Ephesus! Thành phố của sự đối ngẫu – Là nơi có cả đền thờ nữ thần Artemis lẫn tòa thánh thờ Đức mẹ Maria. Nơi đây là hiện thân của cái tôi bản ngã lẫn chiều sâu tâm hồn. Đây cũng là hình ảnh thu nhỏ của những thứ cao khiết hư ảo lẫn những điều trần tục thấp hèn, là nơi kết hợp cả chế độ nô dịch lẫn sự tự do, phóng khoáng. Ephesus – Là sự hòa quyện của những điều đối lập. Bản thân thành phố ấy cũng có tâm h0ồn như mỗi con người chúng ta.
Một buổi chiều muộn tháng Mười, có hai người ngồi bên cạnh con suối Meles gần thành phố cổ Ephesus. Mặt trời đang khuất dạng dần sau ngọn núi Buldul, nhuộm hồng cả một góc trời. Với những ai am hiểu ngôn ngữ của bầu trời thì chắc hẳn sẽ sớm hân hoan đón chào cơn mưa.
“Thánh Paul đang giảng đạo cho mọi người về Mẹ Maria đấy”, cô gái trẻ nói. “Anh có nghe thấy đám đông phẫn nộ đang gào thét, phản đối và nguyền rủa ông ấy không? Hàng nghìn người nổi loạn chống lại tôn giáo mới – thứ tôn giáo ngăn cấm họ thờ nữ thần của mình. Hãy nghe tiếng những bước chân đang giậm trên nền đất và tiếng họ la hét kìa, ‘Chúng tôi không muốn Maria! Chúng tôi tôn thờ nữ thần Artamis!’
“Artemis ư?” Chàng trai trẻ hỏi lại. “Mội nữ thần sao? Nữ thần Diana của La Mã?”
“Đừng quan tâm đến bà ấy làm gì”, cô gái trẻ đáp lời, “Bà ấy chẳng là gì ngoài một ảo tưởng đã được hình hài hóa và được người ta tôn thờ.”
“Em có vẻ biết nhiều về bà ấy nhỉ?”
“Em hiểu rõ bà ấy như chính bản thân mình ấy chứ.”
“Được rồi, vậy sao em không kể cho anh nghe về bà ấy nhỉ?”
“Bà ấy là nữ thần săn bắn,” cô gái bắt đầu kể. “Đó là một nữ thợ săn thực thụ – người dùng cung tên của mình để đem đến cho kẻ thù một cái chết đột ngột và ngọt ngào. Đó là một tâm hồn tự do bị cầ tmù, một người phụ thuộc nhưng rất đỗi kiêu hãnh. Nhờ có cây oliu mà mẹ bà – bà Leto đã sinh ra bà cùng với…”
Sau khi đã hít một hơi sâu, cô gái nói thêm “người em song sinh của bà…”
***
Hai là một…
Chỉ có một. Phải rồi, phải thế chứ! Tất nhiên là chỉ có một cái chai mà thôi.
Không, Nhưng mà không, đó không phải sự thật… Mình thấy hai cái chai cơ mà.
Nhưng có thể, có thể mình đã nhìn một hóa hai, có thể chỉ có duy nhất một cái chai mà thôi…
Không, mình không thể say đến mức đó được. Mình không thể thấy nhìn một hóa hai được. Chắc chắn là có hai cái chai mà
Ừm, được rồi. Hai cái chai. Nhưng tại sao lại là hai nhỉ? Tại sao?
Ôi trời! Trông chúng giống hệt nhau. Kích cỡ, hình dạng, màu sắc, tất cả đều y hệt nhau. Thậm chí cả cái ngày sản xuất chết tiệt kia cũng giống nhau nữa mà! À đúng rồi… Chúng là hai cái chai sinh đôi.
Nhưng sao lại thế được nhỉ? Sao một cái chai đột nhiên lại biến thành hai cái?
Sao chuyện này có thể xảy ra được chứ?
Tại sao?
Thật không công bằng…
Tại một trong những ngôi nhà xinh đẹp và đồ sộ nhất của Rio de Janeiro, nằm trên một ngọn đồi trông ra vịnh, có một cảnh tượng đêm nào cũng diễn ra suốt tháng vừa qua. Giờ cảnh đó lại đang lặp lại. Vùi mình trong tấm đệm của chiếc sofa màu đen trong một góc hẹp nhất của căn phòng khách rộng lớn, Diana đang nằm đó, bên những chai rượu, cố gắng hiểu xem tại sao cuộc dời cô bỗng nhiên lại đảo lộn như thế này.
Đêm nay, cũng như các đêm khác, những thứ mà cô đã cố chịu đựng trong suốt cả ngày giờ trĩu nặng trong lòng cô như hàng tấn gạch đá đè lên người. Thân thể cô tê dại cũng như mọi tối khác; mái tóc hạt dẻ rối bù còn đôi mắt xanh thì đỏ ngầu. Đôi mắt đỏ ấy hết nhìn cái chai trên bàn uống trà lại quay nhìn tấm ảnh của mẹ cô đang được đặt trên bệ lò sưởi.
Chỉ có một điểm khác biệt rõ ràng với những tối khác, đó là ngọn lửa mà cô đã nhóm lên để đốt hai lá thư. Ánh lửa bập bùng lâp loáng trên mặt Diana vào cái đêm tháng Năm ấm áp như đang thổi bùng ngọn lửa trong lòng cô.
Cô uống nốt ngụm rượu cuối cùng từ cái ly đang cầm trong tay rồi làm nó rơi xuống sàn nhà. Trong lúc chờ đợi lấy lại sức để với tay lấy chai rượu thứ hai, cô quay qua nhìn cái chai vừa uống hết.
“Mày biết không”, cô nói với cái chai, “mày cũng giống như tao vậy; ngay cả khi mày đã cạn thì mày vẫn đứng đó mà không thấy hổ thẹn gì cả”. Cô nhếch mép cười. “Sau tất cả, rốt cuộc chúng ta vẫn là những nữ thần, đúng không? Cái gì có thể làm chúng ta gục ngã được chứ?”
Rồi cô quay sang cái chai thứ hai. “Còn mày, đồ chó cái!” cô nói. “ Mẹ nói rằng ta và mày là chị em sinh đôi. Nhưng với ta mày chẳng là cái quái quỷ gì, không gì hết ngoài một ảo tưởng.”
Diana nâng người lên khỏi tấm đệm ghế sofa, ngả người về phía bàn trà, nhưng thay vì với lấy cái chai, cô lại cầm là thư của mẹ để cạnh đó lên. Lá thư đó, chỉ trong vài phút thôi đã làm một cái chai trở thành hai.
Mẹ cô đã trao cho cô lá thư hồi tháng trước, vào ngày bà mất. Bà bảo Diana chỉ được phép đọc nó sau khi bà ra đi. Bà đã nói với cô: “Đây là ước nguyện cuối cùng của mẹ, con yêu. Mẹ muốn con hứa với mẹ rằng con sẽ thực hiện nó.”
Diana đã hỏi bà rằng bà muốn cô làm gì, nhưng mẹ cô không trả lời. Thay vì thế, đôi mắt xanh da trời của bà cứ nhìn Diana trân trân, kiên nhẫn chờ đợi lời hứa của con gái. Đôi mắt ấy như không bao giờ chịu nhượng bộ, nên cuối cùng, không thể chịu đựng thêm ánh nhìn chằm chằm của mẹ, Diana đã nhận lời hứa với bà.
Vừa nghe thấy lời hứa của Diana, mắt mẹ cô ánh lên vẻ rạng rỡ xưa, gương mặt xanh xao trở nên sống động trong một thoáng. Bà đặt tay Diana trong tay mình rồi bảo: “Mẹ biết mẹ có thể trông cậy vào con, con yêu ạ. Con hãy chăm sóc con bé, chăm sóc tốt cho nó. Nó rất khác thường.”
Cúi người lại gần mẹ, Diana hỏi. “Con bé? Con bé là ai? Mẹ đang nói về ai thế?” Nhưng câu hỏi của cô vẫn không có câu trả lời cho tới tận ngày hôm sau, sau khi an táng mẹ xong.
Lúc Diana mở lá thư ra và đọc, cô thấy đất trời như đổ sụp dưới chân cô. Đầu gối cô từ từ khuỵu xuống, cô đọc lá thư hết lần này đến lần khác, cảm thấy mọi sức lực trong cơ thể mình như dần cạn kiệt.
Kể từ hôm đó, mọi thứ đã ít nhiều thay đổi.
Trước khi cho lá thư của mẹ vào ngọn lửa, Diana đọc lại một lần nữa:
Ngày 1 tháng Tư
Diana – con yêu của mẹ,
Mẹ hy vọng con vẫn mạnh khoẻ, con yêu. Con nhớ phải giữ gìn sức khoẻ con nhé. Con không được nghĩ là con đã mất mẹ đâu. Mẹ biết điều đó không dễ chút nào. Nhưng mẹ xin con, hãy cố gắng làm thế…
Xin con đừng quên thường xuyên cho mẹ biết xem con thế nào. Hãy viết cho mẹ vài từ trong nhật ký của con. Hãy nói chuyện với ảnh của mẹ, hãy viết những câu chuyện cho mẹ…
Ngay khi con biết chính xác ngày tốt nghiệp của mình, hãy báo cho mẹ biết nhé. Con cũng đừng quên đi dạo mỗi tối đấy. Con sẽ đi học đều đúng không con? Đã có tin tức gì về công việc chưa con? Và, điều quan trọng nhất mẹ muốn biết là, con hãy cho mẹ biết ngay khi con lại bắt đầu viết những câu chuyện tốt đẹp mà con vẫn từng viết. Biết đâu một ngày gần đây con sẽ báo cho mẹ một tin tốt lành là cuối cùng con cũng đã quyết định trở thành một nhà văn phải không con yêu? Điều gì thực sự đang ngăn cản con theo đuổi giấc mơ lớn nhất của con chứ? Nhưng thôi, dù sao thì đó cũng là lựa chọn của con. Tất cả những gì mẹ muốn là con được hạnh phúc.
Mẹ nói “hạnh phúc”, Diana ạ. Nhưng điều mẹ nói cho con trong bức thư này có thể sẽ khiến con có đôi chút thất vọng. Xin con hãy hiểu, đây không phải ý định của mẹ. Nhưng mẹ sợ là mẹ không còn lựa chọn nào khác. Thứ lỗi cho mẹ…
Mẹ thực sự mong muốn mẹ có thể ngồi đối diện với con để nói về chuyện này. Mẹ cũng đã định nói với con. Nhưng con thấy đấy, đến viết thư mà mẹ còn run tay thế này thì chắc mẹ không đủ sức lực đối diện để nói với con điều này nữa, cũng không thể kể cho con nghe tất cả mọi chuyện được. Hy vọng duy nhất của mẹ bây giờ là Chúa sẽ giúp mẹ có đủ sức viết nốt lá thư này.
Mẹ không rõ phải bắt đầu từ đâu nữa…
Và ngay cả khi biết rõ thì mẹ cũng không thể. Vì để làm thế mẹ phải quay lại hai mươi tư năm về trước, vào cái ngày khi con mới được một tuổi – ngày cuối cùng con nhìn thấy cha con.
Diana yêu thương của mẹ… Sự thực là cha con chưa bao giờ chết. Ông ấy đã bỏ mẹ con mình. Ông ấy bỏ đi, mang theo người em song sinh của con – Maria…
Để con không cảm thấy đau đớn giống mẹ và không phải lớn lên trong cảm giác của một đứa trẻ bị cha bỏ rơi, trong suốt ngần ấy năm mẹ đã khiến con tin rằng cha con đã chết. Mẹ thậm chí còn làm cả bia mộ ông ấy hồi chúng ta sống ở Sao Paulo, để con đến viếng thăm hàng tháng với ý nghĩ đó là bia mộ cha mình. Nhưng dù thế nào thì ông ấy cũng giống như đã chết với cả hai mẹ con ta.
Khi chúng ta chuyển đến Rio de Janeiro, có vẻ như chúng ta đã bỏ lại tất cả quá khứ sau lưng mình. Mẹ đã không kể cho bất cứ ai ở đây nghe về cha con, cũng chưa từng nhắc tới Maria. Mẹ biết rằng một khi cha con đã chia cắt chúng ta và Maria thì ông ấy cũng sẽ không bao giờ để chúng ta gặp lại con bé. Ông ấy chắc cũng đã kể cho con bé câu chuyện tương tự chuyện mẹ kể cho con.
Chắc con đang băn khoăn tại sao giờ mẹ lại nói những chuyện này với con. Hãy để mẹ giải thích…
Khoảng một tháng rưỡi trước, cha con đã nghe thông tin về bệnh tình của mẹ qua một người bạn chung của cha mẹ, và chắc ông ấy muốn xoá đi mặc cảm tội lỗi của mình nên đã cho Maria địa chỉ của mẹ. Nhưng mẹ biết ông ấy không nói cho con bé biết về con hay về bệnh tình của mẹ.
Từ hôm đó, cứ tuần một lần mẹ lại nhận được thư của Maria. Tất cả là bốn lá. Nhưng những lá thư đó không bao giờ có địa chỉ người viết. Con bé viết rằng nó đang mong được đến gặp mẹ. Thế mà, một tuần trước mẹ nhận được lời nhắn này của nó:
“Mẹ ơi, con không thể chịu đựng việc thiếu mẹ thêm nữa. Nếu con không thể về lại được bên mẹ thì sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả. Mẹ ơi… Con muốn tự tử… Con Maria, ngày 23 tháng Ba.”
Theo như những gì thể hiện trong các lá thư con bé viết, mẹ có thể nói với con rằng nó là một đứa tràn đầy sức sống, đến nỗi mẹ không thể tin được là nó có thể viết những dòng như thế. Hơn nữa mẹ cũng không hiểu tại sao nó đã có địa chỉ của mẹ mà lại không đến tìm mẹ.
Có vẻ như lời nhắn đó vẫn chưa đủ nên hôm qua cha con đã gọi điện. Đó là lần đầu tiên ông ấy gọi cho mẹ trong suốt hai tư năm. Ngay khi nghe thấy giọng ông ấy, mẹ biết ngay ông ấy gọi để nói về chuyện Maria. Chính xác những từ của ông ấy là thế này: “Bà có biết Maria ở đâu không?” Ông ấy tiếp tục nói chuyện về việc hai tuần trước, Maria đã mất tích, để lại một lá thư từ biệt mà con thấy mẹ để cùng trong thư này; Cha con đã fax nó sang cho mẹ sau cuộc điện thoại. Ông ấy nói rằng họ đã tìm kiếm khắp nơi, hỏi hết bạn bè của con bé nhưng không tìm ra manh mối nào về nơi nó có thể tới.
Diana ơi, chỉ còn chút thời gian ngắn ngủi nữa thôi là mẹ sẽ xa con mãi mãi. Hiện tại mẹ không thể làm được gì cả. Mẹ rất sợ… Con là hy vọng duy nhất của mẹ. Thế nên mẹ không còn cách nào khác ngoài xin con hãy tìm em của con và hãy chăm sóc nó.
Mẹ xin lỗi vì con đang đau khổ mà mẹ lại còn làm con đau đớn hơn, làm con thêm gánh nặng trách nhiệm nữa. Nhưng mẹ còn thấy có lỗi hơn nữa vì đã để đứa con gái khác của mình phải chờ đợi cả đời với hy vọng được gặp lại mẹ.
Mẹ biết con yêu mẹ nhiều. Mẹ cũng tin rằng con sẽ làm tất cả để có thể hoàn thành tâm nguyện cuối cùng này của mẹ. Nhưng mẹ biết là tìm Maria không dễ chút nào. Hoàn toàn không có bất cứ manh mối nào về nơi ở của con bé. Hy vọng duy nhất của chúng ta là trong những lá thư con bé viết đã hé lộ ít nhiều cho mẹ về một thế giới khác thường mà nó đã tự tạo ra cho mình. Thế giới của nó là một thế giới bí mật, sâu kín mà người ta chỉ có thể thấy trong những câu chuyện cổ tích; nhưng đồng thời nó lại cũng rất thật. Mẹ chắc rằng con bé chưa từng chia sẻ điều đó với ai, thậm chí là cha nó hay bạn thân nhất của nó; đó là lý do tại sao mẹ nghĩ chúng ta có cơ hội để tìm ra nó hơn bất cứ người nào khác.
Điều mà mẹ muốn là con hãy bước vào thế giới của Maria và lần theo những dấu chân em con để lại. Ai có thể làm điều này tốt hơn chị em song sinh của nó được chứ?
Tất cả các thông tin mà chúng ta có đó là ba cái tên Maria viết trong thư, “Zeynep”, “Socrate” và tên của một lâu đài. Chỉ với những cái tên này thôi có thể sẽ không đủ để tìm ra em con. Nhưng thật không may đó lại là tất cả những gì chúng ta có.
Những lá thư của Maria mẹ cất trong cái tủ cổ. Con sẽ thấy chìa khoá trong hộp đồ nữ trang của mẹ.
Diana, mẹ hy vọng con và Maria sẽ sớm được đoàn tụ, các con được ở bên nhau giống như con đã từng ở bên mẹ.
Khi điều đó đến, hãy viết cho mẹ biết nhé…
Diana, con yêu của mẹ. Đây không phải là lúc để nói lời chào tạm biệt. Chúng ta cũng không bao giờ cần dùng đến nó cả. Mẹ sẽ luôn ở bên con, con yêu. Con đừng quên nhé! Mẹ yêu con rất nhiều.
Mẹ của con.