Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 23: Ngày 11 tháng 9 – Doncaster

Tác giả: Agatha Christie

Doncaster!

Tôi nghĩ mình sẽ nhớ cái ngày 11 tháng 9 đó suốt đời.

Thật sự, cứ mỗi lần ai nhắc đến St. Leger là lập tức đầu óc tôi nghĩ ngay tới vụ giết người chứ không phải đua ngựa.

Nhớ lại cảm giác của mình lúc đó, điều nổi lên rõ nhất là cảm giác kinh sợ vì bất lực. Chúng tôi có mặt ngay tại hiện trường – Poirot, tôi, Clarke, Fraser, Megan Barnard, Thora Grey và Mary Drower, nhưng suy cho cùng ai trong số chúng tôi có thể làm được gì?

Chúng tôi đang bám víu vào một hy vọng mỏng manh – cơ may nhận ra được một khuôn mặt hay dáng hình mà có lần mình đã gặp hai hay ba tháng trước trong đám đông hàng ngàn người đó.

Thực tế phũ phàng hơn nhiều. Trong bọn tôi, người duy nhất có thể nhận dạng hắn là Thora Grey.

Căng thẳng làm có không giữ được vẻ bình tĩnh vốn có. Phong cách điềm tĩnh và nhanh nhẹn của cô tan biến hết. Cô ngồi đan tay vào nhau, mặt như muốn khóc, cô cất từng tiếng rời rạc cầu cứu Poirot.

“Tôi chưa thật sự nhìn rõ hắn đâu… Sao lúc đó tôi lại không nhìn hắn cơ chứ? Tôi thật ngốc quá. Ai cũng đặt niềm tin vào tôi hết… vậy mà tôi sẽ làm mọi người thất vọng mất. Bởi vì dù có gập lại hắn ta lần nữa chắc tôi sẽ không nhận ra đâu. Tôi không giỏi nhớ mặt người lạ đâu ạ”.

Poirot, dù nói gì với tôi hay muốn phê bình cô gái đó thậm tệ bao nhiêu, chẳng tỏ thái độ bực mình mà rất ân cần. Thái độ của ông cực kỳ nhẹ nhàng. Tôi ngạc nhiên khi thấy Poirot quan tâm đến người đẹp đang đau khổ còn hơn tôi nữa.

Ông ôn tồn vỗ nhẹ vào vai cô gái.

“Thôi nào cô gái, đừng quá kích động thế. Chúng ta không được hoang mang đâu. Nếu gặp hắn, cô sẽ nhận ra ngay”.

“Làm sao tôi nhận ra được chứ?”

“Ồ, có nhiều lý do lắm – nhưng có một lý do đó là hết ô đen thì sẽ đến ô đỏ thôi”.

“Ý ông là gì hả, Poirot?” tôi hỏi lớn.

“Tôi đang nói theo ngôn ngữ cờ bạc. Trên bàn quay roulette, có thể bóng sẽ liên tiếp lăn vào ô đen nhưng cuối cùng thì cũng phải lan vào ô đỏ mà thôi. Đó là quy luật ngẫu nhiên của toán học”.

“Ý ông là tình thế sẽ xoay chuyển?”

“Đúng thế, Hastings. Và đó là khi con bạc (và kẻ sát nhân, nói cho cùng cũng chỉ là một loại con bạc cao cấp nhất vì thứ hắn liều lĩnh đánh cược không phải là tiền bạc mà là mạng sống của hắn) thường thiếu suy nghĩ sáng suốt. Vì hắn đang thắng nên hắn nghĩ hắn sẽ thắng mãi! Hắn không rời cuộc chơi đúng lúc để bảo toàn số tiền thắng được. Thế nên trong vụ án mà tên sát nhân đang thành công thì hắn không thể nhận thấy nguy cơ mình sẽ thất bại! Hắn nhận hết chiến công về mình nhưng tôi nói cho các bạn biết nhé dù hắn có lên kế hoạch kỹ lưỡng đến chừng nào, không có vụ án nào thành công mà không nhờ may mắn cả!”

“Chẳng phải chúng ta đang đi quá xa sao?” Franklin Clarke ra vẻ từ tốn.

Poirot phẩy tay kịch liệt.

“Không, không đâu. Nếu muốn anh có thể nghĩ hai bên có cơ hội ngang nhau nhưng phải thiên về chúng ta. Nghĩ kỹ nhé! Lẽ ra có thể thế này: ai đó vào cửa hàng bà Ascher khi tên sát nhân vừa đi ra. Người đó có thể đã nhìn phía sau quầy và thấy bà lão đã chết – và người đó hoặc bắt được tên sát nhân ngay hoặc có thể miêu tả chính xác tên sát nhân với cảnh sát để hắn bị bắt tức khắc”.

“Vâng, đúng thế, có thể thế lắm chứ”, Clarke thừa nhận. “Nói vậy thì tên sát nhân phải chớp được cơ hội”.

“Đúng thế. Kẻ giết người luôn là một con bạc. Và giống như những tay cờ bạc, tên sát nhân thường không biết lúc nào nên dừng. Cứ sau mỗi vụ án, hắn nghĩ khả năng của hắn mạnh thêm. Khả năng phán đoán tỷ lệ của hắn bị lệch đi. Hắn không nói ‘Tôi thông minh và may mắn!’ Đúng, hắn chỉ nói là ‘Tôi thông minh!’ thôi. Và ý nghĩ về sự thông minh của hắn ngày càng mạnh mẽ và rồi, các bạn ạ, quả bóng xoay và mấy ô màu ngừng chạy rồi bóng rơi vào một số mới và thế là nhà cái gọi ‘Màu đỏ’.”

Megan nhíu mày hỏi: “Ông nghĩ điều đó sẽ xảy ra ở vụ này ạ?”

“Sớm muộn gì rồi cũng phải xảy ra thôi! Cho tới giờ may mắn đang mỉm cười với tên tội phạm – nhưng chẳng sớm thì muộn nó sẽ quay sang mỉm cười với chúng ta thôi. Tôi tin là may mắn vừa mới đổi hướng! Manh mối về mấy đôi bít tất là điểm bắt đầu. Giờđây thay vì mọi việc diễn ra theo hướng có lợi cho hắn thì mọi việc bắt đầu trục trặc rồi! Và hắn cũng sẽ mắc lỗi…”

“Tôi thấy ông có vẻ phấn khích”, Franklin Clarke nói. “Tất cả chúng ta đều cần một chút an ủi. Từ khi ngủ dậy đến giờ tôi cảm thấy vô vọng đến tê liệt ông ạ”.

“Tôi thấy chúng ta khó mà đạt được cái gì hiệu quả”, Donald Fraser lên tiếng.

Megan nạt:

“Đừng có nói kiểu chưa làm đã sợ thua thế, Don”.

Mary Drower hơi đỏ mặt nói:

“Em thì nghĩ biết đâu đấy. Cái tên quỷ quyệt đó có mặt ở đây, chúng ta cũng có mặt ở đây – và suy cho cùng đôi khi người ta lại chạm mặt nhau trong tình huống trớ trêu nhất”.

Tôi cáu kỉnh:

“Giá mà chúng ta làm được nhiều hơn thế này”.

“Hastings à, ông phải nhớ rằng cảnh sát đang làm mọi điều có thể. Các cảnh sát đặc nhiệm cũng được mời đến. Thanh tra Crome giỏi giang thái độ có thể khó chịu nhưng anh ta là một cảnh sát có năng lực còn đại tá Anderson là một cảnh sát trưởng ưa hành động. Họ áp dụng những biện pháp tối ưu nhất để theo dõi và tuần tra thị trấn này cũng như cuộc đua ngựa. Cảnh sát chìm sẽ có mặt mọi nơi. Ngoài ra còn có các chiến dịch truyền thông. Dân chúng sẽ được cảnh báo đầy đủ”.

Donald Fraser lắc đầu.

“Tôi nghĩ hắn sẽ không dám ra tay đâu”, anh ta nói vẻ hy vọng hơn. “Thằng cha đó bị điên mà!”

Clarke lạnh nhạt: “Rất tiếc là hắn ta bị điên! Ông nghĩ sao, ông Poirot? Hắn sẽ từ bỏ hay sẽ cố gắng thực hiện vụ này?”

“Tôi nghĩ hắn có một nỗi ám ảnh mạnh mẽ rằng phải cố gắng thực hiện cho được lời hứa của hắn! Nếu không làm được thế có nghĩa là hắn thừa nhận mình thua, mà cái tính tự cao tự đại điên loạn của hắn sẽ không cho phép hắn làm thế. Tôi nghĩ bác sĩ Thompson cũng cùng quan điểm với tôi. Giờ chúng ta chỉ còn hy vọng là hắn sẽ bị bắt khi chuẩn bị ra tay”.

Donald lại lắc đầu.

“Hắn sẽ rất xảo quyệt cho mà xem”.

Poirot liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Chúng tôi hiểu ý ông ngay. Chúng tôi đã đồng ý với nhau là sẽ dành hết cả ngày cho vụ này. Chúng tôi sẽ đi tuần khắp các đường phố vào buổi sáng và sau đó chốt ở các điểm khác nhau ở trường đua ngựa.

Tôi dùng đại từ “chúng tôi”. Dĩ nhiên, trong trường hợp của tôi thì việc đi tuần như thế chẳng ích lợi gì vì tôi chưa bao giờ thấy tên A B C đó. Tuy nhiên, vì ý tưởng chia nhau ra để tìm được nhiều khu vực hơn, tôi đề nghị đi kèm với một trong ba có gái.

Poirot đồng ý nhưng hình như kèm theo cái nheo mắt.

Mấy cô gái đi lấy mũ đội lên. Donald Fraser đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài, rõ ràng anh ta đang nghĩ ngợi nhiều lắm.

Franklin Clarke liếc về phía anh ta nhưng rồi thấy người kia quá lơ đãng vẻ như không muốn nghe chuyện của ai nên anh ta hạ giọng gọi Poirot.

“À, ông Poirot này. Khi ông xuống Churston gặp chị dâu tôi, chị ấy có kể hay có ám chỉ – ý tôi là – chị ấy có gợi ý gì không…?”

Anh ta ngừng nói, bối rối.

Poirot trả lời, vẻ mặt ông giả vờ ngơ ngác khiến tôi rất nghi ngờ.

“Comment? [1] Chị dâu của anh có nói, ám chỉ, gợi ý gì kia?”

Franklin Clarke mặt đỏ như gấc.

“Có lẽ ông nghĩ bây giờ không lúc nhắc đến chuyện cá nhân…”

“Du tout!” [2]

“Nhưng tôi cảm thấy tôi muốn mọi chuyện được rõ ràng”.

“Suy nghĩ như thế là rất phải”.

Lần này tôi nghĩ Clarke đã bắt đầu nghi ngờ vẻ mặt ngây thơ của Poirot ẩn giấu điều gì đó vẻ thích thú lắm. Anh ta khó nhọc kể tiếp câu chuyện.

“Chị dâu tôi là một người phụ nữ cực kỳ tốt bụng – Tôi lúc nào cũng yêu quý chị ấy – nhưng chị bị ốm một thời gian rồi – và với bệnh tình như thế – phải uống thuốc và trị liệu như thế – người ta thường – ờ, nghĩ quá về người khác!”

“Hả?”

Giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa về cái ánh nhìn của Poirot. Nhưng Franklin Clarke đang bận tìm cách nói sao cho khéo nên không để ý đến.

Anh nói tiếp: “Đó là về chuyện cô Grey”.

“Ồ, anh đang nói chuyện về cô Grey à?” Giọng điệu của Poirot tỏ ra ngạc nhiên ngơ ngác.

“Vâng. Phu nhân Clarke cứ giữ khư khư ý kiến của mình. Ông biết đó, Thora – cô Grey, ờ, khá xinh xắn…”

“Có lẽ – đúng thế”, Poirot thừa nhận.

“Và phụ nữ, dù là người tốt nhất, cũng đối xử không tốt với phụ nữ khác. Đương nhiên, đối với anh trai tôi mà nói thì Thora rất quan trọng – anh luôn khen rằng cô là thu ký tốt nhất của anh – và anh cũng rất mến cô ấy. Nhưng tình cảm đó rất đường hoàng và không có gì phải giấu diếm. Ý tôi, Thora không phải là loại con gái…”

Poirot nói như đỡ lời: “Không ư?”

“Nhưng tôi nghĩ chị dâu tôi thấy thế lấy làm – ờ – ghen tuông. Không phải là chị tỏ thái độ với anh tôi. Nhưng sau khi anh Car qua đời, thì chuyện về cô Grey lại nảy sinh – ờ chị Charlotte chỉ trích rất gay gắt. Đương nhiên, một phần do chị đau ốm cộng với việc dùng moóc-phin và mấy thứ khác – Y tá Capstick bảo thế – cô ấy bảo chúng tôi không được trách chị Charlotte vì đã nghĩ ngợi lung tung…”

Anh ta ngừng nói.

“Rồi sao nữa?”

“Ông Poirot ạ, tôi muốn ông hiểu là chẳng có chuyện gì giữa họ cả. Đó chỉ là những hoang tưởng của người ốm thôi. Đây này” – Anh ta lục trong túi áo – “đây là một lá thư tôi nhận được từ anh trai tôi khi tôi ở Malaysia. Tôi muốn ông đọc vì nó nói rõ mối quan hệ của họ như thế nào”.

Poirot nhận lấy bức thư. Franklin đến bên cạnh ông, chỉ tay vào bức thư và đọc to một số đoạn trong thư.

“- mọi việc vẫn thế. Chị Charlotte cũng không đỡ hơn mấy. Anh ước giá mà tình hình tốt hơn. Em có nhớ Thora Greỵ không? Có gái đó rất đáng yêu và là nguồn an ủi lớn đối vởi anh em ạ. Anh không biết mình sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này thế nào nếu không có cô ấy. Cô ấy lúc nào cũng cảm thông và quan tâm đến anh. Cô ấy có sở thích tinh tế và có mắt nhìn cái đẹp và còn có chung niềm đam mê nghệ thuật Trung Hoa với anh. Thật sự mà nói thì anh đã rất may mắn khi được gặp cô ấy. Không đứa con gái ruột nào có thể gần gũi và cảm thông với anh như cô bé. Cuộc đời cô bé gặp nhiều bất hạnh và khó khăn nhưng anh vui vì ở đây cô bé có một mái ấm và được yêu thương hết lòng”.

Franklin nói: “Ông thấy đấy, đó là tình cảm anh trai tôi dành cho cô ấy. Anh xem cô ấy như con gái. Tôi thấy bất ơông là ngay sau khi anh trai tôi qua đời, vợ của anh lại đuổi cô ấy ra khỏi nhà! Phụ nữ đúng là ác độc, ông Poirot ạ”.

“Chị dâu của anh đang bệnh tật, ốm đau mà”.

“Tôi biết chứ. Đó là lý do vì sao tôi luôn tự nhủ mình không được nghĩ xấu về chị ấy. Dù sao tôi cũng muốn cho ông biết. Tôi không muốn ông có ấn tượng sai về Thora vì những điều mà phu nhân Clarke có thể kể cho ông”.

Poirot trả lại bức thư.

“Tôi cam đoan với anh”, ông mỉm cười nói, “rằng tôi không bao giờ cho phép mình hiểu sai dựa trên những gì người khác nói với tôi. Tôi tự có phán đoán riêng của mình mà”.

Clarke vừa nói vừa cất bức thư đi: “Ờ, dù sao tôi cũng rất vui vì đã giãi bày với ông. Các cô gái đến rồi. Chúng ta đi thôi”.

Lúc chúng tôi rời phòng thì Poirot gọi tôi lại.

“Ông quyết định sẽ đi cùng mọi người chứ, Hastings?”

“Ồ, có chứ. Ở lại đây mà không làm gì tôi thấy buồn lắm”.

“Có cả hoạt động trí óc lẫn tay chân đó, Hastings”.

“Ờ, ông giỏi mấy vụ đó hơn tôi mà”, tôi đáp.

“Ông chỉ được cái nói đúng thôi, Hastings. Tôi đoán ông có ý đi theo hộ tống một trong các quý cô của chúng ta phải không nào?”

“Đúng thế”.

“Thế quý có nào may mắn được ông tháp tùng?”

“Ờ… tôi… ờ… chưa quyết định”.

“Thế cô Barnard thì sao?”

“Cô ấy có vẻ khá độc lập”, tôi lưỡng lự nói.

“Cô Grey thì sao?”

“Được đấy. Cô ấy hợp hơn”.

“Bắt quả tang nhé, Hastings! Thật ra thì ông đã quyết định dành cả ngày để đi cùng thiên thần tóc vàng của mình chứ gì!”

“Ôi, thật tình cái ông Poirot này!”

“Rất tiếc tôi phải phá vỡ kế hoạch của ông, nhưng tôi đề nghị ông hộ tống người khác”.

“Ô, thế cũng được. Tôi nghĩ ông đã xiêu lòng vì cô gái hệt như búp bê Hà Lan đó rồi”.

“Người mà ông sẽ đi cùng là Mary Drower – và tôi yêu cầu ông không được rời cô bé nửa bước”.

“Nhưng tại sao thế, Poirot?”

“Bạn thân mến ơi, vì tên của cô bé bắt đầu bằng chữ D. Chúng ta không được liều lĩnh”.

Tôi thấy Poirot nói rất có lý. Thoạt đầu có vẻ khó tin, nhưng rồi tôi nhận ra A B C cực kỳ ghét Poirot nên ắt hẳn hắn sẽ để ý từng đường đi nước bước của Poirot. Và nếu thế thì việc loại trừ Mary Drawer sẽ một cú trời giáng đối với ông ấy.

Tôi hứa sẽ không nuổt lời.

Tôi bước ra ngoài còn Poirot ngồi lại một mình trên chiếc ghế cạnh cửa sổ.

Trước mặt ông là một bàn quay roulette nhỏ. Ông quay nó khi tôi ra khỏi cửa rồi và gọi với theo:

“Màu đỏ – điềm tốt Hastings ạ. May mắn đã đổi hướng!”

— —— —— —— —— —— —— ——–

Chú thích:

[1] Gì cơ?

[2] Không sao đâu!

Bình luận