Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bắt Sóng Cảm Xúc – Bí Mật Lực Hấp Dẫn

CHƯƠNG 6: TẢNG ĐÁ, CUỘC CHIẾN VÀ PHÒNG KHÁCH CỦA NATHAN

Tác giả: Ori Brafman - Rom Brafman

Chúng tôi gặp Fred Wahpepah tại một nhà hàng Ý ở El Cerrito, California. Ông là người da đỏ, đeo vòng cổ, tóc chải ngược buộc thành đuôi dài, thuộc bộ lạc Kickapoo và Sac-and-Fox. Wahpepah lớn lên ở Oklahoma và từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Trong thời gian làm việc tại các xưởng đóng tàu ở Oakland sau khi xuất ngũ, Wahpepah tình cờ tìm lại được cội rễ của mình.

Kể từ đó, Wahpepah luôn giữ lấy tập tục của tổ tiên. Ông tổ chức các buổi xông hơi tập thể cho dân da đỏ và mọi người gần như hàng tuần. Nghi lễ này đã có ở nhiều bộ lạc như Navajo, Naskapi và Cree từ trước khi Columbus tìm ra châu Mỹ vào năm 1492.

Wahpepah nói với nụ cười hiền hậu: “Bạn không cần phải là một người như tôi mới có thể áp dụng liệu pháp này. Bạn có thể sùng đạo, có thể không. Tất cả những gì bạn cần là một không gian mở để mọi người tham gia và tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống”.

Trong lễ xông hơi, mọi người sẽ chui vào trong chiếc lều được ghép từ những cành cây uốn cong, bên ngoài phủ một lớp chăn dày. Trong lều, đá được chất thành đống và nung nóng. Khi đá nóng lên, vị chủ lễ sẽ tưới nước để tạo ra hơi nóng. Wahpepah giải thích: “Đây là công việc rất quan trọng. Vị chủ lễ phải nắm giữ ‘chốn linh thiêng’”.

Mọi người ngồi quây thành vòng tròn trong lều. Cứ khoảng 30 phút sẽ hé cửa ra một chốc. Hơi nóng càng lúc càng nhiều. Ai cũng cảm thấy ngột ngạt, cơ thể như lả đi. Tuy nhiên, bầu không khí bên trong sẽ bù đắp cho điều đó. Mục đích chủ yếu của lễ xông hơi là thanh lọc cơ thể, nhưng còn một hiệu ứng phụ tích cực khác từ liệu pháp này là tạo sự gắn kết giữa những người tham gia.

Wahpepah kể: “Cách đây không lâu, một người bạn tốt của tôi đã đến đây dự lễ và gặp một cô gái. Dẫu chưa hề quen biết, nhưng khi tình cờ nhìn thấy nhau từ hai vị trí ngồi đối diện, cả hai lập tức cảm mến nhau. Tất cả chúng tôi đều nhận ra sự gắn kết giữa họ. Họ chào làm quen và chỉ sau 24 giờ, họ đã đính hôn”.

Trong buổi lễ xông hơi của Wahpepah có bí ẩn gì mà có thể gắn kết các cá nhân mạnh mẽ đến vậy? Đây rõ ràng không phải là sự kiện thích hợp để khơi dậy tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, cũng không phải là chỗ bày tỏ tình cảm. Tuy nhiên, theo lời Wahpepah, “chốn linh thiêng” này đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành sự thân thuộc tức thời. Từ đây, chúng ta tìm ra chất xúc tác thứ năm: không gian tạo ra sự gắn kết tức thời hoặc hiện tượng bắt sóng cảm xúc giữa mọi người.

✦✦✦

Phương pháp gắn kết mọi người của Wahpepah đã khai sáng vấn đề hóc búa trong bài nghiên cứu của bác sĩ tâm thần Gerald Klerman và nhà tâm lý Myrna Weissman đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Klerman và Weissman lưu ý đến một hiện tượng bất thường diễn ra nhiều thập niên sau Thế chiến II:

Ở những nước công nghiệp như Mỹ, Thụy Điển, Đức, Canada và New Zealand, tỷ lệ người dân bị trầm cảm đã tăng đến mức báo động, trong khi đó ở các nước khác như Hàn Quốc và Puerto Rico, tỷ lệ này vẫn ổn định.

Phân tích thống kê của nhiều chuyên gia đã xác nhận kết luận của Klerman và Weissman là có thật. Tỷ lệ trầm cảm ở các nước công nghiệp tăng nhanh và tập trung ở những người trẻ tuổi, dù người dân có thu nhập cao hơn và cuộc sống sung túc hơn giai đoạn trước đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm, vấn đề dinh dưỡng và phúc lợi y tế đều được coi trọng. Mọi người khỏe mạnh hơn và có tuổi thọ cao – đồng thời thừa hưởng những sản phẩm công nghệ tiên tiến của kỷ nguyên công nghệ mới.

Khoảng cách về mức sống giữa các nước công nghiệp và các nước thuộc thế giới thứ ba rất lớn. Chẳng hạn, vào những năm 60, thu nhập bình quân của người dân Mỹ cao gấp 10 lần người dân Hàn Quốc. Tuổi thọ trung bình của người dân Hàn Quốc là 55 tuổi, trong khi của người dân Mỹ là 70. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh Hàn Quốc cao gấp ba lần so với Mỹ. Tuy vậy, người Hàn Quốc lại có cuộc sống vui vẻ và cởi mở hơn người Mỹ.

Đất nước Hàn Quốc, sau đó, đã bước qua cuộc khủng hoảng một cách thần kỳ. Trong nhiều thập niên qua, nền kinh tế Hàn Quốc đã chứng kiến nhiều bước tiến vượt bậc. Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc là 4,1/1.000 trẻ, trong khi đó tỷ lệ này ở Mỹ là 6,3/1.000 trẻ. Tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc là 79 tuổi so với của người Mỹ là 78.

Song, với mức sống tăng cao và nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc lại tăng nhanh vào năm 2005. Trung bình, trong 4.000 người thì có một người tự tử, cao gấp ba lần so với 20 năm trước.

Vì sao vậy? Một thành viên trên diễn đàn trực tuyến của Hàn Quốc đã lên tiếng cho số đông còn lại trên đất nước này: “Tôi không tìm được lý do để tiếp tục sống. Tôi sống chẳng có ý nghĩa gì. Nếu tôi chết đi thì cũng chẳng ai quan tâm, ngay cả cha mẹ tôi. Ai đó có thể chỉ tôi một cách tự tử nhẹ nhàng hay không?”. Điều bất ngờ là những lời lẽ này được viết bởi một học sinh lớp Sáu.

Theo Klerman và Weissman, khi trở thành một nước công nghiệp, Hàn Quốc cũng vướng phải cùng một vấn đề của các nước phương Tây: khi đất nước phát triển hơn thì tỷ lệ trầm cảm và tự tử của người dân cũng tăng vọt. Nhưng nguyên nhân ắt hẳn không nằm ở sự phát triển này. Việc có một chiếc máy giặt trong nhà sẽ không khiến cả gia đình đó trở nên chán nản. Vậy, tại sao khi đất nước phát triển, con người lại đánh mất niềm vui và hạnh phúc?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đến phép so sánh. Tuy quá trình công nghiệp hóa của Mỹ và Hàn Quốc khác nhau, nhưng hóa ra, giữa hai nước này có cùng một xu hướng chung và xu hướng đó cũng tồn tại giữa những nền công nghiệp khác nhau trong cùng một nước.Nhật Bản là một nước công nghiệp cao, có nền công nghệ phát triển nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống. Các nhà nghiên cứu của Trường Y Jichi đã có cơ hội quan sát hai nhóm người sống trong cùng một giai đoạn tại Nhật: nhóm thứ nhất đảm nhận các hoạt động trí óc (nhân viên văn phòng, quản lý, kỹ sư…) và nhóm thứ hai làm công việc chân tay (nông dân, thợ thủ công…). Kết quả cho thấy nhóm thứ nhất dễ bị trầm cảm hơn nhóm thứ hai.

Quả thật, cuộc sống thời kỳ hậu công nghiệp hóa rất khác so với những buổi xông hơi tập thể của Wahpepah. Trong lều xông hơi, bạn và mọi người ngồi cạnh nhau, cùng trò chuyện và chịu đựng hơi nóng; trong thời gian đó, bạn là một phần của một tập thể gắn bó. Ngược lại, trong nền kinh tế phát triển, một ngày của bạn chỉ quanh quẩn trong văn phòng có máy điều hòa, làm việc một mình bên cạnh máy tính và rất ít cơ hội giao tiếp với mọi người. Hơn thế nữa, nhiều khả năng bạn sẽ kết thúc một ngày bằng việc lặng lẽ ngồi xem tivi – một mình hoặc với gia đình.

Chúng ta biết rằng môi trường xã hội đóng vai trò quan trọng, chi phối nhận thức của chúng ta về hạnh phúc. Và đây chính là mấu chốt của chất xúc tác thứ năm. Các yếu tố môi trường giúp mọi người trong một cộng đồng gắn kết và sự ổn định tâm lý, và chúng cũng giúp hai người xa lạ có thể bắt sóng cảm xúc với nhau.

Hãy nhìn cận cảnh sự đối lập của xã hội hiện đại với chiếc lều xông hơi của Wahpepah. Những người tham gia cùng ngồi trong một không gian kín, cùng chịu sức nóng tăng dần phát ra từ lò xông. Chính sự chịu đựng chung – cảm giác cùng nhau vượt qua nghịch cảnh – đã giúp những người tham gia gắn kết với nhau thành một khối thống nhất.

Cuộc sống thời xưa khó khăn hơn ngày nay rất nhiều – điện nước, lương thực và thuốc men đều thiếu thốn. Nhưng chính cuộc sống thiếu thốn mà mọi người cùng chung lưng đấu cật này đã giúp mọi người gắn kết thành cộng đồng bền chặt, tạo ra sự đồng lòng giữa mọi người trong xã hội.

✦✦✦

John Karren, phó giám đốc Chương trình Utah – một hội trại tập huấn kỹ năng dành cho thiếu niên gặp vấn đề hành vi – cho biết: “Đối với bọn trẻ, điều quan trọng là được giải phóng ra khỏi không gian và môi trường quen thuộc thường ngày, giải phóng khỏi những tiện nghi gia dụng và những con người luôn có sẵn và chờ phục vụ chúng”. Tại đây, bọn trẻ không có tivi, trò chơi điện tử, thức ăn nhanh, tin nhắn điện thoại để giải trí hoặc gây phân tâm.

Bọn trẻ phải đi bộ hai đến năm cây số mỗi ngày. Với nhiều thiếu niên thì đây là lần đầu tiên chúng phải rèn luyện sức khỏe căng như vậy. Karren nói tiếp: “Có một điều gì đó rất đặc biệt khi bạn sống giữa thiên nhiên hoang dã, đêm quây quần bên lửa trại cùng ngắm sao trời và tự nhóm lửa nấu ăn”.

Quá trình cùng nhau đi bộ và tự nấu ăn giúp bọn trẻ trở nên thân thiết và gắn bó với nhau. Chính việc cùng nhau chịu đựng gian khổ, bị rộp da vì côn trùng cắn, mệt mỏi và thiếu thốn vật chất đã đưa bọn trẻ lại gần nhau.

Rõ ràng trải nghiệm cùng vượt qua gian khó giúp con người gắn kết với nhau, nhưng liệu mối gắn kết đó có bền vững không? Trải nghiệm này có hoàn toàn tác động đến mối quan hệ giữa những người tham gia?

Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa môi trường thử thách, sự gắn kết giữa những người tham gia và tính bền vững. Các giáo sư Glen H. Elder Jr. ở Đại học North Carolina và Elizabeth C. Clipp ở Đại học Duke đã khảo sát những người lính từng phục vụ trong quân đội suốt Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Họ được chia làm ba nhóm: nhóm không trực tiếp ra trận, nhóm ra trận nhưng chưa đối mặt với cái chết và nhóm từng rơi vào những tình huống sống còn.

Kết quả cho thấy điều kiện chiến đấu càng khắc nghiệt, tinh thần đồng đội và sự gắn kết giữa những người lính càng bền chặt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ có khuynh hướng kết thân với người đồng đội cùng kề vai sát cánh chiến đấu cạnh mình hơn là một anh bạn phục vụ chung trong phòng ăn tập thể.

Elder và Clipp còn phát hiện ra rằng tỷ lệ duy trì tình đồng đội của nhóm cựu chiến binh từng rơi vào tình huống sống còn cao gấp đôi so với nhóm ra trận nhưng chưa đối mặt với cái chết. Số lần họ tham dự những buổi họp mặt cựu chiến binh cũng nhiều gấp đôi. Elder và Clipp giải thích: “Nỗi buồn đau lớn nhất trong chiến tranh chính là sự ra đi của đồng đội – trải nghiệm này khiến những người lính luôn trân trọng và mong muốn lưu giữ tình bạn với những người đã cùng vào sinh ra tử với mình”.

Những tình huống khắc nghiệt đã tạo nên mối gắn kết bền chặt đến không ngờ. Dường như đó là một trong những thời điểm cảm xúc con người trở nên thật nhất.

✦✦✦

Dù vô tình hay hữu ý, “những tảng đá nóng trong lều xông hơi” – hình ảnh biểu tượng của điều kiện sống khắc nghiệt được những người tham gia cùng chia sẻ – đã đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành mối quan hệ mật thiết giữa con người với nhau. Nhưng sự gắn kết này không đơn thuần là kết quả của việc cùng chịu đựng một điều kiện sống kham khổ, mà chính là việc những người tham gia đã cùng nhau sống trong môi trường đó. Wahpepah giải thích với chúng tôi: “Chúng ta là một khối khi ngồi thành vòng tròn, khi ta thấy rõ gương mặt từng người. Bạn dễ gắn kết bởi bạn nhìn thấy những biểu hiện sắc thái cảm xúc của những người khác. Cảm xúc, khi cùng nhau chia sẻ, sẽ lan tỏa rất nhanh. Vòng tròn tạo nên quyền năng to lớn đó”.

Vòng tròn đã vạch ra một biên giới vật chất rõ ràng giữa “cộng đồng” bên trong lều xông hơi và thế giới bên ngoài. Các nhà tâm lý gọi đó là khung xã hội – yếu tố môi trường thứ hai góp phần tạo nên hiện tượng bắt sóng cảm xúc.

Bên trong căn lều tối, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chỉ còn bạn và mọi người ngồi bên nhau. Tất cả hòa làm một. Và những trải nghiệm bên trong cũng rất riêng, không còn phân biệt ai là một phần của tập thể, ai không phải.

✦✦✦

Năm 1984, chúng tôi đã trải nghiệm hiện tượng bắt sóng cảm xúc như thế.

Gia đình chúng tôi chuyển từ Tel Aviv, Israel, đến El Paso, Texas. Ngay buổi chiều ngày thứ hai tại nơi ở mới, chúng tôi được vợ chồng người bạn đồng hương mời đến nhà chơi. Nathan và vợ, Shoshana, cùng là giáo viên dạy trường Hebrew, và ngôi nhà của họ luôn rộng mở đón chào những vị khách đến thăm.

Bước vào nhà Nathan và Shoshana, chúng tôi như được trở lại vùng đất quê hương vậy. Giữa phòng khách là một tấm thảm dày bằng vải thô màu đỏ, ghế xếp thành hình chữ nhật ôm gọn chiếc bàn cà phê. Chúng tôi trò chuyện sôi nổi về nhiều chủ đề, từ văn hóa El Paso đến các vấn đề chính trị, những sự kiện thời sự và cả những kỷ niệm đã qua. Trẻ con quây quần trên một chiếc ghế bành rộng. Nhìn chúng vươn tay lấy những chiếc bánh quy, chúng tôi có cảm giác như đang ở trong một thế giới hoàn toàn khác, không phải Israel, cũng không phải Mỹ.

Theo một nghĩa nào đó thì ngôi nhà của Nathan cũng giống như phòng xông hơi của Wahpapah: bạn trở thành một phần của một cộng đồng và sống trong một điều kiện khác biệt so với thế giới bên ngoài. Điều khiến ngôi nhà của Nathan trở nên đặc biệt không đơn thuần là lòng hiếu khách của chủ nhân hay cảm giác mừng vui khi gặp những người đồng hương, mà vì tại đây, chúng tôi trở thành một phần của “hội Nathan”.

Chúng tôi nhận ra nhà của Nathan là một nơi đặc biệt có thể giúp hình thành sự gắn kết lâu bền giữa những vị khách đến thăm. Một cách thúc đẩy hiện tượng bắt sóng cảm xúc của những cộng đồng được định khung chính là cho phép các thành viên trút bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài và nhìn nhận nhau như những người đồng giai cấp, đồng cảnh ngộ.

Ý niệm về một cộng đồng được định khung giúp chúng ta nhớ lại những chất xúc tác đã được trình bày. Việc cùng sinh hoạt trong một không gian đóng sẽ giúp phát huy hiệu ứng gần gũi. Trở thành một phần của một cộng đồng chung sẽ giúp tạo nên cảm giác mọi người là đồng điệu. Cảm giác an toàn và cùng trải nghiệm những điều kiện khắc nghiệt sẽ giúp một người dễ dàng mở lòng và thể hiện bản chất thật của mình. Đây là hình mẫu đại diện cho một nhu cầu cao hơn của con người – mong muốn trở thành một phần của một cộng đồng nào đó để gắn kết với thế giới theo cách thức đặc biệt và ý nghĩa hơn.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9 (Mỹ), Ori trở thành người kêu gọi và hỗ trợ các lãnh đạo doanh nghiệp tìm cách bảo vệ và phát triển cộng đồng. Thách thức với họ là làm thế nào để gắn kết một nhóm những chuyên gia độc lập như vậy. Tất cả đều mong muốn cống hiến và khao khát tham gia vào dự án này. Nhưng đây thật sự là một việc làm khá mới mẻ và không ai biết cụ thể họ sẽ phải làm thế nào để thực hiện ý tưởng này. Bên cạnh đó, tính cách độc lập, quyết đoán của các nhà lãnh đạo dường như trở thành rào cản trong việc hòa nhập và gắn kết với tập thể.

Ori quyết định định khung xã hội cho nhóm – điều mà các nhà lãnh đạo cảm thấy khá lạ lẫm. Anh cố gắng tạo ra môi trường phi thương trường theo khả năng có thể: không điện thoại, không PowerPoint, không có lịch trình công việc hay danh sách các việc cần làm. Thay vì gặp gỡ trong phòng hội thảo, mọi người sẽ gặp nhau tại một phòng lớn khách sạn với không khí cởi mở, thư giãn, thân thiện, khác biệt với cuộc sống thường nhật của họ.

Để tạo ra không gian an toàn, Ori yêu cầu các thành viên tự giới thiệu bản thân bằng cách kể lại ngắn gọn những khoảnh khắc hạnh phúc và đau khổ nhất trong cuộc đời. Anh hy vọng mọi người sẽ hiểu rằng buổi họp mặt này không nhằm khẳng định tài lãnh đạo của bất kỳ ai, mà là để gắn kết mọi người với nhau ở khía cạnh con người.

Kết quả, các chuyên gia đều trải lòng chia sẻ tâm tư. Những câu chuyện về thời khắc tuyệt vời như ngày thành lập công ty, ngày đứa con đầu tiên chào đời hoặc ngày được vinh danh trên một tờ báo hoặc tạp chí về những thành tựu đã đạt được… cứ nối đuôi nhau.

Thế nhưng, chia sẻ niềm vui thì dễ hơn là nỗi buồn, nên Ori không chắc các chuyên gia có sẵn sàng vượt qua rào cản này không. Nhưng phản ứng của họ khiến anh bất ngờ. Họ bộc bạch một cách chân tình, từ những khó khăn trong các mối quan hệ gia đình đến những điều hối tiếc trong cuộc sống. Một số người xúc động khi hồi tưởng những chuyện đó. Vào buổi trưa ngày hôm ấy, không gian cảm xúc được tạo ra bên trong phòng khách sạn đã chuyển hóa những con người chỉ tập trung vào các chỉ số và sự thành công sang các cá nhân biết tin tưởng lẫn nhau và xem những người trong nhóm như chỗ dựa tinh thần.

Một thành viên nói với người ngồi cạnh: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể thân thiết với anh như vậy. Nhưng tôi thật sự cảm thấy chúng ta đang hiểu nhau hơn, không chỉ qua những hợp đồng giao dịch mà chúng ta đã ký kết”.

Ori đã tạo ra “vòng tròn” cảm xúc lan tỏa. Một số người còn quyết định ứng dụng hiệu ứng này cho nhóm của mình. Tất cả đều bắt nguồn từ mối gắn kết sâu sắc được tạo ra giữa các thành viên trong cùng một nhóm. Và trong các nhóm do họ tổ chức, mục tiêu vẫn xoay quanh việc tạo nên một không gian an toàn và lược bỏ tối đa những số liệu hay biểu đồ phân tích, thay vào đó là tập trung chia sẻ những trải nghiệm và các câu chuyện cá nhân. Một số nhóm đạt được những kết quả ngoài mong đợi – phá vỡ rào cản giữa các quốc gia thù địch ở Nam Á hoặc quyên góp ủng hộ cho nỗ lực cứu trợ ở châu Phi. Nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sợi dây gắn kết được tạo ra bởi những thành viên tham gia vào “vòng tròn” cảm xúc ban đầu.

✦✦✦

Năm chất xúc tác chúng ta vừa tìm hiểu đều mang đến cơ hội để mọi người xích lại gần nhau. Chúng ta có thể bày tỏ những cảm xúc mà mình từng che giấu, gắn kết mọi người trong cùng một nhóm, tạo nên một tập thể gắn kết; song, liệu những hành động đó có thuộc về bản năng hay thói quen không?

Chúng tôi gặp Fred Wahpepah tại một nhà hàng Ý ở El Cerrito, California. Ông là người da đỏ, đeo vòng cổ, tóc chải ngược buộc thành đuôi dài, thuộc bộ lạc Kickapoo và Sac-and-Fox. Wahpepah lớn lên ở Oklahoma và từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Trong thời gian làm việc tại các xưởng đóng tàu ở Oakland sau khi xuất ngũ, Wahpepah tình cờ tìm lại được cội rễ của mình.

Kể từ đó, Wahpepah luôn giữ lấy tập tục của tổ tiên. Ông tổ chức các buổi xông hơi tập thể cho dân da đỏ và mọi người gần như hàng tuần. Nghi lễ này đã có ở nhiều bộ lạc như Navajo, Naskapi và Cree từ trước khi Columbus tìm ra châu Mỹ vào năm 1492.

Wahpepah nói với nụ cười hiền hậu: “Bạn không cần phải là một người như tôi mới có thể áp dụng liệu pháp này. Bạn có thể sùng đạo, có thể không. Tất cả những gì bạn cần là một không gian mở để mọi người tham gia và tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống”.

Trong lễ xông hơi, mọi người sẽ chui vào trong chiếc lều được ghép từ những cành cây uốn cong, bên ngoài phủ một lớp chăn dày. Trong lều, đá được chất thành đống và nung nóng. Khi đá nóng lên, vị chủ lễ sẽ tưới nước để tạo ra hơi nóng. Wahpepah giải thích: “Đây là công việc rất quan trọng. Vị chủ lễ phải nắm giữ ‘chốn linh thiêng’”.

Mọi người ngồi quây thành vòng tròn trong lều. Cứ khoảng 30 phút sẽ hé cửa ra một chốc. Hơi nóng càng lúc càng nhiều. Ai cũng cảm thấy ngột ngạt, cơ thể như lả đi. Tuy nhiên, bầu không khí bên trong sẽ bù đắp cho điều đó. Mục đích chủ yếu của lễ xông hơi là thanh lọc cơ thể, nhưng còn một hiệu ứng phụ tích cực khác từ liệu pháp này là tạo sự gắn kết giữa những người tham gia.

Wahpepah kể: “Cách đây không lâu, một người bạn tốt của tôi đã đến đây dự lễ và gặp một cô gái. Dẫu chưa hề quen biết, nhưng khi tình cờ nhìn thấy nhau từ hai vị trí ngồi đối diện, cả hai lập tức cảm mến nhau. Tất cả chúng tôi đều nhận ra sự gắn kết giữa họ. Họ chào làm quen và chỉ sau 24 giờ, họ đã đính hôn”.

Trong buổi lễ xông hơi của Wahpepah có bí ẩn gì mà có thể gắn kết các cá nhân mạnh mẽ đến vậy? Đây rõ ràng không phải là sự kiện thích hợp để khơi dậy tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, cũng không phải là chỗ bày tỏ tình cảm. Tuy nhiên, theo lời Wahpepah, “chốn linh thiêng” này đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành sự thân thuộc tức thời. Từ đây, chúng ta tìm ra chất xúc tác thứ năm: không gian tạo ra sự gắn kết tức thời hoặc hiện tượng bắt sóng cảm xúc giữa mọi người.

✦✦✦

Phương pháp gắn kết mọi người của Wahpepah đã khai sáng vấn đề hóc búa trong bài nghiên cứu của bác sĩ tâm thần Gerald Klerman và nhà tâm lý Myrna Weissman đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Klerman và Weissman lưu ý đến một hiện tượng bất thường diễn ra nhiều thập niên sau Thế chiến II:

Ở những nước công nghiệp như Mỹ, Thụy Điển, Đức, Canada và New Zealand, tỷ lệ người dân bị trầm cảm đã tăng đến mức báo động, trong khi đó ở các nước khác như Hàn Quốc và Puerto Rico, tỷ lệ này vẫn ổn định.

Phân tích thống kê của nhiều chuyên gia đã xác nhận kết luận của Klerman và Weissman là có thật. Tỷ lệ trầm cảm ở các nước công nghiệp tăng nhanh và tập trung ở những người trẻ tuổi, dù người dân có thu nhập cao hơn và cuộc sống sung túc hơn giai đoạn trước đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm, vấn đề dinh dưỡng và phúc lợi y tế đều được coi trọng. Mọi người khỏe mạnh hơn và có tuổi thọ cao – đồng thời thừa hưởng những sản phẩm công nghệ tiên tiến của kỷ nguyên công nghệ mới.

Khoảng cách về mức sống giữa các nước công nghiệp và các nước thuộc thế giới thứ ba rất lớn. Chẳng hạn, vào những năm 60, thu nhập bình quân của người dân Mỹ cao gấp 10 lần người dân Hàn Quốc. Tuổi thọ trung bình của người dân Hàn Quốc là 55 tuổi, trong khi của người dân Mỹ là 70. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh Hàn Quốc cao gấp ba lần so với Mỹ. Tuy vậy, người Hàn Quốc lại có cuộc sống vui vẻ và cởi mở hơn người Mỹ.

Đất nước Hàn Quốc, sau đó, đã bước qua cuộc khủng hoảng một cách thần kỳ. Trong nhiều thập niên qua, nền kinh tế Hàn Quốc đã chứng kiến nhiều bước tiến vượt bậc. Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc là 4,1/1.000 trẻ, trong khi đó tỷ lệ này ở Mỹ là 6,3/1.000 trẻ. Tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc là 79 tuổi so với của người Mỹ là 78.

Song, với mức sống tăng cao và nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc lại tăng nhanh vào năm 2005. Trung bình, trong 4.000 người thì có một người tự tử, cao gấp ba lần so với 20 năm trước.

Vì sao vậy? Một thành viên trên diễn đàn trực tuyến của Hàn Quốc đã lên tiếng cho số đông còn lại trên đất nước này: “Tôi không tìm được lý do để tiếp tục sống. Tôi sống chẳng có ý nghĩa gì. Nếu tôi chết đi thì cũng chẳng ai quan tâm, ngay cả cha mẹ tôi. Ai đó có thể chỉ tôi một cách tự tử nhẹ nhàng hay không?”. Điều bất ngờ là những lời lẽ này được viết bởi một học sinh lớp Sáu.

Theo Klerman và Weissman, khi trở thành một nước công nghiệp, Hàn Quốc cũng vướng phải cùng một vấn đề của các nước phương Tây: khi đất nước phát triển hơn thì tỷ lệ trầm cảm và tự tử của người dân cũng tăng vọt. Nhưng nguyên nhân ắt hẳn không nằm ở sự phát triển này. Việc có một chiếc máy giặt trong nhà sẽ không khiến cả gia đình đó trở nên chán nản. Vậy, tại sao khi đất nước phát triển, con người lại đánh mất niềm vui và hạnh phúc?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đến phép so sánh. Tuy quá trình công nghiệp hóa của Mỹ và Hàn Quốc khác nhau, nhưng hóa ra, giữa hai nước này có cùng một xu hướng chung và xu hướng đó cũng tồn tại giữa những nền công nghiệp khác nhau trong cùng một nước.Nhật Bản là một nước công nghiệp cao, có nền công nghệ phát triển nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống. Các nhà nghiên cứu của Trường Y Jichi đã có cơ hội quan sát hai nhóm người sống trong cùng một giai đoạn tại Nhật: nhóm thứ nhất đảm nhận các hoạt động trí óc (nhân viên văn phòng, quản lý, kỹ sư…) và nhóm thứ hai làm công việc chân tay (nông dân, thợ thủ công…). Kết quả cho thấy nhóm thứ nhất dễ bị trầm cảm hơn nhóm thứ hai.

Quả thật, cuộc sống thời kỳ hậu công nghiệp hóa rất khác so với những buổi xông hơi tập thể của Wahpepah. Trong lều xông hơi, bạn và mọi người ngồi cạnh nhau, cùng trò chuyện và chịu đựng hơi nóng; trong thời gian đó, bạn là một phần của một tập thể gắn bó. Ngược lại, trong nền kinh tế phát triển, một ngày của bạn chỉ quanh quẩn trong văn phòng có máy điều hòa, làm việc một mình bên cạnh máy tính và rất ít cơ hội giao tiếp với mọi người. Hơn thế nữa, nhiều khả năng bạn sẽ kết thúc một ngày bằng việc lặng lẽ ngồi xem tivi – một mình hoặc với gia đình.

Chúng ta biết rằng môi trường xã hội đóng vai trò quan trọng, chi phối nhận thức của chúng ta về hạnh phúc. Và đây chính là mấu chốt của chất xúc tác thứ năm. Các yếu tố môi trường giúp mọi người trong một cộng đồng gắn kết và sự ổn định tâm lý, và chúng cũng giúp hai người xa lạ có thể bắt sóng cảm xúc với nhau.

Hãy nhìn cận cảnh sự đối lập của xã hội hiện đại với chiếc lều xông hơi của Wahpepah. Những người tham gia cùng ngồi trong một không gian kín, cùng chịu sức nóng tăng dần phát ra từ lò xông. Chính sự chịu đựng chung – cảm giác cùng nhau vượt qua nghịch cảnh – đã giúp những người tham gia gắn kết với nhau thành một khối thống nhất.

Cuộc sống thời xưa khó khăn hơn ngày nay rất nhiều – điện nước, lương thực và thuốc men đều thiếu thốn. Nhưng chính cuộc sống thiếu thốn mà mọi người cùng chung lưng đấu cật này đã giúp mọi người gắn kết thành cộng đồng bền chặt, tạo ra sự đồng lòng giữa mọi người trong xã hội.

✦✦✦

John Karren, phó giám đốc Chương trình Utah – một hội trại tập huấn kỹ năng dành cho thiếu niên gặp vấn đề hành vi – cho biết: “Đối với bọn trẻ, điều quan trọng là được giải phóng ra khỏi không gian và môi trường quen thuộc thường ngày, giải phóng khỏi những tiện nghi gia dụng và những con người luôn có sẵn và chờ phục vụ chúng”. Tại đây, bọn trẻ không có tivi, trò chơi điện tử, thức ăn nhanh, tin nhắn điện thoại để giải trí hoặc gây phân tâm.

Bọn trẻ phải đi bộ hai đến năm cây số mỗi ngày. Với nhiều thiếu niên thì đây là lần đầu tiên chúng phải rèn luyện sức khỏe căng như vậy. Karren nói tiếp: “Có một điều gì đó rất đặc biệt khi bạn sống giữa thiên nhiên hoang dã, đêm quây quần bên lửa trại cùng ngắm sao trời và tự nhóm lửa nấu ăn”.

Quá trình cùng nhau đi bộ và tự nấu ăn giúp bọn trẻ trở nên thân thiết và gắn bó với nhau. Chính việc cùng nhau chịu đựng gian khổ, bị rộp da vì côn trùng cắn, mệt mỏi và thiếu thốn vật chất đã đưa bọn trẻ lại gần nhau.

Rõ ràng trải nghiệm cùng vượt qua gian khó giúp con người gắn kết với nhau, nhưng liệu mối gắn kết đó có bền vững không? Trải nghiệm này có hoàn toàn tác động đến mối quan hệ giữa những người tham gia?

Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa môi trường thử thách, sự gắn kết giữa những người tham gia và tính bền vững. Các giáo sư Glen H. Elder Jr. ở Đại học North Carolina và Elizabeth C. Clipp ở Đại học Duke đã khảo sát những người lính từng phục vụ trong quân đội suốt Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Họ được chia làm ba nhóm: nhóm không trực tiếp ra trận, nhóm ra trận nhưng chưa đối mặt với cái chết và nhóm từng rơi vào những tình huống sống còn.

Kết quả cho thấy điều kiện chiến đấu càng khắc nghiệt, tinh thần đồng đội và sự gắn kết giữa những người lính càng bền chặt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ có khuynh hướng kết thân với người đồng đội cùng kề vai sát cánh chiến đấu cạnh mình hơn là một anh bạn phục vụ chung trong phòng ăn tập thể.

Elder và Clipp còn phát hiện ra rằng tỷ lệ duy trì tình đồng đội của nhóm cựu chiến binh từng rơi vào tình huống sống còn cao gấp đôi so với nhóm ra trận nhưng chưa đối mặt với cái chết. Số lần họ tham dự những buổi họp mặt cựu chiến binh cũng nhiều gấp đôi. Elder và Clipp giải thích: “Nỗi buồn đau lớn nhất trong chiến tranh chính là sự ra đi của đồng đội – trải nghiệm này khiến những người lính luôn trân trọng và mong muốn lưu giữ tình bạn với những người đã cùng vào sinh ra tử với mình”.

Những tình huống khắc nghiệt đã tạo nên mối gắn kết bền chặt đến không ngờ. Dường như đó là một trong những thời điểm cảm xúc con người trở nên thật nhất.

✦✦✦

Dù vô tình hay hữu ý, “những tảng đá nóng trong lều xông hơi” – hình ảnh biểu tượng của điều kiện sống khắc nghiệt được những người tham gia cùng chia sẻ – đã đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành mối quan hệ mật thiết giữa con người với nhau. Nhưng sự gắn kết này không đơn thuần là kết quả của việc cùng chịu đựng một điều kiện sống kham khổ, mà chính là việc những người tham gia đã cùng nhau sống trong môi trường đó. Wahpepah giải thích với chúng tôi: “Chúng ta là một khối khi ngồi thành vòng tròn, khi ta thấy rõ gương mặt từng người. Bạn dễ gắn kết bởi bạn nhìn thấy những biểu hiện sắc thái cảm xúc của những người khác. Cảm xúc, khi cùng nhau chia sẻ, sẽ lan tỏa rất nhanh. Vòng tròn tạo nên quyền năng to lớn đó”.

Vòng tròn đã vạch ra một biên giới vật chất rõ ràng giữa “cộng đồng” bên trong lều xông hơi và thế giới bên ngoài. Các nhà tâm lý gọi đó là khung xã hội – yếu tố môi trường thứ hai góp phần tạo nên hiện tượng bắt sóng cảm xúc.

Bên trong căn lều tối, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chỉ còn bạn và mọi người ngồi bên nhau. Tất cả hòa làm một. Và những trải nghiệm bên trong cũng rất riêng, không còn phân biệt ai là một phần của tập thể, ai không phải.

✦✦✦

Năm 1984, chúng tôi đã trải nghiệm hiện tượng bắt sóng cảm xúc như thế.

Gia đình chúng tôi chuyển từ Tel Aviv, Israel, đến El Paso, Texas. Ngay buổi chiều ngày thứ hai tại nơi ở mới, chúng tôi được vợ chồng người bạn đồng hương mời đến nhà chơi. Nathan và vợ, Shoshana, cùng là giáo viên dạy trường Hebrew, và ngôi nhà của họ luôn rộng mở đón chào những vị khách đến thăm.

Bước vào nhà Nathan và Shoshana, chúng tôi như được trở lại vùng đất quê hương vậy. Giữa phòng khách là một tấm thảm dày bằng vải thô màu đỏ, ghế xếp thành hình chữ nhật ôm gọn chiếc bàn cà phê. Chúng tôi trò chuyện sôi nổi về nhiều chủ đề, từ văn hóa El Paso đến các vấn đề chính trị, những sự kiện thời sự và cả những kỷ niệm đã qua. Trẻ con quây quần trên một chiếc ghế bành rộng. Nhìn chúng vươn tay lấy những chiếc bánh quy, chúng tôi có cảm giác như đang ở trong một thế giới hoàn toàn khác, không phải Israel, cũng không phải Mỹ.

Theo một nghĩa nào đó thì ngôi nhà của Nathan cũng giống như phòng xông hơi của Wahpapah: bạn trở thành một phần của một cộng đồng và sống trong một điều kiện khác biệt so với thế giới bên ngoài. Điều khiến ngôi nhà của Nathan trở nên đặc biệt không đơn thuần là lòng hiếu khách của chủ nhân hay cảm giác mừng vui khi gặp những người đồng hương, mà vì tại đây, chúng tôi trở thành một phần của “hội Nathan”.

Chúng tôi nhận ra nhà của Nathan là một nơi đặc biệt có thể giúp hình thành sự gắn kết lâu bền giữa những vị khách đến thăm. Một cách thúc đẩy hiện tượng bắt sóng cảm xúc của những cộng đồng được định khung chính là cho phép các thành viên trút bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài và nhìn nhận nhau như những người đồng giai cấp, đồng cảnh ngộ.

Ý niệm về một cộng đồng được định khung giúp chúng ta nhớ lại những chất xúc tác đã được trình bày. Việc cùng sinh hoạt trong một không gian đóng sẽ giúp phát huy hiệu ứng gần gũi. Trở thành một phần của một cộng đồng chung sẽ giúp tạo nên cảm giác mọi người là đồng điệu. Cảm giác an toàn và cùng trải nghiệm những điều kiện khắc nghiệt sẽ giúp một người dễ dàng mở lòng và thể hiện bản chất thật của mình. Đây là hình mẫu đại diện cho một nhu cầu cao hơn của con người – mong muốn trở thành một phần của một cộng đồng nào đó để gắn kết với thế giới theo cách thức đặc biệt và ý nghĩa hơn.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9 (Mỹ), Ori trở thành người kêu gọi và hỗ trợ các lãnh đạo doanh nghiệp tìm cách bảo vệ và phát triển cộng đồng. Thách thức với họ là làm thế nào để gắn kết một nhóm những chuyên gia độc lập như vậy. Tất cả đều mong muốn cống hiến và khao khát tham gia vào dự án này. Nhưng đây thật sự là một việc làm khá mới mẻ và không ai biết cụ thể họ sẽ phải làm thế nào để thực hiện ý tưởng này. Bên cạnh đó, tính cách độc lập, quyết đoán của các nhà lãnh đạo dường như trở thành rào cản trong việc hòa nhập và gắn kết với tập thể.

Ori quyết định định khung xã hội cho nhóm – điều mà các nhà lãnh đạo cảm thấy khá lạ lẫm. Anh cố gắng tạo ra môi trường phi thương trường theo khả năng có thể: không điện thoại, không PowerPoint, không có lịch trình công việc hay danh sách các việc cần làm. Thay vì gặp gỡ trong phòng hội thảo, mọi người sẽ gặp nhau tại một phòng lớn khách sạn với không khí cởi mở, thư giãn, thân thiện, khác biệt với cuộc sống thường nhật của họ.

Để tạo ra không gian an toàn, Ori yêu cầu các thành viên tự giới thiệu bản thân bằng cách kể lại ngắn gọn những khoảnh khắc hạnh phúc và đau khổ nhất trong cuộc đời. Anh hy vọng mọi người sẽ hiểu rằng buổi họp mặt này không nhằm khẳng định tài lãnh đạo của bất kỳ ai, mà là để gắn kết mọi người với nhau ở khía cạnh con người.

Kết quả, các chuyên gia đều trải lòng chia sẻ tâm tư. Những câu chuyện về thời khắc tuyệt vời như ngày thành lập công ty, ngày đứa con đầu tiên chào đời hoặc ngày được vinh danh trên một tờ báo hoặc tạp chí về những thành tựu đã đạt được… cứ nối đuôi nhau.

Thế nhưng, chia sẻ niềm vui thì dễ hơn là nỗi buồn, nên Ori không chắc các chuyên gia có sẵn sàng vượt qua rào cản này không. Nhưng phản ứng của họ khiến anh bất ngờ. Họ bộc bạch một cách chân tình, từ những khó khăn trong các mối quan hệ gia đình đến những điều hối tiếc trong cuộc sống. Một số người xúc động khi hồi tưởng những chuyện đó. Vào buổi trưa ngày hôm ấy, không gian cảm xúc được tạo ra bên trong phòng khách sạn đã chuyển hóa những con người chỉ tập trung vào các chỉ số và sự thành công sang các cá nhân biết tin tưởng lẫn nhau và xem những người trong nhóm như chỗ dựa tinh thần.

Một thành viên nói với người ngồi cạnh: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể thân thiết với anh như vậy. Nhưng tôi thật sự cảm thấy chúng ta đang hiểu nhau hơn, không chỉ qua những hợp đồng giao dịch mà chúng ta đã ký kết”.

Ori đã tạo ra “vòng tròn” cảm xúc lan tỏa. Một số người còn quyết định ứng dụng hiệu ứng này cho nhóm của mình. Tất cả đều bắt nguồn từ mối gắn kết sâu sắc được tạo ra giữa các thành viên trong cùng một nhóm. Và trong các nhóm do họ tổ chức, mục tiêu vẫn xoay quanh việc tạo nên một không gian an toàn và lược bỏ tối đa những số liệu hay biểu đồ phân tích, thay vào đó là tập trung chia sẻ những trải nghiệm và các câu chuyện cá nhân. Một số nhóm đạt được những kết quả ngoài mong đợi – phá vỡ rào cản giữa các quốc gia thù địch ở Nam Á hoặc quyên góp ủng hộ cho nỗ lực cứu trợ ở châu Phi. Nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sợi dây gắn kết được tạo ra bởi những thành viên tham gia vào “vòng tròn” cảm xúc ban đầu.

✦✦✦

Năm chất xúc tác chúng ta vừa tìm hiểu đều mang đến cơ hội để mọi người xích lại gần nhau. Chúng ta có thể bày tỏ những cảm xúc mà mình từng che giấu, gắn kết mọi người trong cùng một nhóm, tạo nên một tập thể gắn kết; song, liệu những hành động đó có thuộc về bản năng hay thói quen không?

Bình luận
× sticky