Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bông Hồng Mất Tích

Chương 30

Tác giả: Serdar Ozkan

Thay vì cúi đầu xuống thì Diana lại cứ ngẩng đầu lên, va cả vào lanh tô cửa ra vào. Nhưng ít ra phía bên kia cánh cổng cũng có một khu vườn thực sự.

Một làn sương mỏng màu hồng ngọc trai quyện lẫn trong ánh sáng sớm mai, bao phủ lên mọi vật, gợi vẻ huyền bí nơi khu vườn, nhưng những sắc màu cầu vồng của nó vẫn không thể che được. Một lối nhỏ lát gạch hình lục giác làm thành con đường giữa những luống hồng. Cơn gió nhẹ khiến những cành hồng hơi nghiêng nghiêng theo cánh chim sơn ca đang chao liệng trên không trung. Trong thinh không chỉ nghe tiếng chim hót và tiếng róc rách của nước trong bể lát đá cẩm thạch.

Diana ngồi im một lát, mắt nhắm mắt mở hít hà mùi hương trong không khí. Mỗi lần hít thở cô lại có cảm giác mình tới gần hơn một nơi thần tiên nào đó. Nhưng cô quay lại về thực tại khi bà Zeynep Hanim tháo giầy và bắt đầu cọ đôi chân trần trên đất.

“Lại đây nào cháu gái” Zeynep Hanim bảo. “Cháu cũng làm thế đi.”

Cũng vẫn điệu bộ như lúc đi tới đài phun nước, Diana tháo giầy và làm như bà bảo.

“Cháu biết là hỏi điều này cũng không khác câu trên là mấy, nhưng cháu vẫn muốn biết sao mình phải làm cho cả hai bàn chân bị bẩn như thế.”

“Những bông hồng luôn cẩn trọng để không bị vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng không làm chúng quên mất người tặng quà.”

“Tất nhiên rồi! Sao cháu lại không nghĩ được điều đó chứ?”

“Hoa hồng không bao giờ, ngay cả chỉ một phút, quên rằng sự tồn tại cũng như vẻ đẹp của mình là món quà từ đất. Chúng đều nhận thức rất rõ rằng khi thời điểm tới, chúng sẽ bị héo tàn đi và rũ xuống đất như những hạt giống và đất chỉ chấp nhận những hạt giống hoa hồng nào không quên mình từ đâu mà có. Bằng việc đặt đôi chân trần lên đất, chúng ta sẽ chỉ cho hoa hồng thấy rằng chúng ta cũng không quên đất. Hoa hồng đánh giá cao điều này.”

Zeynep Hanim xỏ lại dép.

“Mọi thứ chúng ta nói từ trước tới giờ đều là để chuẩn bị cho hành trình nghe hoa hồng. Cho tới tận bây giờ, tất cả mọi điều đều là về chúng ta, những người đi tìm. Nhưng trong vườn người kiếm tìm sẽ không còn tồn tại nữa mà phải hoàn toàn hòa nhập cùng với hoa hồng. Chúng ta phải cho chúng tất cả những gì chúng ta có: trí tuệ ta, trái tim ta, tâm hồn ta, tất cả mọi thứ. Vậy Diana, nếu cháu đã sẵn sàng thì chúng ta có thể bắt đầu.”

Diana gật đầu.

“Rất tốt… Cháu biết gì về những cây hoa hồng?” Zeynep Hanim hỏi.

“Không gì cả. Theo cách bà nhìn nhận chúng thì cháu hoàn toàn không biết gì.”

“Tuyệt. Đó luôn là khởi đầu tốt nhất. Thế thì bây giờ ta có thể nói cho cháu nghe quy tắc vàng trong việc nghe hoa hồng.”

“Quy tắc vàng ư?”

“Quy tắc vàng là: Hãy biết bông hồng của bạn.”

Zeynep Hanim nhẹ nhàng vuốt những cánh hoa hồng cam bên trái mình trước khi tiếp tục.

“Người ta chỉ có thể biết về hoa hồng từ chính hoa hồng. Đó là cách duy nhất để biết nó một cách thực sự.”

Họ bắt đầu đi về phía giữa khu vườn. Sau một lát đi bộ, Zeynep Hanim đột ngột dừng lại rồi cúi xuống một bông hồng vàng ngay trước mặt.

“Có chuyện gì thế Hoa Hồng Vàng? Ta chưa nhìn thấy cháu khóc bao giờ. Sao cháu lại khóc trong khu vườn hạnh phúc này?”

Diana quan sát Zeynep Hanim kỹ hơn. Bông hồng chẳng hề phát ra tiếng động nào, nhưng bà ấy lại có vẻ như đang lắng nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng lại gật đầu ra chiều đồng ý.

“Ta rất tiếc. Ta cũng không biết thế nào Hồng Vàng ạ.” Bà nói với bông hồng. “Nếu vị khách của chúng ta đồng ý thì ta rất muốn nghe câu chuyện từ đầu.”

Zeynep Hanim quay qua Diana:

“Hồng Vàng hôm nay rất buồn. Cháu có thể ở lại đây một lát để nghe nó nói chuyện không?”

“Ý bà là sao? Bà biết cháu không thể nghe được mà?”

“Ta sẽ nói lại cho cháu những điều Hồng Vàng kể.”

“Vâng. Cháu thấy cũng hơi lạ, nhưng không sao.”

Diana ngồi xuống nền đất, chỗ bà Zeynep Hanim chỉ. Cần gì phải quan tâm tới việc chiếc quần trắng của mình bị bẩn nếu ngồi đó cô có thể khiến cho một bông hồng cảm thấy được an ủi nhỉ!

Zeynep Hanim quay sang bông hồng.

“Cô ấy là Diana, chị sinh đôi của Maria.”

“Rất vui được gặp cô, Diana.” Hồng Vàng nói, qua lời truyền đạt của bà Zeynep Hanim. “Nếu không có chú sơn ca nhỏ bé kia nói cho cháu biết thì cháu đã nghĩ cô ấy chính là Maria đấy.”

“Mình rất vui được gặp bạn.” Diana đáp lại như thể đang nói với chính mình vậy.

“Được rồi Hồng Vàng”, Zeynep Hanim bảo. “Hãy nói cho chúng ta điều gì làm cháu buồn như thế nào.”

“Cháu xin lỗi” Hồng Vàng nói. “Cháu biết bà đã quen với việc thấy những bông hồng hạnh phúc trong vườn rồi, nhưng hôm nay là kỷ niệm ngày mà người bạn cũ của cháu – Vệ Nữ – bị mất hương thơm của cô ấy. Mỗi năm lại có một lần cháu lại cảm thấy như thế này. Thứ lỗi cho cháu…”

“Không có gì phải thứ lỗi cả, Hồng Vàng ạ. Đôi khi, hạnh phúc có thể được thể hiện rõ nhất qua những giọt nước mắt cho một người bạn… Nhưng nói chúng ta nghe xem chuyện đó xảy ra như thế nào? Ta chưa bao giờ nghe thấy chuyện một người bạn của cháu lại có thể mất đi hương thơm của mình.”

“Vâng,” Hồng Vàng trả lời. “Hãy để cháu bắt đầu kể về loài hồng có hương thơm đầu tiên, loài hồng mà từ đó chúng cháu được hình thành bởi vì nó liên quan rất nhiều đến thảm kịch mà Vệ Nữ đã phải trải qua…”

“Một ngày nọ vua của vương quốc chúng cháu muốn tạo ra một loại hoa hồng mang hương thơm đặc biệt của riêng ông ấy. Ông bèn cho tưới nước hoa hoàng gia vào đất vườn của mình. Sau đó ông ấy cho tưới thuốc trường sinh vào vườn để những bông hồng không bao giờ bị lụi tàn. Rồi rốt cuộc khi loài hoa ấy nở hoa, ông gọi nó là “Hoa hồng của hư không”. Vua của chúng cháu chọn cái tên này một cách đầy cân nhắc để loài hồng của ông ấy sẽ không bao giờ quên rằng mùi hương của mình là mùi hương của vua. Vì nơi cháu đến là nơi hoa hồng chỉ là hoa hồng vì hương thơm của mình mà thôi.”

“Ít lâu sau, vua muốn mọi người phải đều biết đến mùi hương của mình, thế nên ông cho phép loài hồng ấy được trồng cả bên ngoài những khu vườn hoàng thất nữa. Loài hồng của ông không còn được tưới nước trường sinh nữa nên cũng có ngày bị tàn úa. Nhưng theo thời gian, các đời con cháu vẫn mang hương thơm của vua tới từng ngóc ngách của kinh thành.”

“Vệ Nữ và cháu cùng là hậu duệ của loài hoa ấy và chúng cháu được trồng trong một khu làng nhỏ. Chúng cháu nở chỉ vì một mục đích là để mọi người biết tới mùi hương của vua, và vì thế tụi cháu chỉ được người ta yêu mến vì mùi hương hoàng gia mà mình có.”

“Có hai kiểu người sống trong làng của chúng cháu. Một kiểu giống như Maria và một kiểu khác. Những người giống Maria là những người có thể nhận ra chúng cháu mang mùi hương của vua và họ quan tâm tới hương thơm của chúng cháu nhiều hơn bất cứ thứ gì khác. Khác với họ, những người khác chỉ chú ý tới màu sắc, cành lá, cánh hoa, bất cứ thứ gì mà họ thấy được bằng mắt thường mà thôi… Chúng cháu không bao giờ có thể nghĩ được rằng người ta lại quan tâm đến những thứ đó. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, những người đó bắt đầu thì thào với nhau rằng ‘thương gia kia có những bông hồng thật đẹp, màu của chúng không bao giờ bị phai nhạt và tốt hơn cả là cành của nó không có gai.’”

“Rồi từ đó người thương gia đã bán được rất nhiều ‘hoa hồng’ đến nỗi làng cháu trở thành làng hồng nhân tạo. Những người như Maria không thể chịu đựng được điều đó nên dần rời khỏi làng. Cuối cùng, cháu và Vệ Nữ bị bỏ lại chỉ với hai thứ đó là: Những người khác và nhu cầu được yêu mến.”

“Vào lúc đó, chúng cháu không thể thấy trước được thảm họa mà tình hình đó sẽ đưa tụi cháu tới. Ngay khi những người như Maria đi hết, từng tí từng tí một, chúng cháu bắt đầu thay đổi dần theo những giá trị mà Những người khác mong muốn, hòng có được tình yêu của họ. Vì họ chỉ yêu cái vẻ bên ngoài thôi nên chúng cháu ngày càng trở nên chăm chút cho ngoại hình hơn. Chúng cháu cố gắng để vươn người thẳng như những bông hồng nhân tạo; cố gắng kéo dài thời gian của những chiếc lá trên thân mình. Chúng cháu thậm chí còn không khóc trong những lúc xúc động nữa để cánh hoa không bị nhăn. Rồi, chẳng biết từ lúc nào mùi hương của chúng cháu phai nhạt dần rồi biến mất.”

“Chúng cháu gọt dũa mình theo như mong đợi của người khác, biến đổi từ hình dạng này sang hình dạng khác. Chúng cháu thay đổi màu sắc từ màu này sang màu khác. Những người kia bảo rằng: “Hãy lớn cao hơn” thế là chúng cháu mọc cao hơn. Họ nói “Hãy mọc theo hướng này”, thế là trong im lặng vội vã chúng cháu làm theo. Đầu tiên, họ uốn chúng cháu theo cách họ thích rồi sau đó ca tụng chúng cháu hết lời.”

“Nhưng dù có tất cả những thứ đó, sâu thẳm trong thâm tâm chúng cháu cảm thấy mình không hề được yêu. Chỉ những người thực sự quan tâm tới mùi hương của tụi cháu mới yêu mến chúng cháu mà thôi.”

“Bởi vì chính mùi hương của một bông hồng mới khiến nó là một bông hồng. Tình cảm mà những người kia dành cho tụi cháu chỉ đơn thuần là sự ngưỡng mộ.”

“Cháu nhận biết được tất cả những chuyện này, nhưng Vệ Nữ lại cư xử như thể không hề biết gì đến tình hình đó vậy. Cháu đã cố để cảnh báo cho cô ấy. Cháu bảo cô ấy là Kẻ khác cũng tựa như một con sâu vô hình đã tìm ra chiếc giường đỏ hân hoan ngục tù của chúng ta và đang phá hủy cuộc sống của chúng ta. Cháu bảo với cô ấy “Chúng ta phải thoát khỏi cái nơi này ngay lập tức, để đi tới nơi có những người như Maria sống.” Nhưng cô ấy không thèm để ý gì đến lời cháu nói. Cô ấy bảo “Cậu thật bất bình thường”. Cháu không trách cô ấy vì câu nói đó; cô ấy nói đúng. Lúc đó đã có rất, rất nhiều những bông hồng nhân tạo trong làng, nên một bông hồng không có hương đã trở thành một bông hồng bình thường.”

“Lúc cháu đang thuyết phục cô ấy thì có một đàn kiến xuất hiện trên mặt đất cạnh chỗ chúng cháu đứng. Chúng ghép mình để tạo thành chữ “Phản đối người khác”. Vệ Nữ liếc nhìn chúng đầy khinh bỉ rồi thì thầm: “Lũ kiến chết chiệt, chúng có ở khắp nơi.”

“Cuối cùng cháu cũng nhận ra là mình không thể giúp gì được cho Vệ Nữ, nên cháu quyết định ít nhất thì mình cũng phải chăm lo cho mình. Cháu phải rời làng càng nhanh càng tốt. Nhưng cháu không biết làm cách nào để rời đi cả. Bà cũng biết hoa hồng không có chân mà. Vậy nên cháu bắt đầu chờ đợi một người nào đó đi ngang qua, họ sẽ nhổ cháu lên và đưa cháu đi xa.”

“Cuối cùng thì họ cũng đến: một người đàn ông to lớn, một cậu bé gầy gò và một con lừa màu xám. Mặc dù cả người đàn ông và cậu bé đều có vẻ rất mệt mỏi, nhưng họ không cưỡi lừa mà đi bộ cùng nó. Chuyện lạ lùng đó khiến cháu không thể hiểu được.”

“Họ ngồi phịch xuống đất bên dưới một cái cây gần đấy. Cậu bé quay qua nói với cha mình.”

“Cha ơi. Con kiệt sức rồi. Chúng ta sắp chết mất thôi. Chúng ta đã đi sai chỗ nào nhỉ?”

“Im miệng đi” Người cha quát, véo tai cậu con. “Đi bộ thì lúc nào chẳng thế này.”

“Nhưng chúng ta có con lừa mà cha! Nó lại còn rất khỏe nữa.”

“Ta bảo im đi mà. Con không nghe thấy người ta nói gì khi thấy cả hai chúng ta cưỡi lừa à? Chẳng phải họ nói là “Nhìn những kẻ vô lương tâm kìa, hai người cưỡi một con lừa tội nghiệp!” sao? Những người khác trong làng sẽ nghĩ về ta thế nào nếu họ nghe được lời nói đó chứ?”

“Vâng. Đó cũng là lúc cha bảo con xuống. Nhưng mà cha ơi, ít ra thì cha cũng được cảm thấy thoải mái mà.”

“Nhưng sau đó ta nghe thấy có ai đó nói là ‘Nhìn cái gã độc ác kia mà xem kìa. Hắn ta đang cưỡi lừa như một ông hoàng, trong khi cậu con tội nghiệp lại phải đi chân trần trên đất.’ Ta biết người nói câu đó. Hắn là một kẻ lắm mồm. Người trong làng sẽ nghĩ về ta thế nào nếu họ nghe được câu đó chứ?”

“Vâng. Lúc đó cha xuống khỏi lừa và đặt con lên lưng nó. Thế thì ít ra con cũng được cảm thấy dễ chịu mà.”

“Nhưng sau đó thì sao? Người ta đã nói gì? Họ bảo ‘Nhìn thằng con vô lễ chưa kìa. Nó thì ngồi trên lưng lừa, trong khi cha nó lại lếch thếch theo sau’. Ta sẽ không để cho bất cứ ai nói rằng con ta lại không kính trọng cha nó. Ai mà biết những người khác trong làng sẽ nghĩ gì khi họ nghe được câu đó chứ.”

“Nhưng cha ơi. Rốt cục cả hai chúng ta lại phải đi bộ.”

“Im đi, đồ ngu. Ít ra như thế thì cũng không ai nói xấu được chúng ta.”

“Ngay lúc đó có một người đàn ông quay sang bạn mình bảo ‘Nhìn mấy gã ngốc kìa! Họ có lừa nhưng lại đi bộ cả quãng đường về làng.’”

“Nghe thấy câu đó người cha mặt đỏ tía tai, cậu bé thì cười. Có vẻ như cậu ấy hiểu được điều mà cha mình không hiểu. Thực tế là trẻ con lại rất hiểu chuyện.”

“Để thu hút sự chú ý của cậu bé” Hồng Vàng tiếp tục. “Cháu dùng tất cả sức lực của mình để tỏa ra phần hương thơm còn lại. Ngay khi mùi hương hoàng gia ấy đến với chú bé, chú liền quay sang cháu. Bởi vì trẻ con luôn thích mùi của vua mà.”

“Chờ khi trời tối, chú bé nhẹ nhàng nhổ cháu lên và đặt cháu lên lưng lừa.”

“Trước khi cháu rời đi, Vệ Nữ bảo với cháu rằng ‘Hồng Vàng này, bạn nói bạn ra đi để bảo tồn mùi hương của mình, nhưng tôi thấy là nó đã bị nhạt phai từ lâu lắm rồi’. Vào lúc nghe cô ấy nói câu đó, một giọt nước mắt đã lăn dài xuống cánh của cháu vì cháu nhận ra rằng Vệ Nữ đã hoàn toàn mất đi mùi hương của mình. Vì một bông hồng chính là cái gương cho một bông hồng khác; Khi chúng nhìn vào nhau chúng có thể thấy mùi hương của mình hay thấy mình đã mất mùi hương ấy.”

“Sáng hôm sau, khi cha cậu bé nhận ra cháu, ông ấy quát cậu rằng đừng có chất lên lưng lừa cả đống thứ ‘vô dụng’. Rồi ông mang cháu tới chợ để bán. Sau khi đã qua tay nhiều người, cuối cùng cháu cũng được một người yêu hoa hồng mang tới khu vườn của bà để nói về hương thơm của cháu. Cháu đã rất hạnh phúc được ở đây, nhưng cháu không thể không nghĩ về Vệ Nữ vào mỗi dịp kỷ niệm ngày chúng cháu xa nhau.”

Thấy im lặng một hồi, Diana bảo.

“Nếu Hồng Vàng đã kể xong chuyện rồi thì cháu có một câu hỏi muốn hỏi cô ấy.”

“Cháu cứ hỏi đi”, Zeynep Hanim bảo.

“Hồng Vàng này, những bông hồng thực sự như bạn chắc thấy khó chịu vì sự tồn tại của những bông hồng nhân tạo, đúng không?”

“Sao chúng tôi phải làm thế chứ?” Hồng Vàng trả lời. “Hoa hồng nhân tạo tồn tại chỉ vì có những bông hồng thực sự. Sự tồn tại của họ chỉ giúp tỏ rõ giá trị của chúng tôi mà thôi. Ai lại đi làm nhái một thứ gì không có giá trị cơ chứ?”

Diana gật đầu.

“Cháu cũng muốn hỏi bà một điều nữa.” Diana quay sang bà Zeynep Hanim. “Khi Hồng Vàng kể về người cha và cậu bé con, nó có vẻ giống câu chuyện cháu đã được nghe trước đây. Nếu cháu không nhầm thì rất lâu rồi mẹ cháu đã kể cho cháu nghe một câu chuyện tương tự. Điều đó có thể không?”

“Tại sao không?” Zeynep Hanim trả lời. “Câu chuyện mà Hồng Vàng đã trải qua với hai cha con kia được biết đến là một trong những truyện của Nasredin Hodja ở đây. Nhưng Hodja không giống người cha mà Hồng Vàng đã đề cập chút nào. Hodja tốt bụng và đáng yêu hơn nhiều.”

Diana thấy bối rối, cô nhìn bà Zeynep Hanim như thể đang mong chờ một lời giải thích.

“Sao cháu lại thấy ngạc nhiên, cháu gái? Nasreddin Hodja cũng là một người trồng vườn và những câu chuyện của ông ấy được lấy cảm hứng từ những bông hồng mà.”

Zeynep Hanim nói rồi đứng dậy.

Bài học hôm nay chỉ thế thôi. Ngày mai bài học sẽ bắt đầu lúc 5h:57 sáng nhé.

Bình luận
× sticky