Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bốn Thỏa Ước

Chương 3: Thỏa Ước Thứ Hai

Tác giả: Don Miguel Ruiz

BA THỎA ƯỚC TIẾP THEO THỰC SỰ ĐƯỢC SINH RA từ thỏa ước đầu tiên. Thỏa ước thứ hai là: Không vơ mọi chuyện vào mình.

Bất cứ điều gì xảy ra quanh bạn, đừng vơ nó vào mình. Sử dụng một thí dụ trên đây, nếu tôi gặp bạn trên đường phố và tôi nói: “Ê, mày khờ quá!” mà tôi không quen bạn thì câu ấy không phải là nói về bạn đâu. Đó là nói về tôi đấy. Nếu bạn xem câu nói ấy quan trọng, khi ấy có lẽ bạn tin rằng bạn ngớ ngẩn thật. Có lẽ bạn tự nghĩ: “Sao hắn biết nhỉ? Hắn là thám tử, hay ai cũng có thể thấy mình khờ?”

Bạn vơ lấy câu ấy vào mình vì bạn đồng ý với những gì được nói ra. Ngay lúc bạn đồng ý, nọc độc truyền sang bạn và bạn bị sập bẫy vào giấc mơ hỏa ngục. Cái đã làm bạn bị mắc bẫy là cái mà chúng ta gọi là tầm quan trọng cá nhân. Tầm quan trọng cá nhân, hay việc xem mọi thứ đều quan trọng, là biểu hiện cao nhất của tính ích kỷ, vì chúng ta giả định rằng mọi thứ đều nói về “tôi”. Trong suốt thời gian giáo dục, hoặc quá trình thuần hóa chúng ta, chúng ta học xem mọi sự đều có liên quan đến mình. Chúng ta nghĩ rằng mình có trách nhiệm về mọi thứ. Tôi, tôi, tôi, luôn luôn là tôi!

Không có gì người khác làm mà lại vì bạn cả. Chỉ vì họ thôi. Mọi người sống trong giấc mơ riêng của họ, trong tâm trí họ; họ sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới ta đang sống. Khi vơ một cái gì đó vào mình, chúng ta giả định rằng họ biết trong thế giới của chúng ta có gì và chúng ta tìm cách áp đặt thế giới của chúng ta lên thế giới của họ.

Ngay cả trong một tình huống có vẻ rất cá nhân, ngay cả khi người khác trực tiếp lăng nhục bạn thì điều đó cũng không hên quan gì đến bạn. Những điều họ nói, những gì họ làm và những ý kiến họ đưa ra đều tương ứng với những thỏa ước mà họ có trong đầu. Quan điểm của họ đến từ mọi cách lập trình họ đã nhận được trong quá trình thuần hóa.

Nếu ai đó cho bạn một ý kiến và nói: “Này, mi mập quá đấy!” bạn đừng xem câu nói ấy là nói về mình, vì sự thật là người này đang liên hệ với những cảm xúc, niềm tin và ý kiến của chính họ. Người ấy tìm cách truyền nọc độc cho bạn, và nếu bạn xem nó là của mình, khi ấy bạn nhận lấy nọc độc và nó trở thành của bạn. Vơ hết mọi sự vào mình khiến bạn trở thành miếng mồi ngon cho những con kền kền, những tay phù thủy ấy. Họ có thể dễ dàng tóm lấy bạn bằng một ý kiến cỏn con, nuôi bạn bằng mọi thứ nọc độc mà họ muốn, và vì bạn nhận nó về mình nên bạn nuốt vào.

Bạn xơi vào tất cả cảm xúc rác rưởi của họ, và bây giờ nó trở thành rác rưởi của bạn. Nhưng nếu bạn không vơ nó vào mình, bạn sẽ được miễn nhiễm ngay giữa lòng hỏa ngục. Miễn nhiễm với nọc độc ngay giữa hỏa ngục là quà tặng của thỏa ước này.

Khi bạn xem mọi thứ đều hên quan đến mình, rồi bạn cảm thấy bị xúc phạm thì phản ứng của bạn là bảo vệ niềm tin của mình và gây xung đột. Bạn khiến mọi chuyện từ bé xíu thành ra lớn lao, vì bạn có nhu cầu đúng và chứng tỏ mọi người khác sai. Bạn cũng tìm cách tỏ ra đúng bằng cách cho họ ý kiến của riêng bạn. Tương tự, bất cứ điều gì bạn cảm thấy và làm chỉ là sự phóng chiếu giấc mơ của chính bạn, một ảnh phản chiếu những thỏa ước của bạn. Điều bạn nói, điều bạn làm, và mọi ý kiến bạn có đều tùy thuộc vào những thỏa ước bạn đã đặt ra – và những ý kiến này không liên quan gì đến tôi cả.

Bạn nghĩ gì về tôi, điều đó không quan trọng đối với tôi, và tôi không vơ lấy điều bạn nghĩ về mình. Tôi không vơ vào mình khi người ta nói: “Miguel này, cậu là người tốt nhất trên đời.” và tôi cũng không vơ vào mình nếu họ nói: “Miguel, mi là thằng tồi.” Tôi biết rằng khi bạn hạnh phúc, bạn sẽ bảo tôi: “Miguel, cậu thật giống một thiên thần!” Nhưng khi bạn đang tức giận tôi, bạn sẽ nói: “Miguel, mi đúng là thằng quỷ sứ! Đồ kinh tởm. Sao mi phun ra được những lời như thế?” Đằng nào nó cũng không ảnh hưởng đến tôi, vì tôi biết tôi là gì. Tôi không có nhu cầu được nhìn nhận. Tôi không có nhu cầu phải có ai bảo tôi: “Miguel, bạn làm việc thật tốt!” hoặc “Sao mi dám làm điều đó!” Không, tôi không nhận nó về mình. Bất kể bạn nghĩ gì, bất kể bạn cảm thấy gì, tôi biết đó là vấn đề của bạn chứ không phải của tôi. Đó là cách bạn nhìn thế giới. Nó chẳng phải là cái gì mang tính cá nhân cả, vì bạn đang hành động với chính bạn chứ không phải với tôi. Những người khác sẽ có ý kiến của riêng họ tùy theo hệ thống niềm tin của họ, vì thế chẳng điều gì họ nghĩ về tôi là sự thực về tôi cả, mà là sự thực về họ.

Thậm chí bạn có thể nói với tôi: “Này Miguel, câu nói của cậu làm tôi bị tổn thương.” Nhưng không phải điều tôi đang nói làm tổn thương bạn đâu; chính là bạn đã có những vết thương mà tôi chạm vào khi tôi nói những điều đó. Bạn đang tự làm tổn thương mình đấy. Chẳng có cách nào để tôi xem đây là việc của tôi hết. Không phải vì tôi không tin bạn hoặc tôi không tín nhiệm bạn, nhưng vì tôi biết rằng bạn nhìn thế giới bằng cặp mắt khác, cặp mắt của bạn. Bạn tạo ra một bức tranh toàn vẹn hoặc một cuốn phim trong tâm trí bạn, trong đó bạn là đạo diễn, bạn là nhà sản xuất, bạn là diễn viên chính. Mọi người khác đều là diễn viên phụ. Đó là cuốn phim của bạn.

Cách bạn xem cuốn phim ấy tùy theo những thỏa ước bạn đã đặt ra với cuộc đời. Quan điểm của bạn là chuyện riêng của bạn. Nó không phải là chân lý của ai cả, nó là của bạn. Khi ấy, nếu bạn tức giận tôi, tôi biết bạn đang tức giận với chính bạn. Tôi là lời bào chữa cho việc bạn tức giận. Bạn tức giận vì bạn sợ hãi, vì bạn thông đồng với nỗi sợ hãi. Nếu bạn không sợ, chẳng có lý do nào bạn tức giận tôi cả. Nếu bạn không sợ, không có lý gì để bạn ghét tôi cả. Nếu bạn không sợ, không có cách nào để bạn ganh tị hay buồn bã cả.

Nếu bạn sống mà không sợ hãi, nếu bạn yêu thương thì sẽ không còn chỗ nào cho những cảm xúc ấy nữa. Nếu bạn không cảm thấy những cảm xúc ấy, lẽ dĩ nhiên là bạn sẽ cảm thấy thoải mái. Khi bạn cảm thấy thoải mái, mọi sự quanh bạn đều tốt đẹp. Khi mọi chuyện quanh bạn đều tuyệt, mọi thứ sẽ làm bạn hạnh phúc. Bạn đang yêu mến mọi sự chung quanh bạn, vì bạn đang yêu thương chính mình. Vì bạn thích cách hiện hữu của bạn. Vì bạn hài lòng với chính bạn. Vì bạn hạnh phúc với cuộc sống của bạn. Bạn hạnh phúc với cuốn phim bạn đang sản xuất, hạnh phúc với những thỏa ước của đời bạn. Bạn bình an, và bạn hạnh phúc. Bạn sống trong tình trạng hoan lạc ấy, nơi mà mọi sự đều tuyệt vòi, và mọi sự đều quả tốt đẹp. Trong trạng thái ngất ngây ấy, bạn luôn yêu tất cả những gì bạn nhận thức được.

***

Bất kể người khác làm gì, cảm thấy gì, nghĩ gì và nói gì, đừng vơ nó vào mình. Nếu họ bảo bạn rằng bạn là người rất tuyệt vời, họ không nói điều ấy vì bạn đâu. Bạn biết bạn tuyệt vời. Không cần phải tin những người khác nói với bạn rằng bạn tuyệt vòi. Đừng vơ lấy bất cứ điều gì vào mình. Ngay cả nếu có ai cầm súng và bắn vào đầu bạn, chuyện ấy cũng không can hệ tới mình đâu. Đến độ như vậy cũng không.

Thậm chí cả những ý kiến của bạn về chính bạn cũng không nhất thiết là đúng. Vì thế, bạn không cần phải vơ lấy bất cứ điều gì bạn nghe được vào tâm trí bạn. Tâm trí có khả năng tự nói với mình, nhưng nó cũng có khả năng nghe được thông tin sẵn có từ những khu vực khác. Đôi khi bạn nghe được một tiếng nói trong đầu, và bạn có thể tự hỏi nó đến từ đâu. Tiếng nói ấy có thể đến từ một thực tại khác, nơi có những sinh thể rất tương đồng với tâm trí con người. Người Toltec gọi những sinh thể ấy là Allies. Ở châu Âu, châu Phi và Ấn Độ, người ta gọi là Thần linh.

Tâm trí chúng ta cũng hiện diện ở bậc Thần linh. Tâm trí chúng ta cũng sống trong thực tại ấy và có thể nhận thức thực tại ấy. Tâm trí nhìn bằng mắt và nhận thức cái thực tại đang thức tỉnh này. Nhưng tâm trí cũng nhìn và nhận thức mà không cần mắt, mặc dù lý trí khó ý thức được về cách nhận thức này. Tâm trí sống trong nhiều chiều kích. Có thể có những lần bạn có được những ý niệm không xuất phát từ tâm trí bạn, nhưng bạn đang nhận thức chúng với đầu óc của bạn. Bạn có quyền tin hay không tin vào những tiếng nói ấy và có quyền không nhận những gì chúng nói vào bản thân mình. Chúng ta có quyền chọn lựa tin hay không vào những tiếng nói nghe được trong tâm trí mình, cũng như chúng ta được quyền chọn những gì để tin và đồng ý trong giấc mơ của hành tinh.

Tâm trí cũng có thể nói và tự lắng nghe. Tâm trí bị chia sẻ, cũng như cơ thể bạn bị chia sẻ. Cũng như bạn có thể nói: “Tôi có một bàn tay, tôi có thể bắt bàn tay kia của tôi và cảm thấy bàn tay kia” thì tâm trí cũng có thể nói với chính nó. Một phần của tâm trí nói, và phần khác lắng nghe. Thật là một vấn đề lớn khi cả ngàn phần trong tâm trí bạn đồng thời cất tiếng. Tình trạng này được gọi là mitote, bạn còn nhớ chứ?

Có thể so sánh mitote với một cái chợ khổng lồ, ở đó hàng ngàn người nói và đổi chác hàng hóa cùng lúc. Mỗi người có những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau; mỗi người có một quan điểm khác nhau. Chương trình trong tâm trí – là tất cả những thỏa ước chúng ta đã đặt ra – không nhất thiết phải tương thích với nhau. Mỗi thỏa ước giống như một sinh thể riêng rẽ. Nó cũng có nhân cách và tiếng nói riêng. Có những thỏa ước xung khắc, đi ngược lại những thỏa ước khác, và cứ thế tiếp tục cho đến khi hình thành một cuộc đại chiến trong tâm trí. Mitote là nguyên nhân khiến người ta khó mà biết được họ muốn gì, muốn thế nào, hoặc khi nào muốn nó. Họ không đồng ý với chính mình vì trong tâm trí họ có những phần ước muốn điều này, và những phần khác muốn điều ngược lại.

Một phần nào đó của tâm trí phản đối một số tư tưởng và hành động, một phần khác ủng hộ hành động của những tư tưởng đối nghịch. Tất cả những sinh thể nhỏ bé này tạo nên một mâu thuẫn nội tâm vì chúng sống động và có tiếng nói riêng mình. Chỉ cần kiểm soát lại những thỏa ước của mình, chúng ta sẽ khám phá ra mọi điều mâu thuẫn trong tâm trí, và cuối cùng lập được trật tự từ cái hỗn độn của mitote.

***

Không vơ mọi chuyện vào mình. Vì khi bạn vơ mọi chuyện vào mình, bạn tự làm bạn đau khổ không vì lẽ gì cả. Loài người mê đắm đau khổ ở những cấp độ mức độ khác nhau, và chúng ta cổ vũ nhau dung dưỡng những mê đắm ấy. Loài người đồng thuận giúp nhau đau khổ. Nếu bạn có nhu cầu bị lạm dụng, bạn sẽ thấy rất dễ bị người khác lạm dụng. Tương tự, nếu bạn ở với những người cần phải đau khổ, có một điều gì đó trong bạn khiến bạn lạm dụng họ. Giống như họ đã gắn một mẩu giấy nhỏ trên lưng họ: “Đá tôi đi!” Họ đang nài xin sự biện minh cho việc chịu đau khổ của họ. Sự mê đắm đau khổ của họ chẳng khác gì một thỏa ước được củng cố thêm mỗi ngày.

Dù đi đâu, bạn cũng sẽ tìm thấy những người đang nói dối bạn, và khi ý thức bạn lớn lên, bạn sẽ nhận ra rằng bạn cũng dối lừa chính bạn nữa. Đừng chờ đợi người khác nói sự thật với bạn, vì họ cũng dối lừa chính họ mà. Bạn phải tin tưởng chính mình và chọn tin hay không tin vào điều ai đó nói với bạn.

Khi chúng ta thực sự nhìn thấy những người khác như họ vốn vậy, mà không vơ nhận về mình, thì chúng ta không bao giờ bị tổn thương bởi điều người ta nói hoặc làm nữa. Ngay cả nếu như người khác nói dối bạn, chuyện đó cũng tốt. Họ nói dối bạn vì họ sợ. Họ sợ bạn sẽ khám phá ra rằng họ không hoàn thiện. Thật là đau đớn nếu phái gỡ cái mặt nạ xã hội ấy xuống. Nếu người khác nói một đàng làm một nẻo thì bạn đang tự dối mình nếu không chịu lắng nghe những hành động của họ. Nhưng nếu bạn trung tín với bản thân, bạn sẽ giữ mình tránh được nhiều nỗi đau thương. Nói với bản thân bạn sự thật về điều ấy có thể gây tổn thương, nhưng bạn không cần phải ôm lấy mối đau đó. Việc chữa lành đang diễn ra, và đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn cho bạn.

Nếu ai đó không cư xử với bạn bằng sự yêu mến và tôn trọng; nếu họ bỏ bạn mà đi thì đó là một ân huệ. Nếu người ấy không bỏ đi, bạn chắc hẳn sẽ phải chịu đựng nhiều năm đau khổ với người ấy. Việc bỏ đi đó có thể khiến bạn đau đớn một thời gian, nhưng con tim bạn cuối cùng sẽ lành lặn. Khi ấy bạn có thể chọn điều bạn thực sự muốn. Bạn sẽ thấy rằng bạn không cần phải tin vào người khác nhiều như bạn cần tin tưởng chính mình, để bạn có thể thực hiện các chọn lựa đúng đắn.

Khi đã tạo được một thói quen vững chắc để không vơ cái gì vào mình nữa, bạn sẽ tránh được nhiều xáo trộn trong đôi bạn. Những giận dữ, hờn oán, ghen tị trong bạn sẽ biến mất, và thậm chí nỗi buồn trong bạn cũng biến mất nếu bạn không vơ mọi sự vào mình.

Nếu bạn có thể biến thỏa ước thứ hai này thành một thói quen, bạn sẽ thấy rằng không còn gì có thể đưa bạn trở lại hỏa ngục được nữa. Một cảm giác tự do tràn ngập sẽ đến với bạn khi bạn không còn vơ nhận mọi thứ vào mình. Bạn trở nên miễn nhiễm với các tà pháp và không còn câu thần chú nào có thể ảnh hưởng đến bạn, bất kể nó mạnh đến đâu. Cả thế giới này có thể đồn đại về bạn, và nếu bạn không coi trọng nó, bạn miễn nhiễm. Ai đó có thể chủ ý phát tán nọc độc cảm xúc, và nếu bạn không coi nó là gì cả, bạn sẽ không nuốt vào. Khi bạn không nuốt nọc độc cảm xúc vào mình, nó trở nên độc hại hơn nhiều ở nơi người gửi. Nhưng với bạn thì không.

Bạn có thể thấy tầm quan trọng của thỏa ước này là thế nào. Không vơ lấy cái gì vào mình giúp bạn phá vỡ nhiều thói quen và tập quán đang giam hãm bạn trong giấc mơ hỏa ngục và gây ra những đau khổ không cần thiết, chỉ qua việc thực hành thỏa ước thứ hai này, bạn bắt đầu bẻ gãy hàng chục thỏa ước nhỏ nhen đã khiến bạn đau khổ. Và nếu bạn thực hành hai thỏa ước đầu tiên, bạn sẽ phá vỡ bảy mươi lăm phần trăm các thỏa ước nhỏ đã giam hãm bạn trong hỏa ngục.

Hãy viết thỏa ước này trên giấy, rồi dán nó lên cửa tủ lạnh để nhắc nhở bạn trong mọi lúc: Không vơ mọi chuyện vào mình.

Khi bạn đã tạo được thói quen không vơ mọi chuyện vào mình, bạn sẽ không cần đặt lòng tin của bạn vào những gì người khác nói hay làm. Bạn sẽ chỉ cần tin vào chính bạn khi thực hiện những chọn lựa. Bạn không bao giờ chịu trách nhiệm về những hành động của người khác. Bạn chỉ chịu trách nhiệm về mình. Khi bạn thực sự hiểu được điều này và từ chối vơ mọi chuyện vào mình thì bạn khó có thể bị tổn thương bới những nhận xét bâng quơ hay những hành động bất cẩn của người khác.

Nếu bạn giữ được thỏa ước này, bạn có thể đi khắp thế giới với trái tim hoàn toàn rộng mở, và không ai có thể làm tổn thương bạn. Bạn có thể nói: “Tôi yêu bạn” mà không sợ bị chế giễu hoặc khước từ. Bạn có thể hỏi xin điều mình cần. Bạn có thể gật mà cũng có thể lắc – tùy bạn chọn – mà không chút mặc cảm hay tự xét đoán mình. Bạn luôn có thể chọn đi theo trái tim của bạn. Khi ấy, bạn có thể đứng giữa hỏa ngục mà vẫn trải nghiệm bình an và hạnh phúc ở trong lòng. Bạn có thể sống trong niềm hoan lạc của mình, và hỏa ngục sẽ không còn tác động được đến bạn nữa.

Bình luận