Thế rồi bẵng đi sau đó vài ngày, giấc mơ đó lại trôi tuột khỏi trí não tôi như một áng mây trời. Mọi người thường biết mà, đa số đều không thể nhớ được giấc mơ của mình sau khi tỉnh dậy. Tôi nhớ được những chi tiết như vậy là siêu rồi ấy chứ. Và thế là tôi vẫn cứ miệt mài chơi bời lêu lổng những ngày sau đấy. Cơn bão hôm trước cũng đã tan đi và những nỗi sợ hãi đêm hôm trước của tôi dường như cũng tan đi theo. Bầu trời sau cơn bão có vẻ quang đãng hơn. Cái nắng gắt chói chang đang quay trở lại khiến khung cảnh có thêm phần hoang dại.
Tôi vẫn chẳng quyết định được là mình có nên đi gặp lại Chi hay không nên tôi cứ để đó đã, tính sau. Nhà thằng Lân đầu xóm có máy tính mới, bố nó mua cho nó nhân dịp sinh nhật. Thế là mấy hôm nay tôi với mấy thằng kia tụ tập ở bên đấy suốt để chơi game. Máy mới nên nhiều trò chơi mới lắm. Tôi cứ thích mê cả đi.
Hôm trước ngày Rằm, nhà tôi đã làm bữa cỗ nho nhỏ rồi. Mẹ tôi bảo rằng mai mẹ có việc lên huyện nên làm sớm trước một ngày, mai đỡ cập rập, vì mai là thứ Hai mà, thứ Hai thì nhiều việc lắm. Tin mừng là bà tôi đã được về nhà nằm theo dõi thêm, tôi lại được nằm ngủ với bà rồi. Bố mẹ tôi cũng không phản đối gì vì nếu có tôi ngủ cùng, nếu có gì bà cũng dễ gọi. Bà tôi yếu đi hẳn, chân tay cứ run run. Thế nhưng bố tôi bảo bà phải chịu khó thi thoảng vận động thì mới tốt. Chiều nào ông đi làm về cũng đều đưa bà nội đi dạo quanh xóm rồi lại đưa về. Bà tôi ở nhà mẹ tôi phải ở bên cạnh trông bà suốt, sợ bà lại xảy ra chuyện gì. Cũng chính vì thế mà mẹ tôi phải làm Rằm vào Chủ nhật, khi mà có bố tôi ở nhà trông bà.
Mâm cỗ ngày Rằm của nhà tôi có tận 7 món trông vô cùng ngon mắt. Chiều hôm ấy tôi đi học về đã xồng xộc chạy vào nhà, quăng ngay cái cặp lên bàn học rồi đi xem mẹ với chị rán nem dưới bếp. Mùi nem rán xộc lên thơm phức làm tôi không kìm lòng được, phải ra xin nhón vài miếng.
Tối hôm ấy, tôi chẳng vội vàng mà ních cho thật no thì thôi. Ăn xong tôi phụ mẹ mang bát đĩa xuống bếp rồi là lê vào phòng ngủ (thực chất bây giờ tôi chỉ dùng để học) của tôi rồi nằm lăn kềnh ra giường xoa bụng. No quá, canh bóng mọc ngon quá. Tôi cứ thầm nghĩ thế rồi tính xem lát nữa học xong tôi sẽ sang nhà ai chơi. Sang nhà thằng Lân mãi cũng ngại mà….
Tôi đang nằm mien man suy nghĩ thì bất chợt có tiếng gọi vọng vào: “Ê! Bảo!”
Tôi giật bắn cả mình ngồi bật dậy. Tôi bị chột từ lần trước rồi. Bỗng nhiên gương mặt và hai bàn tay của thằng Tuấn xuất hiện lấp ló ngoài cửa sổ, bàn tay nó nắm lấy khung cửa, miệng cười hì hì.
“Là mày à! Làm gì mà khiếp thế!! Sao lại ra đấy? Sao không vào nhà?” Tôi nói
“Sang nhà thằng Hưng chơi đi, hôm nay nghe đâu nó mượn được bộ đồ chơi lego của anh họ nó đấy!” Thằng Tuấn đáp, vẫn đứng thập thò ở ngoài vườn nói với tôi.
“Thế à??? Qua lắp máy bay đi!! Tôi hào hứng đáp. “Nhưng tao vẫn còn bài tập…Mai nhỡ cô kiểm tra…”
Tao làm xong rồi mai tao cho chép. Thôi đi đi, nhanh lên!” thằng Tuấn giục. “Tao chạy sang trước nhá!” Nó rồi nó vẫy tay với tôi rồi chạy biến ra ngoài cổng mất dạng, Tôi cuống cuồng thay cái áo cho tử tế rồi cũng chạy ra ngoài phòng khách thật nhanh, tìm đến cái cổng trước khi bố tôi kịp ngăn lại.
“Thằng Bảo!!! Mày lại đi đâu!! Ở nhà đỡ mẹ dọn dẹp đi!…” Giọng bố tôi vọng lại từ phía sau. Nhưng tôi kệ, chắc lát nữa ông sẽ quên. Bộ đồ chơi lego của thằng Hưng có sức hấp dẫn hơn tất cả.
Tôi chạy qua chiếc cổng đang mở toang để tìm đến với sự tự do. Trên con đường làng vắng tanh với ánh đèn vàng vọt, chẳng có một ai hết. Thằng Tuấn sang nhà thằng Hưng trước rồi, giờ tôi phải chạy mau sang không chúng nó chơi hết mất.
Tôi cứ chạy vụt đi trong ánh đèn vàng để sang nhà thằng Hưng thì bỗng “Rầm” 1 cái, tôi thấy đầu đánh cái cộc rồi tôi ngã bật ngửa ra sau. Tôi mải chạy quá mà đâm sầm vào ai đó.
“Ui ui…Tôi xuýt xoa đứng lên rồi ngẩng mặt lên nhìn xem mình vừa đâm vào ai. Người đó cũng đang lúi húi dưới đất.
Khi định hình kĩ thì tôi chợt nhận ra đó là…
“Chi…ơ…Tớ xin lỗi…Tớ vội quá…”
Hóa ra tôi đâm sầm vào Chi. Cô bé vừa đi từ trong con ngõ bên phải ra
“Ui…chân tớ xước cả rồi…” Chi nói.
“Thôi chết rồi…Tớ xin lỗi…” Tôi cuống cuồng đỡ Chi dậy rồi xem vết thương của cô bé. Chi bị một vết xước sâu ở cẳng chân trái. Lúc nãy ngã văng ra chắc chân của Chi cào vào hàng dây kẽm gai bên đường.
Chi cứ đứng ôm chân xuýt xoa. Tôi không biết nên làm thế nào thì hỏi: “Cậu đang đi đâu thế? Hay về nhà tớ lấy bông băng nhé?”
“Tớ đi mua ít đồ…Thôi tớ không về nhà cậu đâu ngại lắm. Mà tí vết thương này băng bó làm gì. Hay ra sông rửa đi là được…” Nói rồi cô bé đứng dậy cà nhắc cà nhắc định đi thì tôi mới bảo:
“Để tớ dìu cậu ra sông nhé…” Nói rồi tôi đỡ lấy cánh tay của cô bé mà dìu đi. Chúng tôi men theo một con ngõ khác để ra chỗ ven bờ sông như mọi khi. Giờ này ánh sáng đom đóm chẳng còn nhiều sau đợt bão.
Tôi đứng đợi Chi dùng tay vốc nước sông lên rửa sạch vết máu chảy còn lem trên cẳng chân rồi định sẽ sang nhà thằng Hưng.
“Ê…Cậu có nghe tiếng dế không???”
“Tiếng dế á?? Không. Tớ có biết rõ tiếng dế như thế nào đâu…” Tôi cau mày.
“Hôm nay tớ nghe tiếng dế nên định đi bắt…” Chi đáp.
“Cậu bắt dế làm gì? Cậu định chơi chọi dế à? Trong làng mình đám trẻ con làm gì có đứa nào chơi chọi dế? Cậu là con gái mà cũng thích chơi dế à?” Tôi cười cười.
“Không…đương nhiên là không..Hôm nay sát ngày Rằm mà nghe rõ tiếng dế kêu thế này..Dễ bắt được con dế thần lắm…”
“Dế thần…?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
“Ừ con dế có đốt chân màu đỏ ấy, trên lưng nó có hình mặt người…Tớ đang định đi mua thêm hộp gia vị để đựng thêm dế ấy mà…rình nãy giờ chẳng được con nào…” Chi cúi xuống bãi cỏ nhìn quanh quất.
Tôi cũng im lặng lắng tai nghe xem có tiếng kêu nào lẫn trong tiếng cỏ xao động xung quanh hay không…
Tôi chỉ nghe thấy những tiếng Grecc..grec rất nhỏ lẫn trong tiếng gió.
“Con dế thần thì như nào…?” Tôi tò mò hỏi. Nghe Chi kể tôi cũng muốn thử bắt lấy con dế đó lấy le với bạn bè.
“Nó đặc biệt thế nào..thì liên quan tới câu chuyện thứ ba ấy…” Chi lẩm bẩm và vẫn cúi mặt xuống tìm tiếp.
“Kể cho tớ đi…” Mắt tôi sáng lên.
Chi thở hắt ra rồi bảo: “Thế ra kia ngồi đi” Chi chỉ ra mỏm đá sát bờ sông chúng tôi hay ngồi. Thế là tôi lại lò dò ra đấy ngồi. Tôi lắng nghe Chi bắt đầu kể.
“Đương nhiên là câu chuyện này liên quan đến lời bài hát thứ 3 rồi. Cậu còn nhớ chứ?”
“Ừ…thi thoảng tớ vẫn hay sang nhà bạn nghe..” Đúng là thi thoảng tôi vẫn bật bài hát này trong list nhạc có sẵn của tôi. Nghe nó một cách bình thường nhất có thể để tự thuyết phục bản thân rằng, đây chỉ là một bài hát bình thường.
” Lời bài hát thứ 3 có nói đến một con dế mèn…Đúng không? Đó là nguồn gốc của con dế thần đi giày đỏ…” Chi nói.
“Ừ cậu cứ kể đi…”
“Câu chuyện này nói về một đôi vợ chồng người hát xẩm rong trên hè phố Cậu biết đấy, vào mấy chục năm trước cơ, nghề hát xẩm rong vẫn còn thịnh hành lắm. Những người nghệ sĩ hay ngồi trên mạnh chiếu rải ngoài chợ ấy, vừa hát vừa xin tiền…Có những còn giả mù để làm ấy. Công việc cũng vất vả lắm mà chả thu được mấy đồng đâu…”
Tôi gật gật. Bây giờ những người hát rong vẫn còn nhiều mà. Tôi còn lạ gì họ.
“Ừ đấy…Đôi vợ chồng đó tên là Năm Thược. Chồng tên Năm, vợ tên là Thược. Cả hai đều làm nghề hát xẩm rong này…Họ nghèo lắm, nhưng vì chẳng còn kế sinh nhai nào khác nên đành phải tiếp tục nghề này. Ngày xưa họ quen nhau trong một kép hát đi lưu diễn. Được một thời gian thì bắt đầu yêu nhau. Vài năm sau đấy, họ chính thức trở thành vợ chồng, và khi ấy, cô Thược theo chân chồng về quê nội để sinh sống. Trước ngày cô rời đi, cô ruột của cô Thược đã dẫn cô đi xem bói.Và bà bói đó bảo: “Hai người này lấy nhau không bao giờ vượng được, còn khắc nhau kẻ sống người chết, không tuyệt đường này thì tuyệt đường kia, tuyệt đối không nên lấy!!”
Người cô lúc nghe xong thì sợ lắm, tính khuyên bảo Thược đừng nên theo người đàn ông đó nữa: một kẻ nghèo khó lại còn khắc mệnh đến thế. Cô ruột của Thược định mai mối cho cô con một vị cán bộ trên tỉnh. Cô Thược có nhan sắc mặn mà lại thêm tài đàn hát duyên dáng nên cũng không ít kẻ tán tỉnh. Thế nhưng làm sao có thể ngăn được một trái tim yêu nghệ thuật chạy theo một tâm hồn đồng cảm với mình. Và bất chấp mọi lời can ngăn của gia đình, Thược đã chạy theo tiếng gọi của tình yêu, đặt chân đến một vùng đất xa lạ.
Đó là một con xóm nhộn nhịp vào ban ngày nhưng vắng lặng vào ban đêm. Ở gần đó chỉ có một ga tàu với vài chuyến tàu trong ngày. Họ thường cố gắng biểu diễn ở gần ga tàu đó, mong khách vãng lai sẽ thưởng cho họ những đồng bạc lẻ để có thể tiếp tục sinh sống. Và họ cứ sống trong bần hàn như thế. Cuộc đời tăm tối của họ như được chiếu sáng lên sau khi họ có được một đứa con trai kháu khỉnh. Hai người hạnh phúc lắm, trong căn nhà thuê lụp xụp, không một lúc nào vơi đi tiếng nói tiếng cười. Tất cả những gì tốt đẹp nhất, cả hai đều giành cho đứa bé. Cậu bé lớn lên mạnh khỏe cho tới 4 tuổi.
Năm ấy kinh tế khó khăn hơn. Người dân không còn tiền để phung phí vào những chiêu trò trên đường như hát xẩm nữa. Thế nên gia đình nhà Năm Thược cũng lâm vào cảnh đói kém khốn cùng…”
Câu chuyện đến đây khiến tôi nhớ tới những năm xóm tôi mất mùa, mặt mũi ai cũng ỉu xìu như đưa đám, nhiều nhà còn phải mót thóc ăn. Tôi cũng thương cảm lắm. Nghe thấy vậy những nỗi xót xa không tên dấy lên trong lòng tôi khó tả.
Chi vẫn kể tiếp
“Họ phải đi xa hơn, lên những nơi gần thành phố để tìm kiếm thêm cơ hội cho mình. Thằng cu con được gửi lại nhà hàng xóm. Hầu như ngày nào họ cũng đi diễn từ sáng sớm đến tối mịt mới về, thi thoảng mới mua được cọng rau ít cháo…Tết sắp đến và họ đang cố gắng kiếm thêm chút gì để làm quà Tết cho cậu con trai đang ở nhà. Và cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến một ngày, khi đang hát dở trên phố, cây gõ của Thược đã gãy làm đôi, và cô cảm thấy điều không lành xảy ra. Cô giục ông Năm mau chóng về nhà ngay vì cô cảm thấy rất sốt ruột. Và khi vừa đặt chân về đến xóm, họ đã nhận được một hung tin khiến họ chẳng thể chịu đựng nổi…”
“Hung tin gì nữa? Khổ thế chưa đủ à?”
Chi quay sang nhìn tôi im lặng và không nói gì. Cô bé trông đã mất đi vẻ tươi tắn ngày trước khi tôi mới gặp Chi. Dưới hốc mắt cô bé có quầng thâm và gương mặt gày gò hơn tôi nhớ.
Đột nhiên Chi ôm lấy lồng ngực thở dốc.