Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

7 Loại Hình Thông Minh

Chương 14. Những Loại Hình Thông Minh Mới

Tác giả: Seven kinds of smart

Trí thông minh thiên nhiên và hiện sinh

Kể từ lần xuất bản đầu tiên cuốn 7 loại hình thông minh, Giáo sư Howard Gardner của trường Đại học Havard, người khởi nguồn thuyết trí thông minh đa dạng đã thêm vào danh sách của mình một dạng trí thông minh – trí thông minh thiên nhiên – và bắt đầu đề cập đến khả năng có thêm một trí thông minh nữa là trí thông minh hiện sinh. Chương 14 mô tả hai loại trí thông minh mới này và đưa ra một vài ý tưởng để bạn có thể đánh giá và phát triển chúng trong cuộc sống của chính mình. Ở chương tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận xem Giáo sư Howard Gardner đã đưa ra hai loại thông minh này như thế nào và xem xét chi tiết những tiêu chí khác biệt được ông dùng để quyết định xem có nên đưa chúng vào danh sách hay không. Cuối cùng là những suy đoán của Giáo sư về khả năng có thêm những loại trí thông minh khác trong tương lai

Trí thông minh thiên nhiên

Theo Giáo sư Howard Gardner, người có trí thông minh thiên nhiên là người tinh thông trong việc nhận dạng và phân loại vô số chủng loại động thực vật trong môi trường. Đối với mỗi dạng trong bảy loại hình thông minh đầu tiên, có rất nhiều cách để thể hiện chúng ra thế giới bên ngoài. Có lẽ rõ rệt nhất, những người có cảm nhận về thiên nhiên bộc lộ trí thông minh “ngón tay cái xanh” của mình. Đó là sở trường của những người làm vườn, trồng cây cảnh, sáng tạo khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu, hay nói cách khác là thể hiện sự quan tâm tự nhiên của mình đối với thực vật. Ngược lại với họ là những người sống giữa những nơi cây cối lụi tàn. Có lẽ đó là do họ không có “khả năng học tập” đối với thế giới tự nhiên. Nếu vậy, tôi tin đó là tôi. Vợ tôi đã chuyển hết mọi cây cối ra khỏi phòng làm việc của tôi để chúng có cơ hội sinh tồn.

Tương tự như vậy, một người có thể có trí thông minh về động vật. Thật đáng ngạc nhiên khi một bác sỹ thú y có khả năng đặc biệt trong việc trấn tĩnh những con thú lồng lộn nhất. Trong cuốn sách An Anthropologist on Mars (Một nhà nhân chủng học trên sao Hỏa), Oliver Sack viết về Tempil Grandin, một phụ nữ bị coi là mắc chứng tự kỷ (gặp khó khăn về khả năng nội tâm cá nhân) nhưng là một thiên tài về động vật. Bà sử dụng sự hiểu biết tuyệt vời của mình về nhu cầu của lũ gia súc để thiết kế ra loại máy móc giúp trấn tĩnh chúng khi chúng bị đưa đến lò mổ. Và dù có người không động lòng trước công việc đó, vẫn có những người cấp tiến đối với quyền của động vật. Tôi tin rằng cháu gái tôi có trí thông minh này. Cô bé trở thành một “bác sỹ thú y” và bắt đầu thể hiện khuynh hướng là một nhà tự nhiên học kể từ khi nó lên sáu tuổi. Cô bé không chịu mặc quần áo có chất liệu làm từ động vật. Thay vì đòi quà sinh nhật, cô bé đề nghị hiến tặng chúng cho tổ chức bảo vệ quyền động vật như tổ chức Hòa bình xanh hay PETA. Cũng có những “thiên sứ trên mặt đất” hay những nhà sinh thái học. Họ thể hiện mối quan tâm đối với hệ sinh thái, giúp bảo vệ những khu rừng nhiệt đới, rặng san hô hay những vùng đất bị đe dọa khác.

Jane Goodall, một chuyên gia về loài tinh tinh, đã dành rất nhiều thời gian quan sát và ủng hộ sự phát triển của chúng trên toàn thế giới. Bà viết, hồi năm tuổi bà đã đi theo một con gà mái tới tận chuồng của nó. Bà muốn tìm hiểu trứng gà được sinh ra từ đâu nên đã trốn sau chuồng gà và kiên nhẫn đợi hơn bốn tiếng đồng hồ để quan sát. Gia đình bà không tìm thấy bà ở đâu đã quá tuyệt vọng đến nỗi phải gọi cảnh sát. Jane viết: “Cuối cùng, mẹ tôi trong khi đang lo lắng đi tìm tôi trong ánh hoàng hôn chợt nhìn thấy đứa con gái bé nhỏ hiếu động với đôi mắt sáng rực chạy băng qua cánh đồng, đầu tóc còn vương đầy rơm rạ. Thay vì la rầy, bà ngồi xuống bên cạnh và nghe tôi kể chuyện”.

Nguồn động viên từ họ hàng và người thân có thể có những đóng góp nhất định trong việc hình thành nên các nhà tự nhiên học, dù không phải luôn luôn là như vậy. Charles Darwin, có lẽ là nhà tự nhiên học nổi tiếng nhất, đã từng bị gia đình coi là tối dạ. Một lần, bố ông đã nói với ông: “Con chẳng quan tâm đến gì ngoài săn bắn, chó mèo và bắt chuột. Con là sự nhục nhã đối với gia đình và bản thân”. May thay, bố ông đã nhầm. Charles đã chuyển khả năng bắt chuột của mình sang những chủng loại khác (đánh dấu bởi chuyến du hành định mệnh đến đảo Galapagos năm ông hai mươi tuổi) và khiến chúng ta thay đổi cách nhìn về sự tiến hóa. Đôi khi cơ may xảy đến có thể định hình cuộc đời của một nhà tự nhiên học. E. o. Wilson, người hai lần đoạt giải Pulitzer và là tác giả cuốn tự truyện Naturalist (Nhà tự nhiên học), đã viết về niềm say mê của ông đối với thế giới động, thực vật kể từ khi bị tai nạn cướp đi đôi mắt. Không thể nhìn thấy xa hơn vài bước chân trước mặt, ông quyết định tập trung vào côn trùng như một lĩnh vực đặc biệt và đã trở thành một trong nhưng chuyên gia hàng đầu về loài kiến.

Hầu hết chúng ta khi hồi tưởng thời thơ ấu sẽ nhận ra thiên hướng thiên nhiên trong bản thân. Bạn có thể nhớ về những điều đặc biệt như sâu, bướm, thằn lằn, bọ cánh cứng, hoa cúc, hoa anh túc hay thậm chí là những đám mây. Trẻ con chính là những nhà tự nhiên học bẩm sinh. Tôi nhớ đã từng quan sát những con giun đào bới đất bẩn và ngắm nghía những vòng tròn nhỏ giúp chúng di chuyển, xem xét những ụ đất bẩn đó và thậm chí cắn chúng để xem bên trong có gì. Dưới đây là một vài câu hỏi giúp bạn kích thích trí nhớ về những trải nghiệm với thiên nhiên của thời thơ ấu.

_Tôi thích theo dấu chân lũ động vật và đoán xem chúng là loài gì.

_Tôi thích sưu tầm côn trùng vào chai lọ, ép lá cây vào sách và những bộ sưu tầm thiên nhiên khác.

_Tôi thích dành hầu hết thời gian để ở ngoài trời.

_Tôi thường lật những tảng đá lên khỏi mặt đất để khám phá những sinh vật sống ở phía dưới.

_Tôi rất yêu thích những đề tài về thiên nhiên ở trường.

_Tôi thường có sở thích làm bể nuôi cá, vườn ươm cây hoặc trang trại cho kiến.

_Tôi thích theo dõi thói quen hoặc tìm hiểu mọi thứ về lũ chim hay những động vật khác, ví dụ khi chúng xây tổ, móm mồi v.v…

_Khi lớn lên, tôi muốn trở thành một bác sỹ thú y, một người kiểm lâm, một nhà thực vật học hoặc làm một nghề nào đó liên quan đến thiên nhiên.

_Tôi tìm thấy niềm vui khi ngắm nhìn những hiện tượng của tự nhiên như mây, núi, cỏ cây và những dạng khác.

_Tôi nuôi nhiều con vật cưng và dành rất nhiều thời gian để chơi với chúng.

Điều thú vị là, Giáo sư Howard Gardner cho rằng, nếu một đứa trẻ lớn lên ở đô thị và không hề tiếp xúc với thế giới sinh vật tự nhiên thì nó có thể chuyển những yêu tố của một nhà tự nhiên học sang những đối tượng khác trong thành phố. Ví dụ như, thay vì có thể phân biệt được những loại hoa lá hay chim chóc, đứa trẻ sẽ sử dụng khả năng này để nhận biết được những loại vỏ đĩa nhạc, giày dép hay ô tô.

Khi trưởng thành, rất nhiều người trong chúng ta nhận ra rằng thế giới tự nhiên đã lùi vào quá khứ (trừ khi chúng ta trở thành bác sỹ thú y, người kiểm lâm hay nhà thực vật học). Những mối quan hệ, công việc, con cái và các trách nhiệm xã hội khác được đặt lên hàng đầu và đòi hỏi chúng ta phát triển những trí thông minh khác, dù đôi khi con cái có thể giúp chúng ta hồi tưởng về thế giới tự nhiên thông qua mối quan tâm của chúng. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đã tìm ra những cách khác nhau để đưa trí thông minh thiên nhiên vào cuộc sống, dù là thứ yếu, thông qua sở thích, mối quan tâm và các trò tiêu khiển. Sau đây là danh sách kiểm tra giúp bạn quyết định xem giờ đây khi đã trưởng thành, trí thông minh thiên nhiên chiếm vị trí như thế nào trong cuộc sống của bạn:

_Tôi có một mảnh vườn và thích dạo chơi loanh quanh trong đó.

_Tôi thích dành thời gian để đi du lịch, đi bộ hoặc chỉ dạo chơi trong thiên nhiên và tận hưởng thế giới muôn màu muôn sắc đó.

_Tôi tham gia các tổ chức tình nguyện sinh thái (ví dụ tổ chức Hòa bình xanh, Câu lạc bộ Sierra) để bảo vệ thiên nhiên khỏi sự phá hủy nặng nề hơn.

_Tôi thích nuôi nhiều loài vật trong nhà hơn là chỉ nuôi chó mèo cảnh.

_Tôi có sở thích liên quan đến thiên nhiên theo một cách nào đó (ví dụ: nhìn ngắm những chú chim hoặc sưu tập các loại bướm).

_Tôi đăng ký vào những lớp học về tự nhiên dành cho người lớn (thực vật học, động vật học và sinh thái học).

_Tôi thích đi thăm sở thú, bảo tàng lịch sử tự nhiên hoặc các nơi nghiên cứu thế giới tự nhiên khác.

_Tôi thích xem những chương trình về thế giới tự nhiên trên ti vi (ví dụ kênh Discovery, National Geographic Nova).

_Tôi thích đến những địa điểm tự nhiên như công viên, bãi cắm trại để nghỉ ngơi hơn là vào khách sạn, khu nghỉ mát hay những địa điểm khác trong thành phố.

_Tôi rất giỏi phân biệt sự khác nhau giữa các chủng loại chim, chó, cây cối và các loại động thực vật khác.

Sau khi làm những cuộc điều tra như vậy, có thể bạn vừa khám phá ra rằng khi còn bé bạn rất giống những nhà tự nhiên học (như hầu hết những đứa trẻ khác), nhưng khi lớn lên bạn đã để chúng lại phía sau, và điều này, theo triết gia Jean-Jacques Rousseau, bạn muốn rũ bỏ những thủ tục gò bó của xã hội để quay về với thiên nhiên. Hoặc có thể bạn khám phá ra rằng thực sự bạn không phải là một người thiên bẩm về tự nhiên, và có lẽ bạn muốn phát triển trí thông minh này trong cuộc sống? Sau đây là một vài ý tưởng giúp bạn có thêm trí thông minh thiên nhiên:

– Tìm hiểu thế giới tự nhiên trong chính sân vườn nhà bạn (côn trùng, chim chóc, cây cỏ, v.v…).

– Đề nghị con cái hoặc lũ trẻ hàng xóm chia sẻ với bạn những gì chúng biết về thế giới tự nhiên.

– Khám phá những trang web trên mạng liên quan đến thiên nhiên. Sử dụng dụng cụ tra cứu như Yahoo! Lycos hoặc Altar Vista rồi chọn từ tra cứu như “sinh thái học”, “tự nhiên”, “thực vật học”, “chim chóc”, v.v…).

– Xem qua danh mục ti vi trong tuần và ghi lại những chương trình về thế giới tự nhiên mà bạn muốn tìm hiểu (ví dụ: núi lửa, giông bão, động vật linh trưởng).

– Tham gia các hoạt động chính trị xã hội liên quan đến việc bảo tồn thiên nhiên (ví dụ: viết cho một vị đại biểu quốc hội về việc bảo vệ vùng đầm lầy ở địa phương, tham gia Câu lạc bộ Sierra, viết đơn thỉnh cầu bảo vệ những loài cây có giá trị lịch sử nơi bạn sinh sống có nguy cơ bị chặt đổ).

– Tìm một địa điểm trưng bày và nghiên cứu về thế giới tự nhiên (ví dụ: bảo tàng tự nhiên, vườn thú, công viên) và đều đặn đến đó tham dự các buổi giảng bài hay triển lãm nghiên cứu.

– Chọn một loài động vật hay thực vật nào đó (như bộ cánh cứng hoặc hoa súng) và nghiên cứu về nó, thông qua sách báo, Internet, những bài phỏng vấn các chuyên gia hoặc trực tiếp quan sát.

– Tạo thói quen làm vườn hoặc thưởng thức phong cảnh đẹp, nghiên cứu những phương diện mới về chúng (ví dụ như nghệ thuật chơi cây cảnh hoặc tạo dáng cây cảnh).

– Tình nguyện đưa lũ trẻ đi thăm quan thế giới tự nhiên để tìm hiểu thêm những khía cạnh mới (ví dụ: đóng vai trò những nhà trinh sát, nhà thám hiểm).

– Đặt mua một tờ tạp chí liên quan đến tự nhiên (ví dụ: tạp chí Địa lý tự nhiên) và đọc chúng đều đặn.

– Đọc tiểu sử và tự truyện của những nhà tự nhiên học nổi tiếng như cuốn tự truyện Naturalist (Những nhà tự nhiên học) của F. o. Wilson, cuốn My Life with the Chimpanzees (Cuộc sống của tôi với những chú tinh tinh) của Jane Goodall hoặc cuốn tiểu sử về George Washington Garver của Linda Me Murray.

– Đi cắm trại hoặc đi du lịch và dành thời gian quan sát thiên nhiên mỗi ngày.

– Liệt kê tất cả những loài động vật (bao gồm cả những loài chim) sống trong khu vực của bạn.

– Viết một cuốn nhật ký của nhà tự nhiên học, trong đó bạn ghi lại những quan sát, những câu hỏi về mọi khía cạnh khác nhau hoặc những tài nguyên bạn khám phá ra khi tìm hiểu thiên nhiên.

– Mua một bộ ống nhòm và kính lúp, một tuần một lần tới những vùng “hoang dã” xung quanh khu vực của bạn như công viên hay một khoảnh đất trống để khám phá thế giới tự nhiên.

Sau khi dành thời gian nghiên cứu thế giới tự nhiên, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng, bạn muốn trở thành một nhà tự nhiên học. Có rất nhiều nghề nghiệp liên quan tới loại hình thông minh của một nhà tự nhiên học, bao gồm: nông dân, nhà làm vườn, kỹ sư nông nghiệp, nhà thực vật học, bác sỹ thú y, nhà côn trùng học, nhà động vật học, nhân viên quản lý động thực vật, người kiểm lâm, người chế biến rượu, nhà sinh vật học về sự tiến hóa, nhà hải dương học, nhà điểu cầm học cũng như một loạt những nghề nghiệp nghiên cứu về môi trường sinh thái khác. Đặc biệt ngày nay, khi giới tự nhiên đang bị phá hủy trên phạm vi toàn thế giới bởi những tác động từ xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế, cần trông cậy vào những con người có những quan điểm mới mẻ, tôn trọng tự nhiên và có trách nhiệm quản lý hành tinh xanh này. Đưa dạng thông minh thiên nhiên vào danh sách của thuyết trí thông minh đa dạng giúp nhấn mạnh tầm quan trọng của những con người này đối với sự sống trong kỷ nguyên mới.

Trí thông minh hiện sinh

Howard Gardner đã bắt đầu đề cập đến khả năng xuất hiện trí thông minh thứ chín: trí thông minh hiện sinh. Cho dù một vài người có thể liên hệ loại trí thông minh mới này với bản viết trước Thế chiến II của Jean-Paul Sartre và Albert Camus, nhưng nó thực sự có rất ít mối quan hệ với bất kỳ hệ tư tưởng nào. Hơn thế, Gardner định nghĩa trí thông minh hiện sinh là trí thông minh liên quan tới các vấn đề cơ bản của cuộc sống. Những câu hỏi như: “Cuộc sống là gì?” “Ý nghĩa của nó là gì?” “Vì sao lại có quỷ dữ?” “Loài người sẽ tiến tới đâu?” và “Chúa có tồn tại hay không?” là những điểm khởi đầu mạnh mẽ cho một cuộc khai phá tầm nhận thức sâu sắc hơn. Giáo sư Gardner định nghĩa khả năng của trí thông minh hiện sinh gồm hai phần:

– Xác định bản thân tới những tầm xa nhất của vũ trụ – nơi tận cùng, vô tận.

– Xác định bản thân với những tính năng hiện hữu nhất của điều kiện con người – tầm quan trọng của cuộc sống, ý nghĩa của cái chết, số mệnh cuối cùng của thế giới vật chất, tinh thần, những trải nghiệm sâu sắc như là tình yêu của con người hoặc niềm đam mê nghệ thuật.

Gardner không đưa ra bất kỳ giả thuyết nào về câu trả lời cuối cùng cho những câu hỏi đó. Mặt khác, ông không cho rằng một số người có nhiều trí thông minh hiện sinh do họ đã tìm thấy một “chân lý cuối cùng”, trong khi những người khác kém hơn vì không tìm ra. Những người có trí thông minh hiện sinh có thể là nhà thần học, mục sư, giáo sỹ Do Thái, pháp sư, linh mục, thầy dạy Yoga, nhà sư và những thầy trưởng tế Hồi giáo. Mỗi người trong số họ có thể có những nhận thức khác nhau về bản chất của chân lý tuyệt đối. Nhưng cũng có những người theo thuyết bất khả tri, những triết gia theo phái hoài nghi, phái vô thần, phái châm chích, những người báng bổ hoặc những nhà dị giáo – những người thể hiện một trình độ cao hơn của trí thông minh hiện sinh bởi họ luôn cố xoay xở với những câu hỏi ở mức độ căng thẳng và phức tạp. Thêm vào đó, Giáo sư Gardner chỉ ra rằng đối với rất nhiều nghệ sỹ, nhà khoa học, nhà văn và sự nghiệp của các cá nhân khác, những trí thông minh khác đều liên quan và bị thu hút bởi mưu cầu sinh tồn. Một người được nghĩ đến ở đây là nghệ sỹ Vasily Kandinsky, tác giả cuốn Concerning the Spiritual in Art (Vấn đề tâm linh trong nghệ thuật), tranh luận về vấn đề: nghệ thuật cần phải khám phá tận cùng những điều thần bí và lớn lao; hoặc như nhà vật lý học J. Robert Oppenheimer đã trích dẫn một đoạn trong kinh của đạo Hindu cổ, Bhagavad Gita, về sự hủy diệt vũ trụ khi ông quan sát vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên (loại bom mà ông cũng có công nghiên cứu). Mối quan tâm của ông đối với “bụi phóng xạ” từ hậu quả của vụ nổ bom đã khiến ông mất niềm tin vào nước Mỹ và đặt ra câu hỏi về lòng trung thành của ông với chính phủ.

Cùng với những trí thông minh khác, trí thông minh hiện sinh bắt nguồn từ thời thơ ấu. Chưa bị ảnh hưởng bởi những rào cản về văn hóa như người lớn, trẻ con thường hay tò mò với những điều bí ẩn trong cuộc sống, liên tục hỏi những câu hỏi hóc búa khiến nhiều khi người lớn khó có thể trả lời. Trong cuốn The Radiant Child (Đứa trẻ chói sáng) tôi đã ghi chép theo trình tự thời gian rất nhiều cách trẻ con thể hiện sự thông minh đối với những vấn đề vượt xa tầm tuổi của chúng. Tôi đã mô tả những trải nghiệm bất thường của bọn trẻ, bao gồm những giấc mơ, những nhận thức siêu nhiên, những tình huống suýt chết, việc phải đối mặt với những điều bí hiểm, những cuộc chạm trán sống còn. Trong một nghiên cứu khảo sát trường Đại học Manchester, Oxford, Anh, tôi đã ghi lại ký ức của một người đàn ông về một sự kiện đã xảy ra đối với ông năm mươi năm trước.

Trong suốt năm tôi tám tuổi… khi tôi đã ăn mặc chỉnh tề để ra ngoài, chuẩn bị đi trên một trong những con đường làng dài lê thê và khủng khiếp, tôi thường nghĩ ngợi và băn khoăn về vị trí của mình, những điều tương tự như: “Mình là một cậu bé bảy tuổi, mình băn khoăn không biết tám năm trước mình ở đâu nhỉ?” Khi ý nghĩ khác thường ấy xuất hiện trong đầu, tôi đứng chôn chân trên tấm thảm (lúc đó tôi đang ở một mình trong phòng) và cảm giác một đợt sóng ghê rợn trườn qua cơ thể. Đột nhiên tôi cảm thấy già nua và thấy mình như một người nào đó rất cổ xưa, mang cả gánh nặng thời gian trên vai và không có một sự hiện hữu đặc biệt nào. Tám năm trước đây, tôi nghĩ, sao không phải là tám mươi hay tám trăm năm. Tôi thực sự cảm thấy già cỗi, thời gian đè nặng trên vai. Giờ đây, tất nhiên tôi không thể tìm được từ ngữ nào để diễn tả lại rõ ràng những ý nghĩ ấy. Tuy vậy, tôi vẫn nhớ khá rõ cảm giác lúc đó.

Hầu hết chúng ta vẫn nhớ cái thời trẻ con hay nằm nhìn lên bầu trời đầy sao và băn khoăn tự hỏi vũ trụ kia rộng lớn đến nhường nào (tôi nhớ rằng tôi đã phải tự dừng những suy nghĩ của mình lại rất nhiều lần vì đầu óc trở nên quá căng thẳng). Chúng ta có thể có những trải nghiệm đặc biệt về giới tự nhiên, nó khiến ta hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc sống. Hoặc chúng ta có thể đã từng làm phiền cha mẹ, thầy cô hoặc những người khác với những câu hỏi hóc búa về sự sống, về cái chết và nguyên nhân của tất cả những điều đó. Danh mục kiểm tra dưới đây có thể sẽ giúp bạn xem xét sự phát triển của trí thông minh hiện sinh của chính mình khi còn niên thiếu cũng như khi đã trưởng thành.

_Tôi thường nghĩ rất nhiều về sự sống, cái chết.

_Tôi thường bàn luận nghiêm túc với bố mẹ, các nhà chức trách tôn giáo hoặc những người khác về vấn đề tôn giáo, tinh thần hoặc triết học.

_Tôi có nhiều trải nghiệm đặc biệt trong tự nhiên – chúng giúp tôi thoát khỏi những bận tâm về cuộc sống hàng ngày để đến với những viễn cảnh sâu sắc hơn về vũ trụ.

_Tôi thường dành thời gian nghĩ ngợi về ý nghĩa của cuộc sống, về sự tồn tại, về chúa trời, về cái chết và những vấn đề khác của tồn tại.

_Khi còn nhỏ, tôi có những giấc mơ về bản chất của sự tồn tại, mục đích của cuộc sống, ý nghĩa của việc chúng ta tồn tại trên hành trình này và về những vấn đề to lớn tương tự.

_Tôi đã từng đối mặt với cái chết và nó khiến tôi nhìn cuộc sống theo cách hoàn toàn khác.

_Tôi cảm thấy mình khác với bạn bè bởi ám ảnh từ những câu hỏi về sự sống.

_Thời thanh niên tôi thường đọc rất nhiều sách triết học tôn giáo hoặc khoa học vũ trụ.

_Khi còn nhỏ, tôi có những trải nghiệm đặc biệt về siêu nhiên, huyền bí, tâm linh và những trải nghiệm bất thường mà không thể giải thích cho bất kỳ ai.

Thực tế của vấn đề ở đây là, rất nhiều đứa trẻ có những trải nghiệm về sự hiện sinh không thể chia sẻ với người lớn xung quanh, những người quá bận rộn với cuộc sống đời thường nên không thể quan tâm nhiều hay thực sự thấu hiểu chúng. Bởi vậy, nhiều trẻ đã quên hẳn những trải nghiệm này hoặc dập tắt chúng (một nhà tâm thần học liên tưởng tới “dập tắt những thăng hoa”). Ngược lại, bạn đã có thể tìm đến những cố vấn dày dặn kinh nghiệm trong giai đoạn trưởng thành – những bậc cha mẹ tâm lý, mục sư, giáo sỹ, thầy trưởng tế, linh mục, nhà lãnh đạo tinh thần hay những cá nhân không theo tôn giáo, nhà thông thái. Đó là những người thấu hiểu những gì bạn đang trải qua và tạo điều kiện thuận lợi để bạn tiếp tục phát triển vốn hiểu biết của mình với những câu hỏi lớn lao về cuộc sống. Hoặc có thể khi lớn lên bạn lãng quên những mối quan tâm này, nhưng rồi chúng sẽ trở lại với bạn khi cuộc sống có một biến động lớn (tai nạn, mất mát người thân, mất việc) hoặc bạn có con và mong muốn hướng dẫn chúng hay chỉ đơn giản là hé mở theo cách tự phát để khơi sâu những trải nghiệm, đưa những vấn đề về hiện sinh trở lại vị trí trung tâm trong những mối quan tâm của bạn. Đây là những điều giúp bạn đánh giá bản chất của những nhận thức hiện tại trong cuộc sống về chủ đề hiện sinh.

_Tôi thấy việc tham dự các hình thức thờ cúng hoặc học tập tại nhà thờ, giáo đường Do Thái, thánh đường tôn giáo, đền chùa hay các tổ chức tôn giáo, triết học rất có ý nghĩa.

_Tôi thường xuyên dành thời gian suy ngẫm những câu hỏi về sự sống và cái chết.

_Tôi đọc nhiều tài liệu (kinh thánh hoặc sách về tâm linh, triết học), nó giúp tôi suy nghĩ hoặc xem xét về sự tồn tại một cách sâu sắc hơn.

_Tôi thích bàn luận với mọi người về tôn giáo hoặc triết học.

_Tôi suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống nhiều hơn hầu hết những người khác.

_Tôi thể hiện cảm xúc và ý tưởng của mình về những chủ đề tâm linh, triết học hoặc sự tồn tại qua các bài viết, sách báo, nghiên cứu, công tác hoặc những phương diện khác của công việc sáng tạo.

_Tôi thường xuyên dành thời gian đến một nơi ẩn cư để suy ngẫm ý nghĩa của cuộc sống, về chúa trời hoặc những câu hỏi lớn khác về cuộc sống.

_Tôi từng có những trải nghiệm tâm linh hoặc triết lý, đặc biệt khi đã trưởng thành khiến tôi suy nghĩ về cuộc sống sâu sắc hơn.

_Tôi rất quan tâm đến những bộ phim, vở kịch hay những buổi biểu diễn về chủ đề tâm linh, triết lý, hiện sinh.

_Tôi đang có hoặc từng nghĩ đến một công việc cho phép tôi tập trung nghiên cứu những vấn đề về hiện sinh với những người khác.

Mỗi xã hội đều tạo ra một số cá nhân giúp định hướng vấn đề hiện sinh cho toàn thể cộng đồng. Đó là những nhà lãnh đạo tôn giáo chính thống của các học viện tôn giáo: giáo sỹ, mục sư, linh mục, giám mục, trưởng tế, giáo sỹ Do Thái và nhà sư. Trong giới nghiên cứu, như những nhà thần học, triết gia, giáo sư tôn giáo học, vấn đề hiện sinh được khám phá khoa học hơn. Có nhiều vai trò trong xã hội được giao phó cho những người thể hiện năng lực và trải nghiệm đặc biệt đối với những câu hỏi sâu sắc về cuộc sống, bao gồm pháp sư, thầy dạy Yoga, tù trưởng, thầy mo và thầy thuốc. Tuy nhiên, như Giáo sư Gardner đã chỉ ra, loại hình thông minh hiện sinh có thể áp dụng vào rất nhiều vai trò trong xã hội và có vẻ như liên kết chặt chẽ hơn với những trí thức khác, bao gồm nhà văn, nghệ sỹ và nhà khoa học. Có lẽ, trí thông minh hiện sinh mở rộng đối với mọi người hơn những loại trí thông minh khác bởi khả năng xâm nhập vào hầu hết mọi nghề nghiệp hay mọi phương diện của cuộc sống. Quả thật không dễ để phân tích ra thành những kỹ năng đặc biệt hay các yếu tố riêng lẻ như những trí thông minh khác, càng khó để liệt kê chính xác phải làm thế nào để phát triển nó. Cuộc sống thường mang đến cho chúng ta những điều không lường trước được, nó kích thích phần hiện sinh trong mỗi chúng ta. Tuy nhiên, có một số việc chúng ta có thể làm để tạo nên hoàn cảnh thuận lợi hoặc chuẩn bị trước một môi trường thích hợp cho việc nhận thức hiện sinh, và khi cuộc sống đặt ta trước những thử thách, chúng ta có thể tận dụng chúng một cách tốt nhất. Sau đây là một số gợi ý:

– Tham gia vào một số loại hình cầu nguyện, suy ngẫm, phản ánh, tự nghiên cứu hoặc tự rèn luyện tạo cho chúng ta không gian trong đó những vấn đề về hiện sinh có thể được đề cập và khám phá.

– Tham dự một số loại hình thờ cúng, học tập, sắp xếp trong nhóm hoặc phục vụ cộng đồng có liên quan đến tôn giáo, triết lý hay những ngữ cảnh hiện sinh khác.

– Đọc sách kinh thánh chứa đựng những tư tưởng cảm xúc hay tâm trạng hiện sinh (ví dụ: Kinh thánh của người Do Thái hoặc Đạo Cơ đốc, Koran, Đạo Nho, Đạo Đức Kinh…) hoặc sách triết học giúp khám phá ý nghĩa cuộc sống như: Man's Search for Meaning (Sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của con người) của Viktor Frankl hay Ethics (Đạo đức học) của Spinoza.

– Xem phim ảnh có chủ đề chính thể hiện những câu hỏi lớn của cuộc sống (ví dụ: Phục sinh, Mười điều răn, Những cuộc gặp gỡ với người kiệt xuất, Bản danh sách của Schindler).

– Giữ một cuốn nhật ký để ghi lại suy nghĩ của bạn về các câu hỏi hoặc ý tưởng triết học, tôn giáo, thẩm mỹ học hoặc những câu hỏi về hiện sinh khác.

– Thành lập một nhóm để đọc, nghiên cứu và thảo luận những câu hỏi lớn của cuộc sống.

– Nghe nhạc để tạo hứng thú khám phá các chủ đề về sự sống (ví dụ như: Ngẫu hứng về một đề tài bởi Thomas Tallis của Vaughn Williams, Khối gương B của Bach, Bản giao hưởng số chín của Beethoven hay lời bài hát từ bất kỳ truyền thống tôn giáo nào, sách phúc âm đương đại, nhạc hiện đại).

– Tham dự các buổi diễn thuyết, thuyết giáo, nói chuyện, trình diễn hoặc các sự kiện khác có sự tham gia của những cá nhân lỗi lạc đã cống hiến cuộc đời cho việc khám phá các vấn đề hiện sinh (như Dalai Lama, Billy Graham, Elie Wiesel).

– Chọn một khóa học về tôn giáo, triết học tại một trường đại học địa phương và trung tâm cộng đồng; hoặc khóa học về văn học, nghệ thuật, lịch sử và những môn học khác dạy về viễn cảnh tinh thần hay triết học.

– Tạo một khoảng không gian trong nhà của bạn hoặc ở ngoài thiên nhiên hay một nơi nào khác có thể làm “một bệ phóng” để sử dụng lối diễn đạt của Ram Dass, phát triển khả năng tư duy hiện sinh.

Quả thật khó xác định chính xác điều gì cần làm để phát triển khả năng tư duy hiện sinh nên cũng không dễ dàng đánh giá bạn đã phát triển tới mức độ nào. Như đã chỉ ra ở trên, phát triển tư duy hiện sinh không cần thiết phải theo một trật tự liên tiếp để vươn tới “chân lý tuyệt đối”. Chắc chắn, những nhóm và hệ thống tinh thần, tôn giáo khác nhau phát triển khả năng này theo các cách khác nhau và đích cuối cùng có thể là sự giác ngộ, ơn huệ thiên đường, sự cứu rỗi linh hồn hoặc sự thật. Tuy nhiên, vì chúng ta còn thiếu một định nghĩa tổng thể về vũ trụ nên hướng phát triển của khả năng tư duy hiện sinh vẫn chưa chắc chắn, và tốt nhất là mỗi người nên đi theo trực giác sâu xa nhất của mình về bí mật cuộc sống.

Bình luận