Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 7: Ông Partridge và ông Riddell

Tác giả: Agatha Christie

Thanh tra Glen có vẻ buồn bã. Tôi đoán ông dành cả buổi chiều để thu thập một danh sách đầy đủ tên những người đã vào cửa hàng thuốc lá.

Poirot hỏi: “Người ta không thấy ai sao?”

“Ồ, có chứ. Ba người đàn ông cao lớn vẻ mặt lén lút, bốn người đàn ông thấp có ria mép đen, hai người có râu, ba người đàn ông mập béo, tất cả đều là người lạ. Và nếu tôi tin lời của những nhân chứng này thì tất cả những người đó đều có vẻ mặt đầy sát khí! Sao người ta không nhìn thấy một băng đeo mặt nạ và mang súng lục lúc ra tay luôn đi!”

Poirot cười vẻ thông cảm.

“Có ai khai đã thấy ông Ascher không?”

“Không, ông à. Vậy là ông ta lại có thêm bằng chứng có lợi. Tôi vừa nói với cảnh sát trưởng rằng tôi nghĩ đây là việc của Scotland Yard. Tôi không tin đây là một vụ án địa phương”.

Poirot nghiêm nghị nói: “Tôi đồng ý với anh”.

Viên thanh tra nói:

“Ông Poirot biết đấy, đây là một vụ độc ác – một vụ độc ác… Tôi không thích vụ này…”

Chúng tôi có thêm hai cuộc phỏng vấn trước khi quay lại Luân Đôn.

Đầu tiên là với ông James Partridge. Người ta cho rằng Partridge là người cuối cùng thấy bà Ascher trước khi bà bị giết. Ông đã mua hàng ở chỗ bà lúc 5 giờ 30.

Patridge là một người nhỏ thó, nhân viên ngân hàng. Ông mang kính không gọng, dáng người gầy gò, khô khan, và ông ăn nói cực kỳ chuẩn, ông sống trong một căn nhà nhỏ cũng gọn gàng và ngăn nắp như con người ông.

“Ông, ờ, Poirot”, ông vừa nói vừa nhìn danh thiếp bạn tôi mới đưa. “Ông ở chỗ thanh tra Glen đúng không? Tôi có thể giúp gì cho ông, thưa ông Poirot?”

“Ông Patridge này, tôi nghe nói ông là người cuối cùng nhìn thấy bà Ascher trước khi bà bị giết”.

Ông Partridge đặt mấy đầu ngón tay chạm vào nhau và nhìn Poirot như thể ông ấy là một tấm séc đáng ngờ.

Ông nói: “Chưa chắc đâu, ông Poirot ạ. Có thể nhiều người cũng đến mua đồ ở cửa hàng bà Ascher sau tôi”.

“Nếu thế thì chắc họ chưa đến trình báo rồi”.

Ông Partridge đằng hắng giọng.

“Ông Poirot à, có nhiều người không có ý thức nghĩa vụ công dân”.

Ông nhìn chúng tôi qua cặp kính, vẻ nghiêm nghị.

Poirot lẩm bẩm: “Đúng thế thật. Tôi nghe nói ông tự đi trình báo cảnh sát?”

“Đương nhiên. Ngay khi tôi nghe có vụ án kinh hoàng ấy tôi nghĩ những lời khai của mình có thể giúp ích ít nhiều nên tôi đã làm thế”.

Poirot nói vẻ trang trọng: “Ông làm vậy là đúng đấy. Ông vui lòng thuật lại câu chuyện cho tôi nhé”.

“Đương nhiên rồi. Tôi đang trên đường về nhà và lúc đó là 5 giờ 30 đúng…”

“Xin lỗi, nhưng làm sao ông biết chính xác đến thế?”

Ông Partridge có vẻ bực mình vì bị chen ngang. “Đồng hồ nhà thờ gõ mấy tiếng báo giờ mà. Tôi nhìn đồng hồ và biết mình đến trễ một phút. Đó là ngay trước lúc tôi bước vào cửa hàng của bà Ascher”.

“Ông có hay mua hàng ở đó không?”

“Cũng khá thường xuyên. Cửa hàng nằm ngay trên đường tôi đi làm về mà. Khoảng một hay hai lần một tuần tôi lại có thói quen ghé lại mua vài lạng thuốc John Cotton loại nhẹ”.

“Ông có biết gì về bà Ascher không? Ví dụ như về hoàn cảnh hay quá khứ của bà ấy chẳng hạn?”

“Tôi không hề biết gì về bà ấy. Tôi chỉ mua hàng và thỉnh thoảng nói vài ba câu về thời tiết chứ chưa thật sự trò chuyện với bà ấy”.

“Ông có biết bà ấy có ông chồng nát rượu và hay dọa giết bà không?”

“Không, tôi không hề biết gì về bà ấy cả”.

“Tuy vậy, ông biết mặt bà. Thế thì ông có thấy bà có biểu hiện gì lạ vào chiều tối hôm qua không? Bà ấy có vẻ bồn chồn hay bực bội không?”

Patridge ngẫm nghĩ.

“Theo như tôi để ý thì bà ấy vẫn như mọi ngày”, ông nói.

Poirot đứng dậy.

“Cảm ơn ông đã trả lời câu hỏi của tôi, ông Patridge. Nhân tiện, trong nhà ông có quyển thông tin đường sắt loại A B C nào không? Tôi muốn tìm chuyến tàu để về Luân Đôn”.

Ông Partridge trả lời: “Nó nằm trên kệ ngay sau lưng ông đấy”.

Trên kệ có một quyển thông tin đường sắt loại A B C, một quyển loại Bradshaw, một quyển niên giám chứng khoán, một danh bạ điện thoại Kelly, một quyển danh nhân, và một quyển danh bạ địa phương.

Poirot lấy quyển thông tin đường sắt A B C, giả vờ tìm chuyến tàu rồi cảm ơn ông Partridge và ra về.

Cuộc phỏng vấn tiếp theo là với ông Albert Riddell – một người có tính cách khác hẳn. Ông Albert Riddell là thợ sửa chữa đường ray và cuộc nói chuyện của chúng tôi diễn ra trong tiếng loảng xoảng bát đĩa của bà vợ đang lo âu của ông Riddell, tiếng gầm gừ của con chó nhà ông Riddell và cả thái độ hung hăng của chính ông Riddell.

Riddell có dáng người cao lớn, thô kệch với khuôn mặt to và đôi mắt nhỏ đáng ngờ. Ông đang ăn bánh nhân thịt và uống trà đen đậm đặc. Từ vành tách trà ngẩng lên, đôi mắt ông nhìn chúng tôi chằm chằm vẻ giận dữ.

Ông càu nhàu: “Tôi đã nói những gì cần nói một lần rồi mà. Việc đó có liên quan gì đến tôi cơ chứ? Tôi đã khai với bọn cảnh sát trời đánh rồi và giờ tôi phải kể lại cho mấy người nước ngoài khốn kiếp này nữa”.

Poirot liền đưa mắt về phía tôi vẻ thích thú rồi nói:

“Thật ra tôi rất thông cảm với ông, nhưng ông có thể làm gì khác cơ chứ? Vấn đề là vụ giết người phải không nào? Người ta phải hết sức cẩn trọng”.

Người vợ nói vẻ căng thẳng: “Tốt nhất là kể cho quý ông đây nghe những gì mà ông ấy yêu cầu đi, Bert”.

Gã khổng lồ đó gầm lên: “Bà câm mồm đi”.

Poirot nhã nhặn đưa ra nhận xét: “Theo tôi biết thì ông đã không đi trình báo cảnh sát”.

“Sao tôi phải làm thế chứ? Có mắc mớ gì đến tôi đâu”.

Poirot hờ hững nói: “Vấn đề là có một vụ giết người và cảnh sát muốn biết ai đã vào cửa hàng. Tôi trộm nghĩ, sao nhỉ, nếu ông đến trình báo thì thuận theo lẽ tự nhiên hơn”.

“Tôi bận việc lắm. Đừng bảo là tôi phải đi trình báo trong giờ làm việc của tôi…”

“Sự thật thì cảnh sát đã có được tên người ghé cửa hàng của bà Ascher và họ đã đến tìm gặp ông. Họ có thỏa mãn với những lời khai của ông không?”

“Tại sao không chứ?” Bert hùng hổ vặn lại.

Poirot chỉ nhún vai.

“Ý ông là sao? Không ai có điều gì chống lại tôi đúng không? Ai cũng biết ai ra tay với mụ già ấy, thằng chồng khốn kiếp của mụ chứ ai nữa”.

“Nhưng buổi chiều xảy ra chuyện ông ta không ở đó mà ông thì có”.

“Ông đang cố gắng gán tội cho tôi à? Hừm, thế thì ông không làm được đâu. Mắc gì tôi phải làm vậy? Hay ông nghĩ tôi làm thế vì muốn ăn trộm thuốc lá của bà ta? Hay tôi là kẻ điên cuồng ưa giết người như người ta vẫn nói? Hay là…?”

Ông đứng dậy vẻ đe dọa. Bà vợ ré lên:

“Bert, Bert, đừng nói thế. Bert, họ sẽ nghĩ là…”

Poirot nói: “Bình tĩnh nào, ông bạn. Tôi chỉ muốn lấy lời khai việc ông ghé cửa hàng thôi mà. Ông cứ khăng khăng từ chối khiến tôi, nói sao nhỉ, thấy hơi kỳ lạ?”

“Ai nói tôi từ chối chứ?” Riddell ngồi lại xuống ghế. “Tôi không ngại kể đâu”.

“Khi ông vào cửa hàng là 6 giờ đúng không?”

“Đúng thế, thật ra là quá một vài phút. Tôi muốn mua một gói Gold Fake. Tôi đẩy cửa vào thì…”

“Lúc đó cửa đóng à?”

“Đúng thế. Tôi tưởng cửa hàng đã đóng cửa. Nhưng không phải thế. Tôi bước vào nhưng không có ai ở đó cả. Tôi gõ gõ lên quầy và đợi một lát. Không có ai ra nên tôi bỏ về. Hết rồi, có chừng đó thôi”.

“Ông không thấy có người bị ngã sau quầy sao?”

“Không, không thấy – nếu không tìm kiếm thì chắc là không thấy được”.

“Có quyển thông tin đường sắt nào nằm quanh đó không?”

“Có. Nó nằm úp xuống. Lúc đó tôi thoáng nghĩ có thể bà cụ phải vội vã lên tàu nên quên đóng cửa hàng”.

“Ông có cầm quyển thông tin đường sắt lên hay kéo nó trên quầy không?”

“Tôi không hề đụng vào nó. Tôi đã kể hết những gì tôi làm rồi”.

“Thế ông không thấy ai rời cửa hàng trước khi ông bước vào sao?”

“Không có. Tôi khai hết rồi, sao cứ quy cho tôi thế?”

Poirot đứng dậy.

“Chưa ai quy kết gì ông cả. Tạm biệt ông”.

Poirot bỏ đi trong khi gã kia há hốc mồm, tôi cũng theo chân ông.

Ra tới ngoài đường ông xem đồng hồ.

“Này ông bạn, nếu chúng ta đi nhanh hết cỡ thì có thể bắt kịp chuyến tàu 7 giờ 2 phút. Chúng ta phải đi nhanh lên

Bình luận