Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

7 Loại Hình Thông Minh

Chương 13. Những Hình Thức Tư Duy Trong Tương Lai

Tác giả: Seven kinds of smart

Các loại hình thông minh của thế kỷ XXI

“Những đứa trẻ Alpha mặc đồ xám. Chúng làm việc chăm chỉ hơn chúng ta bởi vì chúng vô cùng thông minh. Tôi thì thật sự rất vui sướng khi mình là một Bêta vì tôi làm việc không chăm chỉ lắm. Và chúng ta lại giỏi hơn thế hệ những Gama và Đenta”. Đây là một đoạn trích từ Brave New World (Thế giới mới ngoạn mục) của Aldous Huxley, cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nói về tương lai nhân loại sẽ được tách theo những loại hình thông minh khác nhau trong khi vẫn còn đang thụ tinh trong ống nghiệm. Quả là đáng lo khi nghĩ rằng một ngày nào đó, do sử dụng sai thuyết trí thông minh đa dạng, chúng ta có thể vô ý tạo ra “thế giới mới” của chính chúng ta được phân theo “những người có năng khiếu logic”, “những người định hướng không gian”, “những người có năng khiếu ngôn ngữ” và “những người có năng khiếu âm nhạc”.

Trong một thế giới như vậy, cha mẹ và thầy cô giáo sẽ kiểm tra bất kỳ biểu hiện nào về năng khiếu nghệ thuật, khả năng toán học, năng lực ngôn ngữ hoặc giao tiếp xã hội của trẻ ngay từ khi chúng còn nhỏ và sau đó thông qua các biện pháp giáo dục biến những khả năng này trở nên thành thục. Mỗi đứa trẻ đều được hướng tới những cương vị đã ấn định trong một chế độ đẳng cấp của thế kỷ XXI chỉ biết đánh giá con người dựa theo sự xuất sắc về phương diện giáo dục trên nền tảng tâm lý: đứa trẻ có tư duy logic hướng tới vị trí kế toán viên, đứa trẻ có khả năng ngôn ngữ hướng tới chức vụ biên tập viên, v.v… Ở một vài nơi trên thế giới, phương pháp giáo dục kiểu trong lồng kính này đã được sử dụng để đào tạo những nhà soạn nhạc và các huấn luyện viên thể thao tương lai.

Nếu tôi có thể gửi gắm cho bạn bất kỳ thông điệp riêng nào liên quan đến thuyết trí thông minh đa dạng, thì đó sẽ là mỗi cá nhân đều sở hữu tất cả bảy loại hình thông minh và đều có khả năng phát triển mỗi hình thức tới một mức thành thạo nhất định. Thật nguy hiểm nếu nghĩ rằng: “Tôi là một người có năng khiếu vận động” và bạn chỉ tập trung toàn bộ năng lực vào lĩnh vực đó mà quên đi những khả năng khác. Tôi chợt nhớ đến một đứa trẻ thần đồng được cha mẹ dồn tất cả tâm sức để phát triển năng khiếu ngôn ngữ và logic của cậu bé. Khi cậu bé trở thành một người đàn ông bốn mươi tuổi, người ta đã tìm thấy ông ta nổi lềnh bềnh ở bể bơi gia đình của một người bạn – ông ta đã tự vẫn. Ông ta đã mất cân bằng đến nỗi không thể chịu được những khó khăn trong cuộc sống. Khi xã hội ngày càng được chuyên môn hóa, chúng ta càng mất dần mối liên hệ với các ảnh hưởng văn hóa đã từng tạo nên những chuyên gia về khoa học nhân văn, những người tinh thông nhiều nghề và nhiều lĩnh vực, những nhà tổng hợp hóa học và nghệ sỹ tự do. Thuyết trí thông minh đa dạng là cầu nối để chúng ta mở rộng nhận thức về người chúng ta có thể trở thành chứ không phải là một phương pháp thu hẹp nhận thức lại thành “chúng ta giỏi ở lĩnh vực nào” hoặc thứ mà chúng ta nghĩ xã hội sẽ đòi hỏi ở mình.

Trong những phân tích cuối cùng về khái niệm bảy loại hình thông minh, Howard Gardner chỉ ra rằng, bảy loại hình thông minh này thật ra chỉ là những điều tưởng tượng, trong cuộc sống thực tế, chúng luôn luôn có mối liên hệ phức tạp với nhau. Những người chơi cờ nhìn vào ván cờ bằng ý nghĩ định hướng không gian và logic toán học. Người thợ máy thì sửa chữa bộ chế hòa khí ô tô nhờ khả năng tư duy không gian và vận động thân thể. Thậm chí một việc đơn giản như nấu bữa ăn cũng đòi hỏi vài hình thức tư duy: ngôn ngữ để đọc sách dạy nấu ăn, logic toán học để hiểu công thức chế biến, vận động thân thể để pha trộn và xào nấu, tư duy cá nhân để đưa ra một thực đơn hấp dẫn cho những sở thích khác nhau. Gần như không có hoạt động nào trong cuộc sống được thực hiện chỉ bằng một loại hình thông minh. Điều đó tự nó đã là một lập luận mạnh mẽ để giải quyết cuộc tranh cãi giữa việc thiên về mối quan hệ lỏng lẻo hay là tương đối cân bằng giữa bảy loại hình thông minh.

Hơn nữa, xã hội đang và vẫn tiếp tục vận động nên các hình thức tư duy cần thiết căn bản để đạt được thành công gần như chắc chắn cũng sẽ thay đổi. Ở đầu cuốn sách này, tôi đã đưa ra một tình huống tưởng tượng vào thời tiền sử để thấy rằng khả năng vận động thân thể có tầm quan trọng như thế nào trong vài nghìn năm trước. Thậm chí một trăm năm trước đây, chính chàng trai lực lưỡng có thể vắt sữa bò và trồng lúa lại chiếm ưu thế trong gia đình Mỹ trung bình, chứ không phải là anh chàng mọt sách chỉ có vẻ hào nhoáng bên ngoài. Những hình thức tư duy xuất hiện và biến mất giống như xu hướng thời trang. Ba mươi năm trước, một số khả năng logic toán học nào đó không hề quan trọng thì giờ đây lại nhận được mối quan tâm rất lớn bởi thực tế là sự tiến bộ của máy tính khiến việc sử dụng chúng có hiệu quả hơn. Vào những năm năm mươi, “người gàn dở” không hề có một chỗ đứng thích hợp thì giờ đây lại kiếm được tiền nhờ tạo ra các chương trình phần mềm trong Thung lũng Silicon (Silicon Valley).

Tương lai chắc chắn sẽ có nhu cầu về các hình thức thông minh mà hiện nay không hề được coi trọng. Khi một nền kinh tế tiếp tục chuyển từ nền tảng công nghiệp sang nền kinh tế định hướng dịch vụ thì tầm quan trọng của khả năng tương tác cá nhân sẽ tăng lên. Cũng tương tự, với việc thông tin ngày càng phát triển đa dạng thông qua các dạng minh họa hình ảnh như băng video, đồ họa vi tính v.v… thì tầm quan trọng của khả năng định hướng không gian và nhu cầu về những người có khả năng tưởng tượng sẽ tăng lên mạnh mẽ.

Lời khuyên tốt nhất là: Đừng đánh cuộc vào bất kỳ loại hình thông minh nào – nó có thể trở nên “lỗi thời” theo thời gian. Thay vào đó, hãy chú ý đến các công nghệ sắc bén như siêu văn bản và phần mềm vi tính đa phương tiện – những thứ đã kết hợp nhiều hình thức tư duy hiệu quả – là đầu mối quan trọng để trau dồi năng lực theo nhiều loại hình trí thông minh cùng một lúc.

Cuối cùng, có thể có những loại hình thông minh sắp xuất hiện mà chúng ta thậm chí không hề biết đến. Howard Gardner đã sẵn sàng nhường học thuyết của mình cho khả năng đó. Một trong những loại hình thông minh mới rất có thể là tư duy tâm linh hoặc đạo đức. Như chuyên gia về tâm thần học thuộc trường Đại học Harvard và là tác giả giành giải thưởng Pulitzer, Robert Coles, chỉ ra rằng, loại trí thông minh này có thể rất hữu ích mà cũng có thể khá nguy hại. Ông viết: “Chúng ta hãy nhớ lại vào năm 1933 và 1934, một số những nhà trí thức xuất chúng và lỗi lạc nhất nước Đức đã hợp tác với Hitler. Họ là bác sỹ, luật sư, nhà thông thái, triết gia, nhà phân tích tâm lý, nhà tâm lý học, nhà báo, các tác giả của nhiều cuốn sách – những người có chỉ số IQ cao, sở hữu cả bảy loại hình thông minh…”

Việc công nhận và trau dồi một loại thông minh nhằm dẫn đường cho bảy loại hình thông minh luôn quan trọng, thậm chí là cần thiết cho sự tồn tại của loài người nhưng hãy đảm bảo sử dụng chúng hướng tới lợi ích chung của nhân loại. Hình thức tư duy đó có thể tồn tại bên ngoài chúng ta, như nó được nhận thức trong thời kỳ cổ đại và trung cổ, với mối quan hệ giữa con người, tôn giáo và vũ trụ. Nó có thể được đặt sâu trong lòng trái đất, như những người ủng hộ giả thuyết Gaia đã đề xuất. Hoặc nó có thể nằm trong chính chúng ta nhưng lại ở trong trái tim chứ không phải là trong ý nghĩ. Tuy rằng chúng ta đã nhận thức được loại hình này, để trau dồi và phát triển một loại hình thông minh đặc biệt có thể là một điều thông minh bậc nhất mà chúng ta từng làm.

Bình luận