Phát huy trí thông minh trong công việc
Cách đây ít lâu tôi đến một cửa hàng đồ chơi hạ giá để mua vài món đồ cho vợ tôi – một nhà tâm lý trị liệu cho trẻ em. Nhân viên thu ngân ghi lại đơn đặt hàng và khi tôi viết séc trả tiền thì anh ta cũng bắt đầu miêu tả cách cửa hàng đó xử lý các tấm séc cá nhân trong hệ thống kế toán. Anh ta tiếp tục giải thích chi tiết tỉ mỉ ý nghĩa của những con số trên tấm séc của tôi và các bộ phận khác nhau trong hệ thống kế toán đã chỉ dẫn về chúng như thế nào, anh ta còn nói vô số chi tiết khác mà tôi chẳng hề quan tâm vì tư duy logic toán học không phải là năng khiếu của tôi. Trong lúc chờ đợi, khách hàng đã xếp thành một hàng dài nhưng người thu ngân dường như hoàn toàn quên mất sự hiện diện cũng như sự sốt ruột của họ.
Tôi nhận thấy người thu ngân này là một người có tài nhưng bị đặt vào một công việc không phù hợp. Anh ta có thể là một ngôi sao nếu làm trong phòng kế toán của công ty hay trong một lớp chuyên toán của trường phổ thông. Nhưng ở vị trí thu ngân, nơi mà việc phục vụ khách hàng và mối quan hệ tương tác thân thiện, nhanh chóng là rất quan trọng thì chắc chắn không sớm thì muộn anh ta cũng sẽ bị sa thải.
Câu chuyện trên cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng công việc của chúng ta phải phù hợp với tài năng và sở thích của chúng ta. Thuyết trí thông minh đa dạng cho rằng mỗi người trong chúng ta đều có nhiều khả năng. Vấn đề là phải tìm được công việc giúp chúng ta phát huy những tài năng thiên bẩm đó. Chương này sẽ giúp bạn quyết định xem liệu bạn có đang làm một công việc phù hợp nhất với khả năng tiềm tàng của mình không, và nếu nó không hợp thì chương này sẽ chỉ cho bạn cách thay đổi công việc hiện tại nhằm phát huy tối đa khả năng của mình.
Công việc: Tù ngục hay thiên đường?
Công việc phải là một trong những điều làm chúng ta thỏa mãn nhất. Thế nhưng, dường như ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng nhìn thấy điều ngược lại. Có rất nhiều người bị lâm vào tình trạng mà Studs Terkel gọi là “chết dần chết mòn từ thứ hai đến thứ sáu”. Những than phiền về căng thẳng trong công việc giờ đây chiếm tới 10% trong các bệnh nghề nghiệp mà cách đây mười năm không hề tồn tại. Hãng tư vấn kinh doanh Robert Half International đã đưa ra bản báo cáo cho biết, trung bình một nhân viên văn phòng “ăn cắp” của công ty bốn tiếng rưỡi đồng hồ mỗi tuần bằng việc đi muộn về sớm, giả vờ ốm đau và tham gia các hoạt động không liên quan đến công việc. Những kết quả gần đây nhất của cuộc trưng cầu ý kiến Gallup cho thấy các chỉ số hài lòng với công việc đã giảm 3 – 8% so với năm trước.
Công việc của chúng ta có thực sự khó chịu đến thế hay không? Mỗi nền văn hóa khác nhau lại có những quan điểm khác nhau. Từ “làm việc” trong tiếng Hy Lạp là ponos có nghĩa là “đau đớn” và Kinh thánh miêu tả công việc như một sự trừng phạt của Chúa dành cho Adam và Eva vì đã không vâng lời Người. Hơn nữa, lịch sử cũng đầy rẫy những hình ảnh về các xí nghiệp bóc lột công nhân mười sáu tiếng một ngày, những tín đồ Tin lành làm việc để cứu vớt linh hồn mình và gần hơn nữa là những người bán hàng làm việc quần quật trong cảnh tối tăm mà chỉ nhận được chút ít. Studs Terkel đã nói: “Tất nhiên, có một số ít người cảm thấy thỏa mãn với công việc hàng ngày của mình… nhưng đa số thì không giấu nổi sự khó chịu… Người thợ hàn nói: “Tôi là một cái máy”. Nhân viên ngân hàng nói: “Tôi thấy tù túng” và người thư ký khách sạn cũng đồng tình như vậy. Người công nhân nhà máy thép lại nói: “Tôi là một con la”… Tất cả công chức đều phát biểu như nhau: “Tôi là một rôbôt”.
Mặt khác, ý tưởng về sự nghiệp hay “nghề” có một ý nghĩa thần bí gắn liền với nó: từ vocation xuất phát từ vocare trong tiếng Latinh nghĩa là “kêu gọi”. Trong trường hợp này, một người làm việc là vì một mệnh lệnh hay tiếng gọi từ trên cao khiến ngay cả những nhiệm vụ tẻ nhạt cũng trở nên thú vị và có ý nghĩa. Có một câu chuyện kể về ba người thợ nề làm việc cùng nhau và họ được đề nghị hãy miêu tả công việc mình làm để kiếm sống. Người thứ nhất lẩm bẩm: “Tôi xếp gạch”. Người thứ hai đáp: “Tôi xây tường”. Người thứ ba tuyên bố: “Tôi xây các nhà thờ lớn!” Chính cách suy nghĩ như vậy về công việc đã khiến Thomas Carlyle nói rằng: “Ai đã tìm được công việc của mình là đã được phù hộ. Anh ta không cần phải cầu xin bất kỳ sự phù hộ nào nữa.”. Ngay cả một người không tin vào tôn giáo như Jean-Paul Sartre cũng nói rằng công việc thể hiện “tầm quan trọng của một cá nhân”. Theo nhà quan sát xu hướng Daniel Yankelovich, thì gần đây, những người lao động trẻ ở Mỹ đã có sự thay đổi trong suy nghĩ, từ quan điểm làm việc để kiếm tiền chuyển sang quan điểm nhấn mạnh ý nghĩa và sự thỏa mãn cá nhân. Yankelovich nói: “Những người lao động trẻ hơn và có trình độ cao hơn đã khám phá ra một điều rất quan trọng là chính công việc chứ không phải sự nhàn rỗi có thể cho họ cái mà họ đang tìm kiếm – đó là thể hiện bản thân và cũng như nhận được các phần thưởng vật chất”.
Đạt tới sự hài lòng trong công việc
Nhiều nghiên cứu gần đây của Giáo sư Tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi thuộc trường Đại học Chicago, tác giả của cuốn Flow: The Psychology of Optimal Experience (Dòng chảy: Tâm lý học về trạng thái đỉnh cao) đã tập trung vào vấn đề làm thế nào để hài lòng hơn trong công việc. Vị giáo sư này đã đưa ra thuật ngữ dòng chảy (flow) để miêu tả hiện tượng xảy ra khi một người nào đó hoàn toàn bị cuốn hút vào một hoạt động. Theo Csikszentmihalyi thì trong suốt trạng thái flow một người sẽ trải qua cảm giác tràn đầy sức sống, tỉnh táo, mạnh mẽ, sáng suốt, hài lòng cao độ và thậm chí là trạng thái thăng hoa. Ông đã chỉ ra một điều thú vị là mọi người đều nói rằng động lực làm việc của mình không cao nhưng thực sự họ lại cảm nhận thấy trạng thái flow trong lúc làm việc nhiều hơn lúc nghỉ ngơi. Ông viết: “… mọi người không chú ý đến các cảm giác của họ. Họ không quan tâm đến những trải nghiệm bất chợt, thay vào đó, họ nhìn nhận sự thăng tiến dựa trên quan niệm về công việc đã ăn sâu bắt rễ trong nền văn hóa. Họ nghĩ công việc là một sự ép buộc, miễn cưỡng, một sự vi phạm tự do của bản thân và vì thế nó là thứ nên tránh càng xa càng tốt”.
Csikszentmihalyi nói rằng các trải nghiệm dòng chảy có xu hướng xảy ra thường xuyên nhất trong những công việc gắn liền với nhiều nhiệm vụ nhất. Những người làm các công việc không thường xuyên có thử thách sẽ rất dễ chán nản. Mặt khác, những người làm việc có quá nhiều thử thách sẽ rơi vào trạng thái lo lắng hoặc những triệu chứng mệt mỏi khác. Trạng thái flow xảy ra khi bản thân công việc rất thú vị và người nhân viên cảm thấy có ý nghĩa và quyền lực trong công việc mình làm. Csikszentmihalyi nói: “Công việc càng giống một trò chơi với sự phong phú, thử thách thích hợp và linh hoạt, mục tiêu rõ ràng và phản hồi ngay lập tức thì nó càng thú vị, cho dù trình độ làm việc của người nhân viên là thế nào đi chăng nữa”.
Điều đó có nghĩa là mọi người đều có thể cảm nhận trạng thái flow dù họ là giám đốc điều hành của những tập đoàn lớn hay chỉ là công nhân nhà máy. Một trong những nghiên cứu đầu tiên về trạng thái flow đã tìm hiểu về Joe Kramer, một thợ hàn Chicago đã vài lần từ chối thăng chức lên các vị trí điều hành và vẫn làm thợ hàn trong ba mươi năm. Các đồng nghiệp coi anh là người quan trọng nhất trong nhà máy vì anh có thể sửa chữa các loại máy phức tạp hay làm thay vị trí của bất kỳ ai nếu họ vắng mặt. Trong một cuộc phóng vấn, Kramer nói anh đã say mê máy móc từ khi còn nhỏ, đặc biệt là khi các máy móc đó không hoạt động tốt, “ví dụ như lần cái máy nướng bánh của mẹ tôi bị hỏng. Tôi đã tự hỏi: Nếu mình là cái máy nướng đó và mình không hoạt động tốt thì có nghĩa là mình bị làm sao nhỉ?”. Kể từ đó đến nay, anh đã áp dụng phương pháp giải quyết vấn đề này để sửa chữa máy móc cả ở nhà lẫn ở nơi làm việc.
Cũng tương tự như vậy, một người chỉnh dây đàn piano tên là Eugene Russell được Studs Terkel phỏng vấn cũng thường xuyên trải qua trạng thái flow trong công việc của mình (trong nghiên cứu của Terkel, anh là một trong số rất ít người có cảm giác đó liên tục). Russell cho biết: “Lúc đó tôi đang chỉnh dây đàn cho một nghệ sỹ kèn trombon đã từng chơi cho Jan Savitt. Khi tôi đang chỉnh dây, tôi chơi bài hát chính của Savitt là bài Out of Space. Tôi chỉnh các dây số 11 đã bị tăng âm xuống thành những dây số 9. Điều đó thật tuyệt vời”. Russell coi công việc thủ công của mình không chỉ là quá trình kỹ thuật để chỉnh âm dây đàn piano cho thích hợp. Đối với anh, đó là một cách sáng tạo để thể hiện tình yêu âm nhạc của riêng anh. Russel nói: “Dường như có điều gì đó kỳ diệu trong âm nhạc, trong việc chỉnh dây đàn piano”.
Bảy cách làm việc thông minh
Trường hợp Joe Kramer và Eugene Russell cho thấy điều gì sẽ xảy đến khi những năng khiếu trội nhất của một cá nhân phù hợp với yêu cầu của công việc. Những năng khiếu về không gian hay vận động cơ thể của Joe Kramer rất phù hợp khi làm việc với máy móc. Nếu anh được đưa lên một vị trí điều hành thì có thể anh sẽ trở thành nạn nhân của “Nguyên tắc Peter”, trong đó “mỗi người được thăng tiến lên mức không phù hợp với năng lực của mình”. Vị trí quản lý luôn đòi hỏi trình độ tương tác cá nhân, ngôn ngữ và có thể là năng lực logic toán học cao, do đó những khả năng nổi bật nhất của anh có thể có rất ít cơ hội để thể hiện.
Tương tự như vậy, Eugene Russell là điển hình cho một người có năng khiếu về âm nhạc làm một công việc phát huy tối đa sự nhạy cảm về cao độ, sự nhạy cảm hiếm có đối với âm thanh, âm sắc và thẩm định tinh tế các phong cách âm nhạc khác nhau. Nếu anh là một người bán đàn piano thay vì làm một người chỉnh âm và có ít thời gian hơn cho công việc trực tiếp xử lý âm thanh của đàn thì có thể anh sẽ trở nên buồn chán hoặc bị căng thẳng.
Chẳng có gì đáng buồn hơn việc phải chứng kiến một người có tài năng lại phí hoài nó trong một vị trí hầu như không dùng đến khả năng thiên bẩm của anh ta. Chúng ta đã biết đến các ví dụ như nhân viên thu ngân ở phần đầu chương này. Các bác sỹ có kỹ năng giao tiếp kém nhưng lại làm bác sỹ gia đình trong khi họ nên làm việc trong một phòng thí nghiệm nghiên cứu. Những người có thiên hướng nghệ thuật song lại làm thư ký thay vì làm đồ họa. Những thợ sửa ống nước luôn làm hỏng việc trong khi họ có thể sử dụng các kỹ năng xã hội tuyệt vời của mình để điều hành một chương trình giải trí.
Vài năm trước đây, khi đang đi máy bay đến Bờ Đông nước Mỹ, tôi nghe thấy người phi công đọc bản tin vắn sau chuyến bay trên hệ thống thông tin nội bộ: “Ở Pittsburgh, trời nắng và nhiệt độ là 76°c… (im lặng)… xin lỗi qúy khách, là 67°C”. Đầu tiên tim tôi giật thót và nghĩ: “Có phải người này mắc chứng khó đọc không nhỉ?”. Một người đang chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình mà lại đọc sai một bảng thiết bị khiến tôi không yên tâm. Nhưng rồi tôi nhớ lại khi nghiên cứu về những khó khăn trong tiếp thu, tôi được biết những người mắc chứng khó đọc lại thường có kỹ năng quan sát không gian rất siêu việt. Năng lực về không gian chính là điều tôi mong muốn ở một phi công khi anh ta lái máy bay trong không gian ba chiều. Ý nghĩ này làm tôi yên tâm phần nào, nhưng theo kinh nghiệm, tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu trong khoang lái có một người có kỹ năng không gian tốt, một người có khả năng logic toán học cao (để xử lý các dữ liệu máy tính) và một người có khả năng giao tiếp, ngôn ngữ tốt (để giao tiếp hiệu quả với bộ phận kiểm soát không lưu). Đương nhiên là sẽ tốt hơn nếu có hai hoặc ba người có tất cả các năng khiếu trên.
Biểu đồ dưới đây cho thấy các nghề nghiệp khác nhau kết hợp với bảy loại hình thông minh như thế nào. Tuy tôi liệt kê các nghề nghiệp mẫu theo năng khiêu chính cần trong nghề đó nhưng chúng ta nên hiểu là không có công việc nào chỉ cần đến một năng khiếu. Ví dụ nghề luật sư được liệt vào loại năng khiếu ngôn ngữ. Đó là do luật sư phải đọc, hiểu và nhớ các trường hợp về luật, phải lập luận, thuyết phục và dùng đến từ ngữ trong nhiều trường hợp. Nhưng đồng thời, một luật sư cũng phải có kỹ năng giao tiếp tốt, một luật sư thuế cần có khả năng logic toán học tuyệt vời, một luật sư về ngành giải trí và thể thao cần có khả năng âm nhạc hay vận động thể chất tốt. Tương tự như vậy, việc kết hợp các năng khiếu tương ứng với mỗi ngành nghề trong số những ngành còn lại đều rất phức tạp. Tuy nhiên, danh sách này sẽ giúp bạn có cảm nhận ban đầu xem kỹ năng và nghề nghiệp nào phù hợp với từng loại hình thông minh.
NGÔN NGỮ
Kỹ năng nghề nghiệp: nói chuyện, kể chuyện, thông tin, hướng dẫn, viết, nói, sử dụng ngoại ngữ, phiên dịch, biên dịch, giảng dạy, thảo luận, tranh luận, nghiên cứu, nghe, sao chép, đọc và sửa bản in, biên tập, xử lý từ ngữ, gọt giũa, báo cáo.
Nghề nghiệp mẫu: thủ thư, chuyên viên lưu trữ văn thư, người phụ trách bảo tàng, biên tập viên, biên dịch viên, nhà nghiên cứu các bệnh về ngôn ngữ, nhà văn, phát thanh viên đài (ti vi), nhà báo, cố vấn pháp lý, luật sư, thư ký, nhân viên đánh máy, biên tập viên, giáo viên tiếng Anh.
LOGIC TOÁN HỌC
Kỹ năng nghề nghiệp: tài chính, ngân hàng, nghiên cứu kinh tế, đưa ra giả thuyết, ước lượng, kế toán, tính toán, đếm, sử dụng số liệu, kiểm toán, suy luận, phân tích, hệ thống hóa, phân loại, sắp xếp thứ tự.
Nghề nghiệp mẫu: kiểm toán viên, kế toán viên, đại lý mua, người ký nhận thanh toán, nhà toán học, nhà khoa học, nhà thống kê, chuyên viên thống kê, chuyên gia phân tích máy tính, chuyên gia kinh tế kỹ thuật viên, nhân viên kế toán, giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên.
KHÔNG GIAN
Kỹ năng nghề nghiệp: vẽ, minh họa, thuyết trình bằng hình ảnh, thiết kế tưởng tượng, phát minh, tô màu, vẽ bản đồ, chụp ảnh, trang trí, quay phim.
Nghề nghiệp mẫu: kỹ sư, nhà khảo sát, kiến trúc sư, nghệ sỹ đồ họa, trang trí nội thất, nhiếp ảnh gia, giáo viên nghệ thuật, nhà phát minh, người chuyên vẽ bản đồ, phi công, nghệ sỹ, nhà mỹ thuật, nhà điêu khắc…
ÂM NHẠC
Kỹ năng nghề nghiệp: hát, chơi nhạc cụ, thu băng, chỉ huy, ứng biến, sáng tác, cải biên, sắp xếp, nghe, phân biệt (các giọng), lên dây, hòa âm, phân tích và phê bình (các phong cách âm nhạc).
Nghề nghiệp mẫu: DJ (người hòa âm, phối khí), nhạc công, người làm dụng cụ âm nhạc, người chỉnh âm đàn piano, chuyên gia trị liệu bằng âm nhạc, người bán nhạc cụ, nhạc sỹ, kỹ thuật viên phòng thu, lĩnh xướng, chỉ huy dàn nhạc, ca sỹ, giáo viên nhạc, người chép nhạc.
VẬN ĐỘNG CƠ THỂ
Kỹ năng nghề nghiệp: phân loại, giữ thăng bằng, nâng, vác, đi bộ, chạy, làm đồ thủ công, lau chùi, vận chuyển, phân phát, sản xuất, sửa chữa, lắp ráp, lắp đặt, vận hành, chỉnh sửa, cứu hộ, trình diễn, ra hiệu, đóng kịch câm, soạn kịch, trình diễn thời trang, nhảy, chơi thể thao, tổ chức các hoạt động ngoài trời, du lịch.
Nghề nghiệp mẫu: nhà vật lý trị liệu, người làm trong lĩnh vực giải trí, vũ công, diễn viên, người mẫu, nông dân, thợ máy, thợ mộc, thợ thủ công, giáo viên thể dục, công nhân nhà máy, biên đạo múa, vận động viên chuyên nghiệp, kiểm lâm, thợ kim hoàn.
TƯƠNG TÁC CÁ NHÂN
Kỹ năng nghề nghiệp: phục vụ, tiếp đón, giao tiếp, biết cảm thông, buôn bán, dạy học, huấn luyện, tư vấn, cố vấn, đánh giá người khác, thuyết phục, thúc đẩy, bán hàng, tuyển dụng, truyền cảm hứng, quảng cáo, động viên, giám sát, hợp tác, ủy quyền, đàm phán, dàn xếp, cộng tác, đương đầu, phỏng vấn.
Nghề nghiệp mẫu: quản lý, giám đốc, hiệu trưởng, quản lý nhân sự, thẩm phán, nhà xã hội học, nhà nhân chủng học, luật sư, nhà tâm lý học, y tá, nhân viên quan hệ công chúng, nhân viên bán hàng, đại lý du lịch, giám đốc xã hội.
NỘI TÂM CÁ NHÂN
Kỹ năng nghề nghiệp: thực thi các quyết định, làm việc độc lập, thúc đẩy bản thân, đặt mục tiêu, đạt mục tiêu, đề xướng, đánh giá, định giá, lên kế hoạch, tổ chức, cân nhắc các cơ hội, nhìn nhận bên trong, hiểu bản thân.
Nghề nghiệp mẫu: nhà tâm lý học, tu sĩ, giáo viên tâm lý, nhà trị liệu, tư vấn viên, nhà thần học, người tổ chức chương trình, doanh nhân.
Nếu công việc của bạn hay một ngành nào đó bạn biết không được liệt kê ở trên, hãy dùng các nguyên tắc chung trong cuốn sách này để xác định năng khiếu chủ yếu cần có trong ngành đó. Hãy nghĩ đến các nhiệm vụ chính của công việc đó và xem nó có liên quan đến những nhiệm vụ sau hay không:
– Từ ngữ (thuộc về ngôn ngữ)
– Hình ảnh hay tranh ảnh (không gian)
– Hoạt động thể chất (vận động cơ thể)
– Âm nhạc hay giai điệu (âm nhạc)
– Logic hay các con số (logic toán học)
– Giao tiếp với người khác (tương tác cá nhân)
– Liên quan đến đời sống nội tâm (nội tâm cá nhân)
Bài tập tiếp theo sẽ giúp bạn xác định xem công việc hiện tại của bạn có phù hợp với các năng khiếu nổi trội nhất của bạn hay không.
Khai thác thế mạnh cho nghề nghiệp
Ở đầu một tờ giấy, bạn hãy miêu tả công việc của mình càng ngắn gọn và súc tích càng tốt (ví dụ như “giáo viên tiếng Anh cho học sinh tiểu học khuyết tật” hay “cộng tác viên viết sách hướng dẫn sửa chữa động cơ”). Đánh số và liệt kê tất cả các nhiệm vụ khác nhau trong bản miêu tả nghề nghiệp của mình theo thứ tự tầm quan trọng của các nhiệm vụ đó (ví dụ “dạy trẻ các kỹ năng ngôn ngữ cụ thể”, “lập thời khóa biểu”, “viết các mục tiêu giáo dục”, “gặp gỡ phụ huynh và các nhà quản lý”). Đối với mỗi nhiệm vụ, hãy xác định khả năng chính cần có và viết trong ngoặc đơn sau nhiệm vụ đó, ví dụ “gặp gỡ phụ huynh và các nhà quản lý” (tương tác cá nhân). Lướt qua năm nhiệm vụ đầu tiên trong nghề của bạn và xem các năng khiếu đi kèm có nằm trong số ba năng khiếu nổi trội nhất của bạn hay không (các năng khiếu bạn đã điền trong danh sách ở chương I). Nếu có ít nhất ba nhiệm vụ sử dụng các năng khiếu mạnh nhất của bạn thì hãy viết “phù hợp” ở cuối trang. Nếu không, hãy viết “không phù hợp”. Cuối cùng, viết hai hay ba câu về phản ứng của bạn với bài tập này và xem liệu nó có giúp bạn hiểu rõ mức độ hài lòng hay không hài lòng đối với công việc hiện tại của bạn.
Hãy nhớ rằng, có thể có chỗ “không phù hợp” mà bạn vẫn yêu thích công việc của mình. Mẫu của Csikszentmihalyi về trải nghiệm tối ưu chỉ ra rằng, một người có thể trải qua trạng thái flow trong công việc nếu có mức độ thử thách phù hợp. Một người có năng khiếu ngôn ngữ muốn mở mang đâu óc có thể cảm thấy hào hứng khi làm việc trong một lĩnh vực ít phù hợp hơn – ví dụ như lĩnh vực đồ họa – miễn là người đó coi các nhiệm vụ nằm trong khả năng của mình.
Tương tự, chẳng có gì là bất thường nếu một người có trạng thái “phù hợp” mà vẫn cảm thấy không hài lòng với công việc. Những người tham gia trong các cuộc hội thảo trí thông minh đa dạng của tôi thường nói rằng họ cảm thấy “chán” với những thứ họ làm rất tốt. Ví dụ như những người có năng khiếu logic toán học cảm thấy mệt mỏi, một biên tập viên có năng khiếu ngôn ngữ cảm thấy cáu kỉnh, một thợ mộc tài năng muốn làm việc khác trong thời gian làm việc của mình và còn nhiều người khác nữa. Có một số lý do khiến một người cảm thấy không hài lòng với công việc mà họ có thể làm tốt: gặp rắc rối với cấp trên, điều kiện làm việc tồi hoặc lương thấp. Đây mới chỉ là vài lý do mà thôi. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh của thuyết trí thông minh đa dạng thì có thể chỉ đơn giản là họ thấy công việc đang làm quá nhàm chán đến nỗi sự ham thích mất đi.
Mặc dù vậy, nếu bạn cảm thấy yêu thích công việc và ở trạng thái “phù hợp” trong bài tập trên thì phải có ít nhất một lý do khiến bạn thích công việc mình làm, đó là được phát huy các năng khiếu của bạn trong công việc. Nhà tư vấn tổ chức Sherrie Connelly liệt kê bảy dấu hiệu của cái mà bà gọi là “tinh thần làm việc” – thực chất là các dấu hiệu của sự hài lòng ở mức độ cao trong công việc:
– cảm giác dồi dào sinh lực;
– tâm trạng tích cực, cởi mở;
– có mục đích và tầm nhìn;
– cảm giác đầy đủ về bản thân;
– thấy mình là một người sáng tạo và đầy sinh lực;
– cảm giác thực sự sống trong thời gian làm việc;
– cảm giác có một vị thế cao và tự chủ.
Nếu bạn thấy ít nhất một vài đặc điểm nêu trên từng xuất hiện khi làm việc và bạn thấy “phù hợp” trong bài tập trước thì sự nghiệp của bạn đang rất thuận lợi và bạn có thể đọc ngay sang chương tiếp theo.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình “không phù hợp” và không hài lòng với công việc thì bạn nên đọc tiếp. Dành thời gian đọc nốt chương này là vô cùng quan trọng nếu bạn phải chịu đựng bất kỳ trạng thái căng thẳng nào trong công việc được liệt kê dưới đây:
– Cảm thấy bất lực;
– Luôn luôn mệt mỏi;
– Không muốn đi làm;
– Luôn xem đồng hồ;
– Bị ám ảnh bởi công việc;
– Buồn phiền, chán nản;
– Cáu giận;
– Lạm dụng ma túy hay rượu;
– Nguy cơ bị tai nạn;
– Khóc lóc>
– Hay nhạo báng, chỉ trích;
– Không linh hoạt;
– Than phiền về sức khỏe;
– Hay quên;
– Cư xử không phù hợp;
– Ít hài lòng trong cuộc sống.
Những nhân tố này có thể là những dấu hiệu cảnh báo hay những chỉ dẫn rõ ràng cho thấy bạn đã mệt mỏi với công việc. Nếu chúng kèm theo chữ “không phù hợp” trong bài tập trên (nghĩa là có ít hơn ba trong số năm nhiệm vụ hàng đầu gắn liền với các năng khiếu nổi trội nhất của bạn) thì bạn nên chuyển sang một vị trí khác có thể phát huy được các khả năng của mình. Đó chính là điều mà phần kết của chương này sẽ giúp bạn đạt được.
Lời khuyên để tạo lập sự nghiệp một cách thông minh
Mọi người thường buộc phải làm những công việc ngán ngẩm vì nhiều lý do, trong đó có áp lực gia đình, các gánh nặng tài chính và đơn giản là do kém hiểu biết. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm vì ngay cả những lúc tuyệt vọng nhất vẫn có tia sáng ở cuối đường hầm. Nhà tâm lý học Ayala Fines và Elliot Aronson đã chỉ ra rằng điều khiến mọi người mệt mỏi là do họ từng có lúc say mê công việc trong quá khứ. Vì vậy, bước đầu tiên để chọn được công việc phù hợp là tìm ra điều khiến bạn đam mê. Hãy quay lại bản liệt kê và bài tập trong Chương 1 và Chương 9, khám phá năng khiếu của bạn một lần nữa. Tập trung vào hai hay ba khả năng tốt nhất và tìm xem chúng phát huy hiệu quả nhất tại nơi làm việc như thế nào. Có hai lựa chọn chính để kết hợp khả năng của bạn với công việc: thay đổi công việc hiện tại theo cách phát huy được khả năng hoặc tìm công việc mới.
Tạo ra sự thay đổi trong công việc hiện tại
Sự lựa chọn dễ dàng nhất và sẵn có với hầu hết mọi người là thay đổi một hoặc nhiều khía cạnh trong công việc hiện tại để nó phản ánh rõ hơn việc nào bạn đã làm tốt nhất. Bạn có thể thương lượng chính thức hoặc không chính thức với giám đốc để được giao thêm nhiệm vụ phù hợp với điểm mạnh của bạn hay giảm bớt nhiệm vụ liên quan tới những năng lực yếu kém của bạn. Trong cuốn sách Succeeding Against the Odds (Thành công tương phản với lợi thế), Sally Smith đã viết về một người thủ thư tên là Doreen. Doreen vốn kém về ngôn ngữ và logic toán học, vì vậy cô luôn ngại những con số và gặp khó khăn trong việc đặt sách vào đúng ngăn. Cô đã nói khó khăn của mình với ban lãnh đạo thư viện và nhấn mạnh khả năng giao tiếp tốt của mình. Nhờ vậy, họ xếp cho cô một công việc phù hợp lợi thế và cô đã phát triển thành công chương trình kể chuyện.
Bạn có thể nhận thấy mình cần chuyên sang làm việc với nhiều hoặc ít người, với nhiều hoặc ít con số và từ ngữ, với nhiều hoặc ít tranh ảnh và đồ họa… Tận dụng sự linh động trong môi trường làm việc, bạn có thể giữ nguyên vị trí, lương bổng, tiền trợ cấp hiện tại và tập trung vào việc bạn làm.
Đối với những người có công việc hoặc có ông chủ khó thỏa hiệp thì vẫn còn rất nhiều yếu tố bạn có thể điều chỉnh để họ đưa khả năng tư duy nổi trội nhất của mình vào công việc.
Tìm các cách thể hiện gián tiếp khả năng tư duy nổi trội nhất của bạn. Đôi khi bạn có thể thay đổi một chút cách tiến hành công việc bằng cách tập trung vào thế mạnh. Nhà cố vấn tổ chức Marsha Sinear viết về một khách hàng có kỹ năng vận động thân thể tốt – người đã bày tỏ nhu cầu vận động trong công việc của mình bằng cách đi bộ qua các hành lang. Sinetar viết: “Ông đã nghĩ ra được những ý tưởng hay nhất khi đi bộ. Vì ông tự nguyện đi bộ nên người khác cũng chấp nhận. Sau nhiều năm làm việc cùng ông, đồng nghiệp giờ đây đều mong ông đi dạo ngoài hành lang. Tất nhiên, những ý tưởng xuất sắc của ông đã tạo ra hàng triệu đô la cho công ty và ông đã giành được quyền đi bộ nhiều như ý muốn”. Những cá nhân có năng khiếu âm nhạc có thể thấy rằng việc gõ nhịp chân hoặc tay giúp họ tập trung tốt hơn vào công việc hoặc suy nghĩ hiệu quả hơn. Những người có tư duy không gian có thể giữ một tập giấy bên cạnh như một công cụ sáng tạo cho khả năng định hướng không gian của họ.
Thay đổi môi trường thể chất để thể hiện điểm mạnh và mối quan tâm của bạn. Nếu bạn là người sống nội tâm nhưng phải làm việc giữa rất nhiều người, bạn có thể cân nhắc chuyển chỗ ngồi tới khu vực yên tĩnh hơn hoặc đặt vách ngăn để bảo đảm sự riêng tư tốt hơn. Nếu bạn có khả năng định hướng không gian, hãy trang trí nơi làm việc của bạn với các hình ảnh minh họa như hoạt hình, sách báo, tác phẩm điêu khắc. Người có năng khiếu âm nhạc có thể thử thuyết phục ban giám đốc lắp đặt một hệ thống nhạc nền tại văn phòng hoặc cho phép làm việc cùng với đài catset xách tay hoặc tai nghe.
Sử dụng thời gian nghỉ ngơi để thể hiện những năng lực tốt nhất của bạn. Những khoảng thời gian rảnh rỗi có thể giúp bạn có cơ hội phát triển hoặc rèn luyện những hình thức tư duy. Cornelius Herscheberg sử dụng giờ ăn trưa và thời gian đến nơi làm việc để đọc tác phẩm văn học. Herschberg nói: “Tôi đọc trên xe điện ngầm, tàu hỏa và xe buýt trong bốn mươi năm, trên những phương tiện này và trong suốt giờ ăn trưa của tôi, tôi đã dùng xấp xỉ mười giờ mỗi tuần trong khoảng hai nghìn tuần để đọc… 20 nghìn giờ này đã tăng thêm ít nhất năm bằng đại học”.
Ngay những người có lịch làm việc bận rộn cũng có thể tìm thời gian trong chính ngày làm việc để tập trung vào khả năng thiên bẩm của họ. Tác giả người Mỹ Nathaniel Hawthorne đã viết bốn cuốn tiểu thuyết, trong đó có The Scarlet Letter (Bức thư màu đỏ) khi làm việc tại Nhà truyền thống ở Salem, Massachusetts. Triết gia Eric Hoffer dành rất nhiều thời gian vạch ý tưởng cho cuốn sách của mình khi lao động tại khu đường sắt California. Nhà tâm lý học xuất sắc Charles Garfield viết về một người đàn ông tên là Bay làm việc tại nhà giam gần cầu San Francisco – người luôn tham gia vào hoạt động sáng tạo khi làm việc. Ông nói: “Một ngày nào đó tôi sẽ trở thành diễn viên múa. Những ông chủ của tôi sẽ vẫn ở trong đó (chỉ khu nhà quản lý) và họ đang trả lương cho sự khổ luyện của tôi”.
Điều quan trọng nhất để công việc trở nên cuốn hút là bạn phải gìn giữ năng lực tư duy nổi trội nhất của mình bằng mọi giá. Ayala Pines và Elliot Aronson chỉ ra rằng những người làm những công việc nhàm chán có nguy cơ mệt mỏi cao nhất, trong khi những người tham gia các hoạt động cho phép họ sử dụng nhiều khả năng của mình thì không. Barbara McClintock, nhà di truyền học đoạt giải Nobel, thường tưởng tượng bản thân chính là cây ngô mà mình nghiên cứu. Đại sư thiền Dogen viết trong Instructions to the Zen Cook (Hướng dẫn ngồi thiền): “Xem cái ấm như đầu bạn và nước như máu bạn”. Nghề nghiệp buồn tẻ nhất cũng có thể trở thành thú vị khi bạn làm việc với tinh thần này.
Tìm công việc mới
Nếu bạn nhận thấy những gợi ý trên không giúp bạn thoát khỏi nỗi buồn chán trong nghề nghiệp thì có thể bạn cần chuyển sang một nghề hoàn toàn mới. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng khi Vincent van Gogh thôi không làm mục sư để trở thành họa sỹ, khi John Steinbeck từ bỏ ngành sinh vật học để theo đuổi sự nghiệp viết văn, và khi Pyotr Ilich Tchaikovsky từ bỏ nghề thư ký luật sư để trở thành nhạc sỹ, thì mỗi người đã chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng đúng đắn. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chuyển sang một hướng mới có thể sẽ khiến chúng ta nản chí. Do đó, sẽ tốt hơn khi sự thay đổi chỉ gây ra ít – hoặc ít nhất – xáo trộn. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có gia đình, có hóa đơn phải thanh toán và những bổn phận khác. Dưới đây là một số cách để bạn hòa nhập với một công việc khác mà không cần mạo hiểm vị trí hiện tại của bạn.
Tình nguyện. Công việc tình nguyện giúp bạn có được những kinh nghiệm giá trị và có thể mở đường tới một vị trí cho phép tận dụng tối đa khả năng của bạn. Nhà lãnh đạo đoàn thể Peter Drucker gọi những người tình nguyện là “khu vực thứ ba” của nền kinh tế quốc dân – ước tính có khoảng 90 triệu người trên nước Mỹ làm công việc này, hoặc bán thời gian hoặc toàn thời gian. Những vị trí tình nguyện đã tận dụng lợi thế của bảy loại hình thông minh, bao gồm:
– Người hướng dẫn trong bảo tàng nghệ thuật (không gian);
– Ca sỹ dân gian trong bệnh viện (âm nhạc);
– Trợ lý trong thư viện (ngôn ngữ);
– Luật sư cho người vô gia cư (tương tác cá nhân);
– Giáo viên dạy thiền trong nhà điều dưỡng (nội tâm cá nhân);
– Hướng dẫn viên tại một công viên (vận động thân thể);
– Trợ giảng toán học tại trường tiểu học (logic toán học).
Hầu hết các cộng đồng lớn đều có trung tâm tình nguyện với công việc cụ thể phù hợp với sở thích và khả năng của mỗi cá nhân.
Khởi nghiệp công việc kinh doanh của chính bạn.
Chuyển những hoạt động mà bạn yêu thích khi làm tình nguyện thành doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận. Bà Linda Bronstein, một phụ nữ nội trợ may vá đã thiết kế ra thẻ ghi nhớ theo phong cách Victoria và gửi cho những người bạn như một sở thích. Sau đó bà tổ chức một cuộc hội thảo với tựa đề “Làm thế nào để kiếm sống mà không cần một nghề nghiệp nào” và biến khả năng thẩm mỹ của mình thành phương kế sinh nhai đầu tiên. Theo những thống kê gần đây, ít nhất 16 triệu người Mỹ làm việc tại nhà trong các lĩnh vực từ tính toán tới việc chế tạo đàn.
Làm thêm ngoài giờ. Theo những nghiên cứu gần đây, khoảng 6 triệu công nhân Mỹ hiện nay cùng lúc làm hai hoặc nhiều nghề. Bằng việc đảm nhận công việc bán thời gian trong lĩnh vực bạn yêu thích, bạn có thể tiếp xúc với một môi trường làm việc khác và nhận biết liệu nó có cho phép bạn thể hiện nhiều hơn khả năng âm nhạc, không gian hoặc vận động hay không. Một nhân viên kế toán chán nản làm thêm hai giờ một ngày tại văn phòng kiến trúc có cơ hội biết liệu môi trường mới có phát huy được kỹ năng không gian bị kiềm chế lâu ngày hay không. Hãy chắc chắn rằng công việc ngoài giờ mà bạn quyết định đảm nhận phải mang lại những cơ hội tối thiểu bộc lộ một loại tư duy mới.
Kết hợp nghề nghiệp. Bạn có thể thường xuyên áp dụng những kỹ năng nghề nghiệp đã thu nhận được trong lĩnh vực không sử dụng đến chúng vào một công việc đòi hòi phải có. Steve Crowley là kế toán nhưng lại mơ một ngày nào đó sẽ bước vào lĩnh vực truyền hình. Ông tìm cách phát huy khả năng logic toán học trong nghề mới bằng cách trở thành nhà sản xuất và là người điều khiển một chương trình truyền hình về tài chính. Tương tự như vậy, một người có năng lực vận động thân thể, thay vì đầu tư vài năm để được chứng nhận là một giáo viên tiếng Anh cấp ba, có thể chuyển sang một vị trí thích hợp hơn như giáo viên thể dục hoặc huấn luyện viên thể thao sau một thời gian đào tạo khá ngắn.
Nếu bạn quyết định tìm một nghề khác, hãy chắc chắn rằng nó thuộc lĩnh vực cho phép bạn thể hiện được khả năng của mình. Đôi khi phải mất nhiều năm tập trung vào một lĩnh vực bạn quan tâm mới thu được những lợi ích kinh tế. Mặc dù vậy, hãy nhớ rằng, chính hoạt động của bản thân chứ không phải tiền bạc sẽ mang lại những phần thưởng lớn nhất. Nhà tâm lý Viktor Franklar khuyên: “Đừng nhắm vào thành công, bạn càng nhắm vào nó và biến nó thành mục tiêu thì bạn càng không đạt được nó. Thành công, giống như hạnh phúc, không phải để đeo đuổi; nó phải được tạo ra từ chính những nỗ lực cá nhân của bạn”.