồi cố gắng gợi chuyện, James thất vọng hỏi:

– Có chuyện gì không ổn à, hai đứa?

Jolie bắt đầu khóc:

– Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta là một đội thất bại? Nếu con chơi không tốt, con có bị bố mẹ cắt các hoạt động ngoại khóa không? – Cô bé nức nở.

Jake cau có:

– Đúng vậy! Con đang không biết làm thế nào để làm cho hết mớ bài tập về nhà đây. Vậy mà bố mẹ còn muốn con phải làm thêm việc nữa sao?

“Ối trời!” – James nghĩ. – “Sao mình lại có thể nghĩ đơn giản đến như thế nhỉ? Đúng là mình muốn lũ trẻ trở nên tốt hơn, nhưng dường như mình đã dùng sai phương pháp rồi”. James im lặng một lúc, chẳng biết làm thế nào để thoát khỏi tình huống bất ngờ này. Joyce nhìn anh, chờ đợi. Trong khi đó, Jake nói:

– Tụi con đi được chưa?

Jolie thêm:

– Phải đó, tụi con đi được chưa? Con có bài luận môn khoa học cần phải nộp vào thứ hai này!

James gật đầu và thế là hai đứa vội vã lỉnh về phòng.

– Chậc, chẳng có tác dụng gì cả! – Joyce lắc đầu chán nản.

– Đừng lo, em yêu! – Jame an ủi Joyce, quàng tay lên vai vợ, nói. – Anh nghĩ có lẽ chúng ta đã bỏ sót một vài bước nào đó thôi. Để anh nói chuyện với Jones lần nữa xem sao. Em đừng lo. Jake và Jolie là những đứa trẻ sáng dạ. Chúng vẫn đạt thành tích khá ở trường. Chỉ cần tìm ra nguyên nhân thì chúng ta sẽ giải quyết ổn thỏa mọi việc thôi em ạ!

– Vâng. – Joyce vẫn chưa hết lo lắng. –

Nhưng em thấy hai đứa đang rất thất vọng. Em hy vọng chúng ta có thể sớm tìm ra một biện pháp khác. Em đã cố hết sức để giúp các con làm bài tập, nhưng cuối cùng mọi chuyện chỉ dẫn đến kết cục hoặc là em làm giùm phần việc của chúng, hoặc khiến chúng rối rắm và tồi tệ hơn mà thôi. Em thấy thất vọng quá. Giá mà chúng ta có thể hiểu được điều các con đang nghĩ thì tốt biết mấy.

– Anh có một ý kiến! – James gợi ý. – Vợ chồng mình thử nói chuyện với cả Jones và Jane xem sao. Jones đã giúp anh rất nhiều trong công việc và anh biết anh ấy rất sẵn lòng giúp anh một lần nữa. Vậy chúng ta hãy cùng thử nói chuyện với anh chị ấy xem sao. Lần này, hãy để cả hai người làm “huấn luyện viên” cho chúng ta. Ý em thế nào?

– Ý kiến này rất tuyệt! – Joyce gật đầu tán thành.

Bình luận