Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Annabelle – Người Phụ Nữ Tuyệt Vời

Chương 1

Tác giả: Danielle Steel

Sáng ngày 14 tháng 4 năm 1912, Annabelle Worthington ngồi lặng lẽ đọc sách trong thư viện tại ngôi nhà của bố mẹ, thư viện nhìn ra khu vườn rộng có tường bao bọc. Mùa xuân đã bắt đầu báo hiệu khắp nơi, thợ làm vườn đã trồng hoa, mọi thứ đều có vẻ đẹp đẽ để chờ đợi ngày về của bố mẹ nàng trong vài hôm nữa. Ngôi nhà nàng ở với bố mẹ và anh trai Robert rộng lớn, uy nghiêm, nằm ở đoạn đường phía bắc của Đại lộ 5 ở New York. Gia đình Worthington và gia đình Sinclair có bà con thân thuộc với dòng họ Vaderbilt và Astor, gián tiếp có quan hệ với tất cả những gia đình nổi tiếng nhất ở New York. Bố nàng, Arthur, chủ một ngân hàng có uy tín nhất trong thành phố và hiện đang điều hành ngân hàng này. Gia đình ông làm ngân hàng từ nhiều thế hệ nay, cũng như gia đình của mẹ nàng đã làm ngân hàng tại Boston. Anh Robert của nàng 24 tuổi, làm việc cho bố nàng đã ba năm rồi. Và dĩ nhiên khi nào Arthur về hưu, Robert sẽ thay ông điều khiển ngân hàng của gia đình; tương lai của họ rất tươi sáng, bảo đảm và bình an. Annabelle sẽ được sống một cuộc sống thoải mái dưới sự che chở của gia đình.

Bố mẹ nàng yêu nhau, nàng và Robert luôn luôn gần bên nhau, đi đâu đều có nhau. Không có gì có thể làm cho họ buồn rầu, bối rối. Nếu có chuyện gì rắc rối nho nhỏ xảy ra, họ sẽ tìm cách giải quyết ngay. Annabelle lớn lên trong thế giới vàng son, thiêng liêng, có thời thơ ấu hạnh phúc, sống giữa những con người tốt bụng đáng yêu. Mấy tháng vừa qua, cuộc sống của nàng rất sôi động, mặc dù có vài chuyện buồn bực xen vào. Trong tháng mười hai, trước lễ Giáng sinh, nàng được bố mẹ tổ chức một buổi dạ vũ sang trọng để giới thiệu nàng với xã hội thượng lưu. Đấy là lễ ra mắt của nàng, mọi người đều cho rằng đây là buổi dạ vũ tuyệt vời nhất, sang trọng nhất ở New York từ nhiều năm nay. Mẹ nàng thích tổ chức những buổi tiệc lớn. Phòng khiêu vũ trong nhà tuyệt đẹp có ban nhạc hay nhất trong thành phố được mọi người hâm mộ. Bốn trăm người đến dự, và cái áo dạ hội làm cho Annabelle giống như nàng công chúa trong chuyện thần tiên.

Annabelle nhỏ nhắn, xinh đẹp, mảnh mai, nhỏ hơn cả mẹ. Tóc nàng vàng, mái tóc mịn như nhung và hai mắt to, xanh biếc. Tay chân nàng nhỏ và dáng người cân đối, hoàn hảo. Hồi còn ấu thơ, bố nàng thường nói nàng như con búp bê bằng sứ. Đến năm mười tám, thân hình nàng phát triển đều đặn, xinh đẹp, duyên dáng. Cái gì nơi nàng cũng toát ra vẻ quí phái, yếu tố mà nàng thừa hưởng được của tổ tiên.

Tiếp theo buổi dạ vũ, gia đình cùng vui hưởng lễ Giáng sinh, và sau những buổi tiệc tưng bừng, sau những đêm đi chơi với anh trai và bố mẹ trong chiếc áo dài dạ hội mỏng manh trong thời tiết mùa đông, vào tuần đầu của tháng giêng, Annabelle đã bị cảm cúm nặng. Rồi bệnh cảm cúm vừa khỏi, nàng lại bị viêm phế quản và sau đó gần chuyển sang viêm phổi, khiến cho bố mẹ nàng hết sức lo lắng. May thay, nhờ tuổi trẻ và có sức khỏe tốt, nàng đã vượt qua cơn bệnh, nhanh chóng bình phục. Nhưng nàng vẫn còn sốt về lúc chiều tối gần suốt một tháng. Bác sĩ gia đình quyết định rằng nàng không nên đi chơi xa trong tình trạng sức khỏe còn yếu như vậy. Bố mẹ nàng và Robert có kế hoạch đi du lịch sang châu Âu để thăm bạn bè hàng tháng trời. Vào giữa tháng hai, khi họ đáp tàu thủy Mauretania để đi thì Annabelle đang trong thời gian dưỡng bệnh. Trước kia nàng đã cùng đi với họ trên chiếc tàu này nhiều lần rồi và lần này mẹ nàng muốn ở nhà với nàng, nhưng đến khi sắp khởi hành, Annabelle đã khỏe nhiều, nên họ yên tâm để nàng ở nhà một mình. Nàng nhất quyết nói rằng mẹ không nên bỏ chuyến đi mà bà đã mong đợi từ lâu. Họ rất buồn khi để nàng ở nhà một mình và Annabelle rất thất vọng vì không thể đi với gia đình. Tuy nàng thừa nhận khi gia đình ra đi nàng đã cảm thấy khỏe nhiều, nhưng nàng vẫn nghĩ rằng mình không đủ sức để đi du lịch ra nước ngoài lâu đến vậy. Nàng cam đoan với bà Consuelo, mẹ nàng, rằng nàng sẽ coi sóc nhà cửa trong khi họ đi vắng. Họ hoàn toàn tin tưởng vào nàng.

Annabelle không phải kiểu con gái mà bố mẹ phải bỏ công lo lắng, hoặc lợi dụng bố mẹ đi vắng để rong chơi thỏa thích. Bố mẹ nàng rất buồn vì nàng không cùng đi với họ, cũng như Annabelle buồn vì không đi được với gia đình. Khi nàng nhìn họ lên đường ở bến tàu Cunard vào tháng hai, nàng rất vui vẻ, nhưng khi về nhà nàng cảm thấy hơi lạc lỏng. Nàng bèn chúi mũi vào việc đọc sách và làm việc nhà để vui lòng mẹ, vì mẹ nàng có kế hoạch làm nhiều việc trong nhà. Nàng rất thích công việc thêu thùa, thường bỏ ra hàng giờ để khâu những tấm khăn bàn và vải trải giường rất đẹp. Nàng không thích giao tiếp với nhiều người trong xã hội, nhưng cô bạn thân Hortense (tên gọi thân mật là Hortie) của nàng cứ đến thăm luôn. Hortense cũng bước đầu ra mắt xã hội thượng lưu trong năm đó, hai cô là bạn thân với nhau từ hồi còn nhỏ. Hortie đã có người yêu, Annabelle cá với bạn rằng thế nào James cũng cầu hôn với cô vào lễ Phục sinh. Nàng đã nói đúng, hóa ra hai người ấy đã công bố việc đính hôn của họ vào tuần trước. Annabelle nôn nóng muốn báo cho mẹ biết tin này và bà cũng sắp về nhà. Họ đã đáp chuyến tàu thủy mới để về từ Southampton bốn ngày rồi và theo lịch trình, họ sẽ đến nơi vào ngày mười bảy tháng tư.

Vắng bố mẹ và anh trai suốt hai tháng trời nên Annabelle rất nhớ họ. Nhưng việc họ đi vắng giúp nàng có cơ hội lấy lại sức khỏe và có thì giờ để đọc rất nhiều sách. Sau khi đã làm xong những công việc lặt vặt trong nhà, nàng dành cả buổi chiều và buổi tối để ngồi đọc sách trong thư viện của bố và suy ngẫm những điều trong sách. Sách nàng thích đọc nhất là những cuốn viết về các danh nhân và về khoa học. Nàng không quan tâm nhiều đến các tiểu thuyết mẹ thường đọc và lại càng ít quan tâm hơn những loại sách mà Hortense cho nàng mượn, vì nàng nghĩ loại sách ấy đề cập đến những vấn đề nhảm nhí. Annabelle là một thiếu nữ thông minh. Nhờ đọc sách nhiều nên nàng có nhiều chuyện để bàn bạc với anh trai và anh phải tự nhủ rằng nàng có kiến thức rộng khiến anh phải hổ thẹn với chính mình. Anh nàng tuy có đầu óc kinh doanh tài tình và có tinh thần trách nhiệm cao, nhưng vẫn thích những buổi tiệc tùng, thích vui chơi với bạn bè. Còn Annabelle tuy ngoài mặt cũng tỏ ra thích gặp mọi người, nhưng trong lòng nàng thích những việc nghiêm túc, thích đọc sách, nhất là sách viết về khoa học và thích được học hỏi. Trong nhà, nàng thích nhất là thư viện của bố, nàng có thể ngồi đọc sách ở đây nhiều giờ trong ngày.

Vào tôi ngày mười bốn, Annabelle đọc sách rất khuya, nên sáng mai ngủ dậy trưa, đây là việc bất thường đôi với nàng. Khi dậy, nàng đánh răng chải tóc, mặc áo dài rồi chậm rãi bước xuống lầu để ăn sáng. Khi xuống đến dưới, nàng ngạc nhiên thấy ngôi nhà yên lặng khác thường và nàng không thấy có gia nhân nào hết. Nàng bèn vào phòng để thức ăn, thấy nhiều người đang chúi mũi vào tờ báo. Thấy nàng, họ bèn vội xếp tờ báo lại. Nàng thấy bà Blanche, người quản gia trung thành của gia đình đang khóc. Bà ta rất nhạy cảm, chỉ nghe nói về con vật nào hay em bé nào gặp chuyện đau khổ là bà đã rơi nước mắt. Annabelle nghĩ chắc báo đăng một chuyện như thế, nên nàng cười và chào mọi người, nhưng William, cậu gia nhân trẻ bật khóc và bước ra khỏi phòng.

– Lạy Chúa, chuyện gì thế này? – Annabelle ngạc nhiên nhìn Blanche và hai cô giúp việc dưới quyền bà. Nàng thấy tất cả đang khóc và không biết tại sao, lòng nàng hồi hộp lo sợ. – Có chuyện gì thế? – Annabelle hỏi và tự nhiên đưa tay lấy tờ báo. Blanche ngần ngừ một lát rồi đưa cho nàng. Annabelle mở ra xem, hàng tít lớn trên trang đầu đập vào mắt nàng. Chiếc Titanic đã bị chìm trong đêm. Đây là tên chiếc tàu thủy mới ra lò mà bố mẹ và anh nàng đã đi từ Anh về. Mắt nàng mở to khi đọc nội dung ở dưới. Nội dung viết rất ít, chỉ nói rằng chiếc Titanic bị chìm, hành khách được đưa lên thuyền cứu hộ và chiếc Carpathia của hãng hàng hải White Star Line đã được phái đến hiện trường ngay. Bài báo không nói gì đến số thương vong hay số được cứu sống, mà chỉ nói rằng người ta tin với chiếc tàu lớn và mới như thế, hành khách sẽ được cứu sống kịp thời, hoàn toàn nhanh chóng. Bài báo cho biết chiếc tàu đã va phải một tảng băng lớn, và mặc dù người ta không tin chiếc tàu khổng lồ sẽ chìm, nhưng thực tế là nó đã chìm trong mấy giờ sau đó. Điều không nghĩ đến đã xảy ra.

Annabelle liền hành động ngay tức khắc, nàng bảo bà Blanche gọi tài xế đưa xe hơi đến ngay. Nàng vội chạy lên lầu để thay áo quần, vừa ra khỏi cửa phòng chứa thức ăn, nàng nói cho họ biết nàng phải đến văn phòng của hãng tàu thủy White Star Line để hỏi tin tức về bố mẹ và anh trai. Nàng không nghĩ rằng hàng trăm người khác cũng đang làm như nàng.

Nàng vớ lấy chiếc áo dài bằng len xám và mặc lên người, tay run run khi mặc áo. Rồi mang vớ dài, đi giày, lấy áo khoác và cái xách tay, nàng chạy xuống lầu, không thèm kẹp tóc. Khi nàng chạy ra khỏi cửa trước, nàng đóng mạnh cửa, tóc bay phất phơ như một đứa bé. Mọi người trong nhà sững sờ như chực than khóc. Khi Thomas, tài xế của bố nàng đưa nàng đến hãng White Star Line nằm dưới chân khu Broadway, Annabelle cảm thấy lòng hoảng hốt lo sợ. Nàng thấy chú bé bán báo đứng nơi góc đường, miệng rao báo mới ra có tin hấp dẫn. Nàng bảo tài xế dừng xe, mua một tờ.

Báo đăng tin có một số người bị mất tích không biết danh tính, còn những người sống sót đã được tàu Carpathia đánh điện về hãng rồi. Annabelle khóc ròng khi đọc tin trên báo. Làm sao chuyện như thế này có thể xảy ra được? Đây là chiếc tàu lớn nhất, mới nhất kia mà. Nàng đã từng đi biển rồi, tại sao một chiếc tàu như Titanic lại có thể chìm đuợc? Số phận của bố mẹ nàng và nhiều người khác ra sao rồi?

Khi họ đến văn phòng của hãng tàu thủy White Star Line, đã có hàng trăm người đang chen lấn trước cửa, họ la hét đòi đi vào trong. Annabelle nghĩ thật khó để chen qua đám đông vào trong được. Nhờ người tài xế của bố nàng to lớn, nên anh ta giúp nàng đi vào được, nhưng cũng phải mất một giờ mới vào đến văn phòng. Nàng nói với người nhân viên ở đấy, bố mẹ nàng và anh trai nàng đi khoang hạng nhất trên tàu. Người nhân viên trẻ vội ghi tên nàng, trong khi những nhân viên khác đem danh sách những người sống sót ra dán lên tường ở bên ngoài. Danh sách những người sống sót được nhân viên truyền tin trên tàu Carpathia đánh về với sự phụ giúp của người phụ trách máy truyền tin trên tàu Titanic còn sống sót. Trên danh sách, người ta viết chữ in rất lớn rằng hiện danh sách người được cứu sống chưa đầy đủ, với hy vọng giúp nhiều người tin rằng thân nhân của họ còn sống.

Annabelle đưa tay run run lấy một tờ danh sách để xem. Nước mắt giàn giụa, nhưng nàng cũng cố đọc hết tên trên danh sách, mãi đến gần cuối nàng mới thấy một tên. Consuelo Worthington, hành khách ở khoang hạng nhất. Bố và anh trai nàng không có trên danh sách. Nàng cố giữ bình tĩnh, nhủ thầm rằng danh sách chưa đầy đủ. Trên danh sách chỉ có một ít tên mà thôi.

Annabelle trả lại tờ danh sách và hỏi người nhân viên:

– Khi nào mới biết tin những người khác?

– Chúng tôi hy vọng trong vài giờ nữa, – anh ta đáp. Những người đứng sau nàng la hét, gọi to hỏi chuyện. Nhiều người khóc, bàn luận, còn những người đứng ngoài tiếp tục chen lấn nhau để vào. Cảnh tượng thật ồn ào, hoảng loạn, mọi người đều lo sợ và thất vọng.

– Họ còn vớt người lên thuyền cứu hộ chứ? – Annabelle hỏi, nàng vẫn nuôi hy vọng. Ít ra nàng đã biết mẹ nàng còn sống, nhưng ai biết tình trạng của bà như thế nào. Nàng hy vọng bố và anh nàng cũng sẽ được cứu sống.

– Họ vớt người cuối cùng lên vào lúc tám giờ ba mươi sáng nay, người nhân viên đáp, mắt buồn rầu. Anh ta đã nghe nói về chuyện người bị nạn bơi trên mặt nước, la hét cầu cứu trước khi chết. Nhưng anh không nói chuyện này cho mọi người ở đây nghe và cũng không có can đảm nói cho họ biết số người mất tích lên đến hàng trăm và có lẽ lên đến hàng ngàn. Danh sách những người còn sống chỉ hơn sáu trăm, và chiếc Carpathia báo về nói rằng họ đã vớt được hơn bảy trăm, nhưng họ chưa có đầy đủ danh tính. Nếu đúng như thế, thì số hành khách và nhân viên trên tàu đã bị mất tích lên đến trên một ngàn người. Người nhân viên cũng không tin có chuyện như thế. Bỗng có người đàn ông dọa anh ta rằng, nếu anh không đưa cho ông tờ danh sách, ông sẽ đánh anh. Anh ta bèn đưa cho ông một tờ và nói một cách tội nghiệp:

– Trong vài giờ nữa, chúng tôi sẽ có thêm danh tính những người được cứu sống. Mọi người hoảng loạn, khiếp sợ, thất vọng trước cái thông tin trấn an này. Các nhân viên của hãng cố lách ra ngoài để dán lên tường những danh sách đã có. Annabelle và người tài xế đành quay ra ngoài, đến xe hơi để chờ tin mới. Thomas đề nghị đưa nàng về nhà, nhưng nàng cương quyết ở lại, đợi xem danh sách bổ sung trong vài giờ sắp tới. Nàng không muốn đi đâu hết.

Nàng ngồi yên lặng trong xe, chốc chốc lại nhắm mắt, nghĩ đến bố mẹ và anh trai, mong sao họ còn sống. Annabelle mừng vì trên danh sách những người sống sót có tên mẹ nàng. Nàng không ăn không uống cả ngày, mỗi giờ lại đến xem danh sách bổ sung. Đến năm giờ, người ta nói rằng danh sách những người sống sót đã đầy đủ, ngoại trừ vài em bé họ chưa xác định được danh tính. Nhưng những người được tàu Carpathia vớt đều có tên trong danh sách.

– Có ai được tàu khác vớt không? – Có người hỏi. Người nhân viên lắc đầu. Có những tàu khác vớt những thi thể trên mặt nước giá lạnh, nhưng chỉ có nhân viên tàu Carpathia mới cứu những người còn sống, hầu hết ở trên thuyền cứu sinh, chỉ có một số rất ít trên mặt nước. Hầu hết những người ở trong nước giá lạnh của Đại Tây Dương đều chết trước khi tàu Carpathia đến, vì tàu này đưa nhân viên cứu hộ đến hiện trường sau khi tàu Titanic chìm đã hai giờ. Thời gian ở trong nước lạnh quá lâu khó cho ai có thể sống sót được.

Annabelle đọc lại danh sách nhiều lần nữa. Có cả thảy 706 người còn sống sót. Nàng thấy có tên mẹ nhưng không thấy có tên Worthington nào nữa, không có Arthur, Robert cũng không. Nàng chỉ còn biết cầu sao có sự lầm lẫn ở đây. Có thể có sự sai sót, hay là họ bất tỉnh nên không nói tên mình cho nhân viên kiểm tra. Họ không có cách gì để hỏi thêm tin tức. Họ nói rằng tàu Carpathia sẽ đến New York trong vòng ba ngày nữa, vào ngày mười tám. Nàng cứ tin có sự sai lầm cho đến ngày hôm đó và mừng vì mẹ nàng còn sống. Nàng không tin bố và anh trai đã chết. Không thể có chuyện đó được.

Tối đó, sau khi về nhà, nàng thức cả đêm và vẫn không ăn uống gì. Hortense đến thăm nàng, ở lại đêm với nàng. Họ nói rất ít, chỉ nắm tay nhau, khóc ròng. Hortie cố trấn an nàng và mẹ cô ta cũng đến thăm nàng một lát để an ủi nàng. Không có lời nào có thể làm nhẹ bớt được nỗi đau trong lòng nàng. Tin loan truyền làm cho mọi người sửng sốt, vì đây là chuyện rất bi thảm.

– Cảm ơn Chúa, may bạn bị bệnh không đi, – Hortie nói nhỏ bên tai Annabelle khi họ nằm trên giường nàng sau khi mẹ cô ta đã ra về. Bà có ý kiến con gái bà nên ở lại đêm với Annabelle và thực ra nên ở lại cho đến khi mẹ nàng trở về. Bà ta không muốn để Annabelle một mình. Annabelle nghe bà nói liền gật đầu, lòng cảm thấy có tội vì đã không đi với gia đình. Nàng tự nhủ nếu có nàng đi, chắc nàng sẽ có cách giúp đỡ họ. Có thể nàng cứu được ít ra là một người, hay cứu hết cũng nên.

Ba ngày tiếp theo đó, nàng và Hortie đi trong nhà như những bóng ma. Hortie là người bạn duy nhất nàng muốn gặp, muốn nói chuyện trong khi gặp cảnh buồn rầu lo lắng này. Annabelle hầu như không ăn gì, dù bà quản gia khuyên nhủ nàng mãi. Cuối cùng Annabelle cùng Hortie đi dạo một vòng để thay đổi không khí.

James đến và đi theo họ, anh rất tử tế với Annabelle, anh nói mình rất buồn vì tai nạn đã xảy ra cho nàng. Mọi người trong thành phố không ai nghĩ đến chuyện gì khác ngoài chuyện này.

Tàu Carpathia vẫn không cho biết thêm tin tức gì mới lạ, ngoại trừ việc họ xác nhận chiếc Titanic đã chìm và danh sách những người còn sống đã đầy đủ, chính xác. Chỉ có mấy em bé không biết tông tích là không có trên danh sách, người ta hy vọng khi vào cảng, nếu chúng là người Mỹ, chúng sẽ được gia đình nhận về. Còn nếu không, người ta sẽ trả chúng về Cherbourg và Southampton cho các gia đình đã mất chúng. Sáu em này không có quan hệ với những người còn sống sót và chúng còn quá nhỏ không nói được chúng là con ai. Những người đang chăm sóc chúng không biết chúng là ai. Nhưng người ta cam đoan rằng những người có tên trên danh sách, dù bệnh hay bị thương tích, là chắc chắn. Vào tối ngày mười tám, khi Thomas lái xe đưa nàng đến bến tàu Cunard, nàng vẫn không tin danh sách là đúng. Hortie không muốn đi với Annabelle, vì cô không muốn xen vào chuyện riêng của nàng, cho nên nàng đến cầu tàu số 54 một mình.

Đám đông chờ đợi, thấy chiếc Carpathia từ từ chạy vào cảng theo sau chiếc tàu dắt, khi ấy đã quá 9 giờ tối. Annabelle hồi hộp nhìn chiếc tàu và mọi người đều ngạc nhiên khi thấy tàu cặp bến số 59 và 60 của White Star Line. Con tàu từ từ hạ các thuyền cứu sinh còn lại của chiếc Titanic xuống, để giao chúng lại cho hãng White Star Line, sau đó chiếc Carpathia mới cặp vào bến tàu của mình. Các nhiếp ảnh gia chen nhau trên một số thuyền nhỏ để chụp những tấm hình về các thuyền cứu sinh và những người sống sót đứng thành hàng dọc theo lan can tàu. Không khí quanh họ vừa tang tóc vừa sôi nổi. Thân nhân của những người sống sót im lặng, lo lắng chờ đợi để xem ai sẽ bước xuống khỏi tàu. Các phóng viên, nhiếp ảnh gia la hét, chen nhau tìm thế đứng tốt để chụp những tấm hình đẹp.

Sau khi đã hạ xong các thuyền cứu sinh, chiếc Carpathia từ từ cập vào bến số 54, công nhân bến tàu vội buộc dây cho tàu đứng yên và cuối cùng người ta hạ cầu tàu xuống. Những người sống sót của chiếc Titanic xuống tàu đầu tiên, mọi người yên lặng để tỏ lòng tôn kính họ, chua xót cho họ. Hành khách trên tàu Carpathia ôm ghì một vài người, bóp mạnh tay họ. Họ nói ít mà khóc nhiều, rồi lần lượt từng người khách sống sót bước xuống tàu, hầu hết người nào cũng giàn giụa nước mắt, có người vẫn còn sững sờ trước những gì họ đã thấy, đã sống qua cái đêm hãi hùng ấy. Không ai quên được tiếng la hét khủng khiếp, tiếng than khóc từ mặt nước vọng lên, hay tiếng kêu cứu vô vọng của những người sắp chết. Những người trên thuyền cứu sinh sợ việc vớt những người trên mặt nước lên, vì thuyền sẽ bị lật úp vì quá nặng, rồi nhiều người nữa sẽ chết đuôi theo họ. Cảnh tượng quanh họ rất thê thảm, nhiều xác chết của những người đợi lâu trên mặt nước nhưng không có ai đến cứu, trôi lềnh bềnh.

Khi những người sống sót bước ra khỏi tàu Carpathia, người ta thấy có những phụ nữ dắt con còn nhỏ, vài bà còn mặc áo dài dạ hội từ đêm cuối cùng trên chiếc tàu lâm nạn, họ lấy chăn vấn quanh người. Một số quá xúc động nên không thay được áo quần trong suốt ba ngày qua, họ ngồi bó gối trong phòng ăn và phòng khách của tàu Carpathia. Hành khách trên tàu này và thủy thủ đoàn đã làm đủ cách để giúp họ, nhưng không làm sao giúp họ trút bỏ được cảnh chết chóc hãi hùng mà họ đã chứng kiến khi tàu chìm, một cảnh tượng mà họ chưa từng thấy.

Annabelle hồi hộp, khó thở cho đến khi nàng thấy mẹ bước xuống cầu tàu. Nàng nhìn bà Consuelo từ xa đi về phía nàng, bà mặc áo quần người ta cho mượn, vẻ mặt đau thương, đầu ngẩng cao chịu đựng mọi thử thách. Annabelle thấy mặt mẹ hiện ra vẻ chịu đựng. Không có ai thân thuộc đi với bà. Nàng không thấy bóng dáng bố và anh trai đâu hết. Annabelle nhìn ra phía sau bà lần nữa, nhưng bà Consuelo chỉ đi một mình giữa đám người xa lạ, hầu hết là phụ nữ, chỉ có vài người đàn ông có vẻ hơi ngượng ngùng khi đi với vợ. Máy ảnh nháy sáng liên tục, các phóng viên cố tường thuật cảnh đoàn tụ đầy nước mắt nhiều chừng nào hay chừng nấy. Rồi mẹ nàng đứng trước mặt, nàng liền ôm chầm lấy mẹ, ghì mẹ thật mạnh đến nỗi cả hai người gần hụt hơi. Bà Consuelo khóc ròng, nàng cũng vậy, hai mẹ con cứ ôm nhau, mặc cho hành khách tránh họ khi cùng gia đình đi qua. Rồi nàng quàng tay quanh vai mẹ, họ từ từ ra về. Trời mưa, nhưng không ai quan tâm. Consuelo mặc chiếc áo dài bằng len thô tháp không vừa người bà, chân vẫn còn mang giày dạ hội và cổ vẫn còn đeo chiếc dây chuyền bằng kim cương, tai vẫn còn đeo đôi hoa tai kim cương dự tiệc vào buổi tối tàu chìm. Bà không mặc áo khoác nên Thomas vội đem đến cho Annabelle tấm chăn trong xe để nàng quàng quanh người bà.

Họ vừa rời khỏi cầu tàu thì Annabelle đã hỏi điều nàng muốn hỏi. Nàng đã biết câu trả lời, nhưng nàng vẫn hỏi vì muốn chính mẹ trả lời thẳng với nàng. Nàng hỏi nhỏ:

– Robert và bố ra sao?… – Mẹ nàng lắc đầu và khóc to hơn. Annabelle dìu mẹ vào xe. Bỗng nàng thấy mẹ quá yếu đuối, quá già nua. Bà trở thành góa phụ khi mới bốn mươi ba tuổi. Khi Thomas giúp nàng đưa bà vào xe, trông bà như một bà già. Anh ta lấy tấm chăn lông đắp lên người bà. Consuelo nhìn anh ta và khóc ròng, rồi cảm ơn anh. Trên xe về nhà, hai mẹ con ôm ghì lấy nhau, im lặng không nói gì. Mãi cho đến khi xe về đến nơi, mẹ nàng mới nói lại.

Tất cả những người làm đều tề tựu ở tiền sảnh để ôm, ghì lấy bà và khi thấy bà về một mình, họ đều tỏ ra rất buồn rầu. Một giờ sau, trước cửa nhà bà xuất hiện vòng hoa tang. Đêm đó ở New York có nhiều vòng hoa tang như thế xuất hiện, vì rõ ràng những ai không về sẽ không bao giờ về nữa.

Annabelle giúp mẹ tắm, mặc áo ngủ cho bà, còn Blanche lăng xăng quanh bà như quanh một đứa trẻ. Bà ta đã chăm sóc Consuelo khi bà chủ còn trẻ, rồi đến chăm sóc Annabelle và Robert khi họ chào đời. Bây giờ, bà ta lại trở về với những giây phút ấy. Khi họ đưa Consuelo vào giường, Blanche kê gối dưới lưng cho bà, vừa làm vừa khóc và thốt ra những lời an ủi êm dịu. Rồi bà ta bưng vào khay trà, cháo yến mạch, bánh mì nướng dùng với xúp và bánh bích qui loại Consuelo thích nhất. Nhưng bà chủ không ăn, chỉ ngồi nhìn hai người, không nói được lời nào.

Đêm đó, Annabelle ngủ trong giường mẹ. Khi đêm khuya, Consuelo run lên bần bật, không ngủ được, bà kể cho con gái nghe chuyện đã xảy ra trên biển. Bà ở trên chiếc thuyền cứu sinh số bốn, với người em họ của bà là Madeleine Astor, chồng người này cũng không sống sót. Bà nói chiếc thuyền cứu sinh chỉ mới đầy một nửa, nhưng chồng bà và Robert không chịu leo lên, mà muốn ở lại trên tàu để giúp những người khác và dành chỗ trên thuyền cứu sinh cho phụ nữ và trẻ em, mặc dù trên thuyền vẫn còn rộng chỗ cho họ.

– Giá mà họ lên thuyền thì vẫn còn sống, – Consuelo nói, vẻ buồn rầu thất vọng. Gia đình Wildener, gia đình Thayer và Lucille Carter cũng đã lên thuyền cứu sinh, bà biết hết những người này. Nhưng Robert và Arthur cương quyết ở lại trên tàu để giúp những người khác lên thuyền cứu sinh, vì thế mà họ bỏ mạng. Consuelo còn nói đến một người đàn ông tên Thomas Andrews, ông ta cũng là một anh hùng vào tối hôm đó. Bà nói với Annabelle rằng bố và anh trai nàng rất can đảm, bây giờ nghĩ đến lúc ấy, bà cảm thấy được an ủi phần nào.

Họ nói chuyện hàng giờ, Consuelo sống lại giây phút cuối cùng ở trên tàu. Nàng vừa nghe mẹ kể, vừa ôm bà vào lòng mà khóc. Mãi cho đến khi bình minh ló dạng, Consuelo mệt quá, bà thở dài rồi thả mình vào giấc ngủ.

Bình luận