Cuộc sống của bạn được hình thành từ nhiều mối quan hệ khác nhau từ những người thân trong gia đình, bạn học thời phổ thông, thời sinh viên hay từ những đồng nghiệp cũng như các mối quan hệ trong công việc, xã giao… Bạn sẽ nhận ra mối quan hệ nào là mối quan hệ tinh thần, có giá trị lâu dài và những quan hệ nào chỉ mang tính nhất thời, ai có thể là bạn tâm giao và ai sẽ là bạn trong công việc.
Nếu bạn đã từng thất vọng bởi một trong những mối quan hệ với một người bạn hay người thân, hãy đừng để tổn thương đó ảnh hưởng đến những mối quan hệ khác và làm thay đổi mình.
Trong gia đình, Jane được bố mẹ và em trai thương yêu. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ thấy mình thật sự hòa hợp với chị Jenny. Cô lấy làm thất vọng về điều này và luôn tự hỏi tại sao cô không thể có được những giây phút vui vẻ như khi bên cạnh bố mẹ và cậu em trai. Jane không hiểu mình có điều gì không ổn? Những cử chỉ ngộ nghĩnh và đáng yêu của Jane từng làm cho bố mẹ và em cô vui vẻ và hạnh phúc biết bao nhiêu thì lại bị chị cô xem là giả dối.
Tại sao chúng ta không thể cư xử giống nhau với tất cả mọi người để có được những mối quan hệ tốt đẹp? Theo những nhà tâm lý tại Đại học McGill Canada, đó là bởi vì “con người rất phức tạp, họ có quá nhiều mặt” nên chúng ta khó lòng mong đợi tất cả họ sẽ phản ứng giống nhau.
Chúng ta cần chấp nhận thực tế rằng – mình chỉ có thể sống hòa thuận với đa số chứ không phải với tất cả những người thân của chúng ta, và đó không phải là thiếu sót mà là một hiện thực. Các nhà nghiên cứu giải thích: “Những người hài lòng với cuộc sống không phải lúc nào cũng có những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người. Họ trân trọng những mối quan hệ tốt đẹp mà họ có và biết chấp nhận những mối quan hệ không hoàn hảo.”
Những nhà nghiên cứu nhận ra rằng: Có sự khác biệt giữa hạnh phúc của những người có mối quan hệ bạn hữu tôt đẹp với những người chủ yếu dựa vào tình cảm gia đình. Những người có mối quan hệ tốt với bằng hữu thật sự vẫn tôn trọng những mối quan hệ với gia đình. Họ trưởng thành hơn và hạnh phúc hơn những người chỉ lệ thuộc vào gia đình một cách “vị kỷ trung tâm”.
Con người luôn có khả năng tạo dựng hạnh phúc từ những mối quan hệ sẵn có hay những mối quan hệ mới nếu mối quan hệ đó thực sự có ý nghĩa và trở thành nguồn động viên trong cuộc sống mà không nhất thiết chúng phải là những mối quan hệ lý tưởng.
– Takahashi, Tamura và Tokoro