Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 17: Thời điểm nước sôi lửa bỏng

Tác giả: Agatha Christie

Thêm án mạng của ngài Carmichael Clarke nữa khiến vụ án bí ẩn A B C bỗng nhiên nổi như cồn.

Tất cả các báo đều chỉ nói về vụ này. Báo chí đăng là đã tìm thấy nhiều loại “chứng cứ” khác nhau. Người ta công bố các vụ bắt bớ sắp xảy ra. Ảnh của những người và địa điểm có mối quan hệ xa lắc xa lơ cũng được đăng. Còn có cả các bài phỏng vấn bất kỳ ai mà nhà báo phỏng vấn được. Rồi cả những câu hỏi đặt ra trong quốc hội.

Vụ giết người Andover giờ đây cũng được xếp chung với hai vụ kia.

Scotland Yard tin rằng đưa hết lên báo là cơ hội tốt nhất để tóm gọn tên sát nhân. Toàn bộ người dân Vương quốc Anh biến mình thành một đội quân thám tử nghiệp dư.

Báo Daily Flicker khiến người ta cực kỳ phấn khích khi đăng cái tít:

HẮN CÓ THỂ ĐANG Ở TRONG THỊ TRẤN CỦA BẠN!

Đương nhiên Poirot dấn sâu vào vụ này. Những bức thư gửi đến cho ông được đăng báo và gửi qua fax. Ông bị lăng mạ thê thảm vì không ngăn chặn được những vụ án đó rồi lại được bào chữa với lý do là ông chuẩn bị nêu tên kẻ sát nhân.

Phóng viên thì liên tục làm phiền ông để được phỏng vấn.

Những gì thám tử Poirot nói hôm nay.

Kèm theo cái tựa trên thường là nửa trang báo viết toàn chuyện ngu ngốc.

Thám tử Poirot cho rằng tình hình rất nghiêm trọng. Thám tử Poirot gần chạm đến thành công.

Đại úy Hastings, người bạn thân nhất của thám tử Poirot trao đổi với đại diện đặc biệt của chúng tôi…

“Poirot”, tôi nói lớn. “Tin tôi đi. Không đời nào tôi nói thế”.

Ông bạn tôi trả lời vẻ độ lượng:

“Tôi biết mà, Hastings – tôi biết chứ. Những lời nói ra và những bài viết khác nhau một trời một vực ấy. Người ta vặn vẹo thế nào mà câu chữ trái ngược hoàn toàn với ý gốc ông ạ”.

“Tôi không muốn ông nghĩ là tôi đã nói…”

“Đừng lo ông bạn. Tất cả những điều này chẳng quan trọng gì hết. Thậm chí những lời ngu ngốc đó có thể còn giúp ích cho chúng ta ấy chứ”.

“Giúp thế nào?”

“Eh bien”, Poirot nói dứt khoát. “Nếu thằng điên đó đọc được những gì hắn cho là tôi đã nói với báo Daily Blague hôm nay, hắn sẽ coi thường một đối thủ như tôi!”

Tôi có cảm tưởng người ta chẳng làm gì thiết thực để điều tra cả. Nhưng thực ra, Scotland Yard và cảnh sát địa phương ở các hạt ngày đêm theo dõi các manh mối dù là nhỏ nhất.

Khách sạn, những người cho thuê trọ, nhà trọ trong bán kính rộng của các hiện trường vụ án đều bị chất vấn cặn kẽ.

Hàng trăm câu chuyện của những người giàu trí tưởng tượng đã khai đại loại như họ “thấy một người đàn ông trông rất khả nghi và mắt thì láo liên”, hay “để ý thấy một gã mặt đầy sát khí lượn lờ quanh đày”, đều được sàng lọc cho đến chi tiết cuối cùng. Không một thông tin hay thậm chí là chi tiết mơ hồ nhất nào bị bỏ qua. Tàu lửa, xe buýt, xe điện, nhân viên đường sắt, nhân viên soát vé trên xe buýt, quầy sách, hay quầy văn phòng phẩm đều bị chất vấn và thẩm tra.

Ít ra có rất nhiều người bị bắt và bị hỏi cung cho tới khi họ có thể trình bày thỏa đáng với cảnh sát họ đã làm gì vào đêm xảy ra án mạng.

Kết quả nói chung không phải là không được gì. Một vài lời khai được lưu ý và ghi chép lại vì có thể có giá trị, dù vậy không có thêm chứng cứ nào khiến vụ án đi vào ngõ cụt.

Nếu như Crome và đồng sự của anh ta điều tra không biết mệt mỏi thì lạ thay Poirot lại nằm ngửa chẳng làm gì. Chúng tôi đôi khi còn cãi nhau.

“Nhưng ông bắt tôi phải làm gì bây giờ, ông bạn? Việc thẩm vấn hàng ngày thì cảnh sát làm còn tốt hơn tôi ấy chứ. Lúc nào cũng thế – lúc nào ông cũng muốn tôi chạy loanh quanh như con chó”.

“Còn hơn ông ngồi nhà như là – như là…”

“Như là một người biết điều! Ông Hastings ơi, sức mạnh của tôi là ở bộ óc, có phải ở đôi chân đâu! Những lúc ông thấy tôi chẳng làm gì là lúc tôi đang suy ngẫm”.

“Suy ngẫm ư?” tôi gào lên. “Đây là lúc để suy ngẫm sao?”

“Đúng thế. Ngàn lần đúng”.

“Nhưng ông có thể tìm ra được gì nếu chỉ ngồi đó suy ngẫm? Ông đã thuộc lòng hết tình tiết của ba vụ án rồi mà”.

“Tôi không suy nghĩ về các tình tiết mà về tâm trí của kẻ giết người”.

“Tâm trí của kẻ giết người ư!”

“Đúng thế. Và vì thế không có câu trả lời ngay lập tức. Khi tôi biết được tên sát nhân trông như thế nào, tôi sẽ tìm ra hắn. Và càng ngày tôi càng biết nhiều hơn. Sau vụ Andover, chúng ta biết gì về tên sát nhân nào? Hầu như không biết gì hết. Sau vụ Bexhill? Biết thêm một chút. Sau vụ Churston? Biết thêm chút nữa. Tôi bắt đầu thấy- không phải thứ ông muốn thấy như đường nét khuôn mặt và hình dáng mà là phác thảo tâm trí hắn. Tâm trí đó di chuyển và hoạt động theo một hướng cụ thể nào đó. Sau vụ tiếp theo…”

“Poirot!”

Ông bạn nhìn tôi thản nhiên.

“Nhưng, đúng thế mà, Hastings. Tôi nghĩ gần như chắc chắn là sẽ có thêm một vụ nữa. Cũng còn phụ thuộc nhiều vào cơ may. Cho tới bây giờ tên bí ẩn đó đã gặp may. Nhưng bất luận thế nào, sau vụ tiếp theo chắc chắn chúng ta sẽ biết nhiều hơn. Tội ác tiết lộ rất nhiều điều. Dù anh có thử áp dụng và thay đổi phương pháp của anh bao nhiêu đi nữa, sở thích của anh, thói quen của anh, tâm lý của anh, và tâm hồn anh sẽ bộc lộ qua hành động của anh. Đôi khi sự biểu lộ có chút khó hiểu như thể hai bộ óc đang hoạt động cùng lúc nhưng chẳng bao lâu cái đường nét đó sẽ rõ ra, rồi tôi sẽ biết”.

“Đó là ai?”

“Không đâu Hastings, tôi sẽ không biết tên và địa chỉ của hắn ta! Mà tôi sẽ biết hắn thuộc loại người nào…”

“Rồi sau đó…?”

“Et alors, je vais à la pêche”. [1]

Trong lúc tôi còn hoang mang thì Poirot nói tiếp:

“Ông biết đấy Hastings, một người câu cá chuyên nghiệp sẽ biết loại mồi nào nên thả cho loại cá nào. Tôi sẽ nhử đúng loại mồi cho mà xem”.

“Rồi sau đó thì sao?”

“Và rồi? Và rồi sau đó thì sao? Ông cũng như cái gã Crome tự phụ lúc nào cũng nói đi nói lại câu ‘Ô, thế à?’ Ờ, rồi sau đó hắn ta sẽ cắn mồi và cả móc câu nữa và chúng ta chỉ việc kéo cần câu thôi…”

“Trong lúc đó thì người ta đã chết la liệt”.

“Ba người rồi. Và có chừng 120 người chết vì tai nạn giao thông mỗi tuần, đúng không?”

“Chuyện đó hoàn toàn khác”.

“Có thể đối với những người chết thì như nhau cả thôi. Còn đối với những người khác, bà con, bạn bè – thì ừ, có khác, nhưng ít ra trong vụ án này có một điều khiến tôi vui”.

“Hãy làm mọi cách để chúng tôi được nghe bất kỳ cái gì thật sự vui vẻ đi nào”.

“Đừng chế nhạo thế. Điều khiến tôi vui là không có cái bóng đen tội lỗi nào làm khổ những người vô tội”.

“Chết chóc chưa đủ tệ hay sao?”

“Không, ngàn lần không! Không có gì đáng sợ hơn là sống trong cảm giác nghi ngờ- khi nhận ra những cặp mắt đang dòm ngó mình và bao nhiêu yêu thương trong ánh mắt đó đã biến thành sợ hãi – không có gì ghê gớm bằng việc nghi ngờ những người thân yêu của mình – Điều đó thật hiểm độc – một luồng khí độc. Không, ít ra đầu độc cuộc sống của người vô tội là điều mà A B C không làm”.

“Chẳng sớm thì muộn ông lại bào chữa cho thằng cha đó mất thôi!” tôi chua chát.

“Sao lại không chứ? Có thể hắn tin rằng hắn đúng. Biết đâu cuối cùng chúng ta lại thông cảm với quan điểm của hắn”.

“Thiệt tình cái ông Poirot này!”

“Trời ơi! Tôi đã làm ông sốc rồi. Lúc nãy là do sự trì trệ – và bây giờ là do quan điểm của tôi”.

Tôi lắc đầu không trả lời.

Sau vài phút Poirot nói: “Cũng giống nhau cả thôi. Tôi có việc này sẽ khiến ông vui đây – vì việc này khiến ông phải hoạt động chứ không ngồi một chỗ. Ngoài ra, đòi hỏi phải nói chuyện nhiều và không cần phải suy nghĩ”.

Tôi không thích giọng điệu của ông chút nào.

“Việc gì thế?” tôi thận trọng hỏi.

“Lấy tất cả các thông tin mà bạn bè, bà con và người giúp việc của các nạn nhân biết được”.

“Ông nghi ngờ họ vẫn chưa khai hết với chúng ta à?”

“Ừ, nhưng họ không cố ý đâu. Nhưng kể tất cả những gì ông biết luôn luôn ẩn chứa sự chọn lọc. Giả sử tôi bảo ông kể lại chi tiết những gì ông làm ngày hôm qua cho tôi, có thể ông sẽ trả lời: ‘Tôi thức dậy vào lúc 9 giờ sáng, tôi ăn sáng lúc 9 giờ 30, tôi ăn trứng, thịt lợn muối xông khói và cà phê, rồi tôi đến câu lạc bộ của tôi, v.v…’ ông sẽ không kể vào các chi tiết như: ‘Tôi làm xước móng tay và phải cắt nó. Tôi gọi nước cạo râu. Tôi làm đổ một ít cà phê lên khăn trải bàn. Tôi chùi cái mũ rồi mới đội lên đầu’. Người ta không thể kể mọi thứ được. Thế nên người ta phải chọn lọc. Khi án mạng xảy ra, người ta chọn những gì người ta cho là quan trọng để kể. Nhưng thường là họ nghĩ sai!”

“Vậy thì làm sao người ta có thể kể đúng?”

“Như tôi vừa mới nói, đơn giản là bằng đối thoại. Bằng cách nói chuyện! Bằng cách bàn về một sự việc hay một người nào đó hay một ngày nào đó, cứ lặp đi lặp lại thế, những chi tiết thêm vào sẽ xuất hiện”.

“Những chi tiết nào cơ?”

“Đương nhiên là tôi chưa biết, nếu biết tôi đã không tìm kiếm làm gì. Nhưng giờ thì hơi trễ rồi nên khó lấy lại những chi tiết tưởng như bình thường đó. Trái ngược với tất cả những quy tắc toán học là trong ba vụ giết người không có một thông tin hay câu nào liên quan đến vụ án. Chỉ có mấy sự việc và nhận xét vặt vãnh, phải có điểm nào đó đáng chú ý chứ! Chuyện này như thể mò kim đáy biển nhưng tôi nghĩ trong lòng biển ít ra có một cây kim – tôi tin chắc thế!”

Tôi thấy cực kỳ mơ hồ và mù mịt.

“Ông không hiểu sao? Đầu óc ông không sắc bén bằng một cô phục vụ tầm thường nữa”.

Ông thảy cho tôi một bức thư. Chữ viết rõ ràng nhưng hơi lên dốc xuống đèo.

“Kính thưa bác,

Cháu hy vọng bác bỏ quá cho cháu vì đã tự ý viết thư cho bác. Kể từ sau hai vụ án khủng khiếp như vụ án của dì cháu, cháu suy nghĩ nhiều lắm. Có vẻ như chúng ta dang cùng cảnh ngộ. Cháu thấy ảnh của cô gái trên báo, ý cháu là, cô chị của cô gái trẻ bị giết ở Bexhill ấy ạ. Cháu đã lấy hết can đảm viết thư cho cô ấy và báo là cháu sẽ đến Luân Đôn để tìm chỗ ở và hỏi xem liệu cháu có thể đến gặp cô ấy hay mẹ của cô ấy vì dù sao hai người suy nghĩ thì vẫn hơn một người, cháu không cần tiền lương nhiều, cháu chỉ muốn tìm ra kẻ tàn ác đó là ai và có lẽ chúng ta sẽ tìm ra sự thật nhanh hơn nếu chúng ta đều kể ra những gì mình biết, biết đâu sẽ tìm ra được cái gì đó. Cô gái ấy hồi âm lại cho cháu rất tử tế và cô ấy kể là cô làm việc ở một văn phòng và sống trong một nhà trọ nhưng cô ấy đề nghị cháu viết thư cho bác và viết rằng cô ấy cũng đang suy nghĩ giống cháu. Và cô bảo là chúng cháu gặp hoạn nạn giống nhau thế nên chúng cháu phải sát cánh bên nhau. Vì vậy, cháu viết thư cho bác để báo cho bác biết cháu sẽ đến Luân Đôn và đây là địa chỉ của cháu.

Hy vọng cháu không làm phiền bác.

Kính thư.

Marry Drower”

Poirot nói: “Mary Drower là một cô gái rất thông minh”.

Ông cầm lá thư khác lên.

“Đọc thư này đi”.

Đó là thư của Franklin Clarke viết rằng anh ta sắp đến Luân Đôn và nếu được phép anh ta sẽ đến gặp Poirot.

Poirot nói: “Đừng tuyệt vọng ông bạn. Hành động sắp sửa bắt đầu”.

Chú thích:

[1] Tôi chỉ việc câu thôi.

Dịch giả:Võ thị Hương Lan

Bình luận