Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

7 Loại Hình Thông Minh

Chương 12. Khi Các Loại Hình Thông Minh Xung Đột

Tác giả: Seven kinds of smart

Tạo dựng sự hài hòa trong các mối quan hệ

Trong các cuộc hội thảo về trí thông minh đa dạng, một trong những câu hỏi thường được đặt ra là làm thế nào để chỉ ra rằng sự khác biệt về giới tính có liên quan tới bảy loại hình thông minh. Trước đây, tôi thấy rất ngại phải trả lời những câu hỏi như thế. Khi đó tôi có cảm giác như mình sắp đụng vào một một vấn đề đang gây tranh cãi gay gắt. Nhưng giờ đây tôi thấy thoải mái hơn khi chia sẻ những gì mà các nghiên cứu đã chỉ ra như là một số khác biệt cơ bản về nhận thức giữa nam và nữ, dù vẫn ghi nhận rằng các khác biệt này có thể thay đổi cùng với sự phát triển của các nền văn hóa.

Tuy vậy, tôi quan tâm hơn đến việc trí thông minh đa dạng có thể soi sáng và thậm chí xoa dịu xung đột giữa hai giới như thế nào. Tôi nhận thấy có những thuộc tính cố hữu trong mối quan hệ hôn nhân của bản thân mình có thể được lý giải dễ dàng hơn khi nhìn nhận từ góc độ của bảy loại hình thông minh. Có thể lấy việc xếp bát đĩa vào máy rửa bát làm một minh chứng rõ ràng cho những va chạm không thể tránh khỏi đó. Tôi thường đặt bát đĩa vào trong máy rửa bát theo “cảm giác” (vận động thân thể). Nói cách khác, nhét được chúng vào trong máy đối với tôi đã là một thành công. Tôi cũng thường xuyên đắm chìm vào những suy nghĩ nội tâm đến nỗi không chú ý nhiều tới việc mình đang làm. Vợ tôi lại khác. Cô ấy có tư duy không gian và logic theo cách riêng của mình. Cô ấy không thể hiểu nổi tại sao tôi không thể sắp xếp mọi thứ theo trật tự. (“Nếu anh để cái đĩa ở đó”, cô ấy nói, “nó sẽ chặn không cho nước phun vào bát đĩa”). Tôi gật đầu nhưng tôi chưa thật sự hiểu. Chưa, ít nhất là cho đến khi tôi nhận ra rằng đó chính là những va chạm trong cách suy nghĩ của chúng tôi chứ không phải do tính cách và cái Tôi của mỗi người. Với chương này, tôi hy vọng sẽ giúp các cặp vợ chồng tìm được tiếng nói chung bằng cách chỉ ra rằng có những cuộc xung đột có thể giải quyết được, một khi bạn nhận ra cách bạn xử sự, cách bạn chọn những thú tiêu khiển và cả những thói quen hàng ngày trong gia đình là do lối suy nghĩ của bạn tạo ra.

Những sự khác biệt nhận thức vĩnh viễn

Các tài liệu khoa học đã cho thấy có những khác biệt căn bản trong suy nghĩ của nam và nữ. Tuy chưa có những thẩm định chính xác rằng những khác biệt đó là do sinh lý, văn hóa hay sự kết hợp của cả hai, nhưng thực tế rõ ràng là: chúng tồn tại và được thể hiện dưới vô vàn cách khác nhau thông qua bảy loại hình thông minh.

Ví dụ, về trí thông minh không gian, dường như từ thời kỳ trưởng thành trở đi, có sự vượt trội rõ ràng và nhất quán trong khả năng quan sát không gian của nam giới, như khả năng xoay vòng vật thể trong trí óc hay định hướng phải trái. Theo Jo Durden Smith và Diane Desimone, hai tác giả cuốn sách Sex and the Brain (Giới tính và bộ não): “Nam giới giỏi hơn về bản đồ, toán học, quay tròn vật thể trong tưởng tượng, chuyển hình ảnh ba chiều trong không gian hai chiều. Họ có khả năng xác định và di chuyển vật thể trong không gian tốt hơn. Họ cũng vượt trội hơn về khả năng định hướng trong không gian”. Tuy vậy, kết quả quan sát trong các cuộc nghiên cứu mới đây lại đưa ra giả thuyết rằng nam giới và nữ giới giải quyết những vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết của họ theo những cách khác nhau. Nam giới định hướng bằng những vectơ tinh thần trong khi nữ giới có xu hướng dựa vào những sự kiện đáng nhớ. Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng việc sử dụng các mốc sự kiện thật sự là phương pháp ưu việt hơn.

Nhìn chung nam giới tỏ ra có ưu thế hơn về khả năng logic toán học – ít ra là về toán học. Hai nhà nghiên cứu Camilla Benbow và Julian Stanley của Đại học Johns Hopkins đã nghiên cứu kết quả những bài kiểm tra năng khiếu của hàng nghìn học sinh các trường chuyên toán cấp ba và phát hiện ra rằng điểm thi càng cao thì càng có khả năng bài kiểm tra là do học sinh nam làm. Thú vị là, những cuộc nghiên cứu tiếp theo cho thấy ở tuổi trưởng thành, nữ giới có nhiều khả năng nhận được điểm toán cao hơn và theo đuổi chuyên ngành toán học ở trường đại học. Mặc dù một số nhà quan sát coi điều này như là một dấu hiệu cho thấy nam giới có năng khiếu về toán học trong khi nữ giới phải học hành vất vả để đạt được kết quả tương tự, thì nhiều nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, thực tế phụ nữ đang bắt kịp và thu hẹp khoảng cách với nam giới trong lĩnh vực này.

Về năng lực tư duy ngôn ngữ thì ngược lại. Nhà nhân chủng học Magaret Mead quả quyết rằng ở tất cả các xã hội mà bà từng nghiên cứu, phụ nữ vượt trội hơn nam giới về hành vi ngôn ngữ. Trong các nghiên cứu tâm lý, trẻ em gái có xu hướng “phát âm” sự háo hức của chúng một cách kiên định hơn các bé trai. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Eleanor Maccoby tại Stanford, nữ giới không thể hiện được sự vượt trội về kỹ năng nói trước mười một tuổi. Một nghiên cứu về học sinh lớp tám cho biết học sinh nữ dựa nhiều vào khả năng ngôn ngữ để giải quyết các vấn đề số học, hình học và từ ngữ, trong khi học sinh nam lại có xu hướng dựa vào khả năng toán học và định hướng không gian để giải quyết các môn học về ngôn ngữ. Hơn thế nữa, rõ ràng là nam giới hay gặp phải các vấn đề về ngôn ngữ như nói lắp, đọc và viết khó khăn.

Tuy vậy, khó có thể nói rằng nữ giới có khả năng tư duy ngôn ngữ tốt trong khi nam giới thì không. Một số nhà nghiên cứu đã ghi âm lại các cuộc họp khoa của một vài trường đại học và phát hiện ra rằng, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, nam giới nói nhiều và lâu hơn phụ nữ. Nhà tâm lý ngôn ngữ học Deborah Tannen của Đại học Georgetown trong cuốn sách You Just Don't Understand! (Bạn không hiểu) đã đưa ra giả thuyết rằng nam giới thường đi thẳng vào vấn đề; trong khi nữ giới lại thích nói lan man. Đàn ông phát biểu để bảo vệ chính kiến và thể hiện sự hiểu biết với mọi người trong khi phụ nữ coi việc trình bày ý kiến là phương tiện thiết lập mối quan hệ và họ thích làm điều này ở những nơi riêng tư.

Những quan sát trên cũng quan trọng trong việc xem xét giới tính gây ra sự khác biệt như thế nào trong tư duy cá nhân. Một vài bằng chứng cho thấy, ở nam giới, tư duy cá nhân thiên về tìm kiếm những giá trị bản thân và khẳng định cái Tôi (thiên về nội tâm), còn nữ giới có xu hướng tìm kiếm các mối quan hệ hoặc cảm giác thân thuộc thiên về tương tác cá nhân. Nhà nghiên cứu tâm lý phụ nữ Nancy Chodorow đã viết rằng trong giai đoạn tự ý thức đầu tiên về bản thân, sự cảm thông được hình thành ở các bé gái (từ ba tuổi trở lên) theo một cách khác hẳn so với các bé trai. Nhìn chung, nữ giới trội hơn nam giới ở một số yêu tố cấu thành nên tư duy xã hội, từ sự nhạy cảm đến những cách thể hiện tình cảm, ý định xét đoán và khả năng giải quyết mâu thuẫn. Theo nhà tâm lý học Carol Gillian, Đại học Harvard, các nhà nghiên cứu đã bỏ qua những thuộc tính hướng ngoại điển hình này ở phụ nữ: “Đàn ông chỉ khám phá ra tầm quan trọng của sự thân tình, các mối quan hệ và sự chăm sóc khi bước vào tuổi trung niên, trong khi đối với phụ nữ điều này thuộc về bản năng”.

Nói đàn ông thì hướng nội còn phụ nữ thì hướng ngoại sẽ không hoàn toàn chính xác. Howard Gardner định nghĩa phần cốt lõi của trí thông minh nội tâm là khả năng tạo ra sự khác biệt trong đời sống tình cảm của mỗi người. Trong cuốn Intimate Strangers (Những người lạ mặt thân tình), nhà liệu pháp tâm lý học Lillian Rubin đã chỉ ra rằng chính đặc điểm nội tâm khiến cho đàn ông gặp nhiều khó khăn khi tiến hành các liệu pháp tâm lý: “Rất nhiều lần, khi thực hiện các liệu pháp, bản thân tôi phải cố gắng để chỉ cho họ cách kiểm soát trạng thái nội tâm – nghĩa là làm sao để tập trung suy nghĩ và cảm nhận một cách tỉnh táo”. Chúng ta có thể thấy có những khía cạnh của trí thông minh thiên về cá nhân là đặc trưng của phái mạnh – ví như một tổng giám đốc điều hành có tham vọng là người có những mối quan hệ rộng rãi (tương tác cá nhân) và luôn nỗ lực phấn đấu (nội tâm cá nhân) lên tới bậc thang cao nhất của sự nghiệp. Mặt khác, lại có những khía cạnh khác của thông minh cá nhân chỉ thấy ở nữ giới, như ở các chuyên gia tư vấn hôn nhân và gia đình, những người có sự nhạy cảm sâu sắc với những cảm xúc ẩn giấu trong mỗi cá nhân (nội tâm cá nhân) và có thể đồng cảm với những cảm xúc đó (tương tác cá nhân).

Về khả năng tư duy âm nhạc, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về sự khác biệt của hai giới. Nhà tâm lý học Diane McGuiness, trường Đại học Nam Florida, đưa ra những nghiên cứu cho thấy nữ giới có thể hát ở các cung bậc nhiều gấp sáu lần so với nam giới. Những nghiên cứu tương tự được tiến hành tại các học viện âm nhạc của Anh chỉ ra một ưu thế dễ nhận thấy ở phái nữ là sự nhạy cảm với các tác động âm nhạc hay khả năng phân biệt sự thay đổi cao độ trong bản nhạc. Ngoài ra, nghiên cứu của Carol Knox và Doreen Kimura về trẻ em ở độ tuổi chưa đến trường cho biết các bé trai thường tập trung vào những âm thanh từ môi trường và động vật – những tác nhân có tính nhạc – trong khi đó, các bé gái lại chú ý đến những âm thanh ngôn ngữ (một bằng chứng cho khả năng ngôn ngữ của nữ giới). Ở những cuộc kiểm tra về cao độ và nhịp điệu, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt nào giữa hai giới.

Cuối cùng, về lĩnh vực tư duy vận động, không có bằng chứng rõ ràng để nói nữ hay nam nổi trội hơn. Tuy nhiên, có những giả thuyết cho rằng nữ giới có lợi thế trong các vận động tinh vi trong khi nam giới trội hơn về khả năng vận động tổng thể. Những nghiên cứu giới tính trong độ tuổi 2-18 của Học viện thể thao thanh thiếu niên, Đại học Tổng hợp Michigan, cho thấy các em nam trội hơn các em nữ về sức mạnh, tốc độ và sự lanh lợi, còn các em nữ lại có ưu thế về sự hoạt bát của cơ thể.

Ở một khía cạnh khác, một dự án nghiên cứu của Anh tiến hành ở trẻ 3-15 tuổi về việc di chuyển nhanh những cái móc qua các lỗ trên một tấm bảng, cho thấy các em gái đã chiếm ưu thế. Ưu thế của nữ giới trong các vận động tỉ mỉ dường như cũng đúng đối với một loạt những cử động phức tạp. Các học sinh của McGuiness được quan sát các đôi nhảy và học các bước nhảy mới. Tất cả học sinh nữ học rất nhanh trình tự các bước, còn học sinh nam thì gặp khó khăn trong việc di chuyển.

Những kết quả trình bày ở trên cần phải được hiểu một cách thận trọng. Bởi vẫn còn có khá nhiều tranh cãi về việc những khác biệt giới tính đã nêu là do các yêu tố sinh học hay điều kiện văn hóa. Sự thực là chúng ta đang chứng kiến khoảng cách ngày càng thu hẹp giữa nam và nữ về tư duy logic, và về mặt xã hội thì đó thực sự là một yếu tố có ý nghĩa trong việc phân biệt cách nghĩ của nam giới và nữ giới. Những quan niệm cho rằng “con gái không học giỏi toán” không còn nữa và điều này tạo ra nhiều cơ hội cho phái nữ thể hiện khả năng thật sự của họ. Mặt khác, những yếu tố “kiểm soát” trong gen của nam và nữ tạo ra sự khác biệt không chỉ ở chức năng sinh sản mà cả ở khả năng nhận thức, nó giống như kết quả của sự tác động phức tạp giữa “tự nhiên” và “nhân tạo”.

Cần lưu ý rằng những khác biệt do giới tính này mang tính tổng thể và không thể áp dụng trong các trường hợp cụ thể. Ở ngay đầu chương, tôi đã nói rằng tôi khá dài dòng còn vợ tôi giỏi hơn về định hướng không gian và logic. Những khác biệt này trái ngược với những nghiên cứu được đề cập ở trên. Bạn cũng có thể nhận thấy sự khác biệt giữa bạn và mọi người xung quanh không giống như kết quả chúng đưa ra. Như nhà tâm lý xã hội học Alice Eagly, Đại học Purdue, nhận xét: “Mọi người cần nhận thức rằng không thể phán đoán một người qua giới tính của người đó”. Điều quan trọng không phải là nam giới hay nữ giới có thể hay không thể làm gì. Vấn đề là lối suy nghĩ của bạn khác với cách nghĩ của người bạn đời như thế nào. Bài tập sau đây sẽ giúp bạn nhìn nhận mối quan hệ của mình khác đi.

Xác định khả năng tư duy nhiều mặt của người bạn đời

Trở lại với bản liệt kê bạn đã điền ở chương 1, sắp xếp những khả năng tư duy của bạn từ cao xuống thấp. Sau đó yêu cầu chồng/vợ bạn điền vào một bản liệt kê tương tự và cũng sắp xếp các khả năng tư duy của anh ấy/cô ấy (tốt nhất là bạn nên sao bản liệt kê đầu tiên thành hai bản để chồng bạn không bị ảnh hưởng vì kết quả của bạn). Sau khi cả hai người đã hoàn thành, dành một giờ để thảo luận về kết quả. Dành ra hai mươi phút để chia sẻ kết quả của bạn, hai mươi phút lắng nghe chồng bạn và hai mươi phút thảo luận xem sự giống và khác nhau trong khả năng tư duy đa chiều ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của các bạn. Bạn cũng có thể làm bài tập này với hai bản liệt kê trong cuốn sách nói về khả năng hiểu biết thời thơ ấu và những khó khăn trong tiếp thu (Chương 9 và 10).

Chia sẻ quan điểm

Cách giao tiếp hiệu quả có lẽ là điểm riêng biệt quan trọng nhất của bất kỳ mối quan hệ nào. Trong một nghiên cứu gần đây về những cuộc hôn nhân tan vỡ, 70% phụ nữ và 59% nam giới đều viện dẫn việc không hiểu ý nhau là nguyên nhân chính trong các vụ ly dị của họ. Trong một mối quan hệ lành mạnh, mặc dù mỗi người đều cần có đủ kỹ năng giao tiếp để có thể chia sẻ những nhu cầu của người kia và khả năng ngôn ngữ để có thể diễn đạt mọi thứ một cách hiệu quả, tất cả bảy loại hình thông minh đều đóng vai trò quan trọng trong lối ứng xử của các cặp vợ chồng.

Tracy Cabot, tác giả cuốn How to Keep a Man in Love with You Forever (Làm thế nào để khiến một người đàn ông mãi mãi yêu bạn) gợi ý rằng có những chiến lược nhận thức nhất định mà người phụ nữ (hay đàn ông) cần biết để cư xử hiệu quả với bạn đời của cô ta/anh ta. Trong mô hình của bà có ba kênh nhận thức: thính giác, thị giác và xúc giác. Tuy nhiên, mô hình này có thể dễ dàng mở rộng để chứa đựng cả bảy khả năng tư duy được nêu lên trong cuốn sách này. Cabot giải thích rằng những sự đối lập trong một mối quan hệ thường xảy ra khi một người không có khả năng “nói ngôn ngữ yêu thương” của người kia. Để tạo sự hài hòa, theo Cabot, bạn cần sử dụng cách nói đồng điệu với lối tư duy thế mạnh của người bạn đời. Dưới đây là một vài ví dụ, đã được chuyển sang những thuật ngữ thường dùng cho từng khả năng nhận thức, về cách giải thích với bạn đời rằng bạn hiểu cô ấy hoặc anh ấy:

Âm nhạc: “Anh đồng điệu với những gì em đang nói”

Không gian: “Anh thấy quan điểm của em”

Ngôn ngữ: “Những điều em nói rành mạch và rõ ràng”

Vận động thân thể: “Anh cảm nhận được đến điểm em bắt đầu”

Logic toán học: “Mọi điều em nói tăng thêm giá trị”

Tương tác cá nhân: “Anh có thể hiểu được điều đó”

Nội tâm cá nhân: “Anh đồng cảm sâu sắc với những gì em vừa nói”

Để học cách nói chuyện bằng “ngôn ngữ trí thông minh đa dạng” (MI) của người bạn đời, hãy ghi nhớ những điểm sau. Ngôn ngữ âm nhạc nhấn mạnh những giai điệu du dương và hình ảnh ẩn dụ nhưng cũng bao gồm những cảm nhận tinh tế như âm thanh của thiên nhiên, muông thú. Ngôn ngữ không gian có tính hình tượng cao, với nhiều màu sắc và hình ảnh. Ngôn ngữ vận động bao gồm những lời nói tổ chức theo cấu trúc (“Hãy giải quyết mọi việc”) và những lời nói gợi ý hành động. Ngôn ngữ logic toán học thường coi trọng những con số và số lượng cũng như nguyên nhân và lý luận. Ngôn ngữ hướng nội thiên về những cảm nhận (“Đó là một chủ đề thật buồn”), trong khi ngôn ngữ hướng ngoại thường có tính tương tác cao hơn và bao gồm sự tham khảo từ những người khác. Bài tập tiếp theo sẽ đem đến cho bạn cơ hội luyện tập cách nói chuyện bằng “ngôn ngữ trí thông minh đa dạng” với người bạn đời của mình.

Nói bằng ngôn ngữ trí thông minh đa dạng của người bạn đời

Dành khoảng hai mươi phút cho bài tập này. Trước khi bắt đầu, hãy cân nhắc rồi quyết định những khả năng tư duy sở trường cũng như sở đoản của mình, yêu cầu chồng/vợ bạn làm tương tự. Sau đó dành ba phút nói chuyện với chồng/vợ, dùng những từ ngữ và lối diễn đạt dựa trên khả năng tư duy sở đoản của anh ấy/cô ấy. Tiếp theo, để anh ấy/cô ấy nói lên những suy nghĩ khi nghe bạn nói chuyện (cho dù anh ấy/cô ấy có muốn bỏ ra ngoài, bị thu hút hay thấy bình thường). Tiếp đó dành thêm ba phút để nói chuyện với anh ấy/cô ấy, dùng những từ ngữ liên quan trực tiếp đến khả năng, hiểu biết sở trường mà anh ấy/cô ấy đã chọn. Lặp lại, bảo anh ấy/cô ấy chia sẻ những cảm nhận. Đổi vai và lặp lại bài tập này.

Thông qua bài tập trên đây, chúng ta đã được truyền thêm sáu khả năng hiểu biết khác – phương tiện cơ bản thể hiện ngôn ngữ. Tuy nhiên, còn nhiều cách thức giao tiếp khác chứa đựng tất cả bảy khả năng hiểu biết. Trong cuốn Married Etc. (Lập gia đình và hơn thế nữa), các nhà giáo dục học gia đình, Buff Bradley, Murray, Roberta Suid và Jean East viết: “Những người bạn đời giao tiếp với nhau bằng vô số cách khác nhau. Họ nói chuyện, tiếp xúc hoặc đọc sách của nhau… Một số người viết lời nhắn cho nhau, một số khác dùng sự yên lặng; một vài người kể chuyện cười hoặc huýt sáo, nấu một bữa ăn đặc biệt, chuyện trò thông qua những đứa con hay đọc to một đoạn văn từ một quyển sách nói về những gì họ không thể nói trực tiếp với nhau..

Nhiều cách thức giao tiếp khác, nhất là những cách thức dựa trên khả năng tư duy phi ngôn ngữ, đặc biệt có ích trong việc thu hẹp khoảng cách giữa một người ít nói và một người giao tiếp nhiều. Trong cuốn Intimate Strangers (Những người lạ mặt thân tình), Lillian Rubin đã thuật lại lời than vãn của một người vợ cảm thấy bị người chồng rất kiệm lời bỏ rơi: “Luôn luôn là như vậy. Tôi luôn là người phải cố gắng dẫn dắt để câu chuyện tiến triển. Tôi phải nói liên tục, ông biết đấy, giữ cho mọi thứ tiến triển và sống động. Còn anh ấy là một người lầm lì cố hữu, vì vậy tôi quyết định gọi cho một người bạn, nói chuyện với cô ấy một lúc… sau đó anh ấy nổi điên lên với tôi, do ghen hoặc cái gì đó, chỉ vì tôi nói chuyện điện thoại”.

Rubin quan niệm: “Đối với đa số đàn ông, lời nói… không phải là thứ cốt lõi trong định nghĩa về sự thân mật. Những hành động phi ngôn ngữ sẽ thể hiện điều này giúp họ, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn thế”. Trong một ví dụ, một người đàn ông đã lấy vợ năm năm nói về vợ mình: “Cô ấy nói với tôi rằng mỗi khi tôi huýt sáo là cô ấy biết ngay có điều gì đó đang làm tôi phiền lòng. Đó là lần duy nhất tôi huýt sáo”. Một cặp khác giao tiếp với nhau bằng những màn trình diễn ứng khẩu: “Đôi khi những con thú nhồi bông… trở thành phương tiện để mỗi người chúng tôi thể hiện điều gì đó với người kia một cách gián tiếp, đỡ mạo hiểm hơn”. Những phương thức giao tiếp khác thông qua bảy khả năng tư duy bao gồm:

Ngôn ngữ: Cùng đọc sách, viết lời nhắn, gửi thư.

Logic toán học: Tạo mật mã, đưa ra những gợi ý logic, thiết lập các giao tiếp mang tính thỏa thuận.

Âm nhạc: Hát, trao đổi về sở thích âm nhạc, chơi nhạc cụ.

Không gian: Vẽ tranh, gửi thiệp, sử dụng những biểu hiện của khuôn mặt.

Vận động cơ thể: Chạm, ra hiệu, gửi tin nhắn.

Tương tác cá nhân: Chia sẻ ước mơ, sử dụng mệnh đề: “Tôi cảm thấy…”, khả năng ngoại cảm.

Nội tâm: Lắng nghe một cách tích cực, đổi vai, làm gương.

Thu xếp thời gian rảnh rỗi

Mặc dù ngày nay các cặp vợ chồng có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn so với hai mươi năm trước, những sở thích và thú vui riêng vẫn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống của họ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian chia sẻ cùng nhau, đặc biệt là những hoạt động có tính giải trí và hài hước, là nhân tố chính dẫn tới thành công của những mối quan hệ lâu dài. Tuy nhiên, các mối quan hệ thường đổ vỡ khi có mâu thuẫn trong trí thông minh đa dạng liên quan đến việc lựa chọn thời gian rảnh rỗi. Một cặp tranh luận nên dành kỳ nghỉ cuối tuần để đọc sách (sự lựa chọn về ngôn ngữ) hay đi dạo trong rừng (sở thích vận động). Một cặp khác không thể quyết định nên sử dụng thời gian rảnh rỗi buổi tối như thế nào. Người chồng muốn đi dự tiệc của người bạn (tương tác cá nhân) trong khi người vợ lại muốn đi xem phim (không gian).

Các cặp vợ chồng hạnh phúc tìm được cách dung hòa sở thích khác biệt của nhau. Một phương pháp là thay đổi hoạt động hàng ngày hoặc hàng tuần. Trong một cuộc điều tra 87 cặp vợ chồng đã chung sống với nhau 15 năm hoặc lâu hơn, một người tham gia kể lại: “Trong các kỳ nghỉ, Tony thích nghỉ ngơi còn tôi thì muốn đi đây đi đó. Vì thế một mùa hè chúng tôi đi du lịch khắp nơi, đến mùa hè năm sau chúng tôi thuê một ngôi nhà và ở đó ngắm phong cảnh”. Một trong những cặp nổi tiếng nhất và gắn bó lâu dài nhất, Paul Newman và Joanne Woodward, lại có thú tiêu khiển khác: ông thích đua ô tô còn bà thích ba lê. Vì thế, thỉnh thoảng ông đi xem ba lê, còn bà đôi khi đến trường đua.

Một cách khác để chọn thú tiêu khiển là tìm kiếm điểm tương đồng trong một hoạt động để tất cả các nhu cầu đều được đáp ứng. Ví dụ, một người thích vận động và một người yêu nhạc có thể tìm đến những hoạt động kết hợp hai kiểu tư duy này như: đi nhảy, vừa đi bộ vừa nghe nhạc bằng máy Walkman, tập thể dục thẩm mỹ theo nhạc hoặc chơi nhạc cụ. Tương tự như vậy, một người có khả năng về ngôn ngữ và người bạn đời có khiếu không gian có thể dành thời gian rảnh để cùng xem sách ảnh, đi thăm viện bảo tàng nghệ thuật, tham gia buổi thuyết trình bằng slide về các lĩnh vực cả hai cùng yêu thích, hoặc các hoạt động có sự kết hợp từ ngữ và hình ảnh.

Nếu bạn thấy mình và người bạn đời có sự đối lập gay gắt về sở thích, bài tập tiếp theo có thể giúp bạn nhận thức đúng đắn hơn về cách thể hiện các kỹ năng ưa thích của người bạn đời, từ đó dẫn tới sáng tạo thêm nhiều cách để hai người dành thời gian bên nhau.

Một ngày học hỏi

Dành ra một ngày hoặc một buổi cùng người bạn đời tham dự các hoạt động giải trí gắn với các kỹ năng thế mạnh hoặc yêu thích của anh ấy/cô ấy. Để anh ấy/cô ấy lựa chọn các hoạt động, các vật dụng cần thiết, thời gian, cách thức tiến hành trong suốt cả ngày. Nếu anh ấy/cô ấy là người có khiếu không gian, có nghĩa các bạn sẽ cùng nhau làm những việc liên quan đến hội họa, xem tranh, đi xem phim, chia sẻ những môn nghệ thuật yêu thích hoặc đi chụp ảnh. Cuối ngày, cùng nhau trò chuyện về những trải nghiệm của bạn, bạn thích gì, không thích gì, những gì bạn muốn làm lại lần nữa. Sau đó, lên kế hoạch, như thế các bạn có thể đổi vai và lập kế hoạch cho một kỳ nghỉ của hai người dựa trên những mặt mạnh hoặc yêu thích của bạn và cả anh ấy/cô ấy.

Điều chỉnh các quy ước trong gia đình

Sau khi tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi thú vị, một cặp vợ chồng vẫn phải trở về nhà đối mặt với những việc vặt hàng ngày. Cách họ giải quyết những công việc này có thể quyết định tình trạng mối quan hệ của họ. Arlie Hochschild, Giáo sư Xã hội học của trường Đại học California, Berkeley, cho rằng hạnh phúc nhất là những gia đình trong đó vợ chồng cùng chia sẻ việc nhà, còn bất hạnh nhất là những gia đình trong đó người phụ nữ phải cáng đáng tất cả hoặc phần lớn các công việc vặt. Vì vậy, khả năng phân chia trách nhiệm một cách hợp lý, trong đó mỗi người có cơ hội tận dụng tối đa những khả năng thế mạnh của mình, là rất quan trọng. Bảng dưới đây sẽ đưa ra những việc vặt trong gia đình phù hợp với từng hình thức thông minh cụ thể:

Ngôn ngữ: Quan hệ thư từ, gọi điện

Logic toán học: Thanh toán hóa đơn, thu hồi thuế ngân hàng

Vận động cơ thể: Nấu ăn, lau dọn, làm vườn, chăm sóc vật nuôi

Không gian: Sửa chửa máy móc, đổi mới, trang trí nhà cửa

Tương tác cá nhân: Mua sắm, giao dịch với người cung cấp dịch vụ, chăm sóc con cái

Nội tâm: Đặt ra mục tiêu cho gia đình

Trong nhiều trường hợp bạn sẽ không phải tranh luận quá nhiều về những công việc cụ thể bởi vì việc ai là người thích hợp nhất để làm một nhiệm vụ nào sẽ trở nên rõ ràng, đặc biệt sau khi đọc cuốn sách này. Ví dụ, lúc này vợ chồng tôi đang trang trí và tô điểm ngôi nhà của mình. Tôi biết sự hạn chế về thẩm mỹ của mình và cảm thấy vui vẻ khi để vợ đảm nhận phần lớn trách nhiệm trong lĩnh vực này. Tương tự như vậy, những cặp vợ chồng trong các cuộc hội thảo của tôi thường nói rằng họ ít gặp vấn đề trong việc quyết định xem ai sẽ thanh toán hóa đơn – dường như luôn luôn có một người có khả năng về toán học và logic tốt hơn người kia. Tuy nhiên, cuối cùng khi đến những mục như cọ nhà vệ sinh và đổ rác thì dường như không có ai sẵn sàng đảm nhận, thậm chí đối với cả những người yêu thích vận động nhất. Trong trường hợp này, bạn sẽ phải phân chia công việc ở mức hợp lý nhất.

Cho dù bạn đang phải vật lộn để thích ứng với những thú tiêu khiển yêu thích của người bạn đời, tập quán trong gia đình hoặc một vài khía cạnh khác của mối quan hệ, thì tôn trọng cách làm việc và những điểm riêng của người bạn đời là rất quan trọng. Đó là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình tìm kiếm cách điều chỉnh những sự khác biệt về khả năng trong gia đình. Bài tập cuối cùng trong cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn một vài ứng dụng thực tế để làm được điều này.

Cách thức giải quyết vấn đề

Chọn một vấn đề bạn luôn phải đối mặt trong mối quan hệ của mình như giao tiếp, mâu thuẫn về trách nhiệm gia đình, sự khác biệt về triết lý sống, về thái độ đối với công việc và sự nghỉ ngơi, những vấn đề với bạn bè, họ hàng hoặc những khó khăn khác. Viết vấn đề đó ra một tờ giấy. Sau đó dành ba mươi phút suy nghĩ những hướng mà vấn đề này có thể liên quan đến sự khác biệt về khả năng tư duy của các bạn. Ví dụ, vấn đề giữ gìn nhà cửa sạch sẽ có thể liên hệ tới một người có khiếu không gian và với anh ấy/cô ấy cách sắp xếp đồ đạc là quan trọng nhất; trong khi người kia lại thích vận động hơn, với anh ấy/cô ấy, sự thoải mái là nhu cầu chủ đạo. Nếu bạn cho rằng sự khác biệt trong nhận thức có ảnh hưởng đến vấn đề này, hãy dành năm phút trong yên tĩnh để suy ngẫm về giá trị của những mặt mạnh trong vấn đề này cũng như những khả năng thế mạnh khác của anh ấy/cô ấy. Cuối cùng, xác định xem liệu khía cạnh được làm mới bằng cách nghĩ của anh ấy/cô ấy có tác động đến vấn đề cũ chút nào không. Nếu những cách giải quyết vấn đề xuất hiện trong tâm trí, hãy dành thời gian suy ngẫm, viết ra hoặc thảo luận về chúng.

Người ta cho rằng thiết lập mối quan hệ với một người khác là để trở nên mạnh hơn. Mỉa mai thay, dường như điều làm chúng ta cảm thấy khó chịu nhất về người bạn đời của mình lại là những phẩm chất mà chúng ta chưa nhận thức đầy đủ ở bản thân mình. Tôi nhớ tới một người bạn có tư duy logic đã bị thu hút bởi một cô gái hướng nội, những cảm nhận về cuộc sống của cô chính là điều anh ấy mong ước. Nhưng vì anh ấy không biết cách chấp nhận những cảm xúc bên trong bản thân mình, anh ấy đã bác bỏ phẩm chất đó ở bạn gái và mối quan hệ tan vỡ. Đa phần các bạn có thể nghĩ ra những ví dụ tương tự. Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta cần nhận biết và chấp nhận những khả năng của bản thân – kể cả những khả năng kém và ẩn giấu – để có thể thực sự chấp nhận chúng ở những người mà mình yêu quý.

Một khi chúng ta đã tạo được bước nhảy vọt và chấp nhận bản thân mình cũng như người khác, thì những khả năng của chúng ta và những tài năng riêng biệt của người bạn đời sẽ trở thành món quà cho mối quan hệ đó. Chúng ta phải học cách kết hợp những khả năng tư duy của mình để chúng trở nên mạnh hơn nhiều so với khi là những phần riêng biệt. Thay vì đề cập đến khả năng của người bạn đời như là một sự trái ngược hoặc mối đe dọa, chúng ta cần học cách để nhận ra rằng những kỹ năng ấy là một tài sản vô giá mà chúng ta có thể cần đến. Đây là tâm sự của một người vợ hạnh phúc: “Bạn có rất nhiều thời gian, năng lượng và tri thức, đó là điều kiện tốt để có thể xóa đi sự khác biệt với người bạn đời của mình”.

Bình luận