Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ba Người Thầy Vĩ Đại

Chương 14. Sống Đúng Với Khát Vọng Và Ước Mơ

Tác giả: Robin Sharma

“Người đáng khinh nhất trên thế giới là người có khả năng nhìn nhưng lại không có tầm nhìn.”

– Hellen Keller

Vài ngày tiếp theo thật tuyệt – và đáng nhớ. Tôi học được rất nhiều trong mấy tuần qua đến mức tôi biết tôi rất cần tôn vinh chính mình vì sự trưởng thành của tôi. Tôi đã tới thăm các phòng trưng bày nghệ thuật và bảo tàng, ăn tối tại những nhà hàng đẳng cấp thế giới, và xem hai vở kịch Broadway[42] từ chỗ ngồi hạng nhất trong nhà hát. Tess Welsh để ý đến mọi việc, và thu xếp cho tôi được đối xử như một ông hoàng. Cô ấy đúng là một người phụ nữ rất tốt.

Bốn ngày sau cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi, cô ấy gọi cho tôi. “Chào anh, Jack,” cô ấy nói. “Tôi sẽ gặp anh tại Công viên Trung tâm ngày hôm nay để chúng ta có thể cùng đi bộ vài giờ. Có một số bài học rất hữu ích mà tôi muốn chia sẻ với anh.”

Một tiếng sau, chúng tôi đã đi bộ qua công viên, nơi có rất đông cư dân New York đang tận hưởng những điều thú vị ở nơi đặc biệt này. Mặt trời rực rỡ chiếu sáng gương mặt chúng tôi khi Tess tiếp nối phần cô ấy tạm dừng vài ngày trước đó.

“Jack, nếu anh thật sự nghiêm túc về việc bộc lộ những khát vọng trong tim mình, có năm bước đơn giản giúp anh theo đuổi khát vọng. Hãy tin tôi trong việc này – những bước này giống như một phép màu,” cô ấy quả quyết với tôi.

“Tôi rất muốn nghe,” tôi háo hức nói.

“Bước đầu tiên là nói rõ ràng tầm nhìn. Trước khi anh có thể nói ra những gì anh khao khát trong đời, anh phải gọi tên được những gì anh khao khát trong cuộc đời mình.”

“Một cách trình bày rất hay.”

“Anh càng mang được sự rõ ràng, màu sắc, tình cảm và độ sắc nét tới cho mục đích mà anh đang vẽ lên trong trí tưởng tượng của mình thì khả năng nó sẽ xảy ra trong thế giới bên ngoài của anh càng lớn. Anh phải xác định được các mục tiêu của mình – chúng không là gì khác hơn những ý định, và những ý định của anh quyết định thực tại mà anh tạo ra. Tôi nhận thấy cực kỳ hữu ích khi nói rõ được tầm nhìn trên giấy. Việc gán những ngôn từ giàu hình ảnh cho khát vọng của mình giúp ta truyền nhựa sống cho nó.”

“Thật vậy sao?”

“Chắc chắn,” câu trả lời rất tự tin vang lên.

“Vâng, làm điều đó rất dễ. Tiếp theo là gì?”

“Bước thứ hai là phát triển chiến lược của anh,” Tess nói với tôi. “Những công ty đẳng cấp thế giới là những công ty có các chiến lược tài tình. Anh phải học cách hoạch định chiến lược trong cuộc sống của mình. Luôn nghĩ xem cuộc sống tốt đẹp nhất của anh sẽ như thế nào và anh muốn gì trong tương lai lý tưởng của mình. Sau đó biến tầm nhìn đó thành một chiến lược để thực hiện nó.”

“Tôi rất muốn có một tương lai lý tưởng.”

“Anh sẽ có, Jack ạ. Chiến lược của anh thật sự chính là kế hoạch hành động của anh để lấp kín khoảng cách giữa tầm nhìn và kết quả. Nó chính là công thức chiến thắng để kết nối những giấc mơ với hành động của anh. Khát vọng anh muốn thể hiện trong cuộc sống bắt đầu từ chính hình ảnh trong trí tưởng tượng. Trong khi đó là một điều rất đẹp thì mục tiêu lại là biến nó thành một kết quả hữu hình – nếu không, ý nghĩa là gì nào?”

“Tôi đồng ý. Mơ tưởng chẳng bao giờ đưa ta đi đến đâu cả.”

“Đúng vậy. Làm một thủ lĩnh trong sự nghiệp của anh chính là phải chủ động. Cho nên điều quan trọng là anh phát triển một chiến lược hằng tuần cho những gì anh sẽ làm để nối liền tầm nhìn và kết quả cuối cùng mà anh mong muốn. Một giấc mơ lớn lao thể hiện thành những phân khúc đã được quản lý sẽ càng dễ thực hiện hơn.”

“Nó cũng bớt đáng sợ hơn,” tôi nói. “Tôi thấy rằng khi một mục tiêu quá lớn, nó thường khiến tôi sợ tới mức tôi không dám thực hiện bước đầu tiên.”

Tess gật đầu. “Tôi đã trải qua điều đó trong đời mình. Cho nên hãy biến những ý định lớn thành những phần nhỏ. Làm như thế, sự tiến bộ của anh càng thêm lịch lãm, và anh sẽ bớt phải vật lộn hơn.”

“Hiểu rồi. Bước thứ ba là gì?”

“Hình thành một hợp đồng với chính mình. Tạo ra một thỏa thuận với bản thân nói rõ những gì anh định làm và khi nào anh làm việc đó. In nó ra từ máy tính và đóng dấu lên đó để trông nó thật chính thức. Tôi thậm chí còn ký để nó có tính ràng buộc, giống như đó là một hợp đồng làm ăn lớn vậy.”

“Có giá trị thật sự gì trong việc hình thành một hợp đồng với chính mình không?”

“Khỏi phải bàn. Nó đem lại một cấu trúc trách nhiệm rất quan trọng. Anh thấy đấy, Jack, không có trách nhiệm cá nhân, rất dễ rời xa cam kết làm cho giấc mơ của mình thành hiện thực. Không có một cấu trúc để bảo đảm rằng anh sẽ chịu trách nhiệm giữ lời hứa của mình trong việc thể hiện khát vọng thì rất dễ để mọi thứ trôi đi. Có rất nhiều giấc mơ thui chột trên bàn vẽ chỉ vì Quy luật từ bỏ ý định này.”

“Đó là gì vậy?”

“Quy luật từ bỏ ý định nói rằng thời gian càng trôi đi sau khi anh đã đặt ra một mục tiêu thì anh càng không chắc thổi sinh khí vào nó và làm cho nó thành hiện thực. Khi chúng ta đặt ra một mục tiêu lúc đầu, chúng ta có xu hướng tràn trề phấn khích và hy vọng về những khả năng tương lai. Nhưng ngày tháng qua đi, cuộc sống trôi chảy, và những niềm tin hạn hẹp của chúng ta cũng tan biến. Giọng nói phê phán bên trong chúng ta bắt đầu lên tiếng và nêu ra một loạt lý do biện bạch cho việc tại sao mục tiêu này sẽ chẳng bao giờ thành công. Thời gian càng trôi đi, chúng ta càng sao nhãng bởi những vấn đề cấp bách chúng ta phải xử lý – sớm muộn giấc mơ cũng lụi tàn nhanh chóng. Hãy hình dung xem liệu anh có thực hiện được 5% những ý tưởng lớn lao mà anh có trong đời, không chỉ vì thành công trong sự nghiệp mà cả thành công trong cuộc sống của anh, hay không.”

“Tôi đang sống ở một mức độ hoàn toàn mới,” tôi nhận thức có phần bẽn lẽn.

“Ý tôi chính là như vậy. Tôi luôn tin rằng những người thành đạt nhất chẳng bao giờ từ bỏ một ý tưởng mới mẻ mà không có hành động gì đó để thúc đẩy nó. Cho nên để ngăn chặn Quy luật từ bỏ ý định không làm ảnh hưởng đến những khát vọng của trái tim mình, anh phải tạo dựng một cấu trúc trách nhiệm trong quá trình mà tôi đang chia sẻ với anh. Anh phải bố trí một số phương tiện để duy trì trách nhiệm cá nhân trong việc theo đuổi đến cùng những kế hoạch anh lập ra. Cách tốt nhất tôi biết là mời một huấn luyện viên.”

“Tôi đã nghe rất nhiều về các huấn luyện viên trong thời gian này.”

“Tôi biết rõ như vậy,” Tess đáp. “Tôi làm việc với một huấn luyện viên chuyên nghiệp mỗi tuần trong suốt hai năm qua, và cô ấy giúp tôi tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống. Cô ấy không chỉ là người ủng hộ nhiệt thành luôn hết lời ca ngợi những thành công của tôi mà còn là một đốc công nghiêm khắc, bắt tôi phải giữ lời và làm những gì tôi nói mình sẽ làm, đúng thời hạn mà tôi nói tôi sẽ làm việc đó. Kết quả tôi nhìn thấy trong cuộc sống của mình đã đền đáp cho khoản đầu tư tôi thực hiện với sự hỗ trợ của cô ấy lớn gấp nhiều nhiều lần.”

“Nếu tôi không thể thuê một huấn luyện viên thì sao?”

“Chà, vậy thì cách tốt nhất tiếp theo là hình thành một liên minh quân sư.”

“Tôi chưa rành khái niệm đó lắm,” tôi thừa nhận.

“Một liên minh quân sư không là gì hơn một mối quan hệ đối tác cùng thắng mà anh hình thành với một hoặc hai người có cùng mục đích để giúp biến những giấc mơ thành hiện thực.”

“Tôi thích cách diễn đạt đó.”

“Đây là cách tôi gợi ý anh phát huy ý tưởng này. Hãy dành thời gian gặp gõ mỗi tuần, và tiếp xúc với các thành viên của liên minh càng sớm càng tốt – gặp vào buổi sáng sớm là rất quan trọng, vì nó thể hiện cam kết. Hãy bắt đầu cuộc gặp mặt bằng cách điểm lại những khát vọng và mục đích mà mỗi người đặt ra cho chính mình. Sau đó thảo luận những gì đang tiến triển và những gì chưa. Quan trọng nhất là hãy xem xét những bản hợp đồng với chính mình và chịu trách nhiệm cho những tiến bộ mà mỗi người hứa hẹn sẽ thực hiện. Để cách này phát huy hiệu quả, điều quan trọng là mỗi thành viên của nhóm phải biết rằng hoàn toàn an toàn khi nói thật lòng mình và trung thực. Nếu anh nói anh làm gì đó trong tuần trước nhưng anh lại không làm được, các thành viên của liên minh cần có nghĩa vụ nhắc cho anh nhớ việc này. Có thể thực hiện theo cách vừa can đảm vừa yêu thương.”

“Quả là một ý tưởng hay – nó quá đơn giản, nhưng có tác dụng.”

“Với tôi, thể hiện những khát vọng của trái tim là một việc nghiêm túc. Tôi không vui chơi khi đến lúc phải tạo ra những kết quả lớn lao trong đời mình. Tôi muốn sống cuộc sống tốt đẹp nhất, cho nên tôi chơi để thắng. Quy trình năm bước mà tôi chia sẻ này rất có tác dụng.”

“Vâng, vậy bước một là xác định tầm nhìn; bước hai liên quan đến lập chiến lược; bước ba đòi hỏi tôi phải có hợp đồng với bản thân và tạo dựng một cấu trúc trách nhiệm để bảo đảm rằng tôi làm những gì mình nói sẽ làm. Tiếp theo là gì nhỉ?”

“Bước bốn là đánh giá. Tôi luôn tin rằng, trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, những gì không đánh giá được sẽ chẳng bao giờ nắm bắt được. Công việc của chúng ta có nhiều số đo để liên tục giám sát và đánh giá sự tiến bộ của chúng ta. Khi tôi khởi nghiệp công ty này, tôi có một triết lý đơn giản. Tôi lấy mức chuẩn theo những công ty tốt nhất trên hành tinh này và có một bức tranh rất rõ ràng về cách họ vận hành. Và sau đó, thậm chí dù chúng tôi khỏi nghiệp ở quy mô rất nhỏ, chúng tôi vẫn dành trọn cho việc điều hành nó hằng ngày như một trong những công ty đẳng cấp thế giới. Buổi sáng, chúng tôi họp nhanh và có cuộc trò chuyện để nhắc cho mình nhớ rằng chúng tôi muốn xây dựng công ty thành cái gì. Và cuối ngày, chúng tôi đánh giá những gì mình đã làm, xét về kết quả, so với ý tưởng. Giờ anh có thể hình dung ra điều gì sẽ xảy ra nếu anh đem chiến lược hoạt động này vào cuộc sống của mình rồi chứ? Điều gì xảy ra nếu cuối mỗi ngày, anh dành ra 10 hoặc 15 phút để đánh giá xem mình đã sống như thế nào so với tầm nhìn anh đặt ra cho mình? Ben Franklin[43] viết về việc vận dụng cách làm này mỗi tối trong tự truyện nổi tiếng của ông, cuốn sách anh rất nên đọc. Franklin hứa với mình rằng ông sẽ thực hiện cuộc đời mình theo 13 phẩm chất – 13 quy luật sống, nếu anh muốn gọi như vậy. Sau đó mỗi buổi tối, ông tìm về một chỗ yên tĩnh và suy ngẫm thật kỹ về cách ông đã làm, có đối chiếu với 13 phẩm chất này.”

“Nói cách khác, ông đánh giá kết quả của mình theo tầm nhìn của ông mỗi ngày.”

“Đúng. Và nhờ làm thế, ông ngày càng nhận thức rõ những gì có tác dụng và những gì không. Quá trình tự kiểm nghiệm này làm cho ông có ý thức và chủ động hơn. Bằng cách thực hiện nghi thức đánh giá mỗi đêm này, ngày hôm sau sẽ luôn tốt hơn hôm trước, và ông có thể tạo dựng một cuộc sống lớn lao.”

“Rất thú vị.”

“Anh thấy đấy, Jack, không có gì sai khi mắc sai lầm trong cuộc sống cả. Sai lầm là những người thầy tuyệt vời. Chúng đem lại mảnh đất màu mỡ nhất cho sự trưởng thành của cá nhân. Nhưng cứ mắc phải những sai lầm như cũ trong suốt cuộc đời mình thì lại có gì đó không ổn. Điều đó thể hiện tình trạng thiếu hoàn toàn sự tự nhận thức cũng như thái độ ương ngạnh không chịu học hỏi từ lịch sử của cá nhân anh. Toàn bộ quan niệm về cuộc chơi là học hỏi từ quá khứ của anh. Hoặc có lẽ một cách hay hơn để diễn đạt là thế này: Hãy để quá khứ của anh phục vụ cho anh. Biến những thất bại trong quá khứ thành thắng lợi trong tương lai. Nếu anh không ngừng đánh giá việc mình làm được gì so với những mục tiêu mà anh đặt ra cho mình thì khi đó việc chỉnh sửa sẽ đưa anh tới cuộc sống tốt đẹp nhất của anh mà không mất thời gian tí nào. Đó là những gì đưa tôi đến với bước thứ năm và cũng là bước cuối cùng trong mô hình hoàn tất những khát vọng của trái tim mình.”

“Tôi hiểu rõ rồi, chị Tess.”

“Hãy ăn mừng những Khoảnh khắc Tự hào của anh đi.”

“Nghĩa là sao?”

“Những Khoảnh khắc Tự hào là những thời điểm trong tuần khi anh giành được một thắng lợi xét về mức độ tiến bộ của khát vọng cụ thể mà anh đang thực hiện. Một trong những lý do cơ bản chúng ta để mất cảm hứng và đam mê của mình nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chính là do chúng ta dành nhiều thời gian tập trung vào những gì không có hiệu quả hơn là cho những gì có hiệu quả.”

“Tôi thường làm như thế,” tôi thừa nhận trong khi chúng tôi đi bộ dọc lối đi có trồng cây.

“Tôi biết như vậy, Jack ạ, nhưng thực sự rất cần tôn vinh sự tiến bộ. Hãy dành một thời gian nhất định mỗi tuần để ghi lại những Khoảnh khắc Tự hào của anh. Hãy chia sẻ chúng với các thành viên trong liên minh quân sư của anh. Hãy khoe khoang một chút – điều đó sẽ giúp anh thêm động lực và năng lượng khi anh tự tin đi theo giấc mơ của mình. Và điểm này thật sự quan trọng: Hãy tận hưởng cuộc hành trình khi anh nhích dần về phía những mục tiêu của mình. Hãy ăn mừng những thành công nho nhỏ – chúng sẽ bơm đầy vào tim anh sự phấn khỏi và niềm vui vì những món quà sắp tới. Khi anh nhận ra và hiểu rõ giá trị những thắng lợi nho nhỏ của mình, động lực rất lớn sẽ được tạo ra và làm cho anh thêm mạnh mẽ và thậm chí thêm cam kết với giấc mơ tối thượng của mình. Harold Melchert[44] giải thích điều này như thế này: ‘Hãy sống mỗi ngày như thể bạn sắp trèo lên núi cao. Thỉnh thoảng ngước nhìn đỉnh núi sẽ giúp ghi nhớ mục tiêu trong tâm trí. Có thể quan sát thấy nhiều cảnh đẹp từ mỗi cao điểm mới. Hãy tiếp tục leo lên, từ từ thôi, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc đi qua; và cảnh quan nhìn từ đỉnh núi sẽ giống như một cao trào của cuộc hành trình’”

“Thật là những lời đầy ý nghĩa.”

“Đúng như vậy,” Tess tán thành. “Jack, hãy thường xuyên nói về những ý định và khát vọng của anh. Hãy tuyên bố cho cả thế giới biết. Hãy nói cho gia đình và bạn bè anh về những gì anh muốn có, muốn làm và muốn sống. Anh càng nói về những gì anh muốn, anh sẽ càng có những gì mình muốn.”

“Tại sao lại như vậy?”

“Bởi vì anh càng nói về những khát vọng từ trái tim mình, chúng sẽ càng trở thành nhận thức của anh. Anh sẽ bắt đầu nhìn thấy những cơ hội trước đây là vô hình. Anh sẽ hình thành những mối liên hệ mới trong tâm trí và nhìn nhận những khả năng của cuộc đời mình từ một cao điểm cao nhất.”

“Vâng. Tiếp theo sẽ sao?” tôi hỏi.

“Để làm cho cả quá trình này phát huy tác dụng, anh phải nhớ rằng thành công nằm ở việc thực hiện nó,” Tess đáp lời.

“Ở việc thực hiện ư?”

“Vâng. Lý do tại sao rất nhiều doanh nghiệp thất bại là bởi vì họ yếu trong khâu thực hiện. Họ không xây dựng được một phương pháp để thực hiện mọi việc. Họ có thể có chiến lược rất hay, nhưng họ lại kém trong triển khai chiến lược ấy. Công ty của chúng tôi đứng đầu thị trường vì chúng tôi làm được nhiều việc hơn là chỉ mơ những giấc mơ lớn lao – chúng tôi có những bước tiến lớn. Chúng tôi mạnh bạo trong việc thực hiện mọi việc. Và tôi cần nói thêm rằng chúng tôi làm được nhiều hơn là chỉ thực hiện mọi việc – chúng tôi thực hiện những việc đúng đắn. Như ‘tay tổ’ về quản lý Peter Drucker[45] từng nhận xét: ‘Chẳng có gì vô dụng bằng việc làm thật hiệu quả những việc lẽ ra không nên làm tí nào’”

“Hay quá,” tôi mỉm cười nói.

“Chúng tôi rất chú trọng tập trung vào những việc then chốt, những hoạt động mà nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sẽ đưa chúng tôi tới nơi chúng tôi đã lên kế hoạch phải tới.”

Điện thoại di động của Tess reo vang. “Tôi rất xin lỗi, Jack,” cô ấy nói: “nhưng tôi đang chờ cuộc gọi này từ Tokyo. Anh không phiền nếu tôi nghe điện chứ?”

“Không sao đâu. Chị cứ tự nhiên đi.”

Cô ấy nhanh chóng nói với người gọi cô ấy sẽ gọi lại, và sau đó quay sang tôi. “Jack, tôi cần quay về văn phòng. Chúng tôi đang thực hiện một món quà nữa cho cộng đồng, và tôi phải tập hợp đội ngũ của mình để bàn chiến lược.”

“Và triển khai,” tôi nhắc.

“Anh nói đúng. Nhân tiện, chúng ta vừa đi qua tất cả những gì tôi muốn nói ngày hôm nay. Tại sao anh không tận hưởng nơi này, và tôi sẽ gặp anh vào ngày mai. Anh là một sinh viên xuất sắc, và tôi biết anh sẽ làm được những việc lớn lao. Cal sẽ vô cùng tự hào về anh, Jack ạ. Xin hãy biết cho như vậy.”

“Cảm ơn chị, Tess.”

***

Sau khi Tess đi, tôi ngồi dưới một bóng cây và nghĩ về những gì cô ấy vừa dạy tôi. Tôi suy ngẫm về tầm quan trọng của việc hiện thực hóa mọi việc, và cố gắng tương thích nó với chỉ dẫn của Moe về việc sống trong sự bí ẩn của chính nó, mở lòng với tất cả mọi khả năng.

Tôi nhận ra rằng thành công trong cuộc sống chính là một sự cân bằng. Sống trong sự bí ẩn mà không cần thực tiễn và có các bước để lên kế hoạch và sau đó thực hiện giấc mơ của mình chẳng là gì khác hơn ‘sự thờ ơ tinh thần’ và một sự thoái thác. Và, dành thời gian lên kế hoạch, tổ chức và tập trung chẳng là gì khác hơn là cố gắng kiểm soát mọi thứ. Bằng cách làm việc và sống như thế này, sẽ chẳng có chỗ cho những khả năng mà cuộc sống phải đem lại để đan kết chính chúng vào cuộc sống của chúng ta.

Một lần nữa, tôi không thể không lưu ý đến thực tế này: Cuộc sống chính là cân bằng.

Bình luận
× sticky