Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bốn Thỏa Ước

Chương 1: Sự Thuần Hóa Và Giấc Mơ Của Hành Tinh

Tác giả: Don Miguel Ruiz

ĐIỀU MÀ BẠN ĐANG NHÌN HOẶC NGHE THẤY NGAY lúc này chỉ là một giấc mơ mà thôi. Ngay lúc này, bây giờ, bạn đang mơ. Bạn đang mơ với một bộ óc tỉnh thức.

Mơ là chức năng chính yếu của tâm trí, và tâm trí mơ mộng hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Nó mơ mộng khi não bộ đang tỉnh thức, và nó cũng mơ khi não bộ đang ngủ. Sự khác nhau ở chỗ, khi bộ não tỉnh thức, có một sự định hình vật chất khiến chúng ta nhận thức về sự vật theo một hướng tuyến tính. Khi đi vào giấc ngủ, chúng ta khống có sự định hình đó và giấc mơ có xu hướng thay đổi liên tục không ngừng nghỉ.

Loài người mơ mộng ở mọi thời khắc. Trước khi chúng ta sinh ra, những con người trước chúng ta đã tạo ra một giấc mơ lớn ở bên ngoài, mà chúng ta sẽ gọi là giấc mơ của xã hội, hay giấc của hành tinh. Giấc mơ của hành tinh là giấc mơ tổng hợp hàng triệu triệu giấc mơ nhỏ hơn của từng cá nhân. Chúng hợp lại thành một giấc mơ của một gia đình, giấc mơ của cộng đồng, giấc mơ của thành phố, giấc mơ của một quốc gia, và cuối cùng, giấc mơ của toàn thể nhân loại. Giấc mơ của hành tinh bao gồm mọi quy tắc của xã hội, các niềm tin, quy luật, các tôn giáo, các nền văn hóa và cách hành xử khác nhau, các chính phủ, trường học, mọi sự kiện xã hội và các ngày nghỉ.

Chúng ta sinh ra đã có khả năng học biết cách mơ mộng, và những con người sống trước chúng ta dạy chúng ta biết mơ cho đúng cách mà xã hội mơ. Giấc mơ bên ngoài có quá nhiều quy tắc, đến độ khi một người mới sinh ra, chúng ta liền lập tức lôi kéo sự chú ý của đứa trẻ và đưa những quy tắc này vào đầu chúng. Giấc mơ bên ngoài sử dụng Cha và Mẹ, trường học và tôn giáo để dạy cho chúng ta biết cách mơ.

Sự chú ý là khả năng chúng ta có để phân biệt, và chỉ tập trung vào điều chúng ta muốn nhận thức. Chúng ta có thể nhận biết hàng triệu sự vật đồng thời, nhưng khi vận dụng sự chú ý, chúng ta có thể nắm bắt bất cứ điều gì ta đặc biệt muốn nhận thức trong tâm trí mình. Người lớn quanh chúng ta đã câu lấy sự chú ý của chúng ta và đưa thông tin vào đầu óc chúng ta qua việc lặp đi lặp lại. Đó là cách chúng ta đã học được mọi điều chúng ta biết.

Bằng cách chú ý, chúng ta học được toàn bộ thực tại, toàn bộ giấc mơ. Chúng ta học biết phải cư xử như thế nào trong xã hội: Những gì phải tin và những gì không được tin; điều gì chấp nhận được, điều gì không; điều gì tốt và điều gì xấu; đâu là cái đẹp, đâu là cái xấu xa; điều gì đúng và điều gì sai.

Tất cả đã có sẵn đó rồi – mọi kiến thức, mọi quy tắc và khái niệm về cách ứng xử trong thế giới này.

Khi bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn chiếm một chỗ ngồi con con và chú ý vào điều thầy giáo dạy bạn. Khi vào nhà thờ, bạn chú ý đến điều vị linh mục hoặc mục sư đang nói với bạn. Sự việc cũng xảy ra như thế với cha và mẹ, anh và chị. Tất cả đều tìm cách lôi kéo sự chú ý của bạn. Chúng ta cũng học cách lôi kéo sự chú ý của những người khác, và chúng ta phát triển một nhu cầu được chú ý, một nhu cầu có thể trở nên rất cạnh tranh. Trẻ em cạnh tranh với nhau để thu hút sự chú ý của cha mẹ, thầy giáo, bạn bè. “Nhìn con này! Mẹ xem con đang làm gì này! Mẹ, con ở đây cơ mà.” Nhu cầu cần được chú ý trở nên rất mạnh và tiếp tục đi vào cả giai đoạn trưởng thành nữa.

Giấc mơ bên ngoài nắm bắt sự chú ý của chúng ta, và dạy cho chúng ta biết phải tin gì, bắt đầu bằng thứ ngôn ngữ chúng ta nói. Ngôn ngữ là bộ mã để hiểu và giao tiếp giữa con người với nhau. Mỗi chữ cái, mỗi từ ngữ trong mỗi ngôn ngữ là một thỏa ước. Chúng ta gọi đây là một trang trong một cuốn sách. Từ trang là một thỏa ước mà chúng ta hiểu được. Khi chúng ta hiểu được bộ mã, sự chú ý của chúng ta đã bị nắm bắt, và năng lượng được truyền từ người này sang người khác.

Bạn không chọn nói tiếng Anh. Bạn không chọn tôn giáo của bạn hoặc các giá trị đạo đức của bạn – chúng đã có sẵn đó rồi, từ trước khi bạn sinh ra. Chúng ta chẳng bao giờ có sẵn cơ hội chọn lựa điều gì để tin hay không tin. Chúng ta chẳng bao giờ chọn ngay cả những gì nhỏ nhất trong các thỏa ước ấy. Chúng ta thậm chí còn không chọn tên cho mình nữa.

Là con trẻ, chúng ta không có cơ hội để chọn lựa những điều mình tin, nhưng chúng ta đồng ý với những thông tin gửi đến cho mình từ giấc mơ của hành tinh, thông qua người khác. Cách duy nhất để lưu trữ thông tin là bằng thỏa ước. Giấc mơ bên ngoài có thể nắm bắt sự chú ý của chúng ta, nhưng nếu không đồng ý, chúng ta sẽ không lưu lại thông tin ấy. Ngay khi đồng ý, chúng ta tin vào nó, và đây được gọi là niềm tin. Có niềm tin là tin vô điều kiện.

Đó là cách chúng ta đã học khi còn bé. Trẻ em tin vào những gì người lớn nói. Chúng ta đồng ý với họ, niềm tin của chúng ta mạnh đến độ hệ thống niềm tin kiểm soát toàn bộ giấc mơ của chúng ta về sự sống, chúng ta không chọn những niềm tin ấy và có lẽ chúng ta đã nổi loạn chống lại chúng, nhưng chúng ta không đủ mạnh để chiến thắng trong cuộc nổi loạn. Kết quả là sự quy thuận với những niềm tin bằng thỏa ước của mình.

Tôi gọi tiến trình này là sự thuần hóa con người. Qua tiến trình thuần hóa này, chúng ta học được cách sống và mơ. Trong việc thuần hóa con người, thông tin từ giấc mơ bên ngoài được chuyển vào giấc mơ bên trong, tạo nên toàn bộ hệ thống niềm tin của chúng ta. Trước tiên, đứa trẻ được dạy cho biết tên của các sự vật: Mẹ, Cha, sữa, chai. Ngày qua ngày, ở nhà, ở trường, tại nhà thờ, qua truyền hình, chúng ta được bảo cho biết phải sống ra sao, phải cư xử thế nào thì mới được chấp nhận. Giấc mơ bên ngoài dạy cho chúng ta làm thế nào để làm người. Chúng ta có nguyên một khái niệm về thế nào là “đàn bà” và “đàn ông”, chúng ta tự xét đoán mình, xét đoán người khác, xét đoán những người láng giềng của mình.

Trẻ em được thuần hóa tương tự như cách chúng ta thuần dưỡng một con chó, con mèo, hoặc một động vật nào đó khác. Để dạy dỗ một con chó, chúng ta trừng phạt và khen thưởng nó. Chúng ta rèn luyện những đứa trẻ rất mực yêu dấu của mình cũng theo cách áp dụng với những loại động vật thuần hóa khác: bằng việc thưởng phạt. Chúng ta được khen: “Con là đứa trẻ ngoan,” khi làm những gì cha mẹ muốn chúng ta làm. Khi cãi lại, chúng ta trở thành “đứa trẻ hư”.

Khi làm trái các quy tắc, chúng ta bị trừng phạt. Khi ngoan ngoãn tuân theo, chúng ta được khen thưởng, chúng ta bị phạt mỗi ngày nhiều lần và cũng nhiều lần được khen thưởng, chẳng mấy chốc, chúng ta bỗng sợ bị phạt và cũng sợ không được khen. Khen thưởng là sự chú ý mà chúng ta nhận được từ cha mẹ hoặc những người khác, như anh em, bạn bè, thầy cô. Chúng ta mau chóng phát triển một nhu cầu thu hút sự chú ý của người khác để được khen thưởng.

Phần thưởng khiến chúng ta cảm thấy khoan khoái, và chúng ta tiếp tục làm những gì người khác muốn chúng ta làm, để lại được khen thưởng. Cùng với nỗi sợ bị phạt và sợ không được khen, chúng ta bắt đầu giả vờ là cái mình không phải, chỉ để làm vừa lòng người khác, chỉ đủ tốt cho một ai đó khác, chúng ta cố gắng làm vui lòng cha mẹ, chúng ta cố gắng làm thầy cô hài lòng, chúng ta cố gắng làm vui lòng nhà thờ, và thế là chúng ta bắt đầu diễn. Chúng ta làm ra vẻ là cái không phải là chúng ta, vì chúng ta sợ bị ruồng bỏ. Nỗi sợ bị ruồng bỏ biến thành sợ mình không được tốt. Cuối cùng, chúng ta trở thành một người không phải là chúng ta. Chúng ta trở nên một bản sao những niềm tin của cha mẹ, của xã hội và của tôn giáo.

Tất cả những thiên hướng rất bình thường của chúng ta bị đánh mất trong quá trình thuần hóa. Và khi chúng ta đã đủ lớn để tâm trí hiểu được, chúng ta học được từ không. Người lớn nói: “Không được làm cái này, không được làm cái kia.” chúng ta nổi loạn và nói: “Không!” chúng ta nổi loạn, vì chúng ta bảo vệ tự do của mình, chúng ta muốn là mình, nhưng chúng ta rất nhỏ bé, còn người lớn thì vừa to vừa khỏe. Sau một thời gian, chúng ta sợ hãi, vì biết rằng mỗi lần làm điều gì sai quấy, chúng ta sẽ bị phạt.

Sự thuần hóa quá mạnh mẽ, đến độ tại một thời điểm nào đó trong đời mình, chúng ta không còn cần phải có ai thuần hóa chúng ta nữa. Chúng ta không cần đến cha hoặc mẹ, trường học hay nhà thờ để thuần hóa chúng ta nữa. Chúng ta đã được huấn luyện quá kỹ, đến độ chúng ta biến thành kẻ tự thuần hóa chính mình. Chúng ta là một sinh vật tự thuần hóa. Bây giờ, chúng ta có thể tự thuần hóa mình theo đúng hệ thống những niềm tin chúng ta đã được trao cho, và sử dụng cùng một hệ thống khen thưởng và trừng phạt. Chúng ta tự phạt mình khi chúng ta không tuân theo những quy tắc trong hệ thống niềm tin của chúng ta. Chúng ta tự khen thưởng bản thân, khi chúng ta là những “bé ngoan”. Hệ thống niềm tin giống như một Sách Luật, điều khiển tâm trí chúng ta. Không cần phải hỏi, bất cứ điều gì ghi trong Sách Luật ấy đều là chân lý của chúng ta. Chúng ta đặt mọi phán đoán của mình dựa trên Sách Luật, dù những phán đoán ấy đi ngược lại bản tính tự nhiên của chúng ta. Thậm chí những luật đạo đức như Mười Điều Răn cũng được lập trình vào tâm trí chúng ta trong quá trình thuần hóa. Từng cái một, các thỏa ước ấy đi vào trong Sách Luật và chúng chi phối giấc mơ của chúng ta.

Có một điều gì đó trong tâm trí chúng ta, nó xét đoán mọi người và mọi sự vật, kể cả thời tiết, con chó, con mèo – tất cả mọi sự. Vị Quan Tòa bên trong sử dụng điều được ghi trong Sách Luật để xét đoán mọi sự chúng ta làm hoặc không làm, mọi điều chúng ta nghĩ hoặc không nghĩ, những gì chúng ta cảm nhận hoặc không cảm nhận. Mọi sự đều ở dưới quyền lực của vị Quan Tòa này. Mỗi lần chúng ta làm một điều gì đi ngược lại Sách Luật, vị Quan Tòa nói chúng ta có tội, chúng ta cần phải bị trừng phạt, chúng ta phải xấu hổ. Điều này xảy ra nhiều lần trong ngày, ngày qua ngày, hết mọi năm tháng của cuộc đời chúng ta.

Còn một phần khác trong chúng ta cũng nhận được những xét đoán, phần này gọi là Nạn Nhân. Nạn Nhân mang lấy sự trách cứ, tội lỗi và hổ thẹn. Nó là bộ phận trong chúng ta thốt lên: “Tội nghiệp tôi quá, tôi không đủ tốt, tôi không đủ thông minh, tối không đủ hấp dẫn. Tôi không đáng được yêu thương, khổ thân tôi quá.” Vị đại Quan Tòa đồng ý và nói: “Đúng vậy, bạn không đủ tốt.” Tất cả những chuyện này dựa trên một hệ thống niềm tin mà chúng ta chẳng bao giờ được chọn để tin theo. Niềm tin ấy quá mạnh mẽ, đến độ nhiều năm sau này, khi tiếp cận với nhũng khái niệm mới và thử đưa ra những quyết định của riêng mình, chúng ta nhận ra rằng các niềm tin ấy vẫn còn kiểm soát cuộc đời của chúng ta.

Bất cứ điều gì đi ngược lại Sách Luật sẽ khiến bạn cảm thấy một cảm giác khác lạ trong vùng mặt trời của bạn, và nó được gọi là sợ hãi. Việc phá vỡ các quy tắc trong Sách Luật làm mở miệng những vết thương cảm xúc của bạn, và phản ứng của bạn là tạo ra độc tố cảm xúc. Vì mọi điều ghi trong Sách Luật đều phải đúng nên mọi thứ thách thức điều bạn tin tưởng sẽ làm bạn cảm thấy bất an. Ngay cả nếu như Sách Luật sai, thì nó vẫn khiến bạn cảm thấy an toàn.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải rất dũng cảm để thách đố các niềm tin của mình. Vì ngay cả nếu như chúng ta biết rằng mình không chọn lựa các niềm tin ấy thì có một sự thật là chúng ta đã đồng ý với chúng. Sự đồng ý quá mạnh mẽ, đến độ nếu hiểu quan niệm ấy là không đúng, chúng ta vẫn cảm thấy mình đáng trách, tội lỗi, và sự hổ thẹn xảy ra khi chúng ta đi ngược lại những quy tắc ấy.

Cũng như mỗi chính quyền có một bộ luật để cai quản giấc mơ của xã hội, còn hệ thống niềm tin của chúng ta là Sách Luật điều khiển giấc mơ riêng của ta. Tất cả những luật này hiện diện trong tâm trí chúng ta. Chúng ta tin vào chúng, và vị Quan Tòa bên trong chúng ta xếp đặt mọi thứ dựa trên những luật ấy. Vị Quan Tòa phán quyết, và Nạn Nhân phải chịu mặc cảm tội lỗi và hình phạt. Nhưng ai nói rằng có công lý trong giấc mơ này? Công lý đích thực là trả giá chỉ một lần cho một lỗi lầm. Bất công đích thực là trả giá nhiều hơn một lần cho một lỗi lầm.

Chúng ta phải trả giá bao nhiêu lần cho một lỗi lầm? Câu trả lời là hàng ngàn lần. Con người là sinh vật duy nhất trên mặt đất phải trả giá hàng ngàn lần cho cùng một lỗi. Các sinh vật khác chỉ trả giá một lần cho mỗi sai lầm chúng mắc phải. Còn chúng ta thì không thể. Chúng ta có một bộ nhớ mạnh mẽ. Chúng ta phạm sai lầm, chúng ta tự xét xử, chúng ta thấy mình có tội, và chúng ta tự trừng phạt mình. Nếu công lý tồn tại thì như thế là đủ rồi, chúng ta không cần phải lặp lại nó lần nữa. Nhưng mỗi lần nhớ lại, chúng ta lại phán xét mình, chúng ta lại cảm thấy có tội, lại tự trừng phạt mình, và cứ thế lặp đi, lặp lại. Nếu chúng ta có vợ hoặc chồng, người ấy cũng nhắc nhở chúng ta về lỗi lầm kia, do vậy chúng ta có thể lại tự phán xét mình, lại trừng phạt mình, và lại thấy mình có tội. Thế có công bằng không?

Đã bao nhiêu lần chúng ta bắt vợ hoặc chồng mình, con cái, cha mẹ mình phải đền bù cho cùng một lỗi sai? Mỗi lần chúng ta nhớ đến lỗi lầm, chúng ta lại trách cứ họ và gửi đến họ mọi thứ độc tố cảm xúc mà chúng ta cảm thấy trước nỗi bất công, và rồi chúng ta khiến họ phải đền trả lần nữa cho cùng một sai lầm. Đó có phải là công lý không? Vị Quan Tòa trong tâm trí đã sai lầm, vì hệ thống niềm tin, bộ Sách Luật, đã sai lầm. Toàn bộ giấc mơ được đặt trên một bộ luật sai lầm. Chín mươi lăm phần trăm các niềm tin chúng ta cất giữ trong tâm trí mình không gì khác hơn ngoài những điều dối trá, và chúng ta đau khổ vì chúng ta tin chắc vào những điều dối trá ấy.

Trong giấc mơ của cả hành tinh, điều bình thường là mọi con người đều phải đau khổ, phải sống trong sợ hãi, và tạo ra những bi kịch cảm xúc. Giấc mơ bên ngoài không phải là một giấc mơ dễ chịu; đó là giấc mơ của bạo lực, sợ hãi, giấc mơ của chiến tranh, bất công. Giấc mơ riêng của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng nói chung hầu hết là ác mộng. Nếu nhìn vào xã hội loài người, chúng ta nhìn thấy nơi này thật khó sống, vì nó bị thống trị bởi nỗi sợ hãi. Khắp nơi trên thế giới này, chúng ta nhìn thấy loài người đau khổ, giận dữ, oán thù, chúng ta thấy tình trạng nghiện ngập, bạo lực trên đường phố và những cảnh bất công khủng khiếp. Sợ hãi có thể tồn tại ở những bình diện khác nhau tại những quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng nó đang kiểm soát giấc mơ bên ngoài.

Nếu so sánh giấc mơ của xã hội loài người với bức tranh hỏa ngục mà các tôn giáo trên thế giới truyền bá thì chúng ta thấy rằng chúng giống hệt nhau. Tôn giáo bảo rằng hỏa ngục là một nơi dành cho hình phạt, một nơi đầy sợ hãi, đau đớn và khổ sở, một nơi lửa thiêu đốt bạn. Lửa được tạo ra bởi những cảm xúc xuất phát từ sợ hãi. Mỗi khi chúng ta cảm thấy giận dữ, ganh tị, hờn oán, ghét bỏ thì chúng ta như thấy một ngọn lửa thiêu đốt trong mình. Chúng ta đang sống trong một giấc mơ về hỏa ngục.

Nếu bạn xem hỏa ngục như một tình trạng của tâm trí thì hỏa ngục là tất cả những gì ở quanh ta. Người khác có thể cảnh báo chúng ta rằng nếu không chịu làm những điều họ bảo ta nên làm, chúng ta sẽ đi vào hỏa ngục. Tin buồn đây! chúng ta đang ở trong hỏa ngục rồi, kể cả những người nói với bạn điều ấy. Không một người nào có thể kết án ai khác vào hỏa ngục vì chúng ta đã ở sẵn đó rồi. Người khác có thể đẩy ta vào một tầng hỏa ngục sâu hơn, đúng vậy. Nhưng với điều kiện là chúng ta cho phép điều ấy xảy ra mà thôi.

Mỗi một con người đều có giấc mơ của riêng mình, và cũng như giấc mơ xã hội, nó thường bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Chúng ta học để mơ thấy hỏa ngục trong chính cuộc đời mình, trong giấc mơ của riêng mình. Cũng những nỗi sợ hãi ấy, hiện ra theo nhiều cách khác nhau với mỗi người, dĩ nhiên, nhưng chúng ta đều phải trải nghiệm sự giận dữ, ghen tị, oán ghét và những cảm xúc tiêu cực khác. Giấc mơ cá nhân của chúng ta cũng có thể trở thành một cơn ác mộng kéo dài, trong đó chúng ta đau khổ và sống trong trạng thái sợ hãi. Nhưng chúng ta không cần phải mơ một cơn ác mộng. Nó hoàn toàn có thể là một giấc mơ vui tươi và dễ chịu.

Toàn nhân loại đang tìm kiếm sự thật, công lý và cái đẹp. Chúng ta không ngừng tìm kiếm sự thật vì chúng ta chỉ tin vào những điều dối trá đã tích trữ trong tâm trí. Chúng ta tìm kiếm công lý vì trong hệ thống niềm tin mà chúng ta đang sở hữu không hề có công lý. Chúng ta tìm kiếm cái đẹp vì bất kể một người có đẹp đẽ đến đâu, chúng ta vẫn không tin rằng họ đẹp. Chúng ta cứ mãi hoài tìm kiếm, khi mọi thứ đã sẵn có trong ta rồi. Chẳng có sự thật nào phải tìm kiếm. Ngoảnh đầu về bất cứ hướng nào, chúng ta cũng đều chỉ nhìn thấy sự thật, nhưng với những thỏa ước và niềm tin mà chúng ta đã tích trữ trong tâm trí mình, chúng ta không để mắt đến sự thật này.

Chúng ta không nhìn thấy sự thật vì chúng ta mù quáng. Cái bịt mắt chúng ta là tất cả các niềm tin sai lầm mà chúng ta lưu giữ trong tâm trí. Chúng ta có cần mình trở nên đúng đắn và làm người khác sai lầm. Chúng ta tín nhiệm điều chúng ta tin, và đức tin của chúng ta làm chúng ta đau khổ. Điều đó như thể chúng ta đang sống ở giữa một màn sương không cho chúng ta nhìn thấy bất cứ điều gì xa hơn chóp mũi của mình, chúng ta sống trong một màn sương không có thực. Màn sương đó là một giấc mơ, là giấc mơ riêng của bạn về cuộc sống – là điều mà bạn tin, là tất cả các quan niệm của bạn về con người bạn, là tất cả các thỏa ước bạn phải lập nên với những người khác, với chính bạn, thậm chí với cả Thượng đế.

Toàn bộ tâm trí của bạn là một màn sương mà người Toltec gọi là mitote. Tâm trí bạn là một giấc mơ, trong đó hàng ngàn người nói cùng một lúc, không ai hiểu ai. Đây là tình trạng của tâm trí nhân loại – một mitote lớn, và với cái mitote lớn ấy, bạn không thể nhìn thấy bạn thực sự là gì. Người Án Độ gọi đó là mitote maya, nghĩa là ảo ảnh. Nó là ý niệm nhân cách của cái “Tôi là”. Mọi thứ mà bạn tin tưởng về chính mình và về thế giới, mọi khái niệm và chương trình bạn lập ra trong tâm trí, tất cả đều là mitote. Chúng ta không thể nhìn thấy mình thực sự là ai; chúng ta không thể nhìn thấy chúng ta không hề tự do.

Đó là lý do tại sao con người chống lại sự sống. Trở nên sống động là nỗi sợ hãi lớn nhất của con người. Sự chết không phải là nỗi sợ hãi lớn nhất chúng ta sở hữu; nỗi sợ lớn nhất của chúng ta là mạo hiểm để sống – dám sống và diễn tả cái thực sự là mình. Sống đúng là mình, ấy là nỗi sợ lớn nhất của con người. Chúng ta đã học sống cuộc sống của mình bằng cách nhọc công thỏa mãn những đòi hỏi của người khác, chúng ta đã học sống theo quan điểm của người khác, vì sợ mình không được chấp nhận, hoặc mình không được tốt đẹp trong cách đánh giá của người khác.

Trong quá trình thuần hóa, chúng ta tạo nên một hình ảnh về sự hoàn thiện để cố gắng trở nên đủ tốt. Chúng ta tạo nên một hình ảnh về việc chúng ta sẽ trở nên như thế nào để được mọi người chấp nhận. Đặc biệt, chúng ta tìm cách làm vừa lòng những người yêu mến chúng ta, như cha mẹ, anh chị, các linh mục và thầy cô. Trong khi cố gắng trở nên đủ tốt vì họ, chúng ta tạo nên một hình ảnh về sự hoàn thiện, nhưng chúng ta lại không phù hợp với hình ảnh này. Chúng ta tạo ra hình ảnh này, nhưng hình ảnh này không thật. Chúng ta sẽ không bao giờ trở nên hoàn thiện nếu đi từ quan điểm này. Không bao giờ!

Không trở nên hoàn thiện, chúng ta khước từ chính mình. Mức độ của sự tự khước từ ấy tùy thuộc vào việc người lớn thành công đến đâu trong việc phá vỡ sự thống nhất của chúng ta. Sau khi thuần hóa, vấn đề không còn là trở nên đủ tốt vì người khác nữa. Chúng ta không đủ tốt đối với chính mình vì chúng ta không phù hợp với hình ảnh của mình về sự hoàn thiện, chúng ta không thể tha thứ cho mình vì không trở thành cái mình muốn, hoặc đúng hon, cái chúng ta tin chúng ta phải trở thành. Chúng ta không thể tha thứ cho mình vì đã không trở nên hoàn thiện.

Chúng ta biết chúng ta không phải là cái ta hằng tin chúng ta được cho là phải thế, và vì vậy, chúng ta cảm thấy mình sai lầm, thất vọng và dối trá. Chúng ta cố gắng che giấu chính mình, chúng ta làm ra vẻ mình chính là cái không phải mình. Kết quả là chúng ta cảm thấy mình không thật, chúng ta mang những mặt nạ xã giao để người khác không nhận ra điều đó. Chúng ta sợ có ai đó sẽ nhận thấy chúng ta không phải là cái mình ra vẻ đang làm. Chúng ta cũng xét đoán người khác dựa theo hình ảnh chúng ta có về sự hoàn thiện, và lẽ tự nhiên, họ không thể đáp ứng kỳ vọng của chúng ta được.

Chúng ta tự khinh mình chỉ để làm vui lòng người khác. Thậm chí chúng ta còn làm hại đến cơ thể mình chỉ để được người khác chấp nhận. Bạn đã thấy những thanh thiếu niên dính vào ma túy chỉ vì không muốn bị những đứa khác khước từ. Chúng không ý thức rằng vấn đề chính là chúng không chấp nhận bản thân mình. Chúng khước từ chính mình vì chúng không phải là cái chúng vẫn thường tỏ ra. Chúng muốn mình là thế nào đó, nhưng lại không được như thế, và vì thế, chúng xấu hổ và mặc cảm. Con người không ngừng tự trừng phạt mình vì không là cái họ tin rằng họ nên là thế. Họ trở thành những kẻ tự sỉ nhục, và họ cũng sử dụng người khác để sỉ nhục chính mình nữa.

Nhưng không có ai lạm dụng chúng ta nhiều hơn chúng ta lạm dụng chính mình, chính vị Quan Tòa, Nạn Nhân và hệ thống niềm tin đã khiến chúng ta hành động như thế. Quả vậy, chúng ta nhìn thấy những người nói rằng vợ hoặc chồng, cha hoặc mẹ đã lạm dụng họ, nhưng bạn biết chúng ta tự lạm dụng mình còn nhiều hơn thế. Cách chúng ta xét đoán bản thân mình là phán quyết tệ hại nhất trên đời. Nếu chúng ta mắc một lỗi lầm trước mặt người khác, chúng ta tìm cách phủ nhận lỗi lầm ấy và che giấu nó đi. Nhưng ngay khi còn lại một mình, vị Quan Tòa trở nên rất mạnh mẽ, mặc cảm trở nên mạnh mẽ, và chúng ta cảm thấy mình quá ngớ ngẩn, hoặc quá tồi tệ, quá hèn hạ.

Trong suốt đời bạn, không có ai đã từng lạm dụng bạn nhiều hơn bạn tự lạm dụng chính bản thân. Giới hạn của sự tự lạm dụng của bạn chính là giới hạn mà bạn sẽ khoan dung cho người khác. Nếu có ai lạm dụng bạn nhiều hơn mức bạn tự lạm dụng một chút xíu, có lẽ bạn sẽ nghỉ chơi liền. Nhưng nếu ai lạm dụng bạn ít hơn mức độ ấy một chút, có thể bạn sẽ ở lại và giữ mối quan hệ với người ấy và chịu đựng điều ấy mãi.

Nếu bạn lạm dụng quá mức bản thân mình, bạn thậm chí còn có thể tha thứ cho những người đánh đập, hạ nhục bạn, ghê tởm bạn nữa. Tại sao vậy? Vì trong hệ thống niềm tin của mình, bạn nói: “Tôi đáng phải chịu vậy. Người này chịu ở với tôi thế này là đã làm ơn cho tôi rồi. Tôi không đáng được yêu thương và tôn trọng. Tôi tồi lắm.”

Chúng ta có nhu cầu được nhìn nhận và được người khác yêu mến, nhưng chúng ta không thể chấp nhận và mến yêu bản thân mình. Tình yêu với bản thân càng lớn, chúng ta càng bớt cảm thấy sự tự lạm dụng mình. Sự tự lạm dụng phát sinh từ sự tự khước từ, sự tự khước từ nảy sinh từ việc có một hình ảnh thế nào là hoàn thiện và không bao giờ đạt đến lý tưởng ấy. Hình ảnh về sự hoàn thiện của chúng ta là lý do chúng ta khước từ chính mình. Đó là lý do tại sao chúng ta không chấp nhận bản thân như chúng ta vốn thế và tại sao chúng ta không chấp nhận người khác như họ vốn là thế.

KHÚC DẠO ĐẦU CHO MỘT GIẤC MƠ MỚI

Có hàng ngàn thỏa ước giữa bạn với bản thân, với những người khác, với giấc mơ của bạn về cuộc đời, với Thượng đế, xã hội, với cha mẹ, với người bạn đời, với con cái bạn. Nhưng thỏa ước quan trọng nhất là những thỏa ước với chính bản thân bạn. Trong đó, bạn nói với mình bạn là ai, bạn cảm thấy gì, tin gì và hành xử như thế nào. Kết quả là cái mà bạn gọi là nhân cách của bạn. Trong những thỏa ước ấy, bạn nói: “Đây là cái tôi là. Đây là điều tôi tin. Tôi có thể làm một số điều, và một số điều tôi không thể. Đây là thực tại, đây là tưởng tượng; đây là có thể, đây là không thể.”

Một thỏa ước đơn lẻ không thành vấn đề cho lắm, nhưng chúng ta có nhiều thỏa ước làm chúng ta đau khổ, làm chúng ta thất bại trong đời. Nếu bạn muốn sống một đời vui tươi và thành đạt, bạn phải có dũng cảm để phá vỡ những thỏa ước nào dựa trên sợ hãi và nắm lấy năng lực cá nhân của bạn. Những thỏa ước xuất phát từ nỗi sợ hãi buộc chúng ta phung phí nhiều sinh lực, nhưng những thỏa ước xuất phát từ tình yêu giúp chúng ta chuyển hóa sinh lực và thậm chí hấp thu thêm sinh lực mới.

Mỗi người trong chúng ta sinh ra với một mức độ năng lực cá nhân nhất định, mà chúng ta tái tạo mỗi ngày sau khi nghỉ ngơi. Tiếc thay, chúng ta lại dành tất cả năng lực cá nhân của mình trước tiên để tạo ra thỏa ước và lo giữ được những thỏa ước ấy. Năng lực cá nhân của chúng ta bị tiêu hủy bởi tất cả những thỏa ước mình đã tạo ra, và kết quả là chúng ta cảm thấy mình bất lực. Chúng ta chỉ có đủ năng lực để sống sót qua ngày, vì hầu hết đã được sử dụng để giữ trọn những thỏa ước nhốt chúng ta trong giấc mơ của hành tinh. Làm thế nào để chúng ta có thể thay đổi toàn bộ giấc mơ của đời mình, khi chúng ta không có sức mạnh để thay đổi ngay cả một thỏa ước nhỏ bé nhất?

Nếu chúng ta có thể thấy được những thỏa ước đang điều khiển đời mình và nếu chúng ta không thích giấc mơ của đời mình thì chúng ta cần phải thay đổi các thỏa ước. Khi cuối cùng chúng ta đã sẵn sàng để thay đổi các thỏa ước, có bốn thỏa ước rất mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta phá vỡ những thỏa ước nào nảy sinh từ sợ hãi và làm hao mòn sinh lực của chúng ta.

Mỗi khi bạn phá vỡ một thỏa ước, mọi năng lực bạn đã sử dụng để tạo ra nó sẽ quay về với bạn. Nếu bạn chấp nhận bốn thỏa ước mới kia, chúng sẽ tạo ra đủ năng lực cá nhân cho bạn, để thay đổi toàn bộ hệ thống những thỏa ước cũ của bạn.

Bạn cần phải có một ý chí rất mạnh mẽ để chấp nhận được bốn thỏa ước này. Nhưng nếu bạn có thể bắt đầu sống với những thỏa ước ấy, sự biến đổi trong đời bạn sẽ ngoạn mục vô cùng. Bạn sẽ thấy tấn kịch hỏa ngục tan biến ngay trước mắt bạn. Thay vì sống trong một giấc mơ hỏa ngục, bạn sẽ tạo ra một giấc mơ mới – giấc mơ thiên đàng cho riêng bạn.

Bình luận