Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chết Ở Venice

Chương 1

Tác giả: Thomas Mann

Vào một buổi chiều xuân năm 19…, cái năm đã đem bộ mặt dữ dằn hăm dọa lục địa chúng ta từ vài tháng nay[2], Gustav Aschenbach – hay ngài von Aschenbach như danh xưng chính thức của ông từ khi sang tuổi ngũ tuần – một mình rời khỏi căn hộ ở phố Prinz-Regent, München[3], định đi tản bộ một vòng. Quá căng thẳng vì công việc lao tâm khổ tứ suốt buổi sáng, một công việc yêu cầu đầu óc phải tinh tế, tỉnh táo, mạch lạc và chuẩn xác, sau bữa ăn trưa nhà văn vẫn bị cuốn theo đà quay của cái động cơ sáng tạo trong nội tâm, cái “motus animi continuus”[4] mà Cicero[5] gọi là cốt lõi của thuật hùng biện, và không thể chợp mắt giây lát để xả hơi như mọi ngày – giấc ngủ trưa rất cần thiết cho tình trạng sức khỏe sa sút của ông hiện nay. Vì vậy sau tuần trà ông cất bước ra khỏi nhà với hy vọng không khí trong lành và sự vận động cơ thể sẽ hồi phục sức lực và mang lại cho ông một buổi tối hữu ích.

Bấy giờ mới đầu tháng Năm, nhưng sau mấy tuần mưa lạnh bỗng nắng ấm hửng lên chẳng khác gì chính hạ. Trong Công viên anh quốc, mặc dù cây cối mới vừa trổ lộc non, không khí đã ngột ngạt như trời tháng Tám và khu ngoại ô gần đấy đông nườm nượp xe cộ cùng khách bộ hành. Aschenbach cứ để cho những con đường mòn lặng lẽ quạnh hiu dẫn bước chân mình đi mãi tới khu aumeister, mới dừng gót đứng ngắm một hồi quang cảnh nhộn nhịp đầy màu sắc dân gian của các hàng quán ngoài trời và đám xe song mã, tứ mã đậu chầu chực bên rìa. Lúc trở về, ông theo con đường bên ngoài công viên băng qua cánh đồng phơi mình dưới ánh tà dương và đến đợi ở bến xe điện Nghĩa trang Bắc, chỗ có tuyến đường chạy thẳng vào trung tâm thành phố, để đón xe về nhà – phần vì ông đã thấm mệt, phần vì một cơn dông đang đùn lên trên trời bên mạn Föhring.

Khác với khu công viên, chung quanh bến xe điện vắng tanh không một bóng người. Cả con lộ Föhringer Chausee lẫn đường phố Unger lát đá, nơi cặp đường ray bóng nhẫy đơn độc trườn về hướng schwabing, không đâu thấy dáng dấp một chiếc xe; kế đó, đằng sau hàng rào các xưởng tạc bia đá, nơi đủ loại thánh giá, bia mộ và tượng đá bày bán dàn thành nhiều dãy cứ y như một bãi tha ma không có người chết, cũng chẳng thấy động tĩnh gì; đối diện bên kia đường là ngôi nhà tang lễ xây theo trường phái Byzantine nằm im lìm trong nắng quái chiều hôm. Mặt tiền ngôi nhà được trang trí màu sắc tươi sáng với hình thánh giá kiểu Hy Lạp và các bức họa mang nội dung tôn giáo, thêm vào đó là mấy câu chữ khắc mạ vàng, trình bày cân đối, lời lẽ chọn lọc phù hợp cho cuộc đời bên kia thế giới, đại loại như: “Họ đã được đón nhận vào nước Chúa” hay là: “Ánh sáng vĩnh hằng soi đường cho họ”. Người khách đứng chờ xe tìm được vài phút giải khuây nghiêm túc khi đọc các câu châm ngôn ấy, và đang trầm tư mặc tưởng trong không gian thần bí mà những lời có cánh kia gợi mở ra, thì thình lình bị kéo trở về thực tại. Ông phát hiện thấy một người đàn ông đứng trên thềm nhà nguyện, giữa hàng cột cao trang trí mặt tiền, phía trên đôi quái vật dữ tợn bằng đá canh gác hai bên bậc tam cấp. Dung mạo người này có một vẻ khác thường đến nỗi luồng suy nghĩ của ông lập tức bị thu hút theo một chiều hướng hoàn toàn khác.

Chẳng rõ người lạ từ trong nhà nguyện bước ra qua cái cổng bằng đồng hay là từ ngoài phố đi vào lúc ông bất ý chẳng ngờ. Không lưu tâm nhiều đến khía cạnh này, Aschenbach ngả theo khả năng thứ nhất. Người kia tầm vóc trung bình, gầy gò, mặt nhẵn nhụi không một cọng râu và có chiếc mũi ngắn hếch đặc biệt khiến người ta để ý. Thuộc loại người tóc đỏ, anh ta cũng sở hữu một làn da đặc trưng của tuýp người này: trắng bệch và đầy tàn nhang. Rõ ràng anh ta không phải dân Bavaria; nội chiếc mũ rơm vành rộng và phẳng trên đầu cũng đã đủ làm nổi bật cái dấu ấn xa lạ của người viễn xứ. Thêm vào đó anh ta khoác trên vai một cái tay nải thông dụng, mặc bộ đồ màu vàng vàng chừng như bằng dạ thô có đai lưng, tay trái kẹp sát mạng sườn một tấm áo khoác đi mưa màu xám, tay phải giữ một cây ba toong đầu bịt sắt chống chênh chếch xuống đất, chân bắt chéo, hông tựa vào cán ba toong. Đầu ngẩng cao làm cho cục yết hầu nhọn hoắt nổi ra lồ lộ trên cần cổ gầy guộc như mọc lên từ cổ áo thể thao mở phanh, anh ta dõi đôi mắt nhạt màu viền hàng lông mi hung hung đỏ phóng cái nhìn soi mói ra xa, trên sơn căn hằn sâu hai nếp nhăn cương nghị đứng song song chắn giữa cặp lông mày tương hợp lạ lùng với cái mũi hếch ngắn ngủn. Tư thế của người lạ – cũng có thể vì anh ta đứng trên cao nhìn xuống mà Aschenbach có cảm giác như vậy – toát lên một vẻ hách dịch, táo tợn, thậm chí có cái gì đó hoang dã. Chẳng biết tại nắng chói làm anh ta nhăn mặt hay tại diện mạo vốn đã bị biến dạng, mà làn môi anh ta chừng như ngắn tụt lại, làm cho những chiếc răng dài bị lộ trần tới nướu cứ nhe ra trắng nhởn giữa đôi môi.

Mải đắm chìm trong suy nghĩ, có lẽ Aschenbach đã vô tình quan sát người lạ một cách quá tọc mạch; đột nhiên ông bắt gặp ánh mắt anh ta đáp lại cái nhìn của mình, với một thái độ thách thức công khai, chiếu thẳng vào mắt ông như tỏ ý sẵn sàng ăn thua đủ tới cùng để buộc đối phương phải cụp mắt đầu hàng trước. Aschenbach sượng sùng cúi đầu cất bước đi đi lại lại dọc theo hàng rào, bụng bảo dạ thôi không để ý đến người lạ nữa. Chưa đầy một phút sau ông đã quên mất sự hiện diện của anh ta. Nhưng có lẽ cái vẻ giang hồ phiêu bạt ở người lạ ấy đã đánh thức trí tưởng tượng của ông, hay do một ảnh hưởng vật chất hoặc tinh thần nào đó, mà ông kinh ngạc nhận thấy tâm hồn mình hứng khởi lạ lùng, một nỗi xao xuyến bồn chồn thôi thúc trong lòng như khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, một cảm xúc vô cùng sống động, mới nảy sinh hay đã có từ lâu mà vốn bị dập tắt và quên lãng, nay bừng bừng trỗi dậy buộc ông dừng bước, tay chắp sau lưng, mắt dán xuống đất băn khoăn suy ngẫm về bản chất và mục tiêu của nó.

Đó là hứng thú ngao du, không hơn không kém; nhưng nó ập đến thình lình và mãnh liệt làm ông mụ mẫm say mê tới mức rơi vào ảo giác. Ông mơ thấy những hình ảnh như là hiện thân của tất cả mọi điều kỳ diệu và kinh khủng nhất trên trái đất muôn hình muôn vẻ mà nỗi thèm khát cùng một lúc khơi gợi lên trong trí tưởng tượng của ông – thấy rất rõ, rõ mồn một như đang trải ra trước mắt mình, quang cảnh mênh mông của một vùng đầm lầy nhiệt đới âm u dưới bầu trời nặng trĩu sương mù, nhớp nháp, rậm rạp và ô nhiễm; một nơi thâm sơn cùng cốc không dấu chân người chỉ có những cù lao giữa sình lầy và những lạch nước ngầu bùn. Mặt đất cù lao phủ đầy những phiến lá dày như những bàn tay, những vòi dương xỉ khổng lồ, những bụi cây chằng chịt nở đầy những bông hoa hình thù kỳ dị mọng lên xôm xốp, xen vào là những thân dừa đốt rễ xù xì mọc vút lên cao và những cây cổ thụ chẳng ra hình thù gì với mớ rễ phụ rủ lòng thòng cắm xuống dưới nước thành từng bụi rậm rịt. Trên mặt nước tù phản chiếu bóng cây xanh lè nổi bập bềnh những bông hoa màu trắng sữa to như cái tô; vài con chim lạ, vai so cao, mỏ dị dạng, đứng ngâm đôi chân dài khẳng khiu nơi nước cạn hướng cái nhìn bất động về một phía; đằng xa, trong đám lau sậy ngút ngàn vẳng lên tiếng xoang xoảng như tiếng binh đao của những đoàn quân giáp sắt; người quan sát thấy phả lên mặt mình âm ấm hơi thở hôi nồng lưu cữu của chốn rừng thiêng nước độc, hoang sơ mà đầy quyến rũ, như chập chờn lơ lửng trong trạng thái cùng cực không biết đang thành hình hay đang tàn lụi, và trong một thoáng ông tưởng như nhìn thấy hình hài một con cọp náu mình trong bụi tre gai dày đốt, cặp mắt sáng quắc lân tinh – trái tim ông lồng lên trong ngực, vừa kinh khiếp vừa ham muốn lạ lùng. Chỉ một khoảnh khắc thôi rồi bộ mặt ấy biến đi; và Aschenbach lắc đầu tiếp tục cuộc dạo bộ bỏ dở dọc theo hàng rào xưởng mài bia mộ.

Trước nay, chí ít là từ khi điều kiện tài chính cho phép, ông vẫn tận dụng mọi ưu thế của các phương tiện giao thông hiện đại và coi đi du lịch cũng giống như vệ sinh thân thể, dù muốn hay không thỉnh thoảng ta vẫn phải làm. Quá bận tâm với những trách nhiệm mà cái tôi và tâm hồn Âu của ông đặt ra cho bản thân mình, quá cố gắng để hoàn thành nghĩa vụ sáng tác, quá ác cảm với thú tiêu khiển để có thể đắm mình vào thế giới phù hoa, ông hoàn toàn nhất trí với quan niệm cho rằng ở thời đại ngày nay mỗi người đều có thể tìm hiểu bề mặt trái đất mà không cần tốn công rời khỏi môi trường quen thuộc của mình. Và như thế ông chưa bao giờ nảy ra ý định ra khỏi châu Âu. Nhất là từ khi cuộc đời dần dần ngả bóng xế chiều, bị dằn vặt bởi nỗi lo thầm kín, mối lo âu không dễ dầu gì gạt đi như một cơn đồng bóng thoáng qua, sợ sự nghiệp nghệ thuật dở dang – sợ thời gian còn lại của mình không đủ để hoàn thành tác phẩm trước khi nhắm mắt xuôi tay, gần như ông chỉ giới hạn cuộc sống của mình ở cái thành phố xinh đẹp mà ông coi như quê hương thứ hai và căn nhà mộc mạc ông dựng trong vùng núi để rút lui về ẩn dật vào những mùa hè sùi sụt mưa dầm.

Cả cơn hứng khởi mới vừa ập đến một cách muộn màng và đột ngột chi phối hồn ông cũng rất nhanh chóng bị lý trí và kỷ luật tự giác được rèn luyện từ thuở nhỏ lên tiếng phê bình và bác bỏ. Ông dự định hoàn thiện tác phẩm, lẽ sống của đời ông, đến một mức độ nhất định rồi mới về quê; và thấy ý tưởng bỏ bê việc viết lách để đi ngao du thiên hạ hàng mấy tháng trời thật quá vô tâm và phản kế hoạch đến nỗi không cần đếm xỉa tới. Nhưng đồng thời ông cũng biết rất rõ duyên cớ của sự cám dỗ bất thình lình này. Ông muốn bỏ đi thật xa, như ông tự thú với bản thân, để tìm kiếm những điều mới lạ; ông thèm khát tự do, muốn giũ bỏ mọi gánh nặng và quên đi tất cả – chạy trốn cả tác phẩm lẫn cái bàn viết, nơi hằng ngày ông cần mẫn thi hành nghĩa vụ cứng nhắc, lạnh lùng nhưng đồng thời cũng là niềm say mê của mình. Đành rằng ông rất yêu thích công việc sáng tác, thậm chí yêu quý cả đến cuộc vật lộn dai dẳng cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày giữa ý chí, cái ý chí kiêu hãnh và bền bỉ đã bao phen vượt qua thử thách, với sự mệt mỏi ngày càng tăng không ai ngờ tới ở ông, vì ông không cho phép mình để lộ bất kỳ một biểu hiện bất lực hay nhu nhược nào trong tác phẩm. Nhưng có lẽ không nên già néo đứt dây và không nên cố công dập tắt niềm mong ước vừa bùng lên một cách mãnh liệt đến thế. Ông nghĩ tới công việc, nghĩ tới đoạn bế tắc mà từ hôm qua đến giờ ông bị chững lại, cả kiên trì dò dẫm lẫn đột phá tấn công đều không giúp ông vượt qua được. Một lần nữa ông gắng tìm cách xuyên thủng hoặc giải tỏa bức tường ức chế, nhưng cuối cùng đành phải rùng mình tiu nghỉu bỏ cuộc. Đó không phải là một đoạn đặc biệt khó viết, cái làm ông tê liệt là thái độ do dự miễn cưỡng của chính ông thể hiện qua sự cầu toàn không sao đáp ứng nổi. Thực ra từ khi còn là một thiếu niên ông đã quan niệm cầu toàn là bản chất và cốt lõi của tài năng, và để phục vụ tính cầu toàn ông đã phải kìm hãm và làm nguội lạnh đi cảm xúc, bởi ông biết rằng cảm xúc thường khiến người ta thỏa mãn với những điều tình cờ dễ dãi và sự hoàn thiện nửa vời. Phải chăng giờ đây những cảm xúc bị chế ngự tới lúc vùng dậy trả thù ông, thoái thác không chịu nâng đỡ và chắp cánh cho nghệ thuật của ông bay bổng, bỏ ông ra đi và mang theo tất cả hứng thú, tất cả say mê trong hình thức và biểu cảm? Không phải là ông viết dở: chí ít nhờ vào lợi thế nhiều năm kinh nghiệm lúc nào ông cũng có thể yên tâm về ngòi bút bậc thầy của mình. Nhưng trong khi người đời tán tụng văn chương ông thì bản thân ông lại không thể nào vui nổi, vì ông cảm thấy trong tác phẩm của mình hình như thiếu mất cái yếu tố bồng bột vô tư, vốn là con đẻ của niềm vui và đóng một vai trò quan trọng còn hơn cả nội dung sâu sắc hay nghệ thuật cao siêu, vì nó chuyển tải hứng thú đến cho người thưởng thức. Ông bỗng sợ cái cảnh suốt mùa hè lủi thủi ở thôn quê, đơn độc trong ngôi nhà nhỏ chỉ có người tớ gái ngày ngày lo cơm nước và anh giúp việc tới bữa bưng lên phục vụ ông; ông sợ hình ảnh nhàm chán của những đỉnh núi và vách đá quen thuộc sẽ lại bao vây lấy tâm trạng trì trệ bức bối của ông. Cuối cùng ông quyết định phải có một thay đổi theo chiều hướng ngẫu hứng, vô công rồi nghề một chút cũng được, để đổi gió và hâm lại bầu máu nóng khiến mùa hè này trở nên dễ chịu và bổ ích hơn. Đi du lịch – ông thấy cũng hay. Không cần đi đâu xa quá, không nhất thiết phải tìm đến tận nơi nào có cọp. Một đêm trong toa nằm xe lửa tốc hành, ba bốn tuần xả hơi ở một khu du lịch bình dân dưới miền Nam nồng hậu…

Ông vừa nghĩ đến đây thì nghe tiếng xe điện ầm ầm dội lại từ phố Unger, và lúc lên xe ông quyết định sẽ dành cả buổi tối nay để nghiên cứu bản đồ và sách hướng dẫn du lịch. Đặt chân lên bậc cửa xe ông sực nhớ đến anh chàng đội mũ rơm, người đồng hành trong buổi dạo chơi dẫu sao cũng đầy ý nghĩa và đáng nhớ này, và đưa mắt tìm kiếm xung quanh. Nhưng chẳng biết anh ta đã đi đâu mất, không còn thấy đứng ở chỗ cũ, cả trên bến và trong toa xe cũng chẳng thấy đâu.

Bình luận
2880
× sticky