Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chết Ở Venice

Chương 3

Tác giả: Thomas Mann

Sau cuộc dạo chơi hôm ấy, nhiều bận rộn văn chương và đời thường đã giữ chân người nóng lòng đi du lịch lại München khoảng chừng hai tuần lễ. Cuối cùng ông cho người sửa soạn căn nhà ở quê, hẹn trong vòng bốn tuần phải xong để mình dọn về, và vào một ngày hạ tuần tháng Năm ông lên chuyến tàu đêm đi Trieste, chỉ dừng chân ở đó hai mươi bốn tiếng đồng hồ, rồi ngay sáng hôm sau đáp tàu thủy đến Pola.

Dự định tìm một nơi khác lạ và biệt lập nhưng không xa quá, cuối cùng ông quyết định đến hòn đảo trên biển adriatic mấy năm gần đây rất nổi tiếng, nằm cách bờ biển Istrian không bao xa, có đám thổ dân trang phục rách rưới nhưng sặc sỡ, nói một thứ tiếng lạ tai, và những vách đá lởm chởm ngoạn mục án ngữ phía biển khơi. Tuy nhiên mưa dầm và bầu không khí ngột ngạt, khách trọ thì rặt hạng người Áo nửa tỉnh nửa quê, lại thiếu bãi tắm cát mịn làm chốn nghỉ ngơi giao hòa với biển, những điều đó làm ông bực bội, không cho ông cái cảm giác đã đến đúng nơi tiền định; một thôi thúc nội tâm, chính ông cũng chưa rõ theo chiều hướng nào, khiến ông bồn chồn không yên, ông tìm hiểu lịch tàu chạy, ông nhìn ngó xung quanh, và bỗng nhiên, vừa bất ngờ vừa dễ hiểu, mục tiêu hiện ra rành rành trước mắt ông. Nếu tự dưng muốn tìm kiếm những điều độc nhất vô nhị, huyễn hoặc khác thường thì người ta đi đâu? Thật rõ như ban ngày. Ông đến đây làm gì? Ông nhầm to rồi. Lẽ ra ông phải tới đó. Không chậm trễ, ông hủy bỏ cuộc du lịch lầm chỗ. Một tuần rưỡi sau khi đặt chân lên đảo, ông chất hành lý xuống một chiếc xuồng máy phóng như bay trên mặt nước mịt mù sương sớm quay trở về hải cảng quân sự, vừa lên bờ ông lại bước ngay qua tấm ván gỗ bắc sang mặt boong ẩm ướt của một chiếc tàu thủy đang xì hơi chuẩn bị đi Venice.

Đó là một chiếc tàu Ý già nua tuổi tác, cũ kỹ, tối tăm, đóng lọ nghẹ đen xì. Vừa đặt chân lên boong, Aschenbach đã bị một gã thủy thủ lưng gù nhếch nhác, cười nhăn nhở, săn đón đẩy vào một khoang sâu như cái hang trong bụng tàu, phải thắp sáng bằng đèn. Ngồi sau bàn là một lão già râu dê tướng tá như ông chủ một gánh xiếc rong, trang phục cổ lỗ sĩ, mũ kéo sụp xuống trán, một đầu mẩu thuốc lá vắt vẻo bên mép, nhăn nhó khổ sở chăm chú ghi tên tuổi hành khách và bán vé. “Đi Venice!”, lão nhắc lại yêu cầu của Aschenbach, rồi dang tay chọc cọng bút lông vào bãi cặn nhoe nhoét dưới đáy một cái lọ mực để nghiêng. “Vé hạng nhất đi Venice! Có ngay, thưa ngài!” Và lão hí hoáy viết mấy chữ to như quạ bới, rắc lên đó một nhúm cát xanh đựng trong cái ống nhỏ, dốc cát chảy vào một cái thẩu bằng đất sét nung, gập đôi tờ giấy bằng mấy ngón tay xương xẩu vàng khè rồi lại tiếp tục viết. “Đúng là chọn mặt gửi vàng!” vừa làm lão vừa tán. “Ôi, Venice! Thành phố tuyệt vời! Hấp dẫn vô cùng đối với một vị học giả, bằng vào lịch sử lâu đời và vẻ hoa lệ ngày nay!” Cử động nhanh thoăn thoắt và những lời đưa đẩy sáo rỗng của lão có cái gì đó thôi miên và đánh lạc hướng, cứ như thể lão sợ hành khách trù trừ đổi ý không muốn đi Venice nữa. Lão thu tiền nhanh như chớp, xỉa tiền thừa xuống tấm khăn trải bàn ố bẩn thành thạo như một tay hồ lì chuyên nghiệp ở sòng bạc. “Chúc ngài một chuyến đi vui vẻ!” lão cúi chào như diễn viên trên sân khấu. “Rất hân hạnh được phục vụ quý ngài… Nào mời quý vị tiếp theo!” Vừa nói lão vừa giơ tay lớn tiếng gọi tiếp ra ngoài, làm như hành khách chờ mua vé đông lắm, kỳ thực ở đó chẳng còn ai khác nữa. Aschenbach quay trở lên boong.

Một tay vịn lan can, ông đứng ngắm cảnh những người nhàn rỗi chạy lông rông trên bờ đợi xem tàu rời bến và đám hành khách trên boong. Những hành khách hạng hai, cả đàn ông lẫn đàn bà chen chúc ở boong trước, lôi hết hành lý hòm xiểng ra làm ghế ngồi. Khách đi trên boong hạng nhất chỉ có một toán trai trẻ, chừng như là thư ký hãng buôn ở Pola, đang sôi nổi thống nhất với nhau về một chuyến tham quan Ý. Họ làm bộ làm tịch quan trọng hóa bản thân, nói cười huyên thuyên, cử chỉ dương dương tự đắc, nhoài cả người ra ngoài lan can chọc ghẹo các đồng nghiệp bận đi giải quyết công việc dưới bến, nách cắp cặp táp, tay dứ dứ ba toong dọa lại đám trên tàu. Một anh chàng mặc bộ đồ mùa hè mốt mới nhất màu vàng chóe, thắt cravát đỏ, đội mũ Panama vành bẻ cong tớn, nói cười quàng quạc tỏ ra hăng hái nhất bọn. Nhưng để ý nhìn kỹ Aschenbach giật mình kinh hãi nhận ra gã này cưa sừng làm nghé. Gã đã già khằng, không còn nghi ngờ gì nữa. Quanh mắt quanh miệng gã chi chít nếp nhăn. Gò má phớt hồng nhờ đánh phấn, mớ tóc nâu thò ra dưới vành mũ rơm sặc sỡ uốn cong là tóc giả, cần cổ gân guốc tong teo, hàng ria mép vểnh lên và chòm râu nhỏ dưới cằm đã được nhuộm lại màu, hàm răng vàng khè không thiếu chiếc nào mà gã nhe ra mỗi khi cười là một bộ răng giả rẻ tiền, và đôi bàn tay, mỗi ngón trỏ đeo một chiếc nhẫn mặt ấn, là tay một người già cốc đế đại vương. Aschenbach nhìn lão và đám bạn đùa cợt mà rùng mình ghê tởm. Chẳng lẽ họ không biết, không nhận ra lão đã trọng tuổi, không có quyền mặc bộ đồ diêm dúa lòe loẹt kia, không có quyền ra dáng trai tơ như họ? Cứ như một sự đương nhiên và thông thường nhất trần đời, đám trẻ chấp nhận lão là đồng bọn, đối xử với lão như với bạn bè cùng trang lứa, đáp lại không ngại ngùng những cú thúc cùi chỏ thân mật của lão. sao lại có thể như thế được? Aschenbach đặt tay lên trán và nhắm nghiền cặp mắt nóng ran vì thiếu ngủ. Ông thấy hình như vừa xảy ra điều gì đó bất thường, như thể bắt đầu một sự thoát ly mộng mị, thế giới quanh ông trở nên méo mó lạ đời, và để ngăn chặn có lẽ ông nên che mặt đi giây lát trước khi mở mắt ra nhìn lại xung quanh. Nhưng đúng lúc ấy người ông tròng trành chao đảo, hoảng hồn mở choàng mắt trông lên ông thấy thân tàu nặng nề tối thui đang từ từ tách khỏi bờ kè. Từng tấc từng tấc, dưới tác động đẩy tới đẩy lui của cỗ máy, dải nước bẩn loang lổ giữa bờ và thân tàu cứ rộng dần ra, và sau vài động tác xoay trở nặng nhọc con tàu quay hẳn mình hướng mũi ra khơi. Aschenbach bỏ đi sang mạn phải, ở đó gã lưng gù kê cho ông một chiếc ghế nằm và một gã bồi tàu mặc bộ đồng phục ố bẩn tới hỏi ông cần gì để y phục vụ.

Bầu trời xám xịt, gió ẩm ướt; hải cảng và những hòn đảo lùi lại đằng sau, chẳng bao lâu đất liền biến mất hẳn trong màn sương dày đặc. Bụi than trương lên vì ngấm nước lấm tấm đậu xuống sàn tàu ướt rượt chẳng chịu khô.

Độ một tiếng đồng hồ sau trời bắt đầu mưa, và người ta phải căng một tấm bạt lên che boong tàu.

Quấn kín trong chiếc áo choàng, quyển sách để trên lòng, người khách lãng du nằm nghỉ và thời gian trôi tựa tên bay. Mưa đã tạnh; người ta dỡ tấm vải cất đi. Chân trời hiện lên rõ nét. Dưới vòm trời rộng mặt biển hoang vắng trải ra bốn phía như một cái đĩa khổng lồ; nhưng trong không gian trống rỗng đơn điệu ấy con người dần dần đánh mất cảm giác về thời gian, và mụ mị chìm đắm vào cõi vô biên. Những nhân vật quái đản, lão già nhí nhảnh, lão râu dê từ khoang tàu ra, lướt qua tâm trí lơ mơ của người khách đang nằm nghỉ như những cái bóng với cử chỉ mơ hồ, lời nói lộn xộn, và rồi ông ngủ thiếp đi.

Khoảng tầm trưa người ta gọi ông xuống gian phòng ăn dài như cái hành lang, có cửa thông sang các khoang phòng ngủ, để dùng bữa. Ông ngồi vào một đầu chiếc bàn dài, ở đầu kia toán nhân viên thương mại, cả lão già, đã ngồi nhậu nhẹt với viên thuyền trưởng vui tính từ lúc mười giờ. Bữa ăn rất đạm bạc, và ông ăn thật nhanh cho xong. Ông nóng lòng muốn ra ngoài ngóng nhìn trời: chẳng biết phía Venice trời có hửng lên không?

Ông không trông đợi điều gì khác, vì thành phố này luôn luôn đón tiếp ông trong ánh sáng huy hoàng. Nhưng trời và biển vẫn mù mịt một màn sương nặng như chì, thỉnh thoảng còn đổ mưa phùn, và ông đành chấp nhận ý nghĩ rằng trên thủy lộ ông sẽ gặp một Venice khác hẳn những lần xưa đến bằng đường bộ. Đứng bên cột buồm mũi dõi mắt ra xa ngóng vào đất liền, ông nhớ đến một thi sĩ[12] với tâm hồn ưu tư nồng cháy, xưa kia đã thổn thức khi những mái vòm gác chuông trong mộng tưởng nhô lên từ sau làn nước lai láng này đây, ông thầm lặp lại trong yên lặng một vài lời khi ấy đã biến lòng tôn kính, hạnh phúc và sầu đau thành bài ca tuyệt mỹ, và ru mình trong cảm xúc ngày nào ông tự hỏi, trái tim khô khan và mệt mỏi liệu có còn khả năng đón nhận chút bồi hồi rung động mới, một cuộc phiêu lưu tình cảm muộn màng dành cho kẻ lãng du nữa hay không.

Rồi bên phải mạn tàu nổi dần lên dải bờ thấp, những con thuyền đánh cá lăng xăng làm mặt biển hết đìu hiu, hòn đảo nghỉ mát Lido hiện ra, lùi dần về bên trái, chiếc tàu thủy giảm tốc độ lướt qua cửa biển hẹp cùng tên với đảo vào trong vịnh và dừng lại ngang tầm những ngôi nhà đơn sơ quét vôi sặc sỡ trên bờ, neo lại đó đợi thuyền vệ sinh dịch tễ ra kiểm tra.

Một giờ đồng hồ trôi qua mới thấy mặt họ. Đã đến nơi mà vẫn chưa tới đích; dẫu không vội vã gì người ta cũng cảm thấy nóng lòng sốt ruột. Đám thanh niên Pola, hẳn lòng ái quốc bị tiếng kèn nhà binh từ mạn công viên vọng qua mặt nước khơi dậy, kéo hết cả lên boong, và, được rượu asti cổ vũ tinh thần, lớn tiếng tung hô đội xạ thủ đang tập dượt trên bờ. Nhưng thật kinh tởm khi phải chứng kiến tình cảnh lão già cưa sừng làm nghé gồng lên giả trẻ. Bộ thần kinh rệu rão của lão không kham nổi lượng cồn như đám trai cường tráng, nên lão say bí tỉ. Cái nhìn đờ đẫn, điếu thuốc lá run rẩy giữa mấy ngón tay, lão lắc lư, khổ sở để giữ thăng bằng, người cứ ngả nghiêng từ trước ra sau. sợ bước đi một bước là đổ nhào, lão không dám nhấc chân khỏi chỗ, nhưng vẫn cố tỏ ra hào hứng một cách thảm hại, cứ có ai lại gần là lão túm chặt áo, ngọng líu ngọng lô, mắt nháy lia lịa, miệng cười khúc khích, ngón tay trỏ nhăn nheo khua khua bỡn cợt và đầu lưỡi lo le liếm mép ngụ ý hết sức tục tĩu và bỉ ổi. Aschenbach chau mày nhìn lão đầy ác cảm, và lại thấy trào lên trong lòng cảm giác nôn nao, như thể thế giới đang nghiêng lệch đi theo một khuynh hướng mong manh nhưng không gì cản nổi, biến dạng thành một bức biếm họa kỳ khôi và phi lý; nhưng hoàn cảnh bấy giờ không cho phép ông dò tìm đến ngọn nguồn cảm giác ấy vì con tàu lại bắt đầu rồ máy tiếp tục cuộc hành trình bị gián đoạn khi đã gần tới đích, đi vào kênh san Marco.

Thế là ông đã được gặp lại chốn thân quen, bến cảng đẹp tuyệt trần, tập hợp kiến trúc hoành tráng mà xứ cộng hòa này từ xưa đã đem ra trưng bày trước cặp mắt e dè kính phục của khách hàng hải từ biển vào: Cung điện nguy nga tráng lệ, cây cầu Than Thở, hàng cột đội tượng thiên thần và tượng sư tử dọc bờ kênh, một cánh bên hông Ngôi Đền Thần Thoại nhô lên bề thế uy nghi, quang cảnh nhìn xuyên qua Cổng Thành và Tháp Đồng Hồ khổng lồ; vừa say sưa chiêm ngưỡng ông vừa tự nhủ, đi đường bộ đến Venice qua nhà ga thật chẳng khác gì vào một cung điện bằng lối cửa sau, và để đến thành phố hư ảo nhất trần đời này người ta không nên đi cách nào khác ngoài cách ông đang đi đây, bằng tàu thủy, vượt trùng khơi.

Tàu tắt máy, những chiếc gondola[13] tấp đến, thang dây buông xuống, nhân viên quan thuế lên tàu khám xét qua quít lấy lệ; hành khách được phép rời tàu. Aschenbach ngỏ ý cần một chiếc gondola chở người và hành lý đến bến canô chạy từ thành phố sang đảo Lido; vì ông muốn thuê phòng trọ ngoài bãi biển. Y lệnh, người ta lớn tiếng xướng nguyện vọng của ông xuống mặt nước, nơi những người chèo gondola đang chí chóe cãi nhau bằng thổ ngữ địa phương. Ông còn kẹt chưa xuống được vì vướng chiếc vali, dù lôi hay kéo đều rất khó đưa đi qua mấy bậc thang dây. Thế cho nên mất vài phút ông không thể nào thoát khỏi tay lão già gớm ghiếc, trong cơn say xỉn cứ nhất định đòi chia tay ông khách lạ. “Chúc ngài một kỳ nghỉ tuyệt vời”, lão lè nhè trong lúc nhún gối khuỵu chân trịnh trọng cúi chào theo lối cung đình. “Mong được nhớ mãi kỷ niệm hôm nay! au revoir, excusez và bon jour[14], thưa quý ngài!” Rớt dãi lòng thòng nhểu ra từ miệng, lão dụi mắt, lão liếm mép, và hàng ria nhuộm trên cặp môi già nua dựng lên tua tủa. “Xin gửi lời thăm”, lão líu lưỡi ngọng nghịu, hai ngón tay ấn vào miệng, “gửi lời thăm cưng của ông, cưng đẹp nhất, đáng yêu nhất hạng…” Bất thình lình nửa trên hàm răng giả của lão tuột ra rơi xuống môi dưới. Aschenbach thừa cơ thoát nạn. “Cưng dễ thương, cưng thượng hạng”, ông còn nghe sau lưng mình tiếng lắp bắp khàn đặc tiếp tục gù ghì, trong lúc nắm chặt tay vịn thang dây lần bước xuống. ai là người không thoáng một chút rùng mình, không ngấm ngầm lo sợ và ngần ngại khi lần đầu tiên trong đời hoặc sau một thời gian dài mới lại bước chân xuống một chiếc gondola Venice? Đó là một phương tiện chuyên chở lạ lùng, chẳng có gì thay đổi từ thời Trung Cổ của những bản tình ca bi thiết, đen tuyền như màu sắc thường chỉ thấy ở những cỗ quan tài, nó gợi cho người ta liên tưởng đến những cuộc phiêu lưu thầm lén và tội lỗi trong đêm rì rào tiếng sóng, hơn thế nữa nó làm người ta liên tưởng đến chết chóc, đến cỗ hậu sự, đám tang sầu thảm và hành trình ảm đạm kết thúc đời người. Và không biết có ai nhận thấy, chỗ ngồi trên thuyền, chiếc ghế bành bọc nệm đen và sơn đen màu quan quách, là chỗ ngả lưng mềm mại nhất, êm ái và ru ngủ nhất trần đời? Aschenbach nghiệm ra điều đó khi ông buông mình ngồi xuống dưới chân người lái gondola, đối diện đám hành lý xếp tươm tất nơi mũi thuyền. Những người chèo thuyền khác vẫn còn cãi vã om sòm, giọng cục cằn, chẳng hiểu họ nói gì mà cử chỉ đầy vẻ đe dọa. Nhưng sự tĩnh lặng liêu trai của thành phố nổi nuốt hết những âm thanh huyên náo, làm dịu và xua tan mọi tiếng động trên mặt nước. Ngoài cảng trời rất ấm. Được vỗ về bởi làn gió sirocco[15] chờn vờn, hâm hẩm nóng, người khách lãng du ngả mình lún sâu trong gối đệm mềm mại, nhắm mắt hưởng thụ cảm giác thư thái ngọt ngào rất lạ. “Chặng đò ngắn ngủi quá”, ông nghĩ; “giá mà nó kéo dài mãi mãi!” Trong nhịp bồng bềnh nhè nhẹ ông có cảm giác mình dần siêu thoát ra khỏi đám đông hỗn độn lời qua tiếng lại ồn ào.

Xung quanh ông mới yên tĩnh làm sao! Không còn tiếng động nào khác ngoài tiếng mái chèo quạt nước, tiếng sóng vỗ ộp oạp vào mũi thuyền đen nhọn như mũi kích chĩa lên cao, và một âm thanh thứ ba, tiếng người rì rầm – tiếng gã lái thuyền lầm bầm độc thoại qua kẽ răng, nhịp nhàng đứt quãng vì cử động lên xuống của hai cánh tay đẩy mái chèo. Aschenbach mở mắt ra nhìn, hơi sửng sốt thấy mặt nước vịnh quanh mình đã mở rộng và con thuyền đang hướng mũi ra biển. Thế này thì ông không thể ngồi đó mơ màng mà phải tỏ rõ ý muốn của mình.

“Đến bến canô cơ mà!” Ông bảo, hơi ngoái về phía sau. Tiếng rì rầm ngưng bặt. Nhưng ông không nhận được câu trả lời.

“Đến bến canô!” Ông nhắc lại, lần này quay hẳn người ngước mắt nhìn thẳng vào mặt gã chèo thuyền đứng trên cái bục nhô cao sau lưng ông, dáng lừng lững nổi lên trên nền trời đùng đục. Đó là một người đàn ông tướng mạo khó ưa, thậm chí dữ tợn, mặc đồ thủy thủ màu xanh dương với dải thắt lưng vàng, một cái mũ rơm không còn ra hình thù gì, đã bắt đầu xổ tung nhiều chỗ, vắt vẻo trên đầu một cách ngang tàng. Khuôn mặt gã và hàng ria mép vàng quăn quăn dưới cái mũi ngắn hỉnh lên rõ ràng không thuộc về chủng tộc Ý. Mặc dầu dáng dấp gầy gò có thể khiến người ta tưởng gã không thích hợp với nghề sông nước, nhưng gã chèo rất khỏe, dồn sức mạnh của cả người vào mỗi mái chèo bổ xuống. Đôi ba lần, vì gắng sức, vành môi gã co lên để lộ hàm răng trắng nõn. Gã nhíu cặp lông mày hung đỏ, nhìn vượt qua đầu ông khách mà đáp lời bằng giọng quả quyết, gần như thô lỗ. “Ngài muốn sang đảo Lido”. Aschenbach cự lại. “Dĩ nhiên. Nhưng tôi chỉ thuê gondola chở đến bến san Marco thôi. Tôi muốn đi vaporetto[16] sang đảo”.

“Ngài không thể đi vaporetto được, thưa ngài”.

“Sao lại không?”

“Vì vaporetto không chở hành lý”.

Đúng thế; Aschenbach sực nhớ ra. Ông im lặng. Nhưng thái độ cộc cằn kẻ cả, kém thân thiện đối với khách lạ của gã lái thuyền trái hẳn phong tục ở đây làm ông khó chịu. Ông bảo:

“Chuyện đó mặc tôi. Tôi sẽ gửi hành lý tại bến. anh quay trở lại đi”.

Gã làm thinh. Mái chèo quạt nước ràn rạt, sóng đập vào mạn thuyền oàm oạp. Và tiếng rù rì lại nổi lên: gã lái thuyền thì thầm qua kẽ răng nói chuyện một mình.

Làm gì bây giờ? Đơn độc trên sóng nước với con người ngược ngạo lạ đời, nhất định làm theo ý mình kia, ông không có cách nào buộc gã phải nghe lời. Lẽ ra ông đã có thể nghỉ ngơi êm ái biết bao nếu không thấy bực tức thế này. Chẳng phải ông đã ước ao chuyến đi cứ kéo dài thật lâu, kéo dài mãi mãi hay sao? Khôn ngoan nhất có lẽ là cứ nhắm mắt đưa chân muốn tới đâu thì tới, cái chính là như thế lại càng nhàn thân. Dường như có bùa mê ngải lú gì tỏa ra từ chỗ ngồi của ông, từ cái ghế bành thấp bọc nệm đen đung đưa nhè nhẹ theo nhịp chèo của gã lái thuyền gàn dở đứng đằng sau. Ý nghĩ bị rơi vào tay một kẻ sát nhân mơ hồ thoảng qua tâm trí Aschenbach – nhưng không đủ mạnh để khiến ông tự vệ. Khả năng bị lọt vào một cái bẫy tống tiền đơn giản còn làm ông tức mình hơn. Một cảm giác như lòng tự trọng, như là trách nhiệm nhắc nhở ông không thể để như vậy được, và ông cố phản kháng thêm lần nữa. Ông hỏi:

“Anh muốn gì cho cả chuyến?”

Và vẫn ngạo nghễ nhìn qua đầu khách, gã lái thuyền đáp:

“Rồi ngài sẽ trả”.

Thế là đã rõ, ông biết phải xử sự như thế nào trong trường hợp này. Aschenbach tự khắc trả lời:

“Tôi sẽ không trả, một đồng một cắc cũng không, nếu anh chở tôi đến chỗ tôi không muốn đến”.

“Ngài muốn sang đảo Lido”.

“Nhưng không phải là đi với anh”.

“Tôi sẽ đưa ngài đi đến nơi đến chốn”.

Đúng, Aschenbach nghĩ bụng và thấy đỡ bực. Đúng, nhà ngươi đưa ta đi đến nơi đến chốn. Ngay cả khi ngươi chỉ vì tiền mà bổ cho ta một mái chèo vào gáy về chầu Diêm vương thì vẫn có thể gọi là đưa đi đến nơi đến chốn được.

Nhưng sự thể không diễn ra như vậy. Thậm chí ông còn có bạn đồng hành, một chiếc thuyền của dân hát rong nhan nhản đầy đường táo tợn áp sát mạn thuyền ông, đám đàn ông, đàn bà trên thuyền gân cổ hòa giọng với tiếng đàn ghita và đàn măngđôlin, hát lên những vần thơ xa lạ không ngoài mục đích moi tiền từ túi khách, huyên náo làm vỡ tan cảnh tịch mịch trên mặt biển. Aschenbach ném tiền vào chiếc mũ họ chìa ra. Họ ngừng hát quay thuyền lảng đi mất. Và tiếng rù rì độc thoại của gã chèo thuyền lại nổi lên, ngập ngừng, đứt khúc.

Cứ như vậy thuyền tới nơi, dập dình trong vệt nước rẽ ra sau đuôi một chiếc vaporetto chạy về thành phố. Hai nhân viên công lực, tay chắp sau lưng, mặt ngoảnh về phía vịnh, đi đi lại lại trên bờ. Một lão già đứng đợi sẵn với sợi dây móc sắt, bến tàu nào cũng có những kẻ như vậy đón để kéo thuyền vào, giúp Aschenbach bước lên bến; và vì trong túi không còn tiền lẻ, ông đi qua khách sạn kế bên cầu tàu để đổi tiền đặng tùy ý trả công cho gã chèo thuyền. Đổi tiền trong đại sảnh xong quay trở ra bến, ông thấy hành lý của mình đã chất trong một chiếc xe kéo tay đứng trên bờ, còn gondola và người chèo thuyền biến đâu mất tăm mất tích.

“Hắn chuồn rồi”, lão già có cái móc kéo thuyền bảo.

“Một kẻ ngoài vòng pháp luật, không có giấy phép hành nghề, thưa quý ngài. Hắn là tay lái gondola duy nhất không có giấy phép. Những người kia đã điện thoại báo sang đây. Hắn thấy người ta đang rình sẵn. Thế là hắn chuồn luôn”. Aschenbach nhún vai.

“Vậy là quý ngài được chở miễn phí”, lão già bảo và chìa cái mũ ra. Aschenbach ném vào đó ít bạc cắc. Ông bảo đưa hành lý của mình về khách sạn ngoài bãi tắm, rồi theo chiếc xe kéo đi bộ dọc đại lộ chính vắt ngang qua đảo dẫn ra tận bờ biển, đại lộ nở đầy hoa trắng, hai bên san sát quán rượu, cửa hàng, nhà trọ.

Ông bước vào quần thể khách sạn xây cất rộng rãi bằng lối cổng sau, đi qua sân nổi trông ra vườn, qua đại sảnh và tiền sảnh vào văn phòng. Vì có báo trước nên người ta đón tiếp ông rất mau mắn, niềm nở. Viên quản lý, một người đàn ông thấp con, nhỏ nhẹ, lịch thiệp một cách hơi khúm núm, để ria mép đen và mặc lễ phục đuôi dài kiểu Pháp đưa ông vào thang máy đi lên lầu ba giới thiệu phòng dành cho ông, một gian phòng ấm cúng, đồ đạc toàn bằng gỗ anh đào, được trang trí hoa tươi thơm ngát và có những cửa sổ cao hướng ra biển, phong cảnh hết sức ngoạn mục. sau khi viên quản lý rút lui, trong lúc người ta đem hành lý lên, ông bước lại bên một khung cửa sổ đưa mắt nhìn xuống bãi tắm buổi chiều vắng hoe, mặt biển âm u thiếu ánh mặt trời, đang lúc thủy triều dâng cao gửi những con sóng thấp dài vào bờ, đều đặn và lặng lẽ.

Một người cô đơn trầm lặng cảm nhận những quan sát và va chạm vừa hư ảo lại vừa sâu sắc hơn những người quảng giao, tư tưởng của anh ta thường nặng nề hơn, lạ lùng hơn và bao giờ cũng nhuốm một chút ưu sầu. Những hình ảnh và ấn tượng lẽ ra có thể dễ dàng bỏ qua sau một ánh mắt, một nụ cười, một lời tâm sự lại làm anh ta bận tâm quá mức, trong im lặng càng ngày càng sâu đậm, trở nên đầy ý nghĩa, biến thành sự kiện, thành cuộc phiêu lưu, thành cảm xúc. Cô đơn làm nảy sinh nét độc đáo, vẻ đẹp táo bạo và khác đời, đó là chất thơ. Nhưng cô đơn cũng sản sinh ra sai trái, lệch lạc, phi lý và bất chính. Thế cho nên những sự việc xảy ra dọc đường, lão già nhí nhảnh gớm chết không ngớt lảm nhảm về cục cưng nào đó, gã chèo thuyền lậu bị quỵt tiền công, tất cả vẫn còn đang đè nặng lên tâm trạng người khách lãng du. Chỉ là mấy chuyện lẻ tẻ, thực ra chẳng có gì đáng để suy nghĩ, nhưng những sự kiện này lại có vẻ quan trọng lạ lùng đối với ông, và chính sự mâu thuẫn ấy làm ông lo ngại. Giữa những suy tư ông vẫn không quên đưa mắt gửi lời chào biển cả, và lòng thấy vui vui vì biết rằng Venice ở sát bên. Cuối cùng ông quay vào rửa mặt, nhờ cô hầu phòng lo vài việc để tiện nghi thêm phần hoàn hảo, rồi bảo anh chàng Thụy sĩ mặc đồng phục màu xanh lục giữ thang máy đưa mình xuống tầng trệt.

Ông uống trà bên hàng hiên hướng ra phía biển, sau đó xuống con đường dạo mát dọc theo bờ kè đi một đoạn dài về phía khách sạn Excelsior. Khi ông trở lại khách sạn mình thì đã gần tới giờ thay đồ đi ăn tối. Ông sửa soạn chậm rãi và kỹ lưỡng theo thói quen lâu nay, mặc dầu vậy vẫn xuống đại sảnh hơi sớm và gặp ở đây đa số khách nghỉ trọ, không quen biết nhau và giả bộ thờ ơ không để ý đến nhau, nhưng cùng tụ tập đợi giờ ăn. Ông cầm một tờ báo trên bàn, buông mình xuống một chiếc ghế bành bọc da ngồi quan sát những người trong phòng và khoan khoái thấy họ khác hẳn đám khách ở chốn nghỉ mát đầu tiên.

Nơi đây mở ra một chân trời rộng rãi, bao dung và khoáng đạt hơn nhiều. Khe khẽ, rì rầm, đủ loại ngôn ngữ lớn hòa trộn vào nhau. Bộ Âu phục mặc buổi tối được chấp nhận khắp toàn cầu, một kiểu đồng phục văn minh, phủ lên đủ mọi hạng người một lớp sơn đứng đắn đồng nhất. Ông bắt gặp một người Mỹ nghiêm trang mặt dài đuồn đuỗn, một gia đình người Nga đa thế hệ, những bà mệnh phụ người anh, những trẻ em người Đức đi với các cô bảo mẫu Pháp. Dân slavơ có vẻ chiếm thành phần áp đảo. Ngay bên cạnh ông có người nói tiếng Ba Lan.

Đó là một nhóm thiếu niên sắp tới tuổi trưởng thành quây quần quanh chiếc bàn mây nhỏ dưới sự giám sát của một nữ gia sư hay quản gia: ba thiếu nữ tầm mười lăm đến mười bảy tuổi, và một cậu bé trai tóc dài khoảng độ mười bốn. Vẻ đẹp hoàn hảo của cậu bé làm Aschenbach sửng sốt. Gương mặt cậu – trắng muốt và mang một vẻ kín đáo thanh tao, được mái tóc óng vàng như mật ong bao quanh, với sống mũi thẳng thanh tú, cái miệng đáng yêu chúm chím, sắc mặt nghiêm trang và thánh thiện làm ta liên tưởng đến những tác phẩm điêu khắc Hy Lạp thời kỳ hoàng kim nhất, và góp phần hoàn thiện cho hình thức ấy là một vẻ duyên dáng riêng độc nhất vô nhị, khiến người chiêm ngưỡng tin rằng mình chưa bao giờ có diễm phúc được gặp một tạo vật hoàn mỹ tương tự cả trong thiên nhiên lẫn trong nghệ thuật tạo hình. Ngoài ra ông còn ngạc nhiên về sự tương phản hết sức rõ rệt trong nguyên tắc giáo dục, thể hiện qua trang phục và tác phong của mấy chị em. Ba thiếu nữ, cô chị cả đã có thể coi là người lớn, ăn mặc kín đáo và khắc khổ đến mức dị biệt. Một tấm áo trơn tuột như áo thầy tu, không dài không ngắn, màu xám đá duy chỉ có chiếc cổ trắng là hơi sáng sủa, dáng thẳng đuồn đuỗn đàn áp và tiêu diệt hết mọi ưu thế của thân hình. Mái tóc chải mượt ốp sát đầu khiến những khuôn mặt vô hồn như mặt nữ tu, chẳng biểu lộ tình cảm gì. Dĩ nhiên, đó là dấu ấn bàn tay nghiêm khắc của người mẹ, nhưng bà ta lại chẳng hề nghĩ tới chuyện áp dụng cho cậu con trai kỷ luật sắt mà bà dùng để dạy dỗ mấy cô con gái. Rõ ràng cậu được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Không một lưỡi kéo nào được phạm vào mái tóc đẹp của cậu; từng lọn tóc xoăn lòa xòa rủ xuống trán, che kín tai và gáy, trông cậu chẳng khác gì bức tượng chú bé nhể gai[17]. Bộ đồ lính thủy anh, vai bồng, ống tay xuống dưới chiết hẹp bó lấy cườm tay mảnh dẻ để lộ hai bàn tay còn non nớt với những ngón búp măng thon dài, thêm cái yếm lính thủy và tua ngù và những chi tiết thêu thùa càng làm cho thân hình mảnh khảnh của cậu mang vẻ lá ngọc cành vàng. Cậu ta ngồi nghiêng, quay nửa mặt về phía người chiêm ngưỡng, một chân đi giày đen bóng đặt trước mũi chân kia, một cùi chỏ chống lên tay dựa chiếc ghế mây, má kê vào bàn tay nắm chặt, tư thế đĩnh đạc ung dung tự tại và hoàn toàn không có cái vẻ phục tùng cứng nhắc như mấy cô chị. Cậu có đau yếu gì không? Vì khuôn mặt cậu với nước da tai tái như ngà voi nổi bật lên giữa những lọn tóc vàng sẫm. Hay đơn giản cậu là đứa con cưng, được nâng niu trong tình yêu thiên vị và đồng bóng? Aschenbach ngả theo khả năng sau. Hầu như mọi tâm hồn nghệ sĩ đều tiềm ẩn cái thiên hướng bẩm sinh phóng túng và phản trắc, sẵn sàng thừa nhận ưu đãi bất công dành cho cái đẹp cũng như chia sẻ và tôn trọng đặc quyền đặc lợi của kẻ sang.

Một người bồi bàn đi quanh phòng thông báo bằng tiếng anh bữa tối đã sẵn sàng. Khách trong đại sảnh biến dần vào phòng ăn qua cánh cửa kính. Những người đến sau lục tục kéo vào từ tiền sảnh hay thang máy. Bên trong người ta bắt đầu bưng thức ăn ra, nhưng đám trẻ Ba Lan vẫn ngồi lì quanh chiếc bàn mây, và Aschenbach, êm ái lún sâu trong chiếc ghế bành, được chiêm ngưỡng hiện thân của cái đẹp ngay trước mắt, khoan khoái ngồi nán lại cùng họ.

Cô gia sư, một phụ nữ học đòi thói thượng lưu, người vừa lùn vừa mập, mặt đỏ gay, cuối cùng ra dấu cho cả bọn đứng lên. Nhướng cao cặp chân mày, cô ta xô chiếc ghế đang ngồi ra sau nghiêng mình cúi chào một mệnh phụ cao lớn mặc đồ xám trắng, ngọc đeo đầy người, vừa bước vào phòng. Cốt cách bà ta lạnh lùng và nghiêm nghị, mái tóc rắc phấn nhẹ cũng như kiểu trang phục đơn giản toát lên nét giản dị thường thấy ở những người sùng tín coi mộ đạo là thành phần chính của cao sang. Có thể mường tượng bà là phu nhân một quan chức Đức cao cấp. Điểm sang trọng duy nhất nổi bật trên toàn diện mạo bà là những món đồ trang sức gần như vô giá, bông tai và một chuỗi ngọc trai dài quấn ba vòng quanh cổ, mỗi hạt ngọc to như quả anh đào tỏa ánh lấp lánh dìu dịu.

Mấy chị em đứng phắt dậy. Chúng cúi xuống hôn tay mẹ, trong lúc bà này mỉm một nụ cười lơ đãng trên gương mặt có sống mũi cao, được trang điểm cẩn thận nhưng hơi mệt mỏi, nhìn qua đầu tụi nhỏ trao đổi mấy từ tiếng Pháp với cô gia sư. Rồi bà bước về phía cánh cửa kính. Đám trẻ lót tót đi theo: mấy cô con gái lớn trước bé sau, rồi đến cô gia sư, cuối cùng là cậu con trai. Không biết cái gì xui khiến cậu ta ngoảnh lại nhìn trước khi bước qua ngưỡng cửa, và vì trong đại sảnh không còn ai khác, đôi mắt kỳ lạ xám sẫm như ánh chiều buông của cậu chạm phải ánh mắt Aschenbach, giữa lúc ông đắm mình trong suy tưởng, tờ báo rơi xuống gối, đăm đăm nhìn theo cả nhóm.

Những gì ông vừa chứng kiến thực ra không có chi tiết nào đặc biệt khác thường. Con cái không ngồi vào bàn ăn trước mẹ, mà phải đợi bà tới, chào hỏi lễ độ và giữ đúng phép tắc khi đi vào phòng ăn. Nhưng ở đây những cử chỉ ấy bộc lộ thật rõ ràng, nhấn mạnh sự đề cao giáo dục, bổn phận và lòng tự trọng, khiến Aschenbach thấy lòng nao nao, cảm kích lạ lùng. Ông ngần ngừ giây lát rồi cũng đi sang phòng ăn ngồi vào một chỗ do bồi bàn xếp, và ngay sau đó tiếc rẻ nhận ra bàn mình xa chỗ gia đình Ba Lan kia quá.

Người mệt nhoài nhưng tinh thần vẫn còn linh hoạt, suốt bữa ăn dài lê thê ông bận tâm với những tư duy trừu tượng, thậm chí siêu hình, ngẫm nghĩ về mối liên hệ bí ẩn giữa tính quy luật và tính cá biệt để sản sinh ra nhan sắc, từ đó liên tưởng đến các vấn đề chung của hình thức và nghệ thuật, và cuối cùng đi đến kết luận, những suy nghĩ và nhận định của ông chẳng khác gì ý tưởng ra đời trong một giấc mơ, tưởng như hay lắm nhưng khi tỉnh táo suy xét lại thì thấy hoàn toàn tẻ nhạt và vô dụng. sau bữa tối ông ra ngoài hút thuốc, ngồi hóng mát, đi dạo lòng vòng trong công viên về đêm tràn ngập hương thơm rồi lên phòng đi nghỉ sớm và ngủ một giấc vừa dài vừa sâu nhưng đầy mộng mị.

Ngày hôm sau thời tiết vẫn chẳng khá hơn. Gió lục địa nổi lên. Dưới bầu trời mây mù xám xịt mặt biển lặng câm tuồng như co rúm lại, chân trời trống trải tiến vào gần và mép nước lùi ra xa nhường chỗ cho dải bờ phơi lên những lưỡi cát dài. Khi mở cửa sổ phòng Aschenbach có cảm giác ngửi thấy mùi khăn khẳn đưa sang từ phía vịnh.

Tâm trạng chán chường xâm chiếm ông. Trong giây phút ấy ông đã nghĩ đến chuyện lại đi chỗ khác. Một lần, từ nhiều năm trước, sau hai tuần lễ mùa xuân đẹp tuyệt vời, cũng đúng cái thời tiết này ập đến làm sức khỏe ông suy nhược tới mức ông rời khỏi Venice như người chạy trốn. Có phải cơn sốt bải hoải lại bắt đầu nổi lên như dạo nọ, hai thái dương nhức buốt, mi mắt nặng trĩu không giương lên được? Thật phiền toái nếu phải đổi chỗ nghỉ thêm lần nữa; nhưng ông cũng không thể ở lại nếu gió chẳng đổi chiều. Để đề phòng khả năng xấu ông không dỡ toàn bộ hành lý ra. Đúng chín giờ ông xuống dưới điểm tâm trong phòng ăn sáng được bố trí giữa phòng tiệc dành cho bữa tối và đại sảnh.

Trong phòng không khí yên tĩnh trang trọng, đúng như truyền thống của các khách sạn sang. Những người phục vụ nhón gót đi lại nhẹ nhàng. Chỉ nghe tiếng lanh canh nhè nhẹ của một tách trà, giọng thì thầm khe khẽ thốt ra nửa lời lơ lửng. Trong một góc xéo xéo đối diện cửa, cách bàn ông hai bàn, Aschenbach thấy mấy thiếu nữ Ba Lan ngồi với cô gia sư. Tư thế ngay ngắn, mái tóc vàng xỉn mới chải mượt, mắt đỏ hoe, mặc bộ váy áo vải lanh hồ bột cứng màu xanh dương có cổ xếp và măngsét nhỏ màu trắng, mấy cô gái chuyền tay nhau một hũ mứt ngâm. Chúng đã sắp ăn xong bữa sáng. Không thấy mặt cậu bé. Aschenbach tủm tỉm cười. anh chàng Phäake[18] tí hon! Ông tự nhủ. Có vẻ cậu chàng được nuông chiều hơn mấy cô chị, muốn ngủ tới khi nào thì ngủ. Bất giác ông hứng chí thầm trích dẫn một câu thơ:

“Đồ trang sức, tắm nước nóng và ngủ đẫy mắt làm người ta thay đổi hẳn”.

Ông điểm tâm không chút vội vã, nhận mấy bức thư từ tay người gác cổng lễ phép ngả mũ khi bước vào phòng, và mở ra xem trong lúc hút một điếu thuốc. Nhờ vậy ông được chứng kiến cảnh anh chàng ngủ muộn xuống nhập bọn với nhóm người vẫn ngồi chờ ở phía bên kia.

Cậu bé vào qua cánh cửa kính và đi trong bầu không khí yên lặng ngang qua cả gian phòng đến bàn mấy cô chị. Cậu có dáng đi duyên dáng lạ thường, không phải chỉ đẹp ở tư thế nửa thân trên mà cả cử động đôi đầu gối và cách đặt gót hai bàn chân mang giày trắng xuống sàn, rất nhẹ nhàng, vừa uyển chuyển vừa kiêu hãnh, càng thêm đáng yêu vì nỗi thẹn thùng ngây thơ lộ ra qua cái cách cậu hai lần chớp chớp hàng mi ngước mắt nhìn quanh phòng. Nhoẻn cười, vừa hạ giọng nói một câu bằng tiếng mẹ đẻ âm hưởng mềm mại du dương cậu bé vừa ngồi vào chỗ, và giờ đây, khi nó hướng gương mặt quay nghiêng về phía người quan sát, ông lại một lần nữa bàng hoàng kinh ngạc trước vẻ đẹp thiên thần của đứa trẻ người trần mắt thịt này. Hôm nay cậu bé mặc một bộ đồ mỏng nhẹ bằng vải kẻ xanh trắng đính một cái nơ lụa đỏ trên ngực, cổ áo trắng khép cao giản dị. Nhô lên khỏi cái cổ áo đơn giản, không mấy phù hợp với bộ đồ sang trọng, là mái đầu như một nụ hoa đáng yêu vô cùng tận – mái đầu thần ái tình Eros[19], được tạc từ đá hoa cương màu hổ phách lấy ở đảo Paros, với hàng lông mày thanh tú nghiêm trang, với những lọn tóc xoăn vàng sẫm mềm mại rủ xuống che kín hai bên thái dương và vành tai.

Được đấy, được đấy, Aschenbach tự nhủ với thái độ tán thưởng khắt khe chuyên nghiệp mà các nghệ sĩ đôi khi làm bộ để che giấu nỗi hân hoan, niềm hứng thú của mình trước một kiệt tác. Và ông tiếp tục nghĩ thầm: Thật tình, nếu biển và bãi cát không đợi ta ngoài kia, ta sẽ ngồi lại đây chừng nào em còn ở đó! Nhưng rồi ông cũng rời phòng ăn đi qua đại sảnh trong sự ân cần lễ phép của đám nhân viên phục vụ, qua khoảng sân nổi lớn, theo con đường lót ván ra bãi tắm riêng của khách sạn. Lão già trông coi bãi tắm đi chân đất, mặc quần vải lanh, áo thủy thủ, đội mũ rơm đưa ông đến một trong những căn lều cho thuê ngoài bãi; ông bảo mang bàn ghế ra kê trên cái bục gỗ phủ đầy cát trước cửa lều rồi tự mình lôi chiếc ghế nằm ra để gần mép nước trên bãi cát vàng như sáp, ngả lưng thảnh thơi nằm nghỉ.

Quang cảnh bãi tắm, bức tranh thể hiện văn hóa hưởng thụ trần tục và vô tư bên mặt nước, lúc nào cũng làm ông vui thích. Mặt biển xám ngắt phẳng lì đã đông lúc nhúc, nào là trẻ con lội bì bõm, người bơi hì hụp, và những thân hình sặc sỡ nhiều màu khoanh tay dưới gáy nằm dài trên cát. Một số khác hăm hở chèo những chiếc thuyền nhỏ không sống sơn xanh sơn đỏ, và cười như nắc nẻ khi thuyền lật. Trước dãy lều dài, trên những bục gỗ như những mái hiên nho nhỏ, có người đi lại tung tăng và người biếng nhác nằm ườn, thăm hỏi và buôn chuyện, trang phục thanh lịch cầu kỳ bên cạnh da thịt hở hang, tất cả điềm nhiên tận hưởng cái tự do táo bạo ngoài bãi biển. Tuốt ngoài xa, lác đác vài người mặc áo choàng tắm trắng tinh hoặc áo sơmi rộng thùng thình màu sắc chói chang đi dạo trên bờ cát ướt. Phía bên phải ông trẻ con đã đắp một lâu đài bằng cát rất công phu, chung quanh cắm những lá cờ tí hon đủ màu các quốc gia trên thế giới. Những người bán sò ốc, bánh trái và hoa quả ngồi xệp xuống rải hàng ra. Bên trái, trước một trong mấy túp lều đầu hồi xoay ngang hướng ra biển ở cuối bãi tắm, có một gia đình người Nga cắm trại: những người đàn ông rậm râu, răng bàn cuốc, những người đàn bà mòn mỏi dáng điệu uể oải, một thiếu nữ Bantích ngồi bên giá vẽ biển thỉnh thoảng lại lớn tiếng càu nhàu thất vọng, hai đứa trẻ xấu xí nhưng hiền hậu, một bà vú già trùm khăn che kín đầu, cử chỉ ngoan ngoãn phục tùng như nô lệ. Họ hàm ơn tận hưởng cuộc sống ở đó, luôn miệng kêu tên mấy đứa trẻ ngỗ nghịch quá, dốc hết vốn liếng dăm ba câu tiếng Ý ra đùa giỡn với ông già hóm hỉnh bán kẹo, thân mật hôn lên má nhau và không thèm đếm xỉa đến những kẻ tò mò dòm ngó họ.

Mình muốn ở lại đây, Aschenbach nhủ thầm. Đi đâu hơn nữa bây giờ? Và hai tay xếp trong lòng, ông thả ánh mắt xa xăm lạc ra tận ngoài khơi, trượt dài, nhòa nhạt, tan biến trong màn sương mù đơn điệu của hoang mạc không gian quanh ông. Ông yêu biển bởi nhiều lẽ sâu xa: nhu cầu nghỉ ngơi của người lao động nghệ thuật cực nhọc, mong thoát khỏi các hình thức thể hiện cầu kỳ đa dạng để trở về nép mình vào lồng ngực rộng lớn, đơn sơ của đại dương; niềm say mê cấm kỵ – vì nó trái với thiên chức nghệ sĩ của ông, nhưng cũng chính vì thế lại càng thêm cám dỗ – hướng tới cái vô vi, vô độ, vĩnh hằng, hướng tới hư không. Được an nghỉ trong sự hoàn thiện là khao khát của tất cả những kẻ vươn tới đỉnh cao tuyệt mỹ; và hư không chẳng phải là một hình thức hoàn thiện đó sao? Đang lúc ông mơ màng chìm sâu trong cõi hư vô thì đường ranh giới giữa biển và bãi cát bỗng bị một dáng người xuất hiện cắt ngang, từ bỏ vô biên trở về với thực tại, ông nhận ra cậu bé xinh trai đang lội cát đi từ mé trái ngang qua trước chỗ ông nằm. Cậu đi chân trần, như thể sắp xuống nước, cặp giò thon thả lộ ra tới đầu gối, bước đi chậm rãi nhưng nhẹ nhàng và kiêu sa như thể cả đời vẫn quen đi đất, vừa đi vừa ngoái đầu về phía mấy căn lều quay ngang hình thước thợ. Nhưng vừa phát hiện ra gia đình Nga đang sinh hoạt thuận hòa ở đó, một trận lôi đình đầy khinh miệt đã nổi lên che tối sầm gương mặt cậu. Vầng trán cau cau, cặp môi dẩu ra, giữa miệng và má cày sâu một nếp nhăn chua chát, cặp chân mày chụm sát vào nhau đẩy đôi mắt thụt sâu xuống hốc mắt, bắn ra những tia nhìn tối tăm dữ tợn thể hiện một mối căm thù không đội trời chung. Đầu cúi gằm, mắt gườm gườm ném cái nhìn hăm dọa thêm lần nữa về phía mấy người kia, cậu bé lắc vai thật mạnh như hất bỏ vật gì, quay mình bước đi một mạch bỏ kẻ thù lại phía sau lưng.

Một cảm giác dịu êm và bàng hoàng, như có cả kính trọng và hổ thẹn dâng lên, khiến Aschenbach phải ngó lơ chỗ khác làm bộ không thấy thái độ vừa rồi của cậu bé; vì người tình cờ chứng kiến những biểu lộ tình cảm mãnh liệt ấy không muốn động chạm đến những ấn tượng kia, dù chỉ riêng mình hay biết. Ông cảm thấy đồng thời vừa sung sướng vừa thảng thốt, tâm trạng còn có tên gọi là: hạnh phúc. sự cuồng tín thơ ngây này, chĩa vào một mảnh đời hiền lành nhất, cho thấy toàn bộ cái vô nghĩa thần thánh trong mối quan hệ nhân sinh; làm cho một tạo vật quý báu của thiên nhiên, thường chỉ có giá trị thưởng ngoạn, bỗng mang một nội dung tinh thần sâu sắc; và khiến cậu bé, vốn đã rất đặc biệt nhờ vẻ đẹp hình thể, có thêm chiều sâu tư tưởng chính trị – lịch sử rất đáng được coi trọng dù còn đang trong lứa tuổi măng tơ.

Vẫn quay nhìn chỗ khác, Aschenbach lắng nghe giọng cậu bé trong trẻo nhưng hơi yếu cất lên từ xa chào đám trẻ xúm quanh tòa lâu đài cát. Chúng đáp lời bằng cách gọi nhiều lần tên cậu ta, hay một dạng ngắn gọn âu yếm của cái tên ấy, và Aschenbach dỏng tai tò mò lắng nghe mà không sao phân biệt được chính xác hơn hai nguyên âm du dương như là “adgio”, hay cũng có thể là “adgiu” với hậu âm “u” kéo dài ra mềm mại. Ông vui sướng thấy âm hưởng cái tên thật xứng với người, và thầm nhắc đi nhắc lại hai tiếng ấy trong đầu, ông hài lòng quay lại với đống giấy tờ thư tín của mình.

Với cái cặp giấy du lịch nhỏ đặt trên đầu gối, ông bắt đầu đưa bút trả lời một vài bức thư. Nhưng chỉ được mười lăm phút ông đã tự trách mình sao dại dột bỏ lỡ cảnh tượng bãi tắm vui thú biết bao để đi lo những chuyện chẳng đâu vào đâu. Ông quẳng giấy bút sang một bên, quay trở về với biển, và chẳng bao lâu sau, bị tiếng léo nhéo của tụi trẻ bên lâu đài cát lôi kéo, ông quay đầu sang bên phải tìm một tư thế thoải mái dựa vào lưng ghế rồi đưa mắt tìm kiếm xem anh chàng adgio nọ đang ở đâu, làm gì.

Ông nhìn thấy ngay cậu bé; cái nơ đỏ trên ngực nó không lẫn vào đâu được. Hợp sức với những đứa trẻ khác tìm cách đặt một tấm ván cũ làm cầu bắc qua hào nước bao quanh lâu đài cát, anh chàng đang hất đầu lớn tiếng chỉ huy các bạn. Cùng chơi ở đó có khoảng mươi đứa trẻ, vừa trai vừa gái cỡ tuổi cậu bé hoặc nhỏ hơn, chúng líu lo nói đủ thứ tiếng, Ba Lan, Pháp, và cả một vài thổ ngữ vùng Bancăng. Nhưng tên cậu bé được gọi thường xuyên nhất. Rõ ràng cậu rất được yêu mến, săn đón, ngưỡng mộ. Một thằng bé cũng người Ba Lan như cậu, được gọi bằng cái tên nghe như “Jaschu”, một anh chàng tròn lẳn, tóc đen vuốt dầu láng bóng, mặc bộ đồ vải lanh thắt đai ngang lưng, có vẻ là bồ ruột và đệ tử thân tín nhất của cậu. sau khi hoàn tất công trình xây cất ở lâu đài cát, hai đứa khoác vai nhau đi dọc theo bãi biển, và thằng bé tên gọi “Jaschu” ôm hôn cậu bạn bảnh trai. Aschenbach muốn dứ ngón tay dọa nó. “Này anh bạn Kritobulos[20]”, ông cười thầm trong bụng, “ta khuyên mi đi nghỉ hẳn một năm! Vì mi cần ít nhất từng ấy thời gian mới bình phục nổi”. Rồi ông thưởng thức những trái dâu đất to chín mọng mua của một người bán hàng rong. Trời nóng như nung, mặc dù mặt trời vẫn không xuyên thủng được lớp sương mù dày đặc. Lười biếng chế ngự tinh thần, trong khi các giác quan tận hưởng vẻ ngoạn mục bao la và mê hoặc của biển lặng, người đàn ông đạo mạo bỗng thấy việc tìm kiếm, phỏng đoán xem cái tên nào có âm hưởng gần với “adgio” là một mối bận tâm xứng đáng và đầy ý nghĩa. Nhờ vốn liếng tiếng Ba Lan còn đọng trong ký ức ông tìm được “Tadzio”, một dạng thân mật của cái tên “Tadeusz”, và phát âm lên nghe như “Tadziu”.

Tadzio đang tắm biển. Aschenbach, mới một lúc để lạc cậu bé ra khỏi tầm mắt, lại phát hiện thấy mái đầu nhấp nhô và hai cánh tay sải nước ngoài khơi; chắc đáy biển chỉ thoai thoải dốc nên rất xa phía ngoài cũng vẫn còn nông. Nhưng có vẻ như người nhà đã bắt đầu lo lắng cho cậu bé, từ phía dãy lều có giọng phụ nữ gọi với ra, tên cậu được nhắc đi nhắc lại vang lên khắp bãi tắm như một khẩu lệnh với những nguyên âm mềm mại, tiếng u ở cuối kéo dài ra vừa ngọt ngào vừa hoang dã: “Tadziu, Tadziu!” Cậu bé vâng lời chạy vào bờ, chân đạp nước tung bọt, đầu ngẩng cao; và thân hình ấy, với vẻ đẹp chưa hoàn toàn nam tính vừa thanh tao vừa rắn rỏi, với mái tóc xoăn rỏ nước ròng ròng, tuyệt mỹ như một vị thần trẻ trung hiện lên từ đáy sâu giữa trời và biển, tách ra từ trong lòng vật chất hoang sơ: Quang cảnh ấy gợi cảm hứng cho những hư cấu thần bí, là thi hứng từ khởi thủy thời gian, từ nguồn cội của hình tượng và giáng sinh của thánh thần. Aschenbach nhắm nghiền hai mắt lắng nghe khúc hát ngân nga trong lòng; và một lần nữa ông tự nhủ, rằng nơi đây thật tuyệt vời và rằng ông muốn ở lại đây.

Rồi Tadzio nằm nghỉ trên bãi cát, mệt nhoài sau khi tắm, quấn mình trong tấm khăn bông trắng tinh lót dưới vai phải, đầu gối lên một cánh tay trần; và mặc dù Aschenbach không nhìn cậu bé mà hướng mắt vào trang sách, ông vẫn không lúc nào quên cậu đang nằm đó, ông chỉ cần hơi quay đầu sang bên phải là có thể chiêm ngưỡng tạo vật tuyệt vời kia. Ông có cảm tưởng mình ngồi đây canh gác cho giấc ngủ an lành của cậu – dù bận giải quyết việc riêng nhưng vẫn luôn cảnh giác để bảo vệ báu vật nằm phía bên phải kia, không xa ông mấy. Và một cảm giác trìu mến như tình phụ tử, niềm quyến luyến của kẻ cống hiến hết mình sáng tạo nên cái đẹp trong tư tưởng dành cho người sở hữu cái đẹp ngoài đời, dâng lên tràn ngập và làm rung động trái tim ông.

Quá trưa ông rời bãi biển về lại khách sạn và gọi thang máy lên phòng. Ông đứng hồi lâu trước gương ngắm nghía mái tóc hoa râm, gương mặt hốc hác mệt mỏi của mình. Khi ấy ông đã nghĩ đến danh vọng, nghĩ đến lúc nhiều người ngoài phố nhận ra ông và tỏ lòng ngưỡng mộ nghệ thuật dùng từ chuẩn xác và trau chuốt của ông – tóm lại ông liệt kê ra tất cả những thành công ngoài đời do tài năng mang đến cho mình, thậm chí cả sự kiện ông đã được phong danh quý tộc. Rồi ông xuống ăn trưa nơi cái bàn nhỏ quen thuộc. sau bữa ăn, lúc ông bước vào thang máy thì một đám trẻ cũng vừa ăn xong ùa theo vào đầy nghẹt cái hộp di động, và cả Tadzio cũng bước vào. Cậu đứng rất gần Aschenbach, gần đến nỗi lần đầu tiên ông không phải chiêm ngưỡng cậu từ xa như ngắm một bức tranh mà được nhìn tận mắt mọi chi tiết con người cậu. Có ai đó nói gì với cậu bé, và nó vừa trả lời với một nụ cười đáng yêu không thể tả vừa đi giật lùi ra khỏi thang máy ở lầu hai, khiêm nhường cụp mắt nhìn xuống. sắc đẹp đi đôi với thẹn thùng, Aschenbach tự nhủ và suy nghĩ rất lung để lý giải tại sao. Tuy nhiên ông cũng đã kịp nhận thấy hàm răng Tadzio không được tốt: răng cậu khấp khểnh và hơi đục, màu men không sáng bóng như người khỏe mạnh mà mang ánh giòn giòn trong trong như thường thấy ở trẻ mắc bệnh thiếu máu. Em bé mỏng manh yếu ớt quá, Aschenbach nghĩ thầm. Có khả năng em sẽ chẳng thọ được lâu. Ý nghĩ này mang đến cho ông một cảm giác yên dạ và thỏa mãn mà ông không muốn đi sâu tìm hiểu nguyên do.

Ông nghỉ ngơi trong phòng chừng hai tiếng đồng hồ rồi buổi chiều đón vaporetto qua vịnh nước bốc mùi thum thủm sang Venice. Ông lên bờ ở san Marco, ngồi uống trà trên quảng trường và, theo lệ thường mỗi khi đến đây, làm một vòng bát phố. Nhưng cũng chính cuộc dạo chơi này đã biến đổi hoàn toàn tâm trạng và các quyết định của ông.

Một cơn oi bức kinh người đè nặng trên phố xá, không khí như đặc quánh, các loại mùi bốc ra từ nhà ở, cửa hàng, quán ăn, mùi dầu mỡ, mùi nước hoa và trăm thứ mùi khác cứ tụ lại thành đám mà không tan ra được. Khói thuốc lá lơ lửng tại chỗ hồi lâu và tản đi rất chậm. Đám đông chen vai thích cánh trong các ngõ phố chật hẹp mọi khi thu hút ông là thế, nay chỉ làm ông bực bội. Càng đi ông càng cảm thấy ngột ngạt hơn, cái tiết trời kinh khủng do không khí biển ẩm ướt hòa trộn với gió nóng sirocco làm thần kinh ông vừa phấn khích vừa suy nhược. Mồ hôi nhớp nháp tuôn ra khắp mình ông. Mắt ông tối sầm, ngực thắt lại, người bừng bừng như lên cơn sốt, mạch máu trong đầu đập thình thình. Ông vội vàng rời khu buôn bán sầm uất, đi qua mấy cây cầu sang dãy phố nghèo: ở đó đám ăn mày bu đến quấy nhiễu ông, và mùi xú uế bốc lên từ những dòng kênh làm ông ngạt thở. Tới một quảng trường nhỏ vắng teo, một nơi như bị bỏ bùa và bị bỏ quên giữa lòng Venice, ông ngồi nghỉ chân bên giếng phun nước, và vừa lau vầng trán đẫm mồ hôi vừa tự nhủ, điệu này mình phải đi thôi.

Đây đã là lần thứ hai, và những dấu hiệu quá rõ ràng chứng tỏ thành phố trong điều kiện thời tiết này rất hại cho sức khỏe ông. Cứ khăng khăng ở lại thì thật vô lý, chẳng biết bao giờ gió mới đổi chiều. Phải quyết định ngay lập tức. Cũng không thể trở về nhà từ bây giờ. Cả nhà nghỉ mùa hè lẫn căn hộ mùa đông đều chưa chuẩn bị xong. Nhưng đâu phải chỉ mỗi nơi này có biển và bãi cát, thế nào cũng phải có những khu nghỉ mát khác không bị kèm thêm cái vịnh nước tù tai hại và làn hơi độc địa của nó. Ông nhớ đến một bãi tắm nhỏ không xa Trieste mà người ta đã quảng cáo rùm beng với ông. Tại sao không đến đó? Và chớ nên chậm trễ, để còn thời gian mà nghỉ ngơi nữa chứ. Ông quả quyết đứng dậy. Từ bến gondola gần đấy ông xuống một chiếc thuyền bảo chèo qua mê cung chằng chịt những nhánh kênh nước đục ngầu, chui dưới những ban công thanh mảnh bằng đá hoa cương chạm trổ cầu kỳ hình sư tử, lượn quanh những góc tường trơn tuột, lướt qua mặt tiền các cung điện buồn thảm treo đầy bảng hiệu các hãng lớn soi bóng xuống mặt nước lềnh bềnh rác rưởi, quay trở về bến san Marco. Ông phải khổ công lắm mới về được đó, vì gã lái gondola, chắc là có móc ngoặc với các hãng sản xuất đăng ten và xưởng thổi thủy tinh, tìm đủ mọi cách dụ ông ghé vào bờ tham quan và mua hàng. Nếu như cuộc dạo chơi kỳ dị trên thuyền qua Venice mới bắt đầu mê hoặc được ông, thì tâm hồn hám lợi của nữ hoàng sa đọa này đã khiến ông tức mình mà tỉnh trí lại.

Trở về khách sạn, trước giờ ăn tối ông vào báo với văn phòng rằng các tình huống ngoài dự kiến buộc ông phải ra đi sáng sớm ngày mai. Họ tỏ ý rất lấy làm tiếc, họ thanh toán tiền trọ cho ông. Ông dùng bữa rồi suốt buổi tối oi ả ngồi đọc báo trong một chiếc ghế xích đu ngoài hiên sau. Trước khi đi ngủ ông chuẩn bị hành lý sẵn sàng để lên đường.

Ông ngủ không ngon giấc, cứ trằn trọc vì dự định lại ra đi. sáng dậy mở cửa sổ ông thấy bầu trời trước sau vẫn phủ đầy mây, nhưng không khí có vẻ trong lành hơn, và bắt đầu cảm thấy hối hận. Quyết định ra đi liệu có hấp tấp và sai lầm không, đấy có phải là hành động bột phát trong tình trạng đau yếu, thiếu sáng suốt? Giá mà ông đắn đo cân nhắc một chút, đừng mất tinh thần nhanh như thế, thử thích nghi với bầu không khí Venice hoặc giả đợi đến lúc thời tiết khá hơn, thì có phải giờ đây ông đỡ khổ vội vàng lặn lội ra đi, mà đã có thể thưởng thức một buổi sáng ngoài bãi tắm như ngày hôm qua. Hối thì đã muộn. Đâm lao phải theo lao, ông phải thực hiện điều hôm qua ông quyết. Ông mặc quần áo chỉnh tề rồi khoảng tám giờ đi thang máy xuống tầng trệt điểm tâm.

Lúc ông xuống phòng ăn còn trống trơn. Lẻ tẻ từng người khách trọ bước vào trong khi ông ngồi đợi phục vụ. Vừa lúc ông nâng tách trà lên miệng thì mấy thiếu nữ Ba Lan cùng cô gia sư xuất hiện; trang phục tề chỉnh mới thay nhưng mắt đỏ hoe, họ bước đến cái bàn trong góc cạnh cửa sổ. Cùng lúc ấy người gác cổng lại gần ông, ngả mũ thông báo đã tới giờ khởi hành. Chiếc ô tô đang đợi sẵn để chở ông và các du khách khác tới khách sạn Excelsior, rồi từ đó cả đoàn sẽ đi ra ga bằng xuồng máy chạy qua con kênh riêng của công ty. Thời gian đã gấp lắm rồi. Aschenbach thấy thời gian chẳng có gì là gấp cả. Còn hơn một giờ đồng hồ nữa xe lửa của ông mới khởi hành. Ông bực mình vì cái kiểu đuổi khách sớm của khách sạn và tỏ ý với người gác cổng, rằng ông muốn thư thả ăn cho xong bữa điểm tâm. Người gác cổng ngập ngừng rút lui, nhưng chỉ năm phút sau y đã quay trở lại. Xe không thể đợi lâu hơn được. Thế thì xe cứ việc chạy và chở hành lý của ông đi trước, Aschenbach cáu tiết trả lời. Tới giờ ông sẽ tự đón vaporetto công cộng ra ga, chỉ xin đừng có làm phiền ông nữa mà để ông tự lo liệu lấy. Người gác cổng cúi đầu rút lui. Aschenbach, khoái chí vì hết bị quấy rầy, ngồi ăn thong thả, thậm chí còn bảo người bồi mang tới cho tờ báo. Khi ông đứng dậy thì thời gian đã thực sự gấp gáp. Run rủi thế nào, đúng lúc ấy Tadzio bước qua cánh cửa kính vào phòng.

Trên đường đến bàn gia đình mình cậu bé đi ngang qua người chuẩn bị khởi hành, cậu khiêm nhượng cúi đầu trước người đàn ông tóc hoa râm có vầng trán rộng, nhưng bất chợt lại ngước cặp mắt to nhìn ông một thoáng bằng cái nhìn êm ái dịu dàng với vẻ đáng yêu cố hữu của mình, rồi mới bước qua. “Vĩnh biệt Tadzio!”, Aschenbach thầm nghĩ. “Ta gặp em thật là ngắn ngủi”. Trái với thói quen của mình, ông máy môi nói thành lời ý nghĩ trong đầu, và thêm vào: “Cầu Chúa ban phước cho em!”

Rồi ông chào từ giã, cho tiền boa, được viên quản lý thấp bé nhỏ nhẹ mặc lễ phục kiểu Pháp tiễn chân ra cửa; và giống như hôm mới đến, ông đi bộ theo đại lộ nở đầy hoa trắng băng ngang qua đảo ra bến vaporetto, có người giúp việc mang hộ hành lý xách tay. Ông tới nơi, ngồi vào chỗ – và sau đó là một chuyến đi đầy đau khổ, buồn vô hạn, trải qua mọi vực thẳm hối tiếc khôn nguôi.

Đó là chuyến đi quen thuộc qua vịnh, qua san Marco, ngược dòng Kênh Lớn. Aschenbach ngồi trên băng ghế hình vòng cung ở mũi vaporetto, chống cùi tay lên lan can, một bàn tay che mắt. Những công viên lùi lại đằng sau, quảng trường Piazzetta một lần nữa mở ra nét yêu kiều vương giả rồi mất hút, các cung điện nối đuôi nhau chạy trốn, và khi dòng nước vào khúc uốn quanh thì vòm cung cẩm thạch lộng lẫy của cây cầu Rialto hiện ra. Người dứt áo ra đi ngoái nhìn mà lòng đau như xé. Bầu không khí thành phố, cái mùi biển và mùi bùn hơi khăn khẳn đã buộc ông chạy trốn – giờ đây ông hít vào lồng ngực từng hơi thở sâu, đau đớn một cách dịu êm. Có lẽ nào ông lại không biết, không ngờ rằng trái tim ông gắn bó đến thế với nơi này? Nếu sáng nay chỉ mới là cảm giác hơi nuối tiếc, một thoáng hoài nghi quyết định ra đi, thì bây giờ đã trở thành niềm thống khổ, nỗi đau thương thực sự dày vò tâm can, cay đắng tới mức làm ông nhiều lần ứa lệ, và ông tự nhủ rằng mình làm sao có thể lường trước được nông nỗi này. Đau đớn nhất đối với ông, thật vậy, đau đớn đến nỗi tưởng chừng không chịu nổi, là ý nghĩ có lẽ ông sẽ không bao giờ trở lại Venice, rằng cuộc chia tay này là vĩnh biệt. Bởi đây đã là lần thứ hai thành phố làm ông lâm bệnh, lần thứ hai nó buộc ông vội vã ra đi, từ nay chốn này với ông là cấm địa, ông không thể nào kham nổi nó, quay trở lại nữa thì thậm vô lý. Phải, ông cảm thấy, nếu bây giờ bỏ chạy thì nỗi hổ thẹn và lòng kiêu hãnh sẽ không cho phép ông về lại thành phố yêu dấu này, nơi đã hai lần thân xác ông rã rời bại xuội; và bỗng nhiên cuộc xung đột giữa tinh thần và thể lực trở nên vô cùng trọng yếu đối với người đàn ông ở tuổi xế chiều, lực bất tòng tâm là thất bại nhục nhã phải ngăn chặn bằng mọi giá, và ông không thể hiểu nổi tại sao hôm qua mình lại dễ dàng chấp nhận quyết định ra đi, lại đầu hàng ngay lập tức mà không có một cố gắng chống cự nào đáng kể.

Trong lúc ấy chiếc vaporetto cứ tiến dần đến nhà ga, và đau khổ hoang mang tăng lên tột độ làm ông rối trí. Kẻ bị dày vò cảm thấy mình đi chẳng nỡ, mà ở cũng không xong. Ông vào nhà ga với tâm trạng giằng xé không ngã ngũ. Đã muộn lắm rồi, ông không được lãng phí một giây nào nếu muốn kịp chuyến tàu. Ông muốn mà đồng thời lại không muốn. Nhưng thời gian cấp bách như ngọn roi thúc ông tới trước; ông vội vàng mua vé và nhìn quanh đám đông nhốn nháo trong nhà ga để tìm gã nhân viên khách sạn chuyên phục vụ khách đi đường. Người này xuất hiện và báo với ông rằng chiếc vali lớn đã được gửi đi rồi. Đã gửi rồi? Vâng, gửi rồi – đến Como. Đến Como? Và sau một hồi những câu hỏi giận dữ hối hả bay đi, những câu trả lời bối rối bay lại mới vỡ lẽ ra rằng, chiếc vali của ông đã bị văn phòng vận tải khách sạn Excelsior xếp cùng hành lý của những người khác gửi đi sai chỗ. Aschenbach cố gắng lắm mới giữ được vẻ mặt duy nhất phù hợp với hoàn cảnh này. Một nỗi vui sướng điên cuồng, một cảm giác hoan hỉ không thể tả dâng lên siết chặt lồng ngực ông. Gã nhân viên khách sạn xông xáo tìm cách lấy lại chiếc vali, và, như có thể đoán trước được, quay trở lại với hai bàn tay trắng. Thế là Aschenbach tuyên bố, không có hành lý ông không đi đâu cả, ông quyết định quay trở lại và sẽ đợi ở khách sạn ngoài bãi cho tới khi chiếc vali được hoàn trả. Chiếc xuồng máy của công ty còn đậu ngoài ga không? Gã nhân viên quả quyết, nó neo ngay trước cửa. Trổ hết tài ăn nói kiến trong lỗ cũng phải bò ra của dân Ý, gã thuyết phục người bán vé bồi hoàn lại tấm vé tàu khách vừa mua, thề thốt công ty sẽ đánh điện đi ngay lập tức, sẽ không tiếc tiền bạc và công sức để nhanh chóng tìm lại chiếc vali đưa về cho chủ. Và, thật là trái khoáy, hai mươi phút sau khi đặt chân đến nhà ga kẻ dứt áo ra đi lại thấy mình xuôi dòng Kênh Lớn trở về đảo Lido.

Chuyến phiêu lưu ngược đời thật khó tin, vừa đáng hổ thẹn vừa khôi hài như một giấc mơ: trong vòng một tiếng đồng hồ số phận đảo điên đã cho ông gặp lại những địa điểm ông vừa nói lời vĩnh biệt trong cơn đau khổ tột cùng! Bọt nước sủi lên trước mũi, chiếc xuồng nhỏ nhanh nhẹn luồn lách giữa đám tàu thuyền tấp nập lướt như bay về đích, trong khi vị hành khách cố giấu tâm trạng kích động nửa sợ sệt nửa háo hức của chú bé bỏ nhà ra đi dưới cái mặt nạ thất vọng đầy tức tối. Thỉnh thoảng ngực ông vẫn còn dội lên tiếng cười cố nén trước sự rủi ro mà, như ông tự nhủ, chẳng thể nào hên hơn được nữa. Chịu khó giải thích vài câu, chịu đựng vài cái nhìn kinh ngạc – thế là xong, ông tự bảo thầm, mọi việc sẽ lại ổn thỏa, một tai họa được ngăn ngừa, một sai lầm được sửa chữa, và tất cả những gì ông đã tưởng phải bỏ lại sau lưng sẽ lại mở ra trước mắt ông, lại thuộc về ông chẳng kể lâu mau… Không biết con xuồng lướt nhanh đánh lừa cảm giác, hay gió đã vào hùa với vận tốt của ông mà đổi chiều từ biển thổi vào? sóng đập vào bờ kè bê tông con kênh hẹp xuyên ngang đảo thông tới khách sạn Excelsior. Một chiếc ô tô buýt đợi sẵn ở đó đưa người trở lại quay về khách sạn ngoài bãi trên con đường thẳng tắp trông xuống mặt biển dợn sóng lăn tăn. Viên quản lý bé nhỏ để ria mép, mặc áo khoác có đuôi xuống tận chân bậc tam cấp đón ông.

Bằng giọng khẽ khàng thỏ thẻ ông ta xin lỗi vì sự cố vừa rồi, gọi đó là một sự hổ thẹn cho bản thân mình và cho cả công ty, đồng thời tán thành quyết định sáng suốt của Aschenbach quay lại đây chờ hành lý. Tất nhiên phòng cũ của ông đã có người thuê, nhưng họ có thể dành cho ông một phòng khác tiện nghi không kém. “Pas de chance, monsieur”[21], anh chàng giữ thang máy người Thụy sĩ mỉm cười bảo ông khi cho thang chạy lên lầu. Và như thế kẻ đi trốn lại vào ở trong một phòng mà vị trí và đồ đạc gần như không khác gì căn phòng cũ.

Mệt mỏi, choáng váng vì quay cuồng suốt buổi sáng bất thường, sau khi dỡ hành lý xách tay ông buông mình vào một chiếc ghế bành bên cửa sổ để ngỏ. Biển xanh nhuốm màu lục nhạt, không khí dường như nhẹ nhõm và trong lành hơn, bãi biển với những căn lều và những con thuyền cũng có vẻ tươi tắn hơn, mặc dù bầu trời vẫn còn xám xịt. Aschenbach dõi mắt nhìn xa xăm, tay xếp trong lòng, hết sức hài lòng vì đã trở lại đây, lắc đầu chê trách tâm trạng thất thường, không biết đến cả nguyện vọng của chính mình. Ông cứ ngồi như vậy cả giờ đồng hồ, để tâm trí nghỉ ngơi và mơ mộng. Tầm giữa trưa ông nhìn thấy Tadzio mặc bộ đồ lanh kẻ với chiếc nơ đỏ đi từ phía biển lại, qua bãi tắm có hàng rào bao quanh, theo con đường lót ván về khách sạn. Từ chỗ ngồi trên cao Aschenbach nhận ra cậu bé ngay lập tức, trước cả khi ông thực sự nhìn rõ cậu, và muốn nghĩ một câu, giả dụ như: “Coi kìa, Tadzio, lại gặp em ở đây!” Nhưng cùng lúc ấy câu chào hững hờ đã bị nhấn chìm và phải im tiếng trước sự thật cồn lên trong trái tim ông – khoái cảm tuôn trào trong huyết mạch, niềm vui sướng, nỗi đau khổ đồng thời tràn ngập linh hồn, và ông chợt nhận ra Tadzio mới chính là nguyên nhân làm cho cuộc chia ly trở nên nặng nề đến thế đối với ông.

Ông ngồi lặng thinh, khuất hẳn trên cao, hướng cái nhìn vào sâu trong thâm tâm mình. Các đường nét trên gương mặt ông giãn ra linh hoạt, lông mày dướn lên, một nụ cười thâm thúy, hóm hỉnh đầy vẻ hiếu kỳ nở trên môi. Rồi ông ngẩng đầu chầm chậm phác một cử chỉ, lòng bàn tay quay ra phía trước, hai cánh tay buông thõng trên thành ghế từ từ nhấc lên đưa sang hai bên, như thể ông muốn diễn tả một vòng tay mở rộng. Đó là một cử chỉ sẵn sàng hoan nghênh, điềm nhiên đón nhận.

Bình luận
2880
× sticky