Đôi khi, đừng nên đối mặt với khó khăn thử thách một mình
Đôi khi có những rắc rối tưởng chừng như không thể giải quyết được. Chúng ta ai cũng có nhu cầu chia sẻ những khó khăn của mình với người khác, có thể đó là những người thường quan tâm đến chúng ta nhất hoặc đó là những người đã từng gặp phải những rắc rối tương tự. Có những việc tự mình giải quyết sẽ mang lại kết quả tốt nhưng đôi khi sẽ càng làm cho vấn đề khó khăn và phức tạp hơn. Nếu cùng chia sẻ với nhau, chúng ta có thể sẽ tìm ra giải pháp tối ưu. Điều này khác xa với việc những người gặp chuyện gì cũng than thở, kể lể vì điều đó chỉ mang lại sự thiếu tự tin, thụ động mong chờ sự thương hại, giúp đỡ của người khác.
Sam không có đủ tiền để trang trải khoản cầm cố tài sản khi đáo hạn. Sự việc lặp lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Cuối cùng đại diện của ngân hàng cũng đến nhà anh để làm thủ tục tịch biên.
Khi lỗi hẹn trả tiền lần đầu, mọi việc đều có thể khắc phục được. Sam hẳn có thể thu xếp để giữ lại ngôi nhà của anh. Sam có những người bạn hiểu biết pháp luật có thể giúp đỡ mình, nhưng anh đã không đến tìm họ bởi anh thấy ngượng.
Sam đã tự đưa mình vào phiền toái. Hết ngày này qua ngày khác, vấn đề của anh ngày một trầm trọng hơn. Sam ngày càng phiền muộn và bối rối hơn. Anh không biết làm gì để thoát khỏi rắc rối đó. Hậu quả là, anh ngày càng cô lập mình với bạn bè. Trước khi mọi người biết chuyện thì anh đã phải ra khỏi ngôi nhà của mình. Rõ ràng: “Điều duy nhất bạn có được từ việc che giấu những vấn đề rắc rối của mình là chắc chắn sẽ chẳng có ai giúp đỡ bạn cả.”
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên một nhóm phụ nữ không mấy hài lòng với cuộc sống. Vài người trong số họ được giới thiệu với người khác để cùng nhau chia sẻ hoàn cảnh, số còn lại được để tự giải quyết vấn đề của mình. Kết quả là những phụ nữ khi được tiếp xúc với người khác thấy mình chẳng còn phải lo nghĩ gì nhiều, trong khi những người phải giải quyết một mình cảm thấy không hề khá hơn chút nào.
– Hunter và Liao