Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anh Chàng Mộ Bên

Chương 1

Tác giả: Katarina Mazetti

Ai chịu ở bên người quá cố,

Tận tình thu xếp các quyền lợi,

Cẩn thận lắng nghe từng vấn đề,

và tưới cây xanh cho bọn họ?

Các bạn coi chừng tôi đó nha!

Một thân một mình, thất vọng toàn tập, tôi là một cô nàng có đời sống tình cảm không được bình thường cho lắm, còn phải nói! Ai mà biết được kỳ trăng tròn sắp tới trong đầu tôi sẽ nghĩ ra chuyện gì?

Chắc các bạn cũng từng đọc Stephen King rồi ha?

Thì đây, tôi đang ngồi trước mộ đức ông chồng, trên một băng ghế nghĩa trang màu xanh ve chai đã được mài nhẵn bởi biết bao thế hệ bàn tọa, để trút mọi nỗi niềm vào tấm đá lát mộ của anh ta.

Đó là một phiến đá thô khiêm tốn và giản dị, khắc vỏn vẹn tên anh ta theo lối chân phương, Ӧrjan Wallin. Đơn giản đến vô cùng, đúng như con người anh ta. Và quả thực đó là sự lựa chọn của chồng tôi, theo như những chỉ dẫn anh ta để lại trong bản hợp đồng hậu sự ký với trại hòm Fonus.

Thế mới ức. Ý tôi là, anh ta thậm chí chẳng có bệnh hoạn gì.

Tôi biết chính xác điều anh ta muốn nói thông qua tấm bia đá này: Cái chết là một Yếu tố Hoàn toàn Tự nhiên của Quá trình Sống. Anh ta là nhà sinh vật học mà.

Cám ơn anh nhé, Ӧrjan.

Mỗi tuần tôi đều tới đây nhiều lần, vào giờ nghỉ trưa, trong đó ít nhất một lượt vào cuối tuần. Nếu trời đổ mưa, tôi sẽ lôi từ trong cái xắc xinh xẻo của mình ra một tấm áo mưa bằng nilông. Tôi tìm thấy nó trong tủ của mẹ tôi. Trông nó thật tởm!

Ở nghĩa trang này nhiều người mặc cùng loại áo mưa giống tôi.

Mỗi lần đến đây, tôi ở lại ít nhất một giờ rồi mới ra về, trong hy vọng sẽ khơi lên được chút sầu thương sau muôn vàn nỗ lực. Có thể nói, tôi sẽ đỡ khó chịu hơn nhiều nếu cảm thấy đau khổ, nếu tôi có thể khóc ướt đẫm một đống khăn tay trên băng ghế này, mà không phải tự kiểm điểm mình để xem chỗ nước mắt đó là thật lòng hay giả dối.

Sự thực đáng buồn là, hết phân nửa thời gian tôi dùng để giận anh ta. Cái đồ ích kỷ, lẽ ra anh ta phải cẩn thận hơn khi trèo lên chiếc xe đạp của mình chứ. Chỗ thời gian còn lại, tôi cảm thấy giống như một đứa trẻ con khi chú chim hoàng yến già nua ốm yếu của nó trút hơi thở cuối cùng. Thật đấy, tôi thề.

Điều mà tôi thiếu, đó là sự đồng hành bền bỉ của anh ta và nếp sống hàng ngày của chúng tôi. Còn đâu tiếng lật báo sột soạt trên xa lông cạnh tôi, còn đâu mùi cà phê khi tôi bước chân vào nhà, và kệ để giày sẽ nom như cái cây mùa đông trụi lủi vì thiếu những đôi giày, đôi ủng của Ӧrjan.

Nếu tôi không điền được ô chữ “Tên của thần mặt trời, gồm hai từ”, tôi phải tự vắt óc ra, hoặc nhảy sang ô khác.

Nửa kia của chiếc giường chẳng bao giờ còn nhàu nhĩ nữa.

Không còn ai hỏi lý do tại sao không thấy tôi về nhà, nếu như không may tôi bị một chiếc xe hơi đâm phải.

Và cũng chẳng có ai giật nước bồn cầu ngoài tôi.

Thế đấy, tôi ngồi đây trên một băng ghế nghĩa trang và tiếc nuối tiếng giật nước. Ông có thấy quái dị chưa, hả ông Stephen King?

Có điều gì đó ở nghĩa trang này luôn khiến tôi trở thành một cây hài độc thoại nham nhở hạng bét. Dồn nén lại và phun ra hàng tràng chữ nghĩa. Ít ra tôi cũng còn có được điều đó. Những ức chế đó gần như là tất cả những gì tôi có thể để giết thời gian.

Lúc còn Ӧrjan thì tôi biết tôi là ai, rõ như ban ngày. Chúng tôi tự định nghĩa nhau. Chẳng phải đó là công dụng của những mối quan hệ đôi lứa hay sao?

Thế nhưng bây giờ, tôi là ai mới được?

Một con mụ sẵn sàng tự nộp mạng cho bất kỳ người nào tình cờ trông thấy. Đối với những người này, tôi là một nữ cử tri, đối với những người khác, tôi là một khách bộ hành, một người làm công ăn lương, một người hưởng thụ văn hóa, là nguồn nhân lực, hoặc là chủ hộ.

Hoặc chỉ đơn giản là một tổ hợp của những sợi tóc chẻ ngọn, mớ băng vệ sinh phải dùng định kỳ và làn da khô.

Nhưng đương nhiên tôi vẫn có thể tiếp tục dùng Ӧrjan để tự định nghĩa bản thân. Từ dưới mồ anh ta vẫn giúp được tôi trong chuyện này. Nếu Ӧrjan chưa từng tồn tại, không chừng người ta xếp tôi vào loại “gái già”, “băm vài nhát” – đọc được mấy chữ này trong một tạp chí ngày hôm qua, lông tóc tôi dựng hết cả lên. Nhưng thay vào đó, tôi là một “gái góa đương xoan, không vướng bận con cái”. Bi kịch quá, mà cũng bất công nữa! Phải, tôi cám ơn anh, Ӧrjan. Cám ơn thật lòng!

Đâu đó trong tôi cũng phảng phất một chút xíu cảm giác tan vỡ. Chỉ có điều là, tôi thất vọng vì Ӧrjan lại đi chết một cách ngớ ngẩn như thế.

Chúng tôi đã hoạch định sẵn cho tương lai ngắn hạn cũng như dài hạn cả rồi! Những dịp đi chèo thuyền kayak ở Vӓrmland, rồi thì mỗi người một khoản hưu trí xông xênh.

Mà chắc Ӧrjan cũng thất vọng lắm chứ. Tất cả những giờ học thái cực quyền, chỗ khoai tây hữu cơ và chất béo không bão hòa ấy, rốt cuộc chúng đem lại lợi lộc gì?

Cây hài hạng bét thầm hỏi và nhếch mép khoe mấy chiếc răng cửa vàng ệch.

Đôi khi phải nói thẳng là tôi thấy tức giận thay cho anh ta. Thật là bất công, Ӧrjan! Anh đâu có làm hại ai, anh giỏi giang thế kia mà!

Thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy nhột nhạt một chút ở chỗ giữa hai chân, sau năm tháng ròng chăn đơn gối chiếc. Nó khiến tôi lo mình bị mắc chứng ái tử thi.

Bên cạnh phiến đá lát mộ của Ӧrjan là một tấm bia đá xấu kinh, đúng, phải nói thẳng là rẻ tiền! Đá cẩm thạch trắng, khắc chữ vàng cùng với nào thiên thần, nào hoa hồng, nào chim chóc, những xâu tiền, thậm chí có cả một cái đầu lâu nhỏ và lưỡi hái. Mộ phần được phủ đầy cây xanh, phải nói là cả một vườn ươm. Có một cái tên đàn ông, và một cái tên phụ nữ với sinh nhật gần nhau. Bảo đảm đây là sự tôn vinh có phần quá đà của một đứa con dành cho song thân của mình.

Cách đây vài tuần, lần đầu tiên tôi nhìn thấy tác giả của tấm bia quái dị kia. Đó là một anh chàng trạc tuổi tôi, trong chiếc áo khoác kệch cỡm và cái mũ lưỡi trai có hai miếng che tai. Cái mũ có phần lưỡi trai gồ lên theo kiểu Mỹ, trên mũ thêu chữ Hiệp hội Chủ Rừng. Anh ta lúi húi xới đất và quét tước bồn hoa.

Quanh phiến đá của Ӧrjan không trồng gì cả. Chắc anh nghĩ một bụi hoa hồng nhỏ sẽ hoàn toàn lạc lõng, vì nó là loại thực vật không có chỗ đứng trong sinh cảnh nghĩa trang. Cơ mà bác bán hoa ở trước cổng nghĩa trang lại không có cây dương kỳ thảo hay thúy cúc nào.

Anh chàng Chủ Rừng đều đặn đến đây mỗi vài ngày, vào giấc giữa trưa, lúc nào cũng khệ nệ mang theo cây mới và phân bón. Anh ta có vẻ tự hào như thể phần mộ kia là khu vườn thực vật của mình vậy.

Lần gần đây nhất, anh ta ngồi cạnh tôi trên băng ghế, hé mắt nhìn tôi, tuy chẳng nói nửa lời.

Anh ta tỏa ra một cái mùi ngồ ngộ và chỉ có ba ngón ở bàn tay trái.

Bình luận