Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cát Bụi Chân Ai

Chương II

Tác giả: Tô Hoài

Kháng chiến, Nguyên Hồng và Kim Lân đưa gia đình tản cư lên ấp Cầu Đen trên Nhã Nam. Các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, cả nhà bác Ngô Tất Tố cũng lên quây quần trên cái đồi thấp bấy giờ còn hoang vắng. Những vùng ở Xuân áng (Phú Thọ) hay Quần Tín (Thanh Hoá) cũng tụ hội lại những làng văn nghệ sĩ kháng chiến. Nghe kể hoạ sĩ Trần Văn Cẩn được xã cấp cả ruộng, anh đi cày đã thạo. Tên cúng cơm ấp Cầu Đen, Nguyên Hồng đặt lại là ấp Đồi Cháy.

Chẳng hiểu vì sự tích gì. Các nhà ở đấy cho đến khi hoà bình lập lại. Về Hà Nội, Nguyên Hồng và vợ con thuê cái gác hai một nhà ở phố Miriben cũ bên cạnh viện Mắt gần chợ Hôm. Nhớ những lần Nguyên Hồng rủ đến chơi nhà thường vào chiều thứ bảy. Dựng xe đạp ở cái sân chung nhớp nháp nhà dưới rồi lên gác. Nhà một buồng lủng củng ba lô, tay nải. Chẳng khác trước kia ở dưới bãi Nghĩa Dũng. Chỉ thêm trẻ con chạy ra chạy vào lít nhít rối cả mắt. Chị ấy đã xin được làm nhân viên cửa hàng quốc doanh sách, đứng bán ở quầy góc nhà bách hoá tổng hợp bây giờ, phía cửa đường Hàng Bài.

– Ngồi vào đây lấy chỗ cho mẹ nó kê cái hoả lò. Chả rán phải chén nóng tại chỗ mới hay.

Nguyên Hồng lui cui dẹp quanh cho tôi ngồi tựa lưng vào tường trông ra chằng chịt dây điện ngoài cửa sổ, lá xà cừ rụng bay rào rào. Nguyên Hồng không nói, nhưng tôi đã biết cái chả rán này rồi. Nguyễn Tuân chỉ nghe, đã lắc đầu, rủa chả rán Nguyên Hồng đãi cái thằng xơi được bọ hung thì nó còn từ cái gì. Nguyên Hồng không khi nào mời Nguyễn Tuân và biết tôi thưởng thức được món tiểu táo cao cấp ấy, chủ nhà cũng chẳng cần báo trước. ấy là cái nem Sà Goòng nhân rau đàn bà đẻ đã xin hay mua được ở nhà hộ sinh nào đấy. Nguyên Hồng thường ca tụng sức thần kỳ bổ và chứa bách bệnh của rau đàn bà đẻ. Khi bị đày lên Bắc Mê, tao ngồi viết được cả tập bút ký Cuộc sống lại còn sống mà dò được về đến Nam Định rồi lấy vợ cũng là nhờ cái phải gió ấy của trẻ sơ sinh. Mẹ tao ngâm rượu mật ong gửi lên Bắc Mê. Bây giờ thi một cái rau ăn tươi cả nhà được tẩm bổ!. Nguyên Hồng cười hể hả.

Miếng chả giò nóng ròn. Bát dấm pha không có ớt – chủ nhà không ăn ớt. Đĩa xà lách trắng ngần. Nhân trộn mộc nhĩ và miến. Kể ra cũng cảm thấy hoi hoi khác vị, nhưng vốn tính dễ ăn, tôi nhắm ngon lành bình thường.

Giữa năm 1957, Hội Nhà Văn được thành lập. Nguyên Hồng phụ trách tuần báo Văn của Hội. Đã nhiều năm làm nghề viết và trong kháng chiến có làm báo, làm xuất bản nhưng cũng là ngồi trong rừng điều khiển đôi quang gánh sách báo đi các chiến khu, chúng tôi bỡ ngỡ và háo hức những công việc mới.

Chín năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lĩnh ở kho từng miếng. Cơ quan sắm dao kéo, tông đơ mọi người húi đầu cho nhau. Văn Cao cắt tóc đẹp có tiếng, chỉ dùng kéo. Trở lại thành phố, khó đâu chửa biết, nhưng thức ăn và hàng hoá ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà Thủy Tạ. Nhà hàng Phú Gia, vang đỏ vang hồng vang trắng vỏ còn dính rơm như vừa lấy ở dưới hầm lên. áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về phá ra làm đệm ghế. Hàng Trung Quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu, chỉ màu, củ cải ca la thầu, sắng xấu, mì chính, xe đạp cái xe trâu cao ngồng. Cả xi rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia. Bắt đầu được lĩnh lương tháng. Không nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng có thể la cà hàng quán được. Có cảm tưởng cả loài người tiến bộ đổ tiền của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ.

Chúng tôi ngỡ ngàng một cách khoan khoái. Đất nước như cánh đồng cày vỡ, chưa biết cấy hái ra thế nào. Vết thương cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức còn đỏ hon hỏn khắp chợ thì quê. Các thành phố đã bắt đầu cải tạo tư sản. Báo chí hô trăm hoa đua nở, tràm nhà đua tiếng. Chẳng biết căn do của nước người ta ra sao, nhưng nghe khẩu hiệu khá sướng tai. Đến khi thấy nói có hoa thơm, có hoa thối! lại mới ngỡ ra là có hoa thơm, có hoa thối!. Năm 1956, Hungari đề xướng đổi mới. Thủ lĩnh Jmrê Natgiơ bị treo cổ.

Chưa kịp ngỡ ngàng, lại đùng đùng đổi khác lại ngay cả trong thành phố. Nhà máy diêm, nhà máy gạch thời Pháp họ đã để làm trại lính, tanh bành như bãi hoang. Điện Yên Phụ, xe điện Thuỵ Khuê cổ lỗ 1899, nhà máy rượu cạnh nghĩa địa Tây, Chính phủ phải mua lại của các công ty tư nhân Pháp. Nghe nói mỏ Hòn Gai, đường sắt Hải Phòng Vân Nam ta cũng chuộc mất nhiều tiền. Chiến thắng rồi mà cũng chẳng lấy không được. Các thành phố đương cải tạo tư sản. Cách làm dịu dịu và lặng lẽ. Nhưng cũng xanh mắt. Nhà máy thuộc da Thuỵ Khuê, nhà máy gạch Cầu Đuống mấy vị có tiền vừa chung nhau tậu, bây giờ lo sốt vó phải lên tư sản. Nhà giàu khoá cửa im ỉm, người ra vào khuân lén đồ đạc lúc chập tối. Quanh tường, đại sứ quán Pháp cắm tấm biển đất riêng. Cơ quan lãnh sự Mỹ đã dọn vào Sài Gòn, bây giờ chỗ ấy là căng tin của sứ quán và Pháp kiều. Tổng giám mục Đuy-lây ngày ngày sai mấy bõ già đến mua đồ và thức ăn về dùng. Từng bao tải các thức được thuê xích lô kéo sang nhà thờ Hàng Trống.

Bỡ ngỡ và sôi nổi, những trái ngược và mới mẻ ấy dội vào mỗi chúng tôi. Bây giờ nhìn lại, nghe kể chuyện lại, tưởng như câu chuyện lạ lùng một lúc. Nhưng đường đi và những quanh co bối rối đến mỗi con người lẵng nhẵng cả mấy năm trước và sau 1957. Ngại nhất những lần họp chi bộ ở cơ quan. Cuộc chiến đấu lớn đã kết thúc ở Điện Biên Phủ, nhưng chúng tôi lại không êm ả như ở Tuyên Quang. Thêm nhiều tổ chức mới có cán bộ các khu và từ miền Nam tập kết ra. Họp cơ quan, họp chi bộ, tranh luận miên man. Dần dà, hình thành cái nhìn ở một số người, thành mốt chỉ trích cơ quan cản trở, hạn chế, có thế mới là mới. Mọi việc không phải của cơ quan hình như đều đúng hơn.

Tôi làm nhà xuất bản Văn Nghệ rồi nhà xuất bản Hội Nhà văn. Khi in tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, tôi về Mọc xin phép gia đình tác giả, gặp chị Phụng và bấy giờ cụ bà thân sinh Vũ Trọng Phụng vẫn còn. Mẹ chồng nàng dâu sinh sống gieo neo ngày ngày cắp cái thúng mấy lọ thuốc viên ra chợ Ngã Tư Sở. Bao nhiêu năm, sách của Vũ Trọng Phụng bây giờ lại được in, cả nhà mừng lắm. Quý tôi như bạn bè cùng thời với nhà văn đã khuất. Thật ra, tôi không biết mặt Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Tôi vào nghề viết, các nhà văn này đã qua đời. Khi ấy, các nhà xuất bản Minh Đức, nhà Thép cũng rục rịch in Vũ Trọng Phụng, quảng cáo rầm rộ. Ngay ở cơ quan cũng lây nhau cái cảm tưởng tư nhân in mới phóng khoáng, nhà xuất bản của đoàn thể gò bó và dường như lỗi thời. Người ta lên nước và cạnh tranh như thời trước. Nhà Minh Đức yêu cầu được kỷ niệm Vũ Trọng Phụng chung với chúng tôi ở Nhà Hát Lớn thành phố vì lý do nhà ấy cũng in Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi định in lại tiểu thuyết Một mình trong đêm tối của Vũ Bằng. Tôi tìm gặp chị Vũ Bằng. Biết tin, lão Minh Đức nhưng nháu mắt trố xộc đến luôn. Chúng tôi in kịch Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Nhà xuất bản Minh Đức cũng in Kim Tiền, đã đưa đơn kiện vi phạm bản quyền tác giả. May, được bác sĩ Vi Huyền Trác, con trai cụ Vi bảo đảm, nhà xuất bản chúng tôi không bị thua kiện.

Chỉ được trôi chảy khi in lại tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Cũng ngẫu nhiên không bị giành giật. Nguyễn Tuân không để ý tướng số nhưng Nguyễn Tuân bảo: Trông mặt thằng Minh Đức đã thấy khó chịu. Mình cũng đã đả tiền nhiều nhà xuất bản, nhưng chưa cầm của thằng này một xu. Vả chăng mưu sĩ Nguyễn Hữu Đang của nhà Minh Đức thậm ghét văn Nguyễn Tuân. Văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Hữu Đang đọc một đoạn cũng không nổi. Âu cũng là lẽ đời, các đấng cao ngạo thường không nhìn mặt nhau.

Nguyễn Tuân nhớ lâu và ghét dai. Không biết bao nhiêu năm, Minh Đức đi tù về vẫn ôm mộng xuất bản. Anh phác một kế hoạch chiến lược về xuất bản nhờ tôi giới thiệu với những cơ quan có trách nhiệm. Việc không đến đâu, Minh Đức rnở quán cà phê và bán sách cũ trên phố Hàng Bút. Khai trương quán, Minh Đức nhờ tôi mời Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân không trả lời. Rồi Minh Đức mất bệnh, Nguyễn Tuân cứ vặn tôi: Sao ông đi đưa đám thằng ấy?. Tôi bảo trong đầu tôi không thấy có câu trả lời nào về việc như ông hỏi tôi. Nguyễn Tuân vẻ không tin. Song cũng không vặn nữa, chúng tôi tránh đi bằng cách đụng cái chén hơi mạnh.

Hồi ấy, đến nhà xuất bản Minh Đức, tôi quen Minh Đức và Tô Thuỷ Nguyễn Văn Kiện, cùng người Thái Bình, một trong những cây bút làng thơ mới, thời kỳ đầu, lúc đó làm thư ký nhà xuất bản. Từ năm 1945, Minh Đức ở Thái Bình lên Hà Nội làm xuất bản. Nguyễn Công Hoan giới thiệu cho tôi làm quen và bảo bố thằng này ở phố Pi kê buôn đồng nát mà giàu có, chẳng biết thực hay đùa. Nhà xuất bản Minh Đức ở phố Phan Bội Châu. Trương Tửu như chủ nhà ngồi đấy. Tôi cũng chưa được biết Trương Tửu trước kia. Ông Trương mở rượu, đàm đạo. Dễ thường chỉ có tôi uống, cảm thấy dễ chịu. Lững thững về cơ quan. Buổi trưa, trải chiếu, Nguyễn Bính, Hoàng Tố Nguyên và tôi nghỉ lại trong buồng làm việc. Hoàng Tố Nguyên hỏng một chân. Nhưng có một chiếc giày đánh bóng lộn, đặt tượng trưng trên ghế – chiếc giày đẹp đẽ, không bao giờ được xỏ chân. Khi đó mọi người tự do ra báo, mở xuất bản.

Trong thành phố nhan nhản báo hàng ngày Thời Mới báo tuần Nhân Văn, Tre Xanh, Trăm Hoa và những tập san định kỳ Giai Phẩm, Đất Mới… Ông Phùng Ngọc Long nhà xuất bản Hưng Văn ngoài khu 8 về tìm tôi bàn mở xuất bản. Ông Long chính là chú Luyến ngày trước ở phố Hàng Mã mà tôi đã xuống ở hai năm, đến khi thi trượt vào trường Cửa Đông mới trở về quê. Nguyễn Công Hoan và tôi đến nhà ông Vũ Đình Long. Những năm về sau, ông yếu bệnh tim, bệnh thở. Vẫn chịu khó ngày nào cũng đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Và hăng hái muốn mở lại nhà Tân Dân. Nguyễn Công Hoan bảo: Làm gì thì làm, đừng làm xuất bản, ông ạ. Mặc dầu khi ấy có ông Thuật hiệu sách cũ dốc Bà Triệu, em ông xuất bản Đời Mới Trác Vỹ xưa kia, ông Thuật định làm xuất bản sẽ in mở đầu hai tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, thì Nguyễn Công Hoan không khuyên can câu nào. Hai nhà giáo bè bạn lâu năm, Nguyễn Công Hoan nói thật điều mình nghĩ và tính toán hộ ông Long.

Dần dần, ở cùng cơ quan tuy hằng ngày gặp và làm việc, nhưng cách sống của mỗi người cũng úp mở nửa thật, nửa giấu. Chơi với nhau đấy, rồi đi đâu, làm gì không biết. Và xem nhẹ cả những việc tình nghĩa. Tôi đã lo toan cho Lê Đạt bỏ được cô Nguyện người vợ lấy lúc đi cải cách ruộng đất, Hoàng Cầm êm thấm ra toà dứt khoát với cô hàng xén chợ Hanh. Sự giao thiệp hai mặt và cánh hẩu nảy nở ngay cả trong việc đáng lẽ một lòng và phải trái cần ngang mặt, bởi tôi làm bí thư, Lê Đạt phó bí thư chi bộ Đảng. Nhưng cũng chỉ thế thôi.

Tuần báo Trăm Hoa của Nguyễn Bính mới xuất bản. Nguyễn Bính tập kết ở miền Nam ra. Mấy năm sau ở trong ấy Nguyễn Bính thôi không công tác đâu nữa, nhưng vẫn ở vùng giải phóng Đồng Tháp Mười. Vui thú điền viên nơi kênh rạch và bạn bè qua lại giúp đỡ. Khi đất nước bị chia đôi, Nguyễn Bính được gọi đi tập kết, cũng như cán bộ được phân công ra miền Bắc. Nguyễn Bính về công tác nhà xuất bản, cùng làm việc với tôi. Gặp lại nhau thì hơn mười năm đã qua mà tưởng như mới hôm nào cùng anh em nhà thơ Việt Châu Lông ngỗng gieo tình và Tân Phương đi ăn cháo cá chợ Cũ. Những người lang thang bất đắc chí ngày ấy như xưa nhưng cũng thật khác xưa:

Có lần tôi xuống Nam Định, đến tìm Võng Xuyên công tác ở thư viện thành phố. Người nhỏ nhắn, già đi nhưng vẫn khoẻ. Tay bắt mặt mừng xong cung cách thì thưa gửi đồng chí, báo cáo anh, đề nghị thủ trưởng, lôi thôi quá. Trong khi tôi tưởng như vừa mới đấy, cái thằng Võng Xuyên tên là Truật mở bàn giấy biện sự phòng mà chúng tôi gọi đùa là sinh sự phòng, ông thày cò chạy kiện tôi không nhớ ở cái phố vắng, phố hàng Nâu hay bến Củi. Thày cò Truật với Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương đốt thuốc phiện và làm thơ, đọc thơ suốt đêm trong cái phòng hẹp nhà Truật được gọi là lò luyện linh đan. Khách ròng rã ở chơi không chịu nhổ rễ, hôm nào cũng say thuốc đến bóng môi, bóng mắt. Chị Truật người đãy đà, phúc hậu vẫn cơm rượu đãi bạn chồng ngày hai bữa tươm tất Không hiểu tại tôi hay tại anh mà bây giờ lại ra sự cách bức và khách sáo đến thế. Cái năm Võng Xuyên về hưu rồi, lên ở với con trên Hà Nội tôi mới rõ hồi ấy ở cơ quan, anh chỉ làm việc giữ mấy quyển sách thư viện mà cái ông sinh sự phòng kiếm ăn hồi xưa đương bị đấu cật lực vì ly lịch thầy cò và những chơi bời. Cái vô ý của tôi thật tàn nhẫn.

Khi đó nhiều người còn ăn và ở cơ quan, phòng làm việc cũng là nơi ở. Tính nết Nguyễn Bính thì chẳng khác xưa. Đời là một cuộc chơi dài, mà thiên hạ phải cung phụng nhà thơ. Bọn mắt trắng, hiểu thế không? Những trò ấy nhiêu khê, tần phiền, cổ quái lắm. Tôi nghĩ thế. Làm biên tập báo, xuất bản như làm khoán, chẳng cần giờ giấc bàn giấy. Mà cũng vẫn không hợp với Nguyễn Bính. Có mỗi việc giao cho Nguyễn Bính tự tuyển tập thơ Nước giếng thơi – tác giả làm lấy tập thơ cho nên mới có được cái tên sách không phải tên một bài thơ nào trong tập, mà cũng trầy trật mãi. Hứng làm thơ lên thì tung hê công việc, thích đi chơi thì vay tiền, cơ quan lúc nào chẳng có tiền. Cho tao vài ba đồng là bao. Say khướt tối ngày, uống tợn hơn xưa nhiều. Nhà hát lớn có kỷ niệm Nguyễn Du. Nếu tối ấy không có ban tổ chức Hoàng Châu Ký ra can thiệp, còn lôi thôi nhiều. Đã muộn, ở cuộc rượu nào vừa đứng lên, Nguyễn Bính ngồi xích lô đến Nhà Hát Lớn.

Những người giữ cửa không cho vào. Thế là Nguyễn Bính làm toáng lên:

– Không phải giấy má gì cả! Giỗ Nguyễn Du mà Nguyễn Bính không vào được a!

Người ta phải lập lại trật tự với người say rượu. Rồi Nguyễn Bính cũng vào được. Chắc được vào rồi cũng ngồi ngủ mà thôi.

Một lần Nguyễn Bính bảo tôi, giọng bình thường không hơi men:

– Mày phải kết nạp hội viên Trúc Đường chứ!

– Nói anh Trúc Đường làm đơn rồi hai thằng chúng mình giới thiệu anh, theo thủ tục.

Nguyễn Bính nổi cáu, hỏi lại:

– Trúc Đường mà phải làm đơn xin vào Hội Nhà Văn à?

Rồi vùng vằng bỏ đi.

Tập thơ Cửa biển của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Trần Dần đã được Hoàng Cầm chọn xong và đưa in. Vẫn phải chòng vòng chèo chống hàng ngày với Nguyễn Bính những chuyện tương tự trên mà chưa xong được Nước giêng thơi. Những cố nhân như Yến Lan và tôi bây giờ đã mát tính, không như các bạn Mai Lộc, Đoàn Giỏi ở miền Đông trong Nam, trên ghe đò hay trong rừng, phải cho chính thằng mắt trắng ấy một bài học, chứ chẳng phải thiên hạ nào, giã cho nó một trận rồi mới lại thương lại. ít lâu sau, Nguyễn Bính cũng thôi, không công tác ở đâu nữa.

Không biết ai đã giúp tiền cho Nguyễn Bính ra những số báo Trăm Hoa đầu tiên. Tôi vẫn đến chơi, hồi này có tiền, tôi được Bính rủ đi đánh chén luôn. Cái cô mọi khi vẫn giới thiệu là người yêu thơ, là thư ký đánh máy, bây giờ đã là vợ. Nhà thuê một tầng dưới rộng rãi, gần phố Hoà Mã treo bảng Trăm Hoa – máy chữ đánh rào rào, người ra vào toà báo nhộn nhịp.

Trên có sáng kiến lấy giấy và tiền nhà xuất bản giúp báo Trăm Hoa. Tôi được giao thuyết phục làm sao ra được một báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn. Công tác không khó khăn đối với tôi, nhưng đã thuộc tính lung tung của Nguyễn Bính, tôi liền kéo cả anh Trúc Đường đến. Nguyễn Bính cảm kích được giúp đỡ. Trúc Đường đã có kinh nghiệm làm báo lâu năm, từ ích Hữu đến Đàn Bà và rồi Công Dân ở đồng bằng sông Hồng trong kháng chiến. Chúng tôi bàn về Trăm Hoa lâu dài và cả từng số báo. Tôi mua hộ giấy in, xe đến. Tờ Trăm Hoa rõ ra một vẻ khác. Không về bè với Nhân Văn, như chẳng đi với ai. Trên nhận xét từng số, từng bài cho là vẫn chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết. Tôi bàn lại với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính cười mỉa:

– Trăm Hoa phải thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách, cho xong?

Tôi nghe cũng có lý. Có lẽ vì thế tôi không còn hào hứng vận động cho chuyển được Nguyễn Bính. Có lần Nguyễn Bính nhắn tìm tôi. Chắc lại đòi giấy và tiền. Tôi không đến. Mấy lỵ cũng không phải tiền của tôi. Biết ăn nói thế nào. Một buổi tối, Nguyễn Bính rủ tôi ra nhà hàng Lục Quốc, phố Huế. Nguyễn Bính nói:

– Hôm nay ăn cỗ đám ma Trăm Hoa!

Tôi hỏi:

– Trúc Đường đâu?

– Ông ấy không đi.

Có thể vì tôi bỏ Trăm Hoa anh Trúc Đường không bằng lòng tôi.

Mấy lâu sau, Nguyễn Bính được giới thiệu về ty Văn hoá Nam Định. ở Hà Nội một dạo, vài ba tháng hay một hai năm cũng không để ý, thỉnh thoảng gặp chỉ thấy nhăn nhó, rầu rĩ. Xưa nay thì cái thằng này vẫn thế. Những cùng quẫn tự chuốc, những thương đau vơ vào, mình lại đầy ải mình, thân làm tội đời, cả những ngày còn lại này mà vẫn không nguôi.

Người con gái ấy yêu thơ tuổi đương thì. Những mối tình như thế của Nguyễn Bính, chẳng rõ khi ở Huế, ở miền Nam thế nào, nhưng ở ngoài này, bạn bè đã biết tính, biết tật Nguyễn Bính, thấy gái như quạ vào chuồng lợn, như ếch vồ hoa. Thề bồi đấy rồi lại nhăng cuội ngay đấy. Kiểu như những câu thơ đố tài hoa: Nhà em ở dưới cây mai trắng (Bạch Mai) Bên gộc mai vàng (Hoàng Mai) cạnh đế kinh (Phố Huế), những người con gái, biết bao nhiêu con gái đã theo thơ đến với Nguyễn Bính. Nhưng cuộc đời hoa thơm bướm lượn không giống thơ, không như thơ. Thế thì lại vứt bỏ. Người con gái đến với Nguyễn Bính khi làm báo Trăm Hoa cũng chẳng ở được bao lâu. Chỉ tội đã có với nhau một mụn con.

Từ lâu, tôi muốn viết một truyện ngắn. Chưa viết nhưng đặt tên trước truyện ngắn: Tên cháu là Hiền. Câu chuyện đôi vợ chồng bỏ nhau. Đã được một con trai tên là Hiền, mới bập bẹ. Mẹ cháu trẻ quá, còn như ở tuổi son rỗi, đã đi bước nữa. Mẹ đem Hiền về trả bố Hiền.

Hiền bụ bẫm, phúng phính rồi chẳng bao lâu Hiền còm nhom, ghẻ lở, mụn nhọt ghê người. Ngày ngày bố ẵm vác Hiền trên một bên vai, như mèo tha con. Đến đâu, từng đám ruồi nhặng xanh xám đuổi theo. Một tối kia, bố rượu say rồi bố bế Hiền thẩn thơ ra phố. Đến ngã sáu Bà Triệu – Ô hay, làm sao mà bao nhiêu tâm sự nước mắt nụ cười của người viết truyện này, trong những năm ấy, cứ quẩn quanh chỗ cái dốc Hàng Kèn oan nghiệt thế nhỉ?

Chợt nghĩ thế nào, hai tay bố Hiền giơ Hiền ra, đưa Hiền cho một người đàn ông đương đi tới. Trở về, cơn say vật bố thiếp đi. Quá nửa đêm, quờ tay không thấy con. Bố vụt nhớ lại tất cả. Bố lật đật chạy đi đấm cửa nhà mấy người bạn. Chúng tôi đã đi báo hầu khắp các đồn, các trạm công an trong thành phố. Nguyễn Bính thất thểu suốt đêm. Sáng ra, nhợt nhạt thẫn thờ bước giữa trống không. Tìm thế nào bây giờ vì không phải là cháu lạc. Chỉ còn cầu mong biết đâu là cái người hốt nhiên được có người dúi cho đứa bé, lại chẳng là một người đương hiếm trẻ.

Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu tối hôm ấy – nếu trời để cho chứng sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền. Thôi bây giờ viết vào đây câu chuyện thương tâm ngày ấy. Biết đâu, chuyện này – như một cái nhắn tin tìm người ruột thịt thường đọc trên báo. Chẳng đã có bao nhiêu cha mẹ anh em ly tán những năm đói những năm chiến tranh ngót nửa thế kỷ, mà rồi cũng tìm được nhau. Đột nhiên, tôi hy vọng. Tên cháu là Hiền nhé.

Có lần qua Nam Định, được nghe Kim Ngọc Diệu kể rằng câu chuyện đau đớn ấy, mỗi khi nhắc lại lần nào Nguyễn Bính cũng khóc.

Báo Nhân Văn đã ra được mấy số. Có dư luận báo chống đối. Người thành phố nghe ngóng và tò mò. Nhưng mà những hoạt động gây sự không phải chỉ ở vài bài báo trên Nhân Văn, mà cái chính là ý đồ chính trị rộng ra nữa của một số giới không phải là những người làm báo Nhân Văn trong tình hình nhạy cảm ở các đô thị lúc ấy. Báo Nhân Văn đương hô hào dân chủ và in một số sáng tác phong cách mới. Bạn đọc chú ý và chờ đợi sự đổi mới của văn nghệ. Nhưng không ai lưu tâm những người bỏ tiền cho vốn in báo và những hoạt động chính trị đòi thay đổi và chia quyền lãnh đạo đã âm thầm dấy lên, trong giới tư sản đương bối rối, trong một số trí thức ở vùng mới giải phóng và ở đảng Dân Chủ. Báo Nhân Văn chỉ là một phần bề ngoài và là một thủ thuật chính trị dựa vào trăm hoa đua nở. Mấy cây bút cộng tác với báo Nhân Văn không biết được tình hình thật sự như trên. Đâm ra ngộ nhận tai hại về hoàn cảnh, về văn học và cả về tài năng của họ nữa.

Chiến thuật thâm hiểm ấy gây nên cách nhìn lẫn lộn số đông tác giả với lòng chân thành ở mỗi người và ở tổ chức. Khí còn ở rừng, chúng tôi đã thuộc tính Nguyễn Huy Tưởng, đôi lúc còn chế giễu, những lúc Nguyễn Huy Tưởng tròn miệng tròn mắt thao thao ca tụng khấn vái L.Tônxtôi, Ifxen… và ở mỗi người bạn mà anh quý, mỗi cán bộ cấp cao, Nguyễn Huy Tưởng đều tìm ra những ưu điểm tô hồng rầm rộ. Ai nấy đều cười và quen đến độ, Nguyễn Huy Tưởng sắp khen, đã biết khen thế nào rồi. Nhưng về thành phố, từ lúc nào xuất hiện một Nguyễn Huy Tưởng lầm lỳ, đăm chiêu, ít nói và nói cũng khác mọi khi. Nguyễn Huy Tưởng không bằng lòng mấy anh em quanh mình giấu diếm làm báo Nhân Văn, nhưng Nguyễn Huy Tưởng cho rằng chúng nó cũng vẫn là chúng mình cả thôi, chẳng lẽ chỉ biến đâu một lúc, trở lại là thằng khác à?

Những cơn nghĩ dày vò Nguyễn Huy Tưởng lúc ấy là tình hình thế giới. Vốn phục Ti tô, Nguyễn Huy Tưởng không bằng lòng với việc nước Nam Tư bị đuổi khỏi cục Thông tin quốc tế – một tổ chức tập hợp lực lượng dân chủ và tiến bộ thích ứng với tình hình mới. Dồn dập, tháng mười năm 1956, xảy ra sự kiện Hungari. Mấy đêm Nguyễn Huy Tưởng không chợp mắt được. Mở cửa trông sang cái hiệu Tàu vằn thắn mì hôm trước đông khách suốt ngày tới khuya, bỗng có thì thào: vằn thắn thịt chuột. Khách vắng hẳn. Buồn thiu như Nguyễn Huy Tưởng. Nguyễn Huy Tưởng nói:

– Nước Hungari trong phe xã hội chủ nghĩa, nhưng trước nhất nước Hungari là nước Hungari đã ông thấy thế nào? Các ông thấy thế nào? Tôi không hiểu, tôi không thể hiểu.

Nguyễn Huy Tưởng băn khoăn. Nguyễn Huy Tưởng có những ý kiến khác những lời bình trên các báo. Nguyễn Huy Tưởng vốn kỷ luật, chịu khó viết nhật ký và sưu tầm tài liệu. Nhưng chắc Nguyễn Huy Tưởng đã không ghi lại những trăn trở, những khủng hoảng như tôi vừa kể trên. Bấy giờ, những ý kiến khác lạ không mấy ai dám nói ra và ghi lại. Thà chôn sâu trong lòng. Trò chuyện với Nguyễn Huy Tưởng cái cười vẫn đôn hậu thế, nhưng khác trước rồi. Có người bảo gần đây bác sĩ Phạm Ngọc Khuê dưới Hải Phòng hay lên chơi với Nguyễn Huy Tưởng. Khi còn trẻ, Nguyễn Huy Tưởng mê và phục thuyết Sinh lực mới của anh bạn có khuynh hướng tờrốtkít này. Nguyễn Huy Tưởng thân với Nguyễn Hữu Đang. Chúng tôi đã cùng hoạt động hội truyền bá Quốc ngữ và Văn hoá Cứu Quốc. Nguyễn Huy Tưởng quý bạn, bao giờ cũng phát hiện ra những khía tốt của bạn, nhưng tôi không tin Nguyễn Huy Tưởng thay đổi vì ảnh hưởng ai. Con người chân thành ấy chỉ nghĩ thực, nói thực Có khi tôi đùa:

– Ông là thằng cộng sản dân tộc.

Nguyễn Huy Tưởng cười hiền lành.

– Cậu bảo tớ bắt chước Ti tô? Không phải.

– Nguyễn Huy Tưởng là cộng sản Việt Nam. Nhưng mà nguy hiểm đấy. Chẳng nên đùa nhau thế.

Nguyễn Huy Tưởng nói nho nhỏ, cặp mày rậm rên con mắt hồn nhiên nhíu lại, buồn hẳn. Chúng tôi không bao giờ đùa cợt và nhắc lại như vừa rồi nữa.

Bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng đang ấp ủ dự định viết tiểu thuyết Sông mãi với Thủ đô. Sự tích hai tháng chiến đấu trong lòng Hà Nội của Trung đoàn 102 những ngày đầu. Đề tài ấy Nguyễn Huy Tưởng theo đuổi đã lâu, từ khi trung đoàn được thành lập giữa liên khu 1 ở nội thành, đến hôm trung đoàn vượt vòng vây ra, chúng tôi đã đi đón ở cánh đồng Gối, Nguyễn Huy Tưởng càng mê. ở Việt Bắc, Nguyễn Huy Tưởng đã có dịp đi nhiều chiến dịch với Trung đoàn Thủ đô. Nguyễn Huy Tưởng vốn có nghị lực và thiết thực, đã chuẩn bị thì phải viết và viết được.

Nhưng từ khi về Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng có hoàn cảnh được về luôn Lai Xá, doanh trại trung đoàn nhà cao cửa rộng ở đấy. Nguyễn Huy Tưởng đã đến ở lâu với trung đoàn. Ngót mười năm chinh chiến, hầu hết các đại đội trưởng, trung đội trưởng đã không còn. Những trận đánh nhanh nhẹn tài hoa phong cách thanh niên Hà Nội của Trung đoàn Thủ đô đã nổi tiếng khắp Việt Bắc trong các chiến dịch Biên giới, Trung du, Hoà Bình, Đông Bắc, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Giữa những cuộc chiến dũng mãnh ấy, các chỉ huy đại đội, trung đội đã ngã xuống nhiều. Và cũng biết bao nhiêu tâm trạng phức tạp, éo le, trái ngược trong một con người chiến sĩ. Mấy tháng trời, Nguyễn Huy Tưởng cất công về Lai Xá. Kết quả thu được, Nguyễn Huy Tưởng sẵn hào hứng mới về một tác phẩm khác hẳn bản thảo ban đầu đã viết. Trung đoàn Thủ đô mới được Nguyễn Huy Tưởng phát hiện, khí thế và truyền thống, coi cái chết như không. Bao nhiêu chiến sĩ tín nghĩa, trung thực và cũng thật tàn bạo, – anh hùng và hoang dại, đằng nào cũng đều cực kỳ. Vẫn cái nhìn và phong cách Nguyễn Huy Tưởng, cái gì cũng tới chuẩn tối đa, nhưng không còn Nguyễn Huy Tưởng lúc nào cũng ngạc nhiên và trố mắt, khen không tiếc lời. Nguyễn Huy Tưởng định xây dựng và sáng tạo lại nhiều mặt cuộc sống mãnh liệt và phức tạp, tinh thần chiến đấu quên mình, sắc sảo tính cách Hà Nội, lẫn lộn và chống chọi với tâm địa hèn nhát, thói mặc cả tình thế. Trung đội trưởng Bạch Ngọc Liễn còn sống sót đến bấy giờ đã hiện ra như một nhân vật tiêu biểu và cũng là người cho Nguyễn Huy Tưởng thấy được những góc cạnh u tối trong cuộc đời. ở chiến dịch Sông Thao năm 1949, tôi đã được đọc nhật ký của Bạch Ngọc Liễn. Cái hôm Bạch Ngọc Liễn đứng gác trên sân thượng nhà in Lê Cường phố Hàng Bồ nhấc khẩu trung liên lia một băng đạn vào chiếc phi cơ spitphai vừa xà xuống bắn phố Hàng Thiếc khu Đông Thành. Chiếc máy bay ấy rơi ngoài bãi Nghĩa Dũng bờ sông, có lẽ là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị hạ trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Những người còn sống mà Nguyễn Huy Tưởng đã gặp và những người đã chết Nguyễn Huy Tưởng được nghe bạn bè kể. Kỷ niệm làm sống lại những sự thực đã cho Nguyễn Huy Tưởng những khám phá mới. Nguyễn Huy Tưởng có ý muốn viết lại Sống mãi với Thủ đô.

Một đợt nghiên cứu chính trị của văn nghệ sĩ và cán bộ quản lý văn hoá văn nghệ ở Trung ương. Hai mươi ngày, lên hội trường ở cái gác làm sàn nhảy trên sân thượng khách sạn Rít ở Bờ Hồ. Ngoài cửa sổ, vòm lá sấu xanh rì, thấp thoáng bên kia mặt hồ Hoàn Kiếm. Giữa tình hình áy, lớp nghiên cứu thật quan trọng. Nhưng chúng tôi không có trách nhiệm đáng kể và thói quen nhởn nhơ của tôi thì vẫn thế. Đường sắt Hải Phòng – Lào Cai vừa khôi phục nối với Côn Minh bên Vân Nam. Tôi đi dự khánh thành trên một đoàn tàu khách, có cả Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng… Làm thế nào mà Nguyễn Tuân cũng mò đi! Lúc ấy, Nguyễn Tuân đương làm Tổng thư ký hội văn nghệ cơ mà. Có lẽ xưa nay văn nghệ văn nghẽo vẫn thế, bảo là cần thì cần lắm, mà là thường thì cũng thường thôi. Dong duổi đó đây thích hơn.

Những chiếc tà vẹt tám tấc, những thanh ray cổ lỗ nhất thế giới. Chúng tôi muốn được thú vị ngồi trên toa mà đường ray là những thanh tà vẹt bánh tàu đương lăn dưới kia, khi kháng chiến tiêu thổ, người các làng bên Đoan Hùng lên Tuyên Quang ven sông Lô đã sang tận sông Thao dỡ từng chiếc khiêng về làm cầu khỉ, cầu ao, cọc bờ rào. Giữa mùa mưa lũ, đường đất thó sống trâu trơn như đổ mỡ, ở Ao Châu, Gia Điền, Đan Hà, Đại Phạm, Ba Quanh, Thinh Cù, người chống gậy qua những cầu ray nhún nhảy. Những thanh sắt lưu lạc bây giờ được vác về đặt tên taluy mới, các làng ven đường lại đổ ra cắm cờ lên, đắp đất bắc đường cho chóng thấy tàu hoả chạy qua, thật hăng hái làm cũng như khi cật lực đào phá đường tàu. Những kỳ diệu, bấy giờ chúng tôi cho là thế cả như trong thành phố, cái tàu điện cải tiến, ông vát man có ghế ngồi không phải đứng lái như xưa. Trong khoang bỏ ghế hạng nhất, chỗ ngồi đồng loạt à thế là dân chủ. Và không biết cái đường xe lửa Hà Nội – Vân Nam này của công ty hoả xa Việt Điền được mua lại hay là ta đã sung công, cứ cho là ta sung công cho oai? Còn thật là sướng mắt khi thấy báo đăng tin kèm ảnh chụp, rồi một hôm nhìn được hẳn hoi chạy ngoài đường cái ô-tô đầu tiên của quân giới lắp ráp được. Sau đít xe, chiếc biển kẻ ba số 0 rồi mới đến con số một đỏ choé – nhà máy quân đội ta đã sản xuất được cả ô-tô! Những đồ đồng nát đem chữa chạy vá víu lại mà khiến ta có thể vỗ tay lên được chủ nghĩa xã hội thì đến ngơ ngẩn cả người thật.

Nguyễn Tuân không nhiều tâm trạng và băn khoăn thời sự với chính trị như Nguyễn Huy Tưởng. Con người ấy quan niệm về tự do là không bờ bến không chính trị, nhưng cũng không bao giờ lung tung, đúng nghĩa ra là một lối sống nền nếp. Cùng Nguyễn Tuân, nhiều lần tôi tiếp khách nước ngoài. Nguyễn Tuân chuyện thật vui, mà lại rất nghiêm chỉnh. Cái ngang ngang Nguyễn Tuân một mình một tính làm cho người ta hiểu lầm và dễ vui chuyện phóng đại lên. Những tiệc đứng tiệc ngồi trong dịp các lễ lớn ở một số sứ quán.

Thông thường, khách ăn uống đủ, trò chuyện qua loa với người bên cạnh rồi chỉ còn đợi vị khách cao nhất của ta chào chủ tiệc, thì mọi người lục tục ra theo. Nguyễn Tuân không thế. Nguyễn Tuân làm những sự khác thường, khác thường nhưng tế nhị. Nguyễn Tuân vốn khảnh ăn. Đôi khi sắp đến hẹn đi, Nguyễn Tuân vẫn ăn uống như thường, không bỏ cơm nhà. Nguyễn Tuân thích trò chuyện với mấy người phóng viên thường trú ở Hà Nội của báo ý, báo Pháp, báo Liên Xô: Cầm dĩa, lấy một miếng thịt sấy, một ít trứng cá. Không cầm rượu rót sẵn ngoài bàn, Nguyễn Tuân vào cái quầy ở phía trong phòng tiệc – mà chỉ khách thạo uống mới khám phá được chỗ góc rượu thân ái ấy. Nguyễn Tuân lấy một cốc rượu mạnh, cô nhắc hay uytky rồi ra đứng một mình. Như nhấp nháp và nhìn ra xem người ta đương xúm xít quây quanh bàn.

Hôm ấy cao hứng – vâng, thật cao hứng mà không phải vì say, ở sân cỏ vườn sứ quán Pháp, khách đã vãn, Nguyễn Tuân vẫn cầm dĩa, lại châm thuốc hút và đủng đỉnh đứng đấy. Cuộc chiêu đãi không phải đã kết thúc sau lúc tiễn khách. Nguyễn Tuân biết kiểu Tây ăn cũng chẳng khác phong tục lâu đời ở quê ta, nhà có cỗ bàn đám cưới, khách khứa đi về gia chủ mới dọn ra một mâm – không phải cỗ vét mâm bát mới hẳn hoi, nhưng là mâm người nhà. Bao giờ những mâm người nhà cũng thật sự vui nhất. ở sứ quán này cũng thế. Tôi đã được dự mâm người nhà thế tại sứ quán Trung Quốc ở Tân Đê Li bên ấn-độ, và ở Êtyôpi đến bấy giờ ai cũng mới uống say. Cho hay cái ý nhị trong ăn uống vốn là tính người và kinh nghiệm nhân loại từ tiền sử cho đến ngày nay thật phong phú. Người nhà, suốt buổi lo đưa đón, phục dịch, bây giờ mới vào cuộc cho mình. Ông đại sứ đầu trò – cuộc chè chén kéo dài không biết khuya đến đâu. Cái vị khách từ lúc tiệc chính vẫn đứng một mình đằng kia, bấy giờ bước lại bàn chủ tiệc người nhà và nâng cốc. Nguyễn Tuân lịch sự cạn một cốc của ông đại sứ Pháp vừa mời lại. Rồi khách mới ý tứ chào, ra về một mình. Đường khuya đã vắng ngắt, chỉ còn người công an đứng trong chòi gác. Những khác người trong lối sống, những tế nhị, kiểu cách mà không ồn ào. Cả trong văn Nguyễn Tuân, từ triết lý đến mỗi câu mỗi chữ. Những ai có trách nhiệm đọc Nguyễn Tuân đã bỏ công soi mói, bẻ hành bẻ tỏi chỉ là thói quen gò ý và trịch thượng. Thời chống Mỹ, Nguyễn Tuân viết một loạt ký về Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, thế mà vẫn có những bút chì đỏ gạch từng quãng lưu ý cấp trên. Tôi gặp khó khăn bởi những chuyện ấy, vì Hội Văn nghệ Hà Nội đã in lần thứ nhất tập bút ký này. Công việc gọi là theo dõi ấy thật sự là đố ky và bề trên, khác nào ngày nay người ta dùng lẫn hai chứ theo dõi mà nghĩa một thời của nó không đẹp đẽ lịch sự như bây giờ đài báo cảm ơn bạn đọc và người nghe đã theo dõi. Không, chỉ có mật thám theo dõi người bị tình nghi, đội xếp theo dõi kẻ cắp sắp móc ví. Nghĩa thời trước của hai chữ theo dõi là vậy. Xem lại những bút ký Phở, Tình rừng, Tờ hoa, có thể đọc một lần rồi đọc lại lần nữa. Không vì thích thú mà còn vì ngạc nhiên. Đấy chỉ là những áng văn bộc lộ những nét riêng với cái nhìn đáo để và trang nhã, mài những cái ấy đi thì còn đâu văn Nguyễn Tuân.

Mấy chữ Nguyễn Tuân viết cho tôi, từ Sa pa – không đề ngày tháng. Dấu bưu điện trên cái bưu thiếp ảnh màu rừng thông, mái nhà nhô ra trong sương mù và bóng Hoàng Liên Sơn.

Hoài,

Mình leo Hoàng Liên Sơn cả lên cả xuống mất 5 ngày. Người đang mệt và đau gối. Khoe khoẻ là xin huyện uỷ thuê ngựa cho và sẽ đi tiếp vào Phong Thổ. Mình ở trên đỉnh ca nhất, được thấy hoa đỗ quyên nở rất đẹp. Đỗ quyên màu hồng điều, cánh sen vàng nở giữa rừng trúc phất trần. Trong đời mình, trong mọi mùa xuân, mình chưa bao giờ thấy mây và hoa nhiều đến như thế. Lên đây lạnh, mưa gió như bão, túi luôn phải có chai rượu mạnh để chống khí núi. Hết 2/3 lạng cao hổ rồi.

Nguyễn Tuân

Khi lên cao, mình có bị ong đốt, mặc dù chẳng có trêu phá gì nó.

Cái câu tái bút ong đốt vu vơ chỉ gửi cho tôi này, chắc nếu đăng báo, in sách cũng lại điêu đứng đấy. Ôi là trời, cái tính người ta thế, chứ xỏ xiên gì đâu.

Có một thời, những người theo dõi báo chí, xuất bản và phát hành sách báo được phong làm lính gác. Lính gác thì phải có việc của lính gác, chẳng lẽ ăn lương để đứng không. Nhưng thật ra người ta chỉ đọc a dua rồi đánh đòn hội chợ. Cấp trên hô người ấy, bài ấy có vấn đề. Tự nhiên cảm thấy hình như có vấn đề thật và người ta dò tìm từng câu từng chữ. Thế nào chẳng ra vấn đề! Bỗng khó chịu cả cách diễn đạt khác nhau của mỗi ngòi bút, thế là làm sao. Không biết vì tổ chức đặt ra công tác theo dõi làm cho cái người theo dõi bỗng nhiên được làm thầy thằng bị (được) theo dõi. Hay là tại vì thuở nhỏ đi học, nhà trường chưa bao giờ giảng cho các vị ấy khi còn là học sinh hiểu bài văn muốn có ý nghĩa, trước hết bài văn phải hay. Khốn thay, người ta viết văn thất bại nhưng vẫn làm cán bộ theo dõi được. Cái nhìn sự sáng tạo cứ lên xuống theo thời tiết. Nguyễn Tuân cáu kỉnh nhẹ nhàng và chua chát:

– Có khi mày bảo chúng nó viết đi, để ông với mày đi chơi, thế là bớt được thằng công tác theo dõi!

Nói vậy, Nguyễn Tuân vẫn là Nguyễn Tuân thế, không có gì khác.

– Này, chúng nó đồn ầm lên ông mới nói, nếu ông còn trẻ thì ông cũng bỏ đất này ông đi.

Nguyễn Tuân thong thả nói, như cho mình nghe:

– Biết đuổi theo đứa nào mà cải chính bây giờ!

Những câu Nguyễn Tuân nói thế, Nguyễn Tuân bảo thế đến tai Nguyễn Tuân quá nhàm. Càng khó khăn, càng gay go, khi cả buổi tay khư khư quyển sổ đứng vẫn chưa đong được tháng gạo. Mỗi hôm mua bó rau muống, rau dền, phải sắp hàng dài hơn – may thay, nhà văn già, hay là nhu Nguyễn Tuân đã vỗ ngực xưng với Mộng Tuyết: hàn sĩ đỏ, nhà văn đỏ và cao tuổi ấy đã được bà lão và cô con gái út cáng cho những vất vả về gạo nước mà ông chỉ trông thấy đã đủ mệt nhọc rồi. Cái đèn điện không chao cứ nhè đến bữa ăn chập tối thì tắt ngỏm. Thế là buông đũa thở dài ca cẩm, tưởng tượng như bí thư thành uỷ đứng trước mặt:

– Đấy điện khí hoá thành phố của ông ấy đấy. Trong khi vẫn lặng lẽ với tay lên giá sách lấy cây nến đỏ. Và vẫn tuân thủ, làm việc và đọc mê mải. Nửa đêm qua sông sơ tán sang huyện Quế Võ. Tang tảng sáng, vào quán chè tươi uống bán nước sớm xem người ta ăn phở thịt chó rựa mận. Trở về thành phố, báo động và máy bay còn rền rĩ trên đầu, Nguyễn Tuân đạp xe lên hồ Trúc Bạch. Thấy bảo có thằng giặc lái rơi xuống đấy, nhưng bị xách cổ đi rồi, còn thằng nữa nhảy dù xuống đường Thụy Khuê ven hồ đằng kia. Nguyễn Tuân đội cái mũ sắt khối Nato nông choen hoẻn – dạo trước có cái mũ lính cứu hoả có mào của Pháp, mới đổi được chiếc mũ Nato này. Nguyễn Tuân đến dự đám cưới của đội tự vệ tổ chức trên trận địa pháo cạnh cầu Long Biên. Rồi viết bài đăng trang nhất báo Nhân Dân.

Thế nhưng, những câu Người ta bảo ông nói thế này… thế này… vẫn vo ve đến. Cho hay cũng là thói đời. Câu nói mát mẻ, xỏ xiên, các thứ tiếu lâm thời thế ở đâu đâu hay quàng đến mượn tiếng Nguyễn Tuân bất mãn. Nhiều đến độ người nọ thổi vào tai người kia, nếu tò mò cộng lại, cũng không thể tin cái ông nhà văn dẫu có tiếng là ngạnh trê đấy, nhưng chắc cũng không hơi sức đâu bịa ra lắm chuyện đổng giả thế. Nhưng đồn thì cứ đồn.

Nguyễn Tuân lại nói:

– Kể ra mình cũng có tội. Cái tội hay nói bô bô, không kín võ được như cậu. Mà tớ chẳng có võ gì cả. Cũng không biết bơi, không biết cưỡi ngựa. Bởi thế mới sinh chuyện. Nhưng cũng không bực mình vì mọi thứ người ta đổ lên đầu đâu. Mình không nói thì thằng khác nói. Các nhà văn hoá dân gian nên sưu tầm và nghiên cứu tiếu lâm tục ngữ, ca dao thời sự, văn hoá dân gian đấy chứ.

Ông nói vui thế chứ ông cũng không phải người đa ngôn. Cũng như ở những thói quen khác, cái nỗi vẫn là, một mình một tính. Khi bực bội, chẳng kể to nhỏ, cái gì cũng vặc. Đuổi một người gõ nhầm cửa. Dửng dưng trước một người mình không ưa, dù người ta giơ tay định bắt tay. Lại thấy cái ông ấy vào cùng buồng trong bệnh viện, nhất định đổi sang buồng khác. Phàn nàn mùa này Hà Nội đến chết sặc vì mùi hoa sữa. Cười những cán bộ các tỉnh gà vịt đội lông công, cũng áo cánh lụa mã gà phe phẩy cái quạt giấy, cười cười như uỷ viên bộ chính trị. Chửi các báo địa phương làm măng xét hệt báo Nhân Dân Trên bảo chúng nó phải làm thế à. Rồi lại khó chịu với cả mình. Mình là cái chó gì mà có thằng cũng bắt chước. Cái tóc cái râu, cái batoong khệnh khạng vào nhà hát lớn. lên máy bay…. Ôi vui nhiều, cáu nhiều quá, bực mình quá.

Nguyễn Tuân nói:

– Thế này thì mình xin ra Đảng.

Nguyễn Tuân hay nói câu ấy khi bực bội. Nguyễn Tuân nhớ và ghi con số không thua Nguyễn Công Hoan thuộc sử. Ngày nào năm nào sở Liêm phóng Bắc Kỳ cho mật thám giải từ Hoả Lò lên căng Vụ Bản, châu Lạc Sơn vùng rừng núi Hoà Bình, Ninh Bình. Bị bắt ở Vọng Các, tống về Sài Gòn, xuống tàu thuỷ ra Bắc, tàu Chantilly ngày mấy tháng mấy. Đi hội nghị hoà bình thế giới ở Henxanhky qua Trung Quốc ở lại bao nhiêu hôm. Những lần lên Lai Châu, lên Hà Giang, năm nào mùa nào…

Chúng tôi ở Lào Cai về, đợt nghiên cứu 21 ngày vừa hết, còn buổi sau cùng. Tiếng vỗ tay bế mạc rầm rầm ngập cái sân thượng. Ông Phan Khôi ngang như cua ưa chơi trội, chống batoong bước ra về trước, còn quay lại phang một câu thế nào đấy, dường như bảo là người đi chợ Hôm sung sướng mua được quả chanh cốm, hỏi ra mới biết chanh xuất khẩu bị ế. ờ, người trồng chanh phải được ăn quả chanh ngon nhất chớ! Chẳng hiểu lão chửi bóng hay nói vỗ mặt. Nhưng mà cách nghênh ngáo tợn tạo của ông thì không ai lạ. ở Yên Dã trên Đại Từ, một lần tư lệnh Nguyễn Sơn đến chơi, Nguyễn Huy Tưởng mời anh em họp mừng ông tướng mới ở khu 4 ra và nghe ông tướng nói chuyện Kiều. Quá mười giờ đêm rồi, Nguyễn Sơn vẫn nói và hét toang toang. Phan Khôi nằm trên nhà đồi không ngủ được. Ông xuống, thò đầu vào cửa phòng, quát:

– Nói to thế mà không sợ đứt cổ a?

Rồi quay ra, lại lên chui vào màn.

Chúng tôi bị kiểm điểm qua loa: bỏ lớp học quan trọng đi ăn mừng đường xe lửa được khôi phục, việc không cần thiết. Báo Nhân Văn ra đến số 6 bị tịch thu tại nhà in. Các báo hoan nghênh việc đó. Một số văn nghệ sĩ chúng tôi chẳng biết ai chủ trương cũng ra tuyên bố tán thành sự tịch thu báo Nhân Văn. Nhà xuất bản Minh Đức tự đóng cửa. Hồi ấy, báo in còn ít, chỉ tính số nghìn. Nhưng một tờ báo bị cấm thì ầm ĩ ngay. Bấy giờ, cuối năm 1956.

Thành phố vẫn đương âm thầm cải tạo tư sản. Dẫu cho thường được nghe phân tích là ở nơi đô hội, thị dân chỉ có tiêu thụ thì giai cấp tư sản bé bằng con muỗi mắt.

Nhưng làm sao không đụng chạm đến từng nhà. Lại thêm biết bao nhiêu người họ hàng xa gần vừa bị chìm nổi sóng gió đấu tố ở nông thôn, từ Nghệ An, Hà tĩnh ra, Hải Dương lên. Nhiều địa chủ đã được sửa sai vẫn chưa dứt cơn hốt, bỏ quê về thành phố. Càng thêm nháo nhác, nhộn nhạo những đồn thổi.

Các đoàn thể tổ chức kiểm điểm và kỷ luật nội bộ những cán bộ tham gia viết và hoạt động chò báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm của nhà xuất bản Minh Đức.

ở hội Nhạc, Đặng Đình Hưng bị khai trừ đảng. Văn Cao, phải cảnh cáo, chỉ được ở hội nhạc không được ở hội văn, hội vẽ. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên, tuy chỉ làm có cái bìa sách cho nhà xuất bản nọ nhưng chắc là không khí sát phạt ở các buổi họp khiến các anh ngại, đã xin ra đảng. Trên có nghị quyết không khai trừ, mà đồng ý cho được thôi. Có lẽ đến bây giờ, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn giữ cuốn sổ tay ghi số đến thứ bao nhiêu lần những cuộc mời họp mà Nguyễn Tư Nghiêm không đi. Khoe với tôi như thế, anh có vẻ thú về những con số tỉ mẩn ấy. Khác Nguyễn Sáng, Nguyễn Sáng vẽ ký hoạ trên báo Nhân Văn một đầu người ở cổ có vết khía, như cái lá. Người ta bảo đấy là chân dung Trần Dần và cái sẹo còn lại khi anh định tự vẫn. Nguyễn Sáng không được bình huân chương kháng chiến. Những năm sau, trong lúc Hà Nội bị máy bay Mỹ quấy báo động liên miên, Nguyễn Sáng đã lo rất đứng đắn. Rồi giải phóng miền Nam, tao về thăm quê, họ hàng bà con hỏi chú đi làm Việt Minh, Việt Cộng bao nhiêu năm thế mà trên ngực không có cái mề đay nào? Mày bảo tao trả lời ra sao? Tao buồn lắm. Hoàng Cầm bị ra khỏi ban chấp hành, phải thôi việc nhà xuất bản, chuyển công tác về sở Văn hoá Hà Nội. Phùng Quán nhờ có chú Phùng Thị, chánh văn phòng bộ Văn hoá đưa lên làm ở vụ Văn hoá quần chúng. Nhưng ai cũng bức bối không yên. Hoàng Cầm thì mở quán rượu, Phùng Quán câu cá hồ Tây, hiu hắt, dông dài, cho tới năm về hưu non. Đi Bắc Kinh dự kỷ niệm Lỗ Tấn về, ông Phan Khôi hào hứng viết về chuyến đi. Nhưng rồi nhạt dần. Ông ngồi yên. Ông vẫn được đãi chế độ nhân sĩ lương cao và tiêu chuẩn có người phục vụ, nhưng chẳng ai hỏi tới. Ông nằm yên. Mấy năm sau, lâm bệnh mất. Đám ma bác Phan Khôi, đi sau xe tang, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng Phương – cháu gọi bằng cậu. Trần Dần và Lê Đạt ra khỏi cơ quan, chuyên dịch không ký tên cho nhà xuất bản Văn Học. Nhà xuất bản Sự Thật thuê Trần Đức Thảo duyệt dịch sách lý luận kinh điển. Ban chấp hành Hội Nhà văn quyết định truất ba năm hội tịch Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán đăng tin trên báo Văn Học, cơ quan của Hội. Tôi không nhớ việc ở các hội nghệ thuật khác.

Nhưng đằng đẵng ba mươi năm không hội văn học nghệ thuật nào lôi ra xem xét lại. Sợ sệt, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông Nhân Văn cả nước, mà tràn lan đến những Nhân Văn phố, Nhân Văn xóm, chẳng bị kỷ luật gì, nhiễu người không phải vì bài văn câu thơ, mà bởi lời nói bông lông, bốc trời chẳng hạn, cũng bị quy chụp luôn. Hữu Loan không ở nhóm nào cũng bỏ làm báo Văn Nghệ về Thanh Hoá. Nghe nói sinh nhai bằng nghề đi xe thồ và vào núi đập đá bán. Những cây bút trẻ, như Vũ Bão, như Lê Bầu, có mấy truyện in sách, đăng Văn nghệ Quân đội tươi mát lắm, cũng chột luôn. Triền miên lẳng lặng bề ngoài bình thường như đã xoá đi, nhưng bên trong thì khác. Người có vấn đề thì lo đối phó.

Người canh gác thì cảnh giác. Tập ký của Nguyễn Tuân đưa nhà xuất bản Văn Học lần nào cũng được trả lời : Phát hành người ta chưa lấy được đủ số lượng. Nhà xuất bản có nhã ý gửi tác giả ít tiền ứng trước, thỉnh thoảng lại ứng trước. Nhưng rồi cũng không hẳn yên ổn. Đôi khi lại tòi ra Đống rác cũ, lại Vào đời, lại Cái gộc, lại chuyện Bác Hồ đi tắm bãi Titốp ngoài Hạ Long…

Những người theo dõi lại vất, lại nhộn nhịp. Mấy năm đầu, đôi khi Lê Đạt, Phùng Quán cũng viết ký tên khác cho sách bướm sở Văn hoá, Công Uẩn, Lê Đạt hay Phùng Quán truyện dự thi về Lênin, truyện cho thiếu nhi Tâm Trọc về thăm nhà, nhà xuất bản Kim Đồng in, Trần Dần dịch tiểu thuyết Những người chân đất không ký tên. Chỉ vài người quen có biết. Sau có lẽ cũng buồn, vì tên tuổi chẳng đi đến đâu, các anh thôi. Hoàng Cầm thì vẫn thế. Ai bảo thơ Hoàng Cầm hai mặt, một mặt, không, Hoàng Cầm có thể cắt nghĩa thành ba mặt, bốn năm mặt cũng được. Chỉ có tâm hồn thơ và cái giọng vàng mười hát thơ trên đài Tiếng nói Việt Nam, là không ai quên với vẻ đẹp thơ lấp lánh vàng mã trang kim – nhận xét của Lê Đạt. Đặng Đình Hưng dịch tài liệu cho hội nhạc, buôn rượu lậu và làm thơ. Từ dạo làm cái bài hát theo thời Nông dân là quân chủ lực. Đặng Đình Hưng chán nhạc. Oái oăm như Văn Cao chỉ được sinh hoạt ở hội nhạc, thì lại kiếm ăn bằng vẽ bìa. Văn Cao làm bìa độc đáo, có nét riêng. Đặng Đình Hưng viết một tập thơ Nhân, có chỗ buồn tay làm mấy trang đánh dấu chấm như mưa. Hiện nay, tập thơ ô mai của Đặng Đình Hưng cũng nhiều bài lấy ở tập Nhân thơ đầu tay. Ông cử Hưng – như người làng gọi, túng kiết lắm. Xách bị buôn chuyến rượu trong quê Chương Mỹ ra để được uống ghé vào đấy. Nhưng vẫn những tưng bừng bất thường. Đặng Đình Hưng rủ tôi lo đêm Trần Khánh hát. Đặng Đình Hưng biết tôi thích cái giọng sạn sạn của Trần Khánh, người hát hay mà chưa học hát bao giờ và lận đận vì lý lịch. Đêm ấy, cả buổi tối, một mình Trần Khánh hát. Hai đứa con lớp năm, lớp ba chi đó ngồi chầu hẫu dưới này rồi rối rít giơ tay đánh nhịp theo bố hát. Tôi tặng Trần Khánh bó layơn hồng – Trần Khánh chẳng thể biết tôi không chơi hoa mua hoa bao giờ. Đặng Đình Hưng kèm vào bó hoa một chai rượu. Chắc cái bị khoác vai đeo rượu đi bán để ngoài cửa. Đặng Đình Hưng ôm tôi, thì thào :

– Thành công, thành công, Trần Khánh!

Như chuyện Kim Kiều tái hợp, đời người cũng có hậu, những năm sau này Đặng Đình Hưng được con trai gửi tiền nuôi. Mua một căn hộ 23 thước vuông, thuê một máy điện thoại. Cứ chặp tối lại nghe giọng rè rè 44639, 201 C4 Hưng Giảng Võ đây Đặng Đình Hưng bày ra chiếu giữa nhà cả chục hũ thuỷ tinh rượu ngâm tắc kè, rắn, ba kích, dái dê, quất hồng bì, bẩn gớm chết. Hôm này nếm rượu nhà Đặng Đình Hưng về tôi cũng bị tào tháo đuổi. Khách ghé gẩm uống nhiều nhiều. Ông chủ đã để những chai rượu chợ ra phía ngoài. Cho người ta uống chạc, ngồi nhìn mà trong bụng khinh. Bây giờ Đặng Đình Hưng lại bỗng thấy trong văn nghệ thì nhất hội hoạ. Đặng Đình Hưng vẽ lụa, sơn dầu, sơn mài… Đăng Đình Hưng nguệch ngoạc xuống giấy rồi thuê người làm sơn mài. Đặng Đình Hưng bảo tôi :

– Em vẽ ông anh ngồi uống rượu đấy.

Rồi trỏ vào mấy chấm vàng và một nét nửa chữ V trên nền sơn then. Trần Lưu Hậu và Trọng Kiệm gật gật, giơ chén.

Tiểu thuyết Người người lớp lớp về Điện Biên Phủ của Trần Dần, bắt chước giọng như tiểu thuyết Trung Quốc đương bày bán ở các hiệu sách của Triệu Thụ Lý, của Mã phong, những Anh hai Đen lấy vợ và ánh lửa đằng trước, cũng chương hồi, cũng : Lại nói về chỉ còn thiếu có câu hồi sau phân giải. Và cái kiểu nhân vật tên kép hai ba chữ Hùng Sinh, Trần Hoàng, Ngô Thiên Lý của Trần Dần đã được nhiều người bắt chước theo. Trong khi, theo cách từng thời của văn ta, tên người chỉ một chữ và khi dùng hai, ba chữ đều do những yêu cầu riêng. Đến thời văn chương Tự Lực đã dọn lại thành Mai, Chương, Tuyết, cần lắm mới thêm chữ tú, chữ hai, hay hai ba chữ tiếng lóng. Năm Sà Goòng, Bảy Sẹo… Tên hai ba chữ là trở ngược lại một giai thoại văn học đã qua. Mấy năm ấy, Trần Dần loay hoay với một tiểu thuyết – mà tôi được đọc bản thảo, không nhớ tên, hay là chưa có tên. Kết quả công phu Trần Dần đi vùng phố Khâm Thiên làm quen với những người thời pháp đi lính nguy và viết về họ.

Cuốn tiểu thuyết ấy như tác phẩm của các nhà văn phái tiểu thuyết mới của văn học Pháp hiện nay, những tiểu thuyết Năm ngoái ở Marinba của A.R.Griê, Người lạ mặt của N.Sarôt, Thay đổi của M.Buto… Các ông này viết khó hiểu, mỗi quyển trên đằng cuối in thêm một trang hướng dẫn người đọc Mới đây, trên một tờ phụ san văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh, Dương Tường có trao đổi về một bài báo tôi viết về vấn đề những cái dấu trong câu văn. Dương Tường không đồng ý với luận điểm của tôi. Vấn đề này chúng ta còn tiếp tục bàn nhưng tôi đọc của Griê, của Buto loại in phổ thông, thật có tờ chỉ dẫn cách xem ở trang cuối Tôi không bịa dựng đứng ra đâu.

Lời tựa tiểu thuyết mới này của Trần Dần đại để: Nông nghiệp nước ta đương tiến lên công nghiệp, những cánh đồng đã bờ vùng bờ thửa, văn tôi cũng bờ vùng bờ thửa. Trang sách bờ vùng bờ thửa của Trần Dần, một chương chữ như kiến bò đều đều từ đầu tới cuối không xuống dòng. Nhân vật trò chuyện và câu văn không có dấu. Người ta nói có ngừng lại để đánh dấu đâu. Rất nhiều tiếng lóng hủi, hủi – Văn tiếng lóng, văn hiện đại nhất. Thơ văn tiền phong hướng về tương lai, phải chôn hết cái cũ để cái mới xuất hiện. Trần Dần bảo thế.

Tuần báo Văn của Hội Nhà Văn mà Nguyên Hồng phụ trách vẫn ra đều. Nhưng hầu như số nào cũng lọt những bài mà các cơ quan trách nhiệm cảm thấy ẩn ý sao đấy. Kể cả một truyện ngắn của Nguyên Hồng. Truyện rất ngắn ấy, câu chuyện một con hổ người nuôi ở nhà như con chó. Phường săn kia bắt được trong rừng một con hổ bé tý tẹo. Con hổ được đem về nuôi trong nhà, cho đến khi con hổ to đùng. Hổ hiền lành bè bạn với con cún, con mèo, con gà. Nguyên Hồng đã có lần kể cho tôi nghe về nguồn gốc truyện này.

Mẹ Nguyên Hồng đã chấp bút đấy. Có lẽ cụ thấy từ thuở trẻ tới giờ, người con trai độc đinh của cụ quanh năm viết các truyện rồi đem bán được tiền, dễ quá. Ôi chao, một đời cụ, nỗi nhà và miếng cơm đã khiến con người đầu sông cuối bến sóm hôm, thiếu đâu chuyện, vô khối chuyện, chôn đi vẫn nhớ, vẫn không hết. Nhưng tội một nỗi cụ không biết chữ. Một hôm, cụ kể cho các cháu chép lại câu chuyện tại sao con hổ hoá ra như con chó vàng nằm hiền lành trong xó cửa. Hổ đã như con chó rồi, nhưng cả xóm ai cũng vẫn sợ. Bời vì nó là con hổ chứ không phải con chó. Thế là các ông phường săn đem hổ thả lên rừng. Nhớ nhà, hổ lại lững thững về nhà, lại phải đem thả. Cụ đưa cái chuyện các cháu đã chép như thế cho Nguyên Hồng. Nguyên Hồng cặm cụi viết lại, đăng trang cuối báo Văn. Câu chuyện nguồn gốc con hổ, tức cười và thực bắt đầu như thế. Nhưng với cách đọc soi lên gạch bút chì đỏ và suy diễn ra thì lại không thấy thế. Đời người thuở nào mà người lại nuôi hổ như nuôi vịt, dễ hơn nuôi vịt. Ông này muốn nói cái gì, nói ai? Xỏ xiên thế nào đây, không hiểu. Không hiểu tức là có vấn đề.

Năm 1956, báo Nhân Văn bị đình bản. Tôi có cái yếu bẩm sinh thường không nhớ ngày tháng của sự việc. Bây giờ viết lại những chuyện này, nhớ đâu viết đấy, nói được năm nào, năm nào, đã là tự cố gắng lắm rồi. Tôi thường cũng được tiếng là chịu khó ghi chép, nhưng thực chẳng bao giờ chú ý đến năm tháng và ghi đều. Năm 1957, đại hội thành lập các hội chuyên ngành. Hội Nhà Văn Việt Nam ra đời. Liền ngay, Hội tổ chức các cơ quan: báo, nhà xuất bản (có Trần Dần, Hoàng Cầm, Nhân Văn vẫn làm việc ở đấy), ban nghiên cứu sáng tác, ban liên lạc văn học nước ngoài (có Lê Đạt) câu lạc bộ (để Nguyễn Tuân nói về Đôtôépky và cười cợt mỉa mai, cứ đà này thành câu lạc bộ Pêtôphi lúc nào không biết), quỹ sáng tác (chẳng khác đánh trống gọi người đến lĩnh tiền, chia tiền)… Trên cho là cơ quan Hội Nhà Văn đã bị xỏ mũi. ở nhà xuất bản Văn Nghệ rồi chuyển thành nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi cùng làm việc với Hoàng Cầm, Trần Dần… Nhiều người tố cáo họ làm cả, Tô Hoài chỉ phổng mũi lên ký duyệt. In Kim Tiền (Vi Huyền Đắc), Truyện ngắn và tiểu luận (Thạch Lam), Nước giếng thơi (Nguyễn Bính), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), tập thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao… và đã quảng cáo in nhiều tác phẩm phức tạp khác của Vũ Bằng, của Vũ Trọng Phụng… Những tác giả ấy, người thì có vấn đề người thì đã di cư vào Nam và hầu hết viết trước cách mạng, tại sao đề cao nhiều những cái đã xếp xó đến thế. Tất nhiên là không bình thường, cái gì đây?

Báo Văn mà Nguyên Hồng phụ trách đã in trong nhiều số có những sáng tác còn khó chịu nữa. Kịch ngắn gợi lại vết thương cải cách ruộng đất những vở kịch của Hoàng Tích Linh ( Cơm mới), Nguyễn Khắc Dực (Chuyến tàu xuôi), Chu Ngọc (Ngày giỗ đầu). Ca khúc buồn bã và những phát biểu lệch lạc về âm nhạc của Tử Phác, của Nguyễn Văn Tý. Rồi thơ Phùng Quán (Lời mẹ dặn), truyện ký Phan Khôi (Ông năm Chuột) và truyện ngắn Đống máy của một cây bút trẻ gửi đến. Truyện tả một nhà máy nhập thiết bị nước ngoài rồi để chất đống ngoài trời đến hỏng nát. Người ta truy ra người viết là một kỹ sư và quy là anh nói xấu công nghiệp ta và tình hữu nghị quốc tế.

Chúng tôi lo lắng thực sự. Mấy bài xã luận của tôi trên báo Văn như Tổ chức phát triển lực lượng sáng tác trước nhất và Góp ý kiến về vấn đề xây dựng con người đều bị nhiều báo và dư luận nhận xét là lệch lạc thứ nhất, phải là tổ chức học tập và đi vào thực tế đời sống và không phải xây dựng con người chung chung mà là con người xã hội chủ nghĩa tiến lên cộng sản…

Lại trước đấy, sau đấy, truyện ngắn Ông lão hàng xóm của Kim Lân nghi ngờ thành tựu cải cách ruộng đất, những bài bút ký yếu đuối tinh thần đấu tranh thống nhất, như Thao thức của Đoàn Giỏi, Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng (*) (*Trong Nhà văn Việt Nam hiện đại in năm 1992, kỷ yếu kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Nhà Văn (1957-1992), tuần báo Văn xuất bản 1957/1958 không được nêu tên kể tên là tờ báo đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam)

Nhân Văn vẫn sờ sờ ra đấy, chứ đâu. Những người đã đánh Nhân Văn vừa qua khẳng định thế, cộng với những rì rào sang tai nhau, không khí nặng nề, ngao ngán, triền miên, thường hiện ra ở những chỗ này. Cái chuyện nuôi ông ba mươi trong nhà, cụ thân sinh ra Nguyên Hồng nghe được ở đâu từ đời thuở nào. Người đọc tha hồ nghi, nhưng mà sáng tác không có ước ao được người đọc nghĩ ra mênh mông thì cầm bút để làm gì? Một vòng người họp tổ, như các cụ trong làng ngày trước ngồi xếp bằng quanh chiếu tổ tôm. Những lời đao búa truy dồn. Thế là Nguyên Hồng khùng lên, khóc oà.

Năm trước đã nghiên cứu cả tháng rồi, bây giờ báo Văn lại sa vào hữu khuynh tệ hại như thế. Báo Văn phải ngừng xuất bản. Hội nghị bất thường Hội Nhà Văn – nhiệm kỳ mở đầu ngoi ngóp được hơn một năm, tất cả các cơ quan của Hội được chấn chỉnh lại, tuần báo Văn của Hội thay người phụ trách và đổi tên mới là tuần báo Văn Học. Chuẩn bị cho đại hội bất thường, nhờ địa điểm trường tuyên giáo dưới ấp Thái Hà, làm một cuộc thảo luận và kiểm điểm dài ngày. Cái tổ 18 của chúng tôi có Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Kim Lân… với một số nhà văn vững vàng làm nòng cốt. Trêu ngươi ai, Kim Lân lại mới in truyện ngắn Con chó xấu xí. Con chó cũng như con hổ hiền lành, không ai tin con chó chỉ là con chó, lại xấu xí nữa, có khi tác giả ám chỉ con người nào cũng nên. Nguyễn Huy Tưởng đã về làm nhà xuất bản Kim Đồng. Đương bị tơi bời kiểm tra nhau mấy cái bản thảo, trong có một truyện đồng thoại ao cá ao rùa chi chi đó của Sao Mai – lại con cá, con rùa, con ba ba, lắm con quá. Cũng chẳng ai bảo đảm người vào tổ 18 ấy là một bọn hay một cánh, nhưng cứ ang áng biết thế, và cái kiểu hiểu như bên Trung Quốc kiểm thảo nhóm Đinh Linh đã xuất hiện cụm từ đầu mày cuối mắt thì dù chẳng nói một câu, cũng là cánh, cũng cho được vào xiếc một bọn rồi.

Cùng liên quan, liên quan một nỗi buồn mà thôi. Nhiều hôm tan họp tối, đạp xe về trong thành phố, tạt vào cái Hà Nội 36 phố phường ăn chơi cũ, lông bông khuây khoả đôi chút, sáng mai lại lóc cóc xuống lớp học dưới ấp sớm. Chẳng ai dư dật, nhưng thời ấy đồng bạc có giá, hôm nào cũng đóng vai khách hẩu của gánh cháo gà lão giải phóng quân, gói cơm rang bọc lá sen quán Tiểu Lạc viên, phở Lâm rồi cà phê lão Ca. Cái khu lúc nhúc này vẫn riêng một phong vị, dẫu cho những năm gần đây đã tàn tạ nhiều. Những cao lâu lớn Đông Hưng, Tây Nam, Nhật Tân không còn cái nào. Các chủ hiệu sang trọng này trước kia hẳn là đặc vụ Tưởng Giới Thạch, là cánh Uông Tinh Vệ là mật thám hai mang bên Tàu bên Nhật. Hàng quán và cả con người bị xoá đi theo giông bão của lịch sử. Chỉ còn lại cao lâu Mỹ Kinh mới mở vài năm trước đảo chính Nhật, cùng với những quán cơm tám của người ước Lễ, thì nay Mỹ Kinh đã hoá nhà hàng quốc doanh, được đeo cái tên của thời cũ, còn nhớ thời ấy trộm cắp như rươi, chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải bắt đinh vít xuống khay. Mấy năm Tây vừa trở lại, tửu quán Siêu Nhiên, Lục Quốc và Nguyên Sinh mới mở. Siêu Nhiên đặc sản món óc đậu nhồi, ngon được tiếng. Chủ đã di cư, cũng như nhà Lục Quốc phố Huế, cánh nhà bàn nhà bếp đứng ra hùn vốn. Nhưng cũng chẳng mấy khi vào Siêu Nhiên, Lục Quốc, chúng tôi chỉ ngồi vỉa hè tường rạp Chuông Vàng, nghe tiếng phèng la tích cải lương La Mã diễm huyền. Như cảnh la cà hàng quán dưới ngã sáu dốc Hàng Kèn mà bây giờ đêm hôm người qua lại nhiều, không ngồi lan xuống lòng đường được nữa, ông 81 thụt hẳn vào trong nhà, gánh cháo bác Chữ thì quảy về cạnh cửa chợ Hôm, cũng tan trò.

Nhưng ở vùng ăn chơi lâu năm trên này, hè và đường lẫn lộn, người đi dong đông hơn khách xem cải lương Kim Phụng, chèo Lạc Việt. Tiệm cà phê Phúc Châu như đám chọi gà. Cô Tàu ngồi két váy đen, thắt lưng to bản đen bóng nhoáng mết Đài Loan đương thịnh hành. Khói thuốc lá lùa ra cửa sổ như ống khói tàu thuỷ phun xanh mờ. Bốn bên trong nhà cũng như ngoài phố, la liệt lao xao, đàn sáo nhị réo rắt, cò cử, tiếng rao bát bảo lèng xà, lục tào xá, người nườm nượp, nhiều nhất cán bộ miền Nam tập kết.

Tôi nhớ ngày xưa cũng đông na ná thế. Năm tôi sáu bảy tuổi, ngày Tết, thường theo các dì tôi ra Kẻ Chợ xem hát bói tuồng đầu năm ở rạp Quảng Lạc – mà ngõ Sầm Công, quen gọi là ngõ Quảng Lạc, cái quán Tiểu Lạc viên bây giờ ở trong hẻm này. Mồng hai, mồng ba tết năm nào rạp Quảng Lạc cũng diễn tuồng tích Giang tả cầu hôn cho người năm sớm bói lấy may. Trên cửa vào trong rạp, bàn thờ thần tài dán giấy điều trang kim khói hương ám đen kịt cả vành khám. Tuồng có vai Quan Công mặt đỏ bồ quân, râu đen từng chòm tuôn xuống. Quan Công ra, cả rạp im rùng rợn, thành kính đốt vàng hương vái lên sân khấu. Khi lớn, tôi một mình đi xem phim kiếm hiệp Tàu chiếu ở rạp Hiệp Thành, rồi rạp Tố Như, bây giờ là Chuông Vàng Thủ đô, trước cửa, gắn tấm bảng đá ghi chiến tích đội quyết tử liên khu 1 đã được thành lập ở đấy giữa 60 ngày đêm Hà Nội chiến đấu trong vòng vây.

Phía Hàng Da, ngõ Yên Thái, cũng như ngõ Sầm Công, những phố hẻm có nhà chứa, không hiểu tại sao lại gọi là nhà thổ, mà người ta nói lóng tiếng Tây bồi là medông đờ te (nhà đất). Trên tương đầu phố treo hộp đèn kính sơn đỏ nhoè nhoẹt. Khách chơi biết đấy là dấu hiệu trong phố có ổ gái điếm. Đi nhà thổ trả tiền giờ, nửa giờ, trò tiêu khiển mạt hạng, người đứng đắn không dám bước chân vào cái dãy phản bày bán người ấy. Cô nào cũng lông lá cạo nhẵn, trắng nhễ nhại, hãm tài lắm. Bần cùng, cánh thợ xẻ, thợ nề cũng chỉ thậm thụt chốc lát, chứ chẳng mảy may ham hố, đắm đuối. Chập tối, các cô nhà thổ quần áo trắng hồ lơ, mặt bệch tròn chảy trễ, ngồi một loạt trên cái ghế dài trước cửa ngóng ra, vây vây ơi ới người đi qua. Thấy quen thì chạy ra, kéo lại ở làng tôi, những anh thợ còn táo tợn, ngày phiên có tiền xuống phố chơi nhà thổ, hôm sau về phải nghỉ dệt, nằm đờ cả ngày, con ruồi đậu mép không buồn xua. Tôi không dám lảng vảng đến những cái ngõ nhầy nhụa ấy. Chỉ vì sợ bệnh. Nghe nói thuốc nớp xăng cát tó hiệu nghiệm, nhưng đắt. Cũng chưa thấy bao giờ, chỉ nghe nói phải đâm mũi tiêm vào dái, đau lắm. Thời áy, tim la, lậu, giang mai, ai mắc những bệnh xấu hổ thì chỉ muốn chết.

ừ, Nguyễn Tuân hay dạo mấy phố này lại có thể cũng vì những cái nhớ. Nguyễn Tuân được sinh ra và nhớn nhao lên ở Hàng Bạc. Phố Hàng Bạc, số nhà 49, năm 1910 – Nguyễn Tuân ghi lại như thế ở mép một quyển sách Hướng dẫn du lịch Ba Lan, có lẽ vì đương đọc chợt nghĩ đến một kỷ niệm. Trong quyển Đường phố Hà Nội của Nguyên Vinh Phúc tặng, chỗ phố Hàng Bạc và ngõ Gạch, Nguyễn Tuân đề bút chì đình Cổ Lương ngõ số 28 án sát Siêu và câu ca dao về phố phường ấy, dễ chừng ông đã thuộc từ tuổi thơ.

Nên ra thì múa tứ linh

Không nên thì lại nằm đình Cổ Hương

Lão hàng cháo gà giải phóng quân, cũng là cái tên của Nguyễn Tuân đặt cho. Ông Tàu ấy to cao, khệ nệ, đội đúng cái mũ ka ki của Bát lộ quân ố vết mỡ đã úa vàng màu nước dưa. Hàng ông bán muộn, nhiều tôi ở dưới ấp về vẫn còn gánh hàng sáng đèn giữa mấy chiếc ghế xếp lỏng chỏng trên hè. Lão giải phóng quân lầm lì chẳng mấy khi hé răng. Cũng hợp, chúng tôi lặng lẽ. Chẳng ai nói một câu, thế mà lúc nãy ở tổ, gay go đốp chát nhau ra trò. Vẻ mệt mỏi hiện nên nét mặt từng người. Tôi nhận ra Nguyễn Tuân đến hàng cháo gà này còn vì ông giải phóng quân có lọ xắng xấu Nam Ninh chính hiệu thơm và béo ngậy mùi vừng. Bát cháo lót cải cúc của Nguyễn Tuân được lão cầm lọ xắng xấu vảy lâu hơn bát của tôi. Rồi nở nụ cười nhà hàng, lão đút lọ xắng xấu vào trong ngăn kéo – ai không biết thì thôi chứ chẳng phải ai cũng được nhà hàng cho nếm mùi đâu. Vẫn là chăm chú cái mình thích, mình muốn, một giọt xắng xấu hợp khẩu vị, một câu văn hay gạch đít, một chuyến đi…

Có hôm, vào Tiểu Lạc viên ăn cơm rang bọc lá sen. Ông chủ Tiểu Lạc viên này là tay nhà bàn hảo hạng. Khách đông cũng vì cái duyên lão ta. Hỏi các món khách dùng, rồi nhanh nhanh đũa bát thìa đũa và gia vị ra bày trước mặt từng người. Đôi mắt kính lấp lánh, cái câu có ngay, có ngay luôn miệng như hát. Thực khách vào bàn, tuy chẳng thấy có ngay ở đâu, nhưng được cái cảm tưởng món ăn món nhắm sắp bưng ra.

Lão Tiểu Lạc viên tri kỷ vì chúng tôi biết thưởng thức món cơm rang bọc lá sen lão khoe nhất Hà Nội, không nhà nào còn làm được đúng kiểu cách thế. Lão chỉ mới ngước kính, chưa hỏi, Nguyễn Tuân đã gật đầu, đưa thưởng một điếu thuốc lá Thủ Đô hiếm. Thế là đã biết khách lại xơi món quen. Lão hô có ngay, có ngay rồi đặt bát đũa bày ra bàn. Nguyễn Tuân nói, vừa nghiêm vừa đùa:

– Này, không cần có ngay đâu nhé!

Lão cười, nheo mắt. Sang bàn bên, hỏi khách xong, chưa bước vào cửa bếp, đã: Có ngay! Có ngay! Có ngay!

Phải, cơm rang bọc lá sen thì có ngay sao được. Xong một tuần rượu suông, món nhắm mới ra – chỉ gọi độc một món ăn, cũng như nhắm. Kể thì người ăn xô bồ bây giờ chẳng mấy ai thiết chờ đợi các thức lích kích này. Gạo tám thổi niêu đất chín rồi đổ vào chảo rang, được rồi lấy chiếc lá sen khô lót xà xíu, vịt quay gỡ xương chặt miếng rồi đổ cơm rang vào, buộc khéo cái lạt. Nhà bàn bưng ra túm lá đặt trên đĩa. Mở ra, hơi cơm, các thứ xì dầu, thức ăn toả lẫn mùi lá sen già đầu thu. Một năm, về Hưng Yên, tham quan đào kênh thấy sân kho các hợp tác xã phơi đầy lá sen, hỏi bảo lá sen khô để xuất sang Hồng Công (Nguyễn Tuân xin về mấy cặp lá). Những chiếc lá sen già sẽ được xuất đi Hương Cảng để gói món cơm rang bọc lá sen ở các hiệu cao lâu.

Cũng có thể ấy là những lúc Nguyễn Tuân nhớ khi xế trưa vắng khách ngồi trên lầu nhà Đông Hưng thang gác vàng giữa phố Hàng Buồm. Nguyễn Tuân kê giấy lên bàn ăn, những tờ giấy trên góc in cánh buồm Gió đã lên. Tiểu thuyết Thiếu quê hương đăng báo Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan được viết từng kỳ một ở cái bàn ấy. Người tuỳ phái đến lấy bài đã đứng trực. Nhà in Trung Bắc ở phố này, bên kia đường. Viết xong chữ cuối, người tuỳ phái cầm tờ bản thảo xuống khuất, cũng là lúc nhà văn gọi phổ ky đem đến bữa trưa, be rượu bồ đào uống mấy chén ngữ và gói cơm rang bọc lá sen. Lại một sự mang mang hoài cổ. Cái cơm rang lá sen thơm tối nay ở Tiểu Lạc viên còn có thể bắt đầu từ gói cơm rang thập cẩm ở những quán ăn cò con trên đường Cáo Đạo giữa cái phố khúc khuỷu bậc đá bên Cửu Long Hương Cảng đêm ba mươi tết Đinh Sửu 1938. Chúng tôi chỉ quý và chiều nỗi nhớ của Nguyễn Tuân mà chịu khó bắt chước kề cà với các món cầu kỳ ấy. Nguyên Hồng đã sinh sống ở thành phố cảng có cả một phố Khách, tỏ vẻ thành thạo khen mùi lá sen, đoán già là những cái lá sen hồ Tây.

Mỗi đêm dưới ấp về, bộ dạng Nguyên Hồng cũng chẳng khác đi đâu ban ngày. Trên ghi đông đặt cái cặp đúp chứa bản thảo. Sau yên xe buộc một chồng báo Văn. Mọi khi, chỉ kè kè cặp bản thảo, giờ thêm lô báo Văn từ số 1. Nét mặt hăm hở lẫn lộn đăm chiêu với những tờ báo Văn như một lá đơn để trình bày các nơi. Nhiều cuộc phê Nguyên Hồng, tôi không thể nhớ xiết lần nào cụ thể. Chỉ nhớ báo Văn đã phải xỉ vả là hữu khuynh, bị lũng đoạn. ở đâu, họp tổ hay liên tổ hay lên hội trường; Nguyên Hồng từ từ, cẩn thận, trịnh trọng đặt tập báo trước mặt. Nguyên Hồng nói:

– Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn con mọn, bỏ ăn bỏ uống vì nó… thế thì làm sao tôi lại có thể sai… Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng… Tôi hết tâm hết sức vì nó, tôi không thể, tôi không thể sai…

Như người ốp đồng, không biết đương còn tỉnh bay đã mê, Nguyên Hồng để một bàn tay lên chồng báo, to giọng đến bật khóc, vừa mếu máo vừa nói tiếp, nước mắt ròng ròng, hai tay mê mẩn xót xa vuốt mép tập báo. Cái lý lẽ cùng đường và những dòng nước mắt đã khiến những ai đương phê bình anh cũng không biết tiếp tục phân tích thế nào nữa. Bảo dối trá thì không ai nỡ, không ai dám hạ đòn ấy. Cuộc nào cũng tương tự, những chữ ‘boong ke, ngoan cố, không đúng với quang cảnh sầu não thiết tha của người bị phê bình.

Chúng tôi ngồi góc bàn đằng kia. Lão Tiểu Lạc viên đã đem bát đũa, thìa với tương ớt đến. Lão này vừa là chủ, vừa là tớ trong cái phòng ăn con con kê ba chiếc bàn nhỏ. Chim quay Tiểu Lạc viên cũng được tiếng. Chẳng biết nhà hàng vô tình hay cố ý để những cái bàn khập khểnh tạm bợ. Chắc là cố ý thôi. Các hàng quán này cứ chập chờn chưa biết lúc nào bị đóng cửa. Trễ nải, tàn tạ, người ta chỉ bày biện qua loa, cốt làm ra thế.

– Có ngay! Có ngay!

Lão Tiểu Lạc viên bước ra, bỗng im bặt, quay lại, nhìn quanh, rồi hỏi:

– Các ông có cái mùi…

Không ai bảo ai, mọi người chú mục vào Nguyên Hồng vừa đặt lên góc bàn mở gói giấy báo bọc thịt chó và lập cập nói:

– Nhắm cái này trước đã! Nhắm cái này đã! Thoạt trông cũng biết không phải là gói nguyên: Chắc trưa nay Nguyên Hồng đã đánh chén ngoài ấp còn thừa thì cầm đi nốt. Hổ lốn thịt luộc, lòng gan trộn với húng, riềng, cả đùm con con muối tiêu.

Lão Tiểu Lạc viên đã nhìn rõ gói thịt cầy. Lão cau có hầy một tiếng, tan biến cả vẻ hớn hở có ngay vừa rồi. Lão chắp tay, rầu rĩ như khấn:

– Ông ơi, ông mang nó ra ngoài kia, mang ngay ra ngoài kia…

Chúng tôi biết những người buôn bán kỵ cái thịt hãm tài này – nhất là người Trung Quốc.

Dường như thấy nó thì đã đánh hơi được cái mùi con ma xúi quẩy. Lão lại nhăn nhó:

– Giết nhà hàng rồi. Các ông không được, không được lớ!

Lúc ấy, hai bàn bên cũng quay sang. Cười nhăn nhở rồi họ lại cúi xuống ăn. Lão Tiểu Lạc viên đến góc nhà cầm một nắm hương châm cắm vào men tường trong chỗ dán tờ giấy điều trang kim đã xạm xỉn một nạm chân hương. Khói hương bốc mù căn phòng chật chội. Rồi lão bước lại phía chúng tôi, xốc kính, mặt hầm hầm, không hiểu lão định làm gì.

Nguyên Hồng, đứng lên, giơ tay:

– Phổ ky! Câm đi!

Nguyên Hồng lật đật gói lại bọc thịt chó, bỏ vào cặp. Nước mắt lưng tròng, nói:

– Lúc nãy ở tổ chúng nó đòi đuổi ông, bây giờ thằng Tàu này lại đuổi ông, tỉu cái nhà ma lớ!

Nguyên Hồng cung cúc bước ra, lấy xe đạp. Cũng chẳng ai buồn gọi lại. Đã biết tính nhau nhiều. Mấy năm sau, một lần Bùi Hiển, Nguyên Hồng và tôi chén thịt chó Chữ Hàng Bè rồi vào quán cà phê lão Ca. Vẫn Nguyên Hồng cầm bọc giấy gói mấy miếng thịt chó thừa, đặt lên góc bàn. Lần này, cái gói kín đáo, nhưng tôi vẫn ngài ngại. Lão cà phê Ca không có nhà. Vợ lão trông hàng. Tự nhiên, bà ấy đứng lên đến chỗ cửa nách châm nén hương vào khám thờ thần tài dán giấy điều. Linh tính tôi đoán người đàn bà Tàu đã đánh hơi thấy mùi lạ. Như chọt nhớ ra, Nguyên Hồng đã tinh ý bỏ gói vào cặp.

Mấy hôm sau, trở lại Tiểu Lạc viên, lão có ngay lại ngước mắt kính cười cười, đưa ra bát đũa và chén tương ớt – Nguyễn Tuân bao giờ cũng gọi là lạp chíu chương. Lão xoay cái đuôi thìa cẩn thận đặt trước mặt Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng. Thêm hai miếng chanh cho Nguyên Hồng. Nhà hàng đã thuộc ông khách có thói quen vắt chanh, lại đổ dấm vào đĩa húng rau để sát trùng. Đến tận hồi chống Mỹ, Tiểu Lạc viên vẫn đông khách thế. Một lần kia, đến thầy bà Tiểu Lạc viên mọi khi đương nằm cái giường gấp ở gian trong. Tiếng trẻ mới sinh khóc oe oe. Hỏi thăm thì ra lão Tiểu Lạc viên đã ngất đi, chết nửa đêm giữa lúc máy bay ném bom cầu Long Biên cuối tháng trước. Người vợ đã lấy chồng khác. Ông Tàu này gày lom khom. Nào biết đứa trẻ ấy con ai. Đã lâu không đến, không tiện hỏi. Trên mặt kính cái tủ con đặt ngoài cửa vẫn ba chữ Tiểu Lạc viên sơn đỏ. Cửa hàng mở, nhưng hiu hắt, vắng vẻ. Đến năm nhiều người Trung Quốc bỏ thành phố đi, bà ấy với người chồng sau ra Cát Hải vượt biển. Nghe nói thuyền chuyến ấy đi bị đắm, chết cả.

Những đêm mưa rả rích gợi cái thú quán cà phê lão Ca. Thường đến lão Ca vào lúc nào, chắc là khi đã ngà ngà ở Tiểu Lạc viên hay hàng bánh cuốn chú Hồng Lâm ra. Nhưng cũng có buổi chỉ đến đây. Trong ngõ ngách này, chúng tôi lui tói mấy quán, không đậu lại đâu. Phúc Châu tiếng tăm, nhưng tạp. Chen vai thích cánh, những võ sĩ đai đen thập đẳng, ngũ đẳng hay các ông cá mú trụ ở góc bao quát, hay một tay cướp ngày lẳng lặng ngồi xuống, rờ túi ngực, túi quần vờ tìrn cái bật lửa. Nó đang ngắm cô Phúc Châu thắt lưng đen bóng hay nó sắp rút dao găm dí xế dưới sườn rồi thản nhiên đưa con mồi ra ngách ngõ lên Hàng Đào, hỏi mượn cái ví và cái đồng hồ. Quán Lý Hảo thì ấm cúng hơn. Chỉ phải cái mụ Lý ăn nói đối đáp và cử chỉ như tập thể dục trước mặt khách. Chả là Lý Hảo, đương kim thể thao lướt ván nữ loại một. Hội hè nào cũng giật giải nhất đứng đầu sóng hồ Hoàn Kiếm. Thằng chồng mặt vuông Nhật Bản, như Ai Nguyên An Nghệ. Nhưng nó là người Quảng Châu, chỉ bưng cà phê và cười ruồi. Mất vui, cũng chẳng lý thú, bởi nhà này ít chuyện.

Cà phê Ca chưa mấy quen như rồi sau chúng tôi đến nhiều hơn. Lúc đầu chỉ nghe mang máng trước kia lão Ca ở trên Hà Giang, làm nghề đuổi ngựa buôn cho nhà chúa đất Vương. Còn tôi để ý chỉ vì thấy ngồi trong hàng một người đàn bà luống tuổi, mặt buồn rười rượi. Có hôm thoáng sau chiếc bình phong con công đỏ gắt, cái áo xường xám xa xưa màu cánh chả xẻ tà xoè ngang đầu gối. Cứ hao hao người con gái ngày xưa ở nhà gác đầu đường Cổ Ngư hồ Tây mà sáng nào tôi cũng đi học qua. Ai khi tuổi ấy chẳng trông thấy bao nhiêu bóng đẹp thấp thoáng và mộng mơ. Không hỏi có phải trước kia nhà bà ở đầu ô Yên phụ, tôi chỉ lặng im cho mình được đinh ninh. Tưởng tượng vun thêm vào làm cho không phải cũng thành phải. Nếu bà ấy nói: Vâng, tôi là vợ tông Ca. Lại càng khó hiểu, thế thì phải từ Hà Giang xuống. Như vậy, lại hoá ra buồn. Thôi cứ mơ hão vậy. Cà phê phin nhà Ca nhạt đường, hợp chúng tôi mà Nguyễn Tuân khéo tưởng tượng là có vị rừng. Chưa biết rừng Hà Giang có cà phê hay không. Chỉ Nguyên Hồng đã bị hai năm an trí căng Bắc Mê rõ đôi chút chăng. Nhưng Nguyên Hồng chẳng khi nào kể lại về nhà tù chính trị đi đày ấy. Chỉ nghe một người tù Bắc Mê khác tả Nguyên Hồng đi làm cỏ vê, đi lấy củi cũng đeo mấy cái ống bơ đằng đít, cái đựng muối, cái để cơm nguội và lủi thủi một mình.

Thậm chí, lần ấy, một đoàn địa chất đưa chúng tôi thăm một vùng quặng trong Bắc Mê, Nguyễn Tuân rủ Nguyên Hồng, bảo được dịp trở lại quang cảnh xưa. Nguyên Hồng cũng không đi. Chuyến đi ấy, cái hôm lội qua con suối sau cùng rẽ mê bên này đường về huyện Bắc Mê, tôi đứng tần ngần giữa dòng nước, nhìn mãi quả đồi áp lưng núi. căng Bắc Mê xưa ở núi Pắc Min kề ngọn sông Gâm lượn dưới chỗ xanh thẫm kia. Suốt buổi chiều, trèo qua cổng trời đỉnh núi thăm dò quặng Nguyễn Tuân vẫn băn khoăn không hiểu tại sao Nguyên Hồng không đi Bắc Mê chuyến này. Nửa đêrn, giữa rừng trên cao, con suối mơ hồ đưa lại tiếng nước thở dài từ phía Bắc Mê. Chúng tôi ngồi trước đám củi sưởi. Nguyễn Tuân nói: Tớ tức cảnh được hai câu ca dao đem về tặng thằng Nguyên Hồng. Thế này nhé:

Non xanh gõ hòn đá xanh.

Nửa năm nghe tiếng mõ canh Cổng Giời.

Trở về, tôi viết Pài Lùng cái ký theo thể kịch đăng báo Văn Nghệ, đặt hai câu ấy lên đầu bài. Chú thích nghịch ngợm Ca dao cũ vùng Bắc Mê. Cho nhớ và như Nguyễn Tuân bảo có dùng thì nên đề thế.

Cái bỗng dưng kỳ cục của Nguyên Hồng thường dễ hiểu và cũng khó hiểu. Người ta làm thì Nguyên Hồng lẳng lặng im. Ai cũng nô nức vào Nam khi miền Nam được giải phóng. Nguyên Hồng chưa bao giờ đến Sài Gòn, mà đã sinh ra nhân vật du côn Năm Sài Gòn từ những năm 40 và chưa khi nào trông thấy sông Cửu Long, đã là tác giả bài thơ Cửu Long giang ta ơi. Nhưng không đi Sài Gòn. Ai rủ chỉ lắc đầu. Cái tính thế, thiên hạ vậy thì ta khác.

Cuộc đời đã đưa đẩy ông Ca từ thị xã Hà Giang xuống Hà Nội mở quán cà phê. Những chuyện ông Ca kể về biên giới, Nguyễn Tuân mê lắm. Cũng thú vị như lão giải phóng quân cháo gà có lọ xắng xấu chính cống Nam Ninh, Hồng Kông gì đó. Cà phê Ca ngon mùi mộc mạc. Hay là cứ nghĩ ra thế. Mỗi lần Nguyễn Tuân tới, ông Ca lại lấy ra chai rượu Rom Pháp vuông bằng đầu gối, đặt lên cạnh cái phin vừa cạn. Lắm khi tôi vào hàng lão Ca không khi nào bê chai rượu mạnh ra. Đám mà có Nguyễn Tuân trong bọn, đám ấy sang lên, thú vị hơn, không phải ông Tuân chi tiền, mà thằng chủ quán lại hân hạnh, lại trọng vọng vị khách bạt thiệp trịnh trọng mời nhà bàn thuốc lá thơm và xuống tận chỗ xào nấu đưa nhà bếp một điếu. Chai rom của ông Ca đã được đặt lên bàn. Vài giọt rượu quý nhỏ xuống tách cà phê bốc khói. Cà phê rom – một kiểu uống theo lối Pháp. Đến lúc cả chủ quán cũng kéo một ghế, nhấc bếp điện lại gần, bày lên một phin nữa. Câu chuyện ấm dần. Nguyễn Tuân đẩy hộp thuốc lá về phía ông Ca. Ca nói, giọng âm thầm xa vắng:

Kháng chiến, Nguyên Hồng và Kim Lân đưa gia đình tản cư lên ấp Cầu Đen trên Nhã Nam. Các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, cả nhà bác Ngô Tất Tố cũng lên quây quần trên cái đồi thấp bấy giờ còn hoang vắng. Những vùng ở Xuân áng (Phú Thọ) hay Quần Tín (Thanh Hoá) cũng tụ hội lại những làng văn nghệ sĩ kháng chiến. Nghe kể hoạ sĩ Trần Văn Cẩn được xã cấp cả ruộng, anh đi cày đã thạo. Tên cúng cơm ấp Cầu Đen, Nguyên Hồng đặt lại là ấp Đồi Cháy.

Chẳng hiểu vì sự tích gì. Các nhà ở đấy cho đến khi hoà bình lập lại. Về Hà Nội, Nguyên Hồng và vợ con thuê cái gác hai một nhà ở phố Miriben cũ bên cạnh viện Mắt gần chợ Hôm. Nhớ những lần Nguyên Hồng rủ đến chơi nhà thường vào chiều thứ bảy. Dựng xe đạp ở cái sân chung nhớp nháp nhà dưới rồi lên gác. Nhà một buồng lủng củng ba lô, tay nải. Chẳng khác trước kia ở dưới bãi Nghĩa Dũng. Chỉ thêm trẻ con chạy ra chạy vào lít nhít rối cả mắt. Chị ấy đã xin được làm nhân viên cửa hàng quốc doanh sách, đứng bán ở quầy góc nhà bách hoá tổng hợp bây giờ, phía cửa đường Hàng Bài.

– Ngồi vào đây lấy chỗ cho mẹ nó kê cái hoả lò. Chả rán phải chén nóng tại chỗ mới hay.

Nguyên Hồng lui cui dẹp quanh cho tôi ngồi tựa lưng vào tường trông ra chằng chịt dây điện ngoài cửa sổ, lá xà cừ rụng bay rào rào. Nguyên Hồng không nói, nhưng tôi đã biết cái chả rán này rồi. Nguyễn Tuân chỉ nghe, đã lắc đầu, rủa chả rán Nguyên Hồng đãi cái thằng xơi được bọ hung thì nó còn từ cái gì. Nguyên Hồng không khi nào mời Nguyễn Tuân và biết tôi thưởng thức được món tiểu táo cao cấp ấy, chủ nhà cũng chẳng cần báo trước. ấy là cái nem Sà Goòng nhân rau đàn bà đẻ đã xin hay mua được ở nhà hộ sinh nào đấy. Nguyên Hồng thường ca tụng sức thần kỳ bổ và chứa bách bệnh của rau đàn bà đẻ. Khi bị đày lên Bắc Mê, tao ngồi viết được cả tập bút ký Cuộc sống lại còn sống mà dò được về đến Nam Định rồi lấy vợ cũng là nhờ cái phải gió ấy của trẻ sơ sinh. Mẹ tao ngâm rượu mật ong gửi lên Bắc Mê. Bây giờ thi một cái rau ăn tươi cả nhà được tẩm bổ!. Nguyên Hồng cười hể hả.

Miếng chả giò nóng ròn. Bát dấm pha không có ớt – chủ nhà không ăn ớt. Đĩa xà lách trắng ngần. Nhân trộn mộc nhĩ và miến. Kể ra cũng cảm thấy hoi hoi khác vị, nhưng vốn tính dễ ăn, tôi nhắm ngon lành bình thường.

Giữa năm 1957, Hội Nhà Văn được thành lập. Nguyên Hồng phụ trách tuần báo Văn của Hội. Đã nhiều năm làm nghề viết và trong kháng chiến có làm báo, làm xuất bản nhưng cũng là ngồi trong rừng điều khiển đôi quang gánh sách báo đi các chiến khu, chúng tôi bỡ ngỡ và háo hức những công việc mới.

Chín năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lĩnh ở kho từng miếng. Cơ quan sắm dao kéo, tông đơ mọi người húi đầu cho nhau. Văn Cao cắt tóc đẹp có tiếng, chỉ dùng kéo. Trở lại thành phố, khó đâu chửa biết, nhưng thức ăn và hàng hoá ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà Thủy Tạ. Nhà hàng Phú Gia, vang đỏ vang hồng vang trắng vỏ còn dính rơm như vừa lấy ở dưới hầm lên. áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về phá ra làm đệm ghế. Hàng Trung Quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu, chỉ màu, củ cải ca la thầu, sắng xấu, mì chính, xe đạp cái xe trâu cao ngồng. Cả xi rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia. Bắt đầu được lĩnh lương tháng. Không nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng có thể la cà hàng quán được. Có cảm tưởng cả loài người tiến bộ đổ tiền của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ.

Chúng tôi ngỡ ngàng một cách khoan khoái. Đất nước như cánh đồng cày vỡ, chưa biết cấy hái ra thế nào. Vết thương cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức còn đỏ hon hỏn khắp chợ thì quê. Các thành phố đã bắt đầu cải tạo tư sản. Báo chí hô trăm hoa đua nở, tràm nhà đua tiếng. Chẳng biết căn do của nước người ta ra sao, nhưng nghe khẩu hiệu khá sướng tai. Đến khi thấy nói có hoa thơm, có hoa thối! lại mới ngỡ ra là có hoa thơm, có hoa thối!. Năm 1956, Hungari đề xướng đổi mới. Thủ lĩnh Jmrê Natgiơ bị treo cổ.

Chưa kịp ngỡ ngàng, lại đùng đùng đổi khác lại ngay cả trong thành phố. Nhà máy diêm, nhà máy gạch thời Pháp họ đã để làm trại lính, tanh bành như bãi hoang. Điện Yên Phụ, xe điện Thuỵ Khuê cổ lỗ 1899, nhà máy rượu cạnh nghĩa địa Tây, Chính phủ phải mua lại của các công ty tư nhân Pháp. Nghe nói mỏ Hòn Gai, đường sắt Hải Phòng Vân Nam ta cũng chuộc mất nhiều tiền. Chiến thắng rồi mà cũng chẳng lấy không được. Các thành phố đương cải tạo tư sản. Cách làm dịu dịu và lặng lẽ. Nhưng cũng xanh mắt. Nhà máy thuộc da Thuỵ Khuê, nhà máy gạch Cầu Đuống mấy vị có tiền vừa chung nhau tậu, bây giờ lo sốt vó phải lên tư sản. Nhà giàu khoá cửa im ỉm, người ra vào khuân lén đồ đạc lúc chập tối. Quanh tường, đại sứ quán Pháp cắm tấm biển đất riêng. Cơ quan lãnh sự Mỹ đã dọn vào Sài Gòn, bây giờ chỗ ấy là căng tin của sứ quán và Pháp kiều. Tổng giám mục Đuy-lây ngày ngày sai mấy bõ già đến mua đồ và thức ăn về dùng. Từng bao tải các thức được thuê xích lô kéo sang nhà thờ Hàng Trống.

Bỡ ngỡ và sôi nổi, những trái ngược và mới mẻ ấy dội vào mỗi chúng tôi. Bây giờ nhìn lại, nghe kể chuyện lại, tưởng như câu chuyện lạ lùng một lúc. Nhưng đường đi và những quanh co bối rối đến mỗi con người lẵng nhẵng cả mấy năm trước và sau 1957. Ngại nhất những lần họp chi bộ ở cơ quan. Cuộc chiến đấu lớn đã kết thúc ở Điện Biên Phủ, nhưng chúng tôi lại không êm ả như ở Tuyên Quang. Thêm nhiều tổ chức mới có cán bộ các khu và từ miền Nam tập kết ra. Họp cơ quan, họp chi bộ, tranh luận miên man. Dần dà, hình thành cái nhìn ở một số người, thành mốt chỉ trích cơ quan cản trở, hạn chế, có thế mới là mới. Mọi việc không phải của cơ quan hình như đều đúng hơn.

Tôi làm nhà xuất bản Văn Nghệ rồi nhà xuất bản Hội Nhà văn. Khi in tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, tôi về Mọc xin phép gia đình tác giả, gặp chị Phụng và bấy giờ cụ bà thân sinh Vũ Trọng Phụng vẫn còn. Mẹ chồng nàng dâu sinh sống gieo neo ngày ngày cắp cái thúng mấy lọ thuốc viên ra chợ Ngã Tư Sở. Bao nhiêu năm, sách của Vũ Trọng Phụng bây giờ lại được in, cả nhà mừng lắm. Quý tôi như bạn bè cùng thời với nhà văn đã khuất. Thật ra, tôi không biết mặt Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Tôi vào nghề viết, các nhà văn này đã qua đời. Khi ấy, các nhà xuất bản Minh Đức, nhà Thép cũng rục rịch in Vũ Trọng Phụng, quảng cáo rầm rộ. Ngay ở cơ quan cũng lây nhau cái cảm tưởng tư nhân in mới phóng khoáng, nhà xuất bản của đoàn thể gò bó và dường như lỗi thời. Người ta lên nước và cạnh tranh như thời trước. Nhà Minh Đức yêu cầu được kỷ niệm Vũ Trọng Phụng chung với chúng tôi ở Nhà Hát Lớn thành phố vì lý do nhà ấy cũng in Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi định in lại tiểu thuyết Một mình trong đêm tối của Vũ Bằng. Tôi tìm gặp chị Vũ Bằng. Biết tin, lão Minh Đức nhưng nháu mắt trố xộc đến luôn. Chúng tôi in kịch Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Nhà xuất bản Minh Đức cũng in Kim Tiền, đã đưa đơn kiện vi phạm bản quyền tác giả. May, được bác sĩ Vi Huyền Trác, con trai cụ Vi bảo đảm, nhà xuất bản chúng tôi không bị thua kiện.

Chỉ được trôi chảy khi in lại tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Cũng ngẫu nhiên không bị giành giật. Nguyễn Tuân không để ý tướng số nhưng Nguyễn Tuân bảo: Trông mặt thằng Minh Đức đã thấy khó chịu. Mình cũng đã đả tiền nhiều nhà xuất bản, nhưng chưa cầm của thằng này một xu. Vả chăng mưu sĩ Nguyễn Hữu Đang của nhà Minh Đức thậm ghét văn Nguyễn Tuân. Văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Hữu Đang đọc một đoạn cũng không nổi. Âu cũng là lẽ đời, các đấng cao ngạo thường không nhìn mặt nhau.

Nguyễn Tuân nhớ lâu và ghét dai. Không biết bao nhiêu năm, Minh Đức đi tù về vẫn ôm mộng xuất bản. Anh phác một kế hoạch chiến lược về xuất bản nhờ tôi giới thiệu với những cơ quan có trách nhiệm. Việc không đến đâu, Minh Đức rnở quán cà phê và bán sách cũ trên phố Hàng Bút. Khai trương quán, Minh Đức nhờ tôi mời Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân không trả lời. Rồi Minh Đức mất bệnh, Nguyễn Tuân cứ vặn tôi: Sao ông đi đưa đám thằng ấy?. Tôi bảo trong đầu tôi không thấy có câu trả lời nào về việc như ông hỏi tôi. Nguyễn Tuân vẻ không tin. Song cũng không vặn nữa, chúng tôi tránh đi bằng cách đụng cái chén hơi mạnh.

Hồi ấy, đến nhà xuất bản Minh Đức, tôi quen Minh Đức và Tô Thuỷ Nguyễn Văn Kiện, cùng người Thái Bình, một trong những cây bút làng thơ mới, thời kỳ đầu, lúc đó làm thư ký nhà xuất bản. Từ năm 1945, Minh Đức ở Thái Bình lên Hà Nội làm xuất bản. Nguyễn Công Hoan giới thiệu cho tôi làm quen và bảo bố thằng này ở phố Pi kê buôn đồng nát mà giàu có, chẳng biết thực hay đùa. Nhà xuất bản Minh Đức ở phố Phan Bội Châu. Trương Tửu như chủ nhà ngồi đấy. Tôi cũng chưa được biết Trương Tửu trước kia. Ông Trương mở rượu, đàm đạo. Dễ thường chỉ có tôi uống, cảm thấy dễ chịu. Lững thững về cơ quan. Buổi trưa, trải chiếu, Nguyễn Bính, Hoàng Tố Nguyên và tôi nghỉ lại trong buồng làm việc. Hoàng Tố Nguyên hỏng một chân. Nhưng có một chiếc giày đánh bóng lộn, đặt tượng trưng trên ghế – chiếc giày đẹp đẽ, không bao giờ được xỏ chân. Khi đó mọi người tự do ra báo, mở xuất bản.

Trong thành phố nhan nhản báo hàng ngày Thời Mới báo tuần Nhân Văn, Tre Xanh, Trăm Hoa và những tập san định kỳ Giai Phẩm, Đất Mới… Ông Phùng Ngọc Long nhà xuất bản Hưng Văn ngoài khu 8 về tìm tôi bàn mở xuất bản. Ông Long chính là chú Luyến ngày trước ở phố Hàng Mã mà tôi đã xuống ở hai năm, đến khi thi trượt vào trường Cửa Đông mới trở về quê. Nguyễn Công Hoan và tôi đến nhà ông Vũ Đình Long. Những năm về sau, ông yếu bệnh tim, bệnh thở. Vẫn chịu khó ngày nào cũng đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Và hăng hái muốn mở lại nhà Tân Dân. Nguyễn Công Hoan bảo: Làm gì thì làm, đừng làm xuất bản, ông ạ. Mặc dầu khi ấy có ông Thuật hiệu sách cũ dốc Bà Triệu, em ông xuất bản Đời Mới Trác Vỹ xưa kia, ông Thuật định làm xuất bản sẽ in mở đầu hai tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, thì Nguyễn Công Hoan không khuyên can câu nào. Hai nhà giáo bè bạn lâu năm, Nguyễn Công Hoan nói thật điều mình nghĩ và tính toán hộ ông Long.

Dần dần, ở cùng cơ quan tuy hằng ngày gặp và làm việc, nhưng cách sống của mỗi người cũng úp mở nửa thật, nửa giấu. Chơi với nhau đấy, rồi đi đâu, làm gì không biết. Và xem nhẹ cả những việc tình nghĩa. Tôi đã lo toan cho Lê Đạt bỏ được cô Nguyện người vợ lấy lúc đi cải cách ruộng đất, Hoàng Cầm êm thấm ra toà dứt khoát với cô hàng xén chợ Hanh. Sự giao thiệp hai mặt và cánh hẩu nảy nở ngay cả trong việc đáng lẽ một lòng và phải trái cần ngang mặt, bởi tôi làm bí thư, Lê Đạt phó bí thư chi bộ Đảng. Nhưng cũng chỉ thế thôi.

Tuần báo Trăm Hoa của Nguyễn Bính mới xuất bản. Nguyễn Bính tập kết ở miền Nam ra. Mấy năm sau ở trong ấy Nguyễn Bính thôi không công tác đâu nữa, nhưng vẫn ở vùng giải phóng Đồng Tháp Mười. Vui thú điền viên nơi kênh rạch và bạn bè qua lại giúp đỡ. Khi đất nước bị chia đôi, Nguyễn Bính được gọi đi tập kết, cũng như cán bộ được phân công ra miền Bắc. Nguyễn Bính về công tác nhà xuất bản, cùng làm việc với tôi. Gặp lại nhau thì hơn mười năm đã qua mà tưởng như mới hôm nào cùng anh em nhà thơ Việt Châu Lông ngỗng gieo tình và Tân Phương đi ăn cháo cá chợ Cũ. Những người lang thang bất đắc chí ngày ấy như xưa nhưng cũng thật khác xưa:

Có lần tôi xuống Nam Định, đến tìm Võng Xuyên công tác ở thư viện thành phố. Người nhỏ nhắn, già đi nhưng vẫn khoẻ. Tay bắt mặt mừng xong cung cách thì thưa gửi đồng chí, báo cáo anh, đề nghị thủ trưởng, lôi thôi quá. Trong khi tôi tưởng như vừa mới đấy, cái thằng Võng Xuyên tên là Truật mở bàn giấy biện sự phòng mà chúng tôi gọi đùa là sinh sự phòng, ông thày cò chạy kiện tôi không nhớ ở cái phố vắng, phố hàng Nâu hay bến Củi. Thày cò Truật với Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương đốt thuốc phiện và làm thơ, đọc thơ suốt đêm trong cái phòng hẹp nhà Truật được gọi là lò luyện linh đan. Khách ròng rã ở chơi không chịu nhổ rễ, hôm nào cũng say thuốc đến bóng môi, bóng mắt. Chị Truật người đãy đà, phúc hậu vẫn cơm rượu đãi bạn chồng ngày hai bữa tươm tất Không hiểu tại tôi hay tại anh mà bây giờ lại ra sự cách bức và khách sáo đến thế. Cái năm Võng Xuyên về hưu rồi, lên ở với con trên Hà Nội tôi mới rõ hồi ấy ở cơ quan, anh chỉ làm việc giữ mấy quyển sách thư viện mà cái ông sinh sự phòng kiếm ăn hồi xưa đương bị đấu cật lực vì ly lịch thầy cò và những chơi bời. Cái vô ý của tôi thật tàn nhẫn.

Khi đó nhiều người còn ăn và ở cơ quan, phòng làm việc cũng là nơi ở. Tính nết Nguyễn Bính thì chẳng khác xưa. Đời là một cuộc chơi dài, mà thiên hạ phải cung phụng nhà thơ. Bọn mắt trắng, hiểu thế không? Những trò ấy nhiêu khê, tần phiền, cổ quái lắm. Tôi nghĩ thế. Làm biên tập báo, xuất bản như làm khoán, chẳng cần giờ giấc bàn giấy. Mà cũng vẫn không hợp với Nguyễn Bính. Có mỗi việc giao cho Nguyễn Bính tự tuyển tập thơ Nước giếng thơi – tác giả làm lấy tập thơ cho nên mới có được cái tên sách không phải tên một bài thơ nào trong tập, mà cũng trầy trật mãi. Hứng làm thơ lên thì tung hê công việc, thích đi chơi thì vay tiền, cơ quan lúc nào chẳng có tiền. Cho tao vài ba đồng là bao. Say khướt tối ngày, uống tợn hơn xưa nhiều. Nhà hát lớn có kỷ niệm Nguyễn Du. Nếu tối ấy không có ban tổ chức Hoàng Châu Ký ra can thiệp, còn lôi thôi nhiều. Đã muộn, ở cuộc rượu nào vừa đứng lên, Nguyễn Bính ngồi xích lô đến Nhà Hát Lớn.

Những người giữ cửa không cho vào. Thế là Nguyễn Bính làm toáng lên:

– Không phải giấy má gì cả! Giỗ Nguyễn Du mà Nguyễn Bính không vào được a!

Người ta phải lập lại trật tự với người say rượu. Rồi Nguyễn Bính cũng vào được. Chắc được vào rồi cũng ngồi ngủ mà thôi.

Một lần Nguyễn Bính bảo tôi, giọng bình thường không hơi men:

– Mày phải kết nạp hội viên Trúc Đường chứ!

– Nói anh Trúc Đường làm đơn rồi hai thằng chúng mình giới thiệu anh, theo thủ tục.

Nguyễn Bính nổi cáu, hỏi lại:

– Trúc Đường mà phải làm đơn xin vào Hội Nhà Văn à?

Rồi vùng vằng bỏ đi.

Tập thơ Cửa biển của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Trần Dần đã được Hoàng Cầm chọn xong và đưa in. Vẫn phải chòng vòng chèo chống hàng ngày với Nguyễn Bính những chuyện tương tự trên mà chưa xong được Nước giêng thơi. Những cố nhân như Yến Lan và tôi bây giờ đã mát tính, không như các bạn Mai Lộc, Đoàn Giỏi ở miền Đông trong Nam, trên ghe đò hay trong rừng, phải cho chính thằng mắt trắng ấy một bài học, chứ chẳng phải thiên hạ nào, giã cho nó một trận rồi mới lại thương lại. ít lâu sau, Nguyễn Bính cũng thôi, không công tác ở đâu nữa.

Không biết ai đã giúp tiền cho Nguyễn Bính ra những số báo Trăm Hoa đầu tiên. Tôi vẫn đến chơi, hồi này có tiền, tôi được Bính rủ đi đánh chén luôn. Cái cô mọi khi vẫn giới thiệu là người yêu thơ, là thư ký đánh máy, bây giờ đã là vợ. Nhà thuê một tầng dưới rộng rãi, gần phố Hoà Mã treo bảng Trăm Hoa – máy chữ đánh rào rào, người ra vào toà báo nhộn nhịp.

Trên có sáng kiến lấy giấy và tiền nhà xuất bản giúp báo Trăm Hoa. Tôi được giao thuyết phục làm sao ra được một báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn. Công tác không khó khăn đối với tôi, nhưng đã thuộc tính lung tung của Nguyễn Bính, tôi liền kéo cả anh Trúc Đường đến. Nguyễn Bính cảm kích được giúp đỡ. Trúc Đường đã có kinh nghiệm làm báo lâu năm, từ ích Hữu đến Đàn Bà và rồi Công Dân ở đồng bằng sông Hồng trong kháng chiến. Chúng tôi bàn về Trăm Hoa lâu dài và cả từng số báo. Tôi mua hộ giấy in, xe đến. Tờ Trăm Hoa rõ ra một vẻ khác. Không về bè với Nhân Văn, như chẳng đi với ai. Trên nhận xét từng số, từng bài cho là vẫn chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết. Tôi bàn lại với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính cười mỉa:

– Trăm Hoa phải thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách, cho xong?

Tôi nghe cũng có lý. Có lẽ vì thế tôi không còn hào hứng vận động cho chuyển được Nguyễn Bính. Có lần Nguyễn Bính nhắn tìm tôi. Chắc lại đòi giấy và tiền. Tôi không đến. Mấy lỵ cũng không phải tiền của tôi. Biết ăn nói thế nào. Một buổi tối, Nguyễn Bính rủ tôi ra nhà hàng Lục Quốc, phố Huế. Nguyễn Bính nói:

– Hôm nay ăn cỗ đám ma Trăm Hoa!

Tôi hỏi:

– Trúc Đường đâu?

– Ông ấy không đi.

Có thể vì tôi bỏ Trăm Hoa anh Trúc Đường không bằng lòng tôi.

Mấy lâu sau, Nguyễn Bính được giới thiệu về ty Văn hoá Nam Định. ở Hà Nội một dạo, vài ba tháng hay một hai năm cũng không để ý, thỉnh thoảng gặp chỉ thấy nhăn nhó, rầu rĩ. Xưa nay thì cái thằng này vẫn thế. Những cùng quẫn tự chuốc, những thương đau vơ vào, mình lại đầy ải mình, thân làm tội đời, cả những ngày còn lại này mà vẫn không nguôi.

Người con gái ấy yêu thơ tuổi đương thì. Những mối tình như thế của Nguyễn Bính, chẳng rõ khi ở Huế, ở miền Nam thế nào, nhưng ở ngoài này, bạn bè đã biết tính, biết tật Nguyễn Bính, thấy gái như quạ vào chuồng lợn, như ếch vồ hoa. Thề bồi đấy rồi lại nhăng cuội ngay đấy. Kiểu như những câu thơ đố tài hoa: Nhà em ở dưới cây mai trắng (Bạch Mai) Bên gộc mai vàng (Hoàng Mai) cạnh đế kinh (Phố Huế), những người con gái, biết bao nhiêu con gái đã theo thơ đến với Nguyễn Bính. Nhưng cuộc đời hoa thơm bướm lượn không giống thơ, không như thơ. Thế thì lại vứt bỏ. Người con gái đến với Nguyễn Bính khi làm báo Trăm Hoa cũng chẳng ở được bao lâu. Chỉ tội đã có với nhau một mụn con.

Từ lâu, tôi muốn viết một truyện ngắn. Chưa viết nhưng đặt tên trước truyện ngắn: Tên cháu là Hiền. Câu chuyện đôi vợ chồng bỏ nhau. Đã được một con trai tên là Hiền, mới bập bẹ. Mẹ cháu trẻ quá, còn như ở tuổi son rỗi, đã đi bước nữa. Mẹ đem Hiền về trả bố Hiền.

Hiền bụ bẫm, phúng phính rồi chẳng bao lâu Hiền còm nhom, ghẻ lở, mụn nhọt ghê người. Ngày ngày bố ẵm vác Hiền trên một bên vai, như mèo tha con. Đến đâu, từng đám ruồi nhặng xanh xám đuổi theo. Một tối kia, bố rượu say rồi bố bế Hiền thẩn thơ ra phố. Đến ngã sáu Bà Triệu – Ô hay, làm sao mà bao nhiêu tâm sự nước mắt nụ cười của người viết truyện này, trong những năm ấy, cứ quẩn quanh chỗ cái dốc Hàng Kèn oan nghiệt thế nhỉ?

Chợt nghĩ thế nào, hai tay bố Hiền giơ Hiền ra, đưa Hiền cho một người đàn ông đương đi tới. Trở về, cơn say vật bố thiếp đi. Quá nửa đêm, quờ tay không thấy con. Bố vụt nhớ lại tất cả. Bố lật đật chạy đi đấm cửa nhà mấy người bạn. Chúng tôi đã đi báo hầu khắp các đồn, các trạm công an trong thành phố. Nguyễn Bính thất thểu suốt đêm. Sáng ra, nhợt nhạt thẫn thờ bước giữa trống không. Tìm thế nào bây giờ vì không phải là cháu lạc. Chỉ còn cầu mong biết đâu là cái người hốt nhiên được có người dúi cho đứa bé, lại chẳng là một người đương hiếm trẻ.

Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu tối hôm ấy – nếu trời để cho chứng sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền. Thôi bây giờ viết vào đây câu chuyện thương tâm ngày ấy. Biết đâu, chuyện này – như một cái nhắn tin tìm người ruột thịt thường đọc trên báo. Chẳng đã có bao nhiêu cha mẹ anh em ly tán những năm đói những năm chiến tranh ngót nửa thế kỷ, mà rồi cũng tìm được nhau. Đột nhiên, tôi hy vọng. Tên cháu là Hiền nhé.

Có lần qua Nam Định, được nghe Kim Ngọc Diệu kể rằng câu chuyện đau đớn ấy, mỗi khi nhắc lại lần nào Nguyễn Bính cũng khóc.

Báo Nhân Văn đã ra được mấy số. Có dư luận báo chống đối. Người thành phố nghe ngóng và tò mò. Nhưng mà những hoạt động gây sự không phải chỉ ở vài bài báo trên Nhân Văn, mà cái chính là ý đồ chính trị rộng ra nữa của một số giới không phải là những người làm báo Nhân Văn trong tình hình nhạy cảm ở các đô thị lúc ấy. Báo Nhân Văn đương hô hào dân chủ và in một số sáng tác phong cách mới. Bạn đọc chú ý và chờ đợi sự đổi mới của văn nghệ. Nhưng không ai lưu tâm những người bỏ tiền cho vốn in báo và những hoạt động chính trị đòi thay đổi và chia quyền lãnh đạo đã âm thầm dấy lên, trong giới tư sản đương bối rối, trong một số trí thức ở vùng mới giải phóng và ở đảng Dân Chủ. Báo Nhân Văn chỉ là một phần bề ngoài và là một thủ thuật chính trị dựa vào trăm hoa đua nở. Mấy cây bút cộng tác với báo Nhân Văn không biết được tình hình thật sự như trên. Đâm ra ngộ nhận tai hại về hoàn cảnh, về văn học và cả về tài năng của họ nữa.

Chiến thuật thâm hiểm ấy gây nên cách nhìn lẫn lộn số đông tác giả với lòng chân thành ở mỗi người và ở tổ chức. Khí còn ở rừng, chúng tôi đã thuộc tính Nguyễn Huy Tưởng, đôi lúc còn chế giễu, những lúc Nguyễn Huy Tưởng tròn miệng tròn mắt thao thao ca tụng khấn vái L.Tônxtôi, Ifxen… và ở mỗi người bạn mà anh quý, mỗi cán bộ cấp cao, Nguyễn Huy Tưởng đều tìm ra những ưu điểm tô hồng rầm rộ. Ai nấy đều cười và quen đến độ, Nguyễn Huy Tưởng sắp khen, đã biết khen thế nào rồi. Nhưng về thành phố, từ lúc nào xuất hiện một Nguyễn Huy Tưởng lầm lỳ, đăm chiêu, ít nói và nói cũng khác mọi khi. Nguyễn Huy Tưởng không bằng lòng mấy anh em quanh mình giấu diếm làm báo Nhân Văn, nhưng Nguyễn Huy Tưởng cho rằng chúng nó cũng vẫn là chúng mình cả thôi, chẳng lẽ chỉ biến đâu một lúc, trở lại là thằng khác à?

Những cơn nghĩ dày vò Nguyễn Huy Tưởng lúc ấy là tình hình thế giới. Vốn phục Ti tô, Nguyễn Huy Tưởng không bằng lòng với việc nước Nam Tư bị đuổi khỏi cục Thông tin quốc tế – một tổ chức tập hợp lực lượng dân chủ và tiến bộ thích ứng với tình hình mới. Dồn dập, tháng mười năm 1956, xảy ra sự kiện Hungari. Mấy đêm Nguyễn Huy Tưởng không chợp mắt được. Mở cửa trông sang cái hiệu Tàu vằn thắn mì hôm trước đông khách suốt ngày tới khuya, bỗng có thì thào: vằn thắn thịt chuột. Khách vắng hẳn. Buồn thiu như Nguyễn Huy Tưởng. Nguyễn Huy Tưởng nói:

– Nước Hungari trong phe xã hội chủ nghĩa, nhưng trước nhất nước Hungari là nước Hungari đã ông thấy thế nào? Các ông thấy thế nào? Tôi không hiểu, tôi không thể hiểu.

Nguyễn Huy Tưởng băn khoăn. Nguyễn Huy Tưởng có những ý kiến khác những lời bình trên các báo. Nguyễn Huy Tưởng vốn kỷ luật, chịu khó viết nhật ký và sưu tầm tài liệu. Nhưng chắc Nguyễn Huy Tưởng đã không ghi lại những trăn trở, những khủng hoảng như tôi vừa kể trên. Bấy giờ, những ý kiến khác lạ không mấy ai dám nói ra và ghi lại. Thà chôn sâu trong lòng. Trò chuyện với Nguyễn Huy Tưởng cái cười vẫn đôn hậu thế, nhưng khác trước rồi. Có người bảo gần đây bác sĩ Phạm Ngọc Khuê dưới Hải Phòng hay lên chơi với Nguyễn Huy Tưởng. Khi còn trẻ, Nguyễn Huy Tưởng mê và phục thuyết Sinh lực mới của anh bạn có khuynh hướng tờrốtkít này. Nguyễn Huy Tưởng thân với Nguyễn Hữu Đang. Chúng tôi đã cùng hoạt động hội truyền bá Quốc ngữ và Văn hoá Cứu Quốc. Nguyễn Huy Tưởng quý bạn, bao giờ cũng phát hiện ra những khía tốt của bạn, nhưng tôi không tin Nguyễn Huy Tưởng thay đổi vì ảnh hưởng ai. Con người chân thành ấy chỉ nghĩ thực, nói thực Có khi tôi đùa:

– Ông là thằng cộng sản dân tộc.

Nguyễn Huy Tưởng cười hiền lành.

– Cậu bảo tớ bắt chước Ti tô? Không phải.

– Nguyễn Huy Tưởng là cộng sản Việt Nam. Nhưng mà nguy hiểm đấy. Chẳng nên đùa nhau thế.

Nguyễn Huy Tưởng nói nho nhỏ, cặp mày rậm rên con mắt hồn nhiên nhíu lại, buồn hẳn. Chúng tôi không bao giờ đùa cợt và nhắc lại như vừa rồi nữa.

Bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng đang ấp ủ dự định viết tiểu thuyết Sông mãi với Thủ đô. Sự tích hai tháng chiến đấu trong lòng Hà Nội của Trung đoàn 102 những ngày đầu. Đề tài ấy Nguyễn Huy Tưởng theo đuổi đã lâu, từ khi trung đoàn được thành lập giữa liên khu 1 ở nội thành, đến hôm trung đoàn vượt vòng vây ra, chúng tôi đã đi đón ở cánh đồng Gối, Nguyễn Huy Tưởng càng mê. ở Việt Bắc, Nguyễn Huy Tưởng đã có dịp đi nhiều chiến dịch với Trung đoàn Thủ đô. Nguyễn Huy Tưởng vốn có nghị lực và thiết thực, đã chuẩn bị thì phải viết và viết được.

Nhưng từ khi về Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng có hoàn cảnh được về luôn Lai Xá, doanh trại trung đoàn nhà cao cửa rộng ở đấy. Nguyễn Huy Tưởng đã đến ở lâu với trung đoàn. Ngót mười năm chinh chiến, hầu hết các đại đội trưởng, trung đội trưởng đã không còn. Những trận đánh nhanh nhẹn tài hoa phong cách thanh niên Hà Nội của Trung đoàn Thủ đô đã nổi tiếng khắp Việt Bắc trong các chiến dịch Biên giới, Trung du, Hoà Bình, Đông Bắc, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Giữa những cuộc chiến dũng mãnh ấy, các chỉ huy đại đội, trung đội đã ngã xuống nhiều. Và cũng biết bao nhiêu tâm trạng phức tạp, éo le, trái ngược trong một con người chiến sĩ. Mấy tháng trời, Nguyễn Huy Tưởng cất công về Lai Xá. Kết quả thu được, Nguyễn Huy Tưởng sẵn hào hứng mới về một tác phẩm khác hẳn bản thảo ban đầu đã viết. Trung đoàn Thủ đô mới được Nguyễn Huy Tưởng phát hiện, khí thế và truyền thống, coi cái chết như không. Bao nhiêu chiến sĩ tín nghĩa, trung thực và cũng thật tàn bạo, – anh hùng và hoang dại, đằng nào cũng đều cực kỳ. Vẫn cái nhìn và phong cách Nguyễn Huy Tưởng, cái gì cũng tới chuẩn tối đa, nhưng không còn Nguyễn Huy Tưởng lúc nào cũng ngạc nhiên và trố mắt, khen không tiếc lời. Nguyễn Huy Tưởng định xây dựng và sáng tạo lại nhiều mặt cuộc sống mãnh liệt và phức tạp, tinh thần chiến đấu quên mình, sắc sảo tính cách Hà Nội, lẫn lộn và chống chọi với tâm địa hèn nhát, thói mặc cả tình thế. Trung đội trưởng Bạch Ngọc Liễn còn sống sót đến bấy giờ đã hiện ra như một nhân vật tiêu biểu và cũng là người cho Nguyễn Huy Tưởng thấy được những góc cạnh u tối trong cuộc đời. ở chiến dịch Sông Thao năm 1949, tôi đã được đọc nhật ký của Bạch Ngọc Liễn. Cái hôm Bạch Ngọc Liễn đứng gác trên sân thượng nhà in Lê Cường phố Hàng Bồ nhấc khẩu trung liên lia một băng đạn vào chiếc phi cơ spitphai vừa xà xuống bắn phố Hàng Thiếc khu Đông Thành. Chiếc máy bay ấy rơi ngoài bãi Nghĩa Dũng bờ sông, có lẽ là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị hạ trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Những người còn sống mà Nguyễn Huy Tưởng đã gặp và những người đã chết Nguyễn Huy Tưởng được nghe bạn bè kể. Kỷ niệm làm sống lại những sự thực đã cho Nguyễn Huy Tưởng những khám phá mới. Nguyễn Huy Tưởng có ý muốn viết lại Sống mãi với Thủ đô.

Một đợt nghiên cứu chính trị của văn nghệ sĩ và cán bộ quản lý văn hoá văn nghệ ở Trung ương. Hai mươi ngày, lên hội trường ở cái gác làm sàn nhảy trên sân thượng khách sạn Rít ở Bờ Hồ. Ngoài cửa sổ, vòm lá sấu xanh rì, thấp thoáng bên kia mặt hồ Hoàn Kiếm. Giữa tình hình áy, lớp nghiên cứu thật quan trọng. Nhưng chúng tôi không có trách nhiệm đáng kể và thói quen nhởn nhơ của tôi thì vẫn thế. Đường sắt Hải Phòng – Lào Cai vừa khôi phục nối với Côn Minh bên Vân Nam. Tôi đi dự khánh thành trên một đoàn tàu khách, có cả Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng… Làm thế nào mà Nguyễn Tuân cũng mò đi! Lúc ấy, Nguyễn Tuân đương làm Tổng thư ký hội văn nghệ cơ mà. Có lẽ xưa nay văn nghệ văn nghẽo vẫn thế, bảo là cần thì cần lắm, mà là thường thì cũng thường thôi. Dong duổi đó đây thích hơn.

Những chiếc tà vẹt tám tấc, những thanh ray cổ lỗ nhất thế giới. Chúng tôi muốn được thú vị ngồi trên toa mà đường ray là những thanh tà vẹt bánh tàu đương lăn dưới kia, khi kháng chiến tiêu thổ, người các làng bên Đoan Hùng lên Tuyên Quang ven sông Lô đã sang tận sông Thao dỡ từng chiếc khiêng về làm cầu khỉ, cầu ao, cọc bờ rào. Giữa mùa mưa lũ, đường đất thó sống trâu trơn như đổ mỡ, ở Ao Châu, Gia Điền, Đan Hà, Đại Phạm, Ba Quanh, Thinh Cù, người chống gậy qua những cầu ray nhún nhảy. Những thanh sắt lưu lạc bây giờ được vác về đặt tên taluy mới, các làng ven đường lại đổ ra cắm cờ lên, đắp đất bắc đường cho chóng thấy tàu hoả chạy qua, thật hăng hái làm cũng như khi cật lực đào phá đường tàu. Những kỳ diệu, bấy giờ chúng tôi cho là thế cả như trong thành phố, cái tàu điện cải tiến, ông vát man có ghế ngồi không phải đứng lái như xưa. Trong khoang bỏ ghế hạng nhất, chỗ ngồi đồng loạt à thế là dân chủ. Và không biết cái đường xe lửa Hà Nội – Vân Nam này của công ty hoả xa Việt Điền được mua lại hay là ta đã sung công, cứ cho là ta sung công cho oai? Còn thật là sướng mắt khi thấy báo đăng tin kèm ảnh chụp, rồi một hôm nhìn được hẳn hoi chạy ngoài đường cái ô-tô đầu tiên của quân giới lắp ráp được. Sau đít xe, chiếc biển kẻ ba số 0 rồi mới đến con số một đỏ choé – nhà máy quân đội ta đã sản xuất được cả ô-tô! Những đồ đồng nát đem chữa chạy vá víu lại mà khiến ta có thể vỗ tay lên được chủ nghĩa xã hội thì đến ngơ ngẩn cả người thật.

Nguyễn Tuân không nhiều tâm trạng và băn khoăn thời sự với chính trị như Nguyễn Huy Tưởng. Con người ấy quan niệm về tự do là không bờ bến không chính trị, nhưng cũng không bao giờ lung tung, đúng nghĩa ra là một lối sống nền nếp. Cùng Nguyễn Tuân, nhiều lần tôi tiếp khách nước ngoài. Nguyễn Tuân chuyện thật vui, mà lại rất nghiêm chỉnh. Cái ngang ngang Nguyễn Tuân một mình một tính làm cho người ta hiểu lầm và dễ vui chuyện phóng đại lên. Những tiệc đứng tiệc ngồi trong dịp các lễ lớn ở một số sứ quán.

Thông thường, khách ăn uống đủ, trò chuyện qua loa với người bên cạnh rồi chỉ còn đợi vị khách cao nhất của ta chào chủ tiệc, thì mọi người lục tục ra theo. Nguyễn Tuân không thế. Nguyễn Tuân làm những sự khác thường, khác thường nhưng tế nhị. Nguyễn Tuân vốn khảnh ăn. Đôi khi sắp đến hẹn đi, Nguyễn Tuân vẫn ăn uống như thường, không bỏ cơm nhà. Nguyễn Tuân thích trò chuyện với mấy người phóng viên thường trú ở Hà Nội của báo ý, báo Pháp, báo Liên Xô: Cầm dĩa, lấy một miếng thịt sấy, một ít trứng cá. Không cầm rượu rót sẵn ngoài bàn, Nguyễn Tuân vào cái quầy ở phía trong phòng tiệc – mà chỉ khách thạo uống mới khám phá được chỗ góc rượu thân ái ấy. Nguyễn Tuân lấy một cốc rượu mạnh, cô nhắc hay uytky rồi ra đứng một mình. Như nhấp nháp và nhìn ra xem người ta đương xúm xít quây quanh bàn.

Hôm ấy cao hứng – vâng, thật cao hứng mà không phải vì say, ở sân cỏ vườn sứ quán Pháp, khách đã vãn, Nguyễn Tuân vẫn cầm dĩa, lại châm thuốc hút và đủng đỉnh đứng đấy. Cuộc chiêu đãi không phải đã kết thúc sau lúc tiễn khách. Nguyễn Tuân biết kiểu Tây ăn cũng chẳng khác phong tục lâu đời ở quê ta, nhà có cỗ bàn đám cưới, khách khứa đi về gia chủ mới dọn ra một mâm – không phải cỗ vét mâm bát mới hẳn hoi, nhưng là mâm người nhà. Bao giờ những mâm người nhà cũng thật sự vui nhất. ở sứ quán này cũng thế. Tôi đã được dự mâm người nhà thế tại sứ quán Trung Quốc ở Tân Đê Li bên ấn-độ, và ở Êtyôpi đến bấy giờ ai cũng mới uống say. Cho hay cái ý nhị trong ăn uống vốn là tính người và kinh nghiệm nhân loại từ tiền sử cho đến ngày nay thật phong phú. Người nhà, suốt buổi lo đưa đón, phục dịch, bây giờ mới vào cuộc cho mình. Ông đại sứ đầu trò – cuộc chè chén kéo dài không biết khuya đến đâu. Cái vị khách từ lúc tiệc chính vẫn đứng một mình đằng kia, bấy giờ bước lại bàn chủ tiệc người nhà và nâng cốc. Nguyễn Tuân lịch sự cạn một cốc của ông đại sứ Pháp vừa mời lại. Rồi khách mới ý tứ chào, ra về một mình. Đường khuya đã vắng ngắt, chỉ còn người công an đứng trong chòi gác. Những khác người trong lối sống, những tế nhị, kiểu cách mà không ồn ào. Cả trong văn Nguyễn Tuân, từ triết lý đến mỗi câu mỗi chữ. Những ai có trách nhiệm đọc Nguyễn Tuân đã bỏ công soi mói, bẻ hành bẻ tỏi chỉ là thói quen gò ý và trịch thượng. Thời chống Mỹ, Nguyễn Tuân viết một loạt ký về Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, thế mà vẫn có những bút chì đỏ gạch từng quãng lưu ý cấp trên. Tôi gặp khó khăn bởi những chuyện ấy, vì Hội Văn nghệ Hà Nội đã in lần thứ nhất tập bút ký này. Công việc gọi là theo dõi ấy thật sự là đố ky và bề trên, khác nào ngày nay người ta dùng lẫn hai chứ theo dõi mà nghĩa một thời của nó không đẹp đẽ lịch sự như bây giờ đài báo cảm ơn bạn đọc và người nghe đã theo dõi. Không, chỉ có mật thám theo dõi người bị tình nghi, đội xếp theo dõi kẻ cắp sắp móc ví. Nghĩa thời trước của hai chữ theo dõi là vậy. Xem lại những bút ký Phở, Tình rừng, Tờ hoa, có thể đọc một lần rồi đọc lại lần nữa. Không vì thích thú mà còn vì ngạc nhiên. Đấy chỉ là những áng văn bộc lộ những nét riêng với cái nhìn đáo để và trang nhã, mài những cái ấy đi thì còn đâu văn Nguyễn Tuân.

Mấy chữ Nguyễn Tuân viết cho tôi, từ Sa pa – không đề ngày tháng. Dấu bưu điện trên cái bưu thiếp ảnh màu rừng thông, mái nhà nhô ra trong sương mù và bóng Hoàng Liên Sơn.

Hoài,

Mình leo Hoàng Liên Sơn cả lên cả xuống mất 5 ngày. Người đang mệt và đau gối. Khoe khoẻ là xin huyện uỷ thuê ngựa cho và sẽ đi tiếp vào Phong Thổ. Mình ở trên đỉnh ca nhất, được thấy hoa đỗ quyên nở rất đẹp. Đỗ quyên màu hồng điều, cánh sen vàng nở giữa rừng trúc phất trần. Trong đời mình, trong mọi mùa xuân, mình chưa bao giờ thấy mây và hoa nhiều đến như thế. Lên đây lạnh, mưa gió như bão, túi luôn phải có chai rượu mạnh để chống khí núi. Hết 2/3 lạng cao hổ rồi.

Nguyễn Tuân

Khi lên cao, mình có bị ong đốt, mặc dù chẳng có trêu phá gì nó.

Cái câu tái bút ong đốt vu vơ chỉ gửi cho tôi này, chắc nếu đăng báo, in sách cũng lại điêu đứng đấy. Ôi là trời, cái tính người ta thế, chứ xỏ xiên gì đâu.

Có một thời, những người theo dõi báo chí, xuất bản và phát hành sách báo được phong làm lính gác. Lính gác thì phải có việc của lính gác, chẳng lẽ ăn lương để đứng không. Nhưng thật ra người ta chỉ đọc a dua rồi đánh đòn hội chợ. Cấp trên hô người ấy, bài ấy có vấn đề. Tự nhiên cảm thấy hình như có vấn đề thật và người ta dò tìm từng câu từng chữ. Thế nào chẳng ra vấn đề! Bỗng khó chịu cả cách diễn đạt khác nhau của mỗi ngòi bút, thế là làm sao. Không biết vì tổ chức đặt ra công tác theo dõi làm cho cái người theo dõi bỗng nhiên được làm thầy thằng bị (được) theo dõi. Hay là tại vì thuở nhỏ đi học, nhà trường chưa bao giờ giảng cho các vị ấy khi còn là học sinh hiểu bài văn muốn có ý nghĩa, trước hết bài văn phải hay. Khốn thay, người ta viết văn thất bại nhưng vẫn làm cán bộ theo dõi được. Cái nhìn sự sáng tạo cứ lên xuống theo thời tiết. Nguyễn Tuân cáu kỉnh nhẹ nhàng và chua chát:

– Có khi mày bảo chúng nó viết đi, để ông với mày đi chơi, thế là bớt được thằng công tác theo dõi!

Nói vậy, Nguyễn Tuân vẫn là Nguyễn Tuân thế, không có gì khác.

– Này, chúng nó đồn ầm lên ông mới nói, nếu ông còn trẻ thì ông cũng bỏ đất này ông đi.

Nguyễn Tuân thong thả nói, như cho mình nghe:

– Biết đuổi theo đứa nào mà cải chính bây giờ!

Những câu Nguyễn Tuân nói thế, Nguyễn Tuân bảo thế đến tai Nguyễn Tuân quá nhàm. Càng khó khăn, càng gay go, khi cả buổi tay khư khư quyển sổ đứng vẫn chưa đong được tháng gạo. Mỗi hôm mua bó rau muống, rau dền, phải sắp hàng dài hơn – may thay, nhà văn già, hay là nhu Nguyễn Tuân đã vỗ ngực xưng với Mộng Tuyết: hàn sĩ đỏ, nhà văn đỏ và cao tuổi ấy đã được bà lão và cô con gái út cáng cho những vất vả về gạo nước mà ông chỉ trông thấy đã đủ mệt nhọc rồi. Cái đèn điện không chao cứ nhè đến bữa ăn chập tối thì tắt ngỏm. Thế là buông đũa thở dài ca cẩm, tưởng tượng như bí thư thành uỷ đứng trước mặt:

– Đấy điện khí hoá thành phố của ông ấy đấy. Trong khi vẫn lặng lẽ với tay lên giá sách lấy cây nến đỏ. Và vẫn tuân thủ, làm việc và đọc mê mải. Nửa đêm qua sông sơ tán sang huyện Quế Võ. Tang tảng sáng, vào quán chè tươi uống bán nước sớm xem người ta ăn phở thịt chó rựa mận. Trở về thành phố, báo động và máy bay còn rền rĩ trên đầu, Nguyễn Tuân đạp xe lên hồ Trúc Bạch. Thấy bảo có thằng giặc lái rơi xuống đấy, nhưng bị xách cổ đi rồi, còn thằng nữa nhảy dù xuống đường Thụy Khuê ven hồ đằng kia. Nguyễn Tuân đội cái mũ sắt khối Nato nông choen hoẻn – dạo trước có cái mũ lính cứu hoả có mào của Pháp, mới đổi được chiếc mũ Nato này. Nguyễn Tuân đến dự đám cưới của đội tự vệ tổ chức trên trận địa pháo cạnh cầu Long Biên. Rồi viết bài đăng trang nhất báo Nhân Dân.

Thế nhưng, những câu Người ta bảo ông nói thế này… thế này… vẫn vo ve đến. Cho hay cũng là thói đời. Câu nói mát mẻ, xỏ xiên, các thứ tiếu lâm thời thế ở đâu đâu hay quàng đến mượn tiếng Nguyễn Tuân bất mãn. Nhiều đến độ người nọ thổi vào tai người kia, nếu tò mò cộng lại, cũng không thể tin cái ông nhà văn dẫu có tiếng là ngạnh trê đấy, nhưng chắc cũng không hơi sức đâu bịa ra lắm chuyện đổng giả thế. Nhưng đồn thì cứ đồn.

Nguyễn Tuân lại nói:

– Kể ra mình cũng có tội. Cái tội hay nói bô bô, không kín võ được như cậu. Mà tớ chẳng có võ gì cả. Cũng không biết bơi, không biết cưỡi ngựa. Bởi thế mới sinh chuyện. Nhưng cũng không bực mình vì mọi thứ người ta đổ lên đầu đâu. Mình không nói thì thằng khác nói. Các nhà văn hoá dân gian nên sưu tầm và nghiên cứu tiếu lâm tục ngữ, ca dao thời sự, văn hoá dân gian đấy chứ.

Ông nói vui thế chứ ông cũng không phải người đa ngôn. Cũng như ở những thói quen khác, cái nỗi vẫn là, một mình một tính. Khi bực bội, chẳng kể to nhỏ, cái gì cũng vặc. Đuổi một người gõ nhầm cửa. Dửng dưng trước một người mình không ưa, dù người ta giơ tay định bắt tay. Lại thấy cái ông ấy vào cùng buồng trong bệnh viện, nhất định đổi sang buồng khác. Phàn nàn mùa này Hà Nội đến chết sặc vì mùi hoa sữa. Cười những cán bộ các tỉnh gà vịt đội lông công, cũng áo cánh lụa mã gà phe phẩy cái quạt giấy, cười cười như uỷ viên bộ chính trị. Chửi các báo địa phương làm măng xét hệt báo Nhân Dân Trên bảo chúng nó phải làm thế à. Rồi lại khó chịu với cả mình. Mình là cái chó gì mà có thằng cũng bắt chước. Cái tóc cái râu, cái batoong khệnh khạng vào nhà hát lớn. lên máy bay…. Ôi vui nhiều, cáu nhiều quá, bực mình quá.

Nguyễn Tuân nói:

– Thế này thì mình xin ra Đảng.

Nguyễn Tuân hay nói câu ấy khi bực bội. Nguyễn Tuân nhớ và ghi con số không thua Nguyễn Công Hoan thuộc sử. Ngày nào năm nào sở Liêm phóng Bắc Kỳ cho mật thám giải từ Hoả Lò lên căng Vụ Bản, châu Lạc Sơn vùng rừng núi Hoà Bình, Ninh Bình. Bị bắt ở Vọng Các, tống về Sài Gòn, xuống tàu thuỷ ra Bắc, tàu Chantilly ngày mấy tháng mấy. Đi hội nghị hoà bình thế giới ở Henxanhky qua Trung Quốc ở lại bao nhiêu hôm. Những lần lên Lai Châu, lên Hà Giang, năm nào mùa nào…

Chúng tôi ở Lào Cai về, đợt nghiên cứu 21 ngày vừa hết, còn buổi sau cùng. Tiếng vỗ tay bế mạc rầm rầm ngập cái sân thượng. Ông Phan Khôi ngang như cua ưa chơi trội, chống batoong bước ra về trước, còn quay lại phang một câu thế nào đấy, dường như bảo là người đi chợ Hôm sung sướng mua được quả chanh cốm, hỏi ra mới biết chanh xuất khẩu bị ế. ờ, người trồng chanh phải được ăn quả chanh ngon nhất chớ! Chẳng hiểu lão chửi bóng hay nói vỗ mặt. Nhưng mà cách nghênh ngáo tợn tạo của ông thì không ai lạ. ở Yên Dã trên Đại Từ, một lần tư lệnh Nguyễn Sơn đến chơi, Nguyễn Huy Tưởng mời anh em họp mừng ông tướng mới ở khu 4 ra và nghe ông tướng nói chuyện Kiều. Quá mười giờ đêm rồi, Nguyễn Sơn vẫn nói và hét toang toang. Phan Khôi nằm trên nhà đồi không ngủ được. Ông xuống, thò đầu vào cửa phòng, quát:

– Nói to thế mà không sợ đứt cổ a?

Rồi quay ra, lại lên chui vào màn.

Chúng tôi bị kiểm điểm qua loa: bỏ lớp học quan trọng đi ăn mừng đường xe lửa được khôi phục, việc không cần thiết. Báo Nhân Văn ra đến số 6 bị tịch thu tại nhà in. Các báo hoan nghênh việc đó. Một số văn nghệ sĩ chúng tôi chẳng biết ai chủ trương cũng ra tuyên bố tán thành sự tịch thu báo Nhân Văn. Nhà xuất bản Minh Đức tự đóng cửa. Hồi ấy, báo in còn ít, chỉ tính số nghìn. Nhưng một tờ báo bị cấm thì ầm ĩ ngay. Bấy giờ, cuối năm 1956.

Thành phố vẫn đương âm thầm cải tạo tư sản. Dẫu cho thường được nghe phân tích là ở nơi đô hội, thị dân chỉ có tiêu thụ thì giai cấp tư sản bé bằng con muỗi mắt.

Nhưng làm sao không đụng chạm đến từng nhà. Lại thêm biết bao nhiêu người họ hàng xa gần vừa bị chìm nổi sóng gió đấu tố ở nông thôn, từ Nghệ An, Hà tĩnh ra, Hải Dương lên. Nhiều địa chủ đã được sửa sai vẫn chưa dứt cơn hốt, bỏ quê về thành phố. Càng thêm nháo nhác, nhộn nhạo những đồn thổi.

Các đoàn thể tổ chức kiểm điểm và kỷ luật nội bộ những cán bộ tham gia viết và hoạt động chò báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm của nhà xuất bản Minh Đức.

ở hội Nhạc, Đặng Đình Hưng bị khai trừ đảng. Văn Cao, phải cảnh cáo, chỉ được ở hội nhạc không được ở hội văn, hội vẽ. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên, tuy chỉ làm có cái bìa sách cho nhà xuất bản nọ nhưng chắc là không khí sát phạt ở các buổi họp khiến các anh ngại, đã xin ra đảng. Trên có nghị quyết không khai trừ, mà đồng ý cho được thôi. Có lẽ đến bây giờ, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn giữ cuốn sổ tay ghi số đến thứ bao nhiêu lần những cuộc mời họp mà Nguyễn Tư Nghiêm không đi. Khoe với tôi như thế, anh có vẻ thú về những con số tỉ mẩn ấy. Khác Nguyễn Sáng, Nguyễn Sáng vẽ ký hoạ trên báo Nhân Văn một đầu người ở cổ có vết khía, như cái lá. Người ta bảo đấy là chân dung Trần Dần và cái sẹo còn lại khi anh định tự vẫn. Nguyễn Sáng không được bình huân chương kháng chiến. Những năm sau, trong lúc Hà Nội bị máy bay Mỹ quấy báo động liên miên, Nguyễn Sáng đã lo rất đứng đắn. Rồi giải phóng miền Nam, tao về thăm quê, họ hàng bà con hỏi chú đi làm Việt Minh, Việt Cộng bao nhiêu năm thế mà trên ngực không có cái mề đay nào? Mày bảo tao trả lời ra sao? Tao buồn lắm. Hoàng Cầm bị ra khỏi ban chấp hành, phải thôi việc nhà xuất bản, chuyển công tác về sở Văn hoá Hà Nội. Phùng Quán nhờ có chú Phùng Thị, chánh văn phòng bộ Văn hoá đưa lên làm ở vụ Văn hoá quần chúng. Nhưng ai cũng bức bối không yên. Hoàng Cầm thì mở quán rượu, Phùng Quán câu cá hồ Tây, hiu hắt, dông dài, cho tới năm về hưu non. Đi Bắc Kinh dự kỷ niệm Lỗ Tấn về, ông Phan Khôi hào hứng viết về chuyến đi. Nhưng rồi nhạt dần. Ông ngồi yên. Ông vẫn được đãi chế độ nhân sĩ lương cao và tiêu chuẩn có người phục vụ, nhưng chẳng ai hỏi tới. Ông nằm yên. Mấy năm sau, lâm bệnh mất. Đám ma bác Phan Khôi, đi sau xe tang, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng Phương – cháu gọi bằng cậu. Trần Dần và Lê Đạt ra khỏi cơ quan, chuyên dịch không ký tên cho nhà xuất bản Văn Học. Nhà xuất bản Sự Thật thuê Trần Đức Thảo duyệt dịch sách lý luận kinh điển. Ban chấp hành Hội Nhà văn quyết định truất ba năm hội tịch Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán đăng tin trên báo Văn Học, cơ quan của Hội. Tôi không nhớ việc ở các hội nghệ thuật khác.

Nhưng đằng đẵng ba mươi năm không hội văn học nghệ thuật nào lôi ra xem xét lại. Sợ sệt, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông Nhân Văn cả nước, mà tràn lan đến những Nhân Văn phố, Nhân Văn xóm, chẳng bị kỷ luật gì, nhiễu người không phải vì bài văn câu thơ, mà bởi lời nói bông lông, bốc trời chẳng hạn, cũng bị quy chụp luôn. Hữu Loan không ở nhóm nào cũng bỏ làm báo Văn Nghệ về Thanh Hoá. Nghe nói sinh nhai bằng nghề đi xe thồ và vào núi đập đá bán. Những cây bút trẻ, như Vũ Bão, như Lê Bầu, có mấy truyện in sách, đăng Văn nghệ Quân đội tươi mát lắm, cũng chột luôn. Triền miên lẳng lặng bề ngoài bình thường như đã xoá đi, nhưng bên trong thì khác. Người có vấn đề thì lo đối phó.

Người canh gác thì cảnh giác. Tập ký của Nguyễn Tuân đưa nhà xuất bản Văn Học lần nào cũng được trả lời : Phát hành người ta chưa lấy được đủ số lượng. Nhà xuất bản có nhã ý gửi tác giả ít tiền ứng trước, thỉnh thoảng lại ứng trước. Nhưng rồi cũng không hẳn yên ổn. Đôi khi lại tòi ra Đống rác cũ, lại Vào đời, lại Cái gộc, lại chuyện Bác Hồ đi tắm bãi Titốp ngoài Hạ Long…

Những người theo dõi lại vất, lại nhộn nhịp. Mấy năm đầu, đôi khi Lê Đạt, Phùng Quán cũng viết ký tên khác cho sách bướm sở Văn hoá, Công Uẩn, Lê Đạt hay Phùng Quán truyện dự thi về Lênin, truyện cho thiếu nhi Tâm Trọc về thăm nhà, nhà xuất bản Kim Đồng in, Trần Dần dịch tiểu thuyết Những người chân đất không ký tên. Chỉ vài người quen có biết. Sau có lẽ cũng buồn, vì tên tuổi chẳng đi đến đâu, các anh thôi. Hoàng Cầm thì vẫn thế. Ai bảo thơ Hoàng Cầm hai mặt, một mặt, không, Hoàng Cầm có thể cắt nghĩa thành ba mặt, bốn năm mặt cũng được. Chỉ có tâm hồn thơ và cái giọng vàng mười hát thơ trên đài Tiếng nói Việt Nam, là không ai quên với vẻ đẹp thơ lấp lánh vàng mã trang kim – nhận xét của Lê Đạt. Đặng Đình Hưng dịch tài liệu cho hội nhạc, buôn rượu lậu và làm thơ. Từ dạo làm cái bài hát theo thời Nông dân là quân chủ lực. Đặng Đình Hưng chán nhạc. Oái oăm như Văn Cao chỉ được sinh hoạt ở hội nhạc, thì lại kiếm ăn bằng vẽ bìa. Văn Cao làm bìa độc đáo, có nét riêng. Đặng Đình Hưng viết một tập thơ Nhân, có chỗ buồn tay làm mấy trang đánh dấu chấm như mưa. Hiện nay, tập thơ ô mai của Đặng Đình Hưng cũng nhiều bài lấy ở tập Nhân thơ đầu tay. Ông cử Hưng – như người làng gọi, túng kiết lắm. Xách bị buôn chuyến rượu trong quê Chương Mỹ ra để được uống ghé vào đấy. Nhưng vẫn những tưng bừng bất thường. Đặng Đình Hưng rủ tôi lo đêm Trần Khánh hát. Đặng Đình Hưng biết tôi thích cái giọng sạn sạn của Trần Khánh, người hát hay mà chưa học hát bao giờ và lận đận vì lý lịch. Đêm ấy, cả buổi tối, một mình Trần Khánh hát. Hai đứa con lớp năm, lớp ba chi đó ngồi chầu hẫu dưới này rồi rối rít giơ tay đánh nhịp theo bố hát. Tôi tặng Trần Khánh bó layơn hồng – Trần Khánh chẳng thể biết tôi không chơi hoa mua hoa bao giờ. Đặng Đình Hưng kèm vào bó hoa một chai rượu. Chắc cái bị khoác vai đeo rượu đi bán để ngoài cửa. Đặng Đình Hưng ôm tôi, thì thào :

– Thành công, thành công, Trần Khánh!

Như chuyện Kim Kiều tái hợp, đời người cũng có hậu, những năm sau này Đặng Đình Hưng được con trai gửi tiền nuôi. Mua một căn hộ 23 thước vuông, thuê một máy điện thoại. Cứ chặp tối lại nghe giọng rè rè 44639, 201 C4 Hưng Giảng Võ đây Đặng Đình Hưng bày ra chiếu giữa nhà cả chục hũ thuỷ tinh rượu ngâm tắc kè, rắn, ba kích, dái dê, quất hồng bì, bẩn gớm chết. Hôm này nếm rượu nhà Đặng Đình Hưng về tôi cũng bị tào tháo đuổi. Khách ghé gẩm uống nhiều nhiều. Ông chủ đã để những chai rượu chợ ra phía ngoài. Cho người ta uống chạc, ngồi nhìn mà trong bụng khinh. Bây giờ Đặng Đình Hưng lại bỗng thấy trong văn nghệ thì nhất hội hoạ. Đặng Đình Hưng vẽ lụa, sơn dầu, sơn mài… Đăng Đình Hưng nguệch ngoạc xuống giấy rồi thuê người làm sơn mài. Đặng Đình Hưng bảo tôi :

– Em vẽ ông anh ngồi uống rượu đấy.

Rồi trỏ vào mấy chấm vàng và một nét nửa chữ V trên nền sơn then. Trần Lưu Hậu và Trọng Kiệm gật gật, giơ chén.

Tiểu thuyết Người người lớp lớp về Điện Biên Phủ của Trần Dần, bắt chước giọng như tiểu thuyết Trung Quốc đương bày bán ở các hiệu sách của Triệu Thụ Lý, của Mã phong, những Anh hai Đen lấy vợ và ánh lửa đằng trước, cũng chương hồi, cũng : Lại nói về chỉ còn thiếu có câu hồi sau phân giải. Và cái kiểu nhân vật tên kép hai ba chữ Hùng Sinh, Trần Hoàng, Ngô Thiên Lý của Trần Dần đã được nhiều người bắt chước theo. Trong khi, theo cách từng thời của văn ta, tên người chỉ một chữ và khi dùng hai, ba chữ đều do những yêu cầu riêng. Đến thời văn chương Tự Lực đã dọn lại thành Mai, Chương, Tuyết, cần lắm mới thêm chữ tú, chữ hai, hay hai ba chữ tiếng lóng. Năm Sà Goòng, Bảy Sẹo… Tên hai ba chữ là trở ngược lại một giai thoại văn học đã qua. Mấy năm ấy, Trần Dần loay hoay với một tiểu thuyết – mà tôi được đọc bản thảo, không nhớ tên, hay là chưa có tên. Kết quả công phu Trần Dần đi vùng phố Khâm Thiên làm quen với những người thời pháp đi lính nguy và viết về họ.

Cuốn tiểu thuyết ấy như tác phẩm của các nhà văn phái tiểu thuyết mới của văn học Pháp hiện nay, những tiểu thuyết Năm ngoái ở Marinba của A.R.Griê, Người lạ mặt của N.Sarôt, Thay đổi của M.Buto… Các ông này viết khó hiểu, mỗi quyển trên đằng cuối in thêm một trang hướng dẫn người đọc Mới đây, trên một tờ phụ san văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh, Dương Tường có trao đổi về một bài báo tôi viết về vấn đề những cái dấu trong câu văn. Dương Tường không đồng ý với luận điểm của tôi. Vấn đề này chúng ta còn tiếp tục bàn nhưng tôi đọc của Griê, của Buto loại in phổ thông, thật có tờ chỉ dẫn cách xem ở trang cuối Tôi không bịa dựng đứng ra đâu.

Lời tựa tiểu thuyết mới này của Trần Dần đại để: Nông nghiệp nước ta đương tiến lên công nghiệp, những cánh đồng đã bờ vùng bờ thửa, văn tôi cũng bờ vùng bờ thửa. Trang sách bờ vùng bờ thửa của Trần Dần, một chương chữ như kiến bò đều đều từ đầu tới cuối không xuống dòng. Nhân vật trò chuyện và câu văn không có dấu. Người ta nói có ngừng lại để đánh dấu đâu. Rất nhiều tiếng lóng hủi, hủi – Văn tiếng lóng, văn hiện đại nhất. Thơ văn tiền phong hướng về tương lai, phải chôn hết cái cũ để cái mới xuất hiện. Trần Dần bảo thế.

Tuần báo Văn của Hội Nhà Văn mà Nguyên Hồng phụ trách vẫn ra đều. Nhưng hầu như số nào cũng lọt những bài mà các cơ quan trách nhiệm cảm thấy ẩn ý sao đấy. Kể cả một truyện ngắn của Nguyên Hồng. Truyện rất ngắn ấy, câu chuyện một con hổ người nuôi ở nhà như con chó. Phường săn kia bắt được trong rừng một con hổ bé tý tẹo. Con hổ được đem về nuôi trong nhà, cho đến khi con hổ to đùng. Hổ hiền lành bè bạn với con cún, con mèo, con gà. Nguyên Hồng đã có lần kể cho tôi nghe về nguồn gốc truyện này.

Mẹ Nguyên Hồng đã chấp bút đấy. Có lẽ cụ thấy từ thuở trẻ tới giờ, người con trai độc đinh của cụ quanh năm viết các truyện rồi đem bán được tiền, dễ quá. Ôi chao, một đời cụ, nỗi nhà và miếng cơm đã khiến con người đầu sông cuối bến sóm hôm, thiếu đâu chuyện, vô khối chuyện, chôn đi vẫn nhớ, vẫn không hết. Nhưng tội một nỗi cụ không biết chữ. Một hôm, cụ kể cho các cháu chép lại câu chuyện tại sao con hổ hoá ra như con chó vàng nằm hiền lành trong xó cửa. Hổ đã như con chó rồi, nhưng cả xóm ai cũng vẫn sợ. Bời vì nó là con hổ chứ không phải con chó. Thế là các ông phường săn đem hổ thả lên rừng. Nhớ nhà, hổ lại lững thững về nhà, lại phải đem thả. Cụ đưa cái chuyện các cháu đã chép như thế cho Nguyên Hồng. Nguyên Hồng cặm cụi viết lại, đăng trang cuối báo Văn. Câu chuyện nguồn gốc con hổ, tức cười và thực bắt đầu như thế. Nhưng với cách đọc soi lên gạch bút chì đỏ và suy diễn ra thì lại không thấy thế. Đời người thuở nào mà người lại nuôi hổ như nuôi vịt, dễ hơn nuôi vịt. Ông này muốn nói cái gì, nói ai? Xỏ xiên thế nào đây, không hiểu. Không hiểu tức là có vấn đề.

Năm 1956, báo Nhân Văn bị đình bản. Tôi có cái yếu bẩm sinh thường không nhớ ngày tháng của sự việc. Bây giờ viết lại những chuyện này, nhớ đâu viết đấy, nói được năm nào, năm nào, đã là tự cố gắng lắm rồi. Tôi thường cũng được tiếng là chịu khó ghi chép, nhưng thực chẳng bao giờ chú ý đến năm tháng và ghi đều. Năm 1957, đại hội thành lập các hội chuyên ngành. Hội Nhà Văn Việt Nam ra đời. Liền ngay, Hội tổ chức các cơ quan: báo, nhà xuất bản (có Trần Dần, Hoàng Cầm, Nhân Văn vẫn làm việc ở đấy), ban nghiên cứu sáng tác, ban liên lạc văn học nước ngoài (có Lê Đạt) câu lạc bộ (để Nguyễn Tuân nói về Đôtôépky và cười cợt mỉa mai, cứ đà này thành câu lạc bộ Pêtôphi lúc nào không biết), quỹ sáng tác (chẳng khác đánh trống gọi người đến lĩnh tiền, chia tiền)… Trên cho là cơ quan Hội Nhà Văn đã bị xỏ mũi. ở nhà xuất bản Văn Nghệ rồi chuyển thành nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi cùng làm việc với Hoàng Cầm, Trần Dần… Nhiều người tố cáo họ làm cả, Tô Hoài chỉ phổng mũi lên ký duyệt. In Kim Tiền (Vi Huyền Đắc), Truyện ngắn và tiểu luận (Thạch Lam), Nước giếng thơi (Nguyễn Bính), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), tập thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao… và đã quảng cáo in nhiều tác phẩm phức tạp khác của Vũ Bằng, của Vũ Trọng Phụng… Những tác giả ấy, người thì có vấn đề người thì đã di cư vào Nam và hầu hết viết trước cách mạng, tại sao đề cao nhiều những cái đã xếp xó đến thế. Tất nhiên là không bình thường, cái gì đây?

Báo Văn mà Nguyên Hồng phụ trách đã in trong nhiều số có những sáng tác còn khó chịu nữa. Kịch ngắn gợi lại vết thương cải cách ruộng đất những vở kịch của Hoàng Tích Linh ( Cơm mới), Nguyễn Khắc Dực (Chuyến tàu xuôi), Chu Ngọc (Ngày giỗ đầu). Ca khúc buồn bã và những phát biểu lệch lạc về âm nhạc của Tử Phác, của Nguyễn Văn Tý. Rồi thơ Phùng Quán (Lời mẹ dặn), truyện ký Phan Khôi (Ông năm Chuột) và truyện ngắn Đống máy của một cây bút trẻ gửi đến. Truyện tả một nhà máy nhập thiết bị nước ngoài rồi để chất đống ngoài trời đến hỏng nát. Người ta truy ra người viết là một kỹ sư và quy là anh nói xấu công nghiệp ta và tình hữu nghị quốc tế.

Chúng tôi lo lắng thực sự. Mấy bài xã luận của tôi trên báo Văn như Tổ chức phát triển lực lượng sáng tác trước nhất và Góp ý kiến về vấn đề xây dựng con người đều bị nhiều báo và dư luận nhận xét là lệch lạc thứ nhất, phải là tổ chức học tập và đi vào thực tế đời sống và không phải xây dựng con người chung chung mà là con người xã hội chủ nghĩa tiến lên cộng sản…

Lại trước đấy, sau đấy, truyện ngắn Ông lão hàng xóm của Kim Lân nghi ngờ thành tựu cải cách ruộng đất, những bài bút ký yếu đuối tinh thần đấu tranh thống nhất, như Thao thức của Đoàn Giỏi, Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng (*) (*Trong Nhà văn Việt Nam hiện đại in năm 1992, kỷ yếu kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Nhà Văn (1957-1992), tuần báo Văn xuất bản 1957/1958 không được nêu tên kể tên là tờ báo đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam)

Nhân Văn vẫn sờ sờ ra đấy, chứ đâu. Những người đã đánh Nhân Văn vừa qua khẳng định thế, cộng với những rì rào sang tai nhau, không khí nặng nề, ngao ngán, triền miên, thường hiện ra ở những chỗ này. Cái chuyện nuôi ông ba mươi trong nhà, cụ thân sinh ra Nguyên Hồng nghe được ở đâu từ đời thuở nào. Người đọc tha hồ nghi, nhưng mà sáng tác không có ước ao được người đọc nghĩ ra mênh mông thì cầm bút để làm gì? Một vòng người họp tổ, như các cụ trong làng ngày trước ngồi xếp bằng quanh chiếu tổ tôm. Những lời đao búa truy dồn. Thế là Nguyên Hồng khùng lên, khóc oà.

Năm trước đã nghiên cứu cả tháng rồi, bây giờ báo Văn lại sa vào hữu khuynh tệ hại như thế. Báo Văn phải ngừng xuất bản. Hội nghị bất thường Hội Nhà Văn – nhiệm kỳ mở đầu ngoi ngóp được hơn một năm, tất cả các cơ quan của Hội được chấn chỉnh lại, tuần báo Văn của Hội thay người phụ trách và đổi tên mới là tuần báo Văn Học. Chuẩn bị cho đại hội bất thường, nhờ địa điểm trường tuyên giáo dưới ấp Thái Hà, làm một cuộc thảo luận và kiểm điểm dài ngày. Cái tổ 18 của chúng tôi có Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Kim Lân… với một số nhà văn vững vàng làm nòng cốt. Trêu ngươi ai, Kim Lân lại mới in truyện ngắn Con chó xấu xí. Con chó cũng như con hổ hiền lành, không ai tin con chó chỉ là con chó, lại xấu xí nữa, có khi tác giả ám chỉ con người nào cũng nên. Nguyễn Huy Tưởng đã về làm nhà xuất bản Kim Đồng. Đương bị tơi bời kiểm tra nhau mấy cái bản thảo, trong có một truyện đồng thoại ao cá ao rùa chi chi đó của Sao Mai – lại con cá, con rùa, con ba ba, lắm con quá. Cũng chẳng ai bảo đảm người vào tổ 18 ấy là một bọn hay một cánh, nhưng cứ ang áng biết thế, và cái kiểu hiểu như bên Trung Quốc kiểm thảo nhóm Đinh Linh đã xuất hiện cụm từ đầu mày cuối mắt thì dù chẳng nói một câu, cũng là cánh, cũng cho được vào xiếc một bọn rồi.

Cùng liên quan, liên quan một nỗi buồn mà thôi. Nhiều hôm tan họp tối, đạp xe về trong thành phố, tạt vào cái Hà Nội 36 phố phường ăn chơi cũ, lông bông khuây khoả đôi chút, sáng mai lại lóc cóc xuống lớp học dưới ấp sớm. Chẳng ai dư dật, nhưng thời ấy đồng bạc có giá, hôm nào cũng đóng vai khách hẩu của gánh cháo gà lão giải phóng quân, gói cơm rang bọc lá sen quán Tiểu Lạc viên, phở Lâm rồi cà phê lão Ca. Cái khu lúc nhúc này vẫn riêng một phong vị, dẫu cho những năm gần đây đã tàn tạ nhiều. Những cao lâu lớn Đông Hưng, Tây Nam, Nhật Tân không còn cái nào. Các chủ hiệu sang trọng này trước kia hẳn là đặc vụ Tưởng Giới Thạch, là cánh Uông Tinh Vệ là mật thám hai mang bên Tàu bên Nhật. Hàng quán và cả con người bị xoá đi theo giông bão của lịch sử. Chỉ còn lại cao lâu Mỹ Kinh mới mở vài năm trước đảo chính Nhật, cùng với những quán cơm tám của người ước Lễ, thì nay Mỹ Kinh đã hoá nhà hàng quốc doanh, được đeo cái tên của thời cũ, còn nhớ thời ấy trộm cắp như rươi, chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải bắt đinh vít xuống khay. Mấy năm Tây vừa trở lại, tửu quán Siêu Nhiên, Lục Quốc và Nguyên Sinh mới mở. Siêu Nhiên đặc sản món óc đậu nhồi, ngon được tiếng. Chủ đã di cư, cũng như nhà Lục Quốc phố Huế, cánh nhà bàn nhà bếp đứng ra hùn vốn. Nhưng cũng chẳng mấy khi vào Siêu Nhiên, Lục Quốc, chúng tôi chỉ ngồi vỉa hè tường rạp Chuông Vàng, nghe tiếng phèng la tích cải lương La Mã diễm huyền. Như cảnh la cà hàng quán dưới ngã sáu dốc Hàng Kèn mà bây giờ đêm hôm người qua lại nhiều, không ngồi lan xuống lòng đường được nữa, ông 81 thụt hẳn vào trong nhà, gánh cháo bác Chữ thì quảy về cạnh cửa chợ Hôm, cũng tan trò.

Nhưng ở vùng ăn chơi lâu năm trên này, hè và đường lẫn lộn, người đi dong đông hơn khách xem cải lương Kim Phụng, chèo Lạc Việt. Tiệm cà phê Phúc Châu như đám chọi gà. Cô Tàu ngồi két váy đen, thắt lưng to bản đen bóng nhoáng mết Đài Loan đương thịnh hành. Khói thuốc lá lùa ra cửa sổ như ống khói tàu thuỷ phun xanh mờ. Bốn bên trong nhà cũng như ngoài phố, la liệt lao xao, đàn sáo nhị réo rắt, cò cử, tiếng rao bát bảo lèng xà, lục tào xá, người nườm nượp, nhiều nhất cán bộ miền Nam tập kết.

Tôi nhớ ngày xưa cũng đông na ná thế. Năm tôi sáu bảy tuổi, ngày Tết, thường theo các dì tôi ra Kẻ Chợ xem hát bói tuồng đầu năm ở rạp Quảng Lạc – mà ngõ Sầm Công, quen gọi là ngõ Quảng Lạc, cái quán Tiểu Lạc viên bây giờ ở trong hẻm này. Mồng hai, mồng ba tết năm nào rạp Quảng Lạc cũng diễn tuồng tích Giang tả cầu hôn cho người năm sớm bói lấy may. Trên cửa vào trong rạp, bàn thờ thần tài dán giấy điều trang kim khói hương ám đen kịt cả vành khám. Tuồng có vai Quan Công mặt đỏ bồ quân, râu đen từng chòm tuôn xuống. Quan Công ra, cả rạp im rùng rợn, thành kính đốt vàng hương vái lên sân khấu. Khi lớn, tôi một mình đi xem phim kiếm hiệp Tàu chiếu ở rạp Hiệp Thành, rồi rạp Tố Như, bây giờ là Chuông Vàng Thủ đô, trước cửa, gắn tấm bảng đá ghi chiến tích đội quyết tử liên khu 1 đã được thành lập ở đấy giữa 60 ngày đêm Hà Nội chiến đấu trong vòng vây.

Phía Hàng Da, ngõ Yên Thái, cũng như ngõ Sầm Công, những phố hẻm có nhà chứa, không hiểu tại sao lại gọi là nhà thổ, mà người ta nói lóng tiếng Tây bồi là medông đờ te (nhà đất). Trên tương đầu phố treo hộp đèn kính sơn đỏ nhoè nhoẹt. Khách chơi biết đấy là dấu hiệu trong phố có ổ gái điếm. Đi nhà thổ trả tiền giờ, nửa giờ, trò tiêu khiển mạt hạng, người đứng đắn không dám bước chân vào cái dãy phản bày bán người ấy. Cô nào cũng lông lá cạo nhẵn, trắng nhễ nhại, hãm tài lắm. Bần cùng, cánh thợ xẻ, thợ nề cũng chỉ thậm thụt chốc lát, chứ chẳng mảy may ham hố, đắm đuối. Chập tối, các cô nhà thổ quần áo trắng hồ lơ, mặt bệch tròn chảy trễ, ngồi một loạt trên cái ghế dài trước cửa ngóng ra, vây vây ơi ới người đi qua. Thấy quen thì chạy ra, kéo lại ở làng tôi, những anh thợ còn táo tợn, ngày phiên có tiền xuống phố chơi nhà thổ, hôm sau về phải nghỉ dệt, nằm đờ cả ngày, con ruồi đậu mép không buồn xua. Tôi không dám lảng vảng đến những cái ngõ nhầy nhụa ấy. Chỉ vì sợ bệnh. Nghe nói thuốc nớp xăng cát tó hiệu nghiệm, nhưng đắt. Cũng chưa thấy bao giờ, chỉ nghe nói phải đâm mũi tiêm vào dái, đau lắm. Thời áy, tim la, lậu, giang mai, ai mắc những bệnh xấu hổ thì chỉ muốn chết.

ừ, Nguyễn Tuân hay dạo mấy phố này lại có thể cũng vì những cái nhớ. Nguyễn Tuân được sinh ra và nhớn nhao lên ở Hàng Bạc. Phố Hàng Bạc, số nhà 49, năm 1910 – Nguyễn Tuân ghi lại như thế ở mép một quyển sách Hướng dẫn du lịch Ba Lan, có lẽ vì đương đọc chợt nghĩ đến một kỷ niệm. Trong quyển Đường phố Hà Nội của Nguyên Vinh Phúc tặng, chỗ phố Hàng Bạc và ngõ Gạch, Nguyễn Tuân đề bút chì đình Cổ Lương ngõ số 28 án sát Siêu và câu ca dao về phố phường ấy, dễ chừng ông đã thuộc từ tuổi thơ.

Nên ra thì múa tứ linh

Không nên thì lại nằm đình Cổ Hương

Lão hàng cháo gà giải phóng quân, cũng là cái tên của Nguyễn Tuân đặt cho. Ông Tàu ấy to cao, khệ nệ, đội đúng cái mũ ka ki của Bát lộ quân ố vết mỡ đã úa vàng màu nước dưa. Hàng ông bán muộn, nhiều tôi ở dưới ấp về vẫn còn gánh hàng sáng đèn giữa mấy chiếc ghế xếp lỏng chỏng trên hè. Lão giải phóng quân lầm lì chẳng mấy khi hé răng. Cũng hợp, chúng tôi lặng lẽ. Chẳng ai nói một câu, thế mà lúc nãy ở tổ, gay go đốp chát nhau ra trò. Vẻ mệt mỏi hiện nên nét mặt từng người. Tôi nhận ra Nguyễn Tuân đến hàng cháo gà này còn vì ông giải phóng quân có lọ xắng xấu Nam Ninh chính hiệu thơm và béo ngậy mùi vừng. Bát cháo lót cải cúc của Nguyễn Tuân được lão cầm lọ xắng xấu vảy lâu hơn bát của tôi. Rồi nở nụ cười nhà hàng, lão đút lọ xắng xấu vào trong ngăn kéo – ai không biết thì thôi chứ chẳng phải ai cũng được nhà hàng cho nếm mùi đâu. Vẫn là chăm chú cái mình thích, mình muốn, một giọt xắng xấu hợp khẩu vị, một câu văn hay gạch đít, một chuyến đi…

Có hôm, vào Tiểu Lạc viên ăn cơm rang bọc lá sen. Ông chủ Tiểu Lạc viên này là tay nhà bàn hảo hạng. Khách đông cũng vì cái duyên lão ta. Hỏi các món khách dùng, rồi nhanh nhanh đũa bát thìa đũa và gia vị ra bày trước mặt từng người. Đôi mắt kính lấp lánh, cái câu có ngay, có ngay luôn miệng như hát. Thực khách vào bàn, tuy chẳng thấy có ngay ở đâu, nhưng được cái cảm tưởng món ăn món nhắm sắp bưng ra.

Lão Tiểu Lạc viên tri kỷ vì chúng tôi biết thưởng thức món cơm rang bọc lá sen lão khoe nhất Hà Nội, không nhà nào còn làm được đúng kiểu cách thế. Lão chỉ mới ngước kính, chưa hỏi, Nguyễn Tuân đã gật đầu, đưa thưởng một điếu thuốc lá Thủ Đô hiếm. Thế là đã biết khách lại xơi món quen. Lão hô có ngay, có ngay rồi đặt bát đũa bày ra bàn. Nguyễn Tuân nói, vừa nghiêm vừa đùa:

– Này, không cần có ngay đâu nhé!

Lão cười, nheo mắt. Sang bàn bên, hỏi khách xong, chưa bước vào cửa bếp, đã: Có ngay! Có ngay! Có ngay!

Phải, cơm rang bọc lá sen thì có ngay sao được. Xong một tuần rượu suông, món nhắm mới ra – chỉ gọi độc một món ăn, cũng như nhắm. Kể thì người ăn xô bồ bây giờ chẳng mấy ai thiết chờ đợi các thức lích kích này. Gạo tám thổi niêu đất chín rồi đổ vào chảo rang, được rồi lấy chiếc lá sen khô lót xà xíu, vịt quay gỡ xương chặt miếng rồi đổ cơm rang vào, buộc khéo cái lạt. Nhà bàn bưng ra túm lá đặt trên đĩa. Mở ra, hơi cơm, các thứ xì dầu, thức ăn toả lẫn mùi lá sen già đầu thu. Một năm, về Hưng Yên, tham quan đào kênh thấy sân kho các hợp tác xã phơi đầy lá sen, hỏi bảo lá sen khô để xuất sang Hồng Công (Nguyễn Tuân xin về mấy cặp lá). Những chiếc lá sen già sẽ được xuất đi Hương Cảng để gói món cơm rang bọc lá sen ở các hiệu cao lâu.

Cũng có thể ấy là những lúc Nguyễn Tuân nhớ khi xế trưa vắng khách ngồi trên lầu nhà Đông Hưng thang gác vàng giữa phố Hàng Buồm. Nguyễn Tuân kê giấy lên bàn ăn, những tờ giấy trên góc in cánh buồm Gió đã lên. Tiểu thuyết Thiếu quê hương đăng báo Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan được viết từng kỳ một ở cái bàn ấy. Người tuỳ phái đến lấy bài đã đứng trực. Nhà in Trung Bắc ở phố này, bên kia đường. Viết xong chữ cuối, người tuỳ phái cầm tờ bản thảo xuống khuất, cũng là lúc nhà văn gọi phổ ky đem đến bữa trưa, be rượu bồ đào uống mấy chén ngữ và gói cơm rang bọc lá sen. Lại một sự mang mang hoài cổ. Cái cơm rang lá sen thơm tối nay ở Tiểu Lạc viên còn có thể bắt đầu từ gói cơm rang thập cẩm ở những quán ăn cò con trên đường Cáo Đạo giữa cái phố khúc khuỷu bậc đá bên Cửu Long Hương Cảng đêm ba mươi tết Đinh Sửu 1938. Chúng tôi chỉ quý và chiều nỗi nhớ của Nguyễn Tuân mà chịu khó bắt chước kề cà với các món cầu kỳ ấy. Nguyên Hồng đã sinh sống ở thành phố cảng có cả một phố Khách, tỏ vẻ thành thạo khen mùi lá sen, đoán già là những cái lá sen hồ Tây.

Mỗi đêm dưới ấp về, bộ dạng Nguyên Hồng cũng chẳng khác đi đâu ban ngày. Trên ghi đông đặt cái cặp đúp chứa bản thảo. Sau yên xe buộc một chồng báo Văn. Mọi khi, chỉ kè kè cặp bản thảo, giờ thêm lô báo Văn từ số 1. Nét mặt hăm hở lẫn lộn đăm chiêu với những tờ báo Văn như một lá đơn để trình bày các nơi. Nhiều cuộc phê Nguyên Hồng, tôi không thể nhớ xiết lần nào cụ thể. Chỉ nhớ báo Văn đã phải xỉ vả là hữu khuynh, bị lũng đoạn. ở đâu, họp tổ hay liên tổ hay lên hội trường; Nguyên Hồng từ từ, cẩn thận, trịnh trọng đặt tập báo trước mặt. Nguyên Hồng nói:

– Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn con mọn, bỏ ăn bỏ uống vì nó… thế thì làm sao tôi lại có thể sai… Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng… Tôi hết tâm hết sức vì nó, tôi không thể, tôi không thể sai…

Như người ốp đồng, không biết đương còn tỉnh bay đã mê, Nguyên Hồng để một bàn tay lên chồng báo, to giọng đến bật khóc, vừa mếu máo vừa nói tiếp, nước mắt ròng ròng, hai tay mê mẩn xót xa vuốt mép tập báo. Cái lý lẽ cùng đường và những dòng nước mắt đã khiến những ai đương phê bình anh cũng không biết tiếp tục phân tích thế nào nữa. Bảo dối trá thì không ai nỡ, không ai dám hạ đòn ấy. Cuộc nào cũng tương tự, những chữ ‘boong ke, ngoan cố, không đúng với quang cảnh sầu não thiết tha của người bị phê bình.

Chúng tôi ngồi góc bàn đằng kia. Lão Tiểu Lạc viên đã đem bát đũa, thìa với tương ớt đến. Lão này vừa là chủ, vừa là tớ trong cái phòng ăn con con kê ba chiếc bàn nhỏ. Chim quay Tiểu Lạc viên cũng được tiếng. Chẳng biết nhà hàng vô tình hay cố ý để những cái bàn khập khểnh tạm bợ. Chắc là cố ý thôi. Các hàng quán này cứ chập chờn chưa biết lúc nào bị đóng cửa. Trễ nải, tàn tạ, người ta chỉ bày biện qua loa, cốt làm ra thế.

– Có ngay! Có ngay!

Lão Tiểu Lạc viên bước ra, bỗng im bặt, quay lại, nhìn quanh, rồi hỏi:

– Các ông có cái mùi…

Không ai bảo ai, mọi người chú mục vào Nguyên Hồng vừa đặt lên góc bàn mở gói giấy báo bọc thịt chó và lập cập nói:

– Nhắm cái này trước đã! Nhắm cái này đã! Thoạt trông cũng biết không phải là gói nguyên: Chắc trưa nay Nguyên Hồng đã đánh chén ngoài ấp còn thừa thì cầm đi nốt. Hổ lốn thịt luộc, lòng gan trộn với húng, riềng, cả đùm con con muối tiêu.

Lão Tiểu Lạc viên đã nhìn rõ gói thịt cầy. Lão cau có hầy một tiếng, tan biến cả vẻ hớn hở có ngay vừa rồi. Lão chắp tay, rầu rĩ như khấn:

– Ông ơi, ông mang nó ra ngoài kia, mang ngay ra ngoài kia…

Chúng tôi biết những người buôn bán kỵ cái thịt hãm tài này – nhất là người Trung Quốc.

Dường như thấy nó thì đã đánh hơi được cái mùi con ma xúi quẩy. Lão lại nhăn nhó:

– Giết nhà hàng rồi. Các ông không được, không được lớ!

Lúc ấy, hai bàn bên cũng quay sang. Cười nhăn nhở rồi họ lại cúi xuống ăn. Lão Tiểu Lạc viên đến góc nhà cầm một nắm hương châm cắm vào men tường trong chỗ dán tờ giấy điều trang kim đã xạm xỉn một nạm chân hương. Khói hương bốc mù căn phòng chật chội. Rồi lão bước lại phía chúng tôi, xốc kính, mặt hầm hầm, không hiểu lão định làm gì.

Nguyên Hồng, đứng lên, giơ tay:

– Phổ ky! Câm đi!

Nguyên Hồng lật đật gói lại bọc thịt chó, bỏ vào cặp. Nước mắt lưng tròng, nói:

– Lúc nãy ở tổ chúng nó đòi đuổi ông, bây giờ thằng Tàu này lại đuổi ông, tỉu cái nhà ma lớ!

Nguyên Hồng cung cúc bước ra, lấy xe đạp. Cũng chẳng ai buồn gọi lại. Đã biết tính nhau nhiều. Mấy năm sau, một lần Bùi Hiển, Nguyên Hồng và tôi chén thịt chó Chữ Hàng Bè rồi vào quán cà phê lão Ca. Vẫn Nguyên Hồng cầm bọc giấy gói mấy miếng thịt chó thừa, đặt lên góc bàn. Lần này, cái gói kín đáo, nhưng tôi vẫn ngài ngại. Lão cà phê Ca không có nhà. Vợ lão trông hàng. Tự nhiên, bà ấy đứng lên đến chỗ cửa nách châm nén hương vào khám thờ thần tài dán giấy điều. Linh tính tôi đoán người đàn bà Tàu đã đánh hơi thấy mùi lạ. Như chọt nhớ ra, Nguyên Hồng đã tinh ý bỏ gói vào cặp.

Mấy hôm sau, trở lại Tiểu Lạc viên, lão có ngay lại ngước mắt kính cười cười, đưa ra bát đũa và chén tương ớt – Nguyễn Tuân bao giờ cũng gọi là lạp chíu chương. Lão xoay cái đuôi thìa cẩn thận đặt trước mặt Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng. Thêm hai miếng chanh cho Nguyên Hồng. Nhà hàng đã thuộc ông khách có thói quen vắt chanh, lại đổ dấm vào đĩa húng rau để sát trùng. Đến tận hồi chống Mỹ, Tiểu Lạc viên vẫn đông khách thế. Một lần kia, đến thầy bà Tiểu Lạc viên mọi khi đương nằm cái giường gấp ở gian trong. Tiếng trẻ mới sinh khóc oe oe. Hỏi thăm thì ra lão Tiểu Lạc viên đã ngất đi, chết nửa đêm giữa lúc máy bay ném bom cầu Long Biên cuối tháng trước. Người vợ đã lấy chồng khác. Ông Tàu này gày lom khom. Nào biết đứa trẻ ấy con ai. Đã lâu không đến, không tiện hỏi. Trên mặt kính cái tủ con đặt ngoài cửa vẫn ba chữ Tiểu Lạc viên sơn đỏ. Cửa hàng mở, nhưng hiu hắt, vắng vẻ. Đến năm nhiều người Trung Quốc bỏ thành phố đi, bà ấy với người chồng sau ra Cát Hải vượt biển. Nghe nói thuyền chuyến ấy đi bị đắm, chết cả.

Những đêm mưa rả rích gợi cái thú quán cà phê lão Ca. Thường đến lão Ca vào lúc nào, chắc là khi đã ngà ngà ở Tiểu Lạc viên hay hàng bánh cuốn chú Hồng Lâm ra. Nhưng cũng có buổi chỉ đến đây. Trong ngõ ngách này, chúng tôi lui tói mấy quán, không đậu lại đâu. Phúc Châu tiếng tăm, nhưng tạp. Chen vai thích cánh, những võ sĩ đai đen thập đẳng, ngũ đẳng hay các ông cá mú trụ ở góc bao quát, hay một tay cướp ngày lẳng lặng ngồi xuống, rờ túi ngực, túi quần vờ tìrn cái bật lửa. Nó đang ngắm cô Phúc Châu thắt lưng đen bóng hay nó sắp rút dao găm dí xế dưới sườn rồi thản nhiên đưa con mồi ra ngách ngõ lên Hàng Đào, hỏi mượn cái ví và cái đồng hồ. Quán Lý Hảo thì ấm cúng hơn. Chỉ phải cái mụ Lý ăn nói đối đáp và cử chỉ như tập thể dục trước mặt khách. Chả là Lý Hảo, đương kim thể thao lướt ván nữ loại một. Hội hè nào cũng giật giải nhất đứng đầu sóng hồ Hoàn Kiếm. Thằng chồng mặt vuông Nhật Bản, như Ai Nguyên An Nghệ. Nhưng nó là người Quảng Châu, chỉ bưng cà phê và cười ruồi. Mất vui, cũng chẳng lý thú, bởi nhà này ít chuyện.

Cà phê Ca chưa mấy quen như rồi sau chúng tôi đến nhiều hơn. Lúc đầu chỉ nghe mang máng trước kia lão Ca ở trên Hà Giang, làm nghề đuổi ngựa buôn cho nhà chúa đất Vương. Còn tôi để ý chỉ vì thấy ngồi trong hàng một người đàn bà luống tuổi, mặt buồn rười rượi. Có hôm thoáng sau chiếc bình phong con công đỏ gắt, cái áo xường xám xa xưa màu cánh chả xẻ tà xoè ngang đầu gối. Cứ hao hao người con gái ngày xưa ở nhà gác đầu đường Cổ Ngư hồ Tây mà sáng nào tôi cũng đi học qua. Ai khi tuổi ấy chẳng trông thấy bao nhiêu bóng đẹp thấp thoáng và mộng mơ. Không hỏi có phải trước kia nhà bà ở đầu ô Yên phụ, tôi chỉ lặng im cho mình được đinh ninh. Tưởng tượng vun thêm vào làm cho không phải cũng thành phải. Nếu bà ấy nói: Vâng, tôi là vợ tông Ca. Lại càng khó hiểu, thế thì phải từ Hà Giang xuống. Như vậy, lại hoá ra buồn. Thôi cứ mơ hão vậy. Cà phê phin nhà Ca nhạt đường, hợp chúng tôi mà Nguyễn Tuân khéo tưởng tượng là có vị rừng. Chưa biết rừng Hà Giang có cà phê hay không. Chỉ Nguyên Hồng đã bị hai năm an trí căng Bắc Mê rõ đôi chút chăng. Nhưng Nguyên Hồng chẳng khi nào kể lại về nhà tù chính trị đi đày ấy. Chỉ nghe một người tù Bắc Mê khác tả Nguyên Hồng đi làm cỏ vê, đi lấy củi cũng đeo mấy cái ống bơ đằng đít, cái đựng muối, cái để cơm nguội và lủi thủi một mình.

Thậm chí, lần ấy, một đoàn địa chất đưa chúng tôi thăm một vùng quặng trong Bắc Mê, Nguyễn Tuân rủ Nguyên Hồng, bảo được dịp trở lại quang cảnh xưa. Nguyên Hồng cũng không đi. Chuyến đi ấy, cái hôm lội qua con suối sau cùng rẽ mê bên này đường về huyện Bắc Mê, tôi đứng tần ngần giữa dòng nước, nhìn mãi quả đồi áp lưng núi. căng Bắc Mê xưa ở núi Pắc Min kề ngọn sông Gâm lượn dưới chỗ xanh thẫm kia. Suốt buổi chiều, trèo qua cổng trời đỉnh núi thăm dò quặng Nguyễn Tuân vẫn băn khoăn không hiểu tại sao Nguyên Hồng không đi Bắc Mê chuyến này. Nửa đêrn, giữa rừng trên cao, con suối mơ hồ đưa lại tiếng nước thở dài từ phía Bắc Mê. Chúng tôi ngồi trước đám củi sưởi. Nguyễn Tuân nói: Tớ tức cảnh được hai câu ca dao đem về tặng thằng Nguyên Hồng. Thế này nhé:

Non xanh gõ hòn đá xanh.

Nửa năm nghe tiếng mõ canh Cổng Giời.

Trở về, tôi viết Pài Lùng cái ký theo thể kịch đăng báo Văn Nghệ, đặt hai câu ấy lên đầu bài. Chú thích nghịch ngợm Ca dao cũ vùng Bắc Mê. Cho nhớ và như Nguyễn Tuân bảo có dùng thì nên đề thế.

Cái bỗng dưng kỳ cục của Nguyên Hồng thường dễ hiểu và cũng khó hiểu. Người ta làm thì Nguyên Hồng lẳng lặng im. Ai cũng nô nức vào Nam khi miền Nam được giải phóng. Nguyên Hồng chưa bao giờ đến Sài Gòn, mà đã sinh ra nhân vật du côn Năm Sài Gòn từ những năm 40 và chưa khi nào trông thấy sông Cửu Long, đã là tác giả bài thơ Cửu Long giang ta ơi. Nhưng không đi Sài Gòn. Ai rủ chỉ lắc đầu. Cái tính thế, thiên hạ vậy thì ta khác.

Cuộc đời đã đưa đẩy ông Ca từ thị xã Hà Giang xuống Hà Nội mở quán cà phê. Những chuyện ông Ca kể về biên giới, Nguyễn Tuân mê lắm. Cũng thú vị như lão giải phóng quân cháo gà có lọ xắng xấu chính cống Nam Ninh, Hồng Kông gì đó. Cà phê Ca ngon mùi mộc mạc. Hay là cứ nghĩ ra thế. Mỗi lần Nguyễn Tuân tới, ông Ca lại lấy ra chai rượu Rom Pháp vuông bằng đầu gối, đặt lên cạnh cái phin vừa cạn. Lắm khi tôi vào hàng lão Ca không khi nào bê chai rượu mạnh ra. Đám mà có Nguyễn Tuân trong bọn, đám ấy sang lên, thú vị hơn, không phải ông Tuân chi tiền, mà thằng chủ quán lại hân hạnh, lại trọng vọng vị khách bạt thiệp trịnh trọng mời nhà bàn thuốc lá thơm và xuống tận chỗ xào nấu đưa nhà bếp một điếu. Chai rom của ông Ca đã được đặt lên bàn. Vài giọt rượu quý nhỏ xuống tách cà phê bốc khói. Cà phê rom – một kiểu uống theo lối Pháp. Đến lúc cả chủ quán cũng kéo một ghế, nhấc bếp điện lại gần, bày lên một phin nữa. Câu chuyện ấm dần. Nguyễn Tuân đẩy hộp thuốc lá về phía ông Ca. Ca nói, giọng âm thầm xa vắng:

Kháng chiến, Nguyên Hồng và Kim Lân đưa gia đình tản cư lên ấp Cầu Đen trên Nhã Nam. Các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, cả nhà bác Ngô Tất Tố cũng lên quây quần trên cái đồi thấp bấy giờ còn hoang vắng. Những vùng ở Xuân áng (Phú Thọ) hay Quần Tín (Thanh Hoá) cũng tụ hội lại những làng văn nghệ sĩ kháng chiến. Nghe kể hoạ sĩ Trần Văn Cẩn được xã cấp cả ruộng, anh đi cày đã thạo. Tên cúng cơm ấp Cầu Đen, Nguyên Hồng đặt lại là ấp Đồi Cháy.

Chẳng hiểu vì sự tích gì. Các nhà ở đấy cho đến khi hoà bình lập lại. Về Hà Nội, Nguyên Hồng và vợ con thuê cái gác hai một nhà ở phố Miriben cũ bên cạnh viện Mắt gần chợ Hôm. Nhớ những lần Nguyên Hồng rủ đến chơi nhà thường vào chiều thứ bảy. Dựng xe đạp ở cái sân chung nhớp nháp nhà dưới rồi lên gác. Nhà một buồng lủng củng ba lô, tay nải. Chẳng khác trước kia ở dưới bãi Nghĩa Dũng. Chỉ thêm trẻ con chạy ra chạy vào lít nhít rối cả mắt. Chị ấy đã xin được làm nhân viên cửa hàng quốc doanh sách, đứng bán ở quầy góc nhà bách hoá tổng hợp bây giờ, phía cửa đường Hàng Bài.

– Ngồi vào đây lấy chỗ cho mẹ nó kê cái hoả lò. Chả rán phải chén nóng tại chỗ mới hay.

Nguyên Hồng lui cui dẹp quanh cho tôi ngồi tựa lưng vào tường trông ra chằng chịt dây điện ngoài cửa sổ, lá xà cừ rụng bay rào rào. Nguyên Hồng không nói, nhưng tôi đã biết cái chả rán này rồi. Nguyễn Tuân chỉ nghe, đã lắc đầu, rủa chả rán Nguyên Hồng đãi cái thằng xơi được bọ hung thì nó còn từ cái gì. Nguyên Hồng không khi nào mời Nguyễn Tuân và biết tôi thưởng thức được món tiểu táo cao cấp ấy, chủ nhà cũng chẳng cần báo trước. ấy là cái nem Sà Goòng nhân rau đàn bà đẻ đã xin hay mua được ở nhà hộ sinh nào đấy. Nguyên Hồng thường ca tụng sức thần kỳ bổ và chứa bách bệnh của rau đàn bà đẻ. Khi bị đày lên Bắc Mê, tao ngồi viết được cả tập bút ký Cuộc sống lại còn sống mà dò được về đến Nam Định rồi lấy vợ cũng là nhờ cái phải gió ấy của trẻ sơ sinh. Mẹ tao ngâm rượu mật ong gửi lên Bắc Mê. Bây giờ thi một cái rau ăn tươi cả nhà được tẩm bổ!. Nguyên Hồng cười hể hả.

Miếng chả giò nóng ròn. Bát dấm pha không có ớt – chủ nhà không ăn ớt. Đĩa xà lách trắng ngần. Nhân trộn mộc nhĩ và miến. Kể ra cũng cảm thấy hoi hoi khác vị, nhưng vốn tính dễ ăn, tôi nhắm ngon lành bình thường.

Giữa năm 1957, Hội Nhà Văn được thành lập. Nguyên Hồng phụ trách tuần báo Văn của Hội. Đã nhiều năm làm nghề viết và trong kháng chiến có làm báo, làm xuất bản nhưng cũng là ngồi trong rừng điều khiển đôi quang gánh sách báo đi các chiến khu, chúng tôi bỡ ngỡ và háo hức những công việc mới.

Chín năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lĩnh ở kho từng miếng. Cơ quan sắm dao kéo, tông đơ mọi người húi đầu cho nhau. Văn Cao cắt tóc đẹp có tiếng, chỉ dùng kéo. Trở lại thành phố, khó đâu chửa biết, nhưng thức ăn và hàng hoá ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà Thủy Tạ. Nhà hàng Phú Gia, vang đỏ vang hồng vang trắng vỏ còn dính rơm như vừa lấy ở dưới hầm lên. áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về phá ra làm đệm ghế. Hàng Trung Quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu, chỉ màu, củ cải ca la thầu, sắng xấu, mì chính, xe đạp cái xe trâu cao ngồng. Cả xi rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia. Bắt đầu được lĩnh lương tháng. Không nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng có thể la cà hàng quán được. Có cảm tưởng cả loài người tiến bộ đổ tiền của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ.

Chúng tôi ngỡ ngàng một cách khoan khoái. Đất nước như cánh đồng cày vỡ, chưa biết cấy hái ra thế nào. Vết thương cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức còn đỏ hon hỏn khắp chợ thì quê. Các thành phố đã bắt đầu cải tạo tư sản. Báo chí hô trăm hoa đua nở, tràm nhà đua tiếng. Chẳng biết căn do của nước người ta ra sao, nhưng nghe khẩu hiệu khá sướng tai. Đến khi thấy nói có hoa thơm, có hoa thối! lại mới ngỡ ra là có hoa thơm, có hoa thối!. Năm 1956, Hungari đề xướng đổi mới. Thủ lĩnh Jmrê Natgiơ bị treo cổ.

Chưa kịp ngỡ ngàng, lại đùng đùng đổi khác lại ngay cả trong thành phố. Nhà máy diêm, nhà máy gạch thời Pháp họ đã để làm trại lính, tanh bành như bãi hoang. Điện Yên Phụ, xe điện Thuỵ Khuê cổ lỗ 1899, nhà máy rượu cạnh nghĩa địa Tây, Chính phủ phải mua lại của các công ty tư nhân Pháp. Nghe nói mỏ Hòn Gai, đường sắt Hải Phòng Vân Nam ta cũng chuộc mất nhiều tiền. Chiến thắng rồi mà cũng chẳng lấy không được. Các thành phố đương cải tạo tư sản. Cách làm dịu dịu và lặng lẽ. Nhưng cũng xanh mắt. Nhà máy thuộc da Thuỵ Khuê, nhà máy gạch Cầu Đuống mấy vị có tiền vừa chung nhau tậu, bây giờ lo sốt vó phải lên tư sản. Nhà giàu khoá cửa im ỉm, người ra vào khuân lén đồ đạc lúc chập tối. Quanh tường, đại sứ quán Pháp cắm tấm biển đất riêng. Cơ quan lãnh sự Mỹ đã dọn vào Sài Gòn, bây giờ chỗ ấy là căng tin của sứ quán và Pháp kiều. Tổng giám mục Đuy-lây ngày ngày sai mấy bõ già đến mua đồ và thức ăn về dùng. Từng bao tải các thức được thuê xích lô kéo sang nhà thờ Hàng Trống.

Bỡ ngỡ và sôi nổi, những trái ngược và mới mẻ ấy dội vào mỗi chúng tôi. Bây giờ nhìn lại, nghe kể chuyện lại, tưởng như câu chuyện lạ lùng một lúc. Nhưng đường đi và những quanh co bối rối đến mỗi con người lẵng nhẵng cả mấy năm trước và sau 1957. Ngại nhất những lần họp chi bộ ở cơ quan. Cuộc chiến đấu lớn đã kết thúc ở Điện Biên Phủ, nhưng chúng tôi lại không êm ả như ở Tuyên Quang. Thêm nhiều tổ chức mới có cán bộ các khu và từ miền Nam tập kết ra. Họp cơ quan, họp chi bộ, tranh luận miên man. Dần dà, hình thành cái nhìn ở một số người, thành mốt chỉ trích cơ quan cản trở, hạn chế, có thế mới là mới. Mọi việc không phải của cơ quan hình như đều đúng hơn.

Tôi làm nhà xuất bản Văn Nghệ rồi nhà xuất bản Hội Nhà văn. Khi in tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, tôi về Mọc xin phép gia đình tác giả, gặp chị Phụng và bấy giờ cụ bà thân sinh Vũ Trọng Phụng vẫn còn. Mẹ chồng nàng dâu sinh sống gieo neo ngày ngày cắp cái thúng mấy lọ thuốc viên ra chợ Ngã Tư Sở. Bao nhiêu năm, sách của Vũ Trọng Phụng bây giờ lại được in, cả nhà mừng lắm. Quý tôi như bạn bè cùng thời với nhà văn đã khuất. Thật ra, tôi không biết mặt Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Tôi vào nghề viết, các nhà văn này đã qua đời. Khi ấy, các nhà xuất bản Minh Đức, nhà Thép cũng rục rịch in Vũ Trọng Phụng, quảng cáo rầm rộ. Ngay ở cơ quan cũng lây nhau cái cảm tưởng tư nhân in mới phóng khoáng, nhà xuất bản của đoàn thể gò bó và dường như lỗi thời. Người ta lên nước và cạnh tranh như thời trước. Nhà Minh Đức yêu cầu được kỷ niệm Vũ Trọng Phụng chung với chúng tôi ở Nhà Hát Lớn thành phố vì lý do nhà ấy cũng in Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi định in lại tiểu thuyết Một mình trong đêm tối của Vũ Bằng. Tôi tìm gặp chị Vũ Bằng. Biết tin, lão Minh Đức nhưng nháu mắt trố xộc đến luôn. Chúng tôi in kịch Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Nhà xuất bản Minh Đức cũng in Kim Tiền, đã đưa đơn kiện vi phạm bản quyền tác giả. May, được bác sĩ Vi Huyền Trác, con trai cụ Vi bảo đảm, nhà xuất bản chúng tôi không bị thua kiện.

Chỉ được trôi chảy khi in lại tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Cũng ngẫu nhiên không bị giành giật. Nguyễn Tuân không để ý tướng số nhưng Nguyễn Tuân bảo: Trông mặt thằng Minh Đức đã thấy khó chịu. Mình cũng đã đả tiền nhiều nhà xuất bản, nhưng chưa cầm của thằng này một xu. Vả chăng mưu sĩ Nguyễn Hữu Đang của nhà Minh Đức thậm ghét văn Nguyễn Tuân. Văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Hữu Đang đọc một đoạn cũng không nổi. Âu cũng là lẽ đời, các đấng cao ngạo thường không nhìn mặt nhau.

Nguyễn Tuân nhớ lâu và ghét dai. Không biết bao nhiêu năm, Minh Đức đi tù về vẫn ôm mộng xuất bản. Anh phác một kế hoạch chiến lược về xuất bản nhờ tôi giới thiệu với những cơ quan có trách nhiệm. Việc không đến đâu, Minh Đức rnở quán cà phê và bán sách cũ trên phố Hàng Bút. Khai trương quán, Minh Đức nhờ tôi mời Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân không trả lời. Rồi Minh Đức mất bệnh, Nguyễn Tuân cứ vặn tôi: Sao ông đi đưa đám thằng ấy?. Tôi bảo trong đầu tôi không thấy có câu trả lời nào về việc như ông hỏi tôi. Nguyễn Tuân vẻ không tin. Song cũng không vặn nữa, chúng tôi tránh đi bằng cách đụng cái chén hơi mạnh.

Hồi ấy, đến nhà xuất bản Minh Đức, tôi quen Minh Đức và Tô Thuỷ Nguyễn Văn Kiện, cùng người Thái Bình, một trong những cây bút làng thơ mới, thời kỳ đầu, lúc đó làm thư ký nhà xuất bản. Từ năm 1945, Minh Đức ở Thái Bình lên Hà Nội làm xuất bản. Nguyễn Công Hoan giới thiệu cho tôi làm quen và bảo bố thằng này ở phố Pi kê buôn đồng nát mà giàu có, chẳng biết thực hay đùa. Nhà xuất bản Minh Đức ở phố Phan Bội Châu. Trương Tửu như chủ nhà ngồi đấy. Tôi cũng chưa được biết Trương Tửu trước kia. Ông Trương mở rượu, đàm đạo. Dễ thường chỉ có tôi uống, cảm thấy dễ chịu. Lững thững về cơ quan. Buổi trưa, trải chiếu, Nguyễn Bính, Hoàng Tố Nguyên và tôi nghỉ lại trong buồng làm việc. Hoàng Tố Nguyên hỏng một chân. Nhưng có một chiếc giày đánh bóng lộn, đặt tượng trưng trên ghế – chiếc giày đẹp đẽ, không bao giờ được xỏ chân. Khi đó mọi người tự do ra báo, mở xuất bản.

Trong thành phố nhan nhản báo hàng ngày Thời Mới báo tuần Nhân Văn, Tre Xanh, Trăm Hoa và những tập san định kỳ Giai Phẩm, Đất Mới… Ông Phùng Ngọc Long nhà xuất bản Hưng Văn ngoài khu 8 về tìm tôi bàn mở xuất bản. Ông Long chính là chú Luyến ngày trước ở phố Hàng Mã mà tôi đã xuống ở hai năm, đến khi thi trượt vào trường Cửa Đông mới trở về quê. Nguyễn Công Hoan và tôi đến nhà ông Vũ Đình Long. Những năm về sau, ông yếu bệnh tim, bệnh thở. Vẫn chịu khó ngày nào cũng đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Và hăng hái muốn mở lại nhà Tân Dân. Nguyễn Công Hoan bảo: Làm gì thì làm, đừng làm xuất bản, ông ạ. Mặc dầu khi ấy có ông Thuật hiệu sách cũ dốc Bà Triệu, em ông xuất bản Đời Mới Trác Vỹ xưa kia, ông Thuật định làm xuất bản sẽ in mở đầu hai tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, thì Nguyễn Công Hoan không khuyên can câu nào. Hai nhà giáo bè bạn lâu năm, Nguyễn Công Hoan nói thật điều mình nghĩ và tính toán hộ ông Long.

Dần dần, ở cùng cơ quan tuy hằng ngày gặp và làm việc, nhưng cách sống của mỗi người cũng úp mở nửa thật, nửa giấu. Chơi với nhau đấy, rồi đi đâu, làm gì không biết. Và xem nhẹ cả những việc tình nghĩa. Tôi đã lo toan cho Lê Đạt bỏ được cô Nguyện người vợ lấy lúc đi cải cách ruộng đất, Hoàng Cầm êm thấm ra toà dứt khoát với cô hàng xén chợ Hanh. Sự giao thiệp hai mặt và cánh hẩu nảy nở ngay cả trong việc đáng lẽ một lòng và phải trái cần ngang mặt, bởi tôi làm bí thư, Lê Đạt phó bí thư chi bộ Đảng. Nhưng cũng chỉ thế thôi.

Tuần báo Trăm Hoa của Nguyễn Bính mới xuất bản. Nguyễn Bính tập kết ở miền Nam ra. Mấy năm sau ở trong ấy Nguyễn Bính thôi không công tác đâu nữa, nhưng vẫn ở vùng giải phóng Đồng Tháp Mười. Vui thú điền viên nơi kênh rạch và bạn bè qua lại giúp đỡ. Khi đất nước bị chia đôi, Nguyễn Bính được gọi đi tập kết, cũng như cán bộ được phân công ra miền Bắc. Nguyễn Bính về công tác nhà xuất bản, cùng làm việc với tôi. Gặp lại nhau thì hơn mười năm đã qua mà tưởng như mới hôm nào cùng anh em nhà thơ Việt Châu Lông ngỗng gieo tình và Tân Phương đi ăn cháo cá chợ Cũ. Những người lang thang bất đắc chí ngày ấy như xưa nhưng cũng thật khác xưa:

Có lần tôi xuống Nam Định, đến tìm Võng Xuyên công tác ở thư viện thành phố. Người nhỏ nhắn, già đi nhưng vẫn khoẻ. Tay bắt mặt mừng xong cung cách thì thưa gửi đồng chí, báo cáo anh, đề nghị thủ trưởng, lôi thôi quá. Trong khi tôi tưởng như vừa mới đấy, cái thằng Võng Xuyên tên là Truật mở bàn giấy biện sự phòng mà chúng tôi gọi đùa là sinh sự phòng, ông thày cò chạy kiện tôi không nhớ ở cái phố vắng, phố hàng Nâu hay bến Củi. Thày cò Truật với Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương đốt thuốc phiện và làm thơ, đọc thơ suốt đêm trong cái phòng hẹp nhà Truật được gọi là lò luyện linh đan. Khách ròng rã ở chơi không chịu nhổ rễ, hôm nào cũng say thuốc đến bóng môi, bóng mắt. Chị Truật người đãy đà, phúc hậu vẫn cơm rượu đãi bạn chồng ngày hai bữa tươm tất Không hiểu tại tôi hay tại anh mà bây giờ lại ra sự cách bức và khách sáo đến thế. Cái năm Võng Xuyên về hưu rồi, lên ở với con trên Hà Nội tôi mới rõ hồi ấy ở cơ quan, anh chỉ làm việc giữ mấy quyển sách thư viện mà cái ông sinh sự phòng kiếm ăn hồi xưa đương bị đấu cật lực vì ly lịch thầy cò và những chơi bời. Cái vô ý của tôi thật tàn nhẫn.

Khi đó nhiều người còn ăn và ở cơ quan, phòng làm việc cũng là nơi ở. Tính nết Nguyễn Bính thì chẳng khác xưa. Đời là một cuộc chơi dài, mà thiên hạ phải cung phụng nhà thơ. Bọn mắt trắng, hiểu thế không? Những trò ấy nhiêu khê, tần phiền, cổ quái lắm. Tôi nghĩ thế. Làm biên tập báo, xuất bản như làm khoán, chẳng cần giờ giấc bàn giấy. Mà cũng vẫn không hợp với Nguyễn Bính. Có mỗi việc giao cho Nguyễn Bính tự tuyển tập thơ Nước giếng thơi – tác giả làm lấy tập thơ cho nên mới có được cái tên sách không phải tên một bài thơ nào trong tập, mà cũng trầy trật mãi. Hứng làm thơ lên thì tung hê công việc, thích đi chơi thì vay tiền, cơ quan lúc nào chẳng có tiền. Cho tao vài ba đồng là bao. Say khướt tối ngày, uống tợn hơn xưa nhiều. Nhà hát lớn có kỷ niệm Nguyễn Du. Nếu tối ấy không có ban tổ chức Hoàng Châu Ký ra can thiệp, còn lôi thôi nhiều. Đã muộn, ở cuộc rượu nào vừa đứng lên, Nguyễn Bính ngồi xích lô đến Nhà Hát Lớn.

Những người giữ cửa không cho vào. Thế là Nguyễn Bính làm toáng lên:

– Không phải giấy má gì cả! Giỗ Nguyễn Du mà Nguyễn Bính không vào được a!

Người ta phải lập lại trật tự với người say rượu. Rồi Nguyễn Bính cũng vào được. Chắc được vào rồi cũng ngồi ngủ mà thôi.

Một lần Nguyễn Bính bảo tôi, giọng bình thường không hơi men:

– Mày phải kết nạp hội viên Trúc Đường chứ!

– Nói anh Trúc Đường làm đơn rồi hai thằng chúng mình giới thiệu anh, theo thủ tục.

Nguyễn Bính nổi cáu, hỏi lại:

– Trúc Đường mà phải làm đơn xin vào Hội Nhà Văn à?

Rồi vùng vằng bỏ đi.

Tập thơ Cửa biển của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Trần Dần đã được Hoàng Cầm chọn xong và đưa in. Vẫn phải chòng vòng chèo chống hàng ngày với Nguyễn Bính những chuyện tương tự trên mà chưa xong được Nước giêng thơi. Những cố nhân như Yến Lan và tôi bây giờ đã mát tính, không như các bạn Mai Lộc, Đoàn Giỏi ở miền Đông trong Nam, trên ghe đò hay trong rừng, phải cho chính thằng mắt trắng ấy một bài học, chứ chẳng phải thiên hạ nào, giã cho nó một trận rồi mới lại thương lại. ít lâu sau, Nguyễn Bính cũng thôi, không công tác ở đâu nữa.

Không biết ai đã giúp tiền cho Nguyễn Bính ra những số báo Trăm Hoa đầu tiên. Tôi vẫn đến chơi, hồi này có tiền, tôi được Bính rủ đi đánh chén luôn. Cái cô mọi khi vẫn giới thiệu là người yêu thơ, là thư ký đánh máy, bây giờ đã là vợ. Nhà thuê một tầng dưới rộng rãi, gần phố Hoà Mã treo bảng Trăm Hoa – máy chữ đánh rào rào, người ra vào toà báo nhộn nhịp.

Trên có sáng kiến lấy giấy và tiền nhà xuất bản giúp báo Trăm Hoa. Tôi được giao thuyết phục làm sao ra được một báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn. Công tác không khó khăn đối với tôi, nhưng đã thuộc tính lung tung của Nguyễn Bính, tôi liền kéo cả anh Trúc Đường đến. Nguyễn Bính cảm kích được giúp đỡ. Trúc Đường đã có kinh nghiệm làm báo lâu năm, từ ích Hữu đến Đàn Bà và rồi Công Dân ở đồng bằng sông Hồng trong kháng chiến. Chúng tôi bàn về Trăm Hoa lâu dài và cả từng số báo. Tôi mua hộ giấy in, xe đến. Tờ Trăm Hoa rõ ra một vẻ khác. Không về bè với Nhân Văn, như chẳng đi với ai. Trên nhận xét từng số, từng bài cho là vẫn chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết. Tôi bàn lại với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính cười mỉa:

– Trăm Hoa phải thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách, cho xong?

Tôi nghe cũng có lý. Có lẽ vì thế tôi không còn hào hứng vận động cho chuyển được Nguyễn Bính. Có lần Nguyễn Bính nhắn tìm tôi. Chắc lại đòi giấy và tiền. Tôi không đến. Mấy lỵ cũng không phải tiền của tôi. Biết ăn nói thế nào. Một buổi tối, Nguyễn Bính rủ tôi ra nhà hàng Lục Quốc, phố Huế. Nguyễn Bính nói:

– Hôm nay ăn cỗ đám ma Trăm Hoa!

Tôi hỏi:

– Trúc Đường đâu?

– Ông ấy không đi.

Có thể vì tôi bỏ Trăm Hoa anh Trúc Đường không bằng lòng tôi.

Mấy lâu sau, Nguyễn Bính được giới thiệu về ty Văn hoá Nam Định. ở Hà Nội một dạo, vài ba tháng hay một hai năm cũng không để ý, thỉnh thoảng gặp chỉ thấy nhăn nhó, rầu rĩ. Xưa nay thì cái thằng này vẫn thế. Những cùng quẫn tự chuốc, những thương đau vơ vào, mình lại đầy ải mình, thân làm tội đời, cả những ngày còn lại này mà vẫn không nguôi.

Người con gái ấy yêu thơ tuổi đương thì. Những mối tình như thế của Nguyễn Bính, chẳng rõ khi ở Huế, ở miền Nam thế nào, nhưng ở ngoài này, bạn bè đã biết tính, biết tật Nguyễn Bính, thấy gái như quạ vào chuồng lợn, như ếch vồ hoa. Thề bồi đấy rồi lại nhăng cuội ngay đấy. Kiểu như những câu thơ đố tài hoa: Nhà em ở dưới cây mai trắng (Bạch Mai) Bên gộc mai vàng (Hoàng Mai) cạnh đế kinh (Phố Huế), những người con gái, biết bao nhiêu con gái đã theo thơ đến với Nguyễn Bính. Nhưng cuộc đời hoa thơm bướm lượn không giống thơ, không như thơ. Thế thì lại vứt bỏ. Người con gái đến với Nguyễn Bính khi làm báo Trăm Hoa cũng chẳng ở được bao lâu. Chỉ tội đã có với nhau một mụn con.

Từ lâu, tôi muốn viết một truyện ngắn. Chưa viết nhưng đặt tên trước truyện ngắn: Tên cháu là Hiền. Câu chuyện đôi vợ chồng bỏ nhau. Đã được một con trai tên là Hiền, mới bập bẹ. Mẹ cháu trẻ quá, còn như ở tuổi son rỗi, đã đi bước nữa. Mẹ đem Hiền về trả bố Hiền.

Hiền bụ bẫm, phúng phính rồi chẳng bao lâu Hiền còm nhom, ghẻ lở, mụn nhọt ghê người. Ngày ngày bố ẵm vác Hiền trên một bên vai, như mèo tha con. Đến đâu, từng đám ruồi nhặng xanh xám đuổi theo. Một tối kia, bố rượu say rồi bố bế Hiền thẩn thơ ra phố. Đến ngã sáu Bà Triệu – Ô hay, làm sao mà bao nhiêu tâm sự nước mắt nụ cười của người viết truyện này, trong những năm ấy, cứ quẩn quanh chỗ cái dốc Hàng Kèn oan nghiệt thế nhỉ?

Chợt nghĩ thế nào, hai tay bố Hiền giơ Hiền ra, đưa Hiền cho một người đàn ông đương đi tới. Trở về, cơn say vật bố thiếp đi. Quá nửa đêm, quờ tay không thấy con. Bố vụt nhớ lại tất cả. Bố lật đật chạy đi đấm cửa nhà mấy người bạn. Chúng tôi đã đi báo hầu khắp các đồn, các trạm công an trong thành phố. Nguyễn Bính thất thểu suốt đêm. Sáng ra, nhợt nhạt thẫn thờ bước giữa trống không. Tìm thế nào bây giờ vì không phải là cháu lạc. Chỉ còn cầu mong biết đâu là cái người hốt nhiên được có người dúi cho đứa bé, lại chẳng là một người đương hiếm trẻ.

Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu tối hôm ấy – nếu trời để cho chứng sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền. Thôi bây giờ viết vào đây câu chuyện thương tâm ngày ấy. Biết đâu, chuyện này – như một cái nhắn tin tìm người ruột thịt thường đọc trên báo. Chẳng đã có bao nhiêu cha mẹ anh em ly tán những năm đói những năm chiến tranh ngót nửa thế kỷ, mà rồi cũng tìm được nhau. Đột nhiên, tôi hy vọng. Tên cháu là Hiền nhé.

Có lần qua Nam Định, được nghe Kim Ngọc Diệu kể rằng câu chuyện đau đớn ấy, mỗi khi nhắc lại lần nào Nguyễn Bính cũng khóc.

Báo Nhân Văn đã ra được mấy số. Có dư luận báo chống đối. Người thành phố nghe ngóng và tò mò. Nhưng mà những hoạt động gây sự không phải chỉ ở vài bài báo trên Nhân Văn, mà cái chính là ý đồ chính trị rộng ra nữa của một số giới không phải là những người làm báo Nhân Văn trong tình hình nhạy cảm ở các đô thị lúc ấy. Báo Nhân Văn đương hô hào dân chủ và in một số sáng tác phong cách mới. Bạn đọc chú ý và chờ đợi sự đổi mới của văn nghệ. Nhưng không ai lưu tâm những người bỏ tiền cho vốn in báo và những hoạt động chính trị đòi thay đổi và chia quyền lãnh đạo đã âm thầm dấy lên, trong giới tư sản đương bối rối, trong một số trí thức ở vùng mới giải phóng và ở đảng Dân Chủ. Báo Nhân Văn chỉ là một phần bề ngoài và là một thủ thuật chính trị dựa vào trăm hoa đua nở. Mấy cây bút cộng tác với báo Nhân Văn không biết được tình hình thật sự như trên. Đâm ra ngộ nhận tai hại về hoàn cảnh, về văn học và cả về tài năng của họ nữa.

Chiến thuật thâm hiểm ấy gây nên cách nhìn lẫn lộn số đông tác giả với lòng chân thành ở mỗi người và ở tổ chức. Khí còn ở rừng, chúng tôi đã thuộc tính Nguyễn Huy Tưởng, đôi lúc còn chế giễu, những lúc Nguyễn Huy Tưởng tròn miệng tròn mắt thao thao ca tụng khấn vái L.Tônxtôi, Ifxen… và ở mỗi người bạn mà anh quý, mỗi cán bộ cấp cao, Nguyễn Huy Tưởng đều tìm ra những ưu điểm tô hồng rầm rộ. Ai nấy đều cười và quen đến độ, Nguyễn Huy Tưởng sắp khen, đã biết khen thế nào rồi. Nhưng về thành phố, từ lúc nào xuất hiện một Nguyễn Huy Tưởng lầm lỳ, đăm chiêu, ít nói và nói cũng khác mọi khi. Nguyễn Huy Tưởng không bằng lòng mấy anh em quanh mình giấu diếm làm báo Nhân Văn, nhưng Nguyễn Huy Tưởng cho rằng chúng nó cũng vẫn là chúng mình cả thôi, chẳng lẽ chỉ biến đâu một lúc, trở lại là thằng khác à?

Những cơn nghĩ dày vò Nguyễn Huy Tưởng lúc ấy là tình hình thế giới. Vốn phục Ti tô, Nguyễn Huy Tưởng không bằng lòng với việc nước Nam Tư bị đuổi khỏi cục Thông tin quốc tế – một tổ chức tập hợp lực lượng dân chủ và tiến bộ thích ứng với tình hình mới. Dồn dập, tháng mười năm 1956, xảy ra sự kiện Hungari. Mấy đêm Nguyễn Huy Tưởng không chợp mắt được. Mở cửa trông sang cái hiệu Tàu vằn thắn mì hôm trước đông khách suốt ngày tới khuya, bỗng có thì thào: vằn thắn thịt chuột. Khách vắng hẳn. Buồn thiu như Nguyễn Huy Tưởng. Nguyễn Huy Tưởng nói:

– Nước Hungari trong phe xã hội chủ nghĩa, nhưng trước nhất nước Hungari là nước Hungari đã ông thấy thế nào? Các ông thấy thế nào? Tôi không hiểu, tôi không thể hiểu.

Nguyễn Huy Tưởng băn khoăn. Nguyễn Huy Tưởng có những ý kiến khác những lời bình trên các báo. Nguyễn Huy Tưởng vốn kỷ luật, chịu khó viết nhật ký và sưu tầm tài liệu. Nhưng chắc Nguyễn Huy Tưởng đã không ghi lại những trăn trở, những khủng hoảng như tôi vừa kể trên. Bấy giờ, những ý kiến khác lạ không mấy ai dám nói ra và ghi lại. Thà chôn sâu trong lòng. Trò chuyện với Nguyễn Huy Tưởng cái cười vẫn đôn hậu thế, nhưng khác trước rồi. Có người bảo gần đây bác sĩ Phạm Ngọc Khuê dưới Hải Phòng hay lên chơi với Nguyễn Huy Tưởng. Khi còn trẻ, Nguyễn Huy Tưởng mê và phục thuyết Sinh lực mới của anh bạn có khuynh hướng tờrốtkít này. Nguyễn Huy Tưởng thân với Nguyễn Hữu Đang. Chúng tôi đã cùng hoạt động hội truyền bá Quốc ngữ và Văn hoá Cứu Quốc. Nguyễn Huy Tưởng quý bạn, bao giờ cũng phát hiện ra những khía tốt của bạn, nhưng tôi không tin Nguyễn Huy Tưởng thay đổi vì ảnh hưởng ai. Con người chân thành ấy chỉ nghĩ thực, nói thực Có khi tôi đùa:

– Ông là thằng cộng sản dân tộc.

Nguyễn Huy Tưởng cười hiền lành.

– Cậu bảo tớ bắt chước Ti tô? Không phải.

– Nguyễn Huy Tưởng là cộng sản Việt Nam. Nhưng mà nguy hiểm đấy. Chẳng nên đùa nhau thế.

Nguyễn Huy Tưởng nói nho nhỏ, cặp mày rậm rên con mắt hồn nhiên nhíu lại, buồn hẳn. Chúng tôi không bao giờ đùa cợt và nhắc lại như vừa rồi nữa.

Bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng đang ấp ủ dự định viết tiểu thuyết Sông mãi với Thủ đô. Sự tích hai tháng chiến đấu trong lòng Hà Nội của Trung đoàn 102 những ngày đầu. Đề tài ấy Nguyễn Huy Tưởng theo đuổi đã lâu, từ khi trung đoàn được thành lập giữa liên khu 1 ở nội thành, đến hôm trung đoàn vượt vòng vây ra, chúng tôi đã đi đón ở cánh đồng Gối, Nguyễn Huy Tưởng càng mê. ở Việt Bắc, Nguyễn Huy Tưởng đã có dịp đi nhiều chiến dịch với Trung đoàn Thủ đô. Nguyễn Huy Tưởng vốn có nghị lực và thiết thực, đã chuẩn bị thì phải viết và viết được.

Nhưng từ khi về Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng có hoàn cảnh được về luôn Lai Xá, doanh trại trung đoàn nhà cao cửa rộng ở đấy. Nguyễn Huy Tưởng đã đến ở lâu với trung đoàn. Ngót mười năm chinh chiến, hầu hết các đại đội trưởng, trung đội trưởng đã không còn. Những trận đánh nhanh nhẹn tài hoa phong cách thanh niên Hà Nội của Trung đoàn Thủ đô đã nổi tiếng khắp Việt Bắc trong các chiến dịch Biên giới, Trung du, Hoà Bình, Đông Bắc, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Giữa những cuộc chiến dũng mãnh ấy, các chỉ huy đại đội, trung đội đã ngã xuống nhiều. Và cũng biết bao nhiêu tâm trạng phức tạp, éo le, trái ngược trong một con người chiến sĩ. Mấy tháng trời, Nguyễn Huy Tưởng cất công về Lai Xá. Kết quả thu được, Nguyễn Huy Tưởng sẵn hào hứng mới về một tác phẩm khác hẳn bản thảo ban đầu đã viết. Trung đoàn Thủ đô mới được Nguyễn Huy Tưởng phát hiện, khí thế và truyền thống, coi cái chết như không. Bao nhiêu chiến sĩ tín nghĩa, trung thực và cũng thật tàn bạo, – anh hùng và hoang dại, đằng nào cũng đều cực kỳ. Vẫn cái nhìn và phong cách Nguyễn Huy Tưởng, cái gì cũng tới chuẩn tối đa, nhưng không còn Nguyễn Huy Tưởng lúc nào cũng ngạc nhiên và trố mắt, khen không tiếc lời. Nguyễn Huy Tưởng định xây dựng và sáng tạo lại nhiều mặt cuộc sống mãnh liệt và phức tạp, tinh thần chiến đấu quên mình, sắc sảo tính cách Hà Nội, lẫn lộn và chống chọi với tâm địa hèn nhát, thói mặc cả tình thế. Trung đội trưởng Bạch Ngọc Liễn còn sống sót đến bấy giờ đã hiện ra như một nhân vật tiêu biểu và cũng là người cho Nguyễn Huy Tưởng thấy được những góc cạnh u tối trong cuộc đời. ở chiến dịch Sông Thao năm 1949, tôi đã được đọc nhật ký của Bạch Ngọc Liễn. Cái hôm Bạch Ngọc Liễn đứng gác trên sân thượng nhà in Lê Cường phố Hàng Bồ nhấc khẩu trung liên lia một băng đạn vào chiếc phi cơ spitphai vừa xà xuống bắn phố Hàng Thiếc khu Đông Thành. Chiếc máy bay ấy rơi ngoài bãi Nghĩa Dũng bờ sông, có lẽ là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị hạ trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Những người còn sống mà Nguyễn Huy Tưởng đã gặp và những người đã chết Nguyễn Huy Tưởng được nghe bạn bè kể. Kỷ niệm làm sống lại những sự thực đã cho Nguyễn Huy Tưởng những khám phá mới. Nguyễn Huy Tưởng có ý muốn viết lại Sống mãi với Thủ đô.

Một đợt nghiên cứu chính trị của văn nghệ sĩ và cán bộ quản lý văn hoá văn nghệ ở Trung ương. Hai mươi ngày, lên hội trường ở cái gác làm sàn nhảy trên sân thượng khách sạn Rít ở Bờ Hồ. Ngoài cửa sổ, vòm lá sấu xanh rì, thấp thoáng bên kia mặt hồ Hoàn Kiếm. Giữa tình hình áy, lớp nghiên cứu thật quan trọng. Nhưng chúng tôi không có trách nhiệm đáng kể và thói quen nhởn nhơ của tôi thì vẫn thế. Đường sắt Hải Phòng – Lào Cai vừa khôi phục nối với Côn Minh bên Vân Nam. Tôi đi dự khánh thành trên một đoàn tàu khách, có cả Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng… Làm thế nào mà Nguyễn Tuân cũng mò đi! Lúc ấy, Nguyễn Tuân đương làm Tổng thư ký hội văn nghệ cơ mà. Có lẽ xưa nay văn nghệ văn nghẽo vẫn thế, bảo là cần thì cần lắm, mà là thường thì cũng thường thôi. Dong duổi đó đây thích hơn.

Những chiếc tà vẹt tám tấc, những thanh ray cổ lỗ nhất thế giới. Chúng tôi muốn được thú vị ngồi trên toa mà đường ray là những thanh tà vẹt bánh tàu đương lăn dưới kia, khi kháng chiến tiêu thổ, người các làng bên Đoan Hùng lên Tuyên Quang ven sông Lô đã sang tận sông Thao dỡ từng chiếc khiêng về làm cầu khỉ, cầu ao, cọc bờ rào. Giữa mùa mưa lũ, đường đất thó sống trâu trơn như đổ mỡ, ở Ao Châu, Gia Điền, Đan Hà, Đại Phạm, Ba Quanh, Thinh Cù, người chống gậy qua những cầu ray nhún nhảy. Những thanh sắt lưu lạc bây giờ được vác về đặt tên taluy mới, các làng ven đường lại đổ ra cắm cờ lên, đắp đất bắc đường cho chóng thấy tàu hoả chạy qua, thật hăng hái làm cũng như khi cật lực đào phá đường tàu. Những kỳ diệu, bấy giờ chúng tôi cho là thế cả như trong thành phố, cái tàu điện cải tiến, ông vát man có ghế ngồi không phải đứng lái như xưa. Trong khoang bỏ ghế hạng nhất, chỗ ngồi đồng loạt à thế là dân chủ. Và không biết cái đường xe lửa Hà Nội – Vân Nam này của công ty hoả xa Việt Điền được mua lại hay là ta đã sung công, cứ cho là ta sung công cho oai? Còn thật là sướng mắt khi thấy báo đăng tin kèm ảnh chụp, rồi một hôm nhìn được hẳn hoi chạy ngoài đường cái ô-tô đầu tiên của quân giới lắp ráp được. Sau đít xe, chiếc biển kẻ ba số 0 rồi mới đến con số một đỏ choé – nhà máy quân đội ta đã sản xuất được cả ô-tô! Những đồ đồng nát đem chữa chạy vá víu lại mà khiến ta có thể vỗ tay lên được chủ nghĩa xã hội thì đến ngơ ngẩn cả người thật.

Nguyễn Tuân không nhiều tâm trạng và băn khoăn thời sự với chính trị như Nguyễn Huy Tưởng. Con người ấy quan niệm về tự do là không bờ bến không chính trị, nhưng cũng không bao giờ lung tung, đúng nghĩa ra là một lối sống nền nếp. Cùng Nguyễn Tuân, nhiều lần tôi tiếp khách nước ngoài. Nguyễn Tuân chuyện thật vui, mà lại rất nghiêm chỉnh. Cái ngang ngang Nguyễn Tuân một mình một tính làm cho người ta hiểu lầm và dễ vui chuyện phóng đại lên. Những tiệc đứng tiệc ngồi trong dịp các lễ lớn ở một số sứ quán.

Thông thường, khách ăn uống đủ, trò chuyện qua loa với người bên cạnh rồi chỉ còn đợi vị khách cao nhất của ta chào chủ tiệc, thì mọi người lục tục ra theo. Nguyễn Tuân không thế. Nguyễn Tuân làm những sự khác thường, khác thường nhưng tế nhị. Nguyễn Tuân vốn khảnh ăn. Đôi khi sắp đến hẹn đi, Nguyễn Tuân vẫn ăn uống như thường, không bỏ cơm nhà. Nguyễn Tuân thích trò chuyện với mấy người phóng viên thường trú ở Hà Nội của báo ý, báo Pháp, báo Liên Xô: Cầm dĩa, lấy một miếng thịt sấy, một ít trứng cá. Không cầm rượu rót sẵn ngoài bàn, Nguyễn Tuân vào cái quầy ở phía trong phòng tiệc – mà chỉ khách thạo uống mới khám phá được chỗ góc rượu thân ái ấy. Nguyễn Tuân lấy một cốc rượu mạnh, cô nhắc hay uytky rồi ra đứng một mình. Như nhấp nháp và nhìn ra xem người ta đương xúm xít quây quanh bàn.

Hôm ấy cao hứng – vâng, thật cao hứng mà không phải vì say, ở sân cỏ vườn sứ quán Pháp, khách đã vãn, Nguyễn Tuân vẫn cầm dĩa, lại châm thuốc hút và đủng đỉnh đứng đấy. Cuộc chiêu đãi không phải đã kết thúc sau lúc tiễn khách. Nguyễn Tuân biết kiểu Tây ăn cũng chẳng khác phong tục lâu đời ở quê ta, nhà có cỗ bàn đám cưới, khách khứa đi về gia chủ mới dọn ra một mâm – không phải cỗ vét mâm bát mới hẳn hoi, nhưng là mâm người nhà. Bao giờ những mâm người nhà cũng thật sự vui nhất. ở sứ quán này cũng thế. Tôi đã được dự mâm người nhà thế tại sứ quán Trung Quốc ở Tân Đê Li bên ấn-độ, và ở Êtyôpi đến bấy giờ ai cũng mới uống say. Cho hay cái ý nhị trong ăn uống vốn là tính người và kinh nghiệm nhân loại từ tiền sử cho đến ngày nay thật phong phú. Người nhà, suốt buổi lo đưa đón, phục dịch, bây giờ mới vào cuộc cho mình. Ông đại sứ đầu trò – cuộc chè chén kéo dài không biết khuya đến đâu. Cái vị khách từ lúc tiệc chính vẫn đứng một mình đằng kia, bấy giờ bước lại bàn chủ tiệc người nhà và nâng cốc. Nguyễn Tuân lịch sự cạn một cốc của ông đại sứ Pháp vừa mời lại. Rồi khách mới ý tứ chào, ra về một mình. Đường khuya đã vắng ngắt, chỉ còn người công an đứng trong chòi gác. Những khác người trong lối sống, những tế nhị, kiểu cách mà không ồn ào. Cả trong văn Nguyễn Tuân, từ triết lý đến mỗi câu mỗi chữ. Những ai có trách nhiệm đọc Nguyễn Tuân đã bỏ công soi mói, bẻ hành bẻ tỏi chỉ là thói quen gò ý và trịch thượng. Thời chống Mỹ, Nguyễn Tuân viết một loạt ký về Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, thế mà vẫn có những bút chì đỏ gạch từng quãng lưu ý cấp trên. Tôi gặp khó khăn bởi những chuyện ấy, vì Hội Văn nghệ Hà Nội đã in lần thứ nhất tập bút ký này. Công việc gọi là theo dõi ấy thật sự là đố ky và bề trên, khác nào ngày nay người ta dùng lẫn hai chứ theo dõi mà nghĩa một thời của nó không đẹp đẽ lịch sự như bây giờ đài báo cảm ơn bạn đọc và người nghe đã theo dõi. Không, chỉ có mật thám theo dõi người bị tình nghi, đội xếp theo dõi kẻ cắp sắp móc ví. Nghĩa thời trước của hai chữ theo dõi là vậy. Xem lại những bút ký Phở, Tình rừng, Tờ hoa, có thể đọc một lần rồi đọc lại lần nữa. Không vì thích thú mà còn vì ngạc nhiên. Đấy chỉ là những áng văn bộc lộ những nét riêng với cái nhìn đáo để và trang nhã, mài những cái ấy đi thì còn đâu văn Nguyễn Tuân.

Mấy chữ Nguyễn Tuân viết cho tôi, từ Sa pa – không đề ngày tháng. Dấu bưu điện trên cái bưu thiếp ảnh màu rừng thông, mái nhà nhô ra trong sương mù và bóng Hoàng Liên Sơn.

Hoài,

Mình leo Hoàng Liên Sơn cả lên cả xuống mất 5 ngày. Người đang mệt và đau gối. Khoe khoẻ là xin huyện uỷ thuê ngựa cho và sẽ đi tiếp vào Phong Thổ. Mình ở trên đỉnh ca nhất, được thấy hoa đỗ quyên nở rất đẹp. Đỗ quyên màu hồng điều, cánh sen vàng nở giữa rừng trúc phất trần. Trong đời mình, trong mọi mùa xuân, mình chưa bao giờ thấy mây và hoa nhiều đến như thế. Lên đây lạnh, mưa gió như bão, túi luôn phải có chai rượu mạnh để chống khí núi. Hết 2/3 lạng cao hổ rồi.

Nguyễn Tuân

Khi lên cao, mình có bị ong đốt, mặc dù chẳng có trêu phá gì nó.

Cái câu tái bút ong đốt vu vơ chỉ gửi cho tôi này, chắc nếu đăng báo, in sách cũng lại điêu đứng đấy. Ôi là trời, cái tính người ta thế, chứ xỏ xiên gì đâu.

Có một thời, những người theo dõi báo chí, xuất bản và phát hành sách báo được phong làm lính gác. Lính gác thì phải có việc của lính gác, chẳng lẽ ăn lương để đứng không. Nhưng thật ra người ta chỉ đọc a dua rồi đánh đòn hội chợ. Cấp trên hô người ấy, bài ấy có vấn đề. Tự nhiên cảm thấy hình như có vấn đề thật và người ta dò tìm từng câu từng chữ. Thế nào chẳng ra vấn đề! Bỗng khó chịu cả cách diễn đạt khác nhau của mỗi ngòi bút, thế là làm sao. Không biết vì tổ chức đặt ra công tác theo dõi làm cho cái người theo dõi bỗng nhiên được làm thầy thằng bị (được) theo dõi. Hay là tại vì thuở nhỏ đi học, nhà trường chưa bao giờ giảng cho các vị ấy khi còn là học sinh hiểu bài văn muốn có ý nghĩa, trước hết bài văn phải hay. Khốn thay, người ta viết văn thất bại nhưng vẫn làm cán bộ theo dõi được. Cái nhìn sự sáng tạo cứ lên xuống theo thời tiết. Nguyễn Tuân cáu kỉnh nhẹ nhàng và chua chát:

– Có khi mày bảo chúng nó viết đi, để ông với mày đi chơi, thế là bớt được thằng công tác theo dõi!

Nói vậy, Nguyễn Tuân vẫn là Nguyễn Tuân thế, không có gì khác.

– Này, chúng nó đồn ầm lên ông mới nói, nếu ông còn trẻ thì ông cũng bỏ đất này ông đi.

Nguyễn Tuân thong thả nói, như cho mình nghe:

– Biết đuổi theo đứa nào mà cải chính bây giờ!

Những câu Nguyễn Tuân nói thế, Nguyễn Tuân bảo thế đến tai Nguyễn Tuân quá nhàm. Càng khó khăn, càng gay go, khi cả buổi tay khư khư quyển sổ đứng vẫn chưa đong được tháng gạo. Mỗi hôm mua bó rau muống, rau dền, phải sắp hàng dài hơn – may thay, nhà văn già, hay là nhu Nguyễn Tuân đã vỗ ngực xưng với Mộng Tuyết: hàn sĩ đỏ, nhà văn đỏ và cao tuổi ấy đã được bà lão và cô con gái út cáng cho những vất vả về gạo nước mà ông chỉ trông thấy đã đủ mệt nhọc rồi. Cái đèn điện không chao cứ nhè đến bữa ăn chập tối thì tắt ngỏm. Thế là buông đũa thở dài ca cẩm, tưởng tượng như bí thư thành uỷ đứng trước mặt:

– Đấy điện khí hoá thành phố của ông ấy đấy. Trong khi vẫn lặng lẽ với tay lên giá sách lấy cây nến đỏ. Và vẫn tuân thủ, làm việc và đọc mê mải. Nửa đêm qua sông sơ tán sang huyện Quế Võ. Tang tảng sáng, vào quán chè tươi uống bán nước sớm xem người ta ăn phở thịt chó rựa mận. Trở về thành phố, báo động và máy bay còn rền rĩ trên đầu, Nguyễn Tuân đạp xe lên hồ Trúc Bạch. Thấy bảo có thằng giặc lái rơi xuống đấy, nhưng bị xách cổ đi rồi, còn thằng nữa nhảy dù xuống đường Thụy Khuê ven hồ đằng kia. Nguyễn Tuân đội cái mũ sắt khối Nato nông choen hoẻn – dạo trước có cái mũ lính cứu hoả có mào của Pháp, mới đổi được chiếc mũ Nato này. Nguyễn Tuân đến dự đám cưới của đội tự vệ tổ chức trên trận địa pháo cạnh cầu Long Biên. Rồi viết bài đăng trang nhất báo Nhân Dân.

Thế nhưng, những câu Người ta bảo ông nói thế này… thế này… vẫn vo ve đến. Cho hay cũng là thói đời. Câu nói mát mẻ, xỏ xiên, các thứ tiếu lâm thời thế ở đâu đâu hay quàng đến mượn tiếng Nguyễn Tuân bất mãn. Nhiều đến độ người nọ thổi vào tai người kia, nếu tò mò cộng lại, cũng không thể tin cái ông nhà văn dẫu có tiếng là ngạnh trê đấy, nhưng chắc cũng không hơi sức đâu bịa ra lắm chuyện đổng giả thế. Nhưng đồn thì cứ đồn.

Nguyễn Tuân lại nói:

– Kể ra mình cũng có tội. Cái tội hay nói bô bô, không kín võ được như cậu. Mà tớ chẳng có võ gì cả. Cũng không biết bơi, không biết cưỡi ngựa. Bởi thế mới sinh chuyện. Nhưng cũng không bực mình vì mọi thứ người ta đổ lên đầu đâu. Mình không nói thì thằng khác nói. Các nhà văn hoá dân gian nên sưu tầm và nghiên cứu tiếu lâm tục ngữ, ca dao thời sự, văn hoá dân gian đấy chứ.

Ông nói vui thế chứ ông cũng không phải người đa ngôn. Cũng như ở những thói quen khác, cái nỗi vẫn là, một mình một tính. Khi bực bội, chẳng kể to nhỏ, cái gì cũng vặc. Đuổi một người gõ nhầm cửa. Dửng dưng trước một người mình không ưa, dù người ta giơ tay định bắt tay. Lại thấy cái ông ấy vào cùng buồng trong bệnh viện, nhất định đổi sang buồng khác. Phàn nàn mùa này Hà Nội đến chết sặc vì mùi hoa sữa. Cười những cán bộ các tỉnh gà vịt đội lông công, cũng áo cánh lụa mã gà phe phẩy cái quạt giấy, cười cười như uỷ viên bộ chính trị. Chửi các báo địa phương làm măng xét hệt báo Nhân Dân Trên bảo chúng nó phải làm thế à. Rồi lại khó chịu với cả mình. Mình là cái chó gì mà có thằng cũng bắt chước. Cái tóc cái râu, cái batoong khệnh khạng vào nhà hát lớn. lên máy bay…. Ôi vui nhiều, cáu nhiều quá, bực mình quá.

Nguyễn Tuân nói:

– Thế này thì mình xin ra Đảng.

Nguyễn Tuân hay nói câu ấy khi bực bội. Nguyễn Tuân nhớ và ghi con số không thua Nguyễn Công Hoan thuộc sử. Ngày nào năm nào sở Liêm phóng Bắc Kỳ cho mật thám giải từ Hoả Lò lên căng Vụ Bản, châu Lạc Sơn vùng rừng núi Hoà Bình, Ninh Bình. Bị bắt ở Vọng Các, tống về Sài Gòn, xuống tàu thuỷ ra Bắc, tàu Chantilly ngày mấy tháng mấy. Đi hội nghị hoà bình thế giới ở Henxanhky qua Trung Quốc ở lại bao nhiêu hôm. Những lần lên Lai Châu, lên Hà Giang, năm nào mùa nào…

Chúng tôi ở Lào Cai về, đợt nghiên cứu 21 ngày vừa hết, còn buổi sau cùng. Tiếng vỗ tay bế mạc rầm rầm ngập cái sân thượng. Ông Phan Khôi ngang như cua ưa chơi trội, chống batoong bước ra về trước, còn quay lại phang một câu thế nào đấy, dường như bảo là người đi chợ Hôm sung sướng mua được quả chanh cốm, hỏi ra mới biết chanh xuất khẩu bị ế. ờ, người trồng chanh phải được ăn quả chanh ngon nhất chớ! Chẳng hiểu lão chửi bóng hay nói vỗ mặt. Nhưng mà cách nghênh ngáo tợn tạo của ông thì không ai lạ. ở Yên Dã trên Đại Từ, một lần tư lệnh Nguyễn Sơn đến chơi, Nguyễn Huy Tưởng mời anh em họp mừng ông tướng mới ở khu 4 ra và nghe ông tướng nói chuyện Kiều. Quá mười giờ đêm rồi, Nguyễn Sơn vẫn nói và hét toang toang. Phan Khôi nằm trên nhà đồi không ngủ được. Ông xuống, thò đầu vào cửa phòng, quát:

– Nói to thế mà không sợ đứt cổ a?

Rồi quay ra, lại lên chui vào màn.

Chúng tôi bị kiểm điểm qua loa: bỏ lớp học quan trọng đi ăn mừng đường xe lửa được khôi phục, việc không cần thiết. Báo Nhân Văn ra đến số 6 bị tịch thu tại nhà in. Các báo hoan nghênh việc đó. Một số văn nghệ sĩ chúng tôi chẳng biết ai chủ trương cũng ra tuyên bố tán thành sự tịch thu báo Nhân Văn. Nhà xuất bản Minh Đức tự đóng cửa. Hồi ấy, báo in còn ít, chỉ tính số nghìn. Nhưng một tờ báo bị cấm thì ầm ĩ ngay. Bấy giờ, cuối năm 1956.

Thành phố vẫn đương âm thầm cải tạo tư sản. Dẫu cho thường được nghe phân tích là ở nơi đô hội, thị dân chỉ có tiêu thụ thì giai cấp tư sản bé bằng con muỗi mắt.

Nhưng làm sao không đụng chạm đến từng nhà. Lại thêm biết bao nhiêu người họ hàng xa gần vừa bị chìm nổi sóng gió đấu tố ở nông thôn, từ Nghệ An, Hà tĩnh ra, Hải Dương lên. Nhiều địa chủ đã được sửa sai vẫn chưa dứt cơn hốt, bỏ quê về thành phố. Càng thêm nháo nhác, nhộn nhạo những đồn thổi.

Các đoàn thể tổ chức kiểm điểm và kỷ luật nội bộ những cán bộ tham gia viết và hoạt động chò báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm của nhà xuất bản Minh Đức.

ở hội Nhạc, Đặng Đình Hưng bị khai trừ đảng. Văn Cao, phải cảnh cáo, chỉ được ở hội nhạc không được ở hội văn, hội vẽ. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên, tuy chỉ làm có cái bìa sách cho nhà xuất bản nọ nhưng chắc là không khí sát phạt ở các buổi họp khiến các anh ngại, đã xin ra đảng. Trên có nghị quyết không khai trừ, mà đồng ý cho được thôi. Có lẽ đến bây giờ, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn giữ cuốn sổ tay ghi số đến thứ bao nhiêu lần những cuộc mời họp mà Nguyễn Tư Nghiêm không đi. Khoe với tôi như thế, anh có vẻ thú về những con số tỉ mẩn ấy. Khác Nguyễn Sáng, Nguyễn Sáng vẽ ký hoạ trên báo Nhân Văn một đầu người ở cổ có vết khía, như cái lá. Người ta bảo đấy là chân dung Trần Dần và cái sẹo còn lại khi anh định tự vẫn. Nguyễn Sáng không được bình huân chương kháng chiến. Những năm sau, trong lúc Hà Nội bị máy bay Mỹ quấy báo động liên miên, Nguyễn Sáng đã lo rất đứng đắn. Rồi giải phóng miền Nam, tao về thăm quê, họ hàng bà con hỏi chú đi làm Việt Minh, Việt Cộng bao nhiêu năm thế mà trên ngực không có cái mề đay nào? Mày bảo tao trả lời ra sao? Tao buồn lắm. Hoàng Cầm bị ra khỏi ban chấp hành, phải thôi việc nhà xuất bản, chuyển công tác về sở Văn hoá Hà Nội. Phùng Quán nhờ có chú Phùng Thị, chánh văn phòng bộ Văn hoá đưa lên làm ở vụ Văn hoá quần chúng. Nhưng ai cũng bức bối không yên. Hoàng Cầm thì mở quán rượu, Phùng Quán câu cá hồ Tây, hiu hắt, dông dài, cho tới năm về hưu non. Đi Bắc Kinh dự kỷ niệm Lỗ Tấn về, ông Phan Khôi hào hứng viết về chuyến đi. Nhưng rồi nhạt dần. Ông ngồi yên. Ông vẫn được đãi chế độ nhân sĩ lương cao và tiêu chuẩn có người phục vụ, nhưng chẳng ai hỏi tới. Ông nằm yên. Mấy năm sau, lâm bệnh mất. Đám ma bác Phan Khôi, đi sau xe tang, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng Phương – cháu gọi bằng cậu. Trần Dần và Lê Đạt ra khỏi cơ quan, chuyên dịch không ký tên cho nhà xuất bản Văn Học. Nhà xuất bản Sự Thật thuê Trần Đức Thảo duyệt dịch sách lý luận kinh điển. Ban chấp hành Hội Nhà văn quyết định truất ba năm hội tịch Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán đăng tin trên báo Văn Học, cơ quan của Hội. Tôi không nhớ việc ở các hội nghệ thuật khác.

Nhưng đằng đẵng ba mươi năm không hội văn học nghệ thuật nào lôi ra xem xét lại. Sợ sệt, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông Nhân Văn cả nước, mà tràn lan đến những Nhân Văn phố, Nhân Văn xóm, chẳng bị kỷ luật gì, nhiễu người không phải vì bài văn câu thơ, mà bởi lời nói bông lông, bốc trời chẳng hạn, cũng bị quy chụp luôn. Hữu Loan không ở nhóm nào cũng bỏ làm báo Văn Nghệ về Thanh Hoá. Nghe nói sinh nhai bằng nghề đi xe thồ và vào núi đập đá bán. Những cây bút trẻ, như Vũ Bão, như Lê Bầu, có mấy truyện in sách, đăng Văn nghệ Quân đội tươi mát lắm, cũng chột luôn. Triền miên lẳng lặng bề ngoài bình thường như đã xoá đi, nhưng bên trong thì khác. Người có vấn đề thì lo đối phó.

Người canh gác thì cảnh giác. Tập ký của Nguyễn Tuân đưa nhà xuất bản Văn Học lần nào cũng được trả lời : Phát hành người ta chưa lấy được đủ số lượng. Nhà xuất bản có nhã ý gửi tác giả ít tiền ứng trước, thỉnh thoảng lại ứng trước. Nhưng rồi cũng không hẳn yên ổn. Đôi khi lại tòi ra Đống rác cũ, lại Vào đời, lại Cái gộc, lại chuyện Bác Hồ đi tắm bãi Titốp ngoài Hạ Long…

Những người theo dõi lại vất, lại nhộn nhịp. Mấy năm đầu, đôi khi Lê Đạt, Phùng Quán cũng viết ký tên khác cho sách bướm sở Văn hoá, Công Uẩn, Lê Đạt hay Phùng Quán truyện dự thi về Lênin, truyện cho thiếu nhi Tâm Trọc về thăm nhà, nhà xuất bản Kim Đồng in, Trần Dần dịch tiểu thuyết Những người chân đất không ký tên. Chỉ vài người quen có biết. Sau có lẽ cũng buồn, vì tên tuổi chẳng đi đến đâu, các anh thôi. Hoàng Cầm thì vẫn thế. Ai bảo thơ Hoàng Cầm hai mặt, một mặt, không, Hoàng Cầm có thể cắt nghĩa thành ba mặt, bốn năm mặt cũng được. Chỉ có tâm hồn thơ và cái giọng vàng mười hát thơ trên đài Tiếng nói Việt Nam, là không ai quên với vẻ đẹp thơ lấp lánh vàng mã trang kim – nhận xét của Lê Đạt. Đặng Đình Hưng dịch tài liệu cho hội nhạc, buôn rượu lậu và làm thơ. Từ dạo làm cái bài hát theo thời Nông dân là quân chủ lực. Đặng Đình Hưng chán nhạc. Oái oăm như Văn Cao chỉ được sinh hoạt ở hội nhạc, thì lại kiếm ăn bằng vẽ bìa. Văn Cao làm bìa độc đáo, có nét riêng. Đặng Đình Hưng viết một tập thơ Nhân, có chỗ buồn tay làm mấy trang đánh dấu chấm như mưa. Hiện nay, tập thơ ô mai của Đặng Đình Hưng cũng nhiều bài lấy ở tập Nhân thơ đầu tay. Ông cử Hưng – như người làng gọi, túng kiết lắm. Xách bị buôn chuyến rượu trong quê Chương Mỹ ra để được uống ghé vào đấy. Nhưng vẫn những tưng bừng bất thường. Đặng Đình Hưng rủ tôi lo đêm Trần Khánh hát. Đặng Đình Hưng biết tôi thích cái giọng sạn sạn của Trần Khánh, người hát hay mà chưa học hát bao giờ và lận đận vì lý lịch. Đêm ấy, cả buổi tối, một mình Trần Khánh hát. Hai đứa con lớp năm, lớp ba chi đó ngồi chầu hẫu dưới này rồi rối rít giơ tay đánh nhịp theo bố hát. Tôi tặng Trần Khánh bó layơn hồng – Trần Khánh chẳng thể biết tôi không chơi hoa mua hoa bao giờ. Đặng Đình Hưng kèm vào bó hoa một chai rượu. Chắc cái bị khoác vai đeo rượu đi bán để ngoài cửa. Đặng Đình Hưng ôm tôi, thì thào :

– Thành công, thành công, Trần Khánh!

Như chuyện Kim Kiều tái hợp, đời người cũng có hậu, những năm sau này Đặng Đình Hưng được con trai gửi tiền nuôi. Mua một căn hộ 23 thước vuông, thuê một máy điện thoại. Cứ chặp tối lại nghe giọng rè rè 44639, 201 C4 Hưng Giảng Võ đây Đặng Đình Hưng bày ra chiếu giữa nhà cả chục hũ thuỷ tinh rượu ngâm tắc kè, rắn, ba kích, dái dê, quất hồng bì, bẩn gớm chết. Hôm này nếm rượu nhà Đặng Đình Hưng về tôi cũng bị tào tháo đuổi. Khách ghé gẩm uống nhiều nhiều. Ông chủ đã để những chai rượu chợ ra phía ngoài. Cho người ta uống chạc, ngồi nhìn mà trong bụng khinh. Bây giờ Đặng Đình Hưng lại bỗng thấy trong văn nghệ thì nhất hội hoạ. Đặng Đình Hưng vẽ lụa, sơn dầu, sơn mài… Đăng Đình Hưng nguệch ngoạc xuống giấy rồi thuê người làm sơn mài. Đặng Đình Hưng bảo tôi :

– Em vẽ ông anh ngồi uống rượu đấy.

Rồi trỏ vào mấy chấm vàng và một nét nửa chữ V trên nền sơn then. Trần Lưu Hậu và Trọng Kiệm gật gật, giơ chén.

Tiểu thuyết Người người lớp lớp về Điện Biên Phủ của Trần Dần, bắt chước giọng như tiểu thuyết Trung Quốc đương bày bán ở các hiệu sách của Triệu Thụ Lý, của Mã phong, những Anh hai Đen lấy vợ và ánh lửa đằng trước, cũng chương hồi, cũng : Lại nói về chỉ còn thiếu có câu hồi sau phân giải. Và cái kiểu nhân vật tên kép hai ba chữ Hùng Sinh, Trần Hoàng, Ngô Thiên Lý của Trần Dần đã được nhiều người bắt chước theo. Trong khi, theo cách từng thời của văn ta, tên người chỉ một chữ và khi dùng hai, ba chữ đều do những yêu cầu riêng. Đến thời văn chương Tự Lực đã dọn lại thành Mai, Chương, Tuyết, cần lắm mới thêm chữ tú, chữ hai, hay hai ba chữ tiếng lóng. Năm Sà Goòng, Bảy Sẹo… Tên hai ba chữ là trở ngược lại một giai thoại văn học đã qua. Mấy năm ấy, Trần Dần loay hoay với một tiểu thuyết – mà tôi được đọc bản thảo, không nhớ tên, hay là chưa có tên. Kết quả công phu Trần Dần đi vùng phố Khâm Thiên làm quen với những người thời pháp đi lính nguy và viết về họ.

Cuốn tiểu thuyết ấy như tác phẩm của các nhà văn phái tiểu thuyết mới của văn học Pháp hiện nay, những tiểu thuyết Năm ngoái ở Marinba của A.R.Griê, Người lạ mặt của N.Sarôt, Thay đổi của M.Buto… Các ông này viết khó hiểu, mỗi quyển trên đằng cuối in thêm một trang hướng dẫn người đọc Mới đây, trên một tờ phụ san văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh, Dương Tường có trao đổi về một bài báo tôi viết về vấn đề những cái dấu trong câu văn. Dương Tường không đồng ý với luận điểm của tôi. Vấn đề này chúng ta còn tiếp tục bàn nhưng tôi đọc của Griê, của Buto loại in phổ thông, thật có tờ chỉ dẫn cách xem ở trang cuối Tôi không bịa dựng đứng ra đâu.

Lời tựa tiểu thuyết mới này của Trần Dần đại để: Nông nghiệp nước ta đương tiến lên công nghiệp, những cánh đồng đã bờ vùng bờ thửa, văn tôi cũng bờ vùng bờ thửa. Trang sách bờ vùng bờ thửa của Trần Dần, một chương chữ như kiến bò đều đều từ đầu tới cuối không xuống dòng. Nhân vật trò chuyện và câu văn không có dấu. Người ta nói có ngừng lại để đánh dấu đâu. Rất nhiều tiếng lóng hủi, hủi – Văn tiếng lóng, văn hiện đại nhất. Thơ văn tiền phong hướng về tương lai, phải chôn hết cái cũ để cái mới xuất hiện. Trần Dần bảo thế.

Tuần báo Văn của Hội Nhà Văn mà Nguyên Hồng phụ trách vẫn ra đều. Nhưng hầu như số nào cũng lọt những bài mà các cơ quan trách nhiệm cảm thấy ẩn ý sao đấy. Kể cả một truyện ngắn của Nguyên Hồng. Truyện rất ngắn ấy, câu chuyện một con hổ người nuôi ở nhà như con chó. Phường săn kia bắt được trong rừng một con hổ bé tý tẹo. Con hổ được đem về nuôi trong nhà, cho đến khi con hổ to đùng. Hổ hiền lành bè bạn với con cún, con mèo, con gà. Nguyên Hồng đã có lần kể cho tôi nghe về nguồn gốc truyện này.

Mẹ Nguyên Hồng đã chấp bút đấy. Có lẽ cụ thấy từ thuở trẻ tới giờ, người con trai độc đinh của cụ quanh năm viết các truyện rồi đem bán được tiền, dễ quá. Ôi chao, một đời cụ, nỗi nhà và miếng cơm đã khiến con người đầu sông cuối bến sóm hôm, thiếu đâu chuyện, vô khối chuyện, chôn đi vẫn nhớ, vẫn không hết. Nhưng tội một nỗi cụ không biết chữ. Một hôm, cụ kể cho các cháu chép lại câu chuyện tại sao con hổ hoá ra như con chó vàng nằm hiền lành trong xó cửa. Hổ đã như con chó rồi, nhưng cả xóm ai cũng vẫn sợ. Bời vì nó là con hổ chứ không phải con chó. Thế là các ông phường săn đem hổ thả lên rừng. Nhớ nhà, hổ lại lững thững về nhà, lại phải đem thả. Cụ đưa cái chuyện các cháu đã chép như thế cho Nguyên Hồng. Nguyên Hồng cặm cụi viết lại, đăng trang cuối báo Văn. Câu chuyện nguồn gốc con hổ, tức cười và thực bắt đầu như thế. Nhưng với cách đọc soi lên gạch bút chì đỏ và suy diễn ra thì lại không thấy thế. Đời người thuở nào mà người lại nuôi hổ như nuôi vịt, dễ hơn nuôi vịt. Ông này muốn nói cái gì, nói ai? Xỏ xiên thế nào đây, không hiểu. Không hiểu tức là có vấn đề.

Năm 1956, báo Nhân Văn bị đình bản. Tôi có cái yếu bẩm sinh thường không nhớ ngày tháng của sự việc. Bây giờ viết lại những chuyện này, nhớ đâu viết đấy, nói được năm nào, năm nào, đã là tự cố gắng lắm rồi. Tôi thường cũng được tiếng là chịu khó ghi chép, nhưng thực chẳng bao giờ chú ý đến năm tháng và ghi đều. Năm 1957, đại hội thành lập các hội chuyên ngành. Hội Nhà Văn Việt Nam ra đời. Liền ngay, Hội tổ chức các cơ quan: báo, nhà xuất bản (có Trần Dần, Hoàng Cầm, Nhân Văn vẫn làm việc ở đấy), ban nghiên cứu sáng tác, ban liên lạc văn học nước ngoài (có Lê Đạt) câu lạc bộ (để Nguyễn Tuân nói về Đôtôépky và cười cợt mỉa mai, cứ đà này thành câu lạc bộ Pêtôphi lúc nào không biết), quỹ sáng tác (chẳng khác đánh trống gọi người đến lĩnh tiền, chia tiền)… Trên cho là cơ quan Hội Nhà Văn đã bị xỏ mũi. ở nhà xuất bản Văn Nghệ rồi chuyển thành nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi cùng làm việc với Hoàng Cầm, Trần Dần… Nhiều người tố cáo họ làm cả, Tô Hoài chỉ phổng mũi lên ký duyệt. In Kim Tiền (Vi Huyền Đắc), Truyện ngắn và tiểu luận (Thạch Lam), Nước giếng thơi (Nguyễn Bính), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), tập thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao… và đã quảng cáo in nhiều tác phẩm phức tạp khác của Vũ Bằng, của Vũ Trọng Phụng… Những tác giả ấy, người thì có vấn đề người thì đã di cư vào Nam và hầu hết viết trước cách mạng, tại sao đề cao nhiều những cái đã xếp xó đến thế. Tất nhiên là không bình thường, cái gì đây?

Báo Văn mà Nguyên Hồng phụ trách đã in trong nhiều số có những sáng tác còn khó chịu nữa. Kịch ngắn gợi lại vết thương cải cách ruộng đất những vở kịch của Hoàng Tích Linh ( Cơm mới), Nguyễn Khắc Dực (Chuyến tàu xuôi), Chu Ngọc (Ngày giỗ đầu). Ca khúc buồn bã và những phát biểu lệch lạc về âm nhạc của Tử Phác, của Nguyễn Văn Tý. Rồi thơ Phùng Quán (Lời mẹ dặn), truyện ký Phan Khôi (Ông năm Chuột) và truyện ngắn Đống máy của một cây bút trẻ gửi đến. Truyện tả một nhà máy nhập thiết bị nước ngoài rồi để chất đống ngoài trời đến hỏng nát. Người ta truy ra người viết là một kỹ sư và quy là anh nói xấu công nghiệp ta và tình hữu nghị quốc tế.

Chúng tôi lo lắng thực sự. Mấy bài xã luận của tôi trên báo Văn như Tổ chức phát triển lực lượng sáng tác trước nhất và Góp ý kiến về vấn đề xây dựng con người đều bị nhiều báo và dư luận nhận xét là lệch lạc thứ nhất, phải là tổ chức học tập và đi vào thực tế đời sống và không phải xây dựng con người chung chung mà là con người xã hội chủ nghĩa tiến lên cộng sản…

Lại trước đấy, sau đấy, truyện ngắn Ông lão hàng xóm của Kim Lân nghi ngờ thành tựu cải cách ruộng đất, những bài bút ký yếu đuối tinh thần đấu tranh thống nhất, như Thao thức của Đoàn Giỏi, Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng (*) (*Trong Nhà văn Việt Nam hiện đại in năm 1992, kỷ yếu kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Nhà Văn (1957-1992), tuần báo Văn xuất bản 1957/1958 không được nêu tên kể tên là tờ báo đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam)

Nhân Văn vẫn sờ sờ ra đấy, chứ đâu. Những người đã đánh Nhân Văn vừa qua khẳng định thế, cộng với những rì rào sang tai nhau, không khí nặng nề, ngao ngán, triền miên, thường hiện ra ở những chỗ này. Cái chuyện nuôi ông ba mươi trong nhà, cụ thân sinh ra Nguyên Hồng nghe được ở đâu từ đời thuở nào. Người đọc tha hồ nghi, nhưng mà sáng tác không có ước ao được người đọc nghĩ ra mênh mông thì cầm bút để làm gì? Một vòng người họp tổ, như các cụ trong làng ngày trước ngồi xếp bằng quanh chiếu tổ tôm. Những lời đao búa truy dồn. Thế là Nguyên Hồng khùng lên, khóc oà.

Năm trước đã nghiên cứu cả tháng rồi, bây giờ báo Văn lại sa vào hữu khuynh tệ hại như thế. Báo Văn phải ngừng xuất bản. Hội nghị bất thường Hội Nhà Văn – nhiệm kỳ mở đầu ngoi ngóp được hơn một năm, tất cả các cơ quan của Hội được chấn chỉnh lại, tuần báo Văn của Hội thay người phụ trách và đổi tên mới là tuần báo Văn Học. Chuẩn bị cho đại hội bất thường, nhờ địa điểm trường tuyên giáo dưới ấp Thái Hà, làm một cuộc thảo luận và kiểm điểm dài ngày. Cái tổ 18 của chúng tôi có Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Kim Lân… với một số nhà văn vững vàng làm nòng cốt. Trêu ngươi ai, Kim Lân lại mới in truyện ngắn Con chó xấu xí. Con chó cũng như con hổ hiền lành, không ai tin con chó chỉ là con chó, lại xấu xí nữa, có khi tác giả ám chỉ con người nào cũng nên. Nguyễn Huy Tưởng đã về làm nhà xuất bản Kim Đồng. Đương bị tơi bời kiểm tra nhau mấy cái bản thảo, trong có một truyện đồng thoại ao cá ao rùa chi chi đó của Sao Mai – lại con cá, con rùa, con ba ba, lắm con quá. Cũng chẳng ai bảo đảm người vào tổ 18 ấy là một bọn hay một cánh, nhưng cứ ang áng biết thế, và cái kiểu hiểu như bên Trung Quốc kiểm thảo nhóm Đinh Linh đã xuất hiện cụm từ đầu mày cuối mắt thì dù chẳng nói một câu, cũng là cánh, cũng cho được vào xiếc một bọn rồi.

Cùng liên quan, liên quan một nỗi buồn mà thôi. Nhiều hôm tan họp tối, đạp xe về trong thành phố, tạt vào cái Hà Nội 36 phố phường ăn chơi cũ, lông bông khuây khoả đôi chút, sáng mai lại lóc cóc xuống lớp học dưới ấp sớm. Chẳng ai dư dật, nhưng thời ấy đồng bạc có giá, hôm nào cũng đóng vai khách hẩu của gánh cháo gà lão giải phóng quân, gói cơm rang bọc lá sen quán Tiểu Lạc viên, phở Lâm rồi cà phê lão Ca. Cái khu lúc nhúc này vẫn riêng một phong vị, dẫu cho những năm gần đây đã tàn tạ nhiều. Những cao lâu lớn Đông Hưng, Tây Nam, Nhật Tân không còn cái nào. Các chủ hiệu sang trọng này trước kia hẳn là đặc vụ Tưởng Giới Thạch, là cánh Uông Tinh Vệ là mật thám hai mang bên Tàu bên Nhật. Hàng quán và cả con người bị xoá đi theo giông bão của lịch sử. Chỉ còn lại cao lâu Mỹ Kinh mới mở vài năm trước đảo chính Nhật, cùng với những quán cơm tám của người ước Lễ, thì nay Mỹ Kinh đã hoá nhà hàng quốc doanh, được đeo cái tên của thời cũ, còn nhớ thời ấy trộm cắp như rươi, chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải bắt đinh vít xuống khay. Mấy năm Tây vừa trở lại, tửu quán Siêu Nhiên, Lục Quốc và Nguyên Sinh mới mở. Siêu Nhiên đặc sản món óc đậu nhồi, ngon được tiếng. Chủ đã di cư, cũng như nhà Lục Quốc phố Huế, cánh nhà bàn nhà bếp đứng ra hùn vốn. Nhưng cũng chẳng mấy khi vào Siêu Nhiên, Lục Quốc, chúng tôi chỉ ngồi vỉa hè tường rạp Chuông Vàng, nghe tiếng phèng la tích cải lương La Mã diễm huyền. Như cảnh la cà hàng quán dưới ngã sáu dốc Hàng Kèn mà bây giờ đêm hôm người qua lại nhiều, không ngồi lan xuống lòng đường được nữa, ông 81 thụt hẳn vào trong nhà, gánh cháo bác Chữ thì quảy về cạnh cửa chợ Hôm, cũng tan trò.

Nhưng ở vùng ăn chơi lâu năm trên này, hè và đường lẫn lộn, người đi dong đông hơn khách xem cải lương Kim Phụng, chèo Lạc Việt. Tiệm cà phê Phúc Châu như đám chọi gà. Cô Tàu ngồi két váy đen, thắt lưng to bản đen bóng nhoáng mết Đài Loan đương thịnh hành. Khói thuốc lá lùa ra cửa sổ như ống khói tàu thuỷ phun xanh mờ. Bốn bên trong nhà cũng như ngoài phố, la liệt lao xao, đàn sáo nhị réo rắt, cò cử, tiếng rao bát bảo lèng xà, lục tào xá, người nườm nượp, nhiều nhất cán bộ miền Nam tập kết.

Tôi nhớ ngày xưa cũng đông na ná thế. Năm tôi sáu bảy tuổi, ngày Tết, thường theo các dì tôi ra Kẻ Chợ xem hát bói tuồng đầu năm ở rạp Quảng Lạc – mà ngõ Sầm Công, quen gọi là ngõ Quảng Lạc, cái quán Tiểu Lạc viên bây giờ ở trong hẻm này. Mồng hai, mồng ba tết năm nào rạp Quảng Lạc cũng diễn tuồng tích Giang tả cầu hôn cho người năm sớm bói lấy may. Trên cửa vào trong rạp, bàn thờ thần tài dán giấy điều trang kim khói hương ám đen kịt cả vành khám. Tuồng có vai Quan Công mặt đỏ bồ quân, râu đen từng chòm tuôn xuống. Quan Công ra, cả rạp im rùng rợn, thành kính đốt vàng hương vái lên sân khấu. Khi lớn, tôi một mình đi xem phim kiếm hiệp Tàu chiếu ở rạp Hiệp Thành, rồi rạp Tố Như, bây giờ là Chuông Vàng Thủ đô, trước cửa, gắn tấm bảng đá ghi chiến tích đội quyết tử liên khu 1 đã được thành lập ở đấy giữa 60 ngày đêm Hà Nội chiến đấu trong vòng vây.

Phía Hàng Da, ngõ Yên Thái, cũng như ngõ Sầm Công, những phố hẻm có nhà chứa, không hiểu tại sao lại gọi là nhà thổ, mà người ta nói lóng tiếng Tây bồi là medông đờ te (nhà đất). Trên tương đầu phố treo hộp đèn kính sơn đỏ nhoè nhoẹt. Khách chơi biết đấy là dấu hiệu trong phố có ổ gái điếm. Đi nhà thổ trả tiền giờ, nửa giờ, trò tiêu khiển mạt hạng, người đứng đắn không dám bước chân vào cái dãy phản bày bán người ấy. Cô nào cũng lông lá cạo nhẵn, trắng nhễ nhại, hãm tài lắm. Bần cùng, cánh thợ xẻ, thợ nề cũng chỉ thậm thụt chốc lát, chứ chẳng mảy may ham hố, đắm đuối. Chập tối, các cô nhà thổ quần áo trắng hồ lơ, mặt bệch tròn chảy trễ, ngồi một loạt trên cái ghế dài trước cửa ngóng ra, vây vây ơi ới người đi qua. Thấy quen thì chạy ra, kéo lại ở làng tôi, những anh thợ còn táo tợn, ngày phiên có tiền xuống phố chơi nhà thổ, hôm sau về phải nghỉ dệt, nằm đờ cả ngày, con ruồi đậu mép không buồn xua. Tôi không dám lảng vảng đến những cái ngõ nhầy nhụa ấy. Chỉ vì sợ bệnh. Nghe nói thuốc nớp xăng cát tó hiệu nghiệm, nhưng đắt. Cũng chưa thấy bao giờ, chỉ nghe nói phải đâm mũi tiêm vào dái, đau lắm. Thời áy, tim la, lậu, giang mai, ai mắc những bệnh xấu hổ thì chỉ muốn chết.

ừ, Nguyễn Tuân hay dạo mấy phố này lại có thể cũng vì những cái nhớ. Nguyễn Tuân được sinh ra và nhớn nhao lên ở Hàng Bạc. Phố Hàng Bạc, số nhà 49, năm 1910 – Nguyễn Tuân ghi lại như thế ở mép một quyển sách Hướng dẫn du lịch Ba Lan, có lẽ vì đương đọc chợt nghĩ đến một kỷ niệm. Trong quyển Đường phố Hà Nội của Nguyên Vinh Phúc tặng, chỗ phố Hàng Bạc và ngõ Gạch, Nguyễn Tuân đề bút chì đình Cổ Lương ngõ số 28 án sát Siêu và câu ca dao về phố phường ấy, dễ chừng ông đã thuộc từ tuổi thơ.

Nên ra thì múa tứ linh

Không nên thì lại nằm đình Cổ Hương

Lão hàng cháo gà giải phóng quân, cũng là cái tên của Nguyễn Tuân đặt cho. Ông Tàu ấy to cao, khệ nệ, đội đúng cái mũ ka ki của Bát lộ quân ố vết mỡ đã úa vàng màu nước dưa. Hàng ông bán muộn, nhiều tôi ở dưới ấp về vẫn còn gánh hàng sáng đèn giữa mấy chiếc ghế xếp lỏng chỏng trên hè. Lão giải phóng quân lầm lì chẳng mấy khi hé răng. Cũng hợp, chúng tôi lặng lẽ. Chẳng ai nói một câu, thế mà lúc nãy ở tổ, gay go đốp chát nhau ra trò. Vẻ mệt mỏi hiện nên nét mặt từng người. Tôi nhận ra Nguyễn Tuân đến hàng cháo gà này còn vì ông giải phóng quân có lọ xắng xấu Nam Ninh chính hiệu thơm và béo ngậy mùi vừng. Bát cháo lót cải cúc của Nguyễn Tuân được lão cầm lọ xắng xấu vảy lâu hơn bát của tôi. Rồi nở nụ cười nhà hàng, lão đút lọ xắng xấu vào trong ngăn kéo – ai không biết thì thôi chứ chẳng phải ai cũng được nhà hàng cho nếm mùi đâu. Vẫn là chăm chú cái mình thích, mình muốn, một giọt xắng xấu hợp khẩu vị, một câu văn hay gạch đít, một chuyến đi…

Có hôm, vào Tiểu Lạc viên ăn cơm rang bọc lá sen. Ông chủ Tiểu Lạc viên này là tay nhà bàn hảo hạng. Khách đông cũng vì cái duyên lão ta. Hỏi các món khách dùng, rồi nhanh nhanh đũa bát thìa đũa và gia vị ra bày trước mặt từng người. Đôi mắt kính lấp lánh, cái câu có ngay, có ngay luôn miệng như hát. Thực khách vào bàn, tuy chẳng thấy có ngay ở đâu, nhưng được cái cảm tưởng món ăn món nhắm sắp bưng ra.

Lão Tiểu Lạc viên tri kỷ vì chúng tôi biết thưởng thức món cơm rang bọc lá sen lão khoe nhất Hà Nội, không nhà nào còn làm được đúng kiểu cách thế. Lão chỉ mới ngước kính, chưa hỏi, Nguyễn Tuân đã gật đầu, đưa thưởng một điếu thuốc lá Thủ Đô hiếm. Thế là đã biết khách lại xơi món quen. Lão hô có ngay, có ngay rồi đặt bát đũa bày ra bàn. Nguyễn Tuân nói, vừa nghiêm vừa đùa:

– Này, không cần có ngay đâu nhé!

Lão cười, nheo mắt. Sang bàn bên, hỏi khách xong, chưa bước vào cửa bếp, đã: Có ngay! Có ngay! Có ngay!

Phải, cơm rang bọc lá sen thì có ngay sao được. Xong một tuần rượu suông, món nhắm mới ra – chỉ gọi độc một món ăn, cũng như nhắm. Kể thì người ăn xô bồ bây giờ chẳng mấy ai thiết chờ đợi các thức lích kích này. Gạo tám thổi niêu đất chín rồi đổ vào chảo rang, được rồi lấy chiếc lá sen khô lót xà xíu, vịt quay gỡ xương chặt miếng rồi đổ cơm rang vào, buộc khéo cái lạt. Nhà bàn bưng ra túm lá đặt trên đĩa. Mở ra, hơi cơm, các thứ xì dầu, thức ăn toả lẫn mùi lá sen già đầu thu. Một năm, về Hưng Yên, tham quan đào kênh thấy sân kho các hợp tác xã phơi đầy lá sen, hỏi bảo lá sen khô để xuất sang Hồng Công (Nguyễn Tuân xin về mấy cặp lá). Những chiếc lá sen già sẽ được xuất đi Hương Cảng để gói món cơm rang bọc lá sen ở các hiệu cao lâu.

Cũng có thể ấy là những lúc Nguyễn Tuân nhớ khi xế trưa vắng khách ngồi trên lầu nhà Đông Hưng thang gác vàng giữa phố Hàng Buồm. Nguyễn Tuân kê giấy lên bàn ăn, những tờ giấy trên góc in cánh buồm Gió đã lên. Tiểu thuyết Thiếu quê hương đăng báo Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan được viết từng kỳ một ở cái bàn ấy. Người tuỳ phái đến lấy bài đã đứng trực. Nhà in Trung Bắc ở phố này, bên kia đường. Viết xong chữ cuối, người tuỳ phái cầm tờ bản thảo xuống khuất, cũng là lúc nhà văn gọi phổ ky đem đến bữa trưa, be rượu bồ đào uống mấy chén ngữ và gói cơm rang bọc lá sen. Lại một sự mang mang hoài cổ. Cái cơm rang lá sen thơm tối nay ở Tiểu Lạc viên còn có thể bắt đầu từ gói cơm rang thập cẩm ở những quán ăn cò con trên đường Cáo Đạo giữa cái phố khúc khuỷu bậc đá bên Cửu Long Hương Cảng đêm ba mươi tết Đinh Sửu 1938. Chúng tôi chỉ quý và chiều nỗi nhớ của Nguyễn Tuân mà chịu khó bắt chước kề cà với các món cầu kỳ ấy. Nguyên Hồng đã sinh sống ở thành phố cảng có cả một phố Khách, tỏ vẻ thành thạo khen mùi lá sen, đoán già là những cái lá sen hồ Tây.

Mỗi đêm dưới ấp về, bộ dạng Nguyên Hồng cũng chẳng khác đi đâu ban ngày. Trên ghi đông đặt cái cặp đúp chứa bản thảo. Sau yên xe buộc một chồng báo Văn. Mọi khi, chỉ kè kè cặp bản thảo, giờ thêm lô báo Văn từ số 1. Nét mặt hăm hở lẫn lộn đăm chiêu với những tờ báo Văn như một lá đơn để trình bày các nơi. Nhiều cuộc phê Nguyên Hồng, tôi không thể nhớ xiết lần nào cụ thể. Chỉ nhớ báo Văn đã phải xỉ vả là hữu khuynh, bị lũng đoạn. ở đâu, họp tổ hay liên tổ hay lên hội trường; Nguyên Hồng từ từ, cẩn thận, trịnh trọng đặt tập báo trước mặt. Nguyên Hồng nói:

– Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn con mọn, bỏ ăn bỏ uống vì nó… thế thì làm sao tôi lại có thể sai… Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng… Tôi hết tâm hết sức vì nó, tôi không thể, tôi không thể sai…

Như người ốp đồng, không biết đương còn tỉnh bay đã mê, Nguyên Hồng để một bàn tay lên chồng báo, to giọng đến bật khóc, vừa mếu máo vừa nói tiếp, nước mắt ròng ròng, hai tay mê mẩn xót xa vuốt mép tập báo. Cái lý lẽ cùng đường và những dòng nước mắt đã khiến những ai đương phê bình anh cũng không biết tiếp tục phân tích thế nào nữa. Bảo dối trá thì không ai nỡ, không ai dám hạ đòn ấy. Cuộc nào cũng tương tự, những chữ ‘boong ke, ngoan cố, không đúng với quang cảnh sầu não thiết tha của người bị phê bình.

Chúng tôi ngồi góc bàn đằng kia. Lão Tiểu Lạc viên đã đem bát đũa, thìa với tương ớt đến. Lão này vừa là chủ, vừa là tớ trong cái phòng ăn con con kê ba chiếc bàn nhỏ. Chim quay Tiểu Lạc viên cũng được tiếng. Chẳng biết nhà hàng vô tình hay cố ý để những cái bàn khập khểnh tạm bợ. Chắc là cố ý thôi. Các hàng quán này cứ chập chờn chưa biết lúc nào bị đóng cửa. Trễ nải, tàn tạ, người ta chỉ bày biện qua loa, cốt làm ra thế.

– Có ngay! Có ngay!

Lão Tiểu Lạc viên bước ra, bỗng im bặt, quay lại, nhìn quanh, rồi hỏi:

– Các ông có cái mùi…

Không ai bảo ai, mọi người chú mục vào Nguyên Hồng vừa đặt lên góc bàn mở gói giấy báo bọc thịt chó và lập cập nói:

– Nhắm cái này trước đã! Nhắm cái này đã! Thoạt trông cũng biết không phải là gói nguyên: Chắc trưa nay Nguyên Hồng đã đánh chén ngoài ấp còn thừa thì cầm đi nốt. Hổ lốn thịt luộc, lòng gan trộn với húng, riềng, cả đùm con con muối tiêu.

Lão Tiểu Lạc viên đã nhìn rõ gói thịt cầy. Lão cau có hầy một tiếng, tan biến cả vẻ hớn hở có ngay vừa rồi. Lão chắp tay, rầu rĩ như khấn:

– Ông ơi, ông mang nó ra ngoài kia, mang ngay ra ngoài kia…

Chúng tôi biết những người buôn bán kỵ cái thịt hãm tài này – nhất là người Trung Quốc.

Dường như thấy nó thì đã đánh hơi được cái mùi con ma xúi quẩy. Lão lại nhăn nhó:

– Giết nhà hàng rồi. Các ông không được, không được lớ!

Lúc ấy, hai bàn bên cũng quay sang. Cười nhăn nhở rồi họ lại cúi xuống ăn. Lão Tiểu Lạc viên đến góc nhà cầm một nắm hương châm cắm vào men tường trong chỗ dán tờ giấy điều trang kim đã xạm xỉn một nạm chân hương. Khói hương bốc mù căn phòng chật chội. Rồi lão bước lại phía chúng tôi, xốc kính, mặt hầm hầm, không hiểu lão định làm gì.

Nguyên Hồng, đứng lên, giơ tay:

– Phổ ky! Câm đi!

Nguyên Hồng lật đật gói lại bọc thịt chó, bỏ vào cặp. Nước mắt lưng tròng, nói:

– Lúc nãy ở tổ chúng nó đòi đuổi ông, bây giờ thằng Tàu này lại đuổi ông, tỉu cái nhà ma lớ!

Nguyên Hồng cung cúc bước ra, lấy xe đạp. Cũng chẳng ai buồn gọi lại. Đã biết tính nhau nhiều. Mấy năm sau, một lần Bùi Hiển, Nguyên Hồng và tôi chén thịt chó Chữ Hàng Bè rồi vào quán cà phê lão Ca. Vẫn Nguyên Hồng cầm bọc giấy gói mấy miếng thịt chó thừa, đặt lên góc bàn. Lần này, cái gói kín đáo, nhưng tôi vẫn ngài ngại. Lão cà phê Ca không có nhà. Vợ lão trông hàng. Tự nhiên, bà ấy đứng lên đến chỗ cửa nách châm nén hương vào khám thờ thần tài dán giấy điều. Linh tính tôi đoán người đàn bà Tàu đã đánh hơi thấy mùi lạ. Như chọt nhớ ra, Nguyên Hồng đã tinh ý bỏ gói vào cặp.

Mấy hôm sau, trở lại Tiểu Lạc viên, lão có ngay lại ngước mắt kính cười cười, đưa ra bát đũa và chén tương ớt – Nguyễn Tuân bao giờ cũng gọi là lạp chíu chương. Lão xoay cái đuôi thìa cẩn thận đặt trước mặt Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng. Thêm hai miếng chanh cho Nguyên Hồng. Nhà hàng đã thuộc ông khách có thói quen vắt chanh, lại đổ dấm vào đĩa húng rau để sát trùng. Đến tận hồi chống Mỹ, Tiểu Lạc viên vẫn đông khách thế. Một lần kia, đến thầy bà Tiểu Lạc viên mọi khi đương nằm cái giường gấp ở gian trong. Tiếng trẻ mới sinh khóc oe oe. Hỏi thăm thì ra lão Tiểu Lạc viên đã ngất đi, chết nửa đêm giữa lúc máy bay ném bom cầu Long Biên cuối tháng trước. Người vợ đã lấy chồng khác. Ông Tàu này gày lom khom. Nào biết đứa trẻ ấy con ai. Đã lâu không đến, không tiện hỏi. Trên mặt kính cái tủ con đặt ngoài cửa vẫn ba chữ Tiểu Lạc viên sơn đỏ. Cửa hàng mở, nhưng hiu hắt, vắng vẻ. Đến năm nhiều người Trung Quốc bỏ thành phố đi, bà ấy với người chồng sau ra Cát Hải vượt biển. Nghe nói thuyền chuyến ấy đi bị đắm, chết cả.

Những đêm mưa rả rích gợi cái thú quán cà phê lão Ca. Thường đến lão Ca vào lúc nào, chắc là khi đã ngà ngà ở Tiểu Lạc viên hay hàng bánh cuốn chú Hồng Lâm ra. Nhưng cũng có buổi chỉ đến đây. Trong ngõ ngách này, chúng tôi lui tói mấy quán, không đậu lại đâu. Phúc Châu tiếng tăm, nhưng tạp. Chen vai thích cánh, những võ sĩ đai đen thập đẳng, ngũ đẳng hay các ông cá mú trụ ở góc bao quát, hay một tay cướp ngày lẳng lặng ngồi xuống, rờ túi ngực, túi quần vờ tìrn cái bật lửa. Nó đang ngắm cô Phúc Châu thắt lưng đen bóng hay nó sắp rút dao găm dí xế dưới sườn rồi thản nhiên đưa con mồi ra ngách ngõ lên Hàng Đào, hỏi mượn cái ví và cái đồng hồ. Quán Lý Hảo thì ấm cúng hơn. Chỉ phải cái mụ Lý ăn nói đối đáp và cử chỉ như tập thể dục trước mặt khách. Chả là Lý Hảo, đương kim thể thao lướt ván nữ loại một. Hội hè nào cũng giật giải nhất đứng đầu sóng hồ Hoàn Kiếm. Thằng chồng mặt vuông Nhật Bản, như Ai Nguyên An Nghệ. Nhưng nó là người Quảng Châu, chỉ bưng cà phê và cười ruồi. Mất vui, cũng chẳng lý thú, bởi nhà này ít chuyện.

Cà phê Ca chưa mấy quen như rồi sau chúng tôi đến nhiều hơn. Lúc đầu chỉ nghe mang máng trước kia lão Ca ở trên Hà Giang, làm nghề đuổi ngựa buôn cho nhà chúa đất Vương. Còn tôi để ý chỉ vì thấy ngồi trong hàng một người đàn bà luống tuổi, mặt buồn rười rượi. Có hôm thoáng sau chiếc bình phong con công đỏ gắt, cái áo xường xám xa xưa màu cánh chả xẻ tà xoè ngang đầu gối. Cứ hao hao người con gái ngày xưa ở nhà gác đầu đường Cổ Ngư hồ Tây mà sáng nào tôi cũng đi học qua. Ai khi tuổi ấy chẳng trông thấy bao nhiêu bóng đẹp thấp thoáng và mộng mơ. Không hỏi có phải trước kia nhà bà ở đầu ô Yên phụ, tôi chỉ lặng im cho mình được đinh ninh. Tưởng tượng vun thêm vào làm cho không phải cũng thành phải. Nếu bà ấy nói: Vâng, tôi là vợ tông Ca. Lại càng khó hiểu, thế thì phải từ Hà Giang xuống. Như vậy, lại hoá ra buồn. Thôi cứ mơ hão vậy. Cà phê phin nhà Ca nhạt đường, hợp chúng tôi mà Nguyễn Tuân khéo tưởng tượng là có vị rừng. Chưa biết rừng Hà Giang có cà phê hay không. Chỉ Nguyên Hồng đã bị hai năm an trí căng Bắc Mê rõ đôi chút chăng. Nhưng Nguyên Hồng chẳng khi nào kể lại về nhà tù chính trị đi đày ấy. Chỉ nghe một người tù Bắc Mê khác tả Nguyên Hồng đi làm cỏ vê, đi lấy củi cũng đeo mấy cái ống bơ đằng đít, cái đựng muối, cái để cơm nguội và lủi thủi một mình.

Thậm chí, lần ấy, một đoàn địa chất đưa chúng tôi thăm một vùng quặng trong Bắc Mê, Nguyễn Tuân rủ Nguyên Hồng, bảo được dịp trở lại quang cảnh xưa. Nguyên Hồng cũng không đi. Chuyến đi ấy, cái hôm lội qua con suối sau cùng rẽ mê bên này đường về huyện Bắc Mê, tôi đứng tần ngần giữa dòng nước, nhìn mãi quả đồi áp lưng núi. căng Bắc Mê xưa ở núi Pắc Min kề ngọn sông Gâm lượn dưới chỗ xanh thẫm kia. Suốt buổi chiều, trèo qua cổng trời đỉnh núi thăm dò quặng Nguyễn Tuân vẫn băn khoăn không hiểu tại sao Nguyên Hồng không đi Bắc Mê chuyến này. Nửa đêrn, giữa rừng trên cao, con suối mơ hồ đưa lại tiếng nước thở dài từ phía Bắc Mê. Chúng tôi ngồi trước đám củi sưởi. Nguyễn Tuân nói: Tớ tức cảnh được hai câu ca dao đem về tặng thằng Nguyên Hồng. Thế này nhé:

Non xanh gõ hòn đá xanh.

Nửa năm nghe tiếng mõ canh Cổng Giời.

Trở về, tôi viết Pài Lùng cái ký theo thể kịch đăng báo Văn Nghệ, đặt hai câu ấy lên đầu bài. Chú thích nghịch ngợm Ca dao cũ vùng Bắc Mê. Cho nhớ và như Nguyễn Tuân bảo có dùng thì nên đề thế.

Cái bỗng dưng kỳ cục của Nguyên Hồng thường dễ hiểu và cũng khó hiểu. Người ta làm thì Nguyên Hồng lẳng lặng im. Ai cũng nô nức vào Nam khi miền Nam được giải phóng. Nguyên Hồng chưa bao giờ đến Sài Gòn, mà đã sinh ra nhân vật du côn Năm Sài Gòn từ những năm 40 và chưa khi nào trông thấy sông Cửu Long, đã là tác giả bài thơ Cửu Long giang ta ơi. Nhưng không đi Sài Gòn. Ai rủ chỉ lắc đầu. Cái tính thế, thiên hạ vậy thì ta khác.

Cuộc đời đã đưa đẩy ông Ca từ thị xã Hà Giang xuống Hà Nội mở quán cà phê. Những chuyện ông Ca kể về biên giới, Nguyễn Tuân mê lắm. Cũng thú vị như lão giải phóng quân cháo gà có lọ xắng xấu chính cống Nam Ninh, Hồng Kông gì đó. Cà phê Ca ngon mùi mộc mạc. Hay là cứ nghĩ ra thế. Mỗi lần Nguyễn Tuân tới, ông Ca lại lấy ra chai rượu Rom Pháp vuông bằng đầu gối, đặt lên cạnh cái phin vừa cạn. Lắm khi tôi vào hàng lão Ca không khi nào bê chai rượu mạnh ra. Đám mà có Nguyễn Tuân trong bọn, đám ấy sang lên, thú vị hơn, không phải ông Tuân chi tiền, mà thằng chủ quán lại hân hạnh, lại trọng vọng vị khách bạt thiệp trịnh trọng mời nhà bàn thuốc lá thơm và xuống tận chỗ xào nấu đưa nhà bếp một điếu. Chai rom của ông Ca đã được đặt lên bàn. Vài giọt rượu quý nhỏ xuống tách cà phê bốc khói. Cà phê rom – một kiểu uống theo lối Pháp. Đến lúc cả chủ quán cũng kéo một ghế, nhấc bếp điện lại gần, bày lên một phin nữa. Câu chuyện ấm dần. Nguyễn Tuân đẩy hộp thuốc lá về phía ông Ca. Ca nói, giọng âm thầm xa vắng:

Kháng chiến, Nguyên Hồng và Kim Lân đưa gia đình tản cư lên ấp Cầu Đen trên Nhã Nam. Các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, cả nhà bác Ngô Tất Tố cũng lên quây quần trên cái đồi thấp bấy giờ còn hoang vắng. Những vùng ở Xuân áng (Phú Thọ) hay Quần Tín (Thanh Hoá) cũng tụ hội lại những làng văn nghệ sĩ kháng chiến. Nghe kể hoạ sĩ Trần Văn Cẩn được xã cấp cả ruộng, anh đi cày đã thạo. Tên cúng cơm ấp Cầu Đen, Nguyên Hồng đặt lại là ấp Đồi Cháy.

Chẳng hiểu vì sự tích gì. Các nhà ở đấy cho đến khi hoà bình lập lại. Về Hà Nội, Nguyên Hồng và vợ con thuê cái gác hai một nhà ở phố Miriben cũ bên cạnh viện Mắt gần chợ Hôm. Nhớ những lần Nguyên Hồng rủ đến chơi nhà thường vào chiều thứ bảy. Dựng xe đạp ở cái sân chung nhớp nháp nhà dưới rồi lên gác. Nhà một buồng lủng củng ba lô, tay nải. Chẳng khác trước kia ở dưới bãi Nghĩa Dũng. Chỉ thêm trẻ con chạy ra chạy vào lít nhít rối cả mắt. Chị ấy đã xin được làm nhân viên cửa hàng quốc doanh sách, đứng bán ở quầy góc nhà bách hoá tổng hợp bây giờ, phía cửa đường Hàng Bài.

– Ngồi vào đây lấy chỗ cho mẹ nó kê cái hoả lò. Chả rán phải chén nóng tại chỗ mới hay.

Nguyên Hồng lui cui dẹp quanh cho tôi ngồi tựa lưng vào tường trông ra chằng chịt dây điện ngoài cửa sổ, lá xà cừ rụng bay rào rào. Nguyên Hồng không nói, nhưng tôi đã biết cái chả rán này rồi. Nguyễn Tuân chỉ nghe, đã lắc đầu, rủa chả rán Nguyên Hồng đãi cái thằng xơi được bọ hung thì nó còn từ cái gì. Nguyên Hồng không khi nào mời Nguyễn Tuân và biết tôi thưởng thức được món tiểu táo cao cấp ấy, chủ nhà cũng chẳng cần báo trước. ấy là cái nem Sà Goòng nhân rau đàn bà đẻ đã xin hay mua được ở nhà hộ sinh nào đấy. Nguyên Hồng thường ca tụng sức thần kỳ bổ và chứa bách bệnh của rau đàn bà đẻ. Khi bị đày lên Bắc Mê, tao ngồi viết được cả tập bút ký Cuộc sống lại còn sống mà dò được về đến Nam Định rồi lấy vợ cũng là nhờ cái phải gió ấy của trẻ sơ sinh. Mẹ tao ngâm rượu mật ong gửi lên Bắc Mê. Bây giờ thi một cái rau ăn tươi cả nhà được tẩm bổ!. Nguyên Hồng cười hể hả.

Miếng chả giò nóng ròn. Bát dấm pha không có ớt – chủ nhà không ăn ớt. Đĩa xà lách trắng ngần. Nhân trộn mộc nhĩ và miến. Kể ra cũng cảm thấy hoi hoi khác vị, nhưng vốn tính dễ ăn, tôi nhắm ngon lành bình thường.

Giữa năm 1957, Hội Nhà Văn được thành lập. Nguyên Hồng phụ trách tuần báo Văn của Hội. Đã nhiều năm làm nghề viết và trong kháng chiến có làm báo, làm xuất bản nhưng cũng là ngồi trong rừng điều khiển đôi quang gánh sách báo đi các chiến khu, chúng tôi bỡ ngỡ và háo hức những công việc mới.

Chín năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lĩnh ở kho từng miếng. Cơ quan sắm dao kéo, tông đơ mọi người húi đầu cho nhau. Văn Cao cắt tóc đẹp có tiếng, chỉ dùng kéo. Trở lại thành phố, khó đâu chửa biết, nhưng thức ăn và hàng hoá ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà Thủy Tạ. Nhà hàng Phú Gia, vang đỏ vang hồng vang trắng vỏ còn dính rơm như vừa lấy ở dưới hầm lên. áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về phá ra làm đệm ghế. Hàng Trung Quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu, chỉ màu, củ cải ca la thầu, sắng xấu, mì chính, xe đạp cái xe trâu cao ngồng. Cả xi rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia. Bắt đầu được lĩnh lương tháng. Không nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng có thể la cà hàng quán được. Có cảm tưởng cả loài người tiến bộ đổ tiền của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ.

Chúng tôi ngỡ ngàng một cách khoan khoái. Đất nước như cánh đồng cày vỡ, chưa biết cấy hái ra thế nào. Vết thương cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức còn đỏ hon hỏn khắp chợ thì quê. Các thành phố đã bắt đầu cải tạo tư sản. Báo chí hô trăm hoa đua nở, tràm nhà đua tiếng. Chẳng biết căn do của nước người ta ra sao, nhưng nghe khẩu hiệu khá sướng tai. Đến khi thấy nói có hoa thơm, có hoa thối! lại mới ngỡ ra là có hoa thơm, có hoa thối!. Năm 1956, Hungari đề xướng đổi mới. Thủ lĩnh Jmrê Natgiơ bị treo cổ.

Chưa kịp ngỡ ngàng, lại đùng đùng đổi khác lại ngay cả trong thành phố. Nhà máy diêm, nhà máy gạch thời Pháp họ đã để làm trại lính, tanh bành như bãi hoang. Điện Yên Phụ, xe điện Thuỵ Khuê cổ lỗ 1899, nhà máy rượu cạnh nghĩa địa Tây, Chính phủ phải mua lại của các công ty tư nhân Pháp. Nghe nói mỏ Hòn Gai, đường sắt Hải Phòng Vân Nam ta cũng chuộc mất nhiều tiền. Chiến thắng rồi mà cũng chẳng lấy không được. Các thành phố đương cải tạo tư sản. Cách làm dịu dịu và lặng lẽ. Nhưng cũng xanh mắt. Nhà máy thuộc da Thuỵ Khuê, nhà máy gạch Cầu Đuống mấy vị có tiền vừa chung nhau tậu, bây giờ lo sốt vó phải lên tư sản. Nhà giàu khoá cửa im ỉm, người ra vào khuân lén đồ đạc lúc chập tối. Quanh tường, đại sứ quán Pháp cắm tấm biển đất riêng. Cơ quan lãnh sự Mỹ đã dọn vào Sài Gòn, bây giờ chỗ ấy là căng tin của sứ quán và Pháp kiều. Tổng giám mục Đuy-lây ngày ngày sai mấy bõ già đến mua đồ và thức ăn về dùng. Từng bao tải các thức được thuê xích lô kéo sang nhà thờ Hàng Trống.

Bỡ ngỡ và sôi nổi, những trái ngược và mới mẻ ấy dội vào mỗi chúng tôi. Bây giờ nhìn lại, nghe kể chuyện lại, tưởng như câu chuyện lạ lùng một lúc. Nhưng đường đi và những quanh co bối rối đến mỗi con người lẵng nhẵng cả mấy năm trước và sau 1957. Ngại nhất những lần họp chi bộ ở cơ quan. Cuộc chiến đấu lớn đã kết thúc ở Điện Biên Phủ, nhưng chúng tôi lại không êm ả như ở Tuyên Quang. Thêm nhiều tổ chức mới có cán bộ các khu và từ miền Nam tập kết ra. Họp cơ quan, họp chi bộ, tranh luận miên man. Dần dà, hình thành cái nhìn ở một số người, thành mốt chỉ trích cơ quan cản trở, hạn chế, có thế mới là mới. Mọi việc không phải của cơ quan hình như đều đúng hơn.

Tôi làm nhà xuất bản Văn Nghệ rồi nhà xuất bản Hội Nhà văn. Khi in tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, tôi về Mọc xin phép gia đình tác giả, gặp chị Phụng và bấy giờ cụ bà thân sinh Vũ Trọng Phụng vẫn còn. Mẹ chồng nàng dâu sinh sống gieo neo ngày ngày cắp cái thúng mấy lọ thuốc viên ra chợ Ngã Tư Sở. Bao nhiêu năm, sách của Vũ Trọng Phụng bây giờ lại được in, cả nhà mừng lắm. Quý tôi như bạn bè cùng thời với nhà văn đã khuất. Thật ra, tôi không biết mặt Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Tôi vào nghề viết, các nhà văn này đã qua đời. Khi ấy, các nhà xuất bản Minh Đức, nhà Thép cũng rục rịch in Vũ Trọng Phụng, quảng cáo rầm rộ. Ngay ở cơ quan cũng lây nhau cái cảm tưởng tư nhân in mới phóng khoáng, nhà xuất bản của đoàn thể gò bó và dường như lỗi thời. Người ta lên nước và cạnh tranh như thời trước. Nhà Minh Đức yêu cầu được kỷ niệm Vũ Trọng Phụng chung với chúng tôi ở Nhà Hát Lớn thành phố vì lý do nhà ấy cũng in Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi định in lại tiểu thuyết Một mình trong đêm tối của Vũ Bằng. Tôi tìm gặp chị Vũ Bằng. Biết tin, lão Minh Đức nhưng nháu mắt trố xộc đến luôn. Chúng tôi in kịch Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Nhà xuất bản Minh Đức cũng in Kim Tiền, đã đưa đơn kiện vi phạm bản quyền tác giả. May, được bác sĩ Vi Huyền Trác, con trai cụ Vi bảo đảm, nhà xuất bản chúng tôi không bị thua kiện.

Chỉ được trôi chảy khi in lại tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Cũng ngẫu nhiên không bị giành giật. Nguyễn Tuân không để ý tướng số nhưng Nguyễn Tuân bảo: Trông mặt thằng Minh Đức đã thấy khó chịu. Mình cũng đã đả tiền nhiều nhà xuất bản, nhưng chưa cầm của thằng này một xu. Vả chăng mưu sĩ Nguyễn Hữu Đang của nhà Minh Đức thậm ghét văn Nguyễn Tuân. Văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Hữu Đang đọc một đoạn cũng không nổi. Âu cũng là lẽ đời, các đấng cao ngạo thường không nhìn mặt nhau.

Nguyễn Tuân nhớ lâu và ghét dai. Không biết bao nhiêu năm, Minh Đức đi tù về vẫn ôm mộng xuất bản. Anh phác một kế hoạch chiến lược về xuất bản nhờ tôi giới thiệu với những cơ quan có trách nhiệm. Việc không đến đâu, Minh Đức rnở quán cà phê và bán sách cũ trên phố Hàng Bút. Khai trương quán, Minh Đức nhờ tôi mời Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân không trả lời. Rồi Minh Đức mất bệnh, Nguyễn Tuân cứ vặn tôi: Sao ông đi đưa đám thằng ấy?. Tôi bảo trong đầu tôi không thấy có câu trả lời nào về việc như ông hỏi tôi. Nguyễn Tuân vẻ không tin. Song cũng không vặn nữa, chúng tôi tránh đi bằng cách đụng cái chén hơi mạnh.

Hồi ấy, đến nhà xuất bản Minh Đức, tôi quen Minh Đức và Tô Thuỷ Nguyễn Văn Kiện, cùng người Thái Bình, một trong những cây bút làng thơ mới, thời kỳ đầu, lúc đó làm thư ký nhà xuất bản. Từ năm 1945, Minh Đức ở Thái Bình lên Hà Nội làm xuất bản. Nguyễn Công Hoan giới thiệu cho tôi làm quen và bảo bố thằng này ở phố Pi kê buôn đồng nát mà giàu có, chẳng biết thực hay đùa. Nhà xuất bản Minh Đức ở phố Phan Bội Châu. Trương Tửu như chủ nhà ngồi đấy. Tôi cũng chưa được biết Trương Tửu trước kia. Ông Trương mở rượu, đàm đạo. Dễ thường chỉ có tôi uống, cảm thấy dễ chịu. Lững thững về cơ quan. Buổi trưa, trải chiếu, Nguyễn Bính, Hoàng Tố Nguyên và tôi nghỉ lại trong buồng làm việc. Hoàng Tố Nguyên hỏng một chân. Nhưng có một chiếc giày đánh bóng lộn, đặt tượng trưng trên ghế – chiếc giày đẹp đẽ, không bao giờ được xỏ chân. Khi đó mọi người tự do ra báo, mở xuất bản.

Trong thành phố nhan nhản báo hàng ngày Thời Mới báo tuần Nhân Văn, Tre Xanh, Trăm Hoa và những tập san định kỳ Giai Phẩm, Đất Mới… Ông Phùng Ngọc Long nhà xuất bản Hưng Văn ngoài khu 8 về tìm tôi bàn mở xuất bản. Ông Long chính là chú Luyến ngày trước ở phố Hàng Mã mà tôi đã xuống ở hai năm, đến khi thi trượt vào trường Cửa Đông mới trở về quê. Nguyễn Công Hoan và tôi đến nhà ông Vũ Đình Long. Những năm về sau, ông yếu bệnh tim, bệnh thở. Vẫn chịu khó ngày nào cũng đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Và hăng hái muốn mở lại nhà Tân Dân. Nguyễn Công Hoan bảo: Làm gì thì làm, đừng làm xuất bản, ông ạ. Mặc dầu khi ấy có ông Thuật hiệu sách cũ dốc Bà Triệu, em ông xuất bản Đời Mới Trác Vỹ xưa kia, ông Thuật định làm xuất bản sẽ in mở đầu hai tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, thì Nguyễn Công Hoan không khuyên can câu nào. Hai nhà giáo bè bạn lâu năm, Nguyễn Công Hoan nói thật điều mình nghĩ và tính toán hộ ông Long.

Dần dần, ở cùng cơ quan tuy hằng ngày gặp và làm việc, nhưng cách sống của mỗi người cũng úp mở nửa thật, nửa giấu. Chơi với nhau đấy, rồi đi đâu, làm gì không biết. Và xem nhẹ cả những việc tình nghĩa. Tôi đã lo toan cho Lê Đạt bỏ được cô Nguyện người vợ lấy lúc đi cải cách ruộng đất, Hoàng Cầm êm thấm ra toà dứt khoát với cô hàng xén chợ Hanh. Sự giao thiệp hai mặt và cánh hẩu nảy nở ngay cả trong việc đáng lẽ một lòng và phải trái cần ngang mặt, bởi tôi làm bí thư, Lê Đạt phó bí thư chi bộ Đảng. Nhưng cũng chỉ thế thôi.

Tuần báo Trăm Hoa của Nguyễn Bính mới xuất bản. Nguyễn Bính tập kết ở miền Nam ra. Mấy năm sau ở trong ấy Nguyễn Bính thôi không công tác đâu nữa, nhưng vẫn ở vùng giải phóng Đồng Tháp Mười. Vui thú điền viên nơi kênh rạch và bạn bè qua lại giúp đỡ. Khi đất nước bị chia đôi, Nguyễn Bính được gọi đi tập kết, cũng như cán bộ được phân công ra miền Bắc. Nguyễn Bính về công tác nhà xuất bản, cùng làm việc với tôi. Gặp lại nhau thì hơn mười năm đã qua mà tưởng như mới hôm nào cùng anh em nhà thơ Việt Châu Lông ngỗng gieo tình và Tân Phương đi ăn cháo cá chợ Cũ. Những người lang thang bất đắc chí ngày ấy như xưa nhưng cũng thật khác xưa:

Có lần tôi xuống Nam Định, đến tìm Võng Xuyên công tác ở thư viện thành phố. Người nhỏ nhắn, già đi nhưng vẫn khoẻ. Tay bắt mặt mừng xong cung cách thì thưa gửi đồng chí, báo cáo anh, đề nghị thủ trưởng, lôi thôi quá. Trong khi tôi tưởng như vừa mới đấy, cái thằng Võng Xuyên tên là Truật mở bàn giấy biện sự phòng mà chúng tôi gọi đùa là sinh sự phòng, ông thày cò chạy kiện tôi không nhớ ở cái phố vắng, phố hàng Nâu hay bến Củi. Thày cò Truật với Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương đốt thuốc phiện và làm thơ, đọc thơ suốt đêm trong cái phòng hẹp nhà Truật được gọi là lò luyện linh đan. Khách ròng rã ở chơi không chịu nhổ rễ, hôm nào cũng say thuốc đến bóng môi, bóng mắt. Chị Truật người đãy đà, phúc hậu vẫn cơm rượu đãi bạn chồng ngày hai bữa tươm tất Không hiểu tại tôi hay tại anh mà bây giờ lại ra sự cách bức và khách sáo đến thế. Cái năm Võng Xuyên về hưu rồi, lên ở với con trên Hà Nội tôi mới rõ hồi ấy ở cơ quan, anh chỉ làm việc giữ mấy quyển sách thư viện mà cái ông sinh sự phòng kiếm ăn hồi xưa đương bị đấu cật lực vì ly lịch thầy cò và những chơi bời. Cái vô ý của tôi thật tàn nhẫn.

Khi đó nhiều người còn ăn và ở cơ quan, phòng làm việc cũng là nơi ở. Tính nết Nguyễn Bính thì chẳng khác xưa. Đời là một cuộc chơi dài, mà thiên hạ phải cung phụng nhà thơ. Bọn mắt trắng, hiểu thế không? Những trò ấy nhiêu khê, tần phiền, cổ quái lắm. Tôi nghĩ thế. Làm biên tập báo, xuất bản như làm khoán, chẳng cần giờ giấc bàn giấy. Mà cũng vẫn không hợp với Nguyễn Bính. Có mỗi việc giao cho Nguyễn Bính tự tuyển tập thơ Nước giếng thơi – tác giả làm lấy tập thơ cho nên mới có được cái tên sách không phải tên một bài thơ nào trong tập, mà cũng trầy trật mãi. Hứng làm thơ lên thì tung hê công việc, thích đi chơi thì vay tiền, cơ quan lúc nào chẳng có tiền. Cho tao vài ba đồng là bao. Say khướt tối ngày, uống tợn hơn xưa nhiều. Nhà hát lớn có kỷ niệm Nguyễn Du. Nếu tối ấy không có ban tổ chức Hoàng Châu Ký ra can thiệp, còn lôi thôi nhiều. Đã muộn, ở cuộc rượu nào vừa đứng lên, Nguyễn Bính ngồi xích lô đến Nhà Hát Lớn.

Những người giữ cửa không cho vào. Thế là Nguyễn Bính làm toáng lên:

– Không phải giấy má gì cả! Giỗ Nguyễn Du mà Nguyễn Bính không vào được a!

Người ta phải lập lại trật tự với người say rượu. Rồi Nguyễn Bính cũng vào được. Chắc được vào rồi cũng ngồi ngủ mà thôi.

Một lần Nguyễn Bính bảo tôi, giọng bình thường không hơi men:

– Mày phải kết nạp hội viên Trúc Đường chứ!

– Nói anh Trúc Đường làm đơn rồi hai thằng chúng mình giới thiệu anh, theo thủ tục.

Nguyễn Bính nổi cáu, hỏi lại:

– Trúc Đường mà phải làm đơn xin vào Hội Nhà Văn à?

Rồi vùng vằng bỏ đi.

Tập thơ Cửa biển của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Trần Dần đã được Hoàng Cầm chọn xong và đưa in. Vẫn phải chòng vòng chèo chống hàng ngày với Nguyễn Bính những chuyện tương tự trên mà chưa xong được Nước giêng thơi. Những cố nhân như Yến Lan và tôi bây giờ đã mát tính, không như các bạn Mai Lộc, Đoàn Giỏi ở miền Đông trong Nam, trên ghe đò hay trong rừng, phải cho chính thằng mắt trắng ấy một bài học, chứ chẳng phải thiên hạ nào, giã cho nó một trận rồi mới lại thương lại. ít lâu sau, Nguyễn Bính cũng thôi, không công tác ở đâu nữa.

Không biết ai đã giúp tiền cho Nguyễn Bính ra những số báo Trăm Hoa đầu tiên. Tôi vẫn đến chơi, hồi này có tiền, tôi được Bính rủ đi đánh chén luôn. Cái cô mọi khi vẫn giới thiệu là người yêu thơ, là thư ký đánh máy, bây giờ đã là vợ. Nhà thuê một tầng dưới rộng rãi, gần phố Hoà Mã treo bảng Trăm Hoa – máy chữ đánh rào rào, người ra vào toà báo nhộn nhịp.

Trên có sáng kiến lấy giấy và tiền nhà xuất bản giúp báo Trăm Hoa. Tôi được giao thuyết phục làm sao ra được một báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn. Công tác không khó khăn đối với tôi, nhưng đã thuộc tính lung tung của Nguyễn Bính, tôi liền kéo cả anh Trúc Đường đến. Nguyễn Bính cảm kích được giúp đỡ. Trúc Đường đã có kinh nghiệm làm báo lâu năm, từ ích Hữu đến Đàn Bà và rồi Công Dân ở đồng bằng sông Hồng trong kháng chiến. Chúng tôi bàn về Trăm Hoa lâu dài và cả từng số báo. Tôi mua hộ giấy in, xe đến. Tờ Trăm Hoa rõ ra một vẻ khác. Không về bè với Nhân Văn, như chẳng đi với ai. Trên nhận xét từng số, từng bài cho là vẫn chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết. Tôi bàn lại với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính cười mỉa:

– Trăm Hoa phải thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách, cho xong?

Tôi nghe cũng có lý. Có lẽ vì thế tôi không còn hào hứng vận động cho chuyển được Nguyễn Bính. Có lần Nguyễn Bính nhắn tìm tôi. Chắc lại đòi giấy và tiền. Tôi không đến. Mấy lỵ cũng không phải tiền của tôi. Biết ăn nói thế nào. Một buổi tối, Nguyễn Bính rủ tôi ra nhà hàng Lục Quốc, phố Huế. Nguyễn Bính nói:

– Hôm nay ăn cỗ đám ma Trăm Hoa!

Tôi hỏi:

– Trúc Đường đâu?

– Ông ấy không đi.

Có thể vì tôi bỏ Trăm Hoa anh Trúc Đường không bằng lòng tôi.

Mấy lâu sau, Nguyễn Bính được giới thiệu về ty Văn hoá Nam Định. ở Hà Nội một dạo, vài ba tháng hay một hai năm cũng không để ý, thỉnh thoảng gặp chỉ thấy nhăn nhó, rầu rĩ. Xưa nay thì cái thằng này vẫn thế. Những cùng quẫn tự chuốc, những thương đau vơ vào, mình lại đầy ải mình, thân làm tội đời, cả những ngày còn lại này mà vẫn không nguôi.

Người con gái ấy yêu thơ tuổi đương thì. Những mối tình như thế của Nguyễn Bính, chẳng rõ khi ở Huế, ở miền Nam thế nào, nhưng ở ngoài này, bạn bè đã biết tính, biết tật Nguyễn Bính, thấy gái như quạ vào chuồng lợn, như ếch vồ hoa. Thề bồi đấy rồi lại nhăng cuội ngay đấy. Kiểu như những câu thơ đố tài hoa: Nhà em ở dưới cây mai trắng (Bạch Mai) Bên gộc mai vàng (Hoàng Mai) cạnh đế kinh (Phố Huế), những người con gái, biết bao nhiêu con gái đã theo thơ đến với Nguyễn Bính. Nhưng cuộc đời hoa thơm bướm lượn không giống thơ, không như thơ. Thế thì lại vứt bỏ. Người con gái đến với Nguyễn Bính khi làm báo Trăm Hoa cũng chẳng ở được bao lâu. Chỉ tội đã có với nhau một mụn con.

Từ lâu, tôi muốn viết một truyện ngắn. Chưa viết nhưng đặt tên trước truyện ngắn: Tên cháu là Hiền. Câu chuyện đôi vợ chồng bỏ nhau. Đã được một con trai tên là Hiền, mới bập bẹ. Mẹ cháu trẻ quá, còn như ở tuổi son rỗi, đã đi bước nữa. Mẹ đem Hiền về trả bố Hiền.

Hiền bụ bẫm, phúng phính rồi chẳng bao lâu Hiền còm nhom, ghẻ lở, mụn nhọt ghê người. Ngày ngày bố ẵm vác Hiền trên một bên vai, như mèo tha con. Đến đâu, từng đám ruồi nhặng xanh xám đuổi theo. Một tối kia, bố rượu say rồi bố bế Hiền thẩn thơ ra phố. Đến ngã sáu Bà Triệu – Ô hay, làm sao mà bao nhiêu tâm sự nước mắt nụ cười của người viết truyện này, trong những năm ấy, cứ quẩn quanh chỗ cái dốc Hàng Kèn oan nghiệt thế nhỉ?

Chợt nghĩ thế nào, hai tay bố Hiền giơ Hiền ra, đưa Hiền cho một người đàn ông đương đi tới. Trở về, cơn say vật bố thiếp đi. Quá nửa đêm, quờ tay không thấy con. Bố vụt nhớ lại tất cả. Bố lật đật chạy đi đấm cửa nhà mấy người bạn. Chúng tôi đã đi báo hầu khắp các đồn, các trạm công an trong thành phố. Nguyễn Bính thất thểu suốt đêm. Sáng ra, nhợt nhạt thẫn thờ bước giữa trống không. Tìm thế nào bây giờ vì không phải là cháu lạc. Chỉ còn cầu mong biết đâu là cái người hốt nhiên được có người dúi cho đứa bé, lại chẳng là một người đương hiếm trẻ.

Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu tối hôm ấy – nếu trời để cho chứng sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền. Thôi bây giờ viết vào đây câu chuyện thương tâm ngày ấy. Biết đâu, chuyện này – như một cái nhắn tin tìm người ruột thịt thường đọc trên báo. Chẳng đã có bao nhiêu cha mẹ anh em ly tán những năm đói những năm chiến tranh ngót nửa thế kỷ, mà rồi cũng tìm được nhau. Đột nhiên, tôi hy vọng. Tên cháu là Hiền nhé.

Có lần qua Nam Định, được nghe Kim Ngọc Diệu kể rằng câu chuyện đau đớn ấy, mỗi khi nhắc lại lần nào Nguyễn Bính cũng khóc.

Báo Nhân Văn đã ra được mấy số. Có dư luận báo chống đối. Người thành phố nghe ngóng và tò mò. Nhưng mà những hoạt động gây sự không phải chỉ ở vài bài báo trên Nhân Văn, mà cái chính là ý đồ chính trị rộng ra nữa của một số giới không phải là những người làm báo Nhân Văn trong tình hình nhạy cảm ở các đô thị lúc ấy. Báo Nhân Văn đương hô hào dân chủ và in một số sáng tác phong cách mới. Bạn đọc chú ý và chờ đợi sự đổi mới của văn nghệ. Nhưng không ai lưu tâm những người bỏ tiền cho vốn in báo và những hoạt động chính trị đòi thay đổi và chia quyền lãnh đạo đã âm thầm dấy lên, trong giới tư sản đương bối rối, trong một số trí thức ở vùng mới giải phóng và ở đảng Dân Chủ. Báo Nhân Văn chỉ là một phần bề ngoài và là một thủ thuật chính trị dựa vào trăm hoa đua nở. Mấy cây bút cộng tác với báo Nhân Văn không biết được tình hình thật sự như trên. Đâm ra ngộ nhận tai hại về hoàn cảnh, về văn học và cả về tài năng của họ nữa.

Chiến thuật thâm hiểm ấy gây nên cách nhìn lẫn lộn số đông tác giả với lòng chân thành ở mỗi người và ở tổ chức. Khí còn ở rừng, chúng tôi đã thuộc tính Nguyễn Huy Tưởng, đôi lúc còn chế giễu, những lúc Nguyễn Huy Tưởng tròn miệng tròn mắt thao thao ca tụng khấn vái L.Tônxtôi, Ifxen… và ở mỗi người bạn mà anh quý, mỗi cán bộ cấp cao, Nguyễn Huy Tưởng đều tìm ra những ưu điểm tô hồng rầm rộ. Ai nấy đều cười và quen đến độ, Nguyễn Huy Tưởng sắp khen, đã biết khen thế nào rồi. Nhưng về thành phố, từ lúc nào xuất hiện một Nguyễn Huy Tưởng lầm lỳ, đăm chiêu, ít nói và nói cũng khác mọi khi. Nguyễn Huy Tưởng không bằng lòng mấy anh em quanh mình giấu diếm làm báo Nhân Văn, nhưng Nguyễn Huy Tưởng cho rằng chúng nó cũng vẫn là chúng mình cả thôi, chẳng lẽ chỉ biến đâu một lúc, trở lại là thằng khác à?

Những cơn nghĩ dày vò Nguyễn Huy Tưởng lúc ấy là tình hình thế giới. Vốn phục Ti tô, Nguyễn Huy Tưởng không bằng lòng với việc nước Nam Tư bị đuổi khỏi cục Thông tin quốc tế – một tổ chức tập hợp lực lượng dân chủ và tiến bộ thích ứng với tình hình mới. Dồn dập, tháng mười năm 1956, xảy ra sự kiện Hungari. Mấy đêm Nguyễn Huy Tưởng không chợp mắt được. Mở cửa trông sang cái hiệu Tàu vằn thắn mì hôm trước đông khách suốt ngày tới khuya, bỗng có thì thào: vằn thắn thịt chuột. Khách vắng hẳn. Buồn thiu như Nguyễn Huy Tưởng. Nguyễn Huy Tưởng nói:

– Nước Hungari trong phe xã hội chủ nghĩa, nhưng trước nhất nước Hungari là nước Hungari đã ông thấy thế nào? Các ông thấy thế nào? Tôi không hiểu, tôi không thể hiểu.

Nguyễn Huy Tưởng băn khoăn. Nguyễn Huy Tưởng có những ý kiến khác những lời bình trên các báo. Nguyễn Huy Tưởng vốn kỷ luật, chịu khó viết nhật ký và sưu tầm tài liệu. Nhưng chắc Nguyễn Huy Tưởng đã không ghi lại những trăn trở, những khủng hoảng như tôi vừa kể trên. Bấy giờ, những ý kiến khác lạ không mấy ai dám nói ra và ghi lại. Thà chôn sâu trong lòng. Trò chuyện với Nguyễn Huy Tưởng cái cười vẫn đôn hậu thế, nhưng khác trước rồi. Có người bảo gần đây bác sĩ Phạm Ngọc Khuê dưới Hải Phòng hay lên chơi với Nguyễn Huy Tưởng. Khi còn trẻ, Nguyễn Huy Tưởng mê và phục thuyết Sinh lực mới của anh bạn có khuynh hướng tờrốtkít này. Nguyễn Huy Tưởng thân với Nguyễn Hữu Đang. Chúng tôi đã cùng hoạt động hội truyền bá Quốc ngữ và Văn hoá Cứu Quốc. Nguyễn Huy Tưởng quý bạn, bao giờ cũng phát hiện ra những khía tốt của bạn, nhưng tôi không tin Nguyễn Huy Tưởng thay đổi vì ảnh hưởng ai. Con người chân thành ấy chỉ nghĩ thực, nói thực Có khi tôi đùa:

– Ông là thằng cộng sản dân tộc.

Nguyễn Huy Tưởng cười hiền lành.

– Cậu bảo tớ bắt chước Ti tô? Không phải.

– Nguyễn Huy Tưởng là cộng sản Việt Nam. Nhưng mà nguy hiểm đấy. Chẳng nên đùa nhau thế.

Nguyễn Huy Tưởng nói nho nhỏ, cặp mày rậm rên con mắt hồn nhiên nhíu lại, buồn hẳn. Chúng tôi không bao giờ đùa cợt và nhắc lại như vừa rồi nữa.

Bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng đang ấp ủ dự định viết tiểu thuyết Sông mãi với Thủ đô. Sự tích hai tháng chiến đấu trong lòng Hà Nội của Trung đoàn 102 những ngày đầu. Đề tài ấy Nguyễn Huy Tưởng theo đuổi đã lâu, từ khi trung đoàn được thành lập giữa liên khu 1 ở nội thành, đến hôm trung đoàn vượt vòng vây ra, chúng tôi đã đi đón ở cánh đồng Gối, Nguyễn Huy Tưởng càng mê. ở Việt Bắc, Nguyễn Huy Tưởng đã có dịp đi nhiều chiến dịch với Trung đoàn Thủ đô. Nguyễn Huy Tưởng vốn có nghị lực và thiết thực, đã chuẩn bị thì phải viết và viết được.

Nhưng từ khi về Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng có hoàn cảnh được về luôn Lai Xá, doanh trại trung đoàn nhà cao cửa rộng ở đấy. Nguyễn Huy Tưởng đã đến ở lâu với trung đoàn. Ngót mười năm chinh chiến, hầu hết các đại đội trưởng, trung đội trưởng đã không còn. Những trận đánh nhanh nhẹn tài hoa phong cách thanh niên Hà Nội của Trung đoàn Thủ đô đã nổi tiếng khắp Việt Bắc trong các chiến dịch Biên giới, Trung du, Hoà Bình, Đông Bắc, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Giữa những cuộc chiến dũng mãnh ấy, các chỉ huy đại đội, trung đội đã ngã xuống nhiều. Và cũng biết bao nhiêu tâm trạng phức tạp, éo le, trái ngược trong một con người chiến sĩ. Mấy tháng trời, Nguyễn Huy Tưởng cất công về Lai Xá. Kết quả thu được, Nguyễn Huy Tưởng sẵn hào hứng mới về một tác phẩm khác hẳn bản thảo ban đầu đã viết. Trung đoàn Thủ đô mới được Nguyễn Huy Tưởng phát hiện, khí thế và truyền thống, coi cái chết như không. Bao nhiêu chiến sĩ tín nghĩa, trung thực và cũng thật tàn bạo, – anh hùng và hoang dại, đằng nào cũng đều cực kỳ. Vẫn cái nhìn và phong cách Nguyễn Huy Tưởng, cái gì cũng tới chuẩn tối đa, nhưng không còn Nguyễn Huy Tưởng lúc nào cũng ngạc nhiên và trố mắt, khen không tiếc lời. Nguyễn Huy Tưởng định xây dựng và sáng tạo lại nhiều mặt cuộc sống mãnh liệt và phức tạp, tinh thần chiến đấu quên mình, sắc sảo tính cách Hà Nội, lẫn lộn và chống chọi với tâm địa hèn nhát, thói mặc cả tình thế. Trung đội trưởng Bạch Ngọc Liễn còn sống sót đến bấy giờ đã hiện ra như một nhân vật tiêu biểu và cũng là người cho Nguyễn Huy Tưởng thấy được những góc cạnh u tối trong cuộc đời. ở chiến dịch Sông Thao năm 1949, tôi đã được đọc nhật ký của Bạch Ngọc Liễn. Cái hôm Bạch Ngọc Liễn đứng gác trên sân thượng nhà in Lê Cường phố Hàng Bồ nhấc khẩu trung liên lia một băng đạn vào chiếc phi cơ spitphai vừa xà xuống bắn phố Hàng Thiếc khu Đông Thành. Chiếc máy bay ấy rơi ngoài bãi Nghĩa Dũng bờ sông, có lẽ là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị hạ trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Những người còn sống mà Nguyễn Huy Tưởng đã gặp và những người đã chết Nguyễn Huy Tưởng được nghe bạn bè kể. Kỷ niệm làm sống lại những sự thực đã cho Nguyễn Huy Tưởng những khám phá mới. Nguyễn Huy Tưởng có ý muốn viết lại Sống mãi với Thủ đô.

Một đợt nghiên cứu chính trị của văn nghệ sĩ và cán bộ quản lý văn hoá văn nghệ ở Trung ương. Hai mươi ngày, lên hội trường ở cái gác làm sàn nhảy trên sân thượng khách sạn Rít ở Bờ Hồ. Ngoài cửa sổ, vòm lá sấu xanh rì, thấp thoáng bên kia mặt hồ Hoàn Kiếm. Giữa tình hình áy, lớp nghiên cứu thật quan trọng. Nhưng chúng tôi không có trách nhiệm đáng kể và thói quen nhởn nhơ của tôi thì vẫn thế. Đường sắt Hải Phòng – Lào Cai vừa khôi phục nối với Côn Minh bên Vân Nam. Tôi đi dự khánh thành trên một đoàn tàu khách, có cả Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng… Làm thế nào mà Nguyễn Tuân cũng mò đi! Lúc ấy, Nguyễn Tuân đương làm Tổng thư ký hội văn nghệ cơ mà. Có lẽ xưa nay văn nghệ văn nghẽo vẫn thế, bảo là cần thì cần lắm, mà là thường thì cũng thường thôi. Dong duổi đó đây thích hơn.

Những chiếc tà vẹt tám tấc, những thanh ray cổ lỗ nhất thế giới. Chúng tôi muốn được thú vị ngồi trên toa mà đường ray là những thanh tà vẹt bánh tàu đương lăn dưới kia, khi kháng chiến tiêu thổ, người các làng bên Đoan Hùng lên Tuyên Quang ven sông Lô đã sang tận sông Thao dỡ từng chiếc khiêng về làm cầu khỉ, cầu ao, cọc bờ rào. Giữa mùa mưa lũ, đường đất thó sống trâu trơn như đổ mỡ, ở Ao Châu, Gia Điền, Đan Hà, Đại Phạm, Ba Quanh, Thinh Cù, người chống gậy qua những cầu ray nhún nhảy. Những thanh sắt lưu lạc bây giờ được vác về đặt tên taluy mới, các làng ven đường lại đổ ra cắm cờ lên, đắp đất bắc đường cho chóng thấy tàu hoả chạy qua, thật hăng hái làm cũng như khi cật lực đào phá đường tàu. Những kỳ diệu, bấy giờ chúng tôi cho là thế cả như trong thành phố, cái tàu điện cải tiến, ông vát man có ghế ngồi không phải đứng lái như xưa. Trong khoang bỏ ghế hạng nhất, chỗ ngồi đồng loạt à thế là dân chủ. Và không biết cái đường xe lửa Hà Nội – Vân Nam này của công ty hoả xa Việt Điền được mua lại hay là ta đã sung công, cứ cho là ta sung công cho oai? Còn thật là sướng mắt khi thấy báo đăng tin kèm ảnh chụp, rồi một hôm nhìn được hẳn hoi chạy ngoài đường cái ô-tô đầu tiên của quân giới lắp ráp được. Sau đít xe, chiếc biển kẻ ba số 0 rồi mới đến con số một đỏ choé – nhà máy quân đội ta đã sản xuất được cả ô-tô! Những đồ đồng nát đem chữa chạy vá víu lại mà khiến ta có thể vỗ tay lên được chủ nghĩa xã hội thì đến ngơ ngẩn cả người thật.

Nguyễn Tuân không nhiều tâm trạng và băn khoăn thời sự với chính trị như Nguyễn Huy Tưởng. Con người ấy quan niệm về tự do là không bờ bến không chính trị, nhưng cũng không bao giờ lung tung, đúng nghĩa ra là một lối sống nền nếp. Cùng Nguyễn Tuân, nhiều lần tôi tiếp khách nước ngoài. Nguyễn Tuân chuyện thật vui, mà lại rất nghiêm chỉnh. Cái ngang ngang Nguyễn Tuân một mình một tính làm cho người ta hiểu lầm và dễ vui chuyện phóng đại lên. Những tiệc đứng tiệc ngồi trong dịp các lễ lớn ở một số sứ quán.

Thông thường, khách ăn uống đủ, trò chuyện qua loa với người bên cạnh rồi chỉ còn đợi vị khách cao nhất của ta chào chủ tiệc, thì mọi người lục tục ra theo. Nguyễn Tuân không thế. Nguyễn Tuân làm những sự khác thường, khác thường nhưng tế nhị. Nguyễn Tuân vốn khảnh ăn. Đôi khi sắp đến hẹn đi, Nguyễn Tuân vẫn ăn uống như thường, không bỏ cơm nhà. Nguyễn Tuân thích trò chuyện với mấy người phóng viên thường trú ở Hà Nội của báo ý, báo Pháp, báo Liên Xô: Cầm dĩa, lấy một miếng thịt sấy, một ít trứng cá. Không cầm rượu rót sẵn ngoài bàn, Nguyễn Tuân vào cái quầy ở phía trong phòng tiệc – mà chỉ khách thạo uống mới khám phá được chỗ góc rượu thân ái ấy. Nguyễn Tuân lấy một cốc rượu mạnh, cô nhắc hay uytky rồi ra đứng một mình. Như nhấp nháp và nhìn ra xem người ta đương xúm xít quây quanh bàn.

Hôm ấy cao hứng – vâng, thật cao hứng mà không phải vì say, ở sân cỏ vườn sứ quán Pháp, khách đã vãn, Nguyễn Tuân vẫn cầm dĩa, lại châm thuốc hút và đủng đỉnh đứng đấy. Cuộc chiêu đãi không phải đã kết thúc sau lúc tiễn khách. Nguyễn Tuân biết kiểu Tây ăn cũng chẳng khác phong tục lâu đời ở quê ta, nhà có cỗ bàn đám cưới, khách khứa đi về gia chủ mới dọn ra một mâm – không phải cỗ vét mâm bát mới hẳn hoi, nhưng là mâm người nhà. Bao giờ những mâm người nhà cũng thật sự vui nhất. ở sứ quán này cũng thế. Tôi đã được dự mâm người nhà thế tại sứ quán Trung Quốc ở Tân Đê Li bên ấn-độ, và ở Êtyôpi đến bấy giờ ai cũng mới uống say. Cho hay cái ý nhị trong ăn uống vốn là tính người và kinh nghiệm nhân loại từ tiền sử cho đến ngày nay thật phong phú. Người nhà, suốt buổi lo đưa đón, phục dịch, bây giờ mới vào cuộc cho mình. Ông đại sứ đầu trò – cuộc chè chén kéo dài không biết khuya đến đâu. Cái vị khách từ lúc tiệc chính vẫn đứng một mình đằng kia, bấy giờ bước lại bàn chủ tiệc người nhà và nâng cốc. Nguyễn Tuân lịch sự cạn một cốc của ông đại sứ Pháp vừa mời lại. Rồi khách mới ý tứ chào, ra về một mình. Đường khuya đã vắng ngắt, chỉ còn người công an đứng trong chòi gác. Những khác người trong lối sống, những tế nhị, kiểu cách mà không ồn ào. Cả trong văn Nguyễn Tuân, từ triết lý đến mỗi câu mỗi chữ. Những ai có trách nhiệm đọc Nguyễn Tuân đã bỏ công soi mói, bẻ hành bẻ tỏi chỉ là thói quen gò ý và trịch thượng. Thời chống Mỹ, Nguyễn Tuân viết một loạt ký về Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, thế mà vẫn có những bút chì đỏ gạch từng quãng lưu ý cấp trên. Tôi gặp khó khăn bởi những chuyện ấy, vì Hội Văn nghệ Hà Nội đã in lần thứ nhất tập bút ký này. Công việc gọi là theo dõi ấy thật sự là đố ky và bề trên, khác nào ngày nay người ta dùng lẫn hai chứ theo dõi mà nghĩa một thời của nó không đẹp đẽ lịch sự như bây giờ đài báo cảm ơn bạn đọc và người nghe đã theo dõi. Không, chỉ có mật thám theo dõi người bị tình nghi, đội xếp theo dõi kẻ cắp sắp móc ví. Nghĩa thời trước của hai chữ theo dõi là vậy. Xem lại những bút ký Phở, Tình rừng, Tờ hoa, có thể đọc một lần rồi đọc lại lần nữa. Không vì thích thú mà còn vì ngạc nhiên. Đấy chỉ là những áng văn bộc lộ những nét riêng với cái nhìn đáo để và trang nhã, mài những cái ấy đi thì còn đâu văn Nguyễn Tuân.

Mấy chữ Nguyễn Tuân viết cho tôi, từ Sa pa – không đề ngày tháng. Dấu bưu điện trên cái bưu thiếp ảnh màu rừng thông, mái nhà nhô ra trong sương mù và bóng Hoàng Liên Sơn.

Hoài,

Mình leo Hoàng Liên Sơn cả lên cả xuống mất 5 ngày. Người đang mệt và đau gối. Khoe khoẻ là xin huyện uỷ thuê ngựa cho và sẽ đi tiếp vào Phong Thổ. Mình ở trên đỉnh ca nhất, được thấy hoa đỗ quyên nở rất đẹp. Đỗ quyên màu hồng điều, cánh sen vàng nở giữa rừng trúc phất trần. Trong đời mình, trong mọi mùa xuân, mình chưa bao giờ thấy mây và hoa nhiều đến như thế. Lên đây lạnh, mưa gió như bão, túi luôn phải có chai rượu mạnh để chống khí núi. Hết 2/3 lạng cao hổ rồi.

Nguyễn Tuân

Khi lên cao, mình có bị ong đốt, mặc dù chẳng có trêu phá gì nó.

Cái câu tái bút ong đốt vu vơ chỉ gửi cho tôi này, chắc nếu đăng báo, in sách cũng lại điêu đứng đấy. Ôi là trời, cái tính người ta thế, chứ xỏ xiên gì đâu.

Có một thời, những người theo dõi báo chí, xuất bản và phát hành sách báo được phong làm lính gác. Lính gác thì phải có việc của lính gác, chẳng lẽ ăn lương để đứng không. Nhưng thật ra người ta chỉ đọc a dua rồi đánh đòn hội chợ. Cấp trên hô người ấy, bài ấy có vấn đề. Tự nhiên cảm thấy hình như có vấn đề thật và người ta dò tìm từng câu từng chữ. Thế nào chẳng ra vấn đề! Bỗng khó chịu cả cách diễn đạt khác nhau của mỗi ngòi bút, thế là làm sao. Không biết vì tổ chức đặt ra công tác theo dõi làm cho cái người theo dõi bỗng nhiên được làm thầy thằng bị (được) theo dõi. Hay là tại vì thuở nhỏ đi học, nhà trường chưa bao giờ giảng cho các vị ấy khi còn là học sinh hiểu bài văn muốn có ý nghĩa, trước hết bài văn phải hay. Khốn thay, người ta viết văn thất bại nhưng vẫn làm cán bộ theo dõi được. Cái nhìn sự sáng tạo cứ lên xuống theo thời tiết. Nguyễn Tuân cáu kỉnh nhẹ nhàng và chua chát:

– Có khi mày bảo chúng nó viết đi, để ông với mày đi chơi, thế là bớt được thằng công tác theo dõi!

Nói vậy, Nguyễn Tuân vẫn là Nguyễn Tuân thế, không có gì khác.

– Này, chúng nó đồn ầm lên ông mới nói, nếu ông còn trẻ thì ông cũng bỏ đất này ông đi.

Nguyễn Tuân thong thả nói, như cho mình nghe:

– Biết đuổi theo đứa nào mà cải chính bây giờ!

Những câu Nguyễn Tuân nói thế, Nguyễn Tuân bảo thế đến tai Nguyễn Tuân quá nhàm. Càng khó khăn, càng gay go, khi cả buổi tay khư khư quyển sổ đứng vẫn chưa đong được tháng gạo. Mỗi hôm mua bó rau muống, rau dền, phải sắp hàng dài hơn – may thay, nhà văn già, hay là nhu Nguyễn Tuân đã vỗ ngực xưng với Mộng Tuyết: hàn sĩ đỏ, nhà văn đỏ và cao tuổi ấy đã được bà lão và cô con gái út cáng cho những vất vả về gạo nước mà ông chỉ trông thấy đã đủ mệt nhọc rồi. Cái đèn điện không chao cứ nhè đến bữa ăn chập tối thì tắt ngỏm. Thế là buông đũa thở dài ca cẩm, tưởng tượng như bí thư thành uỷ đứng trước mặt:

– Đấy điện khí hoá thành phố của ông ấy đấy. Trong khi vẫn lặng lẽ với tay lên giá sách lấy cây nến đỏ. Và vẫn tuân thủ, làm việc và đọc mê mải. Nửa đêm qua sông sơ tán sang huyện Quế Võ. Tang tảng sáng, vào quán chè tươi uống bán nước sớm xem người ta ăn phở thịt chó rựa mận. Trở về thành phố, báo động và máy bay còn rền rĩ trên đầu, Nguyễn Tuân đạp xe lên hồ Trúc Bạch. Thấy bảo có thằng giặc lái rơi xuống đấy, nhưng bị xách cổ đi rồi, còn thằng nữa nhảy dù xuống đường Thụy Khuê ven hồ đằng kia. Nguyễn Tuân đội cái mũ sắt khối Nato nông choen hoẻn – dạo trước có cái mũ lính cứu hoả có mào của Pháp, mới đổi được chiếc mũ Nato này. Nguyễn Tuân đến dự đám cưới của đội tự vệ tổ chức trên trận địa pháo cạnh cầu Long Biên. Rồi viết bài đăng trang nhất báo Nhân Dân.

Thế nhưng, những câu Người ta bảo ông nói thế này… thế này… vẫn vo ve đến. Cho hay cũng là thói đời. Câu nói mát mẻ, xỏ xiên, các thứ tiếu lâm thời thế ở đâu đâu hay quàng đến mượn tiếng Nguyễn Tuân bất mãn. Nhiều đến độ người nọ thổi vào tai người kia, nếu tò mò cộng lại, cũng không thể tin cái ông nhà văn dẫu có tiếng là ngạnh trê đấy, nhưng chắc cũng không hơi sức đâu bịa ra lắm chuyện đổng giả thế. Nhưng đồn thì cứ đồn.

Nguyễn Tuân lại nói:

– Kể ra mình cũng có tội. Cái tội hay nói bô bô, không kín võ được như cậu. Mà tớ chẳng có võ gì cả. Cũng không biết bơi, không biết cưỡi ngựa. Bởi thế mới sinh chuyện. Nhưng cũng không bực mình vì mọi thứ người ta đổ lên đầu đâu. Mình không nói thì thằng khác nói. Các nhà văn hoá dân gian nên sưu tầm và nghiên cứu tiếu lâm tục ngữ, ca dao thời sự, văn hoá dân gian đấy chứ.

Ông nói vui thế chứ ông cũng không phải người đa ngôn. Cũng như ở những thói quen khác, cái nỗi vẫn là, một mình một tính. Khi bực bội, chẳng kể to nhỏ, cái gì cũng vặc. Đuổi một người gõ nhầm cửa. Dửng dưng trước một người mình không ưa, dù người ta giơ tay định bắt tay. Lại thấy cái ông ấy vào cùng buồng trong bệnh viện, nhất định đổi sang buồng khác. Phàn nàn mùa này Hà Nội đến chết sặc vì mùi hoa sữa. Cười những cán bộ các tỉnh gà vịt đội lông công, cũng áo cánh lụa mã gà phe phẩy cái quạt giấy, cười cười như uỷ viên bộ chính trị. Chửi các báo địa phương làm măng xét hệt báo Nhân Dân Trên bảo chúng nó phải làm thế à. Rồi lại khó chịu với cả mình. Mình là cái chó gì mà có thằng cũng bắt chước. Cái tóc cái râu, cái batoong khệnh khạng vào nhà hát lớn. lên máy bay…. Ôi vui nhiều, cáu nhiều quá, bực mình quá.

Nguyễn Tuân nói:

– Thế này thì mình xin ra Đảng.

Nguyễn Tuân hay nói câu ấy khi bực bội. Nguyễn Tuân nhớ và ghi con số không thua Nguyễn Công Hoan thuộc sử. Ngày nào năm nào sở Liêm phóng Bắc Kỳ cho mật thám giải từ Hoả Lò lên căng Vụ Bản, châu Lạc Sơn vùng rừng núi Hoà Bình, Ninh Bình. Bị bắt ở Vọng Các, tống về Sài Gòn, xuống tàu thuỷ ra Bắc, tàu Chantilly ngày mấy tháng mấy. Đi hội nghị hoà bình thế giới ở Henxanhky qua Trung Quốc ở lại bao nhiêu hôm. Những lần lên Lai Châu, lên Hà Giang, năm nào mùa nào…

Chúng tôi ở Lào Cai về, đợt nghiên cứu 21 ngày vừa hết, còn buổi sau cùng. Tiếng vỗ tay bế mạc rầm rầm ngập cái sân thượng. Ông Phan Khôi ngang như cua ưa chơi trội, chống batoong bước ra về trước, còn quay lại phang một câu thế nào đấy, dường như bảo là người đi chợ Hôm sung sướng mua được quả chanh cốm, hỏi ra mới biết chanh xuất khẩu bị ế. ờ, người trồng chanh phải được ăn quả chanh ngon nhất chớ! Chẳng hiểu lão chửi bóng hay nói vỗ mặt. Nhưng mà cách nghênh ngáo tợn tạo của ông thì không ai lạ. ở Yên Dã trên Đại Từ, một lần tư lệnh Nguyễn Sơn đến chơi, Nguyễn Huy Tưởng mời anh em họp mừng ông tướng mới ở khu 4 ra và nghe ông tướng nói chuyện Kiều. Quá mười giờ đêm rồi, Nguyễn Sơn vẫn nói và hét toang toang. Phan Khôi nằm trên nhà đồi không ngủ được. Ông xuống, thò đầu vào cửa phòng, quát:

– Nói to thế mà không sợ đứt cổ a?

Rồi quay ra, lại lên chui vào màn.

Chúng tôi bị kiểm điểm qua loa: bỏ lớp học quan trọng đi ăn mừng đường xe lửa được khôi phục, việc không cần thiết. Báo Nhân Văn ra đến số 6 bị tịch thu tại nhà in. Các báo hoan nghênh việc đó. Một số văn nghệ sĩ chúng tôi chẳng biết ai chủ trương cũng ra tuyên bố tán thành sự tịch thu báo Nhân Văn. Nhà xuất bản Minh Đức tự đóng cửa. Hồi ấy, báo in còn ít, chỉ tính số nghìn. Nhưng một tờ báo bị cấm thì ầm ĩ ngay. Bấy giờ, cuối năm 1956.

Thành phố vẫn đương âm thầm cải tạo tư sản. Dẫu cho thường được nghe phân tích là ở nơi đô hội, thị dân chỉ có tiêu thụ thì giai cấp tư sản bé bằng con muỗi mắt.

Nhưng làm sao không đụng chạm đến từng nhà. Lại thêm biết bao nhiêu người họ hàng xa gần vừa bị chìm nổi sóng gió đấu tố ở nông thôn, từ Nghệ An, Hà tĩnh ra, Hải Dương lên. Nhiều địa chủ đã được sửa sai vẫn chưa dứt cơn hốt, bỏ quê về thành phố. Càng thêm nháo nhác, nhộn nhạo những đồn thổi.

Các đoàn thể tổ chức kiểm điểm và kỷ luật nội bộ những cán bộ tham gia viết và hoạt động chò báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm của nhà xuất bản Minh Đức.

ở hội Nhạc, Đặng Đình Hưng bị khai trừ đảng. Văn Cao, phải cảnh cáo, chỉ được ở hội nhạc không được ở hội văn, hội vẽ. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên, tuy chỉ làm có cái bìa sách cho nhà xuất bản nọ nhưng chắc là không khí sát phạt ở các buổi họp khiến các anh ngại, đã xin ra đảng. Trên có nghị quyết không khai trừ, mà đồng ý cho được thôi. Có lẽ đến bây giờ, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn giữ cuốn sổ tay ghi số đến thứ bao nhiêu lần những cuộc mời họp mà Nguyễn Tư Nghiêm không đi. Khoe với tôi như thế, anh có vẻ thú về những con số tỉ mẩn ấy. Khác Nguyễn Sáng, Nguyễn Sáng vẽ ký hoạ trên báo Nhân Văn một đầu người ở cổ có vết khía, như cái lá. Người ta bảo đấy là chân dung Trần Dần và cái sẹo còn lại khi anh định tự vẫn. Nguyễn Sáng không được bình huân chương kháng chiến. Những năm sau, trong lúc Hà Nội bị máy bay Mỹ quấy báo động liên miên, Nguyễn Sáng đã lo rất đứng đắn. Rồi giải phóng miền Nam, tao về thăm quê, họ hàng bà con hỏi chú đi làm Việt Minh, Việt Cộng bao nhiêu năm thế mà trên ngực không có cái mề đay nào? Mày bảo tao trả lời ra sao? Tao buồn lắm. Hoàng Cầm bị ra khỏi ban chấp hành, phải thôi việc nhà xuất bản, chuyển công tác về sở Văn hoá Hà Nội. Phùng Quán nhờ có chú Phùng Thị, chánh văn phòng bộ Văn hoá đưa lên làm ở vụ Văn hoá quần chúng. Nhưng ai cũng bức bối không yên. Hoàng Cầm thì mở quán rượu, Phùng Quán câu cá hồ Tây, hiu hắt, dông dài, cho tới năm về hưu non. Đi Bắc Kinh dự kỷ niệm Lỗ Tấn về, ông Phan Khôi hào hứng viết về chuyến đi. Nhưng rồi nhạt dần. Ông ngồi yên. Ông vẫn được đãi chế độ nhân sĩ lương cao và tiêu chuẩn có người phục vụ, nhưng chẳng ai hỏi tới. Ông nằm yên. Mấy năm sau, lâm bệnh mất. Đám ma bác Phan Khôi, đi sau xe tang, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng Phương – cháu gọi bằng cậu. Trần Dần và Lê Đạt ra khỏi cơ quan, chuyên dịch không ký tên cho nhà xuất bản Văn Học. Nhà xuất bản Sự Thật thuê Trần Đức Thảo duyệt dịch sách lý luận kinh điển. Ban chấp hành Hội Nhà văn quyết định truất ba năm hội tịch Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán đăng tin trên báo Văn Học, cơ quan của Hội. Tôi không nhớ việc ở các hội nghệ thuật khác.

Nhưng đằng đẵng ba mươi năm không hội văn học nghệ thuật nào lôi ra xem xét lại. Sợ sệt, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông Nhân Văn cả nước, mà tràn lan đến những Nhân Văn phố, Nhân Văn xóm, chẳng bị kỷ luật gì, nhiễu người không phải vì bài văn câu thơ, mà bởi lời nói bông lông, bốc trời chẳng hạn, cũng bị quy chụp luôn. Hữu Loan không ở nhóm nào cũng bỏ làm báo Văn Nghệ về Thanh Hoá. Nghe nói sinh nhai bằng nghề đi xe thồ và vào núi đập đá bán. Những cây bút trẻ, như Vũ Bão, như Lê Bầu, có mấy truyện in sách, đăng Văn nghệ Quân đội tươi mát lắm, cũng chột luôn. Triền miên lẳng lặng bề ngoài bình thường như đã xoá đi, nhưng bên trong thì khác. Người có vấn đề thì lo đối phó.

Người canh gác thì cảnh giác. Tập ký của Nguyễn Tuân đưa nhà xuất bản Văn Học lần nào cũng được trả lời : Phát hành người ta chưa lấy được đủ số lượng. Nhà xuất bản có nhã ý gửi tác giả ít tiền ứng trước, thỉnh thoảng lại ứng trước. Nhưng rồi cũng không hẳn yên ổn. Đôi khi lại tòi ra Đống rác cũ, lại Vào đời, lại Cái gộc, lại chuyện Bác Hồ đi tắm bãi Titốp ngoài Hạ Long…

Những người theo dõi lại vất, lại nhộn nhịp. Mấy năm đầu, đôi khi Lê Đạt, Phùng Quán cũng viết ký tên khác cho sách bướm sở Văn hoá, Công Uẩn, Lê Đạt hay Phùng Quán truyện dự thi về Lênin, truyện cho thiếu nhi Tâm Trọc về thăm nhà, nhà xuất bản Kim Đồng in, Trần Dần dịch tiểu thuyết Những người chân đất không ký tên. Chỉ vài người quen có biết. Sau có lẽ cũng buồn, vì tên tuổi chẳng đi đến đâu, các anh thôi. Hoàng Cầm thì vẫn thế. Ai bảo thơ Hoàng Cầm hai mặt, một mặt, không, Hoàng Cầm có thể cắt nghĩa thành ba mặt, bốn năm mặt cũng được. Chỉ có tâm hồn thơ và cái giọng vàng mười hát thơ trên đài Tiếng nói Việt Nam, là không ai quên với vẻ đẹp thơ lấp lánh vàng mã trang kim – nhận xét của Lê Đạt. Đặng Đình Hưng dịch tài liệu cho hội nhạc, buôn rượu lậu và làm thơ. Từ dạo làm cái bài hát theo thời Nông dân là quân chủ lực. Đặng Đình Hưng chán nhạc. Oái oăm như Văn Cao chỉ được sinh hoạt ở hội nhạc, thì lại kiếm ăn bằng vẽ bìa. Văn Cao làm bìa độc đáo, có nét riêng. Đặng Đình Hưng viết một tập thơ Nhân, có chỗ buồn tay làm mấy trang đánh dấu chấm như mưa. Hiện nay, tập thơ ô mai của Đặng Đình Hưng cũng nhiều bài lấy ở tập Nhân thơ đầu tay. Ông cử Hưng – như người làng gọi, túng kiết lắm. Xách bị buôn chuyến rượu trong quê Chương Mỹ ra để được uống ghé vào đấy. Nhưng vẫn những tưng bừng bất thường. Đặng Đình Hưng rủ tôi lo đêm Trần Khánh hát. Đặng Đình Hưng biết tôi thích cái giọng sạn sạn của Trần Khánh, người hát hay mà chưa học hát bao giờ và lận đận vì lý lịch. Đêm ấy, cả buổi tối, một mình Trần Khánh hát. Hai đứa con lớp năm, lớp ba chi đó ngồi chầu hẫu dưới này rồi rối rít giơ tay đánh nhịp theo bố hát. Tôi tặng Trần Khánh bó layơn hồng – Trần Khánh chẳng thể biết tôi không chơi hoa mua hoa bao giờ. Đặng Đình Hưng kèm vào bó hoa một chai rượu. Chắc cái bị khoác vai đeo rượu đi bán để ngoài cửa. Đặng Đình Hưng ôm tôi, thì thào :

– Thành công, thành công, Trần Khánh!

Như chuyện Kim Kiều tái hợp, đời người cũng có hậu, những năm sau này Đặng Đình Hưng được con trai gửi tiền nuôi. Mua một căn hộ 23 thước vuông, thuê một máy điện thoại. Cứ chặp tối lại nghe giọng rè rè 44639, 201 C4 Hưng Giảng Võ đây Đặng Đình Hưng bày ra chiếu giữa nhà cả chục hũ thuỷ tinh rượu ngâm tắc kè, rắn, ba kích, dái dê, quất hồng bì, bẩn gớm chết. Hôm này nếm rượu nhà Đặng Đình Hưng về tôi cũng bị tào tháo đuổi. Khách ghé gẩm uống nhiều nhiều. Ông chủ đã để những chai rượu chợ ra phía ngoài. Cho người ta uống chạc, ngồi nhìn mà trong bụng khinh. Bây giờ Đặng Đình Hưng lại bỗng thấy trong văn nghệ thì nhất hội hoạ. Đặng Đình Hưng vẽ lụa, sơn dầu, sơn mài… Đăng Đình Hưng nguệch ngoạc xuống giấy rồi thuê người làm sơn mài. Đặng Đình Hưng bảo tôi :

– Em vẽ ông anh ngồi uống rượu đấy.

Rồi trỏ vào mấy chấm vàng và một nét nửa chữ V trên nền sơn then. Trần Lưu Hậu và Trọng Kiệm gật gật, giơ chén.

Tiểu thuyết Người người lớp lớp về Điện Biên Phủ của Trần Dần, bắt chước giọng như tiểu thuyết Trung Quốc đương bày bán ở các hiệu sách của Triệu Thụ Lý, của Mã phong, những Anh hai Đen lấy vợ và ánh lửa đằng trước, cũng chương hồi, cũng : Lại nói về chỉ còn thiếu có câu hồi sau phân giải. Và cái kiểu nhân vật tên kép hai ba chữ Hùng Sinh, Trần Hoàng, Ngô Thiên Lý của Trần Dần đã được nhiều người bắt chước theo. Trong khi, theo cách từng thời của văn ta, tên người chỉ một chữ và khi dùng hai, ba chữ đều do những yêu cầu riêng. Đến thời văn chương Tự Lực đã dọn lại thành Mai, Chương, Tuyết, cần lắm mới thêm chữ tú, chữ hai, hay hai ba chữ tiếng lóng. Năm Sà Goòng, Bảy Sẹo… Tên hai ba chữ là trở ngược lại một giai thoại văn học đã qua. Mấy năm ấy, Trần Dần loay hoay với một tiểu thuyết – mà tôi được đọc bản thảo, không nhớ tên, hay là chưa có tên. Kết quả công phu Trần Dần đi vùng phố Khâm Thiên làm quen với những người thời pháp đi lính nguy và viết về họ.

Cuốn tiểu thuyết ấy như tác phẩm của các nhà văn phái tiểu thuyết mới của văn học Pháp hiện nay, những tiểu thuyết Năm ngoái ở Marinba của A.R.Griê, Người lạ mặt của N.Sarôt, Thay đổi của M.Buto… Các ông này viết khó hiểu, mỗi quyển trên đằng cuối in thêm một trang hướng dẫn người đọc Mới đây, trên một tờ phụ san văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh, Dương Tường có trao đổi về một bài báo tôi viết về vấn đề những cái dấu trong câu văn. Dương Tường không đồng ý với luận điểm của tôi. Vấn đề này chúng ta còn tiếp tục bàn nhưng tôi đọc của Griê, của Buto loại in phổ thông, thật có tờ chỉ dẫn cách xem ở trang cuối Tôi không bịa dựng đứng ra đâu.

Lời tựa tiểu thuyết mới này của Trần Dần đại để: Nông nghiệp nước ta đương tiến lên công nghiệp, những cánh đồng đã bờ vùng bờ thửa, văn tôi cũng bờ vùng bờ thửa. Trang sách bờ vùng bờ thửa của Trần Dần, một chương chữ như kiến bò đều đều từ đầu tới cuối không xuống dòng. Nhân vật trò chuyện và câu văn không có dấu. Người ta nói có ngừng lại để đánh dấu đâu. Rất nhiều tiếng lóng hủi, hủi – Văn tiếng lóng, văn hiện đại nhất. Thơ văn tiền phong hướng về tương lai, phải chôn hết cái cũ để cái mới xuất hiện. Trần Dần bảo thế.

Tuần báo Văn của Hội Nhà Văn mà Nguyên Hồng phụ trách vẫn ra đều. Nhưng hầu như số nào cũng lọt những bài mà các cơ quan trách nhiệm cảm thấy ẩn ý sao đấy. Kể cả một truyện ngắn của Nguyên Hồng. Truyện rất ngắn ấy, câu chuyện một con hổ người nuôi ở nhà như con chó. Phường săn kia bắt được trong rừng một con hổ bé tý tẹo. Con hổ được đem về nuôi trong nhà, cho đến khi con hổ to đùng. Hổ hiền lành bè bạn với con cún, con mèo, con gà. Nguyên Hồng đã có lần kể cho tôi nghe về nguồn gốc truyện này.

Mẹ Nguyên Hồng đã chấp bút đấy. Có lẽ cụ thấy từ thuở trẻ tới giờ, người con trai độc đinh của cụ quanh năm viết các truyện rồi đem bán được tiền, dễ quá. Ôi chao, một đời cụ, nỗi nhà và miếng cơm đã khiến con người đầu sông cuối bến sóm hôm, thiếu đâu chuyện, vô khối chuyện, chôn đi vẫn nhớ, vẫn không hết. Nhưng tội một nỗi cụ không biết chữ. Một hôm, cụ kể cho các cháu chép lại câu chuyện tại sao con hổ hoá ra như con chó vàng nằm hiền lành trong xó cửa. Hổ đã như con chó rồi, nhưng cả xóm ai cũng vẫn sợ. Bời vì nó là con hổ chứ không phải con chó. Thế là các ông phường săn đem hổ thả lên rừng. Nhớ nhà, hổ lại lững thững về nhà, lại phải đem thả. Cụ đưa cái chuyện các cháu đã chép như thế cho Nguyên Hồng. Nguyên Hồng cặm cụi viết lại, đăng trang cuối báo Văn. Câu chuyện nguồn gốc con hổ, tức cười và thực bắt đầu như thế. Nhưng với cách đọc soi lên gạch bút chì đỏ và suy diễn ra thì lại không thấy thế. Đời người thuở nào mà người lại nuôi hổ như nuôi vịt, dễ hơn nuôi vịt. Ông này muốn nói cái gì, nói ai? Xỏ xiên thế nào đây, không hiểu. Không hiểu tức là có vấn đề.

Năm 1956, báo Nhân Văn bị đình bản. Tôi có cái yếu bẩm sinh thường không nhớ ngày tháng của sự việc. Bây giờ viết lại những chuyện này, nhớ đâu viết đấy, nói được năm nào, năm nào, đã là tự cố gắng lắm rồi. Tôi thường cũng được tiếng là chịu khó ghi chép, nhưng thực chẳng bao giờ chú ý đến năm tháng và ghi đều. Năm 1957, đại hội thành lập các hội chuyên ngành. Hội Nhà Văn Việt Nam ra đời. Liền ngay, Hội tổ chức các cơ quan: báo, nhà xuất bản (có Trần Dần, Hoàng Cầm, Nhân Văn vẫn làm việc ở đấy), ban nghiên cứu sáng tác, ban liên lạc văn học nước ngoài (có Lê Đạt) câu lạc bộ (để Nguyễn Tuân nói về Đôtôépky và cười cợt mỉa mai, cứ đà này thành câu lạc bộ Pêtôphi lúc nào không biết), quỹ sáng tác (chẳng khác đánh trống gọi người đến lĩnh tiền, chia tiền)… Trên cho là cơ quan Hội Nhà Văn đã bị xỏ mũi. ở nhà xuất bản Văn Nghệ rồi chuyển thành nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi cùng làm việc với Hoàng Cầm, Trần Dần… Nhiều người tố cáo họ làm cả, Tô Hoài chỉ phổng mũi lên ký duyệt. In Kim Tiền (Vi Huyền Đắc), Truyện ngắn và tiểu luận (Thạch Lam), Nước giếng thơi (Nguyễn Bính), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), tập thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao… và đã quảng cáo in nhiều tác phẩm phức tạp khác của Vũ Bằng, của Vũ Trọng Phụng… Những tác giả ấy, người thì có vấn đề người thì đã di cư vào Nam và hầu hết viết trước cách mạng, tại sao đề cao nhiều những cái đã xếp xó đến thế. Tất nhiên là không bình thường, cái gì đây?

Báo Văn mà Nguyên Hồng phụ trách đã in trong nhiều số có những sáng tác còn khó chịu nữa. Kịch ngắn gợi lại vết thương cải cách ruộng đất những vở kịch của Hoàng Tích Linh ( Cơm mới), Nguyễn Khắc Dực (Chuyến tàu xuôi), Chu Ngọc (Ngày giỗ đầu). Ca khúc buồn bã và những phát biểu lệch lạc về âm nhạc của Tử Phác, của Nguyễn Văn Tý. Rồi thơ Phùng Quán (Lời mẹ dặn), truyện ký Phan Khôi (Ông năm Chuột) và truyện ngắn Đống máy của một cây bút trẻ gửi đến. Truyện tả một nhà máy nhập thiết bị nước ngoài rồi để chất đống ngoài trời đến hỏng nát. Người ta truy ra người viết là một kỹ sư và quy là anh nói xấu công nghiệp ta và tình hữu nghị quốc tế.

Chúng tôi lo lắng thực sự. Mấy bài xã luận của tôi trên báo Văn như Tổ chức phát triển lực lượng sáng tác trước nhất và Góp ý kiến về vấn đề xây dựng con người đều bị nhiều báo và dư luận nhận xét là lệch lạc thứ nhất, phải là tổ chức học tập và đi vào thực tế đời sống và không phải xây dựng con người chung chung mà là con người xã hội chủ nghĩa tiến lên cộng sản…

Lại trước đấy, sau đấy, truyện ngắn Ông lão hàng xóm của Kim Lân nghi ngờ thành tựu cải cách ruộng đất, những bài bút ký yếu đuối tinh thần đấu tranh thống nhất, như Thao thức của Đoàn Giỏi, Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng (*) (*Trong Nhà văn Việt Nam hiện đại in năm 1992, kỷ yếu kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Nhà Văn (1957-1992), tuần báo Văn xuất bản 1957/1958 không được nêu tên kể tên là tờ báo đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam)

Nhân Văn vẫn sờ sờ ra đấy, chứ đâu. Những người đã đánh Nhân Văn vừa qua khẳng định thế, cộng với những rì rào sang tai nhau, không khí nặng nề, ngao ngán, triền miên, thường hiện ra ở những chỗ này. Cái chuyện nuôi ông ba mươi trong nhà, cụ thân sinh ra Nguyên Hồng nghe được ở đâu từ đời thuở nào. Người đọc tha hồ nghi, nhưng mà sáng tác không có ước ao được người đọc nghĩ ra mênh mông thì cầm bút để làm gì? Một vòng người họp tổ, như các cụ trong làng ngày trước ngồi xếp bằng quanh chiếu tổ tôm. Những lời đao búa truy dồn. Thế là Nguyên Hồng khùng lên, khóc oà.

Năm trước đã nghiên cứu cả tháng rồi, bây giờ báo Văn lại sa vào hữu khuynh tệ hại như thế. Báo Văn phải ngừng xuất bản. Hội nghị bất thường Hội Nhà Văn – nhiệm kỳ mở đầu ngoi ngóp được hơn một năm, tất cả các cơ quan của Hội được chấn chỉnh lại, tuần báo Văn của Hội thay người phụ trách và đổi tên mới là tuần báo Văn Học. Chuẩn bị cho đại hội bất thường, nhờ địa điểm trường tuyên giáo dưới ấp Thái Hà, làm một cuộc thảo luận và kiểm điểm dài ngày. Cái tổ 18 của chúng tôi có Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Kim Lân… với một số nhà văn vững vàng làm nòng cốt. Trêu ngươi ai, Kim Lân lại mới in truyện ngắn Con chó xấu xí. Con chó cũng như con hổ hiền lành, không ai tin con chó chỉ là con chó, lại xấu xí nữa, có khi tác giả ám chỉ con người nào cũng nên. Nguyễn Huy Tưởng đã về làm nhà xuất bản Kim Đồng. Đương bị tơi bời kiểm tra nhau mấy cái bản thảo, trong có một truyện đồng thoại ao cá ao rùa chi chi đó của Sao Mai – lại con cá, con rùa, con ba ba, lắm con quá. Cũng chẳng ai bảo đảm người vào tổ 18 ấy là một bọn hay một cánh, nhưng cứ ang áng biết thế, và cái kiểu hiểu như bên Trung Quốc kiểm thảo nhóm Đinh Linh đã xuất hiện cụm từ đầu mày cuối mắt thì dù chẳng nói một câu, cũng là cánh, cũng cho được vào xiếc một bọn rồi.

Cùng liên quan, liên quan một nỗi buồn mà thôi. Nhiều hôm tan họp tối, đạp xe về trong thành phố, tạt vào cái Hà Nội 36 phố phường ăn chơi cũ, lông bông khuây khoả đôi chút, sáng mai lại lóc cóc xuống lớp học dưới ấp sớm. Chẳng ai dư dật, nhưng thời ấy đồng bạc có giá, hôm nào cũng đóng vai khách hẩu của gánh cháo gà lão giải phóng quân, gói cơm rang bọc lá sen quán Tiểu Lạc viên, phở Lâm rồi cà phê lão Ca. Cái khu lúc nhúc này vẫn riêng một phong vị, dẫu cho những năm gần đây đã tàn tạ nhiều. Những cao lâu lớn Đông Hưng, Tây Nam, Nhật Tân không còn cái nào. Các chủ hiệu sang trọng này trước kia hẳn là đặc vụ Tưởng Giới Thạch, là cánh Uông Tinh Vệ là mật thám hai mang bên Tàu bên Nhật. Hàng quán và cả con người bị xoá đi theo giông bão của lịch sử. Chỉ còn lại cao lâu Mỹ Kinh mới mở vài năm trước đảo chính Nhật, cùng với những quán cơm tám của người ước Lễ, thì nay Mỹ Kinh đã hoá nhà hàng quốc doanh, được đeo cái tên của thời cũ, còn nhớ thời ấy trộm cắp như rươi, chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải bắt đinh vít xuống khay. Mấy năm Tây vừa trở lại, tửu quán Siêu Nhiên, Lục Quốc và Nguyên Sinh mới mở. Siêu Nhiên đặc sản món óc đậu nhồi, ngon được tiếng. Chủ đã di cư, cũng như nhà Lục Quốc phố Huế, cánh nhà bàn nhà bếp đứng ra hùn vốn. Nhưng cũng chẳng mấy khi vào Siêu Nhiên, Lục Quốc, chúng tôi chỉ ngồi vỉa hè tường rạp Chuông Vàng, nghe tiếng phèng la tích cải lương La Mã diễm huyền. Như cảnh la cà hàng quán dưới ngã sáu dốc Hàng Kèn mà bây giờ đêm hôm người qua lại nhiều, không ngồi lan xuống lòng đường được nữa, ông 81 thụt hẳn vào trong nhà, gánh cháo bác Chữ thì quảy về cạnh cửa chợ Hôm, cũng tan trò.

Nhưng ở vùng ăn chơi lâu năm trên này, hè và đường lẫn lộn, người đi dong đông hơn khách xem cải lương Kim Phụng, chèo Lạc Việt. Tiệm cà phê Phúc Châu như đám chọi gà. Cô Tàu ngồi két váy đen, thắt lưng to bản đen bóng nhoáng mết Đài Loan đương thịnh hành. Khói thuốc lá lùa ra cửa sổ như ống khói tàu thuỷ phun xanh mờ. Bốn bên trong nhà cũng như ngoài phố, la liệt lao xao, đàn sáo nhị réo rắt, cò cử, tiếng rao bát bảo lèng xà, lục tào xá, người nườm nượp, nhiều nhất cán bộ miền Nam tập kết.

Tôi nhớ ngày xưa cũng đông na ná thế. Năm tôi sáu bảy tuổi, ngày Tết, thường theo các dì tôi ra Kẻ Chợ xem hát bói tuồng đầu năm ở rạp Quảng Lạc – mà ngõ Sầm Công, quen gọi là ngõ Quảng Lạc, cái quán Tiểu Lạc viên bây giờ ở trong hẻm này. Mồng hai, mồng ba tết năm nào rạp Quảng Lạc cũng diễn tuồng tích Giang tả cầu hôn cho người năm sớm bói lấy may. Trên cửa vào trong rạp, bàn thờ thần tài dán giấy điều trang kim khói hương ám đen kịt cả vành khám. Tuồng có vai Quan Công mặt đỏ bồ quân, râu đen từng chòm tuôn xuống. Quan Công ra, cả rạp im rùng rợn, thành kính đốt vàng hương vái lên sân khấu. Khi lớn, tôi một mình đi xem phim kiếm hiệp Tàu chiếu ở rạp Hiệp Thành, rồi rạp Tố Như, bây giờ là Chuông Vàng Thủ đô, trước cửa, gắn tấm bảng đá ghi chiến tích đội quyết tử liên khu 1 đã được thành lập ở đấy giữa 60 ngày đêm Hà Nội chiến đấu trong vòng vây.

Phía Hàng Da, ngõ Yên Thái, cũng như ngõ Sầm Công, những phố hẻm có nhà chứa, không hiểu tại sao lại gọi là nhà thổ, mà người ta nói lóng tiếng Tây bồi là medông đờ te (nhà đất). Trên tương đầu phố treo hộp đèn kính sơn đỏ nhoè nhoẹt. Khách chơi biết đấy là dấu hiệu trong phố có ổ gái điếm. Đi nhà thổ trả tiền giờ, nửa giờ, trò tiêu khiển mạt hạng, người đứng đắn không dám bước chân vào cái dãy phản bày bán người ấy. Cô nào cũng lông lá cạo nhẵn, trắng nhễ nhại, hãm tài lắm. Bần cùng, cánh thợ xẻ, thợ nề cũng chỉ thậm thụt chốc lát, chứ chẳng mảy may ham hố, đắm đuối. Chập tối, các cô nhà thổ quần áo trắng hồ lơ, mặt bệch tròn chảy trễ, ngồi một loạt trên cái ghế dài trước cửa ngóng ra, vây vây ơi ới người đi qua. Thấy quen thì chạy ra, kéo lại ở làng tôi, những anh thợ còn táo tợn, ngày phiên có tiền xuống phố chơi nhà thổ, hôm sau về phải nghỉ dệt, nằm đờ cả ngày, con ruồi đậu mép không buồn xua. Tôi không dám lảng vảng đến những cái ngõ nhầy nhụa ấy. Chỉ vì sợ bệnh. Nghe nói thuốc nớp xăng cát tó hiệu nghiệm, nhưng đắt. Cũng chưa thấy bao giờ, chỉ nghe nói phải đâm mũi tiêm vào dái, đau lắm. Thời áy, tim la, lậu, giang mai, ai mắc những bệnh xấu hổ thì chỉ muốn chết.

ừ, Nguyễn Tuân hay dạo mấy phố này lại có thể cũng vì những cái nhớ. Nguyễn Tuân được sinh ra và nhớn nhao lên ở Hàng Bạc. Phố Hàng Bạc, số nhà 49, năm 1910 – Nguyễn Tuân ghi lại như thế ở mép một quyển sách Hướng dẫn du lịch Ba Lan, có lẽ vì đương đọc chợt nghĩ đến một kỷ niệm. Trong quyển Đường phố Hà Nội của Nguyên Vinh Phúc tặng, chỗ phố Hàng Bạc và ngõ Gạch, Nguyễn Tuân đề bút chì đình Cổ Lương ngõ số 28 án sát Siêu và câu ca dao về phố phường ấy, dễ chừng ông đã thuộc từ tuổi thơ.

Nên ra thì múa tứ linh

Không nên thì lại nằm đình Cổ Hương

Lão hàng cháo gà giải phóng quân, cũng là cái tên của Nguyễn Tuân đặt cho. Ông Tàu ấy to cao, khệ nệ, đội đúng cái mũ ka ki của Bát lộ quân ố vết mỡ đã úa vàng màu nước dưa. Hàng ông bán muộn, nhiều tôi ở dưới ấp về vẫn còn gánh hàng sáng đèn giữa mấy chiếc ghế xếp lỏng chỏng trên hè. Lão giải phóng quân lầm lì chẳng mấy khi hé răng. Cũng hợp, chúng tôi lặng lẽ. Chẳng ai nói một câu, thế mà lúc nãy ở tổ, gay go đốp chát nhau ra trò. Vẻ mệt mỏi hiện nên nét mặt từng người. Tôi nhận ra Nguyễn Tuân đến hàng cháo gà này còn vì ông giải phóng quân có lọ xắng xấu Nam Ninh chính hiệu thơm và béo ngậy mùi vừng. Bát cháo lót cải cúc của Nguyễn Tuân được lão cầm lọ xắng xấu vảy lâu hơn bát của tôi. Rồi nở nụ cười nhà hàng, lão đút lọ xắng xấu vào trong ngăn kéo – ai không biết thì thôi chứ chẳng phải ai cũng được nhà hàng cho nếm mùi đâu. Vẫn là chăm chú cái mình thích, mình muốn, một giọt xắng xấu hợp khẩu vị, một câu văn hay gạch đít, một chuyến đi…

Có hôm, vào Tiểu Lạc viên ăn cơm rang bọc lá sen. Ông chủ Tiểu Lạc viên này là tay nhà bàn hảo hạng. Khách đông cũng vì cái duyên lão ta. Hỏi các món khách dùng, rồi nhanh nhanh đũa bát thìa đũa và gia vị ra bày trước mặt từng người. Đôi mắt kính lấp lánh, cái câu có ngay, có ngay luôn miệng như hát. Thực khách vào bàn, tuy chẳng thấy có ngay ở đâu, nhưng được cái cảm tưởng món ăn món nhắm sắp bưng ra.

Lão Tiểu Lạc viên tri kỷ vì chúng tôi biết thưởng thức món cơm rang bọc lá sen lão khoe nhất Hà Nội, không nhà nào còn làm được đúng kiểu cách thế. Lão chỉ mới ngước kính, chưa hỏi, Nguyễn Tuân đã gật đầu, đưa thưởng một điếu thuốc lá Thủ Đô hiếm. Thế là đã biết khách lại xơi món quen. Lão hô có ngay, có ngay rồi đặt bát đũa bày ra bàn. Nguyễn Tuân nói, vừa nghiêm vừa đùa:

– Này, không cần có ngay đâu nhé!

Lão cười, nheo mắt. Sang bàn bên, hỏi khách xong, chưa bước vào cửa bếp, đã: Có ngay! Có ngay! Có ngay!

Phải, cơm rang bọc lá sen thì có ngay sao được. Xong một tuần rượu suông, món nhắm mới ra – chỉ gọi độc một món ăn, cũng như nhắm. Kể thì người ăn xô bồ bây giờ chẳng mấy ai thiết chờ đợi các thức lích kích này. Gạo tám thổi niêu đất chín rồi đổ vào chảo rang, được rồi lấy chiếc lá sen khô lót xà xíu, vịt quay gỡ xương chặt miếng rồi đổ cơm rang vào, buộc khéo cái lạt. Nhà bàn bưng ra túm lá đặt trên đĩa. Mở ra, hơi cơm, các thứ xì dầu, thức ăn toả lẫn mùi lá sen già đầu thu. Một năm, về Hưng Yên, tham quan đào kênh thấy sân kho các hợp tác xã phơi đầy lá sen, hỏi bảo lá sen khô để xuất sang Hồng Công (Nguyễn Tuân xin về mấy cặp lá). Những chiếc lá sen già sẽ được xuất đi Hương Cảng để gói món cơm rang bọc lá sen ở các hiệu cao lâu.

Cũng có thể ấy là những lúc Nguyễn Tuân nhớ khi xế trưa vắng khách ngồi trên lầu nhà Đông Hưng thang gác vàng giữa phố Hàng Buồm. Nguyễn Tuân kê giấy lên bàn ăn, những tờ giấy trên góc in cánh buồm Gió đã lên. Tiểu thuyết Thiếu quê hương đăng báo Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan được viết từng kỳ một ở cái bàn ấy. Người tuỳ phái đến lấy bài đã đứng trực. Nhà in Trung Bắc ở phố này, bên kia đường. Viết xong chữ cuối, người tuỳ phái cầm tờ bản thảo xuống khuất, cũng là lúc nhà văn gọi phổ ky đem đến bữa trưa, be rượu bồ đào uống mấy chén ngữ và gói cơm rang bọc lá sen. Lại một sự mang mang hoài cổ. Cái cơm rang lá sen thơm tối nay ở Tiểu Lạc viên còn có thể bắt đầu từ gói cơm rang thập cẩm ở những quán ăn cò con trên đường Cáo Đạo giữa cái phố khúc khuỷu bậc đá bên Cửu Long Hương Cảng đêm ba mươi tết Đinh Sửu 1938. Chúng tôi chỉ quý và chiều nỗi nhớ của Nguyễn Tuân mà chịu khó bắt chước kề cà với các món cầu kỳ ấy. Nguyên Hồng đã sinh sống ở thành phố cảng có cả một phố Khách, tỏ vẻ thành thạo khen mùi lá sen, đoán già là những cái lá sen hồ Tây.

Mỗi đêm dưới ấp về, bộ dạng Nguyên Hồng cũng chẳng khác đi đâu ban ngày. Trên ghi đông đặt cái cặp đúp chứa bản thảo. Sau yên xe buộc một chồng báo Văn. Mọi khi, chỉ kè kè cặp bản thảo, giờ thêm lô báo Văn từ số 1. Nét mặt hăm hở lẫn lộn đăm chiêu với những tờ báo Văn như một lá đơn để trình bày các nơi. Nhiều cuộc phê Nguyên Hồng, tôi không thể nhớ xiết lần nào cụ thể. Chỉ nhớ báo Văn đã phải xỉ vả là hữu khuynh, bị lũng đoạn. ở đâu, họp tổ hay liên tổ hay lên hội trường; Nguyên Hồng từ từ, cẩn thận, trịnh trọng đặt tập báo trước mặt. Nguyên Hồng nói:

– Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn con mọn, bỏ ăn bỏ uống vì nó… thế thì làm sao tôi lại có thể sai… Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng… Tôi hết tâm hết sức vì nó, tôi không thể, tôi không thể sai…

Như người ốp đồng, không biết đương còn tỉnh bay đã mê, Nguyên Hồng để một bàn tay lên chồng báo, to giọng đến bật khóc, vừa mếu máo vừa nói tiếp, nước mắt ròng ròng, hai tay mê mẩn xót xa vuốt mép tập báo. Cái lý lẽ cùng đường và những dòng nước mắt đã khiến những ai đương phê bình anh cũng không biết tiếp tục phân tích thế nào nữa. Bảo dối trá thì không ai nỡ, không ai dám hạ đòn ấy. Cuộc nào cũng tương tự, những chữ ‘boong ke, ngoan cố, không đúng với quang cảnh sầu não thiết tha của người bị phê bình.

Chúng tôi ngồi góc bàn đằng kia. Lão Tiểu Lạc viên đã đem bát đũa, thìa với tương ớt đến. Lão này vừa là chủ, vừa là tớ trong cái phòng ăn con con kê ba chiếc bàn nhỏ. Chim quay Tiểu Lạc viên cũng được tiếng. Chẳng biết nhà hàng vô tình hay cố ý để những cái bàn khập khểnh tạm bợ. Chắc là cố ý thôi. Các hàng quán này cứ chập chờn chưa biết lúc nào bị đóng cửa. Trễ nải, tàn tạ, người ta chỉ bày biện qua loa, cốt làm ra thế.

– Có ngay! Có ngay!

Lão Tiểu Lạc viên bước ra, bỗng im bặt, quay lại, nhìn quanh, rồi hỏi:

– Các ông có cái mùi…

Không ai bảo ai, mọi người chú mục vào Nguyên Hồng vừa đặt lên góc bàn mở gói giấy báo bọc thịt chó và lập cập nói:

– Nhắm cái này trước đã! Nhắm cái này đã! Thoạt trông cũng biết không phải là gói nguyên: Chắc trưa nay Nguyên Hồng đã đánh chén ngoài ấp còn thừa thì cầm đi nốt. Hổ lốn thịt luộc, lòng gan trộn với húng, riềng, cả đùm con con muối tiêu.

Lão Tiểu Lạc viên đã nhìn rõ gói thịt cầy. Lão cau có hầy một tiếng, tan biến cả vẻ hớn hở có ngay vừa rồi. Lão chắp tay, rầu rĩ như khấn:

– Ông ơi, ông mang nó ra ngoài kia, mang ngay ra ngoài kia…

Chúng tôi biết những người buôn bán kỵ cái thịt hãm tài này – nhất là người Trung Quốc.

Dường như thấy nó thì đã đánh hơi được cái mùi con ma xúi quẩy. Lão lại nhăn nhó:

– Giết nhà hàng rồi. Các ông không được, không được lớ!

Lúc ấy, hai bàn bên cũng quay sang. Cười nhăn nhở rồi họ lại cúi xuống ăn. Lão Tiểu Lạc viên đến góc nhà cầm một nắm hương châm cắm vào men tường trong chỗ dán tờ giấy điều trang kim đã xạm xỉn một nạm chân hương. Khói hương bốc mù căn phòng chật chội. Rồi lão bước lại phía chúng tôi, xốc kính, mặt hầm hầm, không hiểu lão định làm gì.

Nguyên Hồng, đứng lên, giơ tay:

– Phổ ky! Câm đi!

Nguyên Hồng lật đật gói lại bọc thịt chó, bỏ vào cặp. Nước mắt lưng tròng, nói:

– Lúc nãy ở tổ chúng nó đòi đuổi ông, bây giờ thằng Tàu này lại đuổi ông, tỉu cái nhà ma lớ!

Nguyên Hồng cung cúc bước ra, lấy xe đạp. Cũng chẳng ai buồn gọi lại. Đã biết tính nhau nhiều. Mấy năm sau, một lần Bùi Hiển, Nguyên Hồng và tôi chén thịt chó Chữ Hàng Bè rồi vào quán cà phê lão Ca. Vẫn Nguyên Hồng cầm bọc giấy gói mấy miếng thịt chó thừa, đặt lên góc bàn. Lần này, cái gói kín đáo, nhưng tôi vẫn ngài ngại. Lão cà phê Ca không có nhà. Vợ lão trông hàng. Tự nhiên, bà ấy đứng lên đến chỗ cửa nách châm nén hương vào khám thờ thần tài dán giấy điều. Linh tính tôi đoán người đàn bà Tàu đã đánh hơi thấy mùi lạ. Như chọt nhớ ra, Nguyên Hồng đã tinh ý bỏ gói vào cặp.

Mấy hôm sau, trở lại Tiểu Lạc viên, lão có ngay lại ngước mắt kính cười cười, đưa ra bát đũa và chén tương ớt – Nguyễn Tuân bao giờ cũng gọi là lạp chíu chương. Lão xoay cái đuôi thìa cẩn thận đặt trước mặt Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng. Thêm hai miếng chanh cho Nguyên Hồng. Nhà hàng đã thuộc ông khách có thói quen vắt chanh, lại đổ dấm vào đĩa húng rau để sát trùng. Đến tận hồi chống Mỹ, Tiểu Lạc viên vẫn đông khách thế. Một lần kia, đến thầy bà Tiểu Lạc viên mọi khi đương nằm cái giường gấp ở gian trong. Tiếng trẻ mới sinh khóc oe oe. Hỏi thăm thì ra lão Tiểu Lạc viên đã ngất đi, chết nửa đêm giữa lúc máy bay ném bom cầu Long Biên cuối tháng trước. Người vợ đã lấy chồng khác. Ông Tàu này gày lom khom. Nào biết đứa trẻ ấy con ai. Đã lâu không đến, không tiện hỏi. Trên mặt kính cái tủ con đặt ngoài cửa vẫn ba chữ Tiểu Lạc viên sơn đỏ. Cửa hàng mở, nhưng hiu hắt, vắng vẻ. Đến năm nhiều người Trung Quốc bỏ thành phố đi, bà ấy với người chồng sau ra Cát Hải vượt biển. Nghe nói thuyền chuyến ấy đi bị đắm, chết cả.

Những đêm mưa rả rích gợi cái thú quán cà phê lão Ca. Thường đến lão Ca vào lúc nào, chắc là khi đã ngà ngà ở Tiểu Lạc viên hay hàng bánh cuốn chú Hồng Lâm ra. Nhưng cũng có buổi chỉ đến đây. Trong ngõ ngách này, chúng tôi lui tói mấy quán, không đậu lại đâu. Phúc Châu tiếng tăm, nhưng tạp. Chen vai thích cánh, những võ sĩ đai đen thập đẳng, ngũ đẳng hay các ông cá mú trụ ở góc bao quát, hay một tay cướp ngày lẳng lặng ngồi xuống, rờ túi ngực, túi quần vờ tìrn cái bật lửa. Nó đang ngắm cô Phúc Châu thắt lưng đen bóng hay nó sắp rút dao găm dí xế dưới sườn rồi thản nhiên đưa con mồi ra ngách ngõ lên Hàng Đào, hỏi mượn cái ví và cái đồng hồ. Quán Lý Hảo thì ấm cúng hơn. Chỉ phải cái mụ Lý ăn nói đối đáp và cử chỉ như tập thể dục trước mặt khách. Chả là Lý Hảo, đương kim thể thao lướt ván nữ loại một. Hội hè nào cũng giật giải nhất đứng đầu sóng hồ Hoàn Kiếm. Thằng chồng mặt vuông Nhật Bản, như Ai Nguyên An Nghệ. Nhưng nó là người Quảng Châu, chỉ bưng cà phê và cười ruồi. Mất vui, cũng chẳng lý thú, bởi nhà này ít chuyện.

Cà phê Ca chưa mấy quen như rồi sau chúng tôi đến nhiều hơn. Lúc đầu chỉ nghe mang máng trước kia lão Ca ở trên Hà Giang, làm nghề đuổi ngựa buôn cho nhà chúa đất Vương. Còn tôi để ý chỉ vì thấy ngồi trong hàng một người đàn bà luống tuổi, mặt buồn rười rượi. Có hôm thoáng sau chiếc bình phong con công đỏ gắt, cái áo xường xám xa xưa màu cánh chả xẻ tà xoè ngang đầu gối. Cứ hao hao người con gái ngày xưa ở nhà gác đầu đường Cổ Ngư hồ Tây mà sáng nào tôi cũng đi học qua. Ai khi tuổi ấy chẳng trông thấy bao nhiêu bóng đẹp thấp thoáng và mộng mơ. Không hỏi có phải trước kia nhà bà ở đầu ô Yên phụ, tôi chỉ lặng im cho mình được đinh ninh. Tưởng tượng vun thêm vào làm cho không phải cũng thành phải. Nếu bà ấy nói: Vâng, tôi là vợ tông Ca. Lại càng khó hiểu, thế thì phải từ Hà Giang xuống. Như vậy, lại hoá ra buồn. Thôi cứ mơ hão vậy. Cà phê phin nhà Ca nhạt đường, hợp chúng tôi mà Nguyễn Tuân khéo tưởng tượng là có vị rừng. Chưa biết rừng Hà Giang có cà phê hay không. Chỉ Nguyên Hồng đã bị hai năm an trí căng Bắc Mê rõ đôi chút chăng. Nhưng Nguyên Hồng chẳng khi nào kể lại về nhà tù chính trị đi đày ấy. Chỉ nghe một người tù Bắc Mê khác tả Nguyên Hồng đi làm cỏ vê, đi lấy củi cũng đeo mấy cái ống bơ đằng đít, cái đựng muối, cái để cơm nguội và lủi thủi một mình.

Thậm chí, lần ấy, một đoàn địa chất đưa chúng tôi thăm một vùng quặng trong Bắc Mê, Nguyễn Tuân rủ Nguyên Hồng, bảo được dịp trở lại quang cảnh xưa. Nguyên Hồng cũng không đi. Chuyến đi ấy, cái hôm lội qua con suối sau cùng rẽ mê bên này đường về huyện Bắc Mê, tôi đứng tần ngần giữa dòng nước, nhìn mãi quả đồi áp lưng núi. căng Bắc Mê xưa ở núi Pắc Min kề ngọn sông Gâm lượn dưới chỗ xanh thẫm kia. Suốt buổi chiều, trèo qua cổng trời đỉnh núi thăm dò quặng Nguyễn Tuân vẫn băn khoăn không hiểu tại sao Nguyên Hồng không đi Bắc Mê chuyến này. Nửa đêrn, giữa rừng trên cao, con suối mơ hồ đưa lại tiếng nước thở dài từ phía Bắc Mê. Chúng tôi ngồi trước đám củi sưởi. Nguyễn Tuân nói: Tớ tức cảnh được hai câu ca dao đem về tặng thằng Nguyên Hồng. Thế này nhé:

Non xanh gõ hòn đá xanh.

Nửa năm nghe tiếng mõ canh Cổng Giời.

Trở về, tôi viết Pài Lùng cái ký theo thể kịch đăng báo Văn Nghệ, đặt hai câu ấy lên đầu bài. Chú thích nghịch ngợm Ca dao cũ vùng Bắc Mê. Cho nhớ và như Nguyễn Tuân bảo có dùng thì nên đề thế.

Cái bỗng dưng kỳ cục của Nguyên Hồng thường dễ hiểu và cũng khó hiểu. Người ta làm thì Nguyên Hồng lẳng lặng im. Ai cũng nô nức vào Nam khi miền Nam được giải phóng. Nguyên Hồng chưa bao giờ đến Sài Gòn, mà đã sinh ra nhân vật du côn Năm Sài Gòn từ những năm 40 và chưa khi nào trông thấy sông Cửu Long, đã là tác giả bài thơ Cửu Long giang ta ơi. Nhưng không đi Sài Gòn. Ai rủ chỉ lắc đầu. Cái tính thế, thiên hạ vậy thì ta khác.

Cuộc đời đã đưa đẩy ông Ca từ thị xã Hà Giang xuống Hà Nội mở quán cà phê. Những chuyện ông Ca kể về biên giới, Nguyễn Tuân mê lắm. Cũng thú vị như lão giải phóng quân cháo gà có lọ xắng xấu chính cống Nam Ninh, Hồng Kông gì đó. Cà phê Ca ngon mùi mộc mạc. Hay là cứ nghĩ ra thế. Mỗi lần Nguyễn Tuân tới, ông Ca lại lấy ra chai rượu Rom Pháp vuông bằng đầu gối, đặt lên cạnh cái phin vừa cạn. Lắm khi tôi vào hàng lão Ca không khi nào bê chai rượu mạnh ra. Đám mà có Nguyễn Tuân trong bọn, đám ấy sang lên, thú vị hơn, không phải ông Tuân chi tiền, mà thằng chủ quán lại hân hạnh, lại trọng vọng vị khách bạt thiệp trịnh trọng mời nhà bàn thuốc lá thơm và xuống tận chỗ xào nấu đưa nhà bếp một điếu. Chai rom của ông Ca đã được đặt lên bàn. Vài giọt rượu quý nhỏ xuống tách cà phê bốc khói. Cà phê rom – một kiểu uống theo lối Pháp. Đến lúc cả chủ quán cũng kéo một ghế, nhấc bếp điện lại gần, bày lên một phin nữa. Câu chuyện ấm dần. Nguyễn Tuân đẩy hộp thuốc lá về phía ông Ca. Ca nói, giọng âm thầm xa vắng:

Bình luận
× sticky