Tôi cứ tưởng rằng tôi quá hiểu những phép màu.
Nghề của tôi đó thôi. Gieo và gặt cuộc sống.
Nhưng tôi không hề biết phép màu trốn nơi đâu.
Rình nấp phía sau lưng, nó thộp cổ tôi rồi.
Anita muốn chúng tôi đính hôn, với nhẫn nhiếc và những thứ khác.
– Chuyện đó là không thể, anh làm gì có ngón đeo nhẫn ở bàn tay trái! – Tôi thốt lên.
Nhưng rồi tôi thôi kiếm cớ. Cô ấy xứng đáng được đối xử công bằng.
Thình lình, vào một tối tháng Mười, nàng Tôm gọi điện thoại. Tôi vừa mới từ chuồng bò về nhà. Anita thì đang ở trong bếp rán thịt. Chiếc đài được vặn to hết cỡ. Tôi trèo lên phòng ngủ để nói chuyện.
– Anh nghe.
– Anh có thể đến nhà em được không? Ngay bây giờ. Không có gì nghiêm trọng đâu, chỉ có một chuyện em cần phải nói với anh.
– Bây giờ á? Tối nay thì không được rồi. Ngày mai được không?
Tôi cố tỏ ra bình thản, nhưng dĩ nhiên trong lòng tôi đâu được như thế. Tôi làm sao nhỉ? Xúc động chăng? Đầu dây bên kia im lặng một lúc.
– Không. Hoặc tối nay, hoặc không bao giờ. Nhưng em sẽ không trách nếu anh không đến. Không sao cả.
– Anh sẽ ở đó trong vòng nửa tiếng nữa.
Anita không hỏi tại sao tôi đột ngột ra thành phố. Nhưng chắc cô ấy cũng thắc mắc. Vì thường thì tôi đều cho cô ấy biết mình đi đâu.
Tôi không nghĩ ngợi gì trên đường đi, chỉ gõ nhịp ngón tay trên vô lăng để giải tỏa đầu óc.
Cô để cho tôi vào nhà với một khuôn mặt không có cảm xúc. Cô bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế xa lông êm ái khung sắt. Cô ấy bắt đầu trang điểm vì ai? Như thường lệ, cô mặc bộ trang phục màu nhạt, quần jean áo thun, nhưng lạ lùng là cô đi một đôi giày màu xanh kiểu dây da rất sang trọng.
Cô ngồi xuống đối diện với tôi, nom cô giống như đứa trẻ đang nhẩm đếm trong đầu trước khi nhảy xuống nước lạnh: mười, chín, tám, bảy, sáu… Sau một lúc im lặng, chúng tôi lên tiếng cùng lúc.
Chúng tôi bật cười, hơi ngượng một chút. Cô nhìn tôi, và tôi trộm nghĩ mình hiếm khi nào trông thấy cô ấy với một khuôn mặt trìu mến nhường này. Hơn nữa, tôi không nhớ cô ấy tỏ ra như thế thường xuyên.
– Em không thể đợi năm mươi năm, mặc dù em đã bày ra chuyện đó. Anh đừng lo. Em sẽ không gây rắc rối cho anh. Nhưng có một chuyện em muốn hỏi anh. Em không biết phải bắt đầu từ đâu.
– Em cứ tỏ ra vui vẻ một chút. Em vẫn hay làm như thế trong khi anh cố nghiêm túc mà! – Tôi nhận ra sự cay nghiệt trong câu nói của mình. Không cần phải thế, tôi cũng vậy kia mà. Tôi phải lựa lời sao cho dễ nghe mới được.
– Dạo này em có đọc thứ gì hay ho không? – Đó là một câu mào đầu cơ bản, nó thường xuyên được chúng tôi sử dụng để mở lời. Cô ấy đáp lại chữ gì đó nghe như là “Schopenhauer”, còn tôi thì đáp là “Đêm Giáng sinh của Fantomas”. Sau đó chúng tôi so sánh hai thứ. “Thế giới quan của Schopenhauer rất sâu sắc! – Phải, nhưng chiếc quần lót của Fantomas ngầu hơn…”. Những câu đối đáp qua lại như thế đã từng cứu chúng tôi hơn một lần, khi chúng tôi dò dẫm đi trên lớp băng mỏng. Và thỉnh thoảng chúng tôi thành công trong việc nói ra những thứ quan trọng bọc bằng lớp vỏ đùa cợt.
– Hôm nọ, em đọc được một bài báo nói về một nghiên cứu khoa học tại Pháp. Người ta để cho một nhóm đàn ông mặc áo ba lỗ sạch đi ngủ và thoải mái tiết mồ hôi. Sau đó, một nhóm phụ nữ sẽ hít ngửi những chiếc áo và chọn ra người họ thấy hấp dẫn nhất. Người ta phát hiện ra các phụ nữ đã chọn người có hệ miễn dịch bổ sung cho họ. Nói cách khác là, họ muốn con cái mình được khỏe mạnh.
– Thế ra hệ miễn dịch của anh làm em hứng thú á? Không phải nông trại sao?
– Ai mà biết?
Cô ấy lại im lặng một lúc và có vẻ như tiếp tục đếm: năm, bốn, ba, hai, một, nhảy!
– Đây là điều em muốn. Em đã luôn muốn nó, dù không rõ tại sao. Ý em là, em muốn có một đứa con với anh. Không, để em nói hết đã! Không phải em muốn mình bắt đầu lại. Em chỉ muốn làm cho cái đồng hồ sinh học trong em ngừng kêu, nếu không em sẽ chẳng làm được gì. Em muốn cho mấy cái trứng một cơ hội, dù chỉ là một cơ hội nhỏ nhoi. Thậm chí anh sẽ chẳng nhận thấy gì đâu.
– Em định đánh anh bất tỉnh rồi lạm dụng anh chắc? – Tôi phải thừa nhận mình đang há hốc mồm.
– Em định yêu cầu anh làm tình với em một lần nữa, chỉ một lần thôi. – Cô nói, mắt nhìn tôi đầy nghiêm túc. – Ngay tại đây, ngay bây giờ, trong khi chúng đang nhảy loi choi. Và phải là anh mới được. Hình như chỉ có anh mới khiến chúng nổi loạn như thế.
Tôi thấy cuộc đời mình trôi qua trước mắt, như người ta thường nói.
– Sau đó anh sẽ không cần nghe nhắc tới chúng nữa. Trừ phi anh muốn nghe, tất nhiên rồi. Nếu mọi chuyện không suôn sẻ, dĩ nhiên là nó sẽ không suôn sẻ rồi, thì ít ra em cũng đã thử, và em có thể thôi nghĩ đến nó, sau đó chúng ta mỗi người sẽ có hạnh phúc của riêng mình. – Cô nhìn vào chiếc nhẫn đính hôn Anita tặng tôi.
Tôi im thin thít.
– Dù sao thì, nó sẽ có một hệ miễn dịch kinh khủng. – Cô lẩm bẩm. – Không, em xin lỗi! Em chưa bao giờ nghiêm túc như lúc này. Em đã nghĩ mình sẽ để trống tên người cha trong giấy khai sinh. Đừng nói gì cả! Dĩ nhiên em chưa suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện. Và cũng còn các yếu tố khác cần phải cân nhắc, em biết, em biết mà! Chính vì vậy, em cho anh đúng một giờ để anh suy nghĩ. Em sẽ đi dạo một vòng trong lúc đó.
Cô đứng bật dậy, vớ lấy chiếc túi vải và bước ra cửa.
– Nếu anh không còn ở đây khi em quay về, em sẽ hiểu. Ít nhất em đã làm mọi điều có thể, và chúng sẽ phải nhảy loi choi vì một người khác… Dù sao thì, em sẽ nhớ về anh như người bạn chơi tốt nhất. Mặc dù em không nghĩ về anh thường xuyên.
Cô bước ra khỏi cửa trước khi tôi kịp phản ứng.
Có lẽ nom tôi giống con bò ở lò mổ trong khi tay đồ tể sạc khẩu súng chích điện.
Tôi đánh mắt nhìn quanh phòng. Tấm áp phích với cặp đôi trong vỏ sò đã biến mất. Thay vào chỗ của nó là một bức tranh màu nước vẽ vách đá trên bờ biển, và tấm ảnh phóng to chụp một bức tượng bà mẹ với đàn con vây quanh.
Nếu tôi chấp nhận lời đề nghị điên rồ này, tôi sẽ đối xử với Anita hệt như tay Robertino đã làm đối với Märta. Không thể thế được.
Tôi mất năm mươi chín phút ngồi mút mấy khớp tay cụt. Sau đó tôi rút phích cắm của bộ não và chuyển sang chế độ vận hành tự động.
Cô vứt chiếc túi ở cửa và lao nhanh vào phòng. Thoạt đầu, cô không nhìn thấy tôi, vì trời đã tối hẳn và tôi ngồi trong bóng tối. Rồi cô bật bóng đèn trần, nhìn thấy tôi, và bắt đầu khóc, làm nhòe nhoẹt cả lớp mascara.
– Ồ, không! Em đừng tưởng em quyết định tất cả chuyện này. Anh cũng có những điều kiện của mình. Đầu tiên, em phải quên ngay vụ khai sinh không có bố. Anh không đời nào để cho em tự mình nuôi đứa bé! Em sẽ biến con anh thành một tay tiến sĩ chuyên nghiên cứu những ngôn ngữ đã chết. Thứ hai, anh muốn có ba lần thử, trong truyện cổ tích bao giờ cũng thế. Anh sẽ quay lại hai lần nữa, ngày mai và ngày kia. Và em sẽ không ngủ với bất cứ ai khác trong ba ngày này, dĩ nhiên anh cũng vậy. Sau lần thứ ba, anh sẽ quay về nhà anh, còn em sẽ ở lại đây, và chúng ta sẽ không liên lạc với nhau cho đến khi em gọi điện. Lúc đó hoặc là em đến ngày đèn đỏ, hoặc là có kết quả thử thai.
– Dù sao thì cũng chỉ có một phần năm cơ hội. – Cô nấc lên.
– Anh biết chứ, với lũ bò sữa, nhiều khi rất khó để thực hiện gieo tinh thành công. – Tôi phải khó nhọc lắm mới nói nổi, giọng tôi lạc hẳn đi. – Nhưng bọn anh đâu có đẩy nó vào lò mổ nếu nó không đậu thai. Còn ngược lại, anh sẽ cho nó nghe giọng bè một của bài Hosanna. Nếu chuyện này không thành, anh hứa sẽ sống hạnh phúc mà không cần có em, và mỗi khi đến thư viện anh sẽ ghé qua hỏi thăm em đàng hoàng. Em cũng biết là anh không tới đó thường xuyên mà.
Chúng tôi siết tay nhau và bước vào căn phòng màu trắng của cô ấy.
Mô tả sự việc xảy ra như thế nào là một điều không thể, ít ra không phải khía cạnh này của giải Nobel văn chương.
Khi tôi có nhận thức trở lại, tôi biết mình còn hai lần thử. Trong truyện cổ tích, người ta luôn thất bại ở hai lần đầu. Thế rồi một ông Bụt râu tóc bạc phơ xuất hiện và cho họ biết câu thần chú.
Tôi sẽ chống mắt xem ông ta thần thánh cỡ nào.