Ông Hêluy là một đại thương gia. Thừa kế một gia sản lớn, ông còn làm cho cái gia sản ấy lớn hơn bằng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Ông rút lui khỏi thương trường khá sớm vì bệnh tật và ông sống bằng lợi tức trong thành phố quê hương mình. Ông là người có danh tiếng ở đây. Gia đình ông ở nơi này từ xa xưa, là một trong những gia đình được tôn trọng nhất, thế hệ nào, dòng họ này cũng có một người giữ một vị trí danh dự trong tỉnh lỵ. Khu vườn đẹp nhất ở lối vào thành phố và ngôi nhà ở phố chợ là tài sản của gia đình đã từ bao đời nay.
Ngôi nhà ở ngay góc thương trường và một phố rất dốc, ở góc này, mặt tiền đường bệ của ngôi nhà kết thúc bằng một bao lơn.
Bà Hêluy đến ngôi nhà này từ năm mười hai tuổi. Gia đình Hêluy có họ với bà, đã tiếp nhận bà sau khi cha mẹ bà nối tiếp nhau qua đời, không có gia sản gì để lại. Cô gái sống thật vất vả bên bà cô già nghiêm khắc và kiêu ngạo. Người con trai một của gia đình lúc đầu cảm thấy thương hại cô, về sau tình thương chuyển thành tình yêu. Bà mẹ cương quyết phản đối việc lựa chọn của con trai nên đã xảy ra nhiều cảnh đụng độ ghê gớm về vấn đề này. Nhưng ý muốn của người con si tình đã thắng. Anh cưới cô gái. Tính lầm lì cau có của cô được anh coi đấy là sự thẹn thùng của gái chưa chồng. Vẻ lạnh lùng của cô là sự khắc khổ về đạo đức, thái độ bướng bỉnh là cá tính. Sau những ngày kết hôn đầu tiên, anh tỉnh ngộ một cách cay đắng. Anh chàng tội nghiệp thấy ngay tức thì quả đấm sắt của một người chuyên chế nện vào gáy mình, và ở nơi anh trông chờ sự gắn bó biết ơn, anh đột ngột vấp phải tính ích kỷ thâm trầm không ngờ.
Người vợ đã đẻ cho chồng hai đứa con, thằng bé Đanien em và anh nó là Giôhanex hơn nó tám tuổi. Ông Hêluy đã gửi đứa con lớn này ngay từ lúc nó mười một tuổi cho một người bà con gần, có học vấn uyên bác ở bên bờ sông Ranh, ông ta lãnh đạo một trường trung học lớn.
Đấy là tình hình gia đình ông Hêluy khi ông đem con gái nhà ảo thuật về nhà. Tai nạn kinh khủng mà ông được chứng kiến đã làm ông xúc động mạnh. Ông không quên được cái nhìn cầu khẩn, đau đớn khôn tả của người đàn bà bất hạnh, khi nàng cúi đầu nhận tiền vé trước sự nhục mạ trong hành lang. Là người giàu tình cảm ông đau buồn khi nghĩ rằng, có lẽ chính ở nhà ông người đàn bà tội nghiệp kia đã phải nhận sự xúc phạm cuối cùng đối với cái nghề khốn khổ của mình. Cho nên khi người Ba Lan nói cho ông biết nguyện vọng cuối cùng của người chết, ông sốt sắng đề nghị để ông nuôi dạy đứa trẻ. Chỉ sau khi đi ngoài đường tối tăm với tiếng kêu vĩnh biệt lần cuối cùng đau như xé ruột của người đàn ông khốn khổ đuổi theo ông và con bé vòng tay ôm chặt lấy cổ ông đòi mẹ, lúc ấy ông mới nghĩ đến sự phản đối tiền định đang đợi ông ở nhà. Nhưng ông trông cậy vào vẻ đáng yêu của đứa bé và việc vợ chồng ông không có con gái. Dù đã gặp nhiều cái bất ngờ đáng hổ thẹn và khó chịu, ông cũng chưa khái niệm được đầy đủ tính nết của vợ ông, nếu không ông đã quay ngay lại để trao trả con bé vào tay cha nó.
Cho đến lúc bấy giờ, quan hệ giữa ông Hêluy và vợ ông đã lạnh lùng, nhưng từ lúc nhận nuôi con bé có thể nói vách đá đã dựng lên sừng sững giữa hai vợ chồng. Trong nhà, mọi hoạt động vẫn như thường lệ. Họ cùng ăn với nhau, ngày chủ nhật họ cùng đi nhà thờ bên cạnh nhau. Nhưng bà Hêluy cố ý tránh nói năng với chồng. Mọi thái độ làm lành của ông, bà đều lạnh nhạt khước từ một cách tàn nhẫn. Con bé len lỏi vào gia đình không tồn tại trước mắt bà. Trong buổi tối bão tố kia, bà chỉ ra lệnh một lần cho chị bếp mỗi hôm phải làm thêm một suất ăn. Bà đã ném vào phòng người tớ gái mấy thứ chăn gối và vải trải giường. Chiếc hòm nhỏ đựng quần áo của Fêlixitê do người bồi khách sạn Liông đem đến, Vêrônic phải mở ra trước mặt bà chủ rồi đem treo ngay ở một hành lang, chỗ thật thoáng gió, mớ quần áo cực kỳ sạch sẽ thoang thoảng mùi thơm rất nhẹ nhàng…
Đó là bắt đầu và kết thúc sự chăm sóc bà Hêluy bắt buộc phải có đối với “đứa con của mụ diễn trò”. Người đàn bà tướng đàn ông ấy tự thề rằng sẽ không bao giờ băn khoăn đến việc ấy nữa.
Chỉ có một lần, sự chú ý loé lên ở nhà bà như một đốm lửa. Hôm ấy, chị thợ may đến ngồi ở phòng may cho Fêlixitê hai chiếc váy sẫm màu và theo kiểu nghiêm túc như áo bà chủ mặc. Trong thời gian ấy, bà Hêluy cặp con bé vào đùi, mặc cho nó vùng vẫy, bà lấy bàn chải, lược thưa, sáp bôi đầu, chải cho những búp tóc tuyệt đẹp ẹp xuống thành hai mái phẳng lì vòng ra sau gáy tết thành hai bím cứng quèo, xấu xí.
Người đàn bà có thái độ thù địch với những gì lịch sự duyên dáng, với tất cả những gì đụng chạm đến ý nghĩ chai cứng của bà ta và mô phỏng các đường nét và hình dáng ở lĩnh vực toàn mỹ, thái độ thù địch này còn mạnh hơn cả sự ngoan cố, sự cương quyết tỏ ra không cần biết đến sự có mặt của đứa bé.
Ông Hêluy rớm nước mắt khi thấy đứa bé cưng bị biến dạng đi như thế chạy đến với ông.
Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, cũng chưa có gì đáng ái ngại cho đứa bé. Nó còn có thể thoát khỏi tầm tay của nữ quỷ Mêđuydơ (1) đến ẩn náu ở một tấm lòng nhân hậu. Ông Hêluy yêu nó như con đẻ của ông. Tất nhiên ông không có can đảm nói thẳng điều đó ra, ông đã dùng cạn nguồn nghị lực của mình đối với vợ ông trong buổi tối gay go kia, nhưng mắt ông luôn theo dõi, chăm nom Fêlixitê. Cũng như Đanien, nó có một chỗ để chơi trong phòng cha nuôi, ở đấy nó có thể tự do âu yếm các búp bê của nó và ru chúng bằng những điệu hát nó vẫn còn nhớ từ khi mẹ nó bế nó trong lòng.
Đanien không đi học trường công mà có thầy đến dạy học ở nhà trước mặt cha nó. Khi Fêlixitê được sáu tuổi, nó cũng được học như thế. Nhưng ngay sau khi tuyết tan, ông Hêluy hàng ngày cùng mấy đứa trẻ đến khu vườn lớn của ông, chúng học hành, vui chơi ở đấy và họ chỉ về ngôi nhà phố chợ vào các bữa ăn.
Bà Hêluy ít khi đặt chân đến vườn, bà thích ngồi với đồ đan của mình – trong gian phòng lớn tầng dưới, sau những rèm cửa sổ trắng, sự ưa thích ấy có duyên cớ riêng. Một vị tổ tiên của ông Hêluy đã trồng vườn này theo kiểu Luy XIV. Hình dáng diễm lệ nhưng ít che đậy của nữ thần Florơ (2), cánh tay và vai để trần của nữ thần Pơrôxecpin (3) đang vùng vẫy cũng như vị thần cướp nàng khoả thân, vạm vỡ, thu hút mắt nhìn ngay từ cửa vườn, đấy chính là chướng ngại đối với bà Hêluy. Lúc đầu bà đã khẩn thiết đòi hỏi phải huỷ bỏ sự phô bày thân thể con người tội lỗi ấy, nhưng chồng bà đã cứu được những thứ ông ưu ái bằng cách tạo ra di chúc của tổ tiên chính thức nghiêm cấm việc chuyển bỏ các bức tượng. Vì thế bà Hêluy đã hối hả cho trồng ở dưới chân các vị thần, duyên cớ bất hoà này, một rừng cây leo. Không bao lâu khuôn mặt ghê gớm của ngài Plutôn hiện ra dưới bộ tóc giả đạo mạo bằng cây xanh. Nhưng một buổi sáng kia, Hăngri, theo lệnh ông chủ đã nhổ tận gốc và dọn sạch những dây leo xanh tốt này với một niềm vui vô tả, và từ đó bà Hêluy tránh không bước vào vườn vì sự cứu rỗi của linh hồn bà, nhưng chủ yếu là vì những bức tượng ấy là bằng chứng ngạo nghễ về sự thất bại của bà. Chính vì thế mà khu vườn là chỗ yêu thích nhất của bé Fêlixitê.
Con bé học rất hăng và chăm chú một cách lạ kỳ trong các giờ học. Nhưng lúc gần chiều, khi ông Hêluy tuyên bố giờ học đã hết, nó bỗng thay đổi hẳn. Nó như cuồng lên, như say sưa vì tự do, nó dang tay chạy tung tăng qua bãi cỏ, trông thật ngây thơ và đáng yêu. Rồi nó trèo nhanh như chớp lên thân cây hồ đào, la hét vui vẻ khi thò cái đầu bù xù ra trên ngọn cây và một lúc sau đã lại nằm bên bờ con suối rì rào chảy qua bãi cỏ, hai tay khoanh dưới đầu, nó nhìn lá rung rinh trên các khóm cây xanh, nó theo dõi trong mơ tưởng các ảo ảnh lừa dối mà trí tưởng tượng của trẻ thơ cùng những chuyện cổ tích được nghe đã hiện ra ở đấy… Dưới chân nó, nước thì thầm bài ca đều đều, ánh mặt trời nhảy múa trên bàn nước, ong mật và ong bầu bay vo ve, những con bướm sau khi mải miết bay lượn quanh những cây lạ ở trước vườn đã tìm thấy chốn yên ổn ở nơi này và không hề sợ hãi đu mình ở các đài hoa gần ngay bên má con bé.
Chưa bao giờ ông Hêluy dám nói với nó sự thật về cha mẹ nó. Suốt năm năm nó vẫn nói đến cha mẹ một cách âu yếm thật cảm động và tin tưởng vô cùng ở lời hứa mơ hồ của người cha nuôi rằng một ngày kia nó sẽ gặp lại cha mẹ. Nó không biết nghề nghiệp của cha vì chính cha nó cũng không muốn ai nói đến. Cho nên ông Hêluy rất thận trọng không cho một người nào trong nhà nói với nó về quá khứ của nó. Ông không nghĩ rằng tấm rèm từ thiện ông căng ra trước mặt con bé lại sớm tuột khỏi tay ông… Ông không nghĩ đến cái chết của mình. Ông mắc bệnh lao phổi ở thời kỳ cuối, và như mọi người mắc bệnh này, ông vô cùng hy vọng ở cuộc sống.
Một buổi chiều, bác sĩ Buêơm bước vào phòng ông. Người bệnh đang ngồi ở bàn giấy viết rất mải miết. Nệm xếp đống ở sau lưng và hai bên ghế bành đỡ lấy thân hình gầy guộc của ông.
– Này! – bác sĩ kêu to và giơ chiếc can lên. – Chuyện phi lý này là thế nào đấy? Ai cho phép anh viết? Anh có đặt bút xuống ngay không!
Ông Hêluy quay lại mỉm cười:
– Tôi đang viết thư cho Giôhanex về việc con bé Fêlixitê, và tôi, người cả đời chẳng nghĩ đến cái chết, thế mà lúc anh vào, bút tôi đã viết câu này đây.
Bác sĩ cúi xuống và đọc to lên:
“… Cha đánh giá cao tính tình của con, Giôhanex, và không ngần ngại giao cho con việc chăm nom đứa bé người ta đã uỷ thác cho cha, nếu cha phải rời bỏ cõi trần này sớm hơn…”
– Chà. Không thêm một lời nào nữa trong ngày hôm nay! – Bác sĩ nói và mở ngăn kéo đặt bức thư viết dở vào đấy. Rồi ông sốt sắng bắt mạch cho người bệnh và kín đáo liếc nhìn hai vệt đỏ ửng ở hai bên quai hàm bạnh ra.
– Anh như trẻ con ấy, anh Hêluy ạ! – Bác sĩ trách ông. – Tôi chỉ quay lưng đi là anh lại làm một việc bậy bạ!
– Còn anh, anh hành hạ tôi một cách đáng ghét. Hãy đợi đấy, tháng năm tới tôi sẽ thoát khỏi tay anh, nhưng nếu anh có thể chạy theo tôi đến Thuỵ Sĩ thì tôi cũng không thấy gì bất tiện cả.
Hôm sau, các cửa phòng người quá cố mở rộng. Mùi xạ thơm ngào ngạt toả ra ngoài phố và một người đàn ông mặc đồ đen đi khắp thị trấn theo lệnh người goá phụ để báo tin cho các vị có chức sắc biết ông Hêluy vừa dâng linh hồn cho Chúa.
Bốn mươi tám giờ sau, thi thể của người đàn ông nhân từ ấy được đưa ra gian phòng trước nhà. Đầu ông để trần đặt trên chiếc gối sa tanh trắng. Nhiều người đến viếng rồi ra đi thật lặng lẽ.
Fêlixitê ngồi xổm trong một xó tối, sau những bồn trồng cam và trúc đào. Suốt hai ngày nó không được nhìn thấy ông bác, phòng ông đã khoá, và lúc này con bé quỳ gối xuống nền đá lạnh lẽo, mắt sợ sệt. Nhìn bộ mặt nó không còn nhận ra được nữa, bộ mặt mà cái chết đã lấy mất cả dấu vết hiền hậu… Đứa bé này đã hiểu biết gì về cái chết? Nó ở bên ông vào lúc cuối cùng của ông, vậy mà nó không hiểu rằng tất cả đã đột ngột kết thúc với tia máu vọt từ miệng ông ra. Ông đã chăm chú nhìn nó với một vẻ mặt khó tả, khi mọi người đuổi nó ra khỏi phòng. Trong lúc âm thầm lo lắng, nó bồn chồn, chạy khắp mọi chỗ và hỏi xem nó có thể, như mọi khi đem đèn và trà cho bác được không. Và Vêrônic sốt ruột lên, đã la mắng nó.
– Mày điên hở, con bé, hay mày không hiểu gì khi người ta bảo mày ông ấy mất rồi, mất hẳn rồi!
Và bây giờ thì nó lại nhìn thấy ông, biến dạng đến nỗi không nhận ra nữa, và lúc này thì đứa trẻ bắt đầu nhận thức được thế nào là chết.
Đang âm thầm suy nghĩ, Fêlixitê bỗng giật mình, và hoảng hốt nhìn về phía cửa kính mở ra sân. Ở phía ấy sau các ô kính, hiện ra một bộ mặt giống mặt người chết một cách lạ lùng. Chẳng phải ông đang đưa mắt nhìn khắp gian phòng hiu quạnh là gì, ông sống lại với vẻ nhân từ cố hữu trên mặt, dù cái đầu ông vừa hiện ra quàng khăn thật kỳ quặc?…
Ngay sau khi ấy, cửa phòng từ từ mở. Người xuất hiện lạ lùng kia bước lên bậc cửa. Phải, đúng là nét mặt ông Hêluy, nhưng lại là nét mặt một người đàn bà, một bà già bé nhỏ, người ấy rụt rè đến gần quan tài. Chiếc áo lụa đen dày không có nếp bó sát thân hình gầy gò. Áo ngắn, nên để lộ ra hai bàn chân bé nhỏ hiếm có với những bước đi tất tả kém vững chắc. Trên trán bà loăn xoăn nhiều búp tóc trắng như tuyết sắp xếp rất khéo dưới chiếc khăn trùm đầu thêu màu đen buộc lại dưới cằm.
Bà già không nhìn thấy đứa trẻ đang nhìn bà không động đậy và nín thở, bà đến gần quan tài. Nhìn thấy nét mặt người chết, bà lùi lại lộ vẻ kinh hoàng, và tay trái bà cử động một cách vô thức, buông rơi bó hoa hiếm có xuống ngực người chết. Bà lấy khăn tay che mắt một lúc, rồi trong lúc cảm xúc sâu sắc bà đặt bàn tay phải lên vầng trán lạnh giá của người đã qua đời.
– Fritdơ, bây giờ cháu đã hiểu những điều ngẫu sinh, hiểu các sự việc tự bài trí thế nào chưa? – bà thì thầm – Phải, cháu hiểu rõ như thế, cũng như cha mẹ cháu đã hiểu rõ như thế từ lâu rồi! Ta đã tha thứ cho cháu rồi, Fritdơ ạ, cháu không biết rằng cháu đã hành động sai, không công bằng… cháu hãy ngủ cho yên, ngủ cho yên nhé!
Một lần nữa, bà lại âu yếm cầm trong hai tay mình bàn tay bệch như sáp của người chết, rồi bà đi ra không một tiếng động cũng như lúc bà đến. Trong sân, bà đi khuất sau một cái cửa mà cho đến lúc ấy, Fêlixitê thấy luôn luôn đóng kín.
Chuông đồng hồ điểm ba giờ. Nhiều giáo sĩ phục trang theo chức sắc tiến vào. Các ông từ phòng lớn bước ra, theo sau là Đanien đi cạnh một thanh niên vóc người cao và mảnh dẻ. Đấy là Giôhanex. Bà quả phụ gửi điện tín cho anh biết cha anh chết và anh mới về tới nơi sáng hôm ấy để dự tang lễ. Fêlixitê lãng quên nỗi buồn của nó trong chốc lát, ngước cặp mắt tò mò của đứa trẻ chín tuổi nhìn người con yêu quý nhất của ông bố… Anh có khóc không khi đưa bàn tay nhỏ hẹp lên che mắt, lúc trông thấy người chết? – Không, nước mắt không chảy ra, và mắt kém thành thạo như mắt của con bé không thể nhận thấy dấu hiệu xúc động gì trên bộ mặt điềm nhiên ấy ngoài sắc da tái xanh đặc biệt.
Còn Đanien thì khóc, nhưng nỗi buồn của nó cũng không cản được nó khẽ đánh khuỷu tay vào Giôhanex khi phát hiện ra Fêlixitê ở trong góc, Giôhanex đưa mắt nhìn theo hướng em trai chỉ. Lần đầu tiên anh ta nhìn thấy mặt con bé… mắt anh ta dễ sợ, nghiêm nghị, lầm lì, không có ánh sáng của từ tâm, không nồng nhiệt.
– Đi chỗ khác, con bé kia, mày làm vướng chỗ đấy! – anh ta ra lệnh, giọng nghiêm khắc, khi thấy mọi người đang sửa soạn đóng quan tài.
Fêlixitê rời xó cửa, nó hổ thẹm và sợ sệt như bị bắt gặp đang phạm lỗi rồi vào ẩn náu trong phòng cũ của cha nuôi.
Ở đấy nó tuôn rơi những giọt nước mắt cay đắng… Không, không bao giờ nó làm vướng ông! Nó lại cảm thấy bàn tay nóng hổi vì sốt của ông đặt lên tóc nó, nó lại nghe thấy tiếng nói khàn khàn dịu dàng, yếu ớt của ông thì thầm như trong những ngày cuối cùng: “Fê, đến đây con, ta rất muốn con ở gần ta!…”
Chú thích:
(1) Méduse: nữ quỷ trong thần thoại Hy Lạp có thuật làm cho ai nhìn nó phải biến thành đá.
(2) Thần hoa.
(3) Nông thần, vợ thần Pluton – Diêm vương. (thần thoại Hy Lạp)