Ngoại trừ những cuộc tranh luận về chuyên môn nhằm mục đích phân tích, góp ý – thì hầu hết các lần tranh cãi đều dẫn đến một kết quả chẳng lấy gì làm vui vẻ – ngay cả khi bạn đúng, bạn cũng chẳng đạt được gì ngoài việc trở nên đối nghịch với người đối diện.
Không có kẻ chiến thắng trong các cuộc tranh cãi nặng lời. Hãy nhớ rằng – mối quan hệ giữa bạn với người đối diện quan trọng biết bao so với vấn đề mà bạn và họ đang phải đối đầu. Sự cố chấp, chỉ trích thái quá thường xuyên trong những mối quan hệ làm tăng sự căng thẳng và làm giảm đi hạnh phúc của cuộc sống.
Bạn có cho rằng lúc nào bạn cũng đúng? Và bạn có cho rằng đó quả là một điều tuyệt vời?
Adam lúc nào cũng đúng. Ít ra là anh nghĩ như vậy. Cho dù đó chỉ là một câu hỏi tầm phào hay một thắc mắc đơn giản như làm cách nào dán giấy lên tường hiệu quả nhất, Adam đều biết câu trả lời. Khi gia đình tranh luận với anh về một điều gì đó, Adam luôn bắt đầu bằng một cuộc hạch hỏi. Anh luôn yêu cầu họ nói cho anh biết tại sao họ không đồng ý, rồi cố nắm lấy một điểm mâu thuẫn trong lập luận của họ để đặt ra hàng loạt câu hỏi như một luật sư muốn buộc một nhân chứng khả nghi thú nhận tội lỗi của mình.
Gần như lúc nào Adam cũng thắng cuộc và nhận được sự nhượng bộ từ những ‘nhân chứng’ của mình. Vấn đề là, nhân chứng của Adam không phải là một tội phạm trong tòa án mà chỉ là một người bạn hay một người thân có quan điểm khác anh. Một số bạn bè anh cho rằng – thật chẳng đáng để phải bất đồng với Adam. Những người khác thì nói rằng thậm chí chẳng đáng trò chuyện với anh, vì họ chẳng biết được khi nào thì một đề tài sẽ bùng nổ thành một cuộc tranh cãi. Adam đã thắng mọi trận đánh nhỏ, nhưng lại thua trong một cuộc chiến vô hình. Anh đã để mất những cơ hội nếm trải những giây phút thú vị bên những người anh quan tâm.
– O’Connor