Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cát Bụi Chân Ai

Chương I

Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút

Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi. Trước kia, tôi không quen Nguyễn Tuân.

Quãng đầu thập kỷ bốn mươi, báo Hà Nội Tân văn, báo Chủ Nhật mới in của tôi mấy truyện ngắn: Nước lên, Mê gái (Con gà ri), Bãi ô-tô, Một đêm sáng giăng suông. Hình như Nguyên Hồng đã chỉ cho tôi biết Nguyễn Tuân đương lững thững bên kia hè đường Bờ Hồ. Những tiểu thuyết Thiếu quê hương đương in từng kỳ trên tuần báo Hà Nội Tân văn và những truyện ngắn của Nguyễn Tuân đăng các báo Tiểu thuyết Thứ bảy, Tao đàn, Thời vụ, Bạn đường cũng có phần hơi hướng dấu vết trong chữ nghĩa bước đầu đời viết của tôi mà Vũ Ngọc Phan, ở sách Nhà Văn Hiện Đại đã đe tôi nên dè chừng cái giọng khinh bạc học đòi ấy.

Đi bên này hồ Gươm thấy Nguyễn Tuân ngồi trong nhà hàng Hoàng Gia, cái quán rượu kiểu Pháp che cánh sáo ra kín vỉa hè. Nhà văn chơi chua khác đời. Khăn lướt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba toong, chân bít tất dận giày mõm nhái Gia Định. Năm ấy, Nguyễn Tuân cũng chỉ khoảng trên ba mươi đôi chút. Ngoài đường phố chẳng ai ăn mặc kiểu cách khác thường thế, nếu không phải quan tri phủ, quan thương tá ngồi xe nhà, áo sa phủ áo gấm, áo đoạn, vừa ý tứ vừa khoe chiếc bài ngà dây kim tuyến thấp thoáng trong ngực áo. Quán Tavec Royan này chỉ Tây lui tới. Bên trong, nhảy đầm, dàn nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát vươn cổ cò trên cái đại vĩ cầm cao ngang mặt người chơi, những tiếng nảy ra rên gầm gừ.

Nhưng những con người dị dạng này cũng chẳng làm khác mắt mấy cái thành phố không còn đìu hiu, vài năm nay đã nhốn nháo bọn dựa thế Nhật, đầu trọc để trần, áo ka ki ống tay rộng vàng nhạt đi ghệt da cao, lầm lì và nhâng nháo. Chẳng đoán được, Nhật thật hay Nhật mỹ ký. Rồi thì tôi xem Nguyễn Tuân đóng vai người đi săn ở kịch Ngã ba của Đoàn Phú Tứ. Tôi thấy Nguyễn Tuân thoáng mấy giây một cái bóng người y tá khiêng cáng trong phim Cánh đồng ma của Đàm Quang Thiện.

Cũng thấy chán. Nhưng đọc bút ký Một chuyên đi viết về Hương Cảng thì bâng khuâng nhiều. Mấy lần ở cuộc họp tổ bí mật, nghe Như Phong báo cáo thuyết phục Nguyễn Tuân vào Văn Hóa Cứu Quốc, chưa có kết quả. Nguyễn Tuân bảo Như Phong : ở Hà Nội này, đứa nào Việt Minh, đứa nào tờ-rốt-kít, đứa nào Đại Việt, Quốc dân đảng, đứa nào bố láo cách mệnh mồm khoác lác, đứa nào ăn tiền mật thám, tớ biết cả. Nghe nói tợn tạo trắng trợn, Như Phong mượn một quyển sách rrồi ra về.

Những cái biết của tôi về Nguyễn Tuân hồi ấy chỉ mang máng thế.

Đem cái duyên đẹp đẽ mọi bề quàng cho Nguyễn Tuân có thể chưa kín nghĩa, mà cũng không hẳn đúng. Về văn và cả về đời. Có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ, từng chữ. Có người chỉ lướt một đoạn đã không chịu được cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Triết lý và câu văn Nguyễn Tuân không giống vị hoài sơn trong thang thuốc bắc, ghẻ bổ một tý, lại vô thưởng vô phạt. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này, không thể thiếu Nguyễn Tuân. Người kia thì không chịu đựng được. Ô hay, người ta ra người ta thì người ta phải là người ta đã chứ.

Nhớ lại năm ấy, ở gian hàng quà chợ Đồng Xuân còn cái bà nạ dòng khăn nhung áo cánh phin nõn đeo chuỗi hạt cẩm thạch phơn phớt xanh – hàng bún thang ngon có tiếng. Chỉ một bát thang con bún lá, giọt cà cuống thơm một cách khó chịu mà lại không có không được, cũng có thể viết lên một cái gì. Nói bâng quơ, chẳng ra nhủ mình, chẳng ra cho người khác. Những cái ấy phải viết, viết. Như những đêm áp tết, năm cùng tháng tận, lại lấy ra mấy cái đĩa hãng Pa-thé mua được ở chợ Giời, mà nghe ả Đàm Mộng Hoàn… Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán… Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong… Thế nào ông ấy cũng lại nói: Cái hơi của Mộng Hoàn thì sang, nhưng không đẹp bằng giọng bà Chu. Phải viết, cái này phải viết thôi. Những năm về sau, Nguyễn Tuân vẫn làm việc cho viết, khắc khoải sự viết, mà không viết bao nhiêu. ở đây nữa, chính bởi hơi sức và trong tâm sự. Phải đến Nguyễn Tuân viết ra thì cũng một vùng phố xá ấy mới thành tên gọi, mới thành Phố Phái – hai chữ của Nguyễn Tuân sáng tạo đặt tên cho tranh Bùi Xuân Phái. Và trong cuộc chơi, ông cửa hàng trưởng Bôđêga, chú nhà bàn, nhà bếp khách sạn Thống Nhất hay bác Chữ bán cháo gà gõ ống thổi làm phách hát ả đào giọng chèo ở ngã sáu dốc Hàng Kèn, hay khi lên chơi nhà ông Ba trên Nghĩa Đô thì dẫu cho Nguyễn Tuân chưa hề quen, cũng không phải là trùm trò, các chủ quán, chủ nhà đều trân trọng như ông ấy mới là chủ cuộc. Cái duyên ấy xưa nay vẫn như một.

Những năm trước 60, cái dốc ngã sáu Hàng Kèn ban đêm thanh vắng lắm. Những cây sấu, cây sữa cũng chưa như mấy năm sau phải một trận bom Mỹ đánh sập hai ngôi nhà và mấy gốc cổ thụ. Bờ hè dưới hai hàng cây hiu hắt khơi lại cảnh xưa cũ, còn cái bờ tường đắp dòng chữ xi măng nổi Phúc Đình cha, tên hiệu thuốc sốt rét nổi tiếng một thời. Nhớ Cây Thị Hàng Kèn đầu Lê Lợi, cuối Hàng Giò nhiều hơn tên phố mới, đối với chúng tôi. Mấy hàng phở gánh và quán cóc. Nơi ăn đường ăn chợ này không chè chén xô bồ như trên ngõ Sầm Công, chim quay Tiểu Lạc Viên, cà phê phin Ca, cà phê đá Lý Hảo… cũng không ví được với cơm tám Tân Việt, Việt Hương quanh chợ Hôm gần đấy.

Dốc Cây Thị không còn cây thị, hàng quán chỉ rải rác có buổi. Ngồi đây, đầu phố Hàm Long nhìn sang sở Văn Tự, tưởng như lão Tàu Bay còn gánh phở bán buổi sớm. Cũng cạnh đấy, bên dãy nhà mà thời tạm chiếm Pháp đặt đài phát thanh Con Nhạn của quân viễn chinh, hồi Tiền Khởi Nghĩa, đội AS (ám sát) của Việt Minh đã bắn chết Thiên Nga, nữ đặc vụ của Nhật trong quán cà phê này. Nhưng không phải chỗ hàng cà phê của ông cắt tóc ở hợp tác xã chỗ ngã sáu mới về mở, đêm B52 ấy, một vỏ tên lửa rơi gãy võng cái mái hiên. Những biến thiên của con người phố xá, chắp nối lại mà chỉ có ngòi bút Nguyễn Tuân mới phát hiện cho người đọc thấy được những lăng cạnh gốc gác, như muôn vật trong trời đất, khác nhau mà lại dính líu với nhau. Những ngã năm, ngã tư, ngã bảy, người đi lại sinh ra đường cái và mọi sinh hoạt, làm ăn, đắp đổi, người hút thuốc lào thì có người bán đóm, phường chợ thì có người đóng đinh đế giày, ông bán hàng nước chè tươi, ông lão chữa giày dép với khách dừng chân.

Phở Tàu Bay – mà bây giờ ở Sài Gòn có vài ba quán của các bà phòng nhất, phòng nhì và con cháu ông Tàu Bay đã quá cố, cũng đôi chút phảng phất mùi vị phở Bắc, gánh phở ông Tàu Bay xưa đỗ cạnh dốc bên gốc cây thị đầu sân vào sở Văn Tự – không biết tại sao người qua đường lại đặt tên công sở ấy là sở Văn Tự. Có lẽ cũng như chỉ tình cờ một câu bông đùa cái mũ da lưỡi trai hơi dài khác thường của ông hàng so sánh với chiếc mũ phi công mà thành tên phở Tàu Bay, một hàng phở gánh buổi sáng. Thời ấy, sáng, trưa, tối đều đặn cho người ăn quà phở mà không phải là dùng phở đến no. Hiếm cửa hàng phở, hiệu phở, rặt phở gánh, chuyên phở nước. Phở hiệu xào ròn, xào mềm, tái lăn, sấm vang, bát phở bên đĩa mùi, húng và cút rượu trắng. Phở gánh, món quà nhẹ. Ngủ trưa dậy, tối khuya trước khi đi ngủ. Không ai khai tâm chén rượu lúc ăn phở bát. Thịt bò chín từng tảng, cũng chưa rạch ròi mấy chỗ nạm, gầu, mỡ hay nhừ. Trong cái bát chiết yêu loe miệng thắt đáy, nước dùng bốc khói mà trong như nước mưa li ti nổi chút váng mỡ vàng, lơ thơ mấy lát hành hoa, rau mùi. Làm bát nào, thịt thái bát ấy. Đảo phở, bánh chồi lên quá, bánh chương, ăn phải bỏ dở. Nhưng đạo ăn phở của Nguyễn Tuân có cách riêng.

Trong lòng và vỉa hè ngã sáu quang đãng cứ khoảng mười giờ tối trở đi mới lập loè hàng quán. Những tối thứ bảy, từ đầu Hàng Đào xuống Tràng Thi, đến tận chợ Đuổi, mọi ngã ba ngã bảy đều kê bục, cắm cờ. Các đoàn văn công nhảy xạp ràm rạp. Tiếng Trần Chất hát Chiếc khăn piêu đến đinh tai trong loa. Người xem chen chúc lúc ấy mới vãn. Đội quân cảnh đeo băng đỏ đã bắt đầu đi tuần đêm thiết quân luật. Các gánh lục tào xá cháo gà phải hai ba giờ sáng mới hết hàng. Đã quảy về còn có người gọi theo. Bình yên, chẳng ai nhớ thành phố hãy còn phải quản trị theo chế độ quân sự. Dọn hàng quá khuya đã thành lệ.

Khi có hàng quà, những ngã ba đã văng vắng lại hiện ra bộ mặt khác. Chốc chốc, thong thả qua một xe đạp lênh khênh, tiếng vòng nan hoa quay gió vù vù. Cái xe trâu Trung Quốc nặng như cùm được người ta vác từ chiến khu Thái Nguyên Việt Bắc về. Gánh cháo gà bác Chữ đã dênh hẳn xuống mặt đường nhựa. Chiếc chậu nhôm đựng nước, cậu con trai thả chồng bát vào chậu rồi nhặt ra từng cái, khăn lau miết quanh miệng chiếc bát rếch của những khách ăn mở hàng. Rồi bác Chữ thừ ra. Như còn tiếc đám múa xạp lúc nãy hay sao. Bác Chữ cầm chiếc ống nứa thổi pho pho vào cửa lò mới được cời, mẩu củi hồng rực.

Rồi lại quay ra, ngồi lên bó củi, một tay đấm lưng, tay kia gõ cái ống nứa giả vờ điểm tiếng róc phách, chốc lại tom chát đánh nhịp xuống thành thùng bát, miệng ư ừ giọng mũi như rên :

Nam nhi đứng ở trong trời đất

Quyết ăn chơi cho đủ mùi đời

Sự cùng thông bĩ thái tự trời

Sông có khúc con người có lúc…

Bộ quần áo nâu dày mo nang dưới ánh ngọn điện chao lắc lư trên dây giữa đường. Mặt nhăn nhó đăm đăm, chẳng biết đương phởn hay buồn nỗi hóng khách. Chốc lại cầm ống nứa thổi bếp, xong lại rền rĩ: Nam nhi đứng ở…. Tôi không trông rõ thật mặt cái bác cháo gà Chữ ấy ban ngày bao giờ. Như người với ma, nửa đêm đến rạng sáng thì lặn. Bác Chữ nhìn hò háy trước ánh lửa, mắt ấy không viền vải tây điều tất cũng lông quặm. Dần dần người ngợm ở đâu cứ lẩn thẩn ra, như cỗ tam cúc phải đủ xe pháo mã với năm quân tốt hỉn. Gánh lục tào xá lù lù đến ghé cạnh. Cái ông chè đậu xanh lục tào xá thoạt hiện ra thật oai. Như đức Quan Ngài hồi tiền nhật còn ở ẩn kết nghĩa với ông cháo gà Lưu Bị dưới gốc dâu cây sữa xoè tán lá ba tầng ba lọng vàng điềm về sau làm vua. Lão râu đen dài, trán nhẵn hói bóng lên nửa đầu, khi chưa gặp thời thì quảy hàng mà thôi. Nhưng ngắm kỹ, chưa chắc lão đã bằng tuổi tôi băm lăm lúc ấy. Có lẽ chỉ mới năm trước còn thói quen nuôi râu giả già để trốn quân dịch, nhiều người mắt đảo như chớp, nhưng râu ria lõng thõng.

áp chân tường số nhà 81, ông hàng cà phê bít tất. Cũng là trông hình thù mà tưởng ra, cà phê pha vào ấm nhôm, mảnh vải lọc thõng xuống như chiếc bít tất nâu. Ngọn đèn hoa kỳ lom đom giữa mặt chõng tre, ngổn ngang mấy cái ghế con đặt quanh. Khách ngồi xuống, trông lên mới thấy mặt ông hàng lom khom, bóng loáng nắng gió đồng chiêm. Bộ quần áo nâu non nhờ nhếch, dáng ngơ ngơ như đương lẩm nhẩm ai trả tiền, ai lỉnh mất. Nguyễn Tuân không thích cái cà phê hâm nóng đầu đường thế này. Nhưng vẫn thường ghé xe đạp dựng lên gốc cây xà cừ. Không biết có phải chỉ bởi thói quen xưa cũ cứ tối tối, tôi lại rước tôi ra đường!. Những đêm gió lùa rào rạt mặt nhựa, nhồi thêm thuốc vào tẩu, ngồi tránh vào bên gốc xà cừ gồ ghề – Nguyễn không chịu được mùi hoa sữa, ghét lây cả cái cây. Chén cà phê sành nâu lồi lõm, có khi chỉ nhấp một ngụm, rồi bỏ lạnh ngắt. Dường như ngại tôi có thể vì ông ấy mà áy náy không biết cà phê hạt muồng hay ngô rang.

Nguyễn Tuân nói: Mặc kệ mình. Cậu cứ việc hồi tưởng. Ông anh nghĩ tôi đương nhắm phía một kỷ niệm đâu đó nên mới ưa lai vãng tới đây, bởi biết tôi vốn cũng lạnh nhạt với cà phê. Vào quãng giữa thế kỷ này thành phố và con người đều trải nhiều quãng đời chằng mắt xích với nhau. Tôi cũng như vậy. Tôi đến cái ngã năm, ngã sáu này không phải ngẫu nhiên. Mười năm trước, ven hồ đằng kia, còn những toà biệt thự mọc lên giữa những bụi chuối um tùm. Mặt trận đã lan đến đấy, tan hoang cả. Tôi làm phóng viên của báo Cứu Quốc thường qua lại đây, khi xuống tuyến phòng thủ phía chợ Mơ. Có hôm ngủ đêm lại trong ngôi nhà bỏ không. ở chỗ chúng tôi đương ngồi, tiếng súng và người núp ngã xuống bên mỗi gốc cây. Báo Thủ Đô đăng tin chiến sĩ Nguyễn Thành ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch từ hồ Thiền Cuông tới. Quả bom đầu tiên của quân giới ta tự tạo có lẽ được tung ra ở chỗ kia đấy. Thành phố đương tổ chức tìm đào hài cốt liệt sĩ và người chết đường. Ban ngày, trên vỉa hè đặt hàng dãy những chiếc tiểu khói hương nghi ngút.

ở cái ngã sáu đường đời ấy vẫn leo lét ngọn đèn con của lão cà phê 81, ánh đèn chai và lửa bếp thùng cháo bác Chữ. Mấy cái xích lô tã chốc lại lạch xạch lượn lờ qua. Trông mặt người đạp xe cũng có thể đoán được tông tích, mỗi người đều hằn nét bộ mặt thời gian và tờ lịch hàng ngày của thành phố. Có lão râu xồm khuya về uống rượu húp cháo rồi nằm vắt người trên đệm xe, sàn xe ngủ bên gốc cây. Đấy là các ông chánh, ông lý tề vừa chạy Tây càn, vừa sợ Việt Minh trả thù đã bỏ các vùng trắng ven nội vào đây. Đám cơ sở ta hốt chết trốn vào thành, trẻ hơn và đỡ lầm lì, có thể lại công tác bí mật, không ác ôn như mấy lão xích lô râu rậm kia. Nguyễn Tuân bảo: Cậu có để ý đường phố bên Bắc Kinh lúc gần sáng, những xe la, xe lừa bánh gỗ cao lênh khênh, những lão đánh xe đầu hói như quả dưa hấu ngồi ngất ngưởng trên đống củ cải, vẫn oai phong chẳng khác Tưởng Giới Thạch, Uổng Tinh Vệ thất thế!’.

Tôi bàn theo:

– Lão xế lô, lão lục tào xá này nhất định là tề ngụy cũ. Cả lão cà phê bít tất, lão cháo gà dấm dớ thế nhưng trông tay thoăn thoắt nhặt tiền, xếp tiền thế kia đủ biết.

Nguyễn Tuân hỏi:

– Có nhớ Két không?

– Tay Két trinh sát tiểu đoàn 54?

– Cứ ngồi đây mình lại nhớ nó. Không hiểu sao.

Khói thuốc trong nõ tẩu phầm phập bốc xanh trắng um lên.

Thì ra, ở cái đầu đường đêm hôm chẳng thú vị mấy chút, chính Nguyễn Tuân mới đương hồi tưởng. ở mỗi cái cùng trông thấy, nhưng từng người lại ngờ khác nhau. Thế nào mà ở đây Nguyễn Tuân lại nhớ tới Két chiến dịch sông Thao mùa hạ 1949. Chập tối ấy, bộ đội qua sông xuống đò bến đền Đông Cuông gần Mậu A, rồi hành quân suốt đêm vào hậu địch để kịp chiều hôm sau đánh đồn Đại Bục. Tình cờ, chúng tôi gặp lại Két ở Mậu A, Nguyễn Tuân quen Két của Trung đoàn Thủ đô. Chiến dịch ấy, trung đội trưởng trinh sát Két đã hy sinh, nằm lại bờ bên kia sông Thao.

Đi và đi thực và mộng cả đời Nguyễn Tuân. Làm thế nào đi được, chỉ cất đi được. Năm 1937, Nguyễn Tuân ra Hương Cảng làm tài tử màn bạc. Phim truyện Việt Nam, chủ Trung Quốc thuê một số người ở Hà Nội sang đóng. Tôi đã xem Cánh đồng ma ở rạp Hiệp Thành phố Hàng Bạc – rạp chèo cải lương, thỉnh thoảng chiếu phim phong thần, kiếm hiệp bán vé một hào đồng hạng. Phim Cánh đồng ma đầu Ngô mình Sở. Nguyễn Tuân đóng một vai phụ – có thể lôi người đi ngoài đường vào sắm vai cũng được, đấy là người y tá mặc áo lui trắng, nâng đầu cáng thương, lừ lừ qua ống kính chớp nhoáng một hai giây. Có thế thôi, mà Nguyễn Tuân lặn lội sang Hương Cảng trong lúc năm hết tết đến.

Cũng không phải chơi bời đua đả. Đám hổ lốn đóng phim còn lục đục lừa nhau, chửi bới nhau vì các chủ phim tranh nhau xé đám phu mộ đóng phim này đã làm thêm phim Trận phong ba tồi quá gửi về nước tranh khách trước nhưng không có người xem. Nguyễn Tuân ở trong đám phu đóng một phim. Cũng không ăn cánh với ai. Bà phô tô Phú ho lao gày rạc dâm đãng đến quái dị, chùm trò Đàm Quang Thiện và Nguyễn Doãn Vượng, điểm mặt cũng không phải ai tri âm tri kỷ khiến Nguyễn Tuân phải đắm đuối bỗng dưng lênh đênh đi. Mà cái thúc giục vẫn là những cơn đói đi của mình. Không khó không dễ, không biết ai, chỉ biết một mình. Nguyễn Tuân muốn đến Hương Cảng, nặng nề và nhẹ nhàng, thế thôi. Trong đêm trừ tịch ở hòn đảo phồn hoa nhất châu á, hứng thú và buồn với hồn cốt những trang bút ký Một chuyến đi, chỉ có tâm sự ấy đã giục giã nhiều.

Một đời ao ước phương trời với một cung cách đi. Trong tiểu thuyết Thiếu quê hương, cả một chương mười mấy trang về vùng than với những cảng Rơđông, cửa Điền Công, những cơn gió ngoài vịnh vào đen nhuyễn màu than trùm lên phố biển Hòn Gai. Hồi ấy, Mộng Tuyết – Đông Hồ trong Hà Tiên ra chơi Hà Nội. Hôm về, Nguyễn Tuân tiễn ngoài ga Hàng Cỏ. Nguyễn Tuân có viết về cuộc tiễn biệt ấy trên báo Bạn Đường ở Thanh Hoá, đã cười tiên sinh Đông Hồ, tàu sắp chạy, mà vẫn cùng bạn bè lắc lư ngâm vịnh thù tạc suông không có chén. Còn cô Mộng Tuyết thì lại khéo tưởng tượng ra như trông thấy con người ấy hôm nào mới ở vùng gió than, bão than còn cuốn theo đến tận sân ga. Trên khuôn mặt cháy nắng của người lữ hành, hai lỗ mũi cũng xám đen những than là than.

Cô con gái làm thơ ở Phương Thành nhìn Nguyễn mà cảm động, bởi từ xưa kia cô đã ước mơ thèm một hơi gió lạ, khát thở một bầu không khí trời, nước lênh đênh hàng tháng trên biển cả để rồi đổ bộ trên một bến bờ xa. Trải qua khắp kinh tuyến, vĩ tuyến của địa cầu, để đi tới chỗ bốn mùa tuyết rơi, băng đóng đến vùng sa mạc gió nắng lửa than, trèo tuyết núi Hy Mã Lạp Sơn lạnh cóng và tắm nước sông Hằng, vượt biển Đại Tây dương, qua Hy Lạp, rồi trên lưng lạc đà xem Kim Tự Tháp rồi trở lại thưởng hoa anh đào trong một ngày hội ở Nhật Bản. Ngày hè thì lưu liên các vùng bãi biển ý Đại Lợi. Thu về thì ngồi xem lá vàng rụng theo các pho tượng của Lúc Xem Bua. Bao nhiêu tiếng gọi của Cao Rộng Xa Xăm đã thúc giục ám ảnh mãi lòng thích sống một cuộc đời bấp bênh có nhiều xê dịch, biến đổi của thiếu nữ. Cô thiếu nữ mà ngày còn thơ đã có ý muốn đi tận chân trời. Thuyền khách sông Hương đêm thất tịch. Lạnh lùng trăng nước khúc nam ai… mà ai cảm chung một mối tâm sự não ruột của khách Giang Châu Tư Mã (Trạnh niềm nhớ cảnh giang hồ, bút ký, Phương Thành một ngày thu muộn 1939 của Mộng Tuyết).

Cũng một nòi tình mơ màng như cô Mộng Tuyết, chỉ có rày ước mai ao, thật ra Nguyễn Tuân chưa đi đường bộ quá Mông Dương và đường nước chưa ra khỏi cửa Điền Công tới Móng Cái bao giờ. Phải đến hơn hai mươi năm sau viết trang sách về vùng than, Nguyễn Tuân mới tới Hải Ninh lần đầu, cùng đi với Nguyên Hồng, Vạn Lịch và tôi. Tưởng như khó tin, mà sự thật như thế. Thiên bút ký mênh mang sóng biển Cửa Đại kia, đọc kỹ thì nhận ra phải nhờ tác giả có người nhà ở Cửa Đại, mới đến được. Ngày ấy, Nguyễn Tuân đã viết một truyện ngắn đăng báo Tiểu thuyết Thứ bảy, trên đề: Tặng ông Đỗ Ngọc Côn, nhà máy đèn Móng Cái. Khi này, Phạm Duy làm thợ phụ nhà máy điện, ở nhờ ông Đỗ Ngọc Côn (Phạm Duy: Hồi ký thời cách mạng, kháng chiến – Californie, 1989). Mà ông bạn làm nhà máy đèn Móng Cái ở phố chính Clamoocgăng ấy cũng chưa lần nào gửi tiền tàu xe rủ Nguyễn Tuân ra chơi thưởng thức cái hiu hắt nơi địa đầu. Hàng chữ đề tặng chỉ là một ao ước. Mà phải đến dịp nhờ xe của cán bộ Vạn Lịch, mới ra được bãi Trà Cổ, xuống lái thán ngược sông Mang lên cầu Bắc Luân – Móng Cái, đến Thán Pún – sự bôn tẩu của chúng tôi có công lệnh và dấu đóng giấy đi đường cẩn thận.

Cầu kỳ và khó tính cũng là tính riêng trong cái thích thú ham đi mà không được đi. ở phương Đông còn có cái chơi đi mà không đi, ngồi nhà ngắm tranh sơn thuỷ, nuôi muông thú lạ, uốn cây, gẩy cái lá trúc rụng xuống thế giới bể nước nho nhỏ rêu nổi hòn đá cây si bên hòn non bộ có ngôi chùa mái cong, có chú tiều vác củi qua cầu. Cho thoả cái tưởng tượng mà thôi.

Nguyễn Tuân ở vế người thứ nhất, không phải các ông ngồi rung đùi chơi trời đất thu nhỏ vào cái bể sành và núi non bộ. Mà đôi khi chơi cây cảnh, một chút chắp nối. Ơ hờ, hờn dỗi, bực bội, nhớ thương không đâu gửi vào một nhánh địa lan cánh tím, một con chó đá canh cửa, một quả phật thủ, một hòn cuội suối, một chiếc gối sứ mới đây được bưng ra từ một tiệm hút chợ Cũ Sài Gòn. Nguyễn Tuân chỉ thích đi, nhưng trong mọi sửa soạn còn kỹ lưỡng hơn đi. Mùa hạ năm 1949, Nguyễn Tuân và tôi theo tiểu đoàn 54 Trung đoàn Thủ đô tiến quân vào mở chiến dịch tiêu diệt một chuỗi cứ điểm hành lang bờ sông Thao án ngữ Tây Bắc, các đồn Đại Bục, Đại Phác, Khe Pịa, Ngòi Mác, Mã Yên Sơn lên đến đồn tiểu khu Phố Ràng. Chuyến áy, tôi đi cùng Nguyễn Tuân – được làm quen với Nguyễn chuyến đi đầu tiên. Tôi đã ghi lại:

Nguyễn Tuân xắm nắm quanh cái bi đông nước bọc dạ xanh của anh. Lần đầu tiên ở mặt trận, đi lâu với Nguyễn, tôi mới thấy quá nhiều đức tính của người lên đường. Khoẻ, vững, hành trang không thừa, cũng không thiếu một cái gì. Trên lưng, gọn gàng chiếc ba lô Nhật. Một sợi dây nhỏ cũng có chỗ để rồi dùng đến sợi dây. Cuối cùng, mọi thứ giấy má có thể lộ liễu của riêng mình đều phải để lại căn cứ, không được đem theo vào vùng địch. Chỉ một cuốn sổ nhỏ, cái áo mưa, bỏ vào ba lô vừa phải. Một bao cơm nắm, thêm cái thắt lưng lương khô cuốn chéo ngang mình. Đầy bi đông nước, Nguyễn Tuân đã cẩn thận buộc ghì vào thắt lưng cho khi bước đỡ xóc (Ngược sông Thao, phóng sự, Nhà xuất bản Cứu Quốc 1949).

Trong nghề đi – nghề, chứ sao, cẩn thận đã thành thói quen và cầu kỳ đến đam mê. Sửa soạn cũng là khai thác để thưởng thức được chu đáo. Không phải cứ đứng đắn và khôi hài như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. ở trường lục quân bên Vân Nam về, anh Khoát dạy tôi thuật đi đường giữ được dai sức của Bát lộ quân. Nhanh mười bước lại thong thả ba bước, cứ thế cả ngày chân không biết mỏi. Cẩn thận, mọi thứ trên mình và trong ba lô đều gọi thành con số. Ví như cả thảy đồ đạc có mười lăm thứ. Sáng ra, trước khi đi đếm chỉ có mười bốn. Thế là còn thiếu một. Rõ thật buồn cười, nhưng nếu cười, anh Khoát không bằng lòng. Mọi cẩn thận của Nguyễn Tuân thiết thực hơn, nhưng không thành con số như trên. Ngòi bút chì gài trên túi áo, ngồi đọc cũng ghi lên sách. Không biết đến thế kỷ nào có cái hơn, chứ bút chì trên giấy thì không bao giờ phai. Một tiệp bìa cứng với cái bút chì. Lắm lúc thấy ông bạn đường chịu khó đến vậy, mình vừa để ý, vừa thích vừa ngán ngẩm cho những khó nhọc của nghề đi không biết thế nào là cùng. Lo cho việc đi là yêu đi và biết hưởng thụ đi. Mải mê quên ngày tháng, nhưng tính đếm sửa soạn cho mải mê thì phải nhớ từng ly. Cái phóng khoáng của ông ấy không lẫn với buông tuồng, cẩu thả.

Mà sự chuẩn bị tỉ mẩn của con người muốn khi ta chết đi, da ta được thuộc làm cái va ly cũng khá khác thường. Năm 1961, Nguyễn Tuân lên Hà Giang dự khánh thành đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì. Hoà bình thảnh thơi rồi, nhưng vẫn lại là về rừng, lại đeo cái ba lô Nhật với những sợi dây dù Mỹ buộc màn, không quên chiếc bi đông chiến dịch sông Thao hơn mười năm trước. Giữa đám các thứ lỉnh kỉnh, một xếp giấy bản lau chén bát, một quyển sách đang đọc và mấy thẻ hương mua thửa ở hàng quen cửa chợ Đồng Xuân. Khánh thành đường mới trên rừng thì nhà khách cũng là mấy cái lán cắm ven đường. Hương chống ẩm, chống muỗi đây. Hương chống muỗi, chứ Nguyễn Tuân kỵ mùi tỏi và không chịu được mùi thơm ở các thứ hương ấn-độ cứ thoang thoảng rờn rợn như có ma lẩn quất trong nhà.

Quả nhiên là những nơi ngả lưng dã chiến ở Hoàng Su Phì khách nghỉ đêm ở các lán dân công, nền đất và phên vách mới được sửa sang lại đôi chút. Tối đến, mùi hương ở lán ông khách văn ngào ngạt ra. Vù Mí Kẻ, bí thư huyện Đồng Văn hỏi nhỏ tôi:

– Nó cúng ma hả?

Làm thế nào cắt nghĩa cho ông bạn người Mông này hiểu cho cái thú chơi sưởi mùi hương như thế. Mới như hôm qua, Vù Mí Kẻ năm trước lần đầu về Hà Nội. Nhiêu khê quá, xe liên vận Đồng Văn xuống Hà Giang, lại chuyển ô-tô khác về Phú Thọ. ở đấy, lên tàu hoả. Đoàn tàu xuôi về đến ga Hàng Cỏ, vẫn ngồi thản nhiên ngắm ra phố phường, đường xá, nhà cửa ngoài cửa toa thấy mãi chưa tới Hà Nội. Khi tàu lên đến Bắc Giang mới hỏi ra.

Tôi bảo Vù Mí Kẻ:

– Không phải bác ấy cúng ma. Bác ấy đốt hương cho ấm như ta ngồi sưởi lửa ở trên quê, lại chết được muỗi. Mùi hương sưởi thơm cũng như khói củi gỗ thông ấy mà.

Có lần, Vù Mí Kẻ về Hà Nội, đến chơi uống rượu nhà Nguyễn Tuân. Tôi nhắc lại chuyện hương sưởi ấm ở Hoàng Su Phì. Vù Mí Kẻ trả lời: Bây giờ nói thế thì mình hiểu ngay.

Hồi ấy, Vù Mí Kẻ không tin câu cắt nghĩa của tôi. Có những việc…

Nhưng thôi, lại trở về chiến dịch sông Thao mùa hạ 1949. Nguyễn Tuân gặp lại Két – người chiến sĩ trinh sát mà Nguyễn Tuân vừa hỏi tôi có nhớ không, lúc nửa đêm giữa cái ngã sáu bên gốc cây sữa, cây xà cừ này.

Lần đầu tiên, quân chủ lực mở trận đánh phối hợp lớn, mặt trận dài suốt bên kia sông Hồng ở Yên Bái vắt sang sông Chảy, lên Lào Cai. Chúng tôi theo tiểu đoàn 54, đơn vị chủ công của Trung đoàn, Nguyễn Tuân bỗng gặp lại Két, không ngờ, khi qua sông.

Chập tối, tập kết ở Mậu A. Các chiến sĩ quần áo bà ba đen như chúng tôi. Bộ đội được phát như thế nào thì mặc nấy, áo nâu, áo đen, có khi nhuộm lá cơi, nhuộm pin xanh sẫm, thâm xịt. Đã xế chiều, người ngồi đen ngòm sân đền Đông Cuông. Trung đội trưởng Két trong đám chiến sĩ, người hầu bàn nhà hàng Thuỷ Tạ Bờ Hồ năm trước, bây giờ là trung đội trưởng trinh sát đã trông thấy cái ông nhà văn hay uống uýt ky, quăng trô xếch ở Thuỷ Tạ lúc chặp tối sao ông ấy lại lên tận đây thế này. Mà đội mũ vải ka ki xám, mặt lành lạnh như phái viên cấp trên xuống. Két đến trước mặt Nguyễn Tuân:

– Ông…

Nguyễn Tuân giơ cái gậy tre, nắm tay Két.

– Anh Két! Đồng chí Két! Tôi cũng sang sông đêm nay. Đồng chí ở 54 à?

– Vâng ạ.

Chỉ một thoáng, mọi người hối hả về sửa soạn. Suốt chặng đường vào sâu trong kia, Nguyễn Tuân mong gặp lại Két. Như còn bao nhiêu chuyện máy năm qua chưa nói hết. Suốt đêm ấy, mù mịt bóng sương, hơi nước và lầy lội, hầm hập. Liên tiếp, từng chiếc thúng, chiếc tam bản của các vạn chài cả mấy tỉnh từ Vĩnh Yên, Phú Thọ lên Yên Bái đưa bộ đội qua sông. Đi suốt đến sắp sáng, qua mấy làng tề gần đồn Đại Bục, trông lên quả đồi đồn Tây lù lù đây rồi mà tiểu đoàn bộ với các đơn vị trực thuộc vẫn loanh quanh lố nhố dưới ruộng chưa tìm ra nơi ém quân. Du kích địa phương dẫn lạc đường! Chúng tôi lõm bõm trên những cánh đồng nước. Sau lưng, anh nuôi quảy nồi chảo va vào nhau lông chông, như nhạc ngựa đồn Tây ra đuổi.

Ban chính trị trung đoàn có nhạc sĩ Lương Ngọc Trác và cả hai người Pháp hàng binh thu được trong trận tiểu đoàn 54 luồn sâu tập kích đồn Bá Giang ở chỗ Phùng ra cửa sông Hát. Hai lính Pháp đã lái xe vận tải chạy ra giữa đồng. Bây giờ họ làm công tác địch vận. Ra trận, mỗi gã đeo một cái loa giấy bìa các tông dài ngoằng như chiếc sừng trâu. Mấy hôm trước đóng quân tập kết ở bàn đạp. Mỗi ngày mổ lợn, các cu cậu được anh em thương tẩm bổ thêm cho miếng gan, quả tim ngoài xuất ăn. Hành quân ban ngày từ Phú Thọ qua dọc sông lên, dưới mưa rào vẫn đi. Hai người Pháp gày nhẳng, tóp lại, cao lêu đêu, tóc ướt bết trán, vai nhô lên, cung cúc như con gà chạy mưa.

Nhưng rồi tất cả cũng lên được một quả đồi nứa um tùm, trước khi trời rạng. Vừa tới lưng dốc đã ran tiếng súng dưới ruộng. Tiếng nổ lúc sáng bạch nghe toác toác như cháy rừng nứa. Có người làng ra làm đồng sớm thấy nhiều vết chân lạ dẫm nát lúa mới cấy. Sợ quá, về bẩm chánh tổng, chánh tổng lên báo đồn. Quan đồn đoán đêm qua có du kích về. Sắp đến ngày 19 tháng 5 kỷ niệm của Việt Minh. Đồn cho một tiểu đội lính Thái ra sục các đồi. Bọn lính Thái với người cai Tây cởi trần, xách súng, bắn vào bụi rậm rồi hô nhau xông lên. Thế nào mà chúng nó lại lên đúng đồi ban chỉ huy tiểu đoàn và cả ban chỉ huy Mặt trận.

Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng cho hai tiểu đội xuống chặn. Lệnh: Tuyệt đối không lộ hoả lực mạnh, chỉ được bắn súng trường, phát một. Nếu giáp lá cà, đánh dao găm.

Chúng tôi ngồi xổm cạnh bụi tre xế đỉnh đồi. Ngổn ngang gồng gánh, những càng chân SKG – súng không giật, từng bộ phận súng cối chưa lắp và những đùm lá cọ trong gói từng chồng truyền đơn tiếng Pháp, tiếng Thái. Hai người pháp địch vận mắt xanh nhờ đứng chơ vơ như hai cái cột. Giữa im lặng thấp thỏm, không biết bao nhiêu con người núp trong cỏ, trong bóng lá những quả đồi có thể sắp nổ tung trong ánh nắng. Nguyễn Tuân chống hai tay lên chiếc gậy tre, lom khom nhìn xuống đất. Tôi ngồi không yên chỗ, lại nhấp nhỏm đứng. Quái đản, Tây sắp đánh lên đây mà lại có hai thằng Tây lù lù cạnh mình thế này! Đại đoàn phó Cao Văn Khánh – chỉ huy phó chiến dịch đến bên, nói nho nhỏ, trấn an chúng tôi:

– Đạn không bao giờ dính tôi! Các anh ngồi yên đây, không có gì phải lo.

Câu nói nửa đùa nửa thật về cái mệnh con người. Nguyễn Tuân đã gặp Cao Văn Khánh trong chuyến đi Nam Trung bộ giữa năm 1946. Cũng năm ấy tôi vào mặt trận phía Nam cùng Cao Văn Khánh và Thu Sơn đã làm một chuyến đi ngựa từ Tuy Hoà qua Củng Sơn lên tiền tuyến Cheo Reo. Đã biết nhau và câu nói thân mật của con người trải trận mạc có tác động tâm lý. Tôi cảm thấy thánh thơi hơn, không bị hút vào sự im lặng ghê rợn. Chỉ còn thấy hai người hàng binh Pháp lớ rớ loay hoay cạnh bụi tre. Họ cũng tự biết chớ có loanh quanh đi lại. Chiếc loa giấy khoác bên nách chốc chốc lại đổi bên lắc một cái. Những con ruồi vàng bụng mọng máu to thô lố ở ống chân lông lá lăn xuống. Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên…

Bỗng súng rộ lên một chặp dưới lưng đồi rồi lại tắt ngay. Trong im lặng, liên lạc lên báo ta đã tiếp cận đâm chết một thằng. Tiếng nổ, đấy là chúng nó bắn chặn để khiêng xác thằng chết về. Rồi cứ im im thế đến quá trưa. Vẫn quạnh như tờ (sau mới biết trong đồn vẫn đoán là sắp đến ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh, du kích đến quấy). Đồn Tây ra lệnh phòng thủ và canh gác nghiêm ngặt hơn. Trèo lên cây đồi bên này, tôi trông rõ những người vác hòm đạn vào lô cốt như kiến tha mồi. Chúng tôi lo bữa ăn cho chắc dạ, ăn cơm nắm, thịt rang, các bếp đã chuẩn bị từ chiều qua.

Mặt trời đã ngả vàng khè trong làn sương các khe núi dâng lên. Năm giờ chiều, giờ này máy bay dưới xuôi không lên nữa. Một tiếng ầm, vang bốn phía. Đại bác ta nã thẳng nổ xanh lè bên lô cốt. Nhưng chỉ đoàng đoàng được vài quả, nền đặt pháo của ta bị lún, pháo câm. Một khẩu súng, ngay phát đầu đã văng cả chốt đuôi, suýt chết thằng Tây địch vận ngồi đằng sau. Nhưng các khẩu cối thì nhả đạn đều đều, tiếng rền liên tiếp. Lương Ngọc Trác ngồi trên cây nhìn sang phía bên trái, kêu lên: Bên Đại Phác nổ súng rồi.

Bộ binh xông lên đồn, lúc ấy trời đã tối hẳn. Khoảng gần tám giờ tối chúng tôi vào được sân đồn Đại Bục, cái chỗ lúc trưa trông sang thấy lính Tây, lính Thái trần trùng trục vác hòm đạn. Bóng tối và khói mù mịt. Bờ rào dây thép gai tan tác. Thằng đồn Tây mặc váy áo giả làm đàn bà Thái chết dưới chân một luỹ đất. Nhưng trên cái lô cốt cao cắm cờ tam tài giữa sân, đạn vẫn nã xuống. Những mũi xung kích chiến sĩ cầm mác dạt được vào núp ngay bên bờ tường lô cốt, chặn bọn trên chòi thoát xuống. Chúng tôi vào làng tề cạnh cổng đồn đương đùng đùng cháy. Không biết lửa du kích chiếm làng đốt hay đạn trên lô cốt bắn xuống. Chiếm được đồn rồi mà khắp nơi cứ loạn xạ.

Cái trống nhà chánh tổng treo đầu hồi ngoài sàn không biết ai đã khiêng ra vứt lăn lóc đấy. Một đám vác xác người chạy qua. Nguyễn Tuân, quần áo đen như hung thần hiện lên, tay cầm dùi trống, mấy chiến sĩ quay ngược nện báng súng vào mặt trống. Cả đám người đánh trống ngũ liên thúc trận hạ lô cốt cuối cùng lừng lững trước mặt. Mấy tên lính Thái gan lỳ vẫn dai dẳng bắn xuống phát một. Nhiều chiến sĩ ta bị đạn tỉa chết. Một tổ tiêm kích bắc thang trèo lên thả lựu đạn vào lỗ châu mai. Im lặng hết trong lô cất. Đã hơn tám giờ tối. Những cái đầu lâu được ném từ trên lô cốt xuống. ở tấm ảnh Hạ đồn Đại Bục trong pho sử Quân tiên phong, giữa hàng quân ta có hai chỗ chấm trắng trên đầu gậy. Đấy là vết hai thủ cấp hai thằng trên lô cất cố thủ.

Nửa đêm, cả ban chỉ huy lên một cái nhà sàn còn sót lại trong xóm xung quanh vẫn cháy rực. Chiếc dùi trống thò một đầu trên ba lô Nguyễn Tuân. Cạnh bếp, một thùng rượu vang to bằng cái vại sành bên gốc cau đã toang một mặt ván. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng, mới chiều hôm qua ở bên kia sông, mặt mắt còn phẳng phiu, bây giờ hàng râu quai nón đã trổ đen ngòm. Tiểu đoàn trưởng giơ bát rượu vang: Đúng hẹn với các anh nhé. Chúng ta vào uống rượu vang giữa đồn Đại Bục. Nào, các anh? Mời ông Nguyễn? Một lúc, Nguyễn và tôi nâng hai bát trước mặt, nhưng không mừng đụng cốc. Chúng tôi vừa được tin về Két, Két đã ngã xuống ngoài lô cốt. Chúng tôi uống im lặng viếng hương hồn người bồi bàn chiến sĩ trinh sát trung đội trưởng Két.

Mấy hôm sau chiến dịch chuyển sang sông Chảy, Nguyễn Tuân vẫn ở lại với 54. Tôi theo đội võ trang tuyên truyền lên các làng Mán Sừng trên rặng núi Voi rồi xuống với Trần Đăng lên mặt trận Phố Ràng.

Bao nhiêu lâu rồi, chúng tôi vẫn thường có dịp thăm hỏi 54, tiểu đoàn em nuôi. Trú quân ở Kép Le, về Lai Xá, ở Hoà Lạc. Luyện quân ở Định Hóa, lửa trại đêm Hà Nội giữa rừng. Chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952. Lại mới năm trước, cuộc tiễn đưa đơn vị tiến vào đánh bao vây Khe Sanh. Lần lên với đơn vị đóng quân trên Hoà Lạc ở Sơn Tây, thoắt đấy mà ba mươi năm đã qua, cả đoàn người chiến dịch sông Thao bấy giờ còn lại mỗi một bộ đội Sửu thợ rèn, tự vệ Ô Cầu Dền, nay là chính trị viên trung đoàn.

Cái tình với chiến sĩ và với trung đoàn Thủ đô của Nguyễn Tuân tuyệt nhiên không phải ngẫu nhiên. ấy là thói quen đến nơi đến chốn, chăm chút, ý nghĩa của một kỷ niệm. Người con trai lớn của Nguyễn Tuân đã là một trong những cán bộ chỉ huy đầu tiên của đơn vị từ sáu mươi ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội ở Liên khu I. Có khi, đi chơi với Nguyễn Tuân và Xuân Trường, người con trai ấy bây giờ là một tướng lĩnh trong quân đội. Chúng tôi về quê Nguyễn Huy Tưởng ở Dục Tú. Ba cái xe đạp thong dong sang Đông Anh. Thời cụ tú Hải Văn bố dắt con vào nhà ả đào Hàng Giấy, đến thời bác Nguyễn, khác mà không khác, cái tình vẫn một cha con ấy. Cũng như khi gặp lại Két trên bến Mậu A. Ông khách kỳ lạ để nhớ vẫn thường khai vị bằng rượu mạnh.

Hai người cũng vào Đại Bục nhưng không bao giờ còn gặp lại người nhà bàn cũ ấy nữa. Mỗi khi ngồi trông ra sóng hồ lăn tăn lẫn bóng liễu, bóng chiều, bóng bia hơi và sáng đèn quanh chân cột sàn nhà Thuỷ Tạ, lại nhớ. Thế mà là thật, những gắn bó xưa sau. Vui chuyện, Nguyễn Tuân hay nói một câu, một câu nói đi nói lại:

– ừ! Phải viết chuyện ấy rồi phải viết.

Những từng trải và kỷ niệm cả đời thúc giục, đã viết ra đấy, nhưng chưa được mấy. Mỗi ngày qua trở thành một thấm thía, khi chợt nhớ, đêm nay ngồi quán cóc ông lão 81 lại nhớ người hầu bàn nhà Thuỷ Tạ Bờ Hồ xưa kia.

Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà phải là hợp khẩu vị, ngon theo ý mình. Lọ muối vừng, hộp nước mắm chưng, cái gác-măng-dê trữ trên ba lô, thời chiến và thời bình, vẫn thế. Nguyễn Tuân sành ăn và kỹ tính tuyệt nhiên không xô bồ. Nắng oi quá, nhắm rượu mướp đắng giải nhiệt, nhưng không xơi mướp đắng mắm tôm như người ta. Không bao giờ đụng đến mắm tôm chợ. Ăn tinh đến thế, mà lại kỵ tỏi, mùi tỏi.

Tôi vừa đến, mới ngồi đã bị hỏi:

– Có phải cậu vừa ăn tỏi?

Nếu tôi ừ chắc Nguyễn Tuân sẽ bảo tôi đi đâu mai hãy trở lại. Tôi đáp:

– Không phải.

Cái mũi thính có vẻ bớt khó tính với tôi, nhưng lại lẩm bẩm:

– ở nhà dưới lùa lên?

Sợ mùi tỏi, ông voi to đùng sợ con kiến. Cũng lạ, cái lạ mà bình thường. Bài bút ký Phở đã đưa tác giả vào hàng những tay cực thạo món quà này. ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Không đụng đũa vào bất cứ thứ phở nào khác. Thịt bò chín, nạm hay mỡ, bánh vừa phải không nẫu vồng lên, không thái săn và thái máy như Sài Gòn mà Nguyễn Tuân gọi đùa là vằn thắn phở. Xúc bánh xong, thái thịt lồi bày lên rắc hành hoa và hạt tiêu – không ớt, mặc dù thích ớt cay. Ông nào phở xào, tái sách, tái dúng hay tái lăn, sốt vang lại đập quả trứng, thêm một cục mọc thịt lợn, một miếng giò lụa, hay phở thịt gà, thịt ngỗng, thịt chó rựa mận, thì tùy. Tôi không ăn phở để tẩm bổ. Lùa thật nhanh, ăn thật nóng, lên hết chất phở, thú nhất. Không hành tây, mùi tầu, húng chó, không thêm nước mắm, dấm ớt, tương ớt, không mỡ váng, không mỳ chính, cốt thưởng thức cái tinh tuý của nước dùng xương.

Tập ký Băm Sáu phố phường của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Doãn, bát phở rỏ mấy giọt cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân thường cười: cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dọc tẩu xuống ngon hay không ngon kể cũng đáng viết cho ra nhẽ.

Khoảng những năm 55, đôi lần Nguyễn Tuân còn ăn phở gánh ở tầng trệt nhà Địa ốc Ngân hàng, chỗ quán rượu Hoàng Gia cũ. Hàng phở này mở từ những năm thành phố còn bị chiếm. Rồi đến dạo quà phở thành cơm phở, người thành phở ăn phở lấy no, thì Nguyễn thôi ăn phở. Bút ký Phở cũng là vang bóng một kỷ niệm mà thôi.

Nguyễn Tuân có nhiều cái không thật bất ngờ. Nguyễn chưa bao giờ cưỡi ngựa, không biết ngồi ngựa. Đạo diễn Phạm Văn Khoa làm phim Chị Dậu, Nguyễn Tuân đóng vai chánh tổng cưỡi ngựa đi đốc thuế. Chủ nhiệm phim đi thuê ngựa, phải thuê cả người chủ ngựa đóng vai dõng đứng giữ cương cho ông chánh tổng ngồi trên yên, chưa đến nửa phút. Nguyễn Tuân chỉ đi chơi biển, không tắm biển. Dễ hiểu: Nguyễn Tuân không biết bơi, dù bơi chó hai chân đạp tầm phòng. Đọc ký sự Ra đảo của Nguyễn Khải kể về hành trình Nguyên Khải vượt biển ra đảo Cồn Cỏ, Nguyễn Tuân khoái riêng cái anh nhà văn trẻ này ngồi thuyền ra Cồn Cỏ dưới bom và tàu chiến địch quần xung quanh mà không biết bơi, nhát nước chẳng khác Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân chẳng thiết cái quán bát nháo của ông lão 81. Nhưng đến đây là một cơ hội để nhớ. Tách cà phê bít tất hay chén rượu có nhạt, cũng không quan tâm, chỉ bởi nó đem lại được cái cớ Nguyễn Tuân kéo mẩu ghế ngồi. Dáng ông lão gày gày, bộ quần áo nâu non còm cõi, lom đom. Nguyễn Tuân nhớ những cái khác. Mỗi đêm ngã sáu, từng người lại tìm về những kỷ niệm của mình. Những năm ấy chưa có mấy quán cà phê, quán nước bán kèm nước trắng. Tôi không được biết Nguyễn Tuân thời xưa kênh kiệu tàn nhẫn thế nào, chỉ thấy bây giờ cũng chịu khó chơi tạp, chỉ có điều là ngồi đối diện đấy, nhưng không nhìn mặt ai. Cái ác khẩu của nhà văn này thì khỏi nói. Tao mà chết, nhớ chôn theo với tao một thằng phê bình, ai đã bịa ra mà kể lại thế, nhưng giá ở dưới âm ty, thằng phê bình chẳng may nào đó bị chôn sống, lại mời ông đi uống rượu rồi đi chơi đảo Cát Hải thì chắc ông cười xoà, làm lành ngay. Vẫn cái khó khăn hay cái dễ dãi chỉ vì mình. Đã thích thì cứ cầm lấy, một quyển sách mượn không bao giờ trả, một nhánh hoa địa lan cắt thẳng ở chậu vừa hỏi chủ nhân vừa cắt.

– Ông 81 mới đổi mặt hàng. Có cái rượu hay lắm.

Trước cái chõng, ngọn đèn hoa kỳ nhoè nhoẹt. Cũng không ai để ý những bày biện mới, lọ lạc rang lại lọ kẹo bi xanh đỏ nhờn nhợt, quà dỗ tiền trẻ con. Ông lão đương cù rù, lẩn mẩn bóc củ hành khô. Vỏ hành kêu tanh tách như bật ngón tay. Cái chảo mỡ bắc ngay cạnh. Đậu nghệ chấm muối hay đậu rán, những mặt hàng mới. Thêm mấy cái ghế lõi giấy ép cuộn chỉ nhà máy sợi bên gốc cây đã xây vuông viền quanh thành cái bàn. Bập bênh như chiếc ghế ngất ngưỡng trước quầy rượu, cũng hay hay.

Tôi nói:

– Ra cái ông 81 này đã làm bồi cho Grapphơi ở Huế, ông Nguyễn ạ.

Nguyễn Tuân gật gật:

– Grapphơi công sứ Trung Kỳ.

– Tôi mới nghe ông ấy kể.

Chờ đợi sự ngạc nhiên, nhưng Nguyễn Tuân chỉ ừ thế rồi nhìn bộ quần áo nâu bạc của ông lão đồng chiêm xa lạ. Ông lão mọi khi cứ lặng lẽ lúc có khách, tự dưng bỗng bật nói:

– ở Huế làm bồi, tôi kiêm cả chân bếp. Chả là mỗi lần cả nhà nó đi pích ních, Bạch Mã tôi phải lo các thứ, đâm ra thạo. Miếng giăm bông hun khói tôi cũng làm lấy được, khét bỏ mẹ lại khen ngon. Người Tây lắm cái ngược đời, còn An Nam mình thì khôn ngoan, hay xỏ ngầm. Thế mới chết chứ. Tôi làm ăn lương gấp rưỡi. Nấu nướng cho Tây chẳng khó như cao lâu Tàu. Hành mỡ phi thơm lừng, Tây nở mũi, thế là khen buồng. Các ông để ý xem, hèn nhất là cái mặn muối, thế mà Tây ăn cứ phải có lọ muối trắng như bát hương mả tổ nhà nó để giữa bàn. Động một tý lại rắc muối, thế thì mất hết mùi vị, các cụ nhà ta kén đến hàng chục loại nước mắm vẫn còn chưa bằng lòng kia mà.

Câu chuyện của ông lão quê mùa mỗi lúc một sang trọng phố phường, bắt đầu từ Huế lên Bạch Mã đến khi Grapphơi hết hạn ở Đông Dương về Pháp đem theo cả thằng bếp giỏi. Thế là tôi phú bà đầm nhà tôi về quê, bảo là cho tôi đi kiếm cái vốn. Tôi đi xêlibạt ba năm bôông bêêng bên Tây. Các ông ạ, nói thực chứ ngủ với đầm chán bỏ xừ. Nó bắt phải đùa cả đêm, nhọc lắm.

Thế là ông lão hơn đứt chúng tôi rồi. Cao hứng, Nguyễn Tuân chốc lại hỏi một câu về núi Bạch Mã, chén rượu để vào vè gốc cây sấu đã cạn từ lúc nào. Phong tục và khách khứa ở những quán còm cõi chủ hàng hay đuổi khéo khách không uống thêm mà còn bè nhè, thế mà ông lão vẫn để yên. Những câu chuyện của ông 81 đã làm chúng tôi lẫn lộn gốc sấu, gốc xà cừ, gốc cây sữa với những gốc thông và bậc đá tảng boongalô trên Bạch Mã. Tôi ngồi hớp những chuyện trên vùng núi nghỉ mát ấy và chuyện chơi bời bên Tây mà tôi chưa được biết đến bao giờ, chỉ nghe cũng như thuộc. Ông lão 81 vẫn bóc hành. Bây giờ tôi mới để ý bàn tay bồi bếp suốt đời ấy to bè bè, mỗi ngón như trái chuối mắn khác hẳn khổ người thấp bé, gày úa. Gia vị chuyên có củ hành Cái hành củ già mới hăng, không như hành hoa, hành lá nhạt thếch. Rồi khách hàng cũng đâm ra nghiện hành khô theo chủ quán. Các ông ạ, hôm nay có ngầu pín. Từ dạo chú khách ngoài phố Huế đóng cửa món cháo ngầu pín, thỉnh thoảng ông 81 xuống lò mổ mua chui được mấy cái. Da bò, thịt tái và dái trâu dái bò hồi này hiếm hẳn. Nghe nói mậu dịch thu mua, da thì vào nhà máy thuộc da, còn ngầu pín để xuất khẩu đi Hồng Công. Lão 81 hay khoe của lạ, mà không bao giờ vui chén với khách.

Lão chỉ nhìn người ta uống và đợi được khen hành phi thơm sực mũi. Lão giữ đúng quy lát nhà bếp nhà bàn có cái thú ở sự ngắm người ta thưởng thức – Nguyễn Tuân bảo thế. Nhưng vẫn rôm rả chuyên Bạch Mã và bên Tây. Mỗi câu đối đáp như nói cho mình nghe. Lão ấy cũng khoái nhớ chứ! Nhớ vui hay nhớ buồn, nào biết được với lão. Có lần tôi nói với Thanh Tịnh khi đọc những hồi ký ông viết về thời làm nghề hướng dẫn du lịch rằng ông nhớ lâu quá, Thanh Tịnh sáng tác ra một câu ngạn ngữ, nhớ lắm, khổ nhiều. Ôi tội cho những người nhớ lâu.

Chúng tôi đưa một khách Ba Lan ra ngồi gốc cây ở đấy. Nhà văn Dukôpsky đã lên mặt trận Điện Biên nhưng A.Covanepsky, nhà văn Ba Lan này đến Việt Nam khi hoà bình đã lập lại. Ông nhà văn hình thù cổ quái ấy chuyên viết phóng sự về đời sống loài vật. Covanepsky đã ở rừng châu Phi, đã qua suốt mùa hè trên ngọn sông Amagiôn và ở cả năm trong vùng muỗi rừng đương khai hoang mở đồn điền chuối bên Braxin. Ông đã lặn lội hầu khắp rừng núi thế giới, chụp ảnh và viết về những con vật kỳ lạ. Cơvanepsky đã bảy mươi lăm tuổi, thế mà bạn đọc ông nhiều nhất lại là thanh thiếu niên.

Ông đến làm khách của Hà Nội cuối tháng chạp. ở lại tết Nguyên Đán, mấy khi được ăn cái tết cổ truyền mùa đông ở một thành phố nhiệt đới, nhưng Cơvanepsky lại muốn đến xem mùa xuân tận nơi rừng thẳm có muông thú hoang dã. Ông lên Lai Châu. ở tỉnh lỵ, tết xoè Mường Lay trên các nhà sàn cũng không quyến rũ nổi ông. Ông đã cưỡi bốn ngày ngựa lên Mường Tè. Những địa danh Mường Thanh, Lũng Cú, Mường Tè, Mèo Vạc, ngay đối với người Việt Bắc cũng tận đâu đâu.

Trời rét ngọt, gió cuốn dưới lòng đường lên như cắn vào mặt. Chúng tôi vác đến một chai rom Sanh Giam mua ở khách sạn Mêtrôpôn. Uống cà phê bít tất pha rượu hảo hạng Nhưng không ai lưu tâm cà phê hạt muồng với cái rượu ngon nhất nước Pháp mà là ngồi ở chỗ này để tưởng tượng ra đồng không mông quạnh cho ông nhà văn rừng rú quê ở châu Âu ấy trò chuyện. Ông kêu chán phòng ăn, phòng ngủ khách sạn từ hôm ở Mường Tè về. Ông đòi đổi khách sạn Mêtrôpôn cho ông đi ở nhà sàn. Kiếm đâu ra của hiếm ấy ở đây.

Nhưng rồi vài hôm đã quen lại dần. Cây sáng kiến ăn chơi Nguyễn Tuân nghĩ ra cách tối ấy đưa khách ra ngã sáu. Vừa đẹp trong ý nghĩ chúng tôi. Cái lão nhà văn thế giới Cơvanepsky này có thể được gợi hứng thú khác. Rằng ở giữa nơi chơ vơ trông nghiêng qua mặt đường nhựa phẳng lặng bóng ngọn cây cao cao đằng xa, ánh đèn lốm đốm nhứ đêm sa mạc. Tôi đã cưỡi lạc đà qua sa mạc Gô bi, vào Mông Cổ. Nhưng chưa được tới nơi nào như Mường Tè – Ông cười, một chiếc răng hổng. Có điều không nơi nào như Mường Tè, ông vừa kể lại và đưa tấm ảnh chụp ở sân huyện uỷ.

Cơvanepsky vịn vai một con gấu ngựa, gấu thật. Con gấu áng chừng hai ba tuổi cao to bằng người. Hai chân sau đứng, một chân trước đặt lên vai áo. Một tay ông nhà văn, ông già tuyết Nôen để trên đầu con gấu.

– Không phải gấu độn rơm của thằng thợ ảnh ở vườn hoa các nước châu Âu. Gấu thật. Tôi chưa được thấy đâu nuôi gấu trong nhà. Đến bữa ăn, gấu ngồi chầu gầm bàn, nhặt cơm vãi. Lạ nhất thế giới!

Tôi không dám nói, làm ông cụt hứng. ở giữa thành phố này người ta cũng nuôi gấu, mua bán gấu như chó con. ít lâu sau, tôi trông thấy con gấu Mường Tè ấy ở một trang họa báo Ba Lan của một ông nghề chào hàng phụ tùng ô-tô đem đến. Nguyễn Tuân vốn thích tranh áp phích Ba Lan. Ông chào hàng mới quen này lại là một ông Ba Lan. Cũng chuyện thường ngày mà lạ, cái ông chào hàng bỗng nhiên chúng tôi quen. Hôm ấy, sân khấu ngoài trời Nhà hát Nhân dân diễn tuồng hồ quảng tích Lương Sơn Bá Trúc Anh Đài của một đoàn hát Quảng Tây sang. Chúng tôi đi xem, tình cờ ngồi cạnh một người Âu. Trong lúc đợi mở màn, ông ấy đã mau miệng tự giới thiệu. Biết tiếng Pháp, tiếng Anh, Mariam Stvensky người của hãng sản xuất phụ tùng ô-tô du lịch chuyên đi chào hàng. Nghe đệm họ Mariam, đã biết là một người Do Thái Ba Lan. Ông nói lần đầu tôi đến Việt Nam. Lần thứ hai tôi đi xem nghệ thuật kịch Việt Nam. Nguyễn Tuân bảo là tuồng Trung Quốc. Ông Stvensky nhất định rằng đây là kịch hát Việt Nam. Hôm nọ tôi được xem rồi. Có những người tốt bụng, nhưng tính ương bướng thế. Không thể lay chuyển được cái điều lão đã đinh ninh.

Nhưng lão rất vui, nhận lời hôm sau lại gặp nhau để tiếp tục tranh luận xem vở kịch hát là của Trung Quốc hay của Việt Nam

Gặp cái lão gàn dở vô lý cù không cười kiểu Saclô, Nguyễn Tuân tỏ ra thú vị. Chúng tôi hẹn Mariam đến nhà Buđa. Buđa ở phố Hồ Xuân Hương yên tĩnh, lại ở một mình, tha hồ nói to. Thực đơn: chai rượu vang của Nguyễn Tuân, lão kia sẽ đem đến rượu vốt ca Ba Lan và xúc xích hun khói – đúng khẩu vị Nguyễn Tuân và kết thúc bằng bát cháo gà ở ngã sáu dốc Hàng Kèn gần đấy. Buđa không biết lão Mariam, nhưng tôi đến đặt tiệc thế, Buđa nhận lời ngay.

Tôi mới quen Buđa những ngày ở Thái Nguyên về Hà Nội, nhưng đã nghe kể về Buđa từ khi còn trên Tuyên Quang. Làm việc nhà xuất bản Ngoại Văn, Buđa đã dịch ra tiếng Pháp Dế mèn phiêu lưu ký và Truyện Tây Bắc của tôi. Giáo sư một trường trung học Sài Gòn, Buđa đã trốn ra kháng chiến ở miền Đông rồi được lệnh vượt Trường Sơn bảy tháng ròng rã ra Việt Bắc năm 1952 để làm việc ở đài phát thanh. Cuộc đời thật dữ, mà anh chàng thì ngơ ngác hiền lành. Bạn bè gọi tắt chứ tên anh là Gioóc Buđaren! Buđa cũng có nghĩa là ông phật, hợp với con người lù đù ấy. Có những tù hàng binh Pháp, thằng An, thằng Bình hay đóng các vai Tây trong các phim Chung một dòng sông và Vợ chồng A Phủ – những bộ phim vỡ lòng của Xưởng phim truyện, bọn này cả ngày loăng quăng xe đạp lượn phố tán gái. Khối cô mê thằng An. Buđa thèm lấy vợ mà đành chịu. Anh chàng chỉ thạo sách vở. Một lần, Buđa đi thăm Điện Biên Phủ, gặp ở Tuần Giáo một cô gái Thái lai Tây. Buđa mê quá. Nhưng cả một buổi tối ngồi uống cà phê cô ấy pha và im lặng. Chỉ say sưa khi về Hà Nội kể lại. Và câu chuyện tình ngậm miệng ấy cũng qua đã nhiều năm rồi.

Chai vang Pháp của Nguyễn Tuân đặt giữa bàn. Lịch sự, chủ nhà mua thêm hai chai Boócđô. Mặc dầu chỉ nửa cốc vang Buđa đã bị dị ứng mẩn ngứa đỏ khắp người không chịu được. Tây mà không uống được rượu.

Ai đã tổng kết từ lâu rằng uống vang với phó mát – cách uống cổ điển, ngon nhất. Ông bạn tình cờ đã tự đổi thực đơn, tự khen mình và có nhận xét thế. Bởi vì cái ông Ba Lan vui tính bán phụ tùng ô-tô đã mang vốt ca đến với một bọc phó mát và bánh mỳ gối. Ông này cũng không bợm rượu mấy. Thành thử, chỉ còn có hai người chúng tôi không tế nhị. Cái vang Pháp đỏ sẫm sao mà nó chát sướng đến thế.

Một Tây, một Ba Lan khoái chí nâng cốc và nhìn hai tôi cạn cả cốc như uống bia. Ông Ba Lan nói to:

– Tôi đã nghe Dukôpsky nói chuyện về Việt Nam trước khi sang đây. Một người Ba Lan đã có mặt trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tuyệt vời. Còn con gấu chụp ảnh với một nhà văn đồng bào của tôi đây này, tôi tặng các bạn tờ họa báo. Rồi lão lại giở chuyện hôm qua.

– Vâng, những tối kịch hát Việt Nam, hay lắm. Không thể thêm một câu nào khác với một người chỉ cho là mình đúng. Nhưng Buđa ngơ ngẩn hỏi:

– Đoàn kịch hát Trung Quốc đương diễn ở nhà hát Nhân Dân?

– Không, đoàn nghệ thuật Việt Nam. Tôi đã đến Bắc Kinh, Trung Quốc hát khác.

– Có diễn viên Hồng Tuyến Nữ nổi tiếng.

– Đều là Việt Nam. Tôi biết mà.

Câu chuyện đùa cợt dằng co, miên man, buổi tối không hẹn mà nên. Mariam Stvensky kể bốn giờ sáng mai đã sang sân bay. ở đây về là xếp va li.

– Không sao, phải tranh luận cho đến được sự thật, sự thật chỉ có một!

Chốc chốc lại hura: nghệ thuật muôn năm. Ông Ba Lan ôm tôi đứng dạy nhảy, một tay giơ cái ảnh con gấu Mường Tè. Hu ra, hu ra. Phụ tùng ô-tô, phụ tùng ô-tô cũng là nghệ thuật. Buđa hào hứng: Cho tôi uống! Cho tôi uống! Rồi sẽ nằm gãi một tuần lễ, không sao, không sao.

Mariam tiếng Pháp giọng mũi, giơ cốc trịnh trọng:

– Hãy nghe tôi nói. Người bán phụ tùng không chào hàng đâu, mà nói về triết học. Thứ nhất, chúc con người tiến tới bằng cái ô-tô, nhân loại sẽ đến được thời kỳ trong người hỏng hóc bộ phận nào thì thay bộ phận ấy. Thứ hai, bấy giờ ở ô-tô cơ thể của các bạn có cái gì cũ, cái gì hỏng hãy cho tôi biết. Hãng tôi sẽ gửi sang, tôi sẽ đi theo, tự tay lắp máy mới cho các bạn, máy liệt, máy hóc lại chạy ngay. Con người bằng cái ô-tô, hơn cái ô-tô. Hua ra… hua ra…

– Nhưng không có bánh mata (*)

(*Bánh mỳ Do Thái mỏng như bánh đa, người Do Thái ăn với súp lạnh trong các dịp lễ lớn)

– Cũng được. Đây là một lời chúc hạnh phúc.

Khuya rồi, chúng tôi mới ra ngã sáu. Không nhớ chốc nữa ông bán phụ tùng ô-tô – và tương lai, bán cả phụ tùng người phải sang sân bay Gia Lâm. Hơi vang đã nhạt, người cười nhiều quá cũng đâm buồn, những cái bóng chúng tôi đi lẳng lặng.

Phó mát làm bứ bụng, không muốn ăn cháo gà. Vả lại, các bạn Tây không khoái chén súp đêm. Chúng tôi vào chõng cà phê bít tất của lão 81. Làm như phong tục Nga, khi tiễn đưa, mọi người đặt tay lên đầu gối ngồi im với nhau trong giây lát.

Một bác xích lô về khuya, ghếch cái sàn xe rên ken két lên bờ hè. Bên gốc sấu bành rễ sù sì, mảnh gỗ làm bàn, những mẩu gỗ, cái lõi cuộn chỉ dựa cây, dựa tường, mỗi người trầm ngâm nhìn đi đâu. Cả cái lão cà phê số nhà 81 kia nữa, chắc đã làm một chén trước khi dọn hàng. Biết đâu ông lão này, bác Chữ cháo gà, những ông xích lô đầu hói râu rậm, các cụ ngơ ngác vác cả luỹ tre trong làng về đây, hỏi ra thì lão nào, lão nào cũng đã đi bồi bếp, cho tây đầm ăn ra sao thì chúng phải ăn thế đấy, lại đã sang đánh nhau bên Pháp, bên Ma rốc từ thế chiến thứ nhất. Ai cũng đã bôn tẩu sông hồ bằng mây chúng tôi. Ông cà phê đương lơ mơ trời đất ở đâu. Thấy người lố nhố vào, hai cái đầu gối quần nâu lòng thòng đứng dậy.

– May quá, còn cái ngầu pín.

Bác xích lô ngồi ngủ gà trên cái đệm xe, chọt tỉnh nói to vào:

– Tôi, tôi, để cho tôi.

– ừ, chứ bảo mấy ông Tây này ăn dái bò thì các ông ấy chết khiếp.

Lão bếp già 81 cười tủm, vẻ thành thạo:

– Cứ bảo xúc xích nhồi, thì cũng nuốt tất.

Bác xích lô lại nài:

– ấy, để cho tôi. Người mình thì phải dùng cái bổ thẳng một lèo mới kiến hiệu được. Ông Chữ cho tôi bát cháo trắng, rồi thì tống vào đấy dái bò, dái dê, dái chó bao nhiêu cũng cân.

– Được được. Ai cũng đủ. Các vị chơi khuya thế? Ông này người nước nào mà trông giống quan công sứ Grapphơi. Các vị dùng cái đen hay cái trắng?

Lại vẫn quan công sứ, quan công sứ với cà phê hay rượu trắng, lẩn thẩn ăn người đấy.

– Này cụ bít tất, năm nay tuổi giời cụ được bao nhiêu?

– Thưa ông, nhà cháu thất thập rưỡi.

– Thế thì cái thằng quan công sứ của cụ xuống chơi với giun lâu rồi.

Ông cà phê bít tất nói một câu ngắn thôi, nhưng ý nghĩa thì địch được với câu triết lý của ông Ba Lan sắp bán phụ tùng cơ thể con người.

– Các cụ xá cho. Chuyện chiêm bao ấy mà.

Đêm thành phố trên ngã năm ngã sáu bờ hè. Khách đến, khách đi, lủi thủi trong bóng tối, không có báo in, báo tường mà mọi chuyện đâu cũng theo người tụ lại, mỗi người đem đến một chuyện. Những ông Ba Lan và Buđa và ông Aki chẳng bao giờ gặp nữa, mà cứ nhớ như hôm qua, như lão 81 lúc nào cũng quan khâm sứ Grapphơi. Vâng, đã là nhớ lại thì dẫu vui xưa kia cũng là nỗi buồn bây giờ.

Shoisi Aki, mà có tên là Nguyễn An Nghệ, cái người Nhật ấy đã ở với chúng tôi suốt chín năm kháng chiến. Aki đến khi chúng tôi ở núi Thượng Yên, trong một làng dân tộc Dao đỏ giữa một cánh rừng rậm bờ sông Lô trên bến Bình Ca.

Chưa bao giờ cơ quan rúc vào một nơi hóc hiểm đến thế. Nguyễn Tuân ngại nơi này nhất. Đến Thượng Yên, trong cánh rừng ẩm ướt Nguyễn Tuân mới thực sự bị những cơn sốt rét hành hạ. Trước, tiếng là yên rừng, nhưng còn ở ngoài đồi chân Tam Đảo và bên sông Thao. ở xóm núi Yên Dã, đi một quãng ra huyện lỵ Đại Từ, đã là Hà Nội nhỏ của chúng tôi. Câu thơ ngao ngán Sớm nay ra khỏi u tì quốc của Xuân Diệu là để lưu niệm nơi này. Thế mà đến khi chui vào rừng sâu Thượng Yên u tì và ma quái nhà thơ Xuân Diệu lại lặng im. Có lẽ đã quen rồi, mặc dầu ở đấy, trong cơ quan, nửa đêm anh Truật làm kế toán quê Thái Bình đã chết sốt rét ác tính. Nguyễn Tuân cứ đi đâu về, chỉ nằm giữa tre nứa âm u mươi hôm lại sốt, lại rên rẩm thấp khớp. Trần Mai Thiên, con trai Nam Cao, khi bố cháu hy sinh, chúng tôi đón được Mai Thiên, mẹ cháu gửi ở Đại Hoàng hậu địch chiến trường khu Ba ra, cháu đương ở với chúng tôi. Có hôm, cả buổi Mai Thiên ngồi bóp chân cho bác Tuân. Cụ bếp Ban vác củi ngoài rừng về qua, đi xuống bếp, lại lẩm bẩm: Rõ nhà giàu đứt tay. Mời ông vào rừng với tôi đi vài chuyến củi thì khỏi chân ngay thôi. Chẳng khi nào Nguyễn Tuân bớt nghiến ngả tôi về cái chỗ mới của cơ quan ở Thượng Yên. Có khi giận cá chém thớt. Tôi ở Tây Bắc về, đem theo trong ba lô một cái sáo Mèo. Sáo Mèo như ống trúc có cái lưỡi gà bằng đồng. Tôi không biết thổi, những chập tối trong rừng sâu hay lấy sáo ra rên rỉ lên độc một tiếng toè… toè… tôi nhớ tiếng sáo vắt vẻo núi cao trên những thung lũng ruộng bậc thang.

Nguyễn Tuân bảo:

– Ông cất đi cho tôi nhờ. Nghe ông thổi sáo, tôi đau tai hơn đau chân thấp khớp.

Tôi ở bên báo Cứu Quốc đổi công tác về, được phân công tìm địa điểm mới. Cơ quan chuyển ở cây số 7 đường Hà Giang trong xóm Động Móc chân núi Là sang đây. Nguyễn Tuân rỉa róc: Chỗ núi Là không đủ kín mà lại phải chui sang rừng Thượng Yên. Theo thằng này rồi thì sốt rét, rồi bụng báng chết hết. Có thể nhiều người nghĩ như thế, nhưng không nói ra. Chỉ Nguyễn Tuân không dứt ca cẩm. ối giời ơi, ông ở Chợ Rã, ở Tủm Tó, ông nằm đất, ông rang bọ hung ăn, ông xơi thịt lợn không muối thối um lên, ông uống rượu men lá cũng khỏi ốm, ông còn thiết, còn nghĩ đến ai.

Bác Ngô Tất Tố chén thịt lợn lửng cụ bếp Ban đã kho riềng cạn khô vẫn tanh đến lộn mửa. Nguyễn Đỗ Cung ngoài bờ sông vào bắt châu chấu ăn sống. Nguyễn Tuân từ lán ở xuống nhà bếp lững thững đi sau con kỳ đà ra rình bắt gà. Có con trăn gió nằm phơi mình ở bãi cỏ ven suối trên đám lá cải soong chúng tôi sắp xuống hái. Những cái đó thấm đâu với khi tôi ở suối Lửa trong vùng rừng Yên Thế Thượng, ở Píc Cáy núi Phía Bioc làm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Tôi hoá ra máu cá, khi nghe những lời ca thán.

Đến Thượng Yên, Shoisi Aki sốt rét dòng dã, mặt trắng nhợt. Đặng Thai Mai chủ tịch ủy ban Hành chính Kháng chiến Thanh Hoá đã gửi Aki ra cho chúng tôi. ở Tokyo, Aki sang Đông Dương thực tập tốt nghiệp đại học kinh tế. Đương ở Vinh thì Nhật thua trận đầu hàng Đồng Minh. Aki trốn vào trong làng. Đặng Thai Mai nhắn: Aki biết tiếng Anh, có thể dạy Aki tiếng Việt để Aki dịch tiếng Anh. Ai cũng gọi Shoisi Aki là Nguyễn An Nghệ, cái tên Nghệ An kỷ niệm nơi Aki đi với kháng chiến Việt Nam.

Lán chúng tôi ở và làm việc bên bụi nứa rậm rạp góc đồi. Mỗi lán thành một tổ tăng gia. Nuôi gà trồng đậu, rau muống, cải soong. Nguyễn Tuân, Aki với tôi và Nguyễn Đình Nghi. Đôi khi có Phan Khôi Đào Duy Anh, Phan Ngọc bên bến Ngọc sang. Nguyễn Đình Nghi ít tuổi nhất, chủ lực cuốc xới, làm chân tổ trưởng tăng gia.

Mấy năm ở rừng Thượng Yên mà nhớ lại tưởng như đâu một vài ngày. Bởi chỉ khi ra ngoài, đi công tác, đi chiến dịch, quang cảnh và mọi việc mới đổi khác. Trở về trong rừng, ngày ngày lại như thế. Dậy theo hiệu còi, tập thể dục, vác xẻng cuốc xách ống vầu nước tiểu xuống sườn đồi tăng gia rồi lên làm việc, đến giờ sang nhà bếp ăn cơm, họp kiểm điểm cuối ngày, vào xóm người Dao dân vận, dạy học, làm vệ sinh quét dọn nhà, chuồng trâu… Aki nằm phủ phục trong màn, lồm cồm chui ra. Sáng sớm, mở mắt trong đám sương đặc quện. Hình như nằm ngủ, các đốt xương dính lại, bấy giờ duỗi chân tay ra đau ê ẩm.

Aki đã ra ngoài đầu nhà lúc nào. Chắc đã dứt cơn sốt. Mặt vuông bạnh quai hàm, khung xương người cao to gầy rạc. Không phải Aki tập thể dục. Aki ngồi phệt trên mặt đất ẩm. Hai chân xếp bằng tròn, tay đặt trong lòng, mắt nhắm nghiền, mặc mọi người vung tay vung chân, vặn mình, nhảy nhót. Đến lúc ai nấy đã xuống vườn sườn đồi, Aki lẳng lặng đứng dậy, cầm ống nước đái, bước theo. Thỉnh thoảng Aki lại ngồi như thế. Chưa bao giờ tôi hỏi vì sao.

Suốt ngày, Aki cắm cúi bên cái bàn vỉ tre trước giường nằm. Aki chỉ đứng dậy ra cạnh bụi nứa khi nghe tiếng khu trục Spitphai, kinh côbra cổ ngỗng theo sông Lô lên lướt qua. Aki dịch sang tiếng Anh các truyện anh hùng chiến sĩ của chúng tôi viết về Nguyễn Quốc Trị, Giáp Văn Khương, nữ du kích Nguyễn Thị Chiên, lão nông Hoàng Hanh… Bản thảo giấy tờ ngổn ngang trên mặt dát giường nứa ngộ.

Những hôm trời nắng, Aki ngồi lặng yên ngoài rừng. Mặt nhợt nhạt màu đau gan. Aki đăm đăm như ban sáng nhập thiền. Một lúc lâu lại vào ngồi trước bàn. Ngày nào cũng thế không nói một câu. Nếu không trông thấy Aki đọc sách, tưởng Aki không biết tiếng Việt. Nghe tiếng gà kêu quét quét, Aki nhỏm lên. Aki ra đuổi kỳ đà. Con kỳ đà mốc thếch như con thằn lằn to bằng bắp chân từ hang hốc nào ra cả ban ngày đương rướn cong cổ nghe ngóng. Cái chuồng gà của mỗi người đặt giữa sân trước mặt, tối lại khiêng vào trong nhà. Những khi con cáo, con rắn bò đến Aki cầm cái sào nứa ra đuổi.

ở nhà bếp, Aki ngồi một góc, ăn nhai hững hờ, nhưng bao giờ cũng hết xuất cơm muối vừng. Không có lọ kem nước mắm, ống bơ thịt kho, nhưng thỉnh thoảng, Aki tẩm bổ một món đặc biệt: chuối tiêu thái từng khoanh mỏng để vào bát, rồi đập quả trứng gà quấy lên. Món sống sít hổ lốn ấy không ai dám bắt chước.

Thế rồi nghe đồn tù binh ở Điện Biên Phủ được giải về thị xã Tuyên Quang. Chỉ mấy hôm không ra mà ven sông Lô đã san sát một dọc những nếp nhà mái nứa. Thị xã mọi khi ban ngày vắng ngắt bỗng đông như hội. Bọn tù ốm nặng và tù bị thương ngày nào cũng được đưa xuống bè xuôi về nơi trao trả dưới bến Việt Trì. Tây trắng Tây đen đi lêu đêu, ngất nghểu. Người da đen chỉ còn thô lố hai con mắt trắng dã. Những tù binh gày yếu quá trước khi thả được giữ lại vỗ béo cho ít ngày.

Quanh thị xã đổ cả ra xem tù binh. Không còn những máy bay cổ ngỗng, B26 lên bom bắn. Người đi đông như mít tinh. Aki ra thị xã, trở về đứng trước lán, nước mắt ràn rụa. Không biết khóc buồn hay khóc vui. Nhớ chín năm trước, khi chạy vào làng, bây giờ Aki bồi hồi sắp được trở về. Vợ Aki dạy đàn piano. Đứa con gái, khi ra đi còn nhỏ. Nếu được bình yên, năm nay mười một tuổi.

Thế rồi về Hà Nội. Mỗi tháng có một chuyến tàu Nhật vào cảng đón những người Nhật lưu lạc còn sống sót ở Việt Nam. ở thành phố mọi việc mới bận rộn. Một hôm, Aki đến chào mọi người, Aki sắp xuống Hải Phòng. Bấy giờ bỗng thấm thía cái xa cách.

Chúng tôi đêm hôm ấy la cà ra ngã sáu. Lui hủi ánh đèn chai, đèn hoa kỳ, gánh cháo gà, chõng cà phê, rượu trắng, đậu nghệ, ngầu pín, lạc luộc như ngày trước đầu xóm các nhà hát ngoại ô hiu quạnh bên Thượng Cát, trong Ba La Bông Đỏ. ở Khâm Thiên bây giờ vẫn còn lác đác vài nhà tom chát không bỏ đi Nam. Loáng thoáng tiếng đàn tưng tửng, tiếng phách… Nhưng chẳng hiểu sao, không phải vì sợ phạm nội quy vào vùng mới giải phóng, chúng tôi chẳng còn háo hức thú chơi như năm xưa. Mà chỉ lang thang tha thẩn các hàng quán phố đông, phố vắng, quanh các rạp Chuông Vàng, Kim Phụng, đương diễn các vở cải lương diễm huyền La Mã kèm cái kịch ngắn chống di cư chẳng mảy may ăn nhập với nhau.

Tôi bảo ông lão 81, ông này là người Nhật. Ông 81 kêu lên: ối giời ơi, nước ta lắm thứ người quá. Lúc nghe ông Nhật sắp về nước, ông 81, quên cả thói tục dửng dưng của người hầu bàn, đã uống góp một chén với khách. Chúng tôi ra ngồi sưởi trước cửa lò sau nồi cháo đã cạn sôi sùng sục. Dễ đã quá nửa đêm. Gió ào ào lòng đường, sột soạt miếng ny lông trên lưng ông xích lô đầu quả gáo như lão quan tàu Tưởng thất thế vào giờ này tà tà đến làm chén rượu với bát cháo ấm bụng rồi ra ga Hàng Cỏ đón tàu chợ dưới Phòng lên. Lão cà phê bít tất nói vọng ra như khoe cho mọi người biết:

– Ông ấy là người Nhật?

Bác cháo gà Chứ nhăn nhó ngước cặp mắt lông quặm kèm nhèm nhìn đám khách muộn. Chắc chẳng rõ ra người nào người nào, nhưng bác gật gù: Nhật à, giô tô nay, giô tô nay. Tự nhiên nhớ mấy chữ cóp nhặt chế giễu của người thành phố này mỗi thời kỳ biến động đều vẽ nên được bức tranh thế sự bằng chữ nghĩa, ai cũng xì xồ vài ba câu: mét xì bô cu, măng giê ca ca… hẩu sực, tả lớ và vài năm có người Nhật đến lại thêm arigatô… giôtônay… Bác Chữ chắp tay, cung kính: Mời các ông ngồi’. Mấy chiếc ghế con được khớp lại thành bàn. Những mẩu củi trong lò đã vạc than được vét ra mặt đường làm đống lửa sưởi cho mấy ông khách sau cùng. Bác moi ra cái chai rót đều, lại bưng một chén vào lão 81.

– Chẳng nói giấu gì chư vị, nhà em vừa làm một chén rồi. Lâu lắm mới lại trông thấy ông giôtônay, em xin hầu chư vị chén nữa.

Gió sởn quanh gáy, không ai biết cơn lạnh thít người. Bác Chữ cất chai vào ngăn kéo lại lôi ra hai thanh tre mà mỗi hôm vừa đặt gánh, thằng con trai bác đã đi các phố quanh quanh chõ vào đầu ngõ gõ sực tắc, sực tắc’ cho mọi người biết cay hạp trúc sực tắc cháo gà đã đến.

Thanh tre kê xuống mặt đường nhựa, thanh tre sực tắc thành cái phách.

– Nhà em xin hầu cán bộ một khổ.

Hãy còn giăng gió gió giăng

Đừng lo lắng thanh xuân bất tái

Biết rằng ai đã hơn ai…

Nguyễn Tuân hứng chí cầm cái ống khói bếp gõ ngón tay đánh trống chầu nhịp. Ông xích lô đầu quả gáo tưởng đi ngay, nhưng đã lại đương thiu thiu lúc ấy cũng nhỏm dậy. Mỗi người một tâm sự ở cái ngã sáu đường đời này. Chẳng ai đoái hoài đến Aki ngồi yên, nước mắt lã chã. Aki khóc. Cũng không ai để ý những câu ư ử rên rỉ bát nháo gió giăng của bác hàng cháo. Im lặng một lúc lâu. Nguyễn Tuân vỗ lưng Aki:

– Mai đã đi rồi, Tokyo đương đợi anh. Tôi hò chúc Aki một bài đường trường từ biệt Hà Nội.

Hãy giữ lâu được nỗi nhớ cái đêm đạm bạc này.

Chiều chiều mượn ngựa ông đô

Mượn kiệu chú lính đưa cô tôi về

Ngựa ô đi đến quán Lau

Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau gò Điền

Không rõ mấy câu ca dao Phú Yên ấy Aki hiểu đến đâu. Tôi thì tôi bồi hồi nhớ xưa kia những khi họp mặt thanh niên hay truyền bá quốc ngữ nghe Trường Đình Thi giọng Bắc lại hò Phú Ơn kể về người đàn ông lặn lội dắt vợ cõng con vượt đèo xa xứ kiếm miếng ăn. Người đứng cất tiếng hò cũng hốc hác não nề như người tha hương kia. Mỗi khi uống và buồn, Nguyễn Tuân thường bắt chước giọng Trường Đình Thi hò Phú Ơn. Có phải những câu hò ngơ ngẩn não lòng trong đêm lạnh giữa những con người đã trải mấy cuộc đời làm rơi nước mắt xuống đường thành phố như dòng sông miên man, nhớ nhà, mà mừng trở về, không còn lệ ai chan chứa biết đi đâu về đâu như khi ở rừng Thượng Yên, mà khóc cũng chẳng vì lẽ gì. Nguyễn Tuân nhìn Aki. Nguyễn Tuân rút khăn tay chấm mắt. ở câu hò Phú ơn của con người ấy còn ngổn ngang bao nhiêu hơn cái thằng Aki trở về. Làm sao hiểu được những giọt nước mắt kia vì nỗi niềm ai.

(Về Tokyo, Shoisi Aki làm tổng thư ký đầu tiên của hội Nhật Việt hữu nghị. Hai năm sau, Aki lại sang Hà Nội. Nguyễn Tuân gửi tặng vợ và cô con gái Aki đương học nhạc viện mấy thước lụa vân tím màu mận hậu. Chuyến ấy về, Aki bị bệnh gan và mất).

Cụ tú Hải Văn đã cho cậu con trai mới lên mười theo đến nhà hát ả đào Hàng Giấy. Thơ Đỗ Mục, cụ tú dịch:

Mười năm tỉnh mộng châu Dương

Hời thêm một tiếng phũ phàng ngày xanh

Cụ tú Hải Văn, tác giả bài thơ tám chữ độc vận Ai, mà năm 1981, Nguyễn Tuân in tuyển tập đã viết tay trang đầu để trả lời một người chị có nhã ý hỏi về thơ cụ tú H.V. nhớ Huế, xin chép hầu chị bài thơ độc vận ai.

Những là dặm liễu bay hồn khách

Nào thấy mành hoa thoáng bóng ai

Buồm thuận gió xuôi vui mặt bạn

Canh tàn rượu tỉnh giật mình ai

Cầm tay dặn với ba câu chuyện…

Cuộc đời phóng túng và nếp nhà quan các cụ nội đại thần trị nhậm đất Sơn Tây, đã in đậm, đã mờ chồng lên ngày tháng đời con đời cháu từ bao giờ. Nhiều lần Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng và tôi thường lên Sơn. Chúng tôi ngồi bên hào thành, dưới cây sữa. Mặc Nguyên Hồng với bà ‘cai ách bán hàng – khuôn khổ người đẹp kiểu của ông ấy. Tôi hỏi Nguyễn Tuân: Chữ người tử tù, Đỉnh non Tản và tất cả vang bóng của ông đều phảng phất Sơn Tây, thế ông đã đi ả đào ở Đông Tác chỗ gần chốt Nghệ kia chưa?, Nguyễn Tuân tủm tỉm và lặng yên.

Truyện ký Vang bóng một thời, hình ảnh những ngày qua xa xưa. Vang bóng một thời Tây mà Nguyễn Tuân lúc nào cũng định viết, đã công bố trên trang Cùng một tác giả từ khi tập truyện ngắn Vang bóng một thời in lần thứ nhất. Thời ấy, thời Tây, mới thực Nguyễn Tuân, những nông nỗi, những vang bóng của Nguyễn Tuân. Cái này tôi phải viết… Cái này ông phải viết… Viết chứ! ở Tuỳ bút 1, Tuỳ bút 2, Một chuyến đi hay Chiếc lư đồng mắt cua, hay ở những tuỳ bút kháng chiến, những cái đã viết và những cái chưa viết mới chỉ là mành hoa thoáng bóng ai chứ chưa bao giờ Nguyễn Tuân thực đã viết.

Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi. Trước kia, tôi không quen Nguyễn Tuân.

Quãng đầu thập kỷ bốn mươi, báo Hà Nội Tân văn, báo Chủ Nhật mới in của tôi mấy truyện ngắn: Nước lên, Mê gái (Con gà ri), Bãi ô-tô, Một đêm sáng giăng suông. Hình như Nguyên Hồng đã chỉ cho tôi biết Nguyễn Tuân đương lững thững bên kia hè đường Bờ Hồ. Những tiểu thuyết Thiếu quê hương đương in từng kỳ trên tuần báo Hà Nội Tân văn và những truyện ngắn của Nguyễn Tuân đăng các báo Tiểu thuyết Thứ bảy, Tao đàn, Thời vụ, Bạn đường cũng có phần hơi hướng dấu vết trong chữ nghĩa bước đầu đời viết của tôi mà Vũ Ngọc Phan, ở sách Nhà Văn Hiện Đại đã đe tôi nên dè chừng cái giọng khinh bạc học đòi ấy.

Đi bên này hồ Gươm thấy Nguyễn Tuân ngồi trong nhà hàng Hoàng Gia, cái quán rượu kiểu Pháp che cánh sáo ra kín vỉa hè. Nhà văn chơi chua khác đời. Khăn lướt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba toong, chân bít tất dận giày mõm nhái Gia Định. Năm ấy, Nguyễn Tuân cũng chỉ khoảng trên ba mươi đôi chút. Ngoài đường phố chẳng ai ăn mặc kiểu cách khác thường thế, nếu không phải quan tri phủ, quan thương tá ngồi xe nhà, áo sa phủ áo gấm, áo đoạn, vừa ý tứ vừa khoe chiếc bài ngà dây kim tuyến thấp thoáng trong ngực áo. Quán Tavec Royan này chỉ Tây lui tới. Bên trong, nhảy đầm, dàn nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát vươn cổ cò trên cái đại vĩ cầm cao ngang mặt người chơi, những tiếng nảy ra rên gầm gừ.

Nhưng những con người dị dạng này cũng chẳng làm khác mắt mấy cái thành phố không còn đìu hiu, vài năm nay đã nhốn nháo bọn dựa thế Nhật, đầu trọc để trần, áo ka ki ống tay rộng vàng nhạt đi ghệt da cao, lầm lì và nhâng nháo. Chẳng đoán được, Nhật thật hay Nhật mỹ ký. Rồi thì tôi xem Nguyễn Tuân đóng vai người đi săn ở kịch Ngã ba của Đoàn Phú Tứ. Tôi thấy Nguyễn Tuân thoáng mấy giây một cái bóng người y tá khiêng cáng trong phim Cánh đồng ma của Đàm Quang Thiện.

Cũng thấy chán. Nhưng đọc bút ký Một chuyên đi viết về Hương Cảng thì bâng khuâng nhiều. Mấy lần ở cuộc họp tổ bí mật, nghe Như Phong báo cáo thuyết phục Nguyễn Tuân vào Văn Hóa Cứu Quốc, chưa có kết quả. Nguyễn Tuân bảo Như Phong : ở Hà Nội này, đứa nào Việt Minh, đứa nào tờ-rốt-kít, đứa nào Đại Việt, Quốc dân đảng, đứa nào bố láo cách mệnh mồm khoác lác, đứa nào ăn tiền mật thám, tớ biết cả. Nghe nói tợn tạo trắng trợn, Như Phong mượn một quyển sách rrồi ra về.

Những cái biết của tôi về Nguyễn Tuân hồi ấy chỉ mang máng thế.

Đem cái duyên đẹp đẽ mọi bề quàng cho Nguyễn Tuân có thể chưa kín nghĩa, mà cũng không hẳn đúng. Về văn và cả về đời. Có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ, từng chữ. Có người chỉ lướt một đoạn đã không chịu được cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Triết lý và câu văn Nguyễn Tuân không giống vị hoài sơn trong thang thuốc bắc, ghẻ bổ một tý, lại vô thưởng vô phạt. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này, không thể thiếu Nguyễn Tuân. Người kia thì không chịu đựng được. Ô hay, người ta ra người ta thì người ta phải là người ta đã chứ.

Nhớ lại năm ấy, ở gian hàng quà chợ Đồng Xuân còn cái bà nạ dòng khăn nhung áo cánh phin nõn đeo chuỗi hạt cẩm thạch phơn phớt xanh – hàng bún thang ngon có tiếng. Chỉ một bát thang con bún lá, giọt cà cuống thơm một cách khó chịu mà lại không có không được, cũng có thể viết lên một cái gì. Nói bâng quơ, chẳng ra nhủ mình, chẳng ra cho người khác. Những cái ấy phải viết, viết. Như những đêm áp tết, năm cùng tháng tận, lại lấy ra mấy cái đĩa hãng Pa-thé mua được ở chợ Giời, mà nghe ả Đàm Mộng Hoàn… Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán… Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong… Thế nào ông ấy cũng lại nói: Cái hơi của Mộng Hoàn thì sang, nhưng không đẹp bằng giọng bà Chu. Phải viết, cái này phải viết thôi. Những năm về sau, Nguyễn Tuân vẫn làm việc cho viết, khắc khoải sự viết, mà không viết bao nhiêu. ở đây nữa, chính bởi hơi sức và trong tâm sự. Phải đến Nguyễn Tuân viết ra thì cũng một vùng phố xá ấy mới thành tên gọi, mới thành Phố Phái – hai chữ của Nguyễn Tuân sáng tạo đặt tên cho tranh Bùi Xuân Phái. Và trong cuộc chơi, ông cửa hàng trưởng Bôđêga, chú nhà bàn, nhà bếp khách sạn Thống Nhất hay bác Chữ bán cháo gà gõ ống thổi làm phách hát ả đào giọng chèo ở ngã sáu dốc Hàng Kèn, hay khi lên chơi nhà ông Ba trên Nghĩa Đô thì dẫu cho Nguyễn Tuân chưa hề quen, cũng không phải là trùm trò, các chủ quán, chủ nhà đều trân trọng như ông ấy mới là chủ cuộc. Cái duyên ấy xưa nay vẫn như một.

Những năm trước 60, cái dốc ngã sáu Hàng Kèn ban đêm thanh vắng lắm. Những cây sấu, cây sữa cũng chưa như mấy năm sau phải một trận bom Mỹ đánh sập hai ngôi nhà và mấy gốc cổ thụ. Bờ hè dưới hai hàng cây hiu hắt khơi lại cảnh xưa cũ, còn cái bờ tường đắp dòng chữ xi măng nổi Phúc Đình cha, tên hiệu thuốc sốt rét nổi tiếng một thời. Nhớ Cây Thị Hàng Kèn đầu Lê Lợi, cuối Hàng Giò nhiều hơn tên phố mới, đối với chúng tôi. Mấy hàng phở gánh và quán cóc. Nơi ăn đường ăn chợ này không chè chén xô bồ như trên ngõ Sầm Công, chim quay Tiểu Lạc Viên, cà phê phin Ca, cà phê đá Lý Hảo… cũng không ví được với cơm tám Tân Việt, Việt Hương quanh chợ Hôm gần đấy.

Dốc Cây Thị không còn cây thị, hàng quán chỉ rải rác có buổi. Ngồi đây, đầu phố Hàm Long nhìn sang sở Văn Tự, tưởng như lão Tàu Bay còn gánh phở bán buổi sớm. Cũng cạnh đấy, bên dãy nhà mà thời tạm chiếm Pháp đặt đài phát thanh Con Nhạn của quân viễn chinh, hồi Tiền Khởi Nghĩa, đội AS (ám sát) của Việt Minh đã bắn chết Thiên Nga, nữ đặc vụ của Nhật trong quán cà phê này. Nhưng không phải chỗ hàng cà phê của ông cắt tóc ở hợp tác xã chỗ ngã sáu mới về mở, đêm B52 ấy, một vỏ tên lửa rơi gãy võng cái mái hiên. Những biến thiên của con người phố xá, chắp nối lại mà chỉ có ngòi bút Nguyễn Tuân mới phát hiện cho người đọc thấy được những lăng cạnh gốc gác, như muôn vật trong trời đất, khác nhau mà lại dính líu với nhau. Những ngã năm, ngã tư, ngã bảy, người đi lại sinh ra đường cái và mọi sinh hoạt, làm ăn, đắp đổi, người hút thuốc lào thì có người bán đóm, phường chợ thì có người đóng đinh đế giày, ông bán hàng nước chè tươi, ông lão chữa giày dép với khách dừng chân.

Phở Tàu Bay – mà bây giờ ở Sài Gòn có vài ba quán của các bà phòng nhất, phòng nhì và con cháu ông Tàu Bay đã quá cố, cũng đôi chút phảng phất mùi vị phở Bắc, gánh phở ông Tàu Bay xưa đỗ cạnh dốc bên gốc cây thị đầu sân vào sở Văn Tự – không biết tại sao người qua đường lại đặt tên công sở ấy là sở Văn Tự. Có lẽ cũng như chỉ tình cờ một câu bông đùa cái mũ da lưỡi trai hơi dài khác thường của ông hàng so sánh với chiếc mũ phi công mà thành tên phở Tàu Bay, một hàng phở gánh buổi sáng. Thời ấy, sáng, trưa, tối đều đặn cho người ăn quà phở mà không phải là dùng phở đến no. Hiếm cửa hàng phở, hiệu phở, rặt phở gánh, chuyên phở nước. Phở hiệu xào ròn, xào mềm, tái lăn, sấm vang, bát phở bên đĩa mùi, húng và cút rượu trắng. Phở gánh, món quà nhẹ. Ngủ trưa dậy, tối khuya trước khi đi ngủ. Không ai khai tâm chén rượu lúc ăn phở bát. Thịt bò chín từng tảng, cũng chưa rạch ròi mấy chỗ nạm, gầu, mỡ hay nhừ. Trong cái bát chiết yêu loe miệng thắt đáy, nước dùng bốc khói mà trong như nước mưa li ti nổi chút váng mỡ vàng, lơ thơ mấy lát hành hoa, rau mùi. Làm bát nào, thịt thái bát ấy. Đảo phở, bánh chồi lên quá, bánh chương, ăn phải bỏ dở. Nhưng đạo ăn phở của Nguyễn Tuân có cách riêng.

Trong lòng và vỉa hè ngã sáu quang đãng cứ khoảng mười giờ tối trở đi mới lập loè hàng quán. Những tối thứ bảy, từ đầu Hàng Đào xuống Tràng Thi, đến tận chợ Đuổi, mọi ngã ba ngã bảy đều kê bục, cắm cờ. Các đoàn văn công nhảy xạp ràm rạp. Tiếng Trần Chất hát Chiếc khăn piêu đến đinh tai trong loa. Người xem chen chúc lúc ấy mới vãn. Đội quân cảnh đeo băng đỏ đã bắt đầu đi tuần đêm thiết quân luật. Các gánh lục tào xá cháo gà phải hai ba giờ sáng mới hết hàng. Đã quảy về còn có người gọi theo. Bình yên, chẳng ai nhớ thành phố hãy còn phải quản trị theo chế độ quân sự. Dọn hàng quá khuya đã thành lệ.

Khi có hàng quà, những ngã ba đã văng vắng lại hiện ra bộ mặt khác. Chốc chốc, thong thả qua một xe đạp lênh khênh, tiếng vòng nan hoa quay gió vù vù. Cái xe trâu Trung Quốc nặng như cùm được người ta vác từ chiến khu Thái Nguyên Việt Bắc về. Gánh cháo gà bác Chữ đã dênh hẳn xuống mặt đường nhựa. Chiếc chậu nhôm đựng nước, cậu con trai thả chồng bát vào chậu rồi nhặt ra từng cái, khăn lau miết quanh miệng chiếc bát rếch của những khách ăn mở hàng. Rồi bác Chữ thừ ra. Như còn tiếc đám múa xạp lúc nãy hay sao. Bác Chữ cầm chiếc ống nứa thổi pho pho vào cửa lò mới được cời, mẩu củi hồng rực.

Rồi lại quay ra, ngồi lên bó củi, một tay đấm lưng, tay kia gõ cái ống nứa giả vờ điểm tiếng róc phách, chốc lại tom chát đánh nhịp xuống thành thùng bát, miệng ư ừ giọng mũi như rên :

Nam nhi đứng ở trong trời đất

Quyết ăn chơi cho đủ mùi đời

Sự cùng thông bĩ thái tự trời

Sông có khúc con người có lúc…

Bộ quần áo nâu dày mo nang dưới ánh ngọn điện chao lắc lư trên dây giữa đường. Mặt nhăn nhó đăm đăm, chẳng biết đương phởn hay buồn nỗi hóng khách. Chốc lại cầm ống nứa thổi bếp, xong lại rền rĩ: Nam nhi đứng ở…. Tôi không trông rõ thật mặt cái bác cháo gà Chữ ấy ban ngày bao giờ. Như người với ma, nửa đêm đến rạng sáng thì lặn. Bác Chữ nhìn hò háy trước ánh lửa, mắt ấy không viền vải tây điều tất cũng lông quặm. Dần dần người ngợm ở đâu cứ lẩn thẩn ra, như cỗ tam cúc phải đủ xe pháo mã với năm quân tốt hỉn. Gánh lục tào xá lù lù đến ghé cạnh. Cái ông chè đậu xanh lục tào xá thoạt hiện ra thật oai. Như đức Quan Ngài hồi tiền nhật còn ở ẩn kết nghĩa với ông cháo gà Lưu Bị dưới gốc dâu cây sữa xoè tán lá ba tầng ba lọng vàng điềm về sau làm vua. Lão râu đen dài, trán nhẵn hói bóng lên nửa đầu, khi chưa gặp thời thì quảy hàng mà thôi. Nhưng ngắm kỹ, chưa chắc lão đã bằng tuổi tôi băm lăm lúc ấy. Có lẽ chỉ mới năm trước còn thói quen nuôi râu giả già để trốn quân dịch, nhiều người mắt đảo như chớp, nhưng râu ria lõng thõng.

áp chân tường số nhà 81, ông hàng cà phê bít tất. Cũng là trông hình thù mà tưởng ra, cà phê pha vào ấm nhôm, mảnh vải lọc thõng xuống như chiếc bít tất nâu. Ngọn đèn hoa kỳ lom đom giữa mặt chõng tre, ngổn ngang mấy cái ghế con đặt quanh. Khách ngồi xuống, trông lên mới thấy mặt ông hàng lom khom, bóng loáng nắng gió đồng chiêm. Bộ quần áo nâu non nhờ nhếch, dáng ngơ ngơ như đương lẩm nhẩm ai trả tiền, ai lỉnh mất. Nguyễn Tuân không thích cái cà phê hâm nóng đầu đường thế này. Nhưng vẫn thường ghé xe đạp dựng lên gốc cây xà cừ. Không biết có phải chỉ bởi thói quen xưa cũ cứ tối tối, tôi lại rước tôi ra đường!. Những đêm gió lùa rào rạt mặt nhựa, nhồi thêm thuốc vào tẩu, ngồi tránh vào bên gốc xà cừ gồ ghề – Nguyễn không chịu được mùi hoa sữa, ghét lây cả cái cây. Chén cà phê sành nâu lồi lõm, có khi chỉ nhấp một ngụm, rồi bỏ lạnh ngắt. Dường như ngại tôi có thể vì ông ấy mà áy náy không biết cà phê hạt muồng hay ngô rang.

Nguyễn Tuân nói: Mặc kệ mình. Cậu cứ việc hồi tưởng. Ông anh nghĩ tôi đương nhắm phía một kỷ niệm đâu đó nên mới ưa lai vãng tới đây, bởi biết tôi vốn cũng lạnh nhạt với cà phê. Vào quãng giữa thế kỷ này thành phố và con người đều trải nhiều quãng đời chằng mắt xích với nhau. Tôi cũng như vậy. Tôi đến cái ngã năm, ngã sáu này không phải ngẫu nhiên. Mười năm trước, ven hồ đằng kia, còn những toà biệt thự mọc lên giữa những bụi chuối um tùm. Mặt trận đã lan đến đấy, tan hoang cả. Tôi làm phóng viên của báo Cứu Quốc thường qua lại đây, khi xuống tuyến phòng thủ phía chợ Mơ. Có hôm ngủ đêm lại trong ngôi nhà bỏ không. ở chỗ chúng tôi đương ngồi, tiếng súng và người núp ngã xuống bên mỗi gốc cây. Báo Thủ Đô đăng tin chiến sĩ Nguyễn Thành ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch từ hồ Thiền Cuông tới. Quả bom đầu tiên của quân giới ta tự tạo có lẽ được tung ra ở chỗ kia đấy. Thành phố đương tổ chức tìm đào hài cốt liệt sĩ và người chết đường. Ban ngày, trên vỉa hè đặt hàng dãy những chiếc tiểu khói hương nghi ngút.

ở cái ngã sáu đường đời ấy vẫn leo lét ngọn đèn con của lão cà phê 81, ánh đèn chai và lửa bếp thùng cháo bác Chữ. Mấy cái xích lô tã chốc lại lạch xạch lượn lờ qua. Trông mặt người đạp xe cũng có thể đoán được tông tích, mỗi người đều hằn nét bộ mặt thời gian và tờ lịch hàng ngày của thành phố. Có lão râu xồm khuya về uống rượu húp cháo rồi nằm vắt người trên đệm xe, sàn xe ngủ bên gốc cây. Đấy là các ông chánh, ông lý tề vừa chạy Tây càn, vừa sợ Việt Minh trả thù đã bỏ các vùng trắng ven nội vào đây. Đám cơ sở ta hốt chết trốn vào thành, trẻ hơn và đỡ lầm lì, có thể lại công tác bí mật, không ác ôn như mấy lão xích lô râu rậm kia. Nguyễn Tuân bảo: Cậu có để ý đường phố bên Bắc Kinh lúc gần sáng, những xe la, xe lừa bánh gỗ cao lênh khênh, những lão đánh xe đầu hói như quả dưa hấu ngồi ngất ngưởng trên đống củ cải, vẫn oai phong chẳng khác Tưởng Giới Thạch, Uổng Tinh Vệ thất thế!’.

Tôi bàn theo:

– Lão xế lô, lão lục tào xá này nhất định là tề ngụy cũ. Cả lão cà phê bít tất, lão cháo gà dấm dớ thế nhưng trông tay thoăn thoắt nhặt tiền, xếp tiền thế kia đủ biết.

Nguyễn Tuân hỏi:

– Có nhớ Két không?

– Tay Két trinh sát tiểu đoàn 54?

– Cứ ngồi đây mình lại nhớ nó. Không hiểu sao.

Khói thuốc trong nõ tẩu phầm phập bốc xanh trắng um lên.

Thì ra, ở cái đầu đường đêm hôm chẳng thú vị mấy chút, chính Nguyễn Tuân mới đương hồi tưởng. ở mỗi cái cùng trông thấy, nhưng từng người lại ngờ khác nhau. Thế nào mà ở đây Nguyễn Tuân lại nhớ tới Két chiến dịch sông Thao mùa hạ 1949. Chập tối ấy, bộ đội qua sông xuống đò bến đền Đông Cuông gần Mậu A, rồi hành quân suốt đêm vào hậu địch để kịp chiều hôm sau đánh đồn Đại Bục. Tình cờ, chúng tôi gặp lại Két ở Mậu A, Nguyễn Tuân quen Két của Trung đoàn Thủ đô. Chiến dịch ấy, trung đội trưởng trinh sát Két đã hy sinh, nằm lại bờ bên kia sông Thao.

Đi và đi thực và mộng cả đời Nguyễn Tuân. Làm thế nào đi được, chỉ cất đi được. Năm 1937, Nguyễn Tuân ra Hương Cảng làm tài tử màn bạc. Phim truyện Việt Nam, chủ Trung Quốc thuê một số người ở Hà Nội sang đóng. Tôi đã xem Cánh đồng ma ở rạp Hiệp Thành phố Hàng Bạc – rạp chèo cải lương, thỉnh thoảng chiếu phim phong thần, kiếm hiệp bán vé một hào đồng hạng. Phim Cánh đồng ma đầu Ngô mình Sở. Nguyễn Tuân đóng một vai phụ – có thể lôi người đi ngoài đường vào sắm vai cũng được, đấy là người y tá mặc áo lui trắng, nâng đầu cáng thương, lừ lừ qua ống kính chớp nhoáng một hai giây. Có thế thôi, mà Nguyễn Tuân lặn lội sang Hương Cảng trong lúc năm hết tết đến.

Cũng không phải chơi bời đua đả. Đám hổ lốn đóng phim còn lục đục lừa nhau, chửi bới nhau vì các chủ phim tranh nhau xé đám phu mộ đóng phim này đã làm thêm phim Trận phong ba tồi quá gửi về nước tranh khách trước nhưng không có người xem. Nguyễn Tuân ở trong đám phu đóng một phim. Cũng không ăn cánh với ai. Bà phô tô Phú ho lao gày rạc dâm đãng đến quái dị, chùm trò Đàm Quang Thiện và Nguyễn Doãn Vượng, điểm mặt cũng không phải ai tri âm tri kỷ khiến Nguyễn Tuân phải đắm đuối bỗng dưng lênh đênh đi. Mà cái thúc giục vẫn là những cơn đói đi của mình. Không khó không dễ, không biết ai, chỉ biết một mình. Nguyễn Tuân muốn đến Hương Cảng, nặng nề và nhẹ nhàng, thế thôi. Trong đêm trừ tịch ở hòn đảo phồn hoa nhất châu á, hứng thú và buồn với hồn cốt những trang bút ký Một chuyến đi, chỉ có tâm sự ấy đã giục giã nhiều.

Một đời ao ước phương trời với một cung cách đi. Trong tiểu thuyết Thiếu quê hương, cả một chương mười mấy trang về vùng than với những cảng Rơđông, cửa Điền Công, những cơn gió ngoài vịnh vào đen nhuyễn màu than trùm lên phố biển Hòn Gai. Hồi ấy, Mộng Tuyết – Đông Hồ trong Hà Tiên ra chơi Hà Nội. Hôm về, Nguyễn Tuân tiễn ngoài ga Hàng Cỏ. Nguyễn Tuân có viết về cuộc tiễn biệt ấy trên báo Bạn Đường ở Thanh Hoá, đã cười tiên sinh Đông Hồ, tàu sắp chạy, mà vẫn cùng bạn bè lắc lư ngâm vịnh thù tạc suông không có chén. Còn cô Mộng Tuyết thì lại khéo tưởng tượng ra như trông thấy con người ấy hôm nào mới ở vùng gió than, bão than còn cuốn theo đến tận sân ga. Trên khuôn mặt cháy nắng của người lữ hành, hai lỗ mũi cũng xám đen những than là than.

Cô con gái làm thơ ở Phương Thành nhìn Nguyễn mà cảm động, bởi từ xưa kia cô đã ước mơ thèm một hơi gió lạ, khát thở một bầu không khí trời, nước lênh đênh hàng tháng trên biển cả để rồi đổ bộ trên một bến bờ xa. Trải qua khắp kinh tuyến, vĩ tuyến của địa cầu, để đi tới chỗ bốn mùa tuyết rơi, băng đóng đến vùng sa mạc gió nắng lửa than, trèo tuyết núi Hy Mã Lạp Sơn lạnh cóng và tắm nước sông Hằng, vượt biển Đại Tây dương, qua Hy Lạp, rồi trên lưng lạc đà xem Kim Tự Tháp rồi trở lại thưởng hoa anh đào trong một ngày hội ở Nhật Bản. Ngày hè thì lưu liên các vùng bãi biển ý Đại Lợi. Thu về thì ngồi xem lá vàng rụng theo các pho tượng của Lúc Xem Bua. Bao nhiêu tiếng gọi của Cao Rộng Xa Xăm đã thúc giục ám ảnh mãi lòng thích sống một cuộc đời bấp bênh có nhiều xê dịch, biến đổi của thiếu nữ. Cô thiếu nữ mà ngày còn thơ đã có ý muốn đi tận chân trời. Thuyền khách sông Hương đêm thất tịch. Lạnh lùng trăng nước khúc nam ai… mà ai cảm chung một mối tâm sự não ruột của khách Giang Châu Tư Mã (Trạnh niềm nhớ cảnh giang hồ, bút ký, Phương Thành một ngày thu muộn 1939 của Mộng Tuyết).

Cũng một nòi tình mơ màng như cô Mộng Tuyết, chỉ có rày ước mai ao, thật ra Nguyễn Tuân chưa đi đường bộ quá Mông Dương và đường nước chưa ra khỏi cửa Điền Công tới Móng Cái bao giờ. Phải đến hơn hai mươi năm sau viết trang sách về vùng than, Nguyễn Tuân mới tới Hải Ninh lần đầu, cùng đi với Nguyên Hồng, Vạn Lịch và tôi. Tưởng như khó tin, mà sự thật như thế. Thiên bút ký mênh mang sóng biển Cửa Đại kia, đọc kỹ thì nhận ra phải nhờ tác giả có người nhà ở Cửa Đại, mới đến được. Ngày ấy, Nguyễn Tuân đã viết một truyện ngắn đăng báo Tiểu thuyết Thứ bảy, trên đề: Tặng ông Đỗ Ngọc Côn, nhà máy đèn Móng Cái. Khi này, Phạm Duy làm thợ phụ nhà máy điện, ở nhờ ông Đỗ Ngọc Côn (Phạm Duy: Hồi ký thời cách mạng, kháng chiến – Californie, 1989). Mà ông bạn làm nhà máy đèn Móng Cái ở phố chính Clamoocgăng ấy cũng chưa lần nào gửi tiền tàu xe rủ Nguyễn Tuân ra chơi thưởng thức cái hiu hắt nơi địa đầu. Hàng chữ đề tặng chỉ là một ao ước. Mà phải đến dịp nhờ xe của cán bộ Vạn Lịch, mới ra được bãi Trà Cổ, xuống lái thán ngược sông Mang lên cầu Bắc Luân – Móng Cái, đến Thán Pún – sự bôn tẩu của chúng tôi có công lệnh và dấu đóng giấy đi đường cẩn thận.

Cầu kỳ và khó tính cũng là tính riêng trong cái thích thú ham đi mà không được đi. ở phương Đông còn có cái chơi đi mà không đi, ngồi nhà ngắm tranh sơn thuỷ, nuôi muông thú lạ, uốn cây, gẩy cái lá trúc rụng xuống thế giới bể nước nho nhỏ rêu nổi hòn đá cây si bên hòn non bộ có ngôi chùa mái cong, có chú tiều vác củi qua cầu. Cho thoả cái tưởng tượng mà thôi.

Nguyễn Tuân ở vế người thứ nhất, không phải các ông ngồi rung đùi chơi trời đất thu nhỏ vào cái bể sành và núi non bộ. Mà đôi khi chơi cây cảnh, một chút chắp nối. Ơ hờ, hờn dỗi, bực bội, nhớ thương không đâu gửi vào một nhánh địa lan cánh tím, một con chó đá canh cửa, một quả phật thủ, một hòn cuội suối, một chiếc gối sứ mới đây được bưng ra từ một tiệm hút chợ Cũ Sài Gòn. Nguyễn Tuân chỉ thích đi, nhưng trong mọi sửa soạn còn kỹ lưỡng hơn đi. Mùa hạ năm 1949, Nguyễn Tuân và tôi theo tiểu đoàn 54 Trung đoàn Thủ đô tiến quân vào mở chiến dịch tiêu diệt một chuỗi cứ điểm hành lang bờ sông Thao án ngữ Tây Bắc, các đồn Đại Bục, Đại Phác, Khe Pịa, Ngòi Mác, Mã Yên Sơn lên đến đồn tiểu khu Phố Ràng. Chuyến áy, tôi đi cùng Nguyễn Tuân – được làm quen với Nguyễn chuyến đi đầu tiên. Tôi đã ghi lại:

Nguyễn Tuân xắm nắm quanh cái bi đông nước bọc dạ xanh của anh. Lần đầu tiên ở mặt trận, đi lâu với Nguyễn, tôi mới thấy quá nhiều đức tính của người lên đường. Khoẻ, vững, hành trang không thừa, cũng không thiếu một cái gì. Trên lưng, gọn gàng chiếc ba lô Nhật. Một sợi dây nhỏ cũng có chỗ để rồi dùng đến sợi dây. Cuối cùng, mọi thứ giấy má có thể lộ liễu của riêng mình đều phải để lại căn cứ, không được đem theo vào vùng địch. Chỉ một cuốn sổ nhỏ, cái áo mưa, bỏ vào ba lô vừa phải. Một bao cơm nắm, thêm cái thắt lưng lương khô cuốn chéo ngang mình. Đầy bi đông nước, Nguyễn Tuân đã cẩn thận buộc ghì vào thắt lưng cho khi bước đỡ xóc (Ngược sông Thao, phóng sự, Nhà xuất bản Cứu Quốc 1949).

Trong nghề đi – nghề, chứ sao, cẩn thận đã thành thói quen và cầu kỳ đến đam mê. Sửa soạn cũng là khai thác để thưởng thức được chu đáo. Không phải cứ đứng đắn và khôi hài như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. ở trường lục quân bên Vân Nam về, anh Khoát dạy tôi thuật đi đường giữ được dai sức của Bát lộ quân. Nhanh mười bước lại thong thả ba bước, cứ thế cả ngày chân không biết mỏi. Cẩn thận, mọi thứ trên mình và trong ba lô đều gọi thành con số. Ví như cả thảy đồ đạc có mười lăm thứ. Sáng ra, trước khi đi đếm chỉ có mười bốn. Thế là còn thiếu một. Rõ thật buồn cười, nhưng nếu cười, anh Khoát không bằng lòng. Mọi cẩn thận của Nguyễn Tuân thiết thực hơn, nhưng không thành con số như trên. Ngòi bút chì gài trên túi áo, ngồi đọc cũng ghi lên sách. Không biết đến thế kỷ nào có cái hơn, chứ bút chì trên giấy thì không bao giờ phai. Một tiệp bìa cứng với cái bút chì. Lắm lúc thấy ông bạn đường chịu khó đến vậy, mình vừa để ý, vừa thích vừa ngán ngẩm cho những khó nhọc của nghề đi không biết thế nào là cùng. Lo cho việc đi là yêu đi và biết hưởng thụ đi. Mải mê quên ngày tháng, nhưng tính đếm sửa soạn cho mải mê thì phải nhớ từng ly. Cái phóng khoáng của ông ấy không lẫn với buông tuồng, cẩu thả.

Mà sự chuẩn bị tỉ mẩn của con người muốn khi ta chết đi, da ta được thuộc làm cái va ly cũng khá khác thường. Năm 1961, Nguyễn Tuân lên Hà Giang dự khánh thành đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì. Hoà bình thảnh thơi rồi, nhưng vẫn lại là về rừng, lại đeo cái ba lô Nhật với những sợi dây dù Mỹ buộc màn, không quên chiếc bi đông chiến dịch sông Thao hơn mười năm trước. Giữa đám các thứ lỉnh kỉnh, một xếp giấy bản lau chén bát, một quyển sách đang đọc và mấy thẻ hương mua thửa ở hàng quen cửa chợ Đồng Xuân. Khánh thành đường mới trên rừng thì nhà khách cũng là mấy cái lán cắm ven đường. Hương chống ẩm, chống muỗi đây. Hương chống muỗi, chứ Nguyễn Tuân kỵ mùi tỏi và không chịu được mùi thơm ở các thứ hương ấn-độ cứ thoang thoảng rờn rợn như có ma lẩn quất trong nhà.

Quả nhiên là những nơi ngả lưng dã chiến ở Hoàng Su Phì khách nghỉ đêm ở các lán dân công, nền đất và phên vách mới được sửa sang lại đôi chút. Tối đến, mùi hương ở lán ông khách văn ngào ngạt ra. Vù Mí Kẻ, bí thư huyện Đồng Văn hỏi nhỏ tôi:

– Nó cúng ma hả?

Làm thế nào cắt nghĩa cho ông bạn người Mông này hiểu cho cái thú chơi sưởi mùi hương như thế. Mới như hôm qua, Vù Mí Kẻ năm trước lần đầu về Hà Nội. Nhiêu khê quá, xe liên vận Đồng Văn xuống Hà Giang, lại chuyển ô-tô khác về Phú Thọ. ở đấy, lên tàu hoả. Đoàn tàu xuôi về đến ga Hàng Cỏ, vẫn ngồi thản nhiên ngắm ra phố phường, đường xá, nhà cửa ngoài cửa toa thấy mãi chưa tới Hà Nội. Khi tàu lên đến Bắc Giang mới hỏi ra.

Tôi bảo Vù Mí Kẻ:

– Không phải bác ấy cúng ma. Bác ấy đốt hương cho ấm như ta ngồi sưởi lửa ở trên quê, lại chết được muỗi. Mùi hương sưởi thơm cũng như khói củi gỗ thông ấy mà.

Có lần, Vù Mí Kẻ về Hà Nội, đến chơi uống rượu nhà Nguyễn Tuân. Tôi nhắc lại chuyện hương sưởi ấm ở Hoàng Su Phì. Vù Mí Kẻ trả lời: Bây giờ nói thế thì mình hiểu ngay.

Hồi ấy, Vù Mí Kẻ không tin câu cắt nghĩa của tôi. Có những việc…

Nhưng thôi, lại trở về chiến dịch sông Thao mùa hạ 1949. Nguyễn Tuân gặp lại Két – người chiến sĩ trinh sát mà Nguyễn Tuân vừa hỏi tôi có nhớ không, lúc nửa đêm giữa cái ngã sáu bên gốc cây sữa, cây xà cừ này.

Lần đầu tiên, quân chủ lực mở trận đánh phối hợp lớn, mặt trận dài suốt bên kia sông Hồng ở Yên Bái vắt sang sông Chảy, lên Lào Cai. Chúng tôi theo tiểu đoàn 54, đơn vị chủ công của Trung đoàn, Nguyễn Tuân bỗng gặp lại Két, không ngờ, khi qua sông.

Chập tối, tập kết ở Mậu A. Các chiến sĩ quần áo bà ba đen như chúng tôi. Bộ đội được phát như thế nào thì mặc nấy, áo nâu, áo đen, có khi nhuộm lá cơi, nhuộm pin xanh sẫm, thâm xịt. Đã xế chiều, người ngồi đen ngòm sân đền Đông Cuông. Trung đội trưởng Két trong đám chiến sĩ, người hầu bàn nhà hàng Thuỷ Tạ Bờ Hồ năm trước, bây giờ là trung đội trưởng trinh sát đã trông thấy cái ông nhà văn hay uống uýt ky, quăng trô xếch ở Thuỷ Tạ lúc chặp tối sao ông ấy lại lên tận đây thế này. Mà đội mũ vải ka ki xám, mặt lành lạnh như phái viên cấp trên xuống. Két đến trước mặt Nguyễn Tuân:

– Ông…

Nguyễn Tuân giơ cái gậy tre, nắm tay Két.

– Anh Két! Đồng chí Két! Tôi cũng sang sông đêm nay. Đồng chí ở 54 à?

– Vâng ạ.

Chỉ một thoáng, mọi người hối hả về sửa soạn. Suốt chặng đường vào sâu trong kia, Nguyễn Tuân mong gặp lại Két. Như còn bao nhiêu chuyện máy năm qua chưa nói hết. Suốt đêm ấy, mù mịt bóng sương, hơi nước và lầy lội, hầm hập. Liên tiếp, từng chiếc thúng, chiếc tam bản của các vạn chài cả mấy tỉnh từ Vĩnh Yên, Phú Thọ lên Yên Bái đưa bộ đội qua sông. Đi suốt đến sắp sáng, qua mấy làng tề gần đồn Đại Bục, trông lên quả đồi đồn Tây lù lù đây rồi mà tiểu đoàn bộ với các đơn vị trực thuộc vẫn loanh quanh lố nhố dưới ruộng chưa tìm ra nơi ém quân. Du kích địa phương dẫn lạc đường! Chúng tôi lõm bõm trên những cánh đồng nước. Sau lưng, anh nuôi quảy nồi chảo va vào nhau lông chông, như nhạc ngựa đồn Tây ra đuổi.

Ban chính trị trung đoàn có nhạc sĩ Lương Ngọc Trác và cả hai người Pháp hàng binh thu được trong trận tiểu đoàn 54 luồn sâu tập kích đồn Bá Giang ở chỗ Phùng ra cửa sông Hát. Hai lính Pháp đã lái xe vận tải chạy ra giữa đồng. Bây giờ họ làm công tác địch vận. Ra trận, mỗi gã đeo một cái loa giấy bìa các tông dài ngoằng như chiếc sừng trâu. Mấy hôm trước đóng quân tập kết ở bàn đạp. Mỗi ngày mổ lợn, các cu cậu được anh em thương tẩm bổ thêm cho miếng gan, quả tim ngoài xuất ăn. Hành quân ban ngày từ Phú Thọ qua dọc sông lên, dưới mưa rào vẫn đi. Hai người Pháp gày nhẳng, tóp lại, cao lêu đêu, tóc ướt bết trán, vai nhô lên, cung cúc như con gà chạy mưa.

Nhưng rồi tất cả cũng lên được một quả đồi nứa um tùm, trước khi trời rạng. Vừa tới lưng dốc đã ran tiếng súng dưới ruộng. Tiếng nổ lúc sáng bạch nghe toác toác như cháy rừng nứa. Có người làng ra làm đồng sớm thấy nhiều vết chân lạ dẫm nát lúa mới cấy. Sợ quá, về bẩm chánh tổng, chánh tổng lên báo đồn. Quan đồn đoán đêm qua có du kích về. Sắp đến ngày 19 tháng 5 kỷ niệm của Việt Minh. Đồn cho một tiểu đội lính Thái ra sục các đồi. Bọn lính Thái với người cai Tây cởi trần, xách súng, bắn vào bụi rậm rồi hô nhau xông lên. Thế nào mà chúng nó lại lên đúng đồi ban chỉ huy tiểu đoàn và cả ban chỉ huy Mặt trận.

Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng cho hai tiểu đội xuống chặn. Lệnh: Tuyệt đối không lộ hoả lực mạnh, chỉ được bắn súng trường, phát một. Nếu giáp lá cà, đánh dao găm.

Chúng tôi ngồi xổm cạnh bụi tre xế đỉnh đồi. Ngổn ngang gồng gánh, những càng chân SKG – súng không giật, từng bộ phận súng cối chưa lắp và những đùm lá cọ trong gói từng chồng truyền đơn tiếng Pháp, tiếng Thái. Hai người pháp địch vận mắt xanh nhờ đứng chơ vơ như hai cái cột. Giữa im lặng thấp thỏm, không biết bao nhiêu con người núp trong cỏ, trong bóng lá những quả đồi có thể sắp nổ tung trong ánh nắng. Nguyễn Tuân chống hai tay lên chiếc gậy tre, lom khom nhìn xuống đất. Tôi ngồi không yên chỗ, lại nhấp nhỏm đứng. Quái đản, Tây sắp đánh lên đây mà lại có hai thằng Tây lù lù cạnh mình thế này! Đại đoàn phó Cao Văn Khánh – chỉ huy phó chiến dịch đến bên, nói nho nhỏ, trấn an chúng tôi:

– Đạn không bao giờ dính tôi! Các anh ngồi yên đây, không có gì phải lo.

Câu nói nửa đùa nửa thật về cái mệnh con người. Nguyễn Tuân đã gặp Cao Văn Khánh trong chuyến đi Nam Trung bộ giữa năm 1946. Cũng năm ấy tôi vào mặt trận phía Nam cùng Cao Văn Khánh và Thu Sơn đã làm một chuyến đi ngựa từ Tuy Hoà qua Củng Sơn lên tiền tuyến Cheo Reo. Đã biết nhau và câu nói thân mật của con người trải trận mạc có tác động tâm lý. Tôi cảm thấy thánh thơi hơn, không bị hút vào sự im lặng ghê rợn. Chỉ còn thấy hai người hàng binh Pháp lớ rớ loay hoay cạnh bụi tre. Họ cũng tự biết chớ có loanh quanh đi lại. Chiếc loa giấy khoác bên nách chốc chốc lại đổi bên lắc một cái. Những con ruồi vàng bụng mọng máu to thô lố ở ống chân lông lá lăn xuống. Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên…

Bỗng súng rộ lên một chặp dưới lưng đồi rồi lại tắt ngay. Trong im lặng, liên lạc lên báo ta đã tiếp cận đâm chết một thằng. Tiếng nổ, đấy là chúng nó bắn chặn để khiêng xác thằng chết về. Rồi cứ im im thế đến quá trưa. Vẫn quạnh như tờ (sau mới biết trong đồn vẫn đoán là sắp đến ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh, du kích đến quấy). Đồn Tây ra lệnh phòng thủ và canh gác nghiêm ngặt hơn. Trèo lên cây đồi bên này, tôi trông rõ những người vác hòm đạn vào lô cốt như kiến tha mồi. Chúng tôi lo bữa ăn cho chắc dạ, ăn cơm nắm, thịt rang, các bếp đã chuẩn bị từ chiều qua.

Mặt trời đã ngả vàng khè trong làn sương các khe núi dâng lên. Năm giờ chiều, giờ này máy bay dưới xuôi không lên nữa. Một tiếng ầm, vang bốn phía. Đại bác ta nã thẳng nổ xanh lè bên lô cốt. Nhưng chỉ đoàng đoàng được vài quả, nền đặt pháo của ta bị lún, pháo câm. Một khẩu súng, ngay phát đầu đã văng cả chốt đuôi, suýt chết thằng Tây địch vận ngồi đằng sau. Nhưng các khẩu cối thì nhả đạn đều đều, tiếng rền liên tiếp. Lương Ngọc Trác ngồi trên cây nhìn sang phía bên trái, kêu lên: Bên Đại Phác nổ súng rồi.

Bộ binh xông lên đồn, lúc ấy trời đã tối hẳn. Khoảng gần tám giờ tối chúng tôi vào được sân đồn Đại Bục, cái chỗ lúc trưa trông sang thấy lính Tây, lính Thái trần trùng trục vác hòm đạn. Bóng tối và khói mù mịt. Bờ rào dây thép gai tan tác. Thằng đồn Tây mặc váy áo giả làm đàn bà Thái chết dưới chân một luỹ đất. Nhưng trên cái lô cốt cao cắm cờ tam tài giữa sân, đạn vẫn nã xuống. Những mũi xung kích chiến sĩ cầm mác dạt được vào núp ngay bên bờ tường lô cốt, chặn bọn trên chòi thoát xuống. Chúng tôi vào làng tề cạnh cổng đồn đương đùng đùng cháy. Không biết lửa du kích chiếm làng đốt hay đạn trên lô cốt bắn xuống. Chiếm được đồn rồi mà khắp nơi cứ loạn xạ.

Cái trống nhà chánh tổng treo đầu hồi ngoài sàn không biết ai đã khiêng ra vứt lăn lóc đấy. Một đám vác xác người chạy qua. Nguyễn Tuân, quần áo đen như hung thần hiện lên, tay cầm dùi trống, mấy chiến sĩ quay ngược nện báng súng vào mặt trống. Cả đám người đánh trống ngũ liên thúc trận hạ lô cốt cuối cùng lừng lững trước mặt. Mấy tên lính Thái gan lỳ vẫn dai dẳng bắn xuống phát một. Nhiều chiến sĩ ta bị đạn tỉa chết. Một tổ tiêm kích bắc thang trèo lên thả lựu đạn vào lỗ châu mai. Im lặng hết trong lô cất. Đã hơn tám giờ tối. Những cái đầu lâu được ném từ trên lô cốt xuống. ở tấm ảnh Hạ đồn Đại Bục trong pho sử Quân tiên phong, giữa hàng quân ta có hai chỗ chấm trắng trên đầu gậy. Đấy là vết hai thủ cấp hai thằng trên lô cất cố thủ.

Nửa đêm, cả ban chỉ huy lên một cái nhà sàn còn sót lại trong xóm xung quanh vẫn cháy rực. Chiếc dùi trống thò một đầu trên ba lô Nguyễn Tuân. Cạnh bếp, một thùng rượu vang to bằng cái vại sành bên gốc cau đã toang một mặt ván. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng, mới chiều hôm qua ở bên kia sông, mặt mắt còn phẳng phiu, bây giờ hàng râu quai nón đã trổ đen ngòm. Tiểu đoàn trưởng giơ bát rượu vang: Đúng hẹn với các anh nhé. Chúng ta vào uống rượu vang giữa đồn Đại Bục. Nào, các anh? Mời ông Nguyễn? Một lúc, Nguyễn và tôi nâng hai bát trước mặt, nhưng không mừng đụng cốc. Chúng tôi vừa được tin về Két, Két đã ngã xuống ngoài lô cốt. Chúng tôi uống im lặng viếng hương hồn người bồi bàn chiến sĩ trinh sát trung đội trưởng Két.

Mấy hôm sau chiến dịch chuyển sang sông Chảy, Nguyễn Tuân vẫn ở lại với 54. Tôi theo đội võ trang tuyên truyền lên các làng Mán Sừng trên rặng núi Voi rồi xuống với Trần Đăng lên mặt trận Phố Ràng.

Bao nhiêu lâu rồi, chúng tôi vẫn thường có dịp thăm hỏi 54, tiểu đoàn em nuôi. Trú quân ở Kép Le, về Lai Xá, ở Hoà Lạc. Luyện quân ở Định Hóa, lửa trại đêm Hà Nội giữa rừng. Chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952. Lại mới năm trước, cuộc tiễn đưa đơn vị tiến vào đánh bao vây Khe Sanh. Lần lên với đơn vị đóng quân trên Hoà Lạc ở Sơn Tây, thoắt đấy mà ba mươi năm đã qua, cả đoàn người chiến dịch sông Thao bấy giờ còn lại mỗi một bộ đội Sửu thợ rèn, tự vệ Ô Cầu Dền, nay là chính trị viên trung đoàn.

Cái tình với chiến sĩ và với trung đoàn Thủ đô của Nguyễn Tuân tuyệt nhiên không phải ngẫu nhiên. ấy là thói quen đến nơi đến chốn, chăm chút, ý nghĩa của một kỷ niệm. Người con trai lớn của Nguyễn Tuân đã là một trong những cán bộ chỉ huy đầu tiên của đơn vị từ sáu mươi ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội ở Liên khu I. Có khi, đi chơi với Nguyễn Tuân và Xuân Trường, người con trai ấy bây giờ là một tướng lĩnh trong quân đội. Chúng tôi về quê Nguyễn Huy Tưởng ở Dục Tú. Ba cái xe đạp thong dong sang Đông Anh. Thời cụ tú Hải Văn bố dắt con vào nhà ả đào Hàng Giấy, đến thời bác Nguyễn, khác mà không khác, cái tình vẫn một cha con ấy. Cũng như khi gặp lại Két trên bến Mậu A. Ông khách kỳ lạ để nhớ vẫn thường khai vị bằng rượu mạnh.

Hai người cũng vào Đại Bục nhưng không bao giờ còn gặp lại người nhà bàn cũ ấy nữa. Mỗi khi ngồi trông ra sóng hồ lăn tăn lẫn bóng liễu, bóng chiều, bóng bia hơi và sáng đèn quanh chân cột sàn nhà Thuỷ Tạ, lại nhớ. Thế mà là thật, những gắn bó xưa sau. Vui chuyện, Nguyễn Tuân hay nói một câu, một câu nói đi nói lại:

– ừ! Phải viết chuyện ấy rồi phải viết.

Những từng trải và kỷ niệm cả đời thúc giục, đã viết ra đấy, nhưng chưa được mấy. Mỗi ngày qua trở thành một thấm thía, khi chợt nhớ, đêm nay ngồi quán cóc ông lão 81 lại nhớ người hầu bàn nhà Thuỷ Tạ Bờ Hồ xưa kia.

Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà phải là hợp khẩu vị, ngon theo ý mình. Lọ muối vừng, hộp nước mắm chưng, cái gác-măng-dê trữ trên ba lô, thời chiến và thời bình, vẫn thế. Nguyễn Tuân sành ăn và kỹ tính tuyệt nhiên không xô bồ. Nắng oi quá, nhắm rượu mướp đắng giải nhiệt, nhưng không xơi mướp đắng mắm tôm như người ta. Không bao giờ đụng đến mắm tôm chợ. Ăn tinh đến thế, mà lại kỵ tỏi, mùi tỏi.

Tôi vừa đến, mới ngồi đã bị hỏi:

– Có phải cậu vừa ăn tỏi?

Nếu tôi ừ chắc Nguyễn Tuân sẽ bảo tôi đi đâu mai hãy trở lại. Tôi đáp:

– Không phải.

Cái mũi thính có vẻ bớt khó tính với tôi, nhưng lại lẩm bẩm:

– ở nhà dưới lùa lên?

Sợ mùi tỏi, ông voi to đùng sợ con kiến. Cũng lạ, cái lạ mà bình thường. Bài bút ký Phở đã đưa tác giả vào hàng những tay cực thạo món quà này. ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Không đụng đũa vào bất cứ thứ phở nào khác. Thịt bò chín, nạm hay mỡ, bánh vừa phải không nẫu vồng lên, không thái săn và thái máy như Sài Gòn mà Nguyễn Tuân gọi đùa là vằn thắn phở. Xúc bánh xong, thái thịt lồi bày lên rắc hành hoa và hạt tiêu – không ớt, mặc dù thích ớt cay. Ông nào phở xào, tái sách, tái dúng hay tái lăn, sốt vang lại đập quả trứng, thêm một cục mọc thịt lợn, một miếng giò lụa, hay phở thịt gà, thịt ngỗng, thịt chó rựa mận, thì tùy. Tôi không ăn phở để tẩm bổ. Lùa thật nhanh, ăn thật nóng, lên hết chất phở, thú nhất. Không hành tây, mùi tầu, húng chó, không thêm nước mắm, dấm ớt, tương ớt, không mỡ váng, không mỳ chính, cốt thưởng thức cái tinh tuý của nước dùng xương.

Tập ký Băm Sáu phố phường của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Doãn, bát phở rỏ mấy giọt cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân thường cười: cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dọc tẩu xuống ngon hay không ngon kể cũng đáng viết cho ra nhẽ.

Khoảng những năm 55, đôi lần Nguyễn Tuân còn ăn phở gánh ở tầng trệt nhà Địa ốc Ngân hàng, chỗ quán rượu Hoàng Gia cũ. Hàng phở này mở từ những năm thành phố còn bị chiếm. Rồi đến dạo quà phở thành cơm phở, người thành phở ăn phở lấy no, thì Nguyễn thôi ăn phở. Bút ký Phở cũng là vang bóng một kỷ niệm mà thôi.

Nguyễn Tuân có nhiều cái không thật bất ngờ. Nguyễn chưa bao giờ cưỡi ngựa, không biết ngồi ngựa. Đạo diễn Phạm Văn Khoa làm phim Chị Dậu, Nguyễn Tuân đóng vai chánh tổng cưỡi ngựa đi đốc thuế. Chủ nhiệm phim đi thuê ngựa, phải thuê cả người chủ ngựa đóng vai dõng đứng giữ cương cho ông chánh tổng ngồi trên yên, chưa đến nửa phút. Nguyễn Tuân chỉ đi chơi biển, không tắm biển. Dễ hiểu: Nguyễn Tuân không biết bơi, dù bơi chó hai chân đạp tầm phòng. Đọc ký sự Ra đảo của Nguyễn Khải kể về hành trình Nguyên Khải vượt biển ra đảo Cồn Cỏ, Nguyễn Tuân khoái riêng cái anh nhà văn trẻ này ngồi thuyền ra Cồn Cỏ dưới bom và tàu chiến địch quần xung quanh mà không biết bơi, nhát nước chẳng khác Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân chẳng thiết cái quán bát nháo của ông lão 81. Nhưng đến đây là một cơ hội để nhớ. Tách cà phê bít tất hay chén rượu có nhạt, cũng không quan tâm, chỉ bởi nó đem lại được cái cớ Nguyễn Tuân kéo mẩu ghế ngồi. Dáng ông lão gày gày, bộ quần áo nâu non còm cõi, lom đom. Nguyễn Tuân nhớ những cái khác. Mỗi đêm ngã sáu, từng người lại tìm về những kỷ niệm của mình. Những năm ấy chưa có mấy quán cà phê, quán nước bán kèm nước trắng. Tôi không được biết Nguyễn Tuân thời xưa kênh kiệu tàn nhẫn thế nào, chỉ thấy bây giờ cũng chịu khó chơi tạp, chỉ có điều là ngồi đối diện đấy, nhưng không nhìn mặt ai. Cái ác khẩu của nhà văn này thì khỏi nói. Tao mà chết, nhớ chôn theo với tao một thằng phê bình, ai đã bịa ra mà kể lại thế, nhưng giá ở dưới âm ty, thằng phê bình chẳng may nào đó bị chôn sống, lại mời ông đi uống rượu rồi đi chơi đảo Cát Hải thì chắc ông cười xoà, làm lành ngay. Vẫn cái khó khăn hay cái dễ dãi chỉ vì mình. Đã thích thì cứ cầm lấy, một quyển sách mượn không bao giờ trả, một nhánh hoa địa lan cắt thẳng ở chậu vừa hỏi chủ nhân vừa cắt.

– Ông 81 mới đổi mặt hàng. Có cái rượu hay lắm.

Trước cái chõng, ngọn đèn hoa kỳ nhoè nhoẹt. Cũng không ai để ý những bày biện mới, lọ lạc rang lại lọ kẹo bi xanh đỏ nhờn nhợt, quà dỗ tiền trẻ con. Ông lão đương cù rù, lẩn mẩn bóc củ hành khô. Vỏ hành kêu tanh tách như bật ngón tay. Cái chảo mỡ bắc ngay cạnh. Đậu nghệ chấm muối hay đậu rán, những mặt hàng mới. Thêm mấy cái ghế lõi giấy ép cuộn chỉ nhà máy sợi bên gốc cây đã xây vuông viền quanh thành cái bàn. Bập bênh như chiếc ghế ngất ngưỡng trước quầy rượu, cũng hay hay.

Tôi nói:

– Ra cái ông 81 này đã làm bồi cho Grapphơi ở Huế, ông Nguyễn ạ.

Nguyễn Tuân gật gật:

– Grapphơi công sứ Trung Kỳ.

– Tôi mới nghe ông ấy kể.

Chờ đợi sự ngạc nhiên, nhưng Nguyễn Tuân chỉ ừ thế rồi nhìn bộ quần áo nâu bạc của ông lão đồng chiêm xa lạ. Ông lão mọi khi cứ lặng lẽ lúc có khách, tự dưng bỗng bật nói:

– ở Huế làm bồi, tôi kiêm cả chân bếp. Chả là mỗi lần cả nhà nó đi pích ních, Bạch Mã tôi phải lo các thứ, đâm ra thạo. Miếng giăm bông hun khói tôi cũng làm lấy được, khét bỏ mẹ lại khen ngon. Người Tây lắm cái ngược đời, còn An Nam mình thì khôn ngoan, hay xỏ ngầm. Thế mới chết chứ. Tôi làm ăn lương gấp rưỡi. Nấu nướng cho Tây chẳng khó như cao lâu Tàu. Hành mỡ phi thơm lừng, Tây nở mũi, thế là khen buồng. Các ông để ý xem, hèn nhất là cái mặn muối, thế mà Tây ăn cứ phải có lọ muối trắng như bát hương mả tổ nhà nó để giữa bàn. Động một tý lại rắc muối, thế thì mất hết mùi vị, các cụ nhà ta kén đến hàng chục loại nước mắm vẫn còn chưa bằng lòng kia mà.

Câu chuyện của ông lão quê mùa mỗi lúc một sang trọng phố phường, bắt đầu từ Huế lên Bạch Mã đến khi Grapphơi hết hạn ở Đông Dương về Pháp đem theo cả thằng bếp giỏi. Thế là tôi phú bà đầm nhà tôi về quê, bảo là cho tôi đi kiếm cái vốn. Tôi đi xêlibạt ba năm bôông bêêng bên Tây. Các ông ạ, nói thực chứ ngủ với đầm chán bỏ xừ. Nó bắt phải đùa cả đêm, nhọc lắm.

Thế là ông lão hơn đứt chúng tôi rồi. Cao hứng, Nguyễn Tuân chốc lại hỏi một câu về núi Bạch Mã, chén rượu để vào vè gốc cây sấu đã cạn từ lúc nào. Phong tục và khách khứa ở những quán còm cõi chủ hàng hay đuổi khéo khách không uống thêm mà còn bè nhè, thế mà ông lão vẫn để yên. Những câu chuyện của ông 81 đã làm chúng tôi lẫn lộn gốc sấu, gốc xà cừ, gốc cây sữa với những gốc thông và bậc đá tảng boongalô trên Bạch Mã. Tôi ngồi hớp những chuyện trên vùng núi nghỉ mát ấy và chuyện chơi bời bên Tây mà tôi chưa được biết đến bao giờ, chỉ nghe cũng như thuộc. Ông lão 81 vẫn bóc hành. Bây giờ tôi mới để ý bàn tay bồi bếp suốt đời ấy to bè bè, mỗi ngón như trái chuối mắn khác hẳn khổ người thấp bé, gày úa. Gia vị chuyên có củ hành Cái hành củ già mới hăng, không như hành hoa, hành lá nhạt thếch. Rồi khách hàng cũng đâm ra nghiện hành khô theo chủ quán. Các ông ạ, hôm nay có ngầu pín. Từ dạo chú khách ngoài phố Huế đóng cửa món cháo ngầu pín, thỉnh thoảng ông 81 xuống lò mổ mua chui được mấy cái. Da bò, thịt tái và dái trâu dái bò hồi này hiếm hẳn. Nghe nói mậu dịch thu mua, da thì vào nhà máy thuộc da, còn ngầu pín để xuất khẩu đi Hồng Công. Lão 81 hay khoe của lạ, mà không bao giờ vui chén với khách.

Lão chỉ nhìn người ta uống và đợi được khen hành phi thơm sực mũi. Lão giữ đúng quy lát nhà bếp nhà bàn có cái thú ở sự ngắm người ta thưởng thức – Nguyễn Tuân bảo thế. Nhưng vẫn rôm rả chuyên Bạch Mã và bên Tây. Mỗi câu đối đáp như nói cho mình nghe. Lão ấy cũng khoái nhớ chứ! Nhớ vui hay nhớ buồn, nào biết được với lão. Có lần tôi nói với Thanh Tịnh khi đọc những hồi ký ông viết về thời làm nghề hướng dẫn du lịch rằng ông nhớ lâu quá, Thanh Tịnh sáng tác ra một câu ngạn ngữ, nhớ lắm, khổ nhiều. Ôi tội cho những người nhớ lâu.

Chúng tôi đưa một khách Ba Lan ra ngồi gốc cây ở đấy. Nhà văn Dukôpsky đã lên mặt trận Điện Biên nhưng A.Covanepsky, nhà văn Ba Lan này đến Việt Nam khi hoà bình đã lập lại. Ông nhà văn hình thù cổ quái ấy chuyên viết phóng sự về đời sống loài vật. Covanepsky đã ở rừng châu Phi, đã qua suốt mùa hè trên ngọn sông Amagiôn và ở cả năm trong vùng muỗi rừng đương khai hoang mở đồn điền chuối bên Braxin. Ông đã lặn lội hầu khắp rừng núi thế giới, chụp ảnh và viết về những con vật kỳ lạ. Cơvanepsky đã bảy mươi lăm tuổi, thế mà bạn đọc ông nhiều nhất lại là thanh thiếu niên.

Ông đến làm khách của Hà Nội cuối tháng chạp. ở lại tết Nguyên Đán, mấy khi được ăn cái tết cổ truyền mùa đông ở một thành phố nhiệt đới, nhưng Cơvanepsky lại muốn đến xem mùa xuân tận nơi rừng thẳm có muông thú hoang dã. Ông lên Lai Châu. ở tỉnh lỵ, tết xoè Mường Lay trên các nhà sàn cũng không quyến rũ nổi ông. Ông đã cưỡi bốn ngày ngựa lên Mường Tè. Những địa danh Mường Thanh, Lũng Cú, Mường Tè, Mèo Vạc, ngay đối với người Việt Bắc cũng tận đâu đâu.

Trời rét ngọt, gió cuốn dưới lòng đường lên như cắn vào mặt. Chúng tôi vác đến một chai rom Sanh Giam mua ở khách sạn Mêtrôpôn. Uống cà phê bít tất pha rượu hảo hạng Nhưng không ai lưu tâm cà phê hạt muồng với cái rượu ngon nhất nước Pháp mà là ngồi ở chỗ này để tưởng tượng ra đồng không mông quạnh cho ông nhà văn rừng rú quê ở châu Âu ấy trò chuyện. Ông kêu chán phòng ăn, phòng ngủ khách sạn từ hôm ở Mường Tè về. Ông đòi đổi khách sạn Mêtrôpôn cho ông đi ở nhà sàn. Kiếm đâu ra của hiếm ấy ở đây.

Nhưng rồi vài hôm đã quen lại dần. Cây sáng kiến ăn chơi Nguyễn Tuân nghĩ ra cách tối ấy đưa khách ra ngã sáu. Vừa đẹp trong ý nghĩ chúng tôi. Cái lão nhà văn thế giới Cơvanepsky này có thể được gợi hứng thú khác. Rằng ở giữa nơi chơ vơ trông nghiêng qua mặt đường nhựa phẳng lặng bóng ngọn cây cao cao đằng xa, ánh đèn lốm đốm nhứ đêm sa mạc. Tôi đã cưỡi lạc đà qua sa mạc Gô bi, vào Mông Cổ. Nhưng chưa được tới nơi nào như Mường Tè – Ông cười, một chiếc răng hổng. Có điều không nơi nào như Mường Tè, ông vừa kể lại và đưa tấm ảnh chụp ở sân huyện uỷ.

Cơvanepsky vịn vai một con gấu ngựa, gấu thật. Con gấu áng chừng hai ba tuổi cao to bằng người. Hai chân sau đứng, một chân trước đặt lên vai áo. Một tay ông nhà văn, ông già tuyết Nôen để trên đầu con gấu.

– Không phải gấu độn rơm của thằng thợ ảnh ở vườn hoa các nước châu Âu. Gấu thật. Tôi chưa được thấy đâu nuôi gấu trong nhà. Đến bữa ăn, gấu ngồi chầu gầm bàn, nhặt cơm vãi. Lạ nhất thế giới!

Tôi không dám nói, làm ông cụt hứng. ở giữa thành phố này người ta cũng nuôi gấu, mua bán gấu như chó con. ít lâu sau, tôi trông thấy con gấu Mường Tè ấy ở một trang họa báo Ba Lan của một ông nghề chào hàng phụ tùng ô-tô đem đến. Nguyễn Tuân vốn thích tranh áp phích Ba Lan. Ông chào hàng mới quen này lại là một ông Ba Lan. Cũng chuyện thường ngày mà lạ, cái ông chào hàng bỗng nhiên chúng tôi quen. Hôm ấy, sân khấu ngoài trời Nhà hát Nhân dân diễn tuồng hồ quảng tích Lương Sơn Bá Trúc Anh Đài của một đoàn hát Quảng Tây sang. Chúng tôi đi xem, tình cờ ngồi cạnh một người Âu. Trong lúc đợi mở màn, ông ấy đã mau miệng tự giới thiệu. Biết tiếng Pháp, tiếng Anh, Mariam Stvensky người của hãng sản xuất phụ tùng ô-tô du lịch chuyên đi chào hàng. Nghe đệm họ Mariam, đã biết là một người Do Thái Ba Lan. Ông nói lần đầu tôi đến Việt Nam. Lần thứ hai tôi đi xem nghệ thuật kịch Việt Nam. Nguyễn Tuân bảo là tuồng Trung Quốc. Ông Stvensky nhất định rằng đây là kịch hát Việt Nam. Hôm nọ tôi được xem rồi. Có những người tốt bụng, nhưng tính ương bướng thế. Không thể lay chuyển được cái điều lão đã đinh ninh.

Nhưng lão rất vui, nhận lời hôm sau lại gặp nhau để tiếp tục tranh luận xem vở kịch hát là của Trung Quốc hay của Việt Nam

Gặp cái lão gàn dở vô lý cù không cười kiểu Saclô, Nguyễn Tuân tỏ ra thú vị. Chúng tôi hẹn Mariam đến nhà Buđa. Buđa ở phố Hồ Xuân Hương yên tĩnh, lại ở một mình, tha hồ nói to. Thực đơn: chai rượu vang của Nguyễn Tuân, lão kia sẽ đem đến rượu vốt ca Ba Lan và xúc xích hun khói – đúng khẩu vị Nguyễn Tuân và kết thúc bằng bát cháo gà ở ngã sáu dốc Hàng Kèn gần đấy. Buđa không biết lão Mariam, nhưng tôi đến đặt tiệc thế, Buđa nhận lời ngay.

Tôi mới quen Buđa những ngày ở Thái Nguyên về Hà Nội, nhưng đã nghe kể về Buđa từ khi còn trên Tuyên Quang. Làm việc nhà xuất bản Ngoại Văn, Buđa đã dịch ra tiếng Pháp Dế mèn phiêu lưu ký và Truyện Tây Bắc của tôi. Giáo sư một trường trung học Sài Gòn, Buđa đã trốn ra kháng chiến ở miền Đông rồi được lệnh vượt Trường Sơn bảy tháng ròng rã ra Việt Bắc năm 1952 để làm việc ở đài phát thanh. Cuộc đời thật dữ, mà anh chàng thì ngơ ngác hiền lành. Bạn bè gọi tắt chứ tên anh là Gioóc Buđaren! Buđa cũng có nghĩa là ông phật, hợp với con người lù đù ấy. Có những tù hàng binh Pháp, thằng An, thằng Bình hay đóng các vai Tây trong các phim Chung một dòng sông và Vợ chồng A Phủ – những bộ phim vỡ lòng của Xưởng phim truyện, bọn này cả ngày loăng quăng xe đạp lượn phố tán gái. Khối cô mê thằng An. Buđa thèm lấy vợ mà đành chịu. Anh chàng chỉ thạo sách vở. Một lần, Buđa đi thăm Điện Biên Phủ, gặp ở Tuần Giáo một cô gái Thái lai Tây. Buđa mê quá. Nhưng cả một buổi tối ngồi uống cà phê cô ấy pha và im lặng. Chỉ say sưa khi về Hà Nội kể lại. Và câu chuyện tình ngậm miệng ấy cũng qua đã nhiều năm rồi.

Chai vang Pháp của Nguyễn Tuân đặt giữa bàn. Lịch sự, chủ nhà mua thêm hai chai Boócđô. Mặc dầu chỉ nửa cốc vang Buđa đã bị dị ứng mẩn ngứa đỏ khắp người không chịu được. Tây mà không uống được rượu.

Ai đã tổng kết từ lâu rằng uống vang với phó mát – cách uống cổ điển, ngon nhất. Ông bạn tình cờ đã tự đổi thực đơn, tự khen mình và có nhận xét thế. Bởi vì cái ông Ba Lan vui tính bán phụ tùng ô-tô đã mang vốt ca đến với một bọc phó mát và bánh mỳ gối. Ông này cũng không bợm rượu mấy. Thành thử, chỉ còn có hai người chúng tôi không tế nhị. Cái vang Pháp đỏ sẫm sao mà nó chát sướng đến thế.

Một Tây, một Ba Lan khoái chí nâng cốc và nhìn hai tôi cạn cả cốc như uống bia. Ông Ba Lan nói to:

– Tôi đã nghe Dukôpsky nói chuyện về Việt Nam trước khi sang đây. Một người Ba Lan đã có mặt trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tuyệt vời. Còn con gấu chụp ảnh với một nhà văn đồng bào của tôi đây này, tôi tặng các bạn tờ họa báo. Rồi lão lại giở chuyện hôm qua.

– Vâng, những tối kịch hát Việt Nam, hay lắm. Không thể thêm một câu nào khác với một người chỉ cho là mình đúng. Nhưng Buđa ngơ ngẩn hỏi:

– Đoàn kịch hát Trung Quốc đương diễn ở nhà hát Nhân Dân?

– Không, đoàn nghệ thuật Việt Nam. Tôi đã đến Bắc Kinh, Trung Quốc hát khác.

– Có diễn viên Hồng Tuyến Nữ nổi tiếng.

– Đều là Việt Nam. Tôi biết mà.

Câu chuyện đùa cợt dằng co, miên man, buổi tối không hẹn mà nên. Mariam Stvensky kể bốn giờ sáng mai đã sang sân bay. ở đây về là xếp va li.

– Không sao, phải tranh luận cho đến được sự thật, sự thật chỉ có một!

Chốc chốc lại hura: nghệ thuật muôn năm. Ông Ba Lan ôm tôi đứng dạy nhảy, một tay giơ cái ảnh con gấu Mường Tè. Hu ra, hu ra. Phụ tùng ô-tô, phụ tùng ô-tô cũng là nghệ thuật. Buđa hào hứng: Cho tôi uống! Cho tôi uống! Rồi sẽ nằm gãi một tuần lễ, không sao, không sao.

Mariam tiếng Pháp giọng mũi, giơ cốc trịnh trọng:

– Hãy nghe tôi nói. Người bán phụ tùng không chào hàng đâu, mà nói về triết học. Thứ nhất, chúc con người tiến tới bằng cái ô-tô, nhân loại sẽ đến được thời kỳ trong người hỏng hóc bộ phận nào thì thay bộ phận ấy. Thứ hai, bấy giờ ở ô-tô cơ thể của các bạn có cái gì cũ, cái gì hỏng hãy cho tôi biết. Hãng tôi sẽ gửi sang, tôi sẽ đi theo, tự tay lắp máy mới cho các bạn, máy liệt, máy hóc lại chạy ngay. Con người bằng cái ô-tô, hơn cái ô-tô. Hua ra… hua ra…

– Nhưng không có bánh mata (*)

(*Bánh mỳ Do Thái mỏng như bánh đa, người Do Thái ăn với súp lạnh trong các dịp lễ lớn)

– Cũng được. Đây là một lời chúc hạnh phúc.

Khuya rồi, chúng tôi mới ra ngã sáu. Không nhớ chốc nữa ông bán phụ tùng ô-tô – và tương lai, bán cả phụ tùng người phải sang sân bay Gia Lâm. Hơi vang đã nhạt, người cười nhiều quá cũng đâm buồn, những cái bóng chúng tôi đi lẳng lặng.

Phó mát làm bứ bụng, không muốn ăn cháo gà. Vả lại, các bạn Tây không khoái chén súp đêm. Chúng tôi vào chõng cà phê bít tất của lão 81. Làm như phong tục Nga, khi tiễn đưa, mọi người đặt tay lên đầu gối ngồi im với nhau trong giây lát.

Một bác xích lô về khuya, ghếch cái sàn xe rên ken két lên bờ hè. Bên gốc sấu bành rễ sù sì, mảnh gỗ làm bàn, những mẩu gỗ, cái lõi cuộn chỉ dựa cây, dựa tường, mỗi người trầm ngâm nhìn đi đâu. Cả cái lão cà phê số nhà 81 kia nữa, chắc đã làm một chén trước khi dọn hàng. Biết đâu ông lão này, bác Chữ cháo gà, những ông xích lô đầu hói râu rậm, các cụ ngơ ngác vác cả luỹ tre trong làng về đây, hỏi ra thì lão nào, lão nào cũng đã đi bồi bếp, cho tây đầm ăn ra sao thì chúng phải ăn thế đấy, lại đã sang đánh nhau bên Pháp, bên Ma rốc từ thế chiến thứ nhất. Ai cũng đã bôn tẩu sông hồ bằng mây chúng tôi. Ông cà phê đương lơ mơ trời đất ở đâu. Thấy người lố nhố vào, hai cái đầu gối quần nâu lòng thòng đứng dậy.

– May quá, còn cái ngầu pín.

Bác xích lô ngồi ngủ gà trên cái đệm xe, chọt tỉnh nói to vào:

– Tôi, tôi, để cho tôi.

– ừ, chứ bảo mấy ông Tây này ăn dái bò thì các ông ấy chết khiếp.

Lão bếp già 81 cười tủm, vẻ thành thạo:

– Cứ bảo xúc xích nhồi, thì cũng nuốt tất.

Bác xích lô lại nài:

– ấy, để cho tôi. Người mình thì phải dùng cái bổ thẳng một lèo mới kiến hiệu được. Ông Chữ cho tôi bát cháo trắng, rồi thì tống vào đấy dái bò, dái dê, dái chó bao nhiêu cũng cân.

– Được được. Ai cũng đủ. Các vị chơi khuya thế? Ông này người nước nào mà trông giống quan công sứ Grapphơi. Các vị dùng cái đen hay cái trắng?

Lại vẫn quan công sứ, quan công sứ với cà phê hay rượu trắng, lẩn thẩn ăn người đấy.

– Này cụ bít tất, năm nay tuổi giời cụ được bao nhiêu?

– Thưa ông, nhà cháu thất thập rưỡi.

– Thế thì cái thằng quan công sứ của cụ xuống chơi với giun lâu rồi.

Ông cà phê bít tất nói một câu ngắn thôi, nhưng ý nghĩa thì địch được với câu triết lý của ông Ba Lan sắp bán phụ tùng cơ thể con người.

– Các cụ xá cho. Chuyện chiêm bao ấy mà.

Đêm thành phố trên ngã năm ngã sáu bờ hè. Khách đến, khách đi, lủi thủi trong bóng tối, không có báo in, báo tường mà mọi chuyện đâu cũng theo người tụ lại, mỗi người đem đến một chuyện. Những ông Ba Lan và Buđa và ông Aki chẳng bao giờ gặp nữa, mà cứ nhớ như hôm qua, như lão 81 lúc nào cũng quan khâm sứ Grapphơi. Vâng, đã là nhớ lại thì dẫu vui xưa kia cũng là nỗi buồn bây giờ.

Shoisi Aki, mà có tên là Nguyễn An Nghệ, cái người Nhật ấy đã ở với chúng tôi suốt chín năm kháng chiến. Aki đến khi chúng tôi ở núi Thượng Yên, trong một làng dân tộc Dao đỏ giữa một cánh rừng rậm bờ sông Lô trên bến Bình Ca.

Chưa bao giờ cơ quan rúc vào một nơi hóc hiểm đến thế. Nguyễn Tuân ngại nơi này nhất. Đến Thượng Yên, trong cánh rừng ẩm ướt Nguyễn Tuân mới thực sự bị những cơn sốt rét hành hạ. Trước, tiếng là yên rừng, nhưng còn ở ngoài đồi chân Tam Đảo và bên sông Thao. ở xóm núi Yên Dã, đi một quãng ra huyện lỵ Đại Từ, đã là Hà Nội nhỏ của chúng tôi. Câu thơ ngao ngán Sớm nay ra khỏi u tì quốc của Xuân Diệu là để lưu niệm nơi này. Thế mà đến khi chui vào rừng sâu Thượng Yên u tì và ma quái nhà thơ Xuân Diệu lại lặng im. Có lẽ đã quen rồi, mặc dầu ở đấy, trong cơ quan, nửa đêm anh Truật làm kế toán quê Thái Bình đã chết sốt rét ác tính. Nguyễn Tuân cứ đi đâu về, chỉ nằm giữa tre nứa âm u mươi hôm lại sốt, lại rên rẩm thấp khớp. Trần Mai Thiên, con trai Nam Cao, khi bố cháu hy sinh, chúng tôi đón được Mai Thiên, mẹ cháu gửi ở Đại Hoàng hậu địch chiến trường khu Ba ra, cháu đương ở với chúng tôi. Có hôm, cả buổi Mai Thiên ngồi bóp chân cho bác Tuân. Cụ bếp Ban vác củi ngoài rừng về qua, đi xuống bếp, lại lẩm bẩm: Rõ nhà giàu đứt tay. Mời ông vào rừng với tôi đi vài chuyến củi thì khỏi chân ngay thôi. Chẳng khi nào Nguyễn Tuân bớt nghiến ngả tôi về cái chỗ mới của cơ quan ở Thượng Yên. Có khi giận cá chém thớt. Tôi ở Tây Bắc về, đem theo trong ba lô một cái sáo Mèo. Sáo Mèo như ống trúc có cái lưỡi gà bằng đồng. Tôi không biết thổi, những chập tối trong rừng sâu hay lấy sáo ra rên rỉ lên độc một tiếng toè… toè… tôi nhớ tiếng sáo vắt vẻo núi cao trên những thung lũng ruộng bậc thang.

Nguyễn Tuân bảo:

– Ông cất đi cho tôi nhờ. Nghe ông thổi sáo, tôi đau tai hơn đau chân thấp khớp.

Tôi ở bên báo Cứu Quốc đổi công tác về, được phân công tìm địa điểm mới. Cơ quan chuyển ở cây số 7 đường Hà Giang trong xóm Động Móc chân núi Là sang đây. Nguyễn Tuân rỉa róc: Chỗ núi Là không đủ kín mà lại phải chui sang rừng Thượng Yên. Theo thằng này rồi thì sốt rét, rồi bụng báng chết hết. Có thể nhiều người nghĩ như thế, nhưng không nói ra. Chỉ Nguyễn Tuân không dứt ca cẩm. ối giời ơi, ông ở Chợ Rã, ở Tủm Tó, ông nằm đất, ông rang bọ hung ăn, ông xơi thịt lợn không muối thối um lên, ông uống rượu men lá cũng khỏi ốm, ông còn thiết, còn nghĩ đến ai.

Bác Ngô Tất Tố chén thịt lợn lửng cụ bếp Ban đã kho riềng cạn khô vẫn tanh đến lộn mửa. Nguyễn Đỗ Cung ngoài bờ sông vào bắt châu chấu ăn sống. Nguyễn Tuân từ lán ở xuống nhà bếp lững thững đi sau con kỳ đà ra rình bắt gà. Có con trăn gió nằm phơi mình ở bãi cỏ ven suối trên đám lá cải soong chúng tôi sắp xuống hái. Những cái đó thấm đâu với khi tôi ở suối Lửa trong vùng rừng Yên Thế Thượng, ở Píc Cáy núi Phía Bioc làm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Tôi hoá ra máu cá, khi nghe những lời ca thán.

Đến Thượng Yên, Shoisi Aki sốt rét dòng dã, mặt trắng nhợt. Đặng Thai Mai chủ tịch ủy ban Hành chính Kháng chiến Thanh Hoá đã gửi Aki ra cho chúng tôi. ở Tokyo, Aki sang Đông Dương thực tập tốt nghiệp đại học kinh tế. Đương ở Vinh thì Nhật thua trận đầu hàng Đồng Minh. Aki trốn vào trong làng. Đặng Thai Mai nhắn: Aki biết tiếng Anh, có thể dạy Aki tiếng Việt để Aki dịch tiếng Anh. Ai cũng gọi Shoisi Aki là Nguyễn An Nghệ, cái tên Nghệ An kỷ niệm nơi Aki đi với kháng chiến Việt Nam.

Lán chúng tôi ở và làm việc bên bụi nứa rậm rạp góc đồi. Mỗi lán thành một tổ tăng gia. Nuôi gà trồng đậu, rau muống, cải soong. Nguyễn Tuân, Aki với tôi và Nguyễn Đình Nghi. Đôi khi có Phan Khôi Đào Duy Anh, Phan Ngọc bên bến Ngọc sang. Nguyễn Đình Nghi ít tuổi nhất, chủ lực cuốc xới, làm chân tổ trưởng tăng gia.

Mấy năm ở rừng Thượng Yên mà nhớ lại tưởng như đâu một vài ngày. Bởi chỉ khi ra ngoài, đi công tác, đi chiến dịch, quang cảnh và mọi việc mới đổi khác. Trở về trong rừng, ngày ngày lại như thế. Dậy theo hiệu còi, tập thể dục, vác xẻng cuốc xách ống vầu nước tiểu xuống sườn đồi tăng gia rồi lên làm việc, đến giờ sang nhà bếp ăn cơm, họp kiểm điểm cuối ngày, vào xóm người Dao dân vận, dạy học, làm vệ sinh quét dọn nhà, chuồng trâu… Aki nằm phủ phục trong màn, lồm cồm chui ra. Sáng sớm, mở mắt trong đám sương đặc quện. Hình như nằm ngủ, các đốt xương dính lại, bấy giờ duỗi chân tay ra đau ê ẩm.

Aki đã ra ngoài đầu nhà lúc nào. Chắc đã dứt cơn sốt. Mặt vuông bạnh quai hàm, khung xương người cao to gầy rạc. Không phải Aki tập thể dục. Aki ngồi phệt trên mặt đất ẩm. Hai chân xếp bằng tròn, tay đặt trong lòng, mắt nhắm nghiền, mặc mọi người vung tay vung chân, vặn mình, nhảy nhót. Đến lúc ai nấy đã xuống vườn sườn đồi, Aki lẳng lặng đứng dậy, cầm ống nước đái, bước theo. Thỉnh thoảng Aki lại ngồi như thế. Chưa bao giờ tôi hỏi vì sao.

Suốt ngày, Aki cắm cúi bên cái bàn vỉ tre trước giường nằm. Aki chỉ đứng dậy ra cạnh bụi nứa khi nghe tiếng khu trục Spitphai, kinh côbra cổ ngỗng theo sông Lô lên lướt qua. Aki dịch sang tiếng Anh các truyện anh hùng chiến sĩ của chúng tôi viết về Nguyễn Quốc Trị, Giáp Văn Khương, nữ du kích Nguyễn Thị Chiên, lão nông Hoàng Hanh… Bản thảo giấy tờ ngổn ngang trên mặt dát giường nứa ngộ.

Những hôm trời nắng, Aki ngồi lặng yên ngoài rừng. Mặt nhợt nhạt màu đau gan. Aki đăm đăm như ban sáng nhập thiền. Một lúc lâu lại vào ngồi trước bàn. Ngày nào cũng thế không nói một câu. Nếu không trông thấy Aki đọc sách, tưởng Aki không biết tiếng Việt. Nghe tiếng gà kêu quét quét, Aki nhỏm lên. Aki ra đuổi kỳ đà. Con kỳ đà mốc thếch như con thằn lằn to bằng bắp chân từ hang hốc nào ra cả ban ngày đương rướn cong cổ nghe ngóng. Cái chuồng gà của mỗi người đặt giữa sân trước mặt, tối lại khiêng vào trong nhà. Những khi con cáo, con rắn bò đến Aki cầm cái sào nứa ra đuổi.

ở nhà bếp, Aki ngồi một góc, ăn nhai hững hờ, nhưng bao giờ cũng hết xuất cơm muối vừng. Không có lọ kem nước mắm, ống bơ thịt kho, nhưng thỉnh thoảng, Aki tẩm bổ một món đặc biệt: chuối tiêu thái từng khoanh mỏng để vào bát, rồi đập quả trứng gà quấy lên. Món sống sít hổ lốn ấy không ai dám bắt chước.

Thế rồi nghe đồn tù binh ở Điện Biên Phủ được giải về thị xã Tuyên Quang. Chỉ mấy hôm không ra mà ven sông Lô đã san sát một dọc những nếp nhà mái nứa. Thị xã mọi khi ban ngày vắng ngắt bỗng đông như hội. Bọn tù ốm nặng và tù bị thương ngày nào cũng được đưa xuống bè xuôi về nơi trao trả dưới bến Việt Trì. Tây trắng Tây đen đi lêu đêu, ngất nghểu. Người da đen chỉ còn thô lố hai con mắt trắng dã. Những tù binh gày yếu quá trước khi thả được giữ lại vỗ béo cho ít ngày.

Quanh thị xã đổ cả ra xem tù binh. Không còn những máy bay cổ ngỗng, B26 lên bom bắn. Người đi đông như mít tinh. Aki ra thị xã, trở về đứng trước lán, nước mắt ràn rụa. Không biết khóc buồn hay khóc vui. Nhớ chín năm trước, khi chạy vào làng, bây giờ Aki bồi hồi sắp được trở về. Vợ Aki dạy đàn piano. Đứa con gái, khi ra đi còn nhỏ. Nếu được bình yên, năm nay mười một tuổi.

Thế rồi về Hà Nội. Mỗi tháng có một chuyến tàu Nhật vào cảng đón những người Nhật lưu lạc còn sống sót ở Việt Nam. ở thành phố mọi việc mới bận rộn. Một hôm, Aki đến chào mọi người, Aki sắp xuống Hải Phòng. Bấy giờ bỗng thấm thía cái xa cách.

Chúng tôi đêm hôm ấy la cà ra ngã sáu. Lui hủi ánh đèn chai, đèn hoa kỳ, gánh cháo gà, chõng cà phê, rượu trắng, đậu nghệ, ngầu pín, lạc luộc như ngày trước đầu xóm các nhà hát ngoại ô hiu quạnh bên Thượng Cát, trong Ba La Bông Đỏ. ở Khâm Thiên bây giờ vẫn còn lác đác vài nhà tom chát không bỏ đi Nam. Loáng thoáng tiếng đàn tưng tửng, tiếng phách… Nhưng chẳng hiểu sao, không phải vì sợ phạm nội quy vào vùng mới giải phóng, chúng tôi chẳng còn háo hức thú chơi như năm xưa. Mà chỉ lang thang tha thẩn các hàng quán phố đông, phố vắng, quanh các rạp Chuông Vàng, Kim Phụng, đương diễn các vở cải lương diễm huyền La Mã kèm cái kịch ngắn chống di cư chẳng mảy may ăn nhập với nhau.

Tôi bảo ông lão 81, ông này là người Nhật. Ông 81 kêu lên: ối giời ơi, nước ta lắm thứ người quá. Lúc nghe ông Nhật sắp về nước, ông 81, quên cả thói tục dửng dưng của người hầu bàn, đã uống góp một chén với khách. Chúng tôi ra ngồi sưởi trước cửa lò sau nồi cháo đã cạn sôi sùng sục. Dễ đã quá nửa đêm. Gió ào ào lòng đường, sột soạt miếng ny lông trên lưng ông xích lô đầu quả gáo như lão quan tàu Tưởng thất thế vào giờ này tà tà đến làm chén rượu với bát cháo ấm bụng rồi ra ga Hàng Cỏ đón tàu chợ dưới Phòng lên. Lão cà phê bít tất nói vọng ra như khoe cho mọi người biết:

– Ông ấy là người Nhật?

Bác cháo gà Chứ nhăn nhó ngước cặp mắt lông quặm kèm nhèm nhìn đám khách muộn. Chắc chẳng rõ ra người nào người nào, nhưng bác gật gù: Nhật à, giô tô nay, giô tô nay. Tự nhiên nhớ mấy chữ cóp nhặt chế giễu của người thành phố này mỗi thời kỳ biến động đều vẽ nên được bức tranh thế sự bằng chữ nghĩa, ai cũng xì xồ vài ba câu: mét xì bô cu, măng giê ca ca… hẩu sực, tả lớ và vài năm có người Nhật đến lại thêm arigatô… giôtônay… Bác Chữ chắp tay, cung kính: Mời các ông ngồi’. Mấy chiếc ghế con được khớp lại thành bàn. Những mẩu củi trong lò đã vạc than được vét ra mặt đường làm đống lửa sưởi cho mấy ông khách sau cùng. Bác moi ra cái chai rót đều, lại bưng một chén vào lão 81.

– Chẳng nói giấu gì chư vị, nhà em vừa làm một chén rồi. Lâu lắm mới lại trông thấy ông giôtônay, em xin hầu chư vị chén nữa.

Gió sởn quanh gáy, không ai biết cơn lạnh thít người. Bác Chữ cất chai vào ngăn kéo lại lôi ra hai thanh tre mà mỗi hôm vừa đặt gánh, thằng con trai bác đã đi các phố quanh quanh chõ vào đầu ngõ gõ sực tắc, sực tắc’ cho mọi người biết cay hạp trúc sực tắc cháo gà đã đến.

Thanh tre kê xuống mặt đường nhựa, thanh tre sực tắc thành cái phách.

– Nhà em xin hầu cán bộ một khổ.

Hãy còn giăng gió gió giăng

Đừng lo lắng thanh xuân bất tái

Biết rằng ai đã hơn ai…

Nguyễn Tuân hứng chí cầm cái ống khói bếp gõ ngón tay đánh trống chầu nhịp. Ông xích lô đầu quả gáo tưởng đi ngay, nhưng đã lại đương thiu thiu lúc ấy cũng nhỏm dậy. Mỗi người một tâm sự ở cái ngã sáu đường đời này. Chẳng ai đoái hoài đến Aki ngồi yên, nước mắt lã chã. Aki khóc. Cũng không ai để ý những câu ư ử rên rỉ bát nháo gió giăng của bác hàng cháo. Im lặng một lúc lâu. Nguyễn Tuân vỗ lưng Aki:

– Mai đã đi rồi, Tokyo đương đợi anh. Tôi hò chúc Aki một bài đường trường từ biệt Hà Nội.

Hãy giữ lâu được nỗi nhớ cái đêm đạm bạc này.

Chiều chiều mượn ngựa ông đô

Mượn kiệu chú lính đưa cô tôi về

Ngựa ô đi đến quán Lau

Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau gò Điền

Không rõ mấy câu ca dao Phú Yên ấy Aki hiểu đến đâu. Tôi thì tôi bồi hồi nhớ xưa kia những khi họp mặt thanh niên hay truyền bá quốc ngữ nghe Trường Đình Thi giọng Bắc lại hò Phú Ơn kể về người đàn ông lặn lội dắt vợ cõng con vượt đèo xa xứ kiếm miếng ăn. Người đứng cất tiếng hò cũng hốc hác não nề như người tha hương kia. Mỗi khi uống và buồn, Nguyễn Tuân thường bắt chước giọng Trường Đình Thi hò Phú Ơn. Có phải những câu hò ngơ ngẩn não lòng trong đêm lạnh giữa những con người đã trải mấy cuộc đời làm rơi nước mắt xuống đường thành phố như dòng sông miên man, nhớ nhà, mà mừng trở về, không còn lệ ai chan chứa biết đi đâu về đâu như khi ở rừng Thượng Yên, mà khóc cũng chẳng vì lẽ gì. Nguyễn Tuân nhìn Aki. Nguyễn Tuân rút khăn tay chấm mắt. ở câu hò Phú ơn của con người ấy còn ngổn ngang bao nhiêu hơn cái thằng Aki trở về. Làm sao hiểu được những giọt nước mắt kia vì nỗi niềm ai.

(Về Tokyo, Shoisi Aki làm tổng thư ký đầu tiên của hội Nhật Việt hữu nghị. Hai năm sau, Aki lại sang Hà Nội. Nguyễn Tuân gửi tặng vợ và cô con gái Aki đương học nhạc viện mấy thước lụa vân tím màu mận hậu. Chuyến ấy về, Aki bị bệnh gan và mất).

Cụ tú Hải Văn đã cho cậu con trai mới lên mười theo đến nhà hát ả đào Hàng Giấy. Thơ Đỗ Mục, cụ tú dịch:

Mười năm tỉnh mộng châu Dương

Hời thêm một tiếng phũ phàng ngày xanh

Cụ tú Hải Văn, tác giả bài thơ tám chữ độc vận Ai, mà năm 1981, Nguyễn Tuân in tuyển tập đã viết tay trang đầu để trả lời một người chị có nhã ý hỏi về thơ cụ tú H.V. nhớ Huế, xin chép hầu chị bài thơ độc vận ai.

Những là dặm liễu bay hồn khách

Nào thấy mành hoa thoáng bóng ai

Buồm thuận gió xuôi vui mặt bạn

Canh tàn rượu tỉnh giật mình ai

Cầm tay dặn với ba câu chuyện…

Cuộc đời phóng túng và nếp nhà quan các cụ nội đại thần trị nhậm đất Sơn Tây, đã in đậm, đã mờ chồng lên ngày tháng đời con đời cháu từ bao giờ. Nhiều lần Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng và tôi thường lên Sơn. Chúng tôi ngồi bên hào thành, dưới cây sữa. Mặc Nguyên Hồng với bà ‘cai ách bán hàng – khuôn khổ người đẹp kiểu của ông ấy. Tôi hỏi Nguyễn Tuân: Chữ người tử tù, Đỉnh non Tản và tất cả vang bóng của ông đều phảng phất Sơn Tây, thế ông đã đi ả đào ở Đông Tác chỗ gần chốt Nghệ kia chưa?, Nguyễn Tuân tủm tỉm và lặng yên.

Truyện ký Vang bóng một thời, hình ảnh những ngày qua xa xưa. Vang bóng một thời Tây mà Nguyễn Tuân lúc nào cũng định viết, đã công bố trên trang Cùng một tác giả từ khi tập truyện ngắn Vang bóng một thời in lần thứ nhất. Thời ấy, thời Tây, mới thực Nguyễn Tuân, những nông nỗi, những vang bóng của Nguyễn Tuân. Cái này tôi phải viết… Cái này ông phải viết… Viết chứ! ở Tuỳ bút 1, Tuỳ bút 2, Một chuyến đi hay Chiếc lư đồng mắt cua, hay ở những tuỳ bút kháng chiến, những cái đã viết và những cái chưa viết mới chỉ là mành hoa thoáng bóng ai chứ chưa bao giờ Nguyễn Tuân thực đã viết.

Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi. Trước kia, tôi không quen Nguyễn Tuân.

Quãng đầu thập kỷ bốn mươi, báo Hà Nội Tân văn, báo Chủ Nhật mới in của tôi mấy truyện ngắn: Nước lên, Mê gái (Con gà ri), Bãi ô-tô, Một đêm sáng giăng suông. Hình như Nguyên Hồng đã chỉ cho tôi biết Nguyễn Tuân đương lững thững bên kia hè đường Bờ Hồ. Những tiểu thuyết Thiếu quê hương đương in từng kỳ trên tuần báo Hà Nội Tân văn và những truyện ngắn của Nguyễn Tuân đăng các báo Tiểu thuyết Thứ bảy, Tao đàn, Thời vụ, Bạn đường cũng có phần hơi hướng dấu vết trong chữ nghĩa bước đầu đời viết của tôi mà Vũ Ngọc Phan, ở sách Nhà Văn Hiện Đại đã đe tôi nên dè chừng cái giọng khinh bạc học đòi ấy.

Đi bên này hồ Gươm thấy Nguyễn Tuân ngồi trong nhà hàng Hoàng Gia, cái quán rượu kiểu Pháp che cánh sáo ra kín vỉa hè. Nhà văn chơi chua khác đời. Khăn lướt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba toong, chân bít tất dận giày mõm nhái Gia Định. Năm ấy, Nguyễn Tuân cũng chỉ khoảng trên ba mươi đôi chút. Ngoài đường phố chẳng ai ăn mặc kiểu cách khác thường thế, nếu không phải quan tri phủ, quan thương tá ngồi xe nhà, áo sa phủ áo gấm, áo đoạn, vừa ý tứ vừa khoe chiếc bài ngà dây kim tuyến thấp thoáng trong ngực áo. Quán Tavec Royan này chỉ Tây lui tới. Bên trong, nhảy đầm, dàn nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát vươn cổ cò trên cái đại vĩ cầm cao ngang mặt người chơi, những tiếng nảy ra rên gầm gừ.

Nhưng những con người dị dạng này cũng chẳng làm khác mắt mấy cái thành phố không còn đìu hiu, vài năm nay đã nhốn nháo bọn dựa thế Nhật, đầu trọc để trần, áo ka ki ống tay rộng vàng nhạt đi ghệt da cao, lầm lì và nhâng nháo. Chẳng đoán được, Nhật thật hay Nhật mỹ ký. Rồi thì tôi xem Nguyễn Tuân đóng vai người đi săn ở kịch Ngã ba của Đoàn Phú Tứ. Tôi thấy Nguyễn Tuân thoáng mấy giây một cái bóng người y tá khiêng cáng trong phim Cánh đồng ma của Đàm Quang Thiện.

Cũng thấy chán. Nhưng đọc bút ký Một chuyên đi viết về Hương Cảng thì bâng khuâng nhiều. Mấy lần ở cuộc họp tổ bí mật, nghe Như Phong báo cáo thuyết phục Nguyễn Tuân vào Văn Hóa Cứu Quốc, chưa có kết quả. Nguyễn Tuân bảo Như Phong : ở Hà Nội này, đứa nào Việt Minh, đứa nào tờ-rốt-kít, đứa nào Đại Việt, Quốc dân đảng, đứa nào bố láo cách mệnh mồm khoác lác, đứa nào ăn tiền mật thám, tớ biết cả. Nghe nói tợn tạo trắng trợn, Như Phong mượn một quyển sách rrồi ra về.

Những cái biết của tôi về Nguyễn Tuân hồi ấy chỉ mang máng thế.

Đem cái duyên đẹp đẽ mọi bề quàng cho Nguyễn Tuân có thể chưa kín nghĩa, mà cũng không hẳn đúng. Về văn và cả về đời. Có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ, từng chữ. Có người chỉ lướt một đoạn đã không chịu được cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Triết lý và câu văn Nguyễn Tuân không giống vị hoài sơn trong thang thuốc bắc, ghẻ bổ một tý, lại vô thưởng vô phạt. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này, không thể thiếu Nguyễn Tuân. Người kia thì không chịu đựng được. Ô hay, người ta ra người ta thì người ta phải là người ta đã chứ.

Nhớ lại năm ấy, ở gian hàng quà chợ Đồng Xuân còn cái bà nạ dòng khăn nhung áo cánh phin nõn đeo chuỗi hạt cẩm thạch phơn phớt xanh – hàng bún thang ngon có tiếng. Chỉ một bát thang con bún lá, giọt cà cuống thơm một cách khó chịu mà lại không có không được, cũng có thể viết lên một cái gì. Nói bâng quơ, chẳng ra nhủ mình, chẳng ra cho người khác. Những cái ấy phải viết, viết. Như những đêm áp tết, năm cùng tháng tận, lại lấy ra mấy cái đĩa hãng Pa-thé mua được ở chợ Giời, mà nghe ả Đàm Mộng Hoàn… Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán… Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong… Thế nào ông ấy cũng lại nói: Cái hơi của Mộng Hoàn thì sang, nhưng không đẹp bằng giọng bà Chu. Phải viết, cái này phải viết thôi. Những năm về sau, Nguyễn Tuân vẫn làm việc cho viết, khắc khoải sự viết, mà không viết bao nhiêu. ở đây nữa, chính bởi hơi sức và trong tâm sự. Phải đến Nguyễn Tuân viết ra thì cũng một vùng phố xá ấy mới thành tên gọi, mới thành Phố Phái – hai chữ của Nguyễn Tuân sáng tạo đặt tên cho tranh Bùi Xuân Phái. Và trong cuộc chơi, ông cửa hàng trưởng Bôđêga, chú nhà bàn, nhà bếp khách sạn Thống Nhất hay bác Chữ bán cháo gà gõ ống thổi làm phách hát ả đào giọng chèo ở ngã sáu dốc Hàng Kèn, hay khi lên chơi nhà ông Ba trên Nghĩa Đô thì dẫu cho Nguyễn Tuân chưa hề quen, cũng không phải là trùm trò, các chủ quán, chủ nhà đều trân trọng như ông ấy mới là chủ cuộc. Cái duyên ấy xưa nay vẫn như một.

Những năm trước 60, cái dốc ngã sáu Hàng Kèn ban đêm thanh vắng lắm. Những cây sấu, cây sữa cũng chưa như mấy năm sau phải một trận bom Mỹ đánh sập hai ngôi nhà và mấy gốc cổ thụ. Bờ hè dưới hai hàng cây hiu hắt khơi lại cảnh xưa cũ, còn cái bờ tường đắp dòng chữ xi măng nổi Phúc Đình cha, tên hiệu thuốc sốt rét nổi tiếng một thời. Nhớ Cây Thị Hàng Kèn đầu Lê Lợi, cuối Hàng Giò nhiều hơn tên phố mới, đối với chúng tôi. Mấy hàng phở gánh và quán cóc. Nơi ăn đường ăn chợ này không chè chén xô bồ như trên ngõ Sầm Công, chim quay Tiểu Lạc Viên, cà phê phin Ca, cà phê đá Lý Hảo… cũng không ví được với cơm tám Tân Việt, Việt Hương quanh chợ Hôm gần đấy.

Dốc Cây Thị không còn cây thị, hàng quán chỉ rải rác có buổi. Ngồi đây, đầu phố Hàm Long nhìn sang sở Văn Tự, tưởng như lão Tàu Bay còn gánh phở bán buổi sớm. Cũng cạnh đấy, bên dãy nhà mà thời tạm chiếm Pháp đặt đài phát thanh Con Nhạn của quân viễn chinh, hồi Tiền Khởi Nghĩa, đội AS (ám sát) của Việt Minh đã bắn chết Thiên Nga, nữ đặc vụ của Nhật trong quán cà phê này. Nhưng không phải chỗ hàng cà phê của ông cắt tóc ở hợp tác xã chỗ ngã sáu mới về mở, đêm B52 ấy, một vỏ tên lửa rơi gãy võng cái mái hiên. Những biến thiên của con người phố xá, chắp nối lại mà chỉ có ngòi bút Nguyễn Tuân mới phát hiện cho người đọc thấy được những lăng cạnh gốc gác, như muôn vật trong trời đất, khác nhau mà lại dính líu với nhau. Những ngã năm, ngã tư, ngã bảy, người đi lại sinh ra đường cái và mọi sinh hoạt, làm ăn, đắp đổi, người hút thuốc lào thì có người bán đóm, phường chợ thì có người đóng đinh đế giày, ông bán hàng nước chè tươi, ông lão chữa giày dép với khách dừng chân.

Phở Tàu Bay – mà bây giờ ở Sài Gòn có vài ba quán của các bà phòng nhất, phòng nhì và con cháu ông Tàu Bay đã quá cố, cũng đôi chút phảng phất mùi vị phở Bắc, gánh phở ông Tàu Bay xưa đỗ cạnh dốc bên gốc cây thị đầu sân vào sở Văn Tự – không biết tại sao người qua đường lại đặt tên công sở ấy là sở Văn Tự. Có lẽ cũng như chỉ tình cờ một câu bông đùa cái mũ da lưỡi trai hơi dài khác thường của ông hàng so sánh với chiếc mũ phi công mà thành tên phở Tàu Bay, một hàng phở gánh buổi sáng. Thời ấy, sáng, trưa, tối đều đặn cho người ăn quà phở mà không phải là dùng phở đến no. Hiếm cửa hàng phở, hiệu phở, rặt phở gánh, chuyên phở nước. Phở hiệu xào ròn, xào mềm, tái lăn, sấm vang, bát phở bên đĩa mùi, húng và cút rượu trắng. Phở gánh, món quà nhẹ. Ngủ trưa dậy, tối khuya trước khi đi ngủ. Không ai khai tâm chén rượu lúc ăn phở bát. Thịt bò chín từng tảng, cũng chưa rạch ròi mấy chỗ nạm, gầu, mỡ hay nhừ. Trong cái bát chiết yêu loe miệng thắt đáy, nước dùng bốc khói mà trong như nước mưa li ti nổi chút váng mỡ vàng, lơ thơ mấy lát hành hoa, rau mùi. Làm bát nào, thịt thái bát ấy. Đảo phở, bánh chồi lên quá, bánh chương, ăn phải bỏ dở. Nhưng đạo ăn phở của Nguyễn Tuân có cách riêng.

Trong lòng và vỉa hè ngã sáu quang đãng cứ khoảng mười giờ tối trở đi mới lập loè hàng quán. Những tối thứ bảy, từ đầu Hàng Đào xuống Tràng Thi, đến tận chợ Đuổi, mọi ngã ba ngã bảy đều kê bục, cắm cờ. Các đoàn văn công nhảy xạp ràm rạp. Tiếng Trần Chất hát Chiếc khăn piêu đến đinh tai trong loa. Người xem chen chúc lúc ấy mới vãn. Đội quân cảnh đeo băng đỏ đã bắt đầu đi tuần đêm thiết quân luật. Các gánh lục tào xá cháo gà phải hai ba giờ sáng mới hết hàng. Đã quảy về còn có người gọi theo. Bình yên, chẳng ai nhớ thành phố hãy còn phải quản trị theo chế độ quân sự. Dọn hàng quá khuya đã thành lệ.

Khi có hàng quà, những ngã ba đã văng vắng lại hiện ra bộ mặt khác. Chốc chốc, thong thả qua một xe đạp lênh khênh, tiếng vòng nan hoa quay gió vù vù. Cái xe trâu Trung Quốc nặng như cùm được người ta vác từ chiến khu Thái Nguyên Việt Bắc về. Gánh cháo gà bác Chữ đã dênh hẳn xuống mặt đường nhựa. Chiếc chậu nhôm đựng nước, cậu con trai thả chồng bát vào chậu rồi nhặt ra từng cái, khăn lau miết quanh miệng chiếc bát rếch của những khách ăn mở hàng. Rồi bác Chữ thừ ra. Như còn tiếc đám múa xạp lúc nãy hay sao. Bác Chữ cầm chiếc ống nứa thổi pho pho vào cửa lò mới được cời, mẩu củi hồng rực.

Rồi lại quay ra, ngồi lên bó củi, một tay đấm lưng, tay kia gõ cái ống nứa giả vờ điểm tiếng róc phách, chốc lại tom chát đánh nhịp xuống thành thùng bát, miệng ư ừ giọng mũi như rên :

Nam nhi đứng ở trong trời đất

Quyết ăn chơi cho đủ mùi đời

Sự cùng thông bĩ thái tự trời

Sông có khúc con người có lúc…

Bộ quần áo nâu dày mo nang dưới ánh ngọn điện chao lắc lư trên dây giữa đường. Mặt nhăn nhó đăm đăm, chẳng biết đương phởn hay buồn nỗi hóng khách. Chốc lại cầm ống nứa thổi bếp, xong lại rền rĩ: Nam nhi đứng ở…. Tôi không trông rõ thật mặt cái bác cháo gà Chữ ấy ban ngày bao giờ. Như người với ma, nửa đêm đến rạng sáng thì lặn. Bác Chữ nhìn hò háy trước ánh lửa, mắt ấy không viền vải tây điều tất cũng lông quặm. Dần dần người ngợm ở đâu cứ lẩn thẩn ra, như cỗ tam cúc phải đủ xe pháo mã với năm quân tốt hỉn. Gánh lục tào xá lù lù đến ghé cạnh. Cái ông chè đậu xanh lục tào xá thoạt hiện ra thật oai. Như đức Quan Ngài hồi tiền nhật còn ở ẩn kết nghĩa với ông cháo gà Lưu Bị dưới gốc dâu cây sữa xoè tán lá ba tầng ba lọng vàng điềm về sau làm vua. Lão râu đen dài, trán nhẵn hói bóng lên nửa đầu, khi chưa gặp thời thì quảy hàng mà thôi. Nhưng ngắm kỹ, chưa chắc lão đã bằng tuổi tôi băm lăm lúc ấy. Có lẽ chỉ mới năm trước còn thói quen nuôi râu giả già để trốn quân dịch, nhiều người mắt đảo như chớp, nhưng râu ria lõng thõng.

áp chân tường số nhà 81, ông hàng cà phê bít tất. Cũng là trông hình thù mà tưởng ra, cà phê pha vào ấm nhôm, mảnh vải lọc thõng xuống như chiếc bít tất nâu. Ngọn đèn hoa kỳ lom đom giữa mặt chõng tre, ngổn ngang mấy cái ghế con đặt quanh. Khách ngồi xuống, trông lên mới thấy mặt ông hàng lom khom, bóng loáng nắng gió đồng chiêm. Bộ quần áo nâu non nhờ nhếch, dáng ngơ ngơ như đương lẩm nhẩm ai trả tiền, ai lỉnh mất. Nguyễn Tuân không thích cái cà phê hâm nóng đầu đường thế này. Nhưng vẫn thường ghé xe đạp dựng lên gốc cây xà cừ. Không biết có phải chỉ bởi thói quen xưa cũ cứ tối tối, tôi lại rước tôi ra đường!. Những đêm gió lùa rào rạt mặt nhựa, nhồi thêm thuốc vào tẩu, ngồi tránh vào bên gốc xà cừ gồ ghề – Nguyễn không chịu được mùi hoa sữa, ghét lây cả cái cây. Chén cà phê sành nâu lồi lõm, có khi chỉ nhấp một ngụm, rồi bỏ lạnh ngắt. Dường như ngại tôi có thể vì ông ấy mà áy náy không biết cà phê hạt muồng hay ngô rang.

Nguyễn Tuân nói: Mặc kệ mình. Cậu cứ việc hồi tưởng. Ông anh nghĩ tôi đương nhắm phía một kỷ niệm đâu đó nên mới ưa lai vãng tới đây, bởi biết tôi vốn cũng lạnh nhạt với cà phê. Vào quãng giữa thế kỷ này thành phố và con người đều trải nhiều quãng đời chằng mắt xích với nhau. Tôi cũng như vậy. Tôi đến cái ngã năm, ngã sáu này không phải ngẫu nhiên. Mười năm trước, ven hồ đằng kia, còn những toà biệt thự mọc lên giữa những bụi chuối um tùm. Mặt trận đã lan đến đấy, tan hoang cả. Tôi làm phóng viên của báo Cứu Quốc thường qua lại đây, khi xuống tuyến phòng thủ phía chợ Mơ. Có hôm ngủ đêm lại trong ngôi nhà bỏ không. ở chỗ chúng tôi đương ngồi, tiếng súng và người núp ngã xuống bên mỗi gốc cây. Báo Thủ Đô đăng tin chiến sĩ Nguyễn Thành ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch từ hồ Thiền Cuông tới. Quả bom đầu tiên của quân giới ta tự tạo có lẽ được tung ra ở chỗ kia đấy. Thành phố đương tổ chức tìm đào hài cốt liệt sĩ và người chết đường. Ban ngày, trên vỉa hè đặt hàng dãy những chiếc tiểu khói hương nghi ngút.

ở cái ngã sáu đường đời ấy vẫn leo lét ngọn đèn con của lão cà phê 81, ánh đèn chai và lửa bếp thùng cháo bác Chữ. Mấy cái xích lô tã chốc lại lạch xạch lượn lờ qua. Trông mặt người đạp xe cũng có thể đoán được tông tích, mỗi người đều hằn nét bộ mặt thời gian và tờ lịch hàng ngày của thành phố. Có lão râu xồm khuya về uống rượu húp cháo rồi nằm vắt người trên đệm xe, sàn xe ngủ bên gốc cây. Đấy là các ông chánh, ông lý tề vừa chạy Tây càn, vừa sợ Việt Minh trả thù đã bỏ các vùng trắng ven nội vào đây. Đám cơ sở ta hốt chết trốn vào thành, trẻ hơn và đỡ lầm lì, có thể lại công tác bí mật, không ác ôn như mấy lão xích lô râu rậm kia. Nguyễn Tuân bảo: Cậu có để ý đường phố bên Bắc Kinh lúc gần sáng, những xe la, xe lừa bánh gỗ cao lênh khênh, những lão đánh xe đầu hói như quả dưa hấu ngồi ngất ngưởng trên đống củ cải, vẫn oai phong chẳng khác Tưởng Giới Thạch, Uổng Tinh Vệ thất thế!’.

Tôi bàn theo:

– Lão xế lô, lão lục tào xá này nhất định là tề ngụy cũ. Cả lão cà phê bít tất, lão cháo gà dấm dớ thế nhưng trông tay thoăn thoắt nhặt tiền, xếp tiền thế kia đủ biết.

Nguyễn Tuân hỏi:

– Có nhớ Két không?

– Tay Két trinh sát tiểu đoàn 54?

– Cứ ngồi đây mình lại nhớ nó. Không hiểu sao.

Khói thuốc trong nõ tẩu phầm phập bốc xanh trắng um lên.

Thì ra, ở cái đầu đường đêm hôm chẳng thú vị mấy chút, chính Nguyễn Tuân mới đương hồi tưởng. ở mỗi cái cùng trông thấy, nhưng từng người lại ngờ khác nhau. Thế nào mà ở đây Nguyễn Tuân lại nhớ tới Két chiến dịch sông Thao mùa hạ 1949. Chập tối ấy, bộ đội qua sông xuống đò bến đền Đông Cuông gần Mậu A, rồi hành quân suốt đêm vào hậu địch để kịp chiều hôm sau đánh đồn Đại Bục. Tình cờ, chúng tôi gặp lại Két ở Mậu A, Nguyễn Tuân quen Két của Trung đoàn Thủ đô. Chiến dịch ấy, trung đội trưởng trinh sát Két đã hy sinh, nằm lại bờ bên kia sông Thao.

Đi và đi thực và mộng cả đời Nguyễn Tuân. Làm thế nào đi được, chỉ cất đi được. Năm 1937, Nguyễn Tuân ra Hương Cảng làm tài tử màn bạc. Phim truyện Việt Nam, chủ Trung Quốc thuê một số người ở Hà Nội sang đóng. Tôi đã xem Cánh đồng ma ở rạp Hiệp Thành phố Hàng Bạc – rạp chèo cải lương, thỉnh thoảng chiếu phim phong thần, kiếm hiệp bán vé một hào đồng hạng. Phim Cánh đồng ma đầu Ngô mình Sở. Nguyễn Tuân đóng một vai phụ – có thể lôi người đi ngoài đường vào sắm vai cũng được, đấy là người y tá mặc áo lui trắng, nâng đầu cáng thương, lừ lừ qua ống kính chớp nhoáng một hai giây. Có thế thôi, mà Nguyễn Tuân lặn lội sang Hương Cảng trong lúc năm hết tết đến.

Cũng không phải chơi bời đua đả. Đám hổ lốn đóng phim còn lục đục lừa nhau, chửi bới nhau vì các chủ phim tranh nhau xé đám phu mộ đóng phim này đã làm thêm phim Trận phong ba tồi quá gửi về nước tranh khách trước nhưng không có người xem. Nguyễn Tuân ở trong đám phu đóng một phim. Cũng không ăn cánh với ai. Bà phô tô Phú ho lao gày rạc dâm đãng đến quái dị, chùm trò Đàm Quang Thiện và Nguyễn Doãn Vượng, điểm mặt cũng không phải ai tri âm tri kỷ khiến Nguyễn Tuân phải đắm đuối bỗng dưng lênh đênh đi. Mà cái thúc giục vẫn là những cơn đói đi của mình. Không khó không dễ, không biết ai, chỉ biết một mình. Nguyễn Tuân muốn đến Hương Cảng, nặng nề và nhẹ nhàng, thế thôi. Trong đêm trừ tịch ở hòn đảo phồn hoa nhất châu á, hứng thú và buồn với hồn cốt những trang bút ký Một chuyến đi, chỉ có tâm sự ấy đã giục giã nhiều.

Một đời ao ước phương trời với một cung cách đi. Trong tiểu thuyết Thiếu quê hương, cả một chương mười mấy trang về vùng than với những cảng Rơđông, cửa Điền Công, những cơn gió ngoài vịnh vào đen nhuyễn màu than trùm lên phố biển Hòn Gai. Hồi ấy, Mộng Tuyết – Đông Hồ trong Hà Tiên ra chơi Hà Nội. Hôm về, Nguyễn Tuân tiễn ngoài ga Hàng Cỏ. Nguyễn Tuân có viết về cuộc tiễn biệt ấy trên báo Bạn Đường ở Thanh Hoá, đã cười tiên sinh Đông Hồ, tàu sắp chạy, mà vẫn cùng bạn bè lắc lư ngâm vịnh thù tạc suông không có chén. Còn cô Mộng Tuyết thì lại khéo tưởng tượng ra như trông thấy con người ấy hôm nào mới ở vùng gió than, bão than còn cuốn theo đến tận sân ga. Trên khuôn mặt cháy nắng của người lữ hành, hai lỗ mũi cũng xám đen những than là than.

Cô con gái làm thơ ở Phương Thành nhìn Nguyễn mà cảm động, bởi từ xưa kia cô đã ước mơ thèm một hơi gió lạ, khát thở một bầu không khí trời, nước lênh đênh hàng tháng trên biển cả để rồi đổ bộ trên một bến bờ xa. Trải qua khắp kinh tuyến, vĩ tuyến của địa cầu, để đi tới chỗ bốn mùa tuyết rơi, băng đóng đến vùng sa mạc gió nắng lửa than, trèo tuyết núi Hy Mã Lạp Sơn lạnh cóng và tắm nước sông Hằng, vượt biển Đại Tây dương, qua Hy Lạp, rồi trên lưng lạc đà xem Kim Tự Tháp rồi trở lại thưởng hoa anh đào trong một ngày hội ở Nhật Bản. Ngày hè thì lưu liên các vùng bãi biển ý Đại Lợi. Thu về thì ngồi xem lá vàng rụng theo các pho tượng của Lúc Xem Bua. Bao nhiêu tiếng gọi của Cao Rộng Xa Xăm đã thúc giục ám ảnh mãi lòng thích sống một cuộc đời bấp bênh có nhiều xê dịch, biến đổi của thiếu nữ. Cô thiếu nữ mà ngày còn thơ đã có ý muốn đi tận chân trời. Thuyền khách sông Hương đêm thất tịch. Lạnh lùng trăng nước khúc nam ai… mà ai cảm chung một mối tâm sự não ruột của khách Giang Châu Tư Mã (Trạnh niềm nhớ cảnh giang hồ, bút ký, Phương Thành một ngày thu muộn 1939 của Mộng Tuyết).

Cũng một nòi tình mơ màng như cô Mộng Tuyết, chỉ có rày ước mai ao, thật ra Nguyễn Tuân chưa đi đường bộ quá Mông Dương và đường nước chưa ra khỏi cửa Điền Công tới Móng Cái bao giờ. Phải đến hơn hai mươi năm sau viết trang sách về vùng than, Nguyễn Tuân mới tới Hải Ninh lần đầu, cùng đi với Nguyên Hồng, Vạn Lịch và tôi. Tưởng như khó tin, mà sự thật như thế. Thiên bút ký mênh mang sóng biển Cửa Đại kia, đọc kỹ thì nhận ra phải nhờ tác giả có người nhà ở Cửa Đại, mới đến được. Ngày ấy, Nguyễn Tuân đã viết một truyện ngắn đăng báo Tiểu thuyết Thứ bảy, trên đề: Tặng ông Đỗ Ngọc Côn, nhà máy đèn Móng Cái. Khi này, Phạm Duy làm thợ phụ nhà máy điện, ở nhờ ông Đỗ Ngọc Côn (Phạm Duy: Hồi ký thời cách mạng, kháng chiến – Californie, 1989). Mà ông bạn làm nhà máy đèn Móng Cái ở phố chính Clamoocgăng ấy cũng chưa lần nào gửi tiền tàu xe rủ Nguyễn Tuân ra chơi thưởng thức cái hiu hắt nơi địa đầu. Hàng chữ đề tặng chỉ là một ao ước. Mà phải đến dịp nhờ xe của cán bộ Vạn Lịch, mới ra được bãi Trà Cổ, xuống lái thán ngược sông Mang lên cầu Bắc Luân – Móng Cái, đến Thán Pún – sự bôn tẩu của chúng tôi có công lệnh và dấu đóng giấy đi đường cẩn thận.

Cầu kỳ và khó tính cũng là tính riêng trong cái thích thú ham đi mà không được đi. ở phương Đông còn có cái chơi đi mà không đi, ngồi nhà ngắm tranh sơn thuỷ, nuôi muông thú lạ, uốn cây, gẩy cái lá trúc rụng xuống thế giới bể nước nho nhỏ rêu nổi hòn đá cây si bên hòn non bộ có ngôi chùa mái cong, có chú tiều vác củi qua cầu. Cho thoả cái tưởng tượng mà thôi.

Nguyễn Tuân ở vế người thứ nhất, không phải các ông ngồi rung đùi chơi trời đất thu nhỏ vào cái bể sành và núi non bộ. Mà đôi khi chơi cây cảnh, một chút chắp nối. Ơ hờ, hờn dỗi, bực bội, nhớ thương không đâu gửi vào một nhánh địa lan cánh tím, một con chó đá canh cửa, một quả phật thủ, một hòn cuội suối, một chiếc gối sứ mới đây được bưng ra từ một tiệm hút chợ Cũ Sài Gòn. Nguyễn Tuân chỉ thích đi, nhưng trong mọi sửa soạn còn kỹ lưỡng hơn đi. Mùa hạ năm 1949, Nguyễn Tuân và tôi theo tiểu đoàn 54 Trung đoàn Thủ đô tiến quân vào mở chiến dịch tiêu diệt một chuỗi cứ điểm hành lang bờ sông Thao án ngữ Tây Bắc, các đồn Đại Bục, Đại Phác, Khe Pịa, Ngòi Mác, Mã Yên Sơn lên đến đồn tiểu khu Phố Ràng. Chuyến áy, tôi đi cùng Nguyễn Tuân – được làm quen với Nguyễn chuyến đi đầu tiên. Tôi đã ghi lại:

Nguyễn Tuân xắm nắm quanh cái bi đông nước bọc dạ xanh của anh. Lần đầu tiên ở mặt trận, đi lâu với Nguyễn, tôi mới thấy quá nhiều đức tính của người lên đường. Khoẻ, vững, hành trang không thừa, cũng không thiếu một cái gì. Trên lưng, gọn gàng chiếc ba lô Nhật. Một sợi dây nhỏ cũng có chỗ để rồi dùng đến sợi dây. Cuối cùng, mọi thứ giấy má có thể lộ liễu của riêng mình đều phải để lại căn cứ, không được đem theo vào vùng địch. Chỉ một cuốn sổ nhỏ, cái áo mưa, bỏ vào ba lô vừa phải. Một bao cơm nắm, thêm cái thắt lưng lương khô cuốn chéo ngang mình. Đầy bi đông nước, Nguyễn Tuân đã cẩn thận buộc ghì vào thắt lưng cho khi bước đỡ xóc (Ngược sông Thao, phóng sự, Nhà xuất bản Cứu Quốc 1949).

Trong nghề đi – nghề, chứ sao, cẩn thận đã thành thói quen và cầu kỳ đến đam mê. Sửa soạn cũng là khai thác để thưởng thức được chu đáo. Không phải cứ đứng đắn và khôi hài như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. ở trường lục quân bên Vân Nam về, anh Khoát dạy tôi thuật đi đường giữ được dai sức của Bát lộ quân. Nhanh mười bước lại thong thả ba bước, cứ thế cả ngày chân không biết mỏi. Cẩn thận, mọi thứ trên mình và trong ba lô đều gọi thành con số. Ví như cả thảy đồ đạc có mười lăm thứ. Sáng ra, trước khi đi đếm chỉ có mười bốn. Thế là còn thiếu một. Rõ thật buồn cười, nhưng nếu cười, anh Khoát không bằng lòng. Mọi cẩn thận của Nguyễn Tuân thiết thực hơn, nhưng không thành con số như trên. Ngòi bút chì gài trên túi áo, ngồi đọc cũng ghi lên sách. Không biết đến thế kỷ nào có cái hơn, chứ bút chì trên giấy thì không bao giờ phai. Một tiệp bìa cứng với cái bút chì. Lắm lúc thấy ông bạn đường chịu khó đến vậy, mình vừa để ý, vừa thích vừa ngán ngẩm cho những khó nhọc của nghề đi không biết thế nào là cùng. Lo cho việc đi là yêu đi và biết hưởng thụ đi. Mải mê quên ngày tháng, nhưng tính đếm sửa soạn cho mải mê thì phải nhớ từng ly. Cái phóng khoáng của ông ấy không lẫn với buông tuồng, cẩu thả.

Mà sự chuẩn bị tỉ mẩn của con người muốn khi ta chết đi, da ta được thuộc làm cái va ly cũng khá khác thường. Năm 1961, Nguyễn Tuân lên Hà Giang dự khánh thành đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì. Hoà bình thảnh thơi rồi, nhưng vẫn lại là về rừng, lại đeo cái ba lô Nhật với những sợi dây dù Mỹ buộc màn, không quên chiếc bi đông chiến dịch sông Thao hơn mười năm trước. Giữa đám các thứ lỉnh kỉnh, một xếp giấy bản lau chén bát, một quyển sách đang đọc và mấy thẻ hương mua thửa ở hàng quen cửa chợ Đồng Xuân. Khánh thành đường mới trên rừng thì nhà khách cũng là mấy cái lán cắm ven đường. Hương chống ẩm, chống muỗi đây. Hương chống muỗi, chứ Nguyễn Tuân kỵ mùi tỏi và không chịu được mùi thơm ở các thứ hương ấn-độ cứ thoang thoảng rờn rợn như có ma lẩn quất trong nhà.

Quả nhiên là những nơi ngả lưng dã chiến ở Hoàng Su Phì khách nghỉ đêm ở các lán dân công, nền đất và phên vách mới được sửa sang lại đôi chút. Tối đến, mùi hương ở lán ông khách văn ngào ngạt ra. Vù Mí Kẻ, bí thư huyện Đồng Văn hỏi nhỏ tôi:

– Nó cúng ma hả?

Làm thế nào cắt nghĩa cho ông bạn người Mông này hiểu cho cái thú chơi sưởi mùi hương như thế. Mới như hôm qua, Vù Mí Kẻ năm trước lần đầu về Hà Nội. Nhiêu khê quá, xe liên vận Đồng Văn xuống Hà Giang, lại chuyển ô-tô khác về Phú Thọ. ở đấy, lên tàu hoả. Đoàn tàu xuôi về đến ga Hàng Cỏ, vẫn ngồi thản nhiên ngắm ra phố phường, đường xá, nhà cửa ngoài cửa toa thấy mãi chưa tới Hà Nội. Khi tàu lên đến Bắc Giang mới hỏi ra.

Tôi bảo Vù Mí Kẻ:

– Không phải bác ấy cúng ma. Bác ấy đốt hương cho ấm như ta ngồi sưởi lửa ở trên quê, lại chết được muỗi. Mùi hương sưởi thơm cũng như khói củi gỗ thông ấy mà.

Có lần, Vù Mí Kẻ về Hà Nội, đến chơi uống rượu nhà Nguyễn Tuân. Tôi nhắc lại chuyện hương sưởi ấm ở Hoàng Su Phì. Vù Mí Kẻ trả lời: Bây giờ nói thế thì mình hiểu ngay.

Hồi ấy, Vù Mí Kẻ không tin câu cắt nghĩa của tôi. Có những việc…

Nhưng thôi, lại trở về chiến dịch sông Thao mùa hạ 1949. Nguyễn Tuân gặp lại Két – người chiến sĩ trinh sát mà Nguyễn Tuân vừa hỏi tôi có nhớ không, lúc nửa đêm giữa cái ngã sáu bên gốc cây sữa, cây xà cừ này.

Lần đầu tiên, quân chủ lực mở trận đánh phối hợp lớn, mặt trận dài suốt bên kia sông Hồng ở Yên Bái vắt sang sông Chảy, lên Lào Cai. Chúng tôi theo tiểu đoàn 54, đơn vị chủ công của Trung đoàn, Nguyễn Tuân bỗng gặp lại Két, không ngờ, khi qua sông.

Chập tối, tập kết ở Mậu A. Các chiến sĩ quần áo bà ba đen như chúng tôi. Bộ đội được phát như thế nào thì mặc nấy, áo nâu, áo đen, có khi nhuộm lá cơi, nhuộm pin xanh sẫm, thâm xịt. Đã xế chiều, người ngồi đen ngòm sân đền Đông Cuông. Trung đội trưởng Két trong đám chiến sĩ, người hầu bàn nhà hàng Thuỷ Tạ Bờ Hồ năm trước, bây giờ là trung đội trưởng trinh sát đã trông thấy cái ông nhà văn hay uống uýt ky, quăng trô xếch ở Thuỷ Tạ lúc chặp tối sao ông ấy lại lên tận đây thế này. Mà đội mũ vải ka ki xám, mặt lành lạnh như phái viên cấp trên xuống. Két đến trước mặt Nguyễn Tuân:

– Ông…

Nguyễn Tuân giơ cái gậy tre, nắm tay Két.

– Anh Két! Đồng chí Két! Tôi cũng sang sông đêm nay. Đồng chí ở 54 à?

– Vâng ạ.

Chỉ một thoáng, mọi người hối hả về sửa soạn. Suốt chặng đường vào sâu trong kia, Nguyễn Tuân mong gặp lại Két. Như còn bao nhiêu chuyện máy năm qua chưa nói hết. Suốt đêm ấy, mù mịt bóng sương, hơi nước và lầy lội, hầm hập. Liên tiếp, từng chiếc thúng, chiếc tam bản của các vạn chài cả mấy tỉnh từ Vĩnh Yên, Phú Thọ lên Yên Bái đưa bộ đội qua sông. Đi suốt đến sắp sáng, qua mấy làng tề gần đồn Đại Bục, trông lên quả đồi đồn Tây lù lù đây rồi mà tiểu đoàn bộ với các đơn vị trực thuộc vẫn loanh quanh lố nhố dưới ruộng chưa tìm ra nơi ém quân. Du kích địa phương dẫn lạc đường! Chúng tôi lõm bõm trên những cánh đồng nước. Sau lưng, anh nuôi quảy nồi chảo va vào nhau lông chông, như nhạc ngựa đồn Tây ra đuổi.

Ban chính trị trung đoàn có nhạc sĩ Lương Ngọc Trác và cả hai người Pháp hàng binh thu được trong trận tiểu đoàn 54 luồn sâu tập kích đồn Bá Giang ở chỗ Phùng ra cửa sông Hát. Hai lính Pháp đã lái xe vận tải chạy ra giữa đồng. Bây giờ họ làm công tác địch vận. Ra trận, mỗi gã đeo một cái loa giấy bìa các tông dài ngoằng như chiếc sừng trâu. Mấy hôm trước đóng quân tập kết ở bàn đạp. Mỗi ngày mổ lợn, các cu cậu được anh em thương tẩm bổ thêm cho miếng gan, quả tim ngoài xuất ăn. Hành quân ban ngày từ Phú Thọ qua dọc sông lên, dưới mưa rào vẫn đi. Hai người Pháp gày nhẳng, tóp lại, cao lêu đêu, tóc ướt bết trán, vai nhô lên, cung cúc như con gà chạy mưa.

Nhưng rồi tất cả cũng lên được một quả đồi nứa um tùm, trước khi trời rạng. Vừa tới lưng dốc đã ran tiếng súng dưới ruộng. Tiếng nổ lúc sáng bạch nghe toác toác như cháy rừng nứa. Có người làng ra làm đồng sớm thấy nhiều vết chân lạ dẫm nát lúa mới cấy. Sợ quá, về bẩm chánh tổng, chánh tổng lên báo đồn. Quan đồn đoán đêm qua có du kích về. Sắp đến ngày 19 tháng 5 kỷ niệm của Việt Minh. Đồn cho một tiểu đội lính Thái ra sục các đồi. Bọn lính Thái với người cai Tây cởi trần, xách súng, bắn vào bụi rậm rồi hô nhau xông lên. Thế nào mà chúng nó lại lên đúng đồi ban chỉ huy tiểu đoàn và cả ban chỉ huy Mặt trận.

Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng cho hai tiểu đội xuống chặn. Lệnh: Tuyệt đối không lộ hoả lực mạnh, chỉ được bắn súng trường, phát một. Nếu giáp lá cà, đánh dao găm.

Chúng tôi ngồi xổm cạnh bụi tre xế đỉnh đồi. Ngổn ngang gồng gánh, những càng chân SKG – súng không giật, từng bộ phận súng cối chưa lắp và những đùm lá cọ trong gói từng chồng truyền đơn tiếng Pháp, tiếng Thái. Hai người pháp địch vận mắt xanh nhờ đứng chơ vơ như hai cái cột. Giữa im lặng thấp thỏm, không biết bao nhiêu con người núp trong cỏ, trong bóng lá những quả đồi có thể sắp nổ tung trong ánh nắng. Nguyễn Tuân chống hai tay lên chiếc gậy tre, lom khom nhìn xuống đất. Tôi ngồi không yên chỗ, lại nhấp nhỏm đứng. Quái đản, Tây sắp đánh lên đây mà lại có hai thằng Tây lù lù cạnh mình thế này! Đại đoàn phó Cao Văn Khánh – chỉ huy phó chiến dịch đến bên, nói nho nhỏ, trấn an chúng tôi:

– Đạn không bao giờ dính tôi! Các anh ngồi yên đây, không có gì phải lo.

Câu nói nửa đùa nửa thật về cái mệnh con người. Nguyễn Tuân đã gặp Cao Văn Khánh trong chuyến đi Nam Trung bộ giữa năm 1946. Cũng năm ấy tôi vào mặt trận phía Nam cùng Cao Văn Khánh và Thu Sơn đã làm một chuyến đi ngựa từ Tuy Hoà qua Củng Sơn lên tiền tuyến Cheo Reo. Đã biết nhau và câu nói thân mật của con người trải trận mạc có tác động tâm lý. Tôi cảm thấy thánh thơi hơn, không bị hút vào sự im lặng ghê rợn. Chỉ còn thấy hai người hàng binh Pháp lớ rớ loay hoay cạnh bụi tre. Họ cũng tự biết chớ có loanh quanh đi lại. Chiếc loa giấy khoác bên nách chốc chốc lại đổi bên lắc một cái. Những con ruồi vàng bụng mọng máu to thô lố ở ống chân lông lá lăn xuống. Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên…

Bỗng súng rộ lên một chặp dưới lưng đồi rồi lại tắt ngay. Trong im lặng, liên lạc lên báo ta đã tiếp cận đâm chết một thằng. Tiếng nổ, đấy là chúng nó bắn chặn để khiêng xác thằng chết về. Rồi cứ im im thế đến quá trưa. Vẫn quạnh như tờ (sau mới biết trong đồn vẫn đoán là sắp đến ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh, du kích đến quấy). Đồn Tây ra lệnh phòng thủ và canh gác nghiêm ngặt hơn. Trèo lên cây đồi bên này, tôi trông rõ những người vác hòm đạn vào lô cốt như kiến tha mồi. Chúng tôi lo bữa ăn cho chắc dạ, ăn cơm nắm, thịt rang, các bếp đã chuẩn bị từ chiều qua.

Mặt trời đã ngả vàng khè trong làn sương các khe núi dâng lên. Năm giờ chiều, giờ này máy bay dưới xuôi không lên nữa. Một tiếng ầm, vang bốn phía. Đại bác ta nã thẳng nổ xanh lè bên lô cốt. Nhưng chỉ đoàng đoàng được vài quả, nền đặt pháo của ta bị lún, pháo câm. Một khẩu súng, ngay phát đầu đã văng cả chốt đuôi, suýt chết thằng Tây địch vận ngồi đằng sau. Nhưng các khẩu cối thì nhả đạn đều đều, tiếng rền liên tiếp. Lương Ngọc Trác ngồi trên cây nhìn sang phía bên trái, kêu lên: Bên Đại Phác nổ súng rồi.

Bộ binh xông lên đồn, lúc ấy trời đã tối hẳn. Khoảng gần tám giờ tối chúng tôi vào được sân đồn Đại Bục, cái chỗ lúc trưa trông sang thấy lính Tây, lính Thái trần trùng trục vác hòm đạn. Bóng tối và khói mù mịt. Bờ rào dây thép gai tan tác. Thằng đồn Tây mặc váy áo giả làm đàn bà Thái chết dưới chân một luỹ đất. Nhưng trên cái lô cốt cao cắm cờ tam tài giữa sân, đạn vẫn nã xuống. Những mũi xung kích chiến sĩ cầm mác dạt được vào núp ngay bên bờ tường lô cốt, chặn bọn trên chòi thoát xuống. Chúng tôi vào làng tề cạnh cổng đồn đương đùng đùng cháy. Không biết lửa du kích chiếm làng đốt hay đạn trên lô cốt bắn xuống. Chiếm được đồn rồi mà khắp nơi cứ loạn xạ.

Cái trống nhà chánh tổng treo đầu hồi ngoài sàn không biết ai đã khiêng ra vứt lăn lóc đấy. Một đám vác xác người chạy qua. Nguyễn Tuân, quần áo đen như hung thần hiện lên, tay cầm dùi trống, mấy chiến sĩ quay ngược nện báng súng vào mặt trống. Cả đám người đánh trống ngũ liên thúc trận hạ lô cốt cuối cùng lừng lững trước mặt. Mấy tên lính Thái gan lỳ vẫn dai dẳng bắn xuống phát một. Nhiều chiến sĩ ta bị đạn tỉa chết. Một tổ tiêm kích bắc thang trèo lên thả lựu đạn vào lỗ châu mai. Im lặng hết trong lô cất. Đã hơn tám giờ tối. Những cái đầu lâu được ném từ trên lô cốt xuống. ở tấm ảnh Hạ đồn Đại Bục trong pho sử Quân tiên phong, giữa hàng quân ta có hai chỗ chấm trắng trên đầu gậy. Đấy là vết hai thủ cấp hai thằng trên lô cất cố thủ.

Nửa đêm, cả ban chỉ huy lên một cái nhà sàn còn sót lại trong xóm xung quanh vẫn cháy rực. Chiếc dùi trống thò một đầu trên ba lô Nguyễn Tuân. Cạnh bếp, một thùng rượu vang to bằng cái vại sành bên gốc cau đã toang một mặt ván. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng, mới chiều hôm qua ở bên kia sông, mặt mắt còn phẳng phiu, bây giờ hàng râu quai nón đã trổ đen ngòm. Tiểu đoàn trưởng giơ bát rượu vang: Đúng hẹn với các anh nhé. Chúng ta vào uống rượu vang giữa đồn Đại Bục. Nào, các anh? Mời ông Nguyễn? Một lúc, Nguyễn và tôi nâng hai bát trước mặt, nhưng không mừng đụng cốc. Chúng tôi vừa được tin về Két, Két đã ngã xuống ngoài lô cốt. Chúng tôi uống im lặng viếng hương hồn người bồi bàn chiến sĩ trinh sát trung đội trưởng Két.

Mấy hôm sau chiến dịch chuyển sang sông Chảy, Nguyễn Tuân vẫn ở lại với 54. Tôi theo đội võ trang tuyên truyền lên các làng Mán Sừng trên rặng núi Voi rồi xuống với Trần Đăng lên mặt trận Phố Ràng.

Bao nhiêu lâu rồi, chúng tôi vẫn thường có dịp thăm hỏi 54, tiểu đoàn em nuôi. Trú quân ở Kép Le, về Lai Xá, ở Hoà Lạc. Luyện quân ở Định Hóa, lửa trại đêm Hà Nội giữa rừng. Chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952. Lại mới năm trước, cuộc tiễn đưa đơn vị tiến vào đánh bao vây Khe Sanh. Lần lên với đơn vị đóng quân trên Hoà Lạc ở Sơn Tây, thoắt đấy mà ba mươi năm đã qua, cả đoàn người chiến dịch sông Thao bấy giờ còn lại mỗi một bộ đội Sửu thợ rèn, tự vệ Ô Cầu Dền, nay là chính trị viên trung đoàn.

Cái tình với chiến sĩ và với trung đoàn Thủ đô của Nguyễn Tuân tuyệt nhiên không phải ngẫu nhiên. ấy là thói quen đến nơi đến chốn, chăm chút, ý nghĩa của một kỷ niệm. Người con trai lớn của Nguyễn Tuân đã là một trong những cán bộ chỉ huy đầu tiên của đơn vị từ sáu mươi ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội ở Liên khu I. Có khi, đi chơi với Nguyễn Tuân và Xuân Trường, người con trai ấy bây giờ là một tướng lĩnh trong quân đội. Chúng tôi về quê Nguyễn Huy Tưởng ở Dục Tú. Ba cái xe đạp thong dong sang Đông Anh. Thời cụ tú Hải Văn bố dắt con vào nhà ả đào Hàng Giấy, đến thời bác Nguyễn, khác mà không khác, cái tình vẫn một cha con ấy. Cũng như khi gặp lại Két trên bến Mậu A. Ông khách kỳ lạ để nhớ vẫn thường khai vị bằng rượu mạnh.

Hai người cũng vào Đại Bục nhưng không bao giờ còn gặp lại người nhà bàn cũ ấy nữa. Mỗi khi ngồi trông ra sóng hồ lăn tăn lẫn bóng liễu, bóng chiều, bóng bia hơi và sáng đèn quanh chân cột sàn nhà Thuỷ Tạ, lại nhớ. Thế mà là thật, những gắn bó xưa sau. Vui chuyện, Nguyễn Tuân hay nói một câu, một câu nói đi nói lại:

– ừ! Phải viết chuyện ấy rồi phải viết.

Những từng trải và kỷ niệm cả đời thúc giục, đã viết ra đấy, nhưng chưa được mấy. Mỗi ngày qua trở thành một thấm thía, khi chợt nhớ, đêm nay ngồi quán cóc ông lão 81 lại nhớ người hầu bàn nhà Thuỷ Tạ Bờ Hồ xưa kia.

Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà phải là hợp khẩu vị, ngon theo ý mình. Lọ muối vừng, hộp nước mắm chưng, cái gác-măng-dê trữ trên ba lô, thời chiến và thời bình, vẫn thế. Nguyễn Tuân sành ăn và kỹ tính tuyệt nhiên không xô bồ. Nắng oi quá, nhắm rượu mướp đắng giải nhiệt, nhưng không xơi mướp đắng mắm tôm như người ta. Không bao giờ đụng đến mắm tôm chợ. Ăn tinh đến thế, mà lại kỵ tỏi, mùi tỏi.

Tôi vừa đến, mới ngồi đã bị hỏi:

– Có phải cậu vừa ăn tỏi?

Nếu tôi ừ chắc Nguyễn Tuân sẽ bảo tôi đi đâu mai hãy trở lại. Tôi đáp:

– Không phải.

Cái mũi thính có vẻ bớt khó tính với tôi, nhưng lại lẩm bẩm:

– ở nhà dưới lùa lên?

Sợ mùi tỏi, ông voi to đùng sợ con kiến. Cũng lạ, cái lạ mà bình thường. Bài bút ký Phở đã đưa tác giả vào hàng những tay cực thạo món quà này. ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Không đụng đũa vào bất cứ thứ phở nào khác. Thịt bò chín, nạm hay mỡ, bánh vừa phải không nẫu vồng lên, không thái săn và thái máy như Sài Gòn mà Nguyễn Tuân gọi đùa là vằn thắn phở. Xúc bánh xong, thái thịt lồi bày lên rắc hành hoa và hạt tiêu – không ớt, mặc dù thích ớt cay. Ông nào phở xào, tái sách, tái dúng hay tái lăn, sốt vang lại đập quả trứng, thêm một cục mọc thịt lợn, một miếng giò lụa, hay phở thịt gà, thịt ngỗng, thịt chó rựa mận, thì tùy. Tôi không ăn phở để tẩm bổ. Lùa thật nhanh, ăn thật nóng, lên hết chất phở, thú nhất. Không hành tây, mùi tầu, húng chó, không thêm nước mắm, dấm ớt, tương ớt, không mỡ váng, không mỳ chính, cốt thưởng thức cái tinh tuý của nước dùng xương.

Tập ký Băm Sáu phố phường của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Doãn, bát phở rỏ mấy giọt cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân thường cười: cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dọc tẩu xuống ngon hay không ngon kể cũng đáng viết cho ra nhẽ.

Khoảng những năm 55, đôi lần Nguyễn Tuân còn ăn phở gánh ở tầng trệt nhà Địa ốc Ngân hàng, chỗ quán rượu Hoàng Gia cũ. Hàng phở này mở từ những năm thành phố còn bị chiếm. Rồi đến dạo quà phở thành cơm phở, người thành phở ăn phở lấy no, thì Nguyễn thôi ăn phở. Bút ký Phở cũng là vang bóng một kỷ niệm mà thôi.

Nguyễn Tuân có nhiều cái không thật bất ngờ. Nguyễn chưa bao giờ cưỡi ngựa, không biết ngồi ngựa. Đạo diễn Phạm Văn Khoa làm phim Chị Dậu, Nguyễn Tuân đóng vai chánh tổng cưỡi ngựa đi đốc thuế. Chủ nhiệm phim đi thuê ngựa, phải thuê cả người chủ ngựa đóng vai dõng đứng giữ cương cho ông chánh tổng ngồi trên yên, chưa đến nửa phút. Nguyễn Tuân chỉ đi chơi biển, không tắm biển. Dễ hiểu: Nguyễn Tuân không biết bơi, dù bơi chó hai chân đạp tầm phòng. Đọc ký sự Ra đảo của Nguyễn Khải kể về hành trình Nguyên Khải vượt biển ra đảo Cồn Cỏ, Nguyễn Tuân khoái riêng cái anh nhà văn trẻ này ngồi thuyền ra Cồn Cỏ dưới bom và tàu chiến địch quần xung quanh mà không biết bơi, nhát nước chẳng khác Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân chẳng thiết cái quán bát nháo của ông lão 81. Nhưng đến đây là một cơ hội để nhớ. Tách cà phê bít tất hay chén rượu có nhạt, cũng không quan tâm, chỉ bởi nó đem lại được cái cớ Nguyễn Tuân kéo mẩu ghế ngồi. Dáng ông lão gày gày, bộ quần áo nâu non còm cõi, lom đom. Nguyễn Tuân nhớ những cái khác. Mỗi đêm ngã sáu, từng người lại tìm về những kỷ niệm của mình. Những năm ấy chưa có mấy quán cà phê, quán nước bán kèm nước trắng. Tôi không được biết Nguyễn Tuân thời xưa kênh kiệu tàn nhẫn thế nào, chỉ thấy bây giờ cũng chịu khó chơi tạp, chỉ có điều là ngồi đối diện đấy, nhưng không nhìn mặt ai. Cái ác khẩu của nhà văn này thì khỏi nói. Tao mà chết, nhớ chôn theo với tao một thằng phê bình, ai đã bịa ra mà kể lại thế, nhưng giá ở dưới âm ty, thằng phê bình chẳng may nào đó bị chôn sống, lại mời ông đi uống rượu rồi đi chơi đảo Cát Hải thì chắc ông cười xoà, làm lành ngay. Vẫn cái khó khăn hay cái dễ dãi chỉ vì mình. Đã thích thì cứ cầm lấy, một quyển sách mượn không bao giờ trả, một nhánh hoa địa lan cắt thẳng ở chậu vừa hỏi chủ nhân vừa cắt.

– Ông 81 mới đổi mặt hàng. Có cái rượu hay lắm.

Trước cái chõng, ngọn đèn hoa kỳ nhoè nhoẹt. Cũng không ai để ý những bày biện mới, lọ lạc rang lại lọ kẹo bi xanh đỏ nhờn nhợt, quà dỗ tiền trẻ con. Ông lão đương cù rù, lẩn mẩn bóc củ hành khô. Vỏ hành kêu tanh tách như bật ngón tay. Cái chảo mỡ bắc ngay cạnh. Đậu nghệ chấm muối hay đậu rán, những mặt hàng mới. Thêm mấy cái ghế lõi giấy ép cuộn chỉ nhà máy sợi bên gốc cây đã xây vuông viền quanh thành cái bàn. Bập bênh như chiếc ghế ngất ngưỡng trước quầy rượu, cũng hay hay.

Tôi nói:

– Ra cái ông 81 này đã làm bồi cho Grapphơi ở Huế, ông Nguyễn ạ.

Nguyễn Tuân gật gật:

– Grapphơi công sứ Trung Kỳ.

– Tôi mới nghe ông ấy kể.

Chờ đợi sự ngạc nhiên, nhưng Nguyễn Tuân chỉ ừ thế rồi nhìn bộ quần áo nâu bạc của ông lão đồng chiêm xa lạ. Ông lão mọi khi cứ lặng lẽ lúc có khách, tự dưng bỗng bật nói:

– ở Huế làm bồi, tôi kiêm cả chân bếp. Chả là mỗi lần cả nhà nó đi pích ních, Bạch Mã tôi phải lo các thứ, đâm ra thạo. Miếng giăm bông hun khói tôi cũng làm lấy được, khét bỏ mẹ lại khen ngon. Người Tây lắm cái ngược đời, còn An Nam mình thì khôn ngoan, hay xỏ ngầm. Thế mới chết chứ. Tôi làm ăn lương gấp rưỡi. Nấu nướng cho Tây chẳng khó như cao lâu Tàu. Hành mỡ phi thơm lừng, Tây nở mũi, thế là khen buồng. Các ông để ý xem, hèn nhất là cái mặn muối, thế mà Tây ăn cứ phải có lọ muối trắng như bát hương mả tổ nhà nó để giữa bàn. Động một tý lại rắc muối, thế thì mất hết mùi vị, các cụ nhà ta kén đến hàng chục loại nước mắm vẫn còn chưa bằng lòng kia mà.

Câu chuyện của ông lão quê mùa mỗi lúc một sang trọng phố phường, bắt đầu từ Huế lên Bạch Mã đến khi Grapphơi hết hạn ở Đông Dương về Pháp đem theo cả thằng bếp giỏi. Thế là tôi phú bà đầm nhà tôi về quê, bảo là cho tôi đi kiếm cái vốn. Tôi đi xêlibạt ba năm bôông bêêng bên Tây. Các ông ạ, nói thực chứ ngủ với đầm chán bỏ xừ. Nó bắt phải đùa cả đêm, nhọc lắm.

Thế là ông lão hơn đứt chúng tôi rồi. Cao hứng, Nguyễn Tuân chốc lại hỏi một câu về núi Bạch Mã, chén rượu để vào vè gốc cây sấu đã cạn từ lúc nào. Phong tục và khách khứa ở những quán còm cõi chủ hàng hay đuổi khéo khách không uống thêm mà còn bè nhè, thế mà ông lão vẫn để yên. Những câu chuyện của ông 81 đã làm chúng tôi lẫn lộn gốc sấu, gốc xà cừ, gốc cây sữa với những gốc thông và bậc đá tảng boongalô trên Bạch Mã. Tôi ngồi hớp những chuyện trên vùng núi nghỉ mát ấy và chuyện chơi bời bên Tây mà tôi chưa được biết đến bao giờ, chỉ nghe cũng như thuộc. Ông lão 81 vẫn bóc hành. Bây giờ tôi mới để ý bàn tay bồi bếp suốt đời ấy to bè bè, mỗi ngón như trái chuối mắn khác hẳn khổ người thấp bé, gày úa. Gia vị chuyên có củ hành Cái hành củ già mới hăng, không như hành hoa, hành lá nhạt thếch. Rồi khách hàng cũng đâm ra nghiện hành khô theo chủ quán. Các ông ạ, hôm nay có ngầu pín. Từ dạo chú khách ngoài phố Huế đóng cửa món cháo ngầu pín, thỉnh thoảng ông 81 xuống lò mổ mua chui được mấy cái. Da bò, thịt tái và dái trâu dái bò hồi này hiếm hẳn. Nghe nói mậu dịch thu mua, da thì vào nhà máy thuộc da, còn ngầu pín để xuất khẩu đi Hồng Công. Lão 81 hay khoe của lạ, mà không bao giờ vui chén với khách.

Lão chỉ nhìn người ta uống và đợi được khen hành phi thơm sực mũi. Lão giữ đúng quy lát nhà bếp nhà bàn có cái thú ở sự ngắm người ta thưởng thức – Nguyễn Tuân bảo thế. Nhưng vẫn rôm rả chuyên Bạch Mã và bên Tây. Mỗi câu đối đáp như nói cho mình nghe. Lão ấy cũng khoái nhớ chứ! Nhớ vui hay nhớ buồn, nào biết được với lão. Có lần tôi nói với Thanh Tịnh khi đọc những hồi ký ông viết về thời làm nghề hướng dẫn du lịch rằng ông nhớ lâu quá, Thanh Tịnh sáng tác ra một câu ngạn ngữ, nhớ lắm, khổ nhiều. Ôi tội cho những người nhớ lâu.

Chúng tôi đưa một khách Ba Lan ra ngồi gốc cây ở đấy. Nhà văn Dukôpsky đã lên mặt trận Điện Biên nhưng A.Covanepsky, nhà văn Ba Lan này đến Việt Nam khi hoà bình đã lập lại. Ông nhà văn hình thù cổ quái ấy chuyên viết phóng sự về đời sống loài vật. Covanepsky đã ở rừng châu Phi, đã qua suốt mùa hè trên ngọn sông Amagiôn và ở cả năm trong vùng muỗi rừng đương khai hoang mở đồn điền chuối bên Braxin. Ông đã lặn lội hầu khắp rừng núi thế giới, chụp ảnh và viết về những con vật kỳ lạ. Cơvanepsky đã bảy mươi lăm tuổi, thế mà bạn đọc ông nhiều nhất lại là thanh thiếu niên.

Ông đến làm khách của Hà Nội cuối tháng chạp. ở lại tết Nguyên Đán, mấy khi được ăn cái tết cổ truyền mùa đông ở một thành phố nhiệt đới, nhưng Cơvanepsky lại muốn đến xem mùa xuân tận nơi rừng thẳm có muông thú hoang dã. Ông lên Lai Châu. ở tỉnh lỵ, tết xoè Mường Lay trên các nhà sàn cũng không quyến rũ nổi ông. Ông đã cưỡi bốn ngày ngựa lên Mường Tè. Những địa danh Mường Thanh, Lũng Cú, Mường Tè, Mèo Vạc, ngay đối với người Việt Bắc cũng tận đâu đâu.

Trời rét ngọt, gió cuốn dưới lòng đường lên như cắn vào mặt. Chúng tôi vác đến một chai rom Sanh Giam mua ở khách sạn Mêtrôpôn. Uống cà phê bít tất pha rượu hảo hạng Nhưng không ai lưu tâm cà phê hạt muồng với cái rượu ngon nhất nước Pháp mà là ngồi ở chỗ này để tưởng tượng ra đồng không mông quạnh cho ông nhà văn rừng rú quê ở châu Âu ấy trò chuyện. Ông kêu chán phòng ăn, phòng ngủ khách sạn từ hôm ở Mường Tè về. Ông đòi đổi khách sạn Mêtrôpôn cho ông đi ở nhà sàn. Kiếm đâu ra của hiếm ấy ở đây.

Nhưng rồi vài hôm đã quen lại dần. Cây sáng kiến ăn chơi Nguyễn Tuân nghĩ ra cách tối ấy đưa khách ra ngã sáu. Vừa đẹp trong ý nghĩ chúng tôi. Cái lão nhà văn thế giới Cơvanepsky này có thể được gợi hứng thú khác. Rằng ở giữa nơi chơ vơ trông nghiêng qua mặt đường nhựa phẳng lặng bóng ngọn cây cao cao đằng xa, ánh đèn lốm đốm nhứ đêm sa mạc. Tôi đã cưỡi lạc đà qua sa mạc Gô bi, vào Mông Cổ. Nhưng chưa được tới nơi nào như Mường Tè – Ông cười, một chiếc răng hổng. Có điều không nơi nào như Mường Tè, ông vừa kể lại và đưa tấm ảnh chụp ở sân huyện uỷ.

Cơvanepsky vịn vai một con gấu ngựa, gấu thật. Con gấu áng chừng hai ba tuổi cao to bằng người. Hai chân sau đứng, một chân trước đặt lên vai áo. Một tay ông nhà văn, ông già tuyết Nôen để trên đầu con gấu.

– Không phải gấu độn rơm của thằng thợ ảnh ở vườn hoa các nước châu Âu. Gấu thật. Tôi chưa được thấy đâu nuôi gấu trong nhà. Đến bữa ăn, gấu ngồi chầu gầm bàn, nhặt cơm vãi. Lạ nhất thế giới!

Tôi không dám nói, làm ông cụt hứng. ở giữa thành phố này người ta cũng nuôi gấu, mua bán gấu như chó con. ít lâu sau, tôi trông thấy con gấu Mường Tè ấy ở một trang họa báo Ba Lan của một ông nghề chào hàng phụ tùng ô-tô đem đến. Nguyễn Tuân vốn thích tranh áp phích Ba Lan. Ông chào hàng mới quen này lại là một ông Ba Lan. Cũng chuyện thường ngày mà lạ, cái ông chào hàng bỗng nhiên chúng tôi quen. Hôm ấy, sân khấu ngoài trời Nhà hát Nhân dân diễn tuồng hồ quảng tích Lương Sơn Bá Trúc Anh Đài của một đoàn hát Quảng Tây sang. Chúng tôi đi xem, tình cờ ngồi cạnh một người Âu. Trong lúc đợi mở màn, ông ấy đã mau miệng tự giới thiệu. Biết tiếng Pháp, tiếng Anh, Mariam Stvensky người của hãng sản xuất phụ tùng ô-tô du lịch chuyên đi chào hàng. Nghe đệm họ Mariam, đã biết là một người Do Thái Ba Lan. Ông nói lần đầu tôi đến Việt Nam. Lần thứ hai tôi đi xem nghệ thuật kịch Việt Nam. Nguyễn Tuân bảo là tuồng Trung Quốc. Ông Stvensky nhất định rằng đây là kịch hát Việt Nam. Hôm nọ tôi được xem rồi. Có những người tốt bụng, nhưng tính ương bướng thế. Không thể lay chuyển được cái điều lão đã đinh ninh.

Nhưng lão rất vui, nhận lời hôm sau lại gặp nhau để tiếp tục tranh luận xem vở kịch hát là của Trung Quốc hay của Việt Nam

Gặp cái lão gàn dở vô lý cù không cười kiểu Saclô, Nguyễn Tuân tỏ ra thú vị. Chúng tôi hẹn Mariam đến nhà Buđa. Buđa ở phố Hồ Xuân Hương yên tĩnh, lại ở một mình, tha hồ nói to. Thực đơn: chai rượu vang của Nguyễn Tuân, lão kia sẽ đem đến rượu vốt ca Ba Lan và xúc xích hun khói – đúng khẩu vị Nguyễn Tuân và kết thúc bằng bát cháo gà ở ngã sáu dốc Hàng Kèn gần đấy. Buđa không biết lão Mariam, nhưng tôi đến đặt tiệc thế, Buđa nhận lời ngay.

Tôi mới quen Buđa những ngày ở Thái Nguyên về Hà Nội, nhưng đã nghe kể về Buđa từ khi còn trên Tuyên Quang. Làm việc nhà xuất bản Ngoại Văn, Buđa đã dịch ra tiếng Pháp Dế mèn phiêu lưu ký và Truyện Tây Bắc của tôi. Giáo sư một trường trung học Sài Gòn, Buđa đã trốn ra kháng chiến ở miền Đông rồi được lệnh vượt Trường Sơn bảy tháng ròng rã ra Việt Bắc năm 1952 để làm việc ở đài phát thanh. Cuộc đời thật dữ, mà anh chàng thì ngơ ngác hiền lành. Bạn bè gọi tắt chứ tên anh là Gioóc Buđaren! Buđa cũng có nghĩa là ông phật, hợp với con người lù đù ấy. Có những tù hàng binh Pháp, thằng An, thằng Bình hay đóng các vai Tây trong các phim Chung một dòng sông và Vợ chồng A Phủ – những bộ phim vỡ lòng của Xưởng phim truyện, bọn này cả ngày loăng quăng xe đạp lượn phố tán gái. Khối cô mê thằng An. Buđa thèm lấy vợ mà đành chịu. Anh chàng chỉ thạo sách vở. Một lần, Buđa đi thăm Điện Biên Phủ, gặp ở Tuần Giáo một cô gái Thái lai Tây. Buđa mê quá. Nhưng cả một buổi tối ngồi uống cà phê cô ấy pha và im lặng. Chỉ say sưa khi về Hà Nội kể lại. Và câu chuyện tình ngậm miệng ấy cũng qua đã nhiều năm rồi.

Chai vang Pháp của Nguyễn Tuân đặt giữa bàn. Lịch sự, chủ nhà mua thêm hai chai Boócđô. Mặc dầu chỉ nửa cốc vang Buđa đã bị dị ứng mẩn ngứa đỏ khắp người không chịu được. Tây mà không uống được rượu.

Ai đã tổng kết từ lâu rằng uống vang với phó mát – cách uống cổ điển, ngon nhất. Ông bạn tình cờ đã tự đổi thực đơn, tự khen mình và có nhận xét thế. Bởi vì cái ông Ba Lan vui tính bán phụ tùng ô-tô đã mang vốt ca đến với một bọc phó mát và bánh mỳ gối. Ông này cũng không bợm rượu mấy. Thành thử, chỉ còn có hai người chúng tôi không tế nhị. Cái vang Pháp đỏ sẫm sao mà nó chát sướng đến thế.

Một Tây, một Ba Lan khoái chí nâng cốc và nhìn hai tôi cạn cả cốc như uống bia. Ông Ba Lan nói to:

– Tôi đã nghe Dukôpsky nói chuyện về Việt Nam trước khi sang đây. Một người Ba Lan đã có mặt trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tuyệt vời. Còn con gấu chụp ảnh với một nhà văn đồng bào của tôi đây này, tôi tặng các bạn tờ họa báo. Rồi lão lại giở chuyện hôm qua.

– Vâng, những tối kịch hát Việt Nam, hay lắm. Không thể thêm một câu nào khác với một người chỉ cho là mình đúng. Nhưng Buđa ngơ ngẩn hỏi:

– Đoàn kịch hát Trung Quốc đương diễn ở nhà hát Nhân Dân?

– Không, đoàn nghệ thuật Việt Nam. Tôi đã đến Bắc Kinh, Trung Quốc hát khác.

– Có diễn viên Hồng Tuyến Nữ nổi tiếng.

– Đều là Việt Nam. Tôi biết mà.

Câu chuyện đùa cợt dằng co, miên man, buổi tối không hẹn mà nên. Mariam Stvensky kể bốn giờ sáng mai đã sang sân bay. ở đây về là xếp va li.

– Không sao, phải tranh luận cho đến được sự thật, sự thật chỉ có một!

Chốc chốc lại hura: nghệ thuật muôn năm. Ông Ba Lan ôm tôi đứng dạy nhảy, một tay giơ cái ảnh con gấu Mường Tè. Hu ra, hu ra. Phụ tùng ô-tô, phụ tùng ô-tô cũng là nghệ thuật. Buđa hào hứng: Cho tôi uống! Cho tôi uống! Rồi sẽ nằm gãi một tuần lễ, không sao, không sao.

Mariam tiếng Pháp giọng mũi, giơ cốc trịnh trọng:

– Hãy nghe tôi nói. Người bán phụ tùng không chào hàng đâu, mà nói về triết học. Thứ nhất, chúc con người tiến tới bằng cái ô-tô, nhân loại sẽ đến được thời kỳ trong người hỏng hóc bộ phận nào thì thay bộ phận ấy. Thứ hai, bấy giờ ở ô-tô cơ thể của các bạn có cái gì cũ, cái gì hỏng hãy cho tôi biết. Hãng tôi sẽ gửi sang, tôi sẽ đi theo, tự tay lắp máy mới cho các bạn, máy liệt, máy hóc lại chạy ngay. Con người bằng cái ô-tô, hơn cái ô-tô. Hua ra… hua ra…

– Nhưng không có bánh mata (*)

(*Bánh mỳ Do Thái mỏng như bánh đa, người Do Thái ăn với súp lạnh trong các dịp lễ lớn)

– Cũng được. Đây là một lời chúc hạnh phúc.

Khuya rồi, chúng tôi mới ra ngã sáu. Không nhớ chốc nữa ông bán phụ tùng ô-tô – và tương lai, bán cả phụ tùng người phải sang sân bay Gia Lâm. Hơi vang đã nhạt, người cười nhiều quá cũng đâm buồn, những cái bóng chúng tôi đi lẳng lặng.

Phó mát làm bứ bụng, không muốn ăn cháo gà. Vả lại, các bạn Tây không khoái chén súp đêm. Chúng tôi vào chõng cà phê bít tất của lão 81. Làm như phong tục Nga, khi tiễn đưa, mọi người đặt tay lên đầu gối ngồi im với nhau trong giây lát.

Một bác xích lô về khuya, ghếch cái sàn xe rên ken két lên bờ hè. Bên gốc sấu bành rễ sù sì, mảnh gỗ làm bàn, những mẩu gỗ, cái lõi cuộn chỉ dựa cây, dựa tường, mỗi người trầm ngâm nhìn đi đâu. Cả cái lão cà phê số nhà 81 kia nữa, chắc đã làm một chén trước khi dọn hàng. Biết đâu ông lão này, bác Chữ cháo gà, những ông xích lô đầu hói râu rậm, các cụ ngơ ngác vác cả luỹ tre trong làng về đây, hỏi ra thì lão nào, lão nào cũng đã đi bồi bếp, cho tây đầm ăn ra sao thì chúng phải ăn thế đấy, lại đã sang đánh nhau bên Pháp, bên Ma rốc từ thế chiến thứ nhất. Ai cũng đã bôn tẩu sông hồ bằng mây chúng tôi. Ông cà phê đương lơ mơ trời đất ở đâu. Thấy người lố nhố vào, hai cái đầu gối quần nâu lòng thòng đứng dậy.

– May quá, còn cái ngầu pín.

Bác xích lô ngồi ngủ gà trên cái đệm xe, chọt tỉnh nói to vào:

– Tôi, tôi, để cho tôi.

– ừ, chứ bảo mấy ông Tây này ăn dái bò thì các ông ấy chết khiếp.

Lão bếp già 81 cười tủm, vẻ thành thạo:

– Cứ bảo xúc xích nhồi, thì cũng nuốt tất.

Bác xích lô lại nài:

– ấy, để cho tôi. Người mình thì phải dùng cái bổ thẳng một lèo mới kiến hiệu được. Ông Chữ cho tôi bát cháo trắng, rồi thì tống vào đấy dái bò, dái dê, dái chó bao nhiêu cũng cân.

– Được được. Ai cũng đủ. Các vị chơi khuya thế? Ông này người nước nào mà trông giống quan công sứ Grapphơi. Các vị dùng cái đen hay cái trắng?

Lại vẫn quan công sứ, quan công sứ với cà phê hay rượu trắng, lẩn thẩn ăn người đấy.

– Này cụ bít tất, năm nay tuổi giời cụ được bao nhiêu?

– Thưa ông, nhà cháu thất thập rưỡi.

– Thế thì cái thằng quan công sứ của cụ xuống chơi với giun lâu rồi.

Ông cà phê bít tất nói một câu ngắn thôi, nhưng ý nghĩa thì địch được với câu triết lý của ông Ba Lan sắp bán phụ tùng cơ thể con người.

– Các cụ xá cho. Chuyện chiêm bao ấy mà.

Đêm thành phố trên ngã năm ngã sáu bờ hè. Khách đến, khách đi, lủi thủi trong bóng tối, không có báo in, báo tường mà mọi chuyện đâu cũng theo người tụ lại, mỗi người đem đến một chuyện. Những ông Ba Lan và Buđa và ông Aki chẳng bao giờ gặp nữa, mà cứ nhớ như hôm qua, như lão 81 lúc nào cũng quan khâm sứ Grapphơi. Vâng, đã là nhớ lại thì dẫu vui xưa kia cũng là nỗi buồn bây giờ.

Shoisi Aki, mà có tên là Nguyễn An Nghệ, cái người Nhật ấy đã ở với chúng tôi suốt chín năm kháng chiến. Aki đến khi chúng tôi ở núi Thượng Yên, trong một làng dân tộc Dao đỏ giữa một cánh rừng rậm bờ sông Lô trên bến Bình Ca.

Chưa bao giờ cơ quan rúc vào một nơi hóc hiểm đến thế. Nguyễn Tuân ngại nơi này nhất. Đến Thượng Yên, trong cánh rừng ẩm ướt Nguyễn Tuân mới thực sự bị những cơn sốt rét hành hạ. Trước, tiếng là yên rừng, nhưng còn ở ngoài đồi chân Tam Đảo và bên sông Thao. ở xóm núi Yên Dã, đi một quãng ra huyện lỵ Đại Từ, đã là Hà Nội nhỏ của chúng tôi. Câu thơ ngao ngán Sớm nay ra khỏi u tì quốc của Xuân Diệu là để lưu niệm nơi này. Thế mà đến khi chui vào rừng sâu Thượng Yên u tì và ma quái nhà thơ Xuân Diệu lại lặng im. Có lẽ đã quen rồi, mặc dầu ở đấy, trong cơ quan, nửa đêm anh Truật làm kế toán quê Thái Bình đã chết sốt rét ác tính. Nguyễn Tuân cứ đi đâu về, chỉ nằm giữa tre nứa âm u mươi hôm lại sốt, lại rên rẩm thấp khớp. Trần Mai Thiên, con trai Nam Cao, khi bố cháu hy sinh, chúng tôi đón được Mai Thiên, mẹ cháu gửi ở Đại Hoàng hậu địch chiến trường khu Ba ra, cháu đương ở với chúng tôi. Có hôm, cả buổi Mai Thiên ngồi bóp chân cho bác Tuân. Cụ bếp Ban vác củi ngoài rừng về qua, đi xuống bếp, lại lẩm bẩm: Rõ nhà giàu đứt tay. Mời ông vào rừng với tôi đi vài chuyến củi thì khỏi chân ngay thôi. Chẳng khi nào Nguyễn Tuân bớt nghiến ngả tôi về cái chỗ mới của cơ quan ở Thượng Yên. Có khi giận cá chém thớt. Tôi ở Tây Bắc về, đem theo trong ba lô một cái sáo Mèo. Sáo Mèo như ống trúc có cái lưỡi gà bằng đồng. Tôi không biết thổi, những chập tối trong rừng sâu hay lấy sáo ra rên rỉ lên độc một tiếng toè… toè… tôi nhớ tiếng sáo vắt vẻo núi cao trên những thung lũng ruộng bậc thang.

Nguyễn Tuân bảo:

– Ông cất đi cho tôi nhờ. Nghe ông thổi sáo, tôi đau tai hơn đau chân thấp khớp.

Tôi ở bên báo Cứu Quốc đổi công tác về, được phân công tìm địa điểm mới. Cơ quan chuyển ở cây số 7 đường Hà Giang trong xóm Động Móc chân núi Là sang đây. Nguyễn Tuân rỉa róc: Chỗ núi Là không đủ kín mà lại phải chui sang rừng Thượng Yên. Theo thằng này rồi thì sốt rét, rồi bụng báng chết hết. Có thể nhiều người nghĩ như thế, nhưng không nói ra. Chỉ Nguyễn Tuân không dứt ca cẩm. ối giời ơi, ông ở Chợ Rã, ở Tủm Tó, ông nằm đất, ông rang bọ hung ăn, ông xơi thịt lợn không muối thối um lên, ông uống rượu men lá cũng khỏi ốm, ông còn thiết, còn nghĩ đến ai.

Bác Ngô Tất Tố chén thịt lợn lửng cụ bếp Ban đã kho riềng cạn khô vẫn tanh đến lộn mửa. Nguyễn Đỗ Cung ngoài bờ sông vào bắt châu chấu ăn sống. Nguyễn Tuân từ lán ở xuống nhà bếp lững thững đi sau con kỳ đà ra rình bắt gà. Có con trăn gió nằm phơi mình ở bãi cỏ ven suối trên đám lá cải soong chúng tôi sắp xuống hái. Những cái đó thấm đâu với khi tôi ở suối Lửa trong vùng rừng Yên Thế Thượng, ở Píc Cáy núi Phía Bioc làm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Tôi hoá ra máu cá, khi nghe những lời ca thán.

Đến Thượng Yên, Shoisi Aki sốt rét dòng dã, mặt trắng nhợt. Đặng Thai Mai chủ tịch ủy ban Hành chính Kháng chiến Thanh Hoá đã gửi Aki ra cho chúng tôi. ở Tokyo, Aki sang Đông Dương thực tập tốt nghiệp đại học kinh tế. Đương ở Vinh thì Nhật thua trận đầu hàng Đồng Minh. Aki trốn vào trong làng. Đặng Thai Mai nhắn: Aki biết tiếng Anh, có thể dạy Aki tiếng Việt để Aki dịch tiếng Anh. Ai cũng gọi Shoisi Aki là Nguyễn An Nghệ, cái tên Nghệ An kỷ niệm nơi Aki đi với kháng chiến Việt Nam.

Lán chúng tôi ở và làm việc bên bụi nứa rậm rạp góc đồi. Mỗi lán thành một tổ tăng gia. Nuôi gà trồng đậu, rau muống, cải soong. Nguyễn Tuân, Aki với tôi và Nguyễn Đình Nghi. Đôi khi có Phan Khôi Đào Duy Anh, Phan Ngọc bên bến Ngọc sang. Nguyễn Đình Nghi ít tuổi nhất, chủ lực cuốc xới, làm chân tổ trưởng tăng gia.

Mấy năm ở rừng Thượng Yên mà nhớ lại tưởng như đâu một vài ngày. Bởi chỉ khi ra ngoài, đi công tác, đi chiến dịch, quang cảnh và mọi việc mới đổi khác. Trở về trong rừng, ngày ngày lại như thế. Dậy theo hiệu còi, tập thể dục, vác xẻng cuốc xách ống vầu nước tiểu xuống sườn đồi tăng gia rồi lên làm việc, đến giờ sang nhà bếp ăn cơm, họp kiểm điểm cuối ngày, vào xóm người Dao dân vận, dạy học, làm vệ sinh quét dọn nhà, chuồng trâu… Aki nằm phủ phục trong màn, lồm cồm chui ra. Sáng sớm, mở mắt trong đám sương đặc quện. Hình như nằm ngủ, các đốt xương dính lại, bấy giờ duỗi chân tay ra đau ê ẩm.

Aki đã ra ngoài đầu nhà lúc nào. Chắc đã dứt cơn sốt. Mặt vuông bạnh quai hàm, khung xương người cao to gầy rạc. Không phải Aki tập thể dục. Aki ngồi phệt trên mặt đất ẩm. Hai chân xếp bằng tròn, tay đặt trong lòng, mắt nhắm nghiền, mặc mọi người vung tay vung chân, vặn mình, nhảy nhót. Đến lúc ai nấy đã xuống vườn sườn đồi, Aki lẳng lặng đứng dậy, cầm ống nước đái, bước theo. Thỉnh thoảng Aki lại ngồi như thế. Chưa bao giờ tôi hỏi vì sao.

Suốt ngày, Aki cắm cúi bên cái bàn vỉ tre trước giường nằm. Aki chỉ đứng dậy ra cạnh bụi nứa khi nghe tiếng khu trục Spitphai, kinh côbra cổ ngỗng theo sông Lô lên lướt qua. Aki dịch sang tiếng Anh các truyện anh hùng chiến sĩ của chúng tôi viết về Nguyễn Quốc Trị, Giáp Văn Khương, nữ du kích Nguyễn Thị Chiên, lão nông Hoàng Hanh… Bản thảo giấy tờ ngổn ngang trên mặt dát giường nứa ngộ.

Những hôm trời nắng, Aki ngồi lặng yên ngoài rừng. Mặt nhợt nhạt màu đau gan. Aki đăm đăm như ban sáng nhập thiền. Một lúc lâu lại vào ngồi trước bàn. Ngày nào cũng thế không nói một câu. Nếu không trông thấy Aki đọc sách, tưởng Aki không biết tiếng Việt. Nghe tiếng gà kêu quét quét, Aki nhỏm lên. Aki ra đuổi kỳ đà. Con kỳ đà mốc thếch như con thằn lằn to bằng bắp chân từ hang hốc nào ra cả ban ngày đương rướn cong cổ nghe ngóng. Cái chuồng gà của mỗi người đặt giữa sân trước mặt, tối lại khiêng vào trong nhà. Những khi con cáo, con rắn bò đến Aki cầm cái sào nứa ra đuổi.

ở nhà bếp, Aki ngồi một góc, ăn nhai hững hờ, nhưng bao giờ cũng hết xuất cơm muối vừng. Không có lọ kem nước mắm, ống bơ thịt kho, nhưng thỉnh thoảng, Aki tẩm bổ một món đặc biệt: chuối tiêu thái từng khoanh mỏng để vào bát, rồi đập quả trứng gà quấy lên. Món sống sít hổ lốn ấy không ai dám bắt chước.

Thế rồi nghe đồn tù binh ở Điện Biên Phủ được giải về thị xã Tuyên Quang. Chỉ mấy hôm không ra mà ven sông Lô đã san sát một dọc những nếp nhà mái nứa. Thị xã mọi khi ban ngày vắng ngắt bỗng đông như hội. Bọn tù ốm nặng và tù bị thương ngày nào cũng được đưa xuống bè xuôi về nơi trao trả dưới bến Việt Trì. Tây trắng Tây đen đi lêu đêu, ngất nghểu. Người da đen chỉ còn thô lố hai con mắt trắng dã. Những tù binh gày yếu quá trước khi thả được giữ lại vỗ béo cho ít ngày.

Quanh thị xã đổ cả ra xem tù binh. Không còn những máy bay cổ ngỗng, B26 lên bom bắn. Người đi đông như mít tinh. Aki ra thị xã, trở về đứng trước lán, nước mắt ràn rụa. Không biết khóc buồn hay khóc vui. Nhớ chín năm trước, khi chạy vào làng, bây giờ Aki bồi hồi sắp được trở về. Vợ Aki dạy đàn piano. Đứa con gái, khi ra đi còn nhỏ. Nếu được bình yên, năm nay mười một tuổi.

Thế rồi về Hà Nội. Mỗi tháng có một chuyến tàu Nhật vào cảng đón những người Nhật lưu lạc còn sống sót ở Việt Nam. ở thành phố mọi việc mới bận rộn. Một hôm, Aki đến chào mọi người, Aki sắp xuống Hải Phòng. Bấy giờ bỗng thấm thía cái xa cách.

Chúng tôi đêm hôm ấy la cà ra ngã sáu. Lui hủi ánh đèn chai, đèn hoa kỳ, gánh cháo gà, chõng cà phê, rượu trắng, đậu nghệ, ngầu pín, lạc luộc như ngày trước đầu xóm các nhà hát ngoại ô hiu quạnh bên Thượng Cát, trong Ba La Bông Đỏ. ở Khâm Thiên bây giờ vẫn còn lác đác vài nhà tom chát không bỏ đi Nam. Loáng thoáng tiếng đàn tưng tửng, tiếng phách… Nhưng chẳng hiểu sao, không phải vì sợ phạm nội quy vào vùng mới giải phóng, chúng tôi chẳng còn háo hức thú chơi như năm xưa. Mà chỉ lang thang tha thẩn các hàng quán phố đông, phố vắng, quanh các rạp Chuông Vàng, Kim Phụng, đương diễn các vở cải lương diễm huyền La Mã kèm cái kịch ngắn chống di cư chẳng mảy may ăn nhập với nhau.

Tôi bảo ông lão 81, ông này là người Nhật. Ông 81 kêu lên: ối giời ơi, nước ta lắm thứ người quá. Lúc nghe ông Nhật sắp về nước, ông 81, quên cả thói tục dửng dưng của người hầu bàn, đã uống góp một chén với khách. Chúng tôi ra ngồi sưởi trước cửa lò sau nồi cháo đã cạn sôi sùng sục. Dễ đã quá nửa đêm. Gió ào ào lòng đường, sột soạt miếng ny lông trên lưng ông xích lô đầu quả gáo như lão quan tàu Tưởng thất thế vào giờ này tà tà đến làm chén rượu với bát cháo ấm bụng rồi ra ga Hàng Cỏ đón tàu chợ dưới Phòng lên. Lão cà phê bít tất nói vọng ra như khoe cho mọi người biết:

– Ông ấy là người Nhật?

Bác cháo gà Chứ nhăn nhó ngước cặp mắt lông quặm kèm nhèm nhìn đám khách muộn. Chắc chẳng rõ ra người nào người nào, nhưng bác gật gù: Nhật à, giô tô nay, giô tô nay. Tự nhiên nhớ mấy chữ cóp nhặt chế giễu của người thành phố này mỗi thời kỳ biến động đều vẽ nên được bức tranh thế sự bằng chữ nghĩa, ai cũng xì xồ vài ba câu: mét xì bô cu, măng giê ca ca… hẩu sực, tả lớ và vài năm có người Nhật đến lại thêm arigatô… giôtônay… Bác Chữ chắp tay, cung kính: Mời các ông ngồi’. Mấy chiếc ghế con được khớp lại thành bàn. Những mẩu củi trong lò đã vạc than được vét ra mặt đường làm đống lửa sưởi cho mấy ông khách sau cùng. Bác moi ra cái chai rót đều, lại bưng một chén vào lão 81.

– Chẳng nói giấu gì chư vị, nhà em vừa làm một chén rồi. Lâu lắm mới lại trông thấy ông giôtônay, em xin hầu chư vị chén nữa.

Gió sởn quanh gáy, không ai biết cơn lạnh thít người. Bác Chữ cất chai vào ngăn kéo lại lôi ra hai thanh tre mà mỗi hôm vừa đặt gánh, thằng con trai bác đã đi các phố quanh quanh chõ vào đầu ngõ gõ sực tắc, sực tắc’ cho mọi người biết cay hạp trúc sực tắc cháo gà đã đến.

Thanh tre kê xuống mặt đường nhựa, thanh tre sực tắc thành cái phách.

– Nhà em xin hầu cán bộ một khổ.

Hãy còn giăng gió gió giăng

Đừng lo lắng thanh xuân bất tái

Biết rằng ai đã hơn ai…

Nguyễn Tuân hứng chí cầm cái ống khói bếp gõ ngón tay đánh trống chầu nhịp. Ông xích lô đầu quả gáo tưởng đi ngay, nhưng đã lại đương thiu thiu lúc ấy cũng nhỏm dậy. Mỗi người một tâm sự ở cái ngã sáu đường đời này. Chẳng ai đoái hoài đến Aki ngồi yên, nước mắt lã chã. Aki khóc. Cũng không ai để ý những câu ư ử rên rỉ bát nháo gió giăng của bác hàng cháo. Im lặng một lúc lâu. Nguyễn Tuân vỗ lưng Aki:

– Mai đã đi rồi, Tokyo đương đợi anh. Tôi hò chúc Aki một bài đường trường từ biệt Hà Nội.

Hãy giữ lâu được nỗi nhớ cái đêm đạm bạc này.

Chiều chiều mượn ngựa ông đô

Mượn kiệu chú lính đưa cô tôi về

Ngựa ô đi đến quán Lau

Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau gò Điền

Không rõ mấy câu ca dao Phú Yên ấy Aki hiểu đến đâu. Tôi thì tôi bồi hồi nhớ xưa kia những khi họp mặt thanh niên hay truyền bá quốc ngữ nghe Trường Đình Thi giọng Bắc lại hò Phú Ơn kể về người đàn ông lặn lội dắt vợ cõng con vượt đèo xa xứ kiếm miếng ăn. Người đứng cất tiếng hò cũng hốc hác não nề như người tha hương kia. Mỗi khi uống và buồn, Nguyễn Tuân thường bắt chước giọng Trường Đình Thi hò Phú Ơn. Có phải những câu hò ngơ ngẩn não lòng trong đêm lạnh giữa những con người đã trải mấy cuộc đời làm rơi nước mắt xuống đường thành phố như dòng sông miên man, nhớ nhà, mà mừng trở về, không còn lệ ai chan chứa biết đi đâu về đâu như khi ở rừng Thượng Yên, mà khóc cũng chẳng vì lẽ gì. Nguyễn Tuân nhìn Aki. Nguyễn Tuân rút khăn tay chấm mắt. ở câu hò Phú ơn của con người ấy còn ngổn ngang bao nhiêu hơn cái thằng Aki trở về. Làm sao hiểu được những giọt nước mắt kia vì nỗi niềm ai.

(Về Tokyo, Shoisi Aki làm tổng thư ký đầu tiên của hội Nhật Việt hữu nghị. Hai năm sau, Aki lại sang Hà Nội. Nguyễn Tuân gửi tặng vợ và cô con gái Aki đương học nhạc viện mấy thước lụa vân tím màu mận hậu. Chuyến ấy về, Aki bị bệnh gan và mất).

Cụ tú Hải Văn đã cho cậu con trai mới lên mười theo đến nhà hát ả đào Hàng Giấy. Thơ Đỗ Mục, cụ tú dịch:

Mười năm tỉnh mộng châu Dương

Hời thêm một tiếng phũ phàng ngày xanh

Cụ tú Hải Văn, tác giả bài thơ tám chữ độc vận Ai, mà năm 1981, Nguyễn Tuân in tuyển tập đã viết tay trang đầu để trả lời một người chị có nhã ý hỏi về thơ cụ tú H.V. nhớ Huế, xin chép hầu chị bài thơ độc vận ai.

Những là dặm liễu bay hồn khách

Nào thấy mành hoa thoáng bóng ai

Buồm thuận gió xuôi vui mặt bạn

Canh tàn rượu tỉnh giật mình ai

Cầm tay dặn với ba câu chuyện…

Cuộc đời phóng túng và nếp nhà quan các cụ nội đại thần trị nhậm đất Sơn Tây, đã in đậm, đã mờ chồng lên ngày tháng đời con đời cháu từ bao giờ. Nhiều lần Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng và tôi thường lên Sơn. Chúng tôi ngồi bên hào thành, dưới cây sữa. Mặc Nguyên Hồng với bà ‘cai ách bán hàng – khuôn khổ người đẹp kiểu của ông ấy. Tôi hỏi Nguyễn Tuân: Chữ người tử tù, Đỉnh non Tản và tất cả vang bóng của ông đều phảng phất Sơn Tây, thế ông đã đi ả đào ở Đông Tác chỗ gần chốt Nghệ kia chưa?, Nguyễn Tuân tủm tỉm và lặng yên.

Truyện ký Vang bóng một thời, hình ảnh những ngày qua xa xưa. Vang bóng một thời Tây mà Nguyễn Tuân lúc nào cũng định viết, đã công bố trên trang Cùng một tác giả từ khi tập truyện ngắn Vang bóng một thời in lần thứ nhất. Thời ấy, thời Tây, mới thực Nguyễn Tuân, những nông nỗi, những vang bóng của Nguyễn Tuân. Cái này tôi phải viết… Cái này ông phải viết… Viết chứ! ở Tuỳ bút 1, Tuỳ bút 2, Một chuyến đi hay Chiếc lư đồng mắt cua, hay ở những tuỳ bút kháng chiến, những cái đã viết và những cái chưa viết mới chỉ là mành hoa thoáng bóng ai chứ chưa bao giờ Nguyễn Tuân thực đã viết.

Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi. Trước kia, tôi không quen Nguyễn Tuân.

Quãng đầu thập kỷ bốn mươi, báo Hà Nội Tân văn, báo Chủ Nhật mới in của tôi mấy truyện ngắn: Nước lên, Mê gái (Con gà ri), Bãi ô-tô, Một đêm sáng giăng suông. Hình như Nguyên Hồng đã chỉ cho tôi biết Nguyễn Tuân đương lững thững bên kia hè đường Bờ Hồ. Những tiểu thuyết Thiếu quê hương đương in từng kỳ trên tuần báo Hà Nội Tân văn và những truyện ngắn của Nguyễn Tuân đăng các báo Tiểu thuyết Thứ bảy, Tao đàn, Thời vụ, Bạn đường cũng có phần hơi hướng dấu vết trong chữ nghĩa bước đầu đời viết của tôi mà Vũ Ngọc Phan, ở sách Nhà Văn Hiện Đại đã đe tôi nên dè chừng cái giọng khinh bạc học đòi ấy.

Đi bên này hồ Gươm thấy Nguyễn Tuân ngồi trong nhà hàng Hoàng Gia, cái quán rượu kiểu Pháp che cánh sáo ra kín vỉa hè. Nhà văn chơi chua khác đời. Khăn lướt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba toong, chân bít tất dận giày mõm nhái Gia Định. Năm ấy, Nguyễn Tuân cũng chỉ khoảng trên ba mươi đôi chút. Ngoài đường phố chẳng ai ăn mặc kiểu cách khác thường thế, nếu không phải quan tri phủ, quan thương tá ngồi xe nhà, áo sa phủ áo gấm, áo đoạn, vừa ý tứ vừa khoe chiếc bài ngà dây kim tuyến thấp thoáng trong ngực áo. Quán Tavec Royan này chỉ Tây lui tới. Bên trong, nhảy đầm, dàn nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát vươn cổ cò trên cái đại vĩ cầm cao ngang mặt người chơi, những tiếng nảy ra rên gầm gừ.

Nhưng những con người dị dạng này cũng chẳng làm khác mắt mấy cái thành phố không còn đìu hiu, vài năm nay đã nhốn nháo bọn dựa thế Nhật, đầu trọc để trần, áo ka ki ống tay rộng vàng nhạt đi ghệt da cao, lầm lì và nhâng nháo. Chẳng đoán được, Nhật thật hay Nhật mỹ ký. Rồi thì tôi xem Nguyễn Tuân đóng vai người đi săn ở kịch Ngã ba của Đoàn Phú Tứ. Tôi thấy Nguyễn Tuân thoáng mấy giây một cái bóng người y tá khiêng cáng trong phim Cánh đồng ma của Đàm Quang Thiện.

Cũng thấy chán. Nhưng đọc bút ký Một chuyên đi viết về Hương Cảng thì bâng khuâng nhiều. Mấy lần ở cuộc họp tổ bí mật, nghe Như Phong báo cáo thuyết phục Nguyễn Tuân vào Văn Hóa Cứu Quốc, chưa có kết quả. Nguyễn Tuân bảo Như Phong : ở Hà Nội này, đứa nào Việt Minh, đứa nào tờ-rốt-kít, đứa nào Đại Việt, Quốc dân đảng, đứa nào bố láo cách mệnh mồm khoác lác, đứa nào ăn tiền mật thám, tớ biết cả. Nghe nói tợn tạo trắng trợn, Như Phong mượn một quyển sách rrồi ra về.

Những cái biết của tôi về Nguyễn Tuân hồi ấy chỉ mang máng thế.

Đem cái duyên đẹp đẽ mọi bề quàng cho Nguyễn Tuân có thể chưa kín nghĩa, mà cũng không hẳn đúng. Về văn và cả về đời. Có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ, từng chữ. Có người chỉ lướt một đoạn đã không chịu được cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Triết lý và câu văn Nguyễn Tuân không giống vị hoài sơn trong thang thuốc bắc, ghẻ bổ một tý, lại vô thưởng vô phạt. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này, không thể thiếu Nguyễn Tuân. Người kia thì không chịu đựng được. Ô hay, người ta ra người ta thì người ta phải là người ta đã chứ.

Nhớ lại năm ấy, ở gian hàng quà chợ Đồng Xuân còn cái bà nạ dòng khăn nhung áo cánh phin nõn đeo chuỗi hạt cẩm thạch phơn phớt xanh – hàng bún thang ngon có tiếng. Chỉ một bát thang con bún lá, giọt cà cuống thơm một cách khó chịu mà lại không có không được, cũng có thể viết lên một cái gì. Nói bâng quơ, chẳng ra nhủ mình, chẳng ra cho người khác. Những cái ấy phải viết, viết. Như những đêm áp tết, năm cùng tháng tận, lại lấy ra mấy cái đĩa hãng Pa-thé mua được ở chợ Giời, mà nghe ả Đàm Mộng Hoàn… Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán… Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong… Thế nào ông ấy cũng lại nói: Cái hơi của Mộng Hoàn thì sang, nhưng không đẹp bằng giọng bà Chu. Phải viết, cái này phải viết thôi. Những năm về sau, Nguyễn Tuân vẫn làm việc cho viết, khắc khoải sự viết, mà không viết bao nhiêu. ở đây nữa, chính bởi hơi sức và trong tâm sự. Phải đến Nguyễn Tuân viết ra thì cũng một vùng phố xá ấy mới thành tên gọi, mới thành Phố Phái – hai chữ của Nguyễn Tuân sáng tạo đặt tên cho tranh Bùi Xuân Phái. Và trong cuộc chơi, ông cửa hàng trưởng Bôđêga, chú nhà bàn, nhà bếp khách sạn Thống Nhất hay bác Chữ bán cháo gà gõ ống thổi làm phách hát ả đào giọng chèo ở ngã sáu dốc Hàng Kèn, hay khi lên chơi nhà ông Ba trên Nghĩa Đô thì dẫu cho Nguyễn Tuân chưa hề quen, cũng không phải là trùm trò, các chủ quán, chủ nhà đều trân trọng như ông ấy mới là chủ cuộc. Cái duyên ấy xưa nay vẫn như một.

Những năm trước 60, cái dốc ngã sáu Hàng Kèn ban đêm thanh vắng lắm. Những cây sấu, cây sữa cũng chưa như mấy năm sau phải một trận bom Mỹ đánh sập hai ngôi nhà và mấy gốc cổ thụ. Bờ hè dưới hai hàng cây hiu hắt khơi lại cảnh xưa cũ, còn cái bờ tường đắp dòng chữ xi măng nổi Phúc Đình cha, tên hiệu thuốc sốt rét nổi tiếng một thời. Nhớ Cây Thị Hàng Kèn đầu Lê Lợi, cuối Hàng Giò nhiều hơn tên phố mới, đối với chúng tôi. Mấy hàng phở gánh và quán cóc. Nơi ăn đường ăn chợ này không chè chén xô bồ như trên ngõ Sầm Công, chim quay Tiểu Lạc Viên, cà phê phin Ca, cà phê đá Lý Hảo… cũng không ví được với cơm tám Tân Việt, Việt Hương quanh chợ Hôm gần đấy.

Dốc Cây Thị không còn cây thị, hàng quán chỉ rải rác có buổi. Ngồi đây, đầu phố Hàm Long nhìn sang sở Văn Tự, tưởng như lão Tàu Bay còn gánh phở bán buổi sớm. Cũng cạnh đấy, bên dãy nhà mà thời tạm chiếm Pháp đặt đài phát thanh Con Nhạn của quân viễn chinh, hồi Tiền Khởi Nghĩa, đội AS (ám sát) của Việt Minh đã bắn chết Thiên Nga, nữ đặc vụ của Nhật trong quán cà phê này. Nhưng không phải chỗ hàng cà phê của ông cắt tóc ở hợp tác xã chỗ ngã sáu mới về mở, đêm B52 ấy, một vỏ tên lửa rơi gãy võng cái mái hiên. Những biến thiên của con người phố xá, chắp nối lại mà chỉ có ngòi bút Nguyễn Tuân mới phát hiện cho người đọc thấy được những lăng cạnh gốc gác, như muôn vật trong trời đất, khác nhau mà lại dính líu với nhau. Những ngã năm, ngã tư, ngã bảy, người đi lại sinh ra đường cái và mọi sinh hoạt, làm ăn, đắp đổi, người hút thuốc lào thì có người bán đóm, phường chợ thì có người đóng đinh đế giày, ông bán hàng nước chè tươi, ông lão chữa giày dép với khách dừng chân.

Phở Tàu Bay – mà bây giờ ở Sài Gòn có vài ba quán của các bà phòng nhất, phòng nhì và con cháu ông Tàu Bay đã quá cố, cũng đôi chút phảng phất mùi vị phở Bắc, gánh phở ông Tàu Bay xưa đỗ cạnh dốc bên gốc cây thị đầu sân vào sở Văn Tự – không biết tại sao người qua đường lại đặt tên công sở ấy là sở Văn Tự. Có lẽ cũng như chỉ tình cờ một câu bông đùa cái mũ da lưỡi trai hơi dài khác thường của ông hàng so sánh với chiếc mũ phi công mà thành tên phở Tàu Bay, một hàng phở gánh buổi sáng. Thời ấy, sáng, trưa, tối đều đặn cho người ăn quà phở mà không phải là dùng phở đến no. Hiếm cửa hàng phở, hiệu phở, rặt phở gánh, chuyên phở nước. Phở hiệu xào ròn, xào mềm, tái lăn, sấm vang, bát phở bên đĩa mùi, húng và cút rượu trắng. Phở gánh, món quà nhẹ. Ngủ trưa dậy, tối khuya trước khi đi ngủ. Không ai khai tâm chén rượu lúc ăn phở bát. Thịt bò chín từng tảng, cũng chưa rạch ròi mấy chỗ nạm, gầu, mỡ hay nhừ. Trong cái bát chiết yêu loe miệng thắt đáy, nước dùng bốc khói mà trong như nước mưa li ti nổi chút váng mỡ vàng, lơ thơ mấy lát hành hoa, rau mùi. Làm bát nào, thịt thái bát ấy. Đảo phở, bánh chồi lên quá, bánh chương, ăn phải bỏ dở. Nhưng đạo ăn phở của Nguyễn Tuân có cách riêng.

Trong lòng và vỉa hè ngã sáu quang đãng cứ khoảng mười giờ tối trở đi mới lập loè hàng quán. Những tối thứ bảy, từ đầu Hàng Đào xuống Tràng Thi, đến tận chợ Đuổi, mọi ngã ba ngã bảy đều kê bục, cắm cờ. Các đoàn văn công nhảy xạp ràm rạp. Tiếng Trần Chất hát Chiếc khăn piêu đến đinh tai trong loa. Người xem chen chúc lúc ấy mới vãn. Đội quân cảnh đeo băng đỏ đã bắt đầu đi tuần đêm thiết quân luật. Các gánh lục tào xá cháo gà phải hai ba giờ sáng mới hết hàng. Đã quảy về còn có người gọi theo. Bình yên, chẳng ai nhớ thành phố hãy còn phải quản trị theo chế độ quân sự. Dọn hàng quá khuya đã thành lệ.

Khi có hàng quà, những ngã ba đã văng vắng lại hiện ra bộ mặt khác. Chốc chốc, thong thả qua một xe đạp lênh khênh, tiếng vòng nan hoa quay gió vù vù. Cái xe trâu Trung Quốc nặng như cùm được người ta vác từ chiến khu Thái Nguyên Việt Bắc về. Gánh cháo gà bác Chữ đã dênh hẳn xuống mặt đường nhựa. Chiếc chậu nhôm đựng nước, cậu con trai thả chồng bát vào chậu rồi nhặt ra từng cái, khăn lau miết quanh miệng chiếc bát rếch của những khách ăn mở hàng. Rồi bác Chữ thừ ra. Như còn tiếc đám múa xạp lúc nãy hay sao. Bác Chữ cầm chiếc ống nứa thổi pho pho vào cửa lò mới được cời, mẩu củi hồng rực.

Rồi lại quay ra, ngồi lên bó củi, một tay đấm lưng, tay kia gõ cái ống nứa giả vờ điểm tiếng róc phách, chốc lại tom chát đánh nhịp xuống thành thùng bát, miệng ư ừ giọng mũi như rên :

Nam nhi đứng ở trong trời đất

Quyết ăn chơi cho đủ mùi đời

Sự cùng thông bĩ thái tự trời

Sông có khúc con người có lúc…

Bộ quần áo nâu dày mo nang dưới ánh ngọn điện chao lắc lư trên dây giữa đường. Mặt nhăn nhó đăm đăm, chẳng biết đương phởn hay buồn nỗi hóng khách. Chốc lại cầm ống nứa thổi bếp, xong lại rền rĩ: Nam nhi đứng ở…. Tôi không trông rõ thật mặt cái bác cháo gà Chữ ấy ban ngày bao giờ. Như người với ma, nửa đêm đến rạng sáng thì lặn. Bác Chữ nhìn hò háy trước ánh lửa, mắt ấy không viền vải tây điều tất cũng lông quặm. Dần dần người ngợm ở đâu cứ lẩn thẩn ra, như cỗ tam cúc phải đủ xe pháo mã với năm quân tốt hỉn. Gánh lục tào xá lù lù đến ghé cạnh. Cái ông chè đậu xanh lục tào xá thoạt hiện ra thật oai. Như đức Quan Ngài hồi tiền nhật còn ở ẩn kết nghĩa với ông cháo gà Lưu Bị dưới gốc dâu cây sữa xoè tán lá ba tầng ba lọng vàng điềm về sau làm vua. Lão râu đen dài, trán nhẵn hói bóng lên nửa đầu, khi chưa gặp thời thì quảy hàng mà thôi. Nhưng ngắm kỹ, chưa chắc lão đã bằng tuổi tôi băm lăm lúc ấy. Có lẽ chỉ mới năm trước còn thói quen nuôi râu giả già để trốn quân dịch, nhiều người mắt đảo như chớp, nhưng râu ria lõng thõng.

áp chân tường số nhà 81, ông hàng cà phê bít tất. Cũng là trông hình thù mà tưởng ra, cà phê pha vào ấm nhôm, mảnh vải lọc thõng xuống như chiếc bít tất nâu. Ngọn đèn hoa kỳ lom đom giữa mặt chõng tre, ngổn ngang mấy cái ghế con đặt quanh. Khách ngồi xuống, trông lên mới thấy mặt ông hàng lom khom, bóng loáng nắng gió đồng chiêm. Bộ quần áo nâu non nhờ nhếch, dáng ngơ ngơ như đương lẩm nhẩm ai trả tiền, ai lỉnh mất. Nguyễn Tuân không thích cái cà phê hâm nóng đầu đường thế này. Nhưng vẫn thường ghé xe đạp dựng lên gốc cây xà cừ. Không biết có phải chỉ bởi thói quen xưa cũ cứ tối tối, tôi lại rước tôi ra đường!. Những đêm gió lùa rào rạt mặt nhựa, nhồi thêm thuốc vào tẩu, ngồi tránh vào bên gốc xà cừ gồ ghề – Nguyễn không chịu được mùi hoa sữa, ghét lây cả cái cây. Chén cà phê sành nâu lồi lõm, có khi chỉ nhấp một ngụm, rồi bỏ lạnh ngắt. Dường như ngại tôi có thể vì ông ấy mà áy náy không biết cà phê hạt muồng hay ngô rang.

Nguyễn Tuân nói: Mặc kệ mình. Cậu cứ việc hồi tưởng. Ông anh nghĩ tôi đương nhắm phía một kỷ niệm đâu đó nên mới ưa lai vãng tới đây, bởi biết tôi vốn cũng lạnh nhạt với cà phê. Vào quãng giữa thế kỷ này thành phố và con người đều trải nhiều quãng đời chằng mắt xích với nhau. Tôi cũng như vậy. Tôi đến cái ngã năm, ngã sáu này không phải ngẫu nhiên. Mười năm trước, ven hồ đằng kia, còn những toà biệt thự mọc lên giữa những bụi chuối um tùm. Mặt trận đã lan đến đấy, tan hoang cả. Tôi làm phóng viên của báo Cứu Quốc thường qua lại đây, khi xuống tuyến phòng thủ phía chợ Mơ. Có hôm ngủ đêm lại trong ngôi nhà bỏ không. ở chỗ chúng tôi đương ngồi, tiếng súng và người núp ngã xuống bên mỗi gốc cây. Báo Thủ Đô đăng tin chiến sĩ Nguyễn Thành ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch từ hồ Thiền Cuông tới. Quả bom đầu tiên của quân giới ta tự tạo có lẽ được tung ra ở chỗ kia đấy. Thành phố đương tổ chức tìm đào hài cốt liệt sĩ và người chết đường. Ban ngày, trên vỉa hè đặt hàng dãy những chiếc tiểu khói hương nghi ngút.

ở cái ngã sáu đường đời ấy vẫn leo lét ngọn đèn con của lão cà phê 81, ánh đèn chai và lửa bếp thùng cháo bác Chữ. Mấy cái xích lô tã chốc lại lạch xạch lượn lờ qua. Trông mặt người đạp xe cũng có thể đoán được tông tích, mỗi người đều hằn nét bộ mặt thời gian và tờ lịch hàng ngày của thành phố. Có lão râu xồm khuya về uống rượu húp cháo rồi nằm vắt người trên đệm xe, sàn xe ngủ bên gốc cây. Đấy là các ông chánh, ông lý tề vừa chạy Tây càn, vừa sợ Việt Minh trả thù đã bỏ các vùng trắng ven nội vào đây. Đám cơ sở ta hốt chết trốn vào thành, trẻ hơn và đỡ lầm lì, có thể lại công tác bí mật, không ác ôn như mấy lão xích lô râu rậm kia. Nguyễn Tuân bảo: Cậu có để ý đường phố bên Bắc Kinh lúc gần sáng, những xe la, xe lừa bánh gỗ cao lênh khênh, những lão đánh xe đầu hói như quả dưa hấu ngồi ngất ngưởng trên đống củ cải, vẫn oai phong chẳng khác Tưởng Giới Thạch, Uổng Tinh Vệ thất thế!’.

Tôi bàn theo:

– Lão xế lô, lão lục tào xá này nhất định là tề ngụy cũ. Cả lão cà phê bít tất, lão cháo gà dấm dớ thế nhưng trông tay thoăn thoắt nhặt tiền, xếp tiền thế kia đủ biết.

Nguyễn Tuân hỏi:

– Có nhớ Két không?

– Tay Két trinh sát tiểu đoàn 54?

– Cứ ngồi đây mình lại nhớ nó. Không hiểu sao.

Khói thuốc trong nõ tẩu phầm phập bốc xanh trắng um lên.

Thì ra, ở cái đầu đường đêm hôm chẳng thú vị mấy chút, chính Nguyễn Tuân mới đương hồi tưởng. ở mỗi cái cùng trông thấy, nhưng từng người lại ngờ khác nhau. Thế nào mà ở đây Nguyễn Tuân lại nhớ tới Két chiến dịch sông Thao mùa hạ 1949. Chập tối ấy, bộ đội qua sông xuống đò bến đền Đông Cuông gần Mậu A, rồi hành quân suốt đêm vào hậu địch để kịp chiều hôm sau đánh đồn Đại Bục. Tình cờ, chúng tôi gặp lại Két ở Mậu A, Nguyễn Tuân quen Két của Trung đoàn Thủ đô. Chiến dịch ấy, trung đội trưởng trinh sát Két đã hy sinh, nằm lại bờ bên kia sông Thao.

Đi và đi thực và mộng cả đời Nguyễn Tuân. Làm thế nào đi được, chỉ cất đi được. Năm 1937, Nguyễn Tuân ra Hương Cảng làm tài tử màn bạc. Phim truyện Việt Nam, chủ Trung Quốc thuê một số người ở Hà Nội sang đóng. Tôi đã xem Cánh đồng ma ở rạp Hiệp Thành phố Hàng Bạc – rạp chèo cải lương, thỉnh thoảng chiếu phim phong thần, kiếm hiệp bán vé một hào đồng hạng. Phim Cánh đồng ma đầu Ngô mình Sở. Nguyễn Tuân đóng một vai phụ – có thể lôi người đi ngoài đường vào sắm vai cũng được, đấy là người y tá mặc áo lui trắng, nâng đầu cáng thương, lừ lừ qua ống kính chớp nhoáng một hai giây. Có thế thôi, mà Nguyễn Tuân lặn lội sang Hương Cảng trong lúc năm hết tết đến.

Cũng không phải chơi bời đua đả. Đám hổ lốn đóng phim còn lục đục lừa nhau, chửi bới nhau vì các chủ phim tranh nhau xé đám phu mộ đóng phim này đã làm thêm phim Trận phong ba tồi quá gửi về nước tranh khách trước nhưng không có người xem. Nguyễn Tuân ở trong đám phu đóng một phim. Cũng không ăn cánh với ai. Bà phô tô Phú ho lao gày rạc dâm đãng đến quái dị, chùm trò Đàm Quang Thiện và Nguyễn Doãn Vượng, điểm mặt cũng không phải ai tri âm tri kỷ khiến Nguyễn Tuân phải đắm đuối bỗng dưng lênh đênh đi. Mà cái thúc giục vẫn là những cơn đói đi của mình. Không khó không dễ, không biết ai, chỉ biết một mình. Nguyễn Tuân muốn đến Hương Cảng, nặng nề và nhẹ nhàng, thế thôi. Trong đêm trừ tịch ở hòn đảo phồn hoa nhất châu á, hứng thú và buồn với hồn cốt những trang bút ký Một chuyến đi, chỉ có tâm sự ấy đã giục giã nhiều.

Một đời ao ước phương trời với một cung cách đi. Trong tiểu thuyết Thiếu quê hương, cả một chương mười mấy trang về vùng than với những cảng Rơđông, cửa Điền Công, những cơn gió ngoài vịnh vào đen nhuyễn màu than trùm lên phố biển Hòn Gai. Hồi ấy, Mộng Tuyết – Đông Hồ trong Hà Tiên ra chơi Hà Nội. Hôm về, Nguyễn Tuân tiễn ngoài ga Hàng Cỏ. Nguyễn Tuân có viết về cuộc tiễn biệt ấy trên báo Bạn Đường ở Thanh Hoá, đã cười tiên sinh Đông Hồ, tàu sắp chạy, mà vẫn cùng bạn bè lắc lư ngâm vịnh thù tạc suông không có chén. Còn cô Mộng Tuyết thì lại khéo tưởng tượng ra như trông thấy con người ấy hôm nào mới ở vùng gió than, bão than còn cuốn theo đến tận sân ga. Trên khuôn mặt cháy nắng của người lữ hành, hai lỗ mũi cũng xám đen những than là than.

Cô con gái làm thơ ở Phương Thành nhìn Nguyễn mà cảm động, bởi từ xưa kia cô đã ước mơ thèm một hơi gió lạ, khát thở một bầu không khí trời, nước lênh đênh hàng tháng trên biển cả để rồi đổ bộ trên một bến bờ xa. Trải qua khắp kinh tuyến, vĩ tuyến của địa cầu, để đi tới chỗ bốn mùa tuyết rơi, băng đóng đến vùng sa mạc gió nắng lửa than, trèo tuyết núi Hy Mã Lạp Sơn lạnh cóng và tắm nước sông Hằng, vượt biển Đại Tây dương, qua Hy Lạp, rồi trên lưng lạc đà xem Kim Tự Tháp rồi trở lại thưởng hoa anh đào trong một ngày hội ở Nhật Bản. Ngày hè thì lưu liên các vùng bãi biển ý Đại Lợi. Thu về thì ngồi xem lá vàng rụng theo các pho tượng của Lúc Xem Bua. Bao nhiêu tiếng gọi của Cao Rộng Xa Xăm đã thúc giục ám ảnh mãi lòng thích sống một cuộc đời bấp bênh có nhiều xê dịch, biến đổi của thiếu nữ. Cô thiếu nữ mà ngày còn thơ đã có ý muốn đi tận chân trời. Thuyền khách sông Hương đêm thất tịch. Lạnh lùng trăng nước khúc nam ai… mà ai cảm chung một mối tâm sự não ruột của khách Giang Châu Tư Mã (Trạnh niềm nhớ cảnh giang hồ, bút ký, Phương Thành một ngày thu muộn 1939 của Mộng Tuyết).

Cũng một nòi tình mơ màng như cô Mộng Tuyết, chỉ có rày ước mai ao, thật ra Nguyễn Tuân chưa đi đường bộ quá Mông Dương và đường nước chưa ra khỏi cửa Điền Công tới Móng Cái bao giờ. Phải đến hơn hai mươi năm sau viết trang sách về vùng than, Nguyễn Tuân mới tới Hải Ninh lần đầu, cùng đi với Nguyên Hồng, Vạn Lịch và tôi. Tưởng như khó tin, mà sự thật như thế. Thiên bút ký mênh mang sóng biển Cửa Đại kia, đọc kỹ thì nhận ra phải nhờ tác giả có người nhà ở Cửa Đại, mới đến được. Ngày ấy, Nguyễn Tuân đã viết một truyện ngắn đăng báo Tiểu thuyết Thứ bảy, trên đề: Tặng ông Đỗ Ngọc Côn, nhà máy đèn Móng Cái. Khi này, Phạm Duy làm thợ phụ nhà máy điện, ở nhờ ông Đỗ Ngọc Côn (Phạm Duy: Hồi ký thời cách mạng, kháng chiến – Californie, 1989). Mà ông bạn làm nhà máy đèn Móng Cái ở phố chính Clamoocgăng ấy cũng chưa lần nào gửi tiền tàu xe rủ Nguyễn Tuân ra chơi thưởng thức cái hiu hắt nơi địa đầu. Hàng chữ đề tặng chỉ là một ao ước. Mà phải đến dịp nhờ xe của cán bộ Vạn Lịch, mới ra được bãi Trà Cổ, xuống lái thán ngược sông Mang lên cầu Bắc Luân – Móng Cái, đến Thán Pún – sự bôn tẩu của chúng tôi có công lệnh và dấu đóng giấy đi đường cẩn thận.

Cầu kỳ và khó tính cũng là tính riêng trong cái thích thú ham đi mà không được đi. ở phương Đông còn có cái chơi đi mà không đi, ngồi nhà ngắm tranh sơn thuỷ, nuôi muông thú lạ, uốn cây, gẩy cái lá trúc rụng xuống thế giới bể nước nho nhỏ rêu nổi hòn đá cây si bên hòn non bộ có ngôi chùa mái cong, có chú tiều vác củi qua cầu. Cho thoả cái tưởng tượng mà thôi.

Nguyễn Tuân ở vế người thứ nhất, không phải các ông ngồi rung đùi chơi trời đất thu nhỏ vào cái bể sành và núi non bộ. Mà đôi khi chơi cây cảnh, một chút chắp nối. Ơ hờ, hờn dỗi, bực bội, nhớ thương không đâu gửi vào một nhánh địa lan cánh tím, một con chó đá canh cửa, một quả phật thủ, một hòn cuội suối, một chiếc gối sứ mới đây được bưng ra từ một tiệm hút chợ Cũ Sài Gòn. Nguyễn Tuân chỉ thích đi, nhưng trong mọi sửa soạn còn kỹ lưỡng hơn đi. Mùa hạ năm 1949, Nguyễn Tuân và tôi theo tiểu đoàn 54 Trung đoàn Thủ đô tiến quân vào mở chiến dịch tiêu diệt một chuỗi cứ điểm hành lang bờ sông Thao án ngữ Tây Bắc, các đồn Đại Bục, Đại Phác, Khe Pịa, Ngòi Mác, Mã Yên Sơn lên đến đồn tiểu khu Phố Ràng. Chuyến áy, tôi đi cùng Nguyễn Tuân – được làm quen với Nguyễn chuyến đi đầu tiên. Tôi đã ghi lại:

Nguyễn Tuân xắm nắm quanh cái bi đông nước bọc dạ xanh của anh. Lần đầu tiên ở mặt trận, đi lâu với Nguyễn, tôi mới thấy quá nhiều đức tính của người lên đường. Khoẻ, vững, hành trang không thừa, cũng không thiếu một cái gì. Trên lưng, gọn gàng chiếc ba lô Nhật. Một sợi dây nhỏ cũng có chỗ để rồi dùng đến sợi dây. Cuối cùng, mọi thứ giấy má có thể lộ liễu của riêng mình đều phải để lại căn cứ, không được đem theo vào vùng địch. Chỉ một cuốn sổ nhỏ, cái áo mưa, bỏ vào ba lô vừa phải. Một bao cơm nắm, thêm cái thắt lưng lương khô cuốn chéo ngang mình. Đầy bi đông nước, Nguyễn Tuân đã cẩn thận buộc ghì vào thắt lưng cho khi bước đỡ xóc (Ngược sông Thao, phóng sự, Nhà xuất bản Cứu Quốc 1949).

Trong nghề đi – nghề, chứ sao, cẩn thận đã thành thói quen và cầu kỳ đến đam mê. Sửa soạn cũng là khai thác để thưởng thức được chu đáo. Không phải cứ đứng đắn và khôi hài như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. ở trường lục quân bên Vân Nam về, anh Khoát dạy tôi thuật đi đường giữ được dai sức của Bát lộ quân. Nhanh mười bước lại thong thả ba bước, cứ thế cả ngày chân không biết mỏi. Cẩn thận, mọi thứ trên mình và trong ba lô đều gọi thành con số. Ví như cả thảy đồ đạc có mười lăm thứ. Sáng ra, trước khi đi đếm chỉ có mười bốn. Thế là còn thiếu một. Rõ thật buồn cười, nhưng nếu cười, anh Khoát không bằng lòng. Mọi cẩn thận của Nguyễn Tuân thiết thực hơn, nhưng không thành con số như trên. Ngòi bút chì gài trên túi áo, ngồi đọc cũng ghi lên sách. Không biết đến thế kỷ nào có cái hơn, chứ bút chì trên giấy thì không bao giờ phai. Một tiệp bìa cứng với cái bút chì. Lắm lúc thấy ông bạn đường chịu khó đến vậy, mình vừa để ý, vừa thích vừa ngán ngẩm cho những khó nhọc của nghề đi không biết thế nào là cùng. Lo cho việc đi là yêu đi và biết hưởng thụ đi. Mải mê quên ngày tháng, nhưng tính đếm sửa soạn cho mải mê thì phải nhớ từng ly. Cái phóng khoáng của ông ấy không lẫn với buông tuồng, cẩu thả.

Mà sự chuẩn bị tỉ mẩn của con người muốn khi ta chết đi, da ta được thuộc làm cái va ly cũng khá khác thường. Năm 1961, Nguyễn Tuân lên Hà Giang dự khánh thành đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì. Hoà bình thảnh thơi rồi, nhưng vẫn lại là về rừng, lại đeo cái ba lô Nhật với những sợi dây dù Mỹ buộc màn, không quên chiếc bi đông chiến dịch sông Thao hơn mười năm trước. Giữa đám các thứ lỉnh kỉnh, một xếp giấy bản lau chén bát, một quyển sách đang đọc và mấy thẻ hương mua thửa ở hàng quen cửa chợ Đồng Xuân. Khánh thành đường mới trên rừng thì nhà khách cũng là mấy cái lán cắm ven đường. Hương chống ẩm, chống muỗi đây. Hương chống muỗi, chứ Nguyễn Tuân kỵ mùi tỏi và không chịu được mùi thơm ở các thứ hương ấn-độ cứ thoang thoảng rờn rợn như có ma lẩn quất trong nhà.

Quả nhiên là những nơi ngả lưng dã chiến ở Hoàng Su Phì khách nghỉ đêm ở các lán dân công, nền đất và phên vách mới được sửa sang lại đôi chút. Tối đến, mùi hương ở lán ông khách văn ngào ngạt ra. Vù Mí Kẻ, bí thư huyện Đồng Văn hỏi nhỏ tôi:

– Nó cúng ma hả?

Làm thế nào cắt nghĩa cho ông bạn người Mông này hiểu cho cái thú chơi sưởi mùi hương như thế. Mới như hôm qua, Vù Mí Kẻ năm trước lần đầu về Hà Nội. Nhiêu khê quá, xe liên vận Đồng Văn xuống Hà Giang, lại chuyển ô-tô khác về Phú Thọ. ở đấy, lên tàu hoả. Đoàn tàu xuôi về đến ga Hàng Cỏ, vẫn ngồi thản nhiên ngắm ra phố phường, đường xá, nhà cửa ngoài cửa toa thấy mãi chưa tới Hà Nội. Khi tàu lên đến Bắc Giang mới hỏi ra.

Tôi bảo Vù Mí Kẻ:

– Không phải bác ấy cúng ma. Bác ấy đốt hương cho ấm như ta ngồi sưởi lửa ở trên quê, lại chết được muỗi. Mùi hương sưởi thơm cũng như khói củi gỗ thông ấy mà.

Có lần, Vù Mí Kẻ về Hà Nội, đến chơi uống rượu nhà Nguyễn Tuân. Tôi nhắc lại chuyện hương sưởi ấm ở Hoàng Su Phì. Vù Mí Kẻ trả lời: Bây giờ nói thế thì mình hiểu ngay.

Hồi ấy, Vù Mí Kẻ không tin câu cắt nghĩa của tôi. Có những việc…

Nhưng thôi, lại trở về chiến dịch sông Thao mùa hạ 1949. Nguyễn Tuân gặp lại Két – người chiến sĩ trinh sát mà Nguyễn Tuân vừa hỏi tôi có nhớ không, lúc nửa đêm giữa cái ngã sáu bên gốc cây sữa, cây xà cừ này.

Lần đầu tiên, quân chủ lực mở trận đánh phối hợp lớn, mặt trận dài suốt bên kia sông Hồng ở Yên Bái vắt sang sông Chảy, lên Lào Cai. Chúng tôi theo tiểu đoàn 54, đơn vị chủ công của Trung đoàn, Nguyễn Tuân bỗng gặp lại Két, không ngờ, khi qua sông.

Chập tối, tập kết ở Mậu A. Các chiến sĩ quần áo bà ba đen như chúng tôi. Bộ đội được phát như thế nào thì mặc nấy, áo nâu, áo đen, có khi nhuộm lá cơi, nhuộm pin xanh sẫm, thâm xịt. Đã xế chiều, người ngồi đen ngòm sân đền Đông Cuông. Trung đội trưởng Két trong đám chiến sĩ, người hầu bàn nhà hàng Thuỷ Tạ Bờ Hồ năm trước, bây giờ là trung đội trưởng trinh sát đã trông thấy cái ông nhà văn hay uống uýt ky, quăng trô xếch ở Thuỷ Tạ lúc chặp tối sao ông ấy lại lên tận đây thế này. Mà đội mũ vải ka ki xám, mặt lành lạnh như phái viên cấp trên xuống. Két đến trước mặt Nguyễn Tuân:

– Ông…

Nguyễn Tuân giơ cái gậy tre, nắm tay Két.

– Anh Két! Đồng chí Két! Tôi cũng sang sông đêm nay. Đồng chí ở 54 à?

– Vâng ạ.

Chỉ một thoáng, mọi người hối hả về sửa soạn. Suốt chặng đường vào sâu trong kia, Nguyễn Tuân mong gặp lại Két. Như còn bao nhiêu chuyện máy năm qua chưa nói hết. Suốt đêm ấy, mù mịt bóng sương, hơi nước và lầy lội, hầm hập. Liên tiếp, từng chiếc thúng, chiếc tam bản của các vạn chài cả mấy tỉnh từ Vĩnh Yên, Phú Thọ lên Yên Bái đưa bộ đội qua sông. Đi suốt đến sắp sáng, qua mấy làng tề gần đồn Đại Bục, trông lên quả đồi đồn Tây lù lù đây rồi mà tiểu đoàn bộ với các đơn vị trực thuộc vẫn loanh quanh lố nhố dưới ruộng chưa tìm ra nơi ém quân. Du kích địa phương dẫn lạc đường! Chúng tôi lõm bõm trên những cánh đồng nước. Sau lưng, anh nuôi quảy nồi chảo va vào nhau lông chông, như nhạc ngựa đồn Tây ra đuổi.

Ban chính trị trung đoàn có nhạc sĩ Lương Ngọc Trác và cả hai người Pháp hàng binh thu được trong trận tiểu đoàn 54 luồn sâu tập kích đồn Bá Giang ở chỗ Phùng ra cửa sông Hát. Hai lính Pháp đã lái xe vận tải chạy ra giữa đồng. Bây giờ họ làm công tác địch vận. Ra trận, mỗi gã đeo một cái loa giấy bìa các tông dài ngoằng như chiếc sừng trâu. Mấy hôm trước đóng quân tập kết ở bàn đạp. Mỗi ngày mổ lợn, các cu cậu được anh em thương tẩm bổ thêm cho miếng gan, quả tim ngoài xuất ăn. Hành quân ban ngày từ Phú Thọ qua dọc sông lên, dưới mưa rào vẫn đi. Hai người Pháp gày nhẳng, tóp lại, cao lêu đêu, tóc ướt bết trán, vai nhô lên, cung cúc như con gà chạy mưa.

Nhưng rồi tất cả cũng lên được một quả đồi nứa um tùm, trước khi trời rạng. Vừa tới lưng dốc đã ran tiếng súng dưới ruộng. Tiếng nổ lúc sáng bạch nghe toác toác như cháy rừng nứa. Có người làng ra làm đồng sớm thấy nhiều vết chân lạ dẫm nát lúa mới cấy. Sợ quá, về bẩm chánh tổng, chánh tổng lên báo đồn. Quan đồn đoán đêm qua có du kích về. Sắp đến ngày 19 tháng 5 kỷ niệm của Việt Minh. Đồn cho một tiểu đội lính Thái ra sục các đồi. Bọn lính Thái với người cai Tây cởi trần, xách súng, bắn vào bụi rậm rồi hô nhau xông lên. Thế nào mà chúng nó lại lên đúng đồi ban chỉ huy tiểu đoàn và cả ban chỉ huy Mặt trận.

Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng cho hai tiểu đội xuống chặn. Lệnh: Tuyệt đối không lộ hoả lực mạnh, chỉ được bắn súng trường, phát một. Nếu giáp lá cà, đánh dao găm.

Chúng tôi ngồi xổm cạnh bụi tre xế đỉnh đồi. Ngổn ngang gồng gánh, những càng chân SKG – súng không giật, từng bộ phận súng cối chưa lắp và những đùm lá cọ trong gói từng chồng truyền đơn tiếng Pháp, tiếng Thái. Hai người pháp địch vận mắt xanh nhờ đứng chơ vơ như hai cái cột. Giữa im lặng thấp thỏm, không biết bao nhiêu con người núp trong cỏ, trong bóng lá những quả đồi có thể sắp nổ tung trong ánh nắng. Nguyễn Tuân chống hai tay lên chiếc gậy tre, lom khom nhìn xuống đất. Tôi ngồi không yên chỗ, lại nhấp nhỏm đứng. Quái đản, Tây sắp đánh lên đây mà lại có hai thằng Tây lù lù cạnh mình thế này! Đại đoàn phó Cao Văn Khánh – chỉ huy phó chiến dịch đến bên, nói nho nhỏ, trấn an chúng tôi:

– Đạn không bao giờ dính tôi! Các anh ngồi yên đây, không có gì phải lo.

Câu nói nửa đùa nửa thật về cái mệnh con người. Nguyễn Tuân đã gặp Cao Văn Khánh trong chuyến đi Nam Trung bộ giữa năm 1946. Cũng năm ấy tôi vào mặt trận phía Nam cùng Cao Văn Khánh và Thu Sơn đã làm một chuyến đi ngựa từ Tuy Hoà qua Củng Sơn lên tiền tuyến Cheo Reo. Đã biết nhau và câu nói thân mật của con người trải trận mạc có tác động tâm lý. Tôi cảm thấy thánh thơi hơn, không bị hút vào sự im lặng ghê rợn. Chỉ còn thấy hai người hàng binh Pháp lớ rớ loay hoay cạnh bụi tre. Họ cũng tự biết chớ có loanh quanh đi lại. Chiếc loa giấy khoác bên nách chốc chốc lại đổi bên lắc một cái. Những con ruồi vàng bụng mọng máu to thô lố ở ống chân lông lá lăn xuống. Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên…

Bỗng súng rộ lên một chặp dưới lưng đồi rồi lại tắt ngay. Trong im lặng, liên lạc lên báo ta đã tiếp cận đâm chết một thằng. Tiếng nổ, đấy là chúng nó bắn chặn để khiêng xác thằng chết về. Rồi cứ im im thế đến quá trưa. Vẫn quạnh như tờ (sau mới biết trong đồn vẫn đoán là sắp đến ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh, du kích đến quấy). Đồn Tây ra lệnh phòng thủ và canh gác nghiêm ngặt hơn. Trèo lên cây đồi bên này, tôi trông rõ những người vác hòm đạn vào lô cốt như kiến tha mồi. Chúng tôi lo bữa ăn cho chắc dạ, ăn cơm nắm, thịt rang, các bếp đã chuẩn bị từ chiều qua.

Mặt trời đã ngả vàng khè trong làn sương các khe núi dâng lên. Năm giờ chiều, giờ này máy bay dưới xuôi không lên nữa. Một tiếng ầm, vang bốn phía. Đại bác ta nã thẳng nổ xanh lè bên lô cốt. Nhưng chỉ đoàng đoàng được vài quả, nền đặt pháo của ta bị lún, pháo câm. Một khẩu súng, ngay phát đầu đã văng cả chốt đuôi, suýt chết thằng Tây địch vận ngồi đằng sau. Nhưng các khẩu cối thì nhả đạn đều đều, tiếng rền liên tiếp. Lương Ngọc Trác ngồi trên cây nhìn sang phía bên trái, kêu lên: Bên Đại Phác nổ súng rồi.

Bộ binh xông lên đồn, lúc ấy trời đã tối hẳn. Khoảng gần tám giờ tối chúng tôi vào được sân đồn Đại Bục, cái chỗ lúc trưa trông sang thấy lính Tây, lính Thái trần trùng trục vác hòm đạn. Bóng tối và khói mù mịt. Bờ rào dây thép gai tan tác. Thằng đồn Tây mặc váy áo giả làm đàn bà Thái chết dưới chân một luỹ đất. Nhưng trên cái lô cốt cao cắm cờ tam tài giữa sân, đạn vẫn nã xuống. Những mũi xung kích chiến sĩ cầm mác dạt được vào núp ngay bên bờ tường lô cốt, chặn bọn trên chòi thoát xuống. Chúng tôi vào làng tề cạnh cổng đồn đương đùng đùng cháy. Không biết lửa du kích chiếm làng đốt hay đạn trên lô cốt bắn xuống. Chiếm được đồn rồi mà khắp nơi cứ loạn xạ.

Cái trống nhà chánh tổng treo đầu hồi ngoài sàn không biết ai đã khiêng ra vứt lăn lóc đấy. Một đám vác xác người chạy qua. Nguyễn Tuân, quần áo đen như hung thần hiện lên, tay cầm dùi trống, mấy chiến sĩ quay ngược nện báng súng vào mặt trống. Cả đám người đánh trống ngũ liên thúc trận hạ lô cốt cuối cùng lừng lững trước mặt. Mấy tên lính Thái gan lỳ vẫn dai dẳng bắn xuống phát một. Nhiều chiến sĩ ta bị đạn tỉa chết. Một tổ tiêm kích bắc thang trèo lên thả lựu đạn vào lỗ châu mai. Im lặng hết trong lô cất. Đã hơn tám giờ tối. Những cái đầu lâu được ném từ trên lô cốt xuống. ở tấm ảnh Hạ đồn Đại Bục trong pho sử Quân tiên phong, giữa hàng quân ta có hai chỗ chấm trắng trên đầu gậy. Đấy là vết hai thủ cấp hai thằng trên lô cất cố thủ.

Nửa đêm, cả ban chỉ huy lên một cái nhà sàn còn sót lại trong xóm xung quanh vẫn cháy rực. Chiếc dùi trống thò một đầu trên ba lô Nguyễn Tuân. Cạnh bếp, một thùng rượu vang to bằng cái vại sành bên gốc cau đã toang một mặt ván. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng, mới chiều hôm qua ở bên kia sông, mặt mắt còn phẳng phiu, bây giờ hàng râu quai nón đã trổ đen ngòm. Tiểu đoàn trưởng giơ bát rượu vang: Đúng hẹn với các anh nhé. Chúng ta vào uống rượu vang giữa đồn Đại Bục. Nào, các anh? Mời ông Nguyễn? Một lúc, Nguyễn và tôi nâng hai bát trước mặt, nhưng không mừng đụng cốc. Chúng tôi vừa được tin về Két, Két đã ngã xuống ngoài lô cốt. Chúng tôi uống im lặng viếng hương hồn người bồi bàn chiến sĩ trinh sát trung đội trưởng Két.

Mấy hôm sau chiến dịch chuyển sang sông Chảy, Nguyễn Tuân vẫn ở lại với 54. Tôi theo đội võ trang tuyên truyền lên các làng Mán Sừng trên rặng núi Voi rồi xuống với Trần Đăng lên mặt trận Phố Ràng.

Bao nhiêu lâu rồi, chúng tôi vẫn thường có dịp thăm hỏi 54, tiểu đoàn em nuôi. Trú quân ở Kép Le, về Lai Xá, ở Hoà Lạc. Luyện quân ở Định Hóa, lửa trại đêm Hà Nội giữa rừng. Chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952. Lại mới năm trước, cuộc tiễn đưa đơn vị tiến vào đánh bao vây Khe Sanh. Lần lên với đơn vị đóng quân trên Hoà Lạc ở Sơn Tây, thoắt đấy mà ba mươi năm đã qua, cả đoàn người chiến dịch sông Thao bấy giờ còn lại mỗi một bộ đội Sửu thợ rèn, tự vệ Ô Cầu Dền, nay là chính trị viên trung đoàn.

Cái tình với chiến sĩ và với trung đoàn Thủ đô của Nguyễn Tuân tuyệt nhiên không phải ngẫu nhiên. ấy là thói quen đến nơi đến chốn, chăm chút, ý nghĩa của một kỷ niệm. Người con trai lớn của Nguyễn Tuân đã là một trong những cán bộ chỉ huy đầu tiên của đơn vị từ sáu mươi ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội ở Liên khu I. Có khi, đi chơi với Nguyễn Tuân và Xuân Trường, người con trai ấy bây giờ là một tướng lĩnh trong quân đội. Chúng tôi về quê Nguyễn Huy Tưởng ở Dục Tú. Ba cái xe đạp thong dong sang Đông Anh. Thời cụ tú Hải Văn bố dắt con vào nhà ả đào Hàng Giấy, đến thời bác Nguyễn, khác mà không khác, cái tình vẫn một cha con ấy. Cũng như khi gặp lại Két trên bến Mậu A. Ông khách kỳ lạ để nhớ vẫn thường khai vị bằng rượu mạnh.

Hai người cũng vào Đại Bục nhưng không bao giờ còn gặp lại người nhà bàn cũ ấy nữa. Mỗi khi ngồi trông ra sóng hồ lăn tăn lẫn bóng liễu, bóng chiều, bóng bia hơi và sáng đèn quanh chân cột sàn nhà Thuỷ Tạ, lại nhớ. Thế mà là thật, những gắn bó xưa sau. Vui chuyện, Nguyễn Tuân hay nói một câu, một câu nói đi nói lại:

– ừ! Phải viết chuyện ấy rồi phải viết.

Những từng trải và kỷ niệm cả đời thúc giục, đã viết ra đấy, nhưng chưa được mấy. Mỗi ngày qua trở thành một thấm thía, khi chợt nhớ, đêm nay ngồi quán cóc ông lão 81 lại nhớ người hầu bàn nhà Thuỷ Tạ Bờ Hồ xưa kia.

Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà phải là hợp khẩu vị, ngon theo ý mình. Lọ muối vừng, hộp nước mắm chưng, cái gác-măng-dê trữ trên ba lô, thời chiến và thời bình, vẫn thế. Nguyễn Tuân sành ăn và kỹ tính tuyệt nhiên không xô bồ. Nắng oi quá, nhắm rượu mướp đắng giải nhiệt, nhưng không xơi mướp đắng mắm tôm như người ta. Không bao giờ đụng đến mắm tôm chợ. Ăn tinh đến thế, mà lại kỵ tỏi, mùi tỏi.

Tôi vừa đến, mới ngồi đã bị hỏi:

– Có phải cậu vừa ăn tỏi?

Nếu tôi ừ chắc Nguyễn Tuân sẽ bảo tôi đi đâu mai hãy trở lại. Tôi đáp:

– Không phải.

Cái mũi thính có vẻ bớt khó tính với tôi, nhưng lại lẩm bẩm:

– ở nhà dưới lùa lên?

Sợ mùi tỏi, ông voi to đùng sợ con kiến. Cũng lạ, cái lạ mà bình thường. Bài bút ký Phở đã đưa tác giả vào hàng những tay cực thạo món quà này. ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Không đụng đũa vào bất cứ thứ phở nào khác. Thịt bò chín, nạm hay mỡ, bánh vừa phải không nẫu vồng lên, không thái săn và thái máy như Sài Gòn mà Nguyễn Tuân gọi đùa là vằn thắn phở. Xúc bánh xong, thái thịt lồi bày lên rắc hành hoa và hạt tiêu – không ớt, mặc dù thích ớt cay. Ông nào phở xào, tái sách, tái dúng hay tái lăn, sốt vang lại đập quả trứng, thêm một cục mọc thịt lợn, một miếng giò lụa, hay phở thịt gà, thịt ngỗng, thịt chó rựa mận, thì tùy. Tôi không ăn phở để tẩm bổ. Lùa thật nhanh, ăn thật nóng, lên hết chất phở, thú nhất. Không hành tây, mùi tầu, húng chó, không thêm nước mắm, dấm ớt, tương ớt, không mỡ váng, không mỳ chính, cốt thưởng thức cái tinh tuý của nước dùng xương.

Tập ký Băm Sáu phố phường của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Doãn, bát phở rỏ mấy giọt cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân thường cười: cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dọc tẩu xuống ngon hay không ngon kể cũng đáng viết cho ra nhẽ.

Khoảng những năm 55, đôi lần Nguyễn Tuân còn ăn phở gánh ở tầng trệt nhà Địa ốc Ngân hàng, chỗ quán rượu Hoàng Gia cũ. Hàng phở này mở từ những năm thành phố còn bị chiếm. Rồi đến dạo quà phở thành cơm phở, người thành phở ăn phở lấy no, thì Nguyễn thôi ăn phở. Bút ký Phở cũng là vang bóng một kỷ niệm mà thôi.

Nguyễn Tuân có nhiều cái không thật bất ngờ. Nguyễn chưa bao giờ cưỡi ngựa, không biết ngồi ngựa. Đạo diễn Phạm Văn Khoa làm phim Chị Dậu, Nguyễn Tuân đóng vai chánh tổng cưỡi ngựa đi đốc thuế. Chủ nhiệm phim đi thuê ngựa, phải thuê cả người chủ ngựa đóng vai dõng đứng giữ cương cho ông chánh tổng ngồi trên yên, chưa đến nửa phút. Nguyễn Tuân chỉ đi chơi biển, không tắm biển. Dễ hiểu: Nguyễn Tuân không biết bơi, dù bơi chó hai chân đạp tầm phòng. Đọc ký sự Ra đảo của Nguyễn Khải kể về hành trình Nguyên Khải vượt biển ra đảo Cồn Cỏ, Nguyễn Tuân khoái riêng cái anh nhà văn trẻ này ngồi thuyền ra Cồn Cỏ dưới bom và tàu chiến địch quần xung quanh mà không biết bơi, nhát nước chẳng khác Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân chẳng thiết cái quán bát nháo của ông lão 81. Nhưng đến đây là một cơ hội để nhớ. Tách cà phê bít tất hay chén rượu có nhạt, cũng không quan tâm, chỉ bởi nó đem lại được cái cớ Nguyễn Tuân kéo mẩu ghế ngồi. Dáng ông lão gày gày, bộ quần áo nâu non còm cõi, lom đom. Nguyễn Tuân nhớ những cái khác. Mỗi đêm ngã sáu, từng người lại tìm về những kỷ niệm của mình. Những năm ấy chưa có mấy quán cà phê, quán nước bán kèm nước trắng. Tôi không được biết Nguyễn Tuân thời xưa kênh kiệu tàn nhẫn thế nào, chỉ thấy bây giờ cũng chịu khó chơi tạp, chỉ có điều là ngồi đối diện đấy, nhưng không nhìn mặt ai. Cái ác khẩu của nhà văn này thì khỏi nói. Tao mà chết, nhớ chôn theo với tao một thằng phê bình, ai đã bịa ra mà kể lại thế, nhưng giá ở dưới âm ty, thằng phê bình chẳng may nào đó bị chôn sống, lại mời ông đi uống rượu rồi đi chơi đảo Cát Hải thì chắc ông cười xoà, làm lành ngay. Vẫn cái khó khăn hay cái dễ dãi chỉ vì mình. Đã thích thì cứ cầm lấy, một quyển sách mượn không bao giờ trả, một nhánh hoa địa lan cắt thẳng ở chậu vừa hỏi chủ nhân vừa cắt.

– Ông 81 mới đổi mặt hàng. Có cái rượu hay lắm.

Trước cái chõng, ngọn đèn hoa kỳ nhoè nhoẹt. Cũng không ai để ý những bày biện mới, lọ lạc rang lại lọ kẹo bi xanh đỏ nhờn nhợt, quà dỗ tiền trẻ con. Ông lão đương cù rù, lẩn mẩn bóc củ hành khô. Vỏ hành kêu tanh tách như bật ngón tay. Cái chảo mỡ bắc ngay cạnh. Đậu nghệ chấm muối hay đậu rán, những mặt hàng mới. Thêm mấy cái ghế lõi giấy ép cuộn chỉ nhà máy sợi bên gốc cây đã xây vuông viền quanh thành cái bàn. Bập bênh như chiếc ghế ngất ngưỡng trước quầy rượu, cũng hay hay.

Tôi nói:

– Ra cái ông 81 này đã làm bồi cho Grapphơi ở Huế, ông Nguyễn ạ.

Nguyễn Tuân gật gật:

– Grapphơi công sứ Trung Kỳ.

– Tôi mới nghe ông ấy kể.

Chờ đợi sự ngạc nhiên, nhưng Nguyễn Tuân chỉ ừ thế rồi nhìn bộ quần áo nâu bạc của ông lão đồng chiêm xa lạ. Ông lão mọi khi cứ lặng lẽ lúc có khách, tự dưng bỗng bật nói:

– ở Huế làm bồi, tôi kiêm cả chân bếp. Chả là mỗi lần cả nhà nó đi pích ních, Bạch Mã tôi phải lo các thứ, đâm ra thạo. Miếng giăm bông hun khói tôi cũng làm lấy được, khét bỏ mẹ lại khen ngon. Người Tây lắm cái ngược đời, còn An Nam mình thì khôn ngoan, hay xỏ ngầm. Thế mới chết chứ. Tôi làm ăn lương gấp rưỡi. Nấu nướng cho Tây chẳng khó như cao lâu Tàu. Hành mỡ phi thơm lừng, Tây nở mũi, thế là khen buồng. Các ông để ý xem, hèn nhất là cái mặn muối, thế mà Tây ăn cứ phải có lọ muối trắng như bát hương mả tổ nhà nó để giữa bàn. Động một tý lại rắc muối, thế thì mất hết mùi vị, các cụ nhà ta kén đến hàng chục loại nước mắm vẫn còn chưa bằng lòng kia mà.

Câu chuyện của ông lão quê mùa mỗi lúc một sang trọng phố phường, bắt đầu từ Huế lên Bạch Mã đến khi Grapphơi hết hạn ở Đông Dương về Pháp đem theo cả thằng bếp giỏi. Thế là tôi phú bà đầm nhà tôi về quê, bảo là cho tôi đi kiếm cái vốn. Tôi đi xêlibạt ba năm bôông bêêng bên Tây. Các ông ạ, nói thực chứ ngủ với đầm chán bỏ xừ. Nó bắt phải đùa cả đêm, nhọc lắm.

Thế là ông lão hơn đứt chúng tôi rồi. Cao hứng, Nguyễn Tuân chốc lại hỏi một câu về núi Bạch Mã, chén rượu để vào vè gốc cây sấu đã cạn từ lúc nào. Phong tục và khách khứa ở những quán còm cõi chủ hàng hay đuổi khéo khách không uống thêm mà còn bè nhè, thế mà ông lão vẫn để yên. Những câu chuyện của ông 81 đã làm chúng tôi lẫn lộn gốc sấu, gốc xà cừ, gốc cây sữa với những gốc thông và bậc đá tảng boongalô trên Bạch Mã. Tôi ngồi hớp những chuyện trên vùng núi nghỉ mát ấy và chuyện chơi bời bên Tây mà tôi chưa được biết đến bao giờ, chỉ nghe cũng như thuộc. Ông lão 81 vẫn bóc hành. Bây giờ tôi mới để ý bàn tay bồi bếp suốt đời ấy to bè bè, mỗi ngón như trái chuối mắn khác hẳn khổ người thấp bé, gày úa. Gia vị chuyên có củ hành Cái hành củ già mới hăng, không như hành hoa, hành lá nhạt thếch. Rồi khách hàng cũng đâm ra nghiện hành khô theo chủ quán. Các ông ạ, hôm nay có ngầu pín. Từ dạo chú khách ngoài phố Huế đóng cửa món cháo ngầu pín, thỉnh thoảng ông 81 xuống lò mổ mua chui được mấy cái. Da bò, thịt tái và dái trâu dái bò hồi này hiếm hẳn. Nghe nói mậu dịch thu mua, da thì vào nhà máy thuộc da, còn ngầu pín để xuất khẩu đi Hồng Công. Lão 81 hay khoe của lạ, mà không bao giờ vui chén với khách.

Lão chỉ nhìn người ta uống và đợi được khen hành phi thơm sực mũi. Lão giữ đúng quy lát nhà bếp nhà bàn có cái thú ở sự ngắm người ta thưởng thức – Nguyễn Tuân bảo thế. Nhưng vẫn rôm rả chuyên Bạch Mã và bên Tây. Mỗi câu đối đáp như nói cho mình nghe. Lão ấy cũng khoái nhớ chứ! Nhớ vui hay nhớ buồn, nào biết được với lão. Có lần tôi nói với Thanh Tịnh khi đọc những hồi ký ông viết về thời làm nghề hướng dẫn du lịch rằng ông nhớ lâu quá, Thanh Tịnh sáng tác ra một câu ngạn ngữ, nhớ lắm, khổ nhiều. Ôi tội cho những người nhớ lâu.

Chúng tôi đưa một khách Ba Lan ra ngồi gốc cây ở đấy. Nhà văn Dukôpsky đã lên mặt trận Điện Biên nhưng A.Covanepsky, nhà văn Ba Lan này đến Việt Nam khi hoà bình đã lập lại. Ông nhà văn hình thù cổ quái ấy chuyên viết phóng sự về đời sống loài vật. Covanepsky đã ở rừng châu Phi, đã qua suốt mùa hè trên ngọn sông Amagiôn và ở cả năm trong vùng muỗi rừng đương khai hoang mở đồn điền chuối bên Braxin. Ông đã lặn lội hầu khắp rừng núi thế giới, chụp ảnh và viết về những con vật kỳ lạ. Cơvanepsky đã bảy mươi lăm tuổi, thế mà bạn đọc ông nhiều nhất lại là thanh thiếu niên.

Ông đến làm khách của Hà Nội cuối tháng chạp. ở lại tết Nguyên Đán, mấy khi được ăn cái tết cổ truyền mùa đông ở một thành phố nhiệt đới, nhưng Cơvanepsky lại muốn đến xem mùa xuân tận nơi rừng thẳm có muông thú hoang dã. Ông lên Lai Châu. ở tỉnh lỵ, tết xoè Mường Lay trên các nhà sàn cũng không quyến rũ nổi ông. Ông đã cưỡi bốn ngày ngựa lên Mường Tè. Những địa danh Mường Thanh, Lũng Cú, Mường Tè, Mèo Vạc, ngay đối với người Việt Bắc cũng tận đâu đâu.

Trời rét ngọt, gió cuốn dưới lòng đường lên như cắn vào mặt. Chúng tôi vác đến một chai rom Sanh Giam mua ở khách sạn Mêtrôpôn. Uống cà phê bít tất pha rượu hảo hạng Nhưng không ai lưu tâm cà phê hạt muồng với cái rượu ngon nhất nước Pháp mà là ngồi ở chỗ này để tưởng tượng ra đồng không mông quạnh cho ông nhà văn rừng rú quê ở châu Âu ấy trò chuyện. Ông kêu chán phòng ăn, phòng ngủ khách sạn từ hôm ở Mường Tè về. Ông đòi đổi khách sạn Mêtrôpôn cho ông đi ở nhà sàn. Kiếm đâu ra của hiếm ấy ở đây.

Nhưng rồi vài hôm đã quen lại dần. Cây sáng kiến ăn chơi Nguyễn Tuân nghĩ ra cách tối ấy đưa khách ra ngã sáu. Vừa đẹp trong ý nghĩ chúng tôi. Cái lão nhà văn thế giới Cơvanepsky này có thể được gợi hứng thú khác. Rằng ở giữa nơi chơ vơ trông nghiêng qua mặt đường nhựa phẳng lặng bóng ngọn cây cao cao đằng xa, ánh đèn lốm đốm nhứ đêm sa mạc. Tôi đã cưỡi lạc đà qua sa mạc Gô bi, vào Mông Cổ. Nhưng chưa được tới nơi nào như Mường Tè – Ông cười, một chiếc răng hổng. Có điều không nơi nào như Mường Tè, ông vừa kể lại và đưa tấm ảnh chụp ở sân huyện uỷ.

Cơvanepsky vịn vai một con gấu ngựa, gấu thật. Con gấu áng chừng hai ba tuổi cao to bằng người. Hai chân sau đứng, một chân trước đặt lên vai áo. Một tay ông nhà văn, ông già tuyết Nôen để trên đầu con gấu.

– Không phải gấu độn rơm của thằng thợ ảnh ở vườn hoa các nước châu Âu. Gấu thật. Tôi chưa được thấy đâu nuôi gấu trong nhà. Đến bữa ăn, gấu ngồi chầu gầm bàn, nhặt cơm vãi. Lạ nhất thế giới!

Tôi không dám nói, làm ông cụt hứng. ở giữa thành phố này người ta cũng nuôi gấu, mua bán gấu như chó con. ít lâu sau, tôi trông thấy con gấu Mường Tè ấy ở một trang họa báo Ba Lan của một ông nghề chào hàng phụ tùng ô-tô đem đến. Nguyễn Tuân vốn thích tranh áp phích Ba Lan. Ông chào hàng mới quen này lại là một ông Ba Lan. Cũng chuyện thường ngày mà lạ, cái ông chào hàng bỗng nhiên chúng tôi quen. Hôm ấy, sân khấu ngoài trời Nhà hát Nhân dân diễn tuồng hồ quảng tích Lương Sơn Bá Trúc Anh Đài của một đoàn hát Quảng Tây sang. Chúng tôi đi xem, tình cờ ngồi cạnh một người Âu. Trong lúc đợi mở màn, ông ấy đã mau miệng tự giới thiệu. Biết tiếng Pháp, tiếng Anh, Mariam Stvensky người của hãng sản xuất phụ tùng ô-tô du lịch chuyên đi chào hàng. Nghe đệm họ Mariam, đã biết là một người Do Thái Ba Lan. Ông nói lần đầu tôi đến Việt Nam. Lần thứ hai tôi đi xem nghệ thuật kịch Việt Nam. Nguyễn Tuân bảo là tuồng Trung Quốc. Ông Stvensky nhất định rằng đây là kịch hát Việt Nam. Hôm nọ tôi được xem rồi. Có những người tốt bụng, nhưng tính ương bướng thế. Không thể lay chuyển được cái điều lão đã đinh ninh.

Nhưng lão rất vui, nhận lời hôm sau lại gặp nhau để tiếp tục tranh luận xem vở kịch hát là của Trung Quốc hay của Việt Nam

Gặp cái lão gàn dở vô lý cù không cười kiểu Saclô, Nguyễn Tuân tỏ ra thú vị. Chúng tôi hẹn Mariam đến nhà Buđa. Buđa ở phố Hồ Xuân Hương yên tĩnh, lại ở một mình, tha hồ nói to. Thực đơn: chai rượu vang của Nguyễn Tuân, lão kia sẽ đem đến rượu vốt ca Ba Lan và xúc xích hun khói – đúng khẩu vị Nguyễn Tuân và kết thúc bằng bát cháo gà ở ngã sáu dốc Hàng Kèn gần đấy. Buđa không biết lão Mariam, nhưng tôi đến đặt tiệc thế, Buđa nhận lời ngay.

Tôi mới quen Buđa những ngày ở Thái Nguyên về Hà Nội, nhưng đã nghe kể về Buđa từ khi còn trên Tuyên Quang. Làm việc nhà xuất bản Ngoại Văn, Buđa đã dịch ra tiếng Pháp Dế mèn phiêu lưu ký và Truyện Tây Bắc của tôi. Giáo sư một trường trung học Sài Gòn, Buđa đã trốn ra kháng chiến ở miền Đông rồi được lệnh vượt Trường Sơn bảy tháng ròng rã ra Việt Bắc năm 1952 để làm việc ở đài phát thanh. Cuộc đời thật dữ, mà anh chàng thì ngơ ngác hiền lành. Bạn bè gọi tắt chứ tên anh là Gioóc Buđaren! Buđa cũng có nghĩa là ông phật, hợp với con người lù đù ấy. Có những tù hàng binh Pháp, thằng An, thằng Bình hay đóng các vai Tây trong các phim Chung một dòng sông và Vợ chồng A Phủ – những bộ phim vỡ lòng của Xưởng phim truyện, bọn này cả ngày loăng quăng xe đạp lượn phố tán gái. Khối cô mê thằng An. Buđa thèm lấy vợ mà đành chịu. Anh chàng chỉ thạo sách vở. Một lần, Buđa đi thăm Điện Biên Phủ, gặp ở Tuần Giáo một cô gái Thái lai Tây. Buđa mê quá. Nhưng cả một buổi tối ngồi uống cà phê cô ấy pha và im lặng. Chỉ say sưa khi về Hà Nội kể lại. Và câu chuyện tình ngậm miệng ấy cũng qua đã nhiều năm rồi.

Chai vang Pháp của Nguyễn Tuân đặt giữa bàn. Lịch sự, chủ nhà mua thêm hai chai Boócđô. Mặc dầu chỉ nửa cốc vang Buđa đã bị dị ứng mẩn ngứa đỏ khắp người không chịu được. Tây mà không uống được rượu.

Ai đã tổng kết từ lâu rằng uống vang với phó mát – cách uống cổ điển, ngon nhất. Ông bạn tình cờ đã tự đổi thực đơn, tự khen mình và có nhận xét thế. Bởi vì cái ông Ba Lan vui tính bán phụ tùng ô-tô đã mang vốt ca đến với một bọc phó mát và bánh mỳ gối. Ông này cũng không bợm rượu mấy. Thành thử, chỉ còn có hai người chúng tôi không tế nhị. Cái vang Pháp đỏ sẫm sao mà nó chát sướng đến thế.

Một Tây, một Ba Lan khoái chí nâng cốc và nhìn hai tôi cạn cả cốc như uống bia. Ông Ba Lan nói to:

– Tôi đã nghe Dukôpsky nói chuyện về Việt Nam trước khi sang đây. Một người Ba Lan đã có mặt trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tuyệt vời. Còn con gấu chụp ảnh với một nhà văn đồng bào của tôi đây này, tôi tặng các bạn tờ họa báo. Rồi lão lại giở chuyện hôm qua.

– Vâng, những tối kịch hát Việt Nam, hay lắm. Không thể thêm một câu nào khác với một người chỉ cho là mình đúng. Nhưng Buđa ngơ ngẩn hỏi:

– Đoàn kịch hát Trung Quốc đương diễn ở nhà hát Nhân Dân?

– Không, đoàn nghệ thuật Việt Nam. Tôi đã đến Bắc Kinh, Trung Quốc hát khác.

– Có diễn viên Hồng Tuyến Nữ nổi tiếng.

– Đều là Việt Nam. Tôi biết mà.

Câu chuyện đùa cợt dằng co, miên man, buổi tối không hẹn mà nên. Mariam Stvensky kể bốn giờ sáng mai đã sang sân bay. ở đây về là xếp va li.

– Không sao, phải tranh luận cho đến được sự thật, sự thật chỉ có một!

Chốc chốc lại hura: nghệ thuật muôn năm. Ông Ba Lan ôm tôi đứng dạy nhảy, một tay giơ cái ảnh con gấu Mường Tè. Hu ra, hu ra. Phụ tùng ô-tô, phụ tùng ô-tô cũng là nghệ thuật. Buđa hào hứng: Cho tôi uống! Cho tôi uống! Rồi sẽ nằm gãi một tuần lễ, không sao, không sao.

Mariam tiếng Pháp giọng mũi, giơ cốc trịnh trọng:

– Hãy nghe tôi nói. Người bán phụ tùng không chào hàng đâu, mà nói về triết học. Thứ nhất, chúc con người tiến tới bằng cái ô-tô, nhân loại sẽ đến được thời kỳ trong người hỏng hóc bộ phận nào thì thay bộ phận ấy. Thứ hai, bấy giờ ở ô-tô cơ thể của các bạn có cái gì cũ, cái gì hỏng hãy cho tôi biết. Hãng tôi sẽ gửi sang, tôi sẽ đi theo, tự tay lắp máy mới cho các bạn, máy liệt, máy hóc lại chạy ngay. Con người bằng cái ô-tô, hơn cái ô-tô. Hua ra… hua ra…

– Nhưng không có bánh mata (*)

(*Bánh mỳ Do Thái mỏng như bánh đa, người Do Thái ăn với súp lạnh trong các dịp lễ lớn)

– Cũng được. Đây là một lời chúc hạnh phúc.

Khuya rồi, chúng tôi mới ra ngã sáu. Không nhớ chốc nữa ông bán phụ tùng ô-tô – và tương lai, bán cả phụ tùng người phải sang sân bay Gia Lâm. Hơi vang đã nhạt, người cười nhiều quá cũng đâm buồn, những cái bóng chúng tôi đi lẳng lặng.

Phó mát làm bứ bụng, không muốn ăn cháo gà. Vả lại, các bạn Tây không khoái chén súp đêm. Chúng tôi vào chõng cà phê bít tất của lão 81. Làm như phong tục Nga, khi tiễn đưa, mọi người đặt tay lên đầu gối ngồi im với nhau trong giây lát.

Một bác xích lô về khuya, ghếch cái sàn xe rên ken két lên bờ hè. Bên gốc sấu bành rễ sù sì, mảnh gỗ làm bàn, những mẩu gỗ, cái lõi cuộn chỉ dựa cây, dựa tường, mỗi người trầm ngâm nhìn đi đâu. Cả cái lão cà phê số nhà 81 kia nữa, chắc đã làm một chén trước khi dọn hàng. Biết đâu ông lão này, bác Chữ cháo gà, những ông xích lô đầu hói râu rậm, các cụ ngơ ngác vác cả luỹ tre trong làng về đây, hỏi ra thì lão nào, lão nào cũng đã đi bồi bếp, cho tây đầm ăn ra sao thì chúng phải ăn thế đấy, lại đã sang đánh nhau bên Pháp, bên Ma rốc từ thế chiến thứ nhất. Ai cũng đã bôn tẩu sông hồ bằng mây chúng tôi. Ông cà phê đương lơ mơ trời đất ở đâu. Thấy người lố nhố vào, hai cái đầu gối quần nâu lòng thòng đứng dậy.

– May quá, còn cái ngầu pín.

Bác xích lô ngồi ngủ gà trên cái đệm xe, chọt tỉnh nói to vào:

– Tôi, tôi, để cho tôi.

– ừ, chứ bảo mấy ông Tây này ăn dái bò thì các ông ấy chết khiếp.

Lão bếp già 81 cười tủm, vẻ thành thạo:

– Cứ bảo xúc xích nhồi, thì cũng nuốt tất.

Bác xích lô lại nài:

– ấy, để cho tôi. Người mình thì phải dùng cái bổ thẳng một lèo mới kiến hiệu được. Ông Chữ cho tôi bát cháo trắng, rồi thì tống vào đấy dái bò, dái dê, dái chó bao nhiêu cũng cân.

– Được được. Ai cũng đủ. Các vị chơi khuya thế? Ông này người nước nào mà trông giống quan công sứ Grapphơi. Các vị dùng cái đen hay cái trắng?

Lại vẫn quan công sứ, quan công sứ với cà phê hay rượu trắng, lẩn thẩn ăn người đấy.

– Này cụ bít tất, năm nay tuổi giời cụ được bao nhiêu?

– Thưa ông, nhà cháu thất thập rưỡi.

– Thế thì cái thằng quan công sứ của cụ xuống chơi với giun lâu rồi.

Ông cà phê bít tất nói một câu ngắn thôi, nhưng ý nghĩa thì địch được với câu triết lý của ông Ba Lan sắp bán phụ tùng cơ thể con người.

– Các cụ xá cho. Chuyện chiêm bao ấy mà.

Đêm thành phố trên ngã năm ngã sáu bờ hè. Khách đến, khách đi, lủi thủi trong bóng tối, không có báo in, báo tường mà mọi chuyện đâu cũng theo người tụ lại, mỗi người đem đến một chuyện. Những ông Ba Lan và Buđa và ông Aki chẳng bao giờ gặp nữa, mà cứ nhớ như hôm qua, như lão 81 lúc nào cũng quan khâm sứ Grapphơi. Vâng, đã là nhớ lại thì dẫu vui xưa kia cũng là nỗi buồn bây giờ.

Shoisi Aki, mà có tên là Nguyễn An Nghệ, cái người Nhật ấy đã ở với chúng tôi suốt chín năm kháng chiến. Aki đến khi chúng tôi ở núi Thượng Yên, trong một làng dân tộc Dao đỏ giữa một cánh rừng rậm bờ sông Lô trên bến Bình Ca.

Chưa bao giờ cơ quan rúc vào một nơi hóc hiểm đến thế. Nguyễn Tuân ngại nơi này nhất. Đến Thượng Yên, trong cánh rừng ẩm ướt Nguyễn Tuân mới thực sự bị những cơn sốt rét hành hạ. Trước, tiếng là yên rừng, nhưng còn ở ngoài đồi chân Tam Đảo và bên sông Thao. ở xóm núi Yên Dã, đi một quãng ra huyện lỵ Đại Từ, đã là Hà Nội nhỏ của chúng tôi. Câu thơ ngao ngán Sớm nay ra khỏi u tì quốc của Xuân Diệu là để lưu niệm nơi này. Thế mà đến khi chui vào rừng sâu Thượng Yên u tì và ma quái nhà thơ Xuân Diệu lại lặng im. Có lẽ đã quen rồi, mặc dầu ở đấy, trong cơ quan, nửa đêm anh Truật làm kế toán quê Thái Bình đã chết sốt rét ác tính. Nguyễn Tuân cứ đi đâu về, chỉ nằm giữa tre nứa âm u mươi hôm lại sốt, lại rên rẩm thấp khớp. Trần Mai Thiên, con trai Nam Cao, khi bố cháu hy sinh, chúng tôi đón được Mai Thiên, mẹ cháu gửi ở Đại Hoàng hậu địch chiến trường khu Ba ra, cháu đương ở với chúng tôi. Có hôm, cả buổi Mai Thiên ngồi bóp chân cho bác Tuân. Cụ bếp Ban vác củi ngoài rừng về qua, đi xuống bếp, lại lẩm bẩm: Rõ nhà giàu đứt tay. Mời ông vào rừng với tôi đi vài chuyến củi thì khỏi chân ngay thôi. Chẳng khi nào Nguyễn Tuân bớt nghiến ngả tôi về cái chỗ mới của cơ quan ở Thượng Yên. Có khi giận cá chém thớt. Tôi ở Tây Bắc về, đem theo trong ba lô một cái sáo Mèo. Sáo Mèo như ống trúc có cái lưỡi gà bằng đồng. Tôi không biết thổi, những chập tối trong rừng sâu hay lấy sáo ra rên rỉ lên độc một tiếng toè… toè… tôi nhớ tiếng sáo vắt vẻo núi cao trên những thung lũng ruộng bậc thang.

Nguyễn Tuân bảo:

– Ông cất đi cho tôi nhờ. Nghe ông thổi sáo, tôi đau tai hơn đau chân thấp khớp.

Tôi ở bên báo Cứu Quốc đổi công tác về, được phân công tìm địa điểm mới. Cơ quan chuyển ở cây số 7 đường Hà Giang trong xóm Động Móc chân núi Là sang đây. Nguyễn Tuân rỉa róc: Chỗ núi Là không đủ kín mà lại phải chui sang rừng Thượng Yên. Theo thằng này rồi thì sốt rét, rồi bụng báng chết hết. Có thể nhiều người nghĩ như thế, nhưng không nói ra. Chỉ Nguyễn Tuân không dứt ca cẩm. ối giời ơi, ông ở Chợ Rã, ở Tủm Tó, ông nằm đất, ông rang bọ hung ăn, ông xơi thịt lợn không muối thối um lên, ông uống rượu men lá cũng khỏi ốm, ông còn thiết, còn nghĩ đến ai.

Bác Ngô Tất Tố chén thịt lợn lửng cụ bếp Ban đã kho riềng cạn khô vẫn tanh đến lộn mửa. Nguyễn Đỗ Cung ngoài bờ sông vào bắt châu chấu ăn sống. Nguyễn Tuân từ lán ở xuống nhà bếp lững thững đi sau con kỳ đà ra rình bắt gà. Có con trăn gió nằm phơi mình ở bãi cỏ ven suối trên đám lá cải soong chúng tôi sắp xuống hái. Những cái đó thấm đâu với khi tôi ở suối Lửa trong vùng rừng Yên Thế Thượng, ở Píc Cáy núi Phía Bioc làm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Tôi hoá ra máu cá, khi nghe những lời ca thán.

Đến Thượng Yên, Shoisi Aki sốt rét dòng dã, mặt trắng nhợt. Đặng Thai Mai chủ tịch ủy ban Hành chính Kháng chiến Thanh Hoá đã gửi Aki ra cho chúng tôi. ở Tokyo, Aki sang Đông Dương thực tập tốt nghiệp đại học kinh tế. Đương ở Vinh thì Nhật thua trận đầu hàng Đồng Minh. Aki trốn vào trong làng. Đặng Thai Mai nhắn: Aki biết tiếng Anh, có thể dạy Aki tiếng Việt để Aki dịch tiếng Anh. Ai cũng gọi Shoisi Aki là Nguyễn An Nghệ, cái tên Nghệ An kỷ niệm nơi Aki đi với kháng chiến Việt Nam.

Lán chúng tôi ở và làm việc bên bụi nứa rậm rạp góc đồi. Mỗi lán thành một tổ tăng gia. Nuôi gà trồng đậu, rau muống, cải soong. Nguyễn Tuân, Aki với tôi và Nguyễn Đình Nghi. Đôi khi có Phan Khôi Đào Duy Anh, Phan Ngọc bên bến Ngọc sang. Nguyễn Đình Nghi ít tuổi nhất, chủ lực cuốc xới, làm chân tổ trưởng tăng gia.

Mấy năm ở rừng Thượng Yên mà nhớ lại tưởng như đâu một vài ngày. Bởi chỉ khi ra ngoài, đi công tác, đi chiến dịch, quang cảnh và mọi việc mới đổi khác. Trở về trong rừng, ngày ngày lại như thế. Dậy theo hiệu còi, tập thể dục, vác xẻng cuốc xách ống vầu nước tiểu xuống sườn đồi tăng gia rồi lên làm việc, đến giờ sang nhà bếp ăn cơm, họp kiểm điểm cuối ngày, vào xóm người Dao dân vận, dạy học, làm vệ sinh quét dọn nhà, chuồng trâu… Aki nằm phủ phục trong màn, lồm cồm chui ra. Sáng sớm, mở mắt trong đám sương đặc quện. Hình như nằm ngủ, các đốt xương dính lại, bấy giờ duỗi chân tay ra đau ê ẩm.

Aki đã ra ngoài đầu nhà lúc nào. Chắc đã dứt cơn sốt. Mặt vuông bạnh quai hàm, khung xương người cao to gầy rạc. Không phải Aki tập thể dục. Aki ngồi phệt trên mặt đất ẩm. Hai chân xếp bằng tròn, tay đặt trong lòng, mắt nhắm nghiền, mặc mọi người vung tay vung chân, vặn mình, nhảy nhót. Đến lúc ai nấy đã xuống vườn sườn đồi, Aki lẳng lặng đứng dậy, cầm ống nước đái, bước theo. Thỉnh thoảng Aki lại ngồi như thế. Chưa bao giờ tôi hỏi vì sao.

Suốt ngày, Aki cắm cúi bên cái bàn vỉ tre trước giường nằm. Aki chỉ đứng dậy ra cạnh bụi nứa khi nghe tiếng khu trục Spitphai, kinh côbra cổ ngỗng theo sông Lô lên lướt qua. Aki dịch sang tiếng Anh các truyện anh hùng chiến sĩ của chúng tôi viết về Nguyễn Quốc Trị, Giáp Văn Khương, nữ du kích Nguyễn Thị Chiên, lão nông Hoàng Hanh… Bản thảo giấy tờ ngổn ngang trên mặt dát giường nứa ngộ.

Những hôm trời nắng, Aki ngồi lặng yên ngoài rừng. Mặt nhợt nhạt màu đau gan. Aki đăm đăm như ban sáng nhập thiền. Một lúc lâu lại vào ngồi trước bàn. Ngày nào cũng thế không nói một câu. Nếu không trông thấy Aki đọc sách, tưởng Aki không biết tiếng Việt. Nghe tiếng gà kêu quét quét, Aki nhỏm lên. Aki ra đuổi kỳ đà. Con kỳ đà mốc thếch như con thằn lằn to bằng bắp chân từ hang hốc nào ra cả ban ngày đương rướn cong cổ nghe ngóng. Cái chuồng gà của mỗi người đặt giữa sân trước mặt, tối lại khiêng vào trong nhà. Những khi con cáo, con rắn bò đến Aki cầm cái sào nứa ra đuổi.

ở nhà bếp, Aki ngồi một góc, ăn nhai hững hờ, nhưng bao giờ cũng hết xuất cơm muối vừng. Không có lọ kem nước mắm, ống bơ thịt kho, nhưng thỉnh thoảng, Aki tẩm bổ một món đặc biệt: chuối tiêu thái từng khoanh mỏng để vào bát, rồi đập quả trứng gà quấy lên. Món sống sít hổ lốn ấy không ai dám bắt chước.

Thế rồi nghe đồn tù binh ở Điện Biên Phủ được giải về thị xã Tuyên Quang. Chỉ mấy hôm không ra mà ven sông Lô đã san sát một dọc những nếp nhà mái nứa. Thị xã mọi khi ban ngày vắng ngắt bỗng đông như hội. Bọn tù ốm nặng và tù bị thương ngày nào cũng được đưa xuống bè xuôi về nơi trao trả dưới bến Việt Trì. Tây trắng Tây đen đi lêu đêu, ngất nghểu. Người da đen chỉ còn thô lố hai con mắt trắng dã. Những tù binh gày yếu quá trước khi thả được giữ lại vỗ béo cho ít ngày.

Quanh thị xã đổ cả ra xem tù binh. Không còn những máy bay cổ ngỗng, B26 lên bom bắn. Người đi đông như mít tinh. Aki ra thị xã, trở về đứng trước lán, nước mắt ràn rụa. Không biết khóc buồn hay khóc vui. Nhớ chín năm trước, khi chạy vào làng, bây giờ Aki bồi hồi sắp được trở về. Vợ Aki dạy đàn piano. Đứa con gái, khi ra đi còn nhỏ. Nếu được bình yên, năm nay mười một tuổi.

Thế rồi về Hà Nội. Mỗi tháng có một chuyến tàu Nhật vào cảng đón những người Nhật lưu lạc còn sống sót ở Việt Nam. ở thành phố mọi việc mới bận rộn. Một hôm, Aki đến chào mọi người, Aki sắp xuống Hải Phòng. Bấy giờ bỗng thấm thía cái xa cách.

Chúng tôi đêm hôm ấy la cà ra ngã sáu. Lui hủi ánh đèn chai, đèn hoa kỳ, gánh cháo gà, chõng cà phê, rượu trắng, đậu nghệ, ngầu pín, lạc luộc như ngày trước đầu xóm các nhà hát ngoại ô hiu quạnh bên Thượng Cát, trong Ba La Bông Đỏ. ở Khâm Thiên bây giờ vẫn còn lác đác vài nhà tom chát không bỏ đi Nam. Loáng thoáng tiếng đàn tưng tửng, tiếng phách… Nhưng chẳng hiểu sao, không phải vì sợ phạm nội quy vào vùng mới giải phóng, chúng tôi chẳng còn háo hức thú chơi như năm xưa. Mà chỉ lang thang tha thẩn các hàng quán phố đông, phố vắng, quanh các rạp Chuông Vàng, Kim Phụng, đương diễn các vở cải lương diễm huyền La Mã kèm cái kịch ngắn chống di cư chẳng mảy may ăn nhập với nhau.

Tôi bảo ông lão 81, ông này là người Nhật. Ông 81 kêu lên: ối giời ơi, nước ta lắm thứ người quá. Lúc nghe ông Nhật sắp về nước, ông 81, quên cả thói tục dửng dưng của người hầu bàn, đã uống góp một chén với khách. Chúng tôi ra ngồi sưởi trước cửa lò sau nồi cháo đã cạn sôi sùng sục. Dễ đã quá nửa đêm. Gió ào ào lòng đường, sột soạt miếng ny lông trên lưng ông xích lô đầu quả gáo như lão quan tàu Tưởng thất thế vào giờ này tà tà đến làm chén rượu với bát cháo ấm bụng rồi ra ga Hàng Cỏ đón tàu chợ dưới Phòng lên. Lão cà phê bít tất nói vọng ra như khoe cho mọi người biết:

– Ông ấy là người Nhật?

Bác cháo gà Chứ nhăn nhó ngước cặp mắt lông quặm kèm nhèm nhìn đám khách muộn. Chắc chẳng rõ ra người nào người nào, nhưng bác gật gù: Nhật à, giô tô nay, giô tô nay. Tự nhiên nhớ mấy chữ cóp nhặt chế giễu của người thành phố này mỗi thời kỳ biến động đều vẽ nên được bức tranh thế sự bằng chữ nghĩa, ai cũng xì xồ vài ba câu: mét xì bô cu, măng giê ca ca… hẩu sực, tả lớ và vài năm có người Nhật đến lại thêm arigatô… giôtônay… Bác Chữ chắp tay, cung kính: Mời các ông ngồi’. Mấy chiếc ghế con được khớp lại thành bàn. Những mẩu củi trong lò đã vạc than được vét ra mặt đường làm đống lửa sưởi cho mấy ông khách sau cùng. Bác moi ra cái chai rót đều, lại bưng một chén vào lão 81.

– Chẳng nói giấu gì chư vị, nhà em vừa làm một chén rồi. Lâu lắm mới lại trông thấy ông giôtônay, em xin hầu chư vị chén nữa.

Gió sởn quanh gáy, không ai biết cơn lạnh thít người. Bác Chữ cất chai vào ngăn kéo lại lôi ra hai thanh tre mà mỗi hôm vừa đặt gánh, thằng con trai bác đã đi các phố quanh quanh chõ vào đầu ngõ gõ sực tắc, sực tắc’ cho mọi người biết cay hạp trúc sực tắc cháo gà đã đến.

Thanh tre kê xuống mặt đường nhựa, thanh tre sực tắc thành cái phách.

– Nhà em xin hầu cán bộ một khổ.

Hãy còn giăng gió gió giăng

Đừng lo lắng thanh xuân bất tái

Biết rằng ai đã hơn ai…

Nguyễn Tuân hứng chí cầm cái ống khói bếp gõ ngón tay đánh trống chầu nhịp. Ông xích lô đầu quả gáo tưởng đi ngay, nhưng đã lại đương thiu thiu lúc ấy cũng nhỏm dậy. Mỗi người một tâm sự ở cái ngã sáu đường đời này. Chẳng ai đoái hoài đến Aki ngồi yên, nước mắt lã chã. Aki khóc. Cũng không ai để ý những câu ư ử rên rỉ bát nháo gió giăng của bác hàng cháo. Im lặng một lúc lâu. Nguyễn Tuân vỗ lưng Aki:

– Mai đã đi rồi, Tokyo đương đợi anh. Tôi hò chúc Aki một bài đường trường từ biệt Hà Nội.

Hãy giữ lâu được nỗi nhớ cái đêm đạm bạc này.

Chiều chiều mượn ngựa ông đô

Mượn kiệu chú lính đưa cô tôi về

Ngựa ô đi đến quán Lau

Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau gò Điền

Không rõ mấy câu ca dao Phú Yên ấy Aki hiểu đến đâu. Tôi thì tôi bồi hồi nhớ xưa kia những khi họp mặt thanh niên hay truyền bá quốc ngữ nghe Trường Đình Thi giọng Bắc lại hò Phú Ơn kể về người đàn ông lặn lội dắt vợ cõng con vượt đèo xa xứ kiếm miếng ăn. Người đứng cất tiếng hò cũng hốc hác não nề như người tha hương kia. Mỗi khi uống và buồn, Nguyễn Tuân thường bắt chước giọng Trường Đình Thi hò Phú Ơn. Có phải những câu hò ngơ ngẩn não lòng trong đêm lạnh giữa những con người đã trải mấy cuộc đời làm rơi nước mắt xuống đường thành phố như dòng sông miên man, nhớ nhà, mà mừng trở về, không còn lệ ai chan chứa biết đi đâu về đâu như khi ở rừng Thượng Yên, mà khóc cũng chẳng vì lẽ gì. Nguyễn Tuân nhìn Aki. Nguyễn Tuân rút khăn tay chấm mắt. ở câu hò Phú ơn của con người ấy còn ngổn ngang bao nhiêu hơn cái thằng Aki trở về. Làm sao hiểu được những giọt nước mắt kia vì nỗi niềm ai.

(Về Tokyo, Shoisi Aki làm tổng thư ký đầu tiên của hội Nhật Việt hữu nghị. Hai năm sau, Aki lại sang Hà Nội. Nguyễn Tuân gửi tặng vợ và cô con gái Aki đương học nhạc viện mấy thước lụa vân tím màu mận hậu. Chuyến ấy về, Aki bị bệnh gan và mất).

Cụ tú Hải Văn đã cho cậu con trai mới lên mười theo đến nhà hát ả đào Hàng Giấy. Thơ Đỗ Mục, cụ tú dịch:

Mười năm tỉnh mộng châu Dương

Hời thêm một tiếng phũ phàng ngày xanh

Cụ tú Hải Văn, tác giả bài thơ tám chữ độc vận Ai, mà năm 1981, Nguyễn Tuân in tuyển tập đã viết tay trang đầu để trả lời một người chị có nhã ý hỏi về thơ cụ tú H.V. nhớ Huế, xin chép hầu chị bài thơ độc vận ai.

Những là dặm liễu bay hồn khách

Nào thấy mành hoa thoáng bóng ai

Buồm thuận gió xuôi vui mặt bạn

Canh tàn rượu tỉnh giật mình ai

Cầm tay dặn với ba câu chuyện…

Cuộc đời phóng túng và nếp nhà quan các cụ nội đại thần trị nhậm đất Sơn Tây, đã in đậm, đã mờ chồng lên ngày tháng đời con đời cháu từ bao giờ. Nhiều lần Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng và tôi thường lên Sơn. Chúng tôi ngồi bên hào thành, dưới cây sữa. Mặc Nguyên Hồng với bà ‘cai ách bán hàng – khuôn khổ người đẹp kiểu của ông ấy. Tôi hỏi Nguyễn Tuân: Chữ người tử tù, Đỉnh non Tản và tất cả vang bóng của ông đều phảng phất Sơn Tây, thế ông đã đi ả đào ở Đông Tác chỗ gần chốt Nghệ kia chưa?, Nguyễn Tuân tủm tỉm và lặng yên.

Truyện ký Vang bóng một thời, hình ảnh những ngày qua xa xưa. Vang bóng một thời Tây mà Nguyễn Tuân lúc nào cũng định viết, đã công bố trên trang Cùng một tác giả từ khi tập truyện ngắn Vang bóng một thời in lần thứ nhất. Thời ấy, thời Tây, mới thực Nguyễn Tuân, những nông nỗi, những vang bóng của Nguyễn Tuân. Cái này tôi phải viết… Cái này ông phải viết… Viết chứ! ở Tuỳ bút 1, Tuỳ bút 2, Một chuyến đi hay Chiếc lư đồng mắt cua, hay ở những tuỳ bút kháng chiến, những cái đã viết và những cái chưa viết mới chỉ là mành hoa thoáng bóng ai chứ chưa bao giờ Nguyễn Tuân thực đã viết.

Bình luận