Đặt tay trên quả đấm cửa, Winston sực thấy anh đã để mở quyển nhật ký trên bàn. Khắp trang giấy ĐẢ ĐẢO BÁC được viết lên trên, bằng chữ đủ lớn để được đọc nổi từ bên kia phòng. Thật là một việc làm ngu xuẩn không thể tưởng tượng được. Nhưng anh nhận thức rằng ngay trong cơn kinh hoảng anh đã không muốn đóng vở lại vì sợ mực còn ướt làm nhòe tờ giấy mịn.
Anh nín thở rồi mở cửa. Tức thì một luồng khí nhẹ nhõm thông khắp mình anh. Đứng ngoài cửa là một người đàn bà có dáng mệt mỏi, nhạt nhẽo, với mớ tóc rối tung và bộ mặt nhăn nheo.
“A, đồng chí”, bà ta lên tiếng bằng một giọng sầu thảm than vãn, “tôi như nghe thấy đồng chí về. Đồng chí có thể qua nhà chúng tôi xem hộ cái bồn rửa bát trong bếp chúng tôi được không ? Nó bị tắc và —”
Đó là bà Parsons, vợ một người láng giềng cùng tầng với anh. (“Bà” là một chữ bị Đảng tẩy chay — phải gọi mọi người là “đồng chí” — nhưng đối với một số đàn bà dùng chữ bà là một điều tự nhiên.) Bà khoảng ba mươi tuổi nhưng trông già hơn nhiều. Cảm tưởng như có bụi trên mặt bà ta. Winston theo bà ta dọc hành lang. Những chuyện sửa chữa tài tử này gần như là việc bực dọc hàng ngày. Các căn Nhà Chiến Thắng đã cũ, được xây vào khoảng 1930, nay đang đổ từng mảnh. Thạch cao tróc luôn nơi trần và tường, ống dẫn vỡ nứt mỗi khi nước đông cứng, mái bục mỗi khi tuyết rơi, hệ thống sưởi thông thường chạy nửa sức nếu không bị đóng hẳn vì lý do cần kiệm. Những sự tu sửa, trừ loại làm lấy được, phải được phép của các ủy ban xa xăm có thể để cả hai năm trời mới xét đến một việc như thay thế một ô kính cửa sổ.
” Dĩ nhiên chỉ tại Tom không có nhà “, bà Parsons mơ hồ nói.
Căn nhà của gia đình Parsons rộng hơn căn nhà của Winston và cũng xoàng xĩnh nhưng một cách khác. Vật gì cũng có vẻ bị giẫm đập như thể toàn căn nhà đã được một con thú dữ to lớn thăm viếng. Dụng cụ thể thao — những gậy khúc côn cầu, những găng quyền Anh, một quả bóng đá cầu xẹp, một chiếc quần cộc lộn ngược đẫm mồ hôi — lê khắp sàn nhà, trên bàn thì bầy một đống đĩa bẩn với vở tai chó. Trên tường là cờ đỏ của Liên Đoàn Thanh Niên và Đoàn Gián Điệp cùng một bích chương lớn khổ hình dung Bác. Có mùi bắp cải luộc thường lệ, chung cho toàn cư xá, nhưng nó xông lẫn một mùi mồ hôi nồng — thoạt hít thấy liền, khó bảo tại sao — mồ hôi của một người hiện vắng mặt. Trong một phòng bên có ai lấy lược với giấy vệ sinh gắng thổi theo nhịp quân nhạc vẫn phát từ máy truyền hình.
“Tụi trẻ đó”, bà Parsons vừa nói vừa nhìn với phần sợ sệt về phía cửa. “Cả ngày nay chúng không ra khỏi nhà. Vậy nên — “
Bà ta có tật ngắt câu nửa chừng. Bồn rửa bát trong bếp ngập tận bờ bởi một thứ nước xanh hôi mùi cải hơn bao giờ hết. Winston quỳ xuống ngắm xem cái khớp cạnh của ống nước. Anh ghét dùng tay, và ghét cúi người vì cử động này làm anh lên cơn ho. Bà Parsons bất lực nhìn anh.
“Dĩ nhiên nếu Tom có nhà anh ấy đã sửa được liền”, bà ta nói. “Anh ấy thích loại việc này. Anh Tom vốn là khéo tay.”
Parsons là đồng nghiệp của Winston tại Bộ Sự Thật. Anh ta là một người mập mạp nhưng hiếu động, có tính ngơ ngẩn đẫn đờ, đúng một khối nhiệt tình ngu xuẩn — cái giống con chiên sùng tín không bao giờ đặt vấn đề, có nhiều hiệu lực giữ vững Đảng hơn cả Cảnh Sát Tư Tưởng. Năm nay ba mươi nhăm tuổi, anh mới bị gạt bất đắc dĩ khỏi Liên Đoàn Thanh Niên, và trước khi được thăng vào Đoàn Thanh Niên anh đã chạy chọt để được ở lại quá hạn một năm tại Đoàn Gián Điệp. Tại Bộ anh giữ một chân thuộc hạ không cần trí thông minh, nhưng mặt khác anh là một nhân vật lãnh đạo trong Ủy Ban Thể Thao và các ủy ban chuyên tổ chức các cuộc dạo chơi tập thể, biểu tình tự động, chiến dịch tiết kiệm, và các hoạt động tình nguyện nói chung. Giữa hai hơi thuốc lá, anh ta có thể kể với môt niềm hãnh diện bình thản rằng trong bốn năm qua,chiều nào anh cũng có mặt tại Trung Tâm Cộng Đồng. Một mùi mồ hôi nồng nặc, làm bằng chứng cho cuộc đời hăng say của anh, theo anh khắp nơi, vẫn còn phẳng phất sau khi anh đi khỏi.
“Bà có chìa vặn không ?” Winston vừa hỏi vừa xoay cái đai ốc nơi khớp cạnh.
“Chìa vặn”, bà Parsons lập tức nhũn người lại, “tôi không biết, tôi không chắc. Có lẽ tụi trẻ —”
Tiếng giầy ống cồm cộp và tiếng kèn thổi trên lược nổi lên cùng lúc tụi trẻ ùa vào phòng khách. Bà Parsons mang chìa vặn ra. Winston cho nước chảy đi hết rồi gơm gớm lôi ra cụm tóc đã làm tắc ống. Anh rửa tay dưới nước lạnh cho sạch được chừng nào hay chừng đó, rồi quay trở ra phòng khách.
“Giơ tay lên !”, một giọng man rợ hét.
Một thằng bé độ chín tuội, đẹp trai nhưng có vẻ cứng đầu, chồm lên sau bàn dọa anh với một khẩu súng lục trò chơi tự động, trong khi một đứa bé gái nhỏ hơn cũng làm một cử chỉ tương tự với một mẩu gỗ. Cả hai đều mặc quần cộc xanh, áo sơ mi xám với khăn quàng đỏ, tức y phục của Đoàn Gián Điệp. Winston giơ tay trên đầu, nhưng khó chịu trong lòng vì bộ điệu thằng bé đanh ác đến nỗi không còn hẳn tính cách trò đùa.
“Ông là một quân phản bội !”, thằng bé hét. “Ông là một tội phạm tư tưởng ! Ông là một tên gián điệp Âu Á ! Tôi sẽ bắn ông, tôi sẽ hóa hơi ông, tôi sẽ đầy ông đi mỏ muối !”
Bỗng cả hai vừa nhảy quanh anh vừa hò “Đồ phản bội !” và “Đồ tội phạm tư tưởng !”, đứa bé gái bắt trước anh nó từng cử động một. Cái trò đáng sợ làm sao, như trò nhảy nhót của hổ con sắp lớn và sắp ăn thịt người. Trong mắt thằng bé hiện ra một vẻ dữ tợn tính toán, một lòng hiển nhiên muốn đánh đá Winston và một ý thức sắp đủ lớn để thực hiện ý mình. Cũng hay là nó không cầm một khẩu súng thật, Winston nghĩ vậy.
Mắt bà Parsons bồn chồn liếc qua liếc lại Winston và các con. Dưới ánh sáng rõ hơn của phòng khách anh nhận thấy quả thực có bụi trên nét nhăn trên mặt bà.
“Chúng ồn ào thiệt”, bà ta nói. “Cũng tại chúng không được đi coi treo cổ đó. Tôi quá bận rộn không dẫn tụi nó đi được, Tom thì không đi làm về kịp.”
“Cớ sao tụi con không được đi coi treo cổ ?”, thằng bé lớn tiếng gào.
“Coi treo cổ đi ! Coi treo cổ đi !”, đứa bé gái vừa nhảy quanh vừa hát.
Winston sực nhớ có vài tù binh Âu Á, phạm tội chiến tranh, sẽ bị treo cổ chiều nay. Cảnh này xảy ra khoảng mỗi tháng một lần, và là một trò diễn được dân ưa chuộng. Trẻ con luôn luôn vòi vĩnh để được đi xem. Winston cáo từ bà Parsons ra cửa. Anh chưa đi được sáu bước trong hành lang thì một vật đập vào gáy anh làm anh đau điếng người. Cỡ chừng anh bị xuyên bởi một sợi giây thép nung đỏ. Anh quay đầu lại vừa kịp thấy bà Parsons đẩy thằng con trai vào nhà đương lúc nó cất vào túi một chiếc ná.
“Goldstein !”, thằng bé la lên khi cánh cửa khép lại sau nó. Nhưng điều làm Winston xúc động nhất là cái vẻ sợ hãi bất lực trên gương mặt xam xám của người đàn bà.
Trở về căn nhà của mình, anh đi nhanh qua máy truyền hình và ngồi xuống bàn trở lại, tay vẫn xoa cổ. Nhạc từ máy truyền hình đã dứt. Thay vào đó, một giọng nhà binh hống hách đọc to một cách thích thú hung tợn một bảng liệt kê các vũ khí trên chiếc Pháo Đài Nổi mới thả neo giữa Ích Lan và đảo Faroe. Với lũ con như vậy, anh nghĩ, người đàn bà ủ rũ kia chắc sống một chuỗi đời khiếp đảm. Một hai năm nữa, chúng sẽ đêm ngày rình bà xem có triệu chứng bất chính thống nào không. Gần như trẻ con nào thời buổi này cũng đáng ớn. Điều tồi tệ nhất là qua các tổ chức như Đoàn Gián Điệp chúng triệt để biến thành bầy trẻ dã man bất trị, nhưng thế lại không hề gây trong chúng một xu hướng nào đối nghịch với kỷ luật của Đảng. Ngược lại, chúng mê Đảng và mọi sự liên quan tới Đảng. Bài ca, đám rước, cờ xí, cuộc dạo chơi chung, buổi dượt súng giả, phiên hò hét khẩu hiệu, việc tôn thờ Bác — toàn là thứ trò chơi vinh quang đối với chúng. Mọi tính hung dữ của chúng được hướng ra ngoài về phía kẻ thù Nhà Nước, chống ngoại nhân, quân phản bội, phường phá hoại, lũ tội phạm tư tưởng. Gần như thường tình, dân ngoài ba mươi sợ chính con mình. Mà họ sợ là phải, vì khó có tuần trong Thời Báo không có mục thuật lại chuyện một tên chỉ điểm oắt con — danh từ thông dụng là “anh hùng trẻ tuổi” — nghe lỏm được một lời phê phán tai hại rồi tố cáo cha mẹ với Cảnh Sát Tư Tưởng.
Cảm giác nóng bỏng của đạn ná đã tan. Winston kém hăng hái khi nhấc bút, tự vấn có thêm điều gì đáng ghi trong nhật ký không. Bỗng dưng anh lại bắt đầu nghĩ đến O’Brien.
Mấy năm trước — bao lâu nhỉ ? Bẩy năm có lẽ — anh có nằm mơ thấy mình đi qua một căn phòng tối đen. Có người ngồi một mé bên nói với anh khi anh bước ngang y: “Chúng ta sẽ gặp nhau tại một nơi không có bóng tối.” Câu nói bình thản, gần như vô định — là một sự ghi nhận, không phải là một mệnh lệnh. Anh đã tiếp tục tiến bước không dừng lại. Điều lạ là lúc đó, trong giấc mơ, mấy lời ấy không làm anh xúc động nhiều. Chỉ sau này và dần dần anh mới thấy nó có ý nghĩa. Anh không nhớ trước hay sau giấc mơ ấy anh gặp O’Brien lần thứ nhất, và anh cũng không nhớ khi nào anh nhận ra giọng nói trong mơ chính là giọng O’Brien. Nhưng sao chăng nữa, sự đồng nhất hóa đó có thật. Đúng O’ Brien đã nói vọng từ bóng tối với anh.
Winston không bao giờ có thể chắc — ngay sau ánh mắt hồi sáng cũng không thể chắc được — O’Brien là bạn hay thù. Mà điều đó cũng không thành vấn đề cho lắm. Có một mối giao cảm giữa hai người, quan trọng hơn tình thương hay tình đồng đội. “Chúng ta sẽ gặp nhau tại một nơi không có bóng tối”, ông ta đã nói vậy. Winston không hiểu thế nghĩa là gì, chỉ tin rằng bằng cách này hay cách khác điều đó sẽ thành sự thật.
Tiếng nói từ máy truyền hình tạm ngưng. Một tiếng kèn gọi trong đẹp nổi vang trong không khí tù hãm. Tiếng nói khàn khàn nối tiếp:
“Chú ý ! Xin chú ý ! Một điện tín từ mặt trận Malabar vừa tới nơi. Quân ta tại Nam Ấn Độ đã gặt được một thắng lợi vẻ vang. Tôi được phép báo rằng chiến công đó có thể đưa chiến tranh gần đến hồi kết thúc. Đây là điện tín —”
Tin xấu sắp tới đây, Winston nghĩ vậy. Và chắc chắn, sau một bài tường thuật sống động về sự tiêu diệt quân đội Âu Á với những con số tù binh và binh tử trận kinh hồn, đến lượt bản thông cáo kể từ sau khẩu phần xúc cô la sẽ bị giảm từ 30 xuống 20 gam.
Winston lại ợ. Rượu gin đã tan, để lại một cảm giác ép xẹp. Máy truyền hình — có thể để mừng cuộc thắng trận, có thể để dìm nỗi tiếc phần xúc cô la bị mất — tung ra bài “Đại Dương, đây là của Người”. Theo lẽ, ai cũng phải đứng nghiêm. Nhưng trong vị trí hiện tại anh là người vô hình.
“Đại Dương, đây là của Người” nhường phiên cho một bản nhạc nhẹ. Winston đi ra cửa sổ, quay lưng về máy truyền hình. Trời vẫn sáng lạnh. Đâu đó đằng xa một trái bom lửa gầm nổ dội vang. Hiện khoảng hai ba chục trái bom rơi xuống Luân Đôn mỗi tuần.
Dưới phố gió đập qua đập lại tấm bích chương bị rách, làm chữ ANH XÃ lúc ẩn lúc hiện. Anh Xã. Những nguyên lý thiêng liêng của Anh Xã. Ngôn mới, ý đôi, tính đổi thay của quá khứ. Winston cảm như mình đang lang thang trong rừng dưới đáy biển, lạc lõng trong một thế giới quái gở trong đó anh là một quái vật. Anh cô độc. Quá khứ đã chết, tương lai không tưởng tượng được. Chắc gì có người sống cùng phe với anh ? Và làm sao biết được sự thống trị của Đảng sẽ không tồn tại mãi mãi ? Như một lời đáp, ba khẩu hiệu trên mặt tường trắng của Bộ Sự Thật hiện ra trước mắt anh:
CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
DỐT NÁT LÀ SỨC MẠNH
Anh rút ra từ túi một đồng 25 xu. Trên mặt tiền cũng vậy, có khắc một bên ba khẩu hiệu kia bằng chữ thanh nhỏ, một bên dung mạo Bác. Cả từ đồng tiền cặp mắt đuổi theo bạn. Trên tiền, trên tem, trên bìa sách, trên cờ xí, trên bích chương, và trên vỏ hộp thuốc — khắp nơi. Luôn luôn cặp mắt nhìn bạn và giọng nói bao trùm bạn. Ngủ hay thức, làm việc hay ăn uống, trong nhà hay ngoài nhà, trong bồn tắm hay trong giường — không sao thoát nổi. Không có gì là của riêng bạn ngoại trừ vài phân vuông trong sọ bạn.
Mặt trời đã quay, và mấy ngàn cửa sổ của Bộ Sự Thật, không còn ánh sáng chiếu vào, có vẻ hung dữ như lỗ châu mai của một pháo đài. Tim Winston lịm đi trước ụ hình tháp đồ sộ. Nó quá lớn, không thể đập đổ nó được. Một ngàn trái bom lửa cũng không phá nổi nó. Anh lại tự hỏi anh viết nhật ký cho ai. Cho tương lai, cho quá khứ — cho một thời chỉ có trong tưởng tượng. Và trước mặt anh là viễn tượng không phải của sự chết mà của sự hủy diệt. Cuốn nhật ký sẽ bị hủy ra tro và anh sẽ bị hủy thành hơi. Chỉ Cảnh Sát Tư Tưởng sẽ đọc được những điều anh viết trước khi gạt chúng khỏi cuộc đời và ký ức. Làm sao kêu gọi được tương lai, khi không tồn tại một vết tích gì của mình, ngay cả một chữ vô danh ngoạch trên một mẩu giấy ?
Máy truyền hình điểm mười bốn giờ. Nội mười phút nữa anh phải rời nhà. Mười bốn giờ rưỡi anh phải làm việc trở lại.
Lạ thay, tiếng chuông giờ hình như truyền niềm tin mới cho anh. Anh là một con ma cô độc thốt ra một sự thật chẳng ai bao giờ nghe được. Nhưng anh còn phát biểu được nó, đường giây liên tục âm thầm không bị gián đoạn. Duy trì di sản của nhân loại không phải là khiến người khác nghe mình, mà là giữ sao cho mình được lành mạnh. Anh trở về bàn, chấm mực viết:
Gửi cho tương lai hay cho quá khứ, cho một thời khi tư tưởng được tự do, khi con người khác biệt nhau và không sống cô đơn — cho một thời có sự thật, trong đó việc đã làm không thể bị gạt bỏ.
Từ thời đồng nhất, từ thời cô độc, từ thời Bác, từ thời ý đôi — xin chào!
Anh đã chết rồi, anh ngẫm vậy. Dường như đối với anh, chỉ bây giờ, khi anh đã bắt đầu diễn tả được ý nghĩ của anh, anh mới thực sự quyết tâm. Hậu quả của hành động nào cũng được bao gồm trong chính nó. Anh viết:
Tội tư tưởng không dẫn tới chết; tội tư tưởng LÀ chết.
Giờ đây anh đã nhận ra mình là người chết, điều quan trọng đâm thành giữ mình sao cho sống thật lâu. Hai ngón tay phải của anh lấm mực. Đây đúng là tiểu tiết có thể phản anh. Một dân tò mò sốt sắng ở Bộ (hẳn là phụ nữ: kiểu bà nhỏ bé tóc hung hay cô gái tóc đen ở Cục Truyện) có thể tự hỏi tại sao anh viết trong giờ ăn cơm, tại sao anh dùng bút lỗi thời, anh viết gì đó— rồi đến khu hữu trách mách bóng gió về anh. Anh vào nhà tắm cẩn thận cọ sạch hết mực với miếng xà phòng thô đen nâu làm rát da như thể giấy ráp nhưng nhờ thế rất hợp với mục tiêu của anh.
Anh cất nhật ký trong ngăn kéo. Lo giấu nó vô ích, nhưng ít ra cũng đánh chắc được xem nó có bị khám phá ra chưa ? Để một sợi tóc nơi mấy trang cuối quá lộ liễu. Với đầu ngón tay anh nhặt một hạt bụi trắng dễ nhận và để nó vào một góc bìa, ở chỗ nó sẽ phải bay mất nếu quyển vở bị xê dịch.