Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bí Mật Một Gia Tài

Chương 6

Tác giả: Eugenie Marlitt

Chiều hôm ấy, gia đình Hêluy dùng cà phê ở ngoài vườn. Vêrônic khoác lên vai chiếc khăn ngày lễ lót nỉ mỏng, đội lên đầu chiếc mũ không vành đẹp nhất bằng lụa lót bông rồi đi nhà thờ, sau đó đến chơi nhà một mụ ưa bép xép, chỉ có Hăngri và Fêlixitê ở trong ngôi nhà lặng lẽ, người đầy tớ này đã bí mật ra nghĩa trang tìm được chiếc khăn khốn khổ từ lâu rồi, đã gấp lại xếp vào tủ sau khi giặt sạch sẽ.

Người tớ già lương thiện ấy đã từ dưới bếp nghe thấy và trông thấy một phần cảnh tượng trong buổi sáng. Bác đã cố ghìm mình để khỏi can thiệp vào. Bây giờ bác ngồi ở dưới nhà và huýt sáo miệng. Mắt bác nhìn trộm con bé trầm mặc… Đâu còn là diện mạo của bé Fêlixitê nữa! Nó thu hình lại như con chim bị cầm tù, nhưng một con chim mà tính hoang dại cháy rực trong lồng ngực và lòng đầy hiềm khích không thể hoà giải được với bàn tay đã nhốt nó vào lồng.

Con bé bỗng nhảy dựng lên. Trên tầng xép có thể nhìn thấy cánh đồng ở xa xa, trên tầng xép có mặt trời và không khí. Nó như một cái bóng leo lên thang gác to bằng đá.

Ngôi nhà cổ của gia đình thương nhân này khi xưa là một lâu đài. Ở bất cứ chỗ nào có thể, người thợ đục đá đều tạo hình ở đấy chiếc khiên của người xây lâu đài, một hiệp sĩ Đờ Xecbông. Các khuôn đá quanh cửa chính và cửa sổ, rồi cả những ô vuông biệt lập ở trên sàn, đều phô bày hình ảnh một con hươu oai vệ, sừng vênh lên, sắp sửa chồm qua vực thẳm, gia huy này khắc tới hai bản ở đầu trên cầu thang.

Lên đến đấy, Fêlixitê mở to mắt nhìn một khung cửa mở hé trước đây nó chỉ thấy đóng. Sau cửa này, một hành lang chạy dài xa tắp, đến tận ngôi nhà cuối cùng. Nhiều cửa mở ra hành lang. Một cửa mở toang để lộ rõ căn phòng chứa đồ có cửa sổ cao gần mái. Buồng đầy các thứ đồ cũ, nhưng… chiếc hòm nhỏ, bọc da hải cẩu thì Fêlixitê biết rõ lắm!… Ngập ngừng, gần như không dám thở, nó mở nắp lên… thứ đầu tiên nó trông thấy là một chiếc áo xanh nhạt, diềm thêu đính ruy-băng. Nó nhớ lại, đây là chiếc áo Vêrônic cởi ra cho nó một buổi tối, rồi biến mất, nhường chỗ cho một chiếc áo màu hạt dẻ gớm khiếp.

Hai bàn tay con bé thọc sâu xuống nữa. Tâm hồn non dại ấy cảm động biết chừng nào khi nhìn thấy mọi thứ sang trọng xứng hợp với một nàng công chúa mà người mẹ quá cố đã cầm trong tay! Fêlixitê nhớ lại rất rõ những cảm giác dịu dàng khi mẹ mặc áo cho nó và những ngón tay nhẹ nhàng chạm vào nó. Kìa, dưới đáy hòm trong các túi nhỏ, không phải một thứ đồ chơi như nó tưởng lúc đầu, mà là một cái dấu bằng mã não thật đẹp trên một chiếc thẻ bài bằng bạc cũng chạm một con hươu oai vệ vươn lên như hình tượng những con hươu đầy rẫy, đến mức thái quá, trên các tường nhà Hêluy. Dưới da huy ấy có khắc mấy chữ M. Đ.C. Vật này chắc chắn của mẹ nó.

Hồi ức dồn dập đến với con bé. Bây giờ nó mới hiểu những lúc đột ngột tỉnh giấc ngủ lúc chập tối, nhìn thấy cha mặc áo nịt chẽn lóng lánh vàng, mẹ buông xoã mớ tóc vàng hoe đứng bên giường nó… hai người vừa biểu diễn về… rồi mỗi lần người ta bắn vào mẹ, rồi nó nhìn khuôn mặt tái xanh không hề ngờ đến sự gì cả: tuy nhiên nó vẫn nhớ rằng trong những buổi tối ấy, nó được nhấc bổng lên một cách vội vã và được mẹ ôm ghì vào lòng.

Những của báu tìm thấy được vuốt ve từng thứ rồi được xếp vào chỗ cũ cẩn thận, và khi nắp hòm lại che lên chúng, con bé vòng tay ôm lấy cái hòm và đặt cái đầu nhỏ bé của nó lên trên. Mặt nó đang cau có dịu hẳn lại. Khi nó áp cái má mịn màng lên chiếc hòm bị mọt đục, nó nằm phục ở đấy, lặng lẽ, hai mắt nhắm lại.

Một luồng không khí ấm áp luân lưu qua cửa sổ và tuôn từng làn hương thơm vào trong các góc yên tĩnh của tầng mái… Làm sao mà mùi thơm ngát toả ra từ những luống mộc lê thảo lại có thể lên cao đến thế? Và những âm thanh dồn dập vang đến cùng hương thơm là cái gì nhỉ?… Fêlixitê mở mắt ngồi nhỏm lên để nghe. Có người đang chơi dương cầm đoạn dạo đầu bản nhạc Đông Gioăng hay tuyệt vời.

Fêlixitê đẩy một cái bàn lung lay đến phía dưới cửa sổ và leo lên. Ôi, quang cảnh gì thế này!… Bốn mái nhà tạo thành một hình vuông khép kín. Mái đối diện cao hơn cả và chặn đứng tầm nhìn xa. Nhưng chính mái nhà ấy, trước hai mắt ngạc nhiên mở to của con bé lại là điều kỳ diệu mà các cuốn truyện tiên đẹp nhất cũng không kể được kỳ diệu hơn. Ở đấy, phía dốc thoải không có ngói như ba mái nhà kia, đen thui, bẩn thỉu, rêu phủ, không, ở đấy hoa nở chi chít: thược dược và thuý cúc. Vừa tầm tay người với từ cái hành lang gá vào phía dưới mái, hàng loạt hoa leo lên, liên kết với những nóc, tua nó bò sang cả các mái nhà bên cạnh với những đài hoa chĩa ra như hoa lồng đèn và những chùm quả đen. Hành lang ấy chạy dài suốt mái và treo lên mái nhẹ nhàng một cách kỳ ảo. Hình như được gió đưa lên. Tuy rằng thành lan can mang những bồn đất nặng nề, ở những bồn ấy vươn lên những khóm hoa yên chi và những khuôn mặt tươi cười của hàng trăm bông hồn xứ Bănggan.

Một chiếc ghế ngồi ngoài vườn màu trắng, khá to, để cạnh chiếc kỷ trên đặt bộ đồ trà bằng sứ chứng tỏ không chối cãi được rằng có những con người bằng xương bằng thịt ở trên tầng thượng này. Tuy nhiên theo ý nghĩ đầu tiên của con bé về cái kiến trúc làm trồi ra ở chỗ ấy, một khung cửa kính ngăn cách với hành lang, thì đấy phải là túp lều của bà tiên hoa, nó cũng không hoàn toàn sai. Không ai trông thấy mái, thấy tường gì cả, tất cả đều tràn ngập những dây trường xuân lá to; dây hoa kim liên vươn lên, toả dưới vòm xanh những đài hoa những chiếc lá vàng mịn như nhung và đu đưa chúng tuỳ thích trên khung cửa kính. Khung cửa ấy hé mở và từ nơi ấy thoát ra những âm thanh đã thu hút con bé ra cửa sổ.

Mắt lướt nhìn xuống phía dưới, các tiếng cục cục, cộc tác, làm cho Fêlixitê biết rằng dưới ấy là sân nuôi gà vịt. Đã bao lần chị Vêrônic chẳng thịnh nộ bước vào bếp và quay lại phía bác Hăngri mà lầu bầu:”Mụ già trên kia lại tưới mấy túm cỏ bẩn thỉu của mụ làm cho tràn cả các ống máng!”… Ôi, mấy túm cỏ bẩn thỉu chính là hàng ngàn bông hoa xinh đẹp ở chỗ kia, và người chăm sóc chúng là… bà cô già đang xúc phạm đến thần thánh trong buổi chiều chủ nhật bằng những giai điệu trần thế và vui vẻ.

Vừa nghĩ đến đấy hai chân con bé đã trèo lên thành cửa sổ. Cũng ở đấy, toàn bộ sức dẻo dai của tâm hồn trẻ thơ bừng lên khiến nó có thể quên đi trong chốc lát nỗi khổ sở và buồn rầu trước một ngẫu nhiên mới mẻ nào đó…Con bé biết trèo như sóc, và chạy trên các mái nhà chẳng có nghĩa lý gì đối với nó. Phía dưới, các ống máng móc vào mái là đường đi rất tốt, đúng là chúng cũng hơi lung lay và ở các góc tiếp giáp nhau cả hai đầu đều chúc xuống nhưng còn lâu mới gẫy được. Con bé chui ra khỏi cửa sổ, chỉ hai bước nó đã đi qua mái nhà dốc nghiêng và đứng ở lòng máng. Có những tiếng ken két, tiếng răng rắc đáng ngại khi chân nó bước thoăn thoắt. Bên phải không có lấy một chỗ vịn, bên trái là vực sâu, nó vẫn vững vàng bước. Chỉ còn trèo lên cái mái cao nhất rồi vượt qua lan can thế là con bé với hai má nóng bừng, đôi mắt long lanh, đã ở giữa đám hoa.

Nó đưa mắt rụt rè nhìn qua ô cửa kính. Những dây trường xuân đâm qua mái nhà vào tận trong gian phòng lớn này hay sao ấy nhỉ? Không thể trông thấy vách tường lát như thế này vì các nhành lá dệt kín khắp nơi, nhưng từng quãng một, ở vách tường nhô ra những chiếc đế trên bày các bức tượng bán thân bằng thạch cao, bộ sưu tập tuyệt vời tượng các đầu người uy nghiêm, lặng lẽ, nổi bật lên sáng ngời và ma quái trên nền xanh bát ngát của vách tường đầy lá.

Dưới khung cửa sổ là chiếc dương cầm. Bà cô già trang phục như hôm qua, đang ngồi bên chiếc đàn và hai bàn tay mảnh dẻ của bà đập xuống các phím đàn mạnh đến kỳ lạ. Sắc diện bà hơi biến đổi: bà đeo kính và hai má bà hôm qua trắng xanh như ánh tuyết đang đỏ bừng lên.

Fêlixitê nhẹ nhàng bước vào và đứng lại dưới vòm cửa phía trước… Bà cụ cảm thấy có người đến gấn hay là đã nghe thấy tiếng động nào đó, bà đột ngột dừng lại giữa một hoà âm ồn ào và ngước đôi mắt to lên phía trên kính nhìn con bé, bà khẽ thốt ra một tiếng kêu, tay bà run run bỏ kính ra rồi đứng lên vịn vào đàn.

– Cháu đến đây bằng cách nào thế, cháu? – Bà hỏi giọng không yên tâm và dù bị đột ngột cũng vẫn dịu dàng, ân cần.

– Qua mái nhà. – Con bé rụt rè đáp.

– Qua mái nhà ư?… Sao lại thế được! Lại đây, chỉ cho bà xem cháu đi đường nào.

Bà cụ cầm tay con bé và cùng hành lang với nó. Fêlixitê chỉ cho bà xem cái cửa sổ trên tầng áp mái và các ống máng. Bà cụ kinh hoàng đưa tay bưng lấy mặt.

– Ồ, bà đừng sợ! – con bé ngây thơ nói.- Cứ như đi trên bánh xe ấy. Cháu biết trèo như con trai, bác sĩ Buêơm bảo cháu nhẹ như nắm lông chim và bảo rằng cháu không có xương.

Bà cụ buông tay xuống và mỉm cười. Còn nhiều duyên dáng trong nụ cười để lộ ra hai hàm răng trắng đẹp ấy. Bà dắt con bé vào phòng và ngồi trên ghế bành.

– Cháu là bé Fê phải không? – bà nói và kéo Fêlixitê vào lòng. – Bà biết rõ như thế dù cháu không hay vào đây trong bộ áo sa tanh hồng. Bác Hăngri, bạn già của cháu đã nói chuyện về cháu với bà trưa hôm nay.

Nghe đến tên Hăngri, nỗi buồn lại xâm chiếm con bé với tất cả sức mạnh của nó. Cũng như buổi sáng, hai má nó đỏ rực lên, tức giận và đau khổ hằn lên khoé miệng nó những nét cay đắng chỉ trong một đêm làm biến đổi hoàn toàn sắc diện trẻ thơ của nó… Sự biến đổi đột ngột ấy không qua được mắt bà cô già. Bằng một cử chỉ âu yếm, bà đưa tay ôm lấy mặt con bé, và áp lại gần mình:

– Cháu biết không, mỗi chủ nhật Hăngri đều lên nhà bà đã bao nhiêu năm nay để làm giúp bà nhiều việc… Anh ta phải yêu bé Fê lắm mới dám hành động trái với những điều bà căn dặn.

Sắc giận trong mắt con bé tiêu tan.

– Vâng, bác ấy yêu cháu… nếu không thì chẳng còn ai nữa, – nó nói giọng đau khổ.

– Nếu không thì chẳng còn ai ư? – bà cụ nhắc lại, đôi mắt dịu dàng vô tả của bà nghiêm nghị một cách thương yêu đăm đắm nhìn vào mặt con bé. – Vậy ra cháu không biết rằng có một người luôn luôn yêu cháu, dù khi nào tất cả mọi người đều không nhìn đến cháu?… Chúa nhân từ…

– Ôi, ông ta chẳng hề ưa cháu, vì cháu là con một người diễn trò! – Fêlixitê kịch liệt phản đối – sáng hôm nay, bà Hêluy bảo rằng cháu đã mất hẳn linh hồn và mọi người ở dưới kia đều quả quyết rằng ông ấy đã xua đuổi người mẹ khổ sở của cháu, rằng mẹ cháu không ở chỗ ông ấy… cho nên ngay cả ông ấy, cháu cũng không yêu đâu, cháu cũng không muốn đến chỗ ông ấy khi cháu chết đâu… cháu đến đấy làm gì khi mẹ cháu không có ở đấy?

– Thượng đế ơi, họ đã làm gì để cháu đến nỗi này, những con người độc ác kia, những con người dám mệnh danh có đức tin Cơ đốc giáo!

Bà cụ đứng phắt dậy và mở cửa ngách ra. Đứa bé có cảm tưởng như những đám mây trắng trên trời đang bay quanh đầu nó. Phía trên chiếc giường kê trong góc, trên các cửa sổ và cửa lớn, những bức rèm tuyn trắng rủ xuốn. Vách tường xanh nhạt của các góc này chỉ ló ra vài dải hẹp giữa đám rèm như mây. Thật tương phản biết bao giữa căn phòng nhỏ tươi mát và tinh khiết thế này, tựa như những ý nghĩ bắt nguồn từ một tâm hồn lành mạnh và không vết bợn, với cái phòng khách ghê sợ ở dưới kia, nơi bà Hêluy quỳ trên ghế cầu nguyện trong những giờ đầu tiên của buổi sáng.

Trên chiếc bàn đầu giường có một quyển kinh lớn dùng đã lâu ngày. Bà cụ mở quyển kinh bằng bàn tay chắc chắn và thành thạo, bà đọc to với niềm xúc động sâu sắc: “Nếu ta nói bằng ngôn ngữ của con người và của thiên thần mà ta không có tình thương yêu, ta chỉ là cái chuông hay chiếc nhạc”. Bà tiếp tục độc rất lâu và kết thúc bằng đoạn này: “Tình yêu không bao giờ hết, trong khi những lời tiên tri cũng chấm dứt, các ngôn ngữ biến đi và sự hiểu biết dừng lại”.

– Và tình thương yêu đi từ Chúa mà ra, phải, Chúa chính là tình thương yêu ấy, – bà nói và quàng tay qua vai con bé. – Mẹ cháu là con của Người, như tất cả chúng ta, và mẹ cháu đã ở chỗ Chúa, vì tình thương yêu không bao giờ hết… Hãy tin tưởng mà tìm mẹ cháu ở trên ấy. Ban đêm khi cháu ngắm bầu trời với triệu triệu tinh tú diệu kỳ, hãy vững tin rằng bên cạnh một bầu trời như thế không tồn tại địa ngục nào cả. Bây giờ thì cháu lại yêu Người rồi chứ, phải không, cháu hết lòng kính yêu Người chứ, cô tiên bé nhỏ của bà?

Đứa bé không trả lời, nhưng cảm kích ôm chặt lấy người đã ngọt ngào khuyên nhủ mình và những giọt nước mắt nóng hổi ứa tràn xuống má.

Hai ngày sau, một chiếc xe dừng ở trước cửa nhà Hêluy. Bà quả phụ bước lên xe cùng với hai con trai để tiễn họ lên tỉnh học. Giôhanex đi Bon, nơi anh đang học đại học y khoa, nhưng trước hết anh phải gửi Đanien vào đúng cái trường trung học anh đã từng học.

Hăngri đứng ngay ở cửa nhìn theo họ ra đi:

– Còn lâu mới phải gặp lại họ. Thật thoát nợ, – bác xoa tay nói.

Bình luận