Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Breathing Room

Chương 5

Tác giả: Susan Elizabeth Phillips

Isabel trở người trên giường. Đồng hồ du lịch của chị chỉ 9h 30, nên giờ là buổi sáng, nhưng căn phòng vẫn tối mịt. Mất phương hướng, chị nhìn về phía cửa sổ và thấy rèm vẫn khép.

Chị lật mình nằm ngửa và nghiên cứu sự kết hợp của những viên ngói dẹt đỏ tươi và những chiếc rầm gỗ xù xì trên đầu. Bên ngoài, chị nghe thấy tiếng gì đó, hẳn là tiếng gầm của một chiếc máy kéo phía xa . Đó là tất cả. Không có tiếng lanh canh làm yên lòng của xe tải chở rác hay tiếng la hét lên bổng xuống trầm mà những tài xế tắc xi rủa nhau bằng ngôn ngữ của thế giới thứ ba. Chị đang ở Ý, ngủ trong một căn phòng trông cứ như người sử dụng cuối cùng là một kẻ tử vì đạo.

Chị ngửa đầu nhìn cây thánh giá treo trên bức tường trát vữa stucco sau lưng. Những giọt nước mắt chị căm ghét bắt đầu rỉ ra. Những giọt nước mắt mất mát cuộc đời mà chị đã sống, người đàn ông chị nghĩ đã yêu. Sao chị vẫn chưa đủ khôn ngoan, làm việc chưa đủ chăm chỉ, chưa đủ may mắn để giữ được những gì đã có? Tệ hơn, sao chị lại lấp đầy mình với một gã trai bao người Ý nhìn như một ngôi sao điện ảnh tâm thần? Chị cố kìm nước mắt bằng lời cầu kinh sáng, nhưng Đức Mẹ đã xoay cái tai nghễnh ngãng về phía đứa con gái tội lỗi của bà rồi.

Sức cám dỗ kéo tấm phủ trùm lên đầu và không bao giờ tỉnh dậy nữa quá mạnh đến nỗi chị sợ khi thả chân qua thành giường. Sàn đá lạnh ngắt chạm vào gan bàn chân. Chị đi ngang qua căn phòng tồi tàn vào một hành lang hẹp với phòng tắm thiết thực ở cuối. Dù nhỏ nhưng nó được trang bị hiện đại, nên có lẽ nơi này không hẳn là phế tích như chị đã hình dung.

Chị tắm, rồi quấn khăn quanh mình và trở lại căn phòng của vị thánh tử vì đạo nơi chị mặc chiếc quần xám đi kèm chiếc áo không tay. Rồi chị đi về phía cưả sổ, mở rèm và đẩy ra.

Một thác ánh sáng xanh mát nhấn chìm cô. Nó chảy xuyên qua cửa sổ cứ như được rót từ một cái thùng, những tia sáng mạnh tới mức chị phải nhắm mắt lại một lúc. Khi mở mắt, chị nhìn thấy những quả đồi tròn vùng Tuscany ngay trước mặt.

“Ôi, chúa…” Chị đặt cánh tay lên gờ đá và thu nhận một bức tranh chạm nổi những cánh đồng màu bạc, màu mật ong, màu vàng da bò, điểm xuyết bởi những hàng bách như những ngón tay vươn lên trời. Chẳng có hàng rào nào hết. Ranh giới giữa những cánh đồng lúa mì được thu hoạch, những rừng cây và những vườn nho được hình thành bởi chỗ là một con đường, chỗ là một thung lũng, chỗ lại là một bờ đất uốn lượn.

Chị nhìn đăm đắm vào Bethlehem. Nơi đây là Thánh địa của những hoạ sĩ Phục Hưng. Họ vẽ phong cảnh trước mắt họ làm nền cho những bức tranh Đức Mẹ đồng trinh, các thiên thần, máng ăn và những đàn cừu. Mảnh đất Thánh… ngay ngoài cửa sổ của cô.

Chị phóng tầm mắt ra xa, rồi ngắm kỹ mảnh đất tiếp giáp nhà. Một vườn nho trải dài tới tận phía bên phải, còn rừng ô liu xương xẩu mọc bên kia vườn. Chị muốn thấy nhiều hơn nữa, và chị rời khỏi cửa sổ, rồi sững lại khi thấy ánh sáng đã thay đổi hẳn sắc diện căn phòng. Giờ những bức tường trắng xóa và những xà gỗ thưa thớt tối màu thật đẹp, và những đồ gỗ giản dị kể về quá khứ hùng hồn hơn cả một pho sách lịch sử. Đây không hề là một phế tích chút nào.

Chị vào hành lang và đi xuống bậc đá tới tầng một. Phòng khách đêm trước chị mới chỉ xem qua, có những bức tường thô nhám và mái vòm gạch của một chuồng ngựa châu Âu kiểu cũ, có thể nó đã từng là gì đó như thế, chị nhớ lại đã đọc rằng chủ các điền trang Tuscany đã sống bên trên bầy gia súc. Chỗ này đã được chuyển đổi một cách đẹp đẽ thành nơi ở nhỏ và tiện nghi mà không mất đi sự cổ kính.

Đá được vạt cong đủ rộng cho gia súc đi qua giờ trở thành cửa sổ và cửa ra vào. Màu nâu đỏ cổ kính quét trên tường là phiên bản thật của loại màu giả mà những hoạ sĩ tài năng nhất của New York bắt trả hàng nghìn để tái tạo lại trong những siêu thị ở khu phố trên. Sàn nhà cũ màu đất nung đã được bôi sáp, đánh bóng và làm nhẵn thín bởi một thế kỷ hoặc hơn, mài mòn. Những chiếc bàn gỗ tối màu giản dị và một cái tủ nằm dọc theo tường. Một chiếc ghế in hoa chìm nằm đối diện với chiếc trường kỷ phủ vải tông nâu đất.

Rèm cửa đã đóng kín khi chị tới tối qua giờ mở rộng. Tò mò xem ai làm điều này, chị đi qua cửa vòm bằng đá vào một căn bếp rộng chan hoà ánh nắng.

Căn phòng có một chiếc bàn chữ nhật dài bị vạch ngang dọc, sứt sẹo bởi hàng thế kỷ sử dụng. Những viên gạch vàng, xanh và đỏ tạo nên một tủ bếp hẹp bên trên chậu rửa bằng đá cổ. Bên dưới, một tấm chắn màu xanh và trắng che khuất hệ thống ống nước. Những cái giá để mở phô bày những dãy đồ gốm sặc sỡ, những chiếc giỏ và đồ bếp bằng đồng. Có một bếp lò propane kiểu cũ và một dãy tủ bếp bằng gỗ. Cánh cửa mộc kiểu Pháp mở thẳng ra vườn được sơn màu xanh thuỷ tinh. Đây là tất cả những gì chị đã hình dung về một căn bếp nông thôn Ý.

Cửa mở ra và một phụ nữ tầm tuổi 60 bước vào. Bà ta dáng béo lùn, hai má sệ , mái tóc đen nhuộm và đôi mắt đen nhỏ tí. Isabel nhanh chóng thể hiện khả năng sử dụng thành thạo tiếng Ý.

“Buon giorno.”

Mặc dù người Tuscany nổi tiếng về sự thân thiện, người đàn bà này nhìn không thân thiện tẹo nào. Một đôi găng làm vườn lủng lẳng trên miệng túi chiếc váy đen bạc thếch cùng với đôi tất ni lông dày cộp và đôi dép nhựa đen. Không nói một lời, bà lấy cuộn len khỏi tủ và lại đi ra ngoài.

Isabel theo bà vào vườn, rồi dừng lại để ngắm ngôi nhà từ phía sau. Thật tuyệt. Hoàn toàn tuyệt . Nghỉ ngơi.Chị độc. Suy nghĩ. Hành động. Có lẽ chẳng nơi nào tốt hơn cho việc đó.

Những tảng đá cũ kĩ của ngôi nhà ánh lên màu vàng kem trong ánh rực rỡ buổi sáng. Những dây nho bám vào tường và uốn cong gần những rèm cửa xanh dài ở cửa sổ. Dây thường xuân bò lên ống máng. Một chú bồ câu non đậu trên mái và lớp địa y bàng bạc làm mềm những viên ngói nâu đỏ bao quanh.

Phần chính của toà nhà được xây hình chữ nhật đơn giản không trang trí, phong cách điển hình của fattoria, một ngôi nhà điền trang kiểu Ý mà chị từng đọc. Một gian được nối tuỳ tiện vào sau nhà, có lẽ được làm thêm sau này.

Ngay cả sự hiện diện khắc khổ của người phụ nữ đang cầm xẻng đào bới cũng không làm giảm sức quyến rũ mờ ảo của khu vườn, và cái nút thắt bên trong Isabel bắt đầu nới lỏng. Một bức tường thấp xây bằng những tảng đá màu vàng giống như ngôi nhà đánh dấu vành đai xa, với rừng ôliu thoai thoải bên ngoài và khung cảnh Isabel đã thấy từ cửa sổ giường ngủ nằm phía sau. Một chiếc bàn gỗ với mặt đá hoa cương cũ kĩ nằm trong bóng rợp cây mộc lan, nơi hoàn hảo cho một bữa ăn lười nhác hay chỉ để ngồi ngắm cảnh. Nhưng đó không phải là chỗ nghỉ duy nhất trong vườn. Gần nhà hơn, một giàn đậu tía che phủ cặp ghế dài nơi Isabel có thể mường tượng mình cuộn tròn trên đó với bút và giấy.

Những lối đi rải sỏi lượn qua những vạt hoa, rau và rau gia vị trong vườn. Những cây húng bóng loáng, cây bóng nước trắng như tuyết (giống cây dừa cạn bên mình nhỉ) những dây cà chua, cây hoa hồng tươi tốt mọc gần kề những bình gốm trồng phong lữ trắng và đỏ tràn cả ra ngoài. Cây sen cạn màu cam nhạt tạo thành cặp hoàn hảo với những bông hoa xanh lơ mỏng mảnh của bụi hương thảo, và những chiếc lá xô thơm màu bạc tạo thành phông cho cụm tiêu đỏ. Theo tập tục những nhà giàu ở Tuscany, chanh được trồng trong hai chậu gốm lớn hai bên cửa bếp, trong khi một cặp chậu khác trồng bụi tú cầu nặng trĩu những quả cầu hồng bụ bẫm.

Isabel nhìn từ vạt hoa tới cái ghế dài dưới dàn dây leo, tới chiếc bàn nằm dưới cây hoa mộc lan nơi một cặp mèo đang nằm ườn. Khi chị hít thở mùi hương nồng ấm của cây và đất, âm thanh giọng Michael trong đầu chị dần im bặt, và lời cầu nguyện giản dị bắt đầu hình thành trong tim.

Tiếng càu nhàu khó chịu của người phụ nữ phá vỡ trạng thái yên bình và lời cầu nguyện trôi tuột mất. Tuy vậy, Isabel vẫn cảm thấy một tia hy vọng mong manh. Chúa đã gơị ý cho chị Thánh địa này. Chỉ một kẻ ngốc mới quay lưng lại một món quà như vậy.

Chị lái xe vào thị trấn với trái tim nhẹ nhõm hơn. Cuối cùng điều gì đó đã xảy ra và giải thoát chị khỏi nỗi thất vọng. Chị mua lương thực ở một negozio di alimentari (chắc là siêu thị, hay cửa hàng) nhỏ. Khi quay về nhà, chị thấy người phụ nữ trong chiếc váy đen lúi húi trong bếp, rửa vài cái đĩa mà Isabel không bỏ ở đó. Người phụ nữ bắn cho chị cái nhìn khó chịu và đi ra cửa hậu- một con rắn trong Vườn địa đàng. Isabel thở dài và dỡ các đồ tạp phẩm, sắp xếp mọi thứ gọn ghẽ trong tủ bếp và chiếc tủ lạnh nhỏ xíu.

“Signora? Permesso?”

Chị quay lại thấy một phụ nữ xinh xắn gần 30 tuổi với chiếc kính gài trên đầu đứng trong vòm cong giữa bếp và phòng ăn. Cô gái nhỏ nhắn có làn da ô liu sáng màu tạo sự tương phản lạ thường với mái tóc hoe vàng. Cô gái mặt chiếc áo màu đào, chiếc váy mỏng màu nâu nhạt và đôi giày gót cực cao được phụ nữ Ý rất chuộng. Những gót giày uốn cong duyên dáng gõ trên nền gạch cũ khi cô gái tiến đến. “Buon giorno, Signora Favor, tôi là Giulia Chiara”.

Isabel gật đầu đáp lại, chị thắc mắc liệu người Tuscany có hay vào nhà người lạ mà không báo trước hay không.

“Tôi là agente immobiliare”. Cô gái ngập ngừng, tìm từ trong tiếng Anh.”Người môi giới bất động sản của nhà này”.

“Rất vui được gặp cô. Tôi thích ngôi nhà lắm”.

“Ồ, nhưng không… đây không phải là ngôi nhà tốt”. Tay cô xua xua. “Tôi đã cố gọi cho chị nhiều lần trong tuần qua, nhưng không tìm được chị”.

Điều đó bởi Isabel đã ngắt điện thoại. “Có chuyện gì à?”

“Si. Có chuyện”. Người phụ nữ trẻ liếm môi và vén một món tóc ra đằng sau tai, để lộ hạt trai nhỏ trên dái tai. “Tôi rất tiếc phải nói rằng chị không ở đây được”. Tay cô ta di chuyển trong một cử chỉ duyên dáng người Ý thường dùng ngay cả trong những cuộc nói chuyện bình thường nhất. “Không thể được. Đó là lý do tôi cố gọi chị, để giải thích chuyện này và nói với chị tôi có một chỗ khác cho chị nghỉ. Nếu chị đi cùng, tôi sẽ chỉ cho chị”.

Hôm qua Isabel không quan tâm gì đến việc bỏ đi, giờ chị quan tâm rất nhiều. Ngôi nhà đá đơn sơ với khu vườn thanh bình nắm giữ khả năng suy ngẫm và hồi phục của cô. Chị sẽ không từ bỏ điều này. “Hãy nói xem có chuyện gì”.

“Đó là…” Tay cô phác một vòng cung nhỏ. “Có việc cần làm. Nên không ai ở đây được”.

“Việc gì vậy?”

“Nhiều việc. Chúng tôi phải đào bới. Đường thoát nước có vấn đề”.

“Tôi chắc chúng ta có thể bàn bạc “

“Không, không thể được”.

“Signora Chiara, tôi đã trả hai tháng tiền thuê nhà, và tôi sẽ ở lại”.

“Nhưng chị sẽ không thích chuyện này đâu. Và Signora Vesto sẽ thất vọng khi chị không vui”.

“Signora Vesto?”

“Anna Vesto. Bà ấy sẽ rất không hài lòng nếu chị không thoải mái. Tôi sẽ tìm cho chị một ngôi nhà xinh xắn trong thị trấn, được không? Chị sẽ thích nó lắm đấy”.

“Tôi không muốn nhà trong thị trấn. Tôi muốn ngôi nhà này”.

“Tôi rất tiếc. Không thể được”.

“Đó là Signora Vesto à?” Isabel chỉ về phía vườn.

“Không, đó là Marta. Signora Vesto đang trong biệt thự đó”. Cô phác một cử chỉ nhỏ về phía đỉnh đồi.

“Marta là quản gia ở đây à?”

“Không, không. Ở đây không có quản gia, nhưng trong thị trấn có những quản gia rất giỏi”.

Isable lờ đi. “Bà ấy là người làm vườn à?”

“Không, Marta giữ vườn, nhưng không phải người làm vườn. Không có người làm vườn. Trong thị trấn chị có thể tìm một người làm vườn”.

“Thế bà ấy làm gì ở đây?”

“Marta sống ở đây”.

“Tôi hiểu ngôi nhà này là của tôi”.

“Không, chị không ở đây một mình”. Cô gái đi về phía cửa bếp và chỉ vào phần nhà một tầng xây thêm đằng sau. “Marta sống ở đây. Rất gần”.

“Nhưng tôi sẽ đơn độc giữa những người dân trong thị trấn?” Isabel điên cuồng đoán.

“Si!” Giulia cười rạng rỡ, nụ cười của cô gái quá quyến rũ đến nỗi Isabel ghét phải dội một gáo nước lạnh vào đó.

“Tôi nghĩ tốt nhất là nên nói chuyện với Signora Vesto. Bà ấy có ở biệt thực lúc này không?’

Giulia nhìn nhẹ nhõm hẳn khi chuyền quả bóng đi. “Si, si, thế là tốt nhất. Bà ấy sẽ giải thích tại sao chị không thể ở lại, và tôi sẽ trở lại để đưa chị tới căn nhà tôi tìm cho chị trong thị trấn”.

Isabel thấy tội nghiệp cô ta và không tranh cãi nữa. Chị để dành điều đó cho Signora Anna Vesto.

Chị theo lối mòn từ ngôi nhà nhỏ tới đường xe chạy dài có hàng bách. Villa dei Angeli nằm cuối đường, và khi Isabel nhìn thấy nó, chị cảm thấy như mình đã được đưa thẳng vào cảnh phim A Room with a View.(Bộ phim lãng mạn bi kịch của đạo diễn James Ivory (1985)chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh E.M .Forster)

Mặt tường ngoài màu hồng cam, cũng như vài chái nhà nằm đây đó, có đặc trưng của những ngôi nhà lớn ở Tuscany. Những lưới sắt trang trí màu đen bao phủ cửa sổ tầng một, trong khi những màn cửa dài ở tầng trên đã đóng lại ngăn cái nóng ban ngày. Gần ngôi nhà, những cây bách nhường chỗ cho cung cách cứng nhắc của những hàng rào cắt tỉa vuông vức, những bức tượng cổ điển và một đài phun nước hình bát giác. Hai cầu thang đá với hàng chấn song đồ sộ dẫn tới một cặp cửa gỗ lên nước bóng loáng.

Isabel leo lên rồi nhấc cái gõ cửa bằng đồng thau hình đầu sư tử. Trong lúc đợi, chị nhìn chằm chằm xuống chiếc ô tô Maserati mui trần màu đen đầy bụi đỗ gần đài phun nước. Signora Vesto có gu đắt tiền thật.

Không ai trả lời, và chị gõ lần nữa.

Một phụ nữ trung tuổi khêu gợi với mái tóc màu đỏ đậm và đôi mắt nghiêng nước nghiêng thành của Sophia Loren dành cho Isabel một nụ cười thân thiện.”Si?”

“Buon giorno, signora. Tôi là Isabel Favor. Tôi đang tìm Signora Vesto.”

Nụ cười của người phụ nữ nhạt đi. “Tôi là Signora Vesto”. Chiếc váy lính thuỷ giản dị và đôi giày phù hợp khiến bà giống người quản gia hơn là chủ của chiếc Marerati.

“Tôi thuê căn nhà nông trại”, Isabel nói, “nhưng dường như có trục trặc”.

“Không có gì đâu”, Signora Vesto trả lời ngắn gọn. “Giulia đã tìm cho cô một ngôi nhà trong thị trấn. Cô ấy sẽ trông coi mọi việc”.

Bà ta giữ tay trên cửa, rõ ràng muốn tống cổ Isabel đi. Đằng sau bà là một dãy va li lớn đắt tiền nằm ở lối vào hành lang. Isabel sẵn lòng cá là chủ biệt thự vừa tới hoặc sắp đi.

“Tôi đã ký hợp đồng thuê nhà” chị nói, nhẹ nhàng nhưng cương quyết. “Tôi ở lại”.

“Không, signora, cô phải đi. Chiều nay có người sẽ tới giúp cô”.

“Tôi không đi đâu”.

“Tôi rất tiếc, signora, nhưng tôi không làm gì được”.

Isabel nhận ra đó là thời điểm để túm lấy người đứng đầu của dây chuyền mệnh lệnh này. “Tôi muốn nói chuyện với chủ nhà”.

“Chủ nhà không ở đây”.

“Những chiếc va li kia là thế nào?”

Nhìn bà ta khó chịu. “Cô phải đi ngay bây giờ, signora”.

Bốn nguyên tắc nền tảng được xây dựng cho những khoảnh khắc thế này. “Cư xử lịch thiệp, nhưng cương quyết”. “Tôi e là không đi được cho tới lúc nói chuyện với chủ nhà”. Isabel lao vào tiền sảnh và có một ấn tượng ngắn ngủi về trần nhà cao ngất, một đèn chùm bằng đồng mạ vàng và cầu thang đá khổng lồ trước khi người phụ nữ đó nhảy ra trước mặt cô.

“Ferma! Cô không được vào đây!”

“Mọi người cố giấu nỗi sợ hãi đằng sau vẻ uy quyền, và họ cần sự thương cảm của ta. Lúc đó, ta không được để nỗi sợ của họ biến thành nỗi sợ của chính mình”.

“Rất tiếc khi làm bà khó chịu, signora,” chị nói thông cảm, “nhưng tôi phải nói chuyện với chủ nhà”.

“Ai nói với cô ông ấy ở đây? Không ai biết được chuyện này.”

Chủ nhà là một người đàn ông. “Tôi sẽ không nói ra đâu”.

“Cô phải đi ngay lập tức”.

Isabel nghe tiếng nhạc rock and roll Ý vọng đến từ phía sau nhà. Chị hướng về phía lối đi uốn lượn lát đá hoa cương xanh đỏ trang trí .

“Signora!”

Isabel phát ngán với những kẻ gây chuyện với mình- gã giúp việc lừa đảo, vị hôn phu không chung thuỷ, nhà xuất bản thiếu trung thành, những người hâm mộ a dua. Chị đã sống ở các sân bay vì những người hâm mộ, ôm lấy bục giảng và chiến đấu với bệnh viêm phổi vì họ. Chị nắm tay họ khi con cái họ dùng ma tuý, vòng tay chị quanh họ khi họ vật lộn với đau buồn, và cầu nguyện cho họ vượt qua căn bệnh trọng. Nhưng giờ phút những đám mây đen kéo tới che phủ cuộc đời cô, họ chạy nhanh như thỏ.

Chị đi xuyên qua ngôi nhà, xuống phòng triển lãm nhỏ nơi những bức chân dung tổ tiên trong những chiếc khung nặng nề nằm chen chúc với những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, xuyên qua phòng tiếp tân sang trọng có giấy dán tường kẻ sọc nâu vàng. Chị lao qua những bức tranh tường dữ dội vẽ cảnh săn bắn và những bức chân dung những vị thánh tử vì đạo còn dữ dội hơn. Đôi xăng đan để lại những vệt sém trên sàn đá hoa cương và làm cháy sém các tua của những tấm thảm kilim. Một bức tượng La Mã bán thân run rẩy trên bệ khi chị lướt ngang qua. Quá đủ!

Chị tới chỗ nghỉ bên trong một phòng khách ít trang trọng hơn ở phía sau toà nhà. Sàn gỗ dẻ bóng loáng lát theo hình xương cá và bức tranh tường vẽ cảnh thu hoạch thay vì săn lợn lòi. Tiếng nhạc rock Ý kèm với ánh sáng mặt trời tràn vào xuyên qua những cửa sổ to mở rộng .

Cuối căn phòng, một lối đi có mái vòm lớn hơn lối đi trong căn nhà trang trại mở ra hành lang ngoài, nguồn của tiếng nhạc om sòm. Một người đàn ông đứng trong khung cửa tò vò, vai anh dựa vào khung cửa, nhìn ra ngoài nắng. Chị hé mắt nhìn vầng sáng chói loà ấy và thấy anh ta mặc quần gin với chiếc áo đen nhàu nhĩ.

Chiếc áo phông có một lỗ trên cánh tay. Chân dung anh được đẽo gọt một cách cổ điển tới mức có lẽ thuộc về một trong những bức tượng trong phòng. Nhưng có chút gì ở vẻ lôi thôi nổi loạn, chai rượu nghiêng trên miệng anh hay khẩu súng lủng lẳng trên tay kia nói với chị rằng đây hẳn là một vị chúa La Mã suy đồi.

Nhìn một cách cảnh giác vào khẩu súng, chị hắng giọng. “Uh, ..scusi? Xin lỗi”.

Anh ta quay lại.

Chị chớp chớp mắt vì loá nắng. Lại chớp mắt. Tự nhủ rằng đó chỉ là trò bịp của ánh sáng. Chỉ là trò bịp. Không thể thế được. Không thể…

Bình luận