Tôi muốn tập chơi đánh “gôn” ngoài bãi cỏ kia được không ạ, Lucy hỏi.
– Tiểu thư Emma đáp:
– Tất nhiên là được. Thì ra chị cũng thích môn thể thao đó.
– Vâng, tôi đánh còn kém, nhưng tôi muốn tập cho khá lên. Môn giải trí này thú vị hơn kiểu đi dạo không mục đích.
Nằm trên chiếc ghế dài, ông già Crackenthorpe đột nhiên co giật mạnh, cụ làu bàu:
– Bên ngoài cái dinh cơ này, còn chỗ nào để dạo chơi nữa? Đâu đâu cũng chỉ thấy toàn vỉa hẻ, phố xá, nhà cửa chen chúc thảm hại. Vậy mà, tôi không nói sai đâu, chúng nó muốn bán cái dinh cơ này đi để lấy tiền xây những ngôi nhà ở chỗ khác, nhưng tôi không cho. Trừ phi tôi chết, chúng muốn làm gì thì làm, nhưng tôi còn sống thì đừng đứa nào mơ tưởng đến chuyện đó.
Tiểu thư Emma nhẹ nhàng nói:
– Nhưng thưa cha…
– Tao thừa biết, chúng nghĩ ra sao rồi, ông già ngắt lời con gái, toàn một bọn ăn cướp, thằng Cedric vô tích sự, thằng Horold lưu manh nhưng khoác áo thầy tu. Rồi thằng Alferd nữa. Tao lấy làm lạ, sao nó chưa tống cổ bố nó sang thế giới bên kia đấy. Nói cho đúng ra, nó muốn quá đi ấy chứ. Hôm Noel, chị có nhớ không, nó đã mưu mô với bác sĩ Quimper. Thậm chí nó còn hỏi thầm tao mấy câu ấy chứ.
– Con tưởng tất cả nhà mình đều bị rối loạn tiêu hoá đấy chứ, thưa cha?
– Chị định nói là ta ăn quá nhiều chứ gì? Nhưng do đâu cơ chứ? Tại trên bàn ăn lúc nào cũng đầy ắp thức ăn. Quá nhiều đấy, mà này, chị Lucy, sáng nay chị cho mỗi người những 5 củ khoai tây mà củ nào thì cũng to tướng. Hai củ là quá đủ rồi, kết quả là còn ba củ thừa. Phí phạm quá đấy!
– Không đâu, thưa cụ Crackenthorpe. Tôi chừa lại để làm món tráng trứng khoai tây theo kiểu Tây Ban Nha.
– Gớm nhỉ! – Ông làu bàu.
Lúc ra khỏi phòng, Lucy nghe rất rõ đoạn sau của câu nói:
– Con bé láu lỉnh khiếp. Hễ tao nói gì là nó chống chế được ngay. Nhưng phải công nhận nó biết nấu nướng và nhan sắc cũng khá.
Lucy thấy vui vui lúc quay về phòng để lựa một trong số những cây gậy đánh gôn cô mang theo đến Rutherford Hall. Cô ung dung ra khỏi toà nhà, đi nhanh ra chỗ đất trống, chọn một chỗ thuận tiện để tập. Vài phút sau, cô đánh hụt khiến quả bóng vọt ra xa, rơi trên sườn dốc của đường tàu. Lucy đã cố ý tạo ra như thế. Cô nhanh nhẹ leo lên bờ dốc để lấy. Liếc nhanh về phía toà nhà Rutherford Hall, không thấy ai nhìn, cô vạch những bụi cỏ dại phía dốc bên kia đường ray
Tuy nhiên, Lucy vẫn tiếp tục kiểm tra thêm khoảng cỏ bên dưới bụi cây gai. Sự kiên nhẫn của cô đã được đền đáp, cô thấy một hộp phấn nhưng loại rẻ tiền. Cô bọc lại cẩn thận vào khăn tay rồi tiếp tục tìm, nhưng không thấy được gì thêm.
Chiều hôm sau, Lucy lái xe của cô đến thăm “bà dì”.
Số nhà 4, đại lộ Madison, trong thành phố Brackhampton là một ngôi nhà không khác gì mấy ngôi nhà trên cùng đại lộ. Các cửa sổ chăng rèm đăng ten duyên dáng và màu trắng của bậc cửa còn bóng hơn cả quả nắm bằng đồng sáng loáng đầu sợi dây chuông. Lập tức cửa mở, một phụ nữ trung niên thái độ không được niềm nở mấy. Bà ta cau mày, nhìn Lucy bằng cặp mắt xét nét một lúc rồi mới để cô vào nhà.
Bà Marple thuê một phòng nhỏ trông ra vườn. Khoảnh vườn nhỏ nhưng các khóm hoa được chăm sóc tỉ mỉ. Căn phòng của bà sạch đến mức đáng gọi là “khiêu khích”. Ngồi trong ghế bành trước lò sưởi cháy, bà Marple đang móc ren.
Không rào trước đón sau gì hết, Lucy ngồi xuống chiếc ghế tựa trước mặt bà. Cô nói:
– Vậy là bà nói đúng, thưa bà Marple.
Rồi Lucy đưa ra những thứ cô tìm thấy, đồng thời kể chi tiết nhỏ kèm theo mỗi thứ. Khuôn mặt bà Marple đỏ ửng lên. Bà lẩm bẩm:
– Có lẽ chẳng nên kiêu căng, nhưng một linh cảm riêng tư khi được chứng thực là đúng cũng làm con người thấy dễ chịu trong lòng.
Bà trỏ vào mảnh vải lông thú:
– Bà Gillicuddy bạn tôi đã quả quyết rằng nạn nhân mặc áo măng tô bằng lông thú đã cũ, cho nên màu đã nhạt. Còn hộp phấn này, tôi đoán là trong túi áo nạn nhân rơi ra, lúc cái xác rơi trên cửa sổ toa tàu xuống, trượt theo sườn dốc của đường ray. Cô không lấy về toàn bộ mảnh áo rách ra đấy chứ?
– Không, thưa bà. Tôi để lại đấy một mảnh còn vướng lại trong bụi gai.
– Cô thông minh lắm, Lucy. Bởi thế nào cảnh sát cũng kiểm tra lại.
– Vậy bà định đưa ra những thứ này cho cảnh sát?
– Để nghĩ đã…
Bà suy nghĩ vài phút rồi nói tiếp:
– Chưa nên đi vội! Tôi nghĩ rằng chúng ta phải tìm ra được tử thi đã. Cô tán thành không, Lucy?
– Liệu tôi có đủ sức làm việc đó không? Bởi nếu như các dự đoán của bà đúng hết thì hung thủ đã đẩy tử thi ra khỏi toa tàu, rồi hắn xuống ga Brackhampton. Tiếp đó, có thể ngay trong đêm hôm đó, hắn lấy đi tử thi. Nhưng sau đấy thì thế nào? Hắn có thể giấu nó ở bất cứ chỗ nào…
– Sao lại bất cứ chỗ nào? Hoàn toàn không phải thế – bà Marple dịu dàng nói.
– Vậy bây giờ bà lại cho rằng vụ án mạng này là do hung thủ có tính toán từ trước?
– Quả là hôm trước, tôi chưa nghĩ ra được như thế. Điều đó hiểu được thôi. Lúc đầu, tôi đoán giữa hai người nổ ra cuộc cãi cọ, rồi người đàn ông trong lúc giận dữ đã bóp cổ cô kia. Đến lúc đó, y mới thấy đứng trước mặt là một vấn đề nan giải, làm thế nào chỉ trong vài phút, phải xóa hết mọi vết tích. Nhưng bây giờ, tôi thấy nếu cho rằng nguyên nhân vụ án chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thì tức là chúng ta nhìn sự việc quá dễ dãi. Nói cụ thể hơn, chúng ta quá đơn giản nếu cho rằng người đàn ông trong cơn nóng giận, không kìm được đã giết người phụ nữ, rồi bối rối chưa biết giấu xác chết đi đâu, anh ta đột nhiên nhìn ra cửa sổ toa tàu, và đúng lúc đó đoàn tàu đang chạy trên một vòng cung, đường ray đã được đắp cao, bên dưới là dốc và chính lúc đó y mới nghĩ ra đợi đến chỗ cong nhất, hất cái xác xuống, để sau này đem đi giấu ở một nơi khác. Quay lại vấn đề, nếu như hung thủ hất bừa xuống thành dốc của đường ray, tất sau đó hắn phải lẩn trốn ngay, không dám ở lại để làm những hành động tiếp theo. Và nếu như thế, tất người ta sẽ nhanh chóng tìm ra cái xác. Nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Lucy im lặng, đăm đăm nhìn bà già không chớp mắt.
Bà Marple nói tiếp:
– Ở đây, án mạng đã được hung thủ chuẩn bị hết sức tỉ mỉ, tinh vi, chu đáo, cô thấy không? Còn thứ gì “vô danh” bằng đoàn tàu? Một mình cùng nạn nhân trong một ngăn hành khách, đoàn tàu lại không có phòng ngủ, bất cứ lúc nào cũng có thể có người đi ngang qua, nguy hiểm biết mấy! Nếu không tính toán tỉ mỉ, hung thủ đã không dám gây án. Nhất là nếu ta xét cách hắn hành động sau khi gây án! Cho nên có thể suy ra: hung thủ biết dinh cơ Rutherford Hall từ trước. Đó là điều không thể không có. Tôi đã nghiên cứu kỹ vị trí của dinh cơ Rutherford. Đó là một trang viên rộng mênh mông, bên trong chỉ có mỗi một toà nhà. Dinh cơ này gần giống một hòn đảo, được đoạn vòng cung của đường ray bao bọc gần hết.
– Đúng như thế. Khu dinh cơ đó giống như một thứ sót lại từ xa xưa, so với thế giới hiện đại bao quanh. Nó liên hệ với bên ngoài chỉ thông qua vài chuyến nhân viên cửa hàng mang thực phẩm đến vào mỗi buổi sáng.
– Cô để tôi nói tiếp dòng suy nghĩ của tôi, ngay đêm hôm đó, hung thủ đến Rutherford Hall. Hắn hành động rất chắc chắn, bởi khi đẩy tử thi kia ra ngoài đoàn tàu, trời đã tối đen. Và hắn yên tâm là nội trong đêm hôm ấy chưa thể ai phát hiện ra được.
– Điều đó gần như chắc chắn.
– Vậy là đêm hôm đó, hắn đến biệt thự đó rồi tiến hành chuyển cái xác đi, nhưng bằng cách nào? Có hai khả năng cần tìm hiểu: một là hắn đưa đi bằng ô tô, nhưng đi đường nào? Cô có ý kiến gì về việc này không?
Lucy suy nghĩ một lát rồi nói:
– Chỉ có thể bằng một con đường nhỏ men theo tường nhà máy. Nếu hắn dùng con đường ấy thì hắn phải đỗ ô tô bên cạnh cổng vòm, rồi đi bộ ra chỗ tử thi lăn xuống.
Bà Marple nói:
– Rồi hắn đem cái xác đến một chỗ đã tính trước. Nhưng nếu thế hắn phải chôn nó.
Lucy vẻ dò hỏi, khiến cô gái ngập ngừng một chút rồi mới đáp:
– Đến đoạn ấy thì rất khó đoán hắn làm thế nào.
Bà Marple gật đầu:
– Hắn không thể chôn bên trong khu vực Rutherford Hall, mất rất nhiều công mà lại nguy hiểm. Trừ khi hắn chọn trước được một chỗ đất mềm, loại đất đã được cày xới một lần.
– Nếu vậy thì chỉ là trong vườn. Nhưng ngôi nhà của bác trồng vườn lại ở ngay gần đấy. Tuy bác ta đã già và nghễnh ngãng, nhưng vẫn có thể biết.
– Trong nhà ấy có chó không?
– Không.
– Nếu vậy rất có thể hung thủ giấu tử thi vào một nhà kho hoặc một gian hầm bỏ không.
– Cách đó thì được đấy, bởi Rutherford Hall có rất nhiều gian, kể cả chuồng ngựa, hoàn toàn bỏ không.
Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa: bà Florence trung thành bưng nước vào. Bà nói:
– Hôm nay có khách, tôi thấy bà chủ vui hẳn lên, mời bà chủ dùng thứ bánh ga tô bà vẫn thích.
– Bà Florence này thuộc lòng tất cả những thứ gì tôi thích, bà Marple nói.
Đợi người hầu phòng cũ ra ngoài, bà Marple mới nói tiếp:
– Ta giải lao ăn uống chút ít đã. Nghĩ đến chuyện đó mệt quá.
Chiều hôm sau, Lucy tiếp tục cuộc tìm kiếm, lần này ở ngay trong khu vực toà nhà. Lucy chui cả vào kho chứa củi. Lúc chuẩn bị ra, cô nghe tiếng người gọi. Cô quay lại thấy bác trông vườn có vẻ phẫn nộ.
Bác ta gắt:
– Cô phải cẩn thận, bậc lên xuống và sàn nhà kho đã mục nát lắm rồi đấy.
Lucy không giấu nổi vẻ ngạc nhiên:
– Bác nghĩ tôi quá tò mò phải không? Vấn đề là tôi nhận thấy tất cả những thứ cũ kỹ này nên phá hết đi lấy đất trồng trọt thì hơn. Bỏ không thế này chỉ tổ mục nát mà thôi.
– Bây giờ cô mới nói thì đã muộn rồi. Cụ chủ thừa biết là con cái cụ đang mong cụ chết đi cho mau.
– Cụ chủ giàu lắm phải không bác?
– Chứ còn gì nữa! Cơ man nào là tiền! Nhưng tôi nói cô biết, tiền bạc đã tàn phá cái gia đình này. Cụ cố thân sinh ra cụ chủ ngày nay xưa kia là người tính tình quyết đoán. Ai mà cản chân cụ thì chết với cụ. Nhưng cụ cố lại rất rộng rãi với ai hầu hạ cụ. Cụ có hai con trai, nhưng cụ chẳng vừa lòng ông nào. Cụ cho cả hai con theo học đại học Oxford, nhưng cả hai ông con học xong đều khinh bỉ nghề kinh doanh. Người con cả lấy một nữ nghệ sĩ, rồi chết trong một tai nạn xe hơi lúc đang say rượu. Cụ chủ bây giờ là con thứ hai thì chẳng hiểu sao, sau một thời gian bỗng say mê đồ cổ, đi ngao du khắp nơi, tha về hàng xe pho tượng cổ và mọi thứ đồ lẩm cẩm. Thời bấy giờ cụ Crackenthorpe còn trẻ, chưa hề quan tâm đến tiền bạc. Nhưng rồi chẳng bao lâu, tâm tính cụ đổi ngược, khiến cụ cố rất ghét con.
Lucy lắng nghe hết sức chăm chú. Bác già làm vườn tựa lưng lên bức tường vẫn mải mê kể chuyện xưa.
– Cụ cố mất năm 1928.
– Và ngay năm đó, cụ chủ bây giờ được thừa kế toàn bộ dinh cơ Rutherford Hall này chứ gì? Lucy hỏi.
– Đúng thế. Cụ bèn cùng con cái dọn về đây.
Bác già làm vườn kể thêm nhiều chi tiết nữa nhưng Lucy thấy chỉ toàn những thứ cô không cần quan tâm. Cô nói:
– Thôi tôi không muốn làm bác mất thời giờ thêm nữa.
– Vào giờ này tôi có phải làm gì đâu? Mà trời cũng tối rồi.
Lúc quay vào nhà. Lucy thấy tiểu thư Emma đi về phía mình, tay cầm lá thư. Tiểu thư nói:
– Mai, thằng cháu Alexander của tôi về đây nghỉ cùng với một đứa bạn học. Phòng của nó ngay bên trên cổng tò vò, còn phòng bên cạnh, chị dọn dẹp để cho bạn nó nghỉ. Tên thằng bé ấy là James Stoddard West.
– Vâng thưa cô chủ. Tôi sẽ lo tất cả những chuyện đó.
– Hai đứa sẽ đến đây trước bữa ăn trưa. Tôi đoán chúng sẽ đói lắm đấy.
– Tất nhiên rồi. Tôi sẽ làm món thịt bò rán, có lẽ thêm món bánh ngọt nhân kem nữa, tiểu thư nghĩ sao ạ?
– Thế thì còn gì bằng.
Hai cậu thiếu niên đến Rutherford Hall vào buổi sáng. Alexander mắt xanh, tóc vàng còn Stoddard West mắt đen, tóc đen, đeo kính cận.
Trong bữa ăn, chúng trò chuyện sôi nổi với nhau về những trận thi đấu thể thao, rồi chuyển sang chuyện về vũ trụ. Thỉnh thoảng chúng có giọng nói như các giáo sư khi bàn đến những đề tài cao siêu. Nghe hai đứa trẻ nói, Lucy có cảm giác cô còn trẻ hơn chúng.
Tuy trò chuyện huyên thuyên, chúng vẫn ăn rất hăng. Cả chảo thịt bò rán và đĩa bánh nhân kem hết nhẵn, khiến cụ chủ phải kêu lên:
– Hai đứa chúng bay làm tao sạt nghiệp mất thôi!
Elexander cau mặt nói:
– Nếu ông không có khả năng mua thịt thì cháu ăn bánh mì với pho mát cũng xong.
Cụ chủ rất ngượng thấy thằng cháu ăn nói như thế trước mặt người ngoài. Cụ nói:
– Tất nhiên tao có khả năng. Có điều tao không chịu nổi sự phí phạm.
Stoddard cảm thấy phải nói thêm vào:
– Cụ thấy đấy, chúng cháu có phí phạm gì đâu ạ? Nó nói và nhìn vào mấy chiếc đĩa sạch trơn.
Lúc hai đứa thiếu niên ra khỏi phòng ăn, Lucy nghe thấy Alexander bảo bạn nó:
– Mày cứ mặc ông ngoại tao, cụ bị nhiễm tật mặc cảm đấy mà.
“Thế hệ trẻ bây giờ như thế đấy”, cô thầm nghĩ.
Chiều hôm đó, Lucy lại “đi dạo” nơi khác. Biết hai đứa trẻ chơi bóng ở khu đất trống, cô đi sang hướng khác. Cô đang dùng cây gậy chơi “gôn” chọc vào một lùm cây thì tiếng Alexander nói làm cô giật nảy người:
– Cô tìm gì thế, cô Lucy?
– Quả bóng, Lucy ứng đối rất nhanh. Nói đúng ra thì nhiều quả, tôi đã tập không phải một lần và làm bóng rơi vào bụi cây bao nhiêu quả. Hôm nay nhân tiện nhặt một thể.
– Tất nhiên rồi, Alexander nói. Nhưng chắc cô chưa biết trong nhà này có cả một dụng cụ dùng để đánh “gôn” cỡ nhỏ, cất chỗ nào đó dưới gầm cầu thang thì phải? Ba cô cháu mình có thể lấy ra dựng trên bãi cỏ này để chơi. Cậu nghĩ sao, Stoddard?
– Hết ý, cậu học sinh kia ưỡn ngực đáp.
Cách ăn nói của hai đưa trẻ làm Lucy ngạc nhiên. Thấy vậy, Alexander nháy mắt nói:
– Bạn cháu nói theo kiểu khán giả đi xem những trận đấu “gôn” quốc tế đấy thôi.
Quả là đám trẻ bây giờ nói năng nghe rất lạ tai.
Lát sau, khi quay về nhà, Lucy thấy hai đứa trẻ đã tìm ra được bộ dụng cụ.
– Các tấm ghi số bị han gỉ cả rồi, Stoddard nói.
– Không sao, chỉ cần sơn lại là xong, Lucy nói. Mà việc đó thì hai cậu làm thừa sức.
– Tuyệt! Alexander nói. Hình như trong “bảo tàng” vẫn có mấy hộp sơn thì phải.
– Bảo tàng? Lucy ngạc nhiên. Tức là chỗ nào?
– Tận cuối bãi cỏ ấy, bên phía đối diện với lối đi ra đường ray. Con đường đi ra chỗ ấy đất trũng xuống cho nên khuất nẻo, ít ai nhìn thấy. Đó là một ngôi nhà, ông cháu bảo xây theo kiểu kiến trúc từ thời Nữ hoàng Elisabeth, nhưng cháu không tin.
– Vậy mà chưa ai nói đến ngôi nhà ấy với tôi.
– Chắc vì ông cháu cất ở đấy những thứ đồ cổ chẳng khiến ai quan tâm. Đúng thế, toàn những thứ ngày xưa ông cháu tha về trong những chuyến ngao du của cụ trên khắp châu Âu. Cụ bảo toàn thứ quý, nhưng cháu chỉ thấy tất cả đều là đồ vớ vẩn. Cô muốn ra đấy xem không, cô Lucy?
Lucy tán thành ngay. Ba người đi luôn.
“Bảo tàng” ở khá xa toà nhà chính, tại một chỗ khuất, ít ai chú ý. Cánh cửa bằng gỗ sồi rất dày và nặng, đóng những chiếc đanh sắt rất to. Alexander kiễng chân lấy chìa khoá móc trên một cái đanh lấp bên trong bức tường nhô ra. Cậu mở khoá, mời Lucy vào.
Chỉ cần đưa mắt bao quát một lượt, Lucy đã đủ thấy những đồ vật ở đây toàn thứ linh tinh, vô giá trị. Một số bức tượng bán thân vua chúa thời La Mã đặt lộn xộn, không theo một trật tự nào hết. Vài chiếc ghế kiểu cổ trông rất lạ. Lọ, cốc thời xưa, những đồng tiền cổ và rất nhiều thứ vặt vãnh khác. Trong cùng là một chiếc quan tài thời cổ rất to, đặt trên một cái giá gỗ thảm hại, kiểu quan tài thời Hy Lạp – La Mã dùng để đựng xác ướp các vua chúa và nhân vật nổi tiếng. Chiếc quan tài chạm trổ tỉ mỉ, trông càng ảm đạm bên cạnh pho tượng thần Vệ Nữ duyên dáng to bằng người thật. Còn vài chiếc bàn 3 chân kiểu trung đại và một chiếc giường cong như con thuyền của vua chúa ngày xưa.
– Chắc mấy hộp sơn nằm trong góc kia.
Alexander vén tấm rèm mầu xẫm chui vào bên trong. Lucy vào theo. Quả là có rất nhiều hộp sơn phủ bụi đầy bụi bậm, cả một bó chổi lông để quét sơn nữa. Nhưng do lâu ngày không dùng, các chổi bết lại cứng ngắc.
– Ngâm vào cồn dầu thông là mềm lại ngay, – Lucy nói.
2 đứa trẻ lập tức tính chuyện sang bên phố mua dầu thông. Lucy thầm ngĩ, vậy là mấy hôm tới, 2 đứa trẻ này bận bịu về dụng cụ chơi “gôn” sẽ không quan tâm đến mình nữa.
Trong lúc 2 đứa trẻ bàn cách mượn xe đạp để đi, Lucy nói:
– Ai lại để gian nhà này bụi bặm mốc meo thế này. Tôi phải quét sơ qua một cái. Nhưng lát nữa đóng cửa, tôi lại treo chìa khoá vào chỗ cũ chứ?
– Tất nhiên rồi. Cô đừng lo ai lấy những thứ dớ dẩn này. Vả lại toàn những thứ nặng như cùm, ai khuân nổi?
2 đứa trẻ đi xong, Lucy chợt nghĩ: “Mất công dọn dẹp cái kho này làm gì!” Cô đã thấy kinh tởm cái mùi mốc meo, ẩm thấp trong này và muốn ra khỏi đây càng nhanh càng tốt. Đột nhiên mắt Lucy dừng lại chỗ chiếc quan tại thời cổ.
Chiếc quan tài quả là lạ… Theo bản năng, cô bước đến gần ngắm nghía. Nắp quan tài cũng bằng đá, rất nặng. Suy nghĩ một chút, cô chạy vội ra phía cửa, vào một gian nhỏ bên cạnh lấy cây xà beng. Nhìn ra ngoài, thấy không có ai, cô quay vào “bảo tàng”.
Nắp quan tài bằng đá, bẩy lên không dễ dàng gì. Lucy dùng hết sức mình ấn xà beng. Nắp quan tại từ từ nâng lên, đến mức đủ để cô ngó vào.