Ra đến đây cô giơ hai tay lên trời. Cô đã đau khổ biết chừng nào, trong những lúc vừa qua, nỗi đắng cay độc địa ấy đã vượt qua tất cả những gì trái tim trẻ trung này đã phải chịu đựng!
Cô bất giác rút chiếc hộp trong túi ra. Điều bí mật chất chứa trong ấy phá vỡ ngay bức rào giữa cô và người cô yêu, nó làm cho cán cân nghiêng về phía nguồn gốc bị khinh rẻ của cô. Sự cám dỗ đã xâm nhập vào cô ư? Không, bà Coocđula ơi, ý muốn của bà sẽ được thực hiện. Đáng tiếc, cuốn sổ này sẽ thanh minh cho bà một cách vẻ vang biết chừng nào! Còn anh ấy?… Thời gian sẽ chữa lành vết thương cho anh ấy! Đau đớn làm cho tâm hồn cao quý, nhưng biết rõ sự đồng loã với tội ác làm anh nhục nhã và tê liệt vĩnh viễn… Phải đốt ngay thành tro cuốn sổ rủi ro này!
Fêlixitê đưa mắt nhìn khung cửa từ sau nó vẳng ra tiếng chân đi qua đi lại mau lẹ của giáo sư, rồi cô xuống thang tầng áp mái và mở cánh cửa sơn không một tiếng động.
Khách nào tình cờ giẫm phải thân mình con rắn và nhìn thấy đầu con vật tức giận vươn lên cũng không kinh hoảng hơn Fêlixitê khi bước ra hành lang: Năm ngón tay bám chặt lấy bàn tay trái cô đang cầm chiếc hộp, và hai con mắt lục nhạt loé lên ngay bên mặt cô… đấy là đôi mắt hiền dịu của bà nghị.
Vào giờ phút này, người đàn bà đẹp kia mất hẳn vẻ huyền hoặc duyên dáng và tinh tế của người phụ nữ. Những ngón tay hồng hồng vẫn chắp lại thật mềm mại và xinh đẹp khi cầu nguyện lúc này túm chặt và giữ rịt lấy tay cô không chút khoan nhượng! Vẻ ác độc quỷ quyệt hết mức biểu hiện trên bộ mặt thiên thần kia làm người ta không còn nhận ra được những nét non trẻ và dịu dàng.
– Hay thật, cô Carôlin xinh đẹp và kiêu ngạo, ta gặp cô đúng lúc cô đem giấu kỹ chiếc hộp nữ trang xinh xắn này! – Bà ta kêu lên cùng tiếng cười mỉa mai và đưa cả tay trái như chiếc kẹp nắm lấy cổ tay cô gái đang vùng ra. – Cô hãy làm ơn cầm cái vật phản bội khốn khổ ấy thêm một chút nữa… Tôi không muốn cô để nó rơi xuống đâu… Kiên nhẫn một lúc thôi mà; ta cần người ta làm chứng để có thể chứng minh trước toà rằng ta bắt gặp quả tang tên ăn cắp. Giôhanex, anh Giôhanex ơi!
Tiếng bà ta vang lên trong hành lang, lanh lảnh, the thé! Các cơ quan ấy của bà goá thường êm ái, trong như bạc, ngọt ngào tình thương và lòng từ thiện của con người ngoan đạo ấy!
– Nhân danh Chúa, tôi xin bà buông tôi ra! – Fêlixitê cầu khẩn và lo cuống lên trong khi giằng co với bà ta.
– Không, dù đổi một vương quốc! Anh ấy phải nhìn thấy mình vừa che chở cho ai… A, thật ngọt ngào biết bao khi nghe nói: Chỗ của cô ấy ở đây! Cô tưởng đã đạt được mục đích hử, con người lẳng lơ nhục nhã kia, nhưng đã có ta ở đây!
Bà ta lại gọi. Thật uổng công, giáo sư đang đi xuống. Anh hiện ra trước cửa. Hăngri xuất hiện cùng một lúc ở đầu kia hành lang.
– À, anh ở trên ấy à, Giôhanex? – Bà nghị nói – Em tưởng anh ở tầng hai. Nếu thế thì sự khéo léo của con nhà ảo thuật lại càng đáng khâm phục vì có thể nói nó đã nẫng ngay trước mắt anh, phàn thừa hưởng gia tài của bà cô đã mất!
– Cô điên rồi à, Ađen? – Anh vội vã hỏi khi xuống bậc cuối cùng, nơi anh đã nhìn thấy cảnh ấy và lấy làm lạ.
– Không hề! – Bà nghị giễu cợt trả lời. – Đừng cho là em thô bạo, anh thân mến ạ, bởi vì hoàn cảnh bắt buộc em phải làm thay chức trách của cảnh sát. Ông luật sư Frăngcơ từ chối không giúp việc tìm kẻ lấy cắp đồ đạc, còn anh cũng che chở cho kẻ vô tội kia, em chỉ còn cách hành động trong quyền hạn riêng của mình. Anh hãy nhìn năm ngón tay này, chúng bám chặt lấy cái hộp đã lấy từ trên kia xuống. Sự kiện đã được xác nhận rõ, chúng ta sẽ xem con chim thước này muốn đem cái gì về tổ nó!
Nhanh như chớp, bà ta giằng cái hộp ở tay Fêlixitê. Cô thốt ra một tiếng kêu và cố lấy lại của bị mất, nhưng bà nghị đã vừa cười vừa đi sâu vào trong hành lang mấy bước và vội vã mở nắp hộp.
– Một quyển sách! – Bà ta thất vọng giằng cái hộp ở tay Fêlixitê. Cô thốt ra một tiếng kêu và cố lấy lại của bị mất, nhưng bà nghị đã vừa cười vừa đi sâu vào trong hành lang mấy bước và vội vã mở nắp hộp.
– Một quyển sách! – Bà ta thất vọng lẩm bẩm. Hộp và nắp rơi xuống đất. Hai tay cầm bìa, bà ta rũ quyển sách cho các tờ giấy hé ra. Ít ra cũng có thể có giấy bạc, tài liệu hoặc một thứ gì quý giá… Không có gì rơi ra cả.
Khi ấy Fêlixitê đã bình tĩnh lại. Cô đi theo bà ta đòi trả lại cuốn sách. Dù cố ra vẻ bình tĩnh, giọng cô vẫn lộ rõ sự lo lắng.
– A, thật à? – Goá phụ trẻ kêu lên và cười gằn. Bà ta quay ngay lưng lại phía mặt cô và ôm quyển sách vào ngực. – Ta thấy cô có vẻ quá lo lắng nên không thể hết nghi ngờ ngay được; chắc phải có bí mật gì đó trong việc giấu giếm này, ta sẽ rõ thôi, con bé kia ạ!
Bà ta mở cuốn sổ. Không có giấy bạc, cũng chẳng có vật quý nào trên mặt giấy đã ố vàng ấy… Chỉ có chữ viết, một loại chữ viết thanh và đẹp nhưng, nếu có một lưỡi dao găm đột ngột bật ra từ cuốn sổ xấu xí này và chĩa vào ngực bà ta, bà ta cũng không giật mình kinh sợ và bối rối như khi đọc những dòng chữ có vẻ vô hại rải rác trên trang giấy đang mở! Bộ mặt hồng hào trắng bệch ra đến môi, bà ta bỗng giơ tay che đôi mắt ngơ ngác, thân hình béo tốt của bà ta có vẻ như cần chỗ dựa để khỏi quỵ xuống.
Nhưng người đàn bà béo tốt này vốn đã quen chế ngự được mình trước mặt người khác chỉ cần mấy giây là lấy lại được bình tĩnh. Bà ta gấp sách, vẻ thất vọng tạo ra rất khéo hiện lên quanh đôi môi tái nhợt.
– Thì ra đây chỉ là một cuốn sách cũ vô giá trị! – Bà nói với giáo sư và lơ đãng đút cuốn sách vào túi. – Carôlin, cô thật ngốc nghếch đã làm ồn lên vì cái thứ vặt vãnh này!
– Có phải cô ta làm ồn lên không? – Giáo sư hỏi và bước lại gần, anh tức run lên, – tôi tưởng chính cô gọi tôi đến hỗ trợ để chứng minh cô ấy đã lấy trộm đồ bạc?… Cô có thấy mình cần phải trình bày rõ, ngay ở đây sự buộc tội thấp kém của cô không?
– Anh thấy đấy, ngay lúc này em không thể…
– Ngay lúc này! – Anh gay gắt ngắt lời. – Cô phải rút lời xúc phạm kia, và ngay lập tức phải làm cho người bị xúc phạm hài lòng, trước mặt Hăngri và tôi.
– Sẵn lòng, Giôhanex thân mến ạ! Nhiệm vụ của người sùng tín chẳng phải là thừa nhận và sửa chữa sai lầm là gì?… Carôlin thân mến, thứ lỗi cho ta, ta đã không phải với cô!
– Và bây giờ thì trả lại cuốn sách! – Giáo sư ra lệnh tiếp, vắn tắt và không nhân nhượng.
– Cuốn sách à? – Bà nghị hỏi bằng giọng ngây thơ chỉ bà ta tạo ra được. – Nhưng anh Giôhanex, sách đâu phải của Carôlin.
– Ai bảo cô thế?
– Hứ, em vừa đọc thấy tên bà Coocđula ở đấy mà… Nếu có ai có quyền sử dụng nó thì chính là anh, người thừa hưởng đồ đạc và sách vở của bà… Cuốn sách này chẳng có giá trị vật chất gì cả… hình như bản sao chép các bài thơ cổ xưa… Anh làm gì với thứ đồ chơi tình cảm này? Em thì lại thích những cuốn sách đã cũ vàng ố, tuy nó không sạch sẽ và nặng nề, nhưng với em thì đây là một thứ kỳ lạ… Anh tặng cho em, được không?
– Có thể, nhưng sau khi tôi đọc xong, – anh đáp và nhún vai rồi giơ tay để lấy cuốn sách.
– Nhưng giá trị của nó sẽ tăng hơn đối với em, nếu anh cho mà không đọc, – bà nghị cố nài giọng uyển chuyển – Nếu không, em có thể nghĩ rằng anh có ẩn ý về khía cạnh vật chất của món quà tặng đầu tiên và duy nhất em yêu cầu anh!
Mạch máu trên trán giáo sư phồng lên.
– Tôi tuyên bố với cô rằng tôi không cần biết cô suy nghĩ gì về cách xử sự của tôi, – anh nói giọng sâu cay. – Tôi muốn lấy lại cuốn sách bằng bất cứ giá nào… Cô khả nghi lắm. Bản sao chép vài bài thơ tình cảm cổ xưa không thể làm cho “bà nghị phong nhã hoàn hảo” bỗng tái mặt đi như thế.
Với những lời ấy, anh chắn đường bà nghị. Mắt bà ta lén ước lượng chiều dài hành lang và một cử chỉ vội vã lộ rõ ý bà muốn chạy trốn. Giáo sư nắm tay bà giữ lại.
Fêlixitê không tự chủ được nữa khi nghĩ anh sẽ đạt được mục đích. Cô buồn rầu khi biết cuốn sách thuộc sở hữu của người tín đồ giả hiệu quỷ quyệt kia, nhưng cô buộc phải tự thú nhận rằng trong tay người ấy cũng an toàn như trong tay cô và chắc chắn sẽ biến mất ngay. Vì vậy cô đứng về phía bà nghị để tạo điều kiện cho bà dễ chạy.
– Xin giáo sư để cuốn sách ấy cho bà đấy! – Cô cố bình tĩnh trong lúc gay go. – Khi đọc bà nghị sẽ thấy là đã quá vội tưởng chiếc hộp đựng một vật quý.
Đôi mắt xám nghi ngờ nhìn vào mặt cô, cô cảm thấy như nhận một mũi dao, đỏ mặt và cúi đầu xuống.
– Thế nào, cô cũng hạ mình để nài xin ư? – Anh hỏi giọng chua cay và châm biếm. – Chắc chắn đây không phải là thứ đồ chơi tình cảm. Hơn nữa, tôi nhớ rằng cô em họ tôi lúc nãy đã quả quyết là trông thấy cô quá lo lắng, tôi thú thực cũng đã nhận thấy như thế… Hãy trả lời tôi theo lương tâm của cô, tôi hỏi cô: Cuốn sách ấy nói gì?
Thật bi đát Fêlixitê lưỡng lự, cô hé môi nhưng không nói được lời nào?
– Cô đừng băn khoăn nữa! Anh mỉm cười nhạo báng, và nắm tay bà nghị chặt hơn vì bà ta đang dùng mọi cách để gỡ dần ra. – Cô có thể không khoan nhượng, phũ phàng và thực thà một cách tàn nhẫn, nhưng cô không biết nói dối… Trong cuốn sách ấy không phải những câu thơ, mà là một sự thực nào đó, một sự kiện mà bằng bất cứ giá nào tôi cũng không được biết… Rốt cuộc, cô em tôi, cô có trả tài sản của tôi, như chính cô nói, cho tôi không?
– Anh muốn làm gì thì làm, em không bao giờ trả! – Bà nghị thất vọng kêu to lên.
Bà ta lại cố gỡ và thành công. Bà chạy trốn, nhưng Hăngri đã đứng đấy, dang cả hai chân, vững như một bức tường; bác chặn kín cả cái hành lang nhỏ. Bà ta lùi lại.
– Lão xấc xược, tránh ra cho ta đi – Bà nghị la lên và giận dữ giậm chân xuống đất.
– Vâng, vâng, ngay lập tức, thưa bà, – bác điềm đạm và lễ độ trả lời, – sau khi bà đưa lại cuốn sách, tôi xin tránh ngay.
– Bác Hăngri. – Fêlixitê chạy đến can thiệp; cô nắm cánh tay bác lay mạnh.
– Cháu hay thật đấy, Fê ạ! – Hăngri mỉm cười, thân hình già nua của bác không hề rung động trước những cố gắng bất lực của cô gái. – Bác không ngốc như cháu tưởng đâu, chỉ vì tốt bụng mà cháu định mắc một sai lầm đến ngu xuẩn, bác không thể để như thế được.
– Để cho bà ấy đi, Hăngri! – Giáo sư nghiêm nghị ra lệnh. – Nhưng Ađen này, cô cần biết tôi không ngần ngại khi phải dùng biện pháp duy nhất để lấy lại tài sản của mình. Không ai có thể làm cho tôi bỏ được ý nghĩ là cuốn sách kia chứa đựng những điều quan trọng về vấn đề thừa kế gia tài của bà cô… Có thể, nó chỉ dẫn về các khoản tiền cất giấu.
– Không, không phải – Fêlixitê thốt lên.
– Tôi muốn nghĩ thế nào là việc của tôi! – Anh rất nghiêm khắc nói tiếp, cô và Hăngri sẽ làm chứng trước toà cho tôi rằng bà này đã biển thủ một phần có lẽ khá lớn tài sản của gia đình tôi.
Bà nghị giãy nảy người như đỉa phải vôi. Bà đưa mắt giận dữ nhìn người đang dồn ép bà không nhân nhượng và như trong cơn điên dại vẫn xé khăn tay hay đập vỡ chén tách, bà giật cuốn sách trong túi ra quăng xuống đất cười gằn:
– Hãy nhặt lấy, đồ điên rồ, ngu ngốc! – Bà hét và chân tay run lẩy bẩy như người bị động kinh – Hãy nhận lời khen của tôi về cái tài liệu thú vị ấy!… Hãy chững chạc mà đeo lấy cái nhục do nó phanh phui!
Bà chạy như bay qua hành lang, xuống cầu thang và lao về phòng riêng dập cửa thật mạnh.
Giáo sư nhìn theo bà nghị bằng cặp mắt lộ rõ vẻ vô cùng khinh bỉ. Rồi anh ngắm nghía vẻ nặng nề bề ngoài của cuốn sách, trong khi Fêlixitê không rời cặp mắt lo lắng vô tận nhìn vào những ngón tay đang lùa vào các trang giấy và có thể mở ra bất cứ lúc nào. Tâm trạng lo âu, căng thẳng hiện trên nét mặt giáo sư. Những lời nói sau cùng độc ác của bà nghị làm anh đặc biệt xúc động, hiển nhiên là anh lường trước được sự kiện khó chịu này diễn biến ra sao; tuy vậy anh vẫn phải biết rõ cái nhục nói đến kia thuộc loại gì… Bỗng anh ngước mắt lên và nhìn nét mặt rầu rĩ của cô gái. Đôi mắt của cô có quyền lực lớn biết chừng nào đối với người đàn ông này! Có thể nói một bàn tay dịu dàng lướt qua và vừa vuốt thẳng những nếp nhăn u ám trên vầng trán kia và chung quanh môi phác một nét hơi mỉm cười.
– Bây giờ đến lượt cô lên ghế bị cáo! – Anh nói. – Cô đã lừa tôi một cách đáng xấu hổ. Khi cô nói với tôi trên kia, tôi tưởng cô hoàn toàn thành thật, nhưng cô mang trong túi một bí mật của gia đình Hêluy. Tôi phải nghĩ về cô như thế nào, Fê?… Sự giả dối quái quỷ này, cô chỉ có thể chuộc lại bằng cách trả lời không dè dặt những câu hỏi của tôi.
– Tôi sẽ nói tất cả những gì tôi có thể nói, nhưng sau đó tôi xin ông trả ngay cuốn sách cho tôi!
– Có thực là Fê kiêu hãnh, ngạo mạn và sắt đá của tôi biết cầu khẩn bằng một giọng ngọt ngào như thế không nhỉ?
Nghe giáo sư nói những lời ấy, Hăngri kín đáo rút lui, nhưng bác ngồi phệt xuống bậc thang đưa tay lên ôm cái đầu đã hoa râm để thử xem sau những gì bác vừa nghe thấy, nó có còn ở chỗ của nó không.
– Như thế là cô vào gian nhà áp mái hôm nay chỉ để lấy cuốn sách kia?
– Vâng.
– Bằng lối nào? Tôi thấy các cửa đều khoá chặt.
– Tôi đi qua mái nhà – cô ngập ngừng nói.
– Nghĩa là qua các gian xép trên mái?
Cô đỏ mặt. Dù không bị nghi ngờ đã phạm một hành động thấp hèn, việc cô làm cũng không kém lỗi bẻ khoá đáng trách phạt.
– Không, – cô ấp úng. – Không thể đến đấy được qua các gian xép. Tôi chui qua ô cửa đối diện và vượt qua mái nhà.
– Trong khi trời giông bão như thế? Anh giật nảy người và tái mặt. – Fêlixitê, em có nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra không?
– Em không được lựa chọn!
– Tại sao em cứ cố lấy cho được cuốn sách ấy bằng bất kỳ giá nào?
– Em coi nó là di vật thiêng liêng của bà cô. Bà đã nói với em: cái hộp xám – em không biết trong có gì – phải chết trước bà. Bà mất đột ngột, em tin chắc cái hộp chưa bị huỷ; Hơn nữa nó lại ở ngăn bí mật đựng tất cả đồ bạc, em không thể chỉ chỗ giấu mà không đồng thời giao cuốn sách vào tay những người không được phép.
– Tội nghiệp, em đã bị giày vò biết bao!… Thế mà bây giờ sự quên mình dũng cảm kia trở thành vô ích, cuốn sách đã vào tay “người không được phép”!
– Ồ! Không, ông sẽ trả cho em, – cô bồn chồn cầu xin.
– Fêlixitê, – anh nói tiếp một cách nghiêm trang, khẩn thiết, – em sẽ trả lời hai câu hỏi, và thật đúng sự thực: em có biết nội dung cuốn sách không?
– Biết một phần, mới ngày hôm nay.
– Nội dung này có làm tổn thương danh dự của bà cô thân thiết của em không?
Cô lưỡng lự. Có lẽ nếu nói có, anh sẽ trả cô cuốn sách để huỷ đi, nhưng như thế sẽ làm nhục vong linh bà Coocđula và chứng thực cho những lời đồn đại tồi tệ về cái gọi là tội lỗi của bà.
– Thật không xứng đáng với em nếu tìm cách né tránh, dù ý định có tốt lành và trong sạch đến đâu! – Anh ngắt quãng sự lặng lẽ. – Chỉ cần nói có hoặc không thật đơn giản thôi.
– Không!
– Anh biết trước như thế, – anh lẩm bẩm. – Bây giờ em hãy biết lẽ phải, hãy chịu đựng cái em không thay đổi được, anh sẽ đọc cuốn sách này.
Cô tái mặt nhưng không dùng cách cầu khẩn nữa.
– Ông cứ đọc, nếu việc ấy hài hoà với danh dự của ông! Ông xúc phạm đến một bí mật mà ông không có quyền biết… Ngay lúc mở cuốn sách ra, ông đã làm mất hết giá trị của những hy sinh liên tiếp và phi thường của cả một đời người!
– Em chống cự dũng cảm đấy, Fêlixitê – anh điềm đạm trả lời, – nếu không có những lời nói mà người kia – anh chỉ hướng bà nghị vừa đi – đã ném ra trong cơn điên cuồng, chắc anh sẽ không đọc và trả lại em cái bí mật đáng buồn ấy. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, anh cần biết cái nhục gì đè nặng lên tên họ của anh, và nếu người cô đơn tội nghiệp ở tầng áp mái đã đủ sức mạnh để giữ kín nó, anh nghĩ rằng anh cũng đủ sức mạnh để chịu đựng nó…Anh bị bắt buộc gấp đôi phải hiểu thấu sự việc. Cô em họ Hêluy bên sông Ranh rõ ràng cũng biết bí mật ấy và chắc họ còn tham gia vào một việc lừa đảo gì đấy. Dù em cố ý im lặng, anh vẫn hiểu rõ qua thái độ của em là anh phỏng đoán đúng. Cô em họ chắc biết rõ điều nhục nhã ấy và hốt hoảng chỉ vì đột ngột thấy nó đã được ghi lại… Anh sẽ giải quyết vấn đề này với những người giấu giếm kia!… Hãy tự an ủi mình, Fê ạ! – Anh nói tiếp giọng xúc động và vuốt tóc cô gái đang đứng trước mặt anh trong tâm trạng thất vọng trầm lặng, – anh không thể làm cách khác được, dù có được phần thưởng là đảm bảo em sẽ là của anh ngay lập tức, anh cũng phải từ chối!
– Em sẽ không bao giờ yên ổn được nữa, – cô rền rĩ. – Vì em đã làm cho ông khổ sở do em sơ suất!
– Em sẽ yên ổn, – anh đáp, nhấn từng lời. – Khi em hiểu được rằng tình yêu của chúng ta giúp anh thắng mọi khó khăn mà cuộc sống ném lên con đường của anh!
Anh siết chặt bàn tay nhỏ lạnh giá rồi vào buồng. Còn Fêlixitê, cô tỳ trán nóng bỏng vào khung cửa sổ và tư lự nhìn ra sân, ngoài ấy một trận mưa rào đang ào ào đổ xuống như để rửa sạch máu cụ Ađriêng Xecbông trên nền đá và cùng với cụ là vết nhục đè nặng lên họ Hêluy.
Một giờ sau, giáo sư vào phòng mẹ. Anh hơi xanh hơn mọi khi, nhưng diện mạo và thái độ lộ rõ hơn bao giờ hết sự quả quyết và nghị lực trong tinh thần làm nổi bật nhân phẩm của anh.
Bà Hêluy ngồi đan bên cửa sổ. Dưới hai bàn tay béo múp, các mũi len nối tiếp nhau biến thành các bậc của chiếc thang bắc thẳng lên trời, vì đây là chiếc tất của người đàn bà ấy dành cho Hội truyền giáo.
Giáo sư để cuốn sách mở sẵn lên chiếc kỷ trước mặt bà.
– Mẹ, con cần nói với mẹ một việc rất quan trọng, – anh nói, – nhưng trước hết xin mẹ hãy xem qua mấy trang giấy này.
Ngạc nhiên, bà để đồ đan xuống, đeo kính và cầm cuốn sách.
– Kìa, nét chữ nguệch ngoạc của bà già Coocđula đây mà! – Bà nói giọng bực bội nhưng cũng đọc.
Giáo sư chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng không nói gì cả.
– Mẹ không thấy câu chuyện yêu đương trẻ con với con trai người đóng giày có gì đáng cho mẹ chú ý! – bà gắt gỏng nói sau khi đọc qua loa hai trang. Con nghĩ thế nào mà lại đem đến chỗ mẹ cuốn sách cũ kỹ làm ô uế buồng của mẹ với cái mùi mốc meo của nó?
– Xin mẹ cứ đọc tiếp. Mẹ sẽ quên ngay mùi mốc khi đọc đến những trang không hay trong cuốn sách này.
Bà miễn cưỡng cầm lên, lật qua vài trang. Nhưng dần dần bà tỏ vẻ chú ý và sắc diện kinh ngạc của bà biến đổi; tiếng sột soạt lật trang sách mỗi lúc càng nhanh dưới mấy ngón tay. Màu đỏ nhạt hiện trên khuôn mặt trắng trẻo của bà lan đến trán rồi bỗng đỏ ửng lên… Điều kỳ lạ là bà không xúc cảm cũng không hoảng hốt. Bà bỏ rơi cuốn sách xuống lòng vẻ vô cùng ngạc nhiên và châm biếm vô tả.
– Thật là chuyện lạ. Ai tưởng tượng được như thế? Gia đình Hêluy danh giá, vẻ vang mà thế đấy! – Bà kêu lên và vỗ hai tay vào nhau.
Giọng bà lẫn lộn căm ghét, hoan hỉ và tàn ác được thoả mãn. – Như vậy là những túi bạc mà bà cố vấn ngành thương mại, bà mẹ chồng tôi ngồi chễm chệ lên trên có một phần do đánh cắp!… Hà, hà, họ sột soạt trong nhung lụa… họ tổ chức những ngày hội rượu sâm banh chảy như suối để cho bọn ăn bám tâng bốc là người đàn bà đẹp và thông minh!… Còn mẹ, mẹ phải phục vụ các vị khách dự tiệc đang hân hoan; bên cạnh bà phu nhân béo tốt, phù phiếm kia, ai chú ý đến người họ hàng nghèo mà về mặt đức hạnh và kính Chúa còn hơn những kẻ ăn chơi ấy rất xa!… Đã bao lần mẹ đã phải nghiến răng mà cầu Chúa tận đáy lòng xin Người vui lòng trừng phạt phù hợp với công lý của người những hành vi đồi bại ấy!… Người đã phán xét rồi đấy… Ôi, con đường của Người mới huyền diệu làm sao! Họ đã phá tan của ăn cắp, họ phải mất linh hồn hai lần!
Giáo sư đứng lại giữa phòng, anh không thể ngờ mẹ anh nhìn nhận sự việc theo kiểu ấy, anh im lặng một lúc vì sửng sốt.
– Mẹ, con không hiểu tại sao mẹ lại đổ trách nhiệm cho bà vì bà dùng thứ tiến lấy cắp nhưng không hề biết, – anh tức giận nói – Thế thì chúng ta đều mất linh hồn vì chúng ta đã hưởng lợi tức cho đến ngày nay… Hơn nữa, khi mẹ nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh này thì chắc mẹ cũng đồng ý như con là sẽ trút bỏ nhanh chóng thứ bạc phi nghĩa ấy và chúng ta sẽ trả lại họ không thiếu một xu.
Lúc đầu, dù ngạc nhiên vô hạn, bà Hêluy vẫn ngồi và vỗ tay vào nhau; lúc này bà vịn tay ghế đứng phắt dậy.
– Trả lại? – Bà nhắc lại, tưởng như mình nghe lầm. – Trả ai vậy?
– Hiển nhiên cho những người thừa kế họ Xecbông có thể vẫn tồn tại.
– Thế nào kia, giao một món tiền lớn như thế cho bất kỳ ai, cho bọn lang thang, vô công rồi nghề sắp dẫn xác đến?… Gia đình Hêluy này còn một trăm hai mươi nghìn mác, sau khi…
– Vâng, sau khi Pôn Hêluy, con người danh giá, người tiên phong vô địch, chân thực và công bình của Chúa, người sẽ thừa kế không ai phủ nhận được vương quốc trên thiên đường, đã lấy phần của mình là sáu mươi nghìn mác! – Giáo sư tức giận thốt lên – Mẹ, mẹ cho linh hồn của bà sa xuống địa ngục vì đã không biết mà tiêu tiền lấy cắp… Vậy thì kẻ đã ăn cắp cả một gia sản bằng mưu mẹo quỷ quyệt, khéo léo thì xứng đáng tội gì?
– Phải, hắn đã sa vào cám dỗ trong chốc lát, – bà trả lời không chút bối rối. Thời ấy hắn là một thanh niên lông bông chưa tìm được con đường tốt. Quỷ dữ chẳng chọn những tâm hồn cao quý để quyến rũ khỏi vương quốc của Chúa là gì? Nhưng hắn đã thoát khỏi bùn lầy của tội lỗi, và Kinh Thánh đã viết: “Thiên thần của Chúa sẽ vui mừng khi kẻ có tội biết sám hối”. Hắn đấu tranh không mệt mỏi cho đức tin của Chúa, đồng tiền kia được trong sạch lại, trở thành thiêng liêng trong tay hắn, vì hắn dùng tiền ấy cho những mục đích làm vui lòng Chúa.
– Vậy ra chúng ta, những người theo Tôn giáo, cũng có cấp bậc như người Gia tô giáo, như con đang thấy đây! – Giáo sư cười gằn vô cùng cay đắng.
– Tiền vào nhà ta cũng đúng như thế, – người đàn bà to béo điềm nhiên nói. – Hãy nhìn chung quanh con mà xem, rõ ràng có bàn tay của Chúa trong mọi cổ phiếu và kinh doanh của ta! Nếu tội lỗi có dính dấp ở tiền này, nó không thể sinh sản ra những trái quả đẹp như thế… Chúng ta, con và mẹ, chúng ta biến thành phúc lành cái xưa kia là tội lỗi, nhờ có lòng nhiệt thành phục vụ Chúa, nhờ đã sống theo con đường của Chúa!
– Xin mẹ, mẹ miễn cho con! – Anh ngắt lời giảng giải ghê sợ ấy. Anh đưa tay lên trán như đầu đang đau ghê gớm.
Quắc mắt nhìn đứa con phiến loạn, bà ta tiếp tục nói to hơn nữa:
– Chúng ta không có quyền đột ngột đem vứt của cải dùng để phục vụ các mục đích cao cả, cho tan biến trong những cuộc vui chơi phù phiếm…. Đấy là lý do chính để mẹ cực lực phản đối việc khơi lại câu chuyện đã lỗi thời, lý do thứ hai là con sẽ làm nhục một người bề trên của con.
– Chính họ tự làm nhục mình và làm nhục cả chúng ta! – Giáo sư nói gay gắt. – Nhưng chúng ta ít ra cũng có thể cứu vớt được danh dự mình bằng cách từ chối không chịu làm kẻ đồng loã.
Bà Hêluy rời cửa sổ đến đứng trước mặt con một cách đường bệ:
– Được, cứ cho rằng mẹ nhượng bộ con trong cái việc tồi tệ này, – bà lạnh lùng nói. – Ta sẽ trả một trăm hai mươi nghìn mác, nếu mất số tiền ấy gia đình ta sẽ tụt xuống mức sống tầm thường, nhưng việc ấy cũng gạt nốt sang một bên, ta sẽ lấy số tiền ấy trả họ không thiếu một xu, nhưng nếu những người thừa kế hỉ hả ấy lại nghĩ ra cách đòi thêm lãi đơn lãi kép thì sẽ như thế nào?
– Con cho rằng họ không có quyền như thế, nhưng nếu trường hợp ấy xảy ra, mẹ cần nhớ lời Chúa dạy: “Ta sẽ trừng phạt lỗi của người cha cho đến con cái ở thế hệ thứ ba”.
– Mẹ không thuộc họ Hêluy, đừng quên điều này, con ạ! – Bà thốt ra giọng sắc như dao.
– Mẹ đem về nhà này một tên họ không vết bợn, một tên họ thật vẻ vang, cha của mẹ là cố vấn triều đình, vì thế điều hổ nhục kia không rơi vào mẹ; mẹ cũng không hề muốn hi sinh tiền bạc để rửa vết nhục ấy; con cho rằng đến cuối đời mình mẹ cũng phải chịu thiếu thốn để đền tội cho kẻ khác à?
– Chịu thiếu thốn khi mẹ có đứa con đủ khả năng cung cấp cho mọi nhu cầu của mẹ? Thưa mẹ, mẹ không tin rằng với nghề con học được con có thể đảm bảo cho mẹ một tuổi già tốt đẹp không phải lo âu hay sao?
– Cảm ơn con! – Bà lạnh lùng nói. – Mẹ thích sống bằng lợi tức của mình và không lệ thuộc ai. Mẹ ghét phụ thuộc từ khi cha con mất, mẹ không biết ý muốn nào khác ý muốn của Chúa và của bản thân mình, và mẹ sẽ chỉ như thế thôi… Vả lại, đừng tranh cãi việc viển vông nữa! Mẹ tuyên bố mẹ coi tất cả chuyện này như sự bày đặt ra của con người gàn dở ở tầng áp mái. Không gì trên đời này bắt được mẹ thừa nhận nó là thực, là đã xảy ra thực sự!
Lúc này cửa mở ra và bà nghị vào không một tiếng động. Bà phu nhân xinh đẹp ấy đã khóc. Nước mắt để lại dấu vết rõ ràng trên mi mắt đỏ hoe và trên đôi má mịn màng có những vết sẫm. Không thể phủ nhận rằng đau khổ làm rung động tâm hồn ấy một cách tàn nhẫn. Để che mớ tóc rối tung, bà quàng lên đầu chiếc khăn tuyn trắng nhẹ làm cho đầu bà đẹp hoàn mỹ với bộ tóc dày vàng hoe duyên dáng một cách thanh khiết.
Bà nhìn thấy cuốn sách tàn khốc trên kỷ và rùng mình. Chậm rãi như một người khổ tu, bà đến gần giáo sư và rụt rè giơ tay cho anh, anh từ chối không đưa tay ra.
– Tha lỗi cho em, Giôhanex, – bà năn nỉ – Em đã nổi nóng đến nỗi chính mình cũng không tự giải thích được! Lúc thường em vẫn ôn hoà, sao lại có thể hung lên đến thế được! Chính câu chuyện khốc liệt kia là nguyên nhân của mọi sự!… Anh nghĩ mà xem, cha em sẽ bị thương tổn danh dự vì quyển sách kia, và với anh, em muốn, bằng mọi giá, tránh cho anh khỏi điều phát hiện nặng nề… Thật uổng công, em không thể ngăn cấm mình nghĩ rằng Carôlin lôi cái vật chứng kinh khủng ấy ra để chơi xấu thêm một lần nữa trước khi ra đi…
– Hãy kìm cái miệng vu khống của cô lại! – Anh hét lên đe chừng, người anh giật nảy lên làm bà nghị hoảng sợ im lặng ngay. – Tôi có thể tha thứ cho cô, – anh nói thêm sau khi dừng lại một lát để cố tự kiềm chế, – nhưng với một điều kiện.
Bà nghị nhìn anh như hỏi.
– Cô kể cho tôi nghe không dè dặt vì sao cô biết điều bí mật ấy.
Bà nghị lặng yên một lúc rồi bắt đầu kể.
– Khi cha em lâm bệnh lần gần đây, anh biết đấy, bệnh tình có chiều hướng xấu, ông bảo em đem cho ông các thứ giấy tờ để ở trong bàn giấy. Em phải huỷ đi trước mắt ông; đấy là giấy tờ liên quan đến nhà Xecbông, chắc ông giữ lại như vật quý… Cái chết đã gần kề nên ông cởi mở hơn, hay ông cảm thấy cần thổ lộ vấn đề ấy, nói tóm lại là ông nói cho em biết…
– Và cho cô một chiếc vòng nào đó phải không? – Giáo sư thốt lên phẫn nộ
.
Bà ngả đầu không nói thêm và ngước nhìn anh bằng cặp mắt cuồng si và năn nỉ.
– Sau việc giải thích này, mẹ còn cho sự kiện ấy là điều bịa đặt của người điên không? – Giáo sư hỏi mẹ và mỉm cười lạnh lùng.
– Tôi chỉ biết một điều là cái người này, – bà tức run lên chỉ người thiếu phụ, – kể các chuyện vớ vẩn và ngu ngốc vượt quá những gì tôi đã gặp cho đến hôm nay! Nhưng chính con quỷ khoe khoang nó không cho cô yên thân đấy, phải đeo chiếc vòng thật hiếm có để cho người ta trầm trồ và thán phục đồng thời còn ngắm cả cái cánh tay trắng trẻo đẹp đẽ nữa kia!
Bà nghị ra khỏi vai trò đau đớn hối hận, và ném cái nhìn dữ tợn về phía bà bác vừa đột ngột làm sáng tỏ không nương nhẹ một trong những nhược điểm của bà.
– Tôi không đi sâu hơn vào vấn đề tìm hiểu tại sao với trái tim mà trong mọi trường hợp cô luôn tỏ vẻ hiền lành, trong sạch, cô lại có thể đeo một thứ nữ trang lấy cắp, – giáo sư nói, bề ngoài tuy bình thản nhưng trong giọng đã ngầm chứa đựng sấm sét như lúc trời nổi cơn giông. – Tôi để cô tự xem xét và quyết định ai có tội, người mẹ cùng khổ lấy cắp chiếc bánh cho đàn con đói, hay bà phu nhân giàu có, sang trọng, đắm mình trong hoan lạc và âu yếm che chở việc đánh cắp… Tôi chỉ muốn biết tại sao cô lại dám đeo chiếc vòng lấy cắp vào cổ tay không vấy bẩn của cô gái đã cứu con gái cô – Cô công khai nói rằng cô rất quý chiếc vòng nhưng vì Annet cô sẵn sàng hy sinh thứ cô thích nhất – sau đó, do nguồn gốc xuất thân của cô gái, cô dám đứng trên bệ cao của một dòng dõi không vết bợn, đòi cho mình quyền có mọi đức hạnh của dòng máu trong sạch và ném cô ta vào lĩnh vực xấu xa; trong khi cô biết việc làm càn bậy của cha cô, việc ấy là nỗi ô nhục đáng phẫn nộ, không biết nên kết án như thế nào cho đủ nghiêm khắc!
Bà nghị lảo đảo, nhắm mắt lại và đưa tay sờ soạng tìm góc bàn để vịn.
– Anh không hoàn toàn sai, Giôhanex, – bà Hêluy xen vào và lay cánh tay cô cháu để thức tỉnh, bà ghét cay ghét đắng những người đàn bà ngất xỉu – nhưng câu anh vừa nói vượt quá ranh giới! Đúng, đấy là một vịêc càn bậy lớn, nhưng anh phải tôn trọng vị trí của Ađen… Việc so sánh với người đàn bà cùng quẫn – Anh đừng phật ý nhé – hơi ngốc đấy… Có sự khác nhau rất xa giữa việc thấy của vô chủ và ăn cắp bánh của người khác có suy tính trước… Nhưng ở chỗ này còn có một ý kiến theo kiểu mới là so sánh lớp dân chúng thấp hèn với giới người cao sang; tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe những lời ấy lại từ miệng anh nói ra. Đồng thời, đem một bà thuộc giới sang trọng so sánh với đứa con gái như Carôlin là một việc không tha thứ được…
– Thưa mẹ, con đã nói với mẹ ở ngoài vườn từ lúc chiều là con không chấp nhận được những lời công kích phỉ báng danh dự của cô gái kia, – giáo sư kêu lên, tĩnh mạch trán của anh nổi lên vì tức giận.
– Ấy, ấy, hãy từ tốn và lễ độ hơn. Ông con trai tôi! Ông đang đứng trước mặt mẹ ông!
Bà giơ tay để ngăn anh lại, mắt bà loé lên ánh dữ dội.
– Anh đóng vai trò người hiệp sĩ của nàng công chúa ngẫu nhiên kia thật hoàn hảo. Vậy thì tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc tỏ lòng tôn trọng của tôi với nàng!
– Trường hợp ấy sẽ đến với mẹ, – anh trả lời rất lạnh lùng lời giễu cợt cay độc kia và mắt anh nhìn thẳng vào mặt người đối thoại với mình. – Mẹ không thể không tử tế với cô ấy, vì cô ấy sẽ là… vợ… con!
Điều kỳ lạ phi thường đã xảy ra thực sự, ngôi nhà đài các cổ xưa vẫn cứ đứng vững sau lời tuyên bố kia, đất cũng không nứt ra để nuốt chửng cả cái thành phố nhỏ và đứa con đồi bại nhất của nhà Hêluy, như người đàn bà cao lớn đã tưởng tượng… Nó kia, đứng vững vàng, thản nhiên, không nao núng, hình ảnh của một người đã quyết định, những giọt nước mắt bất lực của người đàn bà, những cơn kích động thần kinh và điên cuồng, trước con người ấy, sẽ bật ra như sóng đánh vào vách đá bên bờ biển.
Bà Hêluy lùi lại, loạng choạng, không nói được một lời, nhưng bà nghị bừng tỉnh khỏi cơn ngất xỉu và cười sằng sặc như người loạn thần kinh. Miếng vải tuyn tuột từ trên đầu xuống gáy và bộ tóc rối cài bông hồng héo rũ xuống, vặn thành nhiều vòng như những con rắn chung quanh cái trán đỏ ửng.
– Bác thấy chưa, cái khôn ngoan bác vẫn tự hào là như thế đấy! – Bà ta kêu lên, giọng lanh lảnh – Đến lượt cháu đắc thắng nhé!… Cháu đã chẳng bằng mọi cách cầu xin bác gả chồng cho đứa con gái ấy trước khi Giôhanex về là gì? Lần đầu tiên trông thấy con người ấy, một linh cảm chắc chắn báo rằng nó sẽ gây bất hạnh cho tất cả chúng ta. Vậy bác hãy nhận lấy nỗi hổ thẹn mà bác cố ý bịt mắt để khỏi thấy. Còn cháu, cháu đi Bon ngay bây giờ để kể cho các bà “giáo sư” về phẩm chất của “bà” đồng nghiệp nhỏ sẽ gia nhập nhóm “chọn lọc” của họ.
Bà ta nhảy chồm ra cửa.
Lúc ấy bà Hêluy đã hết sửng sốt. Bà vận dụng tất cả vẻ oai nghiêm tưởng tượng và đường bệ của mình.
– Lúc nãy chắc mẹ hiểu lầm anh phải không Giôhanex? – Bà vờ bình tĩnh hỏi.
– Nếu mẹ tưởng như thế, con sẽ nhắc lại lời bày tỏ của con, – anh đáp, lạnh lùng và sắt đá. – Con sắp cưới Fêlixitê đ’Ooclôpxca làm vợ.
– Con dám giữ mãi ý kiến ấy trước mẹ à?
– Đáng lẽ trả lời mẹ, con xin hỏi: Bây giờ mẹ còn cầu phúc cho con nếu con kết hôn với Ađen không?
– Không một chút khó khăn. Đây là đám phù hợp với vị trí của anh, đáp ứng mong muốn của tôi.
Giáo sư đỏ bừng mặt, anh phải cắn môi để ghìm lại hàng loạt lời nói gay gắt.
– Với lời tuyên bố ấy mẹ đã mất hết quyền có ý kiến trong những vấn đề sinh mệnh quan trọng của con, – anh nói giọng nghẹn lại và cố ghìm mình: – như thế là mẹ không cần biết đến cuộc sống của con sẽ bị đầu độc bởi con người tinh thần đồi bại đến xương tuỷ, con người đạo đức giả đáng ghét kia… Mẹ yên tĩnh ở trong ngôi nhà thoải mái của mình và chỉ cần nói được về con trai: Nó đã cưới vợ phù hợp với vị trí của nó… thế là đủ! Trước tính ích kỷ không giới hạn này, con xin bày tỏ với mẹ rằng, bằng mọi giá, con muốn được hạnh phúc sung sướng và chỉ có thể hạnh phúc với cô gái mồ côi bị khinh rẻ mà chúng ta vẫn ngược đãi một cách độc ác!
Bà Hêluy thốt ra một tiếng cười gằn khô khốc.
– Tôi phải cố giữ để không thốt ra những lời tệ hại nhất! – Bà kêu lên và hai môi run run. – Đừng quên rằng lời cầu phúc của cha anh đã xây dựng cơ đồ cho con cái, nhưng lời nguyền của mẹ sẽ phá đổ hết!
– Mẹ có thể nói rằng lời cầu phúc của mẹ có uy lực xoá bỏ mọi tàn tật về tinh thần của Ađen không?… Lời nguyền rủa cũng bất lực như thế khi nó nhằm vào một người vô tội… Mẹ sẽ không thốt ra được lời nguyền rủa đâu, mẹ ạ! Chúa sẽ không thừa nhận, lời ấy sẽ rơi vào chính mẹ và làm cho mẹ cô đơn về già, không tình thân mến!
– Tôi cần quái gì?… Tôi chỉ biết có hai điều thuộc quy tắc cư xử của tôi, đó là: danh dự, và hổ nhục! Anh phải tôn trọng ý muốn của tôi. Và vì nghĩa vụ ấy anh phải rút lui lời đề xuất xuẩn ngốc của anh!
– Không bao giờ! Tuỳ mẹ muốn làm gì cũng được, mẹ ạ! – Giáo sư đáp lại.
Anh đi ra trong khi bà vẫn ngồi đấy, hai tay dang ra, lặng lẽ như một pho tượng. Đôi môi mím chặt như không còn giọt máu kia có phát ra những lời nguyền rủa không? Không một tiếng nào vang ra được đến hành lang, nếu có thì cũng không vang xa được, Chúa là lòng thương yêu không khi nào ban phát một công cụ ghê gớm như thế cho kẻ ác nặng đầu óc hằn thù!
Bóng hoàng hôn đã thấp thoáng trên khoảng sân vuông trước nhà. Gió, bão đã yên, nhưng những mảng mây đen rách bươm vẫn bay trên nền trời tìm cách ghép lại với nhau bằng những cánh tay khổng lồ để lại ào xuống đất với một sức mạnh mới.
Ở tầng một, có tiếng xập cửa, đẩy hòm xiểng, tiếng vội vã đi lại, người ta đóng hòm các đồ đã để ra đi hẳn.
– Thế là hết câu chuyện những bông hoa nhỏ “đừng quên tôi”! – Bác Hăngri vui sướng lẩm bẩm khi vác chiếc hòm qua phòng lớn.
Đối lập với cảnh xáo động và ồn ào ở nhà trước, cô gái Fêlixitê xanh xao ngồi bình thản và lặng lẽ bên cửa sổ vòm cạnh sân! Ngọn đèn bếp thắp sáng trên bàn và chiếc hòm nhỏ đựng quần áo lúc bé của Fêlixitê để bên cạnh cô. Một giờ trước đây, bà Hêluy đã ra lệnh trả “cái của vô giá trị” cho cô gái, “để cô không còn cớ gì ở lại trong nhà đêm nay…”. Dưới ánh đèn, Fêlixitê vẫn đang nhìn cái dấu gia huy nhà Xecbông, khi bộ mặt tái nhợt của giáo sư hiện ra bên cửa sổ.
– Đi thôi, Fêlixitê! Em sẽ không ở thêm một giây nào trong cái nhà tội lỗi và ích kỷ này nữa, – anh nói giọng vô cùng cảm động. – Cứ để các thứ ở đây, mai Hăngri sẽ đem hết sang!
Cô quàng khăn lên vai và đến phòng trước với giáo sư. Anh cầm tay cô gái đi qua mấy phố. Đến nhà bà Frăngcơ, anh rung chuông:
– Cháu đem một người đến để bà che chở, – anh nói với bà phu nhân già ra tiếp đón hai người một cách thân thiết. Anh cầm tay bà, đặt tay cô gái vào và nói tiếp bằng giọng đầy ý nghĩ: – Bà trông nom và che chở cho Fêlixitê hộ cháu, coi như con gái của bà cho tới khi cháu đến xin lại bà cô ấy.